Hỏi: Đời Phục Hy chế ra lưới để giăng bắt chim, thú, như vậy vua Phục Hy có sai trái chăng?
Đáp: Bắt cá, lưới chim là những việc người nông dân cho đến đứa trẻ con đều làm được, cần gì phải đợi vua Phục Hy dạy bảo? Hẳn là vào thuở hồng hoang chim thú quá nhiều, nếu không có sự phòng vệ e chúng có thể gây nguy khốn cho con người. Rất có thể là vua Phục Hy đã dạy dân dùng lưới để phòng vệ quanh nơi cư trú, cũng chưa biết chừng. Hoặc giả nếu không như thế thì việc bắt thú đánh cá vốn đã thịnh hành vào thời Phục Hy rồi chăng, cũng chưa biết được.
Nếu nói rằng vua Phục Hy dạy người giết hại thì tôi e rằng những phường chài lưới thô thiển hẳn đã là quan lớn trong triều Phục Hy, mà những kẻ mở lưới thả chim [như vua Thành Thang], thả cá biếu vào hồ nuôi [như Tử Sản nước Trịnh] đều phải xem là có tội không nhỏ. Trong tập Thi tử có câu: “Vào đời Phục Hy, trong thiên hạ cầm thú quá nhiều nên vua dạy người săn bắt.”
Hỏi: Về chuyện Phục Hy như vậy tôi đã rõ, nhưng còn chuyện Tây Bá hầu nuôi dưỡng người già, ấn định con số gà mái và lợn nái thì giải thích thế nào?
Đáp: Những việc làm của bậc thánh nhân thời xưa, cũng có việc nên noi theo, cũng có việc nên sửa đổi, như những cách dùng gút dây để ước hẹn kỳ hạn, đào hang hố làm thành cung điện, đều là những việc người đời nay không cần làm theo nữa. Tục ngày xưa [khi cúng tế cho con em mình] làm cốt thi, rồi cha mẹ, anh chị đều quỳ bên dưới mà khấu đầu lạy [đứa trẻ ấy], thật điên đảo trái nghịch biết bao? Ngày nay cúng tế chỉ đặt chỗ ấy một cái ngai trống tượng trưng thôi, sao vẫn được bình an? Cho nên biết rằng, việc ngày nay không nuôi gà lợn cũng chưa hẳn đã là không khéo làm theo đúng ý Văn vương.
Huống chi cái thuyết “năm con gà mái, hai con lợn nái” cũng chỉ là để nói lên sự sung túc của người dân khi ấy mà thôi. Hơn nữa, việc nghi lễ cúng tế ắt có quan chuyên trách, bậc thánh nhân lẽ nào lại phải xem xét đến những chuyện [nhỏ nhặt như] gà, lợn ấy sao? [Kinh Thư, thiên Lập chánh nói rằng:] “Văn vương không quản đến những lời dị nghị, những việc hình ngục hay phạt vạ thông thường, [mỗi việc đều có quan chuyên trách lo liệu,] lẽ nào lại quan tâm đến chuyện sinh đẻ của các giống gà, lợn, đến nỗi đưa ra quy định về số lượng? Huống chi loài vật các nơi số lượng khác biệt nhau, trạng thái cũng chẳng giống nhau, làm sao có thể phán định dứt khoát phải là năm con, hai con? Cứ theo lý mà suy thì việc ấy chưa hẳn đã là thật có. Nếu không, làm sao có chuyện Văn vương quan tâm đến cả bộ xương khô? Xương khô là vật vô tri vô giác mà còn được ông quan tâm đến, ban ân trạch chôn cất tử tế, huống chi đối với con vật có tri giác thì lẽ nào lại ban lệnh giết hại? Cách hiểu như thế thật chẳng khác nào trẻ con. Cho nên mới nói rằng: “Nếu quá tin vào sách, chẳng bằng không đọc sách.”
Hỏi: Khổng tử dạy việc không giết hại, bất quá chỉ “không dùng lưới bắt, không bắn chim đang ngủ đêm” là đủ, chưa từng cấm hẳn việc câu cá, bắn chim. Nay muốn ngăn cấm hoàn toàn việc giết hại, phải chăng là cho rằng không nên làm theo lời Khổng tử?
Đáp: Ông có hiểu được ý nghĩa của Khổng tử khi đề cập đến việc câu cá, bắn chim đó chăng? Nói câu cá, là [chỉ ra sự tàn nhẫn của việc câu cá] để dẫn người ta đến chỗ không dùng lưới bắt, nói bắn chim, là [chỉ ra sự bất nhân của việc bắn chim] để giáo hóa người ta không tàn sát cả bầy chim đang ngủ trên cây. Người đời sau [không hiểu câu ấy,] cho rằng Khổng tử vì muốn giữ miếng ăn cho người cũng như có thịt cá dùng vào việc tế tự mà dạy như vậy, quả thật là nhận hiểu một cách hết sức thiển cận và sai lệch về bậc thánh nhân. Thử hỏi, người đời sau tôn kính đức Khổng tử có phải vì ngài giỏi câu cá, bắn chim chăng? Hay là vì phẩm chất đạo đức không ai hơn được? Nếu xem trọng những việc câu cá, bắn chim, ắt những kẻ chài lưới, săn bắn phải được xem là tài giỏi hơn Khổng tử rất nhiều.
Còn nếu tôn trọng ngài là do phẩm chất đạo đức không ai hơn, vậy xin hỏi phẩm chất đạo đức của ông có thể so bằng Khổng tử hay chăng? Nếu phẩm chất đạo đức không thể bằng được Khổng tử mà đã đem chuyện câu cá, bắn chim bắt chước theo Khổng tử, như vậy khác nào muốn học theo Nhan Hồi mà [không học sự hiền đức,] chỉ học riêng sự đoản mạng, học theo Tăng Tích mà [không học phong thái sái nhiên thoát tục,] chỉ học mỗi việc thích ăn táo đen. Than ôi, bắt chước họ Quách bẻ góc khăn đội đầu, ngưỡng mộ họ Lận mà đổi tên, cũng không đủ để trở thành họ Quách, họ Lận. Phải biết đem chỗ “không thể” của mình mà học theo cái “có thể” của Liễu Hạ Huệ, như vậy mới đáng làm bậc nam tử nước Lỗ, ông còn chưa biết chuyện ấy sao?
Hỏi: Người quân tử xem mạng người là cao quý, mạng súc vật là hèn kém, do đó giữ lấy sự cao quý mà giết mạng hèn kém cũng là lẽ đương nhiên. Nay xem mạng người với vật bình đẳng như nhau chẳng phải là hết sức viển vông vô nghĩa hay sao?
Đáp: Nếu luận theo đạo lớn của thánh hiền thì trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể. Cũng ví như tay với chân của người, tuy có phân biệt hơn kém, nhưng không thể lấy tay chặt chân. Nếu chỉ so sánh theo sự cao thấp nhìn thấy trước mắt, thì đến những kẻ tôi tớ trong bếp cũng biết mắng chửi loài súc sinh, đâu phải đợi đến người quân tử đưa ra thuyết [phân biệt] cao quý với hèn kém như vậy.
Hỏi: Nói rằng trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể, điều đó có thể khảo chứng ở sách nào?
Đáp: Ông chưa đọc qua [sách Trung dung của] Tử Tư hay sao? Tử Tư nói rằng: “Hiểu thấu tính mình ắt hiểu thấu được tính người, hiểu thấu tính người ắt hiểu thấu được tính của vật”. Phân tích cho kỹ một chữ “ắt” thì [thấy sự tương quan tất nhiên giữa mình với người, giữa mình với muôn vật, từ đó cái đạo lý “trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể”] có thể tự nhiên hiểu được rõ ràng. Nếu không như vậy thì làm sao nói rằng đạt đến chỗ “trung” có thể khiến cho trời đất đều được an ổn ở đúng vị trí, đạt đến chỗ “hòa” có thể khiến cho muôn vật đều được sinh trưởng nuôi nấng?