Người ta gặp những ngày tốt lành, cảnh tươi đẹp thì vẻ mừng vui lộ ra sắc mặt, nhưng loài vật vào những ngày ấy lại đau đớn trong lòng. Vì sao vậy? Vì con người khi ấy thì nhộn nhịp ăn uống mừng vui, còn loài vật thì hồn xiêu phách lạc; con người thì sum họp một nhà, còn loài vật thì mẹ con ly tán; con người thì mặc áo đẹp, chúc mừng nhau những điều tốt đẹp, món ngon vật quý bày ra nhiều như cỏ rác, còn loài vật thì máu me lênh láng, ruột đứt từng đoạn, tim gan óc não vung vãi trên mặt đất lẫn cùng cát bụi... Cho nên có thể nói rằng, vào những ngày nhân dịp mừng vui mà giết hại vật mạng chính là việc làm tàn nhẫn nhất của con người. Ví như đang lúc xuống dao giết hại mà bất chợt dừng tay tự xét lại mình, thì cho dù có món ngon vật lạ bày ra trước mắt, trong lòng cũng không khỏi thấy buồn đau thương xót. Kinh Phạm võng có nói đến giới “không thận trọng những lúc có việc tốt đẹp”, chính là muốn nói đến việc không biết răn ngừa hành vi giết hại vật mạng trong những dịp lễ mừng.
Ngỗng chết thay người
Vào cuối đời nhà Minh, tại Phủ Tường thuộc Hàng Châu có người họ Triệu vốn giàu lòng nhân từ, không hề giết hại vật mạng. Cuối năm, có kẻ mang đến biếu một con ngỗng, người nhà muốn giết thịt, ông hết sức ngăn cản. Đêm rằm tháng giêng, người nhà lại xin giết ngỗng, ông vẫn không cho. Lần lữa cho đến tiết Đoan Dương mồng 5 tháng 5, người nhà lại xin giết ngỗng, ông nạt bảo thôi, nhờ đó ngỗng lại thoát chết.
Ngày 17 trong cùng tháng đó, ông ngã bệnh, đến mồng một tháng sáu thì trở bệnh rất nặng. [Ông mộng] thấy có người áo xanh bắt ông đưa đến một chốn nha môn, lại có ba người đến dâng cáo trạng, vị trưởng quan tiếp nhận tất cả. Sau đó lại thấy có hai người quen cùng một bà họ Dương cũng bị dẫn đến.
Vừa đến lúc họ Triệu bị gọi ra chất vấn thì bỗng có một con ngỗng chạy đến nằm lăn trên đất, thốt ra tiếng người, bảo họ Triệu rằng: “Ông hãy đi đi, tôi đến đây thay thế cho ông.” Họ Triệu liền theo đường cũ mà về, nhìn thấy thi hài của chính mình đang còn được giữ lại chưa liệm vào quan tài đậy nắp, liền nhập hồn vào xác mà sống lại.
Ngày hôm ấy, con ngỗng bỗng tự lăn ra chết trong lồng. Hai người quen với bà họ Dương mà ông đã gặp trong mộng cũng đều chết trong cùng ngày hôm ấy.
LỜI BÀN
Chuyện sống chết, dù là cha con cũng không thể thay thế cho nhau. Họ Triệu tuy có ân đức với ngỗng, nhưng ngỗng làm sao có thể chết thay cho họ Triệu?
Nhưng tuy là như vậy, xét kỹ lại thì tánh pháp viên dung sáng suốt, trọn đủ nghĩa dung thông tương nhiếp, nên chỗ cảm ứng của tâm thành đâu có gì là không tương thông. Việc con ngỗng cứu họ Triệu, cũng không thể nói là không có lý.
Mừng sinh con không nên giết hại
Nhà giàu nếu sinh được một đứa con thì trân quý như ngọc báu, nhưng thấy một con vật lạc khỏi bầy liền [nghĩ ngay đến việc] bắt lấy làm món ăn. Đêm khuya thanh vắng thức giấc [tự xét mình], không khỏi thấy rằng tâm địa như thế thật tàn độc thái quá. Mong sao quý vị thường đọc kinh Địa Tạng [ắt sẽ thấy ra lẽ ấy].
Kinh dạy rằng: “Người ở cõi Diêm-phù-đề này, lúc mới sinh con phải biết thận trọng đừng làm việc giết hại vật mạng rồi tụ tập thân thích đông đảo cùng nhau ăn uống, như vậy sẽ khiến cho cả mẹ lẫn con đều không được an ổn vui vẻ.”
Theo đó mà xét thì muốn cầu cho con cháu lớn khôn, sống lâu hưởng phước, an ổn khỏe mạnh, chắc chắn là không nên giết hại vật mạng.
Người đời mỗi khi sinh con liền lập tức có không ít kẻ thô lậu phàm ăn tạp uống tranh nhau đến đòi uống rượu. Tuy miệng luôn nói là muốn chúc mừng mà trong lòng thật chỉ vì miếng ăn ngon ngọt. Người ngu si không thấy được động cơ thật sự của bọn ấy, nên mở tiệc nhỏ thì mổ gà giết vịt, tiệc lớn thì xẻ lợn đâm dê, khiến từ đời này cho đến kiếp sau, oán thù cứ nối nhau vay trả, thật hết sức vô nghĩa.
Làm thịt dê bị quả báo ngay
Vào đời nhà Đường, trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh, tại Trường An có người sinh con vừa đầy tháng, mở tiệc rất lớn chiêu đãi bạn bè thân quyến, định giết một con dê. Con dê ấy nhiều lần hướng đến người đồ tể mà bái lạy cầu xin, nhưng người ấy không quan tâm, cuối cùng cũng ra tay giết. Lát sau mang thịt dê cho vào nồi nấu. Người mẹ bế con đến xem, nồi nấu thịt dê tự nhiên vỡ tung, nước sôi đổ tràn xuống lửa nóng rồi bắn vọt lên như nhắm thẳng vào đầu, mặt của hai mẹ con. Chỉ trong chốc lát, cả hai đều bỏ mạng.
LỜI BÀN
Vào thời đức Phật còn tại thế, một quỷ vương nọ có 500 đứa con. Đứa nhỏ nhất tên là Tần-già-la. Quỷ mẹ rất hung bạo, thường bắt con trai, con gái của người mà ăn thịt. Đức Thế Tôn liền bắt lấy quỷ con Tần-già-la nhốt bên trong một cái bát úp xuống. Quỷ mẹ bay đi tìm khắp thiên hạ, đến bảy ngày vẫn không tìm được, liền đến thưa hỏi Phật xem quỷ con giờ ở đâu. Đức Phật hỏi: “Nhà ngươi có 500 đứa con, chỉ mất mỗi một đứa, sao buồn đau sầu khổ đến thế? Người đời sinh con, lẽ nào không thương yêu, sao ngươi nỡ ăn thịt?” Quỷ mẹ đáp: “Nếu con tìm được Tần-già-la, từ nay về sau thề không giết hại con cái của người đời.” Đức Phật liền chỉ chỗ để cái bát có giấu Tần-già-la bên trong. Quỷ mẹ và tất cả các con cùng nhau dùng hết thần lực để giở bát lên nhưng không thể lay động chút nào, liền quay sang cầu cứu đức Phật. Phật dạy: “Hãy thọ Tam quy, phát nguyện giữ theo Năm giới, con ngươi sẽ trở về.” Quỷ liền vâng lời Phật dạy. Đức Phật lại nói: “Hãy giữ giới cho tốt. Vào thời Phật Ca-diếp trước đây, ngươi từng là Vương nữ Yết-cơ. Bởi không giữ giới nên nay mới phải chịu quả báo đọa vào loài quỷ.”
Than ôi, người đời [hung bạo] như quỷ mẹ kia, [ăn thịt con cái của muôn loài] nào phải ít đâu?