Người đời nay chỉ vì hai chữ cơm áo mà [chọn theo nghề nghiệp giết hại, để rồi] phải nhận lãnh thiếu thốn khôn cùng, chịu đựng khổ đau cùng cực, kết thành oán cừu sâu nặng. Nhưng xét cho cùng thì việc chuốc lấy những thiếu thốn, khổ đau, oán cừu như thế đều là không cần thiết. Vì sao vậy? Kẻ chọn theo nghề nghiệp giết hại vật mạng, bất quá cũng chỉ để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng vợ con sao cho đủ đầy no ấm. Nhưng người chọn làm các nghề nghiệp khác cũng phụng dưỡng được cha mẹ, cũng nuôi nấng được vợ con no ấm. Cho nên, vì mưu sinh mà kết thành mối oán thù muôn kiếp một cách không cần thiết với những chúng sinh bị giết hại, chẳng phải là quá mê muội hay sao? Nếu nói rằng vì lỡ rơi vào nghề nghiệp ấy, không làm cũng không được, vậy lẽ nào kẻ rủi ro rơi vào hố xí lại cũng phải ở mãi trong đó suốt đời hay sao?
Than ôi, người đời nay đều nói rằng thay đổi nghề nghiệp là khó khăn, nhưng chẳng biết rằng nếu đợi đến lúc đã mang lông đội sừng, đọa vào kiếp thú, ắt phải cực kỳ khó khăn hơn nữa. Sao không nỗ lực vượt qua chút khó khăn nhỏ nhặt ngày nay để quyết tâm thay đổi nghề nghiệp, [ắt có thể tránh được những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong đời sau].
Xe cán nát thây
Ở Hàng Châu có người tên Phương Hồ, làm nghề đầu bếp, có mở thêm một cửa hàng bán thịt. Hàng Châu có tục lệ giết súc vật tế thần vào dịp cuối năm, Phương Hồ thường mang dao mổ đến xin được làm việc giết mổ thay người khác, quen lệ như vậy trải qua rất nhiều năm.
Về sau, Phương Hồ có lần đến Trường An, uống rượu say nằm ngủ bên lề đường. Bỗng có chiếc xe rất lớn chạy nhanh qua cán nhằm khiến cả vùng ngực bụng đều bị xé nát, cảnh tượng rất thê thảm, người người trông thấy đều bịt mũi mà đi.
LỜI BÀN
Người làm nghề giết hại vật mạng, đến khi chết bỗng phát tiếng kêu như dê, lợn, gà, chó... rồi trợn mắt lè lưỡi mà chết. Những chuyện từng được thấy nghe như vậy nhiều lắm, không thể ghi chép hết.
Những người ấy đều vì không biết đến Phật pháp, nên mới tạo nghiệp chướng nặng nề như vậy. Những bậc quân tử có lòng nhân hậu nên khởi tâm thương xót họ, tìm phương tiện thích hợp mà chỉ bày dạy dỗ, khuyên bảo họ thay đổi nghề nghiệp. Nếu có thể giúp họ hối cải mà thay đổi, thật không chỉ cứu sống được hàng vạn sinh linh, mà còn hơn thế nữa. Ví như vì việc ấy mà bị người khác cười chê là lo chuyện viển vông, cũng chẳng có gì đáng tiếc.
Khi chết biến hình như cá chạch
Ở Tú Châu có người tên Trần Ngũ, nướng cá chạch rất ngon, nhiều người tranh nhau mua. Về sau, Trần Ngũ mắc bệnh, nằm trên giường mà thân hình cứ giật nẩy, nhảy dựng lên, da thịt toàn thân đều bỏng rát. Người vợ ông ta khi ấy mới nói rằng, cách nướng cá chạch của ông ta hết sức tàn độc, nay mắc chứng bệnh này, trông hình trạng cũng mường tượng giống như khi cá chạch giẫy chết.
LỜI BÀN
Kinh Phật dạy rằng: “Ai cũng sợ đao trượng, không ai không tham sống.” Tôi thường thấy người đời cắt đầu cá chạch khi cá còn đang sống, đầu đứt lìa rồi mà thân hình vẫn còn giẫy giụa, thật nhẫn tâm quá! Không biết làm cách nào để ông Trần Ngũ kia có thể sống dậy mà kể lại câu chuyện của ông với những người giết cá chạch trong khắp thiên hạ!
Lươn bò ra từ ung nhọt
Huyện Ngô Hưng có một người chuyên nghề bán lươn. Về sau, tự nhiên trên người phát sinh nhọt độc, mỗi cái nhọt đều có hình như đầu lươn, mọc lên khắp cả thân hình, đau đớn khổ sở mà chết. Vợ con ông ta sau đó cũng nối tiếp nhau mà chết vì đói.
LỜI BÀN
Học sĩ Chu Dự có lần nấu món lươn, thấy một con lươn cong mình đưa phần bụng lên cao khỏi nước, trong khi đầu và đuôi đều chìm trong nước sôi. Ông liền mổ con lươn ấy ra xem, thì ra trong bụng có lươn con, vì thế nó cố cong người muốn tránh cho con khỏi chết vì nước sôi. Chu Dự thấy việc như thế, trong lòng hết sức xót xa, cảm động, từ đó về sau ăn chay, bỏ hẳn không ăn các món cá thịt.
Sám hối được vãng sinh
Vào đời nhà Đường có người tên Trương Chung Quỳ, làm nghề mổ gà. Về sau ông mắc bệnh, mơ hồ nhìn thấy một người mặc áo lụa đỏ xua một bầy gà đến, tranh nhau mổ vào hai mắt, hai tay của ông, đau đớn thấu xương tủy.
Có một vị lão tăng nghe biết việc này liền lập tức vì Chung Quỳ mà thiết trí nơi ấy một tượng Phật A-di-đà, thắp hương lễ Phật, xưng niệm thánh hiệu Phật A-di-đà, lại khuyên dạy Chung Quỳ chí tâm xưng niệm Phật hiệu. Vừa niệm Phật được khoảng nửa ngày, bỗng nghe có mùi hương lạ khắp nhà, Chung Quỳ nhắm mắt xuôi tay một cách an nhiên thanh thản.
LỜI BÀN
Kinh Địa Tạng dạy rằng: “Vào lúc một người lâm chung, nếu có người khác vì họ mà xưng niệm danh hiệu Phật, thì bao nhiêu tội chướng họ đã tạo trước kia đều dần dần tiêu mất, huống chi người ấy có thể tự mình chí tâm niệm Phật.”
Trương Chung Quỳ nhân việc nhìn thấy hình tướng xấu ác khủng khiếp hiện ra trước mắt mới hồi tâm niệm Phật, nên sự chí thành khẩn thiết của ông ta ắt phải vượt hơn lúc bình thường đến vạn vạn lần. Tuy có tội lỗi rất nặng, nhưng cũng giống như nhà tối ngàn năm, chỉ cần một ngọn đèn chiếu sáng là bóng tối phải tiêu tan. [Khi đã biết chí thành niệm Phật thì] có tội nào lại không diệt mất, có phước lớn nào lại không sinh ra?
Thuở xưa khi đức Phật A-di-đà còn chưa thành Phật có phát khởi 48 lời nguyện lớn, trong đó có nguyện rằng: “Vào lúc tôi thành Phật, tiếng niệm danh hiệu tôi vượt qua mười phương, hàng trời người nghe được đều vui mừng, hết thảy đều được sinh về cõi nước của tôi. Cho đến chúng sinh trong các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cũng đều được sinh về cõi nước của tôi.”
Cho nên biết rằng, bất luận là chư thiên hay người hoặc quỷ, chỉ cần biết chí tâm niệm Phật thì đều có thể được tiếp dẫn về Tịnh độ, chẳng phải là con đường ngắn nhất để vượt thoát ra khỏi luân hồi đó sao?