Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục »» Khuyên người phát tâm xuất thế »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục
»» Khuyên người phát tâm xuất thế

Donate

(Lượt xem: 5.898)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục - Khuyên người phát tâm xuất thế

Font chữ:


Vào thời đức Phật còn tại thế, một hôm tại tinh xá Kỳ Viên có bốn vị tỳ-kheo cùng nhau bàn luận xem trong thế gian này điều gì là khổ nhất. Một vị cho là sự dâm dục khổ nhất, một vị cho đó là sự đói khát, vị khác lại cho là sự sân hận, còn vị cuối cùng cho là sự kinh hãi sợ sệt. Bốn vị tranh luận không ngừng. Nhân đó, đức Phật dạy rằng: “Những điều các ông nêu ra để tranh luận đó, đều chưa phải là ý nghĩa cứu khổ. Sự khổ trong thế gian này, không gì hơn việc sở hữu cái thân. Những việc như đói khát, dâm dục, sân hận, oán cừu, thảy đều nhân nơi thân này mà khởi sinh. Cho nên, thân là gốc của mọi sự khổ não, là cội nguồn của tất cả những tai họa hoạn nạn.”

Xét riêng về chuyện dâm dục, có thân nữ ắt tự nhiên luyến ái với nam, có thân nam ắt tự nhiên luyến ái với nữ. Thanh danh bại hoại, tiết tháo tiêu tan, phước lộc hao tổn, tuổi thọ giảm thiểu, hết thảy đều do việc ấy. Ví như giữ được sự trong sạch đức hạnh, ắt nhờ đó được hưởng phú quý. Nhưng lúc được hưởng phú quý rồi, lại rất dễ tạo nghiệp ác. Chỉ cần một ngày làm ác đã phải chịu quả báo trong ngàn vạn kiếp, nên chỗ được không sao bù chỗ mất. Lại ví như lúc hưởng phúc vẫn siêng tu các nghiệp lành, ắt sẽ được sinh lên cõi trời. Nhưng một khi phước báo cõi trời đã hết, lại cũng phải quay trở lại luân hồi. Cho nên, trong kinh có nói: “Chuyển luân Thánh vương cai trị khắp bốn châu thiên hạ, có thể tùy ý bay trên hư không, nhưng hết phước rồi lại sinh làm một con trùng nhỏ sống bám nơi cổ trâu.”

Cho nên biết rằng, dù là nghiệp duyên phước báo, hết thảy rồi cũng quy về thành nguyên nhân của sự đọa lạc, dù là địa ngục hay cõi trời, hết thảy cũng không ra khỏi luân hồi. Nếu không mạnh mẽ phát tâm xuất thế, một lòng hướng theo con đường giác ngộ, chỉ uổng công làm chuyện vụn vặt tầm thường, hôm nay làm thiện, ngày mai tạo ác, loay hoay xoay chuyển mãi trong ba đường ác, không thoát khỏi tám nan xứ, thật không phải chỗ hướng đến của bậc nam tử trượng phu.

Tuy nhiên, khúc nhạc thanh cao hiếm người hòa nhịp, những lời này chỉ có thể nói với bậc thượng căn trí tuệ mà thôi.

Đức Phật đản sinh

Đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni vốn đã thành đạo từ vô lượng kiếp trước đây. Vì muốn cứu độ chúng sinh nên ngài đã phân thân thành vô số ứng hóa thân, ở khắp các thế giới khác nhau đều thị hiện đản sinh. Chỉ lấy riêng sự kiện hóa thân của đức Thích-ca [đản sinh] ở thế giới này mà nói, thì chính là thái tử [Tất-đạt-đa] con vua Tịnh Phạn ở nước Thiên Trúc. Trước khi đản sinh, ngài ở tại cung trời Đâu-suất, tên là Bồ Tát Thiện Tuệ.

Thuở ấy, nước Thiên Trúc có vị thánh vương là vua Tịnh Phạn, thánh hậu là phu nhân Ma-da, đều là những vị cổ Phật trong quá khứ, hiện thân làm bậc quốc vương, quốc mẫu. Bồ Tát cưỡi con voi trắng sáu ngà, từ trên hư không giáng hạ, nhập vào hông bên phải của đức thánh mẫu, sau đó bà lập tức cảm thấy thân thể an vui khinh khoái như được uống nước cam lộ, trí tuệ biện tài cũng đồng thời tự nhiên có đủ. Những món ăn kỳ diệu của chư thiên cõi trời cũng tự nhiên hiện đến đầy đủ cho bà.

Đến kỳ sinh nở, thánh mẫu cùng cung nữ dạo chơi trong vườn, tình cờ đưa tay phải lên vịn cành hoa ba-la-xoa. Ngay lúc ấy, thái tử từ hông bên phải của thánh mẫu đản sinh, phóng tỏa hào quang chói sáng khắp trong trời đất, có ngàn vạn thánh chúng đồng thời hiện ra vui mừng tán thán. Từ trong lòng đất bỗng tự nhiên nổi lên hai hồ nước thơm, một hồ nước lạnh, một hồ nước nóng, để tắm thân thái tử. Trên không trung lại hiện ra chín con rồng phun nước xuống, bốn vị thiên vương cùng hiện ra bế thân thái tử, vua trời Đao-lợi dùng y phục cõi trời đón lấy.

Khi ấy, thái tử liền hướng về các phương, mỗi phương đều tự mình bước đi bảy bước, nói lên rằng: “Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý nhất.”

Khi ấy, đức vua Tịnh Phạn đang ngồi trên bảo điện cùng quần thần bàn việc nước, bỗng nghe có vị đại thần nổi trống hoan hỷ, tâu lên việc đản sinh thái tử. Mọi người muốn đưa xe báu [của thánh mẫu và thái tử] quay lại nhập cung, thiên thần Tỳ-thủ-yết-ma lập tức hóa hiện ra xe bằng bảy món báu, bốn vị thiên vương làm người đánh xe. Chư thiên cõi trời đều hiện xuống giữa hư không, đốt lên những hương thơm nhiệm mầu kỳ diệu để cúng dường thái tử.

Thái tử sinh ra có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Mười chín tuổi ngài xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo. Đó là chỉ nói qua những điều sơ lược nhất, chi tiết tường tận xin xem tại các kinh trong Đại tạng, ở đây không thể nói hết.

Không nhiễm duyên trần

Bấy giờ, vua Tịnh Phạn mang đầy đủ lễ vật hỏi cưới công chúa Da-du-đà-la về làm thái tử phi, cùng với hai thứ phi khác nữa tên là Cù-di và Lộc-dã. Như vậy, thái tử có ba người phi.

Vua lại cho xây dựng ba cung điện, số cung nữ hầu hạ là ba ngàn người. Cung nữ thuộc cung thứ nhất lo việc hầu hạ thái tử từ lúc đầu hôm, cung thứ hai hầu hạ trong khoảng giữa đêm, cung thứ ba hầu hạ trong khoảng sau giữa đêm về sáng. Trong cung lúc nào cũng tấu lên ngàn vạn khúc nhạc du dương, ngày đêm không dứt.

Thái tử vẫn thường cùng với các phi tần đi đứng nằm ngồi, nhưng tuyệt nhiên không hề khởi lên những ý niệm thế tục. Trong đêm thanh vắng ngài chỉ chuyên tu tập thiền quán, chưa từng cùng với các phi tần làm chuyện như vợ chồng.

Bồ Tát hàng ma

Khi thái tử đến ngồi dưới gốc cây bồ-đề nhập vào thiền định, Ma vương Ba-tuần thấy thái tử tu hành dũng mãnh, muốn phá hoại đạo hạnh của ngài, liền tập trung hết thảy thiên ma, rồng độc, ác quỷ, cùng kéo đến nơi thái tử đang tu tập, hiện vòng đao, tên lửa từ bốn phía cùng ồ ạt tiến vào. Thái tử nhập tam-muội khởi tâm đại từ, [khiến chúng ma] không thể làm hại gì được.

Ma vương Ba-tuần hết sức tức giận, liền sai ba đứa con gái mình, đội mũ cõi trời, thân đeo chuỗi anh lạc, dung nhan hết sức xinh đẹp rực rỡ, đi trên xe bằng bảy báu có che màn báu, cùng vô số ngọc nữ theo hầu, tấu lên âm nhạc cõi trời êm dịu du dương, lại tỏa ra mùi hương thơm quyến rũ từ mỗi lỗ chân lông trên người. Các ma nữ ấy đi đến chỗ thái tử liền dừng xe bước xuống, dáng đi khoan thai, cùng đến chắp tay lễ kính thái tử, sau đó cầm bình báu trong tay có đựng đầy nước cam lộ cõi trời dâng lên cho thái tử, nói rằng: “Thái tử từ lúc sinh ra đã có muôn ngàn thiên thần hộ vệ, sao lại vất bỏ địa vị tôn quý như vậy mà đến ngồi dưới gốc cây này? Chúng tôi là con gái Thiên vương, trong sáu tầng trời [của Dục giới] không ai hơn được, nay nguyện đem thân phụng sự thái tử, cúi mong ngài nhận lời cho.”

Bấy giờ thái tử không chút dao động thân tâm, chỉ từ nơi khoảng giữa hai chân mày màu trắng [phóng ra ánh sáng] hướng về phía ba cô ma nữ, khiến họ tự nhiên nhìn thấy được [sự thật] trong thân thể mình toàn là máu, mủ, đờm dãi, gân mạch, cho đến chín lỗ thông ra bên ngoài, rồi ruột già, ruột non, gan, mật, phèo phổi... mỗi phần đều có vô số những con trùng nhỏ li ti sinh sống, bơi lội qua lại trong đó. Ba ma nữ [nhìn thấy vậy rồi] lập tức [ghê tởm] nôn mửa. Họ lại tự thấy một người hóa thành đầu rắn, một người hóa ra đầu chồn, còn một người thì hóa ra đầu chó. Trên lưng mỗi người đều cõng một bà già tóc bạc, da mặt nhăn nheo, thân thể như xác người đã chết cứng. Trước bụng mỗi người đều thấy đang bế một đứa bé, mắt tai mũi miệng đều chảy ra chất mủ hôi hám. Ba ma nữ kinh hãi khôn xiết, líu ríu bỏ chạy về.

Chỉ ra chỗ xấu của mỹ nữ

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một người bà-la-môn sinh được cô con gái đoan trang xinh đẹp vô cùng. Ông ta treo một bảng cáo thị trước nhà nói rằng, nếu ai có thể chỉ ra được chỗ xấu của con gái ông thì sẽ được thưởng bằng vàng. Trong vòng 90 ngày, không thấy có ai đến chỉ trích cả.

Bấy giờ, người bà-la-môn kia dẫn cô con gái đến chỗ đức Phật. Đức Phật liền chê rằng: “Cô gái này quá xấu, chẳng có gì đẹp.” Ngài A-nan bạch Phật: “Cô gái đẹp thế này, vì sao Phật nói là quá xấu?”

Đức Phật liền dạy: “Mắt không bị huyễn hoặc bởi hình sắc giả tạm, ấy gọi là mắt đẹp; tai không nghe những tiếng tà mị xấu ác, ấy gọi là tai đẹp; lưỡi không tham muốn vị ngon, ấy gọi là lưỡi đẹp; thân không ưa thích những thứ lụa là mềm mại, ấy gọi là thân đẹp; tay không trộm cắp tài sản người khác, ấy gọi là tay đẹp. Cô gái này hiện nay mắt thì đam mê hình sắc, tai thích nghe tiếng thị phi, mũi tham muốn hương thơm, thân ưa thích lụa là, tay muốn lấy tài sản người khác, chỉ sơ lược kể ra như vậy đã thấy không có gì là đẹp cả.”

Phật phá trừ lòng dục của nam giới

Thuở xưa, ở nước Câu-thiểm-di có người tên là Ma-nhân-đề, sinh được một cô con gái đoan trang xinh đẹp, liền đưa đến chỗ đức Phật, tự nguyện cho con mình theo Phật nâng khăn sửa túi. Đức Phật liền hỏi: “Ông cho rằng con gái ông thật xinh đẹp lắm sao?” Ma-nhân-đề đáp: “Đúng vậy, con tôi thật rất đẹp, nhìn kỹ từ đầu xuống chân không có chỗ nào là không đẹp cả.”

Đức Phật dạy: “Thật sai lầm thay cái nhìn bằng mắt thịt. Nay ta nhìn con gái ông từ đầu xuống chân, chẳng thấy có chỗ nào đẹp cả. Ông nhìn thấy trên đầu là tóc, nhưng tóc ấy cùng loại với lông, cũng không khác gì lông nơi đuôi ngựa. Bên dưới tóc là hộp sọ, nhưng sọ ấy tức là xương, nếu so với xương trong đầu lợn đã giết mổ ra, thật cũng không khác. Trong sọ là não, hình dạng nhão nhoẹt chẳng khác chất bùn, nhưng lại có mùi hôi tanh khó ngửi, nếu như đổ tràn trên đất thì ai ai cũng ghê sợ không dám giẫm đạp lên. Cặp mắt đó lại giống như hố nước, thường chảy ra nước mắt. Trong mũi đầy nước mũi, trong miệng là đờm dãi... Bên trong thân là gan thận phèo phổi hết thảy đều tanh hôi. Trong ruột già, bàng quang thì chứa đầy phẩn dơ, nước tiểu. Chân tay chẳng qua là những đốt xương, gân tủy bọc trong lớp da, phải dựa vào hơi thở vào ra mà cử động, khác nào người máy bằng gỗ, cử động được là nhờ máy móc bên trong, nếu máy móc ngừng hoạt động ắt toàn thân đều tan rã, từng chi tiết bị tháo rời, chân tay vứt ra bừa bãi... Con người mà ta nhìn thấy bất quá cũng chỉ là như vậy, có chỗ nào là đẹp?”

Phật phá trừ lòng dục của nữ giới

Đức Phật hỏi cô Ma-đăng-già: “Ngươi thương yêu A-nan, đó là thương những gì [của A-nan]?”

Ma-đăng-già thưa: “Con thương mắt, mũi, miệng, tai của A-nan, con thương dáng đi đứng của A-nan.”

Phật dạy: “Trong con mắt chứa đầy nước mắt, trong mũi là nước mũi, trong miệng là nước bọt, trong tai đầy cáu ghét, trong thân thể chứa phân và nước tiểu, hết thảy đều hôi thối không trong sạch. Vợ chồng hòa hợp liền tiết ra những chất ô uế, trong chất tiết ô uế đó mà hình thành con cái, sinh ra con cái ắt có lúc chết đi, có chết đi ắt có khổ đau than khóc. Cái thân như thế, [đem lòng thương yêu] nào có ích lợi gì?”

Mục-kiền-liên khước từ phụ nữ

Trưởng lão Mục-kiền-liên sau khi xuất gia, tu hành chứng quả A-la-hán. Người vợ cũ trước đây của ngài muốn nối lại tình xưa, nên ăn mặc trang điểm thật xinh đẹp tìm đến, cố hết sức quyến rũ ngài. Trưởng lão Mục-kiền-liên liền đọc kệ dạy rằng:

Thân nhờ gân, xương đứng,
Da, thịt cùng che nhau,
Bên trong đầy nhơ nhớp,
Có gì tốt đẹp đâu?

Tâm ta đồng hư không,
Hoàn toàn không vướng mắc.
Dù gặp tiên giáng thế,
Cũng không hề đắm nhiễm.

Sa-di giữ giới

Thuở xưa, ở nước An-đà có một người ưu-bà-tắc, cúng dường một vị tỳ-kheo và một sa-di, ngày ngày lo việc cung cấp thức ăn. Một hôm, cả nhà đều đi vắng, chỉ còn một cô gái mười sáu tuổi ở nhà, dung mạo xinh đẹp vô cùng. Tình cờ, hôm ấy cô gái quên mất chuyện mang thức ăn đến chùa cúng dường. Đến giờ ăn, vị tỳ-kheo liền sai chú sa-di tự đi đến nhà người ưu-bà-tắc ấy để nhận thức ăn.

Cô gái nghe tiếng gõ cửa, biết là chú sa-di đến, mừng rỡ ra đón vào nhà, cử chỉ hết sức đa tình quyến rũ, lại nói với sa-di: “Tài sản nhà tôi nhiều lắm, không thể tính xuể, nếu anh chịu thương tôi, tôi sẽ làm vợ anh ngay.”

Chú sa-di tự suy nghĩ: “Không biết ta đã tạo tội gì mà nay gặp phải chuyện xấu ác này. Ta thà bỏ mạng cũng không thể hủy phá giới luật. Nhưng nếu giờ ta bỏ chạy khỏi nơi này, cô ta chắc chắn sẽ lôi kéo, chạy theo, người đi đường nhìn thấy thì hóa ra chuốc lấy sự ô nhục.”

Nghĩ như vậy rồi liền dùng phương tiện khéo léo, bảo cô gái: “Vậy cô hãy đóng cổng lại, để ta vào phòng nghỉ ngơi một lát rồi sẽ chiều theo ý cô.”

Cô gái nghe lời liền đi ra đóng cổng. Sa-di bước vào phòng, nhìn thấy một con dao cắt tóc thì mừng rỡ, liền cởi bỏ y ngoài, quỳ xuống chắp tay cung kính quay về hướng thành Câu-thi-na là nơi đức Phật nhập Niết-bàn, rơi nước mắt phát lời nguyện rằng: “Con nay không thể hủy phá giới luật của chư Phật, Bồ Tát [chế định], cũng như giới luật hòa thượng [đã truyền trao], nên quyết định tự xả bỏ thân này. Nguyện cho con được đời đời kiếp kiếp sinh ra đều xuất gia tu tập Chánh đạo, trọn vẹn thành Phật.”

Sa-di phát lời nguyện như thế rồi liền dùng dao tự đâm vào cổ mà chết, máu chảy lênh láng. Cô gái quay vào nhìn thấy, tâm tham dục lập tức nguội lạnh, hết sức hối hận, liền dùng dao tự cắt tóc mình.

Khi người cha quay về gọi cửa, không thấy ai ra mở, liền sai người leo qua cổng vào mở cửa. Vào nhà rồi, nhìn thấy con gái như vậy liền kinh hãi truy vấn nguyên do. Cô gái im lặng không đáp, suy nghĩ: “Nếu mình nói thật thì xấu hổ, nhục nhã quá. Nhưng nếu vu oan cho sa-di làm nhục mình thì chắc chắn sẽ phải đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng.” Suy nghĩ hồi lâu như thế, liền quyết định nói ra sự thật.

Người cha nghe rồi liền vào phòng, chắp tay cung kính lễ bái di thể. Đức vua nghe biết chuyện này cũng đến lễ bái, hết lời xưng tán ngợi khen. Những người nghe biết chuyện này, hết thảy đều phát tâm Bồ-đề, [cầu thành quả Phật].

Quả báo của tội ôm nhau ngủ

Tỳ-kheo Tăng Hộ sau khi ra khỏi cung điện của Long vương, đi đến một chỗ kia, thấy đủ hết thảy mọi chuyện rất đáng kinh sợ, như có những tòa nhà mà tường vách trụ cột đều do máu thịt chất thành, [tội nhân trong đó] bị lửa dữ thiêu đốt khổ sở, cộng tất cả có năm mươi sáu việc đáng sợ như vậy. Trong đó nhìn thấy có hai sa-di ôm nhau nằm ngủ, lửa dữ thiêu đốt khổ sở, không một lúc nào được tạm dừng.

Tỳ-kheo Tăng Hộ ra khỏi nơi ấy liền đến thưa hỏi Phật, được Phật ân cần giải đáp nguyên nhân từng việc. Đức Phật lại dạy rằng: “Ông nhìn thấy hai sa-di đó, chính là người đã đọa vào địa ngục. [Hai người ấy] vào thời đức Phật Ca-diếp xuất gia tu hành, lại cùng nhau đắp chung một tấm chăn và ôm nhau ngủ. Vì tội ấy mà nay bị đọa vào địa ngục, nằm trong một tấm chăn bị lửa thiêu đốt không ngừng, cùng ôm nhau chịu khổ, đến nay vẫn chưa dứt tội.”

Nghiệp thức hóa làm trùng

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị cư sĩ tu hành thanh tịnh, tin sâu, cúng dường Tam bảo. Vào lúc ông lâm chung, người vợ ở bên cạnh than khóc thảm thiết, ông nghe như vậy sinh lòng luyến ái, ngay lúc ấy qua đời, thần thức liền không đi đâu được, lập tức hóa sinh làm một con trùng nhỏ ở trong mũi người vợ.

Bấy giờ có một vị tăng đi ngang qua, thấy người vợ khóc than quá thảm thiết liền ghé vào dùng lời khuyên nhủ, an ủi. Khi ấy người vợ khóc nhiều, nước mắt nước mũi cùng tuôn ra, con trùng cũng theo đó mà rơi xuống đất. Người vợ nhìn thấy con trùng [từ trong mũi mình ra] thì hổ thẹn, muốn dùng chân đạp lên. Vị tăng thấy vậy gấp rút ngăn cản, nói: “Đừng, đừng giết nó. Đó chính là chồng cô vừa mới hóa sinh đó.”

Người vợ ngạc nhiên nói: “Chồng tôi là người tụng kinh, giữ giới, tu tập tinh tấn khó có người theo kịp, vì nhân duyên gì lại có chuyện [hóa sinh làm trùng]?”

Vị tăng liền đáp: “Do tình ân ái của cô, lúc ông ấy lâm chung lại than khóc quá thảm thiết, khiến trong lòng ông ấy khởi sinh sự luyến ái quá mạnh, phải đọa làm thân trùng.”

Nhân đó vị tăng liền thuyết pháp cho con trùng nghe. Nghe xong, con trùng khởi tâm sám hối, vừa bỏ thân trùng liền sinh về cõi trời.

Lời bàn

Lúc lâm chung là thời điểm hết sức khẩn thiết và quan trọng, chỉ cần một ý niệm sai lầm thì bao nhiêu công phu tu tập trước đó đều mất hết. Phải hết sức thận trọng với điều này.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 49 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.148.76 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...