Hỏi: Quyết tâm thực hành việc giữ giới tà dâm vốn đã là việc hết sức khó khăn, nay còn liệt kê ra các phương pháp thực hành hết sức chi ly tường tận, chẳng phải là đã ép người phải làm một việc quá khó hay sao?
Đáp: Việc thực hành giữ giới tà dâm dựa theo trung đạo mà thiết lập nhiều phương pháp, ai thấy có khả năng làm theo được phương pháp nào thì tùy chọn mà làm theo. Lễ nghi của Nho gia có đến 300 mục, về oai nghi có đến 3.000 điều. Đạo Phật cũng có ba ngàn oai nghi phải theo, tám muôn công hạnh tinh tế phải giữ. Tất cả những điều ấy, đâu phải chỉ vì một người mà đặt ra?
Hỏi: [Nhà Nho nói rằng:] “Người quân tử không gần gũi nữ sắc.” Nói “không gần gũi”, bất quá cũng chỉ muốn nói là lãnh đạm, không quá say mê, ham thích. Nếu đem nữ sắc mà so với rắn độc, hổ dữ, chẳng phải là quá đáng lắm sao?
Đáp: Chết vì rắn độc hay hổ dữ, trong hàng ngàn người chưa có đến một, hai. Nhưng chết vì tham dục thì trong mười người đã có đến tám, chín. Theo đó mà xét thì nữ sắc quả thật còn đáng sợ hơn cả rắn độc, hổ dữ.
Hỏi: Sự ngăn ngừa [tà dâm] theo cương thường, đạo nghĩa cũng không ngoài lễ giáo. Chẳng qua là trai gái phải có sự phân biệt rõ ràng, nếu không đúng theo lễ nghĩa thì không nhìn, như vậy tức là đã răn ngừa được sự tà dâm, đâu cần phải bày ra phép quán bất tịnh, khởi lên những tư tưởng ô uế như vậy?
Đáp: Chuyện ái ân nam nữ là ham muốn lớn nhất của con người. Lửa dục một khi đã bốc lên rồi thì rất khó lòng dập tắt, ví như có đao kiếm trước mặt, vạc dầu chảo nóng sau lưng sẵn sàng trị tội, nhưng kiềm chế lại được thì may ra cũng chỉ vạn người có một. Nếu chỉ hoàn toàn dựa vào những lời dạy của thánh hiền xưa mà muốn cho lòng tham dâm dục của người ta phải tiêu tan đi hết, thì e rằng có đến vạn vạn phần không sao đạt được. Hơn nữa, giáo lý có thể khuyên dạy người đời, trợ giúp tích cực cho việc trị an trong xã hội thì không gì hơn thuyết nhân quả. Nhưng một khi tâm tham dâm đã đột nhiên bùng phát, thì cho dù có nhìn thấy nhân quả ngay trước mắt, người ta cũng không thể dứt được tận cội nguồn của tâm ái luyến. Chỉ có thể dùng pháp quán bất tịnh mới dứt tuyệt được ái luyến mà thôi. Cho nên nói rằng, mười phần nghiêm cấm cũng không bằng một phần khiến người ta lạnh nhạt, thờ ơ với sắc dục. Vì thế, luận về việc răn ngừa dâm dục thì nhất định phải lấy việc quán bất tịnh làm pháp tu căn bản nhất.
Hỏi: Pháp quán bất tịnh hoặc chín pháp quán tưởng [như trình bày trên], đối với người cư sĩ tại gia tất nhiên cần phải tu tập. Nhưng đối với người một lòng hướng về pháp môn tối thượng, đạt trí tuệ chân chánh ngay trong đời này, hết thảy phiền não ắt tự nhiên tan biến, thì cần chi phải học những pháp môn Tiểu thừa?
Đáp: Đạo rốt ráo tuy không có sự nắm giữ hay buông bỏ, nhưng kẻ mới bước vào ắt cũng có chỗ ưa thích, có chỗ chán ghét. Đại sư Thiên Thai có dạy rằng: “Pháp quán bất tịnh tuy chỉ là pháp môn sơ cơ, nhưng có thể giúp thành tựu sự giác ngộ lớn lao. Cũng giống như xác chết trôi trên mặt biển, nếu noi theo đó có thể vào đến bờ. Do nơi pháp quán bất tịnh này mà có thể đạt được trí tuệ thanh tịnh, có thể được sinh về cõi Phật thanh tịnh nhiệm mầu. Người thường tu pháp quán bất tịnh chính là tạo nghiệp thanh tịnh. Thuở xưa đức Thế Tôn khi báo trước bảy dấu hiệu diệt mất của Chánh pháp về sau này, ở điều thứ tư nói rằng: “Đệ tử Phật vào đời mạt pháp sẽ không ưa thích tu tập pháp quán bất tịnh.” Theo đó mà xét thì biết rằng, người am hiểu Phật pháp thâm sâu mới có thể tu tập được pháp quán bất tịnh này. Trong kinh Đại Bát-nhã có trình bày chi tiết về hai pháp quán tử thi và quán xương trắng, sau đó kết luận rằng: “Đó là những hình tướng của Bồ Tát Đại thừa.” Như vậy, sao có thể cho rằng pháp quán này là thuộc về Tiểu thừa?
Hỏi: Giai nhân tuyệt sắc ở thế gian so với xác chết trương sình thối rửa là hai hình tướng khác biệt hẳn nhau, sao có thể đồng thời quán tưởng cả hai?
Đáp: Hình tướng tuy có sự khác biệt giả tạm, nhưng thật ra chẳng phải hai thực thể khác nhau. Như người đột tử trong mùa hạ khí trời nóng bức thì chỉ qua một đêm đã nghe bốc mùi hôi thối, để qua ba, bốn ngày thì giòi bọ đã xuất hiện trong xác chết. Cho nên, cái dáng vẻ mềm mại uyển chuyển xinh đẹp kia, bất quá chỉ là hình tướng giả tạm nhìn thấy trước mắt mà thôi.
Hỏi: Thân thể bằng xương thịt này là ô uế, không cần phải nói nữa. Nhưng nói rằng trong thân thể này có đến tám vạn bốn ngàn loại trùng, tôi thật không tin được!
Đáp: Đức Phật quán chiếu thấy trong một bát nước có đến tám vạn bốn ngàn con vi trùng. [Chỉ một bát nước mà như thế,] huống chi là trong thân thể bằng xương thịt ô uế này? Nếu nói rằng cơ thể người đang sống không thể sinh trùng, vậy như ghẻ lở ung nhọt, rận, rệp, bọ chét... [cắn hút vào cơ thể người sống,] chẳng phải là trùng đó sao?
Hỏi: Trong phần Phương pháp tu tập có đề cập phân ra từng đối tượng như: ứng xử khi làm quan, ứng xử trong gia đình v.v... qua đó nói đến đủ các vấn đề như sắp xếp việc nhà, trị an xã hội... [Khi mang ra áp dụng,] về mặt tổng quát thì như thế là được rồi, nhưng về chi tiết nếu có những điều không thực sự thích hợp thì sao?
Đáp: Ở cuối từng mục đều có nói “phần lớn nói về vấn đề này, hoặc vấn đề kia...”, nhưng không có chỗ nào nói “tất cả chỉ nói riêng về vấn đề này, hoặc vấn đề kia...”, [cho nên khi áp dụng phải tự mình xem xét vấn đề nào là thích hợp]. Huống chi, người xưa khi phân chia các chương sách theo ý nghĩa chính, cũng chỉ luận phần tổng quát mà thôi. Như Tăng tử [giảng giải sách Đại học], trong chương giải thích về “Thành ý” mà chỉ nói “tâm hồn rộng mở, thân thể được thư thái”, không ngại chuyện lẫn lộn giữa thân và tâm; còn giải thích về “đổi mới dân sinh” thì nói “mỗi ngày đều mới”, mà không ngại có sự khác biệt với “đức sáng” [đã nói trước đó]. Nếu cứ muốn cân nhắc chia chẻ quá chi ly, ắt sự nhận hiểu sẽ bị sai lệch.
Hỏi: Toàn bộ phần Phương pháp tu tập, chỉ cần dùng hai khái niệm “công đức” và “tội lỗi” là có thể bao quát được hết. Vì sao không phân chia theo cách đó, như sự việc này có công đức này, sự việc kia gây tội lỗi kia v.v... để người xem có thể nhận biết rõ ràng mà tu tập hay ngăn tránh?
Đáp: Công đức hay tội lỗi cũng đều do tâm thức tạo ra. Cùng một việc thiện, nếu phát tâm rộng lớn thì được công đức lớn lao, phát tâm hẹp hòi thì được công đức nhỏ nhoi. Cùng một việc ác, nếu thực hiện với tâm luyến ái nặng nề, ắt gây nên tội lỗi nặng nề, nếu thực hiện với tâm luyến ái nhẹ, ắt tội lỗi cũng nhẹ. Ví như chư thiên cùng sử dụng một loại đồ chứa [nhưng tùy theo tâm lượng] mà thức ăn trong đó có sự khác biệt tinh sạch hoặc thô trược khác nhau. Lại ví như ba con thú cùng lội qua một dòng sông, mỗi con đều cảm thấy dòng sông ấy sâu cạn khác nhau. Như vậy làm sao có thể đánh đồng tất cả mà đoán định chuyện công đức hay tội lỗi?
Hỏi: Trong hàng tỳ-kheo ni cũng có chuyện cá, rồng lẫn lộn, nghĩa là trong đó cũng có những người phụ nữ dâm đãng, giả dạng ni cô, dụ dỗ dẫn dắt những con gái nhà lành đi vào đường tà ác. Nhưng khi nói về “Phương pháp ứng xử trong gia đình”, phần thứ nhất nêu việc “Ngăn dứt mọi điều kiện dẫn đến tà dâm”, vì sao không thấy đề cập đến đối tượng này?
Đáp: Nếu thật là người phụ nữ trinh tiết, dù muốn dụ dỗ họ cũng không thể được. Nếu là người có thể dụ dỗ, thì [những kẻ dụ dỗ] đâu chỉ riêng hạng ni cô [giả danh]? Nếu trong số hàng ngàn ni cô mới thấy có một phụ nữ dâm đãng giả dạng, mà vì thế lại muốn xa lánh Phật pháp, khinh chê người xuất gia, thì có khác nào thấy một căn nhà bị cháy liền ban lệnh cấm khắp trong thiên hạ không được thổi lửa nấu cơm? Như vậy là sáng suốt hay không sáng suốt?
Hỏi: Người phụ nữ đến chùa lễ Phật dâng hương, đa phần thường bị những kẻ thô lỗ háo sắc để mắt trêu chọc. Nếu cấm không cho phụ nữ đến chùa, đó mới là cách răn dạy chính đáng, sao trong phần “Răn dạy người trong nhà” lại bỏ sót không đưa vào điều này?
Đáp: Người phụ nữ nếu có tín tâm hiền thiện, dù ở trong nhà cũng có thể lễ Phật dâng hương. Nếu dễ duôi mà thường đi ra bên ngoài, tất nhiên là không nên. Tuy nhiên, [trước khi nói đến việc có nên đến chùa hay không,] cũng phải xét đến tuổi tác, xét đến địa điểm gần xa, xét đến phẩm cách của con người. Nếu người phụ nữ trong gia đình thành tâm tin Phật, có thể giữ theo đủ 15 điều đã nói trong phần “Răn dạy người trong nhà”, ắt có thể tùy hoàn cảnh, tùy nơi mà ứng xử đoan trang nghiêm chính, làm sao có thể phát sinh những chuyện trái lễ nghĩa? Nếu như đưa vào đây sự cấm đoán chung chung [không cho phụ nữ đến chùa], thì có khác nào dùng lửa dữ cùng lúc thiêu đốt cả ngọc quý với đá tạp, khiến cho người phụ nữ cho đến lúc già chết cũng không có cơ hội nhận được sự giáo hóa của Phật pháp, không nhận được những lợi ích lớn lao từ pháp môn cam lộ của Phật pháp. Nếu người chủ gia đình mà làm như thế, nhất định đời sau sẽ phải chịu báo ứng sinh làm thân nữ.