Hỏi: Các loài chim như uyên ương, am thuần, bồ câu..., do đời trước tạo nghiệp dâm dục nên đời này sinh làm loài chim [cũng nặng nghiệp dâm dục], nhưng loài chim nhạn một khi mất bạn tình thì đến chết cũng không tìm con khác, có thể thấy rõ là đời trước không tạo nghiệp tà dâm, vậy vì sao phải đọa vào loài chim?
Đáp: Tà dâm chỉ là một trong mười nghiệp xấu ác. Cả mười nghiệp ấy đều có thể đưa đến việc đọa làm súc sinh. Như các loài uyên ương, am thuần, bồ câu [đều nặng tính dâm], đều do nghiệp tà dâm mà đọa vào loài súc sinh, nhưng nghiệp báo của loài chim nhạn có thể là do những điều xấu ác khác. Trong luận Câu-xá có nói rằng: “Như người tạo nghiệp xấu ác phải đọa vào loài súc sinh thì mỗi người cũng đều có sự khác biệt. Nói chung thì nếu dâm dục nặng nề, sẽ đọa sinh làm các loài chim bồ câu, chim sẻ, chim uyên ương..., nếu sân hận nặng nề, sẽ đọa sinh làm các loài rắn rết, bọ cạp..., nếu nhiều si mê sẽ đọa sinh làm các loài dê, lợn, nghêu, sò..., nếu nhiều kiêu mạn sẽ đọa sinh làm cọp, sói, sư tử..., nếu thường lăng xăng giễu cợt sẽ đọa sinh vào loài khỉ, nếu nhiều tham lam đố kỵ, sẽ đọa sinh làm loài chó đói.
Hỏi: Người tạo nghiệp xấu ác phải đọa nhập thai vào loài súc sinh, lúc ấy có tự biết được đó là súc sinh hay chăng?
Đáp: Vào lúc ấy không thể tự chủ được.
Hỏi: Vì sao sau khi chết không thể tự chủ được?
Đáp: Thật ra, trong lúc sống cũng có bao giờ tự chủ được đâu? Cùng một cô mỹ nữ xinh đẹp, người tham dâm nhìn thấy thì tham luyến yêu mến đến tận xương tủy, người đàn bà ghen tuông nhìn thấy thì căm hận đến tận xương tủy. Hiện tại đã [bị ngoại cảnh sai sử như thế,] huống chi là sau khi chết?
Hỏi: Xưa có vị Thiên vương cõi trời Đao-lợi, tự biết mình tuổi thọ sắp hết, [theo nghiệp lực] sắp phải đọa làm con lừa, liền chí tâm quy y Tam bảo, [sau đó khi nhập vào thai lừa, lừa mẹ] liền lập tức bị sẩy thai, ngay khi ấy tái sinh trở lại vẫn làm Thiên vương. Chuyện này phải giải thích thế nào?
Đáp: Vị ấy có phúc đức đời trước hết sức sâu dày, nên mới có thể thay đổi quay lại làm Thiên vương cõi trời. Nếu không, ắt [vào lúc nhập thai,] dù lừa mẹ ở trước mắt nhưng chỉ thấy như mỹ nữ, dù mùi phẩn uế hôi hám trong chuồng bốc lên, vẫn ngửi thấy như mùi hương chiên-đàn, [liền sinh tâm ưa thích.]
Hỏi: Người đời số lượng rất đông, việc đời hết sức đa đoan phức tạp, nếu mỗi mỗi sự việc đều ghi chép chi ly thì dù cả núi mực cũng không đủ dùng. Diêm vương vì sao phải khổ công phí sức lo lắng, ghi chép những việc ấy?
Đáp: Hết thảy các pháp đều do tâm tạo. Tâm có thể tạo ra cung điện cõi trời, cũng có thể tạo ra cảnh địa ngục. Bên trong cung điện cõi trời có rất nhiều cảnh đẹp, nhưng hoàn toàn không phải do xây dựng mà có. Người tái sinh về cõi trời, tự nhiên có đủ tất cả để thọ hưởng. Dưới địa ngục có vô số hình cụ chi ly, cũng không phải do kiến tạo mà thành. Người bị đọa vào trong đó, tự nhiên có đủ tất cả rồi phải chịu khổ.
Hỏi: Lúc còn sống thì bao nhiêu nỗi đau đớn khổ não đều do có thân thể này nhận chịu. Sau khi chết không có thân thể thì còn ai chịu khổ?
Đáp: Đau đớn khổ não là ở nơi thần thức, không phải ở nơi thân xác. Nếu đau đớn là ở nơi thân xác, thì lẽ ra người chết cũng phải biết đau.
Hỏi: Người tạo nghiệp xấu ác tất nhiên phải chịu tội nặng, thế nhưng những ngục tốt, quỷ vương kia cũng hành hạ người cực kỳ độc ác, vậy họ phải chịu quả báo ở địa ngục nào?
Đáp: Nếu theo sự mà luận thì ngục tốt [ở thế gian] vâng lệnh [quan phủ] đánh người, chắc chắn không thể lại phải chịu tội đánh người. Còn theo lý mà luận thì tất cả ngục tốt, quỷ vương nơi địa ngục kia cũng đều là từ trong tâm thức của tội nhân hóa hiện ra mà thôi.
Hỏi: Nếu địa ngục đã là cảnh giới thật có, lẽ ra nên khiến cho tất cả người đời đều được nhìn thấy, như thế họ mới có thể tin nhận.
Đáp: Người được nhìn thấy cảnh địa ngục thì khắp nơi đều có, chỉ tiếc là những người đã nhìn thấy rồi thì không thể quay về [để nói lại].
Hỏi: Đức Như Lai dùng một ngón chân nhấn xuống đất, khắp thế giới đại thiên liền hóa thành màu vàng ròng trang nghiêm. Chuyện này được kể trong kinh Duy-ma-cật. Với sức thần thông như vậy, sao ngài không phá tan hết địa ngục trong mười phương, giúp cho những chúng sinh đang chịu khổ địa ngục đều được sinh về cõi Phật?
Đáp: Bậc đại y vương cũng không thể chữa trị được những bệnh nhất định phải chết, không chữa trị được cho những người không chịu dùng thuốc. Những kẻ tạo nghiệp xấu ác là tự mình chiêu cảm quả báo khổ não, Bồ Tát không thể cứu cho họ được miễn tội. Cũng giống như kẻ nghèo khổ không có phúc đức, người giàu có cũng không thể thay họ ăn uống để khiến họ được no.
Hỏi: Nếu những nghiệp nhất định như thế đã không tránh được, thì pháp Phật cũng chẳng thể làm gì được. Thế nhưng trong Kinh điển thường luôn nói là “cứu độ vô lượng chúng sinh”, thế là nghĩa gì?
Đáp: Tất cả những khổ não của thế gian đều do nghiệp xấu ác mà thành. Khuyên người không tạo nghiệp ác để dứt trừ tận gốc mọi khổ não, như vậy chẳng phải là cứu độ hay sao?