Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 19. Chuyện từ Nhật sang Đức »»

Đường Không Biên Giới
»» 19. Chuyện từ Nhật sang Đức

Donate

(Lượt xem: 2.713)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 19. Chuyện từ Nhật sang Đức

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau khi tìm hiểu sơ lược nước Úc, bây giờ mời quí vị trở lại Đức quốc. Phật Giáo Việt Nam tại Đức chưa tròn 9 tuổi, nên cũng chưa có đủ thời gian để kết luận tốt hay xấu, hay hoặc dở, nhanh hoặc chậm v.v... Nhưng dầu sao đi nữa, những kẻ tiên phong là những người hiểu rõ ngọn ngành nhất. Nếu chúng tôi không viết hoặc không nói ra thì những thế hệ sau khó mà tìm ra tông tích của Phật giáo Việt Nam lúc mới du nhập vào đấy. Chúng tôi định để vài chục năm sau mới viết hầu có đủ thời gian thẩm định giá trị của nó, nhưng một phần sợ quên đi, phần khác vì ý thức được cuộc đời là vô thường, thế gian hằng như mộng, nên đành phải chấp bút ngay từ bây giờ.

Cũng đã có lần chúng tôi viết về nước Đức, giới thiệu sơ qua về những sinh hoạt tại đây trên Viên Giác và quyển “Lịch Sử Phật giáo Việt Nam Tại Hải Ngoại Trước Và Sau Năm 1975”. Tuy không tận tường, nhưng phần chính hầu như đã đề cập đến.

Có nhiều người Phật tử thích lối hành văn nửa đời nửa đạo này, nhưng cũng có người không ưa. Vì cho rằng đó chỉ là tâm sự dài dòng của một người tu sĩ. Nhưng cũng có lắm người ưa xem mục này để biết năm châu, bốn bể, để hiểu tấm lòng của một người đã “cát ái ly thân”.

Trong thế gian này có lắm hạng người. Có người thích món này, kẻ ưa món nọ. Dầu là một người thợ khéo đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể nào làm cho tất cả khách hàng của mình vừa ý trọn vẹn. Huống là một tu sĩ như chúng tôi, vụng về câu văn, nghèo nàn ý tứ, mà cứ múa tay múa chân hoài như thế này, làm sao không có điều sơ hở. Vậy mong những người có tâm đối với đạo hãy bổ túc cho những điều khiếm khuyết ấy.

Những tháng năm dài sống ở Nhật, hết học hành đến thi cử, làm việc, cúng đám, du lịch v.v... tôi thấy như mình bị gò bó trong một hải đảo không hơn không kém, nên muốn thoát ra ngoài cái cương tỏa ấy. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi. Khi người ta nóng, mong có gió mát. Lạnh, muốn có hơi ấm. Đang sống đời yên ổn cũng mong muốn có cái gì đó hơi khác lạ một chút thì đời sống mới vui tươi, chứ suốt ngày cứ ngồi trong phòng đóng cửa lại hoài làm sao không khí lọt vào bên trong được.

Người Nhật tốt, nhưng tâm hồn họ cũng đóng khung từ cách ngồi, miếng ăn, lời nói, sự giao thiệp v.v... nên tôi đã có ý định thay đổi bởi chính tôi vậy.

Trong những năm tháng ở Nhật, tôi thường liên lạc thư từ với một người bạn cùng quê, lúc bấy giờ là sinh viên y khoa của Đại Học Kiel tại Đức. Nên một trong những lý do tôi đến thăm nước Đức là vì những liên hệ đầu tiên đó.

Sau khi thi đỗ vào Cao Học Phật giáo tại Đại Học Risso (Lập Chánh) tại Tokyo, học được một thời gian, tôi có ý định đi thăm Âu Châu một chuyến, mà nước đầu tiên là nước Đức.

Đúng ra tôi phải tiếp tục ngành giáo dục học ở cấp bậc cử nhân lên cao học và tiến sĩ, nhưng sau năm 1975, thấy rằng cơ hội về nước không còn nữa, nên qua cao học phải đổi ngành, biết đâu lại hữu dụng về sau. Vả lại tôi cũng quan niệm rằng, sự học ở trường chỉ đến cử nhân là hết. Còn lên cao học và tiến sĩ thì gọi là nghiên cứu sinh, chứ không còn gọi là sinh viên nữa như ở cấp bậc cử nhân. Sinh viên chọn ngành nào cũng được, không sao. Miễn sao ngành đó có liên hệ với ngành học của mình ở cấp bậc cử nhân chút ít là được rồi. Ở Nhật chia đại học làm 2 loại là “Công học bộ” và “Văn học bộ”. Công học bộ là những ngành liên quan về công nghiệp, xí nghiệp. Văn học bộ là những ngành liên quan về văn chương, giáo dục, triết học, Phật giáo v.v... Đương nhiên cũng còn có “Y học bộ” hoặc một vài học bộ đặc biệt khác. Nhưng đa phần chỉ các học bộ trên là nhiều hơn cả.

Sở dĩ tôi chọn Đại học Risso là lúc bấy giờ đang ở chùa Honryuji (Bổn Lập Tự) ở Hachioji, chùa này thuộc Tông Nhật Liên, nên học đại học này là một điều hữu lý và vì đại học này có những bậc đàn anh đã tốt nghiệp tại đó như Thượng Tọa Thích Minh Tâm, Thượng Tọa Thích Trí Quảng, Thượng Tọa Thích Chơn Thành v.v... nên tôi đã thi vào đó. Lúc thi có 37 người tất cả, nhưng khi đậu chỉ có 12 người, tôi đứng hàng thứ 7. Kể như thế cũng là may rồi, vì tôi đã bạo gan chọn những sinh ngữ khó để thi. Chọn Pháp văn làm sinh ngữ một. Hán văn làm sinh ngữ hai. Còn Nhật ngữ đương nhiên là như quốc ngữ rồi. Đa số là các vị tăng sĩ, chỉ có vài ba người cư sĩ mà thôi.

Sau khi thi đậu xong phải đóng tiền trường. Ở Nhật không như ở Việt Nam mình là tu sĩ học trường Bồ Đề hoặc trường tư đều được miễn. Ngược lại, phải sòng phẳng. Vì các vị tu sĩ Nhật rất giàu có. Còn tôi thì chẳng có tiền.

Sau khi biết tôi đã đỗ vào cao học phân khoa Phật Học, Thầy S. Oikawa trụ trì chùa Honryuji có hỏi về học phí. Tôi trả lời là còn chỉ được mấy chục ngàn Yen (tương đương với vài trăm DM). Trong khi đó phải đóng cho niên khóa đầu của cao học là 320.000 Yen, tương đương với 3.200 DM. Đó là đại học Phật Giáo, còn những đại học khác cũng tương tự như vậy. Nếu học y khoa ở Nhật, mỗi năm phải đóng học phí ít nhất là 10.000 DM. Lúc bấy giờ ở Nhật có khoảng 800 sinh viên. Nhưng chỉ có 1 hoặc 2 người có tiền để học y khoa mà thôi. Có nhiều người có khả năng nhưng không có tiền thì đành chịu.

Ở Nhật có 3 loại trường là: quốc lập, công lập và tư lập. Quốc lập là của nhà nước, công lập là của huyện hay tỉnh (loại này bán công bán tư) và loại sau cùng là tư lập. Để vào đại học công, sinh viên phải thi năm, bảy kỳ như vậy có khi còn chưa đậu. Đó là người Nhật - do đó có rất ít người Việt Nam ở Nhật học được đại học công lập, đa số học ở đại học tư lập. Trong 950 đại học hiện có tại Nhật thì có khoảng 100 đại học quốc lập, 200 đại học công lập và số còn lại là tư lập. Phật giáo chiếm gần hết 40 đến 50 đại học rồi.

Ở Nhật thi vào trường rất khó, nhưng sau khi đậu vào rồi, ra trường rất dễ. Bậc đại học ở Nhật có 4 năm, cao học 2 năm và tiến sĩ 3 năm, cả thảy là 9 năm. Trung học 12 năm. Gồm có tiểu học 6 năm và trung học đệ nhất cấp 3 năm đệ nhị cấp 3 năm. Không giống như ở Việt Nam là tiểu học 5 năm, trung học đệ nhất cấp 4 năm và đệ nhị cấp 3 năm. Sau này thay đổi ra sao chúng tôi không biết vì đã xa nước lâu năm, nên có lẽ cũng có một vài đổi mới chăng? Còn ở Đức từ tiểu học lên hết trung học đến 13 năm. Sau khi xong trung học đệ nhất cấp có nhiều loại trường chuyên môn nữa. Đại Học ở Đức thì vô chừng, từ 8 semester trở đi có thể tốt, nghiệp nghĩa là 4 năm, nhưng ít ai đoạt được giải này. Thông thường là 12 hoặc 14 semester, có người học 20 semester nhưng vẫn chưa ra trường. Ở Đức không có cao học như ở Mỹ hoặc ở Nhật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân là làm luận án tiến sĩ. Do đó sự học đổi từ nước này qua nước kia cũng không phải là đơn giản.

Thầy S. Oikawa thấy tôi không tiền nên cho trọn số tiền để đóng tiền trường và tôi chỉ phải làm một điều là sưu tầm các thư mục của Phật giáo và Văn học Việt Nam hiện có tại ngoại quốc mà thôi. Công việc tuy đơn giản nhưng khó khăn vô cùng. Đây cũng là một lý do để tôi bỏ học giữa chừng, đi Đức và Âu Châu để tìm sử liệu.

Mới thi đậu vào cao học xong, học được mấy tháng tôi lại có ý định sang Âu Châu. Tôi đem ý kiến này lên thưa với thầy trụ trì. Thầy đồng ý và cho tôi nửa vòng vé máy bay. Nửa vòng vé còn lại thì người bạn ở Đức gởi cho mượn. Vì dự định đi rồi về lại Nhật nên phải mua vé khứ hồi. Hành trang của tôi cũng chỉ vỏn vẹn có một cái va-ly cùng y áo của một người tu.

Thầy Chơn Thành và một vài Phật tử tiễn tôi lên phi trường Haneda. Hôm đó là ngày 22 tháng 4 năm 1977. Sở dĩ tôi chọn ngày 22 vì ngày ấy cách đó hơn 5 năm về trước (22/2/1972) tôi đã rời Việt Nam để đến xứ Phù Tang học hành tu niệm. Thầy Chơn Thành trao cho tôi một phong thư và bảo rằng qua bên đó tùy nghi sử dụng. Chuyến máy bay số mấy tôi không nhớ, nhưng thuộc hãng hàng không Lufthansa của Đức. Có một chuyện hơi buồn cười là kể từ đó đến nay tôi đi không biết bao nhiêu loại máy bay, nhưng vé máy bay và thẻ lên tàu tôi đều bỏ cả. Chỉ còn lại một thẻ lên tàu từ Tân Son Nhất của hãng hàng không Air Việt Nam vào ngày 22/2/1972 là tôi vẫn còn cất giữ cho đến ngày nay. Có lẽ đó là chuyến tàu cuối đối với tôi mà cũng là chuyến bay dài nhất của Hàng Không Việt Nam lúc bấy giờ. Sài Gòn - Hồng Kông - Taipei - Osaka và Tokyo.

Năm 1974, tôi và một vài người bạn Nhật có về lại thăm quê một lần, nhưng vé lên tàu cũng không còn giữ lại nữa. Hy vọng rằng còn có chuyến về thăm quê mẹ sau khi đất nước không còn sự cai trị của người Cộng sản nữa, để “Đường Không Biên Giới”của tôi thực hiện được trọn vẹn lời nguyện ước là “không biên giới” trên quả địa cầu này.

Khi đến quày cân hàng, có điện tín của người bạn tôi từ Hannover đánh sang bằng tiếng Anh, nói là tôi đến Hamburg sẽ không có người đi đón được. Thoáng buồn hiện lên nét mặt, không biết tại sao lại có chuyện này. Đang bâng khuâng nghĩ ngợi thì thầy Chơn Thành từ giã về đi làm, còn tôi một mình một bóng lang thang đi vào hành lang của con tàu ấy. Người cảnh sát phi trường thu giấy ngoại kiều và hỏi tôi có trở lại Nhật nữa không? Tôi mỉm cười đáp: “Ông cứ xem trong giấy tờ.” Rồi lặng lẽ ra đi như vào trong thiên thu vĩnh biệt.

Lúc bấy giờ thầy Bảo Lạc - anh ruột của tôi - và thầy An Thiên vẫn còn ở Nhật, nhưng bận học và đi làm nên không tiễn đưa được và cả thầy Minh Tuyền cũng thế. Bây giờ 4 thầy đã lên Thượng Tọa cả rồi và ai cũng đã tốt nghiệp trường hành đạo cũng như trường hoằng đạo. Đó là thầy Chơn Thành, thầy Nguyên Đạt, thầy Bảo Lạc và thầy Minh Tuyền. Còn thầy An Thiên thì sắp vinh quy bái Phật nay mai. Nhưng không phải “võng ai đi trước, võng mình theo sau” mà là chuông trống bát-nhã đang chờ đón Thầy.

Trên máy bay nhìn xuống toàn là mây màu trắng. Ở dưới trời vẫn còn lạnh nhưng chẳng thấy mặt trời, bây giờ lên không trung thấy mặt trời lại chói chang nhức mắt. Lời Đức Phật dạy từ ngàn xưa vẫn đúng: “Mặt trời luôn hiển hiện, chỉ vì mây mù che khuất đó thôi.” Hoặc: “Không phải vì người mù mà mặt trời không hiện hữu, chỉ tại người mù không thấy được mặt trời đó thôi.” Cũng thế, giáo lý của Đức Phật, con đường cứu khổ nhân sinh vẫn luôn hiển hiện khắp không gian và thời gian, nhưng vì vô minh nên chúng sanh chưa ngộ được chân lý ấy thôi. Chân lý bao giờ cũng vẫn ở đó. Chỉ có con người chối từ chân lý, còn chân lý thì không xa con người. Giáo pháp của Đức Phật giống như ánh sáng của mặt trời, sở dĩ chúng ta chưa thâm nhập được là vì chúng ta còn mê mờ. Nếu cố gắng, chúng ta sẽ đạt đến được sự giác ngộ và giải thoát. Phải hiểu như thế mới học hỏi được giáo lý của Đức Phật một cách trọn vẹn. Ngược lại, chỉ làm bạn với si mê, dục vọng mà thôi.

Tôi mở thư thầy Chơn Thành ra xem. Lúc bấy giờ thầy là Chi Bộ trưởng Chi bộ Phật giáo Việt Nam tại Nhật. Bây giờ thầy đang hành đạo tại Hoa Kỳ. Thầy giới thiệu với các hội đoàn và các tổ chức ở đây về tôi và các công việc Phật sự tại Nhật để dễ bề ngoại giao. Tôi gấp thư lại và đăm chiêu suy nghĩ về tương lai và về một chân trời mình sắp đặt chân đến. Trong trí tôi vẽ vời bao nhiêu chuyện nhưng không biết có thực hiện được chuyện nào không, nên đành lãng quên, quay sang những người Nhật để nói chuyện trên trời dưới đất.

Máy bay ghé ở Alaska rồi sau đó hướng về Hamburg. Từ Nhật đi Âu Châu có 2 cách. Từ Tokyo đi Moskou và từ Moskou đến Âu Châu. Cách khác là bay vòng Bắc Mỹ để sang Âu Châu. Cũng còn có cách thứ 3 là qua Thái Lan rồi đi Trung Âu để đến Âu Châu, nhưng cách này đi vòng và xa nên ít người đi, chỉ trừ những khách du lịch thôi, chứ những thương gia thường hay đi đường tắt để mau đến đích.

Máy bay đáp xuống phi trường Hamburg mới 6 giờ 40 phút sáng ngày 23 tháng 4 năm 1977, sau 18 tiếng đồng hồ bay. Người cảnh sát tại phi trường nhìn tôi có vẻ tò mò. Đây là lần đầu tiên tôi bị một người nhìn với vẻ tò mò. Vì ở Nhật và ở Việt Nam, ai cũng biết là một tu sĩ Phật giáo khi thấy đầu mình cạo tóc và mặc áo nhà tu. Điều tò mò đầu tiên là ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân. Điều thứ hai là cái giấy thông hành. Ông ta hỏi tôi bằng tiếng Đức, tôi lắc đầu. Ông quay sang hỏi bằng tiếng Anh: “Tại sao đến giờ này ông vẫn còn dùng passport này, khi chính quyền miền Nam đã mất?” Thế là một màn kể gà, kể vịt lại lôi ra với một mớ tiếng Anh trọ trẹ. Tôi bảo rằng: “Miền Nam Việt Nam đã mất, nhưng passport của tôi vẫn còn hiệu lực cho đến tháng 4 năm 1980 và Sứ quán Đức tại Tokyo đã đóng giấy chiếu khán nhập nội lên đây, nghĩa là họ đã công nhận tôi và tôi có quyền vào nước Đức.” Người cảnh sát này hiểu điều đó, nhưng vẫn mang cái passport Việt Nam Cộng Hòa của tôi đi hỏi một hồi khiến cho một hàng người đứng xếp hàng sau tôi phải chờ đợi. Ông ta tiếp: “Tôi đồng ý cho ông vào, nhưng phải điều chỉnh lại tình trạng hợp lệ.” Tôi mừng quá, khệ nệ mang hành lý qua chỗ nhận đồ và quan thuế.

Xong mọi thủ tục, tôi ra ngoài cổng chính. Không khí ban mai vào một sáng tháng 4 đã lạnh mà buồn hơn nữa là chẳng thấy một người Việt Nam nào đi đón cả. Cái lạnh này lại còn buốt tận xương tủy nhiều hơn và cô đơn chi lạ. Dầu biết rằng đi tu là chấp nhận điều đó, nhưng đã là con người, đôi khi cũng cảm thấy trống vắng lạ thường. Tôi vào ngân hàng đổi tiền lẻ để gọi điện thoại. Tôi cũng chẳng biết khoảng cách từ Hamburg đến Hannover xa là bao nhiêu nên chỉ bỏ 50 Pf vào điện thoại. Điện thoại ở đây lại khác ở Nhật, nên phải sau một hồi hỏi thăm mới sử dụng được, quả thật là thiên nan vạn nan. Mới gặp người đầu dây nói được 3 tiếng đã hết tiền. Đầu dây bên kia bảo: “Anh chờ tôi gọi cho người bạn của anh đi đón. Vì bạn anh đang đi thực tập gần Trappenkamp, chưa đi đón anh được.” Nói chưa xong việc đã hết tiền, đi đổi tiền nữa. Nhưng tôi tự nghĩ lại, kể từ khi đi tu đến bây giờ chưa có ai gọi mình bằng anh. Gọi bằng chú thì có, đó là chú tiểu. Còn gọi bằng thầy thì đương nhiên rồi. Nghe tiếng “anh” thật ngờ ngợ làm sao. Tôi lại tiên đoán lung tung, có thể người này là Thiên Chúa hoặc là một Phật tử hay sinh viên xa nước lâu ngày chắc quên đi cách xưng hô chăng. Nhưng là gì cũng được, miễn sao nói tiếng Việt là vui rồi. Sau khi liên lạc lần thứ 2 và thứ 3, tôi được biết là anh đã liên lạc được với bạn tôi và bạn tôi sẽ đến đón. Nhưng tôi quên hỏi là từ đó đến đây phải mất bao nhiêu lâu. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi đã gặp được bạn tôi. Anh mặc áo xanh, quần đen, có 2 hàng râu mép trông ngộ ngộ, và đi với một người đàn bà. Bạn giới thiệu bằng tiếng Đức với cô ta và cô nói tiếng Anh với tôi, đưa tay ra bắt. Tôi không biết phải làm sao. Vì xưa nay có người đàn bà nào bắt tay một tu sĩ đâu. Bây giờ thì tôi đã chịu trận rồi. Biết tính sao hơn. Nhưng không lẽ đưa tay xá lại thì cô ta quê chết đi sao? Nên tôi cũng miễn cưỡng bắt tay lại.

Trời bắt đầu đổ mưa, cảnh vật chung quanh trông có vẻ thê lương vào một buổi mai cuối đông nơi xứ lạ, tôi cảm thấy trống vắng lạ thường mặc dầu ngồi bên mình đã có bạn để kể cho nhau nghe những chuyện núi sông xa cách. Chiếc xe hơi phóng nhanh trên lộ trình Hamburg, Kiel. Hai thành phố, hai hải cảng tương đối nổi tiếng của nước Đức, nối liền nhau bởi một đoạn đường dài chừng 150 km. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy ai cũng lao ngược vào mình, không phải vì ngái ngủ qua 18 tiếng đồng hồ bay từ Đông Kinh qua Tây Đức giờ giấc thay đổi, mà đó là một phản ứng tự nhiên của một người sống lâu năm tại xứ Nhật xe đi toàn bên trái nên cảm thấy mình bị đi ngược dòng. Sự ngược dòng lưu thông cũng có nghĩa là ngược dòng sinh tử. Có lẽ đó là một định nghĩa đúng nhất cho những người xuất gia học đạo như chúng tôi. Ở đời thì lo ham vui ngũ dục, người tu thì rời bỏ ái ân. Người đời tóc tai chải chuốt, trang điểm phấn son, còn người tu hành thì đầu tròn áo vuông, bốn mùa đều mặc trên mình chỉ một màu hoại sắc. Không nghèo như Nguyễn Công Trứ “khăn lau giặt đỏ lòm, lạnh làm mền, nực làm chiếu, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu thôi”, mà sự sống của một người tu rất đơn giản, không đua đòi, suốt đời tương chao đạm bạc. Nghèo như Uy Viễn Tướng công đã mô tả: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.” Như vậy vẫn còn sang, còn người tu phải khổ hạnh hơn thế nữa. “Tam thường bất túc” là những điều mà một người tu phải luôn gìn giữ. Đó là những chuyện ăn, mặc và ngủ nghỉ không bao giờ được thỏa mãn đến mức đầy đủ (bất túc). Người nghèo còn an giấc được trong năm canh, chứ người tu phải thức khuya dậy sớm để công phu kinh kệ, sách tấn tu hành nên tất cả những điều ấy tạm gọi là “ngược dòng sanh tử” vậy.

Xa lộ ở đây rộng thênh thang, tốc độ cũng quá nhanh so với ở Nhật. Ở Nhật trên xa lộ người ta chỉ có thể chạy được 90 cây số 1 giờ, trong khi đó tại Đức có thể chạy 120 hoặc 130 cây số giờ. Có nhiều xe còn phóng hơn vận tốc ấy nữa, vì luật không giới hạn. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chiếc xe ấy đã mang chúng tôi về một làng quê hẻo lánh cách Kiel chừng 30 cây số.

Bạn tôi đang thực tập tại một bệnh viện ở đây. Ban ngày bạn đi làm, tôi ngồi trong phòng riêng viết thư và chờ bạn đi làm về để đi dạo và kể cho nhau nghe những chuyện học hành, thi cử, hoạt động, quan điểm sống v.v... Lần đầu tiên khi nghe đến 2 chữ “đi dạo” tôi cảm thấy xa lạ làm sao. Vì ở Nhật danh từ này ít được dùng đến hay đã bị lãng quên từ lúc nào trong xã hội. Suốt ngày người ta chỉ biết quần quật bên cái máy, chiếc xe hơi, làm việc ngay cả chiều thứ 7 thì làm sao có thì giờ để đi dạo? Từ trường học cho đến công tư sở đều chỉ có thể nghỉ ngày chủ nhật thôi, còn các ngày khác trong tuần đều phải đi làm hoặc đi học. Có lần mới trưa thứ sáu bạn tôi đã bảo hôm nay nghỉ cuối tuần, nghe lạ tai thật. Vì ở Nhật chẳng bao giờ có được điều ấy cả. Có nhiều buổi chiều thứ 7 tôi phải đi họp với các anh em sinh viên Phật tử tại Đông Kinh, ngoài ra thì giờ đều đổ dồn vào việc học và có những môn chánh trong đại học phải lấy, nên tôi không thể bỏ học mà đi chơi được. Ở Nhật chỉ có làm việc và làm việc, chẳng bao giờ có được một giờ phút nghỉ ngơi. Đó là ở ngoài đời, còn trong chùa thì phải kể bận rộn nhiều hơn nữa.

Sau 2 tuần ở tại làng quê hẻo lánh ấy, chúng tôi dọn về lại Kiel, ở trong một cư xá sinh viên nằm tại đường Projendorferstr, số 156. Phòng trọ tương đối rộng rãi, nhưng không đủ sức để dung chứa 2 người. Vì ở đây những vật dụng bày ngổn ngang và để chật chội cả phòng ốc. Trong khi đó ở Nhật, cả gia đình chỉ có một căn phòng thôi. Căn phòng này vừa là chỗ ngủ của gia đình vừa là phòng ăn, phòng học, phòng tiếp khách. Xứ Nhật đất đai chật chội, nên phải khéo tính mới có thể sống được. Nếu không thì coi như bị sống ngoài lề xã hội. Bàn ghế, giường tủ v.v... tất cả đều có thể trưng bày ra mà cùng có thể xếp gọn lại. Ban đêm họ dẹp hết những đồ đạc ban ngày bày biện trong phòng và mang đồ ngủ ra để ngủ. Sau khi thức dậy lại dẹp đồ ban đêm để trưng bày đồ dùng ban ngày. Nhiều lúc “cái khó bó cái khôn”, nhưng cũng có thể nói rằng: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.” Do đó, ở đâu quen đó. Nếu người không “thiểu dục tri túc”, nghĩa là ít ham muốn, biết đủ, thì dầu có làm đến Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng vẫn thấy thiếu thốn như thường. Còn tôi, một người tu, thế nào rồi cũng xong cả.

Thời gian đầu của một người mới đến xứ lạ là thời gian quan trọng nhất để có thể hội nhập vào đời sống mới. Do đó, tôi để tâm suy xét về mọi vấn đề, mọi khía cạnh xem có nên ở lại Tây Đức để học hành tu niệm, hay về lại Nhật để tiếp tục cuộc sống cũ. Chừng 3, 4 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa có ý định nào dứt khoát cả. Một phần muốn ở lại Đức và phần khác lại muốn quay về Nhật. Thời gian ấy phải nói là thời gian có nhiều đắn đo suy nghĩ nhất.

Vào những buổi cuối tuần, bạn tôi thường hay đi đến những thành phố xa trong nước Đức để hội họp hoặc gặp mặt bạn bè. Lần đầu tiên tôi được Hội Sinh Viên Việt Nam tại Hannover mời đến nói chuyện cùng Thầy Thích Minh Tâm từ Paris sang và nội dung của thư mời được viết như sau:

“Thân gởi Anh, Chị:.............................

Hội Đoàn Sinh viên Việt Nam tại Hannover thân mời Anh, Chị đến tham dự buổi nói chuyện về việc Chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, chà đạp tự do tín ngưỡng..., mà gần đây nhất hôm 6/4/1977, toàn bộ cấp lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị bắt giam trái phép.

Buổi nói chuyện sẽ được tổ chức vào ngày thứ năm, 11/8/1977 tại KSG, Leibnizufer 17 A, lúc 20g. Cũng trong buổi nói chuyện trên sẽ có sự tham dự của 2 vị Đại Đức thuộc GHPGVNTN. Đại Đức Thích Minh Tâm, Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Tăng Ni tại Pháp và Đại Đức Thích Như Điển, Chi bộ Giáo Hội PGVNTN tại Nhật.

Thân mời Anh, Chị tới tham dự đông đủ.
Hội Đoàn Sinh viên Việt Nam tại Hannover
T.M Ban Đại Diện
DƯƠNG NGỌC MINH

Phòng họp hôm đó được trưng bày như sau: Có một bàn thờ Phật, tượng Phật do anh Nguyễn Ngọc Tuấn mang từ nhà đến, không có đèn cầy, không chuông, không mõ. Có một lư nhang, một đĩa trái cây và một bình bông huệ. Phía sau tượng Phật là một lá cờ Phật giáo. Bên trên lá cờ Phật Giáo có 2 hàng chữ đỏ viết đậm nét: TỔ QUỐC VIỆT NAM TRƯỜNG TỒN - DÂN TỘC VÀ ĐẠO PHÁP BẤT DIỆT”.

Thật cảm động làm sao khi nhìn thấy hình ảnh trang nghiêm ấy tại Hannover, và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên Hannover tổ chức một buổi lễ Phật tại một nhà giảng của sinh viên Hội Thiên Chúa Giáo.

Những người tham dự hiện diện như sau: Anh Lê Đức Phụng, người có tuổi hơn cả, ngồi hàng đầu sau chúng tôi. Anh Phụng và gia đình là những người Việt đầu tiên đến định cư tại Hannover, không thuộc thế hệ sinh viên, nhưng cũng hiện diện hôm ấy. Bây giờ gia đình anh đang định cư ở Úc. Anh Tuấn, chị Cúc, là những người Phật tử đầu tiên của chùa Viên Giác, bây giờ hiện ở Hamburg. Anh Bé ở Hildesheim, anh Lệ đến từ Kiel, Hiếu, Minh, anh Trưởng, anh Khánh, Hưng, anh Vinh, anh Châu và Diệp, anh Quân, bây giờ là nha sĩ cũng từ Kiel. Tất cả mọi người hầu như ngày nay đã ra trường, người kỹ sư, người tiến sĩ, cử nhân. Có người hiện ở Hannover, có người đã xa Hannover, nhưng vẫn còn liên lạc với chùa. Có người là tín đồ đạo Tin Lành, Thiên Chúa Giáo, nhưng cũng đã đến nghe chúng tôi nói chuyện hôm ấy.

Đầu tiên là lễ Phật. Vì chuông không mà mõ cũng chẳng có nên Thượng Tọa Minh Tâm (lúc bấy giờ mới là Đại Đức và được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng Tọa nhân Đại Giới Đàn Thiện Hòa tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế Hoa Kỳ vào ngày 3/9/1983) và tôi đã tụng kinh Bát Nhã ba lần rồi hồi hướng. Bên dưới hội trường im phăng phắc, tất cả đều đứng lên nghiêm chỉnh theo tiếng kinh cầu. Chưa có một người nào biết chắp tay, ngay cả họ là những người Phật tử.

Sau đó chúng tôi trình bày những sự kiện vi phạm nhân quyền của chính quyền ĐCSVN và việc bắt giam các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo cũng như trình bày một vài sinh hoạt tại Pháp và tại Nhật.

Sau phần trình bày là phần thảo luận. Trong phần thảo luận tôi lưu ý đến 3 người sinh viên lúc bấy giờ tại Hannover là anh Phan Văn Trường, bây giờ đang ở Mỹ, anh Lâm Đăng Châu và Anh Ngô Ngọc Diệp, hiện ở Hannover. Sau khi tham dự buổi hội thảo, Trâm - bạn tôi có hỏi về những người tại Hannover. Tôi trả lời: “Có chấm được 3 người, còn những người khác chưa biết, vì họ không phát biểu ý kiến.” Anh Trường ăn nói hay, rất lưu loát. Anh Châu rất sâu sắc về chính trị, nhưng tôn giáo thì ít lưu tâm đến. Anh Diệp, nói hơi nhiều, nhưng có lẽ đây là người mà tôi lưu tâm nhất. Tại sao lưu tâm thì tôi không biết, nhưng có lẽ vì một nhân duyên nào đó nên tôi đã để ý đến người này. Biết đâu lại hữu dụng cho tương lai Đạo Pháp ở xứ này nếu tôi ở luôn lại Tây Đức. Trâm bảo, tôi nhận xét không lầm điều đó và có lẽ cho đến ngày nay việc nhận xét trên vẫn còn giá trị.

Tôi trở về lại Kiel đi học tiếng Đức tại Volkshochschule ba tháng để sau đó thi vào lớp tiếng Đức của Đại Học Kiel đã mở được mấy tháng trước. Bây giờ phải đổi nhà về đường Holtenauerstr, số 298. Đây cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, số nhà này đúng nguyên số chùa Hưng Long ở đường Minh Mạng, Chợ Lớn mà tôi đã ở trước khi sang Nhật, nên có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được. Ban ngày đi học tiếng Đức, buổi chiều qua cư xá sinh viên với Trâm ở đường Progendorfer để dùng cơm chiều chung, sau đó đi dạo và Trâm chỉ thêm cho tôi tiếng Đức.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua như thế, trong tuần đi học, cuối tuần đi thăm các Hội Đoàn và nói chuyện về tình hình của Giáo Hội trong nước tại các nơi như Dortmund, Stuttgart, Kiel, Berlin và một vài nơi khác nữa. Vào ngày 25, 26 và 27 tháng 11 năm 1977, tôi có tham dự trại Bắc Đức tại Berlin. Hồi đó có chia Nam Bắc là vì sau năm 1975, như một số anh em sinh viên tường thuật, hàng ngũ sinh viên hầu như không có thế đứng, mạnh ai nấy lo chuyện học hành thi cử, miền Nam có Liên Đoàn Sinh Viên Việt Nam Tự Do, nhưng đối với miền Bắc thì quá xa, nên một số anh em miền Bắc mới ngồi lại với nhau gồm 3 Hội Sinh Viên tại Berlin, Kiel và Hannover để hoạt động. Nếu Hannover tổ chức Tết thì mời Kiel và Berlin. Ngược lại Berlin tổ chức trại Hè thì Kiel và Hannover tham gia. Rồi năm đến Kiel phải tổ chức Tết. Hồi đó tình thân thiện giữa ba hội đoàn rất mật thiết, như là “chị ngã em nâng” vậy. Đa số là sinh viên, có rất nhiều Phật tử nhưng hầu như họ chẳng hiểu đạo là gì. Gặp nhau là đưa tay ra bắt chứ chẳng biết chắp tay chào hoặc niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tổ chức Liên Vùng tại Bá Linh kỳ đó gồm có đá banh, hội thảo và cầu nguyện, văn nghệ v.v... Đá banh thì khỏi phải nói, mọi người đều tham gia hết mình, văn nghệ cũng vậy. Hội thảo có anh Châu (Hannover), anh Trâm (Kiel), anh Nam (Berlin) - bây giờ hiện ở Wiesbaden, anh Lộc (Berlin) - bây giờ đang ở Mỹ. Văn nghệ có anh Hoàng (Berlin) - bây giờ ở Bremen, và còn nhiều người khác nữa.

Trong trại cũng có làm bích báo và trong tờ bích báo có viết lại về lễ tưởng niệm các vị Thánh Tăng tử đạo, các anh hùng liệt sĩ các vị đã bỏ mình hy sinh cho Tự Do, Tổ Quốc. Bài bích báo có đoạn viết:

“Sau buổi học tập, mọi người đều ngồi lại nghiêm trang yên lặng trước bàn thờ Tổ Quốc, trước đó đã được dựng lên, tuy đơn giản nhưng ai nấy đều cảm thấy như có quê hương Việt Nam trước mặt, như nghe tiếng kêu gọi của núi sông đang thôi thúc. Hàng chữ Tổ Quốc Việt Nam ngay liền dưới tấm bản đồ Việt Nam đã được treo lên trước làn khói hương nghi ngút. Buổi lễ có thêm sự hiện diện của Thầy Như Điển, đại diện GHPGVNTN, Chi Bộ Nhật Bản - Tây Đức đã được mọi người cử làm chủ lễ. Bài hát “PHẬT GIÁO VIỆT NAM” do đại diện các bạn trong Ban Văn Nghệ các Hội Địa Phương cùng đồng ca mở đầu buổi lễ tưởng niệm. Trong bài diễn văn đọc trong buổi lễ đã nói lên truyền thống giữ nước, dựng nước và cứu nước của dân tộc Việt Nam suốt dòng lịch sử đến nay, luôn giương cao ngọn cờ độc lập tự do, đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng một nước Việt Nam theo tinh thần dân tộc thuần túy. Nhưng hơn 2 năm nay, CSVN lên cầm quyền, đã đưa dân tộc Việt Nam vào hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ, các quyền tự do dân chủ căn bản, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tư tưởng, đi lại... đã không được tôn trọng. Người dân bị áp bức, bị đưa đi các vùng kinh tế mới, bị giam cầm đày đọa trong các trại cải tạo tư tưởng. Nhiều người đã chết, các vị Tăng Ni, chức sắc tôn giáo đã hy sinh để cảnh tỉnh chế độ, dân chúng đồng bào đã không ngại gian nguy bão tố, dùng thuyền vượt biển mong tìm lại sự tự do, và nhiều người đã bỏ mình trên biển cả...

“Buổi lễ tưởng niệm diễn ra trong không khí thành kính, yên lặng cầu nguyện cho những người đã chết, các Thánh Tăng, các Thánh Tử Đạo, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Dân Tộc và Đạo Pháp, những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do... Buổi lễ tưởng niệm còn mang thêm ý nghĩa quyết tâm của chúng ta nói lên tiếng nói trung thực của lòng mình để cảnh tỉnh sự cai trị, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân của chính quyền Đảng CSVN với dư luận thế giới...”

Sinh hoạt sinh viên quây quần theo những kỳ nghỉ hè và Tết. Còn tôi, một tu sĩ lạc lõng giữa trời Âu, chân đứng chưa vững, mang cây bồ-đề, hạt giống giác ngộ của Đức Thế Tôn đi trồng nơi xứ tuyết quả là một điều thiên nan vạn nan vậy. Ai hiểu cho tôi hơn chính mình, và ai có thể làm cho tôi khá hơn nếu như chính tôi không có sự cố gắng.

Trở lại phòng trọ - nơi chỉ có một bàn thờ Phật duy nhất, với một tăng sĩ nghèo như tôi về mọi mặt, không đủ an ủi cho chính mình trong nhiều lúc thế sự đổi thay và lòng người khó tả. Đã có lần tôi định về lại Nhật. Nhưng sau những sự đắn đo suy nghĩ, tôi đã quyết định ở lại Tây Đức cho đến ngày hôm nay và sự quyết định ấy được diễn tiến như thế nào, mong quý vị sẽ đọc qua những trang kế tiếp...


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.97.14.88 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...