Hỏi: Chuyện dâm dục nếu đã đứng đầu trong muôn điều xấu ác, bậc Thánh vương thời xưa khi cai trị lẽ ra phải ngăn tuyệt dứt sạch, thế nhưng vua Phục Hy lại bày ra chuyện mai mối để kết nối hai bên nam nữ, tác thành hôn nhân, như vậy là thế nào?
Đáp: Đó chính là vì muốn ngăn dứt sự dâm dục [hỗn loạn] trong thiên hạ. Nếu không thiết lập chuyện lễ nghi hôn nhân, ắt kẻ nam người nữ khắp trong thiên hạ, bất kể là ai cũng có thể làm chuyện dâm dục với nhau, giống như loài cầm thú, rồi khi sinh ra con cái, ắt cũng sẽ ruồng bỏ không nuôi dưỡng. Vì thế nên phải bày ra phương tiện, thiết lập lễ nghi phép tắc hôn nhân, để cho khắp trong thiên hạ, mỗi người đàn ông đều chỉ sống như vợ chồng với vợ của mình, phụ nữ cũng chỉ sống như vợ chồng với chồng của mình, cha mẹ đều có trách nhiệm biết nuôi dưỡng con cái, tất cả đều theo đúng một phép tắc như nhau mới không rối loạn.
Hỏi: Tại sao lại giao quyền tác hợp đôi bên nam nữ cho người mai mối?
Đáp: Thông qua mai mối là vì sợ có những kẻ xảo trá gian dối, vì muốn lấy người đẹp mà chê bỏ người xấu, tạo ra sự tranh giành lẫn nhau.
Hỏi: Vì sao phải thiết lập nhiều lễ nghi như vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ...?
Đáp: Vì sợ đời sau có những kẻ buông thả phóng túng dễ dàng ăn nằm hỗn tạp với nhau, nên phải bày ra những lễ nghi rõ ràng như thế [để buộc họ phải tuân theo].
Hỏi: Nguyên nhân ban đầu của việc thiết lập lễ nghi hôn nhân nay tôi đã rõ, nhưng không biết chuyện quan hệ nam nữ có nguồn gốc ban đầu từ lúc nào?
Đáp: Dựa theo kinh Khởi thế nhân bản thì vào khi thế giới mới thành lập, tất cả chúng sinh đều từ nơi cõi trời Quang Âm đầu thai xuống, tự nhiên hóa sinh, không phải sinh ra từ bụng mẹ. [Khi ấy mặt đất ở cõi này sản sinh vật chất có vị ngọt như mật ong, chúng sinh ăn vào tự nhiên đầy đủ khí lực,] nhưng qua một thời gian dài tham ăn những thức ăn đó, hình dung sắc tướng chúng sinh dần dần thay đổi trở thành xấu xí, liền sinh ra những gân, mạch, xương, tủy... và bắt đầu phân chia thành hình tướng nam nữ khác nhau, sau đó mới khởi sinh tình dục. Đó chính là khởi nguyên ban đầu của chuyện quan hệ nam nữ.
Hỏi: Nho gia cho rằng tội bất hiếu có ba điều, trong đó không sinh con nối dõi là tội lớn nhất. Đức Phật lại dạy người lìa bỏ gia đình xuất gia tu đạo, hơn nữa còn hết sức chỉ rõ những điều nguy hại trong đời sống thế tục. Vì sao Nho giáo và Phật giáo, đôi bên lại khác biệt nhau như thế?
Đáp: [Nhìn từ góc độ thế gian thì] chỗ làm tốt đẹp của Nho giáo và Phật giáo tuy có khác biệt nhau, nhưng đôi bên cũng đều hướng đến việc giúp cho xã hội được yên ổn thịnh trị. Người đời căn cơ khí chất khác biệt nhau, có những chỗ Phật pháp không giáo hóa được mà Nho giáo có thể giáo hóa, lại có những chỗ Nho giáo không thể giáo hóa mà Phật giáo có thể giáo hóa. Vì thế, bậc thánh nhân của Tam giáo, tuy đồng tâm hiệp lực [giáo hóa người đời], nhưng không thể không phân chia thành các phương diện khác nhau, mỗi đạo đều lập ra tông phái riêng, có phương thức giáo hóa riêng. Tên gọi tuy phân làm ba, nhưng thực chất cũng chỉ là một mà thôi.
Ví như ba vị lương y đều muốn trị bệnh cứu người, nhưng bệnh tật của người đời vốn nhiều khác biệt, nếu cả ba cùng học một phương pháp như nhau thì việc chữa trị sẽ không được rộng khắp. Lại ví như khi gặp nạn binh lửa, có ba vị trưởng giả đều muốn cứu dân ra khỏi thành, nếu cả ba cùng mở một cửa thành thì không thể cứu được nhiều người.
Cho nên, nếu có thể hết sức làm theo lời dạy của đức Khổng tử, ắt rằng đức Thích-ca nhìn thấy cũng vui. Nếu có thể hết sức làm theo lời dạy của đức Thích-ca, ắt đức Khổng tử nhìn thấy cũng vui. Nếu cho rằng phải làm theo đạo của ta mà tốt đẹp, ta mới hài lòng; không làm theo đạo của ta mà tốt đẹp, ta vẫn không hài lòng, như vậy ắt không thể là Phật, là thánh được.
Đời Tùy, Lý Sĩ Khiêm từng nói rằng: “Tam giáo như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, không thể thiếu một trong số đó.” Người đời sau đối với việc này tranh luận không thôi, chỉ bộc lộ ra chỗ hẹp hòi của chính mình mà thôi.
Hỏi: Có người nói rằng các vị thánh nhân như Phục Hy, Hoàng Đế... đều là các vị đại Bồ Tát ứng hiện hóa thân, không biết có đúng không?
Đáp: Cũng có thể có khả năng đó. Nhà làm cung giỏi thì con cái trước hết cho học làm các loại nia, sàng... Nhà luyện đúc kim khí giỏi thì con cái trước hết cho học làm áo lông cừu. Trong đạo Phật có pháp quyền biến, có pháp xác thực, có pháp tiệm tu, có pháp đốn nhập. Lìa bỏ dục tình, xuất gia tu đạo, đó là pháp xác thực, đốn nhập. Lập gia đình, tại gia tu tập, đó là pháp quyền biến, tiệm tu. Ví như có người chưa thể ăn chay trường thì trước hết nên khuyên họ dùng ba loại thịt sạch. Các bậc thánh nhân của Tam giáo đều cùng một tâm này, cùng một lý này.
Hỏi: Ví như nhân loại ai ai cũng dứt tuyệt chuyện dâm dục, thì trăm năm sau ắt loài người không còn nữa, như thế thì sao?
Đáp: Trong cõi đời ô trược này, trai gái đến tuổi đôi mươi chưa kịp cưới gả thì đã lén lút nhìn nhau, chực đi theo nhau, làm sao có việc ai ai cũng dứt chuyện dâm dục? Chỉ cần ông tự nhìn lại mình xem, chỉ sợ đã không làm được như vậy, huống gì người khác? Như người chài lưới một ngày nghỉ không bắt cá, lại lo [sông nhiều cá] thuyền đi không thông, thật chẳng khác gì người nước Kỷ lo trời sập xuống.
Hỏi: Tuy nói thế, nhưng nếu quả thật có chuyện ấy xảy ra thì sao?
Đáp: Nếu quả được như vậy thì lúc đó khắp thế gian này sẽ đều giống như chư thiên hóa sinh, không còn phải sinh ra từ tù ngục bào thai nữa.