Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 2: Những Gì Không Phải Là Thiền? »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 2: Những Gì Không Phải Là Thiền?

Donate

(Lượt xem: 7.682)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 2: Những Gì Không Phải Là Thiền?

Font chữ:

Thiền là một ngôn từ. Bạn đã từng nghe đến từ này trước đây, nếu không bạn đã chẳng cầm đọc quyển sách này làm gì. Tiến trình suy nghĩ vận hành bằng sự kết nối, và tất cả các loại ý tưởng đều được liên kết với từ “thiền”. Một số ý tưởng có thể là đúng, một số khác chỉ là vớ vẩn. Một số ý tưởng thì thuộc về những hệ thống [pháp môn] thiền khác và không liên quan gì đến Thiền chánh niệm, tức Thiền Minh Sát (vipassana). Trước khi tiến hành, chúng ta có trách nhiệm dọn sạch những tàn dư ra khỏi mạch dây thần kinh để cho những thông tin mới có thể được chuyển tiếp qua một cách thông suốt, không bị cản kẹt. Chúng ta hãy bắt đầu bằng thứ rõ ràng nhất.

Ở đây chúng tôi sẽ không dạy bạn chú tâm vào chỗ rún của bạn hay tụng niệm những vần điệu bí hiểm nào cả. Bạn không phải đến đây để chinh phục một con quái vật hay chinh phục những năng lực siêu nhiên vô hình nào cả. Không ai trao giải thưởng bằng đai đen đai đỏ nào cho sự thực hành của bạn, và bạn cũng không cần phải cạo đầu hay đội khăn đóng. Bạn cũng không cần phải buông bỏ mọi thứ của cải và xuất gia vào chùa để tu. Thật ra, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay việc thiền tập và sẽ có được ngay nhiều tiến bộ, chỉ trừ khi trường hợp cuộc đời của bạn là quá vô đạo vô đức, vô phúc vô phần, và đầy hỗn loạn. Nghe có vẻ khá khích lệ, phải không bạn?

Có rất nhiều, rất nhiều sách vở viết về đề tài thiền. Hầu hết đều được viết từ quan điểm của một trường phái tôn giáo hay triết học nào đó, mà những tác giả đó cũng chẳng buồn nói ra đó là thiền của trường phái hay của pháp môn nào. Họ tuyên giảng về thiền nghe cứ như là những quy luật tổng quát, nhưng thực tế đó chỉ là những phương thức đặc trưng của tông phái riêng của họ mà thôi. Kết cục là một mớ hỗn độn. Tệ hơn nữa chỉ là cái vỏ bọc những lý thuyết phức tạp và những diễn dịch, tất cả đều lệch lạc, không đồng nhất với nhau.

Quyển sách này thì cụ thể và rõ ràng hơn. Chúng tôi chỉ đang bàn luận về hệ thống Thiền Minh Sát (vipassana).5 Chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn quan sát sự vận hành của tâm mình theo một cách yên tĩnh và buông xả để bạn có thể chứng đạt được trí tuệ nhìn sâu vào bên trong hành vi của mình. Mục tiêu chính là sự tỉnh giác, một sự tỉnh giác thật mạnh mẽ, tập trung và hưng phấn, giúp bạn có thể chọc thủng vào bên trong bản chất của thực tại.

Có một số quan niệm sai lầm phổ biến về thiền. Chúng tôi thu nhận liên tục những câu hỏi lặp đi lặp lại từ những thiền sinh mới. Cách tốt nhất là nên giải quyết những vấn đề này ngay một lúc, bởi vì chúng thuộc loại những tiền-quan-niệm [những dự-tưởng] có thể chặn đứng tiến trình thiền tập của bạn ngay từ đầu. (Ví dụ, chúng có thể làm lệch quan điểm và tư duy của bạn ngay từ đầu). Sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra và giải tỏa từng quan niệm sai lầm này cùng một lúc.

Quan niệm sai lầm #1: Thiền chỉ là một kỹ thuật thư giãn

Ông ‘kẹ’ ở đây chính là chữ “chỉ là”. Thư giãn là một phần chính của thiền, nhưng Thiền Minh Sát thì nhắm đến mục tiêu cao sâu hơn. Tuy vậy, câu nói này về căn bản là đúng đối với nhiều phương thức thiền khác. Tất cả những phương thức thiền đều nhấn mạnh vào sự định tâm, hướng tâm tập trung vào một đối tượng hay một đề mục.

Nếu thực hành mạnh mẽ và đầy đủ, bạn sẽ chứng đạt một trạng thái thư giãn sâu sắc và đầy hỷ lạc. Đó được gọi là tầng thiền định [jhana]. Đó là một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đỉnh thăng hoa thành niềm sảng khoái, hỷ lạc và hạnh phúc. Nó là một dạng khoái lạc vượt trên và xa hơn những khoái lạc thường ngày khi tâm thức ở trạng thái bình thường. Hầu hết các hệ phái thiền đều dừng lại ở chỗ này. Đó là mục tiêu của họ, và khi một người đã chứng đắc được nó (các tầng thiền định) thì người đó có thể trải nghiệm lại được trạng thái đó trong suốt cuộc đời còn lại. Như vậy nó (thiền định) khác với thiền quán Minh Sát.

Thiền Minh Sát tìm kiếm mục tiêu khác – Đó là sự "tỉnh giác". Sự định tâm và sự thư giãn được xem như là những bước phụ trợ cho sự tỉnh giác chánh niệm. Định và thư giãn là những thứ đi trước, là những công cụ, và những phụ phẩm hữu ích cần phải có trước để trợ giúp cho thiền quán Minh Sát.7 Nhưng chúng không phải là mục tiêu của thiền Minh Sát. Mục tiêu của thiền Minh Sát là trí tuệ. Thiền Minh Sát là phương thức thực hành sâu sắc của Phật giáo nhằm mục đích làm trong sạch thân tâm và chuyển hóa đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng tôi sẽ giải thích nhiều hơn về sự khác biệt giữa thiền định và thiền tuệ trong Chương 14 của quyển sách này.

Quan niệm sai lầm #2: Thiền có nghĩa là đi vào trạng thái như thôi miên

Một lần nữa, câu nói này có thể được dùng để mô tả chính xác về những loại thiền khác, nhưng không phải Thiền Minh Sát. Thiền Minh Sát Tuệ không phải là một hình thức thôi miên. Ở đây, chúng ta không cố làm mờ mịt tâm trí để nó trở nên vô thức, không ý thức, không tỉnh thức. Chúng ta cũng không phải cố chuyển hóa bản thân mình từ chúng sinh hữu tình trở thành loại cây cỏ vô cảm, vô tình. Ngược lại thì có. Bạn sẽ trở nên hòa hợp hơn, đồng điệu hơn với những đổi thay của mình về mặt cảm xúc. Bạn sẽ học được cách hiểu biết về chính bản thân mình bằng sự minh mẫn, rõ ràng và chính xác hơn bao giờ hết. Trong quá trình học tập kỹ thuật này, một số trạng thái có thể xảy ra, giống như kiểu trạng thái thôi miên mà người ngoài nhìn vào có thể cho là vậy. Nhưng thật ra những trạng thái đó hoàn toàn là ngược lại. Trong thôi miên, đương sự bị kiểm soát bởi người khác, trong khi đó bên thiền tập khi tâm tập trung (định) sâu thì thiền sinh vẫn hầu như kiểm soát được bản thân mình. Trong giống như trạng thái thôi miên nhưng thực ra là giả tạo. Và bất kỳ trường hợp nào xảy ra những hiện tượng như vậy đều không liên quan đến sự thực hành và mục tiêu của Thiền Minh Sát. Như chúng ta đã nói ở trên, trạng thái định sâu của tầng thiền định (jhana) là một công cụ và là bước đầu trên con đường dẫn đến sự tỉnh giác cao quý hơn. Thiền Minh Sát, theo định nghĩa, là tu dưỡng sự chánh niệm và tỉnh giác. Nếu bạn nhận thấy rằng mình đang trở nên vô thức trong khi thiền, vậy là bạn không phải đang thiền, theo như định nghĩa rõ ràng về Thiền Minh Sát. Đơn giản là vậy. (Thiền Minh Sát là tu tập để sự tỉnh giác và chánh niệm luôn luôn có mặt, luôn luôn ý thức. Vì vậy nếu bạn rơi vào trạng thái vô thức thì không phải là thiền).

Quan niệm sai lầm #3: Thiền là một phương thức huyền bí, không thể nào hiểu được

Một lần nữa, câu nói này cũng đúng, nhưng không hoàn toàn đúng. Thiền làm việc với những tầng tâm thức nằm sâu bên dưới những tư duy biểu tượng. Vì vậy, một số dữ liệu về thiền là không thể nào diễn tả được bằng từ ngữ thông thường. Tuy nhiên, không có nghĩa là nó không thể nào hiểu được. Có những cách sâu sắc hơn là cách thông qua từ ngữ để hiểu về mọi sự. Bạn hiểu được cách đi. Bạn đi được. Có thể bạn không thể miêu tả được chính xác dây thần kinh và cơ bắp của bạn co thắt như thế nào trong khi đi. Nhưng bạn có thể đi được. Thiền nên được hiểu theo cách như vậy, tức là bằng cách thực hành nó. Thiền không phải là cái gì bạn phải học nó bằng những thuật ngữ trừu tượng. Thiền là để trải nghiệm. Để làm và biết. Thiền không phải là một kiểu công thức vô tâm có thể mang lại những kết quả tự động và dự đoán trước được. Nó không phải như công thức máy móc, cắm nguồn điện, bấm nút mở là màn hình TV chắc chắn tự động hiện lên như đã dự tính. Một thiền sinh không thể nào dự đoán trước điều gì sẽ xảy ra trong một phiên thiền nào đó. Thiền là một sự khám phá và thử nghiệm, và là một chuyến phiêu lưu trong mỗi lần ngồi thiền. Thật ra, khi bạn đã đạt đến một cảm giác có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra hoặc/và mọi sự tương tự sẽ lặp lại như lần thiền trước, thì bạn bạn đang không thực sự thiền. Bạn dùng hiện tượng này như một chỉ số (về sự tiến bộ của bạn). Có nghĩa là bạn đã bị trệch đường ở đâu đó và bạn đang đi đến chỗ trì trệ trong việc thực hành. (Tức là: nếu bạn có thể cảm giác trước hoặc dự đoán trước điều gì sẽ xảy ra với tâm mình trong giờ ngồi thiền, hoặc thậm chí những gì xảy ra cũng giống tương tự những gì xảy ra trong những lần thiền trước: thì sự thiền của bạn đang sai lệch sao đó, vì những gì xảy ra như vậy là không đúng lẽ tự nhiên và tính không-thể-dự-báo-được của thiền).
Hãy học cách nhìn vào từng mỗi giây, như thể đó là giây đầu tiên và duy nhất trong đời. Đó là phương cách cốt lõi của Thiền Minh Sát. Tức là luôn luôn tỉnh giác và quan sát vào từng khoảng khắc của sự sống.

Quan niệm sai lầm #4: Mục đích của thiền là để đạt được thành thần thông siêu phàm

Không phải vậy. Mục đích của thiền là phát triển sự tỉnh giác. Học thiền để đọc tâm mình hay tâm kẻ khác thì không phải là mục đích của thiền. Sự bay bổng tâm trí không phải là mục tiêu của thiền. Mục tiêu của thiền là sự giải thoát. Thực tế thì cũng có một sự kết nối giữa những hiện tượng thần thông siêu phàm và thiền, nhưng mối quan hệ đó có lẽ là rất phức hợp. Trong những giai đoạn đầu hành thiền, những hiện tượng đó có thể xuất hiện hoặc không. Một số người có thể thấy biết bằng trực giác, hoặc họ có được trí nhớ về kiếp quá khứ; số người khác thì không có. Dù gì đi nữa thì những hiện tượng này cũng không nên được xem là những năng lực thần thông thuần thục và đáng tin cậy. Đừng cho đó là điều gì quan trọng. Thật ra, những hiện tượng như vậy là khá nguy hiểm cho những thiền sinh trong giai đoạn đầu, vì chúng quá cám dỗ. Chúng có thể là cái bẫy của tự ngã dẫn dụ người thiền đi sai đường lệch hướng. Lời khuyên tốt nhất cho bạn là hãy đừng đặt vấn đề và đừng quan trọng gì đến những hiện tượng đó. Nếu chúng xuất hiện, không thành vấn đề. Nếu chúng không xuất hiện, cũng không vấn đề gì. Thường chúng cũng ít xuất hiện. Có một giai đoạn trên đường tu tập của người tu thiền, lúc đó người ấy có thể thực hành những bài tập đặc biệt để phát triển năng lực thần thông. Nhưng vẫn còn lâu mới đến lúc xảy ra điều này.
Khi nào đã chứng đạt được tầng thiền định rất cao sâu, thiền sinh sẽ đủ dư trình độ để làm việc với những năng lực đó mà không hề bị nguy hiểm [nguy hiểm vì chúng có thể làm mất hết kiểm soát hay chi phối đời sống của người thiền]. Rồi thiền sinh đó sẽ phát triển năng lực đó một cách nghiêm túc với mục đích phục vụ cho lợi ích của mọi người. Khả năng này chỉ xảy ra sau hàng chục năm tu tập. Đừng lo lắng về điều đó. Cứ tập trung vào phát triển thêm và thêm sự tỉnh giác. Nếu có những giọng nói và hình ảnh (tâm ảnh) hiện lên, cứ lưu ý đến chúng và để mặc chúng tự biến đi. Đừng xía vào chúng. Đừng dính líu đến chúng.

Quan niệm sai lầm #5: Thiền là nguy hiểm, và người cẩn trọng nên tránh xa.

Mọi thứ trên đời đều nguy hiểm. Băng qua đường và bạn cũng có thể bị xe buýt tông. Vừa xả vòi nước tắm và bạn có thể bị quẹo cổ. Thiền và bạn có lẽ cần phải vét sạch mọi thứ ô nhiễm từ trong quá khứ của bạn. Cái mớ bị đè nén và chôn chặt lâu ngày ở đó có thể cũng đáng sợ. Nhưng việc đó cũng mang lại rất nhiều ích lợi cho bạn.
Chẳng có việc gì là hoàn toàn không có rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ co rúm như con tằm nằm trong kén. Đó không phải là sống. Đó là chết yểu. Cách để giải quyết nguy hiểm là phải biết ước chừng nó nhiều hay ít, nó có thể xuất hiện từ chỗ nào và cách nào để đối phó với nó khi nó xuất hiện. Đó là mục đích của quyển sách hướng dẫn này. Thiền Minh Sát là phát triển sự tỉnh giác. Trong bản thân nó không có gì là nguy hiểm, nhưng nguy hiểm chỉ có từ bên ngoài. Tăng cường sự tỉnh giác là phòng hộ khỏi nguy hiểm. Nếu thực hành đúng thì Thiền Minh Sát là một tiến trình rất nhẹ nhàng và từ tốn. Nó diễn ra chậm rãi và dễ dàng, và sự tinh tiến trong thực hành của bạn sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Không có gì phải gò ép hay miễn cưỡng. Về sau này, khi bạn đã gần đạt đến trình độ tinh vi và trí tuệ phòng hộ của một bậc thầy, bạn có thể tăng tốc độ trưởng thành bằng một giai đoạn tu thiền chuyên sâu miên mật. Tuy nhiên ngay lúc bắt đầu, thiền rất dễ làm. Cứ làm nhẹ nhàng và mọi thứ sẽ tốt đẹp.

Quan niệm sai lầm #6: Thiền chỉ dành cho thánh nhân và tu sĩ khổ hạnh, không phải cho người thường.

Thái độ quan điểm này có rất nhiều ở Châu Á, nơi mà các nhà sư và thánh nhân được tôn kính rất cao bằng nhiều nghi thức. Điều này cũng tương tự như thái độ của người Mỹ thần tượng những tài tử điện ảnh và những cầu thủ bóng chày nổi tiếng vậy. Những nhân vật như vậy được ‘đúc khuôn’ ra, được làm cho vĩ đại hơn người thường trong đời thực, và được gán ghép thêm nhiều phẩm chất mà ít có ai trong nhân loại có thể sánh bì với họ. Ngay cả ở phương Tây cũng tồn tại ít nhiều thái độ như vậy trong lĩnh vực thiền tập. Họ trông đợi thiền giả phải là một mẫu người kiểu ‘đắc đạo’, khác người đến nỗi trong miệng người ấy bơ sữa cũng không dám tan chảy được vậy. Nhưng chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với nhũng người đó thì ảo tưởng [sự hiểu lầm] sẽ biến mất ngay. Thực tế thì họ thường tỏ ra là những người có nhiều nghị lực và sức sống, những người sống với lòng nhiệt thành hết mực.

Đúng là vậy, tất nhiên, hầu hết những bậc thánh nhân đều hành thiền, nhưng không phải họ hành thiền vì họ là thánh nhân. Ngược lại. Họ là thánh nhân bởi vì họ hành thiền. Thiền là cách để họ trở thành thánh thiện. Và họ bắt đầu thiền tập từ trước khi họ trở thành thánh thiện. Đây là điểm quan trọng. Một số lớn thiền sinh đều nghĩ rằng một người phải hoàn toàn đức hạnh rồi mới nên bắt đầu tập thiền. Đó là cách nghĩ ngược ngạo, không thực tế và không làm được. Đức hạnh thì cần phải có một mức độ kiểm soát tâm trí. Đó là điều kiện cần. Điều kiện tiên quyết. Bạn không thể nào giữ gìn giới hạnh đạo đức nếu bản thân mình không có chút tự chủ về tâm trí, và nếu tâm trí ta cứ rối tung quay tít như bánh dao trong máy xay sinh tố, thì làm sao chúng ta có được sự tự chủ. Vì vậy, việc tu dưỡng tâm [thiền tập] phải nên được làm trước, trước khi người đó có được một “đức hạnh hoàn hảo”... như bậc thánh thiện, bậc chân tu.

Có ba phần hữu cơ trong thiền Phật giáo: Giới hạnh đạo đức, Thiền định và Trí tuệ. [Giới, Định, Tuệ]. Ba phần này sẽ được tu dưỡng và phát triển đồng thời với nhau khi sự thực hành của bạn tiến triển. Phần này sẽ ảnh hưởng bổ trợ cho phần khác, vì vậy bạn tu tập ba phần đó cùng lúc với nhau, chứ không phải tu dưỡng từng phần một rồi đến phần kia. Tức là (i) không có chuyện bạn chờ tu dưỡng cho đức hạnh được ‘hoàn hảo’ rồi mới bắt đầu ngồi vào thiền. (ii) Cũng không phải bạn chờ cho đến khi nào chứng đạt được tầng nhất thiền hay tứ thiền rồi mới chuyển qua thiền quán để đạt được trí tuệ. (iii) Khi bạn có được trí tuệ để hiểu biết rõ một tình huống, lòng bi mẫn dành cho mọi người sẽ tự động nảy sinh. Lòng bi mẫn ở đây có nghĩa là bạn sẽ tự động kiềm chế bản thân mình để cho ba nghiệp [ý nghĩ, hành động, lời nói] khỏi có thể làm phương hại đến người khác. Khi có trí tuệ thì tự động có giới hạnh. Như vậy mọi hành vi cư xử của bạn tự động có đức hạnh. Thường chỉ khi nào bạn không hiểu biết sâu sắc thì bạn mới phạm phải nhiều thứ. Ví dụ như nếu bạn không hiểu biết được hậu quả của hành động của chính mình, thì bạn thường làm bậy. Một người cứ ngồi chờ cho đến khi nào mình đã tu đủ đức hạnh vẹn toàn như bụt như thánh rồi mới chịu học thiền thì cũng giống như chờ một điều gì đó không thể nào xảy ra. Người xưa hay nói người như vậy chẳng khác nào kẻ cứ đứng chờ cho biển lặng hết sóng rồi mới xuống tắm. Điều đó chẳng bao giờ xảy ra.

Để hiểu được đầy đủ mối liên hệ này, chúng ta hãy thử phân đức hạnh thành nhiều mức độ khác nhau. (i) Mức thấp nhất là việc sống tuân thủ những luật lệ và quy tắc do người khác hay xã hội đặt ra. Ví dụ như đó là những luật lệ trong ‘kinh thánh tiên tri’ mà bạn phải theo. Hoặc ví dụ như đó là luật pháp quốc gia, hay luật lệ của tộc trưởng bộ lạc, hay những điều răn của cha mẹ. Không cần biết những quy tắc luật lệ đó do ai đặt ra, nhưng ở mức độ này bạn chỉ cần biết rõ và tuân theo. Người máy cũng làm được việc này. Ngay cả con tinh tinh được huấn luyện cũng tuân thủ được nếu những quy tắc không quá phức tạp, vì mỗi lần nó nếu vi phạm thì nó bị ăn một roi. (Đó là sự bắt buộc). Ở mức độ này không cần gì đến thiền. Tất cả chỉ cần có quy tắc và hình phạt.

(ii) Mức độ thứ hai của đức hạnh được đo bằng sự tôn trọng và tuân thủ các quy tắc luật lệ một cách tự giác mà không cần phải có người ‘cầm roi’ đứng bên cạnh. Giống như bạn phải đi đúng luật giao thông ngay cả khi không có cảnh sát đứng canh. Bạn lớn lên thêm vài tuổi thì có thể tự ăn cơm, tự đi ngủ đúng giờ chứ không phải vì cha hay mẹ cầm roi hay la rầy sát bên. Bạn tuân theo vì bạn đã thấm nhuần những quy tắc đó trong lòng. Nếu bạn làm sai hay vi phạm, bạn sẽ tự trách hay tự phạt mình. Ở trình độ đức hạnh này cần có ít nhiều sự kiểm soát tâm trí. Nếu tâm bạn lung tung, hành vi của bạn cũng sẽ lung tung. Tu tập tâm [thiền] sẽ làm cho tâm bớt lung tung.

(iii) Mức thứ ba của đức hạnh có thể gọi luôn là “đức hạnh”, hay từ đúng hơn là “đạo đức”. Lúc này, người đã có một sự chuyển hóa tốt. Ở trình độ đạo đức này, một người không nhất thiết phải rấp rập tuân thủ những quy tắc luật lệ do thẩm quyền nào đặt ra. Người đó chọn cách ứng xử của mình tùy tình huống. Mức độ này đòi hỏi sự thông minh và khả năng nhìn nhận mọi yếu tố của tình huống, và đi đến phản ứng nhất quán, khéo léo và thích hợp nhất trong mỗi trường hợp. Thêm nữa, những cá nhân thuộc cấp đạo đức này thường cũng cố ngoi mình lên khỏi cái quan điểm cá nhân hạn chế của mình, họ không muốn tiếp tục là ếch ngồi đáy giếng nữa. Họ phải thấy được toàn sự thể một cách khách quan, cân nhắc mọi sự một cách “biết người biết ta”. Nói tóm lại, một người đạo đức, ở cấp này, phải biết gác bỏ tham, sân, ác ý, ganh ghét và những bản tính ích kỷ lâu đời, vốn luôn khiến họ suy nghĩ ích kỷ, chỉ luôn nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người. Chỉ có như vậy, thì một người đạo đức mới có thể chọn ra cách ứng xử hay hành động đúng đắn nhất và hợp đạo lý nhất cho mỗi sự việc. Muốn có phẩm hạnh đạo đức thì tuyệt đối phải cần có sự tu dưỡng tâm, cần phải thiền, ngoại trừ khi người đó sinh ra đã là bậc thánh. Không còn cách nào khác, ngoài thiền, để có được phẩm cấp đạo đức như vậy. Cần phải tu tập tu dưỡng đức hạnh nữa. Hơn nữa, quá trình suy xét (các hành động) cũng cần phải tốn nhiều công. Nếu bạn cố gắng cân nhắc mọi yếu tố của trong tình huống bằng cái tâm ý thức, bạn sẽ bị đuối hơi, kiệt sức. Trí thức không thể nào làm cùng lúc quá nhiều việc. Nó sẽ bị quá tải. May mắn thay, một lớp sâu bên dưới của tâm thức có thể làm hàng loạt những việc suy xét một cách dễ dàng. Thiền có thể tạo ra lớp tâm thức sâu sắc đó, có thể hoàn thiện quá trình suy xét ở mức độ đạo đức thứ ba đó cho bạn. Đó là một cảm giác phi thường.

Một ngày nào đó bạn gặp vấn đề, trông có vẻ như không bao giờ giải quyết được. Ngày hôm sau khi bạn đang rửa chén bát, đang nghĩ về một chuyện hoàn toàn khác thì bỗng nhiên “ngộ” ra giải pháp. Điều này vừa mới nảy sinh từ trong sâu thẳm tâm trí, và bạn thầm kêu lên “Àh hah thì ra vậy”, và tất cả mọi vấn đề được giải quyết. Trực giác chỉ có thể xảy ra khi bạn buông bỏ các lý sự suy diễn ‘logic’ theo thói quen bản năng và nhường chỗ cho tâm có cơ hội đưa ra giải pháp. Một bản tâm tỉnh thức vừa mới có mặt. Thiền giúp cho ta cách “gỡ” mình khỏi quá trình tư duy cố hữu xưa nay. Đó là nghệ thuật bước ra khỏi lối mòn tư duy của tâm, và đó là một kỹ năng rất hữu ích trong cuộc sống hằng ngày.

Thiền chắc chắn không phải là sự thực hành xa lạ chỉ dành cho các thầy tu khổ hạnh hay ẩn sĩ. Nó là một kỹ năng thực dụng để tập trung vào những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày, và mang lại ích dụng tức thì cho cuộc sống của bạn. Thiền không phải là xa đời, xa người.

Thật không may, sự thật này về thiền đã làm nản lòng một số thiền sinh. Họ đến học thiền để mong được ‘xuất thần’ kết nối với vũ trụ siêu phàm hay được hòa vào ‘dàn nhạc trời’ của thiên thần. Nhưng thực tế thì họ chỉ đơn giản là học và tìm được một cách tốt hơn để dọn cái thùng rác trong nhà và cách tốt hơn để giải quyết vấn đề nan giải bình thường trước mắt. Họ không cần phải thất vọng vì điều này. Bởi vì việc dọn dẹp rác rưởi trước mắt cũng hữu ích và nên được làm trước. Sau đó, sau nhiều công phu và thời gian, thì mình mới có thể ‘giao lưu’ được với dàn nhạc thiên thần trên thiên đàng.

Quan niệm sai lầm #7: Thiền là chạy trốn khỏi hiện thực

Không đúng. Thiền là chạy thẳng vào thực tại. Thiền không phải tách bạn khỏi những khổ đau trong đời sống. Thiền giúp bạn đi sâu vào sự sống và mọi khía cạnh của sự sống để bạn có thể chọc thủng hàng rào trở ngại của khổ đau và vượt lên khỏi khổ đau. Thiền Minh Sát là một sự thực hành với mục đích rõ ràng là đối diện với hiện thực, là hoàn toàn trải nghiệm sự sống như-nó-là và đối diện chính xác với những điều bạn thấy. Thiền giúp bạn xua đi những ảo tưởng và những lời nói dối thì thầm mà bạn vẫn hàng ngày hàng giờ nói với bản thân mình về sự sống. Có sao nói vậy. Bạn là chính “bạn”, nên nếu nói dối chính mình về những điểm yếu và những toan tính của mình thì chỉ làm cho mình càng bị dính vào vòng quay của bánh xe ảo tưởng mê lầm mà thôi. Tốt nhất là không nên tự gạt mình. Thiền Minh Sát không phải là nỗ lực để quên bản thân mình hay để che đậy những phiền não của mình. Thiền luyện tập cho bạn cách nhìn vào bạn đúng thật “như-mình-là”. Thấy được mình là ‘cái gì’ và chấp nhận ‘nó’ một cách hoàn toàn. Chỉ khi làm được như vậy, bạn mới mong thay đổi được mình.

Quan niệm sai lầm #8: Thiền là cách để có được khoái lạc?

Điều này vừa đúng vừa không đúng. Thiền nhiều lúc cũng tạo ra những cảm giác sung sướng, hỷ lạc. Nhưng đó không phải là mục đích của thiền Phật giáo, và những niềm sung sướng hỷ lạc đó không phải luôn luôn xảy ra. Hơn nữa, nếu bạn thiền tập với mục đích đó thì chúng càng ít xảy ra!. Nhưng nếu bạn thực hành thiền với mục đích đúng đắn của thiền, thì những niềm hỷ lạc đó lại thường xảy đến với bạn. Niềm sung sướng hỷ lạc có được từ sự thư giãn, và sự thư giãn có được từ sự giải tỏa hết mọi căng thẳng. Nếu bạn chủ động tìm kiếm niềm sung sướng hỷ lạc trong thiền thì bạn đã đưa sự căng thẳng [dục vọng] vào thiền, làm xáo trộn tiến trình diễn ra của thiền. Đây là thế bí, “gậy ông đập lưng ông”!. Bạn chỉ có thể có được an lạc hay hạnh phúc nếu bạn không theo đuổi nó. Thêm nữa, nếu sự hưng phấn, sự ‘phê phê’ hay khoái cảm là cái mà bạn đeo đuổi, thì có nhiều cách khác để bạn có được chúng, (đâu cần phải khổ công ngồi thiền). Rượu, ma tuý và tình dục cũng có thể mang lại cho bạn những hưng phấn và khoái cảm đó. Hưng phấn hay khoái lạc không phải là mục đích của thiền. Nó thường khởi sinh trong khi thiền, nhưng đó chỉ là sản phẩm phụ của việc hành thiền. Nó là một tác dụng phụ rất dễ chịu, một cảm giác sung sướng [lạc thọ], và nó sẽ thường xuyên có được nếu bạn tiếp tục hành thiền đều đặn lâu dài. Bạn sẽ không nghe những thiền sinh giỏi hay thiền sư phản đối gì về điều này. Nó là bình thường.

(Vì niềm vui sướng và khoái lạc thì chẳng có gì là sai trái cả, đặc biệt là khi chúng đi kèm với niềm chân phúc và trí tuệ tăng lên).

Quan niệm sai lầm #9: Thiền là ích kỷ

Chắc chắn thiền trông có vẻ như vậy, vì người hành thiền là thiền cho lợi lạc của chính mình, chứ không cho ai khác. Hãy nhìn một người đang ngồi trên một cái gối nhỏ để thiền. Người đó có bước ra ngoài hiến máu nhân đạo không? Không. Người ấy có đi giúp những nạn nhân thiên tai hay không? Không. Nhưng chúng ta hãy cố xem xét động cơ hay mục đích ngồi thiền của người ấy. Tại sao người ấy ngồi thiền như vậy? Mục đích của người hành thiền là trút bỏ mọi sân hận, thù ghét, ác ý. Người ấy đang nỗ lực trên con đường trừ bỏ những tham dục, sự căng thẳng và sự vô cảm. Chúng chính là những "chướng ngại" cản trở lòng bi mẫn thương yêu của một người dành cho người khác. Cho đến khi những chướng ngại vẫn còn thì bất cứ việc gì một người làm (dù là việc từ thiện) đều chỉ là sự thể hiện thêm của cái ‘Tôi’ tự ngã, và thật sự không giúp ích gì về lâu về dài.

Chữ “giúp đỡ” [từ thiện, công đức] là một danh từ đáng nguy hại, là một trong những trò chơi cũ rích từ xưa. Hãy thử nhìn vào đời sống cá nhân của những thiền giả tốt thì bạn thường không thấy họ tham gia vào những công việc nhân đạo. Bạn sẽ không thấy những người tu thiền tham gia vào những sứ mạng theo kiểu các cuộc ‘thập tự chinh’ và sẵn sàng ‘hy sinh’ nhiều mạng người vì mục đích sùng đạo. Thực ra chúng ta ích kỷ hơn nhiều so với mức chúng ta vẫn tưởng. Chính cái ‘Ta’ đã luôn biến những công trình cao siêu trở thành vô ích. Cái ‘Ta’ luôn có cách phá hại những việc cao đẹp nhất thành những đống rác, nếu cái ‘Ta’ đó được tự do thể hiện. Thông qua việc thiền tập chúng ta ý thức được rõ rằng cái ‘con người’ của chúng ta là cái gì, làm cho ta tỉnh thức khỏi những thứ tinh xảo vốn khiến chúng ta luôn thể hiện tâm tính ích kỷ của mình. Và từ đó, chúng ta bắt đầu hết ích kỷ một cách đích thực. Việc làm trong sạch bản thân mình để không còn ích kỷ thì không phải là hành động ích kỷ!

Quan niệm sai lầm #10: Khi thiền, người ta chỉ ngồi suy nghĩ về những điều cao siêu bay bổng

Điều này cũng sai. Trong một số pháp môn thiền khác thì có điều này. Nhưng Thiền Minh Sát (vipassana) thì không phải vậy. Thiền Minh Sát là tu tập sự tỉnh giác: tỉnh giác hằng biết về bất cứ điều gì đang diễn ra trước mắt, bất kể điều đó là cao siêu hay rác rưởi. Cái gì đang xảy ra, thì đang xảy ra, thì đều tỉnh giác về nó.

Dĩ nhiên rằng có những ý nghĩ bay bổng cao vời khởi sinh trong khi bạn hành thiền. Điều này cũng không cần thiết phải tránh né. Mà cũng không cần thiết phải đi tìm hay mong đợi. Chúng chỉ là những tác dụng phụ dễ chịu mà thôi. Thiền Minh Sát là sự thực hành giản dị. Nó chỉ gồm việc trải nghiệm một cách trực diện mọi sự xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn, không cần phải thiên vị, thiên kiến hay đặt tên dán nhãn bằng những hình ảnh trong tâm [tâm ảnh] về chúng. Thiền Minh Sát là nhìn và quán sát đời sống của bạn đang diễn ra trong từng mỗi giây phút một cách vô tư, mà không cần phán xét hay thiên kiến gì. Điều gì đến thì đến. Sự gì diễn ra thì diễn ra. Đơn giản là vậy. (Chứ không phải chỉ toàn quan sát những điều cao siêu bay bổng).

Quan niệm sai lầm #11: Sau vài tuần thiền tập, mọi phiền não của ta sẽ biến mất

Tiếc thay, thiền không phải là cách trị liệu nhanh chóng như vậy. Bạn sẽ bắt đầu thấy ngay sự thay đổi, tuy nhiên phải mất năm này tháng nọ thì mới có được những tác dụng sâu sắc. Đó cũng giống như cách thức mà thế giới của bạn được hình thành. Những điều quý giá thì dễ gì có được chỉ sau một đêm thức dậy!

Về một vài phương diện thực hành, thiền cũng không phải là dễ. Nó đòi hỏi người tu thiền phải theo một kỷ cương dài hạn và đôi khi là một quá trình tu tập rất công phu và khổ cực. Mỗi khi ngồi thiền bạn sẽ đạt được một số tiến bộ, nhưng những kết quả đó thường là rất vi tế, khó thấy. Những kết quả vi tế đó xảy ra rất sâu bên trong tâm thức, chỉ về sau này mới bộc lộ rõ nét nhiều hơn. Và như vậy nếu bạn ngồi thiền mà trông đợi những đổi thay lớn lao thì bạn sẽ (bị) bỏ lỡ mất những thay đổi vi tế này. Bạn sẽ bị thất vọng, bỏ cuộc và thề rằng chẳng bao giờ có sự thay đổi nào xảy ra hết. Kiên nhẫn là chìa khóa. Kiên nhẫn. Nếu bạn chẳng học được gì từ việc thiền tập, ít nhất bạn cũng học được tính kiên nhẫn. Và đó là bài học quý giá nhất trong thiền.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.234.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...