Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 15: Thiền Trong Đời Sống Mỗi Ngày »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 15: Thiền Trong Đời Sống Mỗi Ngày

Donate

(Lượt xem: 7.572)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 15: Thiền Trong Đời Sống Mỗi Ngày

Font chữ:

Mỗi nhạc sĩ đều chơi theo thang âm. Khi bạn bắt đầu học dương cầm, đó là bài đầu tiên cần phải học, và sau đó bạn luôn luôn chơi theo thang âm. Những nhạc sĩ hòa nhạc dương cầm tài hoa nhất trên thế giới cũng vẫn còn phải chơi theo thang âm. Đó là một kỹ năng căn bản không bao giờ bị lơ đãng hay mai một.

Những người chơi bóng chày phải tập cú đánh trúng banh. Đó là điều đầu tiên phải tập khi mới bắt đầu chơi, và bạn phải luôn luôn tập luyện đánh trúng banh. Đánh không trúng trái banh thì không chơi được gì cả. Mọi giải vô địch thế giới đều bắt đầu bằng việc tập dợt trước các cú đánh banh. Đó là kỹ thuật căn bản cần phải luôn luôn được sắc xảo rồi mới nói đến trận đấu.

Ngồi thiền [tọa thiền] là một phạm vi trong đó người thiền thực hành những kỹ năng căn bản của mình. ‘Trò chơi’ mà người thiền đang chơi chính là sự trải nghiệm cuộc sống của mình, và dụng cụ để chơi là những cơ quan cảm giác [giác quan, căn] của mình. Ngay cả những thiền sinh thâm niên nhất cũng tập luyện tọa thiền hàng ngày, bởi vì nó điều chỉnh và làm sắc bén những kỹ năng tu dưỡng tâm căn bản mà mình cần phải có cho ‘cuộc chơi’ đặc biệt này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng sự ngồi thiền bản thân nó không phải là một trò chơi. Nó là sự thực hành. Trò chơi mà những kỹ năng căn bản được sử dùng để chơi chính là sự trải nghiệm về sự sống trong phần đời còn lại đang đến của mình. Thiền nếu không được ứng dụng vào sự sống hàng ngày thì chỉ là khô khan và hạn chế.

Mục đích của Thiền Minh Sát không gì khác hơn là sự chuyển hóa tận gốc và liên tục toàn bộ sự trải nghiệm từ giác quan và nhận thức của mình. Điều đó có có nghĩa là bạn thay đổi [cách mệnh] toàn bộ sự trải nghiệm về cuộc sống của bạn. Những thời gian ngồi thiền được dành riêng ra để tích cóp từng giọt tạo ra những thói quen mới của tâm. (Tạo những thói tâm hay tập khí mới). Ta học cách mới để nhận và hiểu những cảm nhận. Ta phát triển những cách mới để xử lý những ý nghĩ (thuộc) ý thức, và những cách thức mới để chú tâm vào sự khởi sinh không ngừng của những xúc cảm của mình. Những hành vi mới này của tâm phải được tạo ra để chúng ta làm hành trang tiếp tục đi sâu vào phần còn lại của cuộc sống đang còn phía trước.

Nếu không phải vậy thì thiền chỉ là khô khan và vô ích, và đó chỉ là một mảng lý thuyết suông về sự sống, không liên quan gì đến mảng hiện thực sinh động của đời sống. Cần thiết phải có nỗ lực kết nối hai mảng này lại với nhau. Một phần nào đó của chúng sẽ tự nối kết một cách tự nhiên, nhưng tiến trình ấy thường chậm chạp và không đáng tin cậy. Bạn sẽ cảm thấy như mình đang chẳng đi về đâu và cảm thấy gần như muốn bỏ cuộc, bởi vì nó chẳng đem lại kết quả lợi lạc gì sau khi bỏ công sức ra thực hành.

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời thiền tập của bạn đó là cái giây phút lần đầu bạn nhận ra mình đang thiền ngay giữa cái sinh hoạt đời sống bình thường hàng ngày. Chẳng hạn bạn đang lái xe trên xa lộ, hay đang đổ rác và bất chợt thiền bỗng nhiên diễn ra theo một cách tự nhiên của nó. (Ví dụ tự nhiên ta tỉnh giác hay chánh niệm vào một hành động công việc đó). Sự trỗi dậy bất ngờ như vậy của những kỹ năng thiền mà bạn đã dày công tu tập là một niềm hân hoan đích thực, nguyên chất. Nó mở ra một cửa sổ nhỏ để nhìn về tương lai. Bạn vừa bất chợt nhìn thấy được cái ý nghĩa thực sự của việc thiền tập. Cơ duyên khiến bạn thấy rằng: sự chuyển hóa của tâm thức như vầy có thể trở thành một phản xạ hay hành vi trải nghiệm thường trực của bạn. (Tức là từ đây, bạn có thể sẽ luôn luôn tỉnh giác và chánh niệm vào bất cứ hành động nào của mỗi công việc sinh hoạt thường ngày của mình). Bạn nhận ra rằng bạn thực sự có thể sống những ngày còn lại một cách êm đềm, bằng cách đứng bên ngoài sự hấp dẫn của những ô nhiễm và ám ảnh, không còn bị đeo đuổi một cách điên cuồng bởi những nhu cầu, tham muốn và dục vọng của kiếp người trong cõi dục đầy si mê này. Bạn vừa mới nếm được một mùi vị, cái mùi vị có được chỉ bằng cách đứng qua một bên và quan sát tất cả mọi sự đang trôi qua vào trong quá khứ. Đó là một khoảng khắc kỳ diệu!

Tuy nhiên, tầm nhìn mới đó vẫn chưa thực sự bắt đầu nếu như bạn không thực sự bắt đầu kết nối ứng dụng mảng thiền tập ‘trong phòng thí nghiệm’ vào trong đời sống thực sự hàng ngày. Khoảng khắc quan trọng nhất trong một đời thiền tập của bạn là lúc bạn rời khỏi gối thiền. Khi hết giờ thiền tập chính thức, hoặc bạn đứng dậy và bỏ lại tất cả sau lưng, hoặc bạn có thể mang những kỹ năng thiền đó theo bạn đi vào những hoạt động sinh hoạt còn lại của một ngày sống.

Điều rất quan trọng cho bạn là bạn phải hiểu được thiền là gì. Nó không phải là những tư thế oai nghi đặc biệt, và nó cũng không phải chỉ là hệ thống các bài tập luyện tâm. Thiền là sự tu dưỡng sự chánh niệm và sau khi có được chánh niệm thì áp dụng nó như thế nào. Bạn không phải chỉ ngồi mới thiền được. Bạn có thể thiền khi đang rửa chén. Bạn có thể thiền khi đang tắm, đang trượt pa-tanh, hay đang viết thư từ. Chánh niệm là sự tỉnh giác, và nó cần phải được áp dụng vào mỗi và mọi hoạt động của đời sống của người thiền. Nhưng điều này cũng không dễ làm.

Chúng ta chuyên biệt tu tập sự tỉnh giác với tư thế ngồi thiền yên tĩnh ở một nơi yên tĩnh (như trong phòng thiền, thiền đường, trong rừng, nơi vắng vẻ), bởi vì những nơi đó là môi trường dễ nhất để bạn thiền tập. Nhưng thiền khi đang cử động, đang chuyển động, hay đang hành động thì khó hơn. Thiền khi đang giữa những hoạt động quá nhanh, xô bồ và ồn ào, thì lại càng khó hơn. Và thiền khi đang trong những hành vi mang đầy bản chất của cái ‘ta’ bản ngã, ví dụ như những hành động đang yêu đương hay đang tranh chấp cãi vả thì vô cùng khó khăn hơn, như là một thử thách tột cùng. Những người mới bắt đầu thì nên chọn vào những hoạt động đơn giản và ít rối trí hơn.

Như vậy là mục tiêu tột cùng của “sự nghiệp thiền” vẫn còn đó: thiết lập sự tập trung [chánh định] và tỉnh giác [chánh niệm] đến một trình độ mạnh mẽ để có thể tự tại, không bị lung lay mai một ngay cả khi đứng trước những áp lực của cuộc sống đương đại. Cuộc sống đưa ra nhiều thử thách, nhưng những người tu thiền nghiêm túc thì ít bao giờ bị làm phiền hay bị nhàm chán vì những điều đó.

Mang thiền vào trong những sự kiện của đời sống hàng ngày không phải là một tiến trình đơn giản. Bạn cứ thử làm rồi sẽ thấy. Thời điểm chuyển tiếp từ cái lúc kết thúc giờ ngồi thiền chính thức đến cái lúc bắt đầu quay lại 'đời sống thực' là một bước nhảy dài. Nó thật là quá dài cho tất cả chúng ta. Chúng ta thấy ngay là sự tĩnh lặng và tập trung của chúng ta lập tức biến mất chỉ vài phút sau khi “xả thiền”, để lại chúng ta trong tình trạng chẳng khác nào như lúc chưa thiền tập. Để hàn lắp cái khoảng trống này, những người tu theo Phật trong nhiều thế kỷ qua đã chế nhiều bài tập thực hành để làm xoa dịu và hòa giải cái khoảng trống này. Cũng giống như phải vượt qua một eo biển, người ta không thể nhảy qua một cái ào, mà người ta phải chia ra thành nhiều bước nhỏ, chẳng hạn như xây từng nhịp cầu ngắn và dần dần nối bắt thành một cây cầu qua khoảng trống eo biển đó. Mỗi bước có thể tự thực hành với chính nó.

1. Đi Thiền

Còn hay được gọi là đi kinh hành (HV). Sự sống hàng ngày đầy những chuyển động và hoạt động. Ngồi thiền hoàn toàn bất động liên tục trong nhiều giờ gần như là hành vi ngược lại với sự trải nghiệm cuộc sống hoạt động thông thường. Những trạng thái tĩnh lặng và sáng suốt mà chúng ta đã tu dưỡng trong môi trường thiền yên tĩnh thường sẽ bị phân tán ngay sau khi chúng ta đứng dậy. Vì vậy, chúng ta cần phải có những bài tập để tập luyện những kỹ năng giúp chúng ta giữ được trạng thái tĩnh lặng và tỉnh giác khi bước qua những sinh hoạt khác trong ngày. Đi thiền giúp chúng ta tạo ra sự chuyển tiếp từ trạng thái ngồi thiền qua sinh hoạt đời sống!. Đó là một dạng thiền khi đang cử động, đang đi, và nó thường được dùng luân phiên thay thế với tư thế ngồi thiền. Đi thiền cũng đặc biệt tốt cho những lúc bạn cảm thấy bất an. Một giờ đi thiền thường giúp bạn vượt qua cái năng lượng bất an đó và vẫn tạo ra được rất nhiều sự sáng suốt. Sau đó thì bạn có thể quay lại với việc ngồi thiền tốt hơn và hiệu quả hơn. (Vì vậy, khi đang ngồi thiền mà thấy sự bất an làm xao lãng thì một trong những cách đối trị là đứng dậy, chuyển qua đi thiền để giải tỏa sự bất an).

Các Phật tử cũng được khuyến khích tham gia vào các khóa thiền (nhóm) thường xuyên để bổ sung cho những giờ ngồi thiền hàng ngày (một mình). Khóa thiền là một quãng thời gian dài dành riêng cho việc tập thiền. Thường những khóa thiền dành cho các Phật tử tại gia kéo dài một hay hai ngày, thường gọi là những "khóa tu". Những người tu thiền lâu năm trong các tự viện [tăng, ni] có thể dành riêng nhiều tháng liên tục chỉ để hành thiền và không làm bất cứ việc gì khác. (Giống như thời gian "nhập thất" định kỳ trong năm của các tăng và ni ở các thiền viện ở Việt Nam). Thời gian này như là sự ‘khổ luyện’ của các tăng và ni, và đòi hỏi nhiều nỗ lực của thân và tâm. Trừ khi bạn đã tu tập nhiều năm, thông thường thì thời gian một lần ngồi thiền và ngồi thiền tốt được trong bao lâu thì cũng có giới hạn trong sức người. (Không phải ai cũng ngồi thiền liên tục 3 giờ, nửa ngày, một ngày hay nhiều ngày được). Chưa chắc có tu hành đạt định hay đạt tuệ được bao nhiêu, nhưng ngồi thiền liên tục 10 giờ quả là sự cực khổ gấp nhiều lần. Vì vậy, một khóa thiền muốn mang lại kết quả hữu ích thì phải có những giờ thay đổi các tư thế thiền và các cử động. Người ta thiết kế xen kẽ những giờ ngồi thiền bằng những giờ đi thiền. Phổ biến là một giờ ngồi thiền, nghỉ giải lao và trà nước một lúc, rồi đến một giờ đi thiền.

Để đi thiền, bạn cần một nơi riêng tư đủ lớn, ít nhất cũng dài được năm mười bước chân đi thẳng. Bạn sẽ bước đi tới và đi ngược lại một cách thật chậm rãi. Trong mắt người phương Tây, bạn trông thật kỳ lạ và như thể bạn đang mộng du hay tâm trí đang ở đâu trên mây. Đây không phải là bài tập thiền mà bạn muốn biểu diễn trên sân cỏ trước tự viện, hay trước nhiều người và cảnh trí gây sự chú ý một cách không cần thiết. Hãy chọn chỗ riêng tư (như là lối đi trong gốc vườn hay một hành lang yên tĩnh).

Về hướng đi thì rất đơn giản. Chọn một nơi không bị chướng ngại vật và bắt đầu từ một đầu. Đứng yên khoảng một phút với tư thế có chú tâm. Hai tay bạn giữ sao cho thấy thoải mái, để trước, để sau, hay hai bên đều được. Rồi, khi thở vào, nâng gót lên. Khi thở ra, trụ đầu bàn chân lên mặt đất. Tiếp tục, thở vào, nâng bàn chân lên, đưa tới trước, và thở ra, đặt bàn chân xuống, chạm mặt đất. Lặp lại trình tự thao tác này đối với chân kia. Đi thật chậm rãi cho đến đầu bên kia của ‘lối’ đi, và dừng lại một phút, sau đó đi ngược lại. Sau đó, cứ tiếp tục lặp lại các trình tự bước đi như trên. Giữ đầu thẳng đứng và cổ để tự nhiên, thoải mái. Giữ hai mắt mở để giữ thăng bằng khi bước đi, nhưng không được nhìn chú ý vào một cái gì (để khỏi bị thu hút hay xao lãng). Đi một cách tự nhiên. Giữ các bước đi chậm nhất mà mình thấy thoải mái. (Vì nếu quá quá chậm sẽ không thoải mái, gượng gạo và mất tự nhiên). Không nên chú ý gì đến cảnh vật xung quanh. Quan sát những căng thẳng phát sinh bên-trong cơ thể, và thả lỏng nó ngay khi định vị được nó. Đừng cố làm dáng. Đừng cố điệu bộ, hay làm đẹp. Đây không phải là môn thể thao, hay khiêu vũ. Đây là sự tập luyện sự tỉnh giác, sự nhạy cảm cao độ và sự trải nghiệm toàn diện và không vấp về chuyển động bước đi. Đặt hết sự chú tâm vào những cảm nhận từ hai bàn chân và hai chân. Cố gắng ghi nhận tối đa những thông tin về mỗi bàn chân mỗi khi nó cử động. Tâm ta như ‘nhúng mình’ hoàn toàn vào cái cảm giác thuần túy về sự bước đi. Cảm giác từng cơ bắp khi nó chuyển động. Trải nghiệm từng thay đổi rất nhỏ của cảm nhận xúc giác mỗi khi hai chân đặt xuống và nhấc lên khỏi mặt đất (hay nền nhà, nền đường, lối đi).

Nhận biết rằng: những chuyển động đi rõ ràng êm dịu nhưng nó bao gồm chuỗi những co giật rất nhỏ (của các cơ, gân). Cố đừng bỏ sót thứ gì. Để tập trung cao độ sự cảm nhận của mình, bạn có thể chia nhỏ chuyển động thành những phân đoạn [thao tác] riêng biệt. Mỗi bàn chân đi nhờ sự nhấc, sự đưa tới trước; và sự đặt xuống. Mỗi thao tác này đều có sự bắt đầu, giữa, và kết thúc. Để có thể bắt nhịp vào chuỗi các chuyển động, bạn có thể bắt đầu bằng cách chú tâm vào từng mỗi thao tác [phân đoạn] của chuỗi các cử động.

Hãy chú ý vào mỗi cử động của bàn chân: "nhấc lên, đưa tới, hạ xuống, chạm đất, dậm lên đất", và tiếp tục. Đây là bước tập luyện để làm quen với trình tự của các chuyển động, và cố bảo đảm rằng bạn không bỏ sót cử động nào. Khi bạn trở nên ý thức được vô số những cử động nhỏ đang diễn ra, thì bạn không còn thời gian để nghĩ bằng ngôn từ nữa. Bạn sẽ thấy mình ngâm chìm vào bể nước của sự tỉnh giác ý thức liên miên và không gián đoạn vào sự chuyển động. Hai bàn chân trở thành thế giới của bạn, trở thành đối tượng chính của thiền. Nếu tâm bạn bị xao lãng, cứ ghi nhận sự xao lãng theo kỹ thuật thông thường đã học, rồi hướng sự chú tâm về lại sự bước đi của hai bàn chân. Đừng nhìn xuống hai bàn chân khi bạn đang đi thiền. Đừng có bước tới, bước lui để cố hình dung hình ảnh hai chân và hai bàn chân trong đầu. Đừng nghĩ gì về chúng, chỉ cần cảm nhận chúng. Bạn không cần khái niệm về hai bàn chân, và bạn không cần chụp ảnh vào tâm trí. Chỉ đơn thuần ghi nhận những cảm nhận khi chúng đang trôi qua. Ngay lúc bắt đầu, bạn có thể gặp một số khó khăn về sự cân bằng (khi bước đi với sự chú tâm vào từng động tác như vậy). Vì bạn đang dùng những cơ bắp của hai chân theo một cách mới, và lẽ tự nhiên là phải cần một giai đoạn học và tập luyện nó. Nếu có sự khó chịu khởi sinh, chỉ cần ghi nhận nó và để nó biến đi.

Kỹ thuật đi thiền của Thiền Minh Sát được thiết kế để cho những cảm nhận đơn sơ ùa vào phần ý thức của tâm bạn, và những cảm nhận ùa vào tràn đầy, chiếm chỗ và đẩy tất cả những thứ khác ra bên ngoài. (Ý thức bây giờ chỉ còn cảm nhận những cảm nhận của sự bước đi của việc đi thiền). Không còn chỗ trống cho ý nghĩ và không còn chỗ trống cho xúc cảm. Không còn thời gian để nắm giữ hay chấp thủ, và không còn thời gian để đóng băng một hoạt động nào để biến thành những chuỗi khái niệm29. Không có ý nghĩa về cái 'ta'. Chỉ có sự rà xét những cảm nhận về xúc giác và chuyển động, một dòng tuôn trào, không ngớt và luôn biến đổi của sự trải nghiệm nguyên sơ. (Nghĩa là, khi bạn đi thiền một cách chánh niệm miên mật như vậy, thì vô số những cảm nhận nguyên sơ từ hai chân, hai bàn chân và sự bước đi sẽ ùa thẳng vào phần ý thức của tâm thức mà không qua một trung gian ‘chế biến’ hay ‘khái niệm’ chủ quan nào). Chúng ta đang học cách trốn thoát để đi vào thực tại, chứ không trốn chạy khỏi thực tại. Mỗi trí tuệ hay tuệ giác mà chúng ta chứng đạt được từ việc đi thiền này sẽ được ứng dụng một cách trục tiếp vào phần còn lại của những sự sống ‘đầy-khái-niệm’ của chúng ta.

2. Các Tư Thế

Mục đích thực hành của chúng ta là để trở nên hoàn toàn tỉnh giác, luôn luôn hằng biết về mọi mặt của sự trải nghiệm cuộc sống một cách liên tục, không gián đoạn, trong từng khoảng khắc như cách một dòng chảy. Đa số những gì chúng ta làm và trải nghiệm là hoàn toàn vô thức, theo ý nghĩa là chúng ta làm và trải nghiệm mà không hề chú tâm vào những hành động hay trải nghiệm đó. Tâm chúng ta hoàn toàn ở một nơi khác. Chúng ta sống gần hết thời gian theo kiểu một phi công lái máy bay ở chế độ bay tự động, bị lạc vào mây mù của vô số vọng tưởng, tưởng tượng, nghĩ tưởng và những bận rộn và dính mắc khác.

Một trong những phần chúng ta mà chúng ta không hề để ý đó là thân thể của mình. Chúng ta say mê chú ý vào từng cử động các phim hoạt hình đầy màu sắc, đến nỗi chúng ta bỏ hết mọi sự chú ý của mình vào những cảm nhận về xúc giác và chuyển động của chính mình. Các thông tin được truyền theo các dây thần kinh và vào bộ não trong từng giây, nhưng chúng ta niêm phong chúng lại, không cho lên phần ý thức của tâm. Chúng chỉ ùa vào những tầng thấp của tâm và nằm nguyên ở đó. Những người theo Phật đã triển khai một bài tập thực hành để mở những cửa đập và để cho các chất liệu thông tin đó ùa qua vào phần ý thức. Đó là một cách làm cho những chất liệu từ vô thức trở thành ý thức.

Thân thể của bạn cử động theo đủ thứ chiều thẳng, ngang, uốn vặn...trong suốt cả ngày. Bạn ngồi và đứng, đi và nằm. Bạn khom, chạy; và lăn, bò, trườn, rướn (ví dụ lúc nằm trên giường). Thiền yêu cầu bạn phải tỉnh giác chú tâm vào từng mỗi cử động của toàn bộ các chuyển động liên tục tiếp diễn của thân. Khi bạn trải qua thời gian trong ngày, bạn nên thử dành vài giây trong vài phút để kiểm tra lại tư thế của mình. Đừng làm theo kiểu phán xét. Đây không phải bài tập sửa dáng bộ hay chỉnh đốn tư thế. Chỉ cần rà sự chú tâm của mình từ trên xuống và cảm giác mình đang ở tư thế như thế nào. Chỉ cần im lặng ghi nhận về 'Sự bước đi', hay 'Sự ngồi', hay 'Sự nằm xuống', hay 'Sự đứng'. Nghe có vẻ thật đơn giản, (có gì khó đâu mà phải chỉ dạy ở đây!), nhưng bạn nên chớ xem nhẹ bước này. Đây là một bài tập luyện rất mạnh mẽ (như kiểu làm chơi mà ăn thiệt). Nếu bạn thực hành một cách xuyên suốt, nếu bạn thực sự tu dưỡng thói quen này một cách sâu sắc, nó sẽ cách mệnh [chuyển hóa toàn diện] sự trải nghiệm của bạn. Nó sẽ mang bạn vào một tầm nhìn mới về sự cảm nhận, và bạn cảm thấy mình như một người mù với đôi mắt vừa được sáng lại.

3. Hoạt Động Cử-Động-Chậm

Như đã nói, mỗi hành động bao gồm nhiều thành phần hay thao tác riêng rẻ. Ví dụ hành động đơn giản như cột dây giầy cũng bao gồm một chuỗi những thao tác nhỏ. Hầu hết các thao tác chi tiết này đều không được quan sát. (Ta thường chỉ làm theo thói quen vô thức). Để phát huy thói quen bao quát của chánh niệm, bạn có thể thực hiện những hoạt động đơn giản một cách chậm rãi—cố gắng chú tâm hoàn toàn vào mỗi thao tác của hành động đó.

Ví dụ như khi đang ngồi uống trà. Coi vậy chứ có rất nhiều thứ để bạn trải nghiệm. Xem tư thế của mình đang ngồi và cảm giác sự cầm cái tách trà bằng các ngón tay. Ngửi mùi hương của trà, nhận biết về sự đặt tách trà, nhận biết về trà, tay, và cái bàn. Quan sát ý định nhấc tay của mình trong tâm, cảm giác tay khi tay nhấc lên, cảm giác cái tách chạm vào môi bạn và nước trà chảy vào miệng bạn. Nếm vị trà và quan sát sự khởi sinh ý định hạ tay xuống. Toàn bộ tiến trình sẽ rất kỳ diệu và đẹp đẽ, nếu bạn chú tâm một cách hoàn toàn, chú tâm vào từng mỗi cảm nhận và vào dòng chảy những ý nghĩ và xúc cảm.

Thủ thuật này có thể được áp dụng cho nhiều hoạt động khác. Việc chú ý làm chậm lại những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sẽ giúp bạn thâm nhập rất sâu vào những hành vi đó dễ dàng hơn mọi cách khác. Những gì bạn thấy được là rất đáng kinh ngạc. Vào lúc đầu, rất khó mà giữ theo những bước chậm rãi cố ý như vậy trong hầu hết các hoạt động, nhưng dần dần rồi sẽ quen và khéo léo hơn. Sự chứng ngộ sâu sắc có được trong khi ngồi thiền, nhưng nó còn bộc lộ sâu sắc hơn khi ta thực sự xem xét sự vận hành bên trong thân mình trong những sinh hoạt đời thường diễn ra hàng ngày. Đây là phòng thí nghiệm nơi mà chúng ta bắt đầu thấy được những cơ chế hay đường lối của những cảm xúc của mình và sự vận hành của những si mê tham đắm trên đời của chúng ta. Đây là nơi chúng ta có thể thực sự đánh giá được ‘độ tin cậy’ của những lý lẽ thế tục của chúng ta, và "liếc thấy" được sự khác nhau giữa những động cơ đích thực của ta và cái vỏ bọc giả vờ mà chúng ta mang vào để lừa chính bản thân mình và những người khác. Thấy được cái thực và cái giả.
(Thói thường chúng ta thường tin và chủ quan hoàn toàn vào những lý lẽ, quan niệm và tư duy của mình. Tuy nhiên, khi thiền và có được tầm nhìn cảm nhận mới, thì ta thấy được bản chất thực bên trong mọi thứ, và lúc đó ta thấy ra rằng những lý lẽ và quan niệm của chúng ta là sai lầm, là không đáng tin cậy. Và chúng ta cũng nhìn thấy ‘lòng dạ’ đích thực của mình đầy phức tạp và bất thiện, khác với cái ‘bề ngoài’ chúng ta thể hiện. Ví dụ, chúng ta làm từ thiện một cách thực sự và nhìn thì thấy có vẻ ‘phải đạo, đúng pháp’ ở ngoài đời. Nhưng chỉ khi nào chánh niệm thực sự về cái ý hành từ thiện khởi sinh trong tâm, ta mới nhận ra rằng động cơ làm từ thiện của ta là một sự tham cầu phúc đức, hay chỉ là một sự thôi thúc của lòng ‘tự ngã’, chỉ là sự thể hiện cho một cái ‘tôi-là-tốt-đẹp'’ nào đó. Những người tu thiền hay gọi triệu chứng tế nhị này là sự "dính danh", tức là làm vì danh. Điều này cũng khó mà nhận ra được một cách dễ dàng.)

Bạn sẽ thấy phần lớn thông tin như trên là đáng ngạc nhiên, nhưng tất cả thông tin đó là rất hữu ích. Sự chú tâm thuần khiết mang lại trật tự cho cái mớ lộn xộn vốn đang nằm trong những gốc bừa bộn của tâm thức. Khi bạn đã có được sự nhìn nhận hiểu biết rõ ràng về các hoạt động hàng ngày, thì lúc đó bạn cũng đã có được khả năng để giữ cho mình hợp lý và bình lặng trong lúc bạn đang soi rọi ánh sáng chánh niệm vào những gốc tối và ngóc ngách bất hợp lý của tâm. Bạn bắt đầu thấy được mức độ trách nhiệm mà bạn phải trả cho sự khổ tâm của mình. Bạn nhìn thấy những nỗi khổ, nỗi sợ, và sự căng thẳng của mình đều là do chính mình tạo ra. Bạn nhìn thấy cách bạn đã gây ra sự khổ đau, khiếm khuyết, và những hạn chế khác của bạn. Và khi bạn hiểu biết những tiến trình tâm này một cách sâu sắc hơn, thì chúng càng ít chi phối và gây phiền não cho bạn.

4. Phối Hợp Hơi Thở

Khi ngồi thiền, mục tiêu chính ban đầu của chúng ta là hơi thở. Sự tập trung hoàn toàn vào hơi thở luôn-thay-đổi đưa chúng ta thẳng vào trong giây phút hiện tại. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho việc thiền về những hoạt động hàng ngày của bạn. Nó giúp cho nhịp điệu chuyển động của bạn được trôi chảy, và nó sẽ làm dịu êm và phẳng phiu nhiều chỗ chuyển đổi đột ngột. (Tức nhịp điệu động tác nếu được phối hợp và điều hòa với hơi thở thì sẽ nhịp nhàng hơn và ít bị ‘khựng’ hơn). Khi đó, hoạt động đó sẽ được chú tâm dễ dàng hơn, và sự chánh niệm sẽ gia tăng hơn. Sự tỉnh giác sẽ có mặt dễ dàng hơn trong giây phút hiện tại. Một cách lý tưởng, thiền nên được thực hành một suốt 24 giờ trong ngày. Đây là một gợi ý rất thực tiễn!

Trạng thái chánh niệm là trạng thái luôn sẵn sàng của tâm. Tâm không còn bị gánh nặng những bận rộn hay ràng buộc lo lắng. Bất cứ điều gì khởi sinh đều có thể được xử lý ngay tức khắc. Khi bạn thực sự chánh niệm, hệ thần kinh của bạn có một sự tươi tỉnh và lắng dịu để phát huy trí tuệ. Khi một vấn đề khó khăn phát sinh, bạn chỉ cần đơn giản đối diện xử lý nó một cách nhanh chóng, hiệu quả, và ít rườm rà nhất. Bạn không phải đứng đó run cầm cập, và cũng không phải trốn vào một gốc yên tĩnh để ngồi xuống và thiền về nó. Bạn chỉ đơn giản đối diện xử lý nó ngay. Và nếu có trường hợp khó khăn hiếm hoi nào đó xảy ra mà bạn không tìm ra được giải pháp cụ thể nào hết, thì bạn cũng đừng lo lắng gì về điều đó. Bạn chỉ cần bước qua sự kiện khác cũng đang cần bạn chú tâm. Bản năng lúc đó trở thành một cơ quan rất thực dụng. (Lúc quá ngặt thì 'tránh voi chẳng xấu mặt nào'.)

5. Những Khoảng Thời Gian

Khái niệm về 'thời gian bị lãng phí' là không có ở những thiền sinh nghiêm túc. Một chút thời gian chết cũng có thể trở thành hữu ích. Bất kỳ khoảng thời gian dư thừa nào cũng có thể dùng để thiền. Khi ngồi lo lắng trong phòng khám răng, thiền về sự lo lắng đó. Cảm thấy khó chịu khi đang đứng xếp hàng ở nhà băng, thiền về sự khó chịu đó. Trong khi ngồi chờ xe buýt, chán chường, chỉ biết xoay vòng hai ngón tay cái, hãy thiền về sự chán chường đó. Hãy cố gắng luôn thức tỉnh và tỉnh giác suốt ngày. Hãy chánh niệm về những thứ đang diễn ra như-nó-là, cho dù những thứ đó chỉ là sự cực nhọc hay buồn tẻ. Chánh niệm về sự cực nhọc buồn tẻ đó. Hãy tận dụng những lúc bạn chỉ có một mình. Hãy tận dụng những công việc để thiền về chân tay hơn là trí não (vì chúng ta đang nói về việc thiền về những hoạt động hàng ngày). Sử dụng từng mỗi giây phút để chánh niệm. Tận dụng mọi khoảng thời gian có thể.

6. Tập Trung Vào Mọi Hoạt Động

Bạn nên cố gắng duy trì sự chánh niệm vào mọi hoạt động và mọi nhận thức trong suốt ngày; bắt đầu chánh niệm về nhận thức đầu tiên sau khi thức dậy, và kết thúc chánh niệm về ý nghĩ cuối cùng trước khi ngủ. Đây là một mục tiêu quá cao, khó mà thực hiện. Đừng hy vọng mình sẽ làm được việc này nhanh chóng. Cứ thực hiện từ từ và để cho khả năng của mình tự tăng trưởng qua nhiều ngày. Cách khả thi nhất là bạn nên chia một ngày ra thành những phân đoạn nhỏ. Dành một số thời gian cho việc chánh niệm về tư thế, chánh niệm về những hoạt động đơn giản, như: ăn uống, giặt giũ, mặc quần áo... vân vân. Chọn lúc nào đó trong ngày, ví dụ khoảng 15 phút để chánh niệm về những loại trạng thái của tâm, như: dễ chịu (sướng), không dễ chịu (khổ), hay trung tính (không khổ không sướng); hay về những chướng ngại, hay về những ý nghĩ, ý tưởng, vọng tưởng. Tùy bạn sắp xếp cho hợp với thói quen hàng ngày của mình. Mục đích là nên thực hành vào những đối tượng khác nhau, và để giữ cho tâm luôn chánh niệm đầy đủ và thường xuyên suốt ngày.

Hãy cố gắng thu xếp nề nếp thời gian thiền hàng ngày sao cho đừng tạo khác biệt nhiều giữa thời gian ngồi thiền chính thức và thời gian thiền trong sinh hoạt bình thường. Hãy để cái thiền của giờ ngồi thiền chính thức lướt nhẹ qua cái thiền về những hoạt động thường ngày. (Đừng để mình bị sốc hay bỡ ngỡ sau khi xả thiền và chuyển từ việc ngồi thiền sang việc thiền về những hoạt động thường ngày). Thân thể của ta hầu như chẳng bao giờ yên tĩnh. Luôn luôn có những cử động hay chuyển động để ta quan sát. Tối thiểu thì lúc nào cũng có hơi thở để mà quan sát. Tâm ta không bao giờ ngừng nói đủ thứ chuyện, nó luôn luôn nghĩ, luôn luôn suy; chỉ trừ khi nó đang trong những trạng thái định rất sâu. Luôn luôn có gì đó khởi sinh để ta quan sát. Nếu bạn áp dụng việc thiền tập một cách nghiêm túc, bạn sẽ không bao giờ bị để mất một đối tượng nào không đáng để bạn chú tâm.

Sự thực hành của bạn phải được áp dụng vào những tình huống hàng ngày. Đó là phòng thí nghiệm của bạn. Nó cung cấp những thử nghiệm và thử thách bạn cần có để sự thực hành của bạn càng thêm sâu sắc và đích thực. Đó là những ngọn lửa tinh luyện, thanh lọc sự thực hành giả tạo và sai sót. Đó là sự thí nghiệm bằng axít để biết khi nào bạn tiến bộ đến mức nào [đang thực sự thiền] và khi nào bạn chỉ đang làm trò hề vô dụng cho chính mình [đang không thực sự thiền, thiền lấy lệ]. Nếu thiền không giúp gì bạn để đối diện với những xung đột và tranh đấu hàng ngày, thì thiền chỉ là nông cạn, hời hợt. Nếu những phản ứng xúc cảm của chúng ta không càng ngày càng trở nên dễ thấy hơn và dễ điều phục hơn, thì có nghĩa là bạn đã đang lãng phí thời gian. Nhưng nếu bạn không thực sự “kiểm tra, thử nghiệm” mình thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết được sự thiền của mình đang đi đến đâu.

Sự thực hành chánh niệm được cho là cũng mang tính phổ quát, tính thường tình của con người. Có người không thực hành, và bỏ luôn. Có người thì thực hành tu tập nó suốt đời. Xưa nay nhiều người cứ nghĩ thiền chỉ có thể thành công nếu bạn rút vào một tháp ngà cách âm hay một hang động không ai biết đến để tu hành. Không đúng, thiền như vậy thì thiền vẫn chưa phát triển gì. Thiền Tuệ là sự thực hành Chánh niệm trong-từng-giây-phút. Người tu thiền học tập cách chú tâm thuần khiết vào sự sinh, trưởng và diệt của từng mỗi hiện tượng xảy ra trong tâm. Thiền sinh không làm ngơ bất kỳ cái gì của nó, và cũng không bỏ sót cái gì của nó. Hiện tượng đó có thể là những ý nghĩ và xúc cảm, những sinh hoạt và dục vọng, toàn bộ màn diễn của nó. Thiền sinh quan sát tất cả về nó và quan sát nó một cách liên tục. Cho dù nó là dễ thương hay dữ dằn, là tốt đẹp hay đáng xấu hổ. Thiền sinh chỉ nhìn thấy đường lối của nó và cách nó biến đổi. Không tránh bỏ hay ngoại lệ một mảng tốt hay xấu nào của sự trải nghiệm. Tất cả từng cái đều được quan sát một cách thường trực và liên tục. Đó là một trình tự xuyên suốt.

Nếu khi bạn đang tiếp tục những sinh hoạt hàng ngày và bạn thấy thật nhàm chán, vậy bạn hãy thiền về sự nhàm chán đó. Tìm hiểu xem nó cảm giác thế nào, nó hoạt động như thế nào, và nó gồm những thứ gì. Nếu bạn đang giận, thiền về cơn giận đó. Khám phá cơ chế của cơn giận. Đừng trốn chạy khỏi nó. Nếu bạn thấy đang bị trầm uất, đè nén, hãy thiền về sự trầm uất đó. Đừng bỏ chạy khỏi nó một cách mù quáng. Khám phá mê cung rối rắm và vạch ra con đường của mình. Phương cách này sẽ giúp bạn đối diện xử lý được những trầm uất tiếp theo.

Luôn luôn thiền với những thăng trầm của đời sống hàng ngày chính là quan điểm mục tiêu của Thiền Minh Sát. Cách thực hành như vậy thực sự đòi hỏi nhiều công phu và khổ luyện, nhưng nó sẽ tạo được tính linh hoạt của tâm không thể nào so bì được. Người thiền luôn giữ cho tâm mình mở rộng trong từng giây phút. Người tu thiền thường trực điều nghiên về cuộc sống, xem xét sự trải nghiệm của mình, nhìn sự sống hiện hữu bằng một thái độ khám phá và không dính mắc. Từ đó, người tu thiền thì luôn luôn mở rộng để đón nhận sự thật [lẽ thật, chân lý] dưới bất kỳ hình thức nào, từ bất kỳ nơi nào, và bất kỳ lúc nào. Đây là trạng thái tâm mà bạn cần có cho sự Giải Thoát.

Tương truyền rằng một người có thể thành tựu giác ngộ trong bất kỳ khoảng khắc [sát-na] nào nếu tâm mình luôn luôn được giữ trong trạng thái "sẵn sàng" về mặt thiền. (Tương tự cách nói: 'Ngộ là ngộ trong một sát-na', hay ‘đốn ngộ’, nếu người đó đã sẵn sàng. "Sẵn sàng" ở đây là trạng thái luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn chánh niệm thuần khiết và miên mật trong từng mọi lúc mọi nơi). Những cảm nhận nhỏ bé nhất, bình thường nhất cũng có thể khơi ngòi cho sự giác ngộ: một cảnh trăng, một tiếng chim hót, tiếng một làn gió xuyên qua vòm cây. Những gì ta nhận thức không quan trọng bằng cách chúng ta chú tâm vào nhận thức đó!. Trạng thái "luôn mở tâm sẵn sàng" là điều căn bản cốt yếu!. Giác ngộ có thể đến với bạn ngay bây giờ nếu bạn đã đang "sẵn sàng". Khi bạn đang cầm quyển sách này, sự chạm xúc với những ngón tay cũng có thể khai bừng sự giác ngộ. Hay những âm hưởng của những lời khuyên dạy của quyển sách cũng có thể làm ta bừng ngộ. Bạn có thể chứng đạt sự giác ngộ ngay-bây-giờ, nếu bạn đang "sẵn sàng".

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gọi nắng xuân về


Người chết đi về đâu


Chớ quên mình là nước


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.15.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...