Theo truyền thống ở các nước Phật giáo Nguyên thủy, các thiền sinh thường bắt đầu một buổi thiền bằng việc tụng đọc một số nghi thức. Những Phật tử Âu Mỹ nhìn qua những nghi thức này và cũng thấy rằng đây chỉ là những ‘phát minh’ theo thời gian sau này và chỉ coi đó là những nghi thức vô hại, không hơn không kém. Tuy nhiên, những cái gọi là nghi thức đã được chế ra và chọn lọc bởi nhiều thầy tổ thực dụng và những thiền sư và tăng ni chuyên tu, và chúng đều có mục đích thực hành hết. Chúng cũng đáng được chúng ta tìm hiểu sâu thêm.
Đức Phật được cho là đi ngược lại với nền văn hóa vào thời của Người. Phật được sinh ra trong một xã hội đầy những lễ nghi, tục lệ phức tạp. Và những tư tưởng của Phật là đả phá những tư tưởng tôn thờ thần thánh và giai cấp thống trị vào thời đó. Trong rất nhiều dịp, Phật đã lên tiếng bác bỏ những tục lệ lễ nghi phục vụ cho quyền lợi của giai cấp phong kiến, và Phật luôn luôn kiên quyết về vấn đề này. Điều này không có nghĩa những nghi thức tục lệ không có công dụng gì. Điều này có nghĩa rằng những nghi lễ tục lệ được tiến hành một cách nghiêm ngặt cho bản thân nó trở thành trang nghiêm mà thôi. Thực chất thì, nếu bạn tin vào những câu chú tụng niệm cúng bái đó sẽ cứu rỗi được bạn, thì bạn chỉ càng bị lệ thuộc vào chúng mà thôi. Điều này càng khiến bạn rời xa khỏi sự nhận thức trực quan về thực tại mà thôi. (Tức là nếu bạn tiến bộ, bạn sẽ nhận thức được thực tại và lẽ thật một cách trực diện, không cần câu chữ. Đó là lý do của thiền. Nhưng vì bạn cứ tin và ám ảnh vào những câu chú tụng niệm thì bạn chỉ nhận thức được mọi sự qua những câu chú tụng niệm đó mà thôi). Vì vậy, để tránh được điều đó, nghi thức phải được tiến hành với một sự hiểu biết rõ ràng nó là gì và vì sao nó có ích. Chúng không phải là những lời cầu nguyện, và chúng cũng không phải là những câu thần chú (mantra) như bên Mật Tông. Chúng không phải là những câu bùa chú đầy ma thuật. Ở đây, những nghi thức vô hại và hữu ích là những công cụ thuộc về tâm lý học giúp cho tâm thanh tịnh, mà tâm ta phải tham gia vào, phải nhập tâm, thì mới có tác dụng. Những câu tụng niệm râm ran mà chẳng có sự hướng tâm nào thì chỉ là vô ích. Thiền Minh Sát là một hoạt động tâm lý tế nhị và tâm của người thực hành là rất quan trọng cho sự thành công. Nghi thức chỉ được thực hiện tốt nhất trong bầu không khí của lòng tin tĩnh lặng và nhân từ. Và những lời tụng đó được chế ra để phát huy thái độ tịnh tín đó. Nếu được áp dụng đúng, những nghi thức có thể là một công cụ hữu ích trên con đường tu tập giải thoát.
Sự Hướng Dẫn Ba Điều
Thiền là một việc khó.
(i) Bản thân thiền cũng là một hoạt động đơn độc. Một người ngồi chống chọi lại rất nhiều thế lực mạnh mẽ. Đó là chính là một phần của cấu trúc tâm đang thực hành thiền.
Khi bạn đã bước vào thiền, không sớm thì muộn bạn cũng sửng sốt khi thấy mình đối diện với một sự nhận thức lớn. Một ngày nào đó khi đang ngồi thiền và trong thâm tâm mình chợt nhận ra cái khối to lớn của những thứ mình đang cố chống chọi. Cái khối mình đang muốn chọc thủng nó tựa như một bức tường rắn chắc không một tia sáng nào lọt qua được. Bạn thấy mình ngồi nhìn vào khối thành đài kiên cố và tự nói với chính mình rằng: "Cái gì? Ta phải vượt qua cái đó hay sao? Không thể nào. Tất cả những thứ ở đó. Đó là thế giới sống của ta. Đó là cái tạo của mọi thứ, và đó là cái ta luôn dùng để định nghĩa bản thân ‘ta’, và để ta hiểu biết mọi sự xung quanh ta. Bây giờ ta phá hủy nó đi, cả thế giới sống của ta sẽ sụp đổ, và ta sẽ chết. Ta không thể vượt qua nó. Ta không thể nào."
Đó là một cảm giác đáng sợ, một cảm giác vô cùng cô độc. Ta cảm giác như là: "Ta đang ngồi đây, chỉ một mình, mà đang cố phá hủy một cái gì thật to lớn, vượt trên cả khái niệm".
(ii) Để đối trị lại cái cảm giác này, thật hữu ích nếu nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Những người khác, những bậc tiền bối, đã vượt qua ải này trước đó. Họ cũng đã đối mặt và đi xuyên qua khối chướng ngại này để nhìn thấy được ánh sáng ở bên kia khối tường thành. Những thầy tổ đi trước đã ghi lại những quy tắc giúp chúng ta có thể làm được việc này, và họ cũng đã liên kết với nhau trở thành một cộng đồng tu tập [Tăng đoàn] để cùng giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tu tập. Đức Phật cũng đã từng tìm được phương cách để vượt qua khối tường thành này, và sau đó rất nhiều đệ tử của Phật cũng đã làm được. Đức Phật đã để lại những hướng dẫn được ghi lại thành Giáo Pháp (Dhamma) để chỉ cho chúng ta cùng đi theo con đường của Phật [đạo Phật]. Người cũng lập ra Tăng Ni đoàn (Shangha), một cộng đồng gồm có những tu sĩ nam và nữ (Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni), để bảo tồn con đường đạo và cùng đi với nhau trên con đường đó. Vì vậy bạn không phải một mình, không phải đơn độc. Và tình cảnh bạn đang đối diện không phải là vô vọng.
(iii) Thiền cần nhiều năng lượng nỗ lực. Ta cần có lòng can đảm để đương đầu với những hiện tượng khá khó chịu xảy ra trong tâm mình và phải có lòng quyết tâm ngồi thiền với những trạng thái khó chịu khác nhau của tâm. Sự lười biếng là thua chắc ở đây. Để tạo thêm can đảm và năng lượng tinh tấn cho chính mình, bạn cần phải tự nói với mình nhiều lần những lời sau đây. Nhớ là phải hướng tâm và cảm nhận được ý chí của mình trong lời nơi đó. Thành tâm với lời mình nói:
" Tôi sắp sửa bước đi theo con đường mà Đức Phật và những thánh đại đệ tử của Người đã bước đi. Một kẻ lười biếng không thể đi theo con đường này. Cầu cho năng lượng tinh tấn của tôi luôn tràn đầy. Cầu mong cho tôi được thành công."
Tâm Từ—Lòng Thương Yêu Bao Trùm
Thiền Minh Sát là bài tập thực hành trong sự chánh niệm: sự tỉnh giác mang tính vô ngã. Đó là một tiến trình mà cái ‘ta’ hay ‘ngã’ sẽ được xóa bỏ bằng cái nhìn xuyên suốt của sự chánh niệm. Những người mới bắt đầu thiền thì vẫn còn nguyên cái ‘ta’ [ngã chấp] kiểm soát hoàn toàn thân và tâm. Sau đó, khi sự chánh niệm quan sát kỹ vai trò của cái ‘ta’, nó sẽ thâm nhập vào tận gốc rễ cơ chế của cái ‘ta’, và nó sẽ phá bỏ nó dần dần từng bước. Tuy nhiên, đây lại là một kiểu nói ‘bắt bí’. Chánh niệm là sự chú tâm mang tính vô ngã. Nhưng nếu ta bắt đầu thiền với toàn bộ cái ‘ta’ kiểm soát hết thân tâm như đã nói trên, thì làm sao chúng ta có đủ sự chánh niệm vô ngã để mà thực hiện việc thiền quán?
Thật ra thì luôn luôn có một số ít nhiều sự chánh niệm có mặt ở bất cứ thời khắc nào. Vấn đề thật sự cần làm là phải gom tụ lại đủ để sự chánh niệm phát huy tác dụng được. Để làm được việc này, chúng ta dùng một chiến thuật khôn khéo. Chúng ta có thể làm suy yếu nhữn g mặt nguy hại nhất của cái ‘ta’ tự ngã, được vậy thì sự chánh niệm ít gặp những trở ngại cần phải vượt qua.
Tham dục và Sân hận là hai thứ thể hiện chính trong vai trò cái ‘ta’. Trong tâm lúc nào cũng có mặt, cũng diễn ra sự “nắm giữ” hay “chối bỏ" trong tâm , tâm rất khó đối trị với những thứ này. Nếu ta ngồi thiền với tâm bị dính mắc nhiều thứ ám ảnh mạnh mẽ như vậy, thì ta chẳng đi đến đâu. Nếu bạn đang tính toán một vụ làm ăn tiền bạc lớn, thì trong khi ngồi thiền bạn chỉ luôn nghĩ về vụ đó. Nếu bạn vừa mới điên tiếc vì bị người ta chửi, thì sự điên tiếc đó sẽ chiếm hết tâm bạn khi ngồi thiền. Mà mỗi ngày lại trôi qua ngắn ngủi, mỗi phút ngồi thiền của bạn là vô cùng quý giá. Cách tốt nhất là không nên lãng phí thời gian. Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) đã phát triển được một công cụ giúp chúng ta phá bỏ những chướng ngại này khỏi tâm, ít nhất là cho lúc cần thiết tạm thời, để rồi sau đó bạn tiếp tục nhổ bỏ tận gốc những chướng ngại đó một cách thường xuyên.
Bạn có thể dùng ý [niệm] này để loại bỏ ý [niệm] khác. Có thể dùng ý tích cực để đối trị ý tiêu cực. Ví dụ lòng rộng lượng cho đi [bố thí] là đối trị tính tham lam. Lòng nhân từ [tâm từ] thì đối trị sự thù ghét, sân hận. Chúng ta nên hiểu rõ điều này: Không phải chúng ta đang cố giải thoát cho bản thân mình bằng việc tự thôi miên. Chúng ta không thể nào tác động điều kiện [hữu vi] để tạo nên sự Giác Ngộ. Niết-bàn là một trạng thái vô vi, vô điều kiện. Một người đích thực đã được giải thoát thì sẽ nhân từ và rộng lượng, nhưng không phải người ấy cố làm cho mình nhân từ và rộng lượng. Bản chất của người ấy tự thể hiện một cách tinh khiết, không còn dính hay bị hạn chế bởi cái ‘ta’ nữa. Vì vậy, đây không phải là hữu vi tạo tác. Nó giống như bài thuốc tâm lý học hơn. Nếu bạn dùng thuốc theo đúng những hướng dẫn, thì bạn sẽ bớt đau khỏi cái bệnh đau bạn đang chịu đựng. Sau đó, bạn sẽ nỗ lực điều trị căn bệnh tận gốc rễ của nó.
Theo hướng dẫn trên, trước tiên ta bắt đầu bằng việc từ bỏ những ý nghĩ tự ghét mình và tự trách mình. Trước nhất bạn phải dành những tình cảm tốt đẹp và ý muốn tốt đẹp cho mình, phải biết thương mình trước. Điều đó là việc tương đối dễ làm. Sau đó bạn mới làm việc tương tự cho những người thân thuộc và gần gũi nhất của mình. Rồi dần dà, bạn cũng dành những tình cảm và ước muốn tốt đẹp cho những người bà con, họ tộc của mình. Sau đó nữa, bạn hướng những tình cảm và ước muốn tốt đẹp cho nhũng người mình không ưa, những người không ưa mình, những kẻ thù, và sau cùng là tất cả mọi chúng sinh trên đời. (Đối với ai mình cũng tỏ lòng từ ái và thương mến). Nếu thực hành một cách đúng đắn, việc này có thể là một bài tập chuyển hóa tâm một cách mạnh mẽ.
Thông thường trước khi bắt đầu buổi thiền, các thiền sinh tự đọc cho mình nghe những lời nguyện ước sau đây. Phải thật sự hướng tâm và cảm nhận sâu sắc về những lời nguyện này:
1. Cầu mong cho tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho tôi không bị nguy hại. Cầu mong cho tôi không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong cho tôi được thành công. Cầu mong cho tôi có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho tôi vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
2. Cầu mong cho mẹ cha tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho mẹ cha không bị nguy hại. Cầu mong cho tôi không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong cho mẹ cha được thành công. Cầu momg cho tôi có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho mẹ cha vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
3. Cầu mong cho những người thầy của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
4. Cầu mong cho những người thân của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
5. Cầu mong cho những người bạn của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
6. Cầu mong cho những người tôi không quen được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
7. Cầu mong cho những người thù hận tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
8. Cầu mong cho tất cả mọi chúng sinh được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho tất cả không bị nguy hại. Cầu mong cho tất cả không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong tất cả được thành công. Cầu mong cho tất cả có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho tất cả vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.
Khi bạn đã đọc niệm xong những lời nguyện này, gác lại tất cả phiền não và xung khắc trong ngày để bắt đầu vào buổi thiền. Hãy quẳng hết gánh lo đi. Nếu những thứ đó có quay lại trong lúc ta đang ngồi thiền, thì ta cứ quan sát chúng như chúng là, coi chúng như những xao lãng thường gặp khi chúng ta ngồi thiền.
Việc nguyện niệm với Tâm Từ cũng nên được thực hiện trước mỗi lúc chúng ta ngủ và ngay sau khi chúng ta thức dậy. Việc niệm Tâm Từ được dạy là sẽ giúp bạn được ngủ ngon và không bị những ác mộng hay những giấc mơ đầy tham dục hay sân si. Nó cũng giúp bạn thức dậy nhẹ nhàng vào buổi sáng. Và nó giúp bạn trở nên thân thiện hơn và cởi mở hơn với mọi người, từ bè bạn đến kẻ tư thù, từ đồng loại đến những chúng sinh khác trên cõi đời này.
Một trong những kích động tâm linh [chướng ngại] nguy hại nhất là sự tức giận [SÂN]. Sân giận thường hay khởi sinh đặc biệt trong những lúc tâm đang bình lặng. Bạn có thể đã từng tức giận mỗi khi nhớ lại những sự việc đã làm bạn đau khổ về mặt tinh thần và thể xác. Những trải nghiệm đó có thể gây ra sự khó chịu, căng thẳng, kích động và lo lắng cho bạn. Nhiều lúc bạn không thể tiếp tục ngồi thiền và ‘nếm’ trạng thái đó của tâm. Vì vậy, chúng tôi hết sức khuyên bạn phải nên bắt đầu buổi thiền bằng việc thực hiện bài nguyện niệm này để khơi đậy Tâm Từ.
Đôi khi các bạn có thể thắc mắc rằng làm sao mà chúng ta có thể mong ước: "Cầu mong cho những kẻ thù thù hận tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình. Cầu mong cho họ không bị nguy hại. Cầu mong cho họ không gặp khó khăn và những việc nan giải. Cầu mong họ được thành công. Cầu mong cho họ có được sự kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn không thể nào tránh được, những việc nan giải và những thất bại trong cuộc đời. Cầu mong cho họ vượt lên trên những thử thách đó bằng giới hạnh đạo đức, sự chánh trực, lòng bi mẫn, sự chánh niệm và trí tuệ.", như vậy được?
Bạn nên nhớ rằng chúng ta thực tập Tâm Từ là để làm cho tâm ta trong sạch, thanh tịnh; cũng giống như mục đích bạn hành thiền để đạt được sự bình an và giải thoát khỏi những khổ đau và bất toại nguyện. (Đó là quyền lợi và mục tiêu tu hành của chúng ta!). Khi bạn thực tập Tâm Từ, bạn có thể cư xử một cách thân thiện nhất, không còn thiên vị, không còn đố kỵ, không còn thù ghét. (Ai mà vừa ‘thành tâm’ đọc ước nguyện chúc phúc cho người khác để tu dưỡng Tâm Từ mà trong lòng thì cay cú hay điên tiếc về những người đó?. Khi bạn niệm tâm từ thì tâm bạn sẽ không còn thù ghét, sân giận ít nhất vào lúc đó).
Thái độ cư xử cao thượng sẽ giúp bạn giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu để làm giảm bớt những đau đớn và khổ sở. Chỉ có những người bi mẫn, đầy lòng trắc ẩn mới giúp được người khác. Lòng Bi mẫn và xót thương cho người khác là biểu hiện bằng hành động của tâm Từ. Thái độ cư xử cao thượng là sự cư xử một cách thân thiện nhất và hòa đồng nhất. Các hành vi cư xử bao gồm ý nghĩ, lời nói và hành động [ba nghiệp: thân, ý, miệng]. Nếu sự biểu hiện của ba nghiệp này mâu thuẫn nhau, thì sự cư xử của ta không thể là cao thượng được. về thực dụng mà nói, tốt hơn chúng ta nên tu dưỡng những ý nghĩ cao thượng "Nguyện cho chúng sinh tâm được hạnh phúc", hơn là cách nghĩ ""Tôi không ưa thằng đó"". Nếu ý nghĩ của chúng ta là cao thượng, thì một ngày nào đó nó sẽ tự thể hiện bằng hành vi cao thượng; và nếu ý nghĩ của chúng ta là thù ghét, thì sau đó sẽ biểu hiện bằng hành vi xấu ác, bất thiện.
Nên nhớ rằng chính những cái ý nghĩ [ý hành, hành] được chuyển thành lời nói và hành động để tạo ra kết quả như ý ta mong muốn. (Ta có ý nói dối để đánh lừa người khác, thì ta nói dối. Ta có ý nghĩ trả thù, thì ta mới làm hại người khác). Ý nghĩ [hành] chuyển dịch thành hành động [nghiệp] có thể tạo ra hậu quả [quả] rõ ràng. Vậy thì chúng ta nên luôn luôn nói và làm mọi cái với sự chánh niệm về Tâm Từ. Khi nói về lòng nhân ái, nếu bạn nói và làm khác nhau, các bậc hiền trí sẽ chê cười bạn. Khi sự chánh niệm về tâm từ đã phát triển, thì ý nghĩ, lời nói, hành động sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu, đáng mến, có ý nghĩa, thân thật và mang lại lợi lạc cho mình và cho người. Ý nghĩ, lời nói, hành động nào gây phương hại cho mình, cho người, hay cho cả mình và người, thì đó là bất thiện, và lúc đó bạn nên tự hỏi chính mình là mình có thật sự chánh niệm về lòng từ hay không.
Nói về mục đích để thực hành tâm từ, nếu những kẻ thù của bạn mà được lành mạnh, hạnh phúc và an bình, thì có lẽ họ cũng chẳng còn làm kẻ thù của bạn nữa. Nếu họ không còn vấn đề khó khăn, không còn bị đau đớn, bị khổ sở, phiền não, thần kinh, tâm thần, hoang tưởng, sợ hãi, căng thẳng, bất an... thì họ chắc không còn làm kẻ thù của bạn nữa. Giải pháp thực tế khi bạn có người thù ghét hay kẻ thù là giúp họ vượt qua những khó khăn của họ, và các bạn có thể sống trong hòa bình và hạnh phúc. Đúng ra, nếu có thể, ta có thể phát huy tâm từ trong ý nghĩ của những người thù hằn đó và giúp họ nhận ra ý nghĩa thật sự của sự hòa bình, và như thế ta có thể sống trong hòa bình và hạnh phúc. Khi họ càng bị đau đớn, bị khổ sở, phiền não, thần kinh, tâm thần, hoang tưởng, sợ hãi, căng thẳng, bất an... thì họ càng mang đến cho xã hội nhiều phiền não, đau đớn và đau khổ. Nếu bạn có thể chuyển hóa tâm của một người xấu ác bất thiện thành một người cao thượng thánh thiện, thì chắc hẳn bạn đã làm nên một kỳ tích tuyệt vời!. Vậy tại sao chúng ta không cố gắng tu dưỡng tâm từ và trí tuệ hiểu biết của chúng ta, và từ đó cố gắng góp phần chuyển hóa những cái tâm bất thiện thành những bản tâm thánh thiện.
Khi ta ghét một người nào, ta thường nghĩ hay rủa: "Mong cho hắn xấu xí. Mong cho hắn đau đớn, nghèo nàn, không tiền của, sai trái, hư danh, không bạn bè..., sau khi chết sẽ bị đọa vào cõi xấu nhiều cực hình, đau khổ...". Tuy nhiên, kết quả thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy ngay là cơ thể bạn tự tiết ra chất độc làm cho chính mình cảm thấy đau đớn, tim đập nhanh, căng thẳng, hồi hộp, sắc diện thay đổi vì mặt cảm tội lỗi, ăn mất ngon, ngủ mất yên và biểu hiện khó chịu, cộc cằn, không thân thiện với những người xung quanh. Chính ta lại nếm trải những thứ mà ta đã nguyền rủa kẻ thù của ta. Và điều đó có nghĩa chúng ta không thể thấy được lẽ thật như-nó-là. Tâm của bạn giống như nước đang sôi. Hoặc ta giống như một người bị bệnh gan nên món ăn tươi ngon nào ta cũng chẳng nếm thấy được vị thơm ngon của nó. (Khi đã ghét ai thì nhìn cái gì của người đó cũng xấu xa). Tương tự vậy, khi vẫn còn thù ghét ai, ta thường không thích mặt mũi người đó, không thích thấy họ thành đạt, hạnh phúc...Cho đến khi nào tâm bạn còn những ý nghĩ bất tịnh như vậy, thì bạn khó ngồi thiền cho kết quả tốt được.
(Người ta hay nói người thù ghét, nếu thiền tập lâu ngày sẽ hết thù ghét. Điều đó còn tùy mỗi người. Nhưng tại sao ta không dẹp bỏ sự thù ghét sân hận và phát huy Tâm Từ nhẹ nhàng và hướng thiện trước khi ngồi vào thiền?).
Do vậy chúng tôi hết lòng khuyên các bạn hãy niệm Tâm Từ trước khi ngồi vào một buổi thiền nghiêm chỉnh!. Đọc tụng từng câu tâm nguyện một cách chánh niệm và thành tâm. Khi bạn tâm niệm như vậy, bạn sẽ cảm giác được tâm từ bên trong bạn, và từ đó bạn có thứ để chia sẻ với mọi người khác. Bởi vì bạn không thể chia sẻ cái mà bạn không thực sự có.
Mặc dù vậy, nhưng chúng ta nên nhớ rằng đây không phải là nghi thức theo nghĩa một công thức huyền thuật (hay là bùa chú, thần chú). Bản thân những lời nguyện này không có giá trị gì với bản thân chúng hết. (Đó chỉ là những ngôn từ thông thường). Nếu bạn dùng nó với ý huyền thuật như thần chú, bạn chỉ phí thời giờ và công sức mà thôi. Nhưng nếu bạn thật sự để tâm vào những câu nguyện hướng thiện đó (một cách thành tâm, thành ý), và chuyển tải năng lượng của mình vào trong lúc tâm niệm, thì những lời nguyện đó sẽ giúp cho tâm bạn được từ ái và đầy tình thương mến.
Hãy làm thử, hãy tập thử. Và bạn sẽ tự mình cảm nhận được điều đó.