Trong thế kỷ trước đây, nền khoa học và vật lý phương Tây đã có những khám phá đáng ngạc nhiên. Chúng ta là một phần của thế giới mà chúng ta đang quan sát. Chính cái quá trình quan sát của chúng ta làm thay đổi những điều chúng ta đang quan sát.
Thử lấy một ví dụ. Điện tử là một hạt cực kỳ nhỏ bé. Chúng ta không thể thấy chúng bằng mắt thường mà phải dùng công cụ, như kính siêu hiển vi, mới nhìn thấy được. Nếu bạn nhìn điện tử theo một gốc độ, nó như là một chất điểm, như một hòn bi cứng siêu nhỏ luôn phóng dội liên tục theo những đoạn thẳng. Nhưng khi chúng ta quan sát nó theo gốc độ khác, chúng ta lại thấy nó như là một dạng sóng, phát sáng và dao động, không cố định. Nó bung nhảy mọi hướng. Một hạt điện tử là một chuỗi sự kiện, chứ không phải chỉ là một sự vật. Và người quan sát tham dự vào sự kiện đó bằng chính quá trình quan sát của mình. Không thể nào tránh bỏ sự tương tác này.
Khoa học phương Đông đã nhận ra nguyên lý cơ bản này từ rất lâu đời. Tâm là một chuỗi những sự kiện, và người quan sát tham dự vào những sự kiện đó mỗi khi người đó nhìn vào bên trong mình. Thiền là sự quan sát mang tính tham dự. (Người quán sát tham gia trực tiếp vào quá trình sự kiện). Cái mà bạn đang nhìn tương ứng với tiến trình nhìn. Cái mà bạn đang nhìn vào chính là bạn, và cái mà bạn nhìn thấy được thì tùy thuộc vào cách bạn nhìn.
Như vậy quá trình thiền tập là cực kỳ tinh tế, và kết quả là tuyệt đối phụ thuộc vào trạng thái tâm của người hành thiền. Những thái độ sau đây là căn bản và thiết yếu cho sự thành công của việc hành thiền. Hầu hết những điều này đã được trình bày trước đây. Nhưng chúng tôi muốn ghi lại thành một dãy các nguyên tắc cho bạn dễ bề áp dụng:
(1)
Đừng kỳ vọng điều gì: Chỉ cần ngồi và nhìn xem điều gì xảy ra. Cứ coi tất cả là một cuộc thử nghiệm. Chủ động quan tâm đến sự thử nghiệm. Nhưng đừng bị xao lãng vì nghĩ ngợi hay trông đợi về kết quả. Về vấn đề này, đừng nôn nóng, cho dù kết quả là gì. Hãy để việc thiền chuyển động theo nhịp độ và hướng của riêng nó. Hãy để thiền dạy cho bạn cái mà bạn cần học. Sự tỉnh giác khi thiền sẽ tìm cách nhìn thấy bản chất thực tại đúng như nó là. Cho dù điều đó có tương ứng với trông đợi của mình hay không, tạm thời phải ngưng hết mọi giả định và mọi ý tưởng của chúng ta. Chúng ta phải dẹp đi mọi hình ảnh, ý kiến và diễn dịch vào một góc nào đó, không để chúng xía vào trong thời gian thiền tập. Nếu không, chúng ta sẽ bị vấp chân vào chúng.
(2)
Đừng căng thẳng: Đừng ép uổng, miễn cưỡng hay cố ráng điều gì. Thiền không phải là xông xáo. Không cần sự manh động, mạnh tay. Hãy để sự nỗ lực của bạn được thư giãn và đều đặn nhẹ nhàng.
(3)
Đừng vội vàng: Không có gì phải vội, hãy khoan thai. Ngồi xuống gối thiền và ngồi thiền như thể bạn có cả ngày dài để thiền. Cái gì quý giá đều cần có thời gian để phát huy mới có được. Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn.
(4)
Đừng dính chấp vào điều gì và cũng đừng chối bỏ điều gì: Cái gì đến thì nó đến, và mình cứ ôn hòa theo vậy, cho dù nó là gì. Nếu có tâm ảnh [nimitta] tốt hiện lên trong tâm, điều đó thì tốt. Nếu có tâm ảnh xấu hiện lên, điều đó cũng tốt thôi. Hãy nhìn tất cả bình đẳng như nhau và làm cho mình hài lòng với bất kỳ cái gì diễn ra. Đừng có chống cự với cái gì mình trải nghiệm, chỉ cần quan sát nó một cách chánh niệm.
(5)
Buông xả: Học cách để mình trôi chảy theo những biến đổi xảy ra trong dòng đời. Buông lỏng và thư giãn. Xả.
(6)
Chấp nhận mọi sự khởi sinh: Chấp nhận những cảm giác của mình, cho dù đó là những cảm giác khó chịu [khổ thọ] mà bạn chẳng bao giờ muốn có. Chấp nhận những trải nghiệm của mình, cho dù đó là kinh nghiệm đáng ghét. Đừng tự trách mình vì mình cũng có những sai lầm và thiếu sót của con người. (Nhân vô thập toàn). Học cách nhìn mọi hiện tượng (sinh diệt) trong tâm đúng với lẽ hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu của chúng. Cố gắng tập luyện sự chấp nhận một cách vô tư mọi lúc mọi nơi đối với tất cả những gì bạn trải nghiệm.
(7)
Hãy nhẹ nhàng với bản thân mình: Hãy tử tế với chính mình. Bạn có thể không hoàn hảo, nhưng bạn là tất cả những gì bạn có để sống với nó. Toàn bộ tiến trình để tu tập để bản thân mình sẽ trở thành cái gì là hoàn toàn phụ thuộc vào ngay lúc ban đầu bạn phải biết chấp nhận mình là ai. (Dù mình là ai đi nữa, hãy chấp nhận chính mình trước khi nghĩ đến chuyện tu tập để chuyện hóa bản thân mình. Vì nếu mình không chấp nhận mình ngay từ đầu, thì mình tu tập để chuyển hóa cái gù và chuyển hóa ai?).
(8)
Dò tìm (điều tra) bản thân mình: Luôn đặt câu hỏi về mọi sự. Đừng vội cho điều gì là đúng, hay đúng theo thói quen. Đừng tin vào điều gì chỉ vì điều đó có vẻ khôn ngoan và thánh đạo và bởi vì có những thánh nhân nói vậy. Phải tự mình nhìn thấy. Nói vậy không có nghĩa bạn phải hoài nghi, bi quan hay trân tráo coi thường người khác, hay chẳng liên quan đến họ. Điều đó có nghĩa là bạn phải tự mình quan sát để thấy biết, phải thấy mọi sự bằng trải nghiệm của chính mình. Phải đặt mọi kết luận trên cơ sở tự mình kiểm chứng và kết quả đó là chỉ dẫn cho bạn nhìn thấy sự thật. Thiền tuệ tiến triển từ niềm khao khát bên trong mong muốn thức tỉnh để nhìn thấy cái gì là đích thực, là thực tại, và mong muốn có được trí tuệ giải thoát để đối diện với bản chất đích thực của sự hiện hữu. Toàn bộ tiến trình tu tập thực hành đều được dựa trên bản lề là ước muốn được tỉnh thức để nhìn thấy lẽ thật và chân lý. Nếu không có niềm khao khát đó, sự tu tập chỉ là giả tạo bề ngoài, thầm gánh chịu cho ra vẽ tu sĩ thánh đạo.
(9)
Bạn gặp vấn đề khó khăn ư? Tốt. Càng có thêm thóc để bạn xay ra gạo, càng có thêm thứ để bạn học hành tiến bộ hơn. Cứ hoan hỷ, lặn sâu vào và dò xét từng vấn đề.
(10)
Đừng cân nhắc: Bạn không cần phải tính toán mọi thứ. Những suy nghĩ lan man chẳng giúp bạn thoát khỏi khó khăn. Trong thiền, tâm của bạn được thanh lọc một cách tự nhiên bằng sự chánh niệm, bằng sự chú tâm thuần khiết không-lời. Sự cố tâm theo thói thường không loại bỏ được những điều bạn đang dính mắc. (Chẳng hạn, không phải khi cố tâm bỏ tính tham dục là bỏ được đâu). Mọi thứ cần làm là nhận thức một cách rõ ràng, minh bạch, không dính vào quan niệm, để thấy rõ những điều đó là gì và chúng vận hành và sinh diệt ra sao. Chỉ cần sự nhận thức như vậy là đủ để hóa giải những vấn đề khó khăn. Khi những quan niệm và lý lẽ xen vào thì đừng suy nghĩ gì. Chỉ nhìn chúng là được.
(11)
Đừng nhắc đi nhắc lại về sự tương phản: Sự khác biệt giữa người và người là lẽ tự nhiên, nhưng nếu ta cứ càm ràm về những khác biệt đó thì đó là tiến trình gây hại. Trừ khi bạn biết điều, khéo léo, bằng không nó sẽ dẫn ngay đến tính tự mãn tự tôn. Chúng ta đều biết suy nghĩ của người đời đầy những tham lam, ghen tỵ và tự cao. Một người nhìn thấy một người khác bên đường liền lập tức có ý nghĩ: “Anh ta đẹp trai hơn mình”. Kết quả trong tức khắc là sự thèm muốn hoặc sự tủi thân mặc cảm. Một cô gái nhìn một cô gái khác bên đường có thể nghĩ ngay trong não: “Trông bộ mình ngon lành hơn cô đó”. Kết quả tức khắc là lòng tự cao, hãnh diện. Loại tư duy so sánh đối đãi này là thói quen của tâm (là tập khí, là thói tâm) như đã nói, và thói tâm này dẫn ngay đến một hay nhiều cảm giác xấu ác: Tham dục, thèm muốn, tự cao, ghen tỵ, thù ghét. Đó là những trạng thái bất thiện của tâm, nhưng người đời chúng ta thường vẫn luôn làm vậy. Ở đời, chúng ta cứ lo so sánh so bì mình với người khác, từ vẻ về ngoài, sự thành đạt, danh phận, của cải, cơ ngơi, hay cả chỉ số thông minh I.Q, và tất cả những thói đời thói tâm đó đều dẫn đến một chỗ: Đó là sự xa lạ, ngăn cách giữa người với người và những cảm giác xấu ác bất thiện đối với nhau. (Điều này là lẽ thật qua suốt mấy ngàn năm nhân loại bước đi trên trái đất này).
Công việc của người tu thiền là dẹp bỏ cái thói tâm bất thiện này bằng cách xem xét nó một cách xuyên suốt, và thay thế nó bằng những thói tâm khác. Thay vì cứ để tâm đến sự khác biệt giữa mình và người, người hành thiền tu tập để mình chỉ để ý đến những điểm tương đồng. Thiền sinh tập trung chú ý đến những yếu tố phổ quát, chung và tương đồng của tất cả chúng sinh; chú ý đến những điều làm cho mình xích lại gần hơn với mọi người và chúng sinh. Nếu làm được như vậy, thì so sánh đối đãi của mình, nếu có, cũng dẫn đến những tình cảm anh em, tình đồng loại đồng sinh, chứ không phải là sự xa lạ, vô cảm, ganh ghét, canh chừng nhau.
Hơi thở hay sự thở là một tiến trình phổ biến tự nhiên. Tất cả sinh vật có xương sống đều phải thở hầu như giống nhau. Những sinh vật khác cũng trao đổi khí với môi trường sống bằng cách này hay cách khác. Vì lý do này mà “Hơi Thở” được chọn làm đối tượng tâm điểm của việc hành thiền - (và là một trong những đối tượng nền tảng để tu tập sự chánh niệm như Đức Phật đã chỉ dạy). Người hành thiền được chỉ dạy để phám phá tiến trình hơi thở của chính mình, như một phương tiện để nhận biết sự nối kết bẩm sinh cố hữu của mình với phần còn lại của thế giới sống. Dĩ nhiên không phải chúng ta cứ ngồi nhắm mắt và bỏ lơ hết mọi sự khác biệt xung quanh ta. Những khác biệt vẫn có đó. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tu tập để không nhấn mạnh vào những khác biệt tương phản (của những sự sống, giữa người với người), và chỉ nhấn mạnh vào những yếu tố phổ quát, những điểm chung, tương đồng, tương sinh. Gợi ý các bước như sau:
Khi thiền sinh nhận biết một đối tượng giác quan, thiền sinh không nên nghĩ non đoán già về nó theo thói quen tự ngã thông thường. Thiền sinh nên xem xét chính cái quá trình nhận thức đó. Nên xem xét đối tượng đó kích thích giác quan và sự nhận thức như thế nào. Thiền sinh nên quan sát các cảm giác đang khởi sinh và các hành động tương ứng của tâm ngay sau đó. (Ngay khi nhận cảm giác, tâm lập tức phản ứng bằng hành vi của tâm). Kết quả là chúng ta ghi nhận được những thay đổi diễn ra trong tâm thức của mình. Trong khi quan sát tất cả những hiện tượng đó, thiền sinh phải ý thức rõ được tính phổ quát của đối tượng mình đang quan sát. Sự nhận thức ban đầu làm phát sinh những cảm giác dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính [HV: lạc thọ, khổ thọ, vô ký thọ]. Đó là một hiện tượng phổ biến. Nó xảy ra trong tâm của mình và cũng xảy ra trong tâm của những người khác. (Chẳng hạn mình thở thì người khác cũng thở như vậy. Thở là hành vi chung của mọi người). Theo sau những cảm giác khác nhau đó là những phản xạ khác nhau sẽ khởi sinh. Một người có thể cảm giác tham lam, ái dục, hoặc ghen tỵ. Một người có thể cảm giác sợ sệt, lo lắng, bất an, hoặc chán chường. Những phản xạ này là phổ biến. Chúng ta đơn giản ghi nhận chúng, rồi suy rộng thành tính chung. Chúng ta nên nhận ra rằng những phản ứng đó là phổ biến, là phản ứng thường tình con người, và có thể phát sinh trong tâm của bất cứ ai.
Thực hành cách so sánh kiểu này lúc đầu khiến ta có cảm giác như bị gượng ép hay giả tạo, nhưng cảm giác đó cũng là điều tự nhiên và thường tình như mọi phản ứng bình thường khác của chúng ta. Nó chỉ là chưa quen. Bằng cách thực hành, thói quen so sánh mới này sẽ thay thế cho thói tâm so sánh cố hữu chứa đầy cái 'tóV ích kỷ từ lâu của chúng ta. Và nhờ đó, chúng ta cảm thấy tự nhiên hơn về lâu về dài. Kết quả là chúng ta sẽ trở thành những con người đầy hiểu biết và vị tha. Chúng ta không còn thấy thất vọng hay bực mình vì những “thiếu sót” hay khiếm khuyết của người khác. Chúng ta tinh tiến đến sự hòa đồng với đời sống, với mọi người.