Bây giờ, bạn sắp sửa phải đối đầu với những vấn đề khó khăn trong việc thiền của bạn. Ai cũng phải vậy. Những vấn đề khó khăn xuất hiện dưới nhiều hình thái, lớn nhỏ, nặng nhẹ khác nhau, nhưng một điều chắc chắn là bạn phải gặp ít nhiều trong số đó. Chiêu thức để đối trị những trở ngại này là bạn phải giữ một thái độ đúng đắn. Những khó khăn trở ngại là một phần gắn liền với việc thiền tập của chúng ta. Chúng không phải là thứ gì để ta tránh né. Ngược lại, chúng là những thứ để ta dùng. Chúng mang lại những cơ hội quý giá nhất để chúng ta học tập.
Lý do mà chúng ta đều bị dính vào vũng lầy cuộc đời là chúng ta luôn luôn chạy trốn khỏi những vấn đề khó khăn và chạy theo những dục vọng tham muốn. Thiền tạo cho ta tình huống giống như phòng thí nghiệm, trong đó chúng ta xem xét một hội chứng, một hiện tượng và thao tác những cách để đối trị với nó. Những “chướng ngại” và những thứ phức tạp khác nhau khởi sinh trong khi thiền chính là cái cho chúng ta dùng, chúng giống như là lúa đổ thêm vào cối xay để chúng ta làm ra thêm những hạt gạo ngon lành. Đó là những chất liệu để chúng ta làm việc. Ở đời, không có điều gì sướng mà không có ít nhiều sự khổ. Không có đau khổ nào không có ít nhiều sự sung sướng. Đời sống của chúng ta vốn bao gồm hai mặt khổ và sướng, những niềm vui và những nỗi buồn. Chúng luôn đi chung với nhau.
Thiền cũng vậy. (Thiền cũng trải qua đau khổ, công phu nhiều năm nhiều tháng mới có được sự an lạc, giải thoát). Bạn sẽ trải nghiệm những lúc tốt đẹp và những lúc tệ hại, những lúc kỳ diệu và những lúc đáng sợ.
Vì vậy, bạn đừng quá kinh ngạc mỗi khi chạm phải một kinh nghiệm nào đó giống như một bức tường thành. Đừng nghĩ là chỉ riêng mình bị. Tất cả những thiền sinh và thiền sư lâu năm đều cũng đã gặp phải những bức tường như vậy. Chúng xuất hiện và cũng thường tái hiện. Hãy chuẩn bị tinh thần là chúng sẽ xuất hiện và sẵn sàng đối diện với chúng. Khả năng đối diện với những “chướng ngại” là hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của chúng ta. Nếu bạn biết cách vận dụng những chướng ngại phức tạp này như là những cơ hội, như là những dịp để bạn phát triển năng lực thiền của bạn, thì bạn sẽ mau tiến bộ trong việc học thiền. Khả năng giải quyết một số vấn đề phát sinh trong khi thiền sẽ còn kéo dài suốt quãng đời còn lại của bạn, và nó sẽ giúp bạn xử lý những vấn đề nan giải hơn, gây nhiều phiền não và ám ảnh bạn nhiều hơn. Còn nếu bạn cứ cố tránh né những “chướng ngại” khởi sinh trong khi thiền, thì bạn chẳng làm gì được. Bạn chẳng làm được mà chỉ củng cố thêm cái thói tâm [tập khí] cố hữu vốn đã làm cho cuộc sống cứ quanh quẩn, bế tắt như trước kia.
Điều căn bản là ta phải học cách để đối diện với những khía cạnh không tốt đẹp và không dễ chịu của sự hiện hữu của chúng ta. (Đó là mặt xấu và tiêu cực của sự sống). Công việc của thiền sinh chúng ta là học cách kiên nhẫn với chính mình, nhìn vào chính mình một cách khách quan và không thiên vị, chấp nhận hết những nỗi buồn đau và thiếu xót của chính mình. Chúng ta phải học cách tử tế, tốt bụng với chính bản thân mình. Về dài hạn, tránh né những điều khó chịu là một hành động rất không tử tế với chính bản thân mình. Ngược lại, nếu tử tế với bản thân mình thì chúng ta cần phải đối diện với những điều khó chịu (bao gồm những khổ thọ và chướng ngại).
Một trong những ‘mẹo’ [thủ thuật] nổi tiếng của con người là khi gặp thứ gì khó chịu thì ‘cứ nghĩ ngược lại’: có thì cứ nghĩ là không có, khó chịu hay đau đớn thì nghĩ là dễ chịu hay thoải mái. Đối sách của Đức Phật thì hoàn toàn ngược lại: Không né tránh. Thay vì né tránh hay che đậy nó, Phật dạy chúng ta phải trực diện xem xét chúng cho đến khi chúng biến mất.
Đạo Phật dạy chúng ta không nên giả tạo cảm giác mà mình thật sự không có, hoặc né tránh cảm giác mà mình thật sự có. Nếu bạn đang khốn khổ, thì bạn khốn khổ; đó là thực tại, đó là cái đang thật sự xảy ra với bạn, vì vậy hãy đối diện với nó. Nhìn thẳng vào nó, không chùn bước, không nao núng gì hết. Khi bạn gặp lúc tệ hại, xem xét sự tệ hại đó, quan sát nó một cách chánh niệm, dò xét hiện tượng đó và tìm hiểu cơ chế diễn ra của nó. Cách tốt nhất để thoát khỏi cái bẫy là xem xét kỹ cái bẫy đó, tìm hiểu tại sao có cái bẫy đó, nó được tạo ra bằng cái gì. [Con người thông minh hơn con vật khi bị mắc bẫy]. Rồi bạn bắt đầu tháo gỡ từng mảnh của nó. Cái bẫy không còn bẫy bạn được nữa một khi nó đã bị tháo rời. Kết quả là sự tự do. Giải thoát.
Chỗ lý này chính là cái căn bản cốt lõi của việc tu hành!. Tuy nhiên, cái lý này lại là một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất của triết lý đạo Phật. Một số người tìm hiểu Phật giáo một cách bề ngoài thường vội vàng kết luận Phật giáo là một hệ giáo lý bi quan, luôn luôn nói về những thứ không tốt đẹp như đau khổ, khổ đau... và luôn luôn xúi khiến mọi người đối diện với những lẽ thật phũ phàng như sự đau đớn, bệnh tật, cái chết. Nhưng những người theo tư tưởng đạo Phật và những Phật tử chánh đạo thì không coi mình là bi quan - mà hoàn toàn ngược lại. Sự thật là những khổ đau có mặt khắp nơi trong thế gian; ít nhiều trong số chúng là không thể tránh được. Học cách để đối diện và xử lý chúng không phải là việc làm bi quan, nhưng là một phương cách rất thực tế và hữu dụng của tư tưởng lạc quan.
Bạn sẽ xử lý thế nào khi vợ hay chồng mình mất đi? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu mình mất mẹ ngày mai? Hay mất người chị, người em, người anh hay một người bạn tri kỷ? Giả sử bạn bị mất việc làm, mất hết tiền dành dụm, bị cụt hết hai chân...trong cùng một ngày; bạn có thể đối diện với cuộc sống ngồi trên xe lăn trong những ngày còn lại hay không? Làm sao bạn chịu nỗi cảm giác khi phát hiện ra mình bị bệnh ung thư (luôn là) ở giai đoạn cuối, và làm sao bạn có thể đối diện với cái chết đang đến sát bên mình?. Chúng ta có khả năng tránh né được hầu hết những bất hạnh đau thương đó, nhưng chúng ta không thể nào tránh thoát được tất cả chúng. Tất cả chúng ta đều mất đi những người thân yêu và bạn bè vào những ngày nào đó trong đời; tất cả chúng ta đều bị yếu bệnh lúc này lúc khác, không bệnh này thì bệnh khác; và rồi tất cả mỗi người chúng ta đều phải chết đi vào một ngày, thật buồn, nào đó trong đời. Một trong hai cách bạn chọn để sống với cuộc đời: Bạn có thể cố chịu đựng khổ đau của những thực trạng đó, hoặc bạn có thể đối diện với chúng một cách thẳng thắn - Tùy bạn chọn.
Đau là không thể tránh được, nhưng khổ thì tránh được. (Đau là đau bệnh, đau đớn...phải xảy ra lúc này lúc khác theo quy luật vô thường, sinh lão bệnh tử. Còn khổ là sự chịu đựng những điều đau đớn và bất toại nguyện đó). Đau và khổ là hai ‘con thú vật’ khác nhau. Bất cứ ‘con vật’ nào tấn công vào trạng thái tâm hiện tại của bạn, bạn sẽ khổ, sẽ phải chịu đựng. Theo thói quen người đời, bạn sẽ lập tức kiểm soát tâm bạn, nhốt mình vào nỗi khổ đó và không có lối thoát. Bạn nên bỏ ra một ít thời gian để học cách phản ứng khác, thay vì cứ làm theo kiểu thói quen cố hữu đó. Thời gian bỏ ra cho việc đó là đáng làm. Hầu hết người đời tiêu phí sức lực và phương tiện để tạo thêm những cách để làm gia tăng sự sung sướng, khoái lạc, hưởng thụ, và làm giảm thiểu những đau đớn, khổ sở. Đạo Phật không khuyên bạn đừng làm những điều đó. Có nhiều tiền tài và sự an ninh đời sống thì cũng tốt. Đau thương, đau bệnh nếu càng tránh né được thì càng tốt. Cũng chẳng ai vô duyên khuyên bạn phải buông bỏ hết tiền bạc của cải của mình, hay phải đi tìm những nỗi đau vô lý, không cần thiết. Nhưng đạo Phật khuyên bạn nên dành thêm ít nhiều thời gian và sức lực để học cách đối diện với những điều tệ hại và đau thương, bởi vì có nhiều sự bất hạnh và đau thương là không thể nào ta tránh được trong đời.
Ví dụ, khi bạn thấy chiếc xe tải đang lao vào bạn, bằng mọi giá bạn phải nhảy ngay qua một bên để tránh nó. Ai cũng có thể hoàn toàn có khẳ năng tránh né đó. (Đó là phản xạ và bản năng sinh tồn vốn có của sinh vật và người. Khi gặp điều tệ hại và đau thương, ta lập tức hết mình tránh né nó). Nhưng nếu chúng ta bỏ thêm ít thời gian để tập thiền thì cũng tốt hơn nhiều. Học cách thức để xử lý những điều bất toại, bất hạnh và đau khổ đó là cách duy nhất để bạn trở nên sẵn sàng đối phó với những điều không mong muốn có thể xảy ra bất ngờ và bất cứ lúc nào.
(Giống như nếu bạn học cách đi đúng làn đường của mình và chú tâm vào con đường, thì bạn đã hầu như luôn sẵn sàng tránh né ‘chiếc xe tải’ có thể lao vào bạn bất ngờ vào bất cứ lúc nào, nhanh hơn và chắc hơn nếu bạn cứ vô ý và đi vào làn đường của chúng rồi khi xe lao vào bạn phải dùng đến khả năng tránh né lúc kịp lúc không. Không nên sống kiểu “nước đến chân mới nhảy”, vì như vậy có ngày bạn sẽ bị cuồng lũ cuốn trôi đi.)
Những vấn đề khó khăn sẽ phát sinh trong khi ngồi thiền. Những khó khăn đó có thể là thuộc về thân, một số thuộc về cảm xúc, và một số thuộc về thái độ hay hành vi cư xử. Tất cả chúng đều có thể được kiểm soát, và mỗi vấn đề đó sẽ phản ứng lại theo mỗi cách riêng của nó. Tất cả chúng là những cơ hội để chúng ta tu tập và giải thoát chính mình.
• Khó khăn 1: Những đau đớn về thân thê
Chẳng ai thích sự đau đớn, nhưng ai cũng phải bị và chịu đau đớn lúc này hay lúc khác. Đau đớn là một trong những trải nghiệm phổ biến nhất trong đời, và thường có xu hướng phát sinh dưới dạng này hay dạng khác trong khi ngồi thiền. Việc xử lý đau đớn bao gồm hai bước. Bước một, (i) loại bỏ sự đau đớn nếu có thể; hoặc tối thiểu phải cố loại bỏ được càng nhiều càng tốt. Sau đó, bước hai, (ii) nếu phần đau đớn nào còn kéo dài, thì dùng nó làm đối tượng để thiền quán.
(i) Bước đầu là việc xử lý thân. Đau có thể là một dạng đau bệnh, như nhức đầu, cảm sốt, vết bầm té, hay bất cứ sự đau bệnh nào. Trong trường hợp này phải dùng ngay các biện pháp y tế, thuốc men mà chúng ta đang có. (Điều đó là khoa học và đúng đắn cần phải làm).
Rồi có một số dạng đau do tư thế ngồi phát sinh. Nếu bạn chưa bao giờ ngồi tréo chân trên sàn nhà, thì bạn cần phải qua một thời gian điều chỉnh. Một số sự khó chịu gần như không tránh được, chúng thường xảy ra cho chúng ta. Tùy theo chỗ nào đau trên thân thể mà chúng ta có cách xử lý khác nhau. Nếu đau ở chân hay đầu gối, coi lại quần đang mặc. Nếu quần bị bó chặt hay làm từ vải dày, đó có thể là lý do. Nên thay loại quần mỏng nhẹ, rộng rãi. Kiểm tra lại gối ngồi thiền luôn. Chiều cao của gối sau khi ngồi lên phải còn cao hơn 60-70cm, hơn nửa tấc. Nếu đau ở phần thắt lưng, nới lỏng dây nịt ra. Nếu bạn mang đai, thì nới lỏng dây đai ra. Nếu bị đau ở lưng dưới, tư thế ngồi của bạn có lẽ đã bị sai. Ngồi siêu lệch theo bất cứ kiểu nào thì cũng gây đau và khó chịu, vậy hãy ngồi thẳng thóm. Đừng cố gòng cơ, đùng cứng nhắc, chỉ cần phải giữ cho cột sống được thẳng, như đã nói trước đây. Còn đau ở vùng cổ hay vùng lưng trên thì có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là tư thế của hai tay không đúng. Hai tay phải bên đặt một cách thoải mái trên giữa lòng hai chân, ngay dưới rốn. Đừng cố kéo tay cao lên ngang thắt lưng. Thả lỏng hai cánh tay và cơ ở cổ. Đừng để đầu nghiêng hay gục xuống phía trước. Giữ đầu thẳng lên, cùng phương với phần còn lại của cột sống.
(ii) Sau khi bạn đã điều chỉnh nhiều cách khác nhau ở bước một này, nhưng bạn vẫn còn thấy đau ở đâu đó, thì hãy thử bước hai. Hãy lấy sự đau làm đối tượng của thiền. Không nên bộp chộp và mất bình tĩnh. Chỉ cần quan sát sự đau đó một cách chánh niệm. Khi nỗi đau càng mạnh hơn, bạn sẽ thấy nó kéo ta ra khỏi sự chú tâm vào hơi thở. Đừng chống cự nó. Hãy để sự chú tâm của mình lướt nhẹ nhàng qua cái cảm nhận đơn giản đó. Chú tâm hoàn toàn vào sự đau đó. Đừng ngưng hay cản lại sự trải nghiệm lúc đó. Khám phá cảm giác đó. Cố vượt qua cái ‘phản ứng tránh né’ trước đây và bước ngay vào những cảm nhận thuần túy nằm bên dưới nó.
Ta sẽ khám phá được hai điều có mặt cùng lúc.
Thứ nhất, (a) là sự cảm nhận đơn giản - sự đau. Thứ hai là sự kháng cự lại với cảm nhận đau đó. (Đau và phản ứng với cái đau). Phản ứng kháng cự có một phần thuộc thân và một phần thuộc tâm. Phần thuộc thân bao gồm sự căng thẳng của các cơ bên trong và xung quanh chỗ đau. (Đó là phản xạ không điều kiện của cơ thể). Hãy thả lỏng các cơ. Cảm nhận từng cơ đau và thả lỏng hoàn toàn chỗ cơ đó.
Riêng bước này đã có thể làm giảm hết sự đau một cách đáng kể.
Sau đó bước qua (b) phần kháng cự thuộc về tâm. Một khi bạn bị căng thẳng ở cơ thể, thì bạn sẽ bị căng thẳng về mặt tâm lý. Bạn sẽ cố trấn áp cảm nhận về sự đau, cố gắng xua đuổi nó khỏi tâm thức. Sự xua đuổi mang ý nghĩa như những câu nói không lời "Ta khó chịu cảm giác này", hay thái độ là "Hết đau ngay, hết đau đi". Nó rất là tinh tế. Nhưng nó đang ở đây, và bạn có thể thấy nó nếu bạn thật sự nhìn xem nó. Định vị nó và thả lỏng nó luôn.
Phần kháng cự về tâm này là rất vi tế. Thực sự không có từ ngữ nào của chúng ta có thể lột tả được hành vi này một cách chính xác. Cách tốt nhất là nên dùng so sánh với những điểm tương đồng. Xem xét mình đã làm gì với những cơ căng đó của thân và chuyển những hành vi đó qua phần tâm; thả lỏng tâm theo cách mà chúng ta thả lỏng thân. Phật giáo xác nhận rằng thân và tâm có một sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nhiều người không hề biết rằng đây là một tiến trình hai-bước. Đối với họ, việc thư giãn thân là thư giãn tâm, và ngược lại. Những người này thường trải nghiệm việc thư giãn hoàn toàn, cả thân và tâm, như một tiến trình duy nhất. Dù cách nghĩ như thế nào đi nữa, cứ hãy buông lỏng, thư giãn hoàn toàn cho đến khi ý thức của mình chậm lại và đi qua cái rào cản do chính ta dựng lên. Đó là một khoảng trống, một ý niệm về khoảng cách giữa cái ta và người khác. Đó là đường biên ngăn cách giữa cái 'ta' và sự 'đau'. Giải thỏa cái rào cản ngăn cách đó, và sự cách ngăn sẽ biến mất. Ta chậm lại, hòa vào sóng cảm giác đang trào lên và mình hòa nhập với cái đau. Ta trở thành cái đau. Ta quan sát sóng cảm giác triều lên, triều xuống và một điều ngạc nhiên xảy ra: Không còn đau đớn nữa. Không còn sự chịu đựng. Chỉ có bản thân cái đau là còn lại, nó chỉ là một trải nghiệm, không còn gì hơn nữa. Cái 'ta' [chủ thể] bị đau đớn đã biến mất. Kết quả là sự giải thoát khỏi đau (vì đâu còn ai bị đau để mà chịu đau).
Đây là một tiến trình tăng trưởng dần dần. Lúc đầu, bạn có thể mong thành công với những sự đau nhỏ và thất bại với những sự đau đớn lớn. Cũng như những kỹ năng khác của chúng ta, cần phải có thời gian để tập luyện. Càng tập luyện, bạn càng có khả năng xử lý những cái đau lớn. Xin các bạn hiểu cho thật rõ vấn đề ở đây. Ở đây không phải chúng ta đi tìm kiếm sự sướng hay sự dễ chịu gì từ trong cái đau. Không phải là tu khổ hạnh.
Thiền là tập luyện sự tỉnh giác, chứ không phải là sự hành xác. Nếu sự đau trở nên quá nặng nề, bạn cứ cử động, nhưng cử động một cách chậm rãi và chánh niệm. Quan sát những cử động của mình. Nhìn xem ta cảm giác thế nào khi cử động. Quan sát cảm giác đó làm gì với sự đau. Quan sát cơn đau biến đi. Tuy nhiên hãy cố đừng cử động quá nhiều. Càng cử động ít, càng dễ cho ta giữ được chánh niệm hoàn toàn. Những thiền sinh mới tập thiền thường nói rằng họ rất khó mà giữ được sự chánh niệm khi sự đau đớn có mặt. Điều này là xuất phát từ một sự hiểu lầm. Những thiền sinh đó lầm tưởng sự chánh niệm là một cái gì đó khác với sự trải nghiệm cái đau. Không phải vậy. Sự chánh niệm không bao giờ tự mình tồn tại hay có mặt. Sự chánh niệm luôn luôn phải có những đối tượng đi kèm, và mỗi đối tượng nào cũng đều là tốt để chánh niệm. Đau chỉ là một trạng thái của tâm. Và bạn có thể chánh niệm về sự đau đó, giống y như cách bạn chánh niệm về hơi thở của mình vậy.
Những nguyên tắc đã được giảng giải trong Chương 4 dùng để đối trị những sự đau đớn thì cũng có thể được áp dụng để đối trị những trạng thái khác của tâm. Bạn phải cẩn trọng, bạn không nên “đi” quá xa mức cảm nhận thực thụ và cũng không nên hời hợt dưới mức đó. Đừng thêm vào bất cứ điều gì, và cũng đừng bỏ sót điều gì. Đừng làm ô nhiễm cái sự trải nghiệm thuần khiết đó bằng những quan niệm, hay tâm ảnh, hay suy nghĩ lan man lạc lỏng. Và giữ cho sự chú tâm có mặt ngay trong giây phút hiện tại, ngay chỗ của sự đau, nhờ đó bạn sẽ không bị mất dấu nó từ khi nó khởi sinh đến khi nó biến mất. Sự đau đớn nếu không được nhìn dưới ánh sáng của chánh niệm thì sẽ làm khởi sinh những phản ứng về mặt cảm xúc như là sợ sệt, lo lắng, hay bực tức. Nếu sự đau được nhìn một cách đúng đắn, chúng ta sẽ không có những phản ứng như vậy. Nó sẽ chỉ là sự cảm nhận, chỉ là năng lượng đơn thuần. Khi bạn học được kỹ thuật này để nhìn nhận sự đau đớn về thân thể như vậy, bạn có thể vận dụng nó trong suốt phần đời còn lại của mình. Bạn có thể dùng nó vào bất kỳ cảm nhận khó chịu (khổ thọ) nào. Kỹ thuật này đã đối trị được sự đau đớn, thì nó cũng sẽ áp dụng được cho sự bất an, lo lắng hay những bức xúc, trầm cảm mãn tính. Kỹ thuật này là một trong những kỹ năng hữu ích nhất và dễ vận dụng nhất trong đời. Đó là sự kiên nhẫn.
• Khó khăn 2: Hai chân bị tê buốt
Một điều rất phổ biến đối với các thiền sinh mới là chân của họ rất dễ bị tê buốt, hay được gọi là ‘hai chân đi ngủ’, trong quá trình ngồi thiền. Đơn giản là họ chưa quen với tư thế ngồi tréo hai chân. Nhiều người rất lo lắng về điều này. Họ có cảm giác như mình phải đứng dậy và đi lại xung quanh. Một số họ còn nghĩ rằng họ có thể bị thúi chân vì máu không lưu thông. Sự tê chân không phải là điều phải lo lắng. Nó là sự kẹt dây thần kinh, chứ không phải sự thiếu lưu thông máu. Bạn không thể nào làm hư hoại các mô cơ bởi vì ngồi. Vì vậy hãy thư giãn. Khi chân của bạn bị tê buốt (hay mất cảm giác) trong khi ngồi thiền, bạn cứ quan sát hiện tượng đó một cách chánh niệm. Xem xét coi nó cảm giác như thế nào. Nó có thể là một dạng khó chịu và bất tiện, nhưng nó không gây đau đớn trừ khi bạn căng thẳng bức xúc với nó quá. Hãy bình tâm và quan sát nó. Sẽ không có điều gì nguy hại nếu hai chân bạn bị tê buốt hay mất hết cảm giác trong suốt buổi ngồi thiền. Sau một thời gian bạn thiền tập thì những sự tê buốt đó sẽ dần dần biến mất. Cơ, gân được giãn dẻo và cơ thể sẽ thích nghi và điều chỉnh dần dần sau mỗi lần thiền tập hàng ngày. Sau đó, bạn có thể ngồi rất lâu trong các buổi thiền mà không hề bị tê buốt hai chân nữa.
• Khó khăn 3: Những cảm giác lạ khi ngồi thiền
Người ta trải nghiệm những hiện tượng khác nhau xảy ra trong khi thiền. Có người bị ngứa vài chỗ. Có người cảm giác ngứa ran, cảm giác sự thư giãn sâu, một cảm giác nhẹ hẫng hay bay bổng bồng bềnh. Ta có thể cảm giác như mình đang lớn ra hay thu nhỏ lại hay đang bay bổng lên không trung. Những thiền sinh mới hay bị kích động với những cảm giác lạ như vậy. Đơn giản là, sau khi được thư giãn, hệ thần kinh bắt đầu chuyển tải những tín hiệu giác quan một cách hữu hiệu hơn. Một số lượng lớn dữ liệu giác quan đã bị chặn trước kia giờ đây chảy tuôn qua, làm khởi sinh mọi thứ cảm giác lạ thường như vậy. Điều đó không thể hiện một điều gì đặc biệt cả. Đó chỉ là cảm giác. Vì vậy hãy áp dụng kỹ thuật thông thường đối với cảm giác. Cứ quan sát nó khởi sinh và quan sát nó biến mất. Đừng xía vào nó, không can thiệp vào nó. Đơn giản chỉ cần ngồi quan sát nó sinh rồi diệt.
• Khó khăn 4: Buồn ngủ
Bị buồn ngủ trong khi thiền là chuyện bình thường. Bạn trở tĩnh lặng và thư giãn. Điều đó xảy ra theo lẽ tự nhiên. Thường thì chúng ta chỉ trải nghiệm trạng thái mơ màng dễ chịu này khi chúng ta đang sắp ngủ, và chúng ta hòa mình vào với tiến trình ngủ đó. Vì vậy theo lẽ tự nhiên, mỗi khi buồn ngủ tâm chúng ta trôi giạt, mất cái mốc chú tâm. Khi điều này xảy ra, áp dụng sự chánh niệm vào chính sự buồn ngủ lúc đó. Buồn ngủ có một số đặc tính nhất định của nó. Nó ảnh hưởng ít nhiều đến tiến trình tư duy của chúng ta. Hãy tìm xem đó là gì. Nó có một số cảm thọ về thân đi theo nó. Xác định chúng.
Sự tỉnh giác mang tính suy xét tìm tòi như vậy là hoàn toàn ngược lại với sự buồn ngủ, và sẽ làm cho sự buồn ngủ biến mất. Nếu sự tỉnh giác suy xét như vậy không làm tan biến sự buồn ngủ, thì bạn cần phải coi lại lý do về cơ thể khiến bạn phải buồn ngủ. Ở đây đang nói về những lý do vừa mới xảy ra trước khi ngồi thiền. Ví dụ nếu ta mới ăn một bữa no nê, thì sau đó chúng ta sẽ bị buồn ngủ nếu ngồi thiền. Cách tốt nhất là bạn chỉ nên ăn nhẹ trước khi ngồi thiền. Hoặc phải chờ một vài giờ sau bữa ăn no rồi mới vào thiền. Nếu bạn vừa trải qua một ngày làm việc cực nhọc, lẽ tự nhiên bạn sẽ bị mệt mỏi. Bạn cũng sẽ bị mệt mỏi và buồn ngủ nếu đêm trước bạn chỉ ngủ vài giờ. (Ví dụ, ai vừa mới trở về sau một chuyến đi xa đầy mệt mỏi, thì chắc chắn phải bị buồn ngủ vì cơ thể muốn mình được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe). Hãy chăm sóc những đòi hỏi về sức khỏe của cơ thể mình. Hãy giúp thân tâm mình khỏe mạnh và tỉnh táo trước khi ngồi vào thiền. Đừng đầu hàng với sự buồn ngủ. Luôn tỉnh thức và chánh niệm, bởi vì sự ngủ và sự tập trung khi thiền là hai trạng thái hoàn toàn trái ngược nhau. Chúng ta chẳng bao giờ có được trí tuệ gì từ việc ngủ, chỉ có thiền mới mang lại trí tuệ cho mình. Khi nào bạn thấy mình quá buồn ngủ, hãy hít vào một hơi thật sâu dài và giữ hơi càng lâu càng tốt, và từ từ thở ra. Cứ tập thở như vậy cho đến khi nào cơ thể mình cảm thấy ấm lên và sự buồn ngủ biến mất. Rồi sau đó quay trở lại hơi thở bình thường của bạn.
• Khó khăn 5: Không thể tập trung
Sự chú tâm thường bị lăng xăng, nó chạy nhảy liên tục, ai cũng hay bị như vậy. Nói chung, khó khăn này thường được xử lý theo những kỹ thuật được trình bày trong chương nói về sự xao lãng của tâm. Bạn sẽ đọc được những hướng dẫn trong chương đó, tuy nhiên có một số yếu tố bên ngoài góp phần xảy ra hiện tượng tâm lăng xăng chạy nhảy này. Và đây là những cách đơn giản trước mắt để bạn điều chỉnh khó khăn này.
Những hình ảnh trong tâm [tâm ảnh] là những thứ rất mạnh mẽ. (Chúng xúc tác và làm khởi sinh mạnh mẽ mọi tâm ý). Những tâm ảnh có thể còn lưu trong thời gian rất lâu trong tâm thức. Tất cả những nghệ thuật kể chuyện (như kể chuyện, viết truyện, làm phim ảnh...) đều là sự vận dụng các hình ảnh đó. Người viết, kể chuyện và làm phim phải làm công việc này, các nhân vật và những hình ảnh được trình bày (trong câu chuyện, truyện, phim...) phải có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo ấn tượng vào tâm thức. Ví dụ, bạn vừa mới coi một bộ phim rất hay trong năm thì lúc thiền những hình ảnh trong phim sẽ ùa về đầy trong tâm bạn. Nếu bạn đang đọc dang dở một cuốn truyện kinh dị thì khi thiền tâm bạn sẽ toàn là những hình ảnh của quái vật khủng khiếp. Vậy ta phải làm gì?. Tốt nhất, chúng ta luôn ý thức thay đổi thứ tự những việc đó. Ví dụ đừng coi phim ảnh trước khi thiền. Thiền trước và coi phim hay đọc sách sau thì sẽ tốt hơn.
Một yếu tố ảnh hưởng khác chính là tâm trạng cảm xúc của bạn. Nếu bạn đã có những xung đột hay cãi vả, thì sự tức giận đó sẽ theo bạn vào thiền. Hãy cố giải tỏa hết và quên đi tất cả mọi xung khắc hay bực tức xảy ra trong ngày trước khi vào thiền. Sự sống của bạn sẽ êm đềm hơn và bạn không phải bị giày vò một cách vô ích trong thời gian hành thiền. Tuy nhiên, đừng có vịn vào cái cớ này để tránh hay bỏ thiền. (Không phải cứ nói rằng hôm nay tôi gặp nhiều chuyện cãi vả bực mình, và tôi chưa giải tỏa chúng được. Và vì vậy nên hôm nay tôi không thiền!). Đôi khi (và nhiều khi) chúng ta không thể giải tỏa hết những điều bất tịnh trước khi chúng ta ngồi vào thiền. (Ít có ai còn sơ cơ mà làm được vậy!). Nhưng hãy cố gắng ngồi vào thiền theo đúng lịch. Dùng việc thiền của bạn để xua đuổi những xung đột và bực tức do kiến chấp về cái ‘ta’ gây ra. Chúng ta đều đang dính vào cái bẫy của tự ngã. (Những xung khắc và bực tức là do mình còn tự ngã: còn luôn bảo vệ cái ‘ta’, còn luôn bảo vệ quyền lợi, quan điểm...cho đến màu sắc đôi dép...của cái ‘ta’. Những bậc chân tu thành đạt không còn nghĩ về cái ‘ta’ nên họ đâu còn lý do gì để xung khắc hay bực tức khi người khác đụng chạm đến cái ‘ta’ không có thực đó). Khi tầm nhìn của chúng ta không còn bị giới hạn trong cái bẫy tự ngã đó, những vấn đề khó khăn sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Tuy biết vậy, nhưng rồi cũng sẽ lặp lại những ngày mà tâm của ta lại luôn lăng xăng chạy nhảy, như không bao giờ yên nghỉ, nhưng chúng ta vẫn không xác định được nguyên nhân rõ ràng là gì. Nên nhớ về “chu kỳ thay đổi” đã tôi nói trước đây. Thiền cũng đi theo chu kỳ. Chúng ta có những ngày tốt và có những ngày xấu. Có những ngày thiền tốt đẹp và tiến bộ. Cũng có những ngày thiền không được tốt và chẳng ra sao.
Thiền Minh Sát từ nguyên thủy là một môn thực hành sự tỉnh giác. Cho nên làm cho tâm trống rỗng là không quan trọng và không tốt bằng cách chú tâm chánh niệm về những gì đang diễn ra trong tâm. Nếu tâm của bạn đang bấn loạn và bạn chẳng biết phải làm gì cho hết, thì bạn chỉ cần quan sát chính nó. Nó chính là bạn. Kết quả là bạn sẽ bước thêm một bước tiến bộ trong hành trình thiền để tự khám phá bản thân mình. Hơn hết, bạn không nên bực tức với sự nghĩ suy [sự nghĩ này nghĩ nọ] liên tục trong tâm thức của mình. (Trong giây phút, tâm của ta có thể tự nó nghĩ suy đến hàng trăm thứ khác nhau, và thậm chí những thứ chẳng liên quan gì đến hoàn cảnh hiện tại hay chủ ý hiện tại của mình cả). Đơn giản, bạn hãy xem những tiếng thì thầm hay xì xào liên tục trong đầu đó là một đối tượng mới để bạn chánh niệm về cái đang diễn ra trong tâm trong giây phút hiện tại. (Thiền quán là phát triển sự chánh niệm. Mỗi khi như vậy thì bạn có thêm những đối tượng đang diễn ra trong chính tâm mình để mình thực hành chánh niệm. Đó là cơ hội tốt. Khi bạn không thể tập trung tâm hay mất tập trung, hãy chú tâm một cách chánh niệm về sự không tập trung đó đang diễn ra).
• Khó khăn 6: Sự nhàm chán
Ngồi yên bất động, chẳng làm gì ngoài việc cảm nhận hơi thở vào ra lỗ mũi thì cũng là việc làm dễ gây chàm chán. Thường thì bạn sẽ cảm thấy sự nhàm chán lặp đi lặp lại trong thiền tập. Ai cũng bị vậy. Sự nhàm chán là một trạng thái của tâm và cần phải được xử lý. Sau đây là một số thủ thuật giúp bạn đối trị sự nhàm chán.
Thủ thuật A: Tái lập sự chánh niệm thực sự
Đối với bạn, nếu hơi thở có vẻ rất mờ nhạt và nhàm chán đến nỗi bạn không còn quan sát được nó liên tục, thì bạn hãy tin chắc một điều: Bạn không còn đang quan sát hơi thở vào ra bằng sự chánh niệm thực sự. Bản thân sự chánh niệm không bao giờ là nhàm chán. Hãy xem lại. Đừng cứ ỷ y rằng mình nhận biết rõ hơi thở vào ra. Đừng ỷ y rằng mình đã thấy rõ mọi sự cần thấy đang diễn ra ở đó. Nếu bạn làm vậy, bạn đã khái niệm đặt tên cho tiến trình hơi thở đó rồi. Bạn đâu còn quan sát sự sống động của nó một cách từng giây, liên tục và khách quan. (Nó là một tiến trình sống động, bao gồm những biến đổi, sinh, diệt). Khi bạn thực sự chánh niệm về hơi thở [hay một đối tượng nào đó] thì không bao giờ có sự nhàm chán. Chánh niệm nhìn vào mọi sự vật bằng đôi mắt của trẻ thơ, cái gì cũng mới lạ, kỳ diệu. (Nên không thể nào nhàm chán được). Sự chánh niệm nhìn vào từng khoảng khắc y như nó là khoảng khắc đầu tiên và duy nhất trên thế gian này. Vì thế, bạn hãy xem lại về sự nhàm chán. (Nó có lẽ xuất phát từ sự chưa chánh niệm thực sự của bạn khi chú tâm vào hơi thở).
Thủ thuật B: Quan sát trạng thái tâm
Hãy nhìn vào trạng thái nhàm chán đó một cách chánh niệm. Sự nhàm chán là gì?. Sự nhàm chán ở đâu ?. Cảm giác về nó như thế nào?. Về phần tâm, nó gồm những thứ gì?. Về phần thân, nó có cảm giác gì không?. Về tiến trình ý nghĩ, nó tác động thế nào?. Hãy nhìn bằng cái nhìn mới về sự nhàm chán, y như bạn chưa bao giờ nếm trải nó trước đây.
• Khó khăn 7: Sự sợ hãi
(a) Thứ nhất, những tình trạng sợ hãi đôi khi phát sinh trong lúc ngồi thiền với lý do không rõ ràng. Đó là hiện tượng phổ biến, và nó có thể vì một số lý do khác nhau. Có thể là tác động của những điều nào đó bị đè nén từ lâu. Nên nhớ rằng, những ý nghĩ khởi sinh trước tiên từ trong vô thức [tiềm thức, tàng thức]. Những chất liệu xúc cảm của ‘tổ hợp ý nghĩ’ dưới phần vô thức thường thấm thấu lên phần ý thức trong một thời gian lâu trước khi bản thân cái ý nghĩ hiển hiện lên bề mặt của tâm thức. Nếu bạn cứ ngồi thiền xuyên qua sự sợ hãi, bản thân trí nhớ (ký ức) có thể mang bạn rất nhanh về trạng thái thông thường mà bạn có thể chịu được.
(b) Thứ hai, bạn có thể trực tiếp đối diện với nỗi sợ chung của chúng ta: “sợ hãi cái mình không biết”. Vào những lúc nào đó trong tiến trình thiền tập của ta, ta cảm thấy ‘giựt mình’ với tính nghiêm trọng của những việc mà ta thực sự đang làm. Ta đang làm gì?. Ta đang cố cuốc đổ bức tường vô minh mà ta luôn dùng nó để lý giải [một cách mê lầm] về sự sống của chúng ta. Chúng ta dùng nó để che mắt chúng ta khỏi ánh sáng phô bày thực tại “đúng-như- nó-là”. Đến đây, ta sắp bắt gặp được chân lý tột cùng một cách trực diện. Khi sắp đối diện với sự thật thì ta hay sợ. Nhưng trước sau gì cũng phải đối mặt với nó. Hãy tự tin và tiến thẳng vào.
(c) Khả năng thứ ba: nỗi sợ mà bạn đang cảm thấy có thể là do mình tự tạo ra. Có thể là do kỹ năng tập trung còn chưa thuần thục (tâm không tập trung hoàn toàn). Có lẽ bạn đã lập một chương trình vô thức để “xem xét mọi sự khởi sinh”. Vì vậy, khi có ảo tưởng gây sợ hãi phát sinh, sự tập trung đổ dồn về đó và khi bạn chú tâm vào nó, bạn truyền thêm năng lượng vào ảo tưởng đó, và nó lớn lên. Khó khăn đích thực ở đây là sự chánh niệm bị yếu. Nếu sự chánh niệm được phát huy mạnh mẽ thì nó có thể nhận biết được sự chuyển hướng của sự chú tâm ngay khi sự chuyển hướng xảy ra, và nó sẽ xử lý vấn đề bằng những phương pháp thông thường của chánh niệm (ví dụ: thủ thuật kéo sự chú tâm trở lại hơi thở).
Dù nỗi sợ có đến từ nguồn nào thì chánh niệm cũng vẫn chính là cách trị liệu. Quan sát những phản ứng xúc cảm đang diễn ra và biết rõ chúng là gì. Cứ ngồi quan sát và không can thiệp gì vào chúng. Cứ như là một người quan sát bàng quan vô tư. Điều quan trọng là đừng kháng cự với tình huống. Đừng có trấn áp những ký ức, những cảm giác hay những ảo tưởng đó. Cứ đứng qua một bên và để cái mớ lộn xộn đó hiện lên và biến đi (như bọt nước vậy). Nó chẳng làm được gì bạn. Đó chỉ là ký ức. Đó chỉ là ảo tưởng. Đó chẳng là gì, chỉ đơn thuần là nỗi sợ.
Khi chúng ta để cho nỗi sợ từ trong vô thức [tiềm thức] chạy lên khu vực chú tâm có ý thức của tâm, thì nó không bao giờ chìm trở lại vô thức nữa. Khi nó đã nhảy qua ý thức thì không quay trở về tiềm thức. Nó sẽ không còn quay lại để ám ảnh bạn nữa. Nó sẽ biến mất mãi mãi.
• Khó khăn 8: Sự kích động, bất an
Sự bất an là biểu hiện bề ngoài của những kinh nghiệm sâu kín hơn đang diễn ra trong tiềm thức một cách vô thức. Người đời rất giỏi việc chôn giấu hay đè nén mọi thứ. Thay vì đối diện thẳng với những ý nghĩ khó chịu ta đã nếm trải, chúng ta thường chôn dấu nó. Coi như không cần phải giải quyết nó. Nhưng tiếc thay chúng ta thường thất bại. Chúng ta chôn giấu ý nghĩ, nhưng năng lượng tâm thần chúng ta dùng để che đậy ý nghĩ thì vẫn có đó và nun nấu nó lên. Kết quả là ta cảm thấy sự khó ở hay bất toại, mà chúng ta hay gọi là sự bất an hay sự kích động. Ta chẳng làm gì được, chẳng ‘rờ’ thấy nó đâu. Nhưng ta không cảm thấy an ổn. Ta không thư giãn.
Khi tình trạng bất an này khởi sinh trong khi thiền, ta chỉ cần quan sát nó. Đừng để nó làm chủ ta. Đừng nhảy dựng và bỏ chạy. Và đừng có chiến đấu với nó và cố xua đuổi nó đi. Để yên nó diễn ra và cứ theo dõi nó một cách kỹ càng. Rồi thì cái gì bị đè nén, bị chôn giấu sẽ tự trồi lên bề mặt, và rồi bạn sẽ thấy được đích thực cái đã làm bạn bất an, lo lắng.
Hầu hết những kinh nghiệm khó chịu mà chúng ta thường cố tránh né [mặt cảm] có thể là bất cứ điều gì như: tội lỗi, lòng tham, hay những vấn đề khó giải. Nó cũng có thể là một chứng hơi đau đau hay một căn bệnh tinh tế hay một chứng bệnh sắp xảy ra. Cho dù nó là gì thì vẫn cứ để nó khởi sinh và nhìn nó một cách chánh niệm. Nếu bạn chỉ ngồi yên lặng và quan sát sự kích động của mình thì nó sẽ từ từ biến đi. Ngồi thiền xuyên qua sự bất an là một tiến bộ nhỏ trong quãng đời tu tập của bạn. Nó sẽ dạy cho bạn nhiều điều. Bạn sẽ thấy rằng sự kích động đó chẳng qua chỉ là một tâm trạng hời hợt bên ngoài mà thôi. Nó vốn là phù du. Nó đến và đi, sinh và diệt. Nó không thể làm gì bạn.
• Khó khăn 9: Cố gắng quá sức
Những thiền giả thành đạt hay những thiền sư thường trông rất vui tính. Họ có được một tính cách quý giá nhất của con người, đó là tính hài hước. Nhưng đó không phải là thái độ hay sự nói năng hời hợt, bông đùa, diễn trò. Đó là tính hài hước vui tươi thật sự. Họ có thể bật cười với những lỗi lầm khiếm khuyết của họ. Họ cười cả khi tai ương đến với chính họ. Những thiền sinh mới thường hành xử quá nghiêm nghị với thái độ cầu mong đạt nhanh được kết quả thiền tập tốt và những điều tốt khác cho mình. Vì vậy họ ít cười. Chúng ta cần phải biết thả lỏng mình, thư giãn trong những buổi thiền. Chúng ta cần học cách thả mình theo mỗi sự kiện đang diễn biến và trôi qua. Bạn không thể làm được điều đó nếu bạn bị căng thẳng và cố sức, hay khi bạn xử sự mọi thứ một cách rất rất nghiêm trọng.
Những thiền sinh mới thường rất mong cầu có được nhanh kết quả. Họ đong đầy những kỳ vọng to lớn và bị thổi phồng. Họ nhảy ngay vào thiền và kỳ vọng chứng đắc kỳ tài trong một thời gian ngắn. Họ thúc bách. Họ căng thẳng. Họ đổ mồ hôi và căng sức tập luyện, và mọi hành vi rất rất quyết liệt và nghiêm trang. Cái kiểu căng thẳng này là hoàn toàn đối kỵ với sự chánh niệm!. Vì thế, theo lẽ tự nhiên, họ chẳng tu được gì. Rồi thì sau đó họ sinh nản chí và cho rằng cái pháp môn thiền này chẳng lấy gì hay ho. Thiền chẳng mang lại kết quả gì như họ mong cầu. Rồi họ ‘giụt’ môn thiền qua một bên. Chúng ta cần ghi nhớ rõ lý này: Cách duy nhất để bạn học được thiền là bạn phải thiền!. (Phải hành thiền mới học được thiền, vì nó là môn thực hành). Chúng ta muốn học để hiểu thiền là gì và nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu thì chỉ có một cách duy nhất là trải nghiệm trực tiếp với chính nó. Bởi vậy, những thiền sinh mới thường không biết mình sẽ đi đến đâu, bởi vì họ mới tập tành được rất ít kinh nghiệm, nên họ chưa thể cảm nhận được việc thiền tập của mình sẽ đi đến đâu.
Sự mong cầu của thiền sinh mới vốn dĩ là không thực tế và thiếu hiểu biết. Thiền sinh mới thường kỳ vọng những điều không đúng và những kỳ vọng đó chẳng mang lại ích lợi nào cho họ cả. Họ nhảy vào thiền. Sự cố gắng quá sức sẽ dẫn đến sự cứng nhắc và bất hạnh, dẫn đến mặt cảm tội lỗi và rồi tự trách bản thân mình. Khi bạn cố gắng quá sức, thì nỗ lực của bạn trở thành máy móc và chính điều đó đã phá bỏ sự chánh niệm trước cả khi nó được bắt đầu. Hãy dẹp bỏ những kiểu cách đó ngay. Dẹp bỏ những mong cầu và căng thẳng. Chỉ cần thiền với nhịp độ đều đặn và cân đối. Hãy vui thích với việc thiền và không cần phải ‘đổ mồ hôi sôi nước mắt’ đến như vậy. Chỉ cần chánh niệm. Còn "thiền" sẽ lo cho tương lai của bạn.
• Khó khăn 10: Sự nản chí
Giục tất bất đạt. Sự cố gắng quá sức thường dẫn đến sự thất vọng. Lúc đó ta sẽ bị căng thẳng. Ta chẳng đi đến đâu. Ta nhận ra ta chẳng tiến bộ được gì như đã mong cầu, vì vậy ta trở nên nản chí. Ta cảm thấy như thất bại. Vòng lẩn quẩn này diễn ra là lẽ tự nhiên, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tránh nó được. Nguyên nhân gốc của nó là ta đã cố sức chạy theo những mong cầu không thực tế. Nhưng dù sao, nó vẫn là triệu chứng chung của mọi người, và cho dù đã học được nhiều lời khuyên tốt nhất, bạn cũng gặp phải nó xảy ra với mình.
Có một giải pháp. Nếu bạn thấy bản thân mình nản lòng, bạn chỉ cần quan sát trạng thái tâm lúc đó một cách rõ ràng. Đừng thêm vào điều gì. Chỉ quan sát nó. Ý niệm về sự thất bại chỉ là một phản ứng xúc cảm khác, cũng phù du, hiện lên và phai biến. Nếu ta can dự vào nó, vô tình ta tiếp thêm năng lượng cho nó lớn lên. Nếu bạn chỉ đứng ngoài quan sát nó, nó sẽ biến mất.
Nếu bạn nản lòng vì tưởng rằng việc thiền của mình là thất bại, thì chúng ta có cách riêng khác để giải tỏa điều này. Bạn cảm giác mình đã thất bại trong thiền tập. Bạn đã thất bại trong việc chánh niệm. Bây giờ, đơn giản là quay lại chánh niệm về cái ý niệm thất bại đó. Khi làm vậy, bạn đã lập tức tái lập lại sự chánh niệm. Ý nghĩ thất bại đó chỉ là một ký ức, chứ không phải là sự thất bại gì cả. Không bao giờ có gì gọi là thất bại trong thiền. Đó chỉ là những lúc trì trệ và khó khăn. Không có thất bại trừ khi bạn bỏ thiền luôn. Cho dù bạn có ngồi thiền 20 năm chẳng đi đến đâu, bạn vẫn có thể chánh niệm bất cứ giây phút nào bạn muốn. Đó là quyết định của bạn. Tiếc nuối hay nản lòng chỉ là một biểu hiện khác của sự không chánh niệm. Ngay cái khoảng khắc bạn nhận ra mình đã không cỏn chánh niệm, thì sự nhận biết đó chính là hành động chánh niệm!. Vậy hãy tiếp tục chánh niệm. Đừng để mình bị xao lãng hay lệch hướng vào những phản ứng thuộc về xúc cảm.
• Khó khăn 11: Sự không thích thiền
Đó là sự không muốn thiền, sự chán thiền, không ưa thiền, ghét thiền, và thậm chí là ý thức kháng cự lại việc thiền.
Có những lúc ta cảm thấy không thích thiền. Chính cái ý nghĩ đó mới là đáng ghét. Bỏ thiền một buổi thì không phải là chuyện nghiêm trọng, nhưng nó sẽ dễ dàng tạo thành thói quen. Hãy khôn ngoan vượt qua cái ý nghĩ không muốn thiền đó.
Ngồi xuống. Quan sát cảm giác ‘không ưa thiền’ đó. Trong đa số trường hợp, cái ý nghĩ đó chỉ là một cảm xúc thoáng qua, như vệt lửa ngọn bắt hơi dầu trên chảo rồi vụt hơi bay đi trước mắt chúng ta. Sau khi bạn ngồi xuống chừng năm phút, cảm giác đó sẽ mất đi. Có nhiều lúc của những ngày tâm trạng chúng ta không mấy êm đềm, toàn là chuyện chua chát và bực bội, thì cảm giác ‘không ưa thiền’ đó sẽ kéo dài hơn. (Vú dụ, chuyện ngoài đời còn chẳng ra sao mà thiền thiền cái gì!?...). Nhưng sau đó thì nó vẫn mất đi. Vì vậy, thà chúng ta cố ngồi thiền 20-30 phút để loại bỏ cảm giác đó còn hơn là mang nó theo mình để nó phá hỏng hết một ngày quý giá của ta.
Trong trường hợp khác, sự kháng cự với thiền có thể là do một vài khó khăn của bạn trong việc tập thiền. Bạn có thể biết hay không biết rõ vấn đề khó khăn đó là gì. Nếu bạn biết vấn đề là gì, thì bạn chỉ cần áp dụng những kỹ năng chánh niệm, như đã hướng dẫn trong sách này. Khi vấn đề đã biến mất (sau khi bạn quan sát nó một cách chánh niệm) thì sự ‘không ưa thiền’ hay kháng cự với thiền cũng không còn. Nếu không biết được vấn đề khó khăn đó là gì, bạn phải cố tìm xem nó là gì. Cứ ngồi xuống thiền với cảm giác ‘không thích thiền’ đó và quan sát cảm giác đó một cách chánh niệm. Cứ chánh niệm đúng bài như vậy, thì cảm giác đó sẽ qua đi. Vấn đề gây ra cảm giác đó có thể sẽ hiển hiện, và bạn có thể giải quyết nó.
Nếu sự kháng cự hay miễn cưỡng với thiền là thường xuyên xảy ra đối với bạn, thì bạn cần phải coi lại, có thể có một số lỗi sai tinh vi trong thái độ thiền căn bản của bạn. Thiền không phải là một thứ lễ nghi. Tư thế ngồi thiền không phải là một nghi thức của lễ nghi. Thiền không phải là một bài tập luyện đau đớn, hay là một thời gian nhàm chán bị ép buộc. Và nó không phải là một sự gượng ép hay sự bắt buộc một cách nghiêm nghị. Thiền là chánh niệm. Sự thiền là sự chánh niệm. Hành động thiền là hành động chánh niệm. Nó là một cách nhìn mới, là phương cách mới để nhìn thấy mọi sự vật, và nó là một dạng của trò chơi xử lý. Thiền là người bạn của mình. Hãy nghĩ như vậy và mọi sự ghét thiền hay kháng cự với thiền sẽ tan biến nhanh như khói sương trong buổi sáng mùa hè.
Nếu bạn đã thử tất cả những khả năng nói trên mà sự ghét thiền vẫn còn, thì có thể là do một vấn đề khác. Có thể đó là một trong những vấn đề siêu hình học [thuộc về siêu thể học], đề tài này không được bàn luận trong phạm vi quyển sách này. Thường thì các thiền sinh mới ít khi gặp phải những vấn đề thuộc loại này, nhưng không phải là không có. Đừng vội bỏ thiền. Tìm sự giúp đỡ. Tìm những người thiền sư thành đạt về Thiền Minh Sát và thỉnh cầu thầy giúp đỡ tìm ra giải pháp. Những vị thầy đó sống để hành đạo và phụng sự cho công việc giúp đỡ và truyền thừa đó.
• Khó khăn 12: Sự lu mờ hay mê mờ của tâm
Chúng ta đã thảo luận trước đây về hiện tượng tâm chìm đắm [hôn trầm]. Nhưng có một lối mòn đặc biệt dẫn đến trạng thái hôn trầm này của tâm. Sự lu mờ của tâm có thể là sản phẩm phụ không muốn có sinh ra từ việc tập trung [định] tâm sâu. Khi sự thư giãn của ta càng thêm sâu sắc, các cơ bắp lỏng ra và sự truyền dẫn của các dây thần kinh bị thay đổi. Nó tạo ra một cảm giác rất tĩnh lặng và nhẹ nhàng trong cơ thể. Bạn cảm thấy rất là an tĩnh, ‘phê phê’, và thấy như mình đang thoát ra khỏi thân xác. Đây là một trạng thái rất là dễ chịu, và lúc đầu sự tập trung [định] còn rất tốt và nhất nhất an trụ vào hơi thở vào ra. Tuy nhiên, khi những cảm giác dễ chịu đó càng tiếp tục tăng lên và chúng làm ta xao lãng khỏi hơi thở. Lúc này, ta thật sự thụ hưởng trạng thái dễ chịu (hỷ lạc) đó và sự chánh niệm phai mất dần. Sự chú tâm của bạn bị tản mác và trôi dạt trong đám mây mờ của niềm hỷ lạc đó. Kết quả là sự chánh niệm không còn, đó là tình trạng bị mất chánh niệm (thất niệm) như một dạng mê mờ ngây ngất. Cách để trị liệu, dĩ nhiên, đó là chánh niệm. Quan sát những hiện tượng đó một cách chánh niệm thì chúng sẽ biến tan đi. Khi những cảm giác hỷ lạc khởi sinh, hãy nhận lấy chúng. Không cần phải tránh né chúng. Đừng bị chúng ràng buộc. Chúng là những cảm giác thuộc về sắc thân, nên ta cứ xử sự với chúng như vậy. Quán sát những cảm giác như những cảm giác. Quán sát sự mê mờ như là sự mê mờ. Quan sát nó khởi sinh và quan sát nó biến mất. Đừng xía vào nó. Đừng dính chấp vào nó.
Về ý nghĩa của chương này: Bạn sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn khi thiền. Mọi người cũng vậy. Bạn có thể coi chúng như là những đau đớn khổ sở ghê gớm, hay bạn có thể coi chúng là những thử thách để mình vượt qua. Tùy bạn. Nếu bạn coi chúng là những gánh nặng, thì khổ đau của bạn càng tăng lên. Còn nếu bạn coi chúng là những cơ hội để bạn học tập và phát triển, thì triển vọng trên con đường tâm linh của bạn là đầy hứa hẹn và vô tận ở phía trước.