Thiền hay việc tu thiền đã được thực hành đã mấy ngàn năm nay. Đó là một khoảng thời gian dài để thử nghiệm, và những bước [nghi thức] thực hành đã được chắt lọc rất rất nhiều. Việc tu hành theo đạo Phật luôn luôn nhận thấy được rằng tâm và thân liên hệ chặt chẽ mật thiết với nhau và rằng cái này luôn ảnh hưởng cái kia. Vì vậy, ở đây sẽ giới thiệu một số cách thực hành về thân nhằm giúp cho thiền sinh nắm vững kỹ năng tu tập của mình. Và những cách thực hành này bạn phải nên làm theo. Tuy nhiên, nên nhớ rằng những tư thế này là những sự trợ giúp để thực hành. Đừng lẫn lộn giữa hai cái: thực hành và trợ giúp thực hành, tu và trợ tu. Thiền không có nghĩa là ngồi kiết già. Thiền là kỹ năng về tâm, là tu tập tâm, tu dưỡng tâm (chứ không phải là tập ngồi kiết già cho chuẩn). Thiền có thể thực hành ở bất cứ nơi nào bạn muốn. Nhưng những tư thế ngồi thiền sẽ giúp bạn học nhanh hơn về kỹ năng tu tập tâm, và chúng giúp bạn mau tiến bộ và phát triển. Vì vậy hãy dùng chúng, hãy áp dụng những tư thế này.
Nguyên Tắc Chung
Mục đích của các tư thế đều có ba phần. Trước tiên, các tư thế giúp mang lại một cảm giác thăng bằng trong thân. Điều này giúp bạn không còn phải để ý đến sự thăng bằng hay sự sai lệch, trặc trẹo hay đau nhức cơ bắp... nhờ vậy bạn có thể tập trung sự chú tâm vào đối tượng [đề mục] chính thức của buổi thiền. Thứ hai, các tư thế hỗ trợ sự tĩnh tại và bất động của thân sẽ giúp tạo ra sự tĩnh tại và bất động của tâm. (Không ai ngồi cựa qua cựa lại mà nói là tâm mình đang tĩnh tại hay tĩnh lặng). Điều này giúp tạo ra sự tập trung vững chắc và tĩnh lặng một cách sâu hơn. Thứ ba, các tư thế giúp bạn có khả năng ngồi thiền được lâu hơn mà không gặp phải ba loại kẻ thù của thiền sinh—đó là: sự đau đớn, sự căng cơ bắp, và sự buồn ngủ.
Điều căn bản nhất là phải ngồi với lưng thẳng. Cột sống phải được giữ thẳng, cột sống được giữ giống như một cột tiền cắc, mỗi cắc xếp chồng lên nhau. (Mỗi đồng cắc giống như một đốt xương sống vậy). Đầu phải được giữ thẳng theo cùng phương thẳng với phần còn lại của cột sống. Tất cả việc này phải được làm một cách thoải mái và thư thái. Không cứng nhắc, cứng đơ. Bạn không phải là một chú lính gỗ, và cũng chẳng có sĩ quan nào đứng canh bạn thao tập cả. Không được căng hay gồng các cơ để cố giữ lưng thẳng. Ngồi nhẹ nhàng và thoải mái. Cột sống ở trong tư thế giống như một cây non chắc chắn đang mọc đứng trên đất mềm vậy. Toàn bộ cơ thể bám tựa vào nó một cách buông lỏng và thư thả (không gồng cứng). Những thao tác này bản thân bạn phải nên tập thử, thử và tập, cho đến khi nào thấy ngồi được dễ dàng và thoải mái. Theo thói thường, chúng ta hay ngồi một cách [thái độ] cứng nhắc hay theo kiểu thủ thế, giống như lúc chúng ta đang đi, đang nói chuyện. Và khi chúng ta thư giãn hay nghỉ ngơi, chúng ta thường cứ ngồi hay nằm ngã dài ra hay nằm trườn ra.
Những kiểu tư thế đó là không thích hợp với việc thiền tập ở đây. Nhưng đó là thói quen văn hóa của người đời, và chúng ta có thể tập lại, sửa lại theo những tư thế thích hợp.
Mục đích của việc chọn một tư thế là để bạn có thể ngồi trong suốt buổi thiền tập mà không cử động hay sửa thế gì cả!. Lúc đầu, bạn có thể thấy hơi khó chịu khi ngồi với cái lưng thẳng. Nhưng rồi bạn sẽ quen dần thôi. Bạn cần phải tập, và tư thế ngồi thẳng lưng là rất quan trọng!. Theo khoa sinh lý học thì kiểu ngồi thẳng lưng là tư thế của sự hưng phấn, và nhờ đó mới có được sự tỉnh táo hay tỉnh thức của tâm. Nếu bạn ngồi cà siêu cà vẹo, ngồi không thẳng thắn thì bạn sẽ bị buồn ngủ rất nhanh.
Chỗ mà bạn ngồi lên cũng rất quan trọng. Có thể bạn cần phải có một cái ghế hay một cái gối ngồi thiền, tùy theo tư thế ngồi dưới sàn hay ngồi trên ghế mà bạn chọn. Độ cứng của những tọa cụ đó cũng cần được chọn kỹ càng một chút. Vì sao?, bởi nếu chỗ ngồi quá mềm mại hay êm ái thì sẽ khiến bạn mau buồn ngủ. Nhưng nếu cứng quá thì dễ bị đau.
Quần Áo Khi Ngồi Thiền
Quần áo bạn mặc khi ngồi thiền nên rộng rãi và mềm mại. Nếu quần áo bó chặn các mạch máu hay đè lên các dây thần kinh ngoại biên thì bạn dễ bị đau nhức đâu đó hoặc/và thường hay bị tê hai chân mà trong nhà thiền hay gọi là ‘chân đi ngủ’ hay ‘chân bị liệt’. Nếu bạn đeo dây nịt, bạn phải nới dây ra. Đừng mặc mấy loại quần bó chặt hay quần vải dày. Váy dài có lẽ phù hợp cho những thiền sinh nữ. Quần rộng may từ vải mỏng, vải thun, vải mềm là thích hợp cho mọi thiền sinh. Những loại áo dài mềm là những y phục truyền thống ở các nước Á Châu, và gồm cả những kiểu áo như xà-rong (sarong) ở những nước Đông Nam Á và áo kimono của người Nhật Bản...đều là những y phục thích hợp để ngồi thiền. (Những y cà-sa của các nhà sư Phật giáo và những y phục của những Phật tử cư sĩ thường được thấy ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng nhiều hay ít có đầy đủ những đặc điểm rộng rãi, nhẹ nhàng, mềm mại, dung dị và thích hợp cho việc ngồi thiền).
Tháo giày, bỏ dép trước khi ngồi. Nếu bạn mang tất vớ dày và bó, nên cởi ra luôn. (Tất vớ rộng rãi, vừa vặn, mát mẻ và sạch thì có thể mang khi ngồi thiền, nhất là trong những ngày trời lạnh giá).
Những Tư Thế Ngồi Truyền Thống
(a) Nếu bạn ngồi thiền trên nền (sàn) nhà theo cách truyền thống Á Đông thì bạn cần phải có một cái gối ngồi để nâng cột sống của mình lên. Chọn một cái gối ngồi tương đối chắc và phải dày ít nhất 6 phân [60-70 cm, hơn nửa tấc] sau khi ngồi lên. (Tức là nên chọn loại gối ngồi hơi cứng chắc, dày khoảng 80cm-1 tấc, để sau khi ngồi lên, gối vẫn còn độ dày khoảng 60-70cm).
Khi ngồi, bạn nên ngồi lên trên phần mép trước của gối và để hai chân tréo nhau lên trên sàn nhà trước gối. Nếu sàn nhà có trải thảm thì có thể bảo vệ được phần ống quyển và mắt cá chân của bạn khi ngồi lên sàn nhà. Nếu chỉ là nền cứng, thì bạn có lẽ cần có thêm một lớp lót chân. Một cái mền mỏng gấp lại có thể dùng làm tấm lót cho phần chân. Không nên ngồi hết lên phần sau của gối ngồi. Vì nếu ngồi như vậy thì phần mép trước của gối thiền sẽ ‘cấn’ lên hai bắp đùi sau của hai chân sau và sẽ làm cấn những dây thần kinh tọa ở đùi sau. Kết quả là sẽ bị đau chân. (Nghĩa là ngồi làm sao để phần chân và hai đùi chân lọt hẳn xuống phần nền nhà trước gối ngồi. Chỉ có phần mông của bạn là ngồi lên phần trước của gối thiền để nâng cột sống thẳng lên).
(b) Có một số cách tréo chân khác nhau khi ngồi thiền. Chúng tôi đưa ra bốn cách ngồi tréo chân theo thứ tự ưu tiên từ dưới lên cao:
1. Kiểu ngồi của thổ dân Châu Mỹ: Bàn chân phải được đặt dưới đầu gối hay đùi chân trái, và bàn chân trái được đặt dưới đầu gối hay đùi chân phải. Nói cách khác, ngồi với chân tréo nhau chỗ hai ống chân, hai bàn chân đều đặt trên sàn nhà. Kiểu ngồi này còn được gọi là kiểu ngồi 'bán bán già' hay kiểu ngồi V Hoa sen.
2. Kiểu ngồi Miến Điện: Đặt cả hai chân nằm xuống nền nhà, tức là từ đầu gối cho đến bàn chân nằm ngang xuống nền nhà. Hai chân nằm ngang song song nhau, chân này nằm trước chân kia. (Gót chân trong quay vào giữa người).
3. Kiểu ngồi nửa hoa sen (Bán già): Cả hai đầu gối đều chạm xuống nền nhà. Một chân này đặt nằm thẳng dọc trên chân kia. Tức là phần chân từ đầu gối cho đến bàn chân của chân này đặt thẳng hàng lên trên phần tương tự của chân kia.
4. Kiểu ngồi hoa sen (Kiết già): Cả hai đầu gối đều chạm xuống nền nhà, và hai chân bắt tréo nhau ngang chỗ phần hai bắp chân, hay chỗ hai ống chân. Bàn chân trái đặt trên đùi phải và bàn chân phải đặt trên đùi trái. Cả hai gót chân và lòng bàn chân đều hướng lên trên.
5. Các kiểu ngồi khác: Ngoài ra, còn các kiểu ngồi trên ghế đòn (đẩu) Seiza kiểu Nhật; hoặc kiểu ngồi trên ghế cao, dành cho những người không thích hay không thể ngồi theo các tư thế ở trên.
Trong tất cả các tư thế trên, hai bàn tay đặt lên nhau ở phía trước phần bụng dưới rốn, lòng bàn tay ngửa lên trên.
Hai khuỷu tay cong lại và đặt trên hai đùi. Cách xếp đặt cánh tay như vậy giúp tạo sự vững chắc cho phần thân trên khi ngồi. Không nên gồng cơ cổ. Thả lỏng hai cánh tay.
Các cơ hoành ở bụng được giữ cho thư giãn, thả lỏng ra hết cỡ. Đừng tạo sự căng cơ hay căng thẳng ở vùng bụng. Cằm được nâng lên. Mắt có thể mở hoặc nhắm lại.
Nếu bạn mở mắt, bạn nên cố định hay hướng hai mắt nhìn vào chóp mũi, hoặc hướng thẳng vào khoảng trống gần ở phía trước. Bạn không thật sự nhìn một cái gì cả, mắt chỉ hướng một cách vô định về chóp mũi hay phí trước đó. Bạn chỉ hướng mắt về một hướng phía trước nào đó, không phải để nhìn cái gì và không có cái gì để nhìn. Như vậy bạn sẽ quên đi cái sự nhìn hay cảnh trần.
Đừng căng thẳng. Đừng quá trịnh trọng, cứng nhắc, gò bó, tạo dáng hay tạo vẻ một cách gượng ép. Thả lỏng, thư giãn; để cho cơ thể tự nhiên và thong dong, mềm mại. Để cơ thể thả lỏng bám tựa tự nhiên vào cột sống giữ thẳng, giống như một con búp bê bằng vải đang ngồi vậy.
Kiểu ngồi bán già và kiết già là các kiểu ngồi truyền thống của Á Đông. Và tư thế kiết già được cho là tốt nhất cho thiền. Kiểu ngồi này vẫn là vững chãi nhất. Một khi bạn đã khóa chân ngồi vào tư thế kiết già này, bạn hoàn toàn có thể ngồi bất động được trong một thời gian khá lâu. Tư thế này đòi hỏi sự dẻo dai đáng kể của hai chân, cho nên không phải ai cũng ngồi kiết già được.
Tuy nhiên, việc bạn chọn kiểu ngồi nào thích hợp cho bạn thì không liên quan đến người khác, ai nói gì mặc kệ họ, hãy chọn cách ngồi nào thích hợp nhất cho mình. Cứ chọn kiểu ngồi nào mình ngồi không bị đau nhức và ngồi yên được lâu nhất!. Đó là sự lựa chọn và sự thoải mái của bạn. Hãy thử và tập ngồi tất cả các tư thế khác nhau. Gân cốt sẽ từ từ giãn ra và dẻo dai theo số lần tập luyện của bạn. Và rồi từ từ bạn cũng ngồi được kiểu ngồi hoa sen đáng quý và vững chãi như các thiền sư.
Dùng Ghế Ngồi
Ngồi thiền trên nền nhà nhiều khi cũng khó làm được vì dễ bị đau nhức hay vì những lý do khó chịu khác. Không vấn đề gì. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế để thiền. Chọn một loại ghế có mặt ghế nằm ngang, có lưng tựa thẳng và không có hai tay vịn. Tốt nhất là ngồi thẳng lưng mà lưng bạn không dựa vào lưng ghế. Ngồi ở phần mép trước của mặt ghế sao cho hai đùi sau không chạm vào mặt ghế (lý do cũng giống như cách ngồi trên gối ngồi thiền vậy, ngồi như vậy để các dây thần kinh tọa sau đùi không bị chèn ép trong quá trình ngồi thiền). Đặt hai chân thẳng hướng với nhau. Hai bàn chân nằm phẳng trên sàn nhà. Hai bàn tay thì cũng được đặt lên nhau và đặt trong lòng chân bên dưới rốn, y như cách đặt tay trong những cách ngồi dưới sàn như đã nói trên. Đừng cố gồng các cơ cổ, cơ vai, và thả lỏng hai cánh tay. Mắt có thể nhắm hoặc mở, như đã nói trên kia.
Trong bất kỳ kiểu ngồi thiền nào cũng vậy, bạn hãy nhớ rõ những mục tiêu của mình. Bạn muốn thân mình được hoàn toàn tĩnh tại và vững vàng, nhưng bạn cũng không muốn mình bị buồn ngủ. Nhớ lại ví dụ về ly nước bùn sẽ lắng bùn khi nó được đặt tĩnh tại. Bạn muốn giúp cho thân được hoàn toàn tĩnh tại, lặng yên, và kéo theo là tâm cũng được tĩnh tại, lặng yên. Làm được như vậy thì chắc hẳn rằng thân cũng ở trong một trạng thái tỉnh giác, và kéo theo là trạng thái của tâm cũng minh mẫn, sáng suốt như bạn mong muốn. Vậy hãy thử đi, hãy tập thử. Thân của chúng ta là một công cụ để tạo ra những trạng thái tâm mà ta muốn có. Hãy dụng thân mình một cách khôn ngoan, sáng suốt.