Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo phỏng vấn bí quyết sống lâu, cụ cười: Có gì đâu, sáng nào tôi cũng tự hỏi hôm nay mình nên ở Thiên đàng hay ở Địa ngục đây, rồi ngần ngừ một lúc, tôi chọn Thiên đàng!
Chất lượng cuộc sống (Quality of life) được định nghĩa là “những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”. (WHO, Tổ chức Sức khỏe Thế giới).
Có một bảng chỉ số giúp đo đạc Chất lượng cuộc sống gồm các yếu tố như về thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người tự đánh giá và tự điều chỉnh, thích nghi. Đây là một số câu hỏi trong hàng trăm câu hỏi của bảng Đánh giá chất lượng cuộc sống:
Trong 2 tuần qua, bạn đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn ở mức độ nào? Rất xấu? Xấu? Không tốt không xấu? Tốt? Rất tốt? Trong hai tuần qua, bạn có hài lòng về sức khỏe của bạn không? Ở mức độ nào? Bạn có cảm thấy vui sống, thấy cuộc sống là có ý nghĩa? Bạn có chấp nhận ngoại hình của bạn hiện nay không? Bạn có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu hằng ngày không? Bạn có được vui chơi giải trí không? Bạn có đi lại dễ dàng thoải mái không? Bạn có hài lòng về giấc ngủ của mình không? Bạn có hài lòng về mối quan hệ cá nhân của bạn với người chung quanh? Bạn có hài lòng về những điều kiện sống hiện nay? Bạn có thường cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…?
Thỉnh thoảng, ta cũng nên tự hỏi mình những câu như thế, đừng để kêu lên: “…nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn).
“Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well- being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật” (WHO). Đó là định nghĩa chung về sức khỏe. Riêng với người già thì định nghĩa có khác đi một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở đây là đã đưa yếu tố “tâm thần” lên hàng đầu. Bởi ở tuổi già, thể chất đã rệu rả, mọi thứ dần quá “date”, nên chất lượng cuộc sống chủ yếu nằm ở “tâm thần”!
Biết vậy, nhưng trên thực tế, già thì khó mà sướng. Ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần!
Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:
Một là thiếu bạn!Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Quay quắt, căng thẳng. Lúc nào cũng đang như:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắtTa nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”.Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp được bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:
Tao ở nhà tao tao nhớ miNhớ mi nên phải bước chân đi Không đi mi bảo rằng không đến Đến thì mi hỏi đến làm chiLàm chi tao có làm chi đựơc Làm được tao làm đã lắm khi…(Nguyễn Công Trứ)
Gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandrosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại!
Hai là thiếu… ăn!Thực vậy. Ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực, là ngấu nghiến... cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn... thì nuốt sao trôi?
Người già thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.
“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau trái… Cách ăn cũng vậy. Men tiêu hóa được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.
Ba là thiếu vận động!Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…!
Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa, người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước tivi!
Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng... kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…
Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!
(Từ Quang tập 23, tháng 1.2018)