1. Mười danh hiệu của Đức Phật là gì?
Mười danh hiệu của Đức Phật (gọi là Thập hiệu) chỉ cho 10 tính chất cao quý mà chỉ Phật mới đạt đến. Ngay cả Bồ Tát, các vị Tổ sư cũng không dám xưng tụng cho mình. Vì thế, bất cứ ai dám tự xưng một trong 10 thập hiệu này đều là tà ma ngoại đạo.
1. Như Lai: tức là bất sanh bất diệt, hoàn toàn đắc quả chơn như.
2. Ứng cúng: tức là bậc đáng được sự cúng dường của Trời, Người.
3. Chánh biến tri: tức là bậc có trí tuệ hiểu biết tất cả (biến), hiểu biết một cách chân chánh (chánh).
4. Minh hạnh túc: là bậc có đầy đủ trí tuệ (minh), và đầy đủ giới đức, công hạnh độ sinh (hạnh).
5. Thiện thệ: là bậc đã làm xong các sự lành, vượt qua các nhiễm ô, không trở lại đường sanh tử nữa.
6. Thế gian giải: là hiểu rõ thế gian một cách tường tận, nhờ hiểu rõ nên giải thoát.
7. Vô thượng sĩ: là bậc không ai sánh bằng, không ai hơn được.
8. Điều ngự trượng phu: là bậc có năng lực chế phục tất cả mọi người, từ kẻ trí tới người ngu tối.
9. Thiên nhân sư: là bậc thầy dẫn dắt cả chư thiên và nhân loại theo đường tu chân chánh.
10. Phật Thế Tôn: là đấng giác ngộ, đầy đủ ba khía cạnh tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn, được thế gian tôn kính nhất.
2. Ý nghĩa hình tượng Phật Thích-ca Mâu-ni?
Ÿ Danh hiệu: Thích-ca (Hán dịch là Năng Nhân) nghĩa là người hay phát khởi lòng từ bi. Mâu-ni (Hán dịch là Tịch Mặc) nghĩa là tâm hồn luôn luôn yên tĩnh.
Ÿ Vị trí: ta thường thấy tượng Phật Thích-ca Mâu-ni được thờ ngay giữa chánh điện.
Ÿ Hình dáng: tuy Phật Thích-ca Mâu-ni là người Ấn Độ, nhưng các tượng Phật có thể tạo theo hình dáng người của nước khác. Bởi Phật không phải căn cứ vào xác thân tầm thường, mà căn cứ vào Pháp thân thường trụ. Chúng sanh ở nơi nào tưởng đến Đức Phật thì Ngài ứng hiện nơi đó để cứu độ.
– Trên đỉnh đầu Đức Phật nổi cao một khối thịt nhỏ gọi là nhục kế, biểu thị cho trí tuệ siêu tuyệt.
– Chung quanh Đức Phật có những tia hào quang sáng chiếu, tiêu biểu cho trí tuệ soi khắp thế gian. Và còn ý nghĩa là sự thanh tịnh của Ngài, nghiệp lành của Ngài tỏa chiếu chung quanh. (Ngay cả người thường chúng ta, nếu đức hạnh, hiền lương thì cũng tỏa ra một vầng hào quang mà mắt thường không trông thấy, các nhà khoa học gọi là từ trường, khiến người khác có cảm tình và thương mến).
Ÿ Tư thế: tượng Phật thường tạc theo thế Ngài ngồi thiền, tay bắt ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư (3/4), hơi nhìn xuống. Nhìn xuống là biểu thị sự quán sát nội tâm, để tự giác, tự ngộ. Muốn giải thoát thì phải tự mình sửa đổi thân tâm, chứ không thể dựa dẫm, van xin nơi ai khác.
3. Ý nghĩa tượng Bồ Tát Quán Thế Âm?
Ÿ Danh hiệu: Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh; Quán Thế Âm nghĩa là quán sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để cứu độ cho họ thoát khổ.
Ÿ Hạnh nguyện: Ngài nguyện rằng chỗ nào có chúng sanh đau khổ, tưởng niệm đến Ngài, là Ngài hiện thân đến đó. Ngài có thể hóa thành đủ loại người, đủ loại chúng sanh để hòa nhập mà giáo hóa.
Ÿ Hình dáng: chư Phật và Bồ tát không còn vướng vào thân phàm phu, nên không hiện tướng nam hay tướng nữ. Nhưng chúng ta thường tạc tượng Bồ Tát Quán Thế Âm theo hình dáng người nữ, đứng trên hoa sen, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ. Ý nghĩa như sau:
– Người nữ: tượng trưng cho người mẹ với đức tính từ bi thương con tha thiết không gì sánh bằng. Dù ở đâu xa, dù đang làm gì, nghe con kêu khóc, mẹ cũng đến cứu con.
– Cành dương liễu: tượng trưng cho đức tính nhẫn nhục. Bồ Tát phải chịu đựng mọi cảnh, nhưng không để cảnh chi phối, vừa chiến thắng được mình, vừa cảm hóa được người.
– Nước cam lồ: là thứ nước rất trong, mát, thơm ngọt, do hứng ngoài sương. Tượng trưng cho nguồn an lạc vô biên, giúp chúng sanh qua cơn nguy khốn và rưới tắt ngọn lửa phiền não đang thiêu đốt.
– Bình thanh tịnh: tượng trưng cho ba nghiệp trong sạch (thân, khẩu, ý). Người có lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh thì ba nghiệp phải trong sạch, nếu không sẽ dần dần lạc về danh lợi.
4. Ý nghĩa tượng Đức Phật Di Lặc?
Ÿ Danh hiệu: Di Lặc hiện thân cho đức tính hỷ xả. Bởi vì Ngài thấy tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh khởi, không thật, chỉ có giả tạm mà thôi, nên không chấp vào, không đau khổ.
Ÿ Hình dáng: tượng tạc một vị Hòa thượng mập mạp, miệng cười toe toét, bày cái bụng to tướng, chung quanh có 6 đứa bé quấy nhiễu.
– Vị Hòa thượng mập mạp đó là lấy theo hình tượng của Bố Đại Hòa thượng, xuất hiện ở Trung Hoa vào thời nhà Lương (cuối thế kỷ 9 – đầu thế kỷ 10). Ngài ăn mặc xốc xếch, vai đeo cái bị to, xin đồ vật của mọi người nhét vào bị rồi phân phát cho trẻ con. Khi sắp tịch, Ngài để lại bài kệ liên quan đến Phật Di Lặc, và căn cứ vào hạnh hỷ xả của Ngài, nên người ta nghĩ rằng tương lai Ngài sẽ hiện trở lại thế giới này tu thành Phật Di Lặc.
– 6 đứa bé (gọi là Lục tặc) tượng trưng cho sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với ngoại cảnh (sáu trần), sanh ra ái nhiễm, rồi gây tội lỗi, nên coi chúng là giặc (tặc). Biết vậy thì ta phải buông xả tất cả, đừng tham đắm, sân hận, mới mong giải thoát.