Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 4. Một chuyến đi Hoa Kỳ và Canada »»

Đường Không Biên Giới
»» 4. Một chuyến đi Hoa Kỳ và Canada

Donate

(Lượt xem: 3.597)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 4. Một chuyến đi Hoa Kỳ và Canada

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi đặt bút viết lại những dòng chữ này như là một lưu niệm cho những người thân thương ở những nơi tôi đã đi và đã đến trên đất Mỹ và Canada, như là một hồi ký.

Đã biết bao nhiêu lần đi ngoại quốc, từ Á sang Âu rồi từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ trở về Âu, Á hay Phi Châu, đối với tôi như một cuộc hành trình dài, cực nhọc nhưng đầy thi vị và hôm nay ghi lại nơi đây một cái gì để nhớ.

Tôi vẫn thầm nghĩ rằng: mình là người có đầy đủ phước duyên, mong muốn cái gì đều được thành tựu như ý nguyện cả. Âu đó cũng là việc nhân duyên đã đủ. Nhiều khi tự nghĩ lại, có nhiều người mong muốn đủ mọi chuyện nhưng rốt cuộc chả được chuyện nào, còn tôi là một người tu, không nhà, không cửa, không gia đình, người thân kẻ thuộc, suốt đời chỉ một mảnh áo màu nâu đã bạc, nhưng sự đến và đi đối với tôi rất bình thản lạ thường và đã thành công mặc dầu đôi khi không có ý mong đợi.

Trước khi đi Mỹ lần đầu, tôi phải chuẩn bị cả hai tháng để xin visa. Cùng đi với tôi có nhiều người Đức và những người ngoại quốc khác, nhưng hồ sơ của tôi phải chờ đến phiên cuối cùng mới được gọi đến. Trong khi ngồi chờ đợi ở phòng visa tôi cảm nhận cái đau thương của một người Việt Nam, không có sự bình đẳng được với quốc tế. Tôi tự hỏi mình, tại sao một người Nhật, một người Đức có thể đi khắp thế giới ít cần điều kiện gì, mà một người Việt Nam lại đa đoan lắm thế? Hỏi cũng chỉ để chính mình trả lời thôi, nhưng có lẽ đó là thói quen của tôi khi có một vấn đề gì liên quan đến đất nước. Người Việt Nam ta tự hào có 4.000 năm văn hiến, có đủ loại anh hùng dân tộc, nhưng so với thế giới, ta vẫn còn nhỏ bé hơn Nhật nhiều lắm. Các dân tộc trên thế giới ngày nay biết được Việt Nam là nhờ chiến tranh và người tỵ nạn Cộng sản. Khi nói đến Việt Nam họ có vẻ thương hại hơn là kính nể. Cũng như bao nhiêu lần tôi gặp người Nhật trong những năm còn ở Nhật, họ hay hỏi tôi từ đâu đến? Tôi trả lời là từ Việt Nam đến sau đó họ thốt ra một câu như bao nhiêu người Nhật khác mà tôi thường gặp là “tội nghiệp quá nhỉ”. Tôi đã tốn biết bao nhiêu công lao để chỉnh ý lại câu này, nhưng mấy ai đề cao Việt Nam được như mình nghĩ. Ví dụ như Nhật hay Đức, họ chả tự đề cao họ mấy, nhưng những dân tộc khác trên thế giới vẫn đề cao họ thật nhiều, phải chăng “hữu xạ tự nhiên hương”?

Tôi ngồi miên man suy nghĩ cho con người Việt Nam đối với những dân tộc khác trên thế giới. Gần hết giờ làm việc, người Mỹ có trách nhiệm lo visa cho tôi mới gọi tôi vào phòng.

Ông ta hỏi:

- Ông đang làm nghề gì?

- Tôi là tu sĩ Phật giáo Việt Nam ở đây và đang lo hướng dẫn đời sống tinh thần của đồng bào Phật tử tại nước này.

- Ông muốn đi Mỹ để làm gì?

- Đi thăm những cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Mỹ.

- Ông có ai quen thuộc ở Mỹ không?

- Có, nhưng không phải là anh em ruột thịt trong gia đình.

- Ai lo vấn đề tiền bạc cho ông?

- Tôi đã có người bảo lãnh.

Người Mỹ ấy hỏi tôi bằng tiếng Mỹ, và tôi đã trả lời bằng tiếng Đức một cách thông thạo. Anh ta đưa mắt như có ý bảo tôi - tại sao không nói tiếng Mỹ, nhưng tôi vẫn làm thinh và tiếp tục trả lời bằng tiếng Đức. Anh ta cười ra vẻ làm vui, nhưng có lẽ anh la cũng hơi ngạc nhiên về lối đối xử của tôi với anh ta lắm.

Tôi cầm vé máy bay khứ hồi Frankfurt - Montreal - Frankfurt để minh chứng rằng khi tôi qua Canada và Mỹ, tôi sẽ trở về, và sẽ không lưu lại Mỹ. Anh ta khẽ gật đầu nhìn tôi và mỉm cười đưa hồ sơ tôi qua cô thư ký đánh máy bên cạnh.

Nhận lại passport và visa rồi, tôi trở lại Hannover.

Công việc giấy tờ thì cũng mệt nhọc thật, nhưng nếu cố công trì chí rồi cũng thành, có ai đó giữa đường than khó, không bền lòng thì dễ hư hỏng đại sự.

Lúc tiễn chân tôi lên phi trường Frankfurt, mấy người bạn bảo tôi rằng:

Thầy nhớ đi rồi về kể lại chuyện xứ Mỹ cho tụi này nghe về chuyến đi của Thầy nhé.

- Chuyện gì chứ việc đó đâu có khó.

- Thầy đi vui và gặp nhiều may mắn.

- Cầu chúc các anh ở lại vui vẻ và bình an.

Lần tiễn chân này chỉ vài người thôi, mặc dầu tôi xa xứ Đức hơn ngàn dặm. Ngày nay sự đi và đến của tôi đã quá thường, gần như là chuyện phải có, nên tôi ít quan tâm về chuyện đưa cũng như tiễn như hồi ra đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.

Đến Canada

Chuyến bay bị trễ gần nửa giờ mới đáp xuống phi trường Montreal. Trên hành lang lầu thượng, tôi nhìn lên thấy một người đàn bà mặc áo màu đen, dáng điệu đoan trang, phúc hậu, đưa tay vẫy chào. Đứng bên cạnh bà ta, một người thanh niên mặc bộ Âu phục màu xám. Tôi biết đó là những người đi đón. Tiếp tục lo những thủ tục nhập cảnh cần thiết, sau đó tôi đi nhanh về phía quan thuế.

Qua khỏi hàng rào quan thuế, gặp lại anh Thị Pháp và Bà Diệu Bích. Câu hỏi đầu tiên của bà là:

- Thầy đi có khỏe không?

- Tôi vẫn bình thường, cảm ơn bác.

Người Đông phương thường hay trọng lễ nghi và sức khoẻ, còn người Tây phương hầu như ít có để ý đến, nếu có chăng đi nữa đó cũng chỉ là những câu chào hỏi xã giao thường ngày mà thôi.

Bà mặc bộ đồ đen, trông rất phúc hậu, nhưng trên nét mặt đượm một vẻ buồn khó tả. Cái buồn của bà bây giờ không còn như trước đây hơn một năm, khi chồng bà đã mất tại Paris mà tôi có đi dự đám tang, nhưng cũng làm cho tôi nhớ lại những gì đã xảy ra trong lúc đám tang của chồng bà. Đảo mắt nhìn sang anh Thị Pháp như có ý hỏi anh rằng: Chắc anh không có gì lạ? Và chính anh cũng đã trả lời như thế.

Có nhiều câu hỏi chỉ là sự xã giao, nhưng muốn hỏi ngắn gọn hơn là dài dòng khách sáo. Tôi bước lên chiếc Mercedes màu lam trông dễ thương và quý phái. Bà Diệu Bích cũng như anh Thị Pháp gợi chuyện bên Tây, bên Đức cũng như ở Canada. Tôi nói và nghe cũng thật nhiều, nhưng dường như chưa có gì tôi để ý lắm.

Chiếc xe đưa chúng tôi đến một biệt thự sang trọng, lộng lẫy, nguy nga như trong đời mình chưa bao giờ đặt chân lên và sống nơi đó. Vì xưa nay những người tu hành ít “được phép” thụ hưởng những gì “cao sang” như thế.

Có lần bà Diệu Bích bảo rằng: Ngày xưa Thầy Tâm Châu đi đâu chỉ có tài xế thường thôi, nhưng ngày nay Thầy đi thì có Mercedes và có cả người đưa đón là kỹ sư, bác sĩ thì còn gì hơn nữa, có lẽ Cộng sản sẽ nói Thầy là “CIA” mất.

Tôi mỉm cười và trả lời rằng: “Có lẽ phép Phật nhiệm mầu đó Bác.”

Tôi không vui để được đón nhận những ân huệ ấy, nhưng mình cảm thấy làm sao khi thọ lãnh những tình cảm cũng như những đặc ân mà gia đình bà Diệu Bích đã đối xử với tôi.

Ngày xưa khi mới đi tu và mãi đến bây giờ, trước khi gặp gia đình bà Diệu Bích, tôi đều không thích những gia đình giàu có. Nói như thế không có nghĩa là nói khoác và có lòng ganh tị, vì tôi hay nghĩ rằng: Nếu ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tìm đạo giải thoát cho muôn loài, thì ngày nay nếu vô tình hoặc cố ý mình lại tự trói buộc vào trong những nơi không lối thoát ấy, thế thì có giải thoát gì đâu. Vả lại ngày xưa ở Việt Nam những người giàu có, quyền quý lấy tiền cúng vào chùa, nhưng họ ỷ lại vào những của bố thí đó đi dọa nạt và hành hạ tăng chúng ở trong chùa, cũng như bắt Tăng chúng phải làm những điều như họ muốn, tôi cũng là một trong những nạn nhân của Thiền Môn ngày trước. Từ đó đâm ra không thích những người giàu có và quyền thế.

Nếu nhìn cho kỹ, họ sẽ không được phước đức gì mà những hành động của họ ngược lại còn tạo thêm tội lỗi. Họ xem những người ở chùa như tôi tớ ở nhà họ cũng không bằng, và họ đến chùa là chỉ nghĩ đến vị sư trụ trì, còn Tăng chúng họ không xem ra gì cả. Họ quên rằng Tăng chúng là nền tảng của Giáo Hội ở những thế hệ sau này, kế vị những bậc sư trưởng đi trước.

Một số quý Thầy không tiếp tục tu trong chùa nữa, một phần vì nghiệp duyên của họ, nhưng một phần cũng vì những hành động cư xử không đúng của những đàn na, thí chủ thiếu hiểu biết, không thuần thành với đạo đã gây ra.

Bây giờ tôi đang đối diện trước nhà giàu sang, có địa vị, phải xử trí thế nào đây? Thật ra tôi đã có nhiều ý niệm và chuẩn bị trước khi đến đây để đối phó với bất cứ điều gì sẽ xảy ra, bất cứ hình thức nào như trước đây mà chính tôi đã gặp. Nhưng đặc biệt đối với gia đình này tôi đã có cảm tình ngay từ lúc ban đầu. Tôi có nói cho bà Diệu Bích và anh Thị Pháp nghe trong chuyến xe khởi hành từ Montreal đến Washington DC là: “Tôi đến với gia đình Bác không phải vì sự giàu có, mà đến vì tình người và tình Đạo, chỉ đơn giản có thế thôi.”

Bà Diệu Bích hỏi: “Nếu những người nghèo mà không có tư cách thì sao?”

- Thì đáng thương hại họ hơn là đáng ghét, vì xã hội làm cho họ nghèo và cũng chính nhờ xã hội nên mới có những người giàu.

- Vì thế cho nên Thầy không thích những kẻ quyền quý giàu có?

- Vâng, đúng thế. Nếu kẻ giàu có mà biết sùng bái Tam Bảo và biết lễ nghi thì lại càng đáng quý hơn, chỉ trách là trách những kẻ không biết Đạo, nên cứ vênh vênh tự đắc cho mình là có danh vọng. Bởi thế cho nên Đức Phật mới dạy trong kinh Pháp Cú rằng: “Người ngu biết mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng mình trí, thật đáng gọi chí ngu.”

Tôi thao thao bất tuyệt trả lời bà và tiếp tục kể cho hai người nghe những mẩu chuyện trong Thiền Môn vào thời xa xưa.

Ngôi biệt thự lộng lẫy đó bài trí thật ngăn nắp, sạch sẽ, làm cho khách có cảm tưởng vui khi đến nhà này. Ngôi biệt thự rộng, hai tầng nhưng chỉ có hai người ở, trông rộng thênh thang ngoài sức tưởng tượng. Những bữa cơm chay chính tự tay bà làm theo cách thức Tây phương, lạ mắt nhưng cũng khá ngon. Nhiều lúc tôi đùa rằng: Ở Việt Nam chắc gì Bác đã động đến móng tay, ở đâu cũng có kẻ hầu người hạ, sang đây cái gì cũng tự lo liệu hết như thế Bác thấy có nhọc lắm không?

Bà bảo rằng : Chẳng sao, nhưng làm dân ly hương thì phải đành chịu vậy.

Được tin tôi đến Canada, một số quý vị Đạo Hữu và Phật tử chùa Liên Hoa đã điện thoại đến để mời tôi đến dự lễ Vu Lan. Tôi bằng lòng và đã đến trong ngày Vu Lan nhiều mưa gió ấy. Thật ra tôi cũng chả muốn mất lòng ai kể cả kẻ trên người dưới, nên phải nhận lời, vì tôi chỉ nghĩ đến Phật Pháp hơn là cá nhân hay những chuyện không đâu.

Vì là ngày lễ Vu Lan nên tụng kinh Vu Lan Báo ân phụ mẫu là chuyện đương nhiên, nhưng sau bài chú Đại Bi đến phần cầu siêu cho những thân nhân quá vãng tôi hơi lúng túng, vì xưa nay chưa bao giờ đọc những lòng sớ như thế bao giờ. Sớ chữ Việt chứ không phải chữ Hán. Vì là văn và điệu chữ Việt nên khó bắt giọng vô cùng. Tôi cố lấy giọng thật thấp, nhưng cổ tôi như nghẹn lại mỗi lần hạ giọng thấp hơn nữa.

Sau phần tụng kinh Vu Lan và tuyên sớ cầu siêu cho chư hương linh quá vãng là phần thuyết pháp về ý nghĩa lễ Vu Lan. Thông thường mỗi khi đi diễn thuyết một việc gì ở đâu tôi cũng đều có đề tài trước, nhưng ở đây không chuẩn bị gì cả, chỉ nói lại ý nghĩa ngày lễ, và sau đó thì giải đáp những thắc mắc của Phật tử. Khi mới lên diễn đàn, mọi người có vẻ không để ý đến, vì tôi còn quá trẻ để làm những việc cao thượng như thế, nhưng trong và sau thời pháp, ít ra họ cũng đã hiểu tôi đang ở vào trình độ nào rồi. Họ rất phục sau buổi lễ, nhưng đối với tôi chuyện đó xưa nay vẫn là như thế không có gì lạ để làm vui cả.

Chúng tôi rời chùa Liên Hoa trong cơn mưa dầm vào cuối mùa hạ, trong nuối tiếc lẫn thương tâm.

Những ngày ở Montreal tôi được hướng dẫn đi thăm Olympic và những vùng phụ cận. Dầu đi đến đâu, thấy bất cứ hình ảnh gì tôi cũng so sánh cả, nhưng ở đâu cuối cùng rồi cũng không bằng Việt Nam. Không phải mình cố chấp, nhưng bản chất của con người Việt Nam vẫn còn trong tôi muôn thuở và điều đó chứng tỏ rằng lúc nào tôi cũng miên tưởng đến Việt Nam và mong có ngày về sum họp lại.

Ottawa tôi cũng đã có dịp đến thăm một lần do lời mời của Giáo sư Lê Kim Ngân và một số quý vị Phật tử nơi đó. Thành phố thủ đô Canada có nhiều lầu đài cao chót vót, có toà nhà Quốc Hội và những cơ sở ngoại giao. Thành phố thật nên thơ nhưng không hữu tình như Thụy Sĩ (Lausanne) hay Hagi của Nhật.

Chúng tôi đến nhà giáo sư Ngân như những lần chúng tôi đến thăm giáo sư tại cư xá thánh đường Nichidai ở Tokyo, không khách sáo và đượm vẻ thân mật. Tánh tôi thường không thích khách sáo, đưa đẩy, rào đón... vì mình không thể tự dối mình được, bởi như thế là không thành thật với chính mình. Bắt đầu là câu chuyện hỏi thăm sức khỏe và những câu chuyện có liên quan đến việc sinh sống cũng như hoạt động của những Hội địa phương.

Giáo sư Ngân cho hay rằng: Âu cũng là một duyên lành mới gặp được một tu sĩ nơi đây. Vì những người Việt tha hương cùng tôn giáo ở đây dự định lập một Hội Phật giáo tại vùng Ottawa để cho đồng bào Phật tử có cơ hội lui tới thăm viếng, sinh hoạt cộng đồng cũng như thể hiện sống trong tình thương trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Bước tiến xa hơn nữa của quý vị Phật tử nơi đây là có một ngôi chùa thực thụ, có được một vị lãnh đạo tinh thần xứng đáng và đó sẽ là nơi chốn để đồng bào Phật tử lui tới lễ bái, học đạo.

Chiều hôm đó giáo sư Ngân gọi điện thoại cho một số quý vị đạo hữu Phật tử có Đạo tâm, thiện chí trong việc thành lập Hội Phật giáo nơi đây, mời đến nhà một anh sinh viên Việt Nam sống lâu năm tại Canada để bàn tính việc lập Hội và nhờ tôi cho thêm ý kiến.

Đúng 8 giờ tối hôm đó, khoảng 10 người đã đến, quây quần với nhau để bàn tính việc lập Hội và thỉnh Tăng trụ trì. Ban đầu câu chuyện không đâu vào đâu cả, nhưng sau đó thì mọi người yên lặng để nghe giáo sư Ngân trình bày về nguyên nhân cũng như mục đích thành lập Hội.

Ai cũng hăng say đóng góp ý kiến của mình nhưng cũng có một vài ý kiến chống đối đặt ra. Cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa. Tôi có trình bày thêm ý kiến về việc thành lập một Hội Phật giáo phải được tiến triển từng giai đoạn và bước đi phải vững. Đầu tiên, mọi người Phật tử nên đóng góp vào việc thuê tạm một nơi để làm ngôi Niệm Phật Đường. Sau một thời gian, nếu thấy số người tham gia Phật sự càng đông thì tiến tới thành lập một ngôi chùa chính thức. Sau đó lo thỉnh Tăng về trụ trì chùa cũng như cố vấn những công tác Phật sự tại đây.

Chuyện gì thì cũng có thể xong được, nhưng chuyện thỉnh một vị tu sĩ về đây quả là hết sức nan giải. Ngay cả chùa Liên Hoa ở Montreal thành lập đã bao nhiêu năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có Thầy nào dừng chân cả. Nguyên nhân chính vẫn là nhu cầu Phật sự ngày càng nhiều mà quý Thầy thì quá ít. Do đó mới nảy sinh ra tình trạng thiếu Tăng. Trong lúc gần một triệu đồng bào Việt Nam ở ngoại quốc, nhưng quý vị Tăng Sĩ và quý Ni Cô chỉ có trên dưới 100 vị thì làm sao đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng nhiều của đồng bào Phật tử. Tôi có than rằng: Ngày xưa ở Việt Nam có rất nhiều người phát tâm xuất gia, ngày nay ngay cả nước Đức có 16.000 người tỵ nạn Việt Nam nhưng đốt đuốc mà tìm cũng không thấy được người nào còn mang hoài bão ấy. Đó là một điều đáng lo mà ngay cả ở Pháp hay Mỹ cũng vậy, có hàng mấy trăm ngàn người Việt, nhưng giới trẻ không có người nào nói chuyện xuất gia nữa. Tôi có đùa rằng: “Có lẽ các anh chị qua đây thấy đèn xanh, đèn đỏ quá nhiều làm mờ mắt nên quên hết mọi điều ước nguyện cũng nên.” Chỉ có một số quý vị lớn tuổi phát tâm xuất gia sau này, nhưng nếu cố gắng đào tạo cho họ 5, 3 năm để có thể làm trụ trì, chừng 7, 8 năm sau họ lại trở về liên cảnh rồi, nên nỗi khổ tâm của quý Thầy trong hiện tại là thế.

Mọi người ngồi trong phòng yên lặng nghe tôi nói và cũng cảm nhận được điều đó, nhưng ai nấy đều hy vọng rằng Ottawa sẽ là đất lành có nhiều người tham gia và có nhiều vị tu sĩ sẽ dừng chân.

Cuộc họp vẫn còn tiếp diễn, nhưng ngày hôm sau vì còn bận nhiều việc khác nên chúng tôi cáo từ về trước, và hẹn gặp lại quý vị Phật tử nơi đây trong những ngày đầu tháng 10 để thảo luận tiếp tục.

Chuyến hành trình còn dài và đây chỉ mới chỉ là bước đầu mà tôi gần như đã thấm mệt. Những ngày sau đó chúng tôi đã dùng xe hơi để đi Toronto, thác Niagara - một trong những kỳ quan của thế giới.

Có đi nhiều mới thấy được cái bao la của vũ trụ và cái rộng lớn của đất trời. Ngày xưa khi còn ở Việt Nam thấy Sài Gòn đã là văn minh, rộng lớn, nhưng khi qua đến Tokyo tôi thấy mình như người nhà quê vừa lên tỉnh. Rồi từ Tokyo sang Đức như từ tỉnh xuống nhà quê trở lại. Đến hôm nay từ Đức qua Canada tôi thấy như mình không phải nhà quê mà cũng chẳng phải tỉnh thành. Tôi hòa mình với đất trời rộng bao la, hùng vĩ. Một xứ giàu có rộng rãi với diện tích chỉ nhỏ hơn Nga mà dân số trên dưới 30 triệu, chỉ có một điều là băng giá quanh năm, thế thôi. Trời vào đông có thể lạnh đến âm 40 độ là chuyện rất thường. Những người già sống nơi đây thật là cực nhọc.

Chúng tôi đến thác Niagara vừa đúng lúc thành phố đã lên đèn, khách du lịch cũng lắm người, nào người dị chủng, nam thanh, nữ tú. Họ đua nhau đi xem những ánh đèn màu chiếu lên thác. Tôi đi lên lan can hai bên dòng thác nhưng có một cảm tưởng sợ sệt làm choáng váng cả mặt mày vì độ sâu thăm thẳm của nó.

Bên kia là biên giới Mỹ và bên này là Canada, đều có tự do chứ không khác biệt như Đông và Tây Bá Linh.

Đi đến nơi có ngọn thác cao nhất, chả biết người ta gọi tên là gì, khiến tôi rùng mình và liên tưởng đến những người tự trầm mình nơi đây. Những hình ảnh tự sát lại hiện ra lởn vởn trong đầu óc tôi như những bóng ma chập chờn trong những vùng tử địa.

Tôi trở lại khách sạn đêm đó đã thấm mệt, trong đầu óc cứ lởn vởn những bóng ma vô duyên cớ đó, cứ đến rồi đi như không một lời nguyện ước.

Sang Hoa Kỳ

Ngày hôm sau chúng tôi rời địa phận Canada để qua biên giới Mỹ. Lại một lần nữa đối diện với “bên tê”. Hôm qua chúng tôi đã đối diện với “bên ni” rồi, và bên ni là hiện hữu còn bên tê là vô hiện thực. Từ những ngọn thác bên ni nhìn sang bên tê của Canada không có gì đẹp như bên Canada nhìn sang.

Qua khỏi biên giới, chúng tôi tìm đến một bờ suối để nghỉ mệt. Lúc chưa đến thì tôi mong rằng sẽ đến đó, nhưng khi gần suối rồi, tôi vẫn thấy suối là suối, tôi là tôi, chả có gì hòa hợp cả.

Chúng tôi phải mất trọn một ngày nữa mới đến Washington DC bằng đường xe hơi. Đến một thành phố được gọi là thủ đô của Mỹ quốc, nhưng sao có vẻ dơ bẩn hơn đường Nguyễn Văn Thoại ở Việt Nam. Đặc biệt nhất là khu da đen. Tôi đâm ra chán và nghiệm lại lời Thầy Minh Tâm là đúng. Lúc tôi còn ở Paris trông chùa cho Thầy ấy đi dự Hội Nghị Phật giáo ở Nhật, trên đường sang Mỹ Thầy ấy có viết một danh thiếp về Pháp thăm và bảo rằng: “Xứ Mỹ, nhất là Washington DC, nhà cửa thua Đức và Pháp xa, còn dơ dáy hơn ở Sài Gòn nữa.” Lúc ấy tôi chưa tin và nghĩ rằng Thầy ấy đùa cho vui chứ lý gì mà có chuyện ấy. Hôm nay thì tôi đã chứng thực là sự dơ dáy ấy còn hơn điều Thầy Minh Tâm đã viết. Không cần hỏi ai người ta cũng biết rằng ở thành phố này dân đa đen chiếm đại đa số, và sự dơ nhớp là do chính dân da đen sống một cách bừa bãi, vô kỷ luật, thiếu học thức và do sự làm biếng gây nên. Do đó, những người Việt Nam ở đây thường gọi họ là dân lọ nồi để ám chỉ những người da đen một cách khinh tởm. Khi người Việt Nam ở đây gọi những người da đen là lọ nồi không có ý như những người Việt Nam ở Âu Châu gọi những người Á Rập là Rệp, và những người Nam Dương là Nấm. Không rõ sự xuất xứ của những danh từ này từ đâu, nhưng lúc đến Đức tôi hơi ngạc nhiên khi nghe những tiếng ấy. Và ngày nay đã trở thành một thông lệ khi gọi những danh từ này là muốn ám chỉ ai rồi.

Ngày hôm sau chúng tôi viếng chùa Phật giáo Việt Nam tại Washington DC. Chùa này đã có tiếng xưa nay như bao người đã đồn đãi. Dầu tiếng tốt hay tiếng xấu, ta cũng phải lắng nghe để biết rõ sự tình, ở đời xưa nay vẫn là vậy. Cái tốt, cái hay thì ít người thấy nhưng cái dở thì không cần mách bảo thiên hạ cũng rỉ tai với nhau từ xóm này qua xóm nọ, từ thành phố này đến thành phố khác, từ nước này đến nước kia. Đối với tôi - nhất là ở chùa thường phải nghe đi nghe lại nhiều lần như ăn cơm bữa, nên cũng không có vẻ ngạc nhiên gì mấy. Mặc dầu thế tôi cũng cố đến tận nơi xem tận mắt về những cái hay, cái đẹp, cái không nên nói là như thế nào.

Tôi cố ý gặp và vấn an Thầy Giác Đức nhưng không may hôm đó không có Thầy ở chùa, nghe đâu Thầy đi giảng ở xa và tối hôm sau mới về lại chùa. Chỉ được gặp Thầy Thanh Đạm - Thầy Tâm Thọ, Thầy Trí Tuệ và Thầy Minh Đạt mới đến từ Việt Nam. Hỏi ra mới biết tông tích ngọn ngành là quý Thầy này trước đây đều ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm.

Ngôi chùa tọa lạc trên con đường chính chạy dài vào Tòa Bạch ốc trông thật trang trọng và cao quý, có vườn rộng và có nhiều cây thông cao vút đến tận trời xanh trông thấy hợp với cảnh chùa vô cùng. Tôi đi dạo quanh vườn chùa được sự hướng dẫn bởi Thầy Minh Đạt và Thầy Trí Tuệ. Chúng tôi nói chuyện thật nhiều về quê hương, về hiện tình đất nước, về những kẻ mất người còn và về hiện tình Phật giáo tại Âu Châu. Sau đó vào dự khóa lễ, cũng như mọi lần và mọi nơi, ít có gì đổi mới, ngoài những nghi thức thông thường. Nhưng tiếng tụng trầm hùng trong lời kinh hòa nhịp với điệu mõ làm tôi liên tưởng về quê hương trong vô vàn thương tiếc...

Tôi rời chùa để đi đến phi trường Washington DC hướng về phía Miami trong chuyến đi vội vàng đó. Tiễn chân tôi lần này có một vài người Phật tử nữa.

Đón tôi tại phi trường Miami chiều hôm đó có anh Sơn, anh Hoài và anh Hùng từ Gainesville đến. Chúng tôi chào hỏi nhau và bắt đầu nói chuyện.

- Các anh đi đường để đón tôi có xa không?

- Từ đó xuống đây hơn sáu tiếng đồng hồ lái xe hơi.

- Lẽ ra tôi có thể đổi vé tại Washington DC để đi phi trường gần hơn và nhờ các anh đón, nhưng hôm qua không có thì giờ, vả lại làm biếng nên để giấy nguyên như cũ luôn. Lâu lâu mới có cơ hội để hành các anh một chuyến có sao đâu phải không anh Sơn?

Sơn nhìn tôi mỉm cười và không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi. Tôi đang tự nghĩ rằng có lẽ Sơn đang bảo tôi là: “Ông Thầy này hành con người ta quá”, nhưng chẳng thốt nên lời. Tôi chậm rãi bước đi và gợi chuyện cùng anh ta, mới phân trần rằng: Khi tôi mua vé máy bay tại Đức tôi đâu có thấy địa danh của anh đang ở nằm trên bản đồ mô tê chi đâu, nên mua đi Miami cho tiện, ai ngờ từ nhà anh đến đấy lại hơn cả sáu tiếng đồng hồ.

Thật ra khoảng cách không xa là bao nhiêu nhưng ở Mỹ chạy xe chậm hơn Châu Âu, trên xa lộ chỉ được phép chạy tối đa khoảng 70-75 dặm/giờ (110 - 120 km/giờ). Trong khi đó ở Âu Châu, nhất là Đức, thì khi chạy trên xa lộ không có sự giới hạn tốc độ, tài xế có thể tùy ý tăng hết tốc lực. Do vậy, nếu đi với tốc độ như bên Tây Đức thì thời gian sẽ ít hơn.

Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy thành phố Miami đẹp vô cùng, nào nhà lầu cao chót vót, nào đường sá thẳng tắp khắp phố phường. Vịnh Miami đẹp trông bao la bát ngát... thế mà khi ngồi vào xe hơi của anh Hùng tôi cảm thấy như mình bị thu hẹp lại trong cái vỏ không gian ấy. Gió biển buổi chiều thổi mạnh, như báo trước có mưa. Từng cụm mây vàng, đen, xanh, đỏ bay là là trên đầu chúng tôi như chờ sẵn cơ hội để “nhả ngọc phun châu” với chúng tôi.

Trên đường từ phi trường Miami về đến Gainesville chúng tôi đã nói cho nhau nghe thật nhiều về những hoạt động cũng như sự làm việc của người Việt Nam tại Âu Châu, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ở Nhật cũng như ở Úc... cũng như sinh hoạt của kiều bào. Với anh Sơn thì tôi có báo trước, nhưng đồng bào Phật tử ở đây thì mãi đến khi tôi về họ mới hay. Anh Sơn, Hiền và một số anh chị em Phật tử khác có ý nhờ tôi quy y cho những người con của họ, nhưng sau đó được đổi lại thành một buổi họp mặt, làm lễ, nghe thuyết pháp và cử hành lễ quy y luôn. Chỉ trong một thời gian ngắn mà mọi người đã huy động đông đủ bà con Phật tử ở thành phố này lại để cử hành lễ cầu an cho những người sống được an lành và cầu siêu cho những người mất tại Việt Nam hay trên biển cả được siêu sanh Lạc quốc.

Trong phần phát biểu cảm tưởng, tôi đã đề cập và nhắc nhở đến người Việt Nam chúng ta hiện ở tại ngoại quốc, dù sống ở nước nào đang làm việc gì, họ cũng đều luôn nhớ nghĩ đến quê hương và giữ trọn niềm tin của họ. Tôi thật cảm động và cũng chính từ sự cảm động này đã làm cho tôi có nhiều động lực hơn để thuyết giảng trong buổi nói chuyện hôm đó.

Trong phần lễ quy y tôi đã giảng về ý nghĩa của sự và lý về quy y Tam Bảo và việc thọ trì 5 giới cấm của Phật chế định cho người Phật tử tại gia. Mọi người đều tịnh tâm lắng nghe và cố gắng giữ gìn để trở thành một Phật tử chơn chánh với Đạo.

Qua thời khóa lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ quy y và thuyết pháp tôi đã trở lại căn phòng yên tĩnh để ngồi thiền và quán xét tư duy.

Những ngày kế tiếp anh Sơn và Hiền có đưa tôi đi thăm một vài phong cảnh gần đó, nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện con người và sự vật.

Tôi rời Gainesville để đến Shreveport, một thành phố nhỏ nằm trong tiểu bang Louisiana. Tôi phải đợi máy bay tại phi trường New Orland cả 3 tiếng đồng hồ mới có một chuyến bay cuối cùng trong ngày ở đó.

Tại phi trường, tôi gặp Phúc, người em nuôi chưa một lần gặp gỡ trước đây. Bao nhiêu cảm tưởng mừng vui lại đến rồi cũng vụt đi như những gì tôi vẫn hằng ôm ấp sự trùng phùng ấy. Nhiều lúc người ta ở xa thì nhớ nhung, mong gặp gỡ, nhưng khi gặp nhau rồi thì cũng chả còn cái gì để có thể giữ chân họ lại được. Họ lại ra đi như trôi đến một chân trời vô định. Tôi cũng lại là người như thế. Đến rồi đi, đi rồi đến như bao sự thường tình của nhân thế.

Phúc đưa tôi về nhà bằng xe hơi, sau đó nói chuyện với những người có tuổi trong gia đình. Tôi nhận thấy ở người chú của Phúc, ông ta thật có tài, nhưng có lẽ vì ông ta lỡ thời, lỡ vận nên không tham gia vào một tổ chức nào cả ngoài chuyện ông đem tài của mình tháo vác với nghệ thuật mà thôi. Ông ấy hơi gàn gàn, nhưng nhiều khi cũng có lý, ngay cả về ngôn ngữ của tôn giáo hay bất cứ ở lãnh vực nào. Nhiều lúc tôi cũng muốn cãi lý với ông ta nhưng thấy ông ấy hơi khó tánh nên lại thôi và yên lặng, cố gắng nghe những gì ông ta nói.

Mấy ngày sau Phúc dẫn tôi đi thăm một vài nơi, ngay cả khu dân da đen. Tôi cũng vẫn dửng dưng và không có lời bình phẩm nữa. Phúc đưa tôi đi ăn kem ở một tiệm gần nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ly kem cao quá mũi, tôi cười và bảo Phúc chắc lần này về Đức lại có chuyện để viết. Mà quả thật, hôm nay tôi đã viết điều đó. Chắc Phúc đọc điều này cũng cười cho cái việc viết văn của tôi.

Tôi bảo Phúc: Mấy người Mỹ họ ăn như thế này cho nên kẻ nào người nấy đều to con quá phải không em?

- Chừng ấy chưa có gì đâu, cả bát đầy đó chứ.

Phúc trả lời như không có gì ngần ngại và chả lộ vẻ ngạc nhiên gì cả. Tôi thấy có lẽ đó là một chuyện hiển nhiên, nên không tiếp tục hỏi và chăm chú vào ly kem của mình để dùng cho hết. Ăn một ly kem mà cả cơ thể đều chuyển động như làm thay đổi cả một đời người. Chắc mãi mãi về sau tôi sẽ không quên ly kem tại Shreveport, mỗi lần kể chuyện lại cho bạn tôi hay những người thân nghe về chuyến đi Mỹ của tôi lần đầu.

Những ngày ở lại Shreveport giông tố phũ phàng, thời tiết trở nên xấu, ít đi đâu được nên chỉ ở trong phòng. Rồi những ngày sau đó tôi rời nơi đây trong những cơn mưa dầm nặng hạt.

Chiếc phi cơ Delta bay qua những địa phương nhỏ để lấy khách, nên trông không lớn là bao so với đất trời bao la rộng rãi ấy. Ngồi trên máy bay nghe gió cứ đảo xuôi, đảo ngược làm cho hành khách bên trong rợn cả tóc gáy không biết bao nhiêu lần. Lẽ ra máy bay phải đáp xuống đúng giờ ở phi trường Houston (Texas) như phi trình đã định trước, nhưng hôm ấy trễ cả tiếng đồng hồ, làm cho kẻ đi đưa lẫn người đi đón đều hồi hộp lo âu.

Houston là một thành phố đông dân Việt Nam cư ngụ, đứng hàng thứ nhì, sau Los Angeles thuộc tiểu bang California. Ở đây khí hậu ôn hòa, nên nhiều người Việt đã đến để sinh sống. Tôi nghe kể lại rằng cứ mỗi cuối tuần có hàng ngàn người Việt ở những tiểu bang khác về Houston để thăm viếng bạn bè, hội họp v.v... Kể như thế cũng vui, nhưng nơi nào có đông dân Việt Nam cư ngụ là nơi đó có xảy ra lắm chuyện động rừng. Ở đây có chùa, có Thầy, có hội đoàn Phật giáo cũng như hội đoàn của những tổ chức Việt kiều khác v.v... Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì thấy sự sinh hoạt có vẻ nhộn nhịp, nhưng hình như những tổ chức ở đây không thuận với nhau mấy. Vì lẽ dễ hiểu là người Việt chúng ta ai cũng muốn làm lãnh tụ cả, không ai chịu làm dân và mỗi người là một “hoang đảo cô đơn”, không có chư hầu cũng không cần tướng lãnh. Rất tiếc rằng bao nhiêu năm ở Nhật, tôi chỉ học về tâm lý học người lớn của Nhật Bản và đặc biệt là Âu Châu. Nếu lúc đó có khoa giáo dục tâm lý học của người Việt Nam thì tôi đã chọn ngành ấy rồi. Do đó những vấn đề phân tích tâm lý người Việt Nam trên đây chỉ dựa theo những kinh nghiệm hoạt động của tôi trong quá khứ với người Việt Nam thôi, chứ chưa dựa trên cơ sở nào bằng sách vở cả.

Houston cũng như mọi nơi khác, ở đâu cũng nghe toàn là chuyện khổ tâm. Cái khổ mà cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm về trước hay tận thời vô thỉ, chư Phật đã dạy. Ngoài những sự khổ về sanh, về già, về bịnh, về chết, về ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, về oán tắng hội khổ, hay ngay cả về ngũ ấm xí thạnh khổ v.v... người Việt Nam chúng ta còn một bệnh khổ trầm kha, nếu dùng theo danh từ tân giáo dục về tâm lý học phải nói cho đúng nghĩa là “ly gián khổ”. Trong giới cấm thứ tư của người Phật tử tại gia hay xuất gia cũng đều cấm không được nói dối. Trong bộ luật Sa Di có dạy rằng: “Nãi chí tiền dự, hậu hủy, diện thị bối phi, chứng nhập nhân tội. Ly gián ân nghĩa khiêu thán đấu tranh đẳng...” nghĩa là “Cho đến việc trước khen sau chê, trước mặt bảo đúng, sau lưng bảo sai, đều có tội cả. Việc làm cho ân tình, nghĩa trọng bị ly gián, hay tạo những lời nói để khiêu khích, tạo nên những sự tranh cãi với nhau” đều không nên làm. Như vậy chứng tỏ rằng Đức Phật và chư Tổ sư trong quá khứ đã biết tất cả bịnh của chúng sanh, đã bắt được bịnh, đã tìm ra được thuốc cứu chữa, nhưng những “chúng sinh được sinh ra từ Việt Nam” hầu như còn xa lìa thuốc ấy. Không biết vì những chúng sanh ấy sợ thuốc đắng hay chưa có nhân duyên để nhận chân được những lỗi lầm của mình? Có lẽ mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi mình, và nên tìm những lương dược để trị bịnh.

Thế mà có nhiều người ở Đức vẫn mong mỏi đi Mỹ cho được, có người lại nghĩ rằng Mỹ như một thiên đường, có người nghĩ rằng đến đó có khí hậu dễ thở hơn, hoặc giả Mỹ là tường thành của tự do và của tiến bộ, nhưng hầu như ít có ai hiểu rằng: Dầu ở bất cứ nơi đâu, hay ở thời điểm nào mà chưa chữa tuyệt được căn bệnh “ly gián khổ” ấy, thì dầu cho có phục hoạt bao nhiêu thang thuốc bổ vào thân hình người Việt cũng bằng thừa. Có bịnh phải lo chữa bịnh trước, đừng tìm cách chạy trốn, để rồi căn bệnh trầm kha hơn.

Tôi đến chùa Phật Quang để lễ Phật và cũng chính là để tìm sự yên lặng, khỏi bị phiền nhiễu trong nội tâm. Vì chùa chiền lâu nay vẫn thế, là chốn nương tựa tinh thần của tất cả mọi người, mọi loài. Trên từ quốc vương, đại thần, công hầu khanh tướng, dưới đến hạ tiện bình dân cho đến những loài hữu tình và vô tình khác. Cho hay “phép Phật nhiệm mầu”, nên đã cảm hóa được không biết bao nhiêu tâm hồn tục lụy.

Sau buổi lễ Phật hôm đó, sư Giác Nhiên và tôi cùng một số Phật tử chùa Phật Quang đi xem hội chợ. Có nhiều gian hàng của Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nam Dương bày bán la liệt đủ các thứ đồ, nhưng chỉ có gian hàng Việt Nam là nổi bật hơn cả. Nổi bật vì bên trên gian hàng có treo những khẩu hiệu lớn và một lá cờ Quốc Gia Việt Nam bay phất phới trên bầu trời trong xanh. Ở phía dưới và ngay sát bên trong của gian hàng có bán đủ thứ hàng Việt Nam, nào quần the áo lụa cho nữ tú nam thanh trông rất đẹp mắt. Thêm vào đó có bán những món ăn có tánh cách quê hương như chả giò, nem, phở v.v...

Đến tiểu bang này tôi cố đi xem cho được những vườn rau cải của đồng bào tỵ nạn Việt Nam mình, nào rau muống, rau lang, cà pháo, rau thơm, rau quế, rau ngò... Trông những luống rau mà nhớ đến quê hương. Vì tôi cứ nghĩ rằng, người Việt Nam ở đâu là có thể tự tạo ra một quê hương ở đó, nhưng nó không có được những chất liệu dưỡng sinh để tạo thành một quê hương Việt Nam muôn thuở. Quê hương của ta thật sự còn xa vời trong tâm tưởng. Những vùng tận cùng của quả địa cầu - dầu lạnh hay nóng - như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Canada, Alaska hay Sydney (Úc), Tunis (Bắc Phi Châu), người Việt Nam ta đều có trồng được rau thơm, rau sống cả. Cho hay cái mùi vị quê hương nó đậm đà đến thế và hy vọng rằng con cháu của chúng ta còn thưởng thức được những món ăn thuần túy dân tộc ấy.

Có lẽ người Việt Nam chúng ta ai cũng sợ con của mình quên ăn cơm mà chỉ thích bánh mì đen của Đức hay Hamburger, McDonal của Mỹ... Và có lẽ người Việt Nam chúng ta cũng còn cầm đũa được chứ không quên?

Chúng ta nên bắt chước người Tàu, người Nhật, chứ đừng bắt chước người Mỹ, người Tây. Vì sao chúng tôi lại nói thế? Vì trong lúc này Âu Châu theo Đạo Phật ngày càng đông hay ngay cả Mỹ châu cũng vậy. Trong khi đó người tỵ nạn Cộng sản Việt qua đây, hay khi còn ở trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á bỏ Phật theo Chúa khá nhiều. Đành rằng tôn giáo nào cũng dạy cho con người tránh chuyện dữ làm việc lành cả, nhưng chúng ta không nên làm việc ấy. Vì người nào có tôn giáo nào thì cứ giữ tôn giáo ấy. Trừ phi chúng ta không muốn theo đuổi nữa. Chúng ta theo một tôn giáo không vì lợi lạc riêng cho cá nhân chúng ta, mà vì chúng ta muốn hướng đời sống tinh thần của mình đến một sự an vui giải thoát hơn.

Những ngày ở Houston tôi cũng gặp lại rất nhiều người từ Việt Nam hay từ Nhật sang định cư ở đây. Chúng tôi cũng đã đi xem nhiều nơi như phố Tàu, phố Việt và Trung tâm hàng không vũ trụ Nasa của Mỹ. Trung tâm này được xây cất trên một khu đất rất rộng, hơi xa thành phố, để có đủ diện tích dành cho việc trang bị máy móc thiết bị cũng như những bộ phận của các hỏa tiễn đã lên cung trăng trong những năm trước. Ở đây chúng ta có thể xem được những y phục cũng như những dụng cụ cần thiết của một phi hành gia trong khi du hành hay lúc ngủ, lúc ăn v.v... trên không trung.

Tôi rời Houston để đến Los Angeles, nơi có người tỵ nạn Việt Nam đông nhất nước Mỹ, và cũng là nơi có nhiều chùa chiền Việt Nam hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trước đây Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã tốt nghiệp tiến sĩ văn chương tại Đại Học Waseda ở Nhật, sang mở Thiền Đường và chùa Phật giáo Việt Nam để dạy Thiền cho người Mỹ. Sau hơn 15 năm ở Mỹ (kể từ 1966 đến 1980) Hòa Thượng đã tạo dựng được 11 cơ sở, kể cả Đại Học Đông Phương (Oriental University), chùa Di Đà, Tiêu Diêu House v.v... Từ đó, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ có một cơ sở và nền tảng văn hóa đối ngoại khá vững vàng. Sau này có quý vị Thượng Tọa, Đại Đức tiếp nối sứ mệnh cao cả đó như Thượng Tọa Thích Mãn Giác, Thượng Tọa Thích Đức Niệm (Tiến sĩ), Thượng Tọa Thích Thiện Thanh (Tiến sĩ) v.v... Ngoài ra ở đây còn có chùa Quan Âm, chùa Vĩnh Nghiêm, Phật Học Viện Quốc Tế. Đây là chỗ dừng chân đầu tiên của chư Đại Đức Tăng Ni Việt Nam khi mới đến đất Mỹ, và đây cũng là nơi đến đầu tiên của một số gia đình tỵ nạn Việt Nam được chùa bảo lãnh mới từ bên đảo sang.

Độ năm bảy ngày sau, tôi rời Los Angeles lên San Francisco để thăm Chùa Từ Quang do Thầy Tịnh Từ trụ trì.

Tôi đi thật nhiều nơi, đến thật nhiều chỗ, nhiều chùa, nhưng chưa có chùa nào đẹp bằng chùa này. Cái đẹp tuy đơn sơ nhưng cũng làm cho ta hiểu được rằng sự bài trí ngăn nắp ấy là do sự xếp đặt có trật tự của vị Trụ trì, sự khéo léo của một vị Thầy trẻ tuổi, nhưng thật nhiệt tâm đối với Đạo, với Đời. Trên chánh điện, một không khí Việt Nam từ hòa, êm dịu, trang nghiêm thầm kín... làm cho tín giả có cảm tưởng thoát trần khi bước vào chốn tôn nghiêm này.

Rất tiếc thời gian quá ít, tôi chỉ ở lại đây một ngày và hai đêm, nhưng dư âm nào đó vẫn làm cho tôi lưu luyến mái chùa. Mặc dầu vậy tôi vẫn được Đại Đức Tịnh Từ hướng dẫn chúng tôi đến San Jose để thăm chùa Giác Minh và Hòa Thượng Thanh Cát. Đến đó chúng tôi gặp Sư Bà Đàm Lựu, người trước đây du học tại Đức, sau về làm Giám Đốc Cô nhi viện Lâm Tì Ni tại Việt Nam, mới trốn nạn Cộng sản chạy sang đây trong mấy tuần trước đó. Chúng tôi có hầu chuyện thật lâu với Hòa Thượng và Sư Bà về hiện tình Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại cũng như quốc nội và tại Mỹ. Hòa Thượng có cho chúng tôi biết sơ qua về những sinh hoạt của chùa cũng như việc kiến tạo ngôi Đại Hùng Bảo Điện.

Sáng hôm sau, vào lúc tờ mờ sáng, Đại Đức Tịnh Từ đưa tôi lên phi trường để trở lại Los Angeles. Sau khi đến Los Angeles, tôi được một người bạn đưa đến chợ Bến Thành để xem và mua một số sách vở Việt ngữ ở những tiệm gần đó cho thư viện chùa Viên Giác, Tây Đức. Tôi vẫn thường hay nói chuyện với người Việt Nam rằng: Nếu ai muốn sống như ở Việt Nam thì hãy lập nghiệp tại Paris, nếu muốn mau giàu có phát đạt thì hãy sang Mỹ hay Úc, ai muốn sống bình thản không giàu mà cũng chẳng nghèo thì hãy ở Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch v.v... Có người cười, nhưng đó là sự thật, vì chính tôi là nhân chứng trong những khung trời tự do ấy.

Chiều thứ bảy hôm ấy tại Phật Học Viện Quốc Tế, Thượng Tọa Giám Đốc có cử hành lễ cầu an cho một số Phật tử, và nhân tiện đó Thượng Tọa Đức Niệm có nhờ tôi trình bày về những hoạt động Phật sự tại Âu Châu của Tăng Tín Đồ Phật giáo Việt Nam mình. Tôi đã nhận lời và có trình bày sơ qua về cách tổ chức cũng như cơ cấu Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu trong đó có Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo và một vài nước lân cận khác.

Tối hôm đó, Thượng Tọa Mãn Giác có mời một số anh chị em sinh viên, học sinh Phật tử đến chùa Phật giáo Việt Nam dùng cơm chay đạm bạc và sau đó có bàn qua về việc chuẩn bị thành lập một đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam ở vùng này. Bữa cơm chay thật đạm bạc, nhưng những tâm hồn non trẻ đã thành thật vui vẻ luận bàn để đi đến một điểm chung, như không khách sáo gì ở chốn thiền môn.

Ngày hôm sau, sau phần lễ Phật tôi được Hoà Thượng Thiên Ân - Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương (lúc Ngài còn tại thế) nhờ trình bày về tình hình Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu. Cũng như nơi Quốc Tế Thiền Viện, tôi đã lần lượt trình bày những sinh hoạt cũng như những diễn tiến Phật sự tại đây, nhưng tiếc rằng vì thời giờ quá ít và bà con đạo hữu Phật tử quá mỏi mệt qua một thời kinh dài nên tôi ngưng sau 20 phút trình bày những điều đại cương muốn nói.

Trong bữa cơm ngọ tại chùa Phật giáo Việt Nam, tôi đã có cơ hội được hầu chuyện với tất cả chư tôn giáo phẩm, chư Đại Đức Tăng Ni Việt Nam tại đó, và quý ngài có hứa rằng trong một dịp nào đó, nếu hội đủ nhân duyên sẽ sang Âu Châu để duyệt lãm tình hình.

Độ một tuần sau, tôi nhờ người quen đưa sang phi trường Los Angeles để đi đến Seattle - một thành phố đầy ống khói và là một khu kỹ nghệ như Shinagpa của Nhật Bản.

Đến Seattle vào một buổi chiều khá đẹp, sóng yên, gió lặng, nhưng lòng người bỗng dưng buồn và không một điều gì có thể làm cho lòng tôi vui được. Thành phố Seattle không dơ nhớp như Washington DC, không nóng bức như ở Miami, cũng chẳng phải buồn tênh như Gainesville, Shreveport. Lại cũng không phải hiền hòa như Houston,ồn ào như Los Angeles hay đẹp đẽ dịu hiền dễ mến như San Francisco. Nó có cái đẹp hồn nhiên của nó. Thành phố mang một nỗi buồn thâm sâu khó tả. Đứng trên đồi cao nhìn xuống như tự thấy mình đang đứng trên một điểm tột cùng của vũ trụ, lặng lẽ, cao thâm...

Ở lại Seattle trong vòng một tuần lễ, tôi đã được đi thăm khá nhiều nơi trong thành phố cũng như những nơi lân cận dưới sự hướng dẫn của Thầy Nguyên Đạt và một số anh em Phật tử khác.

Sau đó, tôi rời Seattle đi Vancouver thay vì đi New York như chương trình đã định. Khi đến biên giới Canada và Mỹ, chúng tôi lại phải làm một số thủ tục nữa như lúc mới vào nước Mỹ. Người gác cổng biên phòng hỏi tôi:

- Ông có trở lại Mỹ nữa không?

- Tôi sẽ không trở lại.

- Ông đến Canada có việc gì?

- Để thăm những cộng đồng Phật giáo Việt Nam nơi đây và thăm một vài người quen như lần trước tôi đã đến.

Nhớ lại lần đầu tiên khi mới vào Mỹ, một nhân viên biên phòng đã hỏi tôi rằng:

- Ông vào Mỹ để làm gì?

- Đến để thăm những người đồng hương Việt Nam và những cơ sở Phật giáo tại đây.

Người nhân viên đưa mắt nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi:

- Ông có biết rằng đã có rất nhiều tu sĩ Việt Nam đi du lịch vào đây và ở lại luôn không?

- Tôi có nghe điều đó, nhưng tôi thì khác, vì đã có cơ sở tại Tây Đức.

Tôi đắn đo suy nghĩ cho những việc làm của họ và trả lời một cách rành mạch tử tế để đi qua cho khỏi một ải địa đầu, nên cũng không muốn dây dưa dài dòng văn tự.

Rừng thu Canada

Vancouver là một thành phố lớn thứ 3 của Canada sau Montreal và Toronto nằm về phía cực nam, có nhiều người Trung Hoa cư ngụ, cũng là một thành phố buôn bán phồn thịnh nhất nhì miền đông nam Canada.

Tôi lại rời Vancouver để đi Ottawa bằng phi cơ, vì ở đó Hội Phật giáo đã được thành lập xong và Quý vị trong Ban Trị Sự Hội muốn ngày ra mắt có sự hiện diện của tôi, ít ra cũng để chứng tỏ một thiện chí vượt bực, vì chỉ trong vòng một tháng mà mọi cơ cấu căn bản Hội Phật giáo nơi đây đã tổ chức xong.

Bước ra khỏi hành lang của phi trường, tôi đón nhận ngay cái lạnh giá buốt của Canada, thay vì nắng gắt của Houston bên Texas.

Sau buổi lễ ra mắt Hội, tôi được một vài vị Phật tử hướng dẫn đi thăm rừng thu của Canada.

Đi trong rừng Gattineau của Ottawa tôi cảm thấy như mình bị lạc vào trong một cảnh thần tiên, dị ảo nào đó mà trong những truyện cổ tích thường hay nhắc đến. Những chiếc lá thiên nhiên treo lủng lẳng trên cành cây ngọn cỏ trông đẹp vô ngần. Cây thì màu vàng, cây thì màu đỏ sậm, màu nâu, chen lẫn với màu xanh tươi của cây tùng, cây bách tạo nên một khung cảnh muôn màu muôn vẻ. Nếu nhìn kỹ một cây ta thấy có đến sáu bảy màu chứ không phải một hai màu như khi vừa nhìn thoáng bên ngoài. Đã biết bao nhiêu mùa thu đến và đi trong lòng người tu sĩ, tại quê hương, tại Nhật Bản hay Âu Châu, nhưng có lẽ mùa thu Canada là mùa thu đẹp nhất trong đời tôi.

Ngày xưa các thi sĩ đã diễn tả mùa thu của Việt Nam đìu hiu, thê thảm và đẹp đẽ bao nhiêu trong thơ văn, hội họa, thì ngày nay ở nơi đây và chốn này là những hình ảnh linh hoạt nhất. Nếu những thi sĩ tiền chiến ấy còn sống sót trong hậu bán thế kỷ 20 này và có lần họ đi Canada để xem mùa thu thì họ sẽ vui chứ không buồn và còn sáng tác được nhiều bài thơ tuyệt mỹ khác, hay họa nên được những bức họa có hồn thơ mà trong đời họ chưa bao giờ có lần được liên tưởng đến.

Tôi nghe nói rằng cứ mỗi lần thu đến, lá vàng rơi thì từng đoàn người từ Á sang Âu, từ Âu đến Nam Mỹ đã đổ xô về Canada để xem hình ảnh nên thơ ấy. Điều đó chứng tỏ mùa thu Canada đẹp đến ngần nào... Đã biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ ca tụng mùa Thu Paris trên sông Seine hữu tình, thơ mộng, hay những chiếc lá vàng rơi lả tả trải dài trên những đại lộ rộng thênh thang, dệt nên những gấm hoa và trang trải cho cái đẹp của thiên nhiên thêm phần kỳ diệu, nhưng cũng chưa bằng mùa thu ở đây. Dầu mùa thu Paris có nên thơ, thu Đông Kinh có nhiều nỗi mơ, niềm nhớ, thì thu Canada là tất cả, không thể thiếu một trong những điều trên, ở dưới bất cứ một hình thức nào. Có lẽ tạo hóa đã dành sẵn cái đẹp này và chỉ ưu đãi cho một xứ hay băng giá vào đông, nên những khách lãng du cũng không ngạc nhiên gì mấy. Cho nên, nếu ai có cơ hội đến Canada thì hãy chọn mùa thu, đến đó để nghe lòng mình thổn thức, và cũng nên đến mùa xuân để xem hoa tulip muôn màu.

Tôi ngẩn ngơ đi trong rừng thu Gatineau mà như mình đang đi trong niềm mộng. Thỉnh thoảng chúng tôi lại dừng chân để chụp một vài tấm hình làm kỷ niệm. Đi mà như lòng mình không muốn rời khỏi rừng thu này, nhưng giờ cơm trưa đã đến, nên chúng tôi đành vội vã giã từ, mang theo trong lòng biết bao nhiêu là nuối tiếc.

Ngày hôm sau, tôi rời Ottawa để về lại Montreal bằng xe bus. Trên đường đi rất tiếc đã không được xem lá vàng như điều mình dự tưởng, mà tuyết bay phất phới khắp bầu trời đã phủ lên những tấm thảm của thiên nhiên dệt bằng nhiều màu sắc ấy một màu trắng toát như sợi buồn trải dài trên một xứ đồi cô quạnh.

Đón tôi tại bến xe bus lần này cũng là vài người Phật tử quen như lần trước, tại bến xe, trong khi tôi ngồi chăm chú đọc quyển kinh Di Đà bằng tiếng Anh do một người Đức tên là F. Max Muller dịch từ tiếng Sanskrit (Bắc Phạn). Kể cũng lạ lùng, khi đọc Kinh Di Đà bằng chữ Hán tôi thấy mình gần như hòa hợp vào với bản thể của kinh điển, nhưng khi đọc một câu văn kinh tiếng Đức hay tiếng Anh nghe nó trổi giọng làm sao. Dù cho tiếng Nhật có sao đi chăng nữa vẫn còn dễ nghe hơn là một loại ngoại ngữ Âu Châu nào khác. Bởi thế cho nên người Âu Châu hay Mỹ Châu theo Đạo Phật ít có tụng kinh như người Á Châu mà hay nghiên cứu giáo lý nhà Phật nhiều hơn. Nếu có tụng chỉ tụng tiếng Pali (Nam Phạn) chứ không tụng tiếng địa phương.

Ví dụ như mở đầu bất cứ kinh nào Ngài A Nan cũng bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn”- tiếng Việt nghĩa là “Ta nghe như vầy”, trong khi đó tiếng Đức phải dịch một cách dài dòng như thế này mới đúng “Aus des Heiligen eigenem Munde habe ich diesesgehort und aufgernommen”. Hoặc tiếng Nhật “nyo ze ga mon” hoặc tiếng Anh “I've heard so from the Buddha”.

Nếu chúng ta tụng những tiếng ấy bằng ngoại ngữ chắc rằng chư thiên hoặc long thần Hộ pháp cũng khó hiểu nốt. Do đó, tôi vẫn yêu tiếng Việt Nam hơn, vì tiếng Việt Nam có nhiều thanh hơn, nên người tụng hoặc đọc khỏi cần phải uốn lưỡi nhiều lần như tiếng Anh, Pháp hay Đức. Âm nhạc của Việt Nam cũng thế, mà kinh kệ bằng tiếng Việt Nam cũng thế, không phải khi vào chùa ai muốn tụng sao cũng được đâu. Người tụng kinh phải biết bắt đầu chỗ nào và chấm dứt chỗ nào, khi nào lên giọng, khi nào xuống giọng, chứ từ đầu chí cuối chỉ tụng có một giọng thì hỏng mất cả thời kinh, mà người tụng kinh không thấy tâm hồn mình yên tĩnh thoải mải một tí nào cả, ngược lại những phiền não của nội tâm lại dâng lên nơi tâm thức. Người tụng kinh phải bắt đúng giọng với nhịp mõ, nhịp chuông cũng giống như người ca sĩ hát theo đúng điệu đàn, nốt nhạc. Nếu đánh mõ một đàng tụng một nẻo thì chẳng khác gì những “nghệ sĩ bất đắc dĩ”phải lên khán đài để trình bày một nhạc phẩm lấy lệ cho xong bổn phận. Tụng kinh quyết không phải thế, mà phải đem hết tâm tư mình chú ý vào lời kinh và tụng thật đều, đúng giọng theo vị chủ lễ...

Tôi mãi miên man suy nghĩ không để ý gì đến những biến chuyển ở chung quanh, vội vã đứng lên để vào xe đi về gian phòng mà tháng trước đây tôi đã dừng chân.

Gian phòng nơi đây vẫn yên lặng đợi chờ và một không khí đơn côi lại phủ kín đó đây như thầm trách rằng “sao lâu quá mà người đi như không thấy trở lại”. Chỉ có khác là trong biệt thự lộng lẫy hôm nay có thêm một vài người khách quý đến từ xa như Mỹ và một vài địa phương khác. Họ đến đây để làm lễ tiểu tường (giáp năm) cho một người quá cố tại Paris. Mặc dầu tiếng nói tiếng cười rộn rã khắp nơi nhưng khung cảnh buồn thảm vẫn còn.

Tôi ở lại đây những ngày cuối cùng của chuyến công du này, cứ mỗi sáng tụng Lăng Nghiêm, mỗi tối ngồi thiền và tôi chờ cho đến ngày cúng tiểu tường để rồi sau đó về lại Tây Đức.

Những câu xướng tụng trong lúc làm lễ đã làm cho nhiều người cảm động đến rơi lệ như:

“Hữu sanh hữu tử hữu luân hòi
Vô sanh vô tử vô khứ lai
Sanh tử khứ lai đô thị mộng
Tốc phao trần thế thượng liên đài.”

Nghĩa là:

“Có sanh có tử có luân hồi,
Không sanh không tử, không đến, đi.
Sanh, tử, đến, đi đều là mộng,
Mau lìa trần thế lên tòa sen.”

Hoặc là:

“Nhất niệm Di-đà vô biệt niệm,
Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.”

Nghĩa là:

Một câu Di-đà không tạp niệm,
Chẳng nhọc khảy móng tay đã đến thẳng Tây Phương.”

Hoặc những câu này cũng đã giúp cho nhiều người hiểu được thuyết vô thường của nhà Phật:

“Phụ mẫu tình thâm chung hữu biệt
Ân tình nghĩa trọng giả phân ly
Sanh hà tử thị tổng qui không
Phật dữ chúng sanh nhất lý đồng
Sự đại vô thường na tấn tốc
Địa Tạng Từ tôn tiếp độ hương hồn.

Nghĩa là:

“Cha mẹ tình thâm đà cách biệt
Ân sâu nghĩa nặng phải chia ly
Việc sanh việc chết lại hoàn không
Phật và chúng sanh đều đồng một thể
Vì cuộc đời vô thường, nên hãy mau lên
Niệm danh hiệu của Ngài Địa Tạng để tiếp dẫn hương hồn.

Nếu ai có tâm sự buồn thì những câu xướng tụng như trên nghe mới thấm sâu vào gan dạ, còn đối với những kẻ bàng quan thì không nên nói làm gì.

Thấm thoát mà chuyến đi Canada và Mỹ của tôi đã gần một tháng rưỡi, nên vội thu xếp hành trang để về chốn xưa chùa cũ. Mọi người Phật tử nơi đây trông có vẻ buồn rầu, nhưng tôi hiểu đó là tất cả những sự thường tình của nhân thế.

Rời Canada và Mỹ quốc trong bao ngàn ánh mắt đợi trông và hy vọng ở sự tái ngộ trong tương lai dầu cho sớm hay muộn. Tôi đã gởi niềm tin yêu nơi đời trong niềm tin làm việc Đạo của mình và nguyện cầu Chư Thiên, chư Phật gia hộ cho tất cả mọi người và mọi loài được gặp nhiều hạnh duyên trong việc Đời cũng như việc Đạo.

Kể từ đó đến nay không những chỉ đi một chuyến này, mà cá nhân tôi đã hân hạnh đi thêm nhiều lần nữa để làm việc Đạo cũng như để thăm viếng một số cơ sở Phật giáo của người Việt Nam chúng ta khắp nơi trên xứ Mỹ.

Chuyến đi Mỹ đầu tiên vừa qua của tôi đã đánh dấu một sự quan hệ cần phải có của Phật tử châu lục này đối với châu lục khác và cũng là một sự ngoại giao tối thiểu cần thiết trong lúc này.

“Một con én không làm nên mùa xuân” nhưng nên cố gắng để một mùa xuân được có nhiều cánh én hơn là không có một con én nào cả. Cững như “Chiếc áo không làm nên thầy tu” (Lhabít ne faít pas le moin), nhưng nếu không có chiếc áo thì cũng chưa gọi là một tu sĩ được. Chúng ta không quá khắt khe nhưng cũng đừng nên quá dễ dãi. Vì quá gay gắt sẽ tạo ra một sự cực đoan và quá dễ dãi sẽ làm cho người ta dễ rơi vào hố vọng tưởng. Do đó, nên đi theo con đường “trung đạo” của Đạo Phật là hay nhất.

Trên đây là những điểm chính, tôi vội ghi lại vài dòng để sau này nếu quý vị trong chúng ta có cơ hội đi sang thăm Bắc Mỹ thì đây là một hành trang nhỏ gọn cho những ai muốn làm quen với xứ văn minh này trong lúc còn bỡ ngỡ bước đầu.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gõ cửa thiền


Quy Sơn cảnh sách văn


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Sen búp dâng đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.140.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...