LỜI GIỚI THIỆU - Nhân lần tái bản năm 2020
Xin chào nhau giữa con đườngMùa xuân phía trước miên trường phía sau(Bùi Giáng - Mưa Nguồn)
Nghĩ cho cùng cuộc đời dài của con người chính là những bước đi - không hơn không kém. Đó là những bước khập khiễng từ khi lọt lòng mẹ cho đến các bước run rẩy trước khi bước vào quan tài. Điều quan trọng nhất là kẻ lữ hành phải luôn sáng suốt và lạc quan để nhận biết “mùa xuân phía trước”. Dầu sao đi nữa, dù muốn hay không mình vẫn phải bước đi.
Đã có thời xa xưa người ta tin rằng trái đất này là một mặt phẳng có hình thù như chiếc đĩa ăn. Thuở ấy, lúc dừng chân đứng trước đại dương bao la, phóng tầm mắt ra xa mà không bị các vật thể như cây cối nhà cửa che khuất, người ta đã lầm tưởng rằng cái lằn gạch cuối ở phía chân trời xa là đường kết thúc của trái đất. Ấy là thời mà con người còn tin rằng trái đất đứng yên và tất cả hành tinh, kể cả mặt trời, quay chung quanh trái đất.
Nhưng không, lầm to! Trái đất này vẫn quay. Trái đất quay đều quanh mặt trời và cũng quay vòng theo chính trục của tự nó. Nghĩa là trái đất này cũng đang đi, đi liên tục không ngừng nghỉ. Tội nghiệp cho những trí tuệ lớn của nhân loại như các nhà thiên văn đã từng phải bị đày đọa, bị quản thúc, bị nhục mạ … vì họ đã dám nghĩ khác theo đúng tinh thần khoa học. Người ta còn nhớ rành rẽ chuyện bác học Galileo Galilei (1564-1642) bị Tòa án Dị giáo của La Mã dùng mọi nhục hình buộc ông phải thú nhận rằng ông đã sai lầm khi lên tiếng bênh vực cho thuyết Nhật Tâm (mặt trời đứng yên). Quá bận tâm cho gia đình có thể bị vạ lây và lo lắng cho cuộc sống của con cái, cụ già 69 tuổi ấy đành phải chịu nhục quỳ gối trước nhà thờ và cúi đầu nói: “Tôi xin từ bỏ ý nghĩ sai lầm của mình, rằng mặt trời là trung tâm của vũ trụ.” Nhưng lúc đứng lên ông lẩm bẩm trong miệng: “Eppur si muove!” (Dù gì thì trái đất vẫn quay.)
Sau này, có rất nhiều nhà du hành đã đi vòng quanh trái đất để chứng minh rằng trái đất này là một quả cầu. Họ có thể mang tên là Christoph Columbus, là Marco Polo, Ferdinand Magellan… hay Huyền Trang. Họ chính là những người đã dạy cho ta một bài học, cho ta biết rằng: “Đường đi không biên giới“. Không biên giới kể cả khi đã đi giáp một vòng trái đất. Không biên giới vì một lẽ rất đơn giản: “Đạo là đường, đường là đạo.”
Phàm phu thường ngày đi chỉ vì đi, vì bị cuộc đời “xô đi”. Đi cho hết khoảng đời trên cõi thế. Thức giả đi để nhìn thấy và chiêm nghiệm về nhân sinh. Đi cũng là cách để hành đạo. Đức Phật từng dạy rằng, giáo pháp của Ngài có 84.000 pháp môn, tức là 84.000 con đường. Con đường đó gọi là đạo. Đạo là những con đường.
Tác giả quyển sách này, Hòa thượng Thích Như Điển đã đi và ghi lại với một phong thái như thế. Ví dụ, một hôm tác giả lang thang ở vùng sa mạc Phi châu (Tunésie), khi đứng nhìn những bầy thú trong một buổi hoàng hôn và chiêm nghiệm:
“Trong sa mạc chỉ có một vài con lạc đà đi lững thững đó đây để tìm thức ăn vật uống, nhưng có lẽ lạc đà phải chịu đựng 5 đến 7 ngày như vậy mới có thể tìm được một cây cỏ khô hay một vài vật đã bị thiêu cháy, quả thật khổ sở vô cùng. Thế nhưng Đức Phật có dạy rằng: ‘Cái khổ của con lạc đà chở nặng trong bãi sa mạc ấy cũng chưa gọi là khổ. Chỉ có con người ngu si không trí tuệ, ấy mới thật là khổ.’ Như vậy đủ thấy sự ngu si của con người đáng sợ biết chừng nào!”Viên Giác Tùng Thư xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Đường Không Biên Giới” đến bạn đọc gần xa. Bằng giọng văn kể chuyện, tác giả sẽ dẫn dắt chúng ta đi với phong thái như thế trên các nẻo đường Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi... gặp đủ các hạng người, có mặt ở nhiều lễ hội hay đạo tràng tu tập.
Trân trọngĐức quốc - tháng 8 năm 2020mùa đại dịch CoViD-19Viên Giác Tùng Thư
__________________
LỜI DẪN(cập nhật cho lần tái bản 2020)Đường Không Biên Giới là một tập ký sự do Đại đức Thích Như Điển (bây giờ là Hòa Thượng) ghi lại qua những chuyến đi Phật sự khắp năm châu bốn bể từ năm 1979 -1987. Sách do Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật giáo Việt Nam tại Đức xuất bản lần thứ nhất 1.000 cuốn gồm 2 thứ tiếng Việt và Đức vào năm 1987 dưới sự bảo trợ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức, Đặc trách vấn đề Tôn Giáo và Văn Hóa.
Ấn bản lần thứ nhất 1.000 cuốn gồm 2 thứ tiếng Việt và Đức. Phần dịch sang tiếng Đức do Đạo hữu Nguyễn Ngọc Tuân và Đạo Hữu Nguyễn Thị Thu Cúc đảm trách. Hình bìa do chú Thiện Tín (bây giờ Thượng Tọa Hạnh Tấn) trình bày. Hình bìa được minh họa bởi hai cảnh trí hợp lại. Đó là rừng thu Gatinau tại Ottawa, Canada và cảnh Hagi tại Nhật Bản.
Tái bản cho ấn bản trên mạng điện tử qua mạng toàn cầu Amazon: Tháng 8/2020 – được chia hai phần tiếng Việt và tiếng Đức thành 2 cuốn sách riêng.
Tái bản qua United Buddhist Publisher: Tháng 8/2020
______________________
THAY LỜI TỰA
Lâu thật là lâu, quyển “Đường Không Biên Giới” hôm nay mới có dịp đến tận tay, tận mắt quý độc giả xa gần.
Có nhiều độc giả đã theo dõi phần này ngay từ những ngày đầu được xuất hiện trên những trang báo nghèo nàn khổ A5 của Viên Giác bộ cũ vào những năm 1979-1980. Cũng có nhiều vị bắt đầu biết đến phần này trong những số Viên Giác mới từ đầu hay những ngày tháng gần đây.
Có nhiều độc giả đề nghị với chúng tôi là nên in thành sách để phổ biến, nhằm giới thiệu những cảm tưởng, địa danh, nhân vật... những việc, những nơi mà chúng tôi đã đi qua cũng như đã biết đến.
Cách đây chừng 3 năm, chúng tôi có gửi một số câu hỏi trắc nghiệm đến quý độc giả về các tiêu đề trong báo Viên Giác mà tờ báo đã chủ trương để xem xét ý kiến của quý độc giả nhằm cải tiến tờ báo ngày càng phong phú hơn. Trong phần cảm tưởng viết về “Đường Không Biên Giới”, có vị cho rằng: “Rất thích phần này. Vì có thể hiểu được tâm sự của một người Tăng sĩ.” Vâng, đúng thế, có lẽ đây là một trong những câu trả lời gần đúng nhất mà chủ đề cũng như nội dung chúng tôi muốn gửi đến các độc giả xa gần.
Đã gọi là “Đường Không Biên Giới” thì không có lý do gì để người viết tạo thành biên giới đối vói người đọc, nhưng đây chỉ là một biên giới tạm để kết thúc một đoạn đường thôi. Trong tương lai quý vị sẽ có dịp đọc một tác phẩm khác, không là trường thiên tiểu thuyết, nhưng cũng là tâm sự của một người tu dưới cái nhìn về cuộc đời cũng như nẻo đạo.
Sở dĩ có được tác phẩm này là do sự đốc thúc của các độc giả xa gần, sự trợ lực của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức đặc trách vấn đề Tôn Giáo và Văn Hóa, cũng như sự tận tâm giúp đỡ của quý Phật tử xa gần, nên tác phẩm này mới có cơ hội đến với quý vị ngày hôm nay được.
Riêng chúng tôi có cơ duyên đi khắp đó đây là nhờ hoàn cảnh cho phép trong khi hành đạo cũng như truyền đạo, nhằm mang ánh sáng của đạo từ bi giác ngộ của đấng Thế Tôn đến khắp nhân quần. Đó là ơn của tất cả chúng sanh. Một trong bốn ơn nặng mà một người tu không thể nào thiếu được.
Mong rằng tác phẩm này sẽ góp mặt một phần nhỏ với đời cũng như với đạo và ước mong ý kiến củà quý độc giả xa gần sau khi đã đọc tác phẩm này.
THÍCH NHƯ ĐIỂN Viên Giác tự, mùa Phật Đản năm 2351 (1987)