Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 5. Chuyện châu Âu: Nước Đức - Phần 1 »»

Đường Không Biên Giới
»» 5. Chuyện châu Âu: Nước Đức - Phần 1

Donate

(Lượt xem: 3.718)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 5. Chuyện châu Âu: Nước Đức - Phần 1

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đối với những người sống tại Âu Châu có lẽ mong mỏi biết về Mỹ Châu hay Úc Châu nhiều hơn, ngược lại những người sống ở ngoài Âu Châu mong hiểu về Âu Châu, nên bài viết này dành riêng cho những độc giả ngoài Âu Châu vậy.

Thật ra về Âu Châu tôi đã viết rồi, viết từ khi tôi mới “ngỡ ngàng” đặt chân đến phi trường Hamburg của Đức sau 18 tiếng đồng hồ bay từ Nhật Bản qua Alaska, cách đây hơn 5 năm về trước. Nhưng những gì ghi vội lúc ban đầu hôm nay nhận thấy còn thiếu sót khá nhiều nên viết lại lần nữa để làm quà cho những vị ở xa.

Còn về Á Châu tôi cũng đã viết rồi, viết cách đây hơn 7 năm về trước và đã đăng trong tạp chí Khuông Việt xuất bản tại Tokyo về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục, văn hóa, tập tục v.v... của Nhật Bản, hay gần đây nhất trong quyển “Giọt mưa đầu hạ” do chùa Khánh Anh tại Paris xuất bản, cũng đã trình bày rất nhiều về Á Châu, nơi mà tôi được dưỡng sinh ra, làm việc, học hành, tu niệm... Nhưng để khỏi phụ lòng bạn đọc, tôi sẽ cố gắng ghi chép lại thiên ký sự Á Châu, sau khi loạt bài về Âu Châu chấm dứt.

Ngày xưa khi còn là một chú tiểu đang tu niệm trong một ngôi chùa Tổ Đình tại miền Trung xứ Việt, tánh tôi thường hay cãi bướng. Vốn sinh ra từ Quảng Nam, nên tôi bị cái bịnh ấy. Vì ông bà ta vẫn thường nói là:

“Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định hay co
Thừa Thiên ních hết.”

Mà quả thật là như vậy, nếu ai lỡ sinh làm người Quảng Nam thì khỏi phải nói, cãi dữ lắm. Thổ âm của người Quảng Nam cũng nặng vô cùng, nhất là những vùng ở Sơn Khánh, Sơn Thanh quận Quế Sơn, hay quận Duy Xuyên v.v... Người Quảng Nam đi đâu cũng bị nhái tiếng. Họ khó chịu lắm, vì họ quan niệm rằng: “Chém cha không bằng pha tiếng.” Tuy nhiên, người Quảng Nam thì chất phác, thật thà vô cùng. Chỉ cái đầu hơi “cứng” một tí xíu thôi.

Chẳng thế mà một chú tiểu năm xửa năm xưa thường hay bị Thầy Bổn Sư quở rằng: “Đa văn hữu khổ.” Văn ở đây không còn là sự nghe, sự thấy hay văn chương thi phú, mà là sự cãi bướng của tôi, nên Thầy Bổn Sư thường hay bảo rằng: “Mới học có mấy chữ mà đã giở trò, dầu cho con có học bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không bằng bài kinh Bát-nhã đâu con.” Lúc ấy tôi nghe lời dạy của Thầy khả kính chỉ biết cúi đầu đi về nơi hậu liêu để nghiệm lại thử lời của Thầy mình có đúng hay không, nhưng ý nghĩa thâm thúy của hai chữ “Bát Nhã” vẫn chưa hiểu được mặc dù vẫn đọc tụng hằng ngày mỗi khi dâng cơm cúng Phật, cúng quá đường, hay thời Tịnh Độ và công phu khuya.

Nhìn vào chữ Hán viết là “般若 - Bàn Nhược” mà đọc ra âm là Bát Nhã kể cũng lạ. Nếu đọc Ma Ha Bàn Nhược Ba La Mật Đa Tâm Kinh có lẽ khó nghe hay sao mà quý tổ sư cho đọc là “Bát Nhã”, còn chữ Phạn thì là “Maha Prajñā Paramitta Sutra”. Nhưng nghe vị Thầy khả kính dạy vậy thì biết vậy thôi chứ không dám cãi nữa. Vì cái học của Á Đông mình ngày xưa nay vẫn là vậy. Học là học lại sự hiểu biết của vị Thầy, chứ ít có khả năng phát hiện tri thức của mình bằng sự nghiên cứu hay tự học hỏi. Còn Âu Châu thì ngược lại.

Đương nhiên chú tiểu ngày xưa không phải như bây giờ, nên càng ngày tôi càng thấy lời nói của Thầy tôi thật hiệu nghiệm và thấm thía hơn.

Sau bao nhiêu năm học tập với sách đèn, với kinh kệ, với mõ với chuông, thấy cái gì cũng đạt được, nhưng cái Bát-nhã, cái trí tuệ siêu việt vẫn chưa đạt được, nên mới thấy lời Thầy là đúng, chẳng sai chút nào. Vì pháp Phật rất nhiệm mầu và là vua trong các pháp thế gian nên đâu có cái gì sánh kịp. Thật là “bất khả thuyết, bất khả tư nghì”...

Mà thật thế, đã có biết bao nhiêu Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đã đỗ biết bao nhiêu tấm bằng cử nhân, tiến sĩ hoặc ở trong nước hay ngoại quốc, về thế học cũng như đạo học, nhưng có một vị nào dám rời bài kinh Bát-nhã ra đâu. Bài kinh chỉ có vỏn vẹn 262 chữ, nhưng chứa đựng cả một triết lý về tánh Không của nhà Phật thật viên dung vô ngại. Cái gì cũng “không” hết cả thì cái bằng cử nhân, tiến sĩ cũng sẽ là không. Nếu có ai chấp có là chưa đạt được trí tuệ siêu việt của Bát Nhã rồi. Đó là người xuất gia, còn quý vị Phật tử tại gia cũng vậy, đi đến chùa đừng có mang cái bằng bác sĩ hay cử nhân của quý vị ra trình với Phật, vì Phật không thừa nhận đâu. Nếu có chỉ là thế học của quý vị chứ Đạo học không cần và trước khi vào Chùa nên để nó trước cổng chùa để cho chùa được trang nghiêm thanh tịnh. Nếu vào chùa còn mang tâm niệm cho rằng tôi là ông này bà nọ thì suốt đời cũng không được thấy Bát Nhã đâu. Lại còn có nhiều vị Bát Nhã đã không thấy mà còn thấy toàn chuyện nghiệp chướng nặng nề, quả thật khổ tâm vì:

Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?

Có người thì hiểu Đạo một cách lờ mờ, rồi chuyện có nói không, chuyện không nói có, bịa đặt ra chuyện này, phao tin ra chuyện nọ, toàn là những chuyện không đâu, không liên quan gì đến chuyện giác ngộ giải thoát cho mình cả mà lại thuộc làu làu, còn bài kinh Bát Nhã thì không thuộc và cũng chẳng thực hành theo. Nếu có hỏi họ tại sao vậy, thì được nghe trả lời rằng chữ Hán khó hiểu quá. Khó thì thật là khó, nhưng không phải là quá khó. Như việc tìm tòi chuyện sơ hở của kẻ khác hoặc ngồi lê đôi mách cũng là chuyện khó vậy. Vì có chịu khó nghe người này nói qua, người kia nói lại mới thuộc nằm lòng được, rồi lại còn “phát minh” thêm những điểm mới nữa, thêm chỗ này, bớt chỗ kia, tạo cho câu chuyện thêm hấp dẫn và ly kỳ, thì người nghe mới hả dạ, và bắt đầu đi nói lại với người khác nữa. Nếu chánh pháp của Đức Phật hay trí tuệ Bát Nhã của chính mình được truyền sâu rộng như vậy thì mọi người đã giác ngộ hết rồi, Ngài Địa Tạng đâu cần phải ở mãi dưới Địa Ngục để chờ cứu những chúng sanh mê muội ấy. Nên vì trí tuệ siêu việt của bài kinh Bát Nhã mà đến chùa hay học Đạo, chứ đừng vì nghiệp chướng mà làm cho thân và tâm ta phải đày đọa.

Nói đến Âu Châu hẳn phải nói về “trung tâm của vũ trụ”. Đó là Paris - Kinh đô Ánh sáng. Nhưng người Đức cũng nói rằng Munich-München mới là trung tâm điểm của Âu Châu. Như vậy dân tộc nào cũng có cái tự hào của họ và dân tộc Việt Nam chúng ta cũng thế thôi, và 4.000 năm lịch sử cũng bắt đầu từ sự tự hào này vậy.

Nói như Nguyễn Công Trứ trong bài “Chí khí anh hùng” đã mượn lời thơ của Văn Thiên Tường rất đúng:

人生自古誰無死
留取丹心照汗青

Nhân sanh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.”

(Xưa nay nào có ai không chết?
Lưu tấm lòng son sáng sử xanh.)

Và cũng chính do sự tự hào ấy nên ở đây đề cập tới quê hương của nước Đức trước. Nếu ai đó trong chúng ta đã ở Đức rồi thì có lẽ những ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn giáo, văn hóa chắc không có gì lạ cả. Nhưng những vị còn ở xa tận cực nam của quả địa cầu như Châu Úc hay cực bắc như Alaska, hoặc cực đông như Senegal của Châu Phi v.v... đều mong muốn có lần đặt chân đến Đức để xem thử nơi đây có gì lạ và đây là những cái hay cái lạ của người Đức.

Đức có món ăn đặc biệt là bánh mì đen mà người Việt Nam chúng ta nuốt chưa bao giờ trôi qua khỏi cổ, có đời sống hơi tự hào hơn những dân tộc trên thế giới là cặm cụi làm việc để du lịch khắp nơi. Đức chỉ có đại học công lập chứ chưa có đại học tư thục nào cả. Toàn thể nước Đức chỉ có chừng 30 hay 40 đại học tổng hợp, chả bù với Nhật hay Mỹ có cả 950 đại học vừa lớn, vừa nhỏ, vừa đại học ngắn hạn và đại học dài hạn, và trường tư ở Mỹ hay Nhật nhiều hơn là công lập.

Người Đức lạnh lùng, người Đức trầm lặng. Người Đức thích sống về nội tâm nhiều hơn là phô trương bề ngoài như bạn láng giềng Pháp ở bên cạnh v.v... Chừng đó chuyện cũng khó cho người Việt Nam chúng ta rồi.

Khó vì ta ăn cơm nóng mà họ bao giờ cũng ăn bánh mì lạnh, vì ngôn ngữ và cách phát âm của ta dùng giọng mũi mà họ thì dùng giọng cổ và tử âm lại nhiều hơn mẫu âm và dùng đa âm chứ không đơn âm như tiếng Việt. Xứ ta là xứ nóng, tất cả mọi sinh hoạt đều ở ngoài, ngược lại với người Đức cái gì cũng lo ngồi ru rú ở trong nhà. Có lẽ Nguyễn Khuyến sống tại Đức thì thích hợp hơn. Vì ông thường chủ trương rằng: “Ngoại diện bất cầu như mỹ ngọc, tâm trung thường thủ tự kiên kim” như trong bài Mẹ Mốc mà ai đã một lần học qua chương trình Việt Văn đệ nhị tại Việt Nam đều biết. Người Đức, hay nói đúng hơn người Tây Phương, sống có tính chất cá nhân và tiểu gia đình, trong khi đó người Việt Nam chúng ta, hay nói đúng hơn người Á Châu, sống có tính cách đại gia đình.

Ở đây hình như “mặt trời không bao giờ có thật”, một năm chỉ được có mấy ngày nắng mặn nồng. Trong khi đó tại quê hương ta nắng quá dư thừa. Ở đây người ta bắt tay thân mật dầu nam hay nữ, nhưng người Việt Nam chúng ta khoanh hai tay lại và khẽ cúi đầu. Đó là lễ phép, chứ không gục đầu quá nhiều lần như Nhật Bản. Những người Tây phương hay người Đức thì lý luận: “Bắt tay là để chứng tỏ trong tay của họ không có giấu những vật nguy hiểm có hại cho đối phương.” Họ ít đánh nhau bằng tay chân, nhưng bằng miệng và bằng tư tưởng (đương nhiên Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) và Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945) họ đã dùng đến khí giới, nhưng có lẽ vì bại trận như Nhật hồi Đệ nhị Thế chiến nên ít ai muốn nói đến khí giới, nhưng trong hòa bình nước nào lại chẳng chuẩn bị cho chiến tranh. Đó là cái vòng lẩn quẩn giữa con người còn trong vòng luân hồi sinh tử.

Dân tộc ta cho chào hỏi như thế là phải, nhưng những người theo đạo Hồi lúc gặp nhau thì hôn nhau mặc dù là đàn ông, hay gần đây những anh chàng Cộng sản cũng vậy.

Người Việt Nam hiện ở rải rác khắp nơi trên nước Đức độ chừng 24.000 ngàn người (năm 1981), chưa có thành phố nào trên 1.000 người, ngoại trừ Bá Linh. Từ vùng tận cùng của cực bắc nước Đức như Flensburg, hoặc cực nam như Konstanz, nơi nào cũng không tới được số đó. Người Việt Nam sống ở Đức không như sống ở Mỹ hoặc ở Pháp, muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, nhất là những nơi thương mại hay những khu kỹ nghệ, mà ở đây thành phố nào cũng giống thành phố nào, không có gì đặc biệt như Paris, Tokyo, HongKong, Singapore hoặc New York. Đi khắp nước Đức chỗ nào cũng giống như vậy thôi, nên người Việt Nam ở đây hơi an phận thủ thường hơn là tìm đến nơi ấm áp hơn hoặc những nơi thị thành náo nhiệt.

Nếu có ai đó muốn tập trung hết về Tây Bá Linh thì cũng vui, nhưng mỗi lần đi qua biên giới Đông Đức hơi ớn lạnh xương sống. Giấy tờ khá phức tạp với một thủ tục chỉ đi xuyên qua thôi và còn những chuyện linh tinh xảy ra không ngờ trước được nữa.

Hơn nữa, chúng ta là những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam, đã sợ cộng sản chạy đi tìm tự do qua đây, lẽ nào lại đâm đầu vào xứ cộng sản nữa, nên ít có người dân Tây Đức nào muốn qua sống tại Tây Bá Linh, mặc dầu nơi đây vật giá tương đối rẻ hơn bên Tây Đức. Nếu có chăng, họ chỉ muốn đi xem “bức tường ô nhục” ngăn cách giữa Đông và Tây Đức một chút thôi. Xem để hiểu thế nào là Đông Tây, là Nam Bắc, chứ xưa nay chỉ nghe nói mà thôi. Vả lại, nếu ở Đức mà không biết được bức tường này quả là một điều thiếu sót.

Nếu ai định về Bonn ở - là thủ đô tạm củaTây Đức - thì cũng xin từ. Vì Bonn không phải là một thành phố kỹ nghệ hoặc thương mãi như Paris hoặc New York hay Los Angeles, mà là một thành phố ngoại giao, chính trị để dành cho công chức nhiều hơn. Đó là cái khó chung của người Việt Nam hiện ở tại Đức. Đối với những vị lớn tuổi thì buồn lắm, vì hoàn cảnh chung quanh, hơn nữa con cái đi làm suốt ngày, cha mẹ chỉ thui thủi một mình, cứ đứng trên lầu từ cửa sổ nhìn xuống, nhưng ít muốn ra đưòng vì lạnh lẽo và ngôn ngữ không thông, nên đối với những vị cao niên, một nơi có thể làm cho họ bớt căng thẳng về thần kinh, lại là một vấn đề cần thiết, đó là chùa chiền hay những nơi giải trí có tính cách lành mạnh.

Nhưng ở Tây Đức đi chùa cũng không phải dễ, vì khắp nơi của Đức chỉ có một ngôi chùa Việt Nam tại Hannover, đường xa muôn dặm, nếu muốn đi chùa cũng không biết đường mà đến. Tất cả đều lệ thuộc vào con cháu, nếu có nghỉ lễ hoặc thứ bảy, chủ nhật mới có thể đưa đi được. Nhưng con cháu cũng có chương trình riêng của họ, vì suốt tuần họ đầu tắt mặt tối làm việc trong xưởng hãng, chỉ có những ngày cuối tuần để nghỉ ngơi hoặc tổ chức gia đình, dạy dỗ con cái v.v... nên việc đi chùa của các cụ, các Bác lớn tuổi lại trở nên khó khăn hơn. Không như lúc còn ở Việt Nam, muốn đi đâu hay đi chùa là cứ xách nón ra đi, khỏi cần ai đưa, ai tiễn, chùa nào cũng đi tới, Phật nào cũng là Phật Việt Nam cả. Nhưng ở đây thì khó lắm, nếu không đi chùa Việt Nam được, có thể đi chùa Tích Lan tại Bá Linh hoặc Tây Tạng tại Hamburg và München, nhưng quý vị lớn tuổi Việt Nam chúng ta hơi khó tính lắm. Các vị nói rằng Phật Tây Tạng và Phật Tích Lan không biết nói tiếng Việt Nam, mình có khẩn cầu gì thì Phật đâu có giúp được, nên phải gần Phật Việt Nam mới là Phật đúng nghĩa.

Điều đó cũng đúng, tuy chúng ta không có chấp trước, nhưng tu sĩ ở những chùa Tây Tạng hoặc Tích Lan chỉ nói tiếng Anh hoặc tiếng Đức hay tiếng Tây Tạng mà quý cụ gặp những vị này thì chẳng biết nói gì, chỉ biết chắp tay xá xá rồi lui. Kể cũng thật khổ tâm cho quý cụ. Hy vọng rằng trong tương lai gần sẽ có nhiều ngôi chùa Việt Nam trên xứ Đức để cho quý cụ lễ bái. Nhưng xin thưa nhỏ với quý cụ một điều là bây giờ hết người đi tu rồi, các cụ cố gắng làm sao khuyên bảo con cháu “tu mau kẻo trễ” chứ với tình thế này chẳng bao lâu nữa sẽ không có người đóng cửa chùa, đừng nói gì đến việc dựng chùa, tạo tượng, đúc chuông. Cho nên ngày xưa quý vị Tổ Sư vẫn thường dạy những đệ tử xuất gia cũng như tại gia một câu thấm thía như sau: “Tạo Tăng mới khó chứ tạo tự không khó.”

Mà đúng như vậy, ở Tây Đức hay bất cứ một nước nào, tại bất cứ nơi đâu, dầu có khó khăn đến bao nhiêu chăng nữa, sau năm năm, mười năm chúng ta cũng có thể tạo dựng được nhiều ngôi chùa đồ sộ, nhưng chưa có nơi nào trên thế giới của người Việt Nam tạo dựng được một vài vị tăng “đồ sộ” được cả. Vấn đề tùy thuộc vào người hiểu đạo và hành đạo, chứ không thể bắt buộc được.

Ngày xưa ở Việt Nam sao người ta đi tu nhiều quá, nhưng ra ngoại quốc thấy có ít người muốn đi tu. Hay là những chúng sanh này đã “sanh hết về Phương Tây” của Phật A Di Đà rồi, nên suốt bao nhiêu năm trường vẫn không thấy hình bóng của một chú tiểu “sa di đuổi quạ”, hay là do ở ngoại quốc không có quạ? Hay thế nào đây? Quý cụ nhớ nhắn nhủ với con cháu của mình như thế.

Có nhiều vị cư sĩ thường hỏi chúng tôi rằng: Liệu như thế thì Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại còn tồn tại được bao lâu nữa?

Nhưng hỏi để rồi không trả lời được gì. Vì không có bột thì làm sao gột nên hồ? Chỉ có cách là tình nguyện tu từng mùa của những vị cư sĩ tại gia đấy thôi. Có nhiều vị không hiểu tu từng mùa là tu như thế nào - thì đây là phương pháp. Đối với những vị cư sĩ thuần thành, nếu được cứ mỗi năm vào chùa làm công quả, tu Bát Quan trai, sống độ chừng 5 hay 10 ngày như cuộc đời của một tu sĩ, trong khi đó cố gắng học kinh, học tụng niệm, học Phật Pháp để những nơi, nếu không có Tăng Sĩ, quý vị được đào tạo từ những khóa huấn luyện ngắn hạn ấy sẽ thay thế cho những vị tu sĩ. Cứ mỗi năm tại chùa chia ra làm nhiều khóa, và mỗi khóa phải quy tụ được nhiều người, may ra mới giải quyết được tình trạng khan hiếm tu sĩ hiện nay. Còn ngược lại thì vô phương cứu chữa.

Kiel là thủ phủ của tiểu bang Schleswig Holstein và là một hải cảng quan trọng thứ nhì của Đức, sau Hamburg, chính là một mạch sống về đường biển của nước Đức thuộc về mạn bắc. Những tàu bè của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Anh Quốc đa số đều cập bến nơi đây.

Kiel chỉ đẹp về mùa xuân khi gió hây hây thổi, về đông thì giá buốt và mùa thu quang cảnh của Kiel ít nên thơ hơn những vùng đồi núi khác.

Đồng bào Việt Nam chúng ta cư ngụ trong thành phố Kiel và những vùng lân cận chừng 200 người. Đại Học Kiel cũng là một nơi mà đa số anh em sinh viên Việt Nam ngày trước đều theo học tại đó. Phần đông họ học Y Khoa. Vào năm 1977, ở Kiel có khoảng 20 sinh viên, trong đó đã có 18 người học Y và Dược, còn 2 người kia học những phân khoa khác. So với những đại học khác, Kiel có tỉ số sinh viên học Y Khoa nhiều thứ nhì trên nước Đức.

Chuyện học hành ở Đức thì dễ nhưng mà khó, tuy khó nhưng mà dễ. Vì sao vậy? Đây là lý do.

Đa số các đại học ở Nhật hoặc Mỹ là đại học tư, trong khi đó tại Đức có thể lãnh thêm học bổng của chính phủ hay những tổ chức từ thiện để học. Trung bình mỗi tháng chừng 300 đến 400 USD. Nếu cha mẹ của sinh viên có thu nhập cao hơn một mức nào đó thì đương nhiên chính phủ không phải trợ cấp, mà gia đình phải trợ cấp cho sinh viên ấy.

Riêng người Việt Nam chúng ta, trước năm 1975 đa số sinh viên theo học tại Đức hay tại Nhật cũng có những điều kiện giống như những sinh viên ngoại quốc khác, nhưng sau năm 1975, anh em sinh viên Việt Nam tại Đức được hưởng nhiều quy chế và nhiều quyền lợi đặc biệt hơn. Cũng chính vì sự quá dễ dãi này mà đa số anh em Việt Nam du học tại Đức có tỉ số ra trường rất ít và rất chậm so với những nước khác. Ví dụ tại Nhật hay tại Mỹ, nếu học một ngành nhân văn khoa học nào thuộc ban cử nhân, thời gian tối đa là bốn năm, trong khi đó ở tại Đức anh em sinh viên kéo dài tới 10 năm hoặc 12 năm mới xong chương trình cử nhân. Có người học suốt đời nhưng không có bằng cấp, vì môi trường đại học tại Đức quá dễ dãi nên khiến cho anh em sinh viên lười biếng và ỷ lại. Đương nhiên cũng có người ra bác sĩ, kỹ sư và có công ăn chuyện làm thật vững, nhưng tỉ lệ này chừng 40 - 50% là nhiều lắm tại xứ Đức này. Trong khi đó nếu ở Nhật, sinh viên học các ngành chuyên môn như giáo dục, kinh tế hay các ngành công nghiệp khác, mỗi năm phải đóng học phí cho đại học là 2.000 USD, rồi những năm trên đó tiền học phí được giảm thiểu đi một nửa. Nếu ở lại một năm thì tìm đâu ra tiền để đóng, nên phải học vội học vàng sau 4 năm ra trường bậc cử nhân, 6 năm là ra cao học và 9 năm là ra tiến sĩ, chứ không dám ngồi lâu tại ghế nhà trường như ở Đức. Nếu sinh viên muốn học y khoa, mỗi năm phải đóng 10.000 USD.

Trong 800 Sinh Viên Việt Nam du học tại Nhật trước năm 1975, chỉ có một người học y khoa. Trong khi đó tại Đức đã có hàng trăm sinh viên học y khoa, vì ở đây chỉ đóng tiền lệ phí ghi danh tượng trưng, chừng khoảng 20 USD, nên tha hồ mà học. Đương nhiên những người học y khoa phải có số điểm cao nhất, phải đòi hỏi sự cố gắng và sự thông minh chứ không đơn giản. Vì thế nên trước kia nước Đức chỉ tuyển chọn những sinh viên Việt Nam du học tại Đức phải có bằng tú tài I và II hạng điểm từ bình thứ trở lên, chứ hạng thứ thì họ không cho đi du học.

Từ đó chúng ta phải hãnh diện rằng đa số anh em sinh viên Việt Nam du học tại Đức là những người thông minh và tài giỏi. Đó là thời điểm trong quá khứ, chứ trong hiện tại thì không dám bàn. Đó là cái dễ học phí của anh em sinh viên Việt Nam tại Đức và cái khó về sự học tại đây.

Có nhiều chuyện cũng hơi nghịch đời như sau: Nếu bạn ở Nhật, cái khó nhất là bạn phải thi đậu vào Đại Học, bạn học thế nào thì học, cứ đóng đủ tiền học phí hằng năm và đương nhiên là phải đủ đơn vị để lên lớp thì qua 4 năm là bạn có thể ra trường. Trong khi đó tại Đức hay Pháp chẳng hạn, bạn có thể chọn Đại Học nào để vào tùy bạn, nhưng việc ra trường thì hầu như rất khó nếu bạn không thực sự cố gắng trên đoạn đường dài học tập.

Đó là sinh viên, còn đồng bào Việt Nam tỵ nạn của chúng ta thì sao?

Khi đến tại Tây Đức, bất cứ già, trẻ, thanh niên, nam nữ đều phải đi học qua một khóa tiếng Đức tối thiểu là một năm. Trong thời gian học, họ nhận được trợ cấp xã hội hoặc trợ cấp thất nghiệp. Nếu những người nào muốn học lên tiếp tục ở cấp bậc Đại Học, hoặc học nghề cũng có thể được, nhưng điều kiện phải dưới 35 tuổi. Có một số rất ít được tiếp tục theo học tại đây so với ở Mỹ. Vì bằng tú tài Việt Nam sau năm 1975, Đức không công nhận như trước năm 1975. Những người trước năm 1975 chỉ cần học một năm dự bị vào Đại Học, nhưng nếu ai đó đậu tú tài sau năm 1975 thì phải học lại 3 năm nữa để thi tú tài Đức, rồi mới tính tiếp. Do đó, đồng bào tỵ nạn tại Đức cũng gặp một số vấn đề khó khăn về học vấn hơn Úc hoặc Mỹ hay Canada. So với 24.000 người hiện tỵ nạn trên nước Đức, mà chỉ có khoảng 200 đến 300 người còn đang học trong Đại Học hoặc sắp vào Đại Học thì quả là một điều quá ít ỏi.

Ngoài ra đồng bào mình sau một năm học tiếng Đức đều đi xin việc làm để sinh sống chứ ít người muốn tiếp tục học, vì ở Việt Nam họ đã bỏ lâu rồi, hơn thế nữa qua đây bắt đầu học lại tiếng Đức thấy cũng hơi khó khăn, nên chấp nhận đi làm. Cũng có một số người sau khi đã đến định cư ở Đức, nhưng có người quen ở Mỹ hoặc ở những nơi khác trên thế giới nên họ thường làm giấy để đi tiếp tục đến những nơi có người thân đang sống. Riêng theo ý tôi, đã đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, thì đâu cũng vậy cả, miễn rằng mình biết đủ là đủ rồi, chứ chạy đi tìm cái đủ sẽ không bao giờ đủ. Về điều này, Đức Phật cũng đã dạy rằng: “Lòng ham muốn của con người giống như một cái túi không đáy.” Có được cái này thì muốn cái kia, có được cái kia thì muốn cái nọ, và sẽ không bao giờ tận cùng, nếu mình không tự chế ngự nó.

Khi đến Tây Đức, có nhiều đồng bào cũng thắc mắc về những danh từ tỵ nạn sinh viên và hình như chuyện này vẫn còn là vấn đề đang bàn cãi ở một vài địa phương. Đồng bào tỵ nạn thì bảo tại sao để sinh viên trước tỵ nạn. Ví dụ như câu: “Hội Sinh Viên và Kiều bào VN tại...” anh em sinh viên thì bảo rằng: “Vì hội sinh viên đã có từ lâu, và đồng bào mới qua sau nên thêm vào để tiện việc khai báo thế thôi.” Do đó có nhiều chuyện gây ra hiểu làm là khi sinh viên tổ chức việc gì thì đồng bào tỵ nạn ít đến và ngược lại cũng vậy, nhưng đó chỉ là một số địa phương, còn đa số là anh em vẫn giúp đỡ tích cực đồng bào mới đến trong việc thông dịch, hướng dẫn cũng như làm cho họ có thể hiểu và hội nhập vào đời sống tại Đức một cách dễ dàng hơn.

Nếu là tôi thì sẽ hiểu khác, mình phải hãnh diện với điều đó mới đúng chứ, vì có sinh viên là có một số trí thức nào đó mình cần phải có để đối đáp với người Đức và người ngoại quốc tại xứ Đức, để người Đức không khinh người Việt Nam mình như là dân thợ của những xứ khác đến đây làm việc. Đành rằng trong đồng bào cũng có nhiều người giỏi và thông thạo ngoại ngữ, nhưng làm sao giỏi hơn anh em sinh viên ở đây được. Vì họ đã ở đây hàng chục năm rồi. Do đó đường đi nước bước họ đều quen cả, nên có họ là đỡ cho đồng bào mới đến lắm chứ.

Đương nhiên trong số người giúp đỡ bà con mình đó cũng có một số người không được lòng bà con mấy, đôi khi còn đi quá phạm vi của một thông dịch viên nữa. Điều đó các anh em không nên làm vậy, để đừng tạo nên cái hố chia rẽ giữa sinh viên và kiều bào. Làm điều này có lợi cho những người thừa nước đục thả câu mà thôi, chứ anh em mình cũng chẳng lợi mà bà con mình cũng chẳng lợi chi cả.

Ở những xã hội văn minh Tây phương, người ta thường hay tôn trọng chuyện thảo luận trao đổi ý kiến, bàn cãi sôi nổi, nhưng họ ít chuộng đánh lộn hay nói đúng hơn là bạo động. Dầu là tả phái hay hữu khuynh, bất cứ người nào làm rối loạn nền an ninh trật tự của quốc gia mình đang cư ngụ là bị cảnh sát mời về bót để thẩm tra. Đó là cái hại của chúng ta. Trong khi đó bạn có thể tha hồ viết báo viết sách nói về ông này, bênh vực ông nọ hay nói xỏ, nói xiên ông kia, cũng không có sao cả, mà đánh nhau thì họ coi mình là người không có giáo dục, hoặc không có trình độ học thức.

Nếu đứng về quan niệm Phật giáo, thì dầu Đông phương hay Tây phương, văn minh hay chậm tiến, cũng đều sai cả. Vì trên thế giới ngày nay vẫn còn việc buôn bán nô lệ. Cách đây 2.525 năm về trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một nhà Đại Cách Mạng của xứ Ấn Độ, đã chống lại chuyện phân chia giai cấp giữa Bà La Môn và những người cùng đinh hạ tiện, giữa những người quyền quý giàu sang và những người nghèo hèn rách rưới. Và chính Ngài đã dạy cho những đệ tử của Ngài rằng: “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng, lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt.” Do đó, là một Phật tử, một người Việt Nam đang ăn đậu ở nhờ trên đất nước của người ta, không nên gây tạo hận thù và bạo động với nhau.

Phật giáo quan niệm rằng:

“Thông minh tài trí anh hùng,
Si mê dại dột cũng chung một gò.
Biển trần nhiều nổi gay go,
Mau mau nhẹ bước qua đò sông mê...”

Từ đó chúng ta thấy Phật giáo là một Tôn Giáo dành cho con người và vì con người mà tồn tại cũng như phát triển, chứ không phải tôn giáo vì tôn giáo.

Rời Kiel, bạn có thể xuống Hamburg - một thành phố sầm uất và cũng là một hải cảng quan trọng về thương mại đứng hàng đầu của nước Đức. Hamburg rộn ràng, tấp nập như Hồng Kông, ồn ào như Sài Gòn dạo trước, cũng dơ nhớp, nhưng không như Paris. Nơi đây có khoảng 3 triệu dân cư sinh sống. Đồng bào Việt Nam chúng ta ở đây cũng khá đông. Cho đến ngày hôm nay (1982), có khoảng 1.000 người và đa số đã theo học xong khóa Đức ngữ, có một số đã có công ăn việc làm, nhưng một số lớn vẫn còn thất nghiệp.

Từ Kiel xuống Hamburg bạn chỉ mất chưa đến một tiếng đồng hồ, vì vận tốc trên xa lộ của nước Đức hầu như không bị giới hạn. Dọc theo đường đi họ chỉ khuyên bạn không nên chạy quá 130 km/giờ mà thôi, nghĩa là nếu gấp bạn có thể chạy 150-180 km/giờ vẫn được. Trong khi đó, tại Mỹ phải chạy giới hạn ở 55-65 mile/giờ, tương đương khoảng 85-105 km/giờ hoặc ở Canada cũng giới hạn ở khoảng 100 km/giờ hay ở Nhật cũng thế. Chạy xa lộ ở Nhật chẳng khác nào chạy ở đường làng hoặc quốc lộ tại Tây Đức. Nếu bạn nào ở Mỹ lâu ngày chạy xe bị giới hạn tốc độ, nên qua Đức một lần để chạy xe cho “thỏa chí tang bồng”. Xa lộ ở Đức khỏi phải trả tiền, trong khi đó ở Mỹ, Nhật, Pháp, Canada... có nhiều đoạn đường phải trả tiền. Có lẽ những xa lộ kia do tư nhân đầu tư xây cất chứ không phải của chính phủ. Xa lộ rộng nhất thế giới có thể nói là ở Mỹ và nhỏ nhất thế giới là ở Nhật và Hồng Kông. Xa lộ tại Đức hầu như chỉ có một tầng, trong khi đó tại Nhật thì từ dưới lên trên khoảng 3 hay 4 tầng là ít...

Hamburg - thành phố của mọi người, mọi giới: giàu sang, nghèo khổ, phong lưu tài tử, ăn chơi đàng điếm, văn hóa, thương mại, ngoại giao, tôn giáo... đủ vẻ đủ màu. Nơi đây cũng có một số chùa của những người Tây Tạng, người Đức cũng như người Nhật. Đa số thuộc Thiền tông và Tiểu thừa Phật giáo. Có một số tiệm thực phẩm, nhà hàng của người Việt Nam cũng mọc lên rải rác đó đây, để cung cấp những nhu yếu phẩm hằng ngày cho người Việt mình ở đó. Hồi xưa tìm cái gì cũng không có, nhưng ngày nay người Việt ở đâu là ở đó có tất cả.

Rời Hamburg, bạn đến thành phố Hannover. Cái tên không duyên dáng và hình như ít người biết tới, nhưng Hannover là trục giao thông quan trọng giữa Đông và Tây Đức cũng như giữa các nước Châu Âu thuộc phía Bắc. Nơi đây không có nhà cao cửa rộng, không ồn ào như Hamburg hay náo nhiệt như Paris, nhưng thành phố Hannover có một nét đặc biệt mà ít ai để ý đến. Đó là vườn Ngự Uyển của nhà vua và hồ Trúc Bạch của những nàng cung nữ thời xa xưa còn lại. Ngôi vườn rộng thênh thang với hoa với lá, với những lối đi như chốn thiên thai chứ không là của người trần thế. Bên hồ Trúc Bạch “những cây liễu xanh đứng buồn như những cung nữ thời xưa, và hoa Phù Dung trong nhà ai thấp thoáng, lấp loáng như những linh hồn còn trẻ...” Rất tiếc rằng Hannover không có nắng bốn mùa như ở quê hương ta, nên hồ Trúc Bạch ít nên thơ hơn như những gì đã tả.

Hannover cũng là thủ phủ của tiểu bang Niedersachen - nơi đầu tiên trên nước Đức đã thâu nhận người tỵ nạn Việt Nam đi bằng thuyền. Vào cuối năm 1978, tiểu bang này đã đón nhận hơn 1.000 người đi từ chuyến tàu Hải Hồng do Thủ Tướng Tiểu Bang Albrecht đề xướng. Nếu ai có gọi bà Lang làm trong Caritas ở Freiburg là mẹ của những người Việt Nam cùng khốn thì nên gọi ông Thủ Tướng của Tiểu Bang này là người cha tinh thần có một không hai của đồng bào tỵ nạn Việt Nam trên xứ Đức.

Đã có hai lần tôi ghé thăm dinh Thủ Tướng và tiếp chuyện với ông trong một bầu không khí thanh nhã, nhẹ nhàng. Lần đầu tiên vào đầu năm 1979, tôi đi với ông Tổng Trưởng Thanh Niên Âu Châu đến để trao tận tay ông một món quà kỷ niệm. Một quả chuông Hòa Bình và một chiếc tàu Hải Hồng được làm bằng plastic. Và lần thứ hai cũng trong năm đó về việc chùa. Tôi ngồi đối diện với một vị Thủ tướng nhưng cách ăn mặc và cử chỉ của ông trông không giống một kẻ quan liêu quyền quý chút nào. Qua vài mẩu chuyện xã giao, chúng tôi trao cho ông tặng phẩm và hằng năm cho đến ngày nay, cứ mỗi lần Tết Việt Nam đến chúng tôi vẫn nhận được những tấm thiệp chúc Tết và những lời thăm hỏi của ông.

Tánh tôi ít thích hành chánh và quan liêu, nhưng lại gặp hành chánh nặng nề và nói như ông bà mình là “Ghét của nào trời trao của nấy” cũng chẳng sai chút nào. Ngày xưa hay ngay cả bây giờ, tôi đi tu mục đích duy nhất là được giải thoát - nghĩa là cởi bỏ mọi ràng buộc của thế gian, nhưng tìm cách cởi bỏ bao nhiêu, những chuyện thế gian lại cứ nhiễu hại mình. Tôi không muốn mặc chiếc áo thẳng nếp, nhưng đi đến cửa quan ăn mặc lượm thượm coi sao được, tôi không thích nói những lời hoa mỹ trong lúc xã giao nhưng luật xã giao không cho phép tôi làm điều đó. Quả thật chẳng giải thoát được chút nào. Có nhiều Thầy và nhiều Phật tử nói đó là một vinh hạnh của tôi, nhưng đối với tôi có lẽ không có thứ hạnh phúc nào bằng sự yên tĩnh của tâm hồn cả.

Mặc dầu đây là thủ phủ của tiểu bang nhưng nơi đây chỉ có độ chừng 100 người Việt sinh sống trước năm 1975 và hơn phân nửa là sinh viên theo Cộng Sản. Nhưng sau này Cộng sản đã về vườn và đồng bào ta ngày càng tăng thêm đáng kể.

Điều đặc biệt của Hannover, hay nói đúng hơn là của toàn xứ Đức, là chỉ có vỏn vẹn một ngôi chùa cho người Việt Nam, mà ngôi chùa này lại là do Chính phủ Tây Đức giúp đỡ mới lạ. Tôi đi đến đâu cũng được hỏi về vấn đề này. Vậy tiện đây cũng xin kể cho quý vị được rõ.

Vào ngày 2 tháng 4 năm 1978, ngôi Niệm Phật Đường Viên Giác được thành lập tại Hannover. Nơi đây chỉ có thể dung chứa chừng 30 người là tối đa. Thế mà tại đây cũng đã làm một Lễ Phật Đản và một lễ Vu Lan vào năm 1978. Đến cuối tháng 12, lúc đồng bào trên tàu Hải Hồng đến tiểu bang này càng đông thì các phóng viên báo chí đến chùa để phỏng vấn và đăng báo cũng như cho lên truyền hình với những hàng tít nóng hổi như sau: “1000 người tỵ nạn Phật tử Việt Nam đang đứng trước cửa chùa Viên Giác tại đường Kestnerstr., số 37 để cầu nguyện”. Thế là từ đó chùa được chú ý. Vì người Đức không những chỉ giúp đỡ về vấn đề vật chất cho người tỵ nạn Việt Nam mà còn quan tâm đến vấn đề tinh thần nữa.

Đồng bào đến, tôi đi làm thông dịch cũng như giúp đỡ tại trại tỵ nạn Friedland và Gottingen cùng với một số anh chị em sinh viên khác. Cứ mỗi lần đi đâu hay làm bất cứ lễ gì cho đồng bào (ví dụ như Tết, đám tang v.v...) đài truyền hình cũng đều quay phim cả. Đến giữa năm 1979, những thiên phóng sự này được chiếu lên truyền hình Đức. Bắt đầu từ đó, chính quyền Liên Bang Tây Đức mới gởi giấy mời chúng tôi xuống thủ đô Bonn để giải quyết những nhu cầu của đồng bào Phật tử Việt Nam hiện cư ngụ tại Tây Đức. Buổi nói chuyện đầu tiên là với ông Dr. Geipier thuộc Bộ Nội Vụ Liên Bang, đặc trách về vấn đề tôn giáo và văn hóa. Cùng đi với tôi có một số anh em Phật tử thiện chí. Chúng tôi đã trình bày những ước vọng của chúng tôi và trên nguyên tắc Bộ Nội Vụ Tây Đức đã đồng ý.

Từ đó chúng tôi tìm nơi chốn để lập chùa và kết quả đến cuối năm 1980 mới có. Hiện chùa vẫn được sự tiếp tay của đồng bào Phật tử khắp nơi cũng như chính quyền Đức và những cơ quan từ thiện xã hội tại đây như Malteserhiftsdienst chẳng hạn.

Nhiều lúc nghĩ vui vui, nhưng cũng cảm thấy hơi lạ. Xứ Đức là một xứ theo đạo Tin Lành và Thiên Chúa, nhưng lại giúp đỡ Phật giáo. Chẳng bù với nước ta ngày xưa, nhất là dưới triều vua Tự Đức đã cấm không cho Đạo Thiên Chúa được truyền giáo tại Việt Nam, như thế nghĩa là gì? Có phải vì người Đức “phú quý sinh lễ nghĩa”? Hay ảnh hưởng của Phật giáo quá tốt đối với người Tây phương? Nếu tốt thì tại sao đã có biết bao nhiêu người Việt Nam sau khi qua đảo lại bỏ Phật theo Chúa khá nhiều và khi chết đi lại trở về với Phật? Tuy có nhiều quý vị cũng lo ngại rằng không biết chính quyền họ sẽ giúp chúng ta đến khi nào? Lo như vậy cũng là hay, nhưng:

“Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?”

Nếu tin theo Phật giáo là tin theo duyên và nghiệp. Nếu chúng ta đầy đủ nhân duyên, chúng ta còn đi xa hơn nữa. Nhưng nếu không thì ta tự lập lấy ta. Lúc đó có lẽ câu:

“Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

là có lý hơn cả, vì:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông.”

Người Đức có thương ta cũng không bằng chính ta thương ta. Do đó, đường ta ta đi, đạo ta ta thờ và ta phải có bổn phận vun trồng, bồi dưỡng nó, đừng nên ỷ lại ở sức người mà ta không có một thực lực gì cả.

Khi con người còn khổ đau thì sự hiện diện của tôn giáo là cần thiết. Nhưng cũng có lắm người Việt chúng ta quan niệm rằng: Qua đây thì hết khổ đau. Sự khổ nói ở lãnh vực tinh thần. Có nhiều người bảo rằng: Khi ở Việt Nam lúc tụng kinh niệm Phật thường hay cầu về cảnh “Tây phương” thì bây giờ đã về Tây phương rồi, còn đi đâu nữa, lễ Phật cúng dường chi cho mệt! Câu nói nghe như vui tai nhưng đã lầm rồi. Vật chất nơi đây cái gì cũng có, nhưng có ai lấy tiền để mua được cho chúng ta một đoạn đường về thế giới Cực Lạc sau khi lâm chung đâu?

Theo quan niệm thế gian thì làm việc gì cũng cần đến tiền, nhưng khi chết muốn về cảnh an vui giải thoát mà lúc sống không đóng góp một công đức gì cả cho chính bản thân mình thì làm sao có thể bước lên đường về Cực Lạc?

Ta đã được hạnh duyên đến nơi chốn bình yên, không nên quên những người ở lại hay quên chính cả bản thân mình, nên vấn đề tinh thần đối với những người có Đạo là vấn đề tối quan trọng. Không nên mê vật chất mà bỏ nội tâm mà cũng không nên chỉ trau chuốt tinh thần mà phương tiện vật chất lại xả bỏ.

“Chúng sanh đa bệnh, Bồ Tát đa hạnh”, nghĩ cho cùng thật là thấm thía. Vì Ngài A Nan, Ngài Địa Tạng, Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Hạnh Phổ Hiền v.v... vị nào cũng có nhiều thứ thuốc hay để chữa cho tâm bệnh của chúng sinh, nhưng ai cũng sợ các Ngài nên không dám tới.

Ngài A Nan trong pháp hội Lăng Nghiêm quỳ trước Đức Thế Tôn có phát nguyện rằng:

“Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn...”

Nghĩa là:

“Kính mong Đức Thế Tôn chứng minh cho con,
Trong đời ác con sẽ dấn thân vào trước.
Nếu còn một chúng sanh nào chưa Giác Ngộ,
Thì con sẽ không vào cõi Niết Bàn...”

Lời đại nguyện vị tha ấy vẫn còn đó, nên chúng ta cố gắng mà tu hành, cõi Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà kia mới là Chân Tịnh, chứ cõi “Tây Phương” của chúng ta đang ở đây còn quá nhiều nhiễm ô, triền phược, tục lụy, đọa đày. Nên chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, chứ không nên ỷ lại vào một ai cả.

Nơi đây cứ mỗi độ xuân về, chim đua hót trên cành, hoa chen nhau phơi bày sắc thắm, là mùa báo hiệu sự ra đời của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Hàng trăm, hàng ngàn người từ khắp nơi khắp chốn đổ về Hannover để mừng đón chúa xuân sang mà cũng để đón mừng ngày Đản Sanh của vị cha lành nhân loại.

Khi lá vàng rơi lả tả, những giọt sương thu còn đọng thắm trên cành, dệt nên những gấm hoa của vùng cung điện cũ, cũng là mùa Vu Lan Báo Hiếu của người con Phật đó đây. Hannover lại một lần nữa tiếp đón khách thập phương có duyên lành với Phật Pháp cũng như đối với phụ mẫu sanh thành, điều mà người Phật tử quyết không bao giờ quên được, dầu cho chúng ta đang sống ở nơi đâu và làm bất cứ việc gì.

Khi “nàng công chúa bị nhốt lãnh cung” là những bông tuyết bắt đầu rơi lả tả trong bầu trời cô quạnh, báo hiệu đông đã sang rồi, thì người Việt Nam chúng ta cũng tiếp tục về chùa để nguyện cầu cho đất nước sớm thanh bình, dân tộc khỏi điêu linh vì những hiểm họa của chiến tranh tàn bạo nhân mùa Xuân Di Lặc, Hannover lại náo nức hẳn lên với quần hồng, áo lụa...

Hannover, Hannover - thành phố của tinh thần, thành phố của những người con Phật muốn rời xa nơi tục lụy, nhiễu phiền, không xa hoa, phù phiếm, không hách dịch, kiêu căng, đố kỵ... Thành phố của tình thương, thành phố của tâm linh và ý thức.

Nếu ai đó chưa có dịp đến Hannover thì hãy ghé qua một lần, để nguyện cầu, hàn huyên tâm sự, hay để lắng lòng mình hòa nhịp vào với sự cao thượng của Đấng Chí Tôn.

Đã 6 mùa hè trôi qua kể từ khi tôi dừng chân nơi xứ Đức, chưa có năm nào nóng bức như năm này. Có lẽ những mùa hè trước tôi chưa bao giờ ở lại Đức, vì phải đi nước này nước nọ, nên đã không cảm nhận được điều đó chăng? Hay ở Đức vẫn còn có được những ngày dễ thương, dễ mến!

Như vậy nắng ở đây cũng không là nắng của ngày xưa và tâm hồn tôi cũng không là tâm hồn năm cũ. Trong tôi vẫn không thấy sự đổi thay, nhưng lòng người và tình đời đã thay đen đổi trắng. Trời có lúc mưa lúc nắng thì lòng người cũng có khi trắng khi đen, nhưng kể từ khi hiểu được sự vô thường của cuộc đời qua kinh điển nhà Phật, tôi như thấy lòng mình cũng dửng dưng với thời gian và không gian vô tận.

Hư không hữu tận,
Ngã nguyện vô cùng
Tình dữ vô tình,
Đồng viên chủng trí.

Nghĩa là:

Hư không dù có chuyển đi,
Nguyện con muôn kiếp chẳng hề lung lay.
Nguyện cầu vạn pháp xưa nay,
Hoàn thành trí nghiệp đến nơi Bồ Đề.

Đạo sẽ không bao giờ thay đổi mà chỉ có lòng người mới hay thay trắng đổi đen, nên khuyên ai đó đừng mê nơi ngoại cảnh mà khổ lụy đến tinh thần, hãy thắp sáng hiện hữu để đi tìm chân giá trị trong cuộc đời giả dối này.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã than rằng:

“Đời đáng chán hay không đáng chán,
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.
Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim,
Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục.

Giang hà nhật hạ nhân giai trược,
Thiên địa lô trung thục hữu tình.

Đón đưa ai gió lá chim cành,
Ấy nhân thế phù sinh là thế thế.
Kiếp phù thế chửa dứt câu phù thế,
Người phong lưu còn đượm vẻ phong lưu.
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thúy Ái,
Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến Ô Giang.
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang,
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ.
Đời đáng chán biết thôi là đủ,
Sự chán đời xin nhủ bạn tri âm,
Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm.”

Cuộc đời là thế đó, dưới mắt tao nhân mặc khách là rượu là thơ, dưới mắt những anh hùng cái thế là châu là ngọc, nhưng dưới mắt một người tu chỉ như phù hoa mộng ảo, có đó rồi mất đó, không không có có, có có không không, thật là vô thường biến đổi và thời gian cũng như không gian cũng sẽ thay hình đổi dạng. Nhưng đối với người tu, lòng họ không bao giờ biến đổi với niềm tin trên con đường giác ngộ và giải thoát.

Tất cả những ngôn ngữ hợp thành trong văn tự cũng giả hợp mà thôi, nhưng muốn mượn cái giả đề tìm cái chân nên mới có vài hàng cùng độc giả, và mong tất cả niềm tin đối với Đạo, quý vị sẽ hình thành một nếp sống nội tâm cao hơn ngoại giới, để cho ngoại cảnh khỏi chi phối chúng ta.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Vì sao tôi khổ


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.17.3 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...