Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 77. Tiếp Xúc Giác Quan - Nguồn Suối Trí Tuệ »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 77. Tiếp Xúc Giác Quan - Nguồn Suối Trí Tuệ

Donate

(Lượt xem: 4.029)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 77. Tiếp Xúc Giác Quan - Nguồn Suối Trí Tuệ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(116) Tất cả chúng ta ở đây đều tự mình quyết định đi tu, trở thành những Tỳ kheo và sa di (117) trong Tăng đoàn Phật giáo với mục đích đi tìm sự bình an. Giờ thì sự bình an đích thực là gì? Đức Phật nói rằng, sự bình an đích thực là không ở đâu xa, nó nằm ngay đây bên trong chúng ta, nhưng chúng ta cứ nhìn đâu đâu xa lắc.

Người ta có những ý tưởng đi tìm sự bình an nhưng họ vẫn luôn ngã theo những thứ sân si, họ vẫn cứ luôn do dự, nghi ngờ và không chắc; và do vậy họ chẳng bao giờ thành tựu được gì trong việc tu hành của mình. Họ chẳng đạt đến mục tiêu. Tu mà không thành tựu gì thì chẳng khác gì bỏ nhà để đi nơi này nơi nọ. Nhưng cứ đi hoài, đi bằng đủ thứ phương tiện, đi đến đủ nơi, mà đến giờ vẫn chưa về đến căn nhà của mình. Chừng nào chưa về đến nhà là ta vẫn chưa được an tâm vui lòng, bởi ta vẫn còn nhiều việc chưa làm xong, nhiều việc vẫn còn dở dang trên đường đi. Đó là do chuyến đi chưa xong, chúng ta chưa đi đến đích (và do vậy cũng chưa về nhà được). Chúng ta vẫn còn đang đi tìm kiếm sự giải thoát.

Tất cả các Tỳ kheo và sa di ở đây đều muốn sự bình an, mỗi thầy đều đang nhắm tới đó. Ngay cả bản thân tôi đây, khi tôi còn trẻ, tôi cũng luôn tìm khắp nơi để có sự bình an. Mỗi lần lên đường đi đâu, rốt cuộc tôi đều thất vọng. Đi vô rừng tu hoặc đi đến gặp những sư phụ, lắng nghe họ nói Giáo Pháp... những lần đó tôi vẫn chưa tìm thấy sự bình an, tôi vẫn thất vọng. Điều đó là tại sao?

Chúng ta tìm sự bình an ở những nơi bình an, nơi chúng ta không có những thứ hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị... Chúng ta nghĩ rằng sống lánh trần theo cách như vậy là cách tìm ra sự hài lòng và bên trong sự hài lòng đó chính là sự bình an.

Nhưng thực ra, nếu chúng ta sống ở nơi lánh trần hoàn toàn yên lặng và không có gì khởi sinh như vậy thì trí tuệ sẽ khởi sinh từ đâu? Chúng ta sẽ tỉnh giác về cái gì? Hãy suy nghĩ về điều này. Nếu mắt không nhìn thấy cảnh sắc nào hết, thì ta sẽ ra sao? Nếu tai không nghe thấy âm thanh nào hết, thì ta sẽ ra sao? Nếu mũi không ngửi thấy mùi gì hết, thì ta sẽ ra sao? Nếu miệng không nếm thấy vị gì hết, thì ta sẽ ra sao? Nếu thân không chạm xúc và cảm giác thứ gì hết, thì ta sẽ ra sao? Thì ta sẽ như người đui và điếc, mũi và lưỡi như mất đi, thân như hoàn toàn trơ liệt. Vậy thì còn gì mà nói. Người ta cứ hay nghĩ rằng nếu họ đến những nơi ẩn dật lánh trần đó thì họ có thể tìm thấy sự bình an. Nhưng không phải vậy, sự bình an đích thực là có được từ trí tuệ giác ngộ chứ không phải sự bình an tạm thời có được từ sự lánh trần. Tôi không trách gì họ, bởi chính bản thân tôi cũng đã từng nghĩ lầm như vậy...

Hồi trẻ khi tôi mới tập thiền, tôi ngồi thiền, có những tiếng ồn quấy nhiễu tôi, tôi tự nghĩ rằng: “Làm sao ta làm cho tâm bình an được?” Tôi lấy sáp ong bịt hai lỗ tai lại để không nghe thấy gì. Chỉ còn nghe tiếng um um nhỏ nhỏ. Tôi nghĩ rằng làm vậy sẽ tâm sẽ được an, nhưng không, rốt cuộc tất cả mọi sự nghĩ suy và sự lăng xăng không phát sinh từ chỗ hai tai. Nó phát sinh từ tâm. Tâm. Chính là tâm. Đó mới là nơi để ta tìm kiếm sự bình an. Sự an tâm là ở chỗ tâm, tâm an hay không là do chỗ tâm.

Nói cách khác, dù bạn đang ở đâu bạn cũng chẳng muốn làm gì, bởi bạn nghĩ mọi thứ đang quấy nhiễu sự tu tập của bạn. Bạn không muốn quét sân hay làm bất cứ việc gì. Sư phụ kêu bạn phụ làm giúp mấy việc lặt vặt trong chùa bạn cũng không muốn làm, hoặc có làm cũng làm cho có, bởi bạn cho rằng đó chỉ là những việc bên ngoài, không dính líu gì đến việc tu tập bên trong của bạn.

Tôi thường nêu ví dụ về một đệ tử của tôi, thầy đó đã thực sự nỗ lực “buông bỏ” để tìm sự bình an. Tôi chỉ dạy về cách “buông bỏ” và thầy ấy hiểu rằng buông bỏ được tất cả mọi thứ thì mới thực sự bình an. Và thầy đó làm y vậy: kể từ khi đến chùa, thầy ấy không muốn làm gì hết. Ngay cả khi gió thổi bay hết một nửa mái chòi (kuti, cốc) của thầy ấy, thầy ấy cũng chẳng thèm quan tâm. Thầy ấy nói đó là những thứ bên ngoài. Do vậy thầy ấy cũng không thèm sửa lại mái cốc. Khi bị nắng hay mưa gốc này, thầy ấy chuyển qua gốc khác. Thầy ấy nghĩ kiểu như: chuyện mái nhà bị hư, bị mưa nắng chẳng phải việc của ta vậy. Việc của ta chỉ là làm sao cho tâm được bình an. Những thứ khác chỉ là những thứ làm xao lãng, ta không quan tâm. Đó là cách thầy ấy hành xử khi mái nhà bị hư.

Một bữa tôi đi ngang qua và nhìn lên mái cốc bị sập.

“Này, cái kuti này là của ai vậy?”

Một thầy khác nói với tôi đó là cốc của ai, tôi nghĩ lạ thiệt. Do vậy, tôi phải đi nói chuyện với chủ nhân cái cốc sập mái đó. Tôi giảng giải cho thầy ấy rất nhiều điều, chẳng hạn như những bổn phận mình phải làm đối với chỗ ở của mình, đó là senãsanavatta (tạm dịch: những trách phận các Tỳ kheo phải làm đối với nơi ở của mình...). “Chúng ta phải có một nơi trú trọ, và chúng ta phải chăm nom nó. Sự 'buông bỏ' đâu phải là vậy, đâu có nghĩa chúng ta bỏ lơ hết những trách phận của mình. Đó là hành động của kẻ ngu. Mưa dột xuống một bên thầy dời qua bên kia, khi nào hết mưa hết nắng thì dời lại bên này. Tại sao cứ phải làm như vậy? Tại sao thầy không buông bỏ được cái kiểu đó.” Tôi giảng giải cho thầy ấy một bài dài; đến khi tôi nói xong, thầy ấy nói:

“Ồ thưa Sư Ông, sao giờ thầy dạy con dính líu vào cái này, lúc trước thầy dạy con phải buông bỏ tất cả. Con không biết làm sao cho đúng ý thầy. Ngay cả khi mái nhà bị sập là một chuyện lớn mà con cũng buông bỏ được, con buông bỏ đến mức như vậy mà thầy lại nói là con không đúng. Vậy trước kia thầy đã dạy con buông bỏ tất cả là buông bỏ cái gì? Con không biết thầy muốn con phải làm ra sao nữa....”

Thiệt là hết biết nói luôn! Các thầy thấy không? Thiên hạ là vậy đó, tôi chẳng biết dạy sao nữa. Họ có thể ngu đến mức như vậy đó.

Có những đối tượng của mắt bên trong mắt, phải không? Nếu không có những đối tượng hình sắc bên ngoài, mắt chúng ta nhìn thấy cái gì? Nếu không có những âm thanh bên ngoài tiếp xúc với tai, làm sao có những âm thanh bên trong tai chúng ta? Nếu không có những mùi hương bên ngoài tiếp xúc với mũi, làm sao có những mùi hương trong mũi chúng ta? Nếu không có những mùi vị bên ngoài tiếp xúc với lưỡi, làm sao có mùi vị trong lưỡi chúng ta? Nguyên nhân là ở đâu? Hãy suy nghĩ về điều Đức Phật đã nói: “Tất cả mọi thứ (mọi pháp, dhamma)(118) đều phát sinh từ những nguyên nhân.” Điều gì, thứ gì, sự gì cũng có nguyên nhân của nó. Nếu chúng ta không có tai, chúng ta có nghe được không? Nếu chúng ta không có mắt, chúng ta có nhìn thấy gì không? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm—đó là những nguyên nhân. Thường nói rằng tất cả mọi thứ khởi sinh đều do những điều kiện (duyên), khi chúng ngừng diệt là do những điều kiện (duyên) đã ngừng. (Còn duyên thì còn, hết duyên thì hết). Để có những điều kiện (duyên) khởi sinh thì trước hết phải có những nguyên nhân (nhân) làm khởi sinh những điều kiện (duyên) đó; rồi những điều kiện (duyên) đó làm khởi sinh ra thứ gì đó. Có nhân, có duyên, tạo ra hiện tượng.

Nếu chúng ta nghĩ sự bình an nằm ở nơi không có cảm nhận cảm giác, vậy thì trí tuệ phát sinh từ đâu ra? Nếu không có gì làm sao có những điều kiện nhân quả? Không có gì, vậy chúng ta tu tập với cái gì? Nếu chúng ta cứ phiền trách tiếng ồn, vậy thì ở đâu có tiếng ồn là chúng ta không thể bình an. Chúng ta nghĩ những nơi đó là không tốt. Hễ nơi nào có cảnh sắc thì chúng ta nói nơi đó không tốt. Nếu nghĩ vậy, vậy tốt nhất các giác quan đều bị đui, điếc và chết hết thì mới có bình an. Nghĩ vậy mà cũng nghĩ. Nhưng, tôi hiểu cho các thầy, bởi tôi cũng từng nghĩ kiểu như vậy...

Tôi cũng từng nghĩ như vầy: “Hừm, điều này lạ thiệt. Giáo lý nói rằng sự khổ khởi sinh từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Vậy ta đui mù điếc sẽ tốt hơn không? Nếu chúng ta không nhìn thấy gì chắc sẽ tốt hơn. Vậy sẽ không có ô nhiễm nào khởi sinh nếu chúng ta đui, mù, điếc, các giác quan đều trơ chết... Có phải vậy không?.”.. Tôi cũng từng nghĩ quẫn như vậy.

Nhưng, nếu suy xét lại cho kỹ thì điều đó là sai hoàn toàn. Vì nếu điều đó đúng, chắc mấy người đui người điếc đã giác ngộ thành A la hán hết rồi. Họ đâu cần phải tu, vì đâu có ô nhiễm nào còn khởi sinh trong mắt trong tai nữa mà tu. Phải nghĩ như vầy mới đúng: luôn có những điều kiện nhân duyên. Ở chỗ nào sự gì khởi sinh, vì nhân nào đó, thì chúng ta phải chặn đứng nó. Chỗ nào có nhân khởi sinh, chúng ta phải quán xét ngay đó. Đó mới là tu tập.

Thực ra, những cơ sở giác quan [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm] là tất cả những nơi làm khởi sinh trí tuệ, nếu chúng ta hiểu biết chúng đúng như chúng thực là. Nếu chúng ta không hiểu chúng đích thực là gì, thì chúng ta cứ chối bỏ chúng, cứ nói rằng ta không muốn nhìn hình sắc, ta không muốn nghe âm thanh, ta không muốn ngửi mùi hương, ta không muốn nếm mùi vị, ta không muốn chạm xúc thứ gì... vì ta sợ chúng sẽ quấy nhiễu ta, chúng làm tâm ta động vọng. Nghe thì thấy có lý, nhưng không phải: bởi vì nếu chúng ta dẹp bỏ những nhân duyên đó thì chúng ta quán xét là quán xét cái gì? chánh niệm là chánh niệm về cái gì? Nếu vậy thì nhân quả là gì, nhân quả là chỗ nào? Nếu cứ nghĩ như vậy là sai lầm. Chúng ta cần suy nghĩ về lý chỗ này.

Chúng ta đâu thể trốn chạy tất cả mọi tiếp xúc và cảm giác. Đây chính là lý do tại sao chúng ta được dạy phải biết kiềm chế, kiêng cữ, phải biết giữ giới hạnh. Giới hạnh là sila. Giới hạnh kiềm chế các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm: ngay đó chính là phần Giới hạnh (sila) của chúng ta, và đó cũng chính là sự Định tâm (samadhi) của chúng ta. (Kiềm chế phòng hộ các giác quan là cách giữ giới hạnh và giữ cho tâm không bị kích động, nhờ đó đạt đến sự tĩnh lặng).

Hãy suy nghĩ về trường hợp ngài Xá-lợi-phất. Lúc chưa thành một Tỳ kheo, ngài đã gặp trưởng lão Assaji đang đi khất thực, và ngài đã nghĩ rằng: “Vị tu sĩ này có vẻ khác thường quá. Ông không đi quá nhanh hay quá chậm, y phục mặc gọn ghẽ, phong thái dung dị.” Ngài Xá-lợi-phất lấy làm thán phục nên đã đến gần ngài Assaji, cúi chào và hỏi:

“Xin thứ lỗi, ngài là ai?”

“Ta là một sa môn (samana)”

“Ai là thầy của ngài?”

“Đức Cồ-đàm là thầy của ta.”

“Đức Cồ-đàm dạy cái gì?”

“Ngài dạy rằng: Tất cả mọi thứ khởi sinh vì nhân duyên. Mọi thứ ngừng diệt cũng do các nhân duyên ngừng diệt.”

Vậy đó, khi được hỏi về Giáo Pháp, ngài Assaji đã giải thích ngắn gọn như vậy, ngài chỉ nói về chỗ lý nhân quả. Nhân khởi sinh trước, sau đó đến quả. Khi quả ngừng diệt là do nhân đã ngừng diệt trưóc. (Nhân sinh quả sinh, nhân diệt quả diệt). Đó là tất cả những gì ngài đã nói, và bấy nhiêu cũng đã đủ đối với ngài Xá-lợi-phất.(119)

Đó, đó chính là nguyên nhân làm khởi sinh Giáo Pháp. Lúc đó, ngài Xá-lợi-phất có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Tất cả các giác quan còn nguyên vẹn. Nếu ngài không có các giác quan thì liệu có đủ những nhân làm khởi sinh cho ngài hay không? Nếu không có các giác quan thì ngài chú tâm tỉnh giác về cái gì? (Ngài nhìn ngài Assaji, ngài nói và lắng nghe với ngài Assaji, ngài suy xét bằng tâm... tất cả đều bằng các giác quan đó). Còn chúng ta, chúng ta thì cứ nghĩ ngược lại, chúng ta sợ tiếp xúc với mọi thứ bên ngoài. Một là cứ cố lánh trần theo kiểu đó, còn hai là chúng ta cũng có tiếp xúc, nhưng chẳng phát sinh trí tuệ nào cả. Thay vì vậy, càng tiếp xúc chúng ta càng chìm đắm thông qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, chúng ta càng mê đắm và bị lạc theo những đối tượng giác quan. Tình trạng chung của chúng ta là như vậy. Những cơ sở giác quan này có thể dẫn dắt chúng ta đến những khoái lạc và mê đắm, nhưng chúng cũng có thể dẫn dắt chúng ta đến sự hiểu biết và trí tuệ. Tùy theo ta biết dùng các giác quan để tu, hay chỉ biết dùng chúng để chạy theo những đối tượng của chúng). Chúng có mặt hại và mặt lợi như vậy, tùy theo trí tuệ của mỗi người.

Vậy giờ chúng ta phải hiểu rằng: sau khi đã xuất gia đến đây tu tập, chúng ta phải lấy mọi thứ để tu tập. Kể cả những thứ xấu. Chúng ta cần hiểu biết tất cả chúng. Tại sao? Vì làm vậy chúng ta có thể hiểu biết sự thật. Khi nói về tu tập, chúng ta không phải chỉ nói về những thứ tốt đẹp làm chúng ta vui lòng. Không phải cách như vậy. Trên đời, có thứ làm chúng ta thích, có thứ không. Tất cả những thứ ta thích và không thích đều ở ngay trong thế gian này, không phải ở đâu khác. Thói thường thì những gì ta thích là ta muốn có nó, thậm chí đó là những Tỳ kheo và sa di. Những Tỳ kheo và sa di nào chúng ta không thích thì chúng ta cũng không muốn giao lưu, chúng ta chỉ muốn giao hảo với những người mà ta thấy thích. Đúng không? Đây là lựa chọn theo cái thích của chúng ta. Cái gì ta không thích thì ta không muốn nhìn nó hay muốn biết tới nó.

Thực ra Phật muốn chúng ta trải nghiệm những điều đó. Sự hiểu biết về thế giới, Lokavidu - đó là nhìn vào thế giói và hiểu biết nó một cách rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu biết sự thật của thế giới thì chúng ta không thể đi đến đâu. Sống trong thế giới này, chúng ta phải hiểu biết thế giới này. Những bậc Thánh Nhân ngày xưa, kể cả Phật, đều sống với tất cả những thứ đó, họ sống trong thế giới này, giữa những chúng sinh vô minh. Họ đã chứng ngộ sự thật ngay trong thế giới này, chứ không phải ở đâu khác. Họ không chạy đến thế giới nào khác để tìm sự thật. Nhưng họ có trí tuệ. Họ biết kiềm chế các giác quan. Sự tu tập chính là nhìn vào bên trong tất cả mọi sự, và hiểu biết tất cả chúng đúng như chúng thực là.

Do vậy, Phật đã dạy chúng ta hiểu biết những cơ sở giác quan—đó là nơi điểm tiếp xúc của thân và tâm với những đối tượng bên ngoài. Mắt tiếp xúc những hình sắc và gửi chúng “vào trong” để trở thành những nhãn hình. Tai tiếp xúc với những âm thanh, mũi tiếp xúc vói những mùi hương, lưỡi tiếp xúc với những mùi vị, thân tiếp xúc với những cảm nhận chạm xúc, và từ đó những loại thức khởi sinh (thức nhìn, thức nghe, thức ngửi, thức nếm và thức chạm xúc). Ở đâu có thức khỏi sinh thì ở đó ta nên nhìn vào để nhìn thấy mọi sự đúng như chúng thực là gì. Nếu chúng ta không hiểu biết những thứ đó đích thực là gì, chúng ta có thể thích chúng (tham) hoặc ghét chúng (sân). Nơi những cảm nhận khởi sinh chính là nơi chúng ta có thể giác ngộ, chính là nơi trí tuệ có thể khởi sinh.

Nhưng chúng ta lại không muốn làm như vậy. Phật dạy phải kiềm chế giác quan, nhưng kiềm chế không có nghĩa là không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, không ngửi thấy gì, không nếm thấy gì, không cảm giác gì, hay không nghĩ gì. Không có nghĩa như vậy. Nếu người tu không hiểu điều này thì ngay khi họ nhìn thấy hay nghe thấy thứ gì, họ sợ sệt và bỏ chạy. Họ không muốn đối diện hay xử lý những thứ đó. Họ bỏ chạy, họ nghĩ làm vậy cuối cùng những thứ đó cũng mất dần tác động và như vậy họ đã vượt qua được chúng. Nhưng, không phải vậy: họ không làm được gì cả. Họ chẳng vượt qua được thứ gì, họ chẳng chuyển hóa được gì trọi. Nếu họ bỏ chạy và không hiểu biết sự thật về chúng thì sau đó những thứ y hệt vậy sẽ khởi lên trở lại, và rồi đến lúc họ vẫn phải đối mặt với chúng. Không chạy đâu được hết.

Ví dụ, những người tu chẳng bao giờ thấy hài lòng dù họ đang ở trong chùa, trong rừng, hay trên núi. Họ lang thang trong những “chuyến hành hương khổ hạnh”, chỉ lo nhìn ngó chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ... họ nghĩ rằng sẽ tìm thấy sự hài lòng theo cách đó. Họ cứ bỏ đi đến nơi này, nơi kia, rồi cũng quay trở lại... nhưng vẫn không tìm thấy gì. Rồi họ cố đi lên đỉnh núi... “À, đây chính là chỗ thích hợp, giờ ta thấy êm rồi.” Họ cảm thấy bình an thư thái được vài ngày rồi rồi cũng thấy chán. “Ồ, hay là chọn nơi gần biển”, rồi lại đi đến nơi gần biển. “À, ở đây tốt lành và mát mẻ. Chỗ này chắc hợp với ta.” Rồi cũng được mấy ngày, họ lại thấy chán với nơi biển xanh gió mát đó... Chán rừng, chán núi, chán biển, chỗ nào cũng chán. Mà đây không phải là sự chán bỏ theo nghĩa đúng đắn và chân chính(120) dựa trên cách nhìn đúng đắn (chánh kiến); đó chỉ là sự chán chường chê bai, xuất phát từ cách nghĩ sai lạc (tà kiến). Cách nghĩ của họ không đúng đắn và phù hợp với đường lối và bản chất tự nhiên của mọi thứ.

Họ đi và đi; cuối cùng quay lại chùa cũ họ lại mang một tâm trạng: “Giờ ta sẽ làm gì? Ta đã đi khắp nơi và quay về lại đây mà chẳng tìm được gì.” Họ bí, họ chán, rồi họ dẹp bỏ bình bát, cởi bỏ tăng y, và họ hoàn tục. Tại sao họ bỏ y hoàn tục? Bởi lẽ họ chẳng nắm được gì về sự tu tập, cho nên họ đã không nhìn thấy được gì. Họ đã ra bắc vào nam, lên tây xuống đông, vẫn không tìm thấy gì; họ vô rừng, lên núi, rồi xuống biển, vẫn không tìm thấy gì. Vậy là hết... họ như 'chết' rồi. Vậy đó, nhiều người tu cứ làm như vậy và đi đến chỗ bế tắc. Đó là do họ cứ liên tục chạy trốn khỏi mọi thứ và mọi sự. Cho nên trí tuệ không khởi sinh.

Lấy một ví dụ khác, giả sử một người tu quyết tâm không chạy trốn như vậy, quyết tâm ở lại với tất cả mọi thứ diễn ra. Người ấy chăm nom bản thân mình. Người ấy biết rõ chính mình và cũng biết rõ về những người đến sống tu với mình. Người ấy liên tục đối diện xử lý mọi vấn đề khởi sinh. Ví dụ, thầy trụ trì. Làm một thầy trụ trì thì luôn có nhiều vấn đề trong chùa phải giải quyết, rất nhiều thứ diễn ra liên tục cần phải để ý để tâm. Vì sao? Vì nhiều người luôn luôn hỏi, ai cũng đến gặp thầy trụ trì để hỏi này hỏi nọ. Những câu hỏi chẳng bao giờ hết, do vậy nếu bạn là người trụ trì thì bạn phải luôn luôn tỉnh thức. Bạn phải luôn luôn giải quyết chuyện này chuyện nọ, chuyện của chính mình và chuyện của mọi người trong chùa. Do vậy, bạn phải luôn luôn thức tỉnh. Trước khi bạn có thể chợp mắt thì mọi người đã đến đánh thức bạn dậy để thưa hỏi đủ thứ vấn đề. Do vậy, điều đó làm cho bạn suy xét và hiểu biết mọi thứ. Dần dần bạn trở nên thiện khéo: thiện khéo với chính bản thân mình và thiện khéo với mọi người. Trở nên thiện khéo trong rất rất nhiều cách. (Kỹ năng này phát sinh từ sự tiếp xúc, từ sự đối diện và xử lý mọi thứ vấn đề, từ sự không bỏ chạy khỏi mọi thứ khởi sinh. Đúng ra, theo lời Phật chỉ, là chúng ta không nên bỏ chạy bằng thân (vô rừng, lên núi, xuống biển, chùa này, chùa nọ, xứ này, xứ nọ...), mà chúng ta nên “bỏ chạy trong tâm”, bằng cách dùng sự hiểu biết. Chúng ta hiểu biết bằng trí ngay chỗ này không cần trốn chạy khỏi bất cứ thứ gì khởi sinh.

Ngay chỗ này chính là nguồn khởi sinh ra trí tuệ. Người tu phải làm việc, phải liên kết với mọi thứ khác. Ví dụ, sống tu trong một ngôi chùa lớn như ở đây, chúng ta phải phụ chăm nom mọi thứ ở đây. Mới nhìn, chúng ta có thể (theo lý thuyết) cho rằng sinh hoạt kiểu này chỉ sinh ra toàn những ô nhiễm trong tâm. Sống chung vói nhiều tăng sĩ và sa di, với quá nhiều Phật tử tại gia đến đi liên tục, thì chắc rất nhiều thứ ô nhiễm và bất tịnh khởi sinh trong tâm. Điều đó đúng, tôi công nhận... nhưng, chúng ta phải sống như vậy (phải chịu sự tiếp xúc) để phát triển trí tuệ và dẹp bỏ được sự ngu si của mình. Chúng ta tới chùa để tu kiểu gì? Tu để dẹp bỏ sự ngu si hay để gia tăng sự ngu si?

Chúng ta phải biết suy xét quán xét. Mỗi khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc tâm có tiếp xúc, chúng ta phải chánh niệm và cẩn trọng. Khi có khổ khởi sinh, ai là người chịu khổ? Tại sao khổ này khởi sinh? Thầy trụ trì chùa phải giám sát nhiều đệ tử. Điều đó có nhiều thứ khổ phát sinh. Nhưng người tu phải hiểu biết khổ khi nó khởi sinh. Hiểu biết về sự khổ. Nếu chúng ta không hiểu biết về sự khổ và không muốn đối diện với nó, vậy làm sao chúng ta chiến đấu với nó để diệt trừ nó? Còn nếu khi khổ khởi sinh mà chúng ta không hiểu biết nó, vậy làm sao chúng ta xử lý nó? (Không hiểu biết về khổ thì coi như số không). Đây là điều kiện quan trọng nhất— chúng ta phải hiểu biết về khổ.

Giải thoát khỏi khổ có nghĩa là hiểu biết cách thoát ra khỏi khổ, chứ không có nghĩa là trốn chạy khỏi khổ mỗi khi nó khởi sinh. Nếu cứ trốn chạy khỏi khổ khi nó khởi sinh thì suốt đời ta cứ mang khổ đi theo mình. Nếu làm vậy, khi khổ khởi sinh lại ở đâu đó, ta phải trốn chạy nữa. Cứ trốn chạy hoài vậy sao? Đó không phải là cách vượt qua khổ, đó không phải là hiểu biết về khổ.

Nếu chúng ta muốn hiểu biết về khổ, ta cần phải nhìn ngay vào tình cảnh đang xảy ra. Giáo lý mói rằng chỗ nào khổ khởi sinh thì phải giải quyết nó ngay tại đó. Nơi nào khởi sinh khổ thì nơi đó là có thể diệt khổ; khổ ngừng diệt ngay nơi nó khởi sinh. Nếu khổ khởi sinh ở đây, chúng ta phải quán xét ngay đây. Ta không cần phải bỏ chạy đi đâu. Chúng ta phải giải quyết vấn đề ngay tại đây. Người trốn chạy khỏi sự khổ vì sợ khổ là kẻ ngu si nhất trên đời. Kẻ đó chỉ làm tăng thêm sự ngu si một cách bất tận.

Chúng ta cần hiểu rằng: Khổ chính là Sự Thật Thứ Nhất [Diệu đế thứ nhất], đúng không? Sao ta phải nhìn sự thật như thứ gì xấu xa mà phải bỏ chạy khỏi nó? Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân khổ, sự thật về sự diệt khổ, con đường dẫn đến sự diệt khổ [Dukkha sacca, samudayasacca, nirodha sacca, magga sacca - khổ, tập, diệt, đạo]. Đó là bốn sự thật, bốn chân lý. Chạy trốn khỏi những sự thật là không phải tu theo đúng Giáo Pháp đích thực của Đức Phật. Đến khi nào bạn mới chịu nhìn thấy sự thật của khổ? Nếu ta cứ lo chạy trốn khỏi khổ thì chẳng bao giờ ta hiểu biết về nó. Khổ là một sự thật mà chúng ta cần phải nhận ra—nhưng nếu chúng ta không chịu đứng lại nhìn nó, thì biết khi nào ta mới nhận ra nó? Không hài lòng ở đây, ta chạy đến chỗ khác; rồi khi ở đó không hài lòng, ta lại chạy đến chỗ khác nữa. Cả đời cứ lo chạy trốn. Nếu ta cứ tu theo kiểu đó, chẳng khác nào ta cứ chạy đua với quỷ dữ trên khắp xứ sở này!

Phật đã dạy chúng ta nghĩa “chạy trốn” bằng cách dùng trí tuệ. Chẳng hạn: giả sử bạn đạp lên gai nhọn, nó đâm vào chân bạn. Sau đó bạn đi, chân bị đau thốn, có lúc không đau. Đôi lúc bạn bưóc lên cục đá hay gốc cây, bạn sẽ thấy rất đau thốn. Nhưng đừng có làm bộ giũ giũ bàn chân cho hết đau rồi bước đi tiếp. Nếu bạn bước tiếp, lại đạp lên những chỗ cứng khác thì lại đau thốn nữa.

Cứ bước nữa là đau nữa. Cái nguyên nhân của sự đau đó là gì? Nguyên nhân là do gai nhọn đâm vào bàn chân. Đau thì thấy ngay. Khi nào đau lên thì bạn nhìn xuống chân và thấy đau, nhưng không thấy mũi gai ở đâu; rồi lại đi tiếp. Sau một lúc nó lại đau thốn, lại nhìn xuống chân, thấy đau, nhưng không thấy gai, rồi lại bước đi tiếp.

Khi có khổ đau khởi sinh, ta phải ghi nhận nó, đừng bỏ qua nó hoặc chỉ nhìn nó qua loa. Khi đau khởi lên thì nên biết... “Hừm... cái gai vẫn còn trong đó.” Hễ đau khởi lên thì ta cũng khởi lên ý nghĩ 'cái gai vẫn còn trong đó'. Nếu không lấy gai ra thì càng bước đi càng đau thốn. Nó cứ đau đi đau lại, đến lúc bạn phải có ý muốn lấy gai ra. Đến một lúc bạn phải quyết định phải nhổ cái gai ra một lần dứt khoát—bởi nếu không nó cứ làm đau thốn hoài hoài!

Giờ việc tu tập của chúng ta cũng giống như vậy. Chỗ nào có đau chỗ nào có thốn, chúng ta phải điều tra, suy xét. Đối diện với vấn đề, trực diện với nó. Tìm và nhổ lấy cái gai đó ra khỏi bàn chân, rút nó ra. Ở đâu tâm bị dính kẹt thì ta phải nhận biết. Khi bạn nhìn vào bên trong mình bạn sẽ biết nó, bạn nhìn thấy nó và trải nghiệm nó đúng như nó thực là.

Nhưng sự tu tập của chúng ta cần phải kiên định và đều đặn. Đó được gọi là viriyãrambha: nỗ lực liên tục. Khi nào đau khổ khởi sinh, ví dụ ở chân, ta phải nhắc mình nhổ ngay cái gai nhọn khỏi bàn chân, giải quyết dứt điểm, không bỏ lơ điều đó. Tương tự, khi có khổ khởi sinh trong tâm, chúng ta phải kiên quyết giải quyết, nhổ sạch tận gốc những ô nhiễm, hàng phục chúng. Sự quyết tâm giải quyết phải luôn luôn có mặt không được thoái chí. Nếu biết làm vậy, cuối cùng tất cả mọi sự ô nhiễm sẽ nằm trong tay chúng ta, ta có thể dọn sạch chúng.

Bởi vậy, khi nói về sướng khổ, chúng ta phải làm gì? Nếu chúng ta không có những thứ sướng khổ, lấy gì chúng ta dùng để kết tinh ra trí tuệ? Nếu không có nhân thì lấy gì tạo ra quả? Tất cả mọi pháp khởi sinh từ những nhân. Nếu quả không còn là do nhân không còn. Đây là cách của mọi sự khởi sinh, nhưng đa số chúng ta không thực sự hiểu biết như vậy. Mọi người chỉ muốn trốn chạy khỏi khổ. Loại hiểu biết như vậy là thiển cận. Về thực tế, chúng ta cũng cần nên hiểu biết cái thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, chúng ta đâu cần phải chạy trốn khỏi chỗ nào. Chúng ta cần phải có thái độ là: “Ở cũng tốt... và đi cũng tốt.” Hãy suy nghĩ điều này một cách kỹ càng.

Sướng và khổ nằm ở đâu? Như vầy: bất cứ thứ gì ta không ôm giữ, không dính vào, không chấp nê... như nó có thực, thì khổ sẽ không khởi sinh. Khổ khởi sinh từ sự sống, từ sự hiện hữu (bhava). Hễ có hiện hữu là có khổ. Sự dính chấp (upãdãna) chính là thứ có trước, là điều kiện tiên quyết tạo ra khổ. Chỗ nào có khổ khởi sinh, hãy nhìn vào trong nó. Đừng nhìn đâu xa xôi, hãy nhìn vào giây khắc hiện tại. Nhìn vào tâm này và thân này của ta. Khi có khổ khởi sinh... ta chánh niệm rằng: “Tại sao có khổ này?” Nhìn ngay vào đó. Khi có sướng khởi sinh... ta chánh niệm hỏi: “Nguyên nhân của sướng là gì?” Nhìn vào ngay đó. Mỗi khi những thứ đó khởi sinh, hãy ý thức biết rõ về chúng. Cả sướng và khổ đều khởi sinh từ sự dính chấp. Sướng khổ đều do dính chấp mà ra.

Những bậc tu hành ngày xưa đã nhìn thấy tâm mình theo cách như vậy. Trong đó chỉ có sự khởi sinh và biến diệt. Không có một thực thể nào ở trong đó. Họ quán xét chánh niệm từ mọi góc độ và nhìn thấy rằng: chẳng có gì nhiều nhỏi hay quan trọng đối với tâm này, chẳng có gì là ổn định hay bền lâu. Đó chỉ là sự sinh diệt của mọi sự, sinh và diệt, diệt và sinh, chẳng có gì là 'cái gì' tồn tại lâu bền. Trong khi đi thiền hay ngồi thiền, họ nhìn thấy như vậy. Khi họ nhìn vào đó, thấy chỉ có sự khổ, tất cả chỉ có vậy. Chỉ là một trò như vậy, chỉ là một bản chất như vậy. Không khác. Cũng giống như một hòn sắt lớn được nung trong lò rèn. Tất cả mọi phía chỉ là sự nóng đỏ. Ta rờ ở trên cũng nóng cháy, ta rờ ở dưới, ở bên trái, ở bên phải, ở bất cứ chỗ nào cũng đang nóng đỏ. Tất cả chỉ là sự nóng đỏ, không có tính chất nào khác. Không có một chỗ nào trong đó có tính chất nào khác.

Giờ nếu chúng ta không xem xét mọi thứ thì chúng ta không biết gì về chúng. Chúng ta phải nhìn một cách rõ ràng. Đừng để bị “sinh” vào những thứ đó, đừng để khởi sinh “sự trở thành” (bhava), đừng để rớt vào những sự tái sinh. Hiểu rõ cái cơ chế tạo ra sự sinh. Ví dụ, cái ý nghĩ “Ồ, tôi không chịu nổi thằng cha đó, lão làm toàn chuyện sai trái” thì không nên có nữa. (Nếu nghĩ vậy thì đã sinh vào sân). Hoặc ý nghĩ “Tôi thích cái này quá, nó ngon quá, nó tốt quá...” cũng không nên có nữa. (Nghĩ vậy là đã bị sinh vào tham). Đó chỉ là những ý nghĩ, đó chỉ là những cách so sánh theo quy ước thế tục, đó chỉ là sự thích và không thích theo cách nghĩ của thế tục. Miệng thế tục luôn nói điều tốt và xấu theo chuẩn mực thế tục. Nhưng miệng nói một đằng, tâm phải theo một hướng khác. Miệng và tâm nên là hai thứ khác nhau, đừng để tâm dính theo miệng nói thế tục. Chúng ta dùng những quy ước thế tục để giao tiếp với nhau, nhưng bên trong tâm ta cần phải trống không. Tâm ở bên trên những thứ quy ước đó. Chúng ta phải đưa tâm lên cao, đến chỗ vượt lên trên những quy ước thế tục đó. Đây là cách an trú của những bậc Thánh Nhân. Tất cả chúng ta đều phải nhắm tới chỗ đó và tu tập theo hướng đó. Đừng dính kẹt vào nghi ngờ.

Trước kia khi tôi bắt đầu tu tập, tôi tự nghĩ: “Phật giáo có ở đây, có sẵn cho tất cả mọi người, vậy tại sao có người tu, có người không tu? Hoặc có số người tu những chỉ tu một thời gian, sau đó bỏ luôn. Hoặc có số người thì không bỏ cuộc, vẫn không đầu hàng và cứ tiếp tục tu. Tại sao khác biệt như vậy?” Nghĩ vậy nên tôi thử hạ quyết tâm: “Tôi sẽ đem hết thân và tâm kiếp sống này ra để cố gắng tu theo giáo lý của Phật đến cuối cùng. Tôi nguyện rằng mình phải đạt tới trí tuệ hiểu biết ngay trong kiếp này... Bởi nếu tôi không làm được như vậy, thì tôi vẫn luôn chìm trong khổ đau. Tôi sẽ buông bỏ hết mọi thứ và nỗ lực hết mình, dù khó khăn hay đau khổ tôi vẫn cố chịu đựng, tôi sẽ kiên trì. Nếu tôi không làm được vậy, thì tôi cứ luôn còn nghi ngờ.”

Sau khi nghĩ vậy, tôi bắt tay vào tu tập. Dù sướng, khổ, khó khăn bao nhiêu tôi vẫn cố chịu để tu tập. Tôi nhìn cuộc đời mình như chỉ còn một ngày một đêm. Tôi bỏ hết kiếp này. “Tôi nguyện tu theo giáo lý của Phật. Tôi nguyện tu theo Giáo Pháp để đi tới sự hiểu biết tại sao thế gian vô minh này đầy khổ sở như vậy?” Tôi muốn hiểu biết, tôi muốn nắm vững giáo lý để tôi chuyển qua tu tập theo Giáo Pháp.

Những người xuất gia cần phải từ bỏ cuộc đòi thế tục đến mức nào? Nếu chúng ta đã xuất gia suốt đời thì chẳng còn phần nào chúng ta chưa từ bỏ. Tất cả mọi thứ trên đời người đời hưởng thụ thì chúng ta từ bỏ hết: cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị và những cảm giác... chúng ta dẹp bỏ hết tất cả. Nhưng chúng ta vẫn trải nghiệm chúng. Do vậy, những người tu theo Giáo Pháp phải biết hài lòng với sự thiếu ít kham khổ và biết sống không ràng buộc. Dù trong lời nói, trong ăn uống, hay bất cứ việc gì, chúng ta phải luôn biết hài lòng: ăn uống đơn giản, ngủ đơn giản, sống đơn giản. Người như vậy thường được gọi là “người bình thường”, tức là người sống đơn giản và bình dị. Càng tu tập chúng ta càng có khả năng biết bằng lòng với sự tu tập của mình. Chúng ta sẽ nhìn thấy tận trong tim mình.

Giáo Pháp là paccattam, đó là sự tự mình hiểu biết cho chính mình. Để tự mình hiểu biết có nghĩa là tự mình tu tập. Chúng ta có thể phụ thuộc vào sư thầy khoảng 15%. Ngay cả bản thân những lời chỉ dạy của tôi hôm nay cũng chỉ là vô dụng, cho dù nó có vẻ đáng nghe. Nhưng nếu các thầy cứ cả tin vào những lời tôi nói thì coi như các thầy không biết vận dụng những lời dạy này một cách đúng đắn. (Giống như ngài Xá-lợi-phất đã trả lời rằng ngài không vội tin vào lời dạy của Phật, mà ngài phải tự mình tu tập để tự hiểu biết lời dạy đó là đúng hay sai).

Nếu các thầy hoàn toàn tin vào tôi thì các thầy là ngu xuẩn. Nghe lời giáo lý, nhìn thấy lợi ích của nó, đưa nó vào tu tập với chính mình, nhìn thấy nó bên trong bản thân mình, tự mình làm và tự mình thấy... làm như vậy mới thực hữu dụng hơn. Rồi đến lúc các thầy sẽ tự mình nếm được mùi vị của Giáo Pháp.

Đó là lý do tại sao Phật đã không nói nhiều về các kết quả tu tập, bởi đó là thứ mà người ta khó diễn tả bằng lời. Điều đó cũng giống như cố tả những màu sắc khác nhau cho một người mù bẩm sinh. Nào trắng, nào đỏ, đây là xanh, kia là tím... ta không thể nào diễn tả những màu sắc đó cho người mù. Ta có thể cố tả, nhưng hầu như ta chẳng thể nào nói sao cho họ hiểu. (Giống như chuyện con ếch lên bờ rồi xuống nước kể lại về núi non, đất liền, xe cộ... cho con cá nghe. Chắc chắn có nói đến chết con cá cũng chẳng bao giờ hiểu, bởi cảnh giới trên bờ là thứ con cá chưa bao giờ có trong khái niệm hiểu biết của nó).

Phật đã dành lại việc đó cho mỗi cá nhân—mỗi người phải tự mình nhìn thấy một cách rõ ràng. Nếu ta tự mình nhìn thấy rõ ràng thì ta sẽ tự mình có được bằng chứng. Dù đang đi, đang ngồi, đang đứng, hay đang nằm, chúng ta không có nghi ngờ nào cả. Ngay cả có ai nói: “Tu kiểu thầy là không đúng, tất cả đều sai”, thì ta vẫn không bị lay động, bởi lẽ ta đã tự mình có được bằng chứng bên trong mình.

Dù có đi đến đâu, người tu theo Giáo Pháp phải là như vậy. Người khác không thể nói gì ta, ta phải tự mình biết rõ. Cách nhìn cách nghĩ đúng đắn, tức chánh kiến (sammã ditthi), phải luôn có mặt. Nếu ai tu tập thực sự với chánh kiến như vậy trong một tháng của mùa an cư là đã quý hiếm lắm rồi; được như vậy trong năm hay mười mùa an cư là thực sự hiếm thấy.

Những bộ phận giác quan của chúng ta phải luôn luôn làm việc. Người tu cần biết rõ sự hài lòng và không hài lòng, tỉnh giác biết rõ về sự thích và không thích. Biết rõ về sự rõ ràng và sự chuyển hóa. Sự rõ ràng và sự chuyển hóa phải được nhận biết cùng lúc với nhau; thiện và ác phải được nhìn thấy cùng có mặt với nhau, cùng khởi sinh với nhau. Đây chính là kết quả của việc tu theo Giáo Pháp.

Vậy đó, điều gì tốt cho mình và tốt cho người, cách tu tập nào lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người, thì đó được gọi là “sự tu theo Phật.” Tôi hay nói đi nói lại về điều này. Bởi những điều gì cần nên làm thì ai cũng thường quên. Ví dụ, đó là những công việc trong chùa, những chuẩn mực tu tập cần phải làm theo, và nhiều thứ nữa; nhưng các thầy vẫn thường quên hoặc không làm. Tôi cứ nói đi nói lại về những điều này, nhưng dường như ít ai nghe lọt tai. Một số người không thèm biết, một số người thì lười biếng và chẳng thèm quan tâm, một số người thì chỉ do tâm họ bị phân tán và ngu mờ nên họ chẳng nhớ.

Nhưng điều đó cũng là một nhân giúp trí tuệ khởi sinh. Nếu chúng ta đến những nơi không có thứ gì khởi sinh, thì chúng ta nhìn thấy cái gì? Lấy ví dụ thức ăn. Nếu thức ăn không có mùi vị gì thì lấy gì cảm thấy ngon? Nếu một người bị điếc thì có nghe gì không? Nếu ta không nhận thức điều gì thì ta lấy gì để suy xét hay quán xét? Nếu không có vấn đề gì khởi sinh thì có đâu có gì để xử lý hay giải quyết? Đúng không? Hãy suy nghĩ về cách tu tập theo cách như vậy.

Hồi tôi lên sống tu trên miền Bắc. Lúc đó tôi sống chung với nhiều Tỳ kheo, tất cả họ đều già tuổi hơn tôi nhưng tuổi Hạ nhỏ hơn tôi. Họ chỉ vừa mới thọ giới, chỉ mới hai, ba tuổi Hạ, còn tôi lúc đó đã mười tuổi Hạ. Ở chung với mấy vị Tỳ kheo già tôi quyết định làm những bổn phận như: nhận rửa bình bát của họ, giặt y cho họ, đổ ống nhổ cho họ và làm nhiều việc phục vụ khác. Tôi không nghĩ làm những việc đó vì một cá nhân nào, tôi chỉ đơn giản đang duy trì sự tu tập của mình. Nếu người khác không làm bổn phận của họ, tôi sẽ làm cho họ. Tôi nhìn đó là cơ hội tốt để tôi tạo ít công đức. Điều đó làm tôi cảm thấy tốt lành và cho tôi một cảm nhận hài lòng, mãn ý.

Vào những ngày lễ Bố tát (uposathà)(121) tôi biết rõ những trách phận phải làm. Tôi lên chỗ sảnh đường tổ chức lễ Bố tát để lau chùi cho sạch sẽ và chuẩn bị đầy đủ nước để người ta tắm táp và nước để mọi người uống trong ngày lễ. Những vị kia chẳng biết gì về những trách phận đó, họ chỉ đứng nhìn. Tôi cũng chẳng trách gì họ, chỉ do họ không biết mà thôi. Tôi tự làm hết những trách phận đó, và sau khi làm xong, tôi tự thấy hài lòng với chính mình, nhờ đó tôi có được nhiều cảm hứng và nhiều năng lượng trong việc tu tập của mình.

Khi nào tôi cũng có thể làm các việc trong chùa, dù là việc trong cốc của tôi hay cốc của người khác, hễ thấy dơ dáy là tôi quét lau cho sạch. Tôi không làm việc đó cho cá nhân ai cả, tôi không làm việc đó để lấy lòng ai, tôi chỉ đơn giản làm việc đó để duy trì sự tu tập của mình cho tốt. Quét lau cho sạch các cốc hay nơi mình ở chẳng khác gì như dọn sạch những rác rưởi trong tâm của mình.

Bây giờ, đây là điều mà các thầy nên ghi nhớ trong tâm. Chúng ta không cần phải lo âu về sự hòa hợp, nó sẽ tự động có. Sống với Giáo Pháp, với sự bình an và giới hạnh, sống luyện tập tâm mình theo cách như vậy thì sẽ không có điều gì bất hòa bất hợp xảy ra. Có việc gì khó nhọc thì mọi người góp tay phụ làm, rồi chẳng bao lâu nó cũng xong, mọi người cùng quan tâm làm thì tất cả thành dễ dàng. Đó là cách tốt nhất.

Tôi đã từng gặp nhiều loại người khác nhau, nhưng tôi biết dùng những cơ hội đó để trưởng thành. Ví dụ, sống trong một chùa lớn, các tăng và sa di có thể thỏa thuận chia phiên nhau giặt y áo vào ngày chẵn ngày lẻ sao đó. Tôi đi nấu nước sôi để nấu gỗ mít.(122) Lúc đó có những tăng chỉ chờ đến lúc có ai nấu xong nước gỗ mít thì đem quần áo của họ đến giặt ké, giặt xong đem quần áo về cốc của mình để phơi và ngã lưng nằm ngủ cho khỏe. Họ thậm chí chẳng giúp nhóm lửa (ngày trước nhóm lửa củi cũng rất cực nhọc), họ cũng chẳng ở lại giúp lau dọn chỗ giặt sau đó... họ nghĩ họ làm vậy là gọn nhất, làm vậy là họ khôn ngoan. Thực ra đó là đỉnh cao của sự ngu si. Những người đó chỉ đang làm tăng sự ngu si của họ bởi họ chẳng hiểu biết gì, họ cứ để mặc mọi việc cho người khác làm. Họ cứ ngồi chờ mọi thứ đã gần như xong rồi họ đến 'xài ké', chờ người khác làm sẵn rồi đến dùng, như vậy dễ dàng hơn. Điều này chỉ làm tăng thêm sự ngu si của họ. Những hành động đó chẳng mang lại ích lợi gì cho người tu như họ.

Một số người nghĩ một cách ngu si như vậy. Họ giả lơ những trách phận phải làm trong chùa và họ nghĩ mình khôn ngoan, nhưng đó thực chỉ là ngu dốt. Nếu có thái độ như vậy thì sống ở đây chẳng được bền.

Do vậy, dù đang nói, đang ăn, hay đang làm gì, ta phải luôn luôn quán xét chính mình. Chúng ta muốn sống thoải mái, muốn ăn thoải mái, muốn ngủ thoải mái... vậy chúng ta vô chùa để làm gì? Nếu thường xuyên suy xét về điều này, chúng ta sẽ có ý thức chú tâm hơn, chúng ta sẽ không quên, chúng ta sẽ thường trực tỉnh thức. Tỉnh thức như vậy thì sẽ tự giác nỗ lực tu trong tất cả mọi tư thế. Nếu không tự giác nỗ lực thì mọi sự sẽ đi khác... Mấy người như vậy khi ngồi họ ngồi như đang ngồi ngoài đường, khi đi họ đi như đang đi dạo phố... Họ chỉ muốn ra đường ra phố với những người thường ngoài kia.

Nếu không có nỗ lực trong tu hành thì tâm sẽ ngã về hướng đó. Ta không chịu phản đối và chống lại cái tâm, ta cứ để mặc nó bị cuốn theo chiều gió của những trạng thái này nọ. Điều này gọi là chạy theo những tâm trạng, là quên mình theo vật. Cũng như một đứa trẻ, nếu cái gì chúng ta cũng chiều ý nó, thì nó sẽ hư hay nên? Trước hết, thương chiều con cái là điều tốt, nhưng lúc nó ngang bướng hay làm bậy cha mẹ cũng phải đánh đít để răn dạy nó, bởi nếu không uốn dạy thì sau này nó sẽ ngu dại. Việc huấn luyện cái tâm cũng giống như vậy. Phải biết rõ chính mình và cách để huấn luyện bản thân mình. Nếu không biết huấn luyện cái tâm của mình, nếu chỉ biết ngồi chờ người khác huấn luyện tâm mình cho mình, thì kết cục mọi sự chỉ thành rối nát.

Vậy, các thầy đừng nên nghĩ rằng mình sẽ không tu được ở chùa này. Tu tập thì không có giới hạn. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi, hay đang nằm, chúng ta luôn luôn có thể tu. Nhiều lúc đang quét sân hoặc đang nhìn tia sáng mặt trời bạn cũng có thể giác ngộ Giáo Pháp. Nhưng bạn cần phải có sự chánh niệm (sati) thường trực. Tại sao vậy? Bởi nếu bạn thực sự có nó, bạn có thể giác ngộ Giáo Pháp bất kỳ lúc nào, bất kỳ chỗ nào... nếu bạn nhiệt tâm thiền tập. Đừng lơ là, đừng lãng tâm. Phải luôn cẩn trọng, luôn tỉnh thức. Khi đang đi khất thực, rất rất nhiều cảm giác khởi sinh, và đó chính là những Giáo Pháp tốt cho ta tu tập. Khi quay trở lại chùa và khi đang ngồi ăn thức ăn của mình, có rất nhiều Giáo Pháp tốt để ta nhìn vào đó. Nếu chúng ta có sự nỗ lực thường trực thì tất cả mọi thứ đều là đối tượng để ta quán xét chánh niệm để phát sinh trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn thấy Giáo Pháp ở đó. Cách quán xét thường trực về Giáo Pháp như vậy được gọi là sự điều tra về giáo pháp (dhamma vicaya), hay (HV) trạch pháp. Đây là một trong Bảy Yếu Tố Giúp Giác Ngộ.(123) Nếu có sự chánh niệm thì có sự điều tra suy xét về mọi sự. Đây là những yếu tố cần có để dẫn đến sự giác ngộ. Nếu có chánh niệm, chúng ta không dễ làm ngơ, tự ta sẽ luôn điều tra suy xét mọi thứ, suy xét về Giáo Pháp. Đó là những việc cần có để giác ngộ Giáo Pháp.

Nếu chúng ta tu được đến mức này thì lúc đó sự tu tập không còn phân biệt ngày hay đêm gì nữa, nó sẽ liên tục cho dù là ngày hay đêm. Chẳng có gì làm ô nhiễm sự tu tập lúc đó, mà nếu có thì ta cũng nhận biết ngay. Trong tâm phải luôn có sự điều tra các pháp một cách thường trực, luôn tỉnh giác suy xét nhìn sâu vào Giáo Pháp. Nếu sự tu tập của chúng ta đã nhập vào dòng chảy thì tâm sẽ khuynh hướng như vậy. Nó sẽ không còn chạy theo những thứ khác... Chẳng hạn, nó chẳng còn kiểu suy nghĩ như: “Tôi nghĩ tôi sẽ đi một chuyến đến chỗ đó, hoặc đến chỗ khác... trong tỉnh đó, chắc mọi chuyện sẽ tốt hơn....” Đó là kiểu nghĩ của thế gian. Nghĩ vậy như đứng núi này trông núi nọ, rồi sự tu hành cũng tiêu tùng luôn.

Vậy nên các thầy phải tự quyết tâm. Không phải chỉ có ngồi nhắm hai mắt là phát sinh trí tuệ đâu. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm phải thường trực với chúng ta, do vậy phải luôn luôn tỉnh thức. Luôn luôn suy xét quán xét. Nhìn thấy cây cối hay động vật, đó toàn là những cơ hội để điều nghiên, suy xét. Mang tất cả sự suy xét vào bên trong tâm. Nhìn thấy một cách rõ ràng trong tâm ta. Nếu cảm nhận tác động tới tâm, ta tự mình chứng kiến điều đó một cách rõ rệt, đừng bỏ lơ hay làm ngơ điều đó.

Lấy ví dụ đơn giản: đốt gạch. Các thầy có từng thấy lò nung gạch chưa? Chúng ta đốt lửa ngoài cửa lò, cách vài ba tấc, để gió thổi tất cả lửa và khói vào bên trong lò. Nhìn cách của lò gạch ta dễ hình dung về cách tu tập hơn. Để đốt lò gạch đúng cách, chúng ta phải đốt lửa sao cho tất cả ngọn lửa và khói được thổi hút hết vào bên trong lò, như vậy tất cả nhiệt lượng sẽ đi hết vào bên trong một cách nhanh chóng.

Chúng ta là những người tu hành theo Giáo Pháp cần phải trải nghiệm mọi sự theo cách như vậy. Tất cả mọi cảm giác cảm nhận của chúng ta phải được đưa hết vào bên trong (tâm) để chúng chuyển hóa thành chánh kiến. Khi nhìn những hình sắc, khi nghe những âm thanh, khi ngửi những mùi hương, khi nếm những mùi vị... tâm phải kéo tất cả chúng vào bên trong (tâm) để chuyển hóa chúng thành chánh kiến. Nhờ vậy, những cảm giác đó trở thành những trải nghiệm làm khởi sinh ra trí tuệ.

----------------

(116) [Gỉảng cho chư tăng tại chùa Wat Pah Pong sau lần ôn tụng Giới Luật Tỳ kheo trong kỳ An Cư Mừa Mưa năm 1978]

(117) [Ở đây thầy vẫn dùng chữ sãmanera (sa môn) để chỉ chung các sa di].

(118) (Như đã nói trước đây, chữ dhamma (pháp) viết thường là chỉ sự việc, hiện tượng, sự thể, một điều nào đó... Còn Dhamma khi viết hoa là chỉ Giáo Pháp, Phật Pháp, sự thật, chân lý).

(119) [Kinh điển chép lại rằng, sau khi nghe ngài Assaji nói, tâm ngài Xá lợi phất khởi sinh trí tuệ giác ngộ và ngài đã chứng ngộ thánh quả Nhập Lưu (sotãpatti) khi còn chưa gia nhập tăng đoàn].

(120) [Đó là nibbidã: sự chán bỏ; chán ngán những thứ khoái lạc trần tục, từ bỏ cái ý niệm về cái 'ta', sự chán bỏ sự sống thế tục để tìm cách giải thoát theo tinh thần đạo Phật dựa trên chánh kiến và trí tuệ].

(121) [Vào những ngày lễ này, thường diễn ra hai tuần một lần, đó là dịp các Tỳ kheo tự mình thú nhận những sai phạm của mình và cùng nhau ôn tụng Giới Luật Tỳ kheo (Patimokka)].

(122) [ở Thái Lan ngày trước, các tu sĩ thường nấu lõi gỗ cây mít để ra chất màu vừa làm chất nhuộm y, vừa dùng làm chất tẩy giặt quần áo]. (Ở Việt nam trước kia các Tăng cũng nấu vỏ trái măng cụt để lấy nước màu đó nhuộm y màu nâu sòng).

(123) [Bảy Yếu Tố Giúp Giác Ngộ bao gồm: chánh niệm (sati), điều tra mọi sự (dhamma vicaya), nỗ lực tinh tấn (viriya), sự hoan hỷ (piti), sự bình an (passaddhĩ), chánh định (samadhi) và sự buông xả (upekkhã)]. (HV dịch là Thất Giác Chi).

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vào thiền


Bhutan có gì lạ


Thắp ngọn đuốc hồng


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.167.189 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...