Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» QUYỂN 4: Giáo Pháp sống »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» QUYỂN 4: Giáo Pháp sống

Donate

(Lượt xem: 3.261)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - QUYỂN 4: Giáo Pháp sống

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

61. Làm Cho Tâm Thiện Lành

(29)Thời nay nhiều người kéo nhau đi khắp nơi để tìm kiếm công đức. (30) Và dường như ai cũng ghé đến chùa Wat Pah Pong này. Nếu họ không ghé trên đường đi thì họ cũng ghé trên đường về. Chùa Wat Pah Pong trở thành một điểm dừng chân. Nhiều người ghé thăm vội vã và đi, thậm chí tôi chưa kịp nhìn thấy hay nói chuyện với họ. Hầu hết họ đều chỉ đi tìm kiếm công đức. (Họ nghĩ mình ghé thăm chùa là đã tạo công đức). Tôi không thấy có mấy ai đến chùa để học cách từ bỏ những điều xấu sai, bất thiện. Họ cứ chúi mũi vào việc đi 'tạo công đức', nhưng họ chẳng biết họ đang tốn công sức vào việc gì. Điều đó giống như người đang cố nhuộm màu cho một tấm vải dơ bẩn, chưa giặt sạch. (Ý theo kinh 'Ví Dụ Tấm Vải').

Các sư thầy đã nói thẳng thừng như vậy, nhưng khó có thể làm cho mọi người biết cách mà tu tập cho đúng. Khó bởi vì nói thẳng như vậy mà họ cũng không chịu hiểu. Nếu họ hiểu được thì dễ hơn nhiều. Giống như ví dụ có một cái lỗ và có để một vật dưới đáy lỗ. Ai cũng thọc tay vào lỗ nhưng không đụng đến vật đó. Hầu hết đều cho rằng cái lỗ quá sâu, chứ không ai chịu hiểu do tay của họ ngắn quá. Một trăm hay một ngàn người thọc tay xuống đều nói lỗ quá sâu, không ai nói tay mình quá ngắn!

Quá nhiều người cứ đi 'tìm' công đức, đi 'tạo' công đức. Nhưng đường đúng là họ nên tìm cách tu sửa để giải trừ bớt những bất thiện trong tâm, dù trễ vẫn còn tốt. Nhưng chẳng mấy ai muốn làm như vậy, chẳng mấy ai quan tâm đến việc tu sửa tâm tính. Lời dạy của Phật rất rõ ràng và ngắn gọn, nhưng tất cả họ đều nghe rồi bỏ qua, giống như cách họ ghé qua chùa Wat Pah Pong một chút rồi bỏ đi. Hầu hết họ nghĩ rằng Phật Pháp chỉ là vậy, chỉ là ghé vái lạy và cúng dường cho có công đức rồi đi, đó chỉ là điểm dừng chân.

Một câu kệ trong kinh Pháp Cú của Phật có ghi: “Tránh làm tất cả những điều xấu ác” (Sábba-pãpassa akaranam). Đó là lời dạy của các vị Phật.(31) Đây là cốt lõi của đạo Phật. Nhưng mọi người cứ muốn nhảy qua, họ không muốn làm những điều này. Phòng trừ, tránh bỏ tất cả những điều xấu ác, từ điều nhỏ đến điều lớn, từ thân, miệng, ý... đây chính là điều các vị Phật dạy.

Nếu chúng ta muốn nhuộm một tấm vải thì chúng ta phải giặt sạch nó trước. Nhưng hầu hết mọi người không làm vậy. Nhiều người chẳng thèm nhìn vào tấm vải, cứ nhúng ngay vào thuốc nhuộm. Vậy là tấm vải càng trở nên tệ hơn trước đó. Hãy nghĩ về điều này. Vải mà dơ thì có nhuộm gì cũng ra màu dơ, màu lem.

Quý vị thấy không? Đây là chỗ đạo Phật đã dạy, nhưng ai cũng bỏ qua phần này. Họ chỉ muốn ra mặt làm những việc tốt, việc thiện, nhưng họ không chịu từ bỏ những việc xấu, việc ác. (Khi tâm còn đầy tham, sân, ích kỷ thì có làm nhiều việc thiện thì cũng không tốt hơn bao nhiêu). Giống như ai cũng đổ thừa rằng “cái lỗ sâu quá”, nhưng chẳng ai tự nhận là tay mình ngắn quá. Cái nên làm là chúng ta phải quay lại nhìn lại chính mình! Nghe được giáo lý này, quý vị nên bước lùi lại một bước và nhìn lại chính mình.

Hàng đoàn đoàn người chất đầy trên các xe khách kéo nhau đi tạo công đức. Nhưng trên xe họ vẫn còn cãi vã nhau, người vừa lòng, kẻ bực tức với nhau này nọ. Thậm chí có những nhóm đi tạo công đức hay đi lễ Phật nhưng vẫn uống bia rượu dọc đường, trên xe. Nếu có ai hỏi họ đang đi đâu, họ đều nói là đang đi chùa, đang đi tạo phước, tạo đức. Họ chỉ muốn tạo công đức mà không muốn từ bỏ những tâm tính tham, sân, xấu nết, ích kỷ. Kiểu như vậy thì họ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy công đức gì hết.

Người đời thì theo kiểu như vậy. Còn quý vị nên nhìn một cách sâu sát, nhìn lại bản thân mình. Đức Phật đã dạy là phải luôn có sự tập trung (chánh định) của tâm và sự tỉnh giác (chánh niệm) trong tất cả mọi tình cảnh. Sự bất thiện khởi sinh trong những hành động của thân, miệng và ý. Nguồn gốc của tất cả mọi điều tốt, xấu, thiện, ác, lành, hại đều nằm trong ba loại hành động (ba nghiệp): hành động, lời nói và tâm ý. Quý vị có mang theo những hành động, lời nói, tâm ý đó đến đây hôm nay không? Hay quý vị đã bỏ chúng lại ở nhà? Đây chính là chỗ quý vị cần nhìn vào, ngay chỗ ba nghiệp đó. Không cần phải nhìn đâu xa xôi. Nhìn ngay vào hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Nhìn vào để thấy hành vi đức hạnh của mình có bị sai trái hay không.

Đa số không thực sự nhìn vào ba chỗ đó. Giống như bà nội trợ đang rửa chén với vẻ mặt nhăn nhó. Bà ta cũng đang cố rửa sạch chén, nhưng không biết tâm mình đang ô nhiễm (sân)! Đó là chuyện bình thường, nhưng cũng có thể là chuyện thường ngày, ai cũng thường nhăn nhó khi rửa chén bát phải không. Đó, ngay chỗ này quý Phật tử cần nhìn vào chỗ này. Rửa chén với tâm bực tức, điều đó là không tốt: như vậy là quên mất mình, không chánh niệm, không để ý đến tâm mình.

Vì không nhìn thấy chính mình nên người ta cứ làm đủ thứ hành động bất thiện. Họ không nhìn vào tâm mình. Mỗi khi làm chuyện gì xấu sai, họ thường nhìn xung quanh coi có ai nhìn thấy mình không. “Mẹ mình có nhìn thấy không?”, “Chồng mình thấy không?”, “Tụi nhỏ có nhìn thấy không?” Nếu không thấy ai đang nhìn thì họ sẽ làm ngay. Điều đó thực ra là tự sỉ nhục mình. Họ cứ nghĩ không ai nhìn thấy mình thì việc mình làm là không sai. Vậy còn chính bản thân họ không phải là người đang nhìn thấy hành động của họ đó sao?

Quý vị thấy không? Bởi mọi người cứ nhìn ra bên ngoài để coi có ai (hoặc luật lệ, quy định nào) đang nhìn thấy hành động mình hay không, bởi mọi người chẳng bao giờ quay lại nhìn vào chính mình, cho nên họ chẳng thể nào nhìn thấy Giáo Pháp. Nếu bạn nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy bản thân mình. Mỗi khi mình sắp làm điều gì sai xấu, nếu bạn kịp nhìn thấy bản thân mình, bạn có thể ngừng hành động bất thiện đó. Nếu bạn muốn làm điều lợi lạc đáng làm, hãy nhìn vào bản thân mình. Nếu nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy được điều đúng điều sai, điều hại điều lợi, điều xấu điều tốt, điều thiện và điều bất thiện. Đó là những thứ chúng ta cần nhìn và biết.

Nếu tôi không nói về những điều này, có thể quý vị sẽ không bao giờ biết. Quý vị có tham và sân trong tâm, nhưng không hiểu biết về điều đó. Quý vị sẽ không bao giờ hiểu biết điều gì nếu quý vị luôn nhìn ra bên ngoài. Đây là vấn đề, là sự khó khổ của những người chỉ luôn nhìn ra bên ngoài. Chỉ có nhìn vào trong thì mới thấy được điều thiện và bất thiện (bên trong tâm mình). Sau khi nhìn thấy điều thiện lành, chúng ta mang điều đó vào trong trái tim và thực hành tu dưỡng nó.

Từ bỏ (tránh bỏ, phòng ngừa) những điều xấu ác, tu tập (thực hành, tu dưỡng) những điều tốt thiện... đây chính là trái tim của đạo Phật. Sabba-pãpassa akaranam-[ Kiêng cữ, không làm những hành động xấu ác, dù bằng thân, bằng lời nói, hay bằng ý nghĩ. Đó là sự tu hành đúng đắn, đó là lời dạy của các vị Phật. Vậy thì “tấm vải” của chúng ta mới được sạch sẽ.

Rồi tiếp theo chúng ta có Kusalassũpasampadã-[Làm cho tâm thiện khéo và đức hạnh]. Nếu tâm đã thiện khéo và đức hạnh thì quý vị đâu cần phải ngồi trên xe khách đi khắp đất nước này để tìm kiếm công đức. Ngồi ở nhà cũng có được công đức vậy. Nhưng ai cũng rủ nhau đi tìm kiếm hay tích tạo công đức mà không mấy ai chịu từ bỏ những điều xấu ác. Họ quay về nhà với hai bàn tay trắng, với vẻ mặt chua chát (vì không biết mình có được phúc đức gì không sau một chuyến đi dài mệt mỏi như vậy). Họ lại rửa chén bát với vẻ mặt chua chát, ý định rửa chén cũng bực tức, không vui. Ngay chỗ này không ai chịu nhìn vào, mà cứ lo đi tìm công đức ở những nơi xa xôi.

Chúng ta có thể đã nghe về những điều này, nhưng chúng ta chưa thực sự hiểu biết về chúng nếu chúng ta không chịu hiểu biết bên trong tâm này của chúng ta. Đạo Phật là tiến vào trong tâm. Nếu tâm đang tốt lành và đức hạnh thì nó hạnh phúc. Lúc đó như có một nụ cưòi trong tim chúng ta. Nhưng hầu hết chúng ta khó mà dành một chút thời gian để cười, phải không? Chúng ta muốn cười khi mọi thứ xảy ra theo ý chúng ta. Sự hạnh phúc của hầu hết mọi người là khi mọi thứ (cơm áo gạo tiền, dục lạc, danh phận...) xảy ra theo ý muốn của mình. Họ luôn muốn mọi người trên đời phải làm những điều họ muốn và nói những lời họ thấy vui. Đúng không, đó là cách người đời đi tìm hạnh phúc. Làm sao có thể mọi người trên đời này sẽ làm và nói những điều mình thích? Vậy thì làm sao bạn tìm thấy hạnh phúc được theo cách đó?

Chúng ta phải dùng Giáo Pháp để tìm hạnh phúc. Dù mọi sự ra sao, dù đúng hay sai, đừng dính chấp vào nó. Cứ nhận biết mọi sự như-chúng-là, rồi chúng sẽ biến qua. Khi tâm được thư thả thì bạn có thể cười. Giây phút nào bạn khó chịu (không vui, sân giận, bất mãn, bực tức, khó chịu, bất đồng) với điều gì, tâm sẽ bị xấu. Cứ chấp này chấp nọ thì chẳng tốt lành gì cả.

Sacittapariyodapanam: [(tạm dịch) Sau khi rửa sạch mọi ô nhiễm, tâm sẽ không còn phiền não bất an...], tâm sẽ được bình an, hiền lành và đức hạnh. Khi tâm tỏa sáng và đã trừ sạch mọi điều bất thiện thì mọi lúc mọi nơi ta đều được thư thả, dễ chịu. Một cái tâm tĩnh lặng và bình an là sự thể hiện đích thực của thành tựu nhân văn. (Tâm tĩnh lặng và bình an là mục tiêu của con đường tu tập theo đạo Phật. Chứ bạn nghĩ mục tiêu của đạo Phật là gì?)

Khi ai nói thuận với ý ta, ta cười. Khi họ nói ngược với ý ta, ta bực. Làm sao bạn có thể khiến tất cả mọi người trên thế gian này luôn nói và làm theo ý của bạn được? Làm gì có chuyện đó (ngay cả khi bạn là vua), đúng không? Bộ bạn chưa bao giờ làm ngược ý hay làm bực lòng cha mẹ mình sao? (Ngay cả bạn có hiếu đến mức nào, nhưng bạn cũng không thể luôn luôn nói và làm một cách tuyệt đối theo ý cha mẹ.) Không phải chỉ là mọi người, mà thậm chí tâm của chúng ta cũng làm ngược ý ta. Những thứ bản thân chúng ta nghĩ đến cũng gây khó chịu. Chúng ta làm gì được? Có thể bạn đang đi thả bộ và bất ngờ vấp phải một gốc cây. Úi cha đau quá! Là chuyện gì? Ai gây ra? Ai đá chân vào gốc cây? Ai đá ai? Biết chửi ai bây giờ, nhưng ta cũng bực tức, ngay cả đó là hoàn toàn lỗi của mình. Tâm của chúng ta cũng làm ta khó chịu, bất hạnh. Nếu suy xét về điều đó, bạn sẽ thấy đúng là vậy. Nhiều lúc chúng ta làm những điều mà mình cũng không thích. Tất cả chúng ta đều chửi thề (bằng nhiều chữ khác nhau) khi mà chúng ta không có ai để chửi, để chấp, để bắt lỗi, để trút sân giận về phía người đó.

Công đức, phúc đức hay phước trong đạo Phật chính là hành động từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ. Khi chúng ta từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ thì chúng ta không bất thiện, không sai, không xấu. Khi không còn sự căng thẳng, chấp nê này nọ thì sẽ có được sự bình lặng. Tâm bình lặng là một cái tâm trong sạch, nơi đó không còn chứa chấp những ý nghĩ sân si, nơi đó là trong sạch và sáng tỏ.

Làm cách nào để làm cho tâm được trong sạch và sáng tỏ? Chỉ bằng cách thấy biết nó. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ rằng: “Hôm nay tâm trạng mình thực là tồi tệ, mọi thứ mình nhìn đều gây khó chịu, ngay cả mấy cái chén đang nằm trong tủ chén.” Bạn cứ muốn lấy chúng ra đập bể hết cho đã. Mọi thứ bạn nhìn đều đáng ghét, mấy con gà, mấy con vịt, mấy con mèo, mấy con chó... bạn thấy ghét tất cả. Mọi lời nói của ông chồng đều thấy ghét, thấy khó nghe. Ngay cả lúc này nếu nhìn vào trong tâm bạn cũng thấy không vui. Những lúc như vậy ta phải làm gì? Sự khó khổ này sinh ra từ đâu vậy? Cứ sân si như vậy thì không tốt lành, cứ sân si như vậy thì được gọi là sự “không có công đức”, sân si như vậy là vô phúc, vô phước. Dạo này ở Thái Lan người ta hay nói kiểu: 'Một người khi chết là hết công đức.' (Ở Việt nam thì gọi là 'hết phước', cùng một nghĩa). Nhưng điều đó không phải, (không phải khi chết mới hết công đức). Cả đống người còn sống cũng đã đâu có chút công đức gì... Đó là những người không hiểu biết gì về công đức. Cái tâm xấu thì luôn luôn tích thêm nhiều những điều xấu, ác và bất thiện. (Tâm tốt thiện thì bản thân nó đã là công đức!)

Quý Phật tử cứ tổ chức những chuyến đi tìm kiếm hay tạo công đức như kiểu này thì chỉ giống như đang cố xây một ngôi nhà đẹp nhưng không chuẩn bị nền móng trước vậy. Chẳng bao lâu, ngôi nhà đó sẽ sập đổ ngay trên cái nền móng xấu đó. Làm kiểu đó là không “ăn” được công đức nào đâu. Giờ quý Phật tử hãy bắt đầu làm lại, làm lại theo cách khác. Quý vị phải quay lại nhìn vào mình, nhìn vào những sai xấu trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Đâu còn chỗ nào đâu, ngoài ba nghiệp hành động, lời nói và ý nghĩ? Mọi người đều đang đi lạc. Có người còn ước nếu có đi tu thì đến tu ở chùa Wat Pah Pong nổi tiếng. Ở chùa Wat Pah Pong có bình an không? Không, ở đây không thực sự bình an gì đâu. Sự bình an thực sự nằm ở trong 'ngôi nhà' của quý vị.

Nếu mình có sự hiểu biết, có trí tuệ thì đi đâu mình cũng vô sự, không bị bất an. Cả thế gian thì tuyệt đẹp như vậy, như nó là. Mọi cây cối trong rừng đều đẹp: có cây cao, cây thấp, cây mục, cây rỗng. Chúng tự nhiên là như vậy, như chúng là. Chỉ vì không hiểu được lẽ tự nhiên nên chúng ta cứ luôn chấp nê này nọ, có ý này ý nọ về chúng. Nhìn chúng cứ nghĩ cây này cao quá, cây này thấp quá, cây này đẹp, cây này xấu... đủ thứ. Cây cối chỉ là cây cối, chúng có mặt và tồn tại theo đường lối tự nhiên của chúng, chúng đâu làm gì ta, chúng đâu lớn, nhỏ, cao, thấp, xấu đẹp gì gì đó vì ta đâu mà ta cứ chấp này chấp nọ. Về chỗ này, chúng “tốt” hơn chúng ta nhiều. (Chúng chẳng hề chấp nê phân biệt này nọ).

Bởi vậy tôi mới khắc những bài thơ nhỏ trên những cây quanh đây. Để cây cối dạy chúng ta. Quý vị đã học được gì từ chúng chưa? Quý vị nên học ít nhất một điều gì đó từ cây cối. Có rất nhiều cây, tất cả chúng đều có thứ để dạy chúng ta. Giáo Pháp có mặt ở khắp nơi, bên trong mọi thứ trong tự nhiên. Quý Phật tử nên hiểu biết chỗ này. Đừng cứ chấp nê, dính chấp này nọ; đừng than cái lỗ quá sâu...mà nên quay lại nhìn cánh tay mình để thấy tay mình ngắn! Nếu quý vị thấy được điều đó quý vị sẽ hạnh phúc.

Nếu quý vị tạo được công đức hay đức hạnh, giữ nó trong tâm này. Đó là nơi tốt nhất để giữ nó. Tạo công đức như việc quý Phật tử đến đây thì cũng tốt, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Tạo dựng nhà cửa thì cũng tốt, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Tạo lập tâm của mình vào những điều thiện lành là cách tốt nhất. Đây là cách quý vị sẽ luôn luôn thấy tốt lành dù đang ngồi trong chùa ở đây hay đang ở nhà. Nên tìm kiếm điều tốt nhất bên trong tâm này của quý vị. Những cấu trúc bên ngoài của nhà cửa chỉ giống như phần “vỏ cây” của cây, chúng không phải là “cốt lõi” của cây.

(Việc đi chùa, đi cúng dường để tạo công đức giống như những phần vỏ cây bên ngoài. Việc quay vào lại mình để tu sửa điều bất thiện ích kỷ và tu dưỡng điều thiện lành rộng lượng ở trong tâm mới là cốt lõi của đạo Phật. Đó mới là công đức thực sự.)

Nếu bạn có trí tuệ, mọi thứ bạn nhìn thấy sẽ là Giáo Pháp. Nếu thiếu trí tuệ thì ngay cả những điều tốt cũng trở thành xấu sai. Sự xấu sai này có từ đâu? Chính là từ trong tâm này của chúng ta, đó là nơi nó khởi sinh ra. Hãy nhìn xem tâm này thay đổi như thế nào. Mọi thứ đều thay đổi. Vợ chồng trước kia vẫn thường hòa hợp với nhau, luôn nói chuyện với nhau một cách hạnh phúc. Nhưng đến một ngày nào đó tâm trạng của họ trở nên xấu đi, mọi điều hai người nói ra đều thấy nặng nề, nghe như chửi nhau. Tâm đã chuyển thành xấu sai, nó đã thay đổi. Nó luôn thay đổi, nó là vậy.

Do vậy, để từ bỏ sự xấu và tu dưỡng sự thiện, quý vị không cần phải khổ cực đi tìm ở nơi nào khác. Khi tâm mình xấu, đừng đi tìm kiếm ở người này người khác. Chỉ cần quay lại nhìn vào tâm mình và tìm coi những ý nghĩ đó từ đâu mà có. Tại sao tâm lại nghĩ những điều bất thiện như vậy? Hiểu biết rõ rằng tất cả mọi thứ đều biến đổi. Tình yêu thương cũng biến đổi, lòng thù ghét cũng biến đổi. Quý vị đã từng yêu thương con cháu của mình, phải không? Dĩ nhiên là vậy. Vậy quý vị đã từng ghét chúng chưa? Cũng có phải không. Đôi lúc cũng thấy ghét, phải không? Liệu quý vị có bỏ mặc chúng không? Không, quý vị không thể bỏ mặc con cái. Tại sao không? Con cái chỉ là 'của nợ', sao không vứt bỏ đi? Thiệt tình, của nợ thì mong vứt bỏ đi, nhưng con cái là 'của nợ' mà cha mẹ chỉ muốn ôm vào.(32) Con cái dù có xấu xa hư hỏng thì cũng là con của cha mẹ. Dù con cái làm bậy làm bạ thì cũng chính cha mẹ nhận lãnh. Chúng ta có thể gọi con cái là “nghiệp” (kamma) của mình. Mình phải trả nghiệp cho con cái. Hay con cái là nghiệp mình đã tạo ra. Có những nghiệp là tốt, có những nghiệp là xấu. Tốt và xấu đều có ở đó ngay bên trong con cái của mình. Nhưng dù là nghiệp xấu thì cũng là quý giá của mình. Một đứa con sinh ra dù có đui, cùi, sứt, mẻ, tàn tật thì đó cũng con của mình và nó còn đáng thương quý hơn những đứa con bình thường. Mỗi khi chúng ta rời khỏi nhà, chúng ta luôn luôn dặn dò kỹ lưỡng: “Coi chừng đứa bé cẩn thận, nó yếu ớt lắm đó.” Cha mẹ còn thương yêu nó hơn mọi đứa con khác.

Đúng là vậy, cha mẹ ai cũng thương con như vậy. Nhưng rồi qua thời gian quá khổ cực với con cái, cha mẹ lại thiết lập trong tâm—nửa thương, nửa ghét. Không còn một thứ tâm thương hay ghét, giờ thì luôn luôn có hai loại tâm trong tâm. Con cái là nghiệp của chúng ta, là “của” của chúng ta. Chúng nó là nghiệp của chúng ta, do vậy chúng ta phải có trách nhiệm lo cho chúng. Nếu đứa con làm ta khổ sở, chỉ cần biết nhắc nhở mình rằng: “Đó là nghiệp của ta.” Nếu con cái làm chúng ta vui lòng, chỉ cần biết nhắc nhở mình rằng: “Đó là nghiệp của ta.” Nhiều lúc ở nhà chúng ta quá bực tức, khổ cực... với con cái, chúng ta chỉ muốn bỏ đi, bỏ mặc con cái. Thậm chí có nhiều người gặp cảnh nghịch tử cũng nghĩ đến chuyện treo cổ tự tử! Đó là nghiệp. Chúng ta phải chấp nhận lẽ thật đó. Nên tránh bỏ những ý nghĩ xấu, tránh làm những điều bất thiện (như bất mãn, ghét bỏ, bỏ mặc, tuyệt vọng, tự tử...) thì chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình một cách rõ ràng hơn.

Chính vì điều đó mà việc quán niệm về mọi sự việc là rất quan trọng. Thường khi tập thiền chúng ta dùng những đối tượng thiền, ví dụ như niệm chữ Bud-dho [Đức-Phật]. Nhưng chúng ta cũng có thể niệm chữ ngắn gọn hơn. Khi nào thấy khó chịu, khi nào thấy tâm mình xấu, chỉ cần nhớ: “Là vậy!” Khi cảm thấy tâm mình tốt hơn, chỉ cần niệm: “Là vậy. Điều đó không chắc chắn.” Nếu thấy tâm mình thương ai, chỉ cần biết: “Là vậy!” Nói vậy quý Phật tử có hiểu không? Quý vị không cần đi tìm tòi trong mấy tạng kinh. Chỉ cần nhớ niệm rằng: “Là vậy!” Nghĩa là: “Nó là không chắc chắn”, “Nó luôn biến đổi.” Tình thương là không chắc chắn, sự ghét là không chắc chắn, thiện là không chắc chắn, ác là không chắc chắn. Tất cả đều luôn biến đổi và vô thường. Tại sao chúng luôn vô thường? Vậy sự thường hằng ổn định của chúng nằm ở đâu?

Bạn có thể nói chúng là thường hằng chắc chắn cho đến khi chúng biến đổi, vô thường. Khi nhìn mọi thứ, về một mặt chúng có vẻ chắc chắn, nhưng mặt khác chúng không bao giờ là vậy. Một phút có thương, phút sau thấy ghét. Đó là cách tất cả mọi sự trên đời và trong tâm diễn ra. Mới nhìn thấy chúng là cố định, chắc chắn. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Do đó tôi thường nói rằng khi thấy thương, chỉ cần nhủ rằng “Là vậy!” Cách này tiết kiệm rất nhiều thời giờ. Quý Phật tử không cần phải niệm câu: Aniccam, dukkham, anattã [Vô thường, khổ, vô ngã]. Khi chánh niệm hằng ngày, nếu quý Phật tử không muốn niệm một câu (đề mục thiền) dài như vậy, thì quý vị chỉ cần niệm một chữ đơn giản “Là vậy!” Khi thương có mặt, trước khi ta bị dính theo sự thương đó, chỉ cần nhắc mình: “Là vậy!” Chỉ cần nhớ niệm như vậy cũng đủ rồi.

Mọi thứ đều biến đổi vô thường, và chỉ có điều thường hằng chắc chắn sự vô thường. (Không có gì chắn chắn, thường hằng. Chỉ có sự vô thường là điều chắc chắn). Chỉ cần nhìn thấy như vậy là nhìn thấy Giáo Pháp, Giáo Pháp đích thực.

Từ bây giờ, nếu ai thường xuyên nói với mình: “Là vậy!” và áp dụng cách tu tập như vậy trong mọi tình cảnh, thì sự dính chấp, tham, sân, si này nọ sẽ từ từ giảm bớt đi. Chúng ta sẽ không còn dính chấp vào sự thương ghét, vui buồn, sướng khổ... nữa. Chúng ta sẽ không dính chấp theo mọi sự nữa. Chúng ta sẽ đặt niềm tin vào sự thật, chứ không đặt niềm tin vào những thứ gì khác. Chỉ cần hiểu biết như vậy là đủ để tu tập rồi. Như vậy là đủ tu rồi, chứ quý vị còn cần biết thêm điều gì khác nữa?

Sau khi nghe giáo lý chỗ này, quý vị cũng nên ghi nhớ. Nhớ cái gì? Thiền tập... Quý vị hiểu không? Nếu quý vị hiểu biết, Giáo Pháp sẽ thể hiện bên mình, tâm sẽ dừng lại (không còn động vọng, chấp nê, đối đãi liên tục). Nếu có tức giận trong tâm, chỉ biết nó “Là vậy!.”.. và bấy nhiêu đó là đủ, tâm sẽ dừng lại ngay. Nếu bạn vẫn còn chưa hiểu rõ thì hãy nhìn sâu vào bên trong nó. Nếu có sự hiểu biết, khi giận khởi sinh trong tâm, bạn có thể tắt bặt nó ngay bằng ý niệm: “Là vậy! Nó là vô thường!”

Hôm nay quý Phật tử có cơ duyên thu lưu lại Giáo Pháp này theo hai cách, thu lưu bên ngoài (bằng máy thu âm) và thu lưu vào bên trong (thu nhận vào trong tâm). Hướng vào trong, âm thanh đi vào trong qua lỗ tai sẽ được thu lưu vào tâm. Nếu quý vị không thu nạp vào tâm được như vậy thì thời giờ quý vị bỏ ra ở chùa Wat Pah Pong này chỉ là lãng phí. Máy thu âm ở đây là không quan trọng. Điều quan trọng là sự thu nạp vào trong tâm này. Máy thu âm và băng thu âm thì trước sau cũng bị cũ bị hư, nhưng Giáo Pháp đến được trong tâm thì không bị hư cũ, nó sẽ ở đó mãi mãi. Và quý vị cũng không cần tốn tiền mua pin để mở lại máy thu âm.

--------------

(29) [Bài giảng này được nói cho đoàn Phật tử tại gia đến thăm chùa Wat Pah Pong để cúng dường giúp đỡ cho chùa.]

(30) ['Tìm kiếm công đức', 'tạo công đức'... là cách nói thông thương ở Thái Lan (và các nước Đông Á như Việt Nam); đó là chỉ hành động đi đến các chùa để lễ lạy Đức Phật và cúng dường cho các Tăng, Ni.]

(31) Tránh làm tất cả điều ác Nên làm những điều thiện Làm cho tâm trong sạch Các vị Phật dạy vậy.

(32) [Nguyên văn tiếng Thái là “con cái như viên đạn”, trong cách nói chơi chữ của người Tháĩ, chữ “look” là con cái, chữ “look bpeun” có nghĩa là con như những viên đạn. Khi bắn đạn ra thì chỉ trúng cha mẹ.]



62. Tại Sao Chúng Ta Ở Đây

(33) Đến kỳ An Cư Mùa Mưa năm nay, tôi không còn nhiều sức lực, tôi không còn khỏe lắm, do vậy tôi chọn lên ở trên núi này để thở không khí trong lành. Nhiều người lên đây thăm tôi, nhưng tôi không còn tiếp đón họ được như tôi vẫn thường làm, bởi giọng nói của tôi cũng yếu đi, hơi thở cũng yếu ớt. Nhưng quý vị chắc cho rằng cũng còn phúc lành, vì cái thân này vẫn còn ngồi được ở đây như quý vị đang nhìn thấy. Đây chính là điều phúc lành. Rồi chẳng bao lâu nữa quý vị sẽ không còn nhìn thấy cái thân già này nữa. Giọng nói sẽ hết, hơi thở sẽ hết. Chúng sẽ biến đi cùng với những yếu tố trợ duyên cho thân này tồn tại; giống như tất cả mọi thứ hữu vi, còn duyên hợp thì còn, hết duyên hợp thì tan rã. Đức Phật gọi đó là sự tàn hoại và tan rã (khaya- vayam) của tất cả mọi thứ có điều kiện (hữu vi) trên thế gian.

Tất cả mọi thứ sẽ tàn hoại theo cách nào? Ví dụ như một cục nước đá. Ban đầu nó chỉ là nước... họ đông cứng nó và nó trở thành đá. Nhưng nó không kéo dài bao lâu trước khi nó tan chảy hết. Hãy lấy một cục nước đá lớn, lớn như cái máy thu âm này, và đem để ngoài nắng kia. Quý vị sẽ thấy cách nó tan hoại, cũng giống như thân thể vậy. Nó sẽ dần dần tan rã. Chẳng bao lâu thì nó sẽ tan chảy hết, chỉ còn như một nhúm nước. Điều này gọi là khaya-vayam—sự tàn hoại và tan rã của tất cả mọi thứ hữu vi. Đó là lẽ thật, là đường lối của tự nhiên, là quy luật. Nó đã có mặt như vậy tự bao giờ, từ ngàn xưa hay từ khi bắt đầu có thời gian. Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta cũng mang theo bản chất sinh diệt này vào thế gian của chúng ta, và chúng ta không bao giờ tránh nó được. Sau khi sinh là già, bệnh, và chết. Sinh, già, chết đi theo mình muôn đời muôn kiếp.

Đó là lẽ tại sao Đức Phật đã gọi mọi thứ là khaya-vayam, mọi thứ hữu vi đều tàn hoại và tan rã theo thời gian. (Hữu vi là do có các điều kiện, có các duyên hợp mà sinh ra. Có đủ duyên hợp thì sinh, hết duyên hợp thì diệt.) Tất cả chúng ta đang ngồi trong sảnh đường này, các sư thầy, sa-di, Phật tử tại gia, thiện nam, tín nữ, không ngoại trừ một ai đều chỉ là những “đống đang tàn hoại.” Hiện chúng ta còn sống, còn khỏe mạnh, thì giống như cục nước đá còn cứng. Sự thực bên trong nó chỉ là nước. Do các điều kiện hữu vi mà nó đông thành nước đá, nhưng rồi theo thời gian nó bắt đầu tan chảy ra. Quý vị có thấy sự tàn hoại (già đi, yếu đi, xấu đi theo thời gian) ở bên trong bản thân mình không? Hãy nhìn vào thân này. Nó già đi từng ngày—tóc đang già đi, móng tay chân đang già đi, da đang già đi—mọi thứ trong thân đang già đi mỗi ngày!

(Nếu tất cả mọi thứ trong thân không già đi mỗi ngày thì tại sao sau mỗi tháng, mỗi năm, mỗi mười năm chúng ta thấy mình già đi so với tháng trước, năm trước, mười năm trước? Tại sao hình ta chụp nhìn lại khác với nó cách đây một tháng, một năm, mười năm. Và hình của ta chụp năm 50 tuổi thì chẳng còn giống gì so với hình ta chụp năm mười tuổi. Chúng ta già đi mỗi ngày, để đến lúc 60, 70 tuổi lưng khòm, da nhăn, chân yếu, lê lết bước đi, bệnh tật, đau khổ... và chết một thời gian ngắn sau đó. Sự già đi và tàn hoại mỗi ngày chính là nguyên nhân tích tụ dẫn đến sự tàn hoại và tan rã mỗi tháng, mỗi năm, mỗi mười năm, và một kiếp người. Bản chất của thân người là vậy. Và bản chất của tất cả mọi sự vật trên thế gian cũng là vậy).

Ta không giống ta trước đây, đúng không? Trước kia khi còn thiếu niên, ta nhỏ hơn, đúng không? Ta đã sinh trưởng và lớn lên. Nhưng khi hết trưởng thành, ta bắt đầu xuống lại, già đi, tàn hoại theo quy luật tự nhiên. Thân tàn hoại từ từ giống như cục nước đá. Rồi chẳng bao lâu, cũng như cục nước đá kia, nó tan rã hoàn toàn. Tất cả thân chúng ta đều được tạo nên bằng bốn yếu tố tứ đại: đất, nước, khí, nhiệt. Thân là sự duyên hợp của bốn thứ đất, nước, gió, nhiệt mà chúng ta gọi là một 'con người'. Từ khởi thủy chúng ta khó mà gọi nó là gì hay thân gì, nhưng sau này ngôn ngữ của chúng ta gọi đó là một 'con người'. Rồi chúng ta mê mẩn với thân sắc nên gọi nó là Ông, là Bà, Anh, Em, Cưng... theo giới nam hay giới nữ hay theo tuổi tác, theo thế hệ hay theo quy ước... để chúng ta nhận dạng người khác dễ dàng hơn. Nhưng đích thực ra thì nó chẳng là gì cả. Nó chỉ là đất, nước, khí, nhiệt tích hợp lại mà thôi. Khi chúng duyên hợp lại, ta gọi đó là một 'con người'. Chỉ là vậy thôi. Nếu giờ chúng ta đã biết vậy thì hãy bớt mê mẩn, bớt trân quý nó. Nếu chúng ta nhìn sâu sát bên trong thân này, nó chẳng là gì, chẳng là 'ai' cả.

Những thứ thuộc thể cứng trong thân như thịt, xương, da... thì thuộc yếu tố đất. Những thứ thuộc thể lỏng trong thân thể như máu, nước nhờn, tinh dịch... thì thuộc yếu tố nước. Nhiệt độ ấm của thân thể thuộc yếu tố nhiệt (lửa). Những thứ thuộc thể khí như hơi thở, hơi tiêu hóa... thì thuộc yếu tố khí (gió).

Ở chùa Wat Pah Pong chúng ta có một thân không phải nam không phải nữ. Có một bộ xương người treo trên sảnh đường chính. Nhìn vào đó chúng ta không thể thấy đó là nam hay nữ. Mọi người cũng thường hỏi nhau đó là xương của một người đàn ông hay đàn bà, và họ chỉ nhìn nhau không trả lời. Đó chỉ là bộ xương, thịt, da và những thứ khác đã mất rồi.

Nhiều người vẫn ngu dốt về những điều này. Họ đến chùa Wat Pah Pong, đi vô sảnh chính, nhìn thấy bộ xương... và họ chạy ngược ra la ầm lên! Họ không dám nhìn nó. Họ sợ, họ sợ những xương người. Tôi nhận ra rằng những người đó chưa bao giờ nhìn vào bản thân mình. Họ sợ xương, họ không biết quán xét suy xét về giá trị của bộ xương. Không có xương làm sao họ có thể đi bộ hay bước lên xe để đi đến chùa? Họ có thể đi bộ hay đứng hay ngồi đây mà không có bộ xương sao? Vậy mà họ bỏ công lên xe đi xa để đến chùa Wat Pah Pong, bước vào sảnh chính thấy bộ xương họ lại sợ và bỏ chạy ra. Họ sinh ra với bộ xương họ còn đang mang đi theo, vậy mà họ lại chưa bao giờ nhìn thấy nó. Đúng ra đó là cơ duyên tốt khi họ nhìn thấy bộ xương ở đây. Ngay cả những người già nhìn thấy bộ xương cũng hoảng sợ... Họ có giả bộ quá đáng không vậy? Điều đó chỉ cho thấy rằng họ chưa bao giờ tiếp xúc với chính mình, họ chưa thực sự hiểu biết về chính bản thân mình. Có lẽ khi về lại nhà họ vẫn còn bị ám ảnh, mất ngủ ba hay bốn ngày vì bộ xương treo ở đây.... cho đến khi họ có thể ngủ được, nhưng họ cũng luôn đang ngủ với bộ xương đó mà! Họ mặc đồ, ngồi ăn, đi, đứng, nằm, ngồi, và làm tất cả mọi việc với bộ xương đó... vậy mà họ vẫn sợ hãi với bộ xương.

Điều đó cho thấy người ta chẳng tiếp xúc với chính bản thân mình. Thật đáng thương! Họ cứ luôn luôn nhìn ra ngoài, nhìn cảnh vật, cây cối, nhà cửa, nhìn người khác, nhìn này nhìn nọ, và luôn luôn nghĩ này nghĩ nọ, chấp này chấp nọ, “cái này lớn”, “cái kia nhỏ”, “cái này ngắn”, “cái kia dài.”.. Họ rất bận rộn nhìn những thứ khác và người khác, nên chẳng bao giờ nhìn chính mình. Chân thành mà nói, con người thật là đáng thương. Họ không có chỗ nương tựa. (Chỉ sống chạy theo những thứ bên ngoài, dính theo những thứ bên ngoài, chấp sướng chấp khổ theo mọi thứ bên ngoài, quên mình theo cảnh theo vật.)

Trong lễ thọ giới, người được thọ giới phải nghe học về 5 đối tượng (đề mục) thiền căn bản: kesã, lomã, nakhã, ãantã, taco: [Tóc, lông, móng, răng, da]. Một số đệ tử và một số người trí thức bật cười khi họ nghe đến phần này trong lễ thọ giới...”Ông sư này đang thọ giáo kiểu gì vậy? Tự nhiên dạy về tóc, chúng ta đã có tóc tự bao giờ rồi mà, đâu có gì mới đâu mà học. Ông thầy không cần dạy chúng ta về tóc, chúng ta biết quá rành về nó rồi. Tại sao lúc quan trọng lại đi dạy về thứ ai cũng biết rồi?” Những người ngu mờ thì thường nói vậy, họ nghĩ rằng họ đã biết rành về tóc. Tôi nói với họ rằng khi tôi nói “nhìn thấy tóc” thì ý tôi là nhìn thấy được tóc như nó đích thực là. Nhìn lông, móng, răng và da như chúng đích thực là. Cái tôi gọi là “nhìn”—không có nghĩa là nhìn bề ngoài hay nhìn thấy bên ngoài, mà là nhìn thấy chúng như đúng sự thật của chúng, nhìn thấy bản chất sự thật của chúng. Chúng ta không nên vội tin hay cả tin về mọi thứ nếu chúng ta chưa nhìn thấy chúng đích thực như chúng là. Tóc, lông, móng, răng, da... chúng thực sự là gì? Chúng đẹp? Chúng sạch sẽ? Chúng có thực là một thứ gì không? Chúng có chắc chắn không? Không! chúng chẳng là thứ gì như vậy. Chúng không đẹp đẽ, nhưng chúng ta coi chúng đẹp. Chúng không là cái gì cả, những chúng ta coi chúng là thứ gì đó quan trọng. Chúng cũng tàn hoại theo ngày tháng, nhưng chúng ta nghĩ chúng cứ mãi như vậy.

Tóc, lông, móng, răng, da... con người bị cuốn hút vào những thứ này. (Con người dính vào sắc dục và dục lạc cũng vì những thứ này trên thân người). Đức Phật đã đưa những thứ này thành những đề mục căn bản để thiền tập, Phật đã dạy chúng ta hiểu biết về những thứ này. Chúng là biến hoại, vô thường, không hoàn hảo, và vô chủ; chúng không phải là cái 'ta' hay 'của ta', là 'ai' hay 'của ai' gì gì hết. Chúng ta được sinh ra với sự si mê mù quáng vào những thứ sắc thân này, nhưng đích thực chúng chỉ là giả tạm và đánh lừa chúng ta. Giả sử chúng ta không tắm một tuần, chúng ta có dám đứng gần nhau không? Chúng ta thực sự bốc mùi hôi. Khi người ta đổ nhiều mồ hôi, mùi mồ hôi cũng khai hôi. Nhưng khi về nhà dùng xà-bông để tẩy rửa, mùi xà bông lấn át mùi mồ hôi, tạo cho da có mùi thơm. Mùi thơm tạm thòi đó chỉ là do nhờ xà-bông, chứ thực sự bản thân da thịt chúng ta luôn luôn tiết ra mồ hôi có mùi hôi. Khi nào hết mùi xà-bông và chúng ta sinh hoạt trở lại và mồ hôi lại tiết ra, mùi hôi của thân thể ta sẽ có lại như cũ.

Bây giờ chúng ta vẫn tưởng rằng thân thể của chúng ta là đẹp đẽ, đáng quý, trường tồn và luôn khỏe mạnh. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta chẳng bao giờ già đi, sẽ không bị bệnh tật hoặc không chết. Chúng ta bị đánh lừa và mê hoặc bởi sắc thân (của mình và của người), và do vậy chúng ta ngu mờ, không thực sự biết cái gì là nơi nương tựa đích thực. Nơi nương tựa đích thực chính là tâm. Tâm mới là nơi nương tựa thực sự của chúng ta. Cái sảnh đường này là khá lớn rộng, nhưng nó không thể là nơi nương tựa đích thực của chúng ta. Chim bồ câu cũng đến nương ở, tắc-kè cũng ở, thằn lằn và nhện cũng đến ở...Chúng ta có thể nghĩ rằng sảnh đường này là của chúng ta, nhưng nó không phải. Chúng ta sống vói nhau ở đây cùng với mọi thứ khác. Đây chỉ là nơi che chở tạm bợ, nơi chúng ta ngồi đây trong một thời gian, rồi sau đó chúng ta lại rời khỏi nó. Nhưng nhiều người lại lấy sảnh đường này hay chùa này hoặc nơi ở làm nơi nương tựa. Điều đó là không đúng. Những nơi đó không phải là nơi nương tựa thực sự của chúng ta.

Do vậy Đức Phật đã dạy chúng ta phải tìm nơi nương tựa của mình. Điều đó có nghĩa là đi tìm cái tâm đích thực của mình. Tâm này mới là quan họng. Người đời thường không nhìn vào những thứ quan trọng, họ tiêu phí phần lớn thời gian cuộc đời để nhìn vào những thứ không quan trọng. Ví dụ, khi lau chùi nhà cửa, khi rửa chén... họ chỉ lo làm những việc đó một cách vô tâm, họ không hề để ý đến trái tim và tâm của mình. Có thể tâm đang có sân giận, có thể họ đang rửa chén bát với nét mặt nhăn nhó. Sân giận, nhăn nhó là lúc đó tâm không được tốt, không trong sạch, nhưng họ không chịu nhìn vào tâm. Thói quen này tôi gọi là “chọn một nơi tạm bợ làm nơi nương tựa.” Họ lau chùi, chăm sóc, làm đẹp ngôi nhà, nhưng họ không biết chăm sóc và làm đẹp tâm mình. Họ không chịu xem xét về sự khổ. Tâm là nơi quan trọng. Phật đã dạy nên tìm nơi nương tựa ngay trong tâm này của chúng ta: Attã hi attano nãtho—[Lấy chính mình làm nơi nương tựa của mình]. Còn ai nữa có thể làm nơi nương tựa của mình? Nơi nương tựa đích thực là tâm này, không phải chỗ nào khác. Bạn có thể cố gắng dựa dẫm vào những thứ khác, nhưng tất cả thứ khác đều là tạm bợ và không chắn chắn. Bạn chỉ có thể thực sự phụ thuộc vào những thứ khác (nhà cửa, thế lực, của cải, con cái, chùa chiền, sư thầy...) nếu bạn đã thực sự có nơi nương tựa bên trong chính mình. Bạn cần phải có nơi nương tựa của mình trước tiên, trước khi bạn có thể trông cậy hay phụ thuộc vào những chỗ khác, như sư thầy, gia đình, đạo hữu, bạn bè, người thân, họ hàng...

Do vậy tất cả quý vị, những Phật tử tại gia và xuất gia đến viếng thăm hôm nay, xin hãy xem xét giáo lý này. Tự hỏi bản thân mình: “Tôi là ai? Tại sao tôi có mặt ở đây?” Nhiều người không biết. Họ muốn được hạnh phúc nhưng khổ không bao giờ hết. Giàu hay nghèo, già hay trẻ đều bị khổ như nhau. Tất cả chỉ là khổ. Và tại sao? Bởi họ không có trí tuệ. Người nghèo thì bất hạnh bởi họ thiếu thốn, nghèo khó, và kẻ giàu thì bất hạnh bởi họ có quá nhiều thứ phải lo lắng, sợ mất.

Ngày trước, khi còn là một sa-di trẻ, tôi đã thuyết giảng một bài Giáo Pháp. Tôi nói về niềm hạnh phúc khi có tài sản và của cải, có nhiều người phục dịch và vân vân... Một trăm người làm đàn ông, một trăm người ở phụ nữ, một trăm con voi, một trăm con bò, một trăm con trâu... và một trăm mọi thứ! Những Phật tử tại gia liền phấn khởi đồng tình. Nhưng, bạn hãy tưởng tượng làm sao mà coi ngó, canh chừng một trăm con trâu? Hay một trăm con bò, hay một trăm người ăn kẻ ở vừa nam vừa nữ? Bạn có thể tưởng tượng làm sao bạn có thể coi ngó và canh chừng đó người, vật và của cải...? Nghe tức cười quá phải không? Người ta chẳng ai xem xét mặt trái của vấn đề. Họ có dục vọng tham muốn sở hữu mọi thứ... muốn có bò, có trâu, có người làm kẻ ở... hàng trăm cho mỗi loại. Nhưng tôi nói rằng năm mươi con bò là quá nhiều. Chỉ cần quấn dây dừa (thừng) để cột những con gia súc đó là đã quá sức rồi! Nhưng mọi người chẳng ai để ý đến những việc đó, không để ý đến sự khó khổ khi có nhiều của cải và tài sản để chăm lo, coi ngó. Họ chỉ nghĩ đến sự khoái trá với cái sự có được nhiều của cải giàu có mà thôi. Họ không xem xét những rắc rối và lo toan một khi có nhiều của cải như vậy.

Nếu chúng ta không có hiểu biết trí tuệ thì mọi thứ chung quanh ta đều là nguồn khổ. Nếu chúng ta khôn trí thì mọi thứ có thể dẫn dắt ta thoát khỏi khổ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm... Không hẳn mắt chỉ là tốt, quý vị biết đó. Nếu đang có tâm trạng khó chịu mà nhìn thấy người khác (hoặc thứ mình không ưa) cũng có thể làm mình sân giận hoặc mất ăn mất ngủ. Hoặc có thể tâm đang tham dục nhìn cũng có thể sinh lòng yêu thương luyến ái. Yêu thương cũng là khổ. Yêu ái mà không lấy được, không có được người đó rồi lại khổ thêm vì muốn mà không được. Yêu và ghét đều là khổ, vì đều là dục vọng. Muốn có là khổ, muốn không có cũng là khổ. Muốn có được thứ gì là khổ, ngay cả khi có được thứ đó thì cũng là khổ, vì sợ mất nó, vì lo lắng cho nó, vì phải giữ gìn nó. Tính đi tính lại rốt cuộc chỉ toàn khổ. Làm sao sống cho bớt khổ? Cho dù bạn có nhà cao cửa rộng, tiền tài dư thừa, nhưng nếu tâm bạn không tốt thì nó sẽ chẳng thể nào mang lại hạnh phúc hay sự bớt khổ như bạn mong cầu.

Do vậy, chúng ta nên nhìn vào chính mình. Tại sao chúng ta được sinh ra? Chúng ta có thực sự đạt đến điều gì trong kiếp sống này không? Ở vùng quê, người ta bắt đầu làm nông từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên độ 17-18 tuổi là họ lăng xăng lấy chồng lấy vợ, họ sợ không đủ thời gian lập nghiệp. Họ bắt đầu lao động từ nhỏ để hy vọng có thể kịp làm giàu. Họ làm ruộng cho đến lúc 70-80 hay thậm chí 90 tuổi. Tôi hỏi họ, từ lúc sinh ra đến giờ họ cứ lo làm lụng như vậy; bây giờ là lúc gần đất xa trời, họ có gì để mang theo với mình? Họ chẳng biết trả lời ra sao.

Còn nữa, khi còn trẻ họ nghĩ rằng sống một mình thì buồn, thiếu đôi thiếu cặp, không tốt. Nên họ tìm vợ tìm chồng để cưới nhau. Cưới nhau về thành một đôi thì lại xảy ra xung khắc và bất đồng! Sống một mình thì buồn và lẻ loi, sống hai mình thì xung khắc và bất đồng.

Khi con cái còn trẻ, cha mẹ hay nghĩ rằng: “Khi nào chúng lớn lên chúng sẽ tốt hơn.” Họ nuôi con, một, hai hay ba, bốn đứa, họ nghĩ rằng khi chúng lớn lên gánh nặng sẽ nhẹ đi và họ bớt lo hơn. Nhưng khi con cái lớn lên, dường như gánh nặng càng nặng hơn. Rốt cuộc cũng như hai khúc cây, một lớn và một nhỏ. Giống như bạn chỉ quăng khúc cây nhỏ đi, giờ lại vác vào khúc lớn. Vậy mà nghĩ nó sẽ nhẹ hơn, nhưng thực ra là nặng nề hơn. Khi con cái còn nhỏ, coi vậy chứ chúng ít “hành” bạn hơn. Chỉ cần ít nắm cơm, trái chuối, cái gì đó để chơi đùa trong tuổi trẻ dại là mọi sự êm vui. Giờ con cái lớn lên, chúng đòi bạn mua xe hon-đa, xe hơi! Vậy đó, bạn thương con nên không thể từ chối và dù có khó khăn cũng cắn răng mua những thứ chúng muốn có. Vậy đó, nhưng có gia đình khó khăn, nghèo túng, hoặc suy nghĩ gì gì đó, lại ồn ào, la mắng, không đồng tình mua thứ con cái muốn. Rồi thì, phần lớn vợ chồng lại cãi vã nhau vì những chuyện đó. Sinh ra đủ chuyện ồn ào, không vui, khổ sở. Rồi thì, vì thương con, nên vợ chồng lại chạy vạy vay mượn tiền để mua thứ con cái muốn có. Thậm chí có cha mẹ không vay mượn được cũng muốn đi ăn cắp về cho con.

Rồi về việc học hành, chúng ta lại hay nghĩ rằng: “Mai này con cái học hành xong thì cả nhà sẽ ổn thỏa.” Nhưng rồi cũng chẳng có kết cục gì. Chẳng bao giờ việc học kết thúc cả! Họ sẽ học xong cái gì? (Chắc cũng chỉ là học xong một nghề nghiệp và tiếp tục làm lụng, có vợ có chồng, và tiếp tục lo cho con cái... y như cha mẹ chúng đã làm cho chúng...). Chỉ có Phật giáo thì mới có điểm để kết thúc, còn những môn khoa học khác cũng chỉ dẫn dắt con người đi lòng vòng hết kiếp này kiếp khác trong vòng luân hồi sinh tử. Chẳng bao giờ là kết thúc với những sự học hành và nghề nghiệp của thế gian... Rồi cũng là tiếp tục một căn nhà với hai vợ chồng lo toan và bất đồng từng ngày và ba bốn đứa con...(Và mọi sự đời lại tiếp tục như vậy... hết đời này sang đời khác. Nếu nhìn kỹ vào từng dòng tộc hay dòng họ, những điệp khúc lo toan, khó khổ và nhàm chán cứ liên tục lặp lại nối tiếp... Chỉ có khác là số người ngồi trên bàn thờ mỗi thời mỗi nhiều hơn mà thôi...)

Sự khổ đang chờ đợi trong tương lai mà chúng ta không nhìn thấy được, chúng ta cứ hay nghĩ chẳng có gì xảy ra, không có khó khổ hay đau khổ gì trong tương lai. Chờ đến khi nó xảy đến chúng ta mới biết. Loại khổ đó, loại khổ cố hữu bên trong thân thể của chúng ta, là khó nhìn thấy trước. Khi tôi còn là đứa trẻ chăn trâu, tôi dùng than củi chà răng để cho nó sạch và trắng. Sau đó soi guơng tôi thấy nó sạch và trắng đẹp. Nhưng thực ra, tôi chỉ đang bị cái “hàm xuơng' của tôi đánh lừa mà thôi. Đến khi tôi 50-60 tuổi, hàm răng của tôi bắt đầu lung lay. Khi răng bắt đầu long rụng, nó đau đớn kinh khủng, mỗi khi ăn cái gì bạn cảm giác như bị ai đá vào miệng. Thực sự đau đớn. Tôi đã trải qua cảnh đau đó rồi. Đau quá, nên tôi đến gặp nha sĩ kêu ổng nhổ hết cái hàm răng già đau già đớn đó. Giờ tôi chỉ mang toàn răng giả. Răng thiệt của tôi đã gây quá nhiều khổ sở và đau đớn cho tôi nên tôi phải nhổ bỏ chúng đi, nhổ sạch 16 cái răng một lần. Ông nha sĩ luỡng lự không muốn nhổ hết 16 cái răng một lần, nhung tôi nói với ông rằng: “Cứ nhổ sạch chúng. Tôi muốn nhổ sạch những hậu họa.” Nhờ vậy ổng nhổ hết chúng một lần. Một số răng còn tốt, ít nhất còn 5 cái tốt, nhung tôi cứ nhờ nhổ hết một lần cho khỏi lo. Nhưng ngay cái việc nhổ hết 'hậu họa' đó cũng vô cùng đau đớn. Đau thiệt. Sau khi nhổ, tôi không thể ăn gì suốt mấy ngày.

Truớc kia, khi còn là đứa trẻ chăn trâu, tôi thuờng nghĩ rằng việc đánh răng bằng than củi là điều tuyệt vời. Tôi yêu thích và lo giữ gìn hàm răng và nghĩ rằng nó sẽ tốt hoài như vậy. Nhưng cuối cùng giờ chúng phải mất đi. Cái hàm răng đau đã gần như giết chết tôi. Tôi chịu đau đớn hàng tháng, hàng năm. Tất cả nuớu răng của tôi sưng phồng như bấy bá.

Nhiều nguời trong quý vị sẽ tự mình nếm trải sự đau răng như vậy vào một ngày nào đó. Nếu răng quý vị vẫn còn tốt và quý vị vẫn thuờng xuyên đánh răng để giữ chúng trắng đẹp... hãy coi chừng chúng! Coi chừng đến lúc nào đó chúng lại giở trò đau bệnh thì bạn sẽ khổ sở vì đớn đau, ê buốt.

Bữa nay tôi chỉ muốn nói quý vị biết về những điều đó... đó là sự khổ khởi sinh từ bên trong chúng ta, khởi sinh từ bên trong thân này của chúng ta. Chẳng có gì bên trong thân này mà chúng ta có thể tin cậy và nương tựa được. Khi còn trẻ mạnh thì thân không đến nỗi tồi tệ, nhưng đến khi già nó già hư, tàn hoại, bệnh đau, suy sụp, yếu ớt. Mọi thứ đều bắt đầu tàn đi và tan hoại. Mọi thứ rồi đi đến tan rã. Những điều kiện (duyên) cứ bỏ đi theo đường lối tự nhiên của chúng. Tất cả các điều kiện hữu vi đều là vô thường và từ từ rã đám. Các duyên hợp rồi các duyên tan. Dù chúng ta cười hay khóc thì chúng cũng tan rã theo cách tự nhiên của chúng. Dù chúng ta có sống cách nào hay chết kiểu gì, chúng vẫn tan rã như vậy. Chúng không tha bất cứ ai. Và chẳng có loại trí tuệ hay khoa học nào có thể ngăn chặn tiến trình tự nhiên đó. Không ai có thể ngăn chặn sự già chết. Dù bạn có bỏ nhiều tiền đưa cho ông nha sĩ đó, ổng sẽ tìm cách trị liệu, chỉnh trang cho hàm răng đẹp đẹp một chút, nhưng rồi cuối cùng chúng cũng gãy rụng theo quy luật già chết mà thôi. Cuối cùng thì ngay chính ông nha sĩ cũng không thoát nổi cảnh hàm răng lung lay, hư rụng đó. Cuối cùng mọi thứ đều tan rã.

Đây là những điều chúng ta nên suy xét và quán niệm trong khi mình đang còn khỏe mạnh. Hãy cố tu tập từ lúc còn trẻ. Nếu quý vị muốn có nhiều công đức thì quý vị phải mau mau tu tập những điều đó, đừng để đến già lão rồi mới nghĩ về những điều đó. Tôi biết tẩy nhiều người nghĩ rằng chờ đến khi nào già thì sẽ vô chùa tu sửa và thực hành Giáo Pháp. Đàn ông và đàn bà đều nghĩ nghư vậy... “Tôi chờ đến già tôi sẽ lên chùa đi tu.” Không hiểu sao họ nghĩ vậy và nói vậy. Người già lão thì còn gì sức lực để mà lội lên chùa đi tu và sống được ở chốn già lam xa xôi và thiếu thốn điều kiện? Sao họ không thử chạy đua với bọn trẻ để xem người già là như thế nào? Tại sao mọi người cứ hẹn, cứ chờ cho đến lúc già? Họ làm như họ sẽ không bao giờ chết vậy. Nhưng hài hước hơn nữa, khi họ đến tuổi 50-60 hay già hơn, con cháu nhắc lời: “Này ông bà ngoại! Giờ đến lúc lên chùa đi tu!” Đám người già lại trả lời: “Ai đi thì cứ đi đi, hai lỗ tai của ngoại bây giờ không còn nghe được nữa, nên chắc không đi.” Quý vị thấy không? Hồi còn nghe được lại không đi tu, giờ tai bị già điếc thì lên chùa nghe ai đọc kinh giảng pháp thì nghe gì được nữa. Lúc này là vô vọng. Mọi người cứ chờ cho đến khi sức tàn lực kiệt thì mới nghĩ đến việc tu tập Giáo Pháp, nhưng già rồi thì tu tập sao cho kịp.

Buổi nói chuyện hôm nay có thể rất hữu ích cho những ai ngồi đây nghe và hiểu được. Những điều tôi vừa nói ra quý vị nên bắt đầu xem xét, quán sát; chúng là căn bệnh di truyền bên trong thân này của chúng ta. Những thứ trong thân này càng ngày càng nặng nề hơn, càng già ta càng mang nặng chúng hơn. Ví dụ khi còn trẻ chân tôi mạnh, tôi có thể chạy. Giờ thì tôi phải nhấc lê từng bước nặng nề. Trước kia hai chân mang vác tôi, giờ tôi phải mang vác chúng rồi. Hồi còn trẻ tôi nhìn những người già đứng dậy khỏi ghế với hơi thở nặng nề và tiếng than khổ sở. Nhưng đau khổ đến như vậy mà họ vẫn không hiểu được nguyên nhân tại sao họ già khổ như vậy.

Ngay cả đến lúc đó, hoặc đã trải qua bao nhiêu bệnh đau, người ta cũng vẫn chưa nhận ra phần khó khổ của thân này. Quý vị chẳng bao giờ biết rằng mình sẽ lìa bỏ thân này. Cái tạo ra mọi sự đau khổ của thân chính là những điều kiện trợ duyên đến lúc tan rã theo đường lối tự nhiên của chúng. (Đường lối tự nhiên là gì? Là tất cả mọi thứ đều có sinh là có diệt, có hợp là có tan. Không có thứ gì tồn tại mãi mãi. Cái 'con người' xưa nay trên trái đất cũng chỉ tồn tại đến 60-70 năm. Thời hiện đại, nhờ những điều kiện trợ duyên về thức ăn, chỗ ở, tiện nghi, y tế... một 'con người' cũng chỉ tồn tại trong vòng 80-90 năm, theo tuổi thọ trung bình hiện tại). Người ta gọi tên nhiều loại bệnh khác nhau như thấp khớp, thống phong, tiểu đường, tim mạch, và vân vân, các bác sĩ thì viết kê toa thuốc, nhưng chẳng bao giò điều trị chấm dứt một thứ bệnh nào. Rồi cuối cùng thân này cũng tan rã, ngay cả thân của các bác sĩ! Những điều kiện trợ sinh đã dần mất đi theo quy luật tự nhiên của chúng. Đó là đường lối vận hành của chúng, đó là bản chất tự nhiên của chúng.

Giờ hãy nhìn vào thân này. Nếu ta nhìn thấy trước về nó thì chúng ta sẽ tốt hơn, giống như chúng ta nhìn thấy trước con rắn độc từ xa. Nếu nhìn thấy nó trước, ta sẽ biết cách tránh xa nó để khỏi bị nó cắn. Nếu không nhìn thấy nó trước, ta cứ bước đi và có thể sẽ đạp lên nó. Và nó cắn ngay.

Khi khổ đau khởi sinh, mọi người không biết phải làm gì. Tìm cách tìm chỗ để trị diệt khổ đau? Họ đều muốn tránh khổ đau, họ muốn hết khổ đau nhưng họ không biết cách trị liệu khi khổ đau khởi sinh. Và cứ như vậy, họ để mặc và cứ sống như vậy cho đến khi già...bệnh...và chết.

Thời xưa kể rằng, khi một người bệnh sắp chết thì người con sẽ đọc niệm chữ “Bud-dho, Bud-dho” [Đức Phật, Đức Phật] bên tai người đó. Không hiểu họ mang Đức Phật ra làm gì ở đó? Đức Phật thì giúp được gì khi họ đã sắp xuống lỗ? Tại sao họ không học Phật từ lúc còn trẻ và khỏe mạnh? Bây giờ đến khi mẹ hụt hơi thì con cái mới chới với kêu “Mẹ ơi... Đức Phật, Đức Phật!” Chỉ mất thời gian. Có kêu mẹ cũng đủ làm mẹ động tâm lúc cận tử mà thôi, hãy để bà ấy ra đi yên bình.

Người ta không hiểu cách để giải quyết khó khăn bên trong tâm họ, họ không có một nơi nương tựa. Họ dễ bị nổi giận và có quá nhiều tham muốn. Tại sao lại vậy? Tại vì họ không có nơi nương tựa.

Khi họ mới cưới nhau, vợ chồng rất hòa hợp với nhau, nhưng đến tuổi năm mươi thì họ không còn hiểu nhau nữa. Vợ nói một tiếng là khó nghe, chồng nói một tiếng là sinh sự. Chẳng ai nghe ai. Họ quay lưng lại với nhau. Chuyện này có thiệt trong nhiều gia đình, phải không quý vị?

Tôi chỉ đang nói khống chứ thực sự tôi không có gia đình. Vì sao tôi chọn đời sống không có gia đình? Hãy coi nghĩa của chữ “gia đình”(34). Tôi biết rõ ý nghĩa nó là gì. Đó là nơi bạn nắm giữ gia đình, con cái, của cải, cuộc sống của bạn. Nhưng nếu có ai vô nhà bắt bạn trói lại thì sao, thì nó trở thành một nơi bị giam cầm. Dù nghĩa chủ động hay bị động thì nơi đó cũng là một khuôn khổ, một nơi giới hạn, một nơi cầm giữ. Ở đó là một vòng giới hạn. Đàn ông sống trong vòng giới hạn đó của mình. Đàn bà sống trong vòng giới hạn đó của mình.

Khi tôi đọc chữ gia đình tôi đã thấy ngay sự ràng buộc, giới hạn. Đó là biểu thị cho sự khổ. Bạn không còn tự do đi đâu hay làm theo ý muốn của mình, bạn phải sống trong vòng giới hạn đó (một cách tự nguyện và bắt buộc).

('Một cách tự nguyện' là vì sự ràng buộc di truyền, vì lòng thương yêu con cái, vì họ là 'nghiệp' của bạn; và 'một cách bắt buộc' là vì bạn phải giữ mình trong giới hạn gia đình và làm những nghĩa vụ và bổn phận bắt buộc đối với con cái và nơi đó, không được bỏ bê mọi sự bên trong gia đình đó).

Bạn dính kẹt ở đó và không thể thoát ly đi đâu. Những vấn đề đủ thứ về con cái, về tiền bạc và về tất cả mọi thứ. Nhưng bạn chẳng trốn đi đâu được. Bạn đã bị trói chặt. Nào con cái, cháu chắt; nào vợ chồng cãi vã, con cái bất hòa; và cả đống thứ khác chồng chất kéo theo cho đến ngày chết. Chẳng có nơi nào để đi hay để thoát ly, cho dù cả đống khổ, phiền não và âu lo ở trong nơi gia đình. Bạn chỉ biết gánh chịu. Nước mắt cứ chảy dài, và chảy dài với những thăng trầm và phiền não ở nơi cuộc sống gia đình. Nước mắt không bao giờ cạn cho đến tận phút chia tay gia đình, quý vị biết rõ điều đó. Nếu không ràng buộc với gia đình có lẽ quý vị sẽ hết khóc và sẽ làm được nhiều việc khác.

Hãy suy xét về điều này. Nếu quý vị nào chưa trải qua cảnh cuộc sống gia đình thì có thể sau này sẽ gặp khi có gia đình. Nhiều người đã trải qua ít nhiều những cảnh khổ trong gia đình. Một số đã nếm trải tận cùng khổ của những khó khổ và phiền não trong một gia đình... “Ta ở lại nhà hay sẽ đi khỏi nhà đây?” Ở chùa Wat Pah Pong có khoảng bảy, tám chục cái cốc (kuti). Khi tất cả đều đã kín người ở, tôi thường bảo thầy phụ trách phải luôn giữ vài cốc trống để phòng khi có người cãi lộn với vợ hay chồng rồi bỏ lên chùa ở thì họ có chỗ để mà ghé vô... Phòng xa như vậy cũng không thừa. Chỉ mấy ngày thì có một phụ nữ xách mấy giỏ đồ bước vô... “Tôi đã chán đời lắm rồi, thưa sư ông.” Tôi an ủi bà ta: “Thôi được, đừng nói những lời quá nặng nề như vậy.” Rồi bữa sau có một ông chồng lại bỏ nhà đến chùa, ổng cũng than chán đời. Sau khi ở một vài ngày trong chùa, sự chán đời của họ biến mất.

Họ nói họ chán đời những thực chất họ chỉ đang lừa dối bản thân họ. Họ bỏ nhà lên chùa cố ở và ngồi im lặng, nhưng không được mấy chốc thì nghĩ này nghĩ nọ... “Không biết khi nào bà vợ sẽ lên đây năn nỉ mình về nhà?” Họ thực sự không biết họ đang làm gì. Họ “chán đời” kiểu gì vậy? Họ bực dọc với thứ gì đó rồi bỏ nhà lên chùa. Lúc ở nhà nhìn mọi thứ đều sai quấy... chồng thấy vợ sai nên bực... hoặc vợ thấy chồng sai nên bực... sau vài ngày ngồi im lặng, họ nghĩ lại... “ừ, rốt cuộc vợ mình đúng chứ không sai...”, “ừ, ông chồng đúng chứ không sai, người sai quấy là mình.” Rồi họ đổi vai cho nhau. Bà Phật tử nghĩ lại là chồng đúng. Ông Phật tử ngẫm lại thấy vợ đúng. Vậy đó, bởi vậy tôi không bao giờ trách than cuộc đời một cách nặng nề. Tôi đã biết sự thích và sự chán cuộc đời chỉ là chốc lát; tất cả đều sống với sự tham muốn thế tục, với những ràng buộc và phiền não ở gia đình. Do vậy tôi đã chọn cuộc sống không gia đình, trở thành một thầy tu.

Hôm nay, tôi muốn trao cho tất cả quý vị bài pháp thoại này để quý vị mang về nhà suy xét. Dù quý vị đang làm ruộng hay đang ở thành thị, hãy nhận lấy những lời này và suy xét kỹ về nó... “Tại sao ta được sinh ra? Ta sinh ra trên đời này để làm gì? Khi chết đi ta mang theo được gì?” Hãy hỏi chính mình nhiều lần như vậy. Nếu cứ hỏi mình như vậy, bạn sẽ trở nên trí tuệ. Nếu bạn không đặt câu hỏi, không suy xét về những điều đó, bạn sẽ mãi sống trong sự vô minh. Sau khi nghe bài nói chuyện bữa nay, có thể quý vị hiểu thêm một số điều, nhưng nếu chưa hiểu hết, quý vị về nhà suy nghĩ tiếp. Có thể khi đang ngồi nghe ở đây chiều nay, mọi thứ vẫn còn lờ mờ, chưa thấm; nhưng biết đâu khi ngồi trên xe về nhà, quý vị bỗng hiểu ra và hiểu sâu sắc về mọi điều tôi đã nói. (Nhiều người giác ngộ như vậy, nhiều người đã nhìn ra sự thật của sự sống khi đang ngồi trên chuyến đi đi qua những vùng miền của thế gian). Và khi về đến nhà, mọi điều trở nên rõ ràng với quý vị... “Ồ, những điều vị sư thầy đã nói, sao bây giờ mình mới nhận ra, giờ mình đã hiểu!”

Tôi nghĩ bữa nay nói chừng đó là đã đủ. Nếu tôi nói quá lâu, cái thân già mệt mỏi này đâu còn sức chịu nổi, nó đang già yếu đi...

-------------

(33) [Được giảng tại chùa Wat Tham Saeng Phet (Chùa Hang Động Ánh Sáng Kim Cương) cho đoàn các Phật tử tại gia đến thăm thiền sư Ajahn Chah trong tháng kỳ kiết hạ mùa mưa năm 1981, ngay trước lúc sức khỏe của thầy bắt đầu suy sụp].

(34) [Thiền sư thường dùng cách chơi chữ trong tiếng Thái. Chữ krorp krua là gia đình, có nghĩa đen là “khung bếp”, hoặc “khu nướng cháy.” Nghĩa bóng là một nơi để cầm giữ, hoặc là nơi bị cầm giữ.]

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.60.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...