Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» Phần 6. Đi hết con đường đạo »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» Phần 6. Đi hết con đường đạo

Donate

(Lượt xem: 4.169)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - Phần 6. Đi hết con đường đạo

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
37. Chấm Dứt Mọi Khó Khổ

Người đời có những tính khí căn cơ khác nhau, có người nặng về tham, hay sân, hay si, hay tự cao tự ngã. Dù là căn cơ ra sao, Phật cũng dạy cách để làm bớt đi những tính khí đó và cuối cùng diệt sạch chúng luôn. Đây là loại hiểu biết (tri kiến) cao nhất trong các loại hiểu biết. Theo nguyên tắc của kiến thức thế gian, người học nhiều thứ khác nhau và đạt đến những kiến thức khác nhau. Nhiều người đạt đến vị trí cao hơn trong xã hội và tự cho mình là quan trọng, là có tri thức. Kết quả là nhiều người khác không thích và xã hội luôn luôn có bất đồng. Đó chỉ là những nguyên tắc và kiến thức bề ngoài.

Theo cách của đạo Phật, chúng ta hết lòng lắng nghe sự thật của mọi sự vật hiện tượng và cố gắng hiểu biết được điều gì là sự thật và đúng. Để làm gì? Để giải quyết những vấn đề khó khổ của sự sống. Chúng ta học hỏi giáo pháp là để giải quyết những khó khổ mà chúng ta ữải nghiệm trong thế giới này, những khó khổ của chúng ta và của người khác, của gia đình, nhiều vấn nạn và sự khổ mà nhiều người vẫn liên tục đối diện đến hôm nay.

Có nhiều loại khó khổ khác nhau. Sự thực [giải pháp thực sự] là... không có ai giải quyết những khó khổ và cũng không có những khó khổ đó. Không 'ai' giải quyết những khó khổ, do vậy không có những khó khổ đó. Đây là chỗ chấm dứt mọi thứ. Nếu có 'ai' giải quyết những khó khổ, thì sẽ có rất nhiều khó khổ, và sẽ chẳng bao giờ chấm dứt những khó khổ đó—đó là cách của thế gian.

Theo lý của giáo pháp, chúng ta nói rằng: Nếu không 'ai' giải quyết khó khổ, thì không có những khó khổ. Đó là cách chúng ta chấm dứt khổ, đó là cách đi đến sự bình an. Nếu còn có 'ai' giải quyết những khó khổ, thì sẽ luôn còn hoài rất nhiều những khó khổ. Nếu chúng ta còn nhận thức những khó khổ, thì luôn luôn còn cái 'người' giải quyết những khó khổ đó.

Lấy một ví dụ nhỏ, trước kia những điều kiện sống ở nơi đây rất đơn giản (tự nhiên). Chúng ta ít khi nào bị lụt lội do chưa có mấy con đập ngăn sông. Giờ đây nghèo đói đã trở thành một mối lo. Người ta không trồng đủ lương thực, các con sông bị ngăn đập khắp nơi. Nhiều cây rừng biến mất. Nên khi có mưa lớn, nước tràn nhanh qua các con đập, nước làm bể đập, kết quả là những làng mạc và thành thị bên dưới bị ngập chìm trong lũ lụt. Thời xưa chúng ta để yên cho tự nhiên, nước chảy theo những dòng đều đặn quanh năm, và do vậy không có lũ lụt. Như vậy đó, khi người ta làm gì đó tân tiến (như ngăn đập nước làm điện...), thì rủi ro mất mát sẽ đi kèm theo. Nhưng nếu không ngăn đập làm điện, mọi người sẽ bị đói nghèo và thiếu thốn tiện nghi sống. Thế gian là vậy, khi giải quyết chuyện này thì sẽ xì ra chuyện kia. Giải quyết khó khổ này thì khó khổ khác xuất hiện. Không bao giờ có cách giải quyết mọi khó khổ một lần và tất cả. Chỉ có một cách để chấm dứt là: không còn (nhận thức) những khó khổ và không còn 'ai' giải quyết những khó khổ. Chấm hết!

Là sao? Vậy chúng ta phải làm sao? Sinh ra trên thế gian này, chúng ta đối diện với rất nhiều khó khổ. Với quá nhiều chúng sinh trên thế gian này, nên cũng có quá nhiều bất đồng và rắc rối với nhau. Đức Phật đã nói khi nào còn những khó khổ thì sẽ còn người giải quyết chúng và khi vẫn còn người giải quyết những khó khổ thì vẫn luôn còn những khó khổ. Chừng nào còn có sinh, thì còn có tử.

Hầu hết chúng ta đều muốn được sinh. Chúng ta khỏi cần tìm cái chết, bởi cái chết tự động theo sau sinh. Có sinh là có tử. Đó là hai mặt của một thứ. Dù ta có khát khao được sống và không bị chết, cái chết vẫn cứ đến. Đó là lẽ thực của tự nhiên. Nhưng ta khó chấp nhận lẽ thực đó. (Chết là điều đáng buồn nhất, hụt hẫng nhất, bởi vậy phần đông chúng ta đều tránh né và không muốn nghĩ đến nó, cho dù chúng ta đã chứng kiến những người chết đi hằng ngày). Chúng ta đều có cảm giác "Tôi hạnh phúc khi được sinh ra, nhưng tôi không muốn chết. Khổ cực trăm bề cũng được, nhưng đừng để tôi chết." Hoặc nếu chúng ta phải chết, hãy để kẻ khác chết trước, tôi muốn chết sau hơn... Hãy để tôi sống thọ hơn... Nhưng thiệt ra nếu sống càng lâu thì càng nhiều khổ đau hơn, phải không? Chín mươi tuổi hay già hơn, không khổ đau nhiều hơn sao? Chúng ta luôn cho rằng sống càng thọ càng thêm hạnh phúc. Đó thực sự là một suy nghĩ ngu dốt. (Càng già thì càng thêm nhiều khổ đau bệnh tật chứ có được hưởng thêm gì đâu mà sướng.) Sinh tử là lẽ tự nhiên của tự nhiên. Cũng giống như việc hít thở vậy, có hít vào thì phải thở ra. Nếu bạn nghĩ bạn được sinh ra mà không chết, vậy thì bạn cứ hít vào và nín thở đi. (Bạn sẽ lập tức biết làm vậy trái với lẽ tự nhiên đến mức nào!)

Điều gì đáng quý hơn, hít vào hay thở ra? Hãy nghĩ về điều này. Nó cũng giống như sinh và tử. Nếu bạn cho rằng sinh là quan trọng hơn, vậy cứ hít vào và nín thở đi. Bạn sống được mấy phút? Hoặc nếu bạn nghĩ thở ra là quan họng hơn, vậy cứ thở ra và đừng hít vào nữa.

Đối với tôi, giáo lý của Phật đơn giản là lẽ thực đứng đắn. Phật đã nhìn thấy sự liên tục của sinh và tử, sinh và tử. Và Phật đã dạy rằng: "Ai nhìn thấy lẽ trống không (tính không), thần chết không thể bắt tới mình." Cái chết không còn tác động đến ta nữa. Bởi vì sao? Bởi vì chẳng còn cái "ta" nào nữa để bị chết, để bị 'bắt chết'.

Cái thân-tâm ta đang ngồi đây được Đức Phật gọi là đống uẩn (khandha)—đó là tập hợp (uẩn) về vật chất: sắc thân và bốn tập hợp về tinh thần: cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và tâm thức. [Sắc, thọ, tưởng, hành, thức]. Tập hợp vật chất (thuộc thân) và bốn tập hợp về tâm thần (thuộc tâm) đó tạo nên một 'con người' của chúng ta. Thực sự, 'con người' chỉ là sự cấu tạo của năm uẩn như vậy. Cái 'người' ở đâu? Nếu nói phân tách theo cách khác, cái 'con người' chỉ là một đống đất, nước, khí, nhiệt, và bốn yếu tố này đã được gọi là một 'con người'. Thần chết không thể đuổi bắt một con người. Thần chết chỉ đuổi bắt bốn yếu tố đất, nước, khí, nhiệt khi chúng tan rã. Chẳng có cái 'con người' nào được tìm thấy trong đống tan rã đó. (Giống như khi đập nát cây sáo để tìm tiếng sáo, ta chẳng bao giờ thấy tiếng sáo nào trong đó.)

Như vậy ta nhận ra thân này chỉ là trống không (chỉ là sự kết hợp tạm bợ của các yếu tố tứ đại, còn kết hợp thì còn thân, hết kết hợp thì tan rã. Chỉ là vậy thôi, chứ không phải là một 'con người' cố định hay một cái 'ta' nào cả). Sau khi đã biết thân này chỉ là trống không thì ta còn bám víu vào nó làm gì. Ta không còn bám chấp vào thân thì thần chết đâu còn vói đến ta được nữa. Ta không chết! Đúng không? Không có cái 'ta' thì đâu có ai chết. Đức Phật nói về sự vô ngã (anatta): đó là sự không có một cái 'ta' cố định nào cả. Nhưng khi nghe điều này, quý vị nên nghe cho thật rõ ràng. Theo ý nghĩa đích thực của vô ngã (anatta), tìm đâu ra cái 'con người'? Chỉ có năm tập hợp đất, nước, khí, nhiệt— sự trống không. (Trong đó chỉ là tính không, không có một ‘linh hồn' hay một cái 'ta' hay ‘bản ngã' nào trong đó cả. Giống như một cái máy vi tính. Nó chỉ là gồm những yếu tố là xác máy và bộ nhớ. Nó còn chạy, thì gọi là máy tính. Đến khi nó hư cũ và gãy bể, không còn cái 'máy tính' nào cả). Vậy đó. Mọi thứ đều là trống không. Nhưng chúng ta tạo ra những quy ước để khái niệm và đặt tên những đống đó là 'ta', 'của ta', và từ đó bám vào đó, dính chấp vào đó, khổ tâm với nó. Rồi đến khi những mớ đất, nước, khí, nhiệt đó tan rã, ta (thấy mình bị) chết, bởi do ta đã áp đặt cái 'ta' vào trong những mớ đó. Những mớ đó là trống không, nhưng chúng ta không coi là trống không mà coi đó là cái 'ta' của mình, và do vậy có cái 'ta' bị chết, nên chúng ta khóc than và tuyệt vọng vì cái chết. Phật đã dạy đó chỉ là những yếu tố tứ đại. Sự sinh của chúng ta chỉ là do sự kết hợp những yếu tố đó. Khi những yếu tố đó tan rã, cái chết chẳng ảnh tưởng gì đến chúng ta nếu chúng không còn bám chấp vào những thứ đó nữa.

Thử nghĩ đến một ấu trùng sau đó trở thành con ong. Khi con ong hình thành, nó bỏ lại cái vỏ ống trống không. Con ong ở đâu? Khi chúng ta nhìn vào vỏ ống, chúng ta chẳng thấy ong đâu. Con ong không còn bám trú ở trong 'đống' vỏ ống đó nữa.

Do vậy, Phật đã dạy phải dẹp bỏ những thứ về cái 'ta'. Nếu chúng ta hiểu được đó chỉ là cái 'ta' do quy ước chứ không phải là một cái ta đích thực, thì mọi vấn đề khó khổ sẽ chấm dứt ở đây. Đó không phải là những khó khổ cần được giải quyết mà đích thực không cần giải quyết gì cả. Bởi vì đâu còn cái 'ai' giải quyết những khó khổ, nên đâu còn những khó khổ nào nữa. Nếu chúng ta hiểu được một cách rõ ràng như vậy, sự sống của chúng ta sẽ không còn phải xoay sở, tranh đấu, bất mãn, khổ sở; không còn sân si.

Phật đã dạy phải suy xét về tính có-điều-kiện (tính hữu vi, sankhara) và tính vô-thường của thân và tâm chúng ta để biết rõ thân và tâm đích thực là gì. Chỗ này là trí tuệ, và chỗ này là chỗ chúng ta thay đổi cách nhìn cố hữu về một cái 'ta', chúng ta không còn chấp thủ vào một 'cái ngã không có thực' nữa. (Cái 'ta' là không có thực, chỉ là hữu vi, giả lập, là do sự kết hợp của những yếu tố tự nhiên, còn duyên hợp thì còn, hết duyên hợp thì tan rã. Không có cái 'ta' cố định nào bên trong tấm thân-tâm này cả). Ngắn gọn hơn, chúng ta có thể nói rằng: chẳng có cái 'ta' nào để bị chết cả. Nếu chúng ta gỡ bỏ sự chấp thủ vào cái 'ta' (dẹp bỏ ngã chấp), thì cái chết chỉ đơn giản là sự tan rã của bốn mớ yếu tố đất, nước, khí, nhiệt mà thôi.

Chuyện kể về ngài Xá-lợi-phất (Sariputta) khi đang chỉ dạy cho một học trò là Tỳ kheo Gunamantani. Gunamantani chuẩn bị đi đi tu theo lối du hành. (Giống như Đức Phật và Tăng đoàn thời đó và giống như truyền thống tu du hành (tudong) ở Thái Lan, các tu sĩ luôn di chuyển, khất thực mỗi ngày, thuyết pháp cho mọi người. Khác với cách tu ở nhiều nơi sau này là người tu trú ngụ một nơi hay một tự viện lâu dài, ít di chuyển đến nơi khác.)

Gunamantani nghĩ rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để đi tu du hành. Nhưng khi một người đi tu du hành, người ấy sẽ gặp phải nhiều trở ngại và tình cảnh khác nhau. Ngài Xá- lợi-phất kinh nghiệm được những điều đó, do vậy ngài đã thử kiểm tra vị đệ tử đã chuẩn bị đủ trước khi lên đường hay chưa. Ngài Xá-lợi-phất hỏi vị đệ tử: "Nếu có một người thường hoặc một tu sĩ hỏi thầy 'Này ngài Gunamantani, khi một người giác ngộ (A-la-hán) qua đời, họ sẽ tái sinh về đâu?' thì thầy sẽ trả lời họ ra sao?"

Ngài Gunamantani đã trả lời rằng: "Con sẽ trả lời họ rằng 'Sắc, thọ, tưởng, hành, thức sinh rồi diệt'."

Tôi đã đọc chỗ này hồi tôi học kinh điển, và lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả. Thầy hỏi một đàng (ngưòi giác ngộ tái sinh về đâu?), trò trả lời một nẻo (năm uẩn sinh diệt), cứ như hai người nói hai chuyện khác nhau vậy. Nhưng thực sự thì câu trả lời đã trả lời đúng nhất với ý nghĩa của câu hỏi, chẳng qua thời đó tôi còn ngu mờ nên chưa hiểu được. Khi được hỏi bậc thánh nhân giác ngộ khi chết sẽ đi về đâu, ngài Gunamantani đã không trả lời thẳng, và trả lời rằng chỉ có năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp rồi tan, sinh rồi diệt, chứ thực sự chẳng có 'ai' chết cả. Người giác ngộ như vậy thì không chết. Chỉ có năm 'đống' uẩn sinh rồi diệt, còn duyên hợp thì có mặt, hết duyên hợp thì tan rã. Vậy thôi. Những người giác ngộ không ở bên trong 'đống uẩn' đó. Họ không chết và không tái sinh. Sự thể là vậy. Không có câu trả lời thẳng bởi không có câu hỏi đúng thực (không có 'ai' trong đó để chết) và không có vấn đề đúng thực (không có 'sự chết' của ai cả), cũng không có 'ai' giải quyết chuyện sinh tử tái sinh cả. Mọi sự chấm dứt ở đây. (Không có 'người' thì không có ai chết và không có sự chết. Chỉ có năm uẩn hợp rồi tan.)

Quý vị có hiểu mọi sự chấm dứt ra sao không? Tất cả chấm dứt thành không-có-gì, trống không. Vậy mà khi có ai nói không có gì hay không có 'ai' cả, chúng ta thực sự thấy hụt hẫng và đau lòng—Ta cứ nao lòng: còn tất cả những thứ của 'ta' thì sao? Những của cải của ta, nhà cửa của ta, con cái của ta... thì sao? (Nước mắt chảy dài, âu lo dồn về). Chỗ này rất khó, nhưng chúng ta nên bắt đầu tập tính cẩn thận và tính biết chấp nhận. Đừng quá xót xa lo lắng về những thứ mình có, thực sự chúng chẳng phải là của ta. (Chẳng có gì là 'của ta' hay là ‘ta' cả).

Chúng ta khó hiểu điều này. Chúng ta muốn hiểu, nhưng nó thực sự khó hiểu. Chúng ta nghe, học, suy xét và thấy điều đó có thể đúng, nhưng chúng ta vẫn khó mà hiểu thấu hết. Những ô nhiễm trong tâm quá dày đặc và cố hữu, chúng che mờ và ngăn không cho chúng ta thấy được lẽ thực.

Tham dục trói chặt chúng ta. Vài tham muốn và ước muốn không đủ thỏa mãn người đời. Họ luôn có nhiều tham muốn và ước muốn và muốn được nhiều, nhiều hơn nữa, và thông thường chẳng bao giờ dừng lại cho đến khi những tham muốn nhiều đến ngập đầu và gây ra biết bao phiền não khổ lụy. Mọi người đều mãi đi ngược lại với giáo pháp.

Do vậy, chúng ta cần lắng nghe giáo lý của Phật một cách kỹ càng. Phật dạy giáo pháp cho mọi người vượt qua khổ đau, sống không bị khổ đau. Nếu không có khổ, mọi sự sẽ ra sao? Sẽ không có cái "ta', không có 'của ta', không có 'ngã' và không còn chấp ngã. Nhưng phải có được trí tuệ hiểu biết rõ về sự thật "không phải ta, không phải của ta" thì mới tạo ra lợi lạc. Ví dụ, nếu mới vừa hiểu "thân này không phải của ta" rồi hủy hoại thân này thì điều đó chẳng mang lại ích lợi gì. "Mấy cái chén kiểu bình kiểu này không phải là của ta, vậy ta đập bể và quăng chứng đi", đó là cách ngu xuẩn nhất. Hoặc giả sử có người gặp phải khó khăn vì gánh nặng con cái, mới nghe câu "Con cái không phải là của ta" liền bỏ bê con cái, thì điều đó là sai trái nhất. Đừng làm những hành động ngu dốt như vậy!

Nếu không có cái 'ta' thì làm sao có thứ gì là 'của ta'? Hãy nghĩ kỹ về điều này. Điều đó là rõ ràng. Nếu có cái 'ta' thì mới có những thứ thuộc 'của ta'. Cái ly này là của ta. Nếu không có cái 'ta', ly này làm sao là 'của ta'. Khi có thứ gì (của cải, tiền bạc, danh vọng...) bị hư hoại hay mất đi, hãy nghĩ rằng đó là của người khác mất, cách đó giúp ta khỏi buồn rầu tiếc nuối. (Việc này không phải dễ!) Cứ ghi nhớ rằng, ta đã hiểu rõ không có cái 'ta' nào cả, vì vậy không có gì là 'của ta': điều này giúp ta không bị đau khổ, tiếc nuối khi nhìn thấy thứ gì đổ bể hay mất đi. Tất cả chỉ là do quan niệm về một cái 'ta' đã gây ra khổ đau và phiền não. Do vậy, chúng ta được dạy để tiêu diệt cái đống 'ta', tiêu diệt cái 'ngã chấp' bằng trí tuệ hiểu biết—chỉ có trí tuệ hiểu biết mới tiêu diệt được ngã chấp, không phải giết nó bằng dao hay chôn sống nó. Mục tiêu của Đức Phật là hiểu biết thế giới một cách hoàn toàn. Nếu chúng ta biết rõ về thế giới, chúng ta không còn gặp khó khổ, bởi chúng ta không mang gánh nặng thế giới trên mình. Nhưng nếu không có trí tuệ hiểu biết, chúng ta cứ mang gánh mọi thứ trên đời.

Người đời bây giờ giống như cứ muốn đổ đầy thùng nước, nhưng chẳng bao giờ đổ nước vào miệng thùng. Họ cứ đổ nước vung vãi ra ngoài, không đúng vào miệng thùng. Họ cứ đổ như vậy, như con nít nghịch nước cho vui, thì dù họ có đổ cả đời cũng chẳng bao giờ đầy thùng. Tham muốn (dục vọng) của người thời nay cũng vậy. Họ cứ luôn tìm kiếm nhiều hơn nữa, muốn có nhiều hơn nữa và hơn nữa, và chẳng bao giờ thỏa mãn. (Lòng tham không đáy là nguyên nhân của mọi sự khó khổ và sinh tử ở trên thế gian).

Kẻ nghèo thì có nhiều tham muốn hơn nữa, dục vọng còn lớn hơn nữa. Kẻ giàu thì có đủ thứ thỏa mãn và vẫn còn tham muốn nhiều nữa. Họ chẳng bao giờ biết mức nào là đủ giàu. Ai cũng 'nghèo' so với tham muốn dục vọng của mình! (Chỉ có ai biết khi nào là đủ thì người đó mới thực sự giàu có.) Tham muốn và dục vọng lôi chúng ta vào biển khổ. (Nếu không có dục vọng thì không có khổ và tái sinh). Chúng ta cần suy xét và điều tra kỹ về lẽ thực này.

Tôi đã chỉ dạy và huấn luyện nhiều người tu hành trong hơn ba mươi năm qua. Tôi cảm thấy rằng điều quan trọng là người ta ít nhất phải hiểu biết về giáo pháp (lẽ thật, quy luật, sự thật của sự sống), gỡ bỏ bớt những gánh nặng (ràng buộc, dính chấp), và không cần phải sống quá lâu trên đời. Nếu tốt, họ có thể tu hành và bước được vào dòng thánh đạo (từ Nhập Lưu...) để bảo đảm tránh bị tái sinh hơn bảy lần nữa, điều đó thực là đáng quý. (Điều kiện để trở thành một người Nhập Lưu là chỉ cần phá bỏ được cái 'ta' và những ràng buộc mê tín.) Đừng để mình tiếp tục bị tái sinh thành bọ chét hay rận rệp, thành rắn, rùa, heo hay chó, hoặc thành người đui, kẻ điếc hay một loại chúng sinh khổ đau ở những cõi xấu thấp. Chúng ta không thể biết được mình sẽ đi về đâu sau khi chết nếu chúng ta không chịu tìm cách giải thoát mình ngay từ bây giờ!

Mục tiêu học hiểu và tu hành chỉ đơn giản là để chúng ta không còn chịu khổ nữa. Không còn khổ đau. Có nghĩa là khổ đau không còn tìm đến ta nữa. Thần chết cũng không tìm thấy chúng ta.

Có năm tập hợp tạo nên thân-tâm này: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng khởi sinh và biến mất, sinh rồi diệt, hợp rồi tan; chẳng có 'ai' ở trong đó, chỉ là những hiện tượng vô thường và mong manh. Nếu bạn nghĩ rằng bạn chết, thì bạn sẽ bị tái sinh liên tục, mọi lúc mọi nơi. Bạn sẽ luôn bị khổ đau không bao giờ dứt, bởi vì chẳng bao giờ chấm dứt được. (Còn 'người' chết thì còn tái sinh và còn khổ đau. Chỉ khi nào không còn 'ai' chết thì cũng không có sự chết, không còn tái sinh, và không còn khổ đau nữa).

Người Chinh Phục thế giới (Đức Phật) là người đã chấm dứt mọi thứ khó khổ. Chấm dứt tất cả, chấm dứt mọi thứ. Nhưng nếu nói về sự "chấm dứt", người đời không muốn nghe, họ không thấy yên tâm. Họ nghĩ sẽ chẳng còn chỗ nào để họ sống nữa. Họ nghe nói đến các trạng từ: "chấm dứt", "xong", "chẳng có gì cả","chẳng còn gì", họ giựt mình, lo sợ và không hiểu gì. Họ chẳng bao giờ biết được đó chính là trạng thái hạnh phúc và thư thái nhất.

Đó là chỗ khó gặp gỡ và khó vượt qua. Chúng ta nói về ý nghĩa siêu thế vượt trên thế gian thế tục—chuyển hóa và vượt qua tất cả mọi thói tâm (tập khí), quan điểm (kiến chấp), suy nghĩ (ý hành), và cảm giác (cảm thọ) của con người trên thế gian này. Thế tục nghĩa là thế gian. Những gì chúng ta đạt được hay thành tựu được trên thế gian thì chúng vẫn thuộc về thế gian và trước sau chúng cũng suy, tàn, hư, hoại, biến mất theo luật vô thường; do vậy đừng cố nắm giữ, dính chấp, ràng buộc vào chúng. Cũng giống như một con bọ moi đất, nó cứ đào moi cho được những mớ đất lớn hơn bản thân nó, đào được lỗ hang to hơn nó, nhưng dù nó có đào cả kiếp, thì đó cũng chỉ là mớ đất và mấy lỗ hang nhỏ bé. Một con trâu đến thả đống phân lên đó còn lớn hơn cả mớ đất cả đời của con bọ đã đào. Tất cả chỉ là một mớ đất. Những thành đạt, danh phận, của cải của người đời trên thế gian cũng giống vậy. Dù có cố làm bao nhiêu, có thành đạt giàu có bao nhiêu, có quyền lực bao nhiêu thì cũng ra đi với tay không. Dù cho những con bọ có làm việc suốt cả đòi, thì chúng cũng chỉ dính líu đến những mớ đất mà thôi, chẳng có gì hay ho hay giá trị hơn.

Những người biết tạo nghiệp tốt trên đời là người có trí khôn ngoan để sống trên thế gian. Nhưng dù họ có tạo nghiệp tốt đến đâu, sống tốt đến đâu thì họ vẫn còn ở trong thế gian. Tất cả những việc họ cố làm cũng chỉ là thế tục và nằm trong hữu hạn, cũng giống như con bọ suốt đời moi đất đào hang. Hang có thể rất sâu, nhưng nó vẫn nằm trong mặt đất này. Mớ đất đào lên có thể rất cao, nhưng đó chỉ là một mớ đất nằm trên mặt đất này. Làm nhiều, được nhiều, tạo nhiều nghiệp tốt, được nhiều nghiệp tốt, nhưng đó chỉ là sự làm nhiều và được nhiều trên thế gian này mà thôi.

Kiến thức thế gian và những thành đạt trên thế gian dù cao siêu và lớn lao đến đâu thì ta vẫn còn ở trong cõi ta bà đầy khổ đau. Những hạnh phúc trần tục đó là loại hạnh phúc có được và tùy thuộc những thứ từ bên ngoài. (Đó là loại hạnh phúc vì làm được, vì có được, vì đạt được). Đó không phải là loại hạnh phúc có được từ sự buông bỏ, sự tự do, giải thoát. Đó không phải là thứ hạnh phúc không phụ thuộc vào những thứ bên ngoài. Để có hạnh phúc trần tục, chúng ta phải phụ thuộc vào những thứ gì? Chúng ta cần có của cải, tài sản, tiền bạc, khoái lạc, danh phận, chức tước... Chúng ta dựa vào tất cả những thứ đó, giống như dựa vào một gốc cây già mục. Sau một thời gian dựa vào nó, đến lúc nó gãy đổ, và chúng ta sụp đổ theo nó. Đó là loại hạnh phúc thế tục. Nhưng Phật muốn chúng ta hiểu biết rõ về nó. Chúng ta sống giữa những thứ hạnh phúc đó, chúng ta cần hiểu rõ, ý thức rõ, và tỉnh giác rõ về chúng.

Chất độc chỉ độc đối với những ai nuốt vào. Nếu không, dù nó là loại độc đến đâu cũng không gây độc hại cho chúng ta, không nguy hại cho người biết về nó và không nuốt phải nó.

Người tạo ra chất độc cảm thấy nó tốt—nhưng tốt theo cách xấu ác. Để bán chất độc đó, ông ta quảng cáo nó: "Hợp chất này thực sự rất tốt! Nếu ta cho chuột ăn, chắc chắn chuột chết ngay. Cho chó ăn, chó chết ngay. Nó có thể giết bất cứ con gì. Gà, vịt, và cả người luôn! Do vậy, sản phẩm này của tôi là rất tốt! Mại dô, mại dô!"

"Tốt hả, vậy sao ông không uống đi?"

"Không, ngộ không dùng nó."

"Tại sao không?"

"Nó tốt để giết vật và người. Không phải tốt cho ngộ."

Cái 'tốt' nằm ngoài Giáo Pháp cũng giống như kiểu đó, chỉ tốt đến mức đó mà thôi. Người quảng cáo thuốc độc là hảo hạng thì chẳng bao giờ nếm nó. Ông ta nói về một thứ rất tốt, nhưng biết rõ nó sát sinh, và ông ta thích làm cái nghề nghiệp đó. Rất nhiều thứ người ta gọi là tốt. (Nhưng chẳng thứ gì là tốt hoàn toàn). Chỉ có Giáo Pháp của Phật là hoàn toàn tốt và vô hại. Giáo Pháp được giảng bày một cách rõ ràng, đầy đủ lý thực và lẽ thực. Nhưng, khi người ta gặp gỡ Giáo Pháp và muốn hiểu biết nó, họ thường gặp phải khó khăn, bởi do họ vẫn còn dính vào cái 'ta', vẫn còn chấp ngã. Nhưng nếu chúng ta biết cách dẹp bỏ tất cả những quan niệm về cái 'ta' (dẹp bỏ tất cả thân kiến, ngã kiến), thì chúng ta không còn mang những gánh nặng tham, sân, si trong cuộc sống của chúng ta.

Nếu chúng ta thực sự nhận biết rằng chỉ có năm mớ uẩn và những yếu tố tứ đại kết hợp lại thành cái mà ta gọi là một 'con người', nếu chúng ta thực sự nhìn thấy rõ ràng chúng chỉ là vậy, thì dù ai nói gì chúng ta cũng không còn chấp. Ai có trách mắng hay sỉ nhục ta, cũng chẳng sao. Chỉ có người thế gian chưa hiểu rõ sự thật về 'con người' của mình, nên họ còn chấp, còn tức giận, còn chiến đấu. Dù họ có tỏ ra nhưòng nhịn thì đó chỉ là do tình cảnh nào đó, nhưng trong lòng vẫn nghiến răng kiềm chế, chứ không phải do trí tuệ hiểu biết mà không chấp.

Những ai hiểu rõ được giáo pháp (sự thật) này về cái 'ta', họ sẽ không còn chấp nê hay sân si gì với những khó khổ. Họ không cần phải giải quyết những vấn đề khó chịu khó khổ đó. Họ tự mình giải tỏa. Tại sao thế gian này là một nơi khó khổ đến như vậy? Đó là tại chúng ta cứ muốn chạy theo những thói tâm (tập khí) và khuynh hướng (gông cùm) trong tâm mình và muốn mọi thứ theo ý mình. Chúng ta có vô vàn những ý nghĩ và ý tưởng muốn mọi người và mọi cảnh phải như này, như nọ. Nhưng mọi thứ không thể theo ý chúng ta, mọi thứ xảy ra theo đường lối riêng và tự nhiên của nó. Do vậy, chúng ta bị hụt hẫng, bị phiền não và bị bất mãn bởi mọi sự ở trên đời.

Vợ chồng không được yên vì họ cảm thấy bị phiền não và mệt mỏi với con cái của mình. Vợ chồng cũng thấy phiền não và chán chường với nhau. Họ bị phiền não bởi chó và mèo. Họ bị phiền não bởi công việc làm ăn. Họ bị phiền não bởi bạn bè và hàng xóm. Cảm giác bị phiền não, sợ sệt và bất an luôn luôn có mặt. Và do vậy họ bị khổ.

Vậy chúng ta phải sống ở đâu? Nếu bạn muốn mọi người ai cũng ăn nói và cư xử hiền hòa với bạn, tìm đâu ra cái nơi có được điều đó? Nếu bạn cứ có thái độ và ý muốn như vậy thì bạn chỉ là cái xác chết đang sống mà thôi, bạn sẽ luôn bị khổ đau và phiền não. Nếu sống mà phụ thuộc vào việc mọi người phải cư xử hiền hòa với ta, liệu ta có thực sự hạnh phúc không? (Làm gì có điều lý tưởng đó, và nếu cứ phụ thuộc vào điều đó thì mới hạnh phúc, thì đó chỉ là điều điên rồ và không tưởng. Bạn không thể bắt thế gian và vạn vật nhảy múa theo ý của mình). Chỉ nói riêng vợ chồng, trong một ngày nói chuyện cũng đã ít nhiều bất đồng. Nếu bạn muốn rằng mình chỉ hạnh phúc nếu không ai bất đồng với bạn, tìm đâu ra nơi nào trên trái đất này được như vậy cho bạn. Bạn chỉ là xác chết đang sống. Bởi vì, hiện thực là chúng ta gặp những thứ khó khổ hàng ngày, không thể tránh được. (Thế gian không phải là của riêng bạn). Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng làm sao chúng ta có được hạnh phúc nếu cách nhìn của chúng ta không phù hợp với hiện thực của sự sống? (Thế giới hiện thực là muôn màu, nhưng chúng ta cứ muốn nó chỉ là màu hồng để ta được hạnh phúc theo ý ta, vậy làm sao có được?)

Vậy thì có nơi nào để chúng ta thoát khỏi khổ đau? Tôi giao quý vị hãy về nhà tự mình giải đáp. Suy xét một cách kỹ càng. Quý vị phải tự mình chèo thuyền qua sông. Quý vị phải chèo một cách cật lực mới vượt qua sông được, nhưng nếu qua được đến bờ bên kia, quý vị cũng chưa chắc đã vượt qua được bờ bên kia. Qua đến bờ bên kia, quý vị phải biết buông bỏ xuồng ghe để bước lên bờ. Nếu ai còn mang theo ghe xuồng trên vai, người đó sẽ tông vào cây rừng. (Giáo Pháp như thuyền ghe dùng để vượt qua sông, chứ không phải để mang vác theo trên vai. Giáo Pháp là phương tiện để chúng ta giải thoát, chứ không phải là thứ để mang theo. Sự buông bỏ tận cùng mới là sự giải thoát rốt ráo).

Tôi nói đây để quý vị rõ thêm một chút. Những người học và hiểu Giáo Pháp nhưng không chứng ngộ Giáo Pháp, thì người đó vẫn chưa giải thoát. Nếu chúng ta chỉ mới học Giáo Pháp, hiểu Giáo Pháp và tu tập Giáo Pháp thì đừng vội mơ tưởng về điều gì; nước mắt vẫn còn chảy lâu. Nếu chúng ta chứng ngộ Giáo Pháp, nếu chúng ta là Giáp Pháp, thì chúng ta nhìn thấy những mớ đất, nước, khí, nhiệt. Nhưng còn lâu chúng ta mới nhìn thấy được điều đó, phải không? Chỗ này tôi không nói đùa vói quý vị, sự thật là rất khó.

Tôi đang nói những điều cho những người muốn đạt đến cốt lõi của Giáo Pháp. Điều quan trọng không phải chỗ chúng ta được sống sung sướng và hạnh phúc nhờ vào thành quả học tập và lao động trong đời. Cách sống đó cũng chỉ bắt thêm cầu đường để dẫn đến tái sinh liên tục mà thôi. Cách sống đó mang đầy khó khổ và phiền não. (Sinh tử là đau đớn và đau khổ vô cùng!) Hôm nay tôi nói thẳng thừng, không sợ sự thật mích lòng quý vị. Ai không có được cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) về sự sống thì giống như người bị gãy cổ. Giáp Pháp này là dành cho những người trí thành, chín chắn.

Người đời có quá nhiều tham muốn và dục vọng. Nhưng, cuối cùng nơi phải đến (của người tu) là nơi tất cả mọi thứ đều đã chấm dứt, không còn, kết thúc. Chúng ta không vứt bỏ mọi thứ bằng cách quăng chúng xuống sông, mà bằng trí tuệ hiểu biết. Rồi sau đó chúng ta có thể sống hạnh phúc, thư thái, không còn bị khổ. Chúng ta không còn khổ trong công việc, chúng không còn khổ trong quan hệ với mọi người. Chúng ta không còn khổ khi bệnh yếu—chúng ta nhận biết rõ đó (cái 'ta') chỉ là những yếu tố đất, nước, khí, nhiệt. Chẳng có những khó khổ và chẳng có 'ai' giải quyết những khó khổ. Mọi sự được chấm dứt như vậy.

38. Tầm Sư Học Đạo

Ajahn Chah và một học trò tương lai.

Một thiền sinh đến từ miền bắc Thái Lan, vị này cũng tỏ ra mình là một thiền sư, nhưng đến gặp thầy Ajahn Chah để xin được làm đệ tử. Nhưng Ajahn Chah nói rằng: "Nếu anh tìm một người thầy, anh sẽ không tìm được thầy. Nếu anh có một người thầy, anh không có thầy nào cả. Nếu anh ở lại đây, anh sẽ không gặp tôi. Nếu anh từ bỏ thầy, anh sẽ tìm thấy người thầy."

Bị cụt hứng, hơi thất vọng, nhưng vẫn tin thầy Ajahn Chah là một bậc cao tăng trí tuệ nên vị tăng đó cúi chào và đi vào rừng để ngồi suy ngẫm về những lời thiền sư đã nói. Sau một đêm thiền niệm, cuối cùng vị ấy hiểu ra thầy Ajahn Chah muốn nói rằng: Giáo Pháp được tìm thấy bên trong tâm mình, và chỉ có Giáo Pháp mới là người thầy của mình. Sáng hôm đó, vị ấy đến gặp thầy Ajahn Chah để trình bày sự hiểu biết đó. Thầy Ajahn Chah chấp thuận, và vị tăng kia quay trở về chùa cũ của mình, trong lòng vị ấy cảm thấy mình đã mãn nguyện với chuyến đi gặp thầy Ajahn Chah.

39. Con Cua Thông Thái

Có một ao lớn có nhiều cá. Thời gian trôi qua, lượng mưa không còn nhiều, ao cạn dần. Một ngày nọ, một con chim bay đến đậu bên bờ ao. Chim nói: "Này cá, tôi thực thấy khổ giùm cho các anh. Ở đây nước chỉ còn đủ để làm ướt lưng các anh. Các anh có biết cách đây không xa có một hồ nước lớn, sâu nhiều thước, cá ở đó bơi lội sung sướng."

Những con cá nghe vậy lòng thấy mừng. Chúng hỏi con chim: "Tốt quá, nhung làm sao chúng tôi đến được cái hồ đó?"

Chim nói: "Không sao, tôi sẽ gắp các bạn đến đó và thả xuống hồ, mỗi lần một bạn."

Bầy cá bàn bạc với nhau. "Chỗ khô cạn này đã quá tồi tệ. Nước chẳng còn ngập hết đầu. Chúng ta phải đi." Chúng đồng ý và xếp hàng chờ chim gắp từng con một bay đi đến nơi hồ rộng nước sâu kia.

Con chim gắp con cá đầu tiên. Sau khi bay đến một nơi, nó đáp xuống và ăn thịt con cá đó. Nó bay lại ao cá và nói: "Bạn cá đã đến hồ và đang bơi lội sung sướng ở đó. Bạn cá đang mong các anh chị đến đó mau để cùng bơi sướng với nhau!"

Cá nghe càng thêm mừng rỡ, chúng sắp được cứu đến nơi hạnh phúc. Chúng bắt đầu nôn nóng và chen lấn để được gắp đi.

Con chim cộ gắp từng con đi và ăn thịt. Cuối cùng, nó còn quay lại cái ao coi còn con cá nào nữa không, nhưng chỉ còn thấy một con cua. Con chim tiếp tục giở cái trò lừa bịp với con cua về cái hồ rộng nước sâu đó.

Con cua có vẻ hoài nghi. Cua hỏi con chim làm cách nào để đến được hồ nước. Con chim cũng nói y vậy, nó sẽ gắp cua bằng hai bàn bàn chân móng vuốt của nó. Nhưng con cua có trí tuệ hơn cá. Cua nói với chim: "Bây giờ như vầy, tôi sẽ ngồi trên lưng anh, hai tay (hai càng) sẽ ôm lấy cổ anh. Nếu anh mà lừa tôi, tôi sẽ sẽ bóp cổ anh bằng hai cái càng cứng ngắt của tôi."

Con chim nghe thấy bực mình, nhưng nó vẫn thử chở con cua, vì nó tin rằng thế nào cũng có cách hạ xuống và mổ thịt con cua đó. Vậy đó, cua ngồi lên lưng chim và chúng bay lên.

Con chim bay lòng vòng, tìm nơi đáp xuống. Nhưng mỗi khi nó bắt đầu hạ xuống vùng đất nào đó, con cua siết hai càng bóp cổ nó. Chim nghẹt thở, thậm chí không kêu được nữa, chỉ khè khè, rẹt rẹt trong cổ họng. Cuối cùng nó chịu thua và chở con cua về lại ao nước cũ.

Nếu ta giống như mấy con cá đó, ta nghe theo những lời hấp dẫn đó... Không ai có thể mang lại cho ta niềm hạnh phúc siêu thế đích thực. Nếu ta bị hấp dẫn quay lại con đường thế tục (hoàn tục), ta chẳng bao giờ tìm thấy niềm hạnh phúc cao quý siêu thế đó trong tâm. Đó là những trở ngại và cạm bẫy chúng ta thường gặp phải trên bước đường tu hành. Do vậy tôi hy vọng rằng quý vị sẽ khôn khéo, giống như con cua kia.

40. Vài Lời Khuyên Cuối Cùng

Khi tâm chưa được tu tập, chúng ta có xu hướng đủ tin vào những sự thích và không thích của mình. Chúng ta sống từng giây với ý thích và không thích về thứ này và thứ nọ. Cái gì ta thích, ta cho là tốt. Cái gì ta không thích, ta cho là xấu. Thậm chí ta còn cho những thứ độc hại là tốt. Đúng là vậy, mọi sự tốt xấu đều tùy do cái tâm thay đổi và không đáng tin cậy của chúng ta. Và mọi sự theo cách như vậy thì không liên quan gì đến sự thật, hiện thực, Giáo Pháp, và không đúng với thực tại.

Do vậy chúng ta được dạy phải đẩy tâm mình theo hưóng giáo pháp, bước vào giáo pháp. (Hướng tâm nhận biết theo quy luật, chân lý, sự thật, hiện thực). Đừng cố đẩy giáo pháp vào tâm. (Đừng bẻ cong sự thật, chân lý, thực tại theo ý của tâm). Cũng giống như tục lệ ở đời, kẻ tiểu nhược thấp hèn phải tìm gặp bậc cao nhân—chứ bậc cao nhân chẳng bao giờ tìm đến chỗ kẻ tiểu nhân thấp hèn. Tương tự, nếu ta muốn đi hết con đường của Phật, chúng ta phải thiệt tâm đi tìm Phật, tìm ra giáo pháp của Phật và mang giáo pháp về tu tập theo đó. Đừng chờ Phật đến đưa giáo pháp cho mình. Đó là cách tiết kiệm thời gian. (Mà Phật cũng chẳng có ở đây để làm điều đó.)

Nói tóm lại, thói tâm cố hữu của chúng ta là: chỉ vì ta thích cái gì, ta cho cái đó là tốt là đúng. Nó tốt nó đúng chỉ là do thói tâm của ta quy định. Đó là cách nhìn ngu mờ của một cái tâm chưa tu tập. Vì vậy, nếu tâm chưa được tu tập đến nơi đến chốn, chúng ta cần đẩy nó về phía giáo pháp (Phật Pháp) và dần dần giúp nó tương hợp với giáo pháp (sự thật, chân lý, thực tại, lẽ tự nhiên). Cuối cùng tâm là giáo pháp và giáo pháp là tâm. Rồi tất cả mọi hành vi đều là giáo pháp. Suy nghĩ là giáo pháp. Mọi thứ chúng ta làm đều là giáo pháp; đó là chân lý, là sự thật, là lẽ chân thực.

Chuyện một con rùa và một con rắn ở trong rừng. Rừng bị hỏa hoạn và rắn rùa cùng đang cố chạy thoát. Con rùa bò chậm chạm, nó thấy con rắn đang bò lướt qua mặt nó. Nhưng rùa lại thấy đáng thương cho con rắn. Sao vậy? Rắn không có chân, nên rùa nghĩ nó khó mà thoát khỏi trận lửa. Nó muốn giúp đỡ con rắn. Nhưng khi lửa lan tới, con rắn phóng thoát dễ dàng khỏi lửa, còn rùa bốn chân chạy không kịp và bị chết thui ở đó.

Đó là sự ngu si của con rùa. Nó nghĩ, nếu ai có chân, người ấy có thể di chuyển. Nếu không có chân, không thể đi đến đâu. Nghĩ vậy nên nó lo giùm con rắn. Nó nghĩ rắn sẽ chết chắc vì không có chân để chạy. Nhưng con rắn vẫn bình thản, nó chẳng lo lắng gì, vì nó có thể phóng nhanh thoát khỏi rừng lửa.

Chỗ này muốn nói đến những người có cách nghĩ ngu si. Họ cảm thấy thương hại cho ta (những người tu hành) và coi ta là ngu si bởi vì ta không giống họ, không có cùng cách nhìn và cách hiểu biết giống họ. Nhưng thực ra ai ngu si hơn ai?

Nhiều người nhìn những người theo đạo Phật với con mắt coi thường, họ nghĩ những người theo đạo Phật là tầm thường, chẳng có gì đáng khen ngợi.

(Ở Việt Nam, mỗi khi có người nói về đạo Phật, những người nghe thường nghĩ "Ông này sợ chết nên mới nói chuyện Phật chuyện tu". Những người nghĩ như vậy mới thực là kẻ đáng thương, vì họ chẳng hiểu bản chất của sự sống đích thực là gì và Phật giáo đích thực nói gì).

Khi bạn là một người theo đạo Phật, những người khác thường nhìn vào bạn và cách sống của bạn và sự quan tâm của bạn về Phật pháp, họ cho rằng đó là những việc vô nghĩa. Một số người thì mới đọc đâu đó vài hàng về Phật giáo thì lên giọng nói rằng, nếu bạn muốn tu hành thì nên cạo đầu đi tu, đó mới gọi là tu. Thực ra, cạo đầu vô chùa (thọ giới) không phải là điều quan trọng. Quan trọng là cách tu tập của mình có đúng đắn hay không! (Vào ở chùa to hoặc sống trong thiền viện nổi tiếng nhưng việc tu hành không đúng đắn thì cũng chỉ là số không.)

Những người tại gia sống trong cảnh dục giới. Họ có gia đình, tiền tài, của cải và quăng mình vào trong đời sống xã hội. Nhưng nhiều lúc họ nhìn thấy sự thật, đôi lúc họ có những trí tuệ sáng suốt (minh sát) và nhìn thấy giáo pháp nhanh hơn những tăng ni trong tự viện. Họ nhìn thấy tội lỗi và họ buông bỏ. Họ có thể buông bỏ những thói tâm bất thiện sau khi tự mình nhìn thấy chúng một cách rõ ràng bằng những trải nghiệm của mình. Sau khi nhìn thấy những điều nguy hại và buông bỏ nó, họ dùng khả năng đó để sống trong đời để mang lợi lạc đến cho mình.

Ngược lại, chúng tôi là người cạo đầu đi tu nhưng có thể mơ có được một đời sống tại gia, có thể nghĩ rằng đời sống ngoài xã hội thật thú vị. "Đúng vậy, tôi có thể làm ruộng và có tiền, rồi sẽ có gia đình, nhà cửa tốt đẹp." Chúng tôi chẳng biết được đời sống đó thực sự như thế nào. Những người tại gia vẫn đang làm vậy, cày gãy cả lưng ngoài đồng, vất vả để kiếm tiền và sinh tồn. Nhưng đối với kẻ xuất gia như chúng tôi, cuộc sống đó chỉ là mơ tưởng trong đầu. (Thực sự chứng tôi ngồi đây không nếm trải được thực tiễn của đời sống đó.)

Người tại gia coi vậy chứ có nhiều sự thông suốt và minh mẫn. Họ làm gì cũng thực sự làm đến nơi đến chốn. Ngay cả khi uống rượu, họ cũng uống thiệt cho đến cùng, và họ thực sự nếm trải sự say rượu là gì, sự si mê và địa ngục là gì. Còn chúng tôi ngồi đây chỉ biết tưởng tượng về sự nếm trải đó mà thôi. Do vậy, vì người tại gia nếm trải nhiều thứ, nên họ có thể nhìn thấy và chán bỏ những thứ nguy hại (bất thiện) nhanh hơn những người như chúng tôi chẳng hề trải nghiệm những thứ đó. Họ có thể nhận ra (chứng ngộ) giáo pháp nhanh hơn các tăng ni.

(Họ không cạo đầu vô chùa từ lúc năm tuổi, bảy tuổi. Họ có quá nhiều và nếm trải quá nhiều khổ đau trong đời, nên một số người trong họ biết rõ khổ đau ra sao và tìm ra cách tránh bỏ chúng. Họ có nhiều khoái lạc và hạnh phúc thế tục, nên họ biết chúng cũng là khổ và bất toại nguyện ra sao, và họ từ bỏ chúng dễ dàng hơn. Họ sống từng giây phút với tất cả tâm trạng: khổ, sướng, khoái lạc, đau thương, vui, buồn, tỉnh, mê, đúng, sai, công, tội, yêu, ghét, tham, chán... nên họ dễ nhận ra bản chất đích thực của sự sống, họ dễ suy nghiệm và nhìn thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của mọi sự sống. Nói chung, họ có quá đủ những thứ khó khổ trong đời mà Phật đã nói. Chỉ cần họ suy xét thêm về chúng, nhìn ra lẽ vô thường sinh diệt của chúng, thì họ có thể đạt đến trí tuệ và sự buông bỏ sâu sắc hơn và nhanh hơn các tăng ni. Một số họ làm được, thực vậy. Thời Phật cũng vậy, những người giác ngộ giáo pháp đến thánh quả Bất Lai thường là những cư sĩ tại gia, theo kinh điển nguyên thủy ghi lại.)

Một người phải tự là nhân chứng cho chính mình. Đừng lấy ngưòi khác làm điều đó cho mình. Có nghĩa là ta phải học cách tin vào mình. Người khác có thể nói ta điên khùng, ta chẳng chấp làm gì. Họ nói vậy có nghĩa họ chẳng hiểu biết gì về giáo pháp. Nhưng nếu ta thiếu tự tin và đi nghe theo lời của những người chưa giác ngộ thì ta chẳng làm được gì, càng thêm nghi ngờ về bản thân mình và giáo pháp. Ở Thái Lan bây giờ nhiều người trẻ vẫn còn quan tâm học hiểu Phật Pháp. Có thể họ đến chùa chiền, tự viện vài lần, rồi bạn bè họ trêu chọc, nói này nói nọ, chê bai là đứa học đòi, đứa sợ chết, đứa lạc hậu. Rồi bạn bè lại lôi cuốn: sao không đi chơi, tán gẫu, liên lạc? Sao không cùng đi coi phim hay uống bia mà lại đến chùa làm gì. Bộ chán sống lắm sao? Cứ bị vài lần như vậy, họ bỏ đạo theo đời. Họ không còn tu học gì nữa. (Do vậy, người tu theo đạo Phật đừng nên để ý những lời nói này nói nọ của người khác, đừng nghe lời những người khác, đừng vì sỉ diện xã hội mà không tiếp tục đi tìm lẽ thật của sự sống và giáo pháp cho chính mình).

Lời của kẻ khác, dù họ nói gì, cũng không liên quan gì đến sự tu học của bạn. Bạn không nhìn thấy giáo pháp bởi bạn nghe lời người khác nói. Tôi đang nói đến Giáo Pháp đích thực, chữ viết hoa. Dù người nói là người tốt, là người chỉ cho bạn con đường, nhưng đó không phải là sự hiểu biết đích thực. Sự hiểu biết đích thực của mình là do chính mình tự hiểu và tự tu chứng. Ai thực sự gặp gỡ Giáo Pháp tức người đó đã tự thân chứng ngộ từ bên trong mình. Do vậy Đức Phật đã từng nói nhiều lần, Phật chỉ là người chỉ đường, còn chúng ta phải tự mình bước đi trên con đường đó. Phật chỉ đường chứ không chở ta đến đích. Cũng giống như người chỉ bán cho ta cái cày để cày ruộng. Người đó không cày giùm cho ta. Ta phải tự cày cho mình. Đừng chờ người bán cày đến cày. Người ấy chỉ bán cày, phần ta phải tự cày.

Đó là việc tu hành. Phật chỉ chỉ cách thức. Phật không phải là người tu giùm ta. Nếu chúng ta hiểu được lẽ này, chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn, rồi sẽ tự tu tập cho mình. (Chứ không còn dựa vào Phật, không còn cầu xin Phật ban ơn, ban phước cho mình. Không còn than trách sao Phật không phù hộ cho mình mau đắc đạo). Hãy tự tu hành rồi sẽ có kết quả. Phải tự tu thì mới có kết quả.

Những giáo lý có thể rất sâu sắc, người nghe có thể không hiểu thấu. Nhưng không sao. Đừng bị rối trí vì sự sâu sắc hay cách diễn giải thâm sâu nào cả. Hãy thực hành một cách thiệt tâm, và bạn sẽ đạt đến sự hiểu biết thực thụ về nó—nó sẽ dẫn bạn đến nơi những giáo lý mà bạn đang nghe.

Đừng dựa vào những nhận thức của người đời. Quý vị có bao giờ nghe chuyện người mù và con voi chưa? Đó là một ví dụ hay của Phật. Giả sử có một con voi và một đám người mù đang cố miêu tả về con voi. Người sờ trúng chân thì nói con voi giống một cái cây cột. Người khác sờ trúng tai thì nói nó giống cái quạt. Người sờ chỗ đuôi voi thì tả voi giống cái chổi quét nhà. Người sờ trúng mình voi thì lại tả voi khác hẳn với những thứ mấy người kia đã tả.

Rốt cuộc chẳng có ai đúng. Mỗi người sờ trúng một bộ phận của voi và tả theo mỗi cách khác nhau. Nhưng chỉ có một con voi đứng đó. Trong tu tập cũng xảy ra kiểu đó. Khi mới có một chút hiểu biết hoặc kinh nghiệm, ta thường có những ý nghĩ hạn chế, nông cạn. Khi chúng ta đến gặp những vị thầy để họ giảng bày, ta cứ phân vân không biết họ chỉ giáo đúng hay sai, hoặc phân vân vì cách dạy của thầy này có khác với cách dạy của thầy khác. (Ta cứ bày đặt xem xét, so sánh, hý luận về các sư các thầy). Thậm chí có người tu không lo tu mà cứ đi khắp nơi học thử thầy này, học thử thầy khác. Họ cứ phán đoán, suy xét, đánh giá, so sánh về các phương pháp tu tập của thầy này, thầy nọ. Do vậy, đến khi họ ngồi xuống thiền, họ bị rối tâm rối trí, chẳng biết cách nào là đúng, cách nào là sai. "Ông thầy này chỉ cách này. Nhưng thiền sư kia chỉ cách khác. Sao cách của các ông thầy khác nhau hoài vậy." Cứ như vậy sẽ dẫn đến nhiều hoài nghi. (Mà cứ nghi ngờ thì làm sao thiền được?)

Bạn có thể nghe đồn về những thiền sư giỏi và nổi tiếng, và bạn tìm đến học tu từ họ. Bạn đến tu học từ các thiền sư Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, rồi lại đến học từ các thiền sư Thiền Tông, các thiền sư thiền minh sát, và từ nhiều loại thầy khác nhau. Theo tôi nghĩ, có lẽ quý vị đã học quá đủ rồi, đâu cần phải đi học phái này phái nọ, thầy này thầy nọ nữa để làm gì. Nhưng quý vị luôn có xu hướng đứng núi này trông núi nọ, muốn nghe thêm, muốn học thêm, so sánh, phán đoán và kết cuộc là chỉ chuốc thêm nhiều hoài nghi về các phương pháp tu tập. Mỗi người thầy bạn đến học thêm có lẽ chỉ làm tăng thêm sự rối trí trong đầu bạn mà thôi.

(Bạn hãy tu để xem kết quả ra sao, để xem phương pháp bạn đang tu là đúng đắn hay không, trước khi nghĩ đến việc tìm học những phương pháp thiền tập khác. Nhiều khi phương pháp tu hiện tại là rất phù hợp với bạn, nhưng vì bạn không tu đến nơi đến chốn, nên chưa có kết quả gì.)

Vì lẽ đó, Đức Phật đã nói: "Ta giác ngộ nhờ vào nỗ lực tự thân, chứ không phải nhờ có thầy." Một du sĩ hỏi Phật: "Ai là thầy của ngài?" Phật trả lời: "Ta không có thầy. Ta đạt đến giác ngộ bằng nỗ lực tự thân." Nhưng du sĩ đó không tin, ông ta lắc đầu và bỏ đi. Có lẽ ông ta nghĩ Phật bịa đặt, và do vậy không tin vào những gì Phật nói. Ông ta (cũng như rất nhiều người ngày đó và bây giờ) nghĩ rằng không ai có thể đạt đến thứ gì nếu không có người thầy chỉ dẫn, kiểu như 'không thầy đố mày làm nên'.

Ta đến học sư thầy, thầy dạy chúng ta phải dẹp bỏ tham và sân. Thầy nói đó là hai thứ nguy hại nhất cần phải loại bỏ. Chúng ta nghe theo và tu tập. Nhưng việc loại bỏ tham sân không phải xảy ra nhờ vào lời chỉ dạy của thầy; chúng ta phải tự mình tu tập để loại bỏ được chúng. Nhờ vào việc tự mình tu tập, ta mới có thể nhận biết (chứng nghiệm, chứng ngộ) mọi sự cho chính mình. Ta nhìn thấy tham trong tâm và ta từ bỏ nó. Ta nhìn thấy sân trong tâm và ta từ bỏ nó. Người thầy đâu có từ bỏ hay loại bỏ nó giùm cho bạn. Thầy chỉ dạy ta từ bỏ tham và sân, nhưng lời chỉ dạy đó đâu thực sự loại bỏ tham sân trong tâm bạn. Chính bạn phải tự tu tập và loại bỏ chúng. Chính bạn tu tập để chứng ngộ điều đó. Bạn phải tự hiểu biết về chúng.

Giống như Phật chỉ gặp chúng ta đang lang thang trôi giạt và Phật mang chúng ta về lại đầu đường. Phật nói: "Đây mới là đường đi—giờ con hãy tự bước đi". Phật không giúp chúng ta đi. Chúng ta phải tự đi. Khi bạn bước đi trên con đường đạo và tu tập giáo pháp, bạn sẽ gặp thấy Giáo Pháp, đó là vượt trên mọi thứ mà người ta có thể miêu tả cho bạn. (Khi bạn nhìn thấy Giáo Pháp, bạn sẽ hiểu đó là gì, chỉ có bạn mới tự mình chứng ngộ được Giáo Pháp là gì). Do vậy, một người giác ngộ bằng nỗ lực tự thân, hiểu rõ về quá khứ, vị lai và hiện tại, hiểu rõ về nhân quả. Lúc đó sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.

Chúng ta đang nói về sự từ bỏ và tu dưỡng tâm, sự buông bỏ và phát triển tâm. Nhưng khi người tu đã chứng ngộ đạo quả thì không còn phải từ bỏ hay tu dưỡng thêm điều gì nữa. Đó là nơi không còn thêm tốt, bỏ xấu gì nữa. Phật đã nói chỗ này chính là chỗ chúng ta cần tu tập để đi đến. Đây là chỗ đến, nhưng người ta thường không muốn tu đến chỗ dừng lại ở chỗ này. Sự nghi ngờ và dính chấp (những gông cùm) vẫn còn bắt họ đi tiếp, bắt họ động vọng, làm họ rối tâm, ngăn không cho họ dừng lại chỗ này. Cho nên trong chuyện tu hành, một người thì đã đến chỗ này, còn những người khác thì vẫn còn đi quanh đi quẫn ở nơi khác. Người đến nơi nói gì thì những người khác chẳng hiểu ra được anh ta nói gì. Những người khác có thể có những hiểu biết trí thức về thế giới của họ, nhưng đó không phải là loại hiểu biết thực tụ về chân lý, về sự thật.

Thông thường trong đạo Phật chúng ta nói về những thứ cần phải tu dưỡng và những thứ cần phải từ bỏ, về việc tăng trưởng tâm tích cực (thiện) và loại bỏ tâm tiêu cực (bất thiện). Nhưng khi người tu đã đi đến nơi, thiện hay bất thiện cũng không còn. Kết quả cuối cùng là chấm dứt mọi thứ, cả thiện và bất thiện. Có hai cấp, học nhân và vô học nhân. Học nhân (sekha), đó là người vẫn còn tu học, vẫn còn tu tập để phát huy thiện và loại bỏ bất thiện. Vô học nhân (asekha) là người đã đến nơi, người không còn phải tu tập điều gì nữa. Khi tâm đã đạt đến mức chứng ngộ hoàn toàn, chẳng còn gì để tu tập nữa. Những vô học nhân như vậy không còn cần phải dùng những quy ước về giầo lý và thực hành nữa, không cần phải dùng những phương pháp và giảng giải mà Phật và Tổ đã chế ra để dùng cho các học nhân như chúng ta nữa. Vô học nhân là những người [chúng ta lại dùng chữ 'vô học nhân' theo kiểu quy ước ở đây] đã diệt bỏ tất cả mọi ô nhiễm trong tâm. Đó là người giác ngộ.

Người học nhân (sekha) phải tu tập từ đầu các bước của con đường đạo, từ đầu cho đến cuối. Sau khi người ấy hoàn thành con đường, người ấy được gọi là người vô học nhân (asekha), có nghĩa là người không cần tu học nữa, bởi vì mọi thứ đã xong, (không còn gì để làm nữa). Những thứ cần phải tu tập đã làm xong. Nghi ngờ đã chấm dứt. Không còn phẩm hạnh nào cần phải tu dưỡng nữa. Không còn ô nhiễm nào cần phải loại bỏ nữa. Chỗ này đang nói về một cái tâm trống không. (Một cái tâm trong suốt). Khi đã giác ngộ như vậy, người tu chẳng còn bị tác động bởi bất cứ thứ gì thiện hay bất thiện nữa. Người tu không còn bị lay chuyển bởi bất cứ thứ gì mình gặp phải, người tu trở thành thánh nhân, và bậc thánh nhân ấy sống ứong bình an và hạnh phúc.

Trong cõi vô thường này, nhiều lúc chúng ta khó tìm ra một người thầy là bậc chân tu để chỉ ra con đường tu cho chúng ta. Nhưng có lúc cũng gặp được. Nhưng cơ duyên đó không phải dễ có. Khi không có sư thầy chỉ dẫn, chúng ta bị dục vọng dày đặc che mờ tâm trí, và cả xã hội sống theo đường lối của tham, sân, si. Do vậy, thời buổi bây giờ Phật giáo dường như phải tự xoay sở để tồn tại. Phật giáo đang được thực hành một cách rất xa vời với ý nghĩa đích thực của nó, xa vời với giáo pháp đích thực, nhưng chúng ta cũng nên cố gắng tận dụng mọi cơ duyên có được để tu hành. (Gặp được một sư thầy bậc chân tu là điều quý hiếm, hãy tận dụng cơ hội đó).

Khi Đức Phật bát-niết-bàn, nhiều loại đệ tử khác nhau đã có những cảm giác khác nhau. Có những đệ tử đã giác ngộ giáo pháp, nên khi họ nhìn Đức Phật bát niết-bàn họ vui vẻ nghĩ rằng: "Đức Phật đã khéo đi, bậc Thiện Thệ, Phật đã đi đến bình an." Nhưng đối với những đệ tử chưa giác ngộ giáo pháp, vẫn còn những ô nhiễm trong tâm, thì lại nghĩ rằng: "Đức Phật chết rồi! Giờ ai sẽ chỉ dạy cho chúng ta đây? Người để chúng ta kính lạy bây giờ đã mất." Họ khóc than và nước mắt chảy dài. Thiệt là tệ hại, họ khóc lóc vì Đức Phật, giống như một đám người mất cha. Họ suy nghĩ như kẻ khờ, họ sợ rồi chẳng có ai để chỉ dạy cho họ. Nhưng những người tỉnh thức thì hiểu rõ Đức Phật chính là Giáo Pháp này Phật đã dạy cho chúng ta. Mặc dù Phật đã đi xa, nhưng giáo lý của Người vẫn còn đây. Do vậy, tinh thần tu hành của họ vẫn mạnh mẽ, vì họ đâu bị thiếu đi phương tiện để tu tập, vì họ hiểu Đức Phật không chết, Giáo Pháp vẫn còn đây.

Chúng ta có thể thấy rằng chẳng có gì có thể giúp người ta giải trừ hết những phiền não, đau đớn và khó khổ trên thế gian. Người đời trên thế gian vẫn đang tranh đấu, chiến đấu, đau khổ và chết chóc khắp nơi bằng những kiếp sống vô minh, không bao giờ nhìn thấy ánh sáng giúp giải thoát, bởi vì họ chẳng bao giờ thử bước đi trên con đường đạo đích thực. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng hết sức dành trọn tâm và thân này của chúng ta vào việc khám phá sự thật về tâm linh và đức hạnh, vào việc trở thành một chúng sinh thực thụ sống theo giáo pháp. Chúng ta không cần nhìn ngó người khác, không cần chê trách người thiếu đức hạnh. Ngay cả khi những người thân yêu nhất của chúng ta cũng không chịu tu học gì cả, chúng ta cứ tu học trước cho chúng ta. (Không cần phải chờ có ai tu học chung, đồng tình, ủng hộ hay khen ngợi thì chúng ta mới tu học). Trước khi chúng ta nói hay buồn lo về những nhược điểm của người khác, chúng ta cứ tự lo tu tập cho chính mình, ngay từ bây giờ.

Ngoài Giáo Pháp ra, không có gì có thể mang lại sự bình an và hạnh phúc đích thực trên thế gian này. Ngoài Giáo Pháp ra, chỉ có sự đấu tranh, được mất, ghen tỵ và ác ý. Ngược lại, người bước vào Giáo Pháp buông bỏ tất cả mọi thứ và trải rộng lòng từ bi. Sống với Giáo Pháp được một chút cũng mang lại lợi lạc cho mình. Khi một người có những đức tính sống như vậy, con đường đạo của Đức Phật sẽ nở hoa kết quả.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Phổ Môn


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Học Phật Đúng Pháp


Kinh Di giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.46.54 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...