(124) Trước đây có một Tỳ kheo người Mỹ, là một đệ tử của tôi. Mỗi khi thấy có một Tỳ kheo hay sa di người Thái bỏ y hoàn tục là thầy ấy nói: “Chà, thiệt đáng xấu hổ! Tại sao họ làm như vậy? Tại sao quá nhiều Tỳ kheo và sa di người Thái cứ bỏ y hoàn tục như vậy?” Thầy ấy ngạc nhiên lắm. Thầy ấy thấy buồn lòng khi nhìn cảnh mấy Tỳ kheo và sa di người Thái bỏ y bỏ tu như vậy, bởi thầy ấy cũng mới vừa bước vào đạo Phật. Khi theo đạo Phật, thầy ấy rất hứng khởi, rất quyết tâm tu. Xuất gia để trở thành một tu sĩ là việc duy nhất để làm, thầy ấy nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ bỏ y bỏ cuộc, [chắc như vậy luôn, thật đáng khen]. Ai bỏ y bỏ tu là người ngu dại. Thầy ấy nhìn thấy những người Thái thụ giới thành Tỳ kheo và sa di ngay đầu Hạ an cư rồi lại bỏ y bỏ tu ngay lúc cuối Hạ.... Thầy ấy nói: “Chà, buồn thiệt! Tôi cảm thấy đáng tiếc cho các Tỳ kheo và sa di Thái đó. Sao họ có thể làm như vậy được?”
Rồi qua thời gian... một số tu sĩ người Âu Mỹ cũng bắt đầu bỏ y hoàn tục, nên lúc này thầy ấy không còn coi chuyện bỏ y hoàn tục đó là quan trọng nữa. Trước kia, khi mới tu thầy ấy rất hứng khởi về việc tu. Thầy ấy nghĩ đó là việc thực sự quan trọng để trở thành một Tỳ kheo. Thầy ấy nghĩ việc đó cũng dễ làm.
Khi người ta đang có hứng khởi thì tất cả mọi thứ đều như đang đúng đắn và tốt lành. Chẳng có gì ngăn chặn những cảm giác đó của họ, do vậy họ cứ tiến tới và quyết định đi tu. Nhưng họ vẫn chưa thực sự biết được tu là gì. Ai đã biết tu là gì thì họ có một nền tảng thấu suốt trong tim họ rồi— nhưng họ không cần phải nói ra hay quảng bá về điều đó.
Ngay bản thân tôi, khi tôi mới thọ giới tôi thực sự chẳng tu tập gì nhiều, nhưng tôi có được nhiều niềm tin thành tín. Tôi không hiểu sao, có thể nó đã có sẵn từ lúc sinh ra. Những Tỳ kheo và sa di cùng thọ giới với tôi, tất cả họ đều bỏ y hoàn tục vào cuối kỳ Hạ an cư năm đó. Tôi tự nghĩ: “Trời đất, điều gì xảy ra với mấy người đó vậy.” Tuy nhiên, tôi chẳng dám nói gì với họ bởi tôi cũng không dám chắc chắn về cảm giác của mình là đúng hay sai, chỉ tại tôi bị xúc động quá thôi. Bề ngoài không dám nói, nhưng bên trong tôi nghĩ họ thực sự là những kẻ ngu dại. “Xuất gia đi tu thì khó, bỏ y hoàn tục thì quá dễ. Mấy người đó chắc không có nhiều phước đức, họ nghĩ quay về sống đời thế tục sẽ hay hơn đi tu.” Tôi nghĩ họ đã nghĩ như vậy, nhưng tôi chẳng dám nói gì, tôi chỉ lo quan sát cái tâm mình.
Tôi đã nhìn thấy những tu sĩ cùng xuất gia đi tu với tôi đã lần lượt bỏ y hoàn tục. Có người sau này ăn mặc chải chuốt quay lại chùa để khoe mình bây giờ ngon lành ra sao. Tôi nhìn họ và nghĩ họ thật đúng là điên khùng, nhưng họ nghĩ họ trông đàng hoàng, khôn ngoan. Khi họ bỏ y giờ họ phải cố làm bộ này bộ nọ như vậy... Tôi tự nghĩ cách họ suy nghĩ như vậy là sai lạc. Nhưng dù vậy tôi cũng không nói ra, bởi bản thân tôi vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Tôi còn chưa chắc niềm tin của tôi còn có được đến lúc nào đây.
Khi các bạn đồng tu của tôi bỏ y hoàn tục, tôi cũng trút bỏ được hết mọi quan tâm, chẳng còn ai để tôi quan tâm nữa. Tôi tìm quyển Giới Luật Tỳ Kheo (Pãtimokkha) để chú tâm vào học. Chẳng còn ai ở lại để làm tôi xao lãng và làm phí thời giờ của tôi nữa, nên tôi đặt toàn tâm vào việc tu học. Tôi vẫn không dám nói gì bởi tôi cảm thấy việc tu tập là chuyện cả một đời, có thể mất năm, sáu, bảy hay thậm chí tám chục năm, và cảm thấy việc duy trì nỗ lực kiên định để không lay chuyển và không bị thoái tâm... dường như là việc rất khó làm.
Ai đã quyết đi tu thì đi tới, ai bỏ y thì bỏ y. Tôi chỉ ngồi quan sát tất cả những chuyện đó. Chỉ quan sát chứ không còn quan tâm hay lo gì. Tôi không còn lo họ ở tu hay bỏ đi. Tôi nhìn các bạn tu bỏ đi, nhưng cảm giác trong tôi là những người đó đã không nhìn rõ ràng, họ không biết nhìn. Vị đệ tử người phưong Tây của tôi có lẽ cũng nghĩ như vậy. Thầy ấy nhìn thấy người ta thụ giới thụ y thành Tỳ kheo chỉ được một mùa Hạ rồi bỏ đi, nên thầy ấy thấy thất vọng.
Nhưng ai ngờ... sau này thầy ấy cũng đi tới giai đoạn mà chúng tôi hay gọi là... 'chán chường',... chán nản với Đời Sống Thánh Thiện trong thiền môn. Rồi thầy ấy cũng bỏ bê việc tu và cuối cùng cũng bỏ y hoàn tục, như những người trước đó...
“Sao thầy lại bỏ y? Trước kia khi thấy mấy người Thái bỏ ý, thầy nói 'Chà, thật đáng xấu hổ! Đáng buồn quá, tội nghiệp quá’. Giờ tới phiên thầy cũng bỏ y, vậy thầy có thấy đáng xấu hổ, đáng buồn đáng tiếc cho mình không?”
Thầy ấy không trả lời, chỉ cười nhăn răng như một con
cừu.
Khi đi tới sự tu tập cái tâm, bạn khó tìm ra một chuẩn mực tốt nếu bạn vẫn chưa phát triển một “nhân chứng” bên trong mình. Đối với những việc bên ngoài, chúng ta có thể nhờ người khác giải đáp, bên ngoài đã có những chuẩn mực và tiền lệ. Nhưng khi chúng ta lấy Giáo Pháp làm chuẩn mực tu tập... thì chúng ta đã có được Giáo Pháp chưa? Ta đang nghĩ đúng hay sai? Thậm chí là nghĩ đúng, nhưng chúng ta đã biết cách buông bỏ cái sự đúng đó chưa, hay ta vẫn còn dính chấp vào nó?
Chúng ta phải suy xét cho đến khi chúng ta đạt tới chỗ ta buông bỏ, đây là việc làm quan trọng... cho tới khi ta được đến chỗ 'không còn lại thứ gì', 'không còn xấu không còn tốt'. Ta quăng bỏ hết. Có nghĩa là quăng bỏ tất cả mọi điều. Nếu tất cả đều đã chấm dứt thì chẳng còn lại gì; nếu vẫn còn ít nhiều hơi hướng thì vẫn chưa sạch hết.
Khi nói về vấn đề tu tập, đôi lúc chúng ta nói nó dễ. Nói thì dễ, nhưng làm thiệt thì khó, rất khó. Khó ở chỗ là nó không theo ý muốn của chúng ta, (bởi tu là đi ngược lại những tham muốn của mình). Đôi khi mọi sự dường như có các thiên thần phù hộ giúp chúng ta. Lúc đó mọi thứ đều đi đúng đắn, mọi sự chúng ta nghĩ hay nói luôn là đúng. Rồi chúng ta lại đi dính chấp vào cái sự đúng đó, nên mọi sự trở nên sai lạc, trước cả khi chúng ta thực sự làm điều gì gọi là sai. (Tức là: khi dính chấp vào sự đúng là ta đã sai lạc, chưa cần tới lúc chúng ta làm điều gì sai lạc). Đây chính là chỗ khó khăn. Chúng ta chưa có một chuẩn mực nào để đo lường mọi sự.
Những người được phú cho niềm tin (người tín căn) nhưng thiếu trí khôn có thể rất giỏi trong việc tu định (samadhi), họ giỏi tu thiền định, nhưng họ không có nhiều trí tuệ thâm sâu. Họ chỉ nhìn thấy một mặt của mọi thứ, và họ cứ y bài theo đó. Họ không suy xét, không quán chiếu. Đây là kiểu niềm tin mù quáng. Trong Phật giáo đó được gọi là saddhã adhimokkha - sự tin mù quáng. Họ có niềm tin thành tín, điều đó là tốt lành, nhưng niềm tin đó không phát khởi từ trí tuệ hiểu biết. Nhưng họ không biết như vậy: họ nghĩ rằng họ có trí tuệ hiểu biết; họ nghĩ vậy nên họ đâu nhìn thấy họ sai chỗ nào.
Do vậy, các thầy tổ đã dạy về năm năng lực (ngũ lực, bala), đó là: niềm tin (saddhã), viriya (nỗ lực), chánh niệm (sati), chánh định (samadhi), trí tuệ (pannã). [Tín, lực, niệm, định, tuệ]. Saddha là niềm tin chắc chắn, là sự cam kết; viriya là nỗ lực siêng năng; sati là nhớ, niệm, chánh niệm; samadhi là sự định tâm, chánh định; pannã là sự hiểu biết bao trùm, trí tuệ. Đừng hiểu pannã chỉ đơn giản là sự hiểu biết— pannã ở đây có nghĩa là sự hiểu biết bao trùm, toàn diện; đó là loại trí tuệ thâm sâu (trí tuệ bát nhã).
Bậc hiền trí ngày xưa đã truyền lại cho chúng ta năm bước để chúng ta có thể liên kết chúng lại, trước tiên như là một đối tượng nghiên cứu, sau đó như là một thước đo để đo lường tình trạng tu tập của chúng ta đang tốt xấu ra sao, đúng như nó đang là. Ví dụ, saddhã: sự tin chắc. Chúng ta có sự tin chắc không, chúng ta đã phát triển nó chưa? Viriya: sự nỗ lực chuyên cần, chúng ta đã có sự nỗ lực chuyên cần hay chưa? Sự nỗ lực của chúng ta đang đi đúng hay sai? Chúng ta phải suy xét kỹ điều này. Ai cũng có ít nhiều sự nỗ lực, nhưng loại nỗ lực của chúng ta có chứa đựng trí tuệ hay không?
Tương tự như vậy, Sati: sự chú tâm, tức chánh niệm. Ngay cả một con mèo cũng có sự chú tâm. Khi nó rình con chuột, sự chú tâm có mặt ngay đó. Hai mắt con mèo nhắm cố định vào con chuột. Đó là sự chú tâm của một con mèo. Ai cũng đều có sự chú tâm, những động vật cũng đều có, dân trộm cướp cũng có sự chú tâm, các tu sĩ cũng có sự chú tâm. Nếu người tu biết chú tâm một cách đúng đắn thì đó là sự chú tâm đúng đắn, được gọi là chánh niệm.
Samadhi: sự định tâm. Mọi người cũng đều có khả năng này. Con mèo có sự định tâm (tập trung) vào việc chụp lấy con chuột và ăn thịt nó. Nó đã có sự định tâm, đã có ý định cố định, tâm đã nhất định bắt lấy con chuột và ăn thịt. Nói rõ hơn chỗ này, sự chú tâm của con mèo là một dạng của niệm (sati); sự định tâm (cố định tâm) của nó là ý định nhất tâm về việc chụp lấy con chuột và ăn thịt, đó là một dạng định. Còn Pannã: trí tuệ. Trí tuệ của con mèo là gì, đó là một sự hiểu biết cũng giống y như loại hiểu biết của con người vậy. Nó cũng biết như một con vật biết, nó đủ hiểu biết để bắt chuột làm thức ăn để sinh tồn. Đó là trí của nó.
Năm thứ đó gọi là năm năng lực (bala). Năm năng lực này có được từ sự chánh kiến (samma ditthi), đúng vậy phải không? Saddhã, viriya, sati, samadhi, pannã [tín, lực, niệm, định, tuệ] năm năng lực này khởi sinh từ chánh kiến phải không? Chánh kiến là gì? Lấy chuẩn mực nào để đo lường sự chánh kiến của chúng ta? Chỗ này chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng.
Chánh kiến là sự hiểu biết đúng đắn, đó là sự hiểu biết rằng: tất cả mọi thứ đều không chắc chắn. Bởi vậy Phật và các Thánh Nhân không nắm giữ chặt điều gì. Họ có nắm, nhưng không chặt. Họ không để sự nắm giữ đó trở thành một 'cái gì', hay một 'thứ gì' cả. Sự nắm giữ đó không dẫn đến sự trở thành (sinh thành, nghiệp hữu), nhờ đó không bị dính nhiễm tham muốn. Không tìm kiếm để trở thành thứ này thứ nọ, đó chính là tu. Vấn đề là: khi ta nắm giữ cái gì, lúc đó có sự thích hay sự không thích? Khi có sự thích, ta có nắm giữ khoái thích đó không? Khi có sự không thích, ta có chấp giữ sự ghét đó không?
Một số cách nhìn có thể được dùng làm nguyên lý để đo lường sự tu tập của chúng ta một cách chính xác hơn. Ví dụ, những quan điểm so sánh như: ai hơn những người khác, ai hay ai bằng người khác, hoặc ai ngu hơn người khác... đều là những quan điểm sai lạc. Chúng ta có thể cảm nhận những điều đó, nhưng chúng ta phải hiểu biết bằng trí tuệ rằng những cảm nhận đó chỉ đơn giản khởi sinh và biến qua. Coi mình tốt giỏi hơn người khác là không đúng đắn. Coi mình bằng người khác là không đúng đắn. Coi mình là thấp kém hơn người khác cũng không đúng đắn.
Cách nhìn đúng đắn là cách nhìn tránh bỏ tất cả quan điểm đó. Tại sao phải tránh bỏ những quan điểm đó? Bởi vì, nếu chúng ta nghĩ mình hơn người khác, tánh tự cao sẽ nổi lên. Có đó, không nhiều cũng ít, do chúng ta không nhìn thấy đó thôi. Nếu chúng ta nghĩ mình bằng người khác, thì chúng ta sẽ không tôn trọng và không khiêm tốn trong những lúc cần nên khiêm nhường. Nếu chúng ta nghĩ mình thấp kém hơn người khác, thì chúng ta sẽ buồn lòng, sẽ nghĩ mình thua kém thấp hèn, nghĩ mình sinh ra dưới một ngôi sao xấu chiếu mệnh, và vân vân... Nghĩ kiểu gì như trên chúng ta cũng vẫn còn dính chấp vào cái thân năm uẩn, nhưng tất cả năm uẩn (125) đó chỉ là sự trở thành và tái sinh mà thôi.
Cách nhìn đúng đắn là tránh bỏ tất cả những quan điểm kiểu đó là một tiêu chuẩn để đo lường bản thân chúng ta tu tập đến đâu. Một tiêu chuẩn khác là: khi chúng ta có một trải nghiệm sướng chúng ta thấy sướng, khi chúng ta gặp trải nghiệm xấu chúng ta thấy khổ. Liệu chúng ta có thể nhìn cả hai như nhau hay không? Có thể nhìn cái ta thích và cái ta không thích có giá trị như nhau hay không? Chúng ta có thể coi sướng và khổ đều là như nhau hay không? Hãy dùng tiêu chuẩn này để đo lường chính mình. Trong sự sống hằng ngày, trong những trải nghiệm khác nhau ta gặp phải, nếu ta thấy điều gì mình thích, tâm trạng của ta có thay đổi theo nó hay không? Nếu ta gặp thứ mình không thích, tâm trạng của ta có thay đổi theo nó hay không? Hay lúc đó tâm của ta chỉ bất động, không dính theo những trải nghiệm thích và không thích đó? Nếu biết nhìn thẳng vào chỗ này, ta sẽ có một thước đo.
Chỉ cần biết chính mình, đây mới là nhân chứng của ta. Đừng quyết định theo sức mạnh của những tham muốn của ta. Những tham dục có thể đẩy chúng ta nghĩ rằng ta là thứ gì đó khác với chính mình. Chúng ta phải nên rất cẩn trọng chỗ này.
Có nhiều góc độ và phương diện để xem xét, nhưng cách đúng đắn là đừng chạy theo những tham muốn của ta, chỉ nên chạy theo Sự Thật. Chúng ta nên biết rõ mặt tốt lẫn mặt xấu, và khi biết rõ chúng, ta buông thả chúng. Nếu chúng ta không buông thì chúng ta vẫn còn “hiện hữu”: chúng ta vẫn còn “có.” Nếu chúng ta vẫn còn “là ta”, thì vẫn còn thứ dính lại: vẫn còn sự trở thành và sự tái sinh đầy ắp.
Do vậy Phật dạy chỉ nên phán xét chính mình, đừng phán xét người khác dù họ có thiện hay ác. Phật chỉ chỉ ra cách thức, Phật nói “Sự thật là như vầy.” Còn tâm, tâm chúng ta có thích sự thật như vậy hay không?
Chẳng hạn, giả như có một Tỳ kheo này lấy thứ gì đó của Tỳ kheo kia, nên Tỳ kheo kia kết tội Tỳ kheo này: “Thầy đã ăn cắp đồ của tôi.” Tỳ kheo này trả lời: “Tôi không ăn cắp đồ của thầy, tôi chỉ lấy nó.” Rồi họ đến gặp một Tỳ kheo thứ ba để phân xử đúng sai. Tỳ kheo thứ ba nói sao? Có lẽ Tỳ kheo thứ ba lại yêu cầu Tỳ kheo thứ nhất nói rõ trước Tăng đoàn. Tỳ kheo đó đứng ra nói: “Đúng tôi có lấy nó, nhưng tôi không ăn cắp nó.” Hoặc Tỳ kheo đó là chiếu theo các điều luật pãrãjika hoặc sanghãdisesa(126) và nói: “Đúng, tôi có lấy nó, nhưng tôi không có ý hành ăn cắp.” Nói vậy làm sao chúng ta tin được? Ai mà biết được trong ruột người nói ra sao. Nếu chúng ta không thể tin, chúng ta chỉ còn biết để cho người làm tự xử lấy, tùy tâm người đó.
Nhưng, các thầy nên biết rằng chúng ta không thể che giấu những điều khởi sinh trong tâm ta. Chúng ta không thể che đậy chúng, dù là những nghiệp tốt hay xấu. Dù là nghiệp tốt hay nghiệp xấu, chúng ta không thể bỏ qua chỉ bằng cách giả lơ chúng, bỏi chúng có xu hướng tự hiển lộ ra. Chúng tự hiển lộ, chúng tự bộc lộ, chúng có mặt bên trong chúng và tự thể hiện ra chúng. Tất cả chúng đều tự động. Đó là cách mọi sự diễn ra.
Đừng cố phỏng đoán hay dự đoán về những thứ đó. Hễ khi nào còn sự ngu mờ [vô minh] thì chúng còn có mặt. Vị bộ trưởng Hội đồng Cơ mật Thái Lan đã từng hỏi tôi rằng: “Thưa sư ông, tâm của bậc thánh Bất Lai (anãgãmĩ)(127) có tinh khiết hết chưa?”
Tôi trả lời: “Đã tinh khiết một phần.”
Ông ấy hỏi tiếp: “Ủa? Một bậc thánh Bất Lai đã từ bỏ tất cả tham dục, vậy sao tâm của vị ấy vẫn chưa sạch hết?”
Tôi trả lời: “Vị ấy đã dẹp bỏ mọi tham dục, nhưng vẫn còn những tàn dư khác, vẫn còn vô minh (avijjã). Nếu còn tàn dư thì vẫn còn tàn dư. Giống như những bình bát của các Tỳ kheo. Có bình bát lớn, có bình bát trung, có bình bát nhỏ; rồi có bình bát trung lớn, có bình bát trung vừa, có bình bát trung nhỏ, có bình bát nhỏ nhỏ... Dù nhỏ cỡ nào cũng là bình bát, đúng không? Cũng giống như bốn tầng thánh quả... tất cả những người chứng đắc đều đã trừ bỏ hầu hết số lượng ô nhiễm, nhưng cao thấp khác nhau là chỉ còn ở mức độ tàn dư của các ô nhiễm mà thôi. Những gì còn tàn dư thì các bậc Thánh Nhân đó không nhìn thấy. Vì nếu họ nhìn thấy hết thì họ đã là những A la hán luôn rồi (theo định nghĩa về các thánh quả). Họ vẫn còn chưa nhìn thấy hết tất cả. Vô minh là thứ họ chưa nhìn thấy hết. Nếu tâm của một người Nhập Lưu (anãgãmĩ, Tu đà hoàn) đã hoàn toàn chánh thẳng thì coi như vị ấy đã hoàn thành con đường tu. Nhưng ở thánh quả đó vẫn còn một số tàn dư trong tâm.”
Ông ấy hỏi tiếp: “Vậy tâm người Nhập Lưu đó có tinh khiết không?”
Tôi trả lòi: “Có, gần như vậy, nhưng chưa phải hoàn toàn 100%”
Tôi chỉ biết trả lời ổng như vậy, chứ biết trả lời sao nữa? Ổng nói sau này ổng lại đến và hỏi tôi thêm nữa. Ổng có thể nhìn ngay chỗ đó để hiểu, tiêu chuẩn là chỗ đó.
Đừng lơ là, lãng tâm. Hãy luôn tỉnh thức. Phật khuyên chúng ta nên tỉnh thức. Nói về việc tu tập cái tâm, tôi cũng đã có những lúc ham muốn, các thầy biết không. Tôi thường bị cám dỗ cố làm nhiều thứ nhưng thứ nào cũng dường như đi lệch khỏi con đường đạo. Sự đó chỉ là một kiểu tự ta, tự tin trong tâm, muốn cố làm này nọ giống một dạng tính tự cao. Ditthi là quan điểm, kiến chấp; mãna là tự cao, ngã mạn hai thứ đó đang có trong tâm. Nội chỉ lo tỉnh thức về hai thứ đó là cũng đủ khó rồi.
Trước kia có một người muốn vô đây tu. Anh ta mang theo y cà sa đến đây để thành tu sĩ, để tưởng nhớ đền ơn người mẹ mới mất. Anh ta bước vô chùa này, khoác sẵn y cà sa, không thèm lễ chào các vị tăng sĩ ở đây, rồi thực hiện việc đi thiền ngay trước sảnh đường... Đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, giống kiểu anh ta thực sự muốn biểu diễn cho mọi người thấy việc anh ta đang làm.
Tôi chợt nghĩ: “Trời đất, quanh đây cũng có những loại người như vậy sao!” Kiểu cách đó của anh ta có thể gọi là một kiểu đức tin mù quáng (saddhã adhimokkha). Chắc anh ta muốn thiền và đốn ngộ trước khi mặt trời lặn hay sao đó; chắc anh ta nghĩ tu thiền giác ngộ là dễ lắm hay sao đó. Anh ta chẳng thèm nhìn ai, cứ cúi đầu và bước đi như thể nếu không làm vậy anh ta sẽ chết ngay vậy. Tôi cứ để yên cho anh ta làm vậy, nhưng tôi nghĩ rằng: “Ôi người ơi, anh tưởng tu là dễ dàng như vậy sao?” Tôi cũng không biết anh ta ở tu được bao lâu; thậm chí không biết sau đó anh ta có thọ giới thành Tỳ kheo hay không nữa. Thiệt hết biết luôn, không có chuẩn mực tôn ti gì hết ráo.
Mỗi khi tâm nghĩ gì, chúng ta gửi nó ra ngoài, gửi đi mỗi lần nghĩ. Chúng ta không nhận ra rằng đó chỉ là thói phóng dật của tâm. Nó tự giả dạng thành trí tuệ... Sự phóng tâm này dường rất khôn lanh ranh mãnh, nếu chúng ta không biết rõ chúng ta sẽ nhận lầm đó là trí tuệ. Nhưng đến lúc quan trọng thì nó chẳng phải là thứ gì thực cả. Khi khổ khởi sinh thì cái được cho là trí tuệ đâu rồi? Nó có công dụng gì không? Rốt cuộc, nó chỉ là sự phóng tâm mà thôi.
Do vậy, hãy an trú cùng Phật. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, trong tu tập chúng ta phải hướng vào bên trong để tìm thấy Phật. Phật ở đâu? Phật vẫn còn sống cho đến ngày hôm nay, vào trong đó và tìm Phật. Phật ở đâu? Ở chỗ tính vô thường (aniccam), đi vào trong đó và tìm thấy Phật trong đó, vào đó và kính lễ Phật: lẽ vô thường, sự không chắc chắn. Ta có thể dừng lại ngay trong đó, và từ chỗ đó ta bắt đầu chuyến đi. Ta bắt đầu chuyến đi ngay từ lẽ cái vô thường.
Nếu tâm cố nói với bạn: “Giờ ta đã là một bậc Nhập Lưu”, hãy đến đó và đánh lễ bậc Nhập Lưu. Bậc ấy sẽ tự nói với mình: “Điều đó hoàn toàn không chắc.” Nếu bạn gặp một bậc Nhất Lai, đến đó và tôn kính bậc ấy. Khi bậc đó nhìn thấy bạn, bậc ấy chỉ đơn giản nói: “Điều đó không chắc chắn!” Nếu thấy một bậc Bất Lai, đến đó và kính lễ bậc ấy. Bậc ấy sẽ nói với bạn chỉ một điều: “Không chắc.” Ngay cả nếu bạn gặp một bậc A la hán, đến đó và kính chào bậc ấy, bậc ấy sẽ nói với bạn thậm chí dứt khoát hơn: “Tất cả đều không chắc!” Bạn sẽ nghe những bậc Thánh Nhân đều nói: “Mọi thứ đều không chắc chắn, mọi thứ đều vô thường đừng dính chấp vào thứ gì.”
Đừng nhìn Phật theo cách của kẻ ngu. Đừng dính mắc vào thứ gì, đừng chụp lấy mọi thứ mà không buông bỏ chúng. Nhìn vào mọi thứ theo những lẽ thực rõ ràng không gì chối cãi, và tiễn chúng đi để mình vượt trên chúng. Đó là cách bạn phải nên làm. Hễ thứ gì có mặt, hễ có hình tướng thứ gì, thì có sự vượt qua thứ đó.
Do vậy tôi nói: “Đi đến Phật.” Phật ở đâu? Phật là Giáo Pháp. Tất cả mọi giáo lý trên đời đều có thể nằm trong một giáo lý này: đó là lẽ vô thường, aniccam. Hãy nghĩ về điều này. Tôi đã tìm tòi suốt 40 năm đời tu sĩ và đây là điều tôi có thể tìm ra. Điều đó cộng với sự chịu khó kiên nhẫn. Đó là công thức (cách) chúng ta tiếp cận giáo lý của Phật... Lẽ vô thường, aniccam: tất cả mọi thứ đều không chắc chắn.
Dù tâm có nghĩ chắc chắn cỡ nào, cứ nói thẳng với nó rằng: “Không chắc!” Hễ khi tâm muốn nắm giữ thứ gì như thứ chắc chắn, ta chỉ cần nói: “Nó không chắc, nó là vô thường.” Cứ đè bẹp nó ngay bằng “câu chú” đó. Nếu biết vận dụng Giáo Pháp của Phật, thì tất cả mọi sự đều có thể được xử lý êm xuôi như vậy. Đó không phải chỉ là một hiện tượng khởi sinh trong từng giây khắc (sát-na). Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi, hay đang nằm bạn có thể nhìn thấy mọi thứ theo cách như vậy. Dù sự thích khởi lên hay sự ghét khởi lên, bạn sẽ nhìn thấy tất cả theo cùng một cách như vậy. Đây là cách tiếp cận đến Phật, tiếp cận đến Giáo Pháp.
Giờ tôi cảm thấy đây là cách tu quý giá hơn. Tất cả mọi sự tu tập của tôi từ những ngày đầu cho đến bây giờ đều như vậy. Tôi thực sự không dựa nhiều vào kinh điển, nhưng tôi cũng không coi nhẹ kinh điển. Tôi không thực sự dựa vào sư phụ, nhưng chính xác tôi cũng không “tu riêng một mình.” Tất cả sự tu tập của tôi là “không hẳn theo một kiểu tu hay một pháp môn nào.”
Nói thực, việc chính là đi tới chỗ “làm xong”: đó là tu thiệt với mục tiêu đi đến chỗ hoàn thành để sau đó nhìn thấy sự tu tập đó đi đến chỗ hoàn thành, để nhìn thấy sự rõ ràng và nhìn thấy sự chuyển hóa trong tâm mình.
Tôi đã từng nói điều này, các thầy có thể thích nghe lại: nếu chịu tu tập một cách đều đặn và quán xét mọi sự một cách thấu đáo, cuối cùng các thầy sẽ đạt đến chỗ đó... Ban đầu các thầy thường vội đi tới, vội đi lui, và vội dừng lại. Không sao, các thầy cứ tiếp tục tu tập như vậy cho đến khi các thầy đạt đến một điểm, lúc đó sự đi tới cũng không phải đi tới, sự đi lui cũng không phải đi lui, sự dừng lại cũng không phải dừng lại! Đến đó là làm xong. Chỗ đó là đích hoàn thành. Đừng kỳ vọng hay mong cầu chỗ nào hơn nữa nó đã viên thành ngay tại đó. Khinasavo - người đã làm xong, người đã hoàn thành việc tu tập. Người ấy không còn đi tới, không còn đi lui, không còn dừng lại. Không có dừng, không đi tới, và không đi lui. Đã xong. Hãy suy xét về điều này, hãy nhận biết rõ và xác định rõ điều này trong tâm của mình! Đến lúc đó, các thầy sẽ nhìn thấy thực sự là chẳng có gì cả, không có gì cả, chỗ đó chỉ là một sự trống không.
Điều này nghe thấy cũ hay thấy mới là tùy nơi các thầy, tùy theo trí tuệ và cảm quan nhận biết của các thầy. Người không có trí tuệ, không có cảm quan nhận biết thì khó mà hình dung ra điều này. Chỉ cần nhìn vào cây cối, chẳng hạn cây xoài hay cây mít. Nếu chúng mọc sát nhau, một cây to sẽ mọc thẳng đứng, còn các cây khác sẽ mọc cong hướng né khỏi cây to đó. Tại sao xảy ra như vậy? Ai kêu chúng mọc kiểu như vậy? Đó là tự nhiên. Tự nhiên gồm cả tốt lẫn xấu, cả đúng và sai. Có thể nó nghiêng về đúng hoặc nghiêng về sai, thiên về hướng này hay hướng kia. Nếu chúng ta trồng cây cối trong một lùm, những cây mọc sau sẽ mọc cong hướng về phía xa để tránh những cây to đã mọc trước bên trên chúng. Làm sao xảy ra như vậy? Ai quyết định chúng mọc kiểu cong như vậy? Đó là tự nhiên, đó là Giáo Pháp. Mọi thứ đều sinh diệt theo lẽ tự nhiên của nó. (Những cây kia phải tự tìm hướng để vươn cao lên, theo sự tác động của điều kiện tự nhiên: đó là ánh sáng).
Tương tự như vậy, dục vọng (tanha) dẫn dắt chúng ta đến khổ đau. Giờ nếu chúng ta biết quán xét về nó sẽ dẫn dắt chúng ta thoát ra khỏi dục vọng: chúng ta sẽ vượt tránh khỏi dục vọng (giống như những cây nhỏ biết mọc tránh cây lớn đang ngăn che chúng khỏi ánh sáng mặt trời). Bằng cách quán xét về dục vọng, chúng ta có thể làm suy yếu nó, có thể làm cho dục vọng càng lúc càng trở nên nhẹ 'đô' hơn... cho đến một lúc dục vọng sẽ không còn nữa. Tương tự như cây cối: có ai lệnh cho chúng mọc cong theo cách như vậy không? Chúng không thể nói, không thể phàn nàn, không thể di chuyển mình đến chỗ khác, nhưng chúng biết cách mọc cong ra hướng khác để tránh chướng ngại bóng cây to đang phủ trên đầu chúng. Hễ khi nào gặp chỗ kẹt, đông đúc, khó mọc lên, chúng sẽ tự bẻ cong mình để mọc lên theo hướng khác.
Chỗ này là Giáo Pháp, chúng ta không cần phải nhìn hết cả vùng cây cỏ chen nhau. Người nhạy bén khôn khéo sẽ nhìn thấy Giáo Pháp ở đây. Cây cối tự nhiên vốn chẳng biết gì, chúng chỉ sinh diệt theo lẽ tự nhiên, nhưng chúng cũng đủ biết cách lớn lên và tránh xa nguy hiểm, khổ đau, chúng biết mọc lên theo hướng thích hợp để sống còn và tránh khỏi chướng ngại, khó khổ. (Chúng đáng để ta học theo, hay ta đáng để chúng học theo?)
Những người biết quán chiếu cũng giống như cây. Họ xuất gia đi tu bởi họ muốn tránh bỏ và vượt qua những khổ đau. Điều gì làm chúng ta khổ đau? Nếu chúng ta chịu khó lần mò vào bên trong chính mình, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời. Điều làm ta khổ là thứ ta thích và thứ ta không thích. Khổ là từ đó. Nếu thói tâm thích và không thích là nhân gây ra khổ thì ta đừng đi gần với chúng. Tại sao chúng ta phải mê thích hay ghét bỏ những thứ có điều kiện? Chúng chỉ là giả hợp và không chắc chắn. Khi chúng ta đi hướng theo Phật thì mọi sự ưa ghét đều đi đến chấm dứt. Đừng quên lý tu chỗ này. Và cả sự chịu khó kiên nhẫn. Chỉ cần hai điều này là đủ. Nếu chúng ta hiểu được như vậy thì rất tốt.
Thực ra trong đời tu của tôi, tôi không có được nhiều sự chỉ dạy từ sư phụ của tôi, không được nhiều như những gì các thầy nhận được từ tôi và các sư thầy khác. Tôi không có nhiều sư thầy. Tôi thụ giới ở một ngôi chùa làng và sống trong một chùa làng khác trong nhiều năm. Trong tâm tôi, tôi đã quyết chí tu tập, tôi muốn tu giỏi, tôi muốn tu. Trong những chùa đó không ai chỉ dạy giáo lý gì cả, nhưng khát vọng tu tập của tôi vẫn dâng cao. Tôi đi đây đó và tìm tòi. Tôi có tai và tôi lắng nghe, tôi có mắt và tôi nhìn. Mỗi khi nghe thấy ai nói gì, tôi tự nhắc mình: “Không chắc.” Mỗi khi nhìn thấy gì, tôi tự nhắc mình: “Không chắc”; hoặc mỗi khi lưỡi tôi nếm thấy vị ngọt, vị chua, mặn, ngon, dở; hoặc mỗi khi tôi cảm thấy dễ chịu hay khổ đau trong thân này, tôi đều tự nhắc mình: “Đó là không chắc!” Và nhờ vậy tôi sống được với Giáo Pháp.
Sự thật thì tất cả đều không chắc chắn, nhưng dục vọng của chúng ta muốn mọi thứ là chắc chắn. Vậy ta làm gì được? Ta phải biết kiên nhẫn. Điều quan trọng nhất là khanti: tính chịu khó kiên nhẫn. Đừng đánh mất Phật trí, Phật trí tôi gọi ở đây là cái thuộc tính “không chắc chắn” trong tất cả mọi thứ mọi sự đừng lãng quên chân lý này, đừng bỏ quên lẽ thực này.
Có lúc tôi đi thăm những di tích và chùa chiền cổ xưa được thiết kế bởi những kiến trúc sư và nghệ nhân thời hoàng kim thuở xưa. Một số nơi đã bị nứt, bị đổ. Bạn tu của tôi đi cùng có thể nói: “Thiệt là đáng trách, sao những chỗ linh thiêng đẹp đẽ này lại bị nứt đổ như vậy.” Tôi bèn nói rằng: “Nếu mọi thứ không vô thường, không nứt đổ, không tàn hoại như vậy thì đâu có Phật hay Phật giáo hay Phật Pháp để làm gì. Mọi thứ đều vô thường và tàn hoại là đúng với giáo lý của Đức Phật.” Thực tình, một mặt nào đó lòng tôi cũng thấy u buồn buâng khuâng vói cảnh tàn tạ nứt bể của các di tích, nhưng tôi cố gạt cái cảm xúc đó qua một bên và nói ra lẽ thật như vậy, nói vậy sẽ có ích hơn cho những người bạn của tôi, và cho chính bản thân tôi. Dù trong lòng tôi cũng thăm thẳm buồn trước cảnh tàn tích tiêu điều đó, nhưng tôi vẫn giữ mình ngã theo cái lẽ thực của Giáo Pháp.
“Nếu không nứt đổ như vậy thì có lẽ không có Phật!” Nếu mọi thứ không vô thường thì đâu cần có Phật để chỉ dạy về lẽ vô thường. Tôi nói mạnh như vậy vì lợi ích của các bạn của tôi... có lẽ họ chẳng lắng nghe, nhưng tôi vẫn đang tự lắng nghe điều mình nói.
Đây là một cách để coi xét mọi sự, cách này rất rất hữu ích. Chẳng hạn, có người nhảy vô nói rằng: “Này sư ông, thầy biết gì không, họ nói thầy như vầy, như vậy”, hoặc “Ông kia nói thầy như này, như nọ.”... Nhiều người vừa nghe vậy có thể nổi tức lên. Ngay sau khi nghe người ta chê hay phê bình mình, nhiều người nổi giận càng lúc càng mạnh. Nhiều lúc mới nghe đã muốn trả đũa, trả thù... nhưng nếu như chịu suy xét thì có thể nhận ra rằng: có thể họ nói với một ý nghĩa khác chứ không phải chê bai mình.
Và đó cũng là một trường hợp về sự “không chắc chắn.” Chưa biết chắc, tại sao ta phải vội tin theo những lời như vậy? Tại sao chúng ta đặt lòng tin quá nhanh vào những lời người khác nói như vậy? Khi nghe thấy gì, chúng ta cứ ghi nhận, nhẫn nhịn, nhìn lại vào vấn đề đó một cách kỹ càng... cứ thẳng thắn với mình.
Không phải bất cứ thứ gì nhảy vào đầu chúng ta thì chúng ta có thể ghi nó ra thành sự thật. Cứ nghĩ sao nói vậy là chưa chắc đúng. Lời nói ra mà không xét đến sự không chắc chắn thì không phải là lời nói của một người tu hành. Hãy nhớ lấy điều này! Vì đối với người có trí thì họ không cần phải tu tập chỗ này nữa. Khi nhìn thấy hay nghe thấy điều gì, khi cảm thấy vui hay buồn, ta chỉ cần nói: “Điều này không chắc!” Cứ nói mạnh miệng với mình như vậy. Đừng đặt sự gì lên cao, đừng quá coi trọng sự gì, cứ 'đè thấp' mọi sự xuống bằng câu 'thần chú' đó! Ngay điểm này là điểm quan trọng. Ngay điểm này là nơi những ô nhiễm chết đi. Ngay điểm này người tu không được bỏ qua, không được quên.
Nếu người tu không coi trọng điểm này thì người đó chỉ có thể trông chờ khổ đau mà thôi, họ chỉ đi sai đi lạc mà thôi. Nếu người tu không lấy điểm này làm nền tảng cơ sở để tu tập thì người tu sẽ tu sai lạc... Nếu đã lạc rồi thì sau này người tu có thể quay lại ngay điểm này, bởi lý tu chỗ này rất hay, là thực sự đúng đắn.
Thực ra cái Giáo Pháp đích thực—cái cốt lõi của những lời tôi nói bữa nay— là không có gì huyền bí. Những gì chúng ta trải nghiệm đơn giản chỉ là các sắc, chỉ là cảm giác, chỉ là nhận thức, chỉ là ý nghĩ, và chỉ là tâm thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức]. Đó chỉ là những tính chất cơ bản như vậy, nên làm gì có sự chắc chắn hay có tự tính cố định nào bên trong chúng?
Nếu chúng ta đi đến hiểu biết bản chất tự nhiên của mọi thứ như vậy thì nhục dục, sự mê muội và những ràng buộc sẽ phai biến mất. Vì sao chúng phai biến? Bởi do chúng ta hiểu rõ, do chúng ta biết rõ. Chúng ta chuyển hóa từ vô minh qua hiểu biết, từ ngu mờ qua sáng tỏ. Sự hiểu biết hay trí tuệ này được sinh ra từ sự ngu mờ vô minh, sự biết sinh ra từ sự không biết, sự tinh khiết sinh ra từ sự ô nhiễm. Nó xảy ra theo cách như vậy đó.
Đừng bỏ quên lẽ vô thường, aniccam—đó chính là Phật—đó là ý nghĩa khi nói rằng Phật vẫn còn sống. Nếu nói Phật đã qua đời nhập vào Niết bàn gì gì đó là chưa thực đúng pháp. Trong một ý nghĩa sâu sắc hơn, Phật đang còn sống. Điều này cũng giống như cách chúng ta định nghĩa chữ “Tỳ kheo” (bhikkhu). Nếu chúng ta định nghĩa Tỳ kheo là người khất thực hay “khất sĩ”(128) thì nghĩa rất vô chừng. Chúng ta có thể định nghĩa như vậy, nhưng dùng định nghĩa này hoài thì cũng không tốt lắm—chúng ta không biết khi nào mới hết xin ăn! Nếu gọi một cách sâu sắc hon, chúng ta có thể định nghĩa rằng: “Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử.”
Nghe sâu sắc hơn phải không? Nó khác định nghĩa chung, nó mang ý nghĩa thâm sâu hơn. Việc tu hành cũng như vậy. Nếu bạn không hoàn toàn hiểu biết về nó, nó sẽ trở thành khác đi. Việc tu hành là vô giá, nó trở thành nguồn gốc của sự bình an.
Khi chúng ta có sự chánh niệm (sati), chúng ta đến gần Giáo Pháp. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta nhìn thấy tính vô thường (aniccam) của tất cả mọi thứ. Chúng ta sẽ nhìn thấy Đức Phật và vượt khỏi khổ đau của vòng sinh tử, nếu không làm được bây giờ thì cũng làm được một lúc nào đó sau này.
Nếu chúng ta vất bỏ các phẩm hạnh của những bậc Thánh Nhân, của Phật hay của Giáo Pháp, thì sự tu hành của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi và không kết quả. Chúng ta phải duy trì sự tu tập một cách đều đặn, dù chúng ta đang ngồi, đang đi hay đang nằm. Khi mắt nhìn thấy hình sắc, tai nghe thấy âm thanh, mũi ngửi thấy mùi hương, thân trải nghiệm một cảm nhận... trong tất cả mọi cảm nhận, đừng bỏ quên Phật, đừng rời xa Phật. Ai làm được như vậy thì người đó đã đến gần Phật, trở thành người tôn kính Phật một cách đều đặn. Chúng ta có những nghi lễ để tôn kính Phật, chẳng hạn như lễ tụng kinh buổi sáng, chúng ta tụng: Kính lễ Đức Thế Tôn, bậc A la hán, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác...[Namo Araham Sammã Sambuddho Bhagavã...]. Đây là một cách tôn kính Phật, nhưng đây không phải là cách tôn kính Phật một cách sâu sắc theo cách tôi đã nói. Chỗ này tương tự như cách gọi chữ “Tỳ kheo” là “khất sĩ” vậy, gọi vậy giống như họ cứ suốt đời chỉ biết đi xin ăn chứ chẳng làm được việc gì hay ho to tát hơn...; định nghĩa như vậy là 'chết' luôn cái tên 'Tỳ kheo' rồi. Cách định nghĩa tốt nhất đó là: “Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử.”
Giờ thì việc tôn kính Phật cũng giống vậy. Nếu tôn kính Phật chỉ bằng cách tụng một tràng tiếng Pali trong lễ tụng kinh buổi sáng và buổi chiều như vậy là chưa đủ sâu sắc; đọc tụng như vậy cũng giống như gọi Tỳ kheo chỉ là khất sĩ vậy. Chúng ta cần phải ngã hẳn (tâm mình) theo hướng của lẽ thực “vô thường, khổ, và vô ngã” [annicam, dukkhạm, anattã: mọi thứ đều luôn thay đổi, bất toại nguyện, và không có chủ thể hay tự tính gì cả]. Chúng ta phải luôn tâm niệm rõ rệt về cái lẽ thực này của sự sống ngay mỗi khi mắt nhìn thấy hình sắc, tai nghe thấy âm thanh, mũi ngửi thấy mùi hương, lưỡi nếm thấy mùi vị, thân cảm thấy một cảm nhận, và ngay khi tâm nhận biết những nhận thức. Luôn luôn tâm niệm rõ rệt điều đó mọi lúc mọi nơi. Tâm niệm và hiểu rõ bản chất của tất cả mọi sự sống, hiểu như vậy cũng giống như cách nhìn sâu sắc rằng: “Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử.” Cách nhìn đó thâm sâu thấu suốt hơn nhiều, nó giúp nhìn xuyên thấu rất nhiều vấn đề. Nếu chúng ta hiểu biết giáo lý này thì chúng ta sẽ trưởng thành trong sự hiểu biết và trí tuệ.
Điều này được gọi là patipadã: bước đi theo con đường chánh đạo. Nếu ta biết nghĩ và biết quán chiếu theo cách như vậy, thì dù ta có đang ở xa Thầy, xa Phật, ta vẫn thực sự đang ở gần với Thầy, với Phật. Nếu sống gần thầy nhưng tâm chưa gặp gỡ với thầy thì bạn sẽ luôn luôn nghi ngờ, luôn tìm lỗi nơi người thầy, hoặc nếu không là chỉ đang nịnh hót thầy mà thôi. Nếu thầy làm điều gì đó thích hợp với bạn, nhưng bạn lại nói thầy không tốt—vậy là việc tu của bạn đã đi lạc quá xa. Nếu bạn cố đi tìm thầy khác để tu thì bạn cũng chẳng đạt được điều gì, chỉ uổng phí thời gian mà thôi. Nhưng nếu bạn hiểu được giáo lý này (hiểu sâu sắc về lý tu tập của mình) thì bạn có thể tu thành bậc Thánh Nhân ngay trong giây phút hiện tại.
Đó là lý do tại sao năm nay(129) tôi đã tách ly ở xa khỏi các học trò cũ và mới ở đây, tôi không thuyết giảng gì nhiều cho họ: như vậy để các thầy có thời gian nhìn vào chính mình càng nhiều càng tốt. Đối với các Tỳ kheo mới, tôi đã để lại thời biểu, các chuẩn mực tu tập và các thanh quy ở trong chùa, ví dụ như quy tắc “Không nói nhiều” trong chùa. Các thầy đừng nên bỏ qua hay đi tắt khỏi những chuẩn mực tu tập ở đây, đừng đi trệch khỏi con đường tu dẫn đến giác ngộ, thánh quả và Niết bàn. Bất cứ ai lơ là, bỏ qua hay không tu tập theo các chuẩn mực ở đây đều không phải là tu sĩ đích thực, không phải là người có một ý nguyện trong sạch để tu hành. Người như vậy thì hy vọng nhìn thấy được gì? Dù người đó có nằm ngủ sát bên tôi mỗi ngày, người đó cũng không thấy tôi. Ngay cả khi nằm sát bên Đức Phật, người đó cũng không bao giờ nhìn thấy Phật. Không tu tập đàng hoàng thì chẳng nhìn thấy gì.
Do vậy, sự hiểu biết Giáo Pháp hay nhìn thấy Giáo Pháp là tùy thuộc vào sự tu tập. Hãy có lòng tự tin, hãy làm trong sạch cái tâm của mình. Nếu tất cả các Tỳ kheo trong chùa này đều đặt sự ý thức tỉnh giác vào trong tâm của mình thì có lẽ chúng ta không cần phải quở rầy hay khen ngợi bất cứ ai ở đây. Chúng ta không cần phải nghi ngờ về ai hay ưu ái ai. Nếu có sân giận hay bực tức khởi sinh, cứ để mặc chúng trong tâm, nhưng phải nhìn thấy chúng một cách rõ ràng!
Cứ liên tục nhìn vào những điều đó. Chừng nào còn thứ gì thì có nghĩa chúng ta còn cần phải đào nó lên và nghiền nát nó ngay tại đó. Một số thầy than rằng: “Tôi không thể cắt bỏ nó, tôi làm không nổi” — nếu chúng ta cứ than như vậy thì rốt cuộc chúng ta chỉ là một đống toàn kẻ vô dụng, bởi chẳng ai có thể cắt bỏ những ô nhiễm của chính mình.
Các thầy phải cố gắng. Nếu vẫn chưa bứng bỏ được thì hãy đào sâu thêm. Đào ngay những ô nhiễm đó, nhổ hết gốc chúng lên. Cứ phải đào moi gốc rễ nó lên cho dù việc đó rất khó và cần phải làm thật nhanh nhạy. Giáo Pháp không phải là thứ có thể đạt đến bằng cách chạy theo những tham muốn của mình. Tâm của bạn có thể đi một đằng, còn sự thật nằm ở một nẻo. Chúng ta cần phải nhìn kỹ đằng trước, quan sát kỹ đằng sau. Bởi vậy nên tôi mới luôn nói: “Tất cả mọi thứ đều không chắc chắn, tất cả đều vô thường.”
Lẽ thật của sự “không chắc chắn”, đây là một lẽ thật ngắn gọn và đơn giản, nhưng nó thực là sâu sắc và hoàn hảo, là một chân lý nhưng người ta thường hay làm ngơ nó. Họ có thói tâm nhìn mọi thứ một cách khác đi, khác với sự thật. Đối với người tu, đừng nên chấp tốt, đừng nên chấp xấu. Đừng chấp thiện, đừng chấp ác. Đừng chấp khổ, đừng chấp sướng. Đó là những thuộc tính của thế gian. Chúng ta tu hành để thoát khỏi thế gian mà, bởi vậy chúng ta không chấp vào những điều đó mà phải đưa chúng đến chỗ chấm dứt. Đức Phật đã dạy chúng ta phải bỏ chúng xuống, từ bỏ chúng, dẹp bỏ đối đãi về chúng, bởi chúng chỉ toàn gây ra khổ đau mà thôi.
-------------------
(124) [Đây là một cuộc nói chuyện không chính thức của thầy Ajahn Chah ngay tại cốc của mình với một số Tỳ kheo và sa di trong một buổi tối năm 1980]. (125) [Năm uẩn hay năm tập hợp sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và thức [rũpa, vedanã, sannã, sankhãrã và vinnãna = sắc, thọ, tường, hành, thức]. Năm tập hợp này tạo nên trải nghiệm về thân tâm như là một cái 'ta' vậy]. (Chúng ta đều nghĩ thân năm uẩn đó là 'ta', là 'con người' ta). (126) [Parãjika: gồm 4 tội bại hoại (HV: bất cộng trụ, ba la di), đó là 4 trọng tội (garukãpatti) nếu vi phạm coi như sự tu hành đã bại hoại, tội này là không thể sửa chữa được (atekicchã), và người vi phạm sẽ bị loại bỏ khỏi Tăng đoàn. Đó bao gồm các tội: (1) Có quan hệ tình dục, (2) ăn cắp, (3) sát sanh, (4) chưa chứng đắc thánh quả nhưng tuyên bố mình chứng đắc. Sanghãdisesa: gồm 13 tội vi phạm (HV: tăng tàn, tăng già bà thi sa) cũng là tội nghiêm trọng (garukãpatti), nhưng có thể được sửa chữa (satekicchã); người vi phạm sẽ bị Tăng đoàn khép vào thực hành những khuôn khổ nghiêm khó để người đó có thể như 'lập công sửa tội' và khôi phục tư cách của mình ở trong Tăng đoàn]. (127) [Bất Lai (anãgãmĩ) là thánh quả thứ ba, người chứng đắc thánh quả Bất Lai đã dẹp bỏ được 5 gông cùm nhẹ hơn [trong 10 gông cùm] trói buộc tâm trong vòng luân hồi sinh tử. Hai tầng thánh quả thấp hơn là Nhập Lưu (sotãpanna) và Nhất Lai (sakadagãmĩ), còn thánh quả cao nhất là A la hán (arahant)]. (128) [“Tỳ kheo” nghĩa chung là người khất thực hay khất sĩ, chữ này dùng để gọi chung những tu sĩ du hành từ thời Đức Phật]. (Đối với đạo Phật, “Tỳ kheo” là chữ gọi các tu sĩ xuất gia đã thọ giói vào Tăng đoàn. Về mặt thực nghĩa, Phật đã định nghĩa Tỳ kheo là người nhìn thấy mối hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử (samsara), do đó họ mới xuất gia đi tu để có ngày thoát ra khỏi mối hiểm họa đó). (Theo hòa thượng W. Rahula, Đức Phật cũng đã dùng chữ “Tỳ kheo” (bhikkhu) để gọi chung những người đang lắng nghe Phật thuyết Pháp, chứ không phải chỉ gọi riêng những Tỳ kheo trong Tăng đoàn. (Xem quyển “Những Điều Phật Đã Dạy”, chương 1). (129) [Lúc này là năm 1979, tức năm 2522 Phật lịch]