28. Sự Tĩnh Lặng và Trí Tuệ Sự tĩnh lặng nơi thiền thường được phân thành hai loại bình an—sự bình an nhờ định và sự bình an nhờ trí tuệ.
Trong sự bình an nhờ định tâm (thiền định), chúng ta loại bỏ mọi hành vi và mọi tiếp xúc với mọi thứ bên ngoài. Mắt phải lánh xa cảnh sắc, tai lánh xa âm thanh... Rồi nhờ sự không nghe, không thấy... ta được tĩnh lặng. Loại tĩnh lặng này cũng đáng quý, nhưng nó không phải là tột cùng và cao quý nhất. Nó là trạng thái ngắn ngủi và không đáng nương dựa vào. Đến khi có giác quan nào tiếp xúc vói đối tượng bên ngoài gây nên dễ chịu hay khó chịu, thì tâm sẽ bị thay đổi (phản ứng), vì nó luôn muốn có sự dễ chịu và không muốn sự khó chịu. Do đó, tâm lùôn chạy theo hoặc tránh xa những đối tượng bên ngoài, và như vậy không sinh trí tuệ, bởi vì người thiền luôn cảm thấy mình bất bình an vì những thứ bên ngoài tác động. Ngược lại, nếu ta chịu nhìn trực tiếp vào mọi thứ đáng diễn ra, ta sẽ nhận ra rằng sự thiếu tĩnh lặng không phải do những đối tượng bên ngoài, mà do sự hiểu biết sai lầm của chúng ta.
Khi chúng ta quyết định đi tàm sự tĩnh lặng trong thiền, chúng ta có thể tìm một nới yên tĩnh nhất, cách ly nhất, nơi ta không gặp phải những cảnh sắc, âm thanh, nơi không có gì làm quấy nhiễu bạn. Lúc đó tâm sẽ lắng lặn và an tĩnh vì không còn những thứ quấy nhiễu nó. Tuy nhiên, hãy xem xét kỹ về điều này. Sự an tình đó chẳng bền lâu và tâm bạn cũng chẳng mạnh mẽ gì. Khi vừa bước ra khỏi nơi yên tĩnh đó, các giác quan bắt đầu tiếp xúc ngay với những thứ bên ngoài, tâm ta lại lập tức cảm nhận liên tục mọi thứ dễ chịu và khó chịu, sướng và khổ, vui và buồn, muốn và không muốn, tham và sân, thích và ghét... và tâm bị quấy động liên tục. Lúc đó bạn sẽ hiểu được loại tĩnh lặng đó là không thực.
Mọi thứ xảy ra trong phần trải nghiệm của bạn đủ đơn giản xảy ra như nó là. (Mọi thứ đủ là vậy, như chúng là). Nhưng khi thứ gì làm ta dễ chịu, ta cho thứ đó là tốt. Khi thứ nào làm ta khó chịu, ta cho thứ đó là không tốt. Đó chỉ là do cái tâm phân biệt gán nghĩa cho mọi thứ bên ngoài là tốt, không tốt; đẹp, không đẹp; dễ chịu, khó chịu; sướng, khổ...mà thôi. Chuyện là như vậy. Nếu hiểu được chuyện là như vậy, chúng ta đã có được một "căn bản" để điều tra suy xét về mọi sự vật hiện tượng, và nhờ đó ta có thể nhìn thấy được mọi thứ đích thực như-chúng-là. Khi có được sự tĩnh lặng trong thiền, không cần phải nghĩ gì về sự tĩnh lặng đó. (Không phải sự suy nghĩ làm chức năng suy xét. Sự suy nghĩ không phải là chức năng điêu tra, suy xét). Có một sự nhạy cảm. Và sự nhạy cảm đó mang một số "phẩm chất thấy biết" được sinh ra từ cái tâm tĩnh lặng. Nhưng đó không phải là sự suy nghĩ. Đó là một "yếu tố giúp giác ngộ" (giác chi) được gọi là chức năng suy xét điều tra các sự vật hiện tượng (trạch pháp).
Sự tĩnh lặng đích thực trong thiền là loại tĩnh lặng không bị quấy động bởi sự trải nghiệm và tiếp xúc giác quan. Như vậy sẽ có câu hỏi rằng: "Nếu đó là sự tĩnh lặng, vậy tại sao vẫn còn cái đang diễn ra?" Có thứ đang diễn ra bên trong sự tĩnh lặng, nhưng đó không phải là thứ đang diễn ra theo cách bình thường. Khi có thứ gì diễn ra bên trong sự tĩnh lặng, tâm thấy biết nó một cách cực kỳ rõ rệt, và nhờ đó trí tuệ phát sinh. Chúng ta nhìn thấy cách mọi sự đích thực diễn ra, và rồi sự tĩnh lặng trở nên bao-trùm-tất-cả. Khi mắt nhìn thấy hình sắc hoặc tai nghe thấy âm thanh, chúng ta nhận biết chúng như chúng là.
Loại tĩnh lặng đích thực trong thiền không phải do việc cách ly, lánh trần. Loại tĩnh lặng đích thực trong thiền có được từ sự tập trung tâm vào một chỗ, không để tâm hướng đến bên ngoài, đó là sự tập trung mà không còn để tâm hướng đến điều khác. Đó là nguyên nhân tạo ra sự tĩnh lặng (định). Trí tuệ phát sinh từ sự tĩnh lặng. (Tuệ khởi sinh từ định). Và sự thấy biết phát sinh ra từ sự không thấy biết (những thứ bên ngoài). Tâm đi đến thấy biết từ trạng thái không thấy biết (vô tâm) đó, từ việc học cách điều tra (trạch pháp) như vậy. Khi chúng ta có cả định và tuệ, và bất cứ ở đâu, bất cứ đang làm gì, chúng ta cũng nhìn thấy sự thật. Chúng ta hiểu biết rõ về sự sinh diệt của mọi trải nghiệm trong tâm. Sau đó chẳng cần phải làm gì nữa, chẳng còn gì để tu sửa hoặc giải quyết. Chẳng còn suy đoán gì và chẳng còn nơi để đến, chẳng còn giải thoát.
Chúng ta chỉ có thể giải thoát thông qua trí tuệ, đó là sự thấy biết mọi sự đúng thực như-chúng-là và vượt qua chúng. Rồi ta tìm thấy sự nghỉ ngơi. Khi chúng ta tu tập có mục tiêu, để hiểu biết mục tiêu và đạt đến mục tiêu, thì khi chúng ta hành động sẽ không còn lối nào bị thiệt hại. Khi chúng ta ngồi tĩnh tại, không còn lối nào bị nguy hại. Trong tất cả mọi tình huống, không gì có thể làm ảnh hưởng ta. Sự tu hành đã đến nơi đến chốn và ta đã đạt đến đích. (Nguyên lý là vậy).
Nhưng, có thể hôm nay chúng ta vẫn chưa có cơ hội ngồi xuống và tu tập sự định tâm (samadhi), nhưng không sao. Định không chỉ có nghĩa là ngồi. Định có thể được tu tập trong mọi tư thế. Nếu chúng ta tu tập thiền định trong mọi tư thế, chúng ta cũng sẽ đạt định và thưởng thức định như vậy. Sẽ không có gì có thể ngăn cản chúng ta. Chúng ta sẽ không còn nói rằng: "Tâm tôi đang không sáng sủa, nên tôi không thể thiền tập bây giờ." Chúng ta chẳng bao giờ còn nghĩ như vậy nữa. (Chúng ta luôn thích thiền tập dù tâm đang sáng sủa hay u mờ). Cách tu tập nên là như vậy, không hoài nghi và không lẩn quẩn.
29. Nước Tĩnh Lặng Mà Chảy, Nước Chảy Mà Tĩnh Lặng Sự tĩnh tại là sự tĩnh lặng, và sự trôi chảy là trí tuệ. (Sự bất động là định, dòng chảy là tuệ). Chúng ta thiền để làm cho tâm được bình lặng, giống như nước lặng, nước tĩnh. Rồi sau đó nó có thể trôi chảy.
Ban đầu, chúng ta học để biết nước tĩnh là gì và nước chảy là gì. Sau khi thực tập như vậy, chúng ta sẽ thấy được hai loại trạng thái này hỗ trợ cho nhau như thế nào. Cả hai đều tĩnh tại và trôi chảy. Nhưng điều này không dễ hình dung.
Chúng ta hiểu rằng nước đứng yên thì không chảy. Chúng ta hiểu rằng nước đang chảy là không đứng yên. Nhưng khi tu tập chúng ta trải nghiệm được hai trạng thái này cùng một lúc. Tâm của người tu tập thực thụ thì giống như nước tĩnh mà chảy, hoặc giống như nước chảy mà tĩnh lặng. Tất cả mọi thứ xảy ra trong tâm của một người thực sự tu tập giáo pháp đều mang tính chất đó. Nếu chỉ chảy không thì không đúng. Nếu chỉ tĩnh lặng thì không đúng. Khi chúng ta đã trải nghiệm về việc tu tập (thiền tập), tâm của chúng ta sẽ ở trong trạng thái giống như nước đang chảy mà tĩnh lặng.
Điều này chúng ta chưa từng biết trước đó. Chúng ta từng biết nước chảy thì nó đang chảy. Còn nước tĩnh lặng thì nó không động. Nhưng trong tâm của chúng ta, nó thực sự luôn luôn giống như nước đang chảy mà tĩnh lặng.
Khi tu tập Phật pháp, chúng ta có định (samadhi), tức sự tĩnh lặng, và trí tuệ hòa lẫn với nhau. Rồi thì, khi chúng ta ngồi thiền, tâm thì tĩnh tại, và nó trôi chảy. Nước tĩnh lặng mà chảy.
Mỗi khi trạng thái này xảy ra trong tâm của người thiền tập, nó rất khác biệt và kỳ lạ. Nó khác biệt với cái tâm bình thường mà người đó đã từng biết. Trước kia, khi tâm chuyển động thì nó chuyển động. Khi tâm tĩnh tại thì nó không chuyển động, nó chỉ yên tĩnh—giống như nước bình thường chúng ta thấy. Khi nào động thì là động, khi nào tĩnh thì là tĩnh. Nhưng nhờ vào việc thiền tập, tâm tiến vào một trạng thái giống như nước tĩnh lặng mà trôi chảy, hoặc như nước đang chảy mà tĩnh lặng. Dù chúng ta đang làm gì, tâm cũng giống như nước chảy mà tĩnh lặng. Làm cho tâm được như vậy, chúng ta sẽ có cả sự tĩnh lặng và sự trôi chảy. Có được cả định và tuệ.
Trong thiền thực thụ, thiền định và thiền tuệ có mặt cùng lúc và hỗ trợ cho nhau.
30. Làm Thiệt, Tu thiệt Đức Phật dạy chúng ta cần phải có những điều kiện sống phù hợp để hỗ trợ cho việc tu thiền của chúng ta: một môi trường thoải mái, thức ăn thanh đạm vừa đủ, có sư thầy tốt và bạn tu tốt. Nhưng những điều kiện tốt như vậy không dễ có được cùng một lúc. Trong kinh Phật khuyên như vậy, nhưng thời nay tìm đâu ra những điều kiện đó, tìm ở đâu cũng thấy khó.
Do vậy, chúng ta nghĩ: mình phải có gì để có thể tu tập cho dễ dàng đây? Chúng ta nghĩ rằng nếu ta có đủ mọi thứ như ý, thức ăn ngon, môi trường thoải mái, mọi người xung quanh ăn nói hòa nhã, vậy là tốt nhất để tu hành. Nhưng thực ra, nếu như có đầy đủ những điều kiện tuyệt vời như vậy, có lẽ chúng ta sẽ chết vùi trong sự ấm no thoải mái, và sẽ lơ là việc tu hành.
Nhiều người có những ý nghĩ và tham muốn khác nhau về những thứ tiện nghi tạo ra một nơi thoải mái để tu tập. Như vậy là không đúng. Nếu chúng ta có được cái tâm biết hài lòng với những thứ giản dị thì chúng ta luôn cảm thấy thoải mái khi ở bất cứ nơi nào. Người biết hài lòng là người sống dễ nhất và vui vẻ nhất. Ở cũng được. Đi cũng được. Nhưng ở đời hễ khi chúng ta thiếu thốn những phương tiện cần thiết, chúng ta thường không vui. Nhưng nếu có quá dư thừa điều kiện thì cũng sẽ khó khăn. Chẳng bao nhiêu là vừa đúng cả. Có thể chúng ta chưa hề tận mắt thấy cách mọi người đang sống, nên chúng ta không vui khi bị thiếu thứ gì. Hay là lời Phật khuyên nghe có vẻ không đúng với ta?
Lời dạy của Phật là đúng, nhưng có lẽ tâm chúng ta chưa làm theo đúng. Nhiều người nghĩ rằng: "Tôi muốn tu thiền định một cách nghiêm túc, vì vậy tôi từ bỏ nơi này. Tôi muốn thực sự tập trung tu thiền định và tôi tu thiệt như vậy". Nhung "tu thiệt" có nghĩa là gì? Họ không biết điều họ nói là thiệt hay không. Nếu là tu thiệt, tâm sẽ được bình an! Tâm bình an là thước đo của việc tu tập. Nếu không tu thiệt thì tâm không bình an.
Tu thiệt là sao? Có rất nhiều phương pháp thiền bạn có thể tu tập. Cũng giống như những người trên đời kiếm sống bằng những cách khác nhau: có nông dân, thương nhân, công chức, kỹ sư, công nhân công xưởng sản xuất ra những loại hàng hóa khác nhau; và tất cả được gọi chung là nghề nghiệp hay kế sinh nhai. Ở đây cũng tương tự đối với chúng ta; chúng ta gọi nó là việc tu tập giáo pháp (tu hành), nhưng điểm chính là nó phải dẫn chúng ta đến sự buông bỏ, sự ngừng lại và sự chấm dứt mọi ràng buộc dính chấp. (Đó mới là tu thiệt. Tu thiền là tu tập sự buông bỏ, để đi đến sự buông bỏ tận cùng!)
31. Những Đệ Tử Nghiêm Túc Ajahn Chah nói vê việc thiền tập hết mình. Thiền sư rất quý trọng những người sống gần với thầy, nhưng thầy không thích những người cứ cố rập khuôn theo thầy một cách mù quáng hoặc cứ một mực làm theo những kiểu mà họ cho rằng đó là cách một thầy tu cần phải làm. (Hầu hết trong các chùa đều như vậy, các huynh trưởng huynh phó thường cho mình là gương mẫu và cứ luôn muốn những tu sĩ khác làm mọi thứ rập khuôn theo sư phụ.)
Thiền sư Ajahn Chah kích thích sự tư duy của mọi người, do vậy thay vì chỉ đơn giản nói: "Phật nói như vầy...", "Kinh nói như vầy..." để họ cứ học suông theo, thầy thường giao trách nhiệm tu hành vào tay họ và để cho họ tự do khám phá sự thật cho chính mình.
Một Tỳ kheo đến xin phép Ajahn Chah cho phép thầy ấy tu tập riêng một mình, có nghĩa là sau khi đi khất thực về, thầy ấy sẽ về kuti (cốc, chòi) riêng của mình để ăn và thiền tập một mình, không tham gia vào những nghi thức chung của chùa như giờ ăn, giờ tụng, giờ thiền. Ajahn Chah liền nói: "Bộ thầy nghĩ mình có thể trốn tránh được những ô nhiễm bất tịnh hay sao? Thầy có thể giác ngộ được nếu mình mù và điếc hay sao? Chúng tôi tu tập mà đâu cần phải nhắm mắt hay bịt tai ở đây." Vị Tỳ kheo đó ngồi im luôn như vừa mới bị la rầy. Nhưng chỉ sau một chút, thầy Ajahn Chah lại đổi giọng: "Nhưng cũng được, thầy cứ thử tu vậy đi. Biết đâu lại tốt hơn."
Nhiều người phưong Tây đến chùa Wat Pah Pong nghĩ rằng họ nên thiền tập càng nhiều càng tốt chứ không lãng phí thời gian vào những sinh hoạt của Tăng đoàn như giờ tụng kinh hoặc ngồi nghe giờ giảng pháp bằng tiếng Thái mà họ không hiểu được. Một số đó cũng đến xin phép thầy Ajahn Chah cho họ tách riêng về kuti của họ để thiền tập, trong khi những tu sĩ khác còn đang ngồi trong giờ tụng kinh hay nghe giảng pháp.
Thầy Ajahn Cha đã nhấn mạnh sự cần thiết của các nghi thức tăng đoàn trong thiền môn, cần phải đưa những sinh hoạt chung đó vào sự thiền tập của mọi người, dù họ có thích hay không. Vào một buổi chiều tối đến giờ tụng một số kinh theo nghi thức, thầy nói với tất cả: "Bây giờ những người phương Tây sẽ về thiền tập riêng một mình." Có một vị tăng người phương Tây đứng dậy đi, nhưng mặt tỏ ra rất ngượng ngùng.
Nhưng sau một thời gian, vị tăng đó đã cảm thấy đó là hành động ngu dốt, và vị ấy đã quyết định tuân theo những nghi thức chung của chùa. Vị ấy tin tưởng sự chỉ dạy của thầy Ajahn Chah, và đó là lúc năng lực tỉnh giác trong thiền của vị ấy đã thực sự bắt đầu tiến bộ thâm sâu.
32. Những Chỉ Dạy về Thiền - Câu hỏi và Trả lời Học trò: Con muốn đạt được sự tĩnh lặng. Con muốn thiền tập để làm cho tâm được bình an.
Ajahn Chah: Như vầy. Con muốn đạt được điều gì đó. Nếu con thực sự muốn có điều đó, con phải suy xét cái gì là những nguyên nhân làm cho tâm không bình an. Phật đã nói rõ, mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân. Nhưng thường chúng ta chỉ ngồi chờ sung rụng vào miệng. Cũng giống như chỉ muốn ăn dưa hấu nhưng chẳng bao giờ chịu trồng dưa hấu. Vậy thì dưa ở đâu có mà ăn? Có thể con ăn được vài miếng ở đâu đó, và thấy vị dưa ngọt mát, và muốn ăn thêm. Nhưng dưa ở đâu nữa mà ăn? Dưa ở đâu ra? Làm sao người ta có được dưa để ăn? (Nếu không chịu khó trồng thì cũng phải làm việc khác để có tiền để đi mua lấy dưa). Nhưng dưa không thể có cho ta ăn chỉ bằng cách ngồi mong chờ.
Chúng ta phải suy nghĩ thông suốt để nhìn ra toàn thể bức tranh. Nhìn vào tất cả mọi hoạt động của tâm. Sau khi được sinh ra vào thế gian này, tại sao chúng ta có những khó khổ như vậy? Chúng ta cứ khổ đau và khổ đau hoài hoài vì những thứ cũ rích, chỉ là do sự hiểu biết của chúng ta chưa được thấu suốt.
Khó khổ ở đây là gì? Chúng ta đang sống với những rắc rối (phiền não) và đang liên tục tạo ra những rắc rối (phiền não) cho bản thân mình, nhưng chúng ta không thực sự hiểu được những khó khổ đó nằm ở đâu. Sống ở nhà, chúng ta có khó khăn (bất đồng, ràng buộc) với vợ hay chồng, với con cái, với nhiều thứ ở đó. Chúng ta hay nói về khó khăn đó, nhưng ít ai thực sự hiểu được về nó, do vậy nó thực sự là khó khăn. Cố gắng làm cho cái tâm đạt định cũng giống vậy. Chúng ta chẳng biết tại sao mình tu mà rất khó đạt định. Chúng ta cân phải hiểu rõ lý nhân quả, điều gì đã đặt ta vào tình trạng này. Mọi thứ khởi sinh từ những nguyên nhân. Nhưng chúng ta không hiểu nó. Giống như ta có một chai nước đầy, ta uống hết sạch và muốn uống thêm—không còn chút nước nào trong chai nữa. (Cái chai nước đầy là nguyên nhân có nước uống. Chai không có nước thì không cung cấp nước uống nữa. Nguyên nhân của sự không có nước là chai nước đã hết). Nhưng nếu chúng ta lấy nước từ dòng suối, chúng ta có thể uống hoài, bởi vì dòng suối (nguyên nhân tạo ra nước) vẫn luôn còn nước chảy đến.
Dòng suối ở đây được ví như sự nhìn-thấy lẽ "vô thường, khổ, và vô ngã" một cách sâu sắc, đó là sự hiểu biết về lẽ thật đó một cách thấu suốt. Sự hiểu biết bề ngoài thông thường thì không hiểu biết một cách thấu suốt, nhưng với trí tuệ minh sát thâm nhập vào bên trong vấn đề, chúng ta có thể chứng nghiệm được toàn bộ chiều sâu và mùi vị của ba bản tính này của sự sống. Và khi có bất cứ sự gì khởi lên (sinh), ta nhìn thấy rõ sự thật đích thực về nó. Khi nó biến mất (diệt), ta nhìn thấy sự thật về nó. Tâm lúc này luôn nhận thức được thực tại, và với cách nhìn như vậy, chúng ta đạt đến nơi bình an, nơi không còn những khổ đau và khó khăn mà ta phải chịu đựng. Càng lúc chúng ta càng thư thái, ta không còn dính chấp (bám chặt, chấp thủ, phụ thuộc) vào mọi thứ nữa, không còn quan niệm chúng là này là nọ, không còn đặt tên đặt tính cho chúng nữa. Ta chỉ còn ngồi nhìn mọi thứ khởi sinh và nhìn chúng biến qua, sinh và diệt, sinh và diệt. Nhìn vào Pháp sinh diệt này một cách thường xuyên, suy xét chánh niệm nhiều về nó, phát triển nhiều sự tỉnh giác về nó. Kết quả sẽ là sự buông bỏ và không còn tham đắm; ta trở nên tuyệt đối không còn tham đắm về mọi thứ trên đời. (Thứ gì bền chắc và hạnh phúc thì chúng ta tham muốn có nó, nhung khi ta đã biết mọi thứ đều không chắc chắn, chỉ là vô thường, có rồi mất, đều là sinh diệt, thì ta đâu còn lý do gì để tham đắm hay dính chấp vào chúng).
Những thứ tiếp xúc với tai, mắt, mũi, lưỡi, và những thứ khởi sinh trong tâm, chúng ta cần phải quán niệm về chúng một cách rõ rệt—thì chúng ta sẽ nhìn thấy chúng đều giống nhau một kiểu. Việc nhìn thấy mọi hiện tượng (mọi pháp) đều mang bản tính "vô thường, khổ, và vô ngã", và chúng chẳng đáng một chút gì để tham chấp hay nắm giữ. Cách đó sẽ giúp tạo ra sự buông bỏ trong tâm chúng ta. Khi mắt nhìn thấy những hình sắc hoặc tâm nghe thấy những âm thanh, chúng ta đủ cần biết chúng như-chúng-là. (Không cần phản ứng hay can thiệp gì vào những sự tiếp xúc đó). Khi tâm sướng hay khổ, khi tâm có phản ứng thích muốn hoặc hay chê ghét (vui hoặc buồn, dễ chịu hoặc khó chịu...), chúng ta biết rõ về nó. Nếu chúng ta dính theo những điều đó, chúng sẽ dính chặt vào ta, và lập tức chúng dẫn ta tạo ra sự trở thành. (Bất cứ điều gì chúng ta dính vào, nó sẽ tạo nên "sự trở thành", tức nghiệp hữu. Ta dính vào vườn cây, ta tạo nên sự trở thành. Sự trở thành đó là nhân thúc đẩy ta sinh ra thành loài sâu trong vườn cây đó ở kiếp sau, ví dụ như vậy). Nếu chúng ta buông bỏ những điều đó, chúng nương theo đường lối của chúng, chúng ta không tạo nên sự trở thành. Buông bỏ những hình sắc, hình sắc đi theo đường lối của chúng. Buông bỏ những âm thanh, âm thanh sẽ đi theo cách của âm thanh... Chỉ khi nào chúng ta cần, chúng ta mới dùng đến chúng.
Hãy để mọi thứ đi theo đường lối tự nhiên của chứng. Nếu chúng ta ý thức (tỉnh giác) theo cách này, chúng ta sẽ nhìn thấy lẽ thật vô thường. Tất cả mọi hiện tượng có mặt trên thế gian đều là ảo, không trừ bất cứ thứ gì; chúng là hư giả và đánh lừa nhận thức của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có thể nhận ra được chúng chỉ là hư giả và đánh lừa, thì chúng ta sẽ được thư thả và buông xả. Nếu có chánh niệm (sati) và sự hiểu biết rõ ràng (sampaịanna, rõ biết, thường biết, tỉnh giác về chính mình) và trí tuệ (panna), chúng ta sẽ nhìn thấy sự thật đó của mọi hiện tượng, và sự thật là tất cả mọi hiện tượng đều là vô thường. Ngay cả khi không làm gì, khi chúng ta chỉ suy nghĩ, chúng ta chỉ cần nhận biết những ý nghĩ chỉ là ý nghĩ, như chúng là, và không dính mắc gì đến chúng. Nếu tâm có tĩnh lặng, chúng ta chỉ cần biết: "Tĩnh lặng: cũng vô thường thôi. Tĩnh lặng cũng không phải bền chắc". Tất cả chỉ có những hiện tượng vô thường mà thôi, chẳng có gì khác. Ta ngồi ở đâu, Giáo Pháp ở ngay đó, và trí tuệ khởi sinh—vậy điều gì có thể làm chúng ta khổ?
Chúng ta khổ vì những thứ muốn mà không được, vì những thứ khó đạt được, tất cả khổ đều là do suy nghĩ của ta; chúng ta cứ nghĩ suy những thứ không đáng suy nghĩ. Chúng ta có đủ loại dục vọng và muốn mọi thứ theo ý ta. Muốn có được điều gì là khổ. Có được nó thì cũng bất toại nguyện, và lại tiếp tục muốn và khổ. Muốn bất cứ điều gì cũng đều là khổ— ngay cả muốn trở thành một A-la-hán, một bậc giác ngộ, cũng mang lại sự khó khổ cho mình. Phật dạy chúng ta ngừng tham muốn, bởi Phật đã nhận thấy rõ tất cả mọi dục vọng muốn được gì hay muốn thành gì đều là khổ.
Học trò: Con muốn hỏi để xem có một đối tượng thiền nào phù hợp với tính khí của con. Nhiều lúc thiền tập con đã niệm chữ "Đức-Phật" (Buddho) rất lâu, nhung tâm con không an định được. Con đã thử thiền về những bộ phận của thân, rồi con thiền quán về cái chết, nhưng con cũng không được tĩnh lặng (không đạt định). Con quẫn trí bí đường, chẳng biết phải làm gì nữa.
Ajahn Chah: Buông xuống. Khi bị bí đường thì bỏ đi. (Đừng tìm nữa. Đừng cố thử cách gì nữa.)
Học trò: Đôi lúc có sự tĩnh lặng, nhưng rồi ký ức hiện đến, rất nhiều ký ức, làm cho con bị phân tán và nhiễu động.
Ajahn Chah: Như vầy. Đó là sự vô thường. Vô thường! Tất cả là do vô thường. Cứ tiếp tục chỉ rõ cho tâm rằng: "Không chắc, không chắc chắn." Tuyệt đối tất cả mọi hiện tượng là không chắc chắn. Đừng quên điều này. Nếu tâm không an, điều đó không chắc chắn. Nếu tâm được bình an, điều đó cũng không chắc chắn. (Mọi thứ đều vô thường, thay đổi.) Đừng chấp giữ vào trạng thái nào cả và cũng đừng cho rằng trạng thái nào là thực. "Tâm thức là vô thường." Các bạn đã nghe điều này chưa? Các bạn học về điều này chưa? Bạn sẽ làm gì với nó?
Tĩnh là vô thường. Động là vô thường. Vậy làm sao bạn tu tập đây? Bạn nhìn những trạng thái đó ra sao? Nếu bạn có được sự hiểu biết đúng đắn, bạn sẽ thấy được trạng thái tâm tĩnh hay động cũng đều không chắc chắn. Bạn cảm thấy ra sao? Hãy nhìn vào đây.
Nếu tâm được bình an, nó sẽ được bao nhiêu ngày? Nếu tâm bị quấy động, nó sẽ bị bao nhiêu ngày? Phải luôn niệm rằng: "Không chắc chắn!" Vậy thì đâu còn chỗ nào để bị dính. Đó là cách đuổi chúng ra khỏi tâm.
Ta tu tập niệm chữ "Đức Phật" nhưng tâm không an. Ta tu tập chánh niệm về Hơi Thở nhưng tâm cũng không an. Tại sao chúng ta cứ dính vào ý nghĩ làm sao và làm sao để được định và an? Ta niệm "Đức Phật" và nhận biết sự không chắc chắn. Ta tu tập chánh niệm về Hơi Thở và nhận biết sự không chắc chắn. Đừng có quá quan trọng về những trạng thái của tâm (an hay không an, tĩnh hay động), chúng chỉ đánh lừa ta bởi vì ta cứ dính chấp vào những ý nghĩ đó. (Nếu tu thiền mà ta cứ muốn cho tâm phải được an thì ta bị dính vào bẫy, và tâm khó được an). Chúng ta phải khôn ngoan hơn chúng. Bất cứ điều gì xảy đến, ta biết nó là "Không chắc chắn". Bất cứ trạng thái nào của tâm, ta biết nó là "Không chắc chắn". Cứ vậy thì mọi sự sẽ lặn mất. Cứ thử làm vậy bạn sẽ thấy. Bất cứ điều gì xảy đến, cứ nhắc nhở rằng nó "Không chắc chắn". Cái dở là thông thường chúng ta không chịu đối diện hoặc vượt qua nó mà cứ chạy theo nó nên bị dính vào nó (quên mình theo vật).
Nếu ai muốn tu tập nhiều về thiền định, tôi thực rất khen ngợi. Giáo lý của Phật nói về sự giải thoát thông qua sự định tâm và trí tuệ. Giải thoát có nghĩa là đạt đến sự tự do khỏi những ô nhiễm tham và sân. Có hai loại giải thoát như vậy. Sự giải thoát nhờ thiền định, người tu phát triển tâm bằng sự định tâm (samadhi), nhờ đó phát sinh trí tuệ (panna).
Một số loài cây lớn lên nhờ nước nhiều, nhưng một số loài cây chỉ cần rất ít nước để sống. Giống như các cây thông ở đây vậy, nếu tưới nước nhiều nó sẽ chết. Một số loài cây chẳng cần nước những vẫn lớn lên xanh tốt và nở hoa sinh trái. Ta dường như chẳng hiểu vì sao.
Thiền cũng tương tự như vậy. Trong cách giải thoát nhờ thiền định, ta tu tập thiền một cách nghiêm túc, và ta cần phải phát triển được sự định tâm (samadhi). Đây là một cách tu, giống như những cây cần có rất nhiều nước thì mới phát triển được. Nhưng vẫn có những loài cây không cần nhiều nước như vậy.
Vì vậy người ta nói nhiều về sự giải thoát nhờ thiền định và sự giải thoát nhờ trí tuệ; đó là sự đạt đến tự do (của tâm). Để đạt đến tự do, người tu phải dựa vào trí tuệ và tâm lực. Thực ra, hai cách thiền định và thiền tuệ không khác nhau. Tại sao người ta cứ phân biệt thành hai loại như vậy? Thực ra, đó chỉ là cách nói. Nếu chúng ta cứ phân thành hai thứ rạch ròi, thì chúng chỉ làm rối trí thêm mà thôi.
Thực ra, hai loại chỉ hơi khác nhau tùy theo sự nhấn mạnh vào mảng nào của người tu mà thôi. (Thiền chỉ là thiền. Khi nói về sự định tâm, lâu ngày họ gọi thành thiền định. Khi nói về phần trí tuệ, lâu ngày họ đặt thành thiền tuệ, hay thiền quán, hay thiền minh sát). Nếu gọi chúng giống nhau thì không thực đúng. Nhưng gọi chúng là khác nhau cũng không đúng. (Chúng nằm bên trong nhau). Cũng tương tự như khi nói về tính khí của mỗi người, tính khí tham, tính khí sân, tính khí si, hoặc Phật tính. Đó chỉ là cách chỉ ra khuynh hướng (gông cùm) nào nặng hơn khuynh hướng khác mà thôi. Đó chỉ là những danh từ, chúng ta dùng để phân loại. Tuy nhiên đừng quên rằng lý do chúng ta học hiểu và lý tu hành là để giải thoát khỏi chúng thông qua sự nhận biết được bản tính "vô thường, khổ, và vô ngã" bên trong tất cả mọi hiện tượng.
Học trò: Làm sao chúng ta có thể hợp nhất sự thiền định và thiền quán, chẳng hạn như khi quán sát (quán chiếu) về sự vô thường của sự sống?
Ajahn Chah: Trước khi bắt đầu thiền, chúng ta nên ngồi xuống và để tâm thư giãn. Điều này cũng giống như việc may đồ, trước hết ta nên ngồi vào máy may một cách thoải mái và làm quen với nó, rồi từ từ bắt nhịp với bàn đạp thì mới may được. Nếu chúng ta tu tập chánh niệm về hơi thở, đầu tiên chỉ ngồi xuống và thở tự nhiên. Chưa nên cố định sự chú tâm vào bất cứ thứ gì, chỉ cần để ý biết mình đang thở. Ta chỉ cần để ý coi hơi thở có được thư giãn hay không, ngắn hay dài. Sau khi đã để ý như vậy, ta bắt đầu chú tâm (tập trung) vào hơi thở vào và hơi thở ra ở tại ba điểm.
Chúng ta tập trung sự chú tâm vào hơi thở vào khi nó đi qua hai lỗ mũi, ngực, và bụng. Chú tâm vào hơi thở ra bắt đầu từ bụng, đi qua giữa ngực, và cuối cùng là lỗ mũi. Chúng ta chỉ đơn thuần chú tâm vào nó. Đây là cách bắt đầu kiểm soát hơi thở, cột sự chú tâm vào những điểm đầu, giữa và cuối của hơi thở vào và hơi thở ra.
Chúng ta tu tập như vậy cho đến khi nào được trôi chảy, nhịp nhàng. Bước tiếp theo chúng ta chỉ tập trung sự chú tâm vào một chỗ duy nhất, đó là nơi cảm nhận hơi thở vào và ra ở ngay chóp mũi hoặc ở môi trên (điểm giữa hai lỗ mũi). Đến lúc này chúng ta không còn để ý hơi thở dài hay ngắn, mà chỉ còn chú tâm đến cảm nhận đi vào và đi ra của hơi thở.
Nhiều hiện tượng khác nhau tiếp xúc với các giác quan, làm khởi sinh nhiều ý nghĩ. Điều này được gọi là ý tưởng ban đầu (tầm, vitakka). Nó gợi lên ý tưởng, có thể là ý tưởng về bản chất của những hiện tượng hữu vi (do các điều kiện tương hợp mà có, sankhara), ý tưởng về thế giới hoặc ý tưởng về bất cứ thứ gì. Mỗi khi nó xuất hiện, tâm lập tức muốn dính vào nó hoặc nhập chung vói nó. Nếu nó là một đối tượng lành mạnh, cứ để tâm nhận lấy. Nhưng nếu đó là một đối tượng không lành mạnh, hãy chặn nó ngay. Nếu nó là đối tượng lành mạnh, để tâm quán chiếu (quán sát) về nó, và yếu tố hỷ lạc sẽ phát sinh (khi thiền định). Tâm sẽ sáng tỏ và trong suốt khi hơi thở đi vào và đi ra, những ý nghĩ ban đầu (tầm) sẽ hiện lên, và tâm sẽ đón nhận chúng. Ngay sau đó chúng sẽ biến thành những ý tưởng suy lý (tứ, vicara). Tâm phát triển sự quen thuộc với đối tượng, áp dụng đối tượng vào chính mình, và hòa nhập mình vào đối tượng.
Ta đang ngồi và bỗng nhiên ý nghĩ về ai đó nổi lên trong đầu—đó là ý tưởng ban đầu (tầm, vitakka). Sau đó ta nhận lấy ý nghĩ về người đó và bắt đầu suy nghĩ (suy lý) nhiều thứ về người đó. Đó là ý tưởng suy lý (tứ, vicara). Ví dụ, chúng ta chọn ý nghĩ về cái chết và bắt đầu quán niệm (suy xét, suy lý, chánh niệm) về nó: "Ta sẽ chết; người khác sẽ chết; mọi chúng sinh đều phải chết; khi họ chết, họ sẽ đi về đâu?... ...” Giữ nó lại! Giữ ý nghĩ đó lại và suy lý tiếp. Nếu ý nghĩ đó đang chạy mất, ngăn nó lại và trở lại chánh niệm vào hơi thở. Tiếp tục bám giữ (tứ) ý tưởng đó cho đến khi tâm sáng tỏ và trong suốt.
Sau đó, khi ta tiếp tục thiền, ý tưởng ban đầu (tầm) và ý tưởng suy lý (tứ) cứ liên tục có mặt. Nếu chúng ta tiếp tục quán niệm một cách khéo léo (thiện xảo) về một đối tượng (đề mục), ví dụ về tính vô-thường của sự sống, thì tâm sẽ trải nghiệm một sự tĩnh lặng (định) sâu hơn, và niềm vui hoan hỷ (yếu tố hỷ) sẽ phát sinh. Có ý nghĩ tầm và tứ, và chúng sẽ dẫn tâm đến sự hoan hỷ và khoan khoái. Nếu chúng ta tu tập ý tưởng suy lý (tứ, vicara) với một đối tượng hợp với mình, chúng ta có thể trải nghiệm cảm nhận sướng khoái tột độ đến nỗi lông tóc dựng lên, nước mắt chảy tràn, một trạng thái khoan khoái tột cùng—nhiều cảm nhận xảy đến sau khi yếu tố hoan hỷ phát sinh.
Sau một lúc, yếu tố hỷ này sẽ bắt đầu phai nhạt và biến mất, và ta bắt lại ý tưởng ban đầu đó (quay lại 'tầm'). Tâm sẽ trở nên vững chắc và không bị xao lãng. Rồi ta tiếp tục ý tưởng suy lý (tiếp tục 'tứ'), tâm trở nên hợp nhất với nó. Khi chúng ta tiếp tục tu tập một cách thiền hợp với tính khí của mình và thiền tập tốt, thì mỗi khi chúng ta chọn lấy một đối tượng, tâm sẽ trở nên hoan hỷ và cực kỳ khoan khoái. Cứ tu tập tầm và tứ, tầm rồi tứ, tứ rồi tầm như vậy, yếu tố hoan hỷ (hỷ) sẽ khởi sinh. Rồi tiếp theo là yếu tố hạnh phúc (lạc).
Điều này diễn ra khi ngồi thiền. Sau khi ngồi thiền, chúng ta có thể đứng dậy và đi thiền. Tâm có thể vẫn giống vậy khi đi thiền. Sẽ không còn những chướng ngại: tham dục, sân giận, bất an và động vọng, buồn ngủ và đờ đẫn, và nghi ngờ nữa, và tâm sẽ không còn bị ô nhiễm.
Học trò: Điều đó có thể xảy ra với tất cả mọi loại ý nghĩ, hay tâm chỉ đạt đến như vậy trong trạng thái tĩnh lặng của nó?
Ajahn Chah: Điều đó xảy ra khi tâm đang tĩnh lặng. Đó không phải là loại "phát triển tâm" bình thường. Chúng ta ngồi với một cái tâm bình lặng, rồi ý tưởng ban đầu (tầm) mới hiện lên. Ví dụ, tôi nghĩ về người anh trai vừa mới chết. Đó là khi tâm đang tĩnh lặng—tâm tĩnh lặng không phải là thứ gì chắc chắn ổn định, nhưng trong thời khoảng tĩnh lặng đó, tâm đang tĩnh lặng. Sau khi ý nghĩ ban đầu (tầm) hiện lên, tôi đi vào ý nghĩ suy lý (tứ). Nếu nó thuộc hàng các ý nghĩ thiện xảo và lành mạnh, thì nó sẽ làm tâm dễ chịu và hạnh phúc. Rồi tâm sẽ phát sinh niềm hoan hỷ, cùng lúc tâm trải nghiệm hoan hỷ đó. Yếu tố hoan hỷ (hỷ) này phát sinh từ tầm và tứ diễn ra trong một trạng thái tĩnh lặng của tâm. Chúng ta không cần phải đặt tên cho những trạng thái tĩnh lặng đó là tầng thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba (nhất thiền, nhị thiền, tam thiền). Chúng ta chỉ cần gọi nó là sự tĩnh lặng (định).
Yếu tố thứ hai sau hỷ là yếu tố lạc (hạnh phúc), về sau khi sự tĩnh lặng càng thêm sâu, chúng ta dẹp bỏ ý nghĩ tầm và tứ. Trạng thái của tâm lúc này đang trở nên tinh tế và vi tế hơn. Tầm và tứ tương đối vẫn còn thô tế, và chúng sẽ biến mất, nhường chỗ cho những thứ vi tế hơn. Chỉ còn lại niềm vui mừng (hỷ), đi kèm vói niềm hạnh phúc (lạc) và sự nhất điểm của tâm (định). Và đến lúc cao sâu nhất thì chẳng còn gì cả—yếu tố hỷ (pity) và lạc (sukkha) phai biến, và tâm trở nên trống không. (Trạng thái này thường được gọi là tầng thiền định thứ tư, hay tứ thiền).
Chúng ta không cần bám trụ hay an trú vào bất kỳ trải nghiệm nào. Chúng sẽ tự diễn tiến một cách tự nhiên từ trải nghiệm này sang trải nghiệm tiếp theo. Điều này có nghĩa tâm càng lúc càng trở nên tĩnh lặng, và những đối tượng của nó càng lúc càng giảm đần (biến dần), cho đến khi chẳng còn gì ngoài sự nhất-điểm (ekaggata) và sự buông xả (upekkha) của tâm.
Khi tâm đã tĩnh lặng và đạt định, điều đó có thể xảy ra. Đó chính là năng lực của tâm đã đạt đến sự tĩnh lặng. Các chướng ngại [tham dục, sân giận, bất an và động vọng, buồn ngủ và đờ đẫn, và nghi ngờ] không còn có mặt. Những chướng ngại có thể vẫn còn nằm ngủ (tiềm ẩn) bên trong tâm, nhưng chúng không có mặt (khởi sinh) vào lúc tâm đạt định như vậy.
Nguyên tắc quan trọng của thiền là đừng bao giờ nghi ngờ về bất cứ sự gì xảy ra. Nghi ngờ chỉ tạo thêm rối trí. Nếu tâm bừng sáng và tỉnh thức, đừng hoài nghi gì về điều đó. Đó là một trạng thái của tâm. Nếu tâm có tăm tối và ngu mờ, đừng hoài nghi về điều đó. Chỉ tiếp tục tu tập một cách siêng năng mà không dính vào những phản ứng này nọ với những trạng thái đó. Chỉ cần nhận biết và tỉnh giác (ý thức rõ) về chúng, đừng có ghi ngờ gì về chúng. Chúng chỉ là chúng. (Những trạng thái chỉ là trạng thái).
Khi chúng ta tu tập, những trạng thái đó là những thứ chúng ta gặp phải trong tiến trình tu tiến. Nhận biết chúng bằng sự tỉnh giác, và cứ buông bỏ, để mặc chúng. Dù tâm có tăm tối hay tỏa sáng, đừng bám vào những trạng thái đó. Cứ tiếp tục ngồi thiền hay đi thiền, và tiếp tục nhận biết điều gì đang xảy đến, không dính mắc hay mê thích gì về nó. Đừng làm mình khổ vì những tình trạng này nọ của tâm. Đôi lúc tâm phấn khích, hoan hỷ. Đôi lúc nó u sầu, buồn chán. Có lúc sướng, có lúc khổ. Có lúc bế tắc, gặp trở ngại. Thay vì nghi ngờ gì về chúng, chỉ cần hiểu rõ rằng chúng chỉ là những trạng thái vô thường của tâm, và rằng bất cứ thứ gì thể hiện lên chỉ là do các nguyên nhân đang chín muồi. Ngay giây khắc này, trạng thái này đang thể hiện trong tâm—đó là thứ chúng ta cần nên nhận biết.
Học trò: Khi thiền chúng ta có nên nhắm hai mắt lại để không nhìn thấy trần cảnh bên ngoài, hay là chúng ta cứ tự nhiên nhìn mọi sự vật?
Ajahn Chah: Khi chúng ta mới bắt đầu tập thiền, tốt nhất chúng ta nên tránh xa mọi sự vật tác động vào các giác quan, vì vậy tốt hơn nên nhắm mắt khi thiền tập. Nhờ không nhìn thấy những sự vật đối tượng có thể tác động đến ta, chúng ta có thể xây dựng sức mạnh của tâm. Khi tâm được vững mạnh thì chúng ta có thể mở mắt như bình thường, và bất cứ thứ gì chúng ta nhìn thấy cũng khó quấy động chúng ta. Nhắm hay mở lúc này không thành vấn đề.
Khi ta nghỉ ngơi, chúng ta thường hay nhắm mắt. Ngồi thiền với hai mắt nhắm lại là sự an trú đối với một người thiền tập. Chúng ta tìm thấy sự thú vị và nghỉ ngơi trong tư thế đó. Nhưng nếu chúng ta không thể nhắm mắt, liệu chúng ta có thể đối diện và xử lý mọi sự vật đối tượng hay không? (Đó mới là vấn đề). Khi chúng ta ngồi nhắm mắt, chúng ta có được lợi lạc từ tư thế đó. Khi chúng ta mở mắt, chúng ta có thể xử lý mọi thứ chúng ta gặp thấy. Mọi thứ không vuột khỏi tầm tay—thì chúng ta chẳng mất gì. (Chúng ta luôn có thể nhận biết về mọi thứ). Nhưng về căn bản thì chúng ta chỉ đang xử lý mọi thứ (với hai mắt mở). Khi chúng ta quay lại ngồi thiền, chúng ta thực sự có thể phát triển trí tuệ lớn hơn, thâm sâu hơn.
Đó là cách chúng ta tiến triển trong việc tu tập. Khi chúng ta đạt đến trình độ thiện thạo, việc nhắm mắt hay mở mắt cũng chẳng khác nhau. Tâm không thay đổi hoặc bị lung lạc. Suốt thời gian trong ngày, sáng, trưa, chiều, tối, trạng thái tâm đều như nhau. Chẳng có gì có thể lay chuyển cái tâm. Khi sướng khởi sinh, ta nhận biết "Nó không chắc chắn", và nó biến qua. Khi khổ khởi sinh, ta nhận biết "Nó không chắc chắn", và nó chỉ là nó, rồi nó biến qua. Sinh rồi diệt.
Sự thiền tập của chúng ta sẽ gặp đủ loại ô nhiễm và hành vi của tâm khởi sinh liên tục trong tâm. Thái độ (cách nhìn) đứng đắn nhất là hãy sẵn sàng nhận biết và buông bỏ tất cả chúng, dù đó là sướng hay khổ, vui hay buồn, ngon hay dở, xấu hay đẹp, tốt hay xấu... Ngay cả khi sướng là cái ta mong muốn và khổ là cái ta không mong muốn, chúng ta vẫn nhận biết chúng là như nhau. Đó chỉ là những thứ chúng ta trải nghiệm mà thôi, (sướng hay khổ chỉ là do cách ta trải nghiệm).
Sướng (hạnh phúc, khoái lạc) là thứ người đời tham muốn có được. Khổ (đau, buồn) là thứ chẳng ai muốn. Niết- bàn là thứ vượt trên cả muốn và không muốn. Niết-bàn không còn dính líu đến tham muốn. (Muốn hay không muốn không có mặt trong niết-bàn). Muốn được hạnh phúc, muốn không bị khổ, muốn vượt trên cả sướng và khổ— cứ muốn thì rốt cuộc cũng chẳng được gì. Đừng muốn nữa. Đừng dính vào sự mong cầu. Đó mới là sự bình an.
33. Đó Là Gì Vậy? Sự thiền của Ajahn Chah. Thiền sư Ajahn Chah có một cách tiếp cận trực tiếp với thiền, và thầy luôn khuyên mọi người không để bị dính vào những nghi ngờ, cũng đừng quá quan trọng những trải nghiệm trong thiền, cho dù những trải nghiệm đó trông rất kỳ lạ và khác thường. Thiền sư từng kể lại thời gian tu tập ban đầu của mình, một loạt những trải nghiệm mang tính chuyển hóa đã xảy ra trong một đêm ngồi thiền. Thầy cảm thấy thân mình to lên và vỡ tan, cùng với những tiếng động lớn, và khi hết hồi, thầy tự hỏi chính mình: "Đó là gì vậy?"
Câu trả lời đến với thầy tức khắc: "Nó là nó". Điều đó giải tỏa nghi vấn của thầy, và từ đó, nó đã trở thành cách tiếp cận thiền của thầy và cách đó tạo ra bản tính bất lay chuyển đối với việc tu tập của thầy.
34. Đừng Quá Quan Trọng về Sự Tĩnh Lặng Khi tôi còn trẻ, tôi đã đi tìm sự bình an theo một cách sai lầm. Tôi ngồi tu thiền định, nhưng tâm tôi không lắng định. Tôi lồng lộn đủ cách, nhưng dù tôi có làm đủ cách để mang tâm về lại, nó cũng chẳng quay về. Mà nếu nó có quay về, thì nó cũng chẳng ở yên.
Vậy làm sao? Tôi nín thở? Tôi đã từng cố thử như vậy. Tôi nín chặt hơi thở và cố ép tâm ngừng chuyển động. Nhưng nó cứ chạy nhảy. Tôi nín thở lâu hơn, nhưng chẳng mang lại kết quả nào tốt hơn ngoài việc sắp chết vì nín thở.
Điều này cũng giống như khi tôi cảm thấy sự thiền của mình bị quấy nhiễu bởi những âm thanh. Tôi lấy sáp bịt tai lại. Tôi bịt thật chặt đến khi không còn nghe gì nữa. Có vẻ tốt—không còn âm thanh nào có thể quấy nhiễu tôi—nhưng rồi tôi nghĩ về điều đó: nếu việc không nghe hoặc không thấy thứ gì là con đường đi đến giác ngộ, thì tất cả những người điếc là người giác ngộ. Người mù là bậc giác ngộ. Người điếc hay mù mới tu thành những A-la-hán!
Tôi suy xét nhiều về điều này đến khi hiểu ra. Tôi hiểu ra rằng nếu chỉ ngăn chặn mọi thứ bên ngoài thì cũng chẳng phòng hộ được mình, do vậy tôi bỏ cách bịt tai bịt mắt đó. Tôi nhận ra rằng chỉ có mình và những dính mắc của mình mới gây ra khó khổ. Hiểu ra được vậy tôi đã rất tiếc cho mình vì chọn sai cách tu vào thời mới bước vào tập thiền, lúc đó tôi thật ngu mờ. Lúc đó tôi muốn tu tập để thoát khổ, nhưng việc làm đó của tôi chỉ mang lại khó khổ cho mình, và kết quả là tôi chẳng khi nào có được sự bình an.
Khi tâm được tĩnh lặng, chúng ta vui mừng. Nếu chúng ta có được vài ngày bình an như vậy, chúng ta thực sự thấy hạnh phúc. Nhưng rồi đến ngày tiếp theo, bỗng nhiên ta giống như đang ngồi trên ổ kiến lửa. Ta không thể ngồi yên được, không thể làm gì được, tâm thật là hoang dại và động vọng. Ta nghĩ suy và cố tìm xem lý do tại sao nó không như những ngày trước đó. Vài ngày trước đó thật bình an, và ta ước gì cái trải nghiệm bình an đó sẽ quay trở lại với ta.
Ngay chỗ này chúng ta bị ngu mờ. Những trạng thái của tâm thay đổi. Nó chẳng bao giờ cố định, chắc chắn hay ổn định dài lâu. Đó là bản tính của chúng; đó luôn luôn là cách chúng xảy ra. Bất cứ thứ gì khởi sinh thì đã là cũ, cái gì vừa sinh đã diệt rồi; nó chẳng phải là thứ gì khác biệt hay bất biến, mà nó luôn luôn bị chi phối bởi cùng những đặc tính giống nhau. Chúng ta phải nhìn vào những phản ứng của tâm, nhìn vào cách nó thích hay không thích thứ này thứ khác. Khi chúng ta có sự thích, chúng ta vui lòng, và cái cảm nhận được vui lòng đó có mặt chỉ là do sự ngu mờ mà thôi; chứ không phải do chúng ta (cảm nhận) đúng đắn.
Nếu bạn được tĩnh lặng, đừng quan trọng với điều đó. Nếu bạn bị xao lãng, đừng quan trọng vì điều đó. Phật đã dạy đừng để mình bị chuốc độc hay say xỉn vì cái gì. Điều này áp dụng cho tất cả mọi trải nghiệm, không ngoại trừ điều gì. Nếu chúng ta còn tham muốn và mong cầu, chúng ta luôn ở trong tình trạng động vọng. Do vậy, Đức Phật đã nói không thể có trí tuệ nếu chỉ có thiền định. (Khi thiền định là chúng ta còn muốn đạt đến trạng thái định, muốn chứng đắc tầng thiền định). Trong thiền định, chúng ta có thể có được sự tĩnh lặng nhờ cách ly khỏi những đối tượng bên ngoài. Không nghe âm thanh, không cảm nhận những đối tượng của các giác quan, chúng ta có thể được tĩnh lặng. Điều đó cũng là tốt, đó là giá trị của thiền định. Điều đó có được nhờ chúng ta thoát khỏi mọi sự vật đối tượng trong một quãng thời gian thiền định. Nhưng điều đó chỉ là sự tốt tạm thời và ngắn ngủi (trong thời gian nhập thiền định). Giống như một số căn bệnh, như ung thư. Khi chưa phát hiện được, chúng ta thấy ổn, không thấy đau đớn và tuyệt vọng cho đến khi phát hiện ra nó. Giống như thiền định, người thiền không nhận biết mọi thứ bên ngoài, nên người ấy cảm thấy mình không còn ô nhiễm. Nhưng khi người thiền rời khỏi trạng thái định và bắt đầu đối cảnh, nhìn thấy mọi thứ, nghe thấy mọi thứ, thì tâm sẽ bị những thứ đó quấy nhiễu. (Thực tế là vậy. Tình trạng luôn là vậy). Vậy thì chúng ta phải làm sao? Chúng ta tìm đâu một nơi trên thế gian này? Nơi nào chúng ta không nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm xúc mọi thứ đối tượng?
Phật muốn mắt chúng ta nhìn thấy mọi thứ, tai chúng ta nghe mọi âm thanh, mũi chúng ta ngửi các mùi hương, lưỡi chúng ta nếm mọi mùi vị, thân chúng ta cảm nhận cứng, mềm, nóng, lạnh, sướng, đau. Phật muốn chúng ta trải nghiệm tất cả mọi thứ và nhận biết rằng "À ha! Mọi thứ là vậy, như chúng là." Đây là cách để chúng ta đạt đến trí tuệ. Ngay cả khi chúng ta không ngồi thiền, không đi thiền gì cả, tâm chúng ta vẫn luôn tỉnh giác và quán sát, tiếp tục tu tập một cách tinh tấn mà không bị lạc lối hay thoái lùi. Người khôn khéo thiện xảo thì tu tập giáo pháp theo cách như vậy.
Bạn có bao giờ gặp những thiền sư già chưa? Họ bàng quan với tất cả mọi sự. Chúng ta khó mà hiểu được cái tâm buông xả của họ. Bởi vì tâm của họ mát mẻ và họ có tri kiến. Khi có khổ, khổ không làm lay chuyển được họ. Khi sướng đến, sướng không lay động được họ. Họ luôn tự chủ "Đừng quấy nhiễu ta nhé." Đó là cách họ nhìn mọi sự tình. Khi khổ đến: "Đừng làm phiền ta nhé". Họ là những "người chín chắn"; mọi ô nhiễm chỉ còn đứng bên ngoài, không còn xâm nhập được vào tâm họ. Chúng ta nhìn những thiền sư đó và tự hỏi sao họ làm được như vậy. Tâm chúng ta gặp khó khổ hay khoái sướng thì cứ nóng lên bần bật, còn họ thì không. Do vậy, lời khuyên là các bạn tu nên tìm được một bậc thầy chân tu và lấy vị ấy làm gương để mình noi theo, luôn chánh niệm về tấm gương đó trong suốt thời gian tu tập.
35. Tu Liên Tục Từng chút, từng chút, rồi chúng ta có thể hành thiền. Chúng ta chưa có được sự hiểu biết (tri kiến) thâm sâu, chúng ta chưa thực sự biết mình đang làm gì, nhưng chúng ta có thể tập tiến mỗi lần một chút. Chúng ta có thể không biết mình có lợi ích từ việc tập thiền, nhưng chúng ta cứ thực hành nó, từng chút, từng chút. Khi chúng ta ăn, chúng ta có thấy no ngay sau khi ăn một muỗng? Chưa. Chúng ta có thể nói mình no, mặc dù chưa no (bụng chưa đầy). Ăn thêm muỗng thứ hai và chúng ta sẽ no hơn, nhưng chỉ là no hơn một chút. Nếu chúng ta tiếp tục ăn, từng muỗng một, đến lúc nào đó chúng ta sẽ no đầy. Hãy suy nghĩ về điều này, biết nhìn trước, và ta sẽ thấy được mình đang đi đến đâu: cuối cùng chúng ta sẽ đến lúc đang chậm rãi ngồi nhai muỗng cơm cuối cùng. Từng muỗng nhỏ tích góp, và cơn đói giảm bớt từng chút, và cuối cùng chúng ta no đầy—có thể đến mức chúng ta chẳng thèm nhìn đến món ăn nào nữa. Những muỗng nhỏ thức ăn đã được ăn vào, từng muỗng một, đã làm no bụng chúng ta.
Những lão làng ở đây thường hay kể chúng ta chuyện trong cây tre khô có lửa. Thời xưa, diêm quẹt còn rất hiếm và diêm quẹt không phải lúc nào cũng quẹt ra lửa được. Khi người ta đi vô rừng, họ chỉ cần tìm những khúc cây khô, họ biết có lửa bên trong cây. Khi nào họ cần lửa nấu ăn, họ chỉ cần cọ sát hai khúc tre khô để nó phát ra lửa. Họ cọ sát liên tục hai khúc tre. Ban đầu thân tre còn lạnh. Sau một hồi cọ sát, khúc tre nóng lên, rồi sau đó bốc khói. Phải mất thời gian để hai khúc tre nóng lên, rồi mất thêm thời gian nữa mới bốc khói, và sau đó mới phát ra lửa.
Thời bây giờ con cháu của họ sống trong thời hiện đại không còn kiên nhẫn như cha ông trước kia. Thời bây giờ, nếu chúng ta cầm hai khúc tre khô để tạo ra lửa, chúng ta chỉ mới cọ sát hai phút là bắt đầu thấy mệt mỏi. Chúng ta chán nản và bỏ khúc tre xuống ngay. "Thôi, mệt quá, nghỉ một chút đã". Sau đó chúng ta lại cầm mấy khúc tre lên, tre đã lạnh trở lại. Chúng ta lại cọ sát lần nữa, nhưng phải bắt đầu lại từ đầu nên tre không dễ nóng lên nhanh được. Và rồi ta lại hết kiên nhẫn... Cứ như vậy, chúng ta cứ làm theo kiểu đó hàng giờ hoặc cả ngày thì cũng chẳng tạo ra chút lửa nào. Chúng ta cọ sát rồi ngưng, cọ sát rồi ngưng. Rồi ta bắt đầu xỏ xiên những lão làng: "Những lão già làng đúng là điên. Tui chẳng hiểu mấy ổng nói kiểu gì, lửa đâu mà lửa. Chắc mấy ông già bịa chuyện cho vui. Tui đã cọ sát mấy khúc tre đến rã tay ra mà có thấy chút lửa nào đâu!"
Điều đó cũng xảy ra tương tự nếu chúng ta không hiểu biết và không cố gắng tu tập đến nơi đến chốn! Chúng ta không làm đủ nóng mà lại mong có được lửa. Những người xưa đã làm được như vậy, nhưng họ biết phải cần có nhiều nỗ lực liên tục mới tạo ra được lửa. Bạn phải cọ sát liên tục, không ngừng, vì nếu bạn ngưng thì bạn chỉ có được mấy khúc tre lạnh mà thôi.
Cũng giống như những học trò từ xa khăn gói đến đây để học thiền. Họ lắng nghe vài điều chỉ giáo, rồi họ muốn thiền cho được nhanh chóng. Họ cứ muốn học phương pháp thiền nào giúp họ có được kết quả nhanh nhất. Tôi nói với họ: "Nếu các anh chị muốn 'nhanh nhất' thì chẳng được gì đâu". Có một thứ được gọi là nguyên nhân và kết quả (nhân quả). Kết quả tu tập chỉ được tạo ra từ những nguyên nhân đúng đắn và phù hợp. Không có chuyện cầu được ước thấy ngay tức khắc. Cách 'nhanh nhất' ư—ngay cả Phật chắc cũng tìm không ra.
Chúng ta sẽ tiến bộ đứợc trên đường tu tập nhờ vào sự nỗ lực liên tục, tu miên mật, cũng giống như một người cọ sát hai khúc tre liên tục và không ngừng thì mới tạo được lửa. Cọ sát không ngừng, nhiệt nóng sẽ tăng lên. Càng cọ sát thêm, nhiệt nóng càng tăng lên. Khi khói bốc lên, lửa gần xuất hiện; nhưng đang lúc khói bốc lên thì không nên ngưng lại. Đây không phải trò chơi (muốn chơi thì chơi, muốn ngưng thì ngưng để bữa sau chơi lại), người xưa hiểu được như vậy nên họ cọ sát liên tục liên tục và không ngừng. Đó là cách những người ấy tạo ra được lửa.
36. Trèo Cao Té Đau, Kỳ Vọng và Thất vọng Những ý tưởng cao siêu, những thất vọng mỗi ngày. Chuyện một Tỳ kheo trẻ với thầy Ajahn Chah. Một Tỳ kheo trẻ tự cho mình là một người thiền giỏi. Vị Tỳ kheo đó đã đến gặp thầy Ajahn Chah tại chùa tổ đình Wat Pah Pong và thuật lại những kinh nghiệm mình đã học tu từ những thiền sư khác nhau. Vị Tỳ kheo cảm thấy khi kể như vậy chắc sẽ tạo ấn tượng với Ajahn Chah. Nghe xong, thầy Ajahn Chah chẳng nói lời nào, thầy rời khỏi ghế ngồi, rồi bò xuống sàn nhà trên hai tay hai chân và thầy bắt đầu làm như một con chó đang sủa quanh. Vị Tỳ kheo trẻ nhìn và tức cười và nghĩ rằng thầy Ajahn Chah đang muốn nói với mình điều gì đó.
Vị Tỳ kheo ở lại đó tu học, và sau đó vị đó nhận thấy mình chẳng tu được gì và cuộc sống của mình thật vô nghĩa, vô vị, tẻ nhạt. Tự quyết rằng mình sẽ không chỉ cười cho qua nữa, vị Tỳ kheo đến gặp thầy Ajahn Chah.
Ajahn Chah nói rằng: "Thầy giống như một con sóc con. Nó nhìn thấy những con sóc lớn leo trèo lên các cây cao, chạy nhảy trên cành, và nó muốn làm theo như vậy, nên nó bò ra cành cây, rồi bị mất thăng bằng. Bầm! Nó rớt xuống đất. Sóc mẹ tha nó lên lại trên cây, nhưng sóc con vẫn cứ muốn chạy và nhảy trên đó; Nó lại trượt chân. Bầm! Lại rớt xuống đất". Thầy Ajahn Chah tiếp tục câu chuyện về con sóc con cứ rớt và lại rớt xuống đất liên tục nhiều lần, cho đến lúc vị Tỳ kheo (khi nãy đã quyết chí sẽ không cười) ngã lăn xuống sàn kuti và cười ngặt cười nghẻo.
Nhưng sau này vị Tỳ kheo đó vẫn bất mãn vì không thể sống theo cảnh sống ở chùa này, mặc dù vị ấy đã cố gắng tuân thủ tất cả giới luật và thanh quy ở chùa. (Vị ấy cứ nghĩ nơi cửa không thì cái gì cũng hoàn hảo, cao quý, thánh thiện, và việc thiền tập sẽ thánh thiện và cao siêu hơn nhiều. Nhưng khi đến chùa ở, vị ấy thấy rằng mọi thứ sinh hoạt và tu hành đều trông rất đời thường, không như mình đã tưởng tượng). Vị ấy lại đến gặp thầy Ajahn Chah và bày tỏ sự bất mãn của mình. Ajahn Chah lại nói cho vị Tỳ kheo một câu chuyện khác.
"Có một con lừa thường lắng nghe con dế kêu. Con lừa nghĩ "Làm sao nó có thể hát hay như con dế vậy!" Con lừa đi hỏi những con vật khác để biết được bí quyết của con dế. Những con vật khác nói là con dế nhờ uống nước sương nên có giọng hát hay.
"Do vậy, mỗi sáng hôm sau con lừa cứ đi liếm nước sương đọng trên cỏ, và đến một ngày nó mở miệng ra hát. Nhưng đó vẫn là tiếng 'be be' của một con cừu."