Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 79. Chuyển Hóa Vượt Lên Trên »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 79. Chuyển Hóa Vượt Lên Trên

Donate

(Lượt xem: 3.767)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 79. Chuyển Hóa Vượt Lên Trên

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(130) Khi nhóm năm người bạn tu khổ hạnh (131) từ bỏ Đức Phật, Phật nhìn thấy đó là một dịp may, bởi từ đây Phật có thể tự mình tiếp tục tu tập theo cách của mình mà không bị cản trở. Có năm người tu khổ hạnh với mình, mọi thứ không thực yên ổn, Phật phải có nhiều trách phận với họ. Và giờ họ đã tẩy chay Phật bởi họ cảm thấy Phật lơ là việc tu hành xác và bắt đầu chuyển qua hướng khác. Trước đó Phật đã quyết tâm tu kiểu khổ hạnh và hành xác bản thân. Trong sự ăn uống ngủ nghỉ, Phật đã hành hạ bản thân mình một cách khắc nghiệt. Nhưng đã đến lúc, đã đến lúc nhìn thẳng vào sự tu hành kiểu đó, Phật thấy cách tu đó chẳng mang lại lợi lạc hay kết quả gì tốt. Đó chỉ là do cách nhìn tà kiến, tu chỉ vì cái 'ta' và vì sự dính chấp. Với cách tu như vậy Phật đã nhận lầm những giá trị thế tục và nhận lầm mình là sự thật.

Ví dụ, nếu ai quyết định dấn thân vào những hành vi hành xác khổ hạnh đủ để được tiếng khen thì kiểu tu tập đó hoàn toàn chỉ là “thế tục”, để được danh tiếng và được người ta nể phục. Tu tập kiểu đó thì được gọi là “lầm lẫn cách thế tục với cách của sự thật chân lý.” (Cách hành xác để tìm ra sự thật là cách không đúng đắn).

Một cách khác của kiểu tu này là “nhận lầm quan điểm của mình là sự thật, chân lý.” (Quan điểm riêng của một người thế tục khó có thể là chân lý). Họ chỉ tin vào họ, chỉ tin vào cách tu cua nhóm họ. Dù ai có nói gì họ cũng cứ dấn thân vào cách tu khó hiểu đó. Họ không xem xét cẩn thận việc tu tập như vậy là gì. Điều đó được gọi là “nhận lầm bản thân mình là sự thật, chân lý”.

Dù bạn có nhận lấy thế gian hay bản thân mình là sự thật hay chân lý thì cũng đều là sai, đó cũng chỉ là một sự chấp thủ mù quáng. Đức Phật đã nhìn ra điều đó và thấy nó “chẳng dính líu gì đến chân lý hay Giáo Pháp”, đó chẳng phải là cách tu để tìm ra chân lý. Bởi vậy cách tu hành xác trước đó của Phật chẳng mang lại kết quả gì, chẳng trừ bỏ được những ô nhiễm trong tâm.

Nhìn kỹ lại cách tu như vậy, Phật thấy đơn giản là nó không đúng đắn. Nó chỉ đầy cái tự ta tự ngã và đầy tính thế tục. Không thấy Giáo Pháp, không thấy sự thật, không thấy có trí tuệ để nhìn ra tính vô ngã (anattã), không nhìn thấy tính không, không thấy có sự buông bỏ nào trong cách tu đó. Cũng có loại buông bỏ (như buông bỏ khoái lạc, tiện nghi...), nhưng đó chỉ là loại buông bỏ để còn lại những loại không buông bỏ.

Nhìn thấy như vậy, nhưng dù Phật có muốn giải thích cho năm người bạn tu đó hiểu cũng khó làm cho họ hiểu được. Đó không phải là điều dễ dàng chuyển tải cho họ để họ hiểu, bởi những người tu hành xác khổ hạnh đã dính nặng vào cách tu cổ hủ này và cách họ nhìn mọi thứ trên đời. Phật nhận ra người ta chỉ tu như vậy cho đến chết, hoặc đến lúc chết đói chết khát, thì họ vẫn không đạt đến điều gì cả, bởi đó chỉ là cách tu được khởi xướng bằng tính tự ta tự ngã và bởi những giá trị thế tục.

Suy xét thấu đáo, Phật nhìn ra cách tu đúng đắn, đó là cách tu chánh đạo, sammã patipadã: Tâm là tâm, thân là thân. Thân không phải là tham muốn hay ô nhiễm. Dù họ có cố hủy diệt cái thân thì họ cũng chẳng thể nào tiêu diệt được những ô nhiễm. Thân không phải là nguồn gốc của ô nhiễm. Dù cho có nhịn đói, nhịn ngủ, ép xác, hành xác đến kiệt quệ thì những ô nhiễm vẫn còn đó. Nhưng cái niềm tin cổ hủ cho rằng những ô nhiễm (và tội lỗi) của con người có thể được trừ khử bằng phương pháp hành xác như vậy, đó là giáo lý hành xác khổ hạnh đã ngấm quá sâu vào trong tâm trí của năm người bạn tu đó.

Vậy là Phật bắt đầu ăn uống trở lại bình thường, tu theo cách thức tự nhiên hơn. Khi nhìn thấy Phật làm vậy, năm người kia cho rằng Phật đã bỏ cuộc và đã quay lại hưởng thụ các khoái lạc giác quan của thân. Sự hiểu biết của Phật lúc đó đang chuyển đổi lên một trình độ cao hơn, vượt lên những hình tướng bề ngoài của thế tục; trong khi đó năm người kia lại cho rằng cách nhìn của Phật đang suy đồi, đang quay lại đời sống khoái lạc thân xác. Lý tu hành xác khổ hạnh đã ăn sâu vào trí não của năm người đó, Phật trước đó cũng từng được dạy và thực hành như vậy. Giờ Phật nhìn ra cái sai của cách tu đó. Bằng cách nhìn thấy rõ ràng cái sai lầm đó, Phật đã có thể từ bỏ lối tu đó.

Năm người kia thấy Phật làm vậy nên từ bỏ Phật, không đi theo Phật nữa, giống như những con chim rời bỏ cành cây vì cây đó không còn bóng che nữa. Phật cũng từ giã họ như con cá rời khỏi ao nước quá nhỏ, quá ô nhiễm, nước không mát lành.

Bắt đầu từ giờ Phật tập trung vào việc suy xét quán chiếu về Giáo Pháp. Phật ăn uống thoải mái hơn và sống tự nhiên hơn. Phật cứ để tâm như là tâm, thân chỉ là thân. Phật không ép mình tu kiểu ép xác; Phật chỉ tu theo cách đủ để buông bỏ bớt những tham, sân, si. Trước đây, Phật đã đi qua hai loại ý thức sống. Thứ nhất là sống chạy theo và sống vì những khoái lạc giác quan (dục lạc)—kamasukallikanuyogo. Khi thứ gì làm khởi sinh sướng thích thì chạy theo chúng, mê chấp theo chúng. Nhận chúng là mình, nhận sự sướng sự thích là của mình và do vậy không bao giờ chịu buông bỏ. (Đó là cách sống và thói tâm của đại đa số con người, hầu hết chúng ta sống, làm và làm tất cả vì những quyền lợi vật chất, vì sự hưởng thụ những khoái lạc giác quan, ví dụ như tiền của, sắc đẹp, địa vị, danh phận, thức ăn, thức uống...) Khi có sự sướng sự thích là người ta dính vào nó, muốn nắm giữ nó và muốn có thêm nó, đó là dục vọng tham muốn, và chính dục vọng đó gây ra khổ đau. (Khổ vì tất cả đều vô thường nên không giữ được cái sướng cái thích đó, hoặc/và khổ vì không thể có thêm cái sướng cái thích đó, hoặc/và khổ vì không thể nào thỏa mãn hết những dục vọng tham muốn. Tham dục của con người là vô cùng.)

Ngược lại, một ý thức sống cực đoan tự hành xác bản thân để mong tìm được chân lý tâm linh nào đó. Đó được gọi là sống dấn thân vào việc khổ hạnh hành xác— attakilamathãnuyogo.

Cả hai lối nghĩ và lối sống chạy theo khoái lạc giác quan và dấn thân vào khổ hạnh hành xác đều là cực đoan. Mê sướng và hành khổ đều không phải là lối sống và cách tu đúng đắn.

Phật đã từng bị dính vào hai hoàn cảnh đó. Phật nhận ra hai cách đó không thể là cách của bậc tu sĩ, của bậc sa môn (samana). Mê đắm theo sướng khoái và dấn thân vào khổ hạnh: bậc sa môn với mục đích giải thoát tâm linh thì không thể nào dính vào những hướng như vậy. Dính theo những cách đó không phải là con đường đúng đắn. Dính vào hai cách đó thì sẽ bị (i) dính kẹt vào quan điểm về cái ta tự ngã và (ii) dính kẹt vào thế gian thế tục. Nếu cứ còn dính cách này hay dính cách khác trong hai cực đoan đó thì chẳng bao giờ trở thành người hiểu biết thế giới một cách rõ ràng. Nếu còn vương vấn vào hai cách đó thì người ta cứ suốt đòi chạy từ cực đoan này sang cực đoan kia. (Lúc mê sướng khoái thấy chán chê sa đọa thì quay qua hành xác để mong tìm chân lý tâm linh; lúc dấn thân hành hạ thân xác khổ đau quá thì quay lại tìm sự khoái sướng, cứu thân. Không bao giờ có sự cân bằng và bình an). Giờ Phật đã quyết tâm chọn cách sống và cách tu mang tính cân bằng và tự nhiên khác.

Tất cả mọi khía cạnh của tự nhiên diễn tiến theo những điều kiện tác động trợ duyên của chúng, bản thân chúng không phải là vấn đề khó khổ gì cả. Ví dụ, bệnh tật trong thân này. Thân nếm trải sự đau đớn, bệnh yếu, sốt nóng, rét lạnh, vân vân. Tất cả đều xảy ra theo cách tự nhiên. Thực ra người đời lo lắng quá nhiều cho thân thể của mình. Ai đụng đến thân họ thì biết, họ quá lo lắng cho thân và dính chặt vào thân thể, bởi họ dính cách nhìn sai lạc về thân, do vậy chẳng bao giờ buông bỏ được nó.

Nhìn vào cái sảnh đường này. Chúng ta xây nó lên rồi gọi đó là sảnh đường của chúng ta, nhưng nhìn coi, thằn lằn đến ở, chuột đến ở, nhện và tắc kè cũng đến ở; và chúng ta thường đuổi chúng đi, bởi chúng ta cứ nghĩ sảnh đường là của chúng ta chứ không phải của tụi chuột hay thằn lằn...

Cũng giống như bệnh tật trong người. Chúng ta coi thân này là nhà của mình, là thứ gì đó thực sự thuộc về mình. Hễ khi thân bị nhức đầu hay đau bao tử chúng ta thấy bực tức, chúng ta không muốn thân bị đau đớn và khổ sở. Chân này là 'chân của ta', ta không muốn nó bị thương hay bị đau; tay này là 'tay của ta', ta không muốn có chuyện gì xảy ra với nó. Chúng ta tìm mọi cách và bằng mọi giá để phòng vệ và chữa chạy những đau đớn và bệnh tật cho cái thân này.

Đây chính là chỗ chúng ta bị lừa và bị xa rời khỏi thực tại và sự thật. Chúng ta chỉ là những kẻ đến ở trọ trong những thân này. Cũng như cái sảnh đường này, nó đâu có thực là của chúng ta. Chúng ta chỉ là kẻ đến ở tạm, cũng giống như lũ chuột, thằn lằn, tắc kè... nhưng chúng ta chẳng hề biết đúng như vậy. Thân này cũng vậy thôi. Đúng thực Phật đã dạy rằng chẳng có một cái 'ta' cố định hay một 'linh hồn' cố định nào bên trong tấm thân này, nhưng người đời thì cứ đi nắm chấp vào tấm thân này và coi nó là 'của ta', là 'ta', là 'người' này, 'người' nọ... Khi cơ thể thay đổi biến đổi, chúng ta không muốn nó làm vậy. Dù ai có nói đến bao nhiêu lần, chúng ta vẫn không muốn hiểu. Nói thẳng ra chúng ta quá ngu si. “Đây không phải là ta”, tôi càng nói quý vị càng không nghe, quý vị càng thêm rối tâm rối trí, và do vậy quý vị càng tu chỉ càng củng cố thêm cái 'ta' cái 'ngã' mà thôi.

Vậy đó, hầu hết mọi người không thực sự nhìn ra cái 'ta' đúng thực là gì. Người nhìn thấy cái 'ta' đúng thực là gì là người biết rõ “đây không phải là cái 'ta' hay cái 'của ta' nào hết.” Người đó nhìn thấy cái 'ta' đúng như nó trong thực tại tự nhiên là gì. (Cái 'ta' trong thực tại là cái 'ta' giả lập, không phải cố định và không có thực tự tính nào cả. Và đặc biệt cái 'ta' càng không phải là cái thân vô thường này). Nhìn thấy cái ta qua sức mạnh của sự dính chấp thì không phải là sự nhìn thấy đích thực. Sự dính chấp (thân kiến, ngã kiến) can thiệp vào tất cả mọi chuyện. Thật khó để con người nhận ra thân này đúng thực nó là gì, bởi sự dính chấp đó (upãdãna) dính chặt vào tất cả mọi chuyện.

Do vậy, chúng ta đã được dạy phải suy xét điều tra để hiểu biết một cách rõ ràng bằng trí tuệ. Điều này có nghĩa là điều tra những thứ hữu vi (sankhãrã) theo đúng bản chất đích thực của chúng. Dùng trí tuệ. Sự hiểu biết được bản chất đích thực của các thứ hữu vi (sankhãrã) chính là trí tuệ. Nếu bạn không hiểu biết bản chất đích thực của những thứ hữu vi hay các thân hành giả lập thì chúng ta sẽ bị chúng làm khổ, thì chúng ta phải luôn luôn chống chọi với chúng một cách khổ sở. Vậy bây giờ tốt nhất phải làm sao? Tốt nhất nên buông bỏ những thân hành hữu vi (sankhãrã) hơn là cứ cố chống chọi với chúng. Nhưng chúng ta cứ luôn cầu xin chúng nghe theo ý ta. Chúng ta tìm mọi cách để làm cho chúng ổn thỏa hoặc cứ “thương lượng” với chúng để chúng tồn tại theo ý ta. Khi thân thể bị bệnh đau, chúng ta không muốn nó bị vậy, nên chúng ta lục lọi tìm ra mấy bài kinh để tụng, ví dụ như kinh Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Bojjhango), kinh Chuyển Pháp Luân ( Dhammacakkappavattana), kinh Vô Ngã Tướng (Anatta lakkhana), vân vân. Chúng ta cứ tụng niệm, không muốn thân bị bệnh đau, chúng ta muốn bảo vệ nó, muốn kiểm soát nó. Vậy là mấy bài kinh trở thành một số lễ nghi tụng niệm huyền bí, làm cho chúng ta càng thêm lạc rối trong sự dính chấp. (Dính chấp thân, rồi dính chấp vào sự tụng kinh nữa). Chúng ta tụng kinh vì muốn xua đuổi bệnh tật, muốn trường thọ sức khỏe và sự sống, vân vân. Thực ra Đức Phật đã nói ra những lời dạy để chúng ta nhìn thấy rõ ràng mọi thứ, nhưng chúng ta lại đem những lời đó đi tụng đọc chỉ để làm tăng thêm sự ngu mờ và dính chấp mà thôi. Rũpam aniccam, vedanã aniccã, sannã aniccã, sankhãrã anicca, vinnãnam aniccam....[sắc thân là vô thường, cảm giác vô thường, nhận thức vô thường, ý nghĩ vô thường, tâm thức vô thường.... năm uẩn là vô thường]. Chúng ta không nên tụng những câu này với mong muốn hết bệnh tật, nghĩ vậy và tụng vậy chỉ làm tăng thêm sự ngu mờ vô minh mà thôi. Đó là những câu tâm niệm để nhắc chúng ta hiểu biết sự thật của thân này, nhờ đó chúng ta có thể buông bỏ thân này và buông bỏ sự ràng buộc dính chấp vào nó.

Tụng niệm là để cắt bỏ những dính chấp sai lầm, nhưng chúng ta thường tụng để làm tăng thêm tất cả những dính chấp. Chúng ta tụng để muốn mọi thứ được chữa trị theo ý muốn của chúng ta. Tất cả những người ngồi đây đều ngu si, ai cũng vậy. Những người tụng là ngu si, những người nghe cũng ngu si, tất cả đều ngu si! Tất cả họ chỉ biết nghĩ: “Làm sao chúng ta tránh được đau khổ?” Cứ vậy thì họ tu là tu ở chỗ nào?

Khi có bệnh tật phát lên, những ai hiểu biết thì không lấy làm lạ với nó. Đã sinh ra trên đời này thì phải nếm trải khổ đau bệnh tật chứ sao tránh được. Phật và những Thánh Nhân cũng mắc bệnh theo tiến trình tự nhiên và cũng nương theo tiến trình tự nhiên đó mà trị liệu bằng thuốc thang để giảm bớt đau bệnh phần nào. Đối với họ việc trị liệu chỉ đơn giản là sự điều chỉnh chút ít những yếu tố tự nhiên đang gây ra bệnh đau. Họ không mù quáng nắm giữ cái thân này hoặc dính mắc vào những lễ nghi tụng niệm huyền hoặc như vậy. Họ không dùng cách mê tín. Họ trị liệu bệnh đau bằng chánh kiến, họ không trị liệu bằng sự ngu si, mê tín. “Nếu bệnh đau có hết thì nó hết, nếu nó không hết thì không hết”— đó là cách của người trí nhìn vào vấn đề bệnh tật đau đớn.

Nhiều người nói đạo Phật ngày nay phát triển mạnh ở Thái Lan, nhưng tôi lại nghĩ dường như nó đang chìm nghỉm quá xa. Sảnh đường giảng Pháp này có đầy những cái tai đang chú tâm, nhưng họ chú tâm một cách sai lạc. Ngay cả những tăng sĩ thâm niên, những sư bác, sư chú, sư huynh trong Tăng đoàn này cũng như vậy, do vậy mọi người chỉ đang dẫn dắt nhau đi trong sự ngu mờ vô minh mà thôi.

Người nhận ra điều này sẽ biết được rằng sự tu tập đích thực hầu như ngược lại với hầu hết những gì mọi người đang làm, hai đàng tu thiệt và tu hình thức ít khi bên nào hiểu biết bên nào. Vậy làm sao những người đó vượt thoát khỏi khổ? Lẽ ra họ tụng niệm để hiểu biết về sự thật nhưng họ lại tụng đọc theo nghĩa khác và chỉ làm tăng thêm sự ngu mờ, dính mắc. Họ quay lưng bước trái khỏi con đường chánh đạo. Người đi đằng đông, kẻ đi đằng tây—vậy biết khi nào họ mới gặp nhau được? Họ thậm chí chẳng bao giờ gần nhau được.

Nếu quý vị chịu khó nhìn vào nơi này, quý vị sẽ thấy trường hợp ở đây cũng đang như vậy. Gần hết mọi người đều đang lạc lối. Nhưng làm sao chúng ta có thể nói cho họ biết? Mọi thứ đã trở thành những nghi lễ và phong tục và những lễ lạt cúng bái mê tín. Họ tụng kinh nhưng tụng đọc với sự ngu dốt, họ không tụng niệm bằng trí tuệ. Họ tu học, nhưng họ tu học với sự ngu si, chứ không có trí tuệ. Họ biết mà biết một cách ngu si, chứ không hiểu biết bằng trí tuệ. Chuyện đang là vậy đó. Còn chuyện dạy... thời bây giờ họ toàn chỉ dạy để mọi người trở thành ngu dốt. Họ nói họ đang dạy mọi người để mọi người khôn ngoan hơn, dạy cho họ nhiều sự hiểu biết; nhưng nếu chúng ta nhìn vào việc đó dưới góc độ sự thật, chúng ta sẽ nhìn thấy họ đang dạy mọi người đi sai lạc và nắm chấp thêm nhiều thứ giả danh, giả lập, giả lừa.

Cái nền tảng thực thụ của giáo lý là dạy để người ta nhìn thấy sự thật của cái 'ta' (attã), tức cái 'ngã', chỉ là thứ trống không, nó không có một tự tánh cố định nào cả. Nó không có một thực thể hay một chủ thể nào hết. Nhưng người ta cứ đi tu đi học Giáo Pháp chỉ để làm tăng thêm cái 'ta' và ngã kiến của mình, bởi vậy họ cứ suốt đời không muốn bị khổ đau hay bệnh tật. Họ muốn mọi thứ đều êm ấm, tốt hoài. Có lẽ họ cũng muốn thoát khổ, nhưng nếu vẫn còn chấp có cái 'ta' như vậy thì làm sao họ làm được việc đại sự đó?

Chỉ cần suy xét.... Giả sử chúng ta sắp có được một thứ rất đắt tiền. Ngay khi thứ đó trở thành của ta, tâm chúng ta sẽ thay đổi liền... “Giờ ta phải giữ nó ở đâu? Nếu để lơ là sẽ có người ăn cắp ngay.” Chúng ta lo lắng, cố gắng tìm chỗ an toàn để cất giữ. Và tâm thay đổi từ lúc nào? Nó thay đổi ngay giây khắc chúng ta sở hữu thứ đó—khổ đã khởi sinh ngay chỗ đó. Dù cất thứ đó ở đâu chúng ta vẫn không yên tâm, do vậy chúng ta chỉ mang thêm sự lo lắng, phiền não. Khi đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm, chúng ta đều lạc tâm theo sự lo âu đó.

Đây là khổ. Khổ khởi sinh từ lúc nào vậy? Nó khởi sinh ngay khi chúng ta biết chúng ta có được thứ đắt tiền đó, khổ khởi sinh ngay đó. Trước kia không có cái của đó thì đâu có khổ như vậy. Trước kia không có khổ bởi đâu có thứ đó để ta ôm dính vào nó.

Attã, cái 'ta' cũng vậy. Nếu chúng ta cứ nghĩ theo những góc độ của cái 'ta' thì mọi thứ xung quanh sẽ trở thành “của ta” hết. (Chúng ta nói, làm, nghĩ, sân, tham... tất cả vì cái 'ta', theo cái 'ta'; chúng ta nhìn mọi thứ theo chủ quan cái 'ta' và theo lợi ích của cái 'ta'. Điều đó đã trở thành những thói tâm hay bản năng ích kỷ tự bao đời bao kiếp). Và do vậy sự ngu mờ ngu si cũng có theo. Tại sao vậy? Tất cả là do có một cái 'ta', bởi chúng ta chỉ nhìn những thứ giả lập và coi đó là của 'ta', bởi chúng ta không lột bỏ cái hình tướng giả lập để nhìn thấy sự chuyển hóa siêu việt bên trong. Quý vị thấy đó, cái 'ta' chỉ là thứ giả lập bề ngoài. Chúng ta cần phải lột bỏ cái vỏ bọc bề ngoài để nhìn thấy cái cốt lõi của vấn đề, đó là cái siêu việt vượt trên những hình tướng giả lập của thế gian. Lật tẩy cái thứ giả lập đó để tìm lối vượt lên giải thoát.

Bạn có thể so sánh như cây lúa. Lúa chưa gặt có thể ăn được không? Để có thể ăn được, trước tiên cần phải gặt lúa. Sau đó phải xay lúa để bóc hết vỏ trấu, chúng ta sẽ có hạt gạo bên trong. Lúc đó mới nấu gạo ăn được.

Giờ nếu ta không gặt lúa... thì không có lúa để xay ra gạo. Như con chó đang nằm ngủ trên đống lúa mới gặt về. Bụng nó đói meo nhưng nó chỉ biết nằm lì trên đống lúa và nghĩ “Mình phải kiếm thứ gì để ăn?” Rồi nó chạy đi tìm những thứ người ta vứt cho nó ăn. Nó nằm trên đống lúa nhưng chẳng bao giờ biết có gạo thơm cơm ngọt nằm bên trong đống lúa. Tại sao? Bởi nó không nhìn thấy gạo bên trong lúa. Thức ăn nằm dưới nó nhưng nó đâu biết, thức ăn đã bị che.

Chúng ta có thể học nhiều nhưng nếu không tu tập theo những điều đã học thì chúng ta sẽ không thực sự biết được gì, cũng giống như con chó không thể nào nhìn thấy gạo nằm bên trong đống lúa. Nó nằm ngủ trên đó, nhưng chẳng biết gì bên trong đống lúa. Thật xấu hổ cho nó, phải không?

Vỏ trấu dày đã che khuất hạt gạo bên trong. Vỏ trấu dày che khuất gạo nên con chó không nhìn thấy thức ăn nằm bên trong lúa. Đây là chỗ để nhìn và nhìn ra để vượt qua sự ngu mờ. Nhìn lúa và hạt lúa một cách đúng đắn để biết rõ chúng chỉ là những hình tướng bề ngoài, để nhìn ra thứ gì nằm giấu bên trong nó: bên trong mới là thứ có giá trị, đó là sự siêu việt vượt lên khỏi những hình tướng giả tạm bề ngoài của mọi sự vật trên thế gian. Cái gì che giấu cái gì? Cái hình tướng nhìn thấy bề ngoài đang che giấu sự thật bên trong. Điều này làm cho người phàm trần chỉ biết “ngồi trên đống lúa mà không thể ăn gạo bên trong nó”; điều này làm cho họ không thể tu tập, không thể nhìn thấy sự siêu việt để vượt lên và giải thoát. Do vậy muôn đời muôn kiếp họ cứ bị dính mắc vào những hình tướng bề ngoài của mọi thứ trên thế gian. Nếu chúng ta còn dính vào những hình tướng giả lập, khổ luôn luôn còn đầy rẫy, ta cứ mãi mãi bị trầm luân trong muôn vàn khổ đau của sự trở thành, sự sinh, già, bệnh và chết.

Không gì ngăn trở nữa, họ chỉ bị ngăn trở bởi ngay chỗ này. Người học Giáo Pháp mà không thực hành để hiểu thấu ý nghĩa sự thật thì cũng giống như con chó đang nằm ngủ trên đống lúa, nó chẳng bao giờ biết hay nhìn thấy gạo cơm bên trong đống lúa. Nó có thể chết đói hoặc chạy lăng xăng chỗ này chỗ nọ để kiếm những miếng ăn qua ngày. Con chó không nhìn thấy và không biết lấy gạo bên trong đống lúa để làm thức ăn ngon lành. Nhiều con chó nằm chết đói ngay trên những đống lúa...! Con người cũng giống vậy. Dù có học hỏi Phật Pháp nhiều đến mức nào thì cũng chẳng nhìn thấy gì nếu không chịu tu tập. Nếu không nhìn thấy nó thì không biết về nó.

Đừng nghĩ rằng cứ học nhiều giáo lý là biết nhiều về Phật Pháp. Nhìn thấy kiểu như vậy chỉ là nhìn thấy do có mắt để nhìn, có tai để nghe. Bạn có thể nhìn thấy nhưng bạn không nhìn thấy thấu suốt và toàn diện sự thật bên trong là gì. Bạn chỉ đang nhìn thấy bằng mắt trần bên ngoài, chứ không phải bằng “con mắt bên trong”; bạn chỉ nghe bằng tai trần bên ngoài, chứ không phải bằng cái “tai bên trong.”

Nếu bạn biết lật tẩy cái hình tướng bề ngoài và để lộ ra cái siêu việt bên trong, thì bạn đạt đến sự thật và nhìn thấy nó một cách rõ ràng. Lúc đó bạn có thể nhổ sạch cái giả lập che đậy bề ngoài và nhổ sạch tận gốc những cách nhìn sai lầm và những dính chấp sai lạc.

Điều này cũng giống như trái cây ngọt: trái cây có vị ngon ngọt theo miêu tả ai mà không biết, nhưng để biết thực thụ chúng ta phải dùng vị giác của lưỡi và tự mình nếm trải vị ngọt đó thì mới thực thụ biết vị ngọt nó là gì. Dù ai nếm hay không thì vị ngọt nó vẫn ngọt vậy. Vị ngọt vẫn ở đó, nhưng chẳng ai biết về vị ngọt đó. Giáo Pháp của Đức Phật cũng giống như vậy. Dù đó là sự thật là chân lý, nhưng đó không phải là sự thật cho những ai không thực thụ biết về nó. Dù sự thật đó là siêu việt và tốt lành nhất nhưng nó vẫn là vô giá trị và vô nghĩa đối vói kẻ không biết đến nó hoặc không chịu biết đến nó.

Vậy tại sao con người cứ nắm chấp những thứ khổ đau? Ai trên thế gian muốn tạo khổ, giáng khổ lên họ? Dĩ nhiên là chẳng ai cả. Chẳng ai muốn có khổ đau và chẳng ai muốn tạo ra những nguyên nhân gây khổ đau cho mình cả, nhưng mọi người cứ giống như lang thang tự tìm lấy những khổ đau vô mình vậy. Trong tận đáy lòng, ai cũng muốn tìm thấy hạnh phúc sung sướng, chẳng ai muốn khổ hết. Vậy tại sao cái tâm này của chúng ta cứ tạo tác muôn vàn khó khổ cho ta như vậy? Chỉ cần suy xét ngay chỗ này cũng đủ rồi. Chúng ta không muốn khổ, vậy tại sao chúng ta cứ tạo tác đủ thứ khổ cho mình? Điều dễ thấy là... do chúng ta không hiểu biết về khổ là gì, chúng ta không hiểu biết về sự chấm dứt khổ là gì. Do vậy nên mọi người cứ hành xử theo cách của họ. Làm sao họ không khổ nếu họ cứ tiếp tục hành vi như vậy?

Họ mang cách nhìn sai lạc (micchã-ditthi), nhưng họ không nhìn ra đó là tà kiến sai lạc. Những gì họ nói, họ tin, hay họ làm đều gây ra khổ, đó chính là do tà kiến mà ra. Nếu không phải do tà kiến thì không tạo ra khổ đau. Nếu không bị tà kiến, nếu biết nhìn đúng đắn thì chúng ta không bị dính vào sướng, khổ, hay bất kỳ ttạng thái nào cả. Chúng ta sẽ để cho mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của nó, giống như để cho dòng nước tự nhiên chảy qua. Chúng ta không cần phải ngăn đập bẻ dòng, cứ để nó chảy theo dòng tự nhiên của nó.

Dòng chảy Giáo Pháp là như vậy, nhưng dòng chảy của tâm cứ cố cưỡng lại Giáo Pháp bằng đủ loại tà kiến sai lạc. Nó không thoát khỏi ra chỗ nào cả, nó nhìn bằng tà kiến và do đó, ngay chỗ đó gây ra khổ. Khổ là do tà kiến, điều này người ta không nhìn ra. Thực sự, nhìn vào bên trong là việc đáng để làm. Khi nào chúng ta có tà kiến chúng ta sẽ nếm trải khổ. Khi vẫn còn cách nhìn sai lạc thì chúng ta nếm trải khổ đau, nếu không ngay bây giờ thì sau đó cũng nếm thôi.

Người ta bị đi lạc ngay chỗ này. Cái gì ngăn trở họ? Các hình tướng bề ngoài của thế gian đang ngăn che cái sự thật siêu việt bên trong, ngăn che không cho người ta nhìn thấy cái siêu việt đúng đắn. Người ta học, người ta nghiên cứu, người ta thực hành bằng sự ngu mờ vô minh, giống như người đã mất phương hướng. Người đó đi đằng tây mà đầu nghĩ mình đi đằng đông, đi lên bắc mà nghĩ mình đang đi xuống nam. Mức độ lạc lối của người đời đến mức vậy đó. Nhiều người tu cũng như vậy. Kiểu tu lộn đường lộn hướng như vậy thực ra chỉ được phần cặn bã của sự tu hành, nói thiệt ra đó là tai họa. Nó là tai họa bởi họ cứ quay lưng và đi theo hướng ngược lại, họ rời xa khỏi mục tiêu tu tập Giáo Pháp.

Những tình cảnh này gây ra khó khổ, đã vậy nhiều người còn nghĩ họ làm như vầy, họ nhớ như vậy, nghiên cứu như vầy như vậy sẽ là nguyên nhân diệt trừ khổ đau. Giống như người chỉ muốn ôm hết mọi thứ. Người đó muốn có càng nhiều càng tốt, vì nghĩ rằng có đủ nhiều thứ thì sẽ bớt khổ. Cách người đời là như vậy, nhưng cách nghĩ như vậy là đã lệch xa khỏi con đường chánh đạo, nghĩ như vậy cũng như người đi bắc kẻ đi nam nhưng họ cứ nghĩ họ đang đi cùng đường.

Hầu hết mọi người đều dính kẹt vào khổ đau, họ vẫn còn lang thang trôi giạt trong vòng luân hồi (samsãra), chỉ do họ vẫn còn cách nghĩ sai lầm như vậy. Khi có bệnh tật đau đớn khởi sinh, họ chỉ biết hỏi làm sao để khỏi bệnh khỏi đau. Họ muốn bệnh tật phải hết ngay, họ lo chạy chữa bệnh đau bằng mọi giá. (Nghĩ vậy thì cũng không có gì mất đạo đức). Có điều họ không biết xem xét quy luật tự nhiên của thân hành, của những thứ hữu vi. Chẳng ai chịu suy nghĩ về quy luật đó. Nên mỗi khi thân thể thay đổi họ không chịu nổi, họ không chấp nhận bệnh, đau, già; họ cứ kiên quyết tìm mọi cách, bằng mọi giá để chống chọi với bệnh, với đau, với già. Nhưng rốt cuộc họ cũng đâu thắng được bệnh tật đau đớn, họ đâu thể nào đánh bại lẽ thật. Tất cả rồi sẽ đều tan rã. Thân này cũng tan rã. Đây là lẽ thật mà chẳng ai muốn nhìn vào, họ cứ ngoan cố củng cố cái cách nhìn sai lạc của họ.

Tu tập để giác ngộ Giáo Pháp là điều tốt lành nhất, đó là điều nên làm nhất. Tại sao Phật tu dưỡng tất cả những phẩm hạnh Hoàn Thiện nhất (Ba la mật)? Phật tu tập những phẩm hạnh đó để giúp mình có thể nhìn thấy Giáo Pháp, để hiểu biết Giáo Pháp, để tu theo Giáo Pháp và trở thành là Giáo Pháp—nhờ đó có thể buông bỏ mọi thứ, xả bỏ tất cả mọi gánh nặng.

“Đừng dính chấp vào thứ gì.” Hay nói cách khác: “Nắm bắt, chứ đừng nắm giữ.” Nối cách này cũng đúng. Nếu chúng ta thấy thứ gì, nếm trải thứ gì, bắt lấy nó và nhìn nó... “Ồ, nó là vậy.”... rồi bỏ nó xuống. Khi chúng ta thấy thứ gì khác, nhận lấy nó... nắm bắt nó, hiểu biết nó, rồi buông bỏ nó. Nếu bạn cứ nắm giữ, không chịu buông bỏ nó, cứ mang nó theo mình mà không đặt nó xuống, thì bạn phải mang nặng, gánh nặng. Bạn cứ nắm bắt nó và mang nó một lúc, nhưng khi thấy mỏi tay thì đặt nó xuống ngay, vất bỏ nó luôn. Đừng tự mang gánh nặng cho mình, đừng tự tạo khó khổ cho mình.

Chỗ này chúng ta nên biết, đó là nguyên nhân của khổ. Nếu chúng ta biết rõ nguyên nhân của khổ, khổ sẽ không khởi sinh. Dù khổ hay sướng khởi sinh thì cũng chỉ do chấp có cái 'ta' (attã). Chắc chắn là có cái 'ta' và cái 'của ta', chắc chắn có cái hình tướng đó, nó nằm sờ sờ bên ngoài đó. Nhưng khi tất cả mọi thứ khởi sinh mà tâm biết đi thẳng vào chỗ sự thật siêu việt thì nó có thể lột sạch cái vỏ bọc của những hình tướng bề ngoài. Nó sẽ lột bỏ hết mọi tham muốn, sân hận và dính chấp (tham sân si) khỏi mọi thứ đó. Cũng giống như khi ta bị mất cái gì ta coi là quý giá... khi ta tìm được nó, mọi sự lo âu đều biến mất.

Ngay cả khi chúng ta chưa nhìn thấy nó, ta cũng đã hết lo lắng. Trước đó ta nghĩ mất nó, ta khổ. Nhưng sau ta nhớ lại mình đã để nó ở chỗ nào đó. Ngay khi nhớ lại, sự khổ biến mất. Ngay khi nhớ lại nó, ngay khi nhìn thấy sự thật, ta cảm thấy vui lại. Điều này được gọi là sự “nhìn thấy bên trong”, nhìn thấy bằng con mắt của tâm, chứ không nhìn thấy bằng con mắt thường bên ngoài. Vì đã nhìn thấy bằng con mắt của tâm, nên không cần nhìn thấy nó bằng mắt thường, sự lo âu liền biến mất.

Điều này là tương tự. Khi chúng ta tu tập Giáo Pháp và chứng ngộ Giáo Pháp, nhìn thấy Giáo Pháp, rồi khi chúng ta gặp một vấn đề, chúng ta giải quyết vấn đề đó ngay lập tức, ngay tại chỗ này và bây giờ. Vấn đề biến mất ngay hoàn toàn, nó được giải bỏ, được đặt xuống.

Giờ Phật muốn chúng ta tiếp xúc với Giáo Pháp, nhưng mọi người chỉ tiếp xúc với câu chữ, sách vở và kinh kệ. Đó là những sự tiếp xúc về vấn đề Giáo Pháp chứ không phải sự tiếp xúc thực thụ với Giáo Pháp. Như vậy làm sao họ có thể nói mình đang tu giỏi hay tu đúng? Họ đang lạc đường lạc lối, còn lâu mới đến được Giáo Pháp.

Đức Phật được biết là người hiểu biết thế giới (lokavidũ) một cách rõ ràng. Hiện tại chúng ta nhìn thấy thế giới, đúng vậy, nhưng không rõ ràng. Chúng ta càng hiểu biết nhiều thì thế giới càng tối mờ đối với chúng ta, bởi sự hiểu biết của chúng ta là mê mờ, đó không phải là sự hiểu biết rõ ràng. Nó là sự hiểu biết sai lạc. Đó được gọi là sự “biết qua bóng tối”, thiếu ánh sáng và sự sáng tỏ.

Mọi người bị dính kẹt chỗ này nhưng đây không phải là chuyện nhỏ. Đó là vần đề hệ trọng. Hầu hết ai cũng thích được tốt lành và hạnh phúc, nhưng họ không biết đâu là nguyên nhân tạo ra sự tốt lành và hạnh phúc đó. Dù là gì đi nữa, nếu không nhìn thấy mặt nguy hại của nó thì chúng ta không chịu từ bỏ. Dù thứ gì xấu xa cỡ nào nhưng nếu chúng ta chưa thực sự nhìn thấy sự nguy hại của nó thì chúng ta vẫn không chịu từ bỏ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự nhìn thấy sự nguy hại của nó một cách không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể từ bỏ nó. Ngay khi nhìn thấy mặt nguy hại của thứ gì và nhìn thấy lợi ích của việc từ bỏ nó, lúc đó có thể xảy ra sự thay đổi trong ta.

Vì sao chúng ta không thể làm được, tại sao chúng ta không thể buông bỏ? Bởi vì chúng ta chưa nhìn thấy sự nguy hại của nó một cách rõ ràng, bởi sự hiểu biết của chúng ta vẫn còn sai lạc, vẫn còn u tối vô minh. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể buông bỏ. Nếu chúng ta hiểu biết rõ ràng như Phật hay A la hán thì chắc chắn sẽ buông bỏ được ngay, chắc chắn mọi khó khổ sẽ giải tỏa hoàn toàn, không còn chút khó khăn.

Khi tai chúng ta nghe âm thanh, cứ để nó làm việc của nó. Khi mắt chúng ta làm chức năng của nó đối với hình sắc, cứ để nó làm việc của nó. Khi mũi làm việc với mùi hương, cứ để nó làm. Khi thân trải nghiệm những chạm xúc, cứ để nó làm tự nhiên. Vậy thì khổ khởi sinh từ chỗ nào? Không còn khổ chỗ nào nữa.

Tương tự, tất cả những thứ thuộc hình tướng thế gian thì cứ để nó với hình tướng của nó. Và sự hiểu biết đúng về nó chính là sự siêu việt, là sự vượt trên hình tướng thế gian. Chỉ cần, ta chỉ cần là cái “người biết”, hiểu biết rõ một cách khách quan và không dính chấp và để yên cho mọi sự diễn ra theo lý tự nhiên của chúng. Tất cả mọi thứ chỉ là như chúng là.

Tất cả mọi của cải, có ai thực sự sở hữu chúng không? Cha, mẹ, anh, chị, họ hàng của chúng ta có ai thực sự sở hữu chúng không? Chẳng ai thực sự sở hữu thứ gì. Do đó Phật đã nói cứ để yên mọi thứ, buông bỏ tất cả. Hiểu biết chúng một cách rõ ràng. Hiểu biết bằng cách bắt lấy chúng, nhưng không nắm giữ chúng, không dính chấp theo chúng, không coi chúng là của mình. Sử dụng mọi thứ theo cách có lợi lạc, chứ không nên tham nắm chúng theo cách có hại, tham nắm chúng sẽ khởi sinh ra đủ thứ khổ.

Hiểu biết Giáo Pháp là hiểu biết theo cách như vậy. Tức là, hiểu biết theo cách để mình chuyển hóa vuợt lên khỏi khổ. Cách hiểu biết như vậy mới là quan trọng. Hiểu biết cách chế tạo ra của cải, cách sử dụng những phương tiện, hiểu biết tất cả những khoa học khác nhau, vân vân, đều có thể là tốt, nhưng đó không phải là cách hiểu biết cao nhất. Giáo Pháp cần phải đuợc hiểu biết theo cách tôi đã giải thích ở đây. Chúng ta không cần phải hiểu biết tất cả, chúng ta chỉ cần một chút này thôi là đủ. Đó là: hiểu biết và buông bỏ.

Không phải tu đến chết chúng ta cũng chưa chuyển hóa vuợt lên khỏi khổ, không phải vậy. Bạn có thể vuợt lên và giải thoát khỏi khổ ngay trong kiếp này, bởi bạn đã biết cách giải quyết vấn đề. Bạn biết về những hình tuớng giả lập bề ngoài của mọi thứ, bạn biết về sự vượt lên khỏi chúng. Vậy phải làm ngay trong kiếp này, làm trong khi bạn đang tu tập. Bạn sẽ chẳng tìm ra nơi nào khác để làm điều này đâu. Đừng dính chấp thứ gì. Nắm bắt, nhưng đừng nắm giữ hay dính chấp.

Bạn có thể thắc mắc: “Sao ông sư này cứ nói hoài về điều này?” Nếu không nói hoài như vậy, làm sao tôi chỉ dạy, làm sao tôi biết nói gì, trong khi sự thật chỉ đúng như tôi đã nói? (Lặp đi lặp lại điều sự thật cũng đâu có thừa.) Mà ngay cả khi đó là sự thật, chúng ta cũng đừng nắm giữ hay dính chấp vào nó! Nếu bạn cứ mù quáng dính y theo nó, nó sẽ trở thành sai lệch. Giống như con chó... nếu bạn cứ cố chụp lấy chân của nó. Nếu bạn không thả con chó ra, nó sẽ quay tròn và táp bạn ngay. Cứ thử đi. Con vật nào cũng phản ứng như vậy. Nếu bạn cứ nắm chân chó chân mèo như vậy, bạn sẽ nhận ngay một cái táp. Những thứ bề ngoài của thế gian cũng vậy. Chúng ta sống theo những quy ước thế gian, chúng có mặt để làm thuận lợi cho cuộc sống xã hội của chúng ta, nhưng chúng ta không nên chấp chặt hay dính y theo chúng, bởi chúng sẽ gây ra khổ đau. Cứ để mọi sự trôi qua tự nhiên. Đừng nắm chặt một điều gì, đừng dính chặt theo một sự gì.

Hễ khi nào chúng ta cảm thấy mình 'chắc chắn' đúng, thì ngay đó là chúng ta đang từ chối không mở lòng cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì: ngay đó là chúng ta sai. Ngay đó trở thành tà kiến. Khi khổ khởi sinh nó khởi sinh từ đâu? Nguyên nhân là cách nhìn sai lạc, khổ là kết quả của tà kiến. Nếu đó là cách nhìn đúng đắn, là chánh kiến thì không gây ra khổ. Sự không khổ là kết quả của chánh kiến.

Do vậy tôi hay nói rằng: “Chừa chỗ trống, đứng lùi lại, đừng dính chặt vào thứ gì.” Ngay cả chữ “đúng đắn” (chánh) cũng chỉ là một cách nói khác, ngay cả chữ này cũng đừng nắm giữ, cứ biết nó như vậy thôi. Chữ “sai lạc, sai trái” (tà) cũng chỉ là trạng thái bề ngoài, cũng chỉ là cách quy ước của thế gian mà thôi, chỉ cần biết nó như vậy. Ngay khi bạn biết mình đúng về điều gì và mọi người đồng ý về điều đó, hãy buông bỏ ngay. Ngay khi biết, buông bỏ luôn. Làm thẳng ngay như vậy.

Nhưng thói đời thường không như vậy. Người đời thường không nhẫn nhịn nhau. Đó là lý do tại sao nhiều người, trong đó có cả người đi tu, cũng không hiểu biết về chính mình, họ thường nói những lời ngu dốt thô thiển và hay nghĩ rằng mình khôn trí hơn người. Họ thường nói những câu thiệt ngu xuẩn đến nỗi người khác không thể nghe, người khác không thể nghĩ rằng họ là khôn trí hơn người. Có người thậm chí chẳng bao giờ biết lắng nghe, họ nghĩ rằng họ thông minh, họ là đúng đắn. Họ chỉ đơn giản đang quảng cáo cái ngu của mình.

Do vậy, người có trí thì nói rằng: “Lời nói nào không chấp nhận lẽ vô thường (aniccam) thì đó không phải là lời của người có trí, đó là lời của kẻ ngu dại. Đó là lời nói ngu mờ vô minh. Đó là lời của kẻ không biết rằng khổ sẽ khởi sinh ngay đó.”

Ví dụ, bạn đã định đi lên thủ đô Bangkok ngày mai, và có người hỏi: “Anh sẽ đi Bangkok ngày mai phải không?” “Tôi hy vọng sẽ đi Bangkok ngày mai. Nếu không bị trở ngại nào, có lẽ tôi sẽ đi.” Đây là cách nói với Giáo Pháp trong tâm, nói với sự hiểu biết trong tâm về lẽ vô thường, nói có hàm chứa lẽ thật, hàm chứa tính chất vô thường thay đổi của mọi sự trên đời. Bạn không trả lời: “Đúng, tôi nhất định đi Bangkok ngày mai”; khi mọi thứ đều không chắc chắn. Lỡ ngày mai bệnh thì sao? Lỡ ngày mai chuyến xe không chạy thì sao? Lỡ tối nay... đổi ý thì sao? Vậy thì đừng nên nói 'chắc' trước về điều gì.

Nói thêm, sự tu tập càng lúc càng trở nên tinh tế hơn. Khi các thầy không nhìn thấy, các thầy có thể nghĩ mình đang nói đúng, mặc dù mình đang nói sai và sai lệch so với bản chất của vấn đề trong từng câu chữ. Về sự thật thì sai hết, nhưng mình vẫn nghĩ mình đang nói đúng. Tóm lại: những gì chúng ta nói mà làm khởi sinh khổ đau thì đó được coi là tà kiến (micchã-ditthi). Đó là sự ngu si và vô minh.

Nhiều người tu không quán chiếu theo cách này. Cái gì họ thích họ coi là đúng, họ chỉ tin vào bản thân mình. Chẳng hạn khi ai nhận được thứ gì, một thứ vật gì hay một chức vụ hay một lời khen, họ nghĩ đó là tốt. Họ cho đó luôn là thứ cố định, thường hữu. Do vậy họ nở mũi, khởi tâm tự cao tự đại, họ không còn biết xem xét “Ta thực sự là ai? Những thứ họ gọi 'tốt' là tốt chỗ nào? Tốt có từ đâu? Người khác có những thứ đó không?” Họ quên suy xét như vậy.

Phật dạy chúng ta phải đối xử bản thân một cách bình thường. Nếu chúng ta không chịu đào sâu vào, nghiền ngẫm và nhìn vào điểm này thì nghĩa là chúng ta vẫn đang bị chìm đắm bên trong chính mình, đang chìm nghỉm trong cái 'ta'. Điều đó có nghĩa là mọi thứ giả lập trên đời vẫn còn bị chôn chặt dưới đáy trái tim và tâm trí của chúng ta chúng ta vẫn không nhìn thấy bản chất thiệt của chúng, chúng ta vẫn chìm đắm trong tiền tài, vinh danh, lời khen, khoái sướng. Do vậy chúng ta đang thành 'người khác' vì những thứ đó. Khi được thứ gì, chúng ta nghĩ mình tốt hơn, nghĩ ta là đặc biệt, và chính chỗ đó mọi sự ngu mờ si mê có mặt.

Thực ra, sự thật đâu có gì liên quan đến con người. Chúng ta ra sao thì chỉ là do chúng ta đang ở bên trong cảnh giới của những điều kiện tạo tác và hình tướng giả lập của thế gian mà thôi. (Còn sự thật thì vượt ngoài thế gian. Sự thật chỉ đơn giản là chân lý, và bên trong chân lý thì đâu có gì liên quan đến con người hay bị tác động bởi con ngưòi. Ví dụ sự thật 'mặt trời mọc hướng đông và lặn hướng tây' là không liên quan gì đến con người. Dù chúng ta buồn hay vui, sống hay chết, sự thật đó vẫn là sự thật).

Nếu chúng ta lột bỏ hình tướng giả lập của thế tục và nhìn thấy sự thật siêu việt, thì chúng ta nhìn ra chẳng có thứ gì ở đó. (Mọi thứ chỉ là giả lập). Ở đó đơn giản chỉ là những tính chất tự nhiên của vũ trụ bắt đầu từ sinh, khúc giữa là biến đổi, khúc cuối là chấm dứt. Tất cả chỉ có vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được mọi thứ chỉ là như vậy thì đâu có khó khổ gì khởi sinh. Nếu chúng ta hiểu biết sự thật đó thì chúng ta sẽ được hài lòng và bình an.

Khi có phiền não khởi sinh là khi chúng ta suy nghĩ giống như năm người bạn tu khổ hạnh của Phật thời đó. Thực ra họ theo Phật để tu và làm theo những gì Phật làm. Đến khi thấy Phật thay đổi cách tu, họ chẳng hiểu Phật đã nghĩ gì hay đã biết gì mà làm vậy. Họ tự đoán rằng Phật đã từ bỏ con đường tu và bắt đầu quay trở lại đời sống hưởng lạc. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh đó có lẽ chúng ta cũng nghĩ giống như họ, và do vậy không có cách nào sửa chữa được chúng ta. Chúng ta cố thủ những cách cổ hủ và thấp hèn mà cứ nghĩ mình đang theo cách cao siêu. Họ nghĩ Phật bỏ tu bỏ cuộc, sau biết bao nhiêu năm tu hành cực khổ và giờ đã lạc lối.

Do vậy tôi nói rằng hãy cố tu và nhìn vào kết quả tu tập của mình. Đặc biệt khi các thầy không chịu nghe theo tu theo, đặc biệt khi có sự bất đồng. Nếu không có bất đồng thì không có vấn đề khó khăn, mọi thứ đều trôi chảy. Nếu có bất đồng, mọi thứ không trôi chảy, các thầy tạo dựng một cái 'ta' và mọi thứ trở nên cứng trơ, giống như một đống chấp thủ. Chẳng có cho và nhận gì hết.

Hầu hết các Tỳ kheo và người tu đều có xu hướng như vậy. Cái gì họ đã nghĩ trước kia giờ họ tiếp tục nghĩ vậy. Họ từ chối thay đổi, họ không thèm suy xét, không chịu quán chiếu. Họ cứ nghĩ mình đúng nên không thể sai, nhưng thực sự thì “cái sai luôn nằm trong cái đúng”; nhưng hầu hết mọi người không biết điều đó. Quý vị hay từ chối: “Nghĩa là sao? Điều này là đúng mà.” Nhưng nếu có ai nói nó không đúng thì bạn không chịu thua, bạn nổi dóa lên và cãi liền. Kiểu đó là gì? Đó là Ditthi-mãna... Ditthi có nghĩa là “cách nhìn, quan điểm”, mãna là “sự dính kẹt hay chấp thủ theo quan điểm đó”. Như vậy là tà kiến. Nếu chúng ta muốn gán cho một điều gì đúng vào những người khác, thì điều đó trở thành sai. Có thể đúng với anh nhưng đâu có đúng với người khác. Cứ chấp thủ vào cái đúng thì chỉ làm khởi sinh cái 'ta' tự ngã tự cao mà thôi, và đó là không biết buông bỏ.

Đây là chỗ gây nhiều rắc rối cho nhiều người, ngoại trừ những người tu đã hiểu biết rõ chỗ này; chỗ này là điều rất quan trọng. Họ sẽ lưu ý điều này. Khi cái 'ta' khởi sinh ngay khi họ nói, sự dính chấp sẽ xuất hiện ngay. Sự chấp ta có thể bám dính trong một thời gian, có lẽ một hai ngày, hay ba bốn tháng, hay một vài năm. Đây là loại chấp thủ bám dai. Còn loại bám nhanh thì chỉ trong chốc lát... rồi họ buông bỏ được ngay. Sự chấp thủ khởi sinh và ngay lập tức có sự buông bỏ, người tu có thể bắt cái tâm buông bỏ ngay tại đó.

Các thầy phải nhìn thấy hai chức năng này đang hoạt động. Chẳng hạn ngay đây có sự dính chấp. Ngay lúc đó ai là người chống lại sự chấp thủ đó? Khi nào bạn có một tâm tưởng bạn phải quan sát kỹ hai chức năng này đang hoạt động. Có sự dính chấp và có người chống lại sự dính chấp. Giờ chỉ cần quan sát hai chỗ đó. Có thể bạn sẽ dính chấp trong một thời gian dài trước khi bạn có thể buông bỏ.

Hãy suy xét quán chiếu và đều đặn thực tập như vậy thì sự dính chấp sẽ giảm bớt, giảm dần, giảm dần. Cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) sẽ tăng dần trong khi cách nhìn sai lạc (tà kiến) sẽ giảm dần. Sự dính chấp bớt dần, sự không dính chấp tăng dần. Đây là cách xảy ra đối với mọi người tu đứng đắn. Do vậy nên tôi mới nói các thầy phải quán xét kỹ chỗ này. Hãy học cách giải quyết vấn đề ngay trong giây phút hiện tại, giải quyết ngay chỗ này và ngay bây giờ.

-----------------------------

(130) [Bài nói chuyện được nói vào một đêm Rằm lễ Bát Quan Trai Giới ở chùa Wat Pah Pong, năm 1975.]

(131) [Đó là nhóm ngài Kokonna (Kiều trần như) cùng tu chung thời Phật còn tu hành xác và chưa giác ngộ.]

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Di giáo


Những tâm tình cô đơn


Ai vào địa ngục


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.6.41 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...