Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 66. Sống Trong Thế Gian Bằng Giáo Pháp »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 66. Sống Trong Thế Gian Bằng Giáo Pháp

Donate

(Lượt xem: 3.550)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 66. Sống Trong Thế Gian Bằng Giáo Pháp

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(45) Hầu hết mọi người đều không biết được cốt lõi của hiểu việc tu thiền. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng việc tu tập chỉ bao gồm đi thiền, ngồi thiền và lắng nghe các sư thầy giảng Giáo Pháp. Điều đó thì cũng đúng, nhưng đó chỉ là những hình thức bề ngoài của việc tu tập. Việc tu tập thực sự là xảy ra bên trong cái tâm đang phản ứng với một đối tượng giác quan. Đó là nơi tu tập, chính ngay chỗ xảy ra sự tiếp xúc giác quan.

Như vầy, khi có ai nói điều ta không thích, ta thấy bực ghét; nếu ai nói điều ta thích, ta thấy vui sướng. Ngay đây là chỗ để tu tập. Chúng ta sẽ tu tập với những điều (thích, ghét) này theo cách nào? Chỗ này mới quan trọng. Nếu chúng ta cứ luôn luôn chạy theo sướng và chạy khỏi khổ, thì dù có tu hành hết kiếp cũng chẳng bao giờ thấy được Giáo Pháp. Tu như vậy uổng công. Khi sướng và khổ khởi sinh thì chúng ta sẽ dùng Giáo Pháp theo cách nào để tự do khỏi những thứ sướng khổ đó? Đây mới chính là chỗ để tu tập.

Thói thường, khi ai gặp điều gì ngược ý mình thì họ hay khép chặt, phòng thủ với điều đó. Ví dụ khi bị chê trách, họ thường nói lại: “Đừng đổ lỗi cho tôi! Sao lại trách tôi?” Đây là ta đang đóng cửa tự vệ. Ngay đây là chỗ tu tập. Khi ai chê trách mình thì mình nên lắng nghe. Họ đang nói đúng không? Ta phải mở lòng ra để xem xét họ nói gì. Có thể họ có lý khi nói vậy, có lẽ bên trong bản thân mình có những điều đáng trách. Có lẽ họ đúng, nhưng chưa gì chúng ta đã thấy tự ái, thấy bị xúc phạm. Nếu có ai nhìn ra lỗi sai của mình thì mình phải nhận ra, cố gắng sửa bỏ những lỗi sai đó và cải thiện bản thân mình. Đó là cách người khôn sẽ tu tập.

Chỗ nào có ngu mờ thì chỗ đó có thể làm khởi sự bình an. Là sao? Thì sự ngu mờ có thể bị xuyên phá bằng sự hiểu biết, sau khi phá xong thì còn lại sự bình an. Nhiều người chẳng bao giờ chịu bị chê hách, đó là những kẻ ngu si rồ dại. Bị ai chê là quay lại hằn học và cãi cọ ngay. Đặc biệt là cảnh người lớn khi nói chuyện với trẻ con. Thực ra trẻ con nhiều lúc rất thông minh, sáng dạ, chúng có thể nói ra những điều rất đúng đắn, nhưng vì ỷ mình làm cha làm mẹ nên lúc nào cha mẹ cũng phán con mình là sai. Nếu bạn là thầy, học trò nhiều khi nói những điều đúng mà bạn chưa biết, nhưng chỉ vì bạn ỷ là thầy nên bạn 'không thể' lắng nghe học trò nói. Đây là cách nghĩ không đúng đắn.

Hồi thời Phật có một vị đệ tử rất khôn trí. Khi Phật đang giảng Giáo Pháp, Phật quay sang vị đệ tử này và hỏi: “Này, Xá-lợi-phất, thầy có tin điều này không?” Ngài Xá-lợi-phất đã trả lời rằng: “Không, con chưa tin điều đó.” Phật liền khen ngợi câu trả lời: “Thật tốt lành, này Xá-lợi-phất, thầy là người được phú với trí tuệ. Người có trí thì không thực sự tin ngay, người ấy mở rộng tâm trí để lắng nghe và cân nhắc sự thật về vấn đề đó trước khi tin hay không tin.”

Đối với ai làm thầy thì Phật đã làm gương rồi đó. (Rằng học trò cũng nói những điều đúng đắn và một người thầy cũng phải biết lắng nghe và công nhận). Điều ngài Xá lợi phất nói là đúng, ngài chỉ đơn giản nói thiệt suy nghĩ và cảm giác của mình. Nhiều người nghĩ rằng nếu nói với thầy rằng mình không tin vào điều thầy nói thì chẳng khác nào thách thức với thầy, do vậy ai cũng sợ không dám nói thẳng. Ai cũng gật đầu đồng ý, vì nếu nói không tin sợ phật ý người thầy. Nhưng Phật thì đâu phật ý, Phật thì đâu còn giận hay chấp. Phật đã từng nói rằng: chúng ta không cần phải xấu hổ với những điều mình không sai. Chẳng có gì sai nếu mình không tin và nói thẳng mình không tin. Do vậy Phật mới khen ngài Xá-lợi-phất là khôn khéo, luôn luôn suy xét cẩn thận trước khi tin vào một điều gì. Hành động của Phật là một ví dụ tốt để mọi người làm thầy noi theo. Nhiều lúc chúng ta học được nhiều điều rất hay từ những đứa trẻ, đừng có mù quáng ỷ lại vị trí, tuổi tác, ngôi vị mà không biết lắng nghe người khác. (Và khi có người dám chê trách hay góp ý về mình thì mình càng phải biết lắng nghe).

Dù bạn đang đi, đang đứng, hay đang ngồi ở đâu bạn cũng có thể học được những điều xung quanh mình. Bạn học cách của tự nhiên, nhận biết mọi thứ, từ những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm giác và những ý nghĩ. Người khôn khéo xem xét tất cả những thứ đó. Tu tập thực sự là gì, là để chúng ta đi đến cái điểm ở đó không còn bất cứ thứ gì là quan trọng đặt nặng lên tâm này.

Nếu chúng ta không hiểu biết về sự thích và không thích khi chúng khởi sinh, thì lúc đó vẫn còn những thứ tâm coi nhiều thứ là quan họng, là liên quan đến 'mình'. Nếu chúng ta hiểu biết rõ sự thật của những sự thích ghét đó, chúng ta sẽ quán niệm rằng: “À, chẳng có gì là quan trọng đối với cảm giác thích này. Thích chỉ là một cảm giác khởi sinh và biến mất. Không thích cũng không phải là gì quan trọng, chỉ là một cảm giác khởi sinh và biến mất. Tại sao ta phải quan trọng về những cảm giác thích hay không thích đó.” Nếu chúng ta nghĩ sướng và khổ là những thứ của mình thì tự ta chuốc lấy rắc rối, chúng ta cứ mãi mãi coi thứ này, thứ nọ, cảm giác này, cảm giác nọ là liên quan đến mình, và cứ mãi mãi dính theo hướng đó. Đây là cách hầu hết mọi người nghĩ và liên quan đến tất cả mọi thứ.

Nhưng thời sau này người ta ít khi nói về tâm khi họ giảng về Giáo Pháp, có nghĩa là họ không nói về sự thật. Nếu ai nói về sự thật, nói thẳng nói thật, thì họ sẽ cho là lạ lùng. Họ sẽ nói: “Ông đó nói chẳng đúng lúc đúng nơi, ổng không biết lấy lòng người nghe.” Nhưng mọi người nên lắng nghe sự thật. Một người thầy thực sự thì không nói những thứ mình nhớ, mà người ấy nói sự thật. Mọi người trong xã hội thường nói lại những gì mình nhớ, nói từ trí nhớ, họ chỉ biết nói như vậy để thấy bản thân mình học nhiều, nhớ nhiều. Một vị sư thầy không nói như vậy, vị ấy chỉ nói sự thật, nói về bản chất đường lối của mọi thứ trên đời.

Dù một thầy chân tu cố gắng giảng giải nhưng thật khó làm cho người ta hiểu. Hiểu được Giáo Pháp thật là khó. Nếu bạn hiểu được Giáo Pháp, bạn nên tu tập theo như vậy. Không cần phải cạo đầu đi tu mới tu tập được, dĩ nhiên vô chùa thì cũng tốt bởi môi trường Tăng đoàn cũng là lý tưởng cho sự tập trung tu tập. Nhưng để tu tập thực sự, bạn phải dẹp bỏ những sự ngu mờ về thế giới, có lẽ nên từ bỏ gia đình và của cải (xuất gia), và đi vào rừng để tu. Đó là nơi lý tưởng để tu tập.

Nhưng nếu chúng ta vẫn còn nặng gánh với gia đình và đủ thứ trách nhiệm thì làm sao tu được? Một số người nói không thể nào tu nếu vẫn còn là người tại gia. Hãy coi thử, nhóm người tại gia và nhóm xuất gia nhóm nào lớn hơn? Số người tại gia lớn hơn nhiều. Nếu cứ nói kiểu đó thì càng làm rối chuyện thêm nữa. Rồi mọi người lại hiểu lầm rằng: “Tôi không thể trở thành thầy tu, tôi đâu thể xuất gia, vậy là tôi khỏi tu....” Trở thành một thầy tu để làm chi! Trở thành thầy tu mà không lo tu tập thì có nghĩa gì đâu. Nếu bạn thực sự hiểu biết về Giáo Pháp thì dù bạn có sống tại gia, đang làm giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, công chức hay người ở đợ... thì bạn vẫn có thể tu tập theo Giáo Pháp trong từng phút từng giờ mỗi ngày.

Nhiều người nghĩ nếu làm người tại gia thì không tu được, nghĩ như vậy là trật đường rồi. Vậy tại sao người ta có hứng chí làm những việc khác? Khi họ thấy thiếu cái gì, họ cố gắng nỗ lực để làm được thứ đó. Nếu không có tham muốn con người chẳng làm được thứ gì. Nhiều người nói “Tôi không có đủ thời giờ để tu.” Tôi nói họ: “Vậy sao quý vị có thời giờ để thở?” Thở là điều sống còn của sự sống con người. Nếu họ biết được việc tu tập Giáo Pháp là quan trọng đối với sự sống của mình thì họ sẽ coi việc tu tập là quan trọng như hơi thở thôi.

Việc tu tập theo Giáo Pháp không phải là chạy lăng xăng làm này làm nọ đến khi kiệt sức. Chỉ cần nhìn vào những cảm giác mỗi khi chúng khởi lên trong tâm. Khi mắt nhìn thấy những hình sắc, tai nghe thấy những âm thanh, mũi ngửi thấy những mùi hương, lưỡi nếm thấy những mùi vị... tất cả chúng đều truyền đến một cái tâm này, tâm là cái “người biết.” Giờ khi tâm nhận biết những thứ đó, điều gì xảy ra? Nếu ta thích đối tượng đó, ta thấy sướng; nếu ta không thích đối tượng đó, ta thấy khó chịu. Tất cả câu chuyện chỉ là vậy. (Mọi sự khó khổ đều nằm ở chỗ đó, ngay chỗ tâm này).

Vậy thì ở đâu chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong thế gian này? Bạn vẫn mong suốt đời tất cả mọi người đều luôn nói những lời bạn thích? Có thể được vậy sao? Không, mơ cũng không có vậy. Và nếu không thể nào có chuyện đó thì bạn sẽ đi đâu, tìm đâu? Thế gian đơn giản là như vậy, chúng ta phải hiểu biết thế gian. Hiểu biết sự thật của thế gian (lokavidũ). Thế gian là cái chúng ta nên hiểu biết rõ về nó. Phật đã sống trong thế gian này, Phật không sống ở đâu khác chúng ta. Phật trải qua đời sống gia đình với những hạnh phúc của nó, nhưng Phật nhìn ra những mặt hữu hạn của chúng và Phật đã tách ly khỏi chúng. Giờ thì quý vị là những Phật tử tại gia thì phải tu tập ra sao? Nếu quý vị muốn tu, quý vị phải cố gắng đi theo con đường đạo. Nếu chịu khó tu tập theo con đường thì quý vị cũng nhìn thấy những mặt hữu hạn của thế gian này, và nhờ đó có khả năng buông bỏ (mọi tham muốn và dính mắc trên đời).

Giống như mấy người uống rượu thường nói: “Tôi bỏ rượu mà không được.” Vì sao họ không thể bỏ? Bởi họ chưa nhìn ra mặt tác hại và gánh nặng trách nhiệm của nó. Nếu họ nhìn ra tác hại và gánh nặng trách nhiệm mà rượu bia gây ra, họ sẽ tự mình từ bỏ chúng chứ không cần ai khuyên răn hoặc vợ con khóc lóc năn nỉ. Nếu không thấy tác hại và gánh nặng trách nhiệm của việc rượu chè thì họ cũng chẳng thấy được mặt lợi ích của việc từ bỏ chúng. Nếu không bỏ được những thói hư tật xấu thì việc tu tập của bạn chỉ là vô ích, bạn chỉ đang tu giỡn tu chơi, chứ không tu thiệt. Nếu bạn nhìn thấy rõ rệt cái hại và cái lợi của thứ gì thì bạn sẽ tự bỏ hại chọn lợi, không cần ai khuyên răn. Giống như trong câu chuyện về người bắt cá tìm thấy thứ gì trong cái lờ bắt cá của mình. Anh ta biết có gì trong đó, vì nghe tiếng quẫy nước. Anh cho đó là cá, theo thông thường. Nhưng khi thò tay vô, anh thấy con gì dài dài, không phải cá. Không nhìn thấy được, anh chỉ nghĩ đến hai thứ, một là lươn hai là rắn. Nếu quăng lờ bỏ đi, anh lại tiếc vì có thể là lươn. (Lươn là một món ăn ngon của dân Thái Lan). Nhưng nếu giữ lại và mò tay vào bắt nó, có thể là rắn thì nó sẽ cắn. Anh ta sinh nghi ngờ. Vì tham nên vẫn tiếc và giữ lại cái lờ để bắt con 'lươn' ra. Nhưng cái gì đây, vừa thấy da nhám nhám anh ta lập tức quăng ngay. Quăng ngay đúng không? Anh ta đâu cần chờ ai khuyên răn phải quăng đi để khỏi bị rắn cắn. Anh đã tự mình “nhìn thấy” mối nguy hại và tự mình “quăng bỏ” nó trong giây khắc. Tự thấy con rắn thì rõ rệt hơn ngàn lần so với những lời nói của người khác. Chẳng cần ai nói với mình về mối nguy hại đó. Tương tự vậy, nếu chúng ta tu tập đến lúc nhìn thấy bản chất mọi thứ như chúng là, thì chúng ta không còn lầm lẫn và ngu mờ với những thứ nguy hại.

Mọi người thường không tu tập theo cách như vậy, họ thường tu vì những thứ khác. Họ không suy xét mọi thứ, họ không quán chiếu về sự già, bệnh, chết. Họ chỉ nói toàn những chuyện không già, không bệnh, không chết, do vậy họ chẳng bao giờ tu dưỡng được cái cảm nhận đúng đắn về việc tu hành. Họ đến chùa nghe giảng Giáo Pháp, nhưng họ không thực sự lắng nghe. Nhiều lúc tôi được mời để nói chuyện trong các dịp lễ, nhưng điều đó trở thành điều khó xử đối với tôi. Vì sao? Vì khi tôi nhìn mọi người tụ tập đến đó, tôi thấy họ chẳng phải đến để lắng nghe Giáo Pháp. Một số người thậm chí còn có mùi rượu, nhiều người hút thuốc, một số thì ngồi huyên thuyên đủ chuyện... họ không có vẻ là những người đến vì lòng thành tâm với Phật Pháp. Nói chuyện ở những nơi đó không tạo ra lợi lạc gì nhiều. Một số người không thích lắng nghe chắc lại nghĩ trong đầu: “Hổng biết khi nào ổng hết nói... Ông sư cứ nói hoài mình chẳng làm được chuyện này chuyện nọ...”, và tâm trí họ cứ lăng xăng búa xua như vậy.

Đôi khi họ mời tôi đến nói chuyện chỉ vì hình thức, mời cho có mặt, nên họ cứ kêu: “Thầy nói ngắn ngắn thôi nghen thầy!” Hết ngõ nói luôn, họ không muốn tôi nói nhiều, điều đó làm họ khó chịu. Khi tôi nghe họ mời mà họ dặn vậy thì tôi biết ngay họ muốn gì. Những người đó không thích nghe Giáo Pháp. Giáo Pháp chỉ quấy rầy họ. Nhưng nếu tôi chỉ nói ngắn ít, chỉ nói mấy câu thì họ đâu hiểu được gì. Nếu bạn ăn ít thì làm sao no được. Mưa lâu lâu mới thấm đất chứ.

Có lúc tôi vừa nói mấy câu chưa đủ ấm giọng thì có mấy người say rượu la lên: “Rồi, mấy người tránh đường cho Sư Ông nè, sư nói xong rồi, chuẩn bị đi ra”— họ muốn đuổi tôi đi! Thiệt hết biết, nếu tôi gặp lại những người như vậy, tôi sẽ ăn thiệt nhiều cho đầy tràn cái họng để... quán chiếu về điều đó, để có trí tuệ nhìn thấu suốt bản chất loại người đó. Những người đó giống như người đã uống đầy nước, không còn chỗ nào để rót vô miệng họ nữa. Uổng phí thời gian và công sức để dạy họ, bởi tâm họ đã quá đầy, không thể tiếp thu thêm được gì nữa. Đổ thêm gì vô cũng tràn ra ngoài. Nếu tâm trí họ còn chỗ nào trống thì còn có thể đổ vào một chút gì, nếu đổ vô được chút gì thì mới có chút ích cho người nhận và người đổ. (Thầy dạy mà người nghe không tiếp thu được gì thì chẳng mang lại lợi ích gì cho người dạy và người nghe).

Như vầy, khi mọi người thực sự quan tâm đến Giáo Pháp và họ ngồi im lặng, lắng nghe kỹ càng, thì tôi cảm thấy hứng thú giảng dạy. Nếu mọi người không chú tâm nghe giảng thì họ cũng giống như chai nước đầy tràn... không còn chỗ nào để rót vô nữa. Trong những tình huống như vậy, tôi không thấy khởi sinh chút năng lượng nào để giảng dạy. Tôi không thể phát huy năng lượng để giảng dạy khi mọi người không bỏ chút năng lượng để tiếp thu.

Thời bây giờ giảng pháp thường là như vậy, càng ngày càng tệ hơn. Người ta không tìm kiếm sự thật, họ học hỏi những thứ chỉ đủ để kiếm sống, nuôi nấng và chăm sóc gia đình. Họ học vì sự sống sinh nhai. Có người cũng học hỏi Phật Pháp, nhưng không nhiều. Sinh viên đại học ngày nay có nhiều kiến thức hơn sinh viên ngày xưa. Họ có nhiều điều kiện để ăn học, mọi thứ thuận tiện hơn. Nhưng họ lại có nhiều sự ngu mờ hơn và nhiều sự khổ hơn những người ngày xưa. Bởi vì sao? Bởi họ chỉ tìm kiếm loại kiến thức dùng để kiếm sống.

Ngay cả các thầy tu cũng vậy. Đôi khi tôi nghe họ nói rằng: “Tôi không phải trở thành một tu sĩ để tu tập theo Giáo Pháp, tôi chỉ thọ giới để học hỏi về nó mà thôi.” Đó là cách nói của những người đã cắt đứt mình khỏi con đường tu tập. Họ không còn phương hướng nào hết, đó là đường cùng ngõ cụt rồi. Khi những thầy tu đó giảng đạo thì họ chỉ nói lại theo trí nhớ. (Nghe, đọc và nói lại). Họ có thể nói một đường, nhưng tâm trí họ thì hoàn toàn nghĩ một nẻo khác. Những sự giảng dạy đó là không thực.

Thế gian cứ như vậy. Nếu bạn muốn sống giản dị, tu tập theo Phật Pháp và sống một cách bình an thì những người khác cho rằng bạn là kẻ lập dị và ngược với xã hội. Họ còn cho rằng bạn cản trở sự tiến bộ của xã hội. Họ thậm chí còn chê bai, làm khó bạn. Họ cứ ra mặt làm vậy cho đến lúc nào đó bạn cũng tin theo họ và bỏ tu, quay lại con đường trần tục, lún sâu và càng sâu vào trong đời sống thế tục đến nỗi không còn đường thoát ra khỏi nó. Nhiều người than rằng: “Tôi không thể thoát ra, tôi không thể bỏ thói đời để tu hành gì nữa, tôi đã lún sâu.” Đây là xu hướng của xã hội. Xu hướng không ưu tiên coi trọng giá trị của lẽ thật, của Giáo Pháp.

Giá trị của Giáo Pháp không được tìm thấy trong kinh sách. Kinh sách chỉ là bề ngoài của Giáo Pháp, đó không phải là sự tự thân chứng ngộ Giáo Pháp. Nếu bạn chứng ngộ Giáo Pháp thì bạn chứng ngộ cái tâm của mình, bạn nhìn thấy sự thật ở ngay đó. Khi sự thật trở nên rõ ràng thì nó sẽ cắt đứt dòng chảy vô minh.

Giáo lý của Đức Phật là sự thật không thay đổi, dù là trong thời này hay thời nào. Phật đã tìm ra sự thật hơn 2.500 năm trước và sự thật đó vẫn là sự thật cho đến bây giờ. Giáo lý này là vậy, không nên thêm hay bớt. Phật đã từng nói rằng: “Những gì Như Lai đã nói ra thì không nên bỏ đi, những gì Như Lại không nói ra thì không nên đưa vào trong giáo lý Phật đã “niêm phong” những giáo lý đó. Vì sao Phật phải niêm phong như vậy? Bởi đó là lời dạy của một bậc không còn dính ô nhiễm. Dù thế gian có đổi thay ra sao, những giáo lý này vẫn không hề thay đổi. Điều gì là sai thì dù ai nói là đúng, cũng không làm nó bớt sai. Điều gì là đúng thì dù mọi người có cho là sai, cũng không làm nó bớt đúng. Điều gì đúng là đúng, điều gì thật là thật, cho dù người ta có nói gì đi nữa. Trải qua bao nhiều thế hệ sống và chết nhưng những điều đó vẫn không thay đổi, bởi những điều đó là sự thật, là lẽ thật, là chân lý.

Giờ ta có thể hỏi, vậy ai tạo ra những sự thật đó? Sự thật tự bản thân nó tạo ra sự thật! Phật có tạo ra sự thật đó không? Không, Phật không tạo ra. Phật chỉ khám phá ra sự thật, khám phá ra đường lối (quy luật) của vạn vật trên thế gian, và sau đó Phật mói chỉ dạy lại cho chúng ta. Sự thật mãi mãi là sự thật, dù Phật có xuất hiện trên thế gian này hay không. Phật chỉ “sở hữu” Giáo Pháp theo nghĩa như vậy, chứ đích thực thì Phật không tạo ra sự thật. (Sự thật có sẵn trong thế giới, Phật cũng không thể thay đổi những sự thật đó). Sự thật luôn luôn có mặt mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, trước đó không ai đã đi tìm và tìm ra sự Bất Tử để sau đó truyền dạy lại như là Giáo Pháp. Phật không chế ra sự thật, sự thật đã có sẵn trong thế gian vũ trụ.

Có thời sự thật được tỏa sáng và việc tu hành Giáo Pháp nở hoa. Khi thời đó không còn và nhiều thế hệ đã lần lượt qua đời đến thời mạt pháp, giáo lý lần lần phai nhạt cho đến lúc biến mất hoàn toàn. Rồi lại đến lúc giáo lý được lập lại và nở hoa. Hết thời hưng thịnh đến thời suy vong. Bao đời các vị Phật đã xuất hiện trên thế gian để tìm thấy và truyền thừa giáo lý sau bao nhiêu thời gian thế gian chìm trong bóng tối vô minh. Các vị Phật lần lượt qua đời, nhưng Giáo Pháp thì không biến mất theo họ. Đích thực thì sự thật (chân lý) chẳng biến đi đâu.

Thế giới cứ xoay vòng thịnh suy thăng trầm như vậy. Giống như cây xoài. Cây lớn lên, nở hoa xoài và ra trái xoài và những trái xoài chín rụng. Khi chín rụng, hột trái xoài rớt lại xuống đất và lại mọc lên cây xoài mới. Bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Nhiều trái xoài lại chín và nhiều hột xoài nữa lại rớt xuống đất và nhiều cây xoài mới lại mọc lên. Đó là cách thế giới diễn ra. Nó cũng chẳng đi đâu xa, nó cũng lòng vòng xung quanh những thứ cũ y hệt.

Sự sống của chúng ta bây giờ cũng vậy. Giờ chúng ta chỉ đang làm những thứ mà chúng ta đã làm trước kia. Mọi người đều nghĩ suy quá nhiều. Họ quan tâm tham thích đủ thứ, nhưng chẳng ai đi đến chỗ toại nguyện. Ngày nay có nhiều thứ khoa học, vật lý học, tâm lý học và đủ thứ. Chúng ta có thể đắm chìm vào những con số, nhưng cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì rốt ráo, và tất cả đều kết thúc theo lẽ thật thế gian.

Giả như có một chiếc xe bò được kéo bởi một con bò. Bánh xe không dài, nhưng dấu xe thì dài. Khi nào con bò còn kéo xe đi, dấu bánh xe còn tiếp tục dài thêm. Bánh xe chỉ là một vòng tròn, nhưng dấu bánh xe là đường rất dài. Dấu bánh xe thì dài, nhưng bánh xe thực ra chỉ là một vòng tròn. Khi nào bò còn kéo thì vết xe còn dài thêm, dài thêm... Nhưng đến một lúc nào đó, con bò mệt mỏi và buông bỏ gọng xe bò. Con bò đi khỏi và bỏ lại chiếc xe không ở đó. Bánh xe không còn quay. Lúc đó xe cũng mục hư, tất cả quay trở lại các yếu tố đất, nước, gió, lửa.

Trong khi đi tìm sự bình an trên thế gian, bạn kéo lê chiếc xe để lại dấu bánh xe dài ở đằng sau. Khi nào bạn còn chạy theo thế gian thì vẫn chưa dừng lại, vẫn chưa nghỉ ngơi. Nếu bạn chỉ cần dừng, không còn chạy theo nó, bánh xe ngừng quay, xe được nghỉ ngơi. Cứ chạy theo thế gian thì bánh xe cứ tiếp tục quay. Tạo nghiệp là giống như vậy, tạo nghiệp xấu là giống như vậy. Còn chạy theo thói tật cố hữu là vẫn còn chạy, chưa chịu dừng lại. Nếu biết dừng lại thì mới có chỗ dừng lại. Biết dừng lại, đó là cách chúng ta tu tập. (Tu có nghĩa là tập dừng lại mọi thứ, dừng mọi hành vi và ý nghĩ tạo nghiệp, là đi đến chỗ nghỉ ngơi và bình an).

-----------

(45) [Bài nói chuyện không chính thức tại nhà của một Phật tử cúng dường thức ăn ở tỉnh lỵ Ubon, gần chùa Wat Pah Pong].




67. Tuccho Pothila: Vị Thầy Kinh Sách Suông

Có hai cách để góp phần ủng hộ đạo Phật. Cách thứ nhất là ủng hộ bằng cách cho tặng (cúng dường) vật dụng vật chất (ãmisapũjã). Bốn thứ cần thiết là thức ăn, y phục, chỗ ở và thuốc thang. Đây là cách ủng hộ đạo Phật bằng cách cúng dường cho các tăng ni, giúp họ có điều kiện sống để tu hành. Việc này củng cố sự hiểu biết về giáo lý của Phật, và tạo nên sự phát triển của Phật giáo.

Đạo Phật có thể ví như một cái cây. Cây có rễ, thân, nhánh và lá. Tất cả lá, nhánh và thân đều nhờ vào gốc rễ hấp thu dưỡng chất từ đất và chuyển lên cây. Cũng như cây nhờ vào gốc rễ để sống sót, những hành động và lòi nói của chúng ta cũng giống như những “nhánh cây” và “lá cây” phụ thuộc vào tâm: tâm là gốc rễ hấp thu dưỡng chất, rồi chuyển lên “thân”, “nhánh” và “lá.” Rồi thân, nhánh, lá mang hoa kết quả là những hành động và lời nói của chúng ta. Tâm đang trong trạng thái nào đó, thiện hay bất thiện, thì nó biểu hiện ra bên ngoài như vậy thông qua hành động và lời nói.

Do vậy, sự ủng hộ đạo Phật bằng cách áp dụng thực hành giáo lý là cách mộ đạo quan trọng nhất. Ví dụ, vào các dịp lễ Phật, các Phật tử đến chùa nghe các sư thầy chỉ dạy tránh làm những việc bất thiện và tránh vi phạm giới hạnh đạo đức. Nhưng mọi người đến đó tham dự cho xong buổi lễ cúng bái rồi về thì không biết áp dụng thực hành, như vậy cũng chẳng có gì tiến bộ. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ có thể tìm thấy sự thực hành thực sự. Sự ủng hộ đạo Phật một cách đích thực phải là “cúng dường” bằng việc tu tập, bằng việc tu dưỡng giới hạnh, bằng việc tu tập sự định tâm và trí tuệ. [Giới, định, tuệ]. Đó là cúng dường bằng cách tu tập (patipattipũjã). Chỉ có cách như vậy thì bạn mới thực sự biết đạo Phật là gì. Nếu bạn không hiểu biết bằng cách tu tập, tức không chịu tu tập để tự mình hiểu biết thực sự, thì coi như bạn chẳng biết gì về đạo Phật, cho dù bạn có nghiên cứu hết ba tạng kinh điển (Tipitaka).

Vào thời Đức Phật có một Tỳ kheo tên là Tuccho Pothila. Tuccho Pothila là người học rộng, thông thuộc kinh điển. Vị thầy này rất nổi tiếng và cai quản đến mười tám tu viện. Ai mà nghe đến cái tên “Tuccho Pothila” thì rất tâm phục và chẳng ai dám hỏi hay thắc mắc điều gì ông giảng dạy. Tuccho Pothila là một trong những vị đệ tử học rộng đa văn nhất của Đức Phật.

Một ngày nọ thầy đó đến thăm Đức Phật. Sau khi thầy đảnh lễ chào Phật, Phật liền chào lại: “À, chào Vị Thầy Kinh Sách Suông!.”.. Đại khái như vậy! Sau khi nói chuyện qua lại, thầy ấy chào Phật để ra về, Phật lại nói: “À thầy về hả, Vị Thầy Kinh Sách Suông?”

Phật chỉ nói như vậy. Lúc mới đến Phật nói: “À, chào Vị Thầy Kinh Sách Suông!” Lúc ra về, Phật nói: “À thầy về hả, Vị Thầy Kinh Sách Suông?” Phật không nói gì thêm, đó là tất cả những gì Phật muốn chỉ dạy cho vị thầy đó. Tuccho Pothila, vị thầy được nhiều người kính nể, đã bối rối: “Sao Phật lại nói vậy? Phật muốn nói nghĩa gì?” Thầy đó cứ suy nghĩ, nghĩ suy, suy xét bằng tất cả những gì mình đã học, và cuối cùng cũng nhận ra... “Đúng vậy! Vị Thầy Kinh Sách Suông, thầy tu chỉ biết học nhưng không biết hành.” Khi quay lại nhìn vào tâm mình, vị thầy đó nhận thấy mình cũng chẳng hơn gì những người tại gia. Họ còn tham muốn gì, thầy cũng tham muốn vậy. Họ thích thú gì, thầy cũng thích thú vậy. Bản chất sa môn (samana), bản chất của người xuất gia, không thực sự có bên trong mình, không thực sự có được phẩm chất cao sâu để vững chắc trên con đường Thánh Đạo và để mang lại sự bình an.(46)

Do nhìn ra vậy, thầy ấy bắt đầu tìm chỗ tu tập. Nhưng thầy chẳng biết đi đâu. Tất cả những người thầy khắp nơi đều là học trò của thầy (ngoại trừ Đức Phật và các vị thánh đệ tử khác), không ai dám nhận thầy làm học trò. Ai cũng từng kính nể và kính sợ thầy ấy nên chẳng ai dám làm thầy của thầy ấy.

Cuối cùng, thầy đến gặp một sa-di trẻ nhưng đã giác ngộ, và xin được học tu theo vị sa di trẻ đó. Vị sa di trẻ nói rằng: “Được, chắc chắn thầy có thể ở đây tu tập cùng với tôi, nếu thầy thực sự thành tâm chân thực. Nếu thầy không thực sự thành tâm thì tôi cũng khó mà nhận thầy ở lại tu.” Thầy Tuccho Pothila đã cúi lạy để xin được làm đệ tử của vị sa di đó.

Sau đó, vị sa di trẻ kêu vị thầy đó mặc hết mấy bộ y phục đẹp mắc tiền của thầy và chỉ xuống khu sình lầy sát bên và nói rằng: “Giờ thì thầy cứ lội thẳng xuống bãi sình kia. Nếu tôi không nói ngừng thì không ngừng. Chừng nào tôi chưa nói lội lên bờ thì thầy không lội lên bờ. Rồi... bắt đầu lội xuống đó!”

Thầy Tuccho Pothila, mặc y chỉnh tề và lội xuống sình. Vị sa di trẻ không kêu ngừng lại cho đến khi thầy ấy đã gần như chìm xuống dưới sình lầy, chỉ còn cái đầu. Đến lúc đó, vị sa di mới nói: “Giờ thầy có thể ngừng.”.. thầy ấy ngừng. “Giờ thầy có thể lội lên bờ!.”.. và thầy ấy lội lên.

Qua việc trên, chúng ta thấy rõ là thầy Tuccho Pothila đã từ bỏ cái hết cái tự cao, tự hào của mình. Thầy ấy đã sẵn sàng chấp nhận sự chỉ dạy. Nếu thầy ấy còn chưa sẵn sàng chấp nhận thì chắc hẳn thầy ấy đã không lội chìm xuống bãi sình lầy dơ bẩn và nguy hiểm đó. Thầy ấy không còn muốn làm người thầy nổi tiếng nữa. Sau khi nhìn thấy như vậy, vị sa di trẻ đã biết rằng thầy Tuccho Pothila đó đã thành tâm tu hành.

Khi Tuccho Pothila bước lên khỏi bãi sình lầy, vị sa di trẻ đã dạy cho thầy. Vị sa di dạy thầy đó tập quan sát các đối tượng giác quan, tập hiểu biết tâm và tập hiểu biết các đối tượng giác quan, dùng cách trong ví dụ về một người bắt thằn lằn trong tổ mối. Nếu tổ mối có sáu lỗ thì phải bắt cách nào? Mình cần phải bịt năm lỗ và chừa lại một lỗ. Sau đó, mình chỉ cần ngồi im lặng, quan sát và chờ đợi, canh phòng một cái lỗ đó. Khi con thằn lằn chạy ra, ta có thể bắt nó.

Quan sát cái tâm theo cách như vậy. Đóng hết tất cả các mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, chỉ còn lại duy nhất cái tâm. “Đóng cửa các giác quan” có nghĩa là kiềm chế, kiêng cữ và chế ngự chúng, quan sát duy nhất cái tâm. Thiền tập giống như việc bắt con thằn lằn. Chúng ta dùng sự chánh niệm (sati) để nhận biết hơi thở. Chánh niệm là nhớ, niệm (luôn nhớ, thường nhớ, hằng nhớ, thường chiếu), giống như cách mình luôn hỏi mình “Ta đang làm gì?” để luôn nhớ mình đang làm gì. Còn sự hiểu biết rõ ràng, tức sự rõ biết (sampajanna), là sự tỉnh giác biết rõ “ngay bây giờ ta đang làm cái này, việc này, điều này.” Chúng ta tập quan sát hơi thở đi vào và đi ra với một sự chánh niệm (sati) và sự rõ biết (sampajannà).

Phẩm chất chánh niệm là thứ khởi sinh (có được) từ việc thực hành tu tập, đó không phải là thứ có được từ việc đọc kinh sách. Hiểu biết rõ những cảm giác khởi sinh. Tâm này có thể hơi ngưng hoạt động trong chốc lát và một cảm giác khởi sinh. Chánh niệm làm việc liên quan với những cảm giác đó, nhớ lại (nhớ, niệm) về những cảm giác đó. Hễ khi nào có chánh niệm thì có sự nhớ (nhắc nhớ, tâm niệm) rằng: “Ta sẽ nói”, “Ta sẽ đi”, “Ta sẽ ngồi”, vân vân..., và ngay sau đó sẽ có sự rõ biết (sampajanna), đó là sự tỉnh giác biết rõ rằng “ngay bây giờ ta đang đi “, “Ta đang nằm xuống”, “Ta đang trải nghiệm một trạng thái như vậy...” Với hai phẩm hạnh này, chánh niệm (sati) và sự rõ biết (sampajanna), chúng ta có thể hiểu biết tâm chúng ta trong giây khắc hiện tại. Chúng ta có thể biết cách tâm chúng ta phản ứng với những nhận thức giác quan.

Cái mà tỉnh giác, cái mà luôn rõ biết về những đối tuợng giác quan thì được gọi là cái “tâm.” Những đối tượng giác quan cứ luôn “nhảy vào, xen vào, lang thang vào” trong tâm. Ví dụ như có âm thanh của đồng hồ báo điện. Nó đi xuyên qua tai và đi vào trong tâm, tâm nhận biết đó là âm thanh của đồng hồ báo điện. Cái nhận thức được âm thanh đó chính là cái “tâm.”

Bây giờ nói thêm, cái tâm mà nhận biết cái âm thanh đó thì nó vẫn còn rất căn bản. Đó chỉ là nói đến cái tâm chung chung. Ví dụ khi có âm thanh báo động thì có thể tạo ra sự khó chịu bên trong người nhận biết. Chúng ta cần phải tu tập làm sao để cái “người nhận biết” trở thành cái “người biết”, đó là trở thành người hiểu biết đúng theo sự thật—đó là Phật, người hiểu biết mọi sự đúng thực như chúng là. Nếu chúng ta không hiểu biết rõ ràng đúng với sự thật (của mọi sự, mọi thứ diễn ra), thì chúng ta sẽ thấy khó chịu với những âm thanh, tiếng ồn, tiếng xe, tiếng đồng hồ báo điện, vân vân. Cái tâm bình thường, cái tâm của người phàm tục chưa được tu tập, thì nhận biết những âm thanh đó với sự khó chịu, sân si... Cái tâm bình thường đó chỉ nhận biết theo thiên kiến của nó, chứ không hiểu biết theo đúng sự thật. Chúng ta phải tu tập huấn luyện nó nhiều hơn nữa bằng tầm nhìn (chánh kiến) và sự hiểu biết thâm sâu (trí tuệ). Sự hiểu biết và trí tuệ (nãnaãassana)(47) là năng lực của một cái tâm trong sạch, thanh tịnh. Nếu tâm được tu tập như vậy nó mới hiểu biết những âm thanh chỉ là âm thanh. Nếu chúng ta không dính chấp vào âm thanh thì sẽ không bị khó chịu. Âm thanh tiếng ồn nổi lên, ta chỉ cần nhận biết nó (chỉ là âm thanh). Điều này được gọi là sự hiểu biết thực sự về sự khởi sinh của những đối tượng giác quan. Nếu chúng ta tu dưỡng Phật tính, nhận biết rõ ràng âm thanh chỉ là âm thanh, thì nó không quấy rầy ta, không làm ta khó chịu. Âm thanh khởi sinh do các điều kiện, chứ nó không phải là 'cái gì' cả, nó không phải là một 'thực thể, một cá thể’, là một thứ gì 'của chúng ta' cả. Nó chỉ là âm thanh. Tâm hiểu biết như vậy, thì tâm buông bỏ.

Sự hiểu biết như vậy gọi là Phật (Buddho), đó là sự hiểu biết một cách rõ ràng và thấu suốt. Với sự hiểu biết như vậy, chúng ta cứ nhận biết âm thanh chỉ là âm thanh. Âm thanh chẳng bao giờ quấy nhiễu chúng ta trừ khi chúng ta quấy nhiễu chúng bằng những suy nghĩ, thiên kiến, chấp nê này nọ; ví dụ như “Tôi ghét nghe tiếng ồn đó, nó làm khó chịu”, thậm chí “Mấy con chim mới sáng sớm kêu chin chít, làm ồn ào khi đang ngủ.”.. Khó chịu hay sự khổ khởi lên là do suy nghĩ này nọ của ta; ngay đó chính là nguyên nhân của khổ, nguyên nhân là do ta không hiểu biết sự thật của vấn đề, nguyên nhân là ta chưa có được sự hiểu biết và trí tuệ, chưa tu dưỡng được Phật trí. Chúng ta vẫn còn chưa nhìn thấy rõ ràng, chưa tỉnh thức, chưa tỉnh giác. Đây vẫn còn là cái tâm thô thiển, chưa được tu tập. Cái tâm như vậy là chưa thực sự có ích cho chúng ta.

Do vậy, Phật đã dạy rằng tâm này cần phải được tu tập và phát triển. Cũng như chúng ta chăm sóc phát triển cái thân, chúng ta cũng cần phát triển cái tâm, nhưng theo một cách khác. Để phát triển thân, chúng ta cần phải tập luyện thể dục, chạy bộ hay các môn tập khác vào buổi sáng và chiều. Kết quả là thân được chắc chắn, khỏe mạnh, các hệ như hô hấp và thần kinh cũng trở nên tốt hơn. Nhưng để tập cái tâm thì chúng ta không cần động tay động chân, không cần cố sức chuyển động, mà đưa tâm về trạng thái dừng lại, nghỉ ngơi.

Ví dụ, khi thiền tập, chúng ta chọn một đối tượng, ví dụ như hơi thở vào ra làm nền tảng để thiền. Đối tượng này trở thành mục tiêu chú tâm và quán xét của chúng ta. Chúng ta nhận biết hơi thở. Để nhận biết hơi thở, chúng ta phải theo dõi hơi thở bằng sự tỉnh giác, nhận biết nhịp thở, sự đi vào và đi ra của nó. Chúng ta đưa sự tỉnh giác vào trong hơi thở và buông bỏ tất cả mọi sự khác. Kết quả là ta chỉ an trú vào duy nhất một đối tượng tỉnh giác, tâm chúng ta trở nên tươi mới lại. Nếu chúng ta cứ để tâm nghĩ này, nghĩ nọ, nghĩ sự này sự khác, thì có nghĩa là có nhiều đối tượng tỉnh giác và có nghĩa là tâm không được hội tụ (không hợp nhất, không tập trung vào một điểm) thì có nghĩa là tâm không đi đến nghỉ ngơi.

Khi nói tâm dừng lại có nghĩa là tâm cảm giác như nó dừng lại, nó không còn chạy đây chạy đó. Giống như người có một con dao bén. Nếu dùng để cắt chặt xén búa xua nào đá, nào gạch, nào cây cỏ... thì dao sẽ mau bị cùn. Chúng ta nên dùng dao bén để cắt gọt cái gì hữu dụng cho mình. Tâm cũng vậy. Nếu chúng ta cứ để tâm lăng xăng chạy theo những ý nghĩ và cảm giác này nọ liên tục vô giá trị và vô ích, thì tâm sẽ bị mệt mỏi và yếu đuối. Tâm mệt mỏi và yếu đuối vì lăng xăng liên tục chỗ này chỗ nọ là cái tâm không có năng lượng; khi tâm không có năng lượng thì trí tuệ sẽ không khởi sinh, bởi vì tâm không có năng lượng là tâm không tập trung, không có định samadhi (không được tập trung, không được hợp nhất, không được hội tụ).

Nếu tâm không ngừng lại thì bạn không thể nhìn thấy các đối tượng giác quan một cách rõ ràng như chúng là. Sự hiểu biết rõ rệt rằng: “Tâm là tâm, các đối tượng giác quan chỉ là các đối tượng giác quan”; sự hiểu biết đó chính là gốc rễ từ đó đạo Phật lớn lên và phát triển. Đó là cốt lõi và trái tim của đạo Phật.

Chúng ta phải tu dưỡng tâm này, phát triển nó, tu tập nó trong sự tĩnh lặng và trí tuệ. Chúng ta tu tập tâm để tâm có giới hạnh và trí tuệ bằng cách làm cho tâm ngừng lại và từ đó giúp trí tuệ khởi sinh; cụ thể hơn là bằng cách hiểu biết tâm này như nó là.

Quý vị biết không, cách của nhân loại là, cách chúng ta làm mọi thứ là giống như những đứa trẻ (theo một nghĩa sau đây). Một đứa trẻ thì không biết gì. Người lớn khi nhìn những hành vi của một đứa trẻ con, nhìn cách nó chơi đùa và chạy nhảy tung tăng này nọ, những hành động của nó dường như chẳng có mục đích gì. Nếu tâm chúng ta không được tu tập thì nó cũng giống như một đứa trẻ. Chúng ta nói không có sự tỉnh giác (không có ý thức) và hành động không có trí tuệ. Chúng ta có thể hủy hoại (tâm) mình hoặc gây ra những nguy hại không biết trước, và thậm chí chưa bao giờ biết đến điều đó. Một đứa trẻ con thì không biết gì, nó chỉ chơi đùa lăng xăng như mọi đứa trẻ con. Cái tâm còn ngu dốt của chúng ta cũng giống như vậy. Nó cũng liên tục lăng xăng này nọ.

Do vậy, chúng ta cần tu tập tâm này. Phật đã dạy phải tu tập cái tâm, phải dạy cái tâm. Ngay cả khi quý Phật tử giúp đỡ đạo Phật bằng cách góp công cúng dường bốn loại vật dụng cần thiết nói trên (thức ăn, chỗ ở, y phục và thuốc men) cho các tăng ni tu hành, thì sự ủng hộ đó cũng còn là bề ngoài, chỉ là phần “vỏ cây” hay lớp “gỗ mềm” của cây, chưa phải là phần cốt lõi của cây. Sự ủng hộ và theo đạo Phật đích thực là ở chỗ tự thân thực hành chứ không phải chỗ khác, đó là tu tập ba nghiệp hành động, lời nói và ý nghĩ theo như giáo lý của Phật. Cách này mới mang lại kết quả nhiều hơn. Nếu chúng ta chánh trực và chân thật, tu tập có được sự giới hạnh và trí tuệ, thì sự tu tập đó mới mang lại sự giàu đức giàu trí. Như vậy mới không còn tính hung bạo, chiến đấu, sân hận trong tâm. Đây chính là cách đạo của chúng ta dạy để chúng ta trở nên thiện lành.

Nếu chúng ta cứ cho rằng những giới hạnh đạo đức là chuyện xưa rồi, vậy thì dù sư thầy có chỉ dạy hết sự thật chân lý thì sự tu tập của chúng ta cũng thiếu sót. (Không giới hạnh đạo đức thì không có gốc để tu tập tâm trí tuệ). Chúng ta có thể có khả năng học hiểu các giáo lý và nói đi nói lại đủ điều về chúng, nhưng điều đó chẳng có giá trị gì nhiều. Điều quan trọng là phải tu tập thực hành theo những giáo lý đó, nếu chúng ta thực sự muốn hiểu biết về chúng. Nếu chúng ta không chịu triển khai thực hành thì điều đó có lẽ là sự cản trở lớn nhất cho chúng ta, có thể cho đến vô vàn kiếp sau chúng ta cũng không thể hiểu biết sâu sắc về chỗ cốt lõi của đạo Phật. Cứ như vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được phần cốt lõi của đạo Phật.

Do vậy, việc thực hành giống như một chìa khóa, chìa khóa của việc thiền tập. Thiền tập là thực hành. Nếu chúng ta nắm rõ chỗ này như nắm chắc chìa khóa trong tay, thì dù có trở ngại như ổ khóa khó đến mức nào, chúng ta cũng mở được nó ra. Nếu chúng ta chẳng nắm gì chắc trong tay, không nắm được chìa khóa, thì chúng ta khó mà giải mở được ổ khóa. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy biết thứ gì quý giá nằm ở trong rương.

Thực tế có hai loại hiểu biết (hai loại tri kiến). Người hiểu biết Giáo Pháp thì không sáo rỗng nói những lời do mình nghe học nhớ, mà người đó chỉ nói sự thật (do người đó đã tự thân trải nghiệm). Người thế tục thì thường nói những lòi ngụy nghĩa, giả tạo (dù rằng ngay cả khi họ không chủ định nói láo để lừa ngay cái gì). Ví dụ, có hai người rất lâu tình cờ gặp lại nhau trên một chuyến tàu, bởi họ sống ở những nơi cách xa nhau. “Trời ơi lạ thiệt, tôi vừa mới nghĩ đến anh đó!” hoặc “Này anh, gặp anh tôi mừng hết lớn luôn đó!.”.. Thực ra không phải vậy. Họ chẳng bao giờ nghĩ nhớ tới nhau, nhưng ai cũng hay nói lên như vậy khi tình cờ gặp nhau. Và điều đó trở thành lời nói dối, không thật tâm. Đúng vậy, tự nhiên cứ nói dối một cách vô ý thức như vậy. Đây là sự nói dối mà không biết rằng tâm mình đã nói dối. Đó là một dạng tinh tế của sự ô nhiễm trong tâm, và những điều đó xảy ra thường xuyên trong đời sống của mỗi người.

Do vậy, chúng ta cần phải tu tập cái tâm một cách khéo léo và sâu sắc. Trở lại việc tu tập tâm, thầy Tuccho Pothila đã làm theo những lời hướng dẫn của vị sa di trẻ kia: thở vào, thở ra... ý thức chánh niệm về mỗi hơi thở... cho đến khi thầy ấy nhìn thấy rõ kẻ nói dối bên trong tâm mình, nhìn thấy sự giả dối của chính tâm mình. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm ngay khi chúng khởi lên, giống như tỉnh giác nhìn thấy con thằn lằn ngay khi nó chạy ra khỏi hang mối vậy. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm và nhận thức rõ bản chất đích thực của chúng ngay khi chúng khởi sinh. Thầy ấy nhận biết rõ trong một giây khắc tâm tạo tác ra điều gì, giây khắc tiếp theo tâm tạo tác ra điều gì khác.

Ý nghĩ, suy nghĩ là thứ do tạo tác mà có, là một pháp hữu vi (sankhata dhamma), đó là thứ được tạo tác bởi những điều kiện (duyên) tác động. Ý nghĩ không phải là thứ vô tác, không phải là một pháp vô vi (asankhata dhamma), không phải không điều kiện (vô duyên) mà có. Cái tâm đã được tu tập thuần thục là cái tâm với một sự tỉnh giác hoàn hảo, thì nó không tạo tác ra những trạng thái tâm. Loại tâm đó có thể hiểu biết thâm sâu về bốn sự thật Tứ Diệu Đế và vượt trên những tham muốn chạy theo những đối tượng trần cảnh bên ngoài. Hiểu biết về bốn Diệu Đế là hiểu biết về sự thật, chân lý. Cái tâm luôn phóng tác thì luôn luôn tránh né sự thật đó, nó cứ luôn giả giọng nói rằng “cái đó tốt” hoặc “cái này đẹp”; nhưng nếu có Phật tính trong tâm thì tâm không còn giả lừa chúng ta nữa, bởi lúc đó chúng ta đã hiểu biết rõ tâm đúng như nó là. Lúc đó tâm không còn tạo tác ra những trạng thái tâm ngu si ngu mờ nữa, bởi đã luôn có mặt sự tỉnh giác rõ ràng thấy biết rõ tất cả các trạng thái tâm là bất ổn định, không bền lâu, có rồi mất, sinh diệt liên tục, và là nguồn gốc của sự khổ đối với những ai còn dính chấp vào chúng.

Dù có đi đâu hay làm gì, cái “người biết” luôn có mặt thường trực trong tâm của thầy Tuccho Pothila. Thầy quan sát những sự tạo tác khác nhau và những sự phóng túng khác nhau của tâm mình bằng một sự hiểu biết. Thầy ấy nhìn thấy cách cái tâm giả lừa đủ mọi kiểu cách khác nhau. Thầy ấy nắm chắc cốt lõi của việc tu tập, nhìn thấy rõ rằng “Chính cái tâm giả lừa này lại là cái “người quan sát”—đó chính là cái “người” dẫn dắt chúng ta đến những cực đoan của sướng và khổ và đưa đẩy chúng ta vào trong vòng xoáy của vòng luân hồi sinh tử bất tận, đầy những sướng và khổ, thiện và ác—tất cả là do “kẻ” này.” Thầy Tuccho Pothila nhận ra sự thật và nắm chắc cốt lõi tu hành, giống như người nắm chắc được cái đuôi con thằn lằn. Thầy ấy nhìn thấy cách vận hành tạo tác của cái tâm ngu mờ, si mê và vô minh.

Đối với chúng ta cũng vậy. Chỉ có tâm này là quan trọng: Do vậy người tu mới nói là tu tập cái tâm. Giờ quý vị có thể thắc mắc: Nếu tâm đã là tâm, thì chúng ta sẽ tu tập cái gì ở đây? Như vầy, bằng cách tu tập sự chánh niệm (sati) và sự rõ biết (sampajanna) thường trực và liên tục thì chúng ta có khả năng hiểu biết cái tâm. Cái “người biết” là một bước đi trước cái tâm, cái “người biết” là cái hiểu biết trạng thái của tâm. Tâm là tâm. Cái người hiểu biết sự 'tâm đơn giản chỉ là tâm' chính là cái “người biết.” Nó đứng trên cái tâm. Cái “người biết” đứng trên cái tâm, và bởi vậy nó có thể nhìn xuống quan sát cái tâm, chỉ dạy cho cái tâm biết được điều gì đúng và điều gì sai, điều gì thiện và điều gì ác. Nói tóm lại, mọi thứ đều quay lại trong cái tâm phóng túng này (tâm phàm tục, chưa được tu tập). Nếu tâm bị dính kẹt vào những sự phóng túng tạo tác của nó, thì lúc đó không có sự tỉnh giác, và nếu vậy sự tu tập chỉ là vô ích, vô kết quả.

(Giống như một người gác-dan cần phải có sự tỉnh giác thường trực nơi cổng ra vào. Nhưng do tâm người đó phóng túng ra ngoài đường, xe cộ, chim chóc hay những vọng tưởng khác, thì coi như người đó không có sự tỉnh giác canh phòng nơi cổng ra vào, ai ra ai vô làm gì cũng không thấy, và như vậy công việc gác-dan là vô ích và không kết quả. Việc tu tập hay thiền tập là tập luyện khả năng tỉnh giác một cách thường trực và chánh niệm để có thể quan sát tâm này và những trạng thái của nó. Nếu để mất chánh niệm, tâm lăng xăng chỗ khác hoặc để tâm chạy theo những trạng thái tâm này nọ, thì coi như là không có sự tỉnh giác, và do vậy sự thiền tập không mang lại kết quả).

Do vậy, chúng ta cần phải tập luyện tâm này lắng nghe Giáo Pháp, tu dưỡng Phật tính, tu tập sự tỉnh giác rõ ràng và sáng tỏ, để cho nó đứng bên trên và phía trước cái tâm bình thường và biết rõ những gì đang xảy ra bên trong cái tâm phàm tục đó. Chỗ này chính là cái lý chúng ta tập thiền với chữ Bud-dho [Đức Phật], để cho chúng ta có thể hiểu biết cái tâm trước một bước và trên một bước hơn nó. Chỉ cần ngồi quan sát tất cả mọi chuyển động của cái tâm, dù tốt hay xấu, lành hay không lành, cho đến khi cái “người biết” nhận biết được “tâm chỉ là tâm”, chứ không phải là một cái 'linh hồn', một cái 'ta', cái 'ngã' hay là một 'ai' cả. Đây chính là phương pháp Chánh niệm về Tâm (cittãnupassanã)(48) mà Phật đã nói trong kinh Bốn Nền Tảng Chánh Niệm (Satipatthana Sutta). Tập nhìn thấy tâm theo cách như vậy giúp chúng ta có thể hiểu ra rằng “tâm là luôn luôn biến đổi (vô thường), là bất toại nguyện (khổ) và không có chủ thể (vô ngã). Tâm này không phải là của ta. Tâm này không thuộc về chúng ta.

Chúng ta có thể tóm lược như vầy: Tâm là cái nhận biết những đối tượng giác quan; những đối tượng giác quan là khác với tâm; cái “người biết” hiểu biết về cả tâm và những đối tượng của tâm đúng như chúng là. Chúng ta phải dùng sự chánh niệm (sati) để thường xuyên làm sạch cái tâm. Ai cũng có khả năng chú tâm chánh niệm (sati), ngay cả con mèo cũng có khả năng đó, khi nó đang rình bắt một con chuột. Con chó cũng có khả năng đó, khi nó đang chú tâm và sủa vào một người lạ. Đó là dạng chú tâm chánh niệm, nhưng nó khác với sự chú tâm chánh niệm theo đúng như Giáo Pháp. Ai cũng có khả năng chú tâm chánh niệm (sati), nhưng có nhiều mức độ chú tâm chánh niệm khác nhau, giống như mức độ chú tâm khác nhau của nhiều người khác nhau khi họ đang nhìn vào cái gì. Giống như vầy, khi tôi nói quán xét về thân, nhiều người lại nói rằng: “Có gì lạ đâu mà quán xét thân này? Ai mà chẳng nhìn thấy thân rồi. Tóc thì chúng tôi thấy rồi, lông chúng tôi thấy rồi... móng, răng, da, thịt, gân, tủy, thận... chúng tôi cũng nhìn thấy hết rồi... Vậy quán xét làm chi?”(49)

Mọi người thường nghĩ như vậy. Đúng là họ nhìn thấy thân, nhưng sự nhìn đó không phải là sự nhìn thấy thực thụ, họ không nhìn thấy bằng sự hiểu biết, bằng Phật trí (Buddho), bằng cái “người biết”, bằng “người tỉnh thức.” Họ chỉ nhìn thấy thân theo cách thông thường, họ chỉ nhìn thấy bằng mắt thường. Chỉ nhìn thấy thân đơn giản như vậy là chưa đủ. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy thân như vậy thì khó biết và còn nhầm lẫn. Chúng ta phải nhìn thấy thân trong thân thì mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn. Nếu chỉ nhìn thấy thân theo cách người phàm thì chúng ta sẽ bị nó giả lừa, sẽ bị nó quyến rũ bằng sắc vẻ bề ngoài của nó. Nếu không nhìn thấy bản tính luôn biến hoại (vô thường), bất hoàn hảo, bất như ý (khổ) và vô chủ nhân (vô ngã) của nó thì tâm tham dục (nhục dục, sắc dục, kãmachanda)(50) sẽ luôn luôn khởi sinh và đầy ắp trong tâm kẻ phàm phu. Ta sẽ luôn bị mê hoặc bởi những hình sắc (như sắc thân, diện mạo...), những âm thanh (như lời nói dễ nghe, gợi tình, tiếng hát hay...), những mùi hưong, những mùi vị (mùi thân thể, mùi vị nam nữ...) và những cảm giác (do tình cảm, cảm xúc, do chạm xúc...) cứ nhìn và bị dính theo những sắc vẻ bề ngoài như vậy là cách nhìn của con mắt trần bằng thịt, khiến cho ta cứ yêu thích, ghét chê và phân biệt đẹp xấu này nọ liên tục đủ cách thành những (nhận thức) vui và không vui, dễ chịu và khó chịu, sướng và khổ... liên tục và liên tục trong suốt sự sống.

Đức Phật đã dạy rằng nhìn theo kiểu như vậy là chưa đủ, nhìn bằng mắt trần chỉ là cách nhìn một phía. Chúng ta cần phải biết nhìn bằng “con mắt của tâm.” Nhìn thấy thân trong thân. Nếu chúng ta thực sự nhìn vào bên trong thân này... thì sẽ thấy: Ui! thân này thật ghớm ghiếc. Trong thân trộn lẫn những thứ hôm nay và những thứ hôm qua, chúng ta không thể nói thứ nào là thứ nào. Nhìn theo cách như vậy thì thấy rõ hơn nhiều so với cách nhìn bằng con mắt tham dục. Quán xét và nhìn bằng con mắt của tâm, bằng con mắt trí tuệ.

Sự hiểu biết của người đời thì khác. Nhiều người không biết thiền quán về năm thứ đầu tiên dễ nhận thấy nhất trên thân người, đó là: tóc, lông, móng, răng và da. Họ cứ nói rằng họ đã nhìn thấy rồi, nhưng họ chỉ nhìn thấy bằng con mắt tham dục thường ngày, bằng con mắt “điên đảo” chỉ nhìn ngắm những thứ họ thích nhìn. Để nhìn thấy thân trong thân bạn phải nhìn thấu rõ hơn cách nhìn đó.

Đây là cách tu tập (thiền quán hay thiền chánh niệm về thân) có thể giúp bứng bỏ những thói tâm dính chấp vào cái thân năm uẩn (khandha).(51) Bứng bỏ được sự dính chấp ràng buộc là bứng bỏ khổ đau, bởi sự ràng buộc dính chấp vào thân năm uẩn là nguyên nhân gây ra khổ. Nếu khổ khởi sinh thì nó ở ngay đây, ngay chỗ sự dính chấp vào năm uẩn. Không phải trong bản thân năm uẩn là khổ, mà chính sự dính chấp vào chúng, coi chúng là 'của ta'... thì mới là khổ.

Nếu ai thiền tập và nhìn thấy rõ ràng những sự thật đó thì sự khổ sẽ dần được tháo gỡ ra, giống như kiểu cây đinh con vít được vặn tháo ra vậy. Vặn tháo từ từ cây đinh cây vít và nhổ nó ra. Tâm cũng vặn tháo ra theo cách như vậy, tháo bỏ những dính chấp ràng buộc, buông bỏ buông bỏ, tháo bỏ những thói tâm đối đãi ám muội từ bao kiếp về cái tốt và cái xấu, về sở hữu và những thứ của ta, về danh và lợi, về sướng và khổ...

Nếu chúng ta không biết sự thật về những thứ của thân thì giống như ta cứ siết chặt cây đinh con vít mãi mãi. Càng lúc càng chặt thêm cho đến khi nó nghiền nát ta bên dưới và ta luôn bị khổ vì mọi sự mọi thứ dính chấp. Khi ta biết rõ mọi thứ ra sao thì ta sẽ vặn tháo trở ra theo chiều ngược lại. Trong Giáo Pháp chúng tôi gọi đó làm khởi sinh sự buông bỏ, sự chán bỏ, sự lìa bỏ (nibbidã), đó là sự không còn mê tham hay dính chấp vào những thứ giả tạm của thân này và của thế gian. Ta trở nên chán ngán với mọi thứ và ta dẹp bỏ sự tham chấp vào chúng. Nếu chúng ta tháo bỏ theo cách như vậy thì chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an.

Nguyên nhân của khổ là do dính chấp vào đủ thứ. Do vậy chúng ta cần phải loại bỏ nguyên nhân, bứng bỏ gốc rễ của nó và ngăn không cho nó tái tục gây khổ nữa. Người đời có một vấn đề khó giải—đó là vấn đề dính chấp. Chỉ vì duy nhất sự dính chấp này (gồm có tham và si) mà người ta giết nhau. Tất cả mọi vấn nạn, từ phạm vi cá nhân, gia đình, xã hội... đều khởi sinh từ một nguyên nhân gốc rễ này. Chẳng ai thắng được gì... họ giết nhau nhưng cuối cùng chẳng ai giành được gì. Tôi không hiểu tại sao con người trên thế giới vẫn còn chiến đấu và giết nhau như vậy để rốt cuộc chẳng được gì.

Quyền lực, của cải, chức phận, danh tiếng, sướng và khổ... tất cả đều là những thứ thế tục, đó là những pháp thế gian. Những pháp thế gian bao bọc những người thế tục. Những người thế tục bị dẫn dắt đảo điên liên tục bởi những pháp thế gian, đó là những được mất, khen chê, vinh nhục, sướng khổ. (Đó là tám pháp thế gian bao phủ và chi phối tâm trạng của người phàm phu). Xưa nay có người còn giết người để cướp của, để tranh giành quyền lực và địa vị. Tại sao? Bởi họ coi những thứ đó là hệ trọng nhất trong cuộc đời của họ. (Họ muốn được đủ thứ, muốn được khen nịnh, muốn được vinh danh uy quyền, và muốn được sướng, không bị khổ). Khi họ được người ta đề bạt vào chức vị nào đó, họ mang chức vị đó vào đầu luôn, giống như ông thôn trưởng mới được bầu trở thành người đứng đầu hay trở thành 'cái đầu' của ngôi làng vậy. Sau khi được bổ nhiệm ông trở thành kẻ “nghiện chức quyền.” Nếu bạn bè cũ đến thăm hỏi, ông ta không nói thì cũng nghĩ: “Làm gì đến hoài vậy. Đâu còn kiểu bạn bè lom com như xưa nữa đâu. Giờ tui đã là 'sếp' rồi mà.” Thói đời là vậy!

Đức Phật dạy chúng ta nên hiểu rõ tính chất của những thứ: của cải, danh lợi, tiếng khen và sự khoái sướng. (Bốn thứ hay bốn pháp thế gian mà người đời liên tục chạy theo sau khi được sinh ra). Nếu có được chúng thì ta cứ nhận lấy chúng như chúng là, nhận lấy một cách buông bỏ (không nhận lấy với lòng tham muốn có thêm nhiều nữa). Đừng để chúng nhảy lên đầu ta. Nếu chúng ta không hiểu biết rõ những điều đó thì chúng ta sẽ bị lừa và cứ chạy theo tham chấp về của cải, tiền bạc, nhà cửa, con cháu, người thân thuộc... chạy theo đủ thứ trên đời! Nếu chúng ta hiểu rõ về chúng, chúng ta sẽ biết tất cả chúng chỉ là những thứ vô thường, giả tạm. Nếu chúng ta bám dính theo chúng, chúng trở thành những ô nhiễm trong tâm.

Tất cả những thứ đó đều khởi động sau khi con người được sinh ra. Đầu tiên lúc sinh ra 'con người' chỉ có phần danh và sắc (nama và rupa), tức phần thân thể và phần tâm. mà thôi. Sau đó chúng ta đặt thêm tên “Ông Phượng”, “Bà Tím” và đủ thứ sau đó. Những thứ đặt thêm là những quy ước. Sau đó còn gán thêm nhiều danh chức như “Đại tá”, “Tướng” và vân vân. Nếu chúng ta không hiểu rõ đó chỉ là những sự quy ước thì chúng ta cứ tưởng chúng là những thứ “thiệt” và cứ mang chúng theo mình khắp nơi suốt đời. Vì không hiểu những pháp thế gian là quy ước và giả tạm, nên chúng ta cứ cố sức mang theo những thứ của cải, vật sở hữu, danh phận, chức tước theo mình suốt đời. Nếu ai có quyền thì người đó sẽ lên giọng lệnh này lệnh nọ... “Bắt tù người này và xử tội.”.. Chức vị đưa ra quyền lực. Chữ “chức vị” ở đây là chỗ người ta dính chấp. Ở nhiều nơi, khi có chức vị người ta lập tức ra lệnh; không cần biết đúng hay sai, họ cứ làm theo tâm trạng và ý muốn của họ. Rồi họ lại làm những lỗi sai lầm như trước, càng lúc càng đi xa khỏi con đường chánh trực.

Ai hiểu Giáo Pháp thì không hành xử như vậy. Tốt xấu, thiện ác đã có mặt trên thế gian tự thuở nào... nếu của cải và danh lợi đưa đến trên đường đời của ta, ta cứ coi đó là những thứ của cải và danh lợi, đừng để cho chúng trở thành 'ta', đừng nhận lầm những thứ đó là 'ta'. Chúng ta chỉ dùng chúng để thực hiện những trách phận cần nên làm và sau đó buông xả chúng. Bản thân ta vẫn không thay đổi, không thay đổi hay biến đổi theo những thứ đó. Nếu chúng ta thiền tập thành công về những thứ đó, thì khi những thứ đó xảy đến trong đời ta, ta vẫn bình thản và không bị đánh lừa bởi chúng. Chúng ta sẽ không bị phiền não, không bị tác động, vẫn tự tại như thường. Mọi thứ cuối cùng rồi cũng như nhau, rốt cuộc là vậy.

Đó là cách Phật muốn chúng ta hiểu biết về mọi sự. Dù ta có nhận gì, tâm không thêm thắt gì vào đó. Họ bầu cử bạn thành ngài thị trưởng... “ừ, thì tôi sẽ làm thị trưởng, nhưng tôi không phải là cái 'chữ chức' đó.” Họ cử bạn làm trưởng nhóm... “ừ, tôi làm, nhưng tôi không phải là cái 'trưởng nhóm'.” Dù ai có chọn bạn làm chức vị gì, bạn cứ nhận lấy nếu là việc nên làm... “Vâng, tôi làm, nhưng tôi không phải là vậy!” Rốt cuộc sau cùng, chúng ta là gì? Rốt cuộc rồi chúng ta cũng chết. Dù họ có bầu chọn bạn là gì trong đời, cuối cùng bạn cũng vậy, cũng chẳng khác gì mọi người, cũng chết. Tất cả đều đi đến kết cục đó. Vậy thì ta còn nói gì được bây giờ? Nếu chúng ta nhìn thấy mọi thứ theo cách như vậy thì chúng ta có được một chỗ an trú chắc chắn và một sự bằng lòng thực sự. Chẳng thay đổi được gì. (Vậy ta nên biết bằng lòng với những quy luật và lẽ thật của mọi thứ diễn ra).

Đây là cách không bị đánh lừa và không bị lôi kéo bởi những thứ trên thế gian. Bất cứ thứ gì xảy đến trong đời ta, đó chỉ là những điều kiện. (Tâm chúng ta đã được tu tập để hiểu biết rõ như vậy). Chẳng còn thứ gì có thể dụ dỗ cái tâm đó tiếp tục tạo tác hay phóng túng nữa; không còn có thể lôi kéo nó vào chỗ tham, sân, si nào nữa.

Giờ tôi xin nhắc lại, đây là cách để trở thành một người hộ đạo đích thực của đạo Phật. Dù quý vị có thuộc những người được ủng hộ cúng dường (như Tăng, Ni) hay thuộc những người ủng hộ (như người tại gia, thí chủ), thì quý vị cũng cần phải suy xét vấn đề này một cách thấu suốt. Hãy tu tập pháp giới hạnh (sila dhamma) bên trong tâm mình. Đây là con đường chắc chắn nhất để ủng hộ đạo Phật. Ủng hộ đạo Phật bằng cách cúng dường bốn loại vật phẩm như thức ăn, chỗ ở, y phục và thuốc men thì cũng là tốt, nhưng loại cúng dường đó chỉ mới chạm đến phần “gỗ mềm” của đạo Phật. Đừng quên điều đó. Một cái cây có vỏ, phần gỗ mềm và phần gỗ lõi bên trong, và ba phần này là liên quan tương trợ lẫn nhau. Phần lõi cũng nhờ có lớp vỏ cây và lớp gỗ mềm bên ngoài. Phần gỗ mềm cũng nhờ có lớp vỏ cây và phần gỗ lõi bên trong. Chúng tồn tại một cách tương quan tương tức với nhau. Cũng giống như những giáo lý về Giới Hạnh, Thiền Định và Trí Tuệ, tức Giới Định Tuệ (Sĩla, Samadhi, Pannã) của Phật. Giới Hạnh là để thiết lập những hành động và lời nói một cách chánh trực, đúng đắn. Thiền Định là để tập trung (gom tụ, hội tụ, hợp nhất) tâm để đạt đến khả năng định tâm. Trí Tuệ là sự hiểu biết thấu suốt về bản chất của tất cả mọi điều kiện, hiện tượng. Hãy học hiểu con đường này, thực hành con đường này, rồi bạn sẽ hiểu được đạo Phật một cách sâu sắc nhất.

Nếu quý vị không hiểu được những điều này, thì quý vị sẽ luôn luôn bị dẫn lừa và chạy theo những thứ của cải vật chất, bị dẫn lừa bởi chức vụ, địa vị, bởi khoái lạc giác quan và bởi bất cứ thứ gì chạm đến quý vị. Cứ làm những việc như đi chùa, ủng hộ cúng dường đạo Phật theo cách bề ngoài thì chẳng bao giờ chấm dứt sự tranh đấu, cãi vả, thù ghét, ác độc, tranh đấu, giết hại trên thế gian này. Nếu muốn dừng lại tất cả những hành vi (nghiệp) bất thiện đó, chúng ta cần phải tu tập quán xét sâu sắc về bản chất của những thứ thế gian: được/mất, khen/chê, vinh/nhục và sướng/khổ. Chúng ta phải quán xét sâu sắc về sự sống của mình và làm cho cuộc sống diễn ra theo hướng con đường của giáo lý chánh đạo. Chúng ta phải quán xét rằng tất cả mỗi chúng sinh trên thế gian đều là một phần của tất cả thế giới chúng sinh. Chúng ta cũng như họ, họ cũng như chúng ta. Họ cũng có hạnh phúc và khổ đau như chúng ta. Tất cả đều gần như nhau. Nếu chúng ta biết quán xét theo cách như vậy, sự hiểu biết và bình an sẽ khởi sinh trong ta. Đây chính là nền tảng của đạo Phật.

-------------

(46) [Samana: sa môn, là chỉ người tu khổ hạnh thời Phật, là người xuất gia đi tu; ở đây chỉ những người đã tu tập được những phẩm hạnh thánh thiện. Thiền sư Ajahn Chah thường gọi các sa môn là những người bình an].

(47) Nanadassana: nghĩa là sự hiểu biết và trí tuệ [để nhìn thấu vào sự thật của Tứ Diệu Đế.

(48) Một trong bốn nền tảng hay cơ sở để tu tập chánh niệm trong bài kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” (tức kinh Tứ Niệm Xứ, HV). Bốn nền tảng để chánh niệm là thân, cảm giác, tâm và những đối tượng của tâm (thân, thọ, tâm và pháp).

(49) (Theo kinh điển Phật giáo, 32 bộ phận của thân trong phần “Chánh niệm về thân” bao gồm:

• 20 Bộ Phận thuộc nhóm yếu tố đất của thân:
- tóc, lông, móng, răng, da
- thịt, gân, xương, tủy, thận
- tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi
- ruột già, ruột non, toàn bộ bao tử, phân, óc.

• 12 Bộ Phận thuộc nhóm yếu tố nước của thân:
- mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ
- nước mắt, bạch cầu, nưóc bọt/chất nhầy, chất nhờn ở các khớp, nước tiểu.)

(50) [Tham dục (nhục dục, sắc dục) là một trong năm chướng ngại lớn cho việc tu tập cái tâm. Bốn chướng ngại còn lại của việc tu hành là: ác ý; nghi ngờ; buồn ngủ & đờ đẫn; và lo lắng (mặc cảm, hối tiếc) & bất an].

(51) [khandha: uẩn, tập hợp, đống. Năm uẩn tạo nên một 'con người' là năm tập hợp sắc, thọ, tưởng, hành, thức. (Sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, thức). Sắc là tập hợp tạo nên phần thân thể, bốn tập hợp kia thuộc các phần tâm linh, tinh thần].

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Hoa nhẫn nhục


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.193.28 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...