Khai tổ: Bồ Tát Mã Minh vào khoảng thế kỷ 1 và Bồ Tát Long Thụ khoảng
thế kỷ 2, 3 ở Ấn Độ.
Giác
Hiền (Bodhibhadra) dịch kinh Hoa nghiêm vào khoảng đầu thế kỷ 5. Đỗ
Thuận truyền bá Hoa nghiêm tông ở Trung Hoa vào thế kỷ 7.
Đạo
Tuyền truyền sang Nhật Bản từ năm 736.
Giáo lý căn bản: Kinh Hoa nghiêm
Tông chỉ: Tất cả các pháp đều do duyên khởi và phụ thuộc lẫn nhau, cái
này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, không một pháp
nào có thể tồn tại độc lập trong thế giới này, cho đến giữa một hạt bụi
nhỏ nhất với một cõi thế giới to lớn nhất trong vũ trụ cũng đều có sự
tương quan mật thiết với nhau.
LỊCH SỬ
Tông này lấy bộ kinh Hoa nghiêm làm nền tảng, nên gọi tên là Hoa nghiêm
tông. Kinh Hoa nghiêm có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa
nghiêm Kinh, là một trong những bộ kinh rất uyên áo, sâu xa. Sau khi
thành đạo, đức Phật đã vì các vị Đại Bồ Tát như Văn-thù, Phổ Hiền... mà
thuyết giảng kinh này chứ không phải dành cho những vị đệ tử mới học
đạo. Tương truyền khi kết tập kinh điển thì kinh này đã thất truyền.
Phải đến khoảng 700 năm sau, khi Bồ Tát Long Thụ ra đời, sau khi chứng
ngộ mới dùng thần thông hiện đến cung điện của Long vương, tìm thấy nơi
ấy có cất giữ ba bản kinh Hoa nghiêm. Tuy nhiên, trong đó có hai bản
nghĩa lý quá sâu xa huyền diệu, trí huệ của người đời không thể nhận
hiểu nổi. Ngài liền xem qua bản thứ ba, thấy có một trăm ngàn bài kệ,
chia làm 48 phẩm (có thuyết nói là 38), nghĩa lý có thể truyền dạy cho
người đời được, liền mang về Ấn Độ. Tuy nhiên, có thuyết khác nói rằng
trước đó, Bồ Tát Mã Minh cũng là người thông hiểu về kinh Hoa nghiêm.
Vào đời Đông Tấn, năm Nghĩa Hy thứ 14 (418), ngài Phật-đà-bạt-đà-la
(Buddhabhadra - Giác Hiền) là một tăng sĩ từ Ấn Độ sang Trung Hoa, lần
đầu tiên dịch kinh Hoa nghiêm sang Hán văn, có 60 quyển. Về sau, người
ta gọi bản dịch này là Cựu Hoa nghiêm kinh.
Đến đời Đường, vào năm 699, ngài Thật-xoa-nan-đà lại dịch kinh Hoa
nghiêm sang Hán văn. Bản dịch lần này có 80 quyển, về sau được gọi là
Tân Hoa nghiêm kinh.
Nhưng phải đến ngài Đỗ Thuận thì Hoa nghiêm tông mới chính thức được
khai sáng, trở thành một trong các tông phái lớn của Trung Hoa.
Ngài Đỗ Thuận sinh năm 557, viên tịch ngày rằm tháng 11 năm Trinh Quán
thứ 14 (640) tại chùa Nghĩa Thiện ở Nam Giao.
Ngài họ Đỗ, tên húy là Pháp Thuận, hiệu là Đế Tâm Tôn giả, đương thời
tôn xưng là Đôn Hoàng Bồ Tát. Ngài tư chất thông minh, đạo hạnh cao vời,
người bấy giờ đều tin rằng ngài chính là Bồ Tát Văn-thù giáng thế.
Năm 18 tuổi ngài xuất gia tại chùa Nhân Thánh, theo học Thiền với ngài
Tăng Trân. Về sau, ngài vào ẩn cư trong núi Chung Nam, xiển dương giáo
lý Hoa nghiêm, người tìm đến học với ngài rất đông, có cả hai giới xuất
gia và tại gia. Vua Đường Thái Tông nghe biết về đức độ của ngài, truyền
thỉnh vào cung diện kiến, đối đãi rất cung kính. Về sau, trong thời gian
cuối đời ngài đi khắp mọi nơi, khuyên người niệm Phật A-di-đà và có
trước tác văn xưng tán Tịnh độ.
Sau ngài Đỗ Thuận, Hoa nghiêm tông tiếp tục được truyền nối và phổ biến.
Tổ thứ hai là ngài Vân Hoa Trí Nghiễm, tổ thứ ba là ngài Hiền Thủ Pháp
Tạng. Ngài Hiền Thủ có công lớn trong việc hoàn chỉnh phần giáo lý Hoa
nghiêm tông do các vị Tổ sư đời trước truyền lại, khiến cho tông này
được hưng thịnh, nên người bấy giờ cũng gọi Hoa nghiêm tông là Hiền Thủ
tông.
Ngài Thanh Lương Trừng Quán tiếp nối làm tổ thứ tư, có soạn bản Đại sớ
sao chú giải về kinh Hoa nghiêm rất tinh vi, rành mạch, giúp cho người
học có thể tiếp thu giáo lý Hoa nghiêm tông một cách dễ dàng hơn. Nhờ
vậy, tông này vào thời của ngài càng thêm phát triển, cũng được người
đời gọi là Thanh Lương tông.
Vị tổ thứ năm là ngài Khuê Phong Tông Mật, là một vị thiền sư. Ngài Khuê
Phong thông hiểu kinh Viên giác, có soạn sớ giải cho kinh này. Ngài cũng
kết hợp phần giáo lý kinh Viên giác với kinh Hoa nghiêm để giúp người tu
tập thể nhập vào một cảnh giới giải thoát cao siêu hơn.
Sau khi ngài Tông Mật viên tịch không lâu thì gặp phải pháp nạn đời
Đường Võ Tông vào năm 845, kinh luận bị thiêu hủy rất nhiều, Hoa nghiêm
tông từ đó phải tạm suy vi.
Phải đợi đến đời Tống mới có ngài Tử Tuyền đứng ra trùng hưng Hoa nghiêm
tông. Ngài sinh năm 965, viên tịch năm 1038. Đệ tử của ngài là Tịnh
Nguyên cũng có soạn sớ giải kinh, lại thêm có bốn vị Đạo Đình, Quan
Phục, Sư Hội, Hy Địch, mỗi vị đều có soạn chú giải về năm phần giáo của
Hoa nghiêm tông. Nhờ đó mà tông này được hưng thịnh trở lại. Người đời
tôn xưng bốn vị này là Tứ đại gia đời Tống.
Truyền nối về sau, Hoa nghiêm tông tiếp tục có rất nhiều bậc danh tăng
đạo cao đức trọng, như đời Nguyên (1279 – 1368) có các ngài Phổ Thuỵ,
Viên Giác, Bổn Hao, Bàn Cốc, Văn Tài, Đạt Ích Ba... ; đời Minh (1368 –
1644) có các vị Đức Thanh, Cổ Đình, Lý Trác Ngô, Đạo Thông, Như Phi, Tổ
Trụ...; sang đời nhà Thanh còn có các vị Chu Khắc Phục, Tục Pháp...
Đó là lược nói qua về sự truyền nối tông Hoa nghiêm ở Trung Hoa. Còn Hoa
nghiêm tông ở Nhật Bản thì Tổ sư khai sáng là ngài Đạo Tuyền. Ngài sinh
năm 702, viên tịch năm 760, quê ở Hứa Châu, Hà Nam, Trung Hoa. Ngài xuất
gia từ nhỏ, thọ Cụ túc giới và theo học Luật tạng với ngài Định Tân, sau
mới theo ngài Phổ Tịch học giáo lý Hoa nghiêm và Thiền học.
Tháng 11 năm 722, thiên hoàng Nhật Bản lần đầu tiên cho sao chép bản Tân
Hoa nghiêm kinh (bản dịch của ngài Thật-xoa-nan-đà) tại Nhật Bản. Đến
tháng 7 năm 736, thỉnh ngài Đạo Tuyền sang Nhật Bản thuyết pháp. Ngài
mang theo rất nhiều các bản chú giải kinh Hoa nghiêm sang thuyết giảng ở
Nhật, đệ tử theo học rất đông. Sau đó ngài thường đi khắp nơi giảng dạy
về giới luật, từng nhận lời đến ở chùa Đông Đại (Todaiji) giảng thuyết
pháp yếu. Đối với sự nghiệp hoằng truyền Phật giáo ở Nhật Bản vào khoảng
đầu thời kỳ Nại Lương, ngài là người có công rất lớn. Ngài không chỉ
khai sáng Hoa nghiêm tông ở Nhật Bản, mà còn là tổ sư thứ hai của Thiền
tông tại Nhật Bản.
Đến năm 740, thiên hoàng Nhật Bản lại thỉnh một vị tăng người Triều Tiên
là Thẩm Tường sang giảng Kinh Hoa nghiêm tại chùa Đông Đại (Todaiji). Vị
này giảng thuyết kinh Hoa nghiêm tại đó trong ba năm.
Hoa nghiêm tông ở Nhật sau đó truyền đến vị tăng Nhật Bản là Lương Biện,
được Thánh Võ Thiên hoàng (724 – 749) rất tôn kính, ra sắc chỉ cho xây
dựng chùa Đông Đại thành tổ đình của Hoa nghiêm tông. Sau đó truyền đến
các vị Thật Trung, Đẳng Định, Chánh Tấn... đều là những bậc cao tăng.
Cho đến đời ngài Quang Trí thì Hoa nghiêm tông trở nên rất hưng thịnh.
Ngài có xây dựng Tôn Thắng Viện để làm nơi chuyên tu tập giáo nghĩa Hoa
nghiêm.
Cho đến nay, tại Nhật Bản vẫn còn rất nhiều vị cao tăng tinh thông giáo
lý Hoa nghiêm tông, hiện ở Nhật hiện nay có 27 ngôi chùa thuộc tông này,
48 vị tăng, 200 vị cư sĩ tu tập tại gia và 22.000 tín đồ kính ngưỡng
thường lui tới lễ bái cúng dường.
[43]