Quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng trong ba đời quá khứ, hiện
tại và vị lai ở các cõi Phật khắp mười phương, cùng khắp hư
không pháp giới, không thể nói hết, không thể nói hết các
cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ.
Hiện ngồi nơi đạo tràng, trên tòa sen ngàn cánh, giữa trăm
đạo hào quang là đức Thế Tôn đủ muôn đức hạnh, bậc Giáo chủ
thuyết giảng kinh điển, Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Tây phương Cực Lạc thế giới, đại từ, đại bi, đại nguyện, đại
lực, Đại Thánh Thế Tôn, Bổn sư A-di-đà Phật.
Đương lai hạ sanh, Từ thị Như Lai, Bổn sư Di-lặc Tôn Phật
Đại Trí Văn-thù-sư-lỵ Bồ Tát
Đại Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền Bồ Tát
Đại Từ Bi Phụ Quán Thế Âm Bồ Tát
Đại Thế Chí Bồ Tát
Chư tôn Bồ Tát ma-ha-tát
Chư vị Tổ sư Tây thiên Bồ Tát
Hộ Pháp liệt tịch chư thiên Bồ Tát
Ngưỡng nguyện chư vị chẳng trái lời thề xưa, không bỏ đức từ
bi, mở lòng dùng sức thiên nhãn thấy xa, thiên nhĩ nghe xa,
tha tâm chiếu rõ, chứng minh cho đệ tử.
Đệ tử chúng con từ đời này cho đến mãi mãi các đời sau,
nguyện y theo hạnh nguyện vô biên không thể nói hết của đức
Đại Bồ Tát Phổ Hiền và y theo bốn mươi tám hạnh nguyện sâu
rộng không thể nói hết dưới đây của chính bản thân mình.
Chúng con nguyện sẽ đời đời tu học, kiếp kiếp không sai lời
đã nguyện. Bốn mươi tám lời nguyện sau đây đều không thể
nghĩ bàn, không thể nói hết:
1. Nguyện có niềm tin và sự hiểu biết.
2. Nguyện có sự quyết định chắc chắn không nghi ngờ.
3. Nguyện phát tâm Vô thượng Bồ-đề.
4. Nguyện trì giới thanh tịnh.
5. Nguyện được gặp Phật, nghe Pháp.
6. Nhược thực hành lễ kính, ngợi khen, xưng tụng.
7. Nguyện phụng sự cúng dường.
8. Nguyện sám hối tùy hỷ.
9. Nguyện dũng mãnh tinh tấn.
10. Nguyện tu tập từ, bi, hỷ, xả.
11. Nguyện thực hành vô biên hạnh nguyện.
12. Nguyện phát khởi thệ nguyện sâu rộng.
13. Nguyện tu học hồi hướng.
14. Nguyện được trí huệ sáng suốt rõ ràng.
15. Nguyện được Pháp thân vô lượng.
16. Nguyện được công đức trang nghiêm.
17. Nguyện được hóa thân Tịnh độ.
18. Nguyện được Phật thọ ký.
19. Nguyện được thân tướng tốt đẹp tỏa sáng.
20. Nguyện nói ra âm thanh trọn vẹn, khéo léo.
21. Nguyện được đủ các pháp tổng trì, tài biện thuyết.
22. Nguyện được các tam-muội bí mật.
23. Nguyện được tuổi thọ và danh hiệu vô lượng.
24. Nguyện đạt đến sự tinh tế thâm sâu.
25. Nguyện đạt được chân như bình đẳng.
26. Nguyện được chỗ dùng mầu nhiệm thâm sâu.
27. Nguyện được đủ phương tiện, tri kiến.
28. Nguyện thị hiện thi hành đạo Chánh giác.
29. Nguyện đạt được Đại định Na-già.
30. Nguyện thuyết pháp như tiếng sư tử rống.
31. Nguyện được thần thông vô ngại.
32. Nguyện được sức thần không sợ sệt.
33. Nguyện hàng phục chúng ma.
34. Nguyện phá trừ ngoại đạo.
35. Nguyện phân thân biến hóa.
36. Nguyện tùy chủng loại chúng sanh thị hiện.
37. Nguyện chuyển Đại Pháp luân.
38. Nguyện cứu độ khắp thảy chúng sanh.
39. Nguyện tùy thuận làm lợi ích chúng sanh.
40. Nguyện thay chúng sanh chịu mọi khổ não.
41. Nguyện đạt đến cứu cánh rốt ráo.
42. Nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh.
43. Nguyện được vãng sanh về cõi Phật.
44. Nguyện chứng ngộ Phật thừa.
45. Nguyện được đầy đủ pháp Phật.
46. Nguyện làm các Phật sự.
47. Nguyện được vào hội chúng nơi có Phật.
48. Nguyện được hưởng sự an vui như Phật.
Chúng con nguyện lấy bốn mươi tám hạnh nguyện sâu rộng như
trên làm căn bản để thực hành trọn vẹn trăm vạn a-tăng-kỳ
đại nguyện khác nữa. Ngưỡng nguyện Tam bảo, Thế Tôn, Bồ Tát
Quán Thế Âm, cùng một lòng từ bi chứng minh và nhiếp thọ.
Nếu chúng con có trái với một lời nguyện nào, thề sẽ không
thành Chánh giác.
Vì sao vậy? Vì đức Phật A-di-đà phát nguyện như vậy, chư
Phật mười phương cũng phát nguyện như vậy. Ngài Bồ Tát Phổ
Hiền phát nguyện như vậy, chư đại Bồ Tát cũng phát nguyện
như vậy. Đại sư Trung Phong phát nguyện như vậy, chư vị Tổ
sư nhiều đời cũng phát nguyện như vậy. Các vị đại thiện tri
thức phát nguyện như vậy, đệ tử cũng phát nguyện như vậy.
Nay chúng con vì đại chúng cùng tu học mà phát nguyện như
vậy, lại cũng vì chúng sanh trong khắp pháp giới mà phát
nguyện như vậy. Như vậy, như vậy, lúc nào cũng như vậy,
nguyện cùng với đại chúng số nhiều như cát sông Hằng như
vậy, đều vào trong biển hạnh nguyện của Như Lai.
Lễ tán, cúng dường nhờ phước ấy,
Thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân.
Tùy hỷ sám hối mọi thiện căn,
Hồi hướng chúng sanh thành Phật đạo.
Xưa kia vốn tạo bao nghiệp ác,
Đều do muôn kiếp tham, sân, si,
Từ thân, miệng, ý tội sanh ra,
Hết thảy, nay con xin sám hối.
Nguyện sao đến lúc con mạng chung,
Bao nhiêu chướng ngại đều dứt hết,
Mắt nhìn thấy Phật A-di-đà,
Liền được vãng sanh cõi An Lạc.
Khi vãng sanh về cõi Phật rồi,
Tức thời thành tựu các đại nguyện,
Trọn vẹn, đầy đủ không khiếm khuyết,
Lợi lạc hết thảy mọi chúng sanh.
Chúng hội cõi Phật đều thanh tịnh,
Con từ hoa sen vượt trội sanh,
Mắt thấy hào quang Phật vô lượng.
Tức thời được thọ ký Bồ-đề.
Nhờ ơn Như Lai thọ ký rồi,
Liền tự hóa thân nhiều vô số,
Trí lực rộng lớn khắp mười phương,
Rộng làm lợi ích mọi chúng sanh.
Cho dù hư không, thế giới tận,
Chúng sanh cùng nghiệp, phiền não tận,
Như vậy hết thảy thời gian tận,
Đại nguyện rốt ráo vẫn không cùng.
Con theo hạnh Phổ Hiền thù thắng,
Thắng phước vô biên đều hồi hướng.
Nguyện khắp bao chúng sanh mê đắm,
Đều nhanh đến cõi Vô Lượng Quang.
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.
Trên báo bốn ân sâu,
Dưới cứu ba đường khổ.
Những ai được thấy, nghe,
Đều phát tâm Bồ-đề,
Vừa dứt một báo thân,
Cùng sanh về Cực Lạc.
Kính ngưỡng,
Hết thảy chư Phật ba đời trong mười phương.
Hết thảy chư vị Đại Bồ Tát.
Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật!
(Người đệ tử Phật nên phát nguyện như thế này. Những ai
không noi theo sự phát nguyện này chưa thể gọi là phát tâm
Bồ-đề.)
Bài văn phát nguyện này có thể xem là khuôn mẫu cho mọi
người. Phàm những ai có tu phước, niệm Phật, tán lễ, tụng
kinh, cho đến chỉ làm chút ít việc lành, hết thảy đều nên
hồi hướng về cảnh giới Tây phương. Đã có chỗ quy hướng như
vậy thì khi lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sanh về Tịnh
độ.
Này các vị! Nếu quả thật có thể trì giới như thế, phát
nguyện như thế, thực hành công hạnh như thế, thì không chỉ
là được vãng sanh Tịnh độ, mà còn khỏi rơi vào cảnh giới của
hàng Thanh văn, Duyên giác, tự mình chứng nghiệm được cảnh
giới Phổ Hiền, thẳng một đường đi tới quả Phật.