Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
03
Bấy giờ, đức Thế Tôn khen cụ thọ Thiện Hiện:
- Hay thay! Hay thay! Nay ông vì các Đại Bồ-tát giỏi thuyết pháp yếu. Pháp ông đã thuyết đều là lực oai thần của Như Lai, chẳng phải ông tự thuyết.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đối với pháp chơn như bất khả đắc tướng sanh tâm tin hiểu, biết tất cả pháp không có tướng sai khác, nghe thuyết các pháp chơn như bất khả đắc tướng như thế, tâm không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi, không nghi, không hối, không lui, không chìm. Đại Bồ-tát này mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cụ thọ Xá-lợi Tử thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào thành tựu pháp này thì mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề ư?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, Đại Bồ-tát nào thành tựu pháp này thì mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì phải trụ ở đâu và nên trụ thế nào?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì phải đối với tất cả hữu tình trụ tâm bình đẳng, không nên trụ tâm không bình đẳng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm bình đẳng, không nên sanh tâm không bình đẳng. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm bình đẳng nói năng, không nên dùng tâm không bình đẳng nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại từ, không nên sanh tâm giận dữ. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm đại từ nói năng, không nên dùng tâm giận dữ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại bi, không nên sanh tâm não hại. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm đại bi nói năng, không nên dùng tâm não hại nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại hỷ, không nên sanh tâm ganh ghét. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm đại hỷ nói năng, không nên dùng tâm ganh ghét nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại xả, không nên khởi tâm thiên vị. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm đại xả nói năng, không nên dùng tâm thiên vị nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm khiêm hạ, không nên sanh tâm kiêu mạn. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm khiêm hạ nói năng, không nên dùng tâm kiêu mạn nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm ngay thẳng, không nên sanh tâm nịnh dối. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm ngay thẳng nói năng, không nên dùng tâm nịnh dối nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm mềm mại, không nên sanh tâm cứng cỏi. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm mềm mại nói năng, không nên dùng tâm cứng cỏi nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm lợi ích, không nên khởi tâm không lợi ích. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm lợi ích nói năng, không nên dùng tâm không lợi ích nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm an vui, không nên khởi tâm không an vui. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm an vui nói năng, không nên dùng tâm không an vui nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm không ngăn ngại, không nên sanh tâm có ngăn ngại. Phải đối với tất cả hữu tình dùng tâm không ngăn ngại nói năng, không nên dùng tâm có ngăn ngại nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm như cha mẹ, như anh em, như chị em, như nam nữ, như thân tộc, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm bằng hữu, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm như thầy dạy dỗ, như thầy khuôn mẫu, như đệ tử, như đồng học, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Đại Bồ-tát, Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm cứu vớt, thương xót, phù hộ, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm rốt ráo Không, vô sở hữu, bất khả đắc, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm không, vô tướng, vô nguyện, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì nên tự xa lìa sự giết hại sanh mạng, cũng khuyên người xa lìa sự giết hại sanh mạng, luôn ngợi khen chính đáng pháp xa lìa sự giết hại sanh mạng, vui mừng người xa lìa sự giết hại sanh mạng. Cho đến nên tự lìa tà kiến, cũng khuyên người lìa tà kiến, luôn ngợi khen chính đáng pháp xa lìa tà kiến, vui mừng người xa lìa tà kiến.
Nên tự tu bốn tịnh lự, cũng khuyên người tu bốn tịnh lự, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu bốn tịnh lự, vui mừng ngợi khen người tu bốn tịnh lự. Nên tự tu bốn vô lượng, cũng khuyên người tu bốn vô lượng, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu bốn vô lượng, vui mừng ngợi khen người tu bốn vô lượng. Nên tự tu bốn định vô sắc, cũng khuyên người tu bốn định vô sắc, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu bốn định vô sắc, vui mừng ngợi khen người tu bốn định vô sắc.
Nên tự viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, cũng khuyên người viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, vui mừng ngợi khen người viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Nên tự trụ mười tám Không, cũng khuyên người trụ mười tám Không, luôn ngợi khen chính đáng pháp trụ mười tám Không, vui mừng ngợi khen người trụ mười tám Không.
Nên tự trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, cũng khuyên người trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, luôn ngợi khen chính đáng pháp trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, vui mừng ngợi khen người trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì.
Nên tự trụ bốn Thánh đế, cũng khuyên người trụ bốn Thánh đế, luôn ngợi khen chính đáng pháp trụ bốn Thánh đế, vui mừng ngợi khen người trụ bốn Thánh đế.
Nên tự tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, cũng khuyên người tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, vui mừng ngợi khen người tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề.
Nên tự tu ba giải thoát môn, cũng khuyên người tu ba giải thoát môn, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu ba giải thoát môn, vui mừng ngợi khen người tu ba giải thoát môn.
Nên tự tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; cũng khuyên người tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; luôn ngợi khen chính đáng pháp tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vui mừng ngợi khen người tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Nên tự viên mãn thập địa Bồ-tát, cũng khuyên người viên mãn thập địa Bồ-tát, luôn ngợi khen chính đáng pháp tu viên mãn thập địa Bồ-tát, vui mừng ngợi khen người tu viên mãn thập địa Bồ-tát.
Nên tự viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng khuyên người viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; vui mừng ngợi khen người viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông.
Nên tự viên mãn pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; cũng khuyên người viên mãn pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; vui mừng ngợi khen người viên mãn pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa.
Nên tự viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng khuyên người viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, vui mừng ngợi khen người viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Nên tự viên mãn ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; cũng khuyên người viên mãn ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; vui mừng ngợi khen người viên mãn ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp.
Nên tự viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; cũng khuyên người viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; luôn ngợi khen chính đáng pháp viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; vui mừng ngợi khen người viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.
Nên tự quán thuận nghịch mười hai chi duyên khởi, cũng khuyên người quán thuận nghịch mười hai chi duyên khởi, luôn ngợi khen chính đáng pháp quán thuận nghịch mười hai chi duyên khởi, vui mừng ngợi khen người quán thuận nghịch mười hai chi duyên khởi.
Nên tự biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, cũng khuyên người biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, luôn ngợi khen chính đáng pháp biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, vui mừng ngợi khen người biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo.
Nên tự sanh trí chứng quả Dự lưu nhưng không chứng thật tế được quả Dự lưu, cũng khuyên người sanh trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu, luôn ngợi khen chính đáng pháp sanh trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu, vui mừng ngợi khen người sanh trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu.
Nên tự sanh trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề nhưng không chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề; cũng khuyên người sanh trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề; luôn ngợi khen chính đáng pháp sanh trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề; vui mừng ngợi khen người sanh trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề.
Nên tự vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, cũng khuyên người vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, luôn ngợi khen chính đáng pháp vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, vui mừng ngợi khen người vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh.
Nên tự nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; cũng khuyên người nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; luôn ngợi khen chính đáng pháp nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; vui mừng ngợi khen người nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình.
Nên tự phát khởi thần thông Bồ-tát, cũng khuyên người phát khởi thần thông Bồ-tát, luôn ngợi khen chính đáng pháp phát khởi thần thông Bồ-tát, vui mừng ngợi khen người phát khởi thần thông Bồ-tát.
Nên tự phát sanh trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng khuyên người phát sanh trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; luôn ngợi khen chính đáng pháp phát sanh trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; vui mừng ngợi khen người phát sanh trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Nên tự đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, cũng khuyên người đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, luôn ngợi khen chính đáng pháp đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, vui mừng ngợi khen người đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau.
Nên tự thọ trì viên mãn thọ mạng, cũng khuyên người thọ trì viên mãn thọ mạng, luôn ngợi khen chính đáng pháp thọ trì viên mãn thọ mạng, vui mừng ngợi khen người thọ trì viên mãn thọ mạng.
Nên tự chuyển pháp luân, cũng khuyên người chuyển pháp luân, luôn ngợi khen chính đáng pháp chuyển pháp luân, vui mừng ngợi khen người chuyển pháp luân.
Nên tự gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, cũng khuyên người gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, luôn ngợi khen chính đáng pháp gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, vui mừng ngợi khen người gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì đối với pháp như thế dùng vô sở đắc mà làm phương tiện và nên trụ như vậy.
Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên học phương tiện thiện xảo, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Nếu học như thế mới có thể an trụ pháp đáng trụ. Nếu học như thế, an trụ như thế, thì đối với các sắc không bị chướng ngại, đối với thọ, tưởng, hành, thức không bị chướng ngại. Cho đến đối với việc chuyển pháp luân không bị chướng ngại, đối với Chánh pháp trụ không bị chướng ngại. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát này từ trước đến nay không thọ trì sắc, không thọ trì thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không thọ trì chuyển pháp luân, không thọ trì Chánh pháp trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Vì sắc không thể thọ trì, nếu sắc không thể thọ trì thì không phải sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức không thể thọ trì, nếu thọ, tưởng, hành, thức không thể thọ trì, thì không phải thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến vì chuyển pháp luân không thể thọ trì, nếu chuyển pháp luân không thể thọ trì, thì không phải chuyển pháp luân. Vì chánh pháp trụ không thể thọ trì, nếu Chánh pháp trụ không thể thọ trì, thì không phải Chánh pháp trụ.
Khi đức Phật thuyết Bồ-tát trụ pháp này có hai ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn. LIII. PHẨM BẤT THOÁI CHUYỂN
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con phải dựa vào hành động và tướng trạng nào mới biết là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào biết như thật các bậc dị sanh (phàm phu), các bậc Thanh văn, các bậc Ðộc giác, các bậc Bồ-tát, các bậc Như Lai. Các bậc như thế tuy nói có khác, nhưng trong lý của các pháp chơn như không biến đổi, không phân biệt, đều không hai không hai phần. Đại Bồ-tát này tuy thật chứng đắc các pháp chơn như, nhưng đối với chơn như không phân biệt, vì dùng vô sở đắc làm phương tiện. Đại Bồ-tát này đã thật chứng đắc các pháp chơn như, tuy nghe chơn như cùng tất cả pháp không hai, không khác nhưng không e ngại. Vì sao? Vì chơn như cùng các pháp không thể nói một, không thể nói khác, không thể nói đầy đủ và không đầy đủ. Pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng lại như thế. Đại Bồ-tát này quyết không vội vã thốt ra lời nói, những lời nói ra đều có nghĩa lợi lạc, nếu không có nghĩa lợi lạc thì quyết không thốt ra lời. Đại Bồ-tát này quyết không xem tốt xấu, hay dở của người khác, thương xót bình đẳng, vì họ thuyết pháp. Đại Bồ-tát này không xem chủng tánh tốt xấu của Pháp sư, chỉ cầu nghĩa pháp đã thuyết nhiệm mầu mà thôi.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát Bất thối chuyển đủ các hành động và tướng trạng như thế. Nhờ các hành động và tướng trạng như thế, nên biết là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là các hành động và tướng trạng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các pháp không hành, không trạng, không tướng, nên biết đó là hành động và tướng trạng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không hành động và tướng trạng, thì Đại Bồ-tát này đối với pháp nào chuyển, nên gọi Bất thối chuyển?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này đối với sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thọ, tưởng, hành, thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với nhãn xứ chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với sắc xứ chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với nhãn giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với sắc giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với nhãn thức giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với nhãn xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với bố thí Ba-la-mật-đa chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với pháp nội Không chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với pháp ngoại Không cho đến pháp vô tính tự tính Không chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với chơn như chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với Thánh đế khổ chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối với Thánh đế tập, diệt, đạo chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với bốn niệm trụ chuyển nên gọi Bất thối chuyển, cho đến đối với tám chi thánh đạo chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với bốn tịnh lự chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với bốn vô lượng, bốn định vô sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với tám giải thoát chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với pháp môn giải thoát Không chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với thập địa, Tam thừa chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với thập địa Bồ-tát chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với pháp môn Đà-la-ni chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với pháp môn Tam-ma-địa chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với năm loại mắt chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với sáu phép thần thông chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với mười lực Phật chuyển nên gọi Bất thối chuyển, cho đến đối với mười tám pháp Phật bất cộng chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với ba mươi hai tướng Ðại sĩ chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với tám mươi vẻ đẹp chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với pháp không quên mất chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với tánh luôn luôn xả chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với trí nhất thiết chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với bậc dị sanh chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với bậc Thanh văn, bậc Ðộc giác, bậc Bồ-tát, bậc Như Lai chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Ðối với tất cả hạnh Đại Bồ-tát chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tự tánh sắc vô sở hữu; tự tánh thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh tất cả hạnh Đại Bồ-tát vô sở hữu; tự tánh quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật vô sở hữu. Đại Bồ-tát này đối với những điều trong đó không trụ nên gọi là chuyển. Do không chuyển nên gọi là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào biết như thế gọi là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển quyết không ưa xem hình tướng, nói năng của ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn... Các Sa-môn, Bà-la-môn… đối với chỗ biết pháp thật tri, thật kiến, hoặc kiến lập pháp môn chánh kiến điều đó không thể có được.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển đối với Luật tạng đức Phật đã tuyên thuyết không sanh nghi hoặc. Ðối với việc thế gian không giới cấm thủ, không đọa ác kiến, không chấp nhận các việc cát tường của thế tục lấy làm thanh tịnh. Quyết không lễ kính các thiên thần kia như ngoại đạo thế gian đã thờ; quyết không đem các thứ tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, chuỗi anh lạc, tràng phan, lọng báu, âm nhạc, đèn sáng cúng dường thiên thần và các ngoại đạo.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế nên biết là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển không đọa trong địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, A-tố-lạc. Cũng không sanh vào dòng họ ti tiện như hàng thịt, gánh thây chết... Cũng hoàn toàn không thọ thân không đủ năm căn, biến đổi căn, không hình, hai hình và nữ nhân. Cũng lại không thọ thân mù điếc, câm ngọng, cùi cụt, hủi lác, khòm lùn v.v... Cũng hoàn toàn không sanh vào chỗ không có thời giờ rảnh rỗi.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển thường ưa thích thọ trì mười thiện nghiệp đạo: Tự xa lìa sự giết hại sanh mạng, cũng khuyên người xa lìa sự giết hại sanh mạng, luôn ngợi khen chính đáng pháp xa lìa sự giết hại sanh mạng, vui mừng ngợi khen người lìa sự giết hại sanh mạng. Cho đến tự lìa tà kiến, cũng khuyên người lìa tà kiến, luôn ngợi khen chính đáng pháp xa lìa tà kiến, vui mừng ngợi khen người xa lìa tà kiến. Đại Bồ-tát này, cho đến trong mộng cũng không phát khởi mười ác nghiệp, huống chi lúc thức.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển khắp vì lợi ích tất cả hữu tình, lấy vô sở đắc làm phương tiện, luôn tu bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa thường không gián đoạn.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, đã thọ trì tư duy, đọc tụng: Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Duyên khởi, Bổn sanh, Bổn sự, Phương quảng, Hy pháp, Thí dụ, Luận nghị, tất là đều rốt ráo thông thạo lợi ích, thường ưa bố thí pháp như thế cho tất cả hữu tình và luôn luôn suy nghĩ: Làm sao cho các loài hữu tình cầu nguyện Chánh pháp đều được đầy đủ, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện; lại đem thiện căn pháp thí như thế cùng các hữu tình bình đẳng đều có, hồi hướng lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển đối với pháp môn sâu xa của Phật đã thuyết, hoàn toàn không sanh nghi hoặc, do dự. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát này không thấy có pháp hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức có thể nghi hoặc, do dự ở trong đó. Như vậy, cho đến không thấy có pháp, hoặc tất cả hạnh Đại Bồ-tát, hoặc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thể nghi hoặc, do dự ở trong đó.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp nhu hòa, đối với các hữu tình tâm không lo ngại. Luôn luôn thành tựu từ, bi, hỷ, xả tương ưng thân, ngữ, ý nghiệp. Quyết định không cùng năm thứ phiền não che lấp ở chung, đó là tham dục, giận dữ, hôn trầm mê ngủ, dao động ác tác, nghi hoặc. Tất cả phiền não đều đã đè bẹp. Tất cả gốc phiền não trói buộc vĩnh viễn không phát sanh. Ra vào qua lại tâm không mê lầm, luôn luôn an trụ chánh niệm chánh tri. Oai nghi tiến dừng, đi đứng, ngồi nằm, cất bước dừng chân cũng như thế. Những chỗ bước đi đều xem dưới đất, nhẹ nhàng chánh niệm, nhìn thẳng mà đi, hoạt động nói năng từng không vụt chạc.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển đối với các vật thọ dụng đồ nằm, y phục đều thường thơm sạch, không có các mùi hôi hám, cũng không có các loài trùng, rận, chí dơ bẩn. Tâm ưa thanh tịnh, thân không tật bệnh.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển thân tâm thanh tịnh, không phải như trong thân người thường luôn bị tám vạn hộ trùng ăn xâm. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát này thiện căn tăng thượng vượt khỏi thế gian, thọ thân hình trong ngoài thanh tịnh, nên không bị các loại trùng ăn xâm vào thân. Thiện căn như như lần lần tăng trưởng. Như vậy, thân tâm này càng thanh tịnh. Do đó thân tâm các Bồ-tát này kiên cố hơn kim cương, không bị nghịch duyên xâm hại. Đó là các thứ lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, gió nắng, trùng độc, dao gậy và các trói buộc không thể xâm hại được.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát Bất thối chuyển như thế làm sao được thanh tịnh thân, ngữ, ý?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thiện căn như như lần lần tăng trưởng, như vậy, như vậy thanh tịnh thân, ngữ, ý. Do năng lực thiện căn đoạn trừ nên đời vị lai hoàn toàn không phát sanh. Vì vậy thường được thanh tịnh thân, ngữ, ý.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này hiện tại có diệu hạnh về ba việc của thân, bốn việc của ngữ, ba việc của ý, nên luôn luôn thanh tịnh thân, ngữ, ý. Do sự thanh tịnh này nên vượt khỏi Thanh văn địa và Ðộc giác địa, vào Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, không chứng thật tế, thường muốn thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Do đó thường được thanh tịnh thân, ngữ, ý, trụ vào ngôi Bồ-tát kiên cố bất động.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển không trọng lợi dưỡng, không theo đuổi danh dự. Đối với các thứ ăn uống, y phục, đồ nằm, phòng nhà, của cải đều không tham đắm. Tuy thọ mười hai công đức Ðỗ-đa (hạnh Đầu-đà) nhưng không tự thị, trong đó hoàn toàn không sanh tâm tương ưng với xan tham, phá giới, giận dữ, lười nhác, tán loạn, ngu si và các thứ phiền não ràng buộc khác.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển có trí tuệ minh mẫn, giác ngộ sâu xa, lắng nghe Chánh pháp, cung kính tin thọ, chánh niệm tư duy, nghĩa lý rốt ráo. Pháp thế gian và xuất thế gian đã được nghe đều có phương tiện hội nhập nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; tạo sự nghiệp thế gian cũng nương Bát-nhã ba-la-mật-đa hội nhập pháp tánh, không thấy một việc nào ra khỏi pháp tánh. Giả sử có thì không cùng pháp tánh tương ưng, cũng có phương tiện hội nhập nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do đó nên không thấy việc nào ra khỏi pháp tánh.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, nếu hiện tại có ác ma hoá ra tám địa ngục lớn. trong mỗi địa ngục hóa ra vô lượng, vô biên Bồ-tát luôn bị lửa dữ đốt cháy, đều chịu thiêu đốt đau đớn, khổ sở chua cay. Ác ma hóa ra vậy rồi, bảo các Bồ-tát Bất thối chuyển: “Các Bồ-tát này đều đã được thọ ký Bất thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên bị đọa vào địa ngục lớn như thế, chịu nhiều điều đau khổ như vậy. Bồ-tát các ông đã được thọ ký Bất thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng sẽ đọa vào địa ngục lớn này chịu nhiều điều đau khổ. Phật thọ ký cho các ông để chịu cực khổ trong địa ngục lớn, chứ không phải thọ ký Bất thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên các ông phải mau bỏ tâm đại Bồ-đề, may ra mới được thoát khỏi khổ địa ngục lớn, sanh lên trời, hoặc sanh vào cõi người hưởng giàu vui.”
Khi ấy, Đại Bồ-tát Bất thối chuyển thấy nghe việc này, tâm không động, cũng không lo sợ nghi hoặc, chỉ suy nghĩ: Không có việc Đại Bồ-tát được thọ ký Bất thối chuyển mà bị đọa vào địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, A-tố-lạc. Vì sao? Vì ngôi Bồ-tát Bất thối chuyển quyết định không có nghiệp bất thiện, cũng không có nghiệp thiện mà rước lấy quả khổ. Chư Phật quyết định không nói lời dối gạt. Như Lai nói ra điều gì đều làm lợi lạc an vui cho tất cả hữu tình là nhờ tâm đại từ bi lưu xuất. Việc đã thấy nghe ấy chắc chắn là ác ma làm ra nói ra.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, nếu có ác ma giả dạng Sa-môn đến chỗ Bồ-tát nói như vầy: “Trước kia ông đã nghe: Nên tu bố thí Ba-la-mật-đa sẽ mau viên mãn; nên tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa sẽ mau viên mãn. Như vậy, cho đến nên chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ðã nghe như thế đều là tà thuyết, nên mau bỏ, chớ bảo là chơn thật. Lại nữa, trước kia ông đã nghe: Nên đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và các đệ tử ở quá khứ, vị lai, hiện tại từ sơ phát tâm cho đến pháp trụ, trong đó có công đức thiện căn, đều sanh tùy hỷ nhóm hợp tất cả, đem cho hữu tình một cách bình đẳng cùng nhau hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ðã nghe như thế cũng là tà thuyết nên mau từ bỏ, đừng cho là chơn thật. Ta sẽ dạy ông Phật pháp chơn thật cho ông tu học mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Những gì đã nghe trước kia chẳng phải lời chơn thật của Phật. Đó là văn tụng của người soạn tập để dối gạt. Lời ta nói ra là lời chơn thật của Phật, làm cho ông mau chứng sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nghe lời như thế tâm động, nghi sợ, nên biết Bồ-tát đó chưa được thọ ký Bất thối chuyển. Đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề còn do dự, chưa quyết định, chưa được gọi là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghe lời như thế tâm không động, cũng không nghi sợ, chỉ theo pháp tánh vô tác, vô tướng, vô sanh mà trụ. Đại Bồ-tát này có làm việc gì đều không tin lời người, không theo người dạy mà tu bố thí Ba-la-mật-đa; không theo người dạy mà tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến không theo người dạy mà đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nên biết Đại Bồ-tát như thế đã đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được Bất thối chuyển.
Thiện Hiện! Như bậc lậu tận A-la-hán có làm việc gì đều không tin lời người, chứng đắc pháp tánh không lầm, không nghi, tất cả ác ma không khuynh động được. Như vậy tất cả Thanh văn, Ðộc giác, ngoại đạo, ác ma v.v... không thể phá hoại, đè dẹp tâm Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, làm họ đối với Bồ-đề mà sanh thối lui.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này quyết chắc đã trụ bậc Bất thối chuyển, sở hữu sự nghiệp đều tự suy nghĩ, không phải tin người mà làm ngay. Cho đến lời dạy của Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác còn không tín thọ, phụng hành ngay, huống nữa tin lời Thanh văn, Ðộc giác, ngoại đạo, ác ma v.v... thực hành ư! Không có việc các Bồ-tát này làm việc gì chỉ tin người mà làm theo. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát này không thấy có pháp có thể tin mà hành. Vì sao? Thiện Hiện! Vì các Bồ-tát này không thấy có sắc có thể tin mà hành; không thấy có thọ, tưởng, hành, thức có thể tin mà hành. Cũng không thấy có sắc chơn như có thể tin mà hành; không thấy thọ, tưởng, hành, thức chơn như có thể tin mà hành. Như vậy, cho đến không thấy quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thể tin mà hành, cũng không thấy quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chơn như có thể tin mà hành.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tấc cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, nếu có ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát nói lời như vầy: “Việc làm của các ông là pháp sanh tử, không phải việc làm Bồ-tát, không do đây được trí nhất thiết trí. Nay các ông nên tu đạo hết khổ, mau hết khổ, chứng Niết-bàn. Khi ấy ác ma vì Bồ-tát thuyết đạo pháp tương tự đạo sanh tử. Đó là quán tưởng xương cốt, hoặc quán tưởng xanh bầm, hoặc quán tưởng mủ thúi, hoặc quán tưởng sình chướng, hoặc quán tưởng trùng ăn, hoặc quán tưởng đỏ bầm; hoặc từ, hoặc bi, hoặc hỷ, hoặc xả, hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô sắc.” Ác ma lại bảo Bồ-tát: “Ðây là chơn đạo, chơn hạnh. Ông dùng đạo này, hạnh này sẽ được quả Dự lưu cho đến sẽ được Ðộc giác Bồ-đề. Ông nhờ đạo này, hạnh này, nên mau hết tất cả sanh, lão, bệnh, tử. Cần gì phải chịu lâu dài khổ sanh tử, thân khổ hiện tại còn phải chán bỏ, huống chi cầu chịu thân khổ đương lai. Hãy tự nghĩ kỹ và bỏ những gì tin trước kia.”
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này khi nghe lời ác ma nói tâm không động, cũng không kinh sợ, nghi hoặc, chỉ suy nghĩ như vầy: Nay Bí-sô này làm lợi ích cho ta không ít, vì ta thuyết đạo pháp tương tự, làm ta hiểu biết đạo này không chứng quả Dự lưu cho đến không chứng Ðộc giác Bồ-đề được, huống nữa chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này suy nghĩ vậy rồi, rất vui mừng, lại suy nghĩ tiếp: Nay Bí-sô này làm lợi ích cho ta rất nhiều, vì ta dùng phương tiện thuyết pháp chướng đạo, làm ta hiểu biết pháp chướng đạo nên đối với Tam thừa tự tại tu học.
Thiện Hiện! Khi ác ma kia biết Bồ-tát này sanh tâm vui mừng, lại nói tiếp: “Khốn thay nam tử! Nay ông muốn thấy các Đại Bồ-tát luôn siêng năng hành việc vô ích chăng? Đó là các chúng Đại Bồ-tát trải qua hằng hà sa số đại kiếp, đem vô lượng thứ thượng diệu, y phục, thức ăn nước uống, đồ nằm, thuốc thang, của cải, hoa hương, cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn. Lại ở chỗ hằng hà sa số chư Phật, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa; tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến chỗ hằng hà sa số chư Phật tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Chúng Đại Bồ-tát này cũng thân cận phụng sự hằng hà sa số chư Phật, ở chỗ chư Phật thỉnh hỏi đạo Vô thượng Chánh đẳng giác, hỏi: Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ đạo quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Thế nào là Đại Bồ-tát tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. An trụ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. An trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu năm loại mắt, sáu phép thần thông. Tu mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tu pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Tu quán thuận nghịch mười hai chi duyên khởi, nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Tu thần thông thù thắng các Đại Bồ-tát. Tu viên mãn thọ lượng, học chuyển bánh xe Ðại pháp, hộ trì Chánh pháp được cửu trụ. Tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Như lời đã thỉnh hỏi hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp. Như lời chư Phật dạy bảo chúng Đại Bồ-tát này an trụ tu học trải qua vô lượng kiếp, dõng mãnh tinh tấn, còn không chứng được sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống chi nay việc tu, việc học của các ông mà chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề ư?”
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này dù nghe lời ma kia nhưng tâm không đổi, không kinh, không sợ, không nghi, không lầm, vui mừng gấp bội và nghĩ: Nay Bí-sô này làm nhiều lợi ích cho ta, dùng phương tiện vì ta thuyết pháp chướng đạo, làm ta biết pháp chướng đạo này quyết chắc không chứng được quả Dự lưu cho đến không chứng được Ðộc giác Bồ-đề, huống chi chứng được sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Khi ác ma kia biết tâm Bồ-tát này không thối lui, không lầm, không nghi, ngay đó giả dạng vô lượng Bí-sô bảo Bồ-tát: “Các Bí-sô chúng tôi đây đều ở quá khứ cần cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trải qua vô lượng kiếp tu hành nhiều khổ hạnh khó hành mà không chứng được sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nay đều lui chứng quả A-la-hán, các lậu đã hết không còn khổ nữa, các ông làm sao chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thấy nghe như vậy rồi, liền suy nghĩ: Quyết chắc là ác ma giả dạng những Bí-sô này đến nhiễu loạn tâm ta, thuyết đạo pháp chướng ngại tương tự; chắc chắn không có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đến ngôi viên mãn, mà không chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, lại rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa.
Bấy giờ, Bồ-tát lại suy nghĩ tiếp: Chắc chắn không có việc Đại Bồ-tát tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, đến ngôi viên mãn mà không chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cho đến chắc chắn không có việc tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đến ngôi viên mãn mà không chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển luôn suy nghĩ như vầy: Đại Bồ-tát nào như lời chư Phật dạy, tinh tấn tu học, thường không xa lìa bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa kể cả những tác ý tương ưng diệu hạnh; thường không xa lìa sự suy nghĩ tương ưng trí nhất thiết trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình siêng năng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này quyết định không thối lui sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến quyết định không thối lui trí nhất thiết tướng, chắc chắn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển luôn suy nghĩ như vầy: Đại Bồ-tát nào hiểu biết ma sự, không theo ma sự; hiểu biết bạn ác, không theo lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, không chuyển theo cảnh giới. Đại Bồ-tát này quyết định không thối lui sáu pháp Ba-la-mật-đa. Cho đến quyết định không thối lui trí nhất thiết tướng, chắc chắn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển nghe Phật Thế Tôn thuyết pháp yếu, sanh tâm vui mừng, cung kính, tin thọ, hiểu biết ý nghĩa rốt ráo, tâm kiên cố hơn kim cương, không thể lay chuyển, không thể đoạt mất. Thường tinh tấn tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa, tâm không nhàm chán, cũng khuyên người khác học sáu pháp Ba-la-mật-đa, tâm không mệt mỏi.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu các hành động và tướng trạng như thế, nên biết đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Quyển thứ 448
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.3.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.