Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
02
Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì nhờ sức oai đức của phương tiện thiện xảo nên nắm giữ tất cả Ba-la-mật-đa, tăng trưởng tất cả Ba-la-mật-đa, dẫn dắt tất cả Ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứa đựng tất cả Ba-la-mật-đa. Thiện Hiện! giống như thân kiến có thể bao hàm sáu mươi hai tà kiến, cũng vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bao hàm tất cả Ba-la-mật-đa. Này Thiện Hiện! Giống như tất cả người chết, do mạng căn diệt nên các căn cũng diệt theo, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng như vậy, năm Ba-la-mật-đa như bố thí… đều tùy theo nó. Nếu không có Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì cũng không có tất cả Ba-la-mật-đa.
Vì vậy, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn đến bờ kia, rốt ráo tất cả Ba-la-mật-đa thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì trở thành người tôn quí, thù thắng nhất đối với các hữu tình. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đã có thể tu học pháp cao siêu hơn hết.
Lại nữa Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Các loài hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới có nhiều không?
Thiện Hiện đáp:
- Các loại hữu tình ở châu Thiệm-bộ còn rất nhiều vô số, huống gì là các loài hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới sao lại không nhiều.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói. Thiện Hiện! Giả sử các loài hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới đồng thời đều được thân người. Khi được thân người, họ đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và tu các hạnh của Đại Bồ-tát cùng một lượt. Sau khi tu hành viên mãn, họ đều chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cùng một lúc. Có Đại Bồ-tát trọn đời đem các thứ vòng hoa xinh đẹp bậc nhất, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan báu, dù lộng, âm nhạc, đèn sáng, nhà cửa, giường nằm, đồ ăn uống, thuốc trị bệnh để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này thì theo ý ông nhờ nhân duyên đó Đại Bồ-tát này được phước có nhiều không?
Thiện Hiện đáp:
- Thưa Thế Tôn! Rất nhiều.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đại Bồ-tát nào thường thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hoàn toàn thông suốt, tư duy như lý, tu hành theo lời dạy, biên chép, truyền bá thì thu được phước đức nhiều hơn phước đức nói trên vô lượng lần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có đầy đủ ý nghĩa và công dụng to lớn có thể giúp các vị Đại Bồ-tát sớm đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vì vậy, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn đứng đầu tất cả hữu tình, muốn làm lợi ích tất cả hữu tình, muốn cứu giúp những người không có ai cứu giúp, làm nơi nương tựa cho những người không nơi nương tựa, làm nơi hướng đến cho những người không nơi hướng đến, làm mắt cho những người mù, làm ánh sáng cho người không có ánh sáng, chỉ đường chánh cho người lạc đường, làm cho người chưa đạt Niết-bàn đạt được Niết-bàn thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, muốn đi ở cảnh giới Như Lai đi, muốn dạo chơi ở nơi Phật dạo chơi, muốn rống tiếng như sư tử rống của Như Lai, muốn đánh trống pháp vô thượng của chư Phật, muốn dộng chuông pháp vô thượng của chư Phật, muốn thổi ốc pháp vô thượng của chư Phật, muốn lên pháp tòa vô thượng của chư Phật, muốn tuyên bày nghĩa pháp vô thượng của chư Phật, muốn phá tan lưới nghi của tất cả hữu tình, muốn vào cảnh giới cam lồ vi diệu của chư Phật, muốn hưởng thọ pháp lạc vi diệu của chư Phật, muốn chứng công đức thù thắng của Như Lai thì hãy học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì không có công đức thiện căn nào mà không nắm giữ được, không có công đức thiện căn nào mà chẳng đạt được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là nơi tất cả công đức thiện căn nương tựa.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này sao có thể nắm giữ và chứng đắc công đức thiện căn của tất cả Thanh văn và Ðộc giác được.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đại Bồ-tát này cũng có thể nắm giữ và chứng đắc tất cả công đức thiện căn của Thanh văn, Ðộc giác nhưng không đứng yên, không vướng mắc ở trong đó, sau khi đã dùng trí suy nghĩ thù thắng để quan sát chân chánh họ vượt qua địa vị Thanh văn, Ðộc giác nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Không có công đức thiện căn nào mà các Đại Bồ-tát này không nắm giữ, chứng đắc được.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì ở gần trí nhất thiết trí và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì là ruộng phước chơn thật của tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la… vượt lên trên phước điền của các thế gian, Sa-môn, Phạm-chí, Thanh văn, Ðộc giác và mau chứng được trí nhất thiết trí, sanh ở đâu cũng không bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa, không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, thường thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì nên biết vị ấy đã được bất thối chuyển đối với trí nhất thiết trí, có thể hiểu biết chân chánh đối với tất cả các pháp, xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc-giác, gần gũi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đây là lúc tu, đây là nơi tu, ta có thể tu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, ta nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này xả bỏ những pháp cần bỏ, chắc chắn sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí thì Đại Bồ-tát này chẳng thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không thể hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có nghĩ như vầy: Ta là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đây là lúc tu, đây là nơi tu, đây là người tu, đây là pháp mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xa lìa, đây là pháp mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa soi rõ, đây là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứng đắc. Nếu biết như thế là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: Đây chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đây chẳng phải là lúc tu, đây chẳng phải chỗ tu, đây chẳng phải là người tu, chẳng phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà xa lìa tất cả các pháp nên xả bỏ, chẳng phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chắc chắn chứng được trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều đứng vững ở chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì mọi thứ ở trong đó đều không sai khác. Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thực hành như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. LXIII. PHẨM KHÔNG PHÂN BIỆT
Khi ấy, trời Đế Thích thầm nghĩ: Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cho đến bố thí Ba-mật-đa sâu xa, an trụ vào pháp nội Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không, an trụ vào chơn như, cho đến cảnh giới bất tư nghì, an trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, tu hành bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo, tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tu hành tám giải thoát, cho đến mười biến xứ, tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, tu hành Cực hỷ địa, cho đến Pháp vân địa, tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông, tu hành mười lực Như Lai, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng và trí nhất thiết tướng, tu hành hạnh Đại Bồ-tát, tu hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật còn vượt lên trên tất cả hữu tình huống gì là chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu các hữu tình nghe nói tên của trí nhất thiết trí liền tin hiểu còn được lợi ích trong loài người và được thọ mạng tên tuổi vượt hẳn thế gian, huống chi là phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc thường lắng nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Nếu các hữu tình có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, lắng nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì thu được công đức mà các hữu tình khác đều mong muốn và đều không thể sánh kịp.
Sau khi suy nghĩ, trời Đế Thích liền rải hoa hương vi diệu của cõi trời dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ-tát. Sau khi rải hoa, vị ấy nguyện: Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhơn theo Bồ-tát thừa mong đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì xin đem công đức thiện căn mà tôi đã tích tụ được giúp cho vô thượng Phật pháp, trí nhất thiết trí mà người kia mong cầu sớm được viên mãn, xin đem công đức thiện căn mà tôi đã tích tụ giúp cho pháp tự nhiên của người kia, pháp vô lậu chân chánh mà người kia mong cầu mau được viên mãn, xin đem thiện căn công đức mà tôi đã tích tụ giúp cho tất cả pháp mà người kia muốn nghe sớm được viên mãn, xin đem công đức thiện căn mà tôi đã tích tụ giúp cho người cầu Thanh văn, Ðộc giác thừa cũng mau chóng đạt được ước nguyện.
Sau khi nguyện xong, vị ấy liền bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhơn thuộc Bồ-tát thừa đã phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, con cũng trọn đời không sanh một ý niệm khác làm cho người kia thối lui tâm đại Bồ-đề, con cũng không sanh một ý niệm khác làm cho các vị Đại Bồ-tát nhàm chán lìa bỏ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thối lui xuống địa vị Thanh văn, Ðộc giác.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát đã sạch tâm ưa thích quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, con nguyện cho tâm ấy tăng lên gấp bội và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho các Đại Bồ-tát kia sau khi đã thấy đủ loại khổ trong sanh tử, vì muốn làm lợi lạc thế gian, thiên nhơn, A-tu-la… nên họ phát sanh nhiều đại nguyện kiên cố: Tôi đã tự vượt biển lớn sanh tử cũng phải siêng năng giúp người chưa vượt qua được vượt qua, ta đã tự mở dây trói sanh tử, cũng phải siêng năng mở trói cho những người chưa được mở, ta đã tự an ổn đối với các nỗi sợ hãi sanh tử cũng phải siêng năng làm cho người chưa an ổn được an ổn, ta đã tự chứng đắc Niết-bàn rốt ráo cũng phải siêng năng làm cho những người chưa chứng cũng chứng đắc.
Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào phát tâm tùy hỷ đối với thiện căn, công đức của Đại Bồ-tát mới phát tâm thì được bao nhiêu phước đức? Phát tâm tùy hỷ đối với thiện căn, công đức của Bồ-tát đã phát tâm từ lâu thì được bao nhiêu phước đức? Phát tâm tùy hỷ đối với thiện căn, công đức của Đại Bồ-tát ở địa vị bất thối chuyển thì được bao nhiêu phước đức? Phát tâm tùy hỷ đối với thiện căn, công đức của Bồ-tát còn bị ràng buộc trong một đời thì được bao nhiêu phước đức?
Bấy giờ Phật bảo trời Đế Thích:
- Này Kiều-thi-ca! Giới hạn của bốn đại châu thiên hạ còn có thể biết được nhưng phước đức được sanh ra do tâm tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhơn này thì không thể lường được. Kiều-thi-ca! Cho đến giới hạn của ba ngàn đại thiên thế giới cũng có thể biết được nhưng phước đức sanh ra do tâm tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhơn này thì không thể lường biết được.
Kiều-thi-ca! Giả sử ba ngàn đại thiên thế giới là một biển lớn, có người lấy một sợi lông tước ra thành một trăm sợi nhỏ rồi đem đầu của một sợi nhỏ chấm vào nước biển lớn kia và lấy đó làm một đơn vị còn có thể biết được số giọt nước trong biển tính theo đơn vị ấy nhưng phước đức do tâm tùy hỷ sanh ra của thiện nam tử, thiện nữ nhơn này thì không thể đo lường được.
Khi ấy, Đế Thích lại bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Nếu hữu tình nào không tùy hỷ với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát thì nên biết họ đều bị quỷ ám. Bạch Thế Tôn! Nếu hữu tình nào không tùy hỷ với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát thì nên biết họ đều là bè đảng của ác ma. Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình không tùy hỷ với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát thì nên biết họ đều từ cõi ma chết đi và sanh đến cõi này. Vì sao? Vì nếu Đại Bồ-tát mong đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề tu các hạnh của Đại Bồ-tát, nếu các hữu tình tùy hỷ hồi hướng đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát ấy thì đều có thể phá hoại tất cả cung điện và quyến thuộc của ma quân.
Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình trong thâm tâm kính mến Phật, Pháp, Tăng bảo sanh ra ở nơi nào cũng thường muốn gặp Phật, thường muốn nghe pháp, thường thích gặp chúng Tăng thì nên tùy hỷ với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát, sau khi tùy hỷ nên hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không nên sanh ý tưởng sai khác; nếu được như thế thì sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích hữu tình, phá chúng ma quân.
Bấy giờ Phật bảo trời Đế Thích:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Này Kiều-thi-ca! Đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát nếu ở trong thâm tâm các hữu tình tùy hỷ và hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì các hữu tình này sẽ mau viên mãn các hạnh của Đại Bồ-tát và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát, nếu trong thâm tâm các hữu tình tùy hỷ và hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì các hữu tình này có oai lực lớn, thường hay phụng sự tất cả các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và thiện tri thức, thường nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và biết rõ nghĩa lý.
Kiều-thi-ca! Các hữu tình này thành tựu công đức thiện căn tùy hỷ và hồi hướng như vậy nên sanh ở chỗ nào cũng thường được tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la… cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, không thấy sắc xấu, không nghe tiếng dữ, không bị ngửi mùi hôi thối, không nếm vị dở, không tiếp xúc với những xúc chạm khó chịu, không nghĩ pháp ác, luôn thân cận chư Phật Thế Tôn, từ cõi Phật đến cõi Phật khác gần gũi chư Phật, trồng các căn lành, giáo hóa hữu tình, trang nghiêm cõi Phật. Vì sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì các hữu tình này trong thâm tâm có thể tùy hỷ đối với vô số công đức thiện căn của Đại Bồ-tát mới phát tâm để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trong thâm tâm có thể tùy hỷ đối với vô số công đức thiện căn của Đại Bồ-tát đã chứng sơ địa cho đến thập địa để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trong thâm tâm có thể tùy hỷ với vô số công đức thiện căn của Đại Bồ-tát còn bị ràng buộc trong một đời, để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do nhân duyên này căn lành của các hữu tình này ngày càng tăng và họ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Sau khi chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, họ có thể làm lợi ích vô lượng, vô số, vô biên các hữu tình cho đến đời vị lai, giúp họ nhập cảnh giới vô dư bát Niết-bàn.
Do đó, này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn Bồ-tát thừa nên tùy hỷ đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát mới phát tâm, đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát đã phát tâm từ lâu, đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát bất thối chuyển và đối với công đức thiện căn của Đại Bồ-tát còn bị ràng buộc trong một đời, để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lúc sanh tùy hỷ và hồi hướng không nên chấp trước sự tùy hỷ hồi hướng ở ngay tâm hoặc lìa tâm, không nên chấp trước sự tu hành ở ngay tâm hoặc lìa tâm, nếu ai có thể không chấp trước như vậy khi tùy hỷ, hồi hướng và tu các hạnh của Đại Bồ-tát thì mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, có thể làm lợi ích an lạc hữu tình cho đến tận đời vị lai, giúp họ đều an trụ vào Niết-bàn rốt ráo.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, các pháp như huyễn cho đến các pháp giống như việc biến hóa, làm sao Đại Bồ-tát có thể dùng tâm như huyễn để chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy tâm như huyễn của Đại Bồ-tát không?
Thiện Hiện đáp:
- Không thấy thưa Thế Tôn, con không thấy huyễn hóa, cũng không thấy tâm như huyễn.
Phật dạy:
Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu ở nơi không có huyễn hóa, không có tâm như huyễn ông có thấy tâm này có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không?
Thiện Hiện đáp:
- Không thấy thưa Thế Tôn! Con hoàn toàn không thấy nơi nào không có huyễn hóa, không có tâm như huyễn mà lại có tâm có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ông nghĩ sao? Nếu ở nơi lìa huyễn hóa, lìa tâm như huyễn ông thấy có pháp nào có thể chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không?
Thiện Hiện đáp:
- Không thấy thưa Thế Tôn! Con hoàn toàn không thấy có nơi nào lìa huyễn hóa, lìa tâm như huyễn lại có pháp có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bạch Thế Tôn! Con không thấy ngay nơi tâm, pháp hoặc lìa tâm, pháp có thể nói pháp nào là có là không bởi vì tất cả pháp đều hoàn toàn xa lìa. Nếu tất cả các pháp đều hoàn toàn xa lìa thì không thể tạo ra pháp này là có, pháp kia là không. Nếu pháp không thể tạo ra là có là không thì không thể nói là có thể chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, bởi vì chẳng phải pháp vô sở hữu có thể chứng Bồ-đề. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều có tánh vô sở hữu và không thể nắm bắt, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cho đến bố thí Ba-la-mật-đa hoàn toàn xa lìa, pháp nội Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không hoàn toàn xa lìa, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì hoàn toàn xa lìa, Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo hoàn toàn xa lìa, bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo hoàn toàn xa lìa, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc hoàn toàn xa lìa, tám giải thoát cho đến mười biến xứ hoàn toàn xa lìa, pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện hoàn toàn xa lìa, Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa hoàn toàn xa lìa, tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa hoàn toàn xa lìa, năm loại mắt, sáu phép thần thông hoàn toàn xa lìa, mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng hoàn toàn xa lìa, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả hoàn toàn xa lìa, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoàn toàn xa lìa, tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát hoàn toàn xa lìa, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật hoàn toàn xa lìa, trí nhất thiết trí hoàn toàn xa lìa. Bạch Thế Tôn! Nếu là pháp hoàn toàn xa lìa thì không nên tu cũng không nên lìa bỏ pháp ấy, cũng không thể có sự làm phát sanh. Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoàn toàn xa lìa vì vậy cũng không thể có sự phát sanh đối với pháp.
Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã hoàn toàn xa lìa thì vì sao lại nói: Các vị Đại Bồ-tát dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng hoàn toàn xa lìa thì vì sao pháp xa lìa lại có thể chứng đắc pháp xa lìa. Vì vậy đúng ra không nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lành thay! Lành thay! Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Vì sao? Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa hoàn toàn xa lìa như vậy cho đến tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát hoàn toàn xa lìa, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật hoàn toàn xa lìa, trí nhất thiết trí cũng hoàn toàn xa lìa.
Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa hoàn toàn xa lìa cho nên có thể nói sự chứng đắc của Đại Bồ-tát hoàn toàn xa lìa quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Như vậy cho đến trí nhất thiết trí hoàn toàn xa lìa nên có thể nói sự chứng đắc của Đại Bồ-tát hoàn toàn xa lìa quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa chẳng phải hoàn toàn xa lìa thì chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến nếu trí nhất thiết trí chẳng phải hoàn toàn xa lìa thì chẳng phải là trí nhất thiết trí.
Này Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa hoàn toàn xa lìa nên được gọi là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Như vậy cho đến do trí nhất thiết trí hoàn toàn xa lìa nên được gọi là trí nhất thiết trí.
Vì vậy, Thiện Hiện! Chẳng phải các vị Đại Bồ-tát không dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Tuy pháp viễn ly chẳng có thể chứng đắc pháp xa lìa nhưng chẳng phải không cần dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vì vậy các Đại Bồ-tát nào muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì phải thường siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch:
- Thưa Thế Tôn! Pháp mà Đại Bồ-tát thực hành đều có ý nghĩa sâu xa phải không?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Các pháp mà Đại Bồ-tát thực hành đều có ý nghĩa rất sâu xa, khó thấy, khó hiểu, chẳng phải là nơi có thể suy nghĩ, nằm ngoài cảnh giới có thể suy nghĩ là sự chứng đắc kín đáo, vi diệu bên trong của người trí không thể bày tỏ.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát có thể làm việc khó làm; tuy thực hành pháp có ý nghĩa sâu xa như vậy nhưng họ có thể không cần chứng đắc pháp của Thanh văn, Ðộc giác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Theo con hiểu thì điều Phật nói có nghĩa là việc làm của các vị Đại Bồ-tát không khó, không nên nói họ có thể làm việc khó làm. Vì sao? Vì ý nghĩa của pháp mà các Đại Bồ-tát chứng được đều bất khả đắc, việc có thể chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng bất khả đắc, pháp được chứng đắc, người chứng, nơi chứng và lúc chứng cũng bất khả đắc. Bạch Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát quán sát các pháp là bất khả đắc thì có ý nghĩa của pháp gì có thể là sự chứng, có Bát-nhã ba-la-mật-đa nào có thể là năng chứng và có những pháp gì có thể tạo ra pháp được chứng, người chứng, nơi chứng, lúc chứng, đã vậy thì làm sao có thể nắm được do đâu chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề còn không thể chứng được huống chi là chứng đắc pháp của Thanh văn, Ðộc giác. Bạch Thế Tôn! Nếu thực hành như vậy thì gọi hạnh vô sở đắc của Bồ-tát, Bồ-tát nào có thể thực hành hạnh vô sở đắc này thì không chướng ngại đối với tất cả các pháp. Bạch Thế Tôn! Khi nghe nói pháp này, Đại Bồ-tát nào không kinh sợ, run rẩy, không buồn rầu, hối hận, không hoang mang, thối lui thì đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bạch Thế Tôn! Lúc thực hành như vậy, Đại Bồ-tát này không thấy các tướng, không thấy mình làm, không thấy không làm, không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa là pháp mình thực hành, không thấy quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là chỗ chứng đắc của mình, cũng không thấy lúc chứng, nơi chứng.
Bạch Thế Tôn! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát này không nghĩ: Ta cách xa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta ở gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, giống như hư không không có nghĩ ta đi với các pháp ấy hoặc gần hoặc xa. Vì sao? Vì hư không không chuyển động cũng không sai biệt, không phân biệt, các Bồ-tát cũng giống như vậy, lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, họ không nghĩ ta cách xa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Giống như người do làm ảo thuật biến hoá không nghĩ: Vật ảo thuật, người làm ảo thuật và người xem cách mình gần hay xa. Vì sao? Vì người do làm ảo thuật biến hóa thì không có phân biệt, cũng lại như vậy, các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác ta gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Giống như cái ảnh không nghĩ ta theo sát vật và nơi ta y cứ xa hay gần. Vì sao? Vì ảnh được hiện ra không có phân biệt, cũng vậy lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các vị Đại Bồ-tát không nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác… để ta gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không sanh phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không có sự thương ghét. Vì sao? Vì sự thương hoặc ghét và tự tánh cảnh của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đều không thể nắm bắt.
Bạch Thế Tôn! Giống như các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thương không ghét tất cả các pháp, cũng như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không thương không ghét tất cả các pháp. Vì sao? Vì chư Phật và Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã dứt trừ sự thương ghét.
Bạch Thế Tôn! Giống như các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã đoạn trừ hoàn toàn tất cả sự phân biệt, các loại phân biệt và xa lìa sự phân biệt trùm khắp, cũng vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng hoàn toàn xa lìa tất cả phân biệt, các loại phân biệt và xa lìa sự phân biệt trùm khắp. Vì sao? Vì chư Phật và các vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Như chư Phật không có nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta ở gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng vậy, các vị Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta ở gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì chư Phật và các vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Như người được các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biến hóa ra không nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta ở gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì tất cả các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và những người do các ngài biến hóa ra đều không có tâm phân biệt, cũng vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nghĩ: Ta xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, ta ở gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có phân biệt đối với tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Giống như vì muốn làm việc gì, chư Phật biến hóa tạo ra người huyễn để khiến làm việc ấy, người được hóa ra đó không nghĩ: Ta có thể làm được công việc như vậy. Vì sao? Vì những người được biến hóa ra không có phân biệt đối với việc làm, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng như vậy, do có việc cần làm nên siêng năng tu tập, sau khi đã tu tập, tuy có thể thành tựu công việc nhưng pháp ấy không có sự phân biệt đối với công việc. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vốn không phân biệt đối với pháp.
Bạch Thế Tôn! Giống như người thọ khéo và các học trò của ông ấy, vì có công việc nên họ tạo ra các vật như nữ hoặc nam, hoặc voi, hoặc ngựa... Tuy các vật này được làm ra nhưng chúng không có sự phân biệt. Vì sao? Vì pháp ấy như máy móc vốn không phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy, do có công việc nên mới thành lập tuy đã hoàn thành nhưng hoàn toàn không phân biệt đối với hoạt động và lời nói. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vốn là pháp không phân biệt.
Lúc ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Chỉ có Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt hay tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới và bố thí Ba-la-mật-đa cũng không phân biệt.
Thiện Hiện đáp:
- Chẳng phải chỉ có Bát-nhã ba-la-mật-đa không phân biệt mà tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa cũng không phân biệt.
Xá-lợi Tử nói:
- Chỉ có sáu Ba-la-mật-đa là không có phân biệt hay sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phân biệt, nhãn xứ cho đến ý xứ cũng không phân biệt, sắc xứ cho đến pháp xứ cũng không phân biệt, nhãn giới cho đến ý giới cũng không phân biệt, sắc giới cho đến pháp giới cũng không phân biệt, nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng không phân biệt, nhãn xúc cho đến ý xúc cũng không phân biệt, các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng không phân biệt, địa giới cho đến thức giới cũng không phân biệt, vô minh cho đến lão tử cũng không phân biệt, pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không cũng không phân biệt, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng không phân biệt, Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo cũng không phân biệt, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng không phân biệt, tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng không phân biệt, bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo cũng không phân biệt, pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng không phân biệt, Tịnh quán địa cho đến Pháp vân địa cũng không phân biệt, tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa cũng không phân biệt, năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng không phân biệt, mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không phân biệt, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng không phân biệt, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không phân biệt, quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề cũng không phân biệt, tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát cũng không phân biệt, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng không phân biệt, thế giới hữu vi cũng không phân biệt, cảnh giới vô vi cũng không phân biệt.
Thiện Hiện đáp:
- Chẳng phải chỉ có sáu Ba-la-mật-đa không có phân biệt mà sắc cũng không có phân biệt, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có phân biệt cho đến thế giới hữu vi cũng không phân biệt, cảnh giới vô vi cũng không phân biệt.
Xá-lợi Tử nói:
- Nếu tất cả các pháp đều không phân biệt thì vì sao có sự phân chia năm đường khác nhau là địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, người và trời. Vì sao lại phân biệt các bậc Thánh khác nhau là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề, Như Lai.
Thiện Hiện đáp:
- Do nhân duyên điên đảo, phiền não nên hữu tình phát sanh ra các loại nghiệp nơi thân, miệng, ý và do đó đưa đến quả báo. Mặc khác dục vọng là nghiệp căn bản của quả dị thục và dựa vào đó mà năm đường khác nhau là địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, trời, người được tạo ra.
Còn về vấn đề vì sao phân biệt các bậc thánh khác nhau thì này Xá-lợi Tử! Đó là do không phân biệt nên tạo ra Dự lưu và quả Dự lưu, do không phân biệt nên tạo ra Nhất lai và quả Nhất lai, do không phân biệt nên tạo ra Bất hoàn và quả Bất hoàn, do không phân biệt nên tạo ra A-la-hán và quả A-la-hán, do không phân biệt nên tạo ra Ðộc giác và Ðộc giác Bồ-đề, do không phân biệt nên tạo ra Đại Bồ-tát và hạnh của Đại Bồ-tát, do không phân biệt nên tạo ra Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Xá-lợi Tử! Do không phân biệt và đoạn trừ phân biệt nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ mới có thể tạo ra các sự sai biệt khác nhau. Cũng do không phân biệt, do đoạn trừ phân biệt nên các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đời vị lai có thể tạo ra các sự sai biệt khác nhau. Do không phân biệt, đoạn trừ phân biệt nên tất cả các bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng chư Phật mười phương thế giới ở đời hiện tại thị hiện thuyết pháp, mới có thể tạo ra các sự sai biệt khác nhau.
Này Xá-lợi Tử! Vì lý do đó nên biết các pháp đều không phân biệt. Do không phân biệt nên chơn như, pháp giới nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì đều là định lượng.
Xá-lợi Tử! Các vị Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự phân biệt như vậy. Đại Bồ-tát nào có thể thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự phân biệt thì liền chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vi diệu không có sự phân biệt, giác ngộ tánh không phân biệt của tất cả các pháp và làm lợi ích cho hữu tình đến tận đời vị lai. LXIV. PHẨM KIÊN CỐ CHẲNG KIÊN CỐ
01
Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Các vị Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là thực hành pháp kiên cố hay thực hành pháp chẳng kiên cố.
Thiện Hiện đáp:
- Các vị Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là thực hành pháp chẳng kiên cố, không thực hành pháp kiên cố. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa chẳng phải là pháp bền chắc, pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không chẳng phải là pháp bền chắc, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì chẳng phải là pháp bền chắc, Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo chẳng phải là pháp bền chắc, bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo chẳng phải là pháp bền chắc, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc chẳng phải là pháp bền chắc, tám giải thoát cho đến mười biến xứ chẳng phải là pháp bền chắc, pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện chẳng phải là pháp bền chắc, Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa chẳng phải là pháp bền chắc, tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa chẳng phải là pháp bền chắc, năm loại mắt, sáu phép thần thông chẳng phải là pháp bền chắc, mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chẳng phải là pháp bền chắc, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả chẳng phải là pháp bền chắc, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải là pháp bền chắc, tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát chẳng phải là pháp bền chắc, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chẳng phải là pháp bền chắc, trí nhất thiết trí cũng chẳng phải là pháp bền chắc. Vì sao? Vì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa Đại Bồ-tát không thấy có sự chẳng bền nào có thể nắm bắt huống gì thấy có sự bền chắc có thể nắm bắt.
Như vậy cho đến lúc thực hành trí nhất thiết trí, đối với trí nhất thiết trí sự chẳng bền không thể nắm bắt họ còn không thấy, huống gì là thấy có sự bền chắc có thể nắm bắt.
Khi ấy, vô lượng chư thiên ở cõi dục giới và sắc giới đều nghĩ: Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn thuộc Bồ-tát thừa có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thực hành theo nghĩa lý mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã nói, không chứng đắc pháp tánh bình đẳng của thực tế, không dừng lại ở địa vị Thanh văn, Ðộc giác, vì vậy các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này thật là hiếm có, làm được việc khó làm, đáng được lễ lạy.
Khi ấy, biết ý nghĩ của chư thiên, Thiện Hiện liền bảo họ:
- Thiện nam tử, thiện nữ nhơn này không chứng đắc pháp tánh bình đẳng của thực tế, không dừng lại ở địa vị Thanh văn, Ðộc giác thì chẳng phải rất hiếm có, cũng chưa phải là khó làm. Đại Bồ-tát nào biết tất cả các pháp và các hữu tình đều bất khả đắc nhưng vẫn phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mặc áp giáp tinh tấn, nguyện độ vô lượng, vô biên hữu tình giúp họ nhập vào cảnh giới vô dư bát Niết-bàn thì Đại Bồ-tát này mới thật hiếm có, có thể làm việc khó làm.
Chư thiên nên biết! Đại Bồ-tát nào tuy biết hữu tình đều vô sở hữu nhưng vẫn phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mặc áo giáp tinh tấn, vì muốn giáo hóa các loài hữu tình như có hành động muốn điều phục hư không. Vì sao? Vì hư không xa lìa nên tất cả hữu tình cũng xa lìa, do hư không là không nên biết được các hữu tình cũng là không, do hư không chẳng chắc thật nên biết các hữu tình chẳng chắc thật, do hư không vô sở hữu nên biết các hữu tình cũng vô sở hữu, do đó Đại Bồ-tát này mới thật hiếm có, có thể làm được việc khó làm.
Chư thiên nên biết! Đại Bồ-tát này mặc áo giáp đại bi vì muốn điều phục tất cả hữu tình, nhưng các hữu tình đều vô sở hữu giống như có người mặc áo giáp đánh nhau với hư không.
Chư thiên nên biết! Vì muốn làm lợi lạc tất cả hữu tình, Đại Bồ-tát này mặc áo giáp đại bi nhưng các hữu tình và áo giáp đại bi đều bất khả đắc. Vì sao? Vì hữu tình lìa nên biết được áo giáp đại bi cũng lìa, vì hữu tình là không nên biết áo giáp đại bi cũng là không, vì hữu tình không chắc thật nên biết áo giáp đại bi cũng không chắc thật, vì hữu tình vô sở hữu nên biết áo giáp đại bi cũng vô sở hữu.
Chư thiên nên biết! Việc Đại Bồ-tát này giáo hóa, làm lợi lạc hữu tình cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì hữu tình là lìa, là không, là chẳng chắc thật, là vô sở hữu, nên biết được việc giáo hóa, lợi lạc cũng là lìa, là không, là chẳng chắc thật, là vô sở hữu.
Chư thiên nên biết! Đại Bồ-tát này cũng vô sở hữu. Vì sao? Vì hữu tình là lìa, không, chẳng chắc thật, vô sở hữu nên biết được Bồ-tát cũng lìa, không, chẳng chắc thật, vô sở hữu.
Chư thiên nên biết! Đại Bồ-tát nào nghe việc như vậy mà không kinh sợ, run rẩy, không buồn rầu, không hối hận, hoang mang, không thối lui thì nên biết đó là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì các sắc lìa tức là hữu tình lìa, thọ, tưởng, hành, thức lìa tức là hữu tình lìa; nhãn xứ cho đến ý xứ lìa tức là hữu tình lìa; sắc xứ cho đến pháp xứ lìa tức là hữu tình lìa; nhãn giới cho đến ý giới lìa tức là hữu tình lìa; sắc giới cho đến pháp giới lìa tức là hữu tình lìa; nhãn thức giới cho đến ý thức giới lìa tức là hữu tình lìa; nhãn xúc cho đến ý xúc lìa tức là hữu tình lìa; các cảm thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các cảm thọ do ý xúc làm duyên sanh ra lìa tức là hữu tình lìa; địa giới cho đến thức giới lìa tức là hữu tình lìa; nhân duyên cho đến tăng thượng duyên lìa tức là hữu tình lìa; vô minh cho đến lão tử lìa tức là hữu tình lìa; bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa lìa tức là hữu tình lìa; pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không lìa tức là hữu tình lìa; chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì lìa tức là hữu tình lìa; Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo lìa tức là hữu tình lìa; bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo lìa tức là hữu tình lìa; bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc lìa tức là hữu tình lìa; tám giải thoát cho đến mười biến xứ lìa tức là hữu tình lìa; pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện lìa tức là hữu tình lìa; Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa lìa tức là hữu tình lìa; Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa lìa tức là hữu tình lìa; tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa lìa tức là hữu tình lìa; năm loại mắt, sáu phép thần thông lìa tức là hữu tình lìa; mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng lìa tức là hữu tình lìa; ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp lìa tức là hữu tình lìa; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả lìa tức là hữu tình lìa; trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng lìa tức là hữu tình lìa; quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề lìa tức là hữu tình lìa; tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát lìa tức là hữu tình lìa; quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật lìa tức là hữu tình lìa; trí nhất thiết trí lìa tức là hữu tình lìa. Quyển thứ 456
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.211.55 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.