THERAVĀDA ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
CHƯƠNG XXXV MƯỜI HAI VỊ VUA Sau khi Mahādāṭhika thăng hà, người con trai tên là Āmaṇḍagāmani Abhaya, lên ngôi trị vì được chín năm tám tháng. Vị vua này đã làm thêm một tầng của đỉnh tháp trên cái đỉnh tháp sẵn có của Ðại bảo tháp nguy nga, và xây dựng ở đó một cái nền ở phía dưới và lan can ở trên đỉnh. Vua cũng xây dựng một cái sân ở bên trong và một mái hiên bên trong cho Thanh đồng điện (Lohapāsāda) và cho nhà phát lồ của tháp viên (Thūpārāma) Ngoài ra vua còn xây dựng một giả ốc xinh đẹp cho Thanh đồng điện và cho Tháp viên, giả ốc được làm bằng loại đá quí; khi vua đã làm xong cái hồ nước Mahāgāmeṇḍi ở phía nam của Anurādhapura, vị vua thiện xảo trong các việc phước, bèn dâng nó đến tịnh xá Dakkhiṇ-vihāra. Vua cũng xây dựng tịnh xá Rajatalena-vihāra. Vua ban sắc lệnh cấm giết ở trên khắp hải đảo. Vua sai trồng những trái bầu bí, và cho y phục để làm đế đỡ bát, với lòng tịnh tín, vua cho tất cả những thứ này đến chúng tăng. Vì vua đã cúng bầu bí (āmaṇḍa) nên người ta gọi vua qua cái tên là Āmaṇḍagāmaṇi. Em trai của vua là hoàng tử Kaṇirajānutissa, trị vì được ba năm ở kinh đô, sau khi giết chết anh của mình. Vị ấy xét xử bộ luật liên quan đến nhà phát lồ trong tịnh xá lấy tên của bảo tháp, còn sáu chục vị Tỳ khưu có dính líu trong tội làm phản lớn bị vua bắt giam, với tất cả những vị của họ, ở trên Cetiya-pabbata, và vua sai ném những người ác này vào trong những cái hang có tên là Kaṇira. Sau khi Kaṇirajānu thăng hà thì con trai của Āmaṇḍagāmani, tên là Culābhaya, lên ngôi trị vì một năm. Ðức vua này xây dựng tịnh xá Cūlagallakavihāra ở trên bờ sông Goṇaka, về hướng nam của kinh đô. Sau khi Cūlābhaya thăng hà, em gái của vị ấy là Sīvalī là con gái của Āmaṇḍa, trị vì bốn tháng. Nhưng người cháu trai của Āmaṇḍa tên là Iḷanāga cướp ngôi của Sīvalī và lên nắm quyền cai trị ở kinh đô. Một hôm nọ trong năm cai trị đầu tiên, khi vua đi đến hồ Tissa, thì có nhiều người thuộc bộ tộc Lambakaṇṇa đã rời bỏ vị ấy và trở về kinh đô. Khi đức vua không trông thấy họ, nổi giận vua sai họ, chính họ, phải làm một con đường đến Nahāthūpa, sai họ dùng chân giẫm xuống đường cho chắc cứng, con đường ấy nằm bên cạnh của hồ nước, và cử những người Chiên-đà-la cai quản họ. Ðầy phẫn nộ vì sự lăng nhục này, những người Lambakaṇṇa tụ họp lại và khi họ đã bắt và giam đức vua trong cung điện của vị ấy, chính họ đứng ra cai trị; Còn bà hoàng hậu của vua thì mặc vào lễ phục cho đứa con trai của bà, là hoàng tử Candamukhasiva, trao đứa con trai cho một nữ hầu, và gởi hoàng tử đến con voi của vua, sai những người hầu đem theo một bức thư. Những nữ hầu đưa hoàng tử đến đó và truyền đạt lại bức thư đến con voi: "đây là đứa con trai của chúa của ngươi; Chúa của ngươi đang bị cầm tù; tốt hơn cho đứa bé này là chết dưới chân của người còn hơn phải chết trong tay của những kẻ thù, vậy xin ngươi hãy giết đứa bé đi, đó là lời yêu cầu của hoàng hậu". Nói xong, người ta đặt đứa bé dưới chân con voi. Và đầy khổ, con voi đổ lệ, và khi phá tung những cái cột mà nó bị xiềng vào, nó xông vào cung điện và giận dữ quất vào cái cổng, khi nó đã phá cập cái cửa ở trong phòng mà đức vua ngồi, nó để vua cưỡi lên lưng của nó và đi đến Mahātittha. ở đó con voi đưa đức vua xuống thuyền để đi đến bờ biển phía tây; chính vị ấy đi đến Malaya. Khi đức vua đã lưu trú ba năm ở bờ biển bên kia, vị ấy khởi binh và đi thuyền đến Rohaṇa. Sau khi đã đáp vào cảng Sakkharasobha, đức vua tập hợp ở đó tại Rohaṇa một đoàn quân binh hùng mạnh. Con voi của đức vua ngay tức thì đi đến từ miền nam Malaya để phụng mạng vị ấy. Tại đó, sau khi vua nghe một vị đại trưởng lão thuyết chuyện bổn sanh Kapijātaka, và có được niềm tin nơi bồ tát, vua trùng tu lại tịnh xá Nāgamahāvihāra rộng một trăm cây cung không bị uốn cong, và làm cho bảo tháp to lớn như cũ; Ngoài ra đức vua cũng làm cái hồ Tissa (gần Mahāgāma) và hồ Dūra. Khi đức vua đã huy động quân binh, vị ấy lên đường chiến đấu; Khi những người Lambakaṇṇa nghe tin này, họ cũng chuẩn bị ứng chiến. Trận chiến giữa hai đoàn quân đối nghịch mà đem lại sự tiêu diệt cho cả hai, diễn ra ở gần cổng của Kapallakkhaṇḍa trên cánh đồng của Haṅkārapiṭṭhi. Vì bị kiệt sức do chuyến đi đường dài trên biển, nên quân sĩ của đức vua phải đầu hàng, do đó đức vua xưng danh của mình và xông tới. Ðầy khiếp đảm những người Lambakaṇṇa nằm sấp xuống, và người ta chặt đầu của họ rồi chất thành đống cao tới trục bánh xe của vua, và khi điều này xảy ra, đức vua thương xót, ba lần kêu lên rằng "đừng giết nữa, mà hãy bắt sống họ". Khi đức vua đã đi vào kinh đô như một người thắng trận và đã giương lên chiếc lọng của vương quyền, vị ấy đi dự hội ở hồ Tissa. Rồi sau đó, đức vua, ăn mặc nhung giáp chỉnh tề với tất cả những vật trang sức, khi đã lên khỏi nước và suy xét về vận may mà vua đã đạt được, và nghĩ về những người Lambakaṇṇa đã ngăn cản con đường tiến bộ của mình, vua nổi giận và truyền lịnh trói từng hai người sau một người vào chiếc xe của vị ấy và đi vào kinh đô như vậy. Khi dừng lại ở ngưỡng cửa của hoàng cung, đức vua truyền lịnh rằng: "này quan sĩ, hãy chặt đầu của họ ngay tại ngưỡng cửa này", "tâu chúa của các xe, đây chỉ là những con bò được thắng vào xe của bệ hạ, do đó hãy truyền lịnh chặt sừng và móng của chúng". Do bà mẫu hậu khuyên như vậy, đức vua rút lại lịnh chém đầu họ và truyền lịnh xẻo mũi và chặt những ngón chân của họ. Nơi mà con voi của vua đã lưu trú, đức vua giao phần đất ấy cho con voi; do đó miền đất ấy được gọi là Hatthibhoga (Thái ấp của voi). Như vậy Iḷanāga đã lên ngôi vua và trị vì tròn sáu năm tại Anurādhapura. Sau khi Iḷanāga thăng hà, đứa con trai của vị ấy là Candamukha Siva lên kế ngôi trị vì tám năm bảy tháng. Khi vị chúa của quả đất đã sai đào hồ nước gần Maṇikāragāmaka, vua dâng nó đến tịnh xá Issara-samaṇa. Bà hoàng hậu của vua, tên là Damiḷādevī, cũng cho quyền hưởng hoa lợi của bà từ ngôi làng ấy đến tịnh xá kia. Sau khi giết Candamukha Siva ở lễ hội vui chơi tại hồ Tissa, người em trai của vị ấy là Yasalālaka-tissa, lên nắm ngôi vua trị vì tại Anurādhapura khả ái, là một bộ mặt xinh đẹp của đảo Tích Lan, được bảy năm tám tháng. Bấy giờ đứa con của người giữ cửa Datta, tên Subha, có diện mạo giống hệt như đức vua. Và vua Yasalālaka, để làm trò cười, trang phục y áo và những vật trang sức của vua cho người giữ cửa Subha, và để ông ta ngồi trên chiếc ngai vàng và khi vấn chiếc khăn đội đầu quanh đầu của anh ta, và thế vào địa vị của anh ta, tay cầm chiếc gậy, đứng ở cổng, đức vua vui chơi với các quan khi người ta đảnh lễ Subha đang ngồi trên ngai vàng. Thỉnh thoảng đức vua thường hay vui chơi như thế. Vào một hôm nọ, người lính canh hét đến đức vua, khi đức vua đang cười to: "tại sao tên lính canh này dám cười to trước mặt của ta chứ?" và người lính canh Subha truyền lịnh giết vua, rồi đứng ra trị vì ở đây sáu năm, danh hiệu là Subharāja. Ở cả hai đại tịnh xá (Abhayagiri và Mahā-vihāra), Subharāja xây dựng một dãy cốc quí báu mang tên của vị ấy là Subharāja. Gần Uruvelā, vị vua này đã xây dựng tịnh xá Vallī-vihāra, về hướng đông của tịnh xá xây dựng tịnh xá Ekadvāra và ở cửa sông Hằng, xây dựng tịnh xá Nandigāmaka. Một người con cháu của bộ tộc Lambakaṇṇa, tên là Vasabha, nhà ở tỉnh phía bắc, phục vụ cho ông cậu (chú) của mình, là một vị chỉ huy quân đội. Vì người ta nói rằng: "một người tên là Vasabha sẽ làm vua" (theo Tīkā thì người ta nói rằng Yasalālaka đã công bố lời tiên tri ấy), nên đứa vua truyền lịnh rằng cả những ai trên khắp hải đảo có mang tên Vasabha phải bị giết chết. Vị tướng chỉ huy nghĩ rằng: "chúng ta phải giao nộp Vasabha của chúng ta cho đức vua", sau khi bàn bạc với vợ nhà về vấn đề này, vào lúc sáng sớm, vị ấy lên đường đến yết kiến đức vua. Và người vợ, để bảo vệ Vasabha một cách chu đáo, người cháu này đang đi chung với vị tướng quân, bà ta đặt ngọn lá trầu và miếng cau trong tay của ông chồng nhưng không có vôi. Khi vị tướng quân, đến tại cổng hoàng cung, thấy cau trầu mà không có vôi, ông ta bèn sai Vasabha trở lui để lấy vôi. Vasabha quay về lấy vôi, và người vợ của vị tướng quân bí mật nói với cậu ta, cho cậu ta một ngàn và giúp cậu thoát chạy. Vasabha đi đến tịnh xá Mahāvihārā và được các vị trưởng lão ở đó cho sữa, vật thực và y phục, và khi cậu ta đã nghe lại từ một người cùi nói rằng cậu sẽ làm vua, sung sướng cậu ta quyết định rằng: "ta sẽ làm kẻ phản loạn". Và khi cậu đã tìm ra những người tâm đầu ý hợp với mục đích của cậu, khi tiếp tục đi con đường dài từ làng mạc này đến ngôi làng khác, theo lời chỉ dạy trong câu chuyện về chiếc bánh, cậu đi đến Rohana, và để dần dần chiếm lấy vương quốc cho chính mình, cậu tiếp tục tiến binh, sau hai năm, với đoàn quân binh hùng hậu, cậu ta tiến vào kinh đô. Khi Vasabha vĩ đại đã đánh thắng Subharāja trong chiến trận, vị ấy nâng lên chiếc lọng đế vương ở trong kinh đô. Người cậu (chú) của Vasabha bị ngã gục trong chiến trận. Nhưng vợ của ông ta, tên là Potthā, là người đầu tiên giúp đỡ Vasabha, do đó Vasabha tôn nàng lên ngôi hoàng hậu. Một hôm nọ, Vasabha hỏi một nhà tiên tri về thọ mạng của mình, và nhà tiên tri nói riêng với Vasabha rằng vua chỉ sống được mười hai năm mà thôi. Và khi nhà vua đã cho nhà tiên tri một ngàn đồng để giữ bí mật, vị ấy triệu tập chúng tăng lại và cung kính đảnh lễ các ngài, rồi hỏi rằng: "bạch các ngài, có cách gì để kéo dài thọ mạng không?" "có" bởi vậy chư tăng chỉ cho vua một phương pháp để đoạn trừ những chướng ngại của thọ mạng; "Phải bố thí những cái bình lượt nước, chỗ ngụ, và những vật thí cho người bịnh, tâu chúa của muôn dân, và cũng nên tu sửa những lâu đài bị hư nát; người cũng nên thọ trì ngũ giới và phải cẩn thận thọ trì chúng, người cũng nên thọ trì bát quan trai giới nữa". Ðức vua nói rằng, "lành thay" và ra đi từ đó, rồi trở về, thực hiện tất cả những phận sự này. Cứ ba năm trôi qua thì đức vua cúng dường ba bộ tam y đến toàn thể chư tăng, trên khắp hải đảo, vua còn gởi chúng đến những vị trưởng lão ở phương xa; Vua truyền lịnh bố thí cơm đề hồ với mật ong ở ba mươi hai chỗ, còn ở sáu mươi bốn chỗ khác vua bố thí vật thực có pha trộn những món khác một cách dồi dào. Vua sai đốt một ngàn ngọn đèn ở bốn chỗ, đó là Cetiyapababbata, quanh bảo tháp ở Thūpā-rāma, quanh đại bảo tháp và trong ngôi miếu của cây đại bồ đề. Tại Cittalakūṭa-vihāra, vua xây dựng mười bảo tháp xinh đẹp và trên toàn thể hải đảo vua trùng tu lại những điện đài bị hư hại. Do lòng tịnh tín đối với một vị trưởng lão ở Valliyera-vihāra, vua đã xây dựng tịnh xá Mahāvalligotta. Ngoài ra vua còn xây dựng tịnh xá Anurārāma-vihāra gần Mahāgāma và ban cho tịnh xá ấy một ngàn tám trăm karīsa đất (1 karīsa khoảng chừng một mẫu) của ngôi làng Heḷigāma. Khi đức vua đã xây dựng tịnh xá Mucela-vihāra ở Tissavaḍḍhamānaka, vị ấy chia cho tịnh xá một phần nước của con kênh Āḷisāra. Bảo tháp ở Galambatittha vua đắp thêm một lớp gạch, và xây thêm một ngôi nhà phát lồ và để cung cấp dầu đốt đèn vua cho đào một cái hồ để tưới nước cho một ngàn karīsa đất và cho nó đến tịnh xá. Tại Kumbhigallaka-vihāra, vua cho xây một ngôi nhà phát lồ. Vua cũng cho xây một ngôi nhà phát lồ ở tịnh xá Issarasamaṇaka-vihāra ở đây và một điện thờ củn bảo tháp ở Tháp viên. Tại Mahāvihāra, vua xây một dãy cốc quay mặt về hướng tây, và trùng tu lại ngôi giảng đường Catusālā đã bị hư nát. Vua cũng sai làm bốn tượng Phật và một điện thờ bốn tượng Phật ấy ở tại cái sân xinh đẹp của cây Ðại bồ đề. Bà hoàng hậu của vua, tên là Potthā, cũng xây dựng ở đó một bảo tháp uy nghi và một điện thờ xinh đẹp cho bảo tháp. Khi đức vua đã làm xong điện thờ của bảo tháp tại Tháp viên và truyền lịnh bố thí vật thực dồi dào trong dịp lễ khánh thành ngôi điện thờ ấy. Trong số những vị Tỳ khưu chuyên về việc học Tam tạng, vua cúng dường những vật dụng cần thiết của Sa-môn, và cùng dường bơ và mật mía đến những vị Tỳ khưu chú giải Tam tạng. Ở bốn cổng thành, đức vua truyền lịnh bố thí vật thực đến những người nghèo, và vật thực dành người bịnh, vua sai cúng dường đến những vị Tỳ khưu có bịnh. Ðức vua xây dựng mười hai hồ nước và mười hai con kênh, để làm cho đất được màu mỡ, đó là Cayantī và hồ Rājuppala, Vaha và Kolambagāmaka, hồ Mahānikkhavaṭṭi và Mahārāmetti, Kohāla và hồ Kāli, Cambuṭi, Cāthamaṅgana và Aggivaḍḍhamānaka. Ðể giữ an toàn kiến cố, vua sai xây bức tường của thành phố cao như những bức tường thành thời bấy giờ (mười tám hắc tay) và xây lên bốn tháp canh ở bốn cổng thành và thêm một hồ nước và thả những con thiên nga ở trong đó. Khi đức vua đã kiến tạo nhiều hồ tắm ở rải rác nhiều nơi trong kinh đô, vua bèn sai đưa nước vào bằng những con kênh ngầm trong lòng đất. Và để thực hiện nhiều việc phước bằng cách này, vua Vasabha đã diệt trừ được những pháp làm cản trở thọ mạng, và thường xuyên vui thích trong những việc phước, vua trị vì được bốn mươi bốn năm trong kinh đô. Ðức vua đã từng tổ chức bốn mươi bốn lễ Vesākha (lễ Phật đản). Trong khi Subharāja còn sống, vì sợ Vasabha, vị ấy đã lo lắng gởi đứa con gái của mình cho một người thợ làm gạch và cùng lúc ấy giao chiếc áo cẩm bào và vương ấn cho ông ta gìn giữ. Khi Subharāja bị Vasabha giết chết, thì người thợ gạch dẫn con gái của vua theo ông ta, để nàng ở trong chỗ ngụ của một đứa con gái, và nuôi dưỡng nàng trong chính nhà của ông ta. Khi ông ta làm việc thì cô gái thường mang vật thực đến cho ông ta. Một hôm nọ, khi nàng trông thấy trong một bụi hoa, một vị trưởng lão đang ở trong trạng thái của thiền diệt vào ngày thứ bảy, nàng, một thiếu nữ có trí tuệ, bèn dâng vật thực đến cho ngài. Sau đó nàng nấu món vật thực khác và mang đến cho cha của nàng, và khi người cha hỏi tại sao, nàng đến trễ, nàng bèn trả lời về vấn đề này. Ðầy hoan hỉ, ông ta bảo nàng dâng thêm phần vật thực ấy đến trưởng lão. Khi trưởng lão đã xuất khỏi thiền diệt, ngài bèn nói với cô thiếu nữ, trong khi ngài đang để tâm dò xét về tương lai: "này cô gái, khi vương vị lọt vào tay của con rồi, thì hãy nhớ đến chỗ này". Và ngay tức thì trưởng lão viên tịch. Bấy giờ, khi đứa trai của vua Vasabha là Vaṅkanāsikatissa đã đến tuổi trưởng thành, vua bèn chọn vợ cho hoàng tử. Khi những người rành mạch những tướng tốt trong các nữ nhân trông thấy cô thiếu nữ trong ngôi làng của người thợ gạch, họ bèn tâu lại với đức vua; nhân đó đức vua cho gọi nàng đến. Bấy giờ người thợ gạch tâu với đức vua rằng nàng là con gái của một vị vua, lại là con gái của đại vương Subha-rāja, ông ta bèn đưa ra chiếc áo cẩm bào và những thứ khác. Vui mừng, đức vua cưới nàng cho hoàng tử khi tất cả đã được chuẩn bị đúng mức. Sau khi Vasabha thăng hà, đứa con trai là Vaṅkanāsikātissa lên ngôi vua trị vì ba năm ở Anurāchapura. Ở trên bờ của con sông Goṇa, vua Vaṅkanāsikatissa dựng lên một tịnh xá mang tên là Mahāmaṅgala. Còn bà hoàng hậu của vua thì quyên tiền để xây dựng một tịnh xá, vì nàng đã nhớ đến những lời nói của trưởng lão. Sau khi Vaṅkanāsikatissa thăng hà, đứa con trai của vị ấy là Gajabāhukagāmaṇi lên ngôi trị vì được hai mươi hai năm. Nghe lời của mẹ, đức vua xây dựng tịnh xá Mātuvihāra ở chỗ có đám hoa Kadamba, để tỏ lòng tôn kính mẹ. Người mẹ có trí tuệ đã cho đại tịnh xá một trăm ngàn đồng để mua chỗ đất và xây dựng tịnh xá (nghĩa là cả hai mẹ con cùng hợp tác làm tịnh xá); chính đức vua đã xây dựng một bảo tháp ở đó bằng đá và cho thêm đất để chư tăng xử dụng, sau khi đức vua đã mua từ nhiều chủ nhân Vua cũng xây nên bảo tháp to lớn Abhayuttara-thūpa, làm cho nó lớn hơn, và ở bốn cổng của bảo tháp, đức vua làm bốn tiền đình. Khi đức đã sai đào cái hồ Gāmaṅitissa, vị ấy dâng nó đến tịnh xá Abhagiri-vihāra để duy trì nguồn vật thực. Ðức vua xây một lớp vách cho bảo tháp Maricavaṭṭithūpa và cho thêm đất để chư tăng tùy nghi xử dụng, sau khi đã mua nó với giá một trăm ngàn đồng. Trong năm cuối cùng, đức vua xây dựng tịnh xá Rāmuka và phước xá Mahejāsanasālā ở trong thành phố. Sau khi Gajahāhu thăng hà, người nhạc phụ của vua là Mahalaka nāga, trị vì sáu năm. Những tịnh xá Sejalaka ở miền đông, Goṭapabbata ở miền nam. Dakapāsāṇa ở miền tây Sālipabbata ở Nāgadīpa, Tanaveli ở Bījagāma, Tobbalanāgapabbata ở xứ Rohana, tại miền quê Girihālika. Ðây là bảy tịnh xá mà vua Mahallanāgā đã xây dựng trong thời gian cai trị của vị ấy, dầu thời gian ấy chỉ ngắn ngủi. Những bậc trí tuệ, sau khi làm nhiều việc phước bằng cách này, được những tài sản vô giá như là báu, còn những kẻ ngu, vì ngu si, say mê dục lạc, đã làm nhiều điều ác. Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi lăm, được gọi là "Mười hai vị vua" trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XXXXVI MƯỜI BA VỊ VUA Sau khi Mahallanāga thăng hà, đứa con trai cả là Bhātikatissaka lên ngôi trị vì hai mươi bốn năm ở Tích Lan. Vị tân vương dựng một bức thành quanh Tịnh xá Mahāvihāra. Khi đức vua đã xây dựng tịnh xá Gavaratissa vihāra vua cho đào cái hồ Mahāmaṇi và dâng nó đến Tịnh xá. Hơn nữa, vua còn xây dựng một tịnh xá khác mang tên là Bhātikatissa. Vị ấy làm một ngôi nhà phát lồ trong Tháp viên xinh đẹp; Ðức vua cũng sai đào hồ nước Randhakaṇdaka. Ðầy lòng nhân từ đối với chúng sanh và hết lòng kính trọng chư tăng, người bảo vệ quả đất đã truyền lịnh cúng dường vật thực dồi dào đến cả hai chúng (Tỳ khưu và Tỳ khưu ni). Sau khi Bhātikatissa thăng hà (người em trai của vị ấy) là Kaniṭṭhatissaka trị vì mười tám năm ở hải đảo Tích Lan. Bởi vì vị vua này rất hoan hỉ với trưởng lão Mahānāga ở chùa Bhūtārāma, nên đã xây dựng cho trưởng lão một bảo điện rực rỡ mang tên Ratanapāsāda ở Abhayagiri. Hơn nữa, vua còn xây dựng một bức tường và một Pariveṇa to lớn (tịnh thất, cốc) và thêm một Pariveṇa to lớn ở tịnh xá Maṇisoma. Tại chỗ ấy vua xây dựng một cái đền cho bảo tháp và một cái đền khác cho bảo tháp Ambatthala-thūpa; vua còn truyền lịnh cho trùng tu điện thờ ở Nāgadīpa. Khi phá bỏ ranh giới của Ðại tịnh xá Mahāvihāra, đức vua xây dựng ở đó một dãy cốc mang tên là Kakkuṭagiri đầy đủ mọi tiện nghi. Tại Mahāvihāra nhà cai trị của muôn dân xây dựng mười hai đại điện (pāsāda) có bốn cạnh, xinh đẹp và đáng chiêm ngưỡng, vua còn đắp thêm một lớp vách - cho bảo tháp của tịnh xá Dakkhiṇavihāra, và thêm một nhà ăn (trai đường) để phá bỏ ranh giới của Mahāmeghāvana và khi đưa bức tường của Mahā-vihāra qua một bên, vị ấy cũng làm một con đường dẫn đến tịnh xá Dakkhiṇavihāra. Vua xây dựng tịnh xá Bhūtārāma-vihāra và Rāmagoṇaka, và thêm già lam Nandatissārāma. Ở hướng đông vua xây dựng tịnh xá Anula-tissapabbata-vihāra tại Gangarājī, Niyelatissārāma và Pīlapaṭṭhivihāra cũng như tịnh xá Rājamahā-vihāra. Ðức vua cũng xây dựng nhà phát lồ ở ba chỗ, trong ba tịnh xá sau đây: Kalyāṇikavihāra, Maṇḍalalagirika, và tịnh xá Dubbalavāpitissa. Sau khi Kaniṭṭhatissa thăng hà, đứa con trai của vị ấy là Khujjanāga, trị vì được một năm. Em trai của Khujjanāga là Kuñcanāga giết vị vua anh, và trị vì hai năm ở Tích Lan. Trong thời gian có nạn đói lớn Ekanāḷika, thì đức vua thường xuyên bố thí vật thực lớn đến năm trăm vị từ khưu. Nhưng em trai của bà chánh hậu của Kuñcanāga, là một vị tướng quân, tên là Sirināga, trở thành kẻ phản loạn chống đối đức vua, và khi đã chiêu tập đầy đủ quân binh và ngựa, ông ta kéo quân đến kinh đô, và sau khi chiến thắng trong trận đánh với quân binh của đức vua, khiến vua Kuñcanāga bỏ chạy, Sirināga lên ngai vàng cai trị toàn cõi Tích Lan được mười chín năm ở thành phố tráng lệ Anurādhapura. Khi đức vua đã đặt cái đỉnh nhọn trên Ðại bảo tháp uy nghi, sai người cẩn nạm nó một cách thẩm mỹ và rực rỡ. Vua xây dựng Thanh đồng điện (Lohapāsāda), giữ nó ở trong năm tầng lầu cao, vua cũng tu sửa những bậc cấp ở bốn con đường dẫn đến cây Ðại bồ đề. Khi đã làm xong chiếc lọng và Pāsāda, vua truyền lịnh làm lễ cúng dường trong dịp lễ khánh thành, là người có lòng độ lượng lớn, vua truyền lịnh miễn thuế cho mọi nhà trên khắc hải đảo. Sau khi Sirināga thăng hà, con trai của vị ấy Tissa trị vì hai mươi hai năm, là người rành luật và pháp. Bởi vì vua là người đầu tiên ban hành điều luật không hành hình đánh đập, nên người ta gọi vua là Vohārikatissa. Khi đức vua đã nghe trưởng lão Deva thuyết pháp, là vị trưởng lão trú ngụ ở Kappukagāma, vị ấy bèn tu sửa lại năm điện đài. Hơn nữa, nhờ hoan hỉ với trưởng lão Mahātissa, ở Anurārāma, nên vua truyền lịnh bố thí vật thực ở Muceḷapaṭṭana. Khi đức vua đã dựng lên một giả ốc ở tại hai tịnh xá (là Mahāvihāra và Abhayagiri-vihāra) và làm hai pho tượng bằng đồng ở điện Satta-paṇṇakapāsāda, là chỗ trú ngụ khả ái tiện nghi, vua truyền lịnh cấp một ngàn đồng mỗi tháng cho Ðại tịnh xá Mahāvihāra. Ở Abhayagiri-vihāra và tịnh xá Dukkhiṇamūla, ở tịnh xá Maricavaṭṭi-vihāra và tịnh xá Kulālitissa, ở tịnh xá Mahiyangaṇa-vihāra, ở tịnh xá Mahāgāmanāga, ở hai tịnh xá Mahānāgatissa và Kalyānika, vua đã đặt lên những chiếc nắp nhọn cho tám bảo của chúng. Ở Mūlanāgasenāpati-vihāra và ở Dakkhiṇavihāra, ở tịnh xá Maricavaṭṭi-vihāra và ở tịnh xá Puttabhāga, ở tịnh xá Issarasamaṇa và ở tịnh xá tên là Tissa ở Nāgadīpaka; đức vua đã xây một bức tường cho sáu tịnh xá này, và làm một ngôi nhà phát lồ ở tịnh xá Anurārāma. Trong những dịp tuyên đọc tiểu sử của các vị thánh tăng Ariyavaṃsa, vua ban chiếu chỉ cúng dường vật thực đều đặn, do lòng kính trọng đối chánh pháp. Với món tiền ba trăm ngàn chi ra, vua thường là người bạn thân thiết với chánh pháp, đã trang trải nợ nần cho những vị Tỳ khưu bị mắc nợ. Khi đức vua đã ban sắc chỉ tổ chức lễ Vesākha, vua cúng dường ba bộ tam y đến tất cả những vị Tỳ khưu trú ngụ trên hải đảo. Ðể đè bẹp giáo lý Vetulya và ngăn chặn tà thuyết do vị quan Kapila của vua chấp trì, đức vua đã khiến cho giáo pháp chiếu sáng trong vinh quang. Người em trai của vị vua này, là Abhayanāga, là tình nhân của hoàng hậu, bị phát hiện, đã bỏ chạy vì sợ bị hoàng huynh và cùng với những người hầu đi đến Bhallatittha và làm như phẩn nộ, vị ấy sai chặt tay chân của ông chú (uncle). Và để gây ly gián trong vương quốc, vị ấy bỏ lại ông chú ở đây và dẫn theo những người tùy tùng trung thành nhất, khi cho họ thấy gương của con chó (theo Ṭīkā, khi sắp xuống thuyền vị ấy chưởi mắng và hành hạ một con chó đi theo vị ấy. Tuy nhiên con vật vẫn đi theo vị này, vẫy vẫy cái đuôi của nó. Rồi Abhayanāga nói với những tùy tùng của mình như sau. "các ngươi phải đứng bên cạnh ta với lòng trung thành không thể thay đổi được giống như con chó này"). Rồi tự mình xuống thuyền và đi đến bờ bên kia. Còn người chú là Subhadeva, đi đến đức vua, và làm như mình là bạn thân với vua, ông ta tạo ra sự chia rẽ trong vương quốc. Và để ông ta biết được ý định của mình, Abhaya bèn sai một sứ giả đi đến đó. Khi Subhadeva trông thấy sứ giả, ông ta lấy cây thương xâm đất ở quanh một cây cau, làm cho gốc cây bị lỏng đi, khi ông ta dùng cánh tay đánh ngã cây cau, rồi ông ta hâm dọa Sứ giả, và đuổi người kia đi. Và khi Abhaya biết được tin này rồi, vị ấy dẫn theo nhiều người Damiḷa và ra đi khỏi đó tiến vào thành phố để chiến đấu với người anh của mình. Khi nghe tin này, đức vua bỏ chạy, và cùng với hoàng hậu của mình, cưỡi trên con ngựa, vị ấy đi đến Malaya. Người em trai đuổi theo vị ấy, và khi đã giết chết đức vua ở Malaya, Abhaya quay về với bà hoàng hậu, và lên ngôi cai trị tám năm ở kinh đô. Ðức vua dựng lên một vedì bằng đá (vedī hay vedikā là một cái nền cao hay cái bệ có thể là một cái mái bằng và người ta gọi là sân thượng hay verandah, thường có những cây thiêng ở nền cao này. Ngoài ra chữ này cũng có nghĩa là "sân thượng có lan can". Nói tóm lại đó là một cái sân cao, lẽ dĩ nhiên phải có song chắn để bảo vệ an toàn cho những ai đứng ở trên đó). Quanh cây đại bồ đề, và một giả ốc (nhà tạm, nhà mát) ở trong sân của Thanh đồng điện (Lohapāsāda). Và khi kiếm về những bộ y phục với giá hai trăm ngàn đồng, vua bố thí vật thí về y phục đến chúng tăng trên hải đảo. Sau khi Abhaya thăng hà, con trai của người anh Tissa của vị ấy, là Sirināga, lên kế ngôi trị vì hai năm ở Tích Lan. Vua đã trùng tu lại bức tường quanh cây đại bồ đề và xây dựng cái sân rải cát cho miếu thờ của cây đại bồ đề, ở về hướng nam của cây Mucela, điện đài Haṃsavaṭṭa xinh đẹp và thêm một đại giả ốc nữa. Con trai của Sirināga là Vijaya kumaara trị vì một năm sau khi phụ vương của vị ấy thăng hà. Lúc bấy giờ có ba người thuộc bộ tộc Lambakaṇṇa sống thân thiết với nhau ở Mahiyaṅgaṇa là: Saṃghatissa và Saṃghabodhi, người thứ ba là Gothakābhaya. Khi họ đang đi đến Anurādhapura để hầu hạ đức vua, một người mù có tài tiên tri, đang đứng ở bên hồ Tissa, đã kêu lên khi nghe tiếng bước chân của họ: "đất ở đây chứa ba vị vua!" Khi Abhaya đang đi sau cùng nghe lời tiên tri này, vị này bèn hỏi ý nghĩa của lời nói. Người mù lại nói lên lời tiên tri. "Dòng giống của ai sẽ tồn tại". Abhaya hỏi và người mù trả lời rằng, "dòng giống của người cuối cùng". Khi đã nghe lời tiên tri ấy Gothakābhaya tiếp tục đi với hai người kia. Khi họ đã đi vào kinh đô, cả ba người, là những cận thần tín cẩn của đức vua, đã ở đó để hầu hạ quanh đức vua. Khi họ đã cấu kết nhau và giết chết vua Vijaya trong hoàng cung của vị ấy, hai người kia tôn vương cho Saṃghatissa, là vị nguyên soái của vua. Khi được tôn vương như vậy, Saṃghatissa trị vì được bốn năm tại Anuradhapura. Sau xây dựng đỉnh tháp ở trên Ðại bảo tháp và mạ vàng cho nó, ngoài ra đức vua còn đặt bốn viên ngọc lớn, mỗi viên trị giá một trăm ngàn đồng, ở giữa bốn mặt trời (nằm ở bốn mặt của bảo tháp) và đặt trên đỉnh tháp một cái vòng bằng pha lê quí báu. Trong cuộc lễ khánh thành mái đỉnh, vị chúa của muôn dân đã cúng dường sáu bộ tam y đến chúng tăng gồm bốn chục ngàn vị. Một hôm nọ, khi đức vua đang nghe những phẩm Khandhaka của tạng Luật từ trưởng lão Mahādeva, là vị trưởng lão ngụ ở Dāmahālaka, bài kinh nói về phước báu của sự bố thí món cơm dẻo, đầy lòng tịnh tín, đức vua bèn bố thí món cơm dẻo, dồi dào và được khéo nấu, đến chư tăng ở bốn cổng thành. Thỉnh thoảng đức vua, cùng với những nữ nhân trong hoàng cung và các quan, thường hay đi đến Pācīnadīpaka để ăn trái Jambu (táo hồng). Bất mãn trước hành động đi đến của vua, những người dân trú ngụ ở Pācīnadīpaka đã bỏ thuốc độc vào trong trái táo hồng để vua ăn. Sau khi ăn những trái táo hồng, vua ngã ra chết ngay tại chỗ đó. Và Abhaya phong vương vương cho tướng quân Saṃghabodhi. Ðức vua, được mọi người biết đến qua cái tên là Sirisaṃghabodhi, trị vì hai năm ở Anurādhapura, thường thọ trì ngũ giới. Tại Mahāvihāra, vua xây dựng một nhà trù xinh đẹp (Sālaka). Khi đức vua nghe rằng dân chúng bị bần cùng đi đến do bởi nạn hạn hán, động lòng thương xót, chính đức vua đã nằm trên sân của Ðại bảo tháp, phát nguyện rằng: "dầu phải chết ở đây, ta cũng không bao giờ ngồi dậy khỏi đây, khi nào chư thiên làm mưa rơi xuống để nước nâng ta lên mới thôi". Khi vị chúa của quả đất nằm ở đó, chư thiên đổ xuống một cơn mưa ngay tức thì trên khắp hải đảo, đem lại sự tươi tắn sinh động cho miền đất rộng. Và ngay khi ấy vua vẫn chưa dậy vì vị ấy không bơi trong nước. Khi ấy các quan bèn đóng lại các ống thoát nước. Và bấy giờ khi vua đã bơi trong nước. Vị vua thánh thiện bèn đứng lên. Do lòng bi mẫn, đức vua đã đoạn trừ nỗi khiếp đảm do nạn đói gây ra trên hải đảo bằng cách này. Khi nghe rằng: "những tên phản loạn đã nổi lên ở rải rác khắp nơi", đức vua sai đem những tên phản loạn - đến trước vị ấy, nhưng vị ấy lại bí mật thả chúng ra. Rồi vua bí mật sai đem đến những thân xác của người chết, và khi làm cho dân chúng khiếp đảm bằng cách này, đức vua đã dập tắt nỗi sợ hãi những tên phản loạn. Một Dạ-xoa mang danh là Ratakkhi, đã đi đến đó, làm cho mắt của mọi người ở chỗ này chỗ kia bị đỏ lên. Nếu dân chúng chỉ cần trông thấy nhau và chỉ cần nói về trạng thái đỏ mắt thời họ sẽ chết ngay, và Dạ-xoa ăn thịt họ mà không sợ hãi gì cả. Khi đức vua nghe nói về nỗi khổ của họ, vị ấy nằm một mình với tâm buồn khổ trong phòng tuyệt thực, thọ trì bát quan trái giới, và nói rằng: "chừng nào ta trông thấy con Dạ-xoa kia rồi ta mới đứng dậy". Do năng lực của lòng từ của vị ấy khiến Dạ-xoa đi đến đứa vua. Ðức vua hỏi rằng: "ngươi là ai?" Dạ-xoa trả lời rằng: "tôi là Dạ-xoa đây" "tại sao ngươi ăn thịt thần dân của ta? đừng ăn thịt họ" "thế thì hãy cho tôi những người trong một vùng thôi", "không thể được", Dạ-xoa dần dần giảm xuống yêu cầu đến chỉ còn một người. Ðức vua nói rằng: "ta không thể cho ngươi một ai khác được; ngươi hãy đem ta ra mà ăn thịt đi, vì thấy không thể được, cuối cùng nó yêu cầu đức vua hãy cho nó một lễ vật trong mỗi ngôi làng. "Tốt lắm", đức vua nói, và vua ban sắc lệnh cho toàn thể hải đảo hãy mang lễ vật đến cổng vào của mỗi ngôi làng và cho Dạ-xoa những lễ vật này. Như vậy do một bậc đại nhân có lòng bi mẫn đối với chúng sanh, do ngọn đuốc của hải đảo, khiến tai họa đầy kinh hoàng kia bị tiêu diệt. Viên thủ quĩ của đức vua, là quan thần Gothakābhaya, là người đã trở thành một kẻ chống đối, kéo quân từ phương bắc tiến vào kinh đô. Khi mang theo cái lọc nước, đức vua một mình bỏ chạy ra cổng phía nam, vì vua không muốn đem lại sự tai hại đến cho mọi người. Một người đàn ông đã đi đến, mang theo vật thực trong một cái giỏ, đi dọc theo con đường ấy, nài nỉ đức vua ăn vật thực của ông ta. Ðức vua, đầy lòng bi mẩn, sau khi lược nước và ăn vật thực, nói những lời này, để tỏ thiện ý đối với người kia: "ta là vua Saṃghabodhi; ngươi hãy lấy cái đầu của ta và dâng lên cho Goṭhābhaya, như vậy ông ta sẽ cho ngươi nhiều vàng bạc". Người đàn ông không chịu làm như vậy, và để giúp đỡ người đàn ông, đức vua tự sát ngay khi vị ấy đang ngồi. Và người kia lấy đầu của đức vua và dâng đến Goṭhābhaya, đầy sửng sốt, Goṭhābhaya cho ông ta vàng bạc, và tổ chức những nghi lễ mai táng đầy đủ cho đức vua. Như vậy Goṭhābhaya cũng được biết qua cái tên là Meghāvaṇṇābhaya, trị vì mười ba năm trên hải đảo Tích Lan. Vua xây một cung điện, và khi đã dựng lên một giả ốc ở lối vào cung điện và đã trang hoàng nó; ngay tại đó vua thỉnh một ngàn lẻ tám vị Tỳ khưu hằng ngày đến ngồi, và làm hoan hỉ các ngài bằng món cơm dẻo và những loại vật thực thượng vị đủ loại, vua cúng dường đến các ngài rất nhiều vật thực, vua đã liên tục bố thí như vậy trong hai mươi mốt ngày. Tại Mahāvihāra, vua dựng lên một giả ốc lộng lẫy bằng đá, vị ấy còn tân trang các cột trụ của Thanh đồng điện (Lohapāsāda); Vua còn làm một cái nền cao bằng đá cho cây đại bồ đề và một cổng vào hình cung ở lối vào phía bắc, và ở bốn góc của cái nền vua dựng lên những cái cột có hình bánh xe. Ở ba lối vào, vua sai làm ba pho tượng bằng đá và ở cổng phía nam, sai dựng lên một cái ngai bằng đá. Ở về hướng tây của tịnh xá Mahāvihāra, vua bố trí một khoảng đất để hành thiền, ngoài ra vua còn tu sửa tất cả những điện đài trên khắp hải đảo. Ở Tháp viên, vua sai trùng tu lại điện thờ của bảo tháp và ở tịnh xá Ambatthala của trưởng lão Mahinda cũng vậy. Vua còn sai trùng tu lại những ngôi nhà phát lồ ở khu già lam Maṇisoma, và ở Tháp viên, ở Manisomārāma và ở tịnh xá Maricavaṭṭi-vihāra và ở tịnh xá Dakkhiṇa. Và vua cũng lập nên một tịnh xá mới tên là Meghavaṇṇābhaya và trong thời gian làm lễ khánh thành tịnh xá, vua cúng dường sáu bộ tam y đến ba chục ngàn vị Tỳ khưu trú ngụ trên hải đảo mà vua đã thỉnh đến. Cứ như thế đức vua ra lệnh tổ chức lễ Vesākha một cách trọng đại và hàng năm vị ấy cũng cúng dường sáu bộ tam y đến chúng tăng. Ðể làm cho giáo pháp được trong sáng bằng cách đè bẹp ngoại giáo, vua sai tóm bắt sáu chục vị Tỳ khưu đang trú ngụ ở tịnh xá Abhayagiri, họ là những người theo giáo phái Vetulya giống như một cái gai trong giáo pháp của Ðức Phật, và khi đức vua đã trục xuất họ, đuổi họ qua bên kia bờ của đại dương. Một vị Tỳ khưu thuộc bộ tộc Coḷa, tên là Saṃghamitta, rành mạch và những phép thuật xua đuổi tà ma và những phép thuật khác, đã nương nhờ với một vị trưởng lão đã bị trục xuất đến đó, và vị Tỳ khưu ấy đi đến đây quậy phá làm bất an cho các vị Tỳ khưu ở Ðại tịnh xá Mahāvihāra. Khi vị Tỳ khưu phi pháp này len lỏi vào một hội chúng ở Tháp viên và tại đó đã bác bỏ những lời của vị trưởng đang sống ở trong tịnh thất của Saṃghapāla, đó là trưởng lão Goṭhābhaya, là cậu của đức vua, là người đã gọi đức vua bằng tên cũ của vị ấy, vị ấy trở thành tăng khách thường xuyên trong nhà của đức vua. Ðức vua lại hoan hỉ với vị Tỳ khưu phi pháp này và giao đứa con trai đầu của mình là Jeṭṭhatissa và đứa con thứ hai là Mahāseṇa cho vị Tỳ khưu kia hướng dẫn. Và vị trưởng lão đức vua xem như người được ái mộ thứ hai sau Saṃghamitta, do đó hoàng tử Jeṭṭhatissa nuôi mối ác cảm với vị Tỳ khưu phi pháp này. Sau khi vua cha thăng hà Jeṭṭhatissa lên kế ngôi vua. Ðể trừng phạt những vị quan thù địch không đi chung với vua trong lễ rước, trong cử hành lễ mai táng vua cha, chính vua tiếp tục đi và để người em trai đi trước và đám người theo sát sau, rồi đến những vị quan thù địch, còn đức vua thì đi sau cuối của đoàn rước, khi người em trai và đám người đã đi ra rồi, đức vua sai đóng cửa ngay ở sau họ, và truyền lịnh giết chết những vị quan chống đối và sai đâm xuyên họ ở những cái cọc quanh giàn hỏa của vua cha. Do hành động này, đức vua có cái họ là "độc ác". Còn vị Tỳ khưu Saṃghamitta, và sợ đức vua, bèn đi khỏi đó vào lúc phong vương của đức vua, khi vị Tỳ khưu kia đã bàn bạc với Mahāsena, bèn đi đến bờ biển bên kia để chờ đợi lúc phong vương của Mahāsena. Vua Jeṭṭhatissa xây dựng Thanh đồng điện lộng lẫy cao lên bảy tầng, công trình này vua cha đã khởi công nhưng chưa xong, do đó Thanh đồng điện đến lúc bấy giờ trị giá là một koṭi đồng tiền vàng. Khi đức vua đã dâng vào đó một viên bảo châu trị giá sáu chục ngàn đồng, Jeṭṭhatissa đặt tên cho nó là Maṇipāsāda. Ðức vua cũng dâng cúng hai viên ngọc đến Ðại bảo tháp và xây dựng ba cái cổng vào điện thờ của cây đại bồ đề. Khi đức vua đã xây dựng tịnh xá Pācīnatissapabbata, vị ấy dâng nó đến chư tăng ở năm chỗ ngụ. Pho tượng bằng đá to lớn và xinh đẹp mà trước kia Devānaṃyatissa đã đặt trong Tháp viên, vua Jeṭṭhatissa lấy đi khỏi Thūpārāma, và đặt ở già lam Pācīnatissapabbata, vua cúng dường bể nước Kāla-mattika cho tịnh xá Cetiyapabbata. Khi vị ấy tổ chức đại lễ Vesākha, và lễ thánh hóa tịnh xá và điện đài, vua cúng dường sáu bộ tam y đến ba chục ngàn vị Tỳ khưu. Jeṭṭhatissa cũng làm bể nước Ālamba-gāma. Ðể hoàn thành nhiều việc phước như vậy, bắt đầu bằng sự xây dựng điện đài (pāsāda) đức vua đã trị vì được mười năm. Như vậy, nhờ suy xét rằng quyền thống trị, là cội nguồn của nhiều việc phước, đồng thời cũng là nguồn gốc của nhiều điều công minh, một người có thiện tâm sẽ không bao giờ thọ hưởng nó tựa như nó là một vật thực thượng vị có trộn thuốc độc. Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi sáu, được gọi là "Mười ba vị vua", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XXXVII VUA MAHĀSENA Sau khi vua Jeṭṭhatissa thăng hà, người em trai của vị ấy là Mahāsena lên làm vua trị vì hai mươi bảy năm. Và để làm lễ phong vương cho vị ấy, trưởng lão Saṃghamitta từ bờ bên kia của đại dương đi đến đó, khi đã nghe nói về lúc chết của Jeṭṭhatissa. Khi đã làm lễ phong vương và những loại nghi lễ khác, vị Tỳ khưu phi pháp này, là người muốn tiêu diệt Ðại tịnh xá Mahāvihāra, đã lấy lòng đức vua bằng những lời này: "những vị Tỳ khưu trú ngụ trong Mahāvihāra không thuyết giảng đúng luật, chúng tôi là những người thuyết pháp đúng luật, tâu đại vương", và vị ấy đã lập ra một điều phạt của vua: "bất cứ ai cho vật thực đến một vị Tỳ khưu ở tịnh xá Mahāvihāra, phải bị nộp phạt một trăm đồng". Các vị Tỳ khưu trú ngụ trong Ðại tịnh xá vì thế mà bị thiếu thốn vật thực, bỏ tịnh xá Mahāvihāra, đi đến Malaya và Rohaṇa. Như vậy, Mahāvihāra của chúng ta bị bỏ hoang trong chín năm ròng rã và không có vị Tỳ khưu nào khác trú ngụ trong Mahā-vihāra cả. Vị trưởng lão thiếu trí đã thuyết phục được vị vua ngu si như thế này: "đất vô chủ thuộc về của đức vua", và khi được phép của vua để tiêu diệt tịnh xá Mahāvihāra, tên Sa-môn phá đạo này, đầy lòng thù hận, đã cho người làm công việc ấy. Một người sát cánh với trưởng lão Saṃghamitta, là vị quan tàn bạo Soṇa, một người hầu được sủng ái của vua, và cùng với những vị Tỳ khưu mặt dày mày dạn, đã phá hủy Thanh đồng điện nguy nga cao bảy tầng, và mang đi vật liệu của nhiều điện đài ra khỏi đó, đưa đến tịnh xá Abhayagiri, và nhờ mang đi vật liệu của nhiều điện đài và chỗ ngụ của các vị Tỳ khưu khỏi Mahāvihāra, khiến cho Abhayagiri-vihāra trở thành tòa nhà sang trọng. Do thân thiết với bọn ác, là trưởng lão Saṃghamitta, và với tên quan hầu tàn bạo Soṇa, ông vua này đã làm nhiều việc ác. Vua sai đem tượng đá to lớn từ Pācīnatissa-pabbata-vihāra và đặt vào trong tịnh xá Abhayagiri. Vua dựng lên một điện đài cho pho tượng ấy, một miếu thờ dành cho cây bồ đề, một điện thờ xá lợi xinh đẹp và một giảng đường bốn mặt, vua cũng trùng tu lại tịnh thất Kukkuṭa. Như vậy do tên Sa-môn hống hách Saṃghamitta khiến tịnh xá Abhaya-giri trông uy nghi. Có một vị quan tên là Meghavaṇṇābhaya, là bạn của vua, là người trông coi tất cả mọi công việc của vị ấy, đã tức giận vua vì việc phá hủy Mahāvihāra, vị quan này trở thành kẻ chống đối, và khi đã đi đến Malaya, và thành lập một lực lượng to lớn, vị ấy cắm trại ở bên bể nước Dūratissaka. Khi đức vua nghe tin rằng người bạn của mình đã đến đó bèn xuất quân để chiến đấu với người kia, và đức vua cũng cắm trại. Vị quan có đồ ăn và thức uống ngon, do vị ấy đem theo từ Malaya và nghĩ rằng: "ta sẽ không thọ hưởng nó nếu không có người bạn của ta là đức vua", vị quan lấy một ít thịt và nước uống, và một mình đi ra trong đêm tối, và khi đi đến đức vua, vị kể cho đức vua nghe điều này. Khi đức vua đã ăn chung với vị quan này và có lòng tin tưởng hoàn toàn: "tại sao ngươi trở thành kẻ nổi loạn?" "bởi vì Mahāvihāra bị phá hủy bởi bệ hạ" vị quan trả lời: "ta sẽ làm lại tịnh xá để chư tăng trú ngụ, hãy tha lỗi cho ta", đức vua nói như vậy, và người kia hòa hợp với đức vua. Theo lời khuyên của vị ấy, vua trở lại kinh đô. Còn Meghavaṇṇābbaya là người đã thuyết phục đức vua rằng làm điều ấy là thích hợp, cùng lúc ấy không đi chung với đức vua vì phải lo kiếm vật liệu để xây dựng. Một trong những người vợ của đức vua, là người rất được sủng ái, con gái của một vị tư tế quan, đã đau buồn trước cảnh Mahāvihāra bị tiêu diệt, và đầy chua chát trong lòng, nàng thuyết phục một người lao công đi giết vị trưởng lão đã phá hoại Ðại tịnh xá Mahāvihāra và vị trưởng lão kia bị giết chết khi ông ta đi đến Thūpārāma để phá hủy nó. Còn vị quan cường bạo Soṇa cũng bị người ta giết chết. Vị quan Meghavaṇṇābhaya, sau khi đã đem về những vật liệu xây dựng mà ông ta đã kiếm được, vị ấy xây dựng nhiều tịnh thất trong đại tịnh xá Mahāvihāra. Khi nỗi lo sợ này đã bị dập tắt bởi Abhaya, thì các vị Tỳ khưu ở rải rác chỗ này chỗ kia lại đến trú ngụ trong Ðại tịnh xá Mahāvihāra. Còn đức vua thì làm hai pho tượng bằng đồng và đặt hai pho tượng ấy ở phía tây của điện thờ của cây đại bồ đề. Vì hoan hỉ với một kẻ đạo đức giả, một kẻ đầy mưu mô xảo quyệt, đó là vị trưởng lão phá đạo Tissa, là người bạn ác của vua, sống ở Dakkhiṇārāma, dầu được can ngăn, đức vua vẫn xây dựng tịnh Jetavana-vihāra (Kỳ viên tịnh xá) ở bên trong ranh giới của Mahāvihāra, trong khu vườn Joti. Sau đó đức vua triệu tập chúng Tỳ khưu lại để phá bỏ những Sīmā ranh giới của họ, và vì các vị Tỳ khưu không chịu làm điều này, nên họ đã bỏ tịnh xá mà ra đi. Và khi ấy, để làm cho việc dời ranh giới không hiệu quả, dầu những người khác ra sức làm điều này, một số Tỳ khưu nọ đã ẩn mình ở nhiều chỗ. Như vậy Mahāvihāra bị các vị Tỳ khưu bỏ hoang trong chín tháng, còn những vị Tỳ khưu khác thì nghĩ rằng: "chúng ta sẽ bắt đầu dời ranh giới". Sau đó, khi cố gắng dời bỏ ranh giới bị các vị Tỳ khưu chân chánh làm cho vô hiệu, các vị Tỳ khưu bèn trở lại đây và bắt đầu trú ngụ trong Mahāvihāra. Nhưng trong nội bộ chúng Tỳ khưu có khởi tố trưởng lão Tissa là đã phạm trọng tội, là người đã tiếp nhận tịnh xá Jetavana-vihāra. Vị quan tối cao, nổi tiếng là chánh trực công minh, là người đứng ra xét xử vụ kiện này, đã chiếu theo lẽ phải và luật pháp, trục xuất vị trưởng lão kia ra khỏi tăng chúng, dầu trái nghịch với ước muốn của đức vua. Ðức vua cũng xây dựng tịnh xá Maṇihīra-vihāra và lập nên ba tịnh xá, tiêu diệt các miếu thờ các vị thần của đạo Bà-la-môn: Một tịnh xá là Gokaṇṇa-vihāra, một tịnh xá khác ở Erakāvilla, tịnh xá thứ ba ở tại ngôi làng của vị Bà-la-môn Kalanda. Ngoài ra đức vua còn xây dựng tịnh xá Migagāma-vihāra và tịnh xá Gaṅgāsenakapabbata-vihāra. Ở về hướng tây, vua xây tịnh xá Dhātūsenapabbata-vihāra. Ðức vua cũng lập nên một đại tịnh xá ở Kokavāta. Vua xây dựng tịnh xá Thūpārāma-vihāra và Huḷapitthi-vihāra và hai ni viện là Uttara và Abhaya. Ở chỗ của Dạ-xoa Kālavela, vua dựng lên một bảo tháp, và trùng tu nhiều điện đài đổ nát trên hải đảo. Vua cúng dường vật thực đến một ngàn vị trưởng lão tăng Saṃghathera, hết một ngàn đồng, và hàng năm phân phát một bộ y đến từng vị trong tất cả các vị Tỳ khưu. Còn đồ ăn và thức uống mà vua bố thí không thấy ghi lại. Ðể làm cho đất đai thêm mầu mỡ, vua sai đào mười sáu bể nước, Maṇihira, Mahāgāma, Challūra, và bể nước tên là Khānu, Mahāmāṇi, Kokavāta và bể nước Dhamaramma, bể Kumbālaka và Vāhana, ngoài ra có hồ Rattamālakaṇḍaka, bể nước Tissavaḍḍhamānaka, bể nước ở Veḷaṅgaviṭṭhi, bể nước ở ngôi làng Mahāgallaka, bể nước Cīra, bể Mahādāragallaka và bể Kālapāsāṇa. Ðây là mười sáu bể nước. Ở trên sông Hằng, đức vua sai đào một con kênh tên là Pabbatanta. Vị vua này đã gieo tạo nhiều tội cũng nhiều phước như thế. CHẤM DỨT BỘ ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ (MAHĀVAṂSA) * Dịch xong ngày 08-02-1995 Dịch giả xin chân thành cáo lỗi quí độc giả, vì có vài đoạn trong bộ kinh này không thể lột tả hết ý nghĩa cho trong sáng rõ ràng được. Mong quí độc giả uyên thâm đối chiếu nguyên bản tiếng Pāli và sửa lại giùm, xin chân thành đa tạ. - Hết - -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Đại
đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)
(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007