Dai vuong Thong su - Mahavamsa - Tk Minh Hue dich
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ
MAHĀVAṂSA

Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
(Ấn bản 2007)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG XI

SỰ PHONG VƯƠNG CỦA DEVĀNAMPIYATISSA

Sau khi đức vua thăng hà, người con trai tên là Mutasiva, là con trai của hoàng hậu Suvaṇṇapālī, lên kế ngôi nắm quyền cai trị. Sự cai trị lúc bấy giờ được thanh bình. Ðức vua sai làm khu vườn Mahāmaghavana xinh đẹp, xuất sắc về mọi phương diện, tương xứng với cái tên của nó; có nhiều cây ăn quả và cây ra hoa. Vào lúc mà chỗ ấy được chọn làm vườn thì có một đám mây lớn đang quần tụ trong mùa thất thường, đổ xuống một trận mưa. Do đó người ta gọi khu vườn ấy là khu vườn Mahāmeghavana (Ðại vân lâm).

Vua Muṭasiva trị vì sáu chục năm tại kinh đô xinh đẹp và lộng lẫy Anurādhapura, là bộ mặt xinh đẹp của xứ Tích Lan. Vị ấy có mười đứa con trai, mỗi người đều ân cần lo lắng đến hạnh phúc của những người kia, và hai người con gái có sắc đẹp ngang nhau, xứng đáng với gia đình của chúng. Người con trai thứ hai, được biết qua cái tên là Devānaṃ-piyatissa, tối thắng hơn tất cả những anh em của mình về giới đức và trí thông minh.

Devānaṃpiyatissa đã lên ngôi vua sau khi phụ vương của vị ấy thăng hà. Ngay vào lễ tôn phong của đức vua, có nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Trong toàn thể đảo Tích Lan, những kho báu và những châu báu đã được chôn sâu trước kia đều nổi lên trên mặt đất. Những châu báu trong những chiếc thuyền đã bị đắm gần đảo Tích Lan và những châu báu có tự nhiên trong đại dương cũng hiện lên trên đất. Ở dưới chân núi chà ta có mọc lên ba cây tre, về chu vi lớn bằng càng xe bò, Một trong ba cây, được gọi là "thân cây leo", chiếu sáng như bạc; ở trên cây này, người ta có thể trông thấy những cây leo khả ái lấp lánh màu huỳnh kim. Nhưng cây có tên là "thân hoa", ở trên thân cây này, người ta có thể trông thấy nhiều loại hoa, đủ màu sắc, đang nở rộ. Và cuối cùng cây tre mang tên là "thân chim" ở trên đó, người ta có thể trông thấy những đàn chim và thú đủ loại có nhiều màu sắc khác nhau, tựa như đang sống. Tám loại ngọc trai, là ngọc trai ngựa, ngọc trai voi, ngọc trai xe, ngọc trai myrobalan, ngọc trai ở vòng đeo tay, ngọc trai làm nhẫn, ngọc trai hình quả kakudha và ngọc trai thông thường cũng bò ra khỏi đại dương và nằm trên bờ thành từng đống.

Tất cả những điều này là do quả phước của Devānaṃpiyatissa. Người ta cũng đem đến cho đức vua những ngọc bích, lưu li hồng ngọc, cùng nhiều loại châu báu, những ngọc trai khác và những thân cây tre ấy.

Khi vua trông thấy thì lòng vui sướng và nghĩ rằng: "không ai khác ngoài người bạn Dhammasokā của ta mới xứng đáng có được những kho báu vô giá này, ta sẽ gởi tặng chúng đến vị ấy." Ðối với hai vị hoàng đế, DevānaṃpiyatissaDhammasoka đã là đôi bạn với nhau trong một thời gian dài, dầu họ không bao giờ trông thấy nhau.

Ðức vua phái đi bốn vị sứ giả: đứa cháu trai Mahāriṭṭha, là quan đại thần, rồi đến vị tư tế quan, một vị quan và một người giữ kho, được theo hầu bởi một đám tùy tùng. Vua bảo họ mang theo những châu báu vô giá, ba loại đá quí, ba thân cây giống như càng xe bò và một cái vỏ hình trôn ốc xoắn về phía phải cùng tám loại ngọc trai. Khi họ đã xuống thuyền tại Jampaloka, trong bảy ngày, họ đến cảng an toàn, từ đó trong bảy ngày nữa họ đến tại Pātaliputta, họ dâng những vật tặng ấy đến tận tay vua Dhammāsoka. Khi trông thấy chúng, đức vua vô vùng vui sướng khi nghĩ rằng: "ở đây ta không có những báu vật như thế". Vị hoàng đế, trong nỗi vui sướng của mình, đã ban cho Ariṭṭha địa vị nguyên soái, địa vị tư tế quan cho vị Bà-la-môn, ban địa vị mang hiệu lịnh cho vị quan kia và địa vị đội thương trưởng cho vị quan giữ kho.

Khi đức vua đã phân chia dồi dào tất cả những vật tặng cho các vị quan để tỏ sự tiếp đãi họ và thêm những chỗ ngụ. Vua bàn bạc với các quan của mình rằng nên gởi cái gì để làm vật tặng đáp lại; và đức vua lấy ra một cái quạt, một cái vương miện, một cây kiếm, một cái lọng, đôi hia, khăn xếp, đồ đeo tai, dây chuyền, bình rót, gỗ huỳnh đàn, một bộ y phục mà không cần phải giặt giũ, một cái khăn trải bàn đắt giá, dầu xức do các vị rồng đem đến, đất màu đỏ, nước từ hồ Anotatta và nước từ sông Hằng, một cái vỏ ốc xoắn về bên phải, một thiếu nữ đang độ xuân thì, một vật dụng như một cái đĩa bằng vàng, một cái kiệu đắt giá, những trái myrobalan màu vàng và những cây thuốc chữa bệnh có mùi thơm đắt giá, sáu chục lần một trăm cổ xe hàng chứa lúa núi do những con két mang đến đó; đúng ra, là tất cả những thứ cần thiết để làm lễ tấn phong cho một vị vua, kỳ diệu về sự cao sang,.

Khi đến lúc gởi đi những thứ này làm vật tặng cho người bạn của mình, chúa của loài người cũng sai những sứ giả đem theo vật tặng về chánh pháp, khi nói rằng: "tôi đã qui y Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng. Tôi đã nguyện làm người cận sự nam trong giáo pháp của vị Thích tử (tức là Ðức Phật), hỡi bậc tối thắng nhất trong nhân loại, người cũng nên cải tâm của mình. Bằng tấm lòng tịnh tín, hãy qui y theo những báu vật tối thắng nhất này!" và khi nói thêm rằng: "Hãy làm lễ phong vương lại cho người bạn của trẫm", vua cho những vị quan của vị vua bạn ra đi, với nhiều cách tiễn đưa long trọng.

Khi các quan đã lưu lại được năm tháng, được trọng vọng hết sức, họ lên đường trở về cùng với những sứ giả, vào ngày mồng một của tháng thượng huyền Vesākha. Khi đã xuống thuyền tại Tāmalittī và đáp vào đất liền tại Jambuloka, họ tìm đến đức vua, họ đã đến đây vào ngày thứ mười hai. Các sứ giả dâng các vật tặng đến nhà cai trị của nước Tích Lan. Nhà cai trị của nước Tích Lan tiếp đón họ rất nồng hậu.

Nhưng các sứ giả trung tành nhất với vua, của họ đã làm lễ phong vương cho nhà cai trị của nước Tích Lan, lễ phong vương đầu tiên của vị vua này đã được tổ chức vào tháng Maggasira, vào ngày trăng mới mọc, để hoàn thành trách nhiệm được giao phó bởi Dhammāsoka, lại tổ chức lễ phong vương cho vị vua này, vị vua này cũng hoan hỉ với sự may mắn của nước Tích Lan.

Như vậy vào ngày trăng tròn của tháng Vesākhā, bậc lãnh đạo của loài người, mà trong cái tên của vị ấy hàm chứa những chữ "Người bạn của chư thiên", Khi ban lợi ích cho dân chúng của mình, vị ấy tổ chức lễ phong vương tại Tích Lan. Ở khắp mọi nơi, người ta đều tổ chức lễ hội linh đình.

Ở đây chấm dứt chương thứ mười một, được gọi là "Sự phong vương của Devānaṃṇiyatissa" trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niếm tín lạc và xúc động của những người mộ đạo.

-ooOoo-

 CHƯƠNG XII

SỰ CẢI CHÁNH CHO NHIỀU XỨ SỞ

Khi trưởng lão Moggaliputta, người chiếu sáng giáo pháp của bậc chiến thắng, đã kết thúc cuộc kiết tập lần thứ ba và khi nhìn về tương lai, ngài đã trông thấy sự thành lập của tôn giáo ở những nước lân cận, rồi vào tháng Kattika, ngài sai các vị trưởng lão ra đi, vị thì đi đến chỗ này, vị thì đi đến chỗ kia. Ngài sai trưởng lão Majjhantika đi đến KasmīraGandhāra, sai trưởng lão Mahādeva đi đến Mahisa-maṇḍala. Ngài sai trưởng lão tên là Rakkhi, đến Vanavāsa và vị Yona tên là Mahādhammaralkhita đi đến Mahāraṭṭha, còn trưởng lão Mahārakkhita thì ngài sai đi đến xứ sở của những người Yona. Ngài sai trưởng lão Majjhima đi đến xứ Himalaya, và hai vị trưởng lão SonnaUttara đi đến xứ Suvaṇṇabhūmi. Ðại trưởng lão Mahinda, các vị trưởng lão Iṭṭhiya, Uttiya, SambalaBhaddasāla là những tùy tùng của Ðại trưởng lão, ngài sai năm vị trưởng lão này với nhiệm vụ là: "các vị sẽ thấy ở hải đảo Tích Lan khả ái tôn giáo của Bậc Chiến thắng".

Lúc bấy giờ, tại KasmīraGandhāra, vị Long vương có thần thông lực, tên là Aravāḷa, đã khiến cho trận mưa tên là "Ðại vũ" trút xuống trên những vụ mùa đã chín và vị ấy đã làm tràn ngập mọi thứ bằng trận lụt dữ dội. Trưởng lão Majjhima nhanh chóng đi đến đó, khi bay xuyên qua hư không và thị hiện những phép thần thông như đi trên mặt nước ở trong cái hồ của Aravāḷa v.v... Khi các vị rồng trông thấy những phép lạ ấy, chúng bèn tâu lại với vua của chúng đang giận dữ về chuyện này.

Khi ấy, đầy giận dữ, vị vua rồng tạo ra nhiều điều kinh khiếp, những luồng gió dữ dội thổi đi, một đám mây tạo ra sấm sét và mưa, những tiếng nổ của cơn sấm gây ra sự đổ vỡ và tia chớp xẹt xuống chỗ này chỗ kia, những cây cối và những chóp núi bị quật ngã. Những vị rồng mang những hình tướng kinh dị làm khiếp đảm người xem ở khắp mọi nơi, chính vị Long vương ấy phun khói và lửa gây ra sự kinh hoàng bằng nhiều cách.

Khi trưởng lão dùng năng lực thần thông của ngài làm cho những điều kinh hoàng này tiêu tan, ngài bèn nói với vua rồng, đang phô trương oai lực tột bậc rằng: "dù cả thế gian cùng với chư thiên đi đến để tìm cách đe dọa ta, họ cũng không thể bằng ta về sức mạnh, dầu họ có thể làm bất cứ điều kinh hãi nào tại chỗ này. Cho dù ngươi có thể nâng lên cả quả đất cùng với đại dương và ném xuống trên người của ta, ngươi, này Long vương, hùng mạnh, cũng không thể làm khơi dậy sợ hãi trong ta được. Chắc chắn đó chỉ là sự tiêu diệt của chính ngươi mà thôi, này chúa của loài rồng.

Khi vị Long vương này đã được làm lắng dịu ngã mạn, trưởng lão bèn thuyết pháp cho vua rồng và nhờ đó, Long vương qui y tam bảo và thọ trì ngũ giới, luôn cả tám mươi ngàn vị rồng cùng nhiều Càn-thát-bà, Dạ-xoa cả những vị Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa) ở vùng Hymalaya, nhưng có một vị Dạ-xoa tên Paṇḍaka với vợ là nữ Dạ-xoa Hārita và năm trăm đứa con trai của vị ấy được an trú trong đạo quả Tu-dà-huờn.

"Từ nay trở đi đừng để cho phẫn nộ sanh lên như thuở xưa nữa, đừng đem lại điều nguy hại nào cho mùa màng nữa, vì tất cả chúng sanh đều yêu thích hạnh phúc của chúng; hãy nuôi dưỡng tình thương đối với chúng sanh, hãy để cho nhân loại sống trong hạnh phúc." Họ đã được trưởng lão giảng dạy như thế và đã làm đúng theo lời dạy này. Rồi chúa của loài rồng thỉnh trưởng lão ngồi trên một cái ghế bằng châu báu, còn Long vương thì đứng gần quạt hầu ngài. Trong khi đó những dân cư ở KasmīraGandhāra mà đã đi đến để cúng dường Long vương thì công nhận trưởng lão là người vĩ đại hơn về năng lực thần thông, và sau khi tôn kính làm lễ trưởng lão, họ ngồi xuống một bên gần ngài. Trưởng lão thuyết pháp cho họ, đó là bài kinh Āsīvisūpamā (Xà dụ kinh).

Có sự cải chánh cho tám mươi bốn ngàn chúng sanh và một trăm ngàn người thọ phép xuất gia từ trưởng lão. Từ đó, Kasmīra Gandhāra chiếu sáng bởi những chiếc y vàng và bởi vảo vật quí hơn tất cả, là Tam bảo.

Trưởng lão Mahādeva là người đã đi đến Mahisamaṇḍala, đã thuyết pháp đến dân chúng bài kinh Devadūṭasuttanta (Thiên sứ kinh). Bốn chục ngàn người đã làm thanh tịnh trong chính họ con mắt của chơn lý, lại thêm bốn chục ngàn người thọ phép xuất gia từ trưởng lão.

Trưởng lão Rakkhita là người đã đi đến xứ Vanavāsa, khi đứng trong không trung giữa đại chúng, đã thuyết bài kinh Anamavagga saṃyutta. Bài pháp đem lại sự tỏ ngộ cho sáu chục ngàn người. Ba mươi bảy ngàn người thọ phép xuất gia từ trưởng lão, năm trăm tịnh xá được dựng lên ở trong nước. Như vậy trưởng lão đã thành lập Tôn giáo của Bậc Chiến thắng.

Trưởng lão Dhammarakkhita, người Yona, khi đã đi đến Aparantaka và sau khi đã thuyết pháp giữa đại chúng bài kinh Aggikkhandhapamāsuttanta (Hỏa ẩn dụ kinh), đã cho nước bất tử của chánh pháp đến ba mươi bảy ngàn chúng sanh cu hội ở đó, ngài là bậc hiểu biết hoàn toàn chân lý và phi chân lý. Một ngàn người và thêm những nữ nhân khác xuất thân từ những gia đình quí tộc đã xuất gia. Bậc trí tuệ Mahādhammarakkhita, là người đã đi đến xứ Mahāraṭṭha, tại đó, ngài thuyết bổn sanh Mahānaradakassapa (Đại Na-la-đà-ca-diếp bổn sanh kinh). Tám mươi bốn ngàn người chứng đắc đạo quả giải thoát, mười ba ngàn người thọ phép xuất gia từ trưởng lão.

Bậc trí tuệ Mahārakkhita là người đã đi đến xứ sở người Yona, đã thuyết giảng đến đại chúng bài kinh Kālakārāmasuttanta (Ca-la-la-ma kinh) một trăm bảy chục ngàn người chứng đắc đạo quả giải thoát, mười ngàn người thọ phép xuất gia.

Bậc trí tuệ Majjhima thuyết pháp trong vùng Himalaya là nơi mà ngài cùng với bốn vị trưởng lão đi đến, Bài kinh Dhammacakkappavattanasuttanta (Chuyển pháp luân kinh). Tám mươi koṭi chúng sanh chứng đắc đạo quả giải thoát. Năm vị trưởng lão đã hóa độ cho năm vương quốc, mỗi vị trưởng lão có một trăm ngàn người xuất gia theo, nhờ tin vào giáo pháp của đức chánh đẳng chánh giác.

Cùng với trưởng lão Uttara, trưởng lão Soṇa, bậc có thần thông lực đã đi đến Suvaṇṇabhūmi. Lúc bấy giờ, bất cứ khi nào có đứa bé trai sanh ra trong cung điện của đức vua, thì một nữ Dạ-xoa dữ tợn đi ra từ dưới biển, thường hay đến ăn thịt đứa bé và lại biến mất. Và ngay khi ấy, vị hoàng tử sanh ra trong cung điện của đức vua. Khi dân chúng trông thấy vị trưởng lão, họ nghĩ rằng: "đây là những người bạn chung đường với những Dạ-xoa", và họ đi đến mang theo những khí giới để giết các ngài. Khi các vị trưởng lão hỏi rằng "điều này có ý nghĩa gì?" và nói với họ rằng: "chúng tôi là những vị Sa-môn chân chánh, chẳng có cách nào để gọi chúng tôi là bạn của những Dạ-xoa." Rồi nữ Dạ-xoa đi ra khỏi đại dương cùng với những tùy tùng của nó, và khi dân chúng trông thấy họ, chúng cất lên những tiếng kêu lớn. Nhưng trưởng lão đã tạo ra số Dạ-xoa hung dữ nhiều gấp đôi và dùng số Dạ-xoa ấy bao vây nữ Dạ-xoa và tùy tùng của nàng ở khắp mọi hướng. Nữ Dạ-xoa suy nghĩ: "nước này đã rơi vào quyền sở hữu của kẻ này rồi", và bị khiếp đảm, nàng bèn bỏ chạy.

Khi trưởng lão đã làm một bức tường khắp xung quanh xứ sở, ngài thuyết giảng giữa đại chúng bài kinh Brahmajālasutta (Phạm võng kinh).

Có nhiều người quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới, Sáu chục ngàn người được cải chánh theo chánh pháp. Ba ngàn năm trăm đứa con trai của những gia đình quí tộc và một ngàn năm trăm đứa con gái của những gia đình quí tộc cũng thọ phép xuất gia. Từ đó trở đi, khi nào có một hoàng tử sanh ra trong hoàng cung, thì đức vua đặt cho đứa bé cái tên là Sonuttara.

Xét thấy rằng các ngài đã nhẫn nại không nhập vào pháp an lạc mà các ngài đã giành được - đó cũng sự hy dinh của Bậc Chiến thắng có lòng bi mẫn vô lượng - Các ngài đã ban an lạc đến cho thế gian, khi ra đi khắp mọi nơi. Do đó, thử hỏi ai còn chần chừ không chịu nỗ lực phấn đấu để đem lại sự giải thoát cho thế gian?

Ở đây chấm dứt chương thứ mười hai, được gọi là "Sự cải chánh cho nhiều xứ sở", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những người thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XIII

MAHINDA ÐẾN ÐẢO TÍCH LAN

Ðại trưởng lão Mahinda, bậc có trí tuệ cao tột, lúc bấy giờ ngài là một vị Sa-di mười hai tuổi, được thầy và chư tăng giao cho trách nhiệm đi hóa độ đảo Tích Lan, đã suy gẫm về thời gian thích hợp để làm công việc này và nghĩ rằng: "vua Muṭasiva đã già rồi, con trai của vị ấy chắc chắn sẽ lên làm vua."

Khi đã quyết định viếng thăm quyến thuộc của mình trong thời gian ấy, ngài cáo từ ông thầy của mình và chư tăng, sau khi xin phép vua cha, ngài đem theo bốn vị trưởng lão và luôn cả con trai của Saṃghamitta, là Sa-di Sumana, có thần thông lực, đầy đủ sáu thắng trí, ngài đi đến Dakkhinagiri để ban đặc ân của giáo pháp đến cho quyến thuộc của mình. Trong khi ngài làm như vậy thì sáu tháng đã trôi qua.

Khi trưởng lão đến đúng lúc tại Vedisagiri, là thành phố của mẫu hậu, ngài viếng thăm mẹ và khi hoàng hậu trông thấy đứa con trai thân yêu của mình, bà vui mừng tiếp đón ngài và những vị trưởng lão bạn bằng các loại vật thực do chính tay bà sửa soạn, rồi bà dẫn trưởng lão đến tịnh xá khả ái Vedisagiri.

Hoàng tử Asoka, trong khi đang trị vì xứ Avanti, là xứ mà phụ vương của vị ấy đã ban cho, dừng chân ở thị trấn Vedisa, trước khi hoàng tử đi đến Ujjenī, và ở đó gặp một thiếu nữ kiều diễm tên là Devī, là con gái của một thương nhân, hoàng tử lấy nàng làm vợ; và về sau nàng có con với hoàng tử và sanh ra ở Ujjenī một bé trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Mahinda, và khi hai năm đã trôi qua, nàng sanh ra thêm một bé gái, đặt tên là Saṃghamittā. Trong khi Mahinda đến thăm thì bà sống tại thành phố Vedisa. Khi trưởng lão lưu lại ở đó, thấy thời gian đã đến, nghĩ rằng: "trong đại lễ phong vương ấy do phụ vương của ta truyền lịnh, đại vương Devānaṃpiya-tissa sẽ tham dự và đức vua sẽ biết oai lực của Tam-bảo khi vị ấy đã nghe các vị sứ giả nói về. Vị ấy sẽ trèo lên ngọn núi Missaka vào ngày Bố tát của tháng Jeṭṭha. Trong cùng ngày ấy, chúng ta sẽ đi đến xứ Tích Lan xinh đẹp.

Ðại Indra tìm đến trưởng lão tối thắng Mahinda và nói với ngài rằng: "hãy ra đi hóa độ cho đảo Tích Lan; Ngài cũng đã được tiên đoán bởi Ðức Chánh giác Tôn về điều này rồi và chúng tôi sẽ là những người phụ giúp ngài ở đó."

Con trai của người con gái của em gái của hoàng hậu Devī, là chàng trai tên là Daṇḍuka, đã nghe giáo pháp được thuyết giảng bởi trưởng lão đến hoàng hậu Devī, và đã chứng đắc quả thánh A-na-hàm, bèn ở lại với trưởng lão.

Khi đã lưu lại ở đó trong một tháng, vào ngày bồ tát của tháng Jeṭṭha, cùng với bốn vị trưởng lão và sumana, và người cận sự nam Bhaṇḍuka, và với mục đích cho loài người biết đến, trưởng lão bèn bay vào hư không và đi ra khỏi tịnh xá ấy; Vị trưởng lão có những năng lực thần thông, khi đi đến đây với tùy tùng của ngài, đáp xuống trên ngọn núi khả ái Missaka, trên đỉnh núi Sīla, nằm giữa vùng đất trông xinh đẹp Ambatthala.

Người mà được Bậc Ðại Sa-môn tiên đoán trong giờ phút lâm chung là đem lại sự giải thoát đến cho đảo Tích Lan, bằng phước đức của ngài trong việc hóa độ nước Tích Lan, người mà vì sự hóa độ cho nước Tích Lan, trở thành giống như Bậc Ðạo Sư, đã đáp xuống ở đó, được chư thiên của đảo Tích Lan ca ngợi.

Ở đây chấm dứt chương thứ mười ba, được gọi là "Mahinda đến đảo Tích Lan", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niếm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XIV

SỰ ÐI VÀO KINH ÐÔ

Vua Devānaṃpiyatissa là người đã tổ chức lễ rảy nước cho những người trong kinh đô, ra đi để thưởng thức những thú vui săn bắn. Ðược theo hầu bởi bốn chục ngàn tùy tùng, vua đi bộ đến ngọn núi Missaka. Vị thần núi vì muốn cho đức vua trông thấy những vị trưởng lão, bèn hiện ra trong hình tướng một con nai sừng tấm đang gặm cỏ trong bụi cây. Khi trông thấy con nai, vua nghĩ rằng: "thật không đáng để giết một con vật không có đề phòng". Và đức vua tạo ra một âm thanh từ sợi dây cung; Con nai bỏ chạy về hướng núi. Ðức vua đuổi theo, nhưng con nai trong lúc đang chạy như vậy đã đến gần trưởng lão. Khi trưởng lão ở trong tầm thấy của đức vua, thì vị chư thiên biến mất.

Khi nghĩ rằng: "nếu vị ấy trông thấy quá nhiều người thì vị ấy sẽ rất sợ hãi,"Trưởng lão bèn khiến cho đức vua trông thấy chỉ một mình ngài. Khi đức vua trông thấy trưởng lão, thì vị ấy đứng yên và đầy sợ hãi. Trưởng lão nói với vua rằng: "hãy đến đây, này Tissa." Rồi từ tiếng gọi tên Tissa, đức vua nghĩ rằng: đó là một vị Dạ-xoa. "Tâu đại vương, chúng tôi là những vị Sa-môn, là những đệ tử của đấng pháp vương. Do lòng bi mẫn đối với bệ hạ chúng tôi đã đến đây từ Jampudīpa", Trưởng lão đã nói như vậy. Khi nghe qua những lời ấy, thì nỗi sợ hãi của đức vua biến mất. Và khi nhớ đến bức thư của người bạn mình, và tin rằng đây là những vị Sa-môn, vị ấy để cây cung và tên qua một bên. Rồi khi đi đến vị Sa-môn, đức vua trao đổi những lời chào hỏi với trưởng lão và ngồi xuống gần ngài.

Rồi những tùy tùng của vua đi đến và vây quanh đức vua và trưởng lão khiến cho hiện ra những vị trưởng lão khác đã đi chung với ngài. Khi trông thấy những vị này, đức vua bèn nói rằng: "những người này đã đến đây lúc nào vậy?" trưởng lão trả lời rằng: "Họ đến cùng với bần tăng" và được đức vua hỏi tiếp, "Tại Jambudīpa còn có những vị Sa-môn khác như ngài không?" trưởng lão nói rằng: "Jambudīpa đang chói sáng bởi những chiếc y vàng; Và ở đó có nhiều vị A-la-hán thông thuộc Tam Phệ-đà, có những năng lực thần thông, thiện xảo về những việc xem tâm của những người khác, có thiên nhĩ: là những đệ tử của đức Phật."

Khi ấy đức vua hỏi rằng: "Các ngài đến đây bằng con đường nào?" và vì câu trả lời là: "chúng tôi đến đây không phải bằng đường bộ cũng không phải bằng đường thủy". Ðức vua hiểu ra rằng các ngài đã đến xuyên qua hư không.

Ðể thử đức vua, vị trưởng lão có trí tuệ bậc nhất ấy bèn hỏi một câu hỏi vị tế, và ngay khi được hỏi đức vua đã nhiều lần trả lời nhiều câu hỏi. "Tâu bệ hạ, cây này mang tên gì?"

"Cây này là cây xoài."

"Có cây xoài nào khác bên cạnh cây này không?"

"Có nhiều cây xoài."

"Và có những cây khác ngoài cây xoài này và những cây xoài khác không?"

"Bạch ngài, có nhiều cây; nhưng đó là những cây mà không phải là xoài."

"Bên cạnh cây xoài khác và những cây không phải xoài, còn có những cây khác không?"

"Bạch ngài, có cây xoài này."

"Hỡi chúa của loài người, ngài có trí tuệ sắc bén!"

"Tâu đại vương, ngài có quyến thuộc không?"

"Bạch ngài, có nhiều."

"Và tâu đại vương, có chăng một số người không phải là quyến thuộc của bệ hạ không?"

"Những người ấy có nhiều hơn những quyến thuộc của trẫm".

"Có ai ngoài những quyến thuộc và những người khác không?"

"Bạch ngài, vẫn còn chính trẫm."

"Lành thay, hỡi chúa của loài người, bệ hạ có trí tuệ sắc bén".

Khi trưởng lão đã biết rằng đức vua là người có trí tuệ bén nhạy, vị trưởng lão trí tuệ bèn thuyết pháp cho vị hoàng đế bài kinh Cūlahattthipādūpama suttanta (Tượng tích dụ tiểu kinh). Vào lúc kết thúc của thời pháp, đức vua cùng với bốn chục ngàn tùy tùng qui y Tam bảo.

Vào buổi chiều, người ta dọn cơm cho đức vua dầu đức vua biết rằng những vị Tỳ khưu này không ăn trong giờ ấy, Vua cũng mời các vị Sa môn thọ thực, với ý nghĩ rằng: "mời các ngài là phép lịch sử tối thiểu." Khi các ngài cho đức vua biết rằng: "chúng tôi không ăn bây giờ" đức vua dò hỏi về giờ thọ thực là lúc nào. Và khi các ngài cho biết giờ thọ thực của các ngài, vua bèn nói rằng: "chúng ta sẽ đi vào thành phố."

"Tâu đại vương, đại vương hãy đi, chúng tôi sẽ ở lại đây."

"Nếu thế thì chàng trai trẻ này phải đi chung với chúng tôi".

"Chàng trai này là người đã dạt đến mục tiêu rồi, đã liễu ngộ giáo pháp và chờ ngày xuất gia, do đó cậu ấy phải ở gần chúng tôi. Chúng tôi muốn truyền phép xuất gia bây giờ, tâu đại vương, đại vương cứ đi."

Rồi khi đức vua cáo từ các vị trưởng lão bằng những lời này: "Ngày mai trẫm sẽ gởi đến một cỗ xe và mời các vị vào đó và đi đến thăm thành phố." Ðức vua dẫn Bhaṇḍu qua một bên và hỏi vị ấy rằng các trưởng lão định làm gì. Và vị ấy nói cho đức vua biết mọi chuyện. Khi đức vua đã nghe tên của trưởng lão, vua rất vui sướng và nghĩ rằng: "đây là hạnh phúc dành cho ta," Và bây giờ đức vua đã hết sợ hãi vì Bhaṇḍu là một cư sĩ, biết rằng đây là những con người. Khi nói rằng: "chúng ta hãy truyền phép xuất gia cho vị ấy", trưởng lão bèn truyền phép xuất gia và phép cụ túc giới cho Bhaṇḍu bên trong những đường ranh giới của ngôi làng ấy và bên trong nhóm Tỳ khưu, ngay lúc ấy vị tân Tỳ khưu kia chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Rồi trưởng lão truyền lịnh cho Sa-di Sumanā rằng: "ngươi hãy loan báo giờ thuyết pháp đi". Vị Sa-di hỏi rằng: "bạch ngài, khi con loan báo giờ để nghe pháp, con sẽ loan báo xa đến đâu?" Khi trưởng lão trả lời rằng: "Khắp xứ Tambapaṇṇi" vị Sa-di bèn công bố giờ nghe pháp bằng năng lực thần thông của mình, làm cho âm thanh ấy vang khắp toàn cõi Tích Lan.

Khi đức vua, đang ngồi bên cái bể nước của núi đá tại làng Nāgacatukka và đang thọ thực, nghe được tiếng gọi lớn, vua bèn nhắn tin đến trưởng lão để hỏi rằng: "có điều rủi ro nào đã xảy ra chăng?" Trưởng lão trả lời rằng không có điều rủi ro nào xảy ra cả; chỉ có tiếng công bố giờ để nghe lời kim ngôn của Ðức Chánh Giác Tôn mà thôi."

Khi những vị chư thiên địa cầu nghe những tiếng gọi của vị Sa-di, họ làm cho tiếng gọi ấy vang đi và như vậy tiếng gọi dần dần lên đến cõi phạm thiên. Do những tiếng gọi ấy khiến cho một đại chúng đông đảo chư thiên đến cu hội; và trưởng lão thuyết pháp trước hội chúng bài kinh Samacitta-sutta (Bình đẳng tâm kinh).

Chư thiên vô số kể được tỏ ngộ chánh pháp và nhiều vị rồng và Supaṇṇa (kim xí điểu) qui y Tam bảo. Cũng như khi trưởng lão Sāriputta nói ra bài kinh này, cũng vậy chư thiên cũng đã cu hội để nghe bài kinh ấy từ Mahinda.

Vào ngày hôm sau, đức vua gởi đến một cỗ xe. Người xa phu đến và nói rằng: "Hãy bước vào cỗ xe, chúng tôi sẽ đưa đến thành phố". "Chúng ta sẽ không bước vào cỗ xe, ngươi hãy đi đi, chúng ta sẽ đi theo ngươi." Khi nói vậy, đầy thiện ý, các ngài cho người đánh xe ra đi và họ bay vào không trung và bằng năng lực thần thông của các ngài, các ngài đi xuống ở phía đông của thành phố tại chỗ mà về sau có đệ nhất bảo tháp. Từ ấy đến nay, bảo tháp được xây lên tại chỗ mà các vị trưởng lão đáp xuống đầu tiên được gọi là đệ nhất bảo tháp Pathamacetiya.

Bởi vì những nữ nhân trong hoàng cung, nghe nói về vị vua của giới đức trong các vị trưởng lão nên muốn được trông thấy các ngài do đó vị hoàng đế sai dựng lên một giả ốc dành cho các ngài ở bên trong khuôn viên của hoàng cung, được che bằng những loại vải len trắng và những bông hoa được trang hoàng xinh đẹp.

Và đức vua đã nghe trưởng lão nói rằng các ngài không ngồi trên những chỗ ngồi cao, nên vị ấy cứ băn khoăn tự hỏi rằng: "thật sự trưởng lão có muốn ngồi trên chỗ ngồi cao hay không?" trong lúc đó, người đánh xe trông thấy các ngài đang đứng ở đó mặc những chiếc y vàng và đầy ngạc nhiên, vị xa phu tâu lại với đức vua. Khi nghe qua tất cả điều này, đức vua biết rõ rằng: "các ngài sẽ không ngồi trên ghế. Và khi truyền lịnh rằng: "hãy trải những tấm thảm đẹp nhất ở trên đất" đức vua đi đến đón tiếp các vị trưởng lão, cung kính vái chào các ngài, lấy bát từ tay của đại trưởng lão Mahinda và dẫn trưởng lão vào trong thành phố, vì đó là tục lệ tôn kính và đón tiếp nồng hậu.

Và các nhà tiên tri, khi họ trông thấy những chỗ ngồi đã được sửa soạn, bèn tiên đoán rằng: "quả đất được chiếm hữu bởi các vị Tỳ khưu này; Họ sẽ là những vị chúa trên hải đảo này". Khi tỏ sự tôn kính đến các ngài, đức vua dẫn các vị trưởng lão đi vào hoàng cung. Ở đó theo địa vị của các ngài, các ngài ngồi vào những chỗ ngồi được phủ bằng những tấm vải len trắng, chính đức vua đứng ra hầu hạ các ngài bằng món cháo và những loại vật thực loại cứng và loại mềm. Và khi bữa ăn đã xong, đức vua ngồi dưới chân của các ngài và gọi Anulā đến, là vợ của người em trai của đức vua, tức là phó vương Mahānāga, sống trong hoàng cung. Khi hoàng hậu Anulā đã đến với năm trăm nữ nhân, đã đảnh lễ và cúng dường đến các vị trưởng lão, nàng bước qua một bên. Trưởng lão bèn thuyết về Petavatthu (Ngạ quỉ sự), Vimānavatthu (Thiên cung sự) và Saccasamyutta (Đế tương ưng). Các nữ nhân chứng đắc tầng thánh thứ nhất. Và nhiều người trong thành phố, khi nghe từ những người đã thấy các ngài trong ngày hôm trước, về giới đức của các vị trưởng lão, cũng kéo đến vì muốn xem trưởng lão và đã tạo ra một sự xôn xao lớn tại các cổng thành. Ðức vua nghe tiếng ồn ào ấy và nghe tâu lại, là người chăm lo lợi ích của họ, bèn nói rằng: "ở đây không đủ chỗ cho tất cả những người này; Hãy cho họ dọn sạch nhà lớn cuả con voi kiết tường, và ở đó dân thành thị mới có thể nhìn vào các vị trưởng lão khi họ đã dọn sạch nhà lớn của voi và đã nhanh chóng trang hoàng nó bằng những cái lọng cùng những thứ khác, họ sắp xếp những chỗ ngồi của các vị trưởng lão, theo địa vị của các ngài. Ðại trưởng lão đi đến đó với những vị trưởng lão khác và khi ngài đã an tọa, ngài bậc thuyết giảng tối thắng, bèn thuyết bài kinh Devadūtasutta (thiên sứ kinh), dân thành thị, sau khi đã hội họp ở đó, nghe bài pháp ấy, họ khởi lòng tịnh tín và một ngàn người trong số đó chứng đắc quả thánh tu đà hườn. Như vậy khi ở tại đảo Tích Lan vị trưởng lão vô song, giống như bậc đạo sư,để bảo vệ nước Tích Lan, đã thuyết pháp ở hai chỗ, bằng tiếng nói của người Tích Lan, ngài, ngọn đèn sáng của hải đảo, đã để lại di sản về chánh pháp như vậy.

Ở đây chấm dứt chương thứ mười bốn, được gọi là "Sự đi vào kinh đô", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân."

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục

 

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)

(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007