Dai vuong Thong su - Mahavamsa - Tk Minh Hue dich
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ
MAHĀVAṂSA

Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
(Ấn bản 2007)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG XXV

SỰ CHIẾN THẮNG CỦA DUṬṬHAGĀMAṆI

Khi vua Duṭṭhagāmaṇi đã cung cấp cho dân chúng những nhu cầu cần thiết và đã sai đặt một viên xá lợi vào cây thương rồi cùng với đoàn xa binh, bộ binh, tượng binh, vị ấy đi nhiễu hành đến Tissamāhārāma, và khi đã tỏ sự ưu ái đến chúng tăng, vua bèn nói rằng: "trẫm sẽ tiếp tục đi đến miền đất ở bên kia con sông để đem lại vẻ vang cho giáo pháp. Ðể chúng tôi có thể tỏ sự tôn kính đến các ngài, hãy cho chúng tôi những vị Tỳ khưu là những người sẽ đi chung với chúng tôi, bởi vì hình ảnh của các vị Tỳ khưu là niềm phúc lạc và sự bảo vệ của chúng tôi". Ðể chuộc tội, chư tăng cho phép vị ấy dẫn theo năm trăm vị Sa-môn; khi nhận lãnh hội chúng Tỳ khưu này, đức vua tiếp tục đi, và khi đã sai làm sẵn con đường ở Malaya dẫn đến đây, vua cưỡi trên con voi Kaṇḍula, và được vây quanh bởi những dũng sĩ của mình, vị ấy dẫn đoàn binh ra chiến trận. Với một đầu nằm ở Mahāgāma, đoàn quân binh tiến đến Guttahālaka.

Khi đến tại Mahiyaṅgaṇa, vị ấy đánh bại tên Damila Chatta. Khi vua Gāmani đã giết những người Damiḷa ngay tại chỗ ấy, vị ấy đến Ambatutthaka (là một chỗ cạn của con sông Mahāvaligaṅga, không xa với Bintenne), ở đó có một đường hào dẫn đến con sông, và đã đánh bại tên Damiḷa Titthamba; khi chiến đấu với kẻ thù hùng mạnh và đầy xảo quyệt trong bốn tháng, bằng mười kế, vị ấy đã đánh bại được hắn, bởi vì vua đã đưa mẹ của hắn ra làm bình phong.

Khi con người hùng mạnh đi từ đó xuống con sông, đã đánh bại bảy vị hoàng tử Damiḷa hùng mạnh trong một ngày và đã thiết lập nền hòa bình, vua phân phát chiến lợi phẩm cho quân binh của mình. Do đó chỗ ấy được gọi là Khemārāma.

Tại Antarāsobha, vua nhiếp phục Mahākoṭṭha, tại doṇa nhiếp phục Gavara, tại Hālakola nhiếp phục Issariya, tại Nāḷisobbha nhiếp phục Nālika. Tại Dīghābhayagallaka bằng cách như thế, vị ấy đã nhiếp phục Dīghābhaya; tại Kacchatittha, trong vòng bốn tháng, vị ấy nhiếp phục Kapisīsa. Tại Koṭanagava vị ấy nhiếp phục Koṭa, rồi đến Nālavahānaka, tại Vahiṭṭha nhiếp phục tên Damiḷa Vahiṭṭha và tại Gāmaṇi vị ấy nhiếp phục Gāmaṇi, tại Kumbagāma nhiếp phục Kumba, tại Naṇdigāma nhiếp phục Nandika, tại Khānugāma nhiếp phục Khānu, nhưng tại TambaUnnama thì nhiếp phục hai người, một cậu và một cháu, tên là TambaUnnama. Vua cũng nhiếp phục Jambu, và tại mỗi ngôi làng đều lấy tên theo người lãnh đạo của ngôi làng ấy.

Khi vị hoàng đế nghe người ta nói rằng: "vì không biết quân binh của họ, nên họ đã giết chết những người của chính họ", đức vua thực hiện tác chứng phát nguyện rằng: "chẳng phải vì ưa thích với quyền thống trị khiến tôi phải làm công việc gian nan này, sự cố gắng của tôi mãi mãi là để thành lập giáo pháp của đức Chánh biến tri. Nếu đây là sự thực thì xin cho chiếc áo giáp trên thân của quân sĩ của tôi có màu của lửa". Và bấy giờ chuyện ấy đã xảy ra đúng như thế.

Tất cả những người Damiḷa đã được thoát chết đều đi đến thành phố Vijitanagara để tìm sự an ổn. Tại một vùng trống trải khả ái, đức vua đã cắm trại, và chỗ này được người ta biết qua cái tên là Khandhāvārapiṭṭhi.

Vì để chiếm lấy Vijitanagara, nên đức vua muốn đem Nandhimitta ra thử, vua thả cho con voi Kaṇḍula xông đến Nandhimitta khi vua trông thấy Nandhimitta đang đi đến. Khi con voi đi đến để nhiếp phục chàng dũng sĩ, thì Nandhimitta dùng hai bàn tay nắm lấy hai cái ngà của con voi và dùng sức đẩy cho nó chống hai chân trước lên. Vì Nandhimitta đánh với con voi, nên ngôi làng có diễn ra biến cố ấy được gọi tên là Hatthipora.

Khi đức vua đã đem cả hai ra thử rồi, vị ấy đi đến Vijitanagara, tại cổng phía nam có xảy ra một cuộc chiến đấu đáng sợ giữa các dũng sĩ với nhau. Nhưng ở gần cổng phía đông, khi đang ngồi trên lưng ngựa, Veḷusumana đã giết chết rất nhiều người Damiḷa.

Những người Damiḷa đóng cổng thành và vua gởi đến đó những quân binh của vị ấy, KaṇḍulaNandhimitta Suranimila, tại cổng phía nam, và tại ba cổng kia ba người là Mahāsoṇa, Gotha và Theraputta đã thực hiện việc lớn của họ. Thành phố có ba đường hào, được phòng vệ bởi một bức tường cao, với nhiều cổng sắt, làm cho kẻ thù khó xông vào được. Khi quỵ xuống bằng hai chân sau và dùng hai cái ngà của nó đập vỡ những tảng đá, chất vữa, gạch, con voi đã tấn công cổng thành bằng sắt. Nhưng những người Damiḷa đang đứng ở trên chòi canh thì bắn xuống đủ loại khí giới, những hòn sắt nóng đỏ và chì tan chảy. Khi chì đang bốc khói được đổ xuống lưng của con voi, thì Kaṇḍula, bị đau đớn, bèn đi đến một hồ nước và lặn xuống đó.

"Ở đây không phải là chỗ để người vui chơi, hãy xông ra tiêu diệt cổng sắt, hãy tiêu hủy cái cổng!" Gothaimbara nói như thế với con voi. Rồi con voi cao quí nhất trổi dậy tánh kiêu hùng, và khi rống vang, nó vươn mình ra khỏi nước và đứng hiên ngang ở trên đất.

Vị y sĩ của những con voi rửa sạch chất chì và bôi vào dầu xức; Ðức vua cưỡi trên con voi và khi dùng bàn tay vỗ nhẹ vào hai thái dương của nó, và tiếp tục cổ vũ nó bằng những lời này: "này Kaṇḍula yêu quí, ta cho ngươi quyền chúa tể toàn thể đảo Tích Lan này." Và khi vị ấy đã sai đem cỏ non đến cho nó, đắp lên nó một tấm vải và khoác lên nó tấm giáp và buộc lên tấm da của con trâu núi được xếp lại bảy lần, và đặt lên trên một tấm da được nhúng dầu, rồi đức vua thả cho đi. Vừa đi vừa rống vang rền như sấm sét, đương đầu với hiểm nguy, và dùng hai ngà của nó đâm thủng những tấm pa-nô của cổng thành và dùng hai chân giẫm nát cái ngưỡng cửa; và bằng những tiếng ầm ầm, cái cổng đổ sầm xuống đất cùng với những vòng cung của cái cổng. Mandhimitta dùng hai cánh tay hất tung khối mảnh vụn đang rơi từ chòi canh xuống lưng của con voi. Khi Kaṇḍula trông thấy việc làm của vị ấy, đầy thỏa mãn, nó bỏ đi nỗi tức giận trước kia mà nó đã nuôi dưỡng, bởi vì Nandhimitta đã tóm lấy hai cái ngà của nó.

Ðể có thể đi vào thành phố nằm kề sau lưng nó, Kaṇḍula, con voi cao quí nhất quay người về phía Nandhimitta và nhìn vào người dũng sĩ ấy. Nhưng Nandhimitta nghĩ rằng: "ta sẽ không đi vào thành phố bằng cái cổng đã được mở ra bởi con voi" và bằng cánh tay của mình, vị ấy đã phá sập bức tường. Bức tường cao mười tám hắc tay và dài tám usabha (1 usabha bằng 140 hắc tay) cùng đổ ầm xuống. Con voi nhìn vào Suranimila, nhưng chàng dũng dĩ này cũng không đi theo lối đi ấy mà xông về phía trước, nhảy qua bức tường để vào trong thành phố, GoṭhaSoṇa cũng vậy, mỗi người phá sập một cái cổng và xông tới. Con voi tóm lấy bánh xe, Mitta cầm cái sườn xe, Goṭha mang một cây dừa, Nimila mang cây kiếm tốt, Mahāsoṇa mang cây thốt nốt, Theraputta cầm cái côn lớn, và mỗi người xông vào các con đường như vậy, họ đánh tan tát những người Damiḷa ở đó.

Khi đức vua đã tiêu diệt Vijitanagara trong bốn tháng, vị ấy đi từ đó đến Girilaka và giết chết tên Damiḷa Giriya. Từ đó vua đi đến Mahelanagara, thành ấy có ba đường hào sát nhau và được bao quanh bởi một đám hoa Kadamba mọc là đà san sát, chỉ có một cổng và khó đi đến; Khi lưu lại ở đó bốn tháng, đức vua đánh bại được tên cầm đầu của Mahela bằng một trận chiến có sử dụng mưu lượt. Rồi vua cắm trại ở phía nam của ngọn núi Kāsa, gần Anurādhapura. Khi vua đã làm một cái hồ nước ở đó, nhằm tháng Jeṭṭhamūla (tháng năm âm lịch), vị ấy tổ chức lễ tắm nước. Ở đó có ngôi làng tên là Pajjotanagara.

Khi vua Eḷāra nghe rằng vua Duṭṭhagāmaṇi đã đi đến để khiêu chiến, vị ấy triệu tập các quan lại và nói rằng: "chính vị vua này là một dũng sĩ và thực ra có nhiều dũng sĩ đi theo vị ấy, các khanh nghĩ thế nào, chúng ta nên làm gì?" những dũng sĩ của Eḷāra, dẫn đầu là Dīghajantu, quyết định rằng: "ngày mai chúng ta sẽ chiến đấu." Vua Duṭṭhagāmaṇi cũng bàn bạc với mẫu hậu của vị ấy, và với ba mươi hai đoàn quân trước kia của bà. Trong đám binh này, đức vua bố trí những người mang lọng và mang những biểu tượng của vua, chính vị hoàng đế đứng trong cùng của đoàn quân binh.

Khi Eḷāra, với nhung giáp đầy người, cưỡi trên con voi Mahāpabbata, vị ấy đi đến đó với những đoàn xe, quân binh, và những con vật cưỡi. Khi trận chiến bắt đầu, Dīghajantu hùng mạnh và dũng cảm nắm lấy cây kiếm và tấm khiên sẵn sàng ra trận. Và khi nhảy vào hư không cao mười tám hắc tay, và khi bổ xuống cái hình nộm của vua bằng cây kiếm của vị ấy, vị ấy làm tan tát đoàn binh đầu tiên. Khi vị dũng sĩ hùng mạnh này tiếp tục làm tan tát những đội quân binh khác, vị ấy tấn công vào đoàn binh có Gāmaṇi đứng.

Nhưng khi vị ấy bắt đầu tấn công đức vua thì dũng sĩ Sūranimila lăng mạ dũng sĩ kia, khi công bố tên của chính mình (đây là lối thách thức đấu tay đôi.), Dīghajantu suy nghĩ rằng: "ta sẽ chẻ đôi hắn cùng với tấm khiên", và chém vào tấm khiên bằng cây kiếm. Khi đó Sūranimila để cho tấm khiên bay đi. Và khi chỉ chẻ được tấm khiên như vậy, Dīghajantu ngã xuống ở đó. Và Sūranimila khi nhảy lên, bèn đâm xuống người đàn ông bị ngã bằng cây thương. Phussadeva thổi cái tù và, quân binh của những người Damiḷa bị tan rã; Nói đúng hơn, Eḷāra bỏ chạy, và nhiều người Damiḷa bị giết chết. Nước trong cái hồ đỏ bởi những người bị giết chết, do đó người ta gọi cái hồ ấy là Kulantavāpi (sự chấm dứt của bộ tộc).

Vua Duṭṭhagāmaṇi sai đánh trống công bố rằng: "Ta sẽ giết Eḷāra", khi chính vị ấy mang vào đầy đủ binh khí, cưỡi trên coi voi Kaṇḍula cũng được trang bị binh giáp chỉnh tề, đức vua đuổi theo Eḷāra và đi đến cổng nam của thành phố Anurādhapura.

Hai vị vua đánh nhau ở gần cổng phía nam của thành phố, Eḷāra phóng cây phi tiêu, Gāmani tránh đỡ nó; Vị ấy ra lệnh cho voi của mình dùng ngà húc vào con voi của Eḷāra, và chính vị ấy phóng cây phi tiêu vào Eḷāra; và Eḷāra ngã gục cùng với con voi.

Khi vua Gāmaṇi đã thắng trận như vậy và đã thống nhất nước Tích Lan dưới một vị vua cai trị, vị ấy đi vào kinh đô của mình cùng với xa binh, bộ binh và tượng binh. Vua sai đánh trống ở trong thành phố, và khi đã triệu tập dân chúng khắp quanh một do tuần, vị ấy làm lễ mai táng cho vua Eḷāra. Gāmaṇi đốt xác của Eḷāra tại chỗ mà vua Eḷāra ngã xuống, vua đốt xác cùng với nhà táng, và ở đó vị ấy xây dựng một đài kỷ niệm và cho người đến cúng bái. Và ngay cả đến ngày hôm nay, những vị hoàng tử của nước Tích Lan, khi nào họ đến gần chỗ ấy, thường làm im lặng tiếng nhạc của học để tỏ sự tôn kính đến chỗ ấy.

Khi đã đánh bại ba mươi hai vị vua Damiḷa, Duṭṭhagāmāṇi nắm quyền nhất thống nước Tích Lan.

Khi Vijitanagara bị tiêu diệt thì vị anh hùng Dīghajantu trước đó đã nói với vua Eḷāra về lòng dũng cảm của người cháu trai của vị ấy, và vị ấy đã gởi một bức thư đến người cháu trai tên là Bhalluka, bảo đi đến đây. Khi Bhalluka nhận được bức thư từ vua, thì cậu ta đi đến đây, cùng với sáu chục ngàn người, vào ngày thứ bảy sau ngày đốt xác Eḷāra.

Dầu đã nghe nói về cái chết của vua, sau khi vị ấy đã đổ bộ đến rồi, vì xấu hổ, vị ấy có ý định là: "ta sẽ chiến đấu," vị ấy dục giã đến đây từ Mahātittha và cắm trại ở gần ngôi làng Kolambahālaka.

Khi đức vua nghe tin chàng dũng sĩ này đang đến, vị ấy bèn khởi binh chiến đấu, khi đã vũ trang đầy mình, cưỡi trên coi voi Kaṇḍula, cùng với những dũng sĩ cưỡi trên những con voi, ngựa và xe, và với đoàn bộ binh.

Ummādaphussadeva, là tay cung thuật sư lão luyện nhất trong khắp hải đảo đã đi theo với năm loại khí giới, và những anh hùng còn lại cũng đi theo vị ấy. Khi trận chiến đang diễn ra đầy ác liệt thì Bhalluka tiến đến vua ở đó; Nhưng Kaṇḍula, chúa của loài voi, để làm suy yếu sự tấn công dữ dội của Bhalluka, chầm chậm thối lui và binh sĩ cũng chầm chậm thối lui theo nó. Ðức vua nói rằng: "trước kia trong hai mươi tám trận đánh, nó chưa bao giờ rút lui, bây giờ như vậy nghĩa là gì, này Phussadeva?" và khi dũng sĩ trả lời rằng: "tâu đại vương, chiến thắng nằm ở đằng sau của chúng ta: Khi mong chờ một trận đánh thắng lợi, con voi đã thối lui, và nó sẽ dừng lại ở chỗ chiến thắng." Và khi con voi rút lui, nó đứng vững chắc một bên bảo tháp của vị chư thiên bảo hộ của thành phố, bên trong khuôn viên của tịnh xá Mahāvihāra.

Khi con voi chúa đã dừng lại ở đây, thì vị Damiḷa Bhalluka đi đến đức vua tại chỗ ấy và trêu chọc nhà cai trị của nước Tích Lan. Khi che miệng của mình bằng cây kiếm, đức vua đáp lại lời lăng mạ bằng cách lăng mạ lại "ta sẽ bắn một cây tên vào miệng của vua". Bhalluka suy nghĩ, và bắn ra một cây tên. Cây tên trúng nhằm thanh kiếm và rơi xuống đất. Và Bhalluka, khi nghĩ rằng "cây tên đã trúng vào miệng của vua rồi", bèn vui sướng reo hò. Nhưng dũng sĩ Phussadeva đang ngồi sau lưng đức vua, đã nhanh chóng bắn ra một cây tên vào miệng của tên kia, và khi cây tên lướt đi, vị ấy chạm nhẹ vào cái vòng tai của đức vua. Và vị ấy làm như vậy để khiến cho hắn ngã xuống với hai chân xoay về phía của đức vua, Phussadeva bắn tiếp một cây tên nữa vào người đàn ông đang té ngã và trúng vào đầu gối của người kia. Và bấy giờ khi khiến cho Bhalluka quay người với đầu hướng về phía đức vua và bằng bàn tay nhanh nhẹn như vậy, Phussadeva đã hạ gục Bhalluka (khi bị trúng tên đầu tiên, Bhalluka ngã ngửa, và như vậy đáng lẽ hai chân sẽ đưa về phía đức vua, nhưng để ngăn lại, Phussadeva bắn cây tên thứ hai vào đầu gối của Bhalluka, khiến cho hắn giờ đây ngã nhào về phía trước. Lúc đó Bhalluka nằm trong tư thế của kẻ bại trận hay của người nô lệ đang gục đầu trước đức vua), Khi Bhalluka ngã gục thì tiếng reo hò chiến thắng vang lên.

Ðể cho mọi người thấy lỗi của mình, ngay tức thì Phussadeva tự mình cắt cái nhái tai và để cho đức vua trông thấy máu đang chảy xuống. Khi đức vua thấy vậy, vị ấy hỏi rằng: "như thế có nghĩa gì?" để trả lời nhà cai trị của xứ sở, vị ấy kể lại việc làm vừa rồi. Và khi được hỏi "người có tội gì?" vị ấy trả lời rằng: "tôi chạm vào bông tai của bệ hạ." "này ông bạn, tại sao ngươi làm vậy, khi cho việc làm không có tội là có tội?" đức vua hỏi, và để tỏ sự biết ơn đức vua nói thêm rằng: "phần thưởng danh dự của ngươi sẽ rất to lớn, giống như phát tên của ngươi."

Ðức vua, sau khi đã giành thắng lợi, đã giết tất cả những người Damila, vị ấy tiếp tục đi lên sân thượng của hoàng cung, và ở trong phòng ngủ của vua, giữa những ca nhi vũ nữ và các quan, sau khi đã sai đem đến cây tên của Phussadeva và sai đặt nó xuống đất với đầu có lông ở trên cùng, vị ấy tưới xuống cây tên bằng những đồng tiền vàng Kahāpana, và vua truyện lịnh ban thưởng đống tiền này đến Phussadeva.

Rồi khi ngồi ở trên sân thượng của cung điện, được trang hoàng lộng lẫy, với những ngọn đèn dầu thơm cháy sáng và ngào ngạt nhiều loại hương liệu, với những tiên nữ tuyệt đẹp mang hình tướng những vũ nữ, trong khi vua đang ngồi trên chiếc trường kỷ mềm mại và xinh đẹp, và được phủ lên bằng những tấm trải có viền hoa được thả thòng xuống chung quanh, và khi hồi tưởng lại sự chiến thắng vinh quang của mình, dầu to lớn như thế, vị ấy vẫn không thấy vui sướng, vì nhớ ra rằng do bởi sự chiến thắng ấy đã gây nên sự chết chóc cho hằng triệu sanh linh.

Khi những vị A-la-hán ở Piyaṅgudīpa biết được ý nghĩ của vị ấy, các ngài bèn gởi đến tám vị A-la-hán để an ủi vị ấy. Và trong khi đi đến vào lúc canh giữa của đêm, họ đáp xuống ở cổng của cung điện. Khi cho người ta biết rằng các ngài đã đến đó xuyên qua hư không, các ngài bèn bước lên sân thượng của cung điện. Ðức vua đảnh lễ các ngài, rồi hỏi lý do khiến các ngài đến đây: "chúng tôi được chư tăng ở Piyaṅgu-dīpa sai đến đây để an ủi bệ hạ, tâu chúa của loài người." Và nhân đó đức vua lại nói với các ngài rằng: "làm sao có được sự an ủi nào dành cho trẫm, bạch chư đại đức, bởi vì do trẫm khiến gây ra sự tàn sát hằng triệu sanh linh?"

"Nghiệp này không sanh lên chướng ngại đối với con đường về cõi trời của bệ hạ. Chỉ có một rưỡi số chúng sanh đã bị giết ở đây bởi bệ hạ, tâu chúa của loài người. Một số đã qui y Tam bảo, số khác thì thọ trì ngũ giới. Những kẻ không tin tưởng và những người đi theo lối sống ác là số người còn lại, số ấy chẳng hơn gì những con thú. Nhưng đối với bệ hạ, bệ hạ sẽ đem lại sự vinh quang cho giáo pháp của Ðức Phật bằng nhiều cách; do đó, hãy bỏ đi nỗi lo lắng trong tâm, hỡi chúa của loài người!"

Ðược khuyên giải bởi các ngài như vậy, đức vua được nguôi ngoai. Khi đã chào các ngài và cho phép các ngài ra về, đức vua lại nằm và suy nghĩ: "ngươi sẽ không bao giờ thọ thực nếu không có chư tăng, cha mẹ của chúng ta đã khiến chúng ta thề như vậy vào lúc ăn. Có lần nào ta đã ăn cái gì đó mà không cho đến tăng không?" Rồi vua thấy rằng vị ấy đã có lần như vậy, nhưng hoàn toàn vô ý, vị ấy đã ăn tiêu trong một cái vỏ khô của trái cây trong bữa ăn sáng, mà chẳng chừa lại chút nào cho chư tăng; "ta sẽ sám hối điều này"

Nếu một người nghĩ đến những khối chúng sanh thuộc nhân loại bị giết vì lòng tham lam, số lượng không xiết kể, và nếu người ấy ghi nhớ rõ ràng điều sanh lên từ lòng tham ấy, và nếu người ấy cũng nhớ rất rõ rằng vô thường là kẻ giết chết tất cả, như vậy, bằng cách này, người ấy sẽ sớm đạt được sự giải thoát khỏi đau khổ và được pháp hạnh phúc.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi lăm, được gọi là "Sự chiến thắng của Duṭṭhagāmaṇi", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXVI

SỰ HIẾN DÂNG TỊNH XÁ MARICAVATTIVIHĀRA

Khi vị vua có danh tiếng lẫy lừng đã thống nhất nước Tích Lan thành một vương quốc, vị ấy phân phối những chỗ vinh dự cho những dũng sĩ của mình theo đúng với địa vị của họ. Dũng sĩ Theraputābhaya không chịu nhân chỗ chỉ định cho mình, và khi được hỏi: "tại sao?", Dũng sĩ trả lời rằng: "vì đó là chiến tranh." và được hỏi tiếp: "khi độc nhất một vương quốc được thành lập thì làm sao có chiến tranh?" Vị dũng sĩ trả lời rằng: "thần phải đánh nhau với những kẻ phản loạn, là những loại ái dục, một trận chiến mà trong đó chiến thắng khó dành được." Dũng sĩ đã nói như vậy, và đức vua tìm cách can ngăn vị ấy nhiều lần. Khi dũng sĩ đã khẩn nài nhiều lần và được đức vua đồng ý, chàng trai thọ pháp xuất gia. Sau khi đã xuất gia rồi, đúng lúc vị ấy chúng đắc đạo của A-la-hán, và sống chung với năm trăm vị Tỳ khưu đã đoạn trừ các lậu hoặc.

Khi tuần lễ của hội vương quyền đã trôi qua, vị vua Vô úy Abhaya, là người đã long trọng tổ chức lễ tấn phong đi đến hồ nước Tissa, hồ ấy được trang hoàng theo đúng tục lệ của lễ hội, và tổ chức những cuộc vui hội hè ở đó và để xem truyền thống của những vị vua đã được phong vương.

Người ta đặt hàng trăm lễ vật cúng dường và tất cả những gì được sửa soạn dành cho đức vua, và chỗ mà sau này có tịnh xá Maricavaṭṭivihāra. Ở đó ngay tại chỗ mà sau này có Bảo tháp, những người hầu của vua đã vui chơi suốt ngày ở trong nước, cùng với những nữ nhân trong hậu cung, vị ấy nói, vào lúc chiều tối, rằng: "chúng ta sẽ đi khỏi đây, hãy mang cây thương đi trước chúng ta."

Và những người hầu nhận lãnh trách nhiệm này không thể di chuyển cây thương ra khỏi chỗ cắm của nó được. Và những quân sĩ của đức vua cùng nhau đi đến và mang đến các lễ vật cúng dường gồm những vật thơm và tràng hoa. Khi đức vua trông thấy điều kỳ diệu này, vị ấy bố trí những người lính bảo vệ ở đó, và sau khi vị ấy quay về kinh đô, vua dựng lên một Bảo tháp theo đúng cách để nó bao trùm lấy cây thương và dựng lên một tịnh xá để giữ Bảo tháp ở bên trong. Trong ba năm, tịnh xá mới được làm xong và người cai trị của loài người thỉnh chư Tăng lại để tổ chức lễ hiến dâng tịnh xá. Một trăm ngàn Tỳ khưu và chín chục Tỳ khưu ni đã cu hội ở đó. Rồi đức vua nói như vầy với chúng tăng: "Bạch chư đại đức tăng, trẫm đã ăn tiêu trong một cái vỏ khô của trái cây mà không có nghĩ đến chư tăng, khi nghĩ rằng: đây sẽ là hành động sám hối của ta, nên trẫm đã xây dựng tịnh xá khả ái Maricavaṭṭivihāra, luôn cả bao tháp. Cầu mong chư tăng nhận lãnh nó". Bằng những lời này, vua đổ nuớc bố thí và thành tâm dâng tịnh xá đến chư tăng. Khi đã dựng lên một tòa nhà lớn xinh đẹp trong tịnh xá, và ở quanh nó, đức vua truyền lịnh dâng những vật thí dồi dào đến chúng tăng. Ngôi nhà được phát họa để những cái cọc được đóng xuống ngay trong nước của hồ Abhaya, như thế cũng đủ để khỏi phải kể những chỗ còn lại nằm ở quanh nó.

Khi chúa của loài người đã bố thí đồ ăn thức uống v.v..., trong một tuần lễ, dâng tất cả những vật dụng cần thiết đắt giá đến chư tăng. Những vật dụng này có giá trị cao nhất là một trăm ngàn kahāpana và thấp nhất là một ngàn kahāpana. Chư tăng đã thọ lãnh tất cả những vật dụng này. Tiền do đức vua xài để tỏ lòng tri ơn, vua là vị anh hùng trong chiến trận cũng như trong sự hào phóng, tâm trong sạch của vị ấy đầy niềm tin trong ba ngôi Tam bảo, là người hằng mong mỏi đưa giáo pháp đến đài vinh quang, số tiền ấy được tiêu xài dành cho Tam bảo, bắt đầu bằng sự xây dựng Bảo tháp và kết thúc bằng lễ hiến dâng tịnh xá, không kể đến những vật vô giá khác, tất cả món tiền này tính ra thì thiếu một koṭi (1 koṭi bằng mười triệu).

Thực ra những của cải có liên quan đến chúng trở thành năm mối hiểm họa (có thể bị mất do lửa, nước, các loại chúng sanh lấy mất, bị vua quan tịch thu hay bị cướp bóc), nếu của cải có được bởi những người có trí tuệ đặc biệt, thì sẽ đem lại năm điều lợi ích (được mọi người thương mến, được các thiện nhân đánh giá cao, có danh tiếng, dễ hoàn thành những phận sự của người cư sĩ, và sau khi mạng chung được sanh về thiên giới); Do vậy, người có trí tuệ hãy sử dụng của cải thế nào để được năm điều lợi ích như thế.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi sáu, được gọi là "Sự hiến dâng tịnh xá Maricavaṭṭi-vihāra", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXVII

SỰ HIẾN DÂNG THANH ÐỒNG ÐIỆN

Nhân có đức vua hồi tưởng đến truyền thống được mọi người biết đến, và đã được truyền lại một cách đúng đắn rằng: Trưởng lão giàu về phước, hằng chuyên tâm trong các việc phước, bằng trí tuệ, đã lập nên các lời nguyện, là người đã hóa độ cho đảo, như mọi người đã biết, ngài đã nói với tiên nhân của ta, là đức vua, rằng: "người con cháu của bệ hạ, là vua Duṭṭhagāmaṇi, bậc có trí tuệ, sau này sẽ dựng lên Ðại Bảo tháp (Mahāthūpa) đó là Bảo tháp uy nghi Sappamālī, cao một trăm hai mươi hắc tay, và một nhà phát lồ, hơn nữa, được trang hoàng gằng nhiều loại ngọc, làm cho nó cao chín tầng, đó là Thanh đồng điện (Lohapāsāda)."

Nhà cai trị của vương quốc đã suy nghĩ như vậy, khi vua tìm kiếm một cái dĩa bằng vàng được cất giữ trong một cái rương và được lưu giữ trong cung điện với những lời được ghi lại trên cái dĩa ấy, vua truyền lịnh đọc to những lời ghi lại như vầy: "Khi một trăm ba mươi sáu năm đã trôi qua, trong tương lai, đứa con trai của Kākavaṇṇa, là người cai trị vương quốc, tức Duṭṭhagāmaṇi, sẽ xây dựng như vậy theo cách như thế," Khi vua đã nghe qua những lời tiên tri này, vị ấy reo mừng và vỗ tay. Sau đó vào lúc sáng sớm, vua đi đến công viên xinh đẹp Mahāmegha, và khi tổ chức một cuộc hội họp gồm các vị Tỳ khưu, vua bạch với vác ngài rằng: "Bạch chư đại đức, con sẽ xây dựng cho các ngài một cung điện giống như cung điện của chư thiên. Hãy gởi đến cho con một thiên cung và làm cho con một bản vẽ về thiên cung ấy." Chúng Tỳ khưu gởi đến đó tám vị Tỳ khưu đã đoạn trừ các lậu hoặc.

Trong thời kỳ của Ðức Phật Kassapa, một vị Bà-la-môn tên là Asoka, là người đã thành lập tám phần ăn bằng phiếu để phân phát đều đặn đến chư tăng, đã truyền lịnh cho người nữ hẫu của ông ta rằng: "hãy luôn luôn bố thí vật thực như thế này." Khi nàng đã cho những vật thí này một cách trung thành suốt cuộc đời của nàng, nàng từ bỏ cõi đời này và tái sanh làm một tiên nữ yêu kiều trong một cung điện sáng chói, nằm lơ lửng trong không trung, luôn luôn được vây quanh bởi một ngàn tiên nữ. Ngọc điện của nàng cao mười hai do tuần và rộng bốn mươi tám do tuần; Cung điện được tô điểm bởi một ngàn phòng ngủ nhô ra có cửa sổ, chín tầng và có một ngàn phòng ngủ lấp lánh, có bốn mặt, với một ngàn tràng hoa bằng vỏ sò và những cửa sổ như những con mắt và có một hàng lan can sắt (vedikā) với một mạng lưới gồm những cái chuông nhỏ. Ở giữa tòa nhà là một cung điện Ambalaṭṭhika xinh đẹp, từ mọi hướng có thể trông thấy được, có những cờ xí rực rỡ. Khi các vị trưởng lão đi lên cõi trời Ba Mươi Ba, trông thấy cung điện ấy, các ngài lập một bản vẽ về nó bằng đất tỳ sương ở trên một tấm vải lụa, và các ngài lại trở về, rồi đưa bản vẽ ấy cho chư tăng xem. Chư tăng nhận lấy tấm lụa ấy và gởi nó đến đức vua. Khi đức vua trông thấy nó, đầy vui sướng, vị ấy đi đến khu huê viên tráng lệ và truyền lịnh xây dựng Thanh đồng điện cao quí phỏng theo bản vẽ.

Vào lúc công việc được bắt đầu, vị vua quảng đại truyền lịnh rằng: "ở mỗi nơi tại bốn cổng phải đặt tám trăm ngàn đồng tiền vàng; hơn nữa tại mỗi cổng, vua truyền lịnh sai quân hầu đặt một bó y phục và nhiều cái hũ đựng đầy những cục đường thỏi, đường cát, mật ong và khi công bố rằng: "bất cứ ai làm việc ở đây đều được thưởng cả." Vua sai dân chúng làm công việc, họ được định mức lương và được trả công.

Ðiện đài có bốn cạnh, mỗi cạnh dài một trăm hắc tay, bề cao cũng vậy. Trong cung điện xinh đẹp nhất này có chín tầng, và mỗi tầng có một trăm phòng ngủ, có cửa sổ. Và tất cả những phòng ngủ đều có lát bạc và những hàng lan can chấn song bằng san hô của chúng được trang điểm bằng nhiều loại ngọc. Những hoa sen ở trên những hàng lan can chấn song có những viên ngọc rực rỡ và những khung chắn ấy được viền quanh bởi những dãy chuông nhỏ bằng bạc.

Một ngàn phòng ngủ được khéo sắp đặt trong cung điện, được lát bởi nhiều loại ngọc và được tô điểm bởi nhiều cửa sổ. Và vì vua có nghe nói chiếc xe của Vessavana (vị thiên vương lãnh đạo chúng Dạ-xoa) được dùng làm chiếc xe để chở những nữ nhân, nên vua sai dựng lên một giả ốc bằng ngọc ở giữa cung điện theo hình dạng của chiếc xe ấy. Nó được tô điểm bằng những cái cột chứa những loại đá quí, trên những cái cột ấy là những hình nổi sư tử, cọp, vân vân, và những bức hình của các vị chư thiên, một đường viền bằng ngọc trai chạy mép ngoài của nhà mát và trên đó là một khung chắn bằng san hô như đã được mô tả ở trên. Bên trong giả ốc được trang hoàng đẹp mắt bằng bảy loại ngọc, có một chiếc ngai xinh đẹp bằng ngà với chỗ ngồi bằng pha lê, và trên chỗ tựa lưng bằng ngà được tạo hình mặt trời bằng vàng, mặt trăng bằng bạc, và những ngôi sao bằng những viên ngọc trai, và những hoa sen làm bằng những loại ngọc được khéo cẩn vào rải rác trên đó và những bức hình mô tả những câu chuyện bổn sanh nằm bên trong viền hoa bằng vàng.

Trên chiếc ngai cực kỳ xinh đẹp được phủ bằng những tấm nệm đắt giá có đặt một cái quạt bằng ngà xinh đẹp, lắp lánh rực rỡ, và một cái lọng trắng có đế bằng san hô, nằm trên mặt pha lê và có một cái gậy bằng bạc, chiếu sáng khắp chiếc ngai. Ở trên đó, có tám biểu tượng kiết tường được chạm nổi bằng bảy loại ngọc (đó là hình sư tử, bò, chúa, voi, bình lọc nước, cái quạt, cái tù và, ngọn đèn và cờ hiệu) và giữa hai bức hình có xen kẽ những dãy hình những con thú bằng những châu báu và ngọc trai; và những dãy chuông bạc nhỏ được treo lủng lẳng quanh viền của chiếc lọng. Cung điện, cái long, quạt, chiếc ngai, và giả ốc đều vô giá.

Những chiếc giường và ghế đắt giá, theo đúng địa vị lớn nhỏ, và những tấm thảm và đồ trải được vua cho trải quanh. Lu nước súc miệng và cái gáo cũng bằng vàng (đó là cái lu nước để rửa chân tay và được đặt ở lối vào cung điện). Ðược vây quanh bởi một hàng rào xinh đẹp, và có bốn cổng, lâu đài Pāsāda lấp lánh trong sự nguy nga tráng lệ như giảng đường ở cõi Ba Mươi Ba. Lâu đài Pāsāda được bọc ngoài những cái dĩa bằng đồng, và do đó nó có tên là Thanh đồng điện.

Khi cung điện Lohapāsāda đã được làm xong thì vua triệu tập chúng tăng lại, và chúng tăng đã cu hội như tại buổi lễ hiến dâng tịnh xá Maricavaṭṭi-vihāra. Những vị Tỳ khưu phàm tăng thì đứng ở tầng dưới, những vị Tỳ khưu thông thuộc Tam tạng đứng ở tầng thứ hai, còn những vị đã đi vào đạo giải thoát và những vị khác thì đứng ở tầng thứ ba và và những tầng khác cao hơn tùy theo tầng đạo mà các ngài đã chứng đắc, còn các vị A-la-hán đứng ở bốn tầng cao nhất.

Khi vua Duṭṭhagāmaṇī đã dâng hiến cung điện Lohapāsāda đến chúng tăng, và đổ nước bố thí, như trước, vị ấy truyền lịnh cúng dường vật thực dồi dào trong một tuần lễ. Tiền của được vị vua hào phóng bỏ ra để xây dựng Thành đồng điện, không kể những thứ vô giá khác, tính ra là ba mươi koṭi đồng tiền vàng.

Bậc trí tuệ suy xét về sự bố thí thật quí báu lạ lùng biết bao, trong khi đó làm công việc tích lũy của cải cho chính mình quả thật tầm thường và vô ích, do đó hãy bố thí thật dồi dào, với tâm không có những chướng ngại của tham ái, hãy chuyên tâm vào lợi ích của chúng sanh.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi bảy, được gọi là "Sự hiến dâng Thanh đồng điện" trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXVIII

SỰ CÓ ÐƯỢC VẬT LIỆU XÂY DỰNG ÐẠI BẢO THÁP

Khi bỏ ra một trăm ngàn đồng tiền vàng, đức vua ra lệnh tổ chức một buổi lễ cúng dường to lớn và rực rỡ đến cây đại bồ đề. Sau đó, khi vị ấy đang đi vào thành phố, trông thấy một cột trụ đá đã được dựng lên ở chỗ của Bảo tháp tương lai và nhớ đến lời tiên tri được để lại, vua lấy làm sung sướng, khi nghĩ rằng: "ta sẽ xây dựng Đại Bảo tháp". Vị ấy bước lên sân thượng của hoàng cung, và khi đã ăn điểm tâm xong và đã nằm nghỉ, vua suy nghĩ rằng: "nhân cuộc chinh phục những người Damiḷa, những người dân này sẽ bị vất vả vì ta quá nhiều. Do đó không thể cam lòng mà thâu thuế; Tuy nhiên nếu ta có thuế để ta xây dựng Ðại Bảo tháp, thì làm sao có thể có được gạch để làm cho nghiêm chỉnh được."

Khi vua đã suy xét như vậy thì các vị chư thiên ở nơi cái lọng dò xét ý nghĩ của vua, và nhân đó sanh lên sự xôn xao trong thiên chúng; Khi Sakka biết rõ điều này, vua trời bèn nói với Vissakama rằng: "vua Gāmaṇi đang nghiền ngẫm về những viên gạch để xây dựng Ðại Bảo tháp: ngươi hãy đi ra khỏi thành phố một do tuần gần con sông Gambhīra và hãy làm những viên gạch ở đó."

Sau khi Sakka đã truyền lịnh như vậy, Vissakamma bèn đi đến đó và ngay tại chỗ đó bắt đầu làm những viên gạch.

Vào buổi sáng có một người thợ săn đi vào rừng với những con chó của ông ta; Một vị chư thiên ở chỗ đó xuất hiện trước mặt người thợ săn trong hình tướng của con cự đà. Người thợ săn đuổi theo nó, và khi ông ta đến chỗ ấy và trông thấy những viên gạch, khi ấy con cự đà biến mất tại đó, ông ta nghĩ rằng: "vua của chúng ta dự định xây dựng Ðại Bảo tháp; Ðây là cái đóng góp vào đó!" Nhân đó người thợ săn đi tâu lại vấn đề này với đức vua. Khi đức vua, là Người có sự thân thiết với lợi ích của thần dân của mình, nghe những lời đem lại vui sướng của người thợ săn, thì lấy làm mát dạ, và ban cho người thợ săn phần thưởng hậu hỉ.

Ở về hướng đông bắc của thành phố, xa ba do tuần, và gần ngôi làng Ācāraviṭṭhigāma, trên một vùng đất bằng phẳng rộng mười sáu karīsa (một karīsa bằng lối một mẫu) có xuất hiện những khối vàng đủ cỡ; khối lớn cỡ bằng cái chảo, miếng nhỏ nhất cỡ bằng lóng tay. Khi dân làng thấy đất toàn vàng, họ bỏ vào một ít trong cái hũ vàng và đi tâu lại vấn đề này với đức vua.

Ở phía đông của thành phố, cách xa bảy do tuần, nằm ở bên kia của con sông gần Tambapiṭṭha, có đồng xuất hiện. Và dân làng ở đó bỏ những khối đồng vào trong một cái hũ, và khi họ đã tìm đến đức vua, họ tâu lại vấn đề này. Ở hướng đông nam cách thành phố bốn do tuần, gần ngôi làng Sumanavāpi, nhiều đá quí xuất hiện. Dân làng bỏ chúng vào trong một cái hũ, có pha trộn ngọc Sapphire và hồng ngọc, và đem đến cho vua xem.

Ở hướng nam cửa thành, cách xa tám do tuần, bạc xuất hiện ở trong động Ambaṭṭhakola (nơi mà sau này có dựng lên tịnh xá Rajatalenavihāra, bây giờ là tịnh xá Ridivihāra tức tịnh xá bạc, ở về hướng bắc của Kurunagala, khoảng cách giữa Ridi-vihāraAnurādhapura là 35 dặm = 95 km bằng đường chim bay) một vị thương nhân ở trong thành phố, khi đem theo nhiều cỗ xe để lấy gừng, vân vân, từ Malaya, đã lên đường đi đến Malaya. Không cách xa hang động, ông ta cho dừng xe lại và vì ông ta cần gỗ để làm những càng xe, ông ta bèn đi đến ngọn núi ấy. Khi ông trông thấy một nhánh nhỏ của cây mít, có độc nhất một trái lớn bằng cái lu nước, và bị sức nặng của trái làm nhánh kia oằn xuống, ông ta lấy dao cắt đi trái ấy, đang nằm trên một cục đá to, và khi nghĩ rằng: "ta sẽ dâng vật thí đầu mùa", với lòng tịnh tín ông ta công bố giờ ăn. Và bốn vị trưởng lão đã thoát khỏi lậu hoặc đi đến đó. Khi ông ta vui sướng đảnh lễ các ngài, và cung kính mời các ngài ngồi, vị trưởng giả lấy dao cắt đứt lớp vỏ cứng, rồi móc ra phần đáy của trái, và trút nước nước từ trong cái hốc của trái vào trong những cái bát của các ngài và dâng các ngài bốn cái bát chứa nước trái cây. Các ngài thọ lãnh chúng rồi ra đi. Rồi ông ta lại công bố giờ ăn. Bốn vị trưởng lão khác đã thoát khỏi lậu hoặc, xuất hiện trước ông ta. Trưởng giả lãnh bát của các ngài và khi đã bỏ đầy những múi của trái, ông ta trao bát lại cho các ngài. Ba vị ra đi, nhưng một vị thì không đi. Ðể cho vị trưởng giả trông thấy bạc, trưởng lão đi xuống tiếp và ngồi ở gần cái động và ăn những múi của trái cây. Khi vị thương nhân cũng đã ăn xong, vì ông ta muốn chừa lại một số múi, và để phần còn lại trong một gói, ông ta đi tiếp theo lối đi của trưởng lão, và khi ông ta thấy trưởng lão, ông làm những công việc phục vụ thường lệ. Trưởng lão mở con đường để ông ta đi đến cửa hang: "bây giờ ông cứ tiếp tục đi theo con đường này, này thiện nam!" Khi đã đảnh lễ trưởng lão, ông ta đi con đường ấy và trông thấy cái hang. Khi đứng ở bên cửa hang và trông thấy bạc, ông ta dùng cái rìu bổ vào nó và khi biết đó là bạc, ông ta lấy một cục bạc và đi đến những cỗ xe chở hàng của mình. Rồi khi bỏ lại những cỗ xe và đem đi những cục bạc, người thương nhân cao quí ấy đã đi đến đức vua và tâu lại vấn đề này khi trình ra cục bạc cho vua xem.

Ở hướng tây của thành phố cách xa năm do tuần, gần chỗ đi vào đất liền Uruvela, những viên ngọc trai có cỡ giống như những trái Myrobalan lớn, trộn lẫn với san hô nhiều đến sáu cỗ xe, bò lên trên đất khô. Những dân chài trông thấy chúng bèn chất chúng thành một đống và khi mang theo những viên ngọc trai cùng với san hô trong một cái hũ, họ đi đến đức vua và tâu lại chuyện này.

Ở hướng bắc của thành phố, cách xa bảy do tuần trong một cửa hang động của hồ Peḷivāpigāma, trên cát, bốn viên ngọc rực rỡ có cỡ giống như tảng đá xay nhỏ, có màu của cây lanh (màu xanh), óng ánh xinh đẹp. Khi người thợ săn cùng với những con chó của ông ta trông thấy những viên ngọc này, bèn đi đến đức vua và tâu rằng: "thần đã trông thấy những viên đá như thế".

Vị chúa của quả đất có phước báu dồi dào, trong cùng một ngày đã nghe rằng những viên gạch và những thứ của cải khác đã xuất hiện làm vật liệu để xây dựng đại Bảo tháp, vua ban phần thưởng đúng mức đến những người dân ấy, và khi sai họ lập tức canh phòng chúng, vua sai người đem đến tất cả những vật báu ấy.

Phước mà người đã tích lũy như vậy với lòng tịnh tấn, không để ý đến những chứng bịnh khó chống đỡ nơi thân, đem lại hàng trăm quả phước là chỗ hạnh phúc, do đó người nên làm những việc phước với tâm tinh tấn.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi tám, được gọi là "Sự có được những vật liệu để xây dựng bảo tháp", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục

 

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)

(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007