THERAVĀDA ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
CHƯƠNG I CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ÐỨC NHƯ LAI Cuộc viếng thăm của đức Như Lai (Tathāgata) Sau khi làm lễ đức Chánh giác tôn (Sambuddha) bậc thanh tịnh, đã sanh lên từ dòng dõi thanh tịnh, tôi xin tụng lại bộ Ðại vương thống sử (Mahāvaṃsa), hàm chứa nội dung phong phú và không thiếu sót. Bộ Ðại-vương-thống-sử này được biên soạn bởi những bậc Sa-môn tiền bối, có chỗ thì được kéo dài ra, có chỗ bị thâu ngắn lại, lại có nhiều phần lập đi lập lại. Bây giờ xin các ngài hãy chuyên chú lắng nghe bộ Ðại-vương-thống-sử này đã được biên soạn sau khi loại trừ các lỗi như vậy rồi, dễ hiểu và dễ nhớ, sẽ làm khởi dậy niềm tịnh lạc và xúc động và bộ kinh này được truyền lại đến chúng tôi do bởi truyền thống. Trong khi các ngài làm khởi dậy niềm tín lạc và xúc động trong các ngài như vậy, xin hãy chuyên chú lắng nghe. Thuở xưa, bậc chiến thắng của chúng ta trông thấy đức Chánh biến tri Nhiên đăng (Dīpaṃkara), đã phát nguyện thành Phật hầu có thể giải thoát thế gian ra khỏi điều ác khi ngài đã đảnh lễ dưới chân đức Chánh biến tri ấy và các vị Chánh biến tri khác như đức Kiều-trần-như (Koṇḍañña), bậc hiền trí Ma-giá-lá (Maṇgala) Tu-ma-na (Sumana), đức Chánh biến tri Ly-bà-đa (Revata), đại Sa-môn Tô-tỳ-đa (Sobhi-ta), đức Tối thắng Bạch liên (Padumuttara) và đức Như Lai Thiện Tuệ (Sumedha), đức Thiện sanh (Su-jāta), đức Hỉ kiến (Piyadassī) và bậc đạo sư Lợi kiến (Atthadassī), và đức Pháp kiến (Dhammadassī) và đức Tất-đạt-đa (Siddhaddha), đức Ðế-sa (Tissa) và bậc Chiến thắng Phất-sa Phật (Phussa), đức Tỳ-bà-thi (Vipassī) và đức Chánh biến tri Thi-khí (Sikhi), đức Chánh biến tri Bì-xá-phù (Vessabhu), bậc Vĩ đại, đức Chánh biến tri Câu-lâu-tôn (Kakusandha), đức Câu-na-hàm-mu-ni (Koṇāgamana) và đức Thế tôn Ca-diếp, khi đã làm lễ dưới chân hai mươi bốn vị Chánh biến tri này, được các ngài thọ ký thành Phật trong tương lai, Ngài, bậc Ðại anh hùng, khi đã thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật và đạt đến sự giác ngộ tối thượng, Ðức Phật tối thượng Gotama đã giải thoát cho thế gian khỏi đau khổ. Tại Ưu-lâu-tần-la (Uruvelā), trong nước Ma-kiệt-đà, bậc Ðại Sa-môn, khi đang ngồi dưới cội cây bồ đề, chứng đắc tối thượng giác vào ngày rằm của tháng tư âm lịch (Vesākhā). Ngài lưu lại trong đó bảy tuần, làm chủ các căn của ngài, trong khi đó ngài tự mình hưởng thọ sự an lạc tột bậc của pháp giải thoát và sau đó đem lại hạnh phúc của pháp giải thoát ấy đến cho những kẻ khác. Rồi ngài đi đến Ba-la-nại (Bārāṇasī) và lăn bánh xe diệu pháp; và trong khi ngài trú ngụ ở đó suốt những tháng của mùa mưa, ngài thuyết pháp đến sáu chục người và an trú họ trong đạo quả a-la-hán. Khi ngài đã sai những vị Tỳ khưu này ra đi để hoằng dương chánh pháp và khi ngày đã tiếp độ cho ba mươi người bạn trong hội chúng của Bạt đà (Bhadda) khi ấy ngài trú ngụ tạo Ưu-lâu-tần-la suốt mùa mưa, để hóa độ cho một ngàn vị đạo sĩ tóc búi do đạo sĩ Ca-diếp (Kassapa) dẫn đầu, khiến cho pháp giải thoát trong họ được chín muồi. Bây giờ xét thấy rằng lễ đại tế tự do Ưu-lâu-tần-la Ca-diếp đứng ra tổ chức đã gần kề, và vì ngài thấy rằng vị đạo sĩ này hoan hỷ để ngài ra đi, nên đức Thế tôn, Bậc chiến thắng kẻ thù bèn đi khất thực ở Bắc Cu-lộ-châu, và khi ngài đã độ thực gần hồ A-nâu-đạt-trí (Anotatta), vào tháng thứ chín sau khi ngài thành Phật, nhằm ngày rằm của tháng mười hai (âm lịch, Báo-sa-nguyệt), tự thân ngài ra đi đến đảo Tích Lan (Laṇka) để làm thanh tịnh xứ Tích Lan. Vì bậc chiến thắng đã biết xứ Tích Lan là nơi để giáo pháp của ngài chiếu sáng trong vinh quang rực rỡ; và ngài biết rằng xứ Tích Lan có nhiều Dạ-xoa, và những Dạ-xoa ấy trước hết phải bị đuổi đi khỏi xứ Tích Lan. Và ngài cũng biết rằng ở giữa đảo Tích Lan này, trên bờ sông xinh đẹp, trong khu rừng Ðại Long Lâm viên (Mahānāga) khả ái, dài ba do tuần và rộng một do tuần, có một đại chúng Dạ-xoa đang trú ngụ trên đảo này. Ðức Thế Tôn đi đến đại chúng Dạ-xoa này, và ở đó giữa đại chúng ấy, khi đứng lơ lửng trong không trung ở trên đầu của chúng, chỗ ấy về sau gọi là Ðại Hằng giang bảo tháp (Mahiyaṇganathūpa), ngài làm cho chúng kinh hãi bằng cách tạo ra mưa bão, bóng tối vân vân. Những Dạ-xoa đầy khiếp đáp, bèn cầu xin bậc Chiến thắng vô úy giải thoát cho chúng khỏi những nỗi sợ hãi, và bậc chiến thắng, bậc đoạn trừ sợ hãi, nói với những Dạ-xoa bị kinh hãi như vậy: "này các Dạ-xoa, Như Lai sẽ xua tan nỗi sợ hãi khổ ưu này của các ngươi, nhưng các ngươi phải đồng lòng cho ta một chỗ khả dĩ ta có thể ngồi." Các Dạ-xoa đáp lời đức thế tôn như vầy: "Bạch đức thế tôn, chúng tôi sẽ cho ngài ngay cả đảo này của chúng tôi. Hãy giải thoát cho chúng tôi khỏi nỗi sợ hãi." Rồi sau đó, khi ngài đoạn trừ nỗi kinh hãi trong chúng, cơn lạnh buốt và bóng tối, và đã trải tấm da của ngài trên đất mà chúng đã dâng đến ngài, bậc chiến thắng, khi ngồi ở đó, khiến cho tấm tọa cụ giãn rộng ra, trong khi đó quanh tấm tọa cụ là ngọn lửa đang cháy rực Bị đe dọa bởi sức nóng của ngọn lửa đang cháy và đầy nỗi kinh hoàng, chúng đứng quanh ở ngoài đường ranh. Rồi bậc giải thoát khiến cho sơn đảo (Giridīpa) đến đây gần với chúng, và khi chúng đã dị định cư ở đó, ngài thân tấm tọa cụ ấy trở lại chỗ cũ của nó. Rồi bậc giải thoát xếp lại tấm tọa cụ bằng da của ngài, Chư thiên cu hội và trong hội chúng ấy, bậc Ðạo sư thuyết giảng chánh pháp đến họ. Có nhiều loại chúng sanh tỏ ngộ chánh pháp, chúng sanh quy y tam bảo và thọ trì ngũ giới không xiết kể. Vị thiên tử Ðại Tu-ma-na (Mahāsumanā) ở trên núi Tu-ma-na-cứu-la (Sumanakūṭa), đã chứng đắc quả thánh Tu-đà-huờn, muốn xin bậc Ứng cúng một cái gì đó của ngài để tôn thờ. Bậc chiến thắng, bậc đem lại lợi ích cho chúng sanh, bậc có mái tóc màu đen huyền và thuần khiết, đưa tay lên đầu của ngài và ban cho vị thiên tử kia một nắm tóc của ngài. Và vị thiên tử kia, khi thọ nhận nắm tóc này trong một cái hủ bằng vàng sáng chói, khi vị ấy đã đặt những sợi tóc ấy trên đống châu ngọc đa sắc có chu vi bảy hắc tay, đống châu ngọc ấy được chất chồng ở chỗ bậc đạo sư đã ngồi, trùm lên đống châu ngọc bằng một bảo tháp được làm bằng ngọc bích và tôn thờ những sợi tóc ấy. Khi Ðức Chánh biến tri đã viên tịch, vị trưởng lão tên là Sa-la-phù (Sarabhu), là đệ tử của trưởng lão Sāriputta, đã dùng thần thông của mình nhận lấy một cánh xương đòn của bậc Chiến thắng ngay trên hỏa đài và đem cánh xương ấy đến đảo Tích Lan này, và cùng với những vị Tỳ khưu đứng quanh vị ấy, tại đó trưởng lão đã tôn trí xương ấy vào trong cùng bảo tháp ấy, phủ lên xương ấy bằng những viên sỏi màu vàng, rồi sau đó vị trưởng lão ấy, sau khi đã làm cho bảo tháp ấy cao mười hai hắc tay, bèn trở về lại. Ðứa con trai của người anh (em) của vua Thiên ái Đế-tu (Devānampiyatissa), tên là Uddhacūḷābhaya, trông thấy bảo tháp kỳ diệu ấy và lại đắp lên nó và làm cho bảo tháp ấy cao ba mươi hắc tay. Vua Duṭṭhagāmaṇi, khi đang trú ngụ ở đó trong thời gian đánh nhau với những người Ðà-mi-la (Damiḷa), đã cho xây dựng một lớp bọc ngoài bảo tháp ấy cao tám mươi hắc tay. Bảo tháp Ðại-hằng-giang được hoàn thành như thế. Khi Ngài đã làm cho đảo của chúng ta trở thành chỗ thích hợp cho loài người trú ngụ, bậc lãnh đạo vĩ đại, dũng cảm như các bậc đại anh hùng, bèn trở lại Ưu-lâu-tần-la. CUỘC VIẾNG THĂM ÐẾN ÐẠI HẰNG GIANG (MAHIYAṆGAṆA) CHẤM DỨT Ở ÐÂY. * Bây giờ Bậc Ðạo Sư có lòng Ðại bi, Bậc chiến thắng, đang hoan hỷ cứu độ toàn thế gian, khi đang ngụ ở Jetavana vào năm thứ năm sau khi ngài thành Phật, thấy rằng một cuộc chiến tranh, gây ra bởi chiếc ngai vàng bằng ngọc, gần như sắp xảy ra giữa hai vị rồng Ðại phúc Long vương (Mahodara) và Tiểu phúc (Cūlodara), là hai cậu cháu và những tùy tùng của họ và Ngài, Ðức Chánh biến tri, vào lúc sáng sớm của ngày bố-tát uposatha thuộc tháng Chất-đa (Citta) hạ huyền (tức ngày ba mươi tháng ba âm lịch), do lòng bi mẫn đối với các vị rồng, đã mang y và bát và tìm đến đảo rồng (Nāgadīpa, ở miền tây bắc của nước Tích Lan). Lúc bấy giờ chính Ðại phúc Long vương là vua, có năng lực thần thông, ở tại cõi rồng trong đại dương, rộng năm trăm do tuần. Em gái của vị Long vương này kết hôn với một vị Long vương khác ở núi Kaṇṇāyaddhamāna; con trai của nàng là tiểu phúc. Ông ngoại của vị rồng này đã cho mẹ của vị ấy một chiếc ghế bằng châu ngọc sáng chói, sau đó vị rồng kia chết và do vậy cuộc chiến tranh này của người cháu và ông cậu thật đáng sợ; và các vị rồng trên ngọn núi cũng trang bị khí giới bằng năng lực thần thông. Vị chư thiên tên là Tam-di-đề-tu-ma-na (Samiddhisumana) mang cây Vương xứ thọ (Rāja-yatana) đang mọc ở Jetavana (Kỳ viên), là chỗ ngụ khả ái của vị ấy, và khi cầm nó như một chiếc lọng che cho bậc Chiến thắng, vị ấy ra đi cùng với bậc đạo sư, hầu ngài đến chỗ mà trước kia vị ấy đã trú ngụ tức là (Nāgadīpa). Trong kiếp gần nhất, chính vị chư thiên ấy đã sanh làm người tại đảo-rồng (Nāgadīpa), tại chỗ mà sau này có cây Vương xứ thọ mọc lên, vị ấy trông thấy Phật Ðộc giác đang thọ thực. Và khi trông thấy cảnh tượng này, tâm của vị ấy rất vui sướng và dâng các ngài những nhánh cây để chùi bát. Do đó người đàn ông này được tái sanh trong cây ấy ở trong khu vườn kỳ-viên khả ái, và về sau cây ấy đứng ở bên ngoài cổng chùa có lỗ châu mai, vị chúa của chư thiên thấy rằng đây là lợi ích cho vị chư thiên ấy, và vì lợi ích sẽ sanh lên cho xứ sở của chúng ta, bèn đem vị chư thiên ấy đến xứ Tích Lan này cùng với cây Ðại thọ ấy. Khi đứng lơ lửng ở đó trong không trung bên trên của bãi chiến trường, bậc Ðạo sư, là Bậc đoạn trừ vô minh, đã tạo ra bóng tối bao trùm các vị rồng. Rồi để thoa dịu những kẻ đang kinh hoàng khiếp đảm, một lần nữa ngài lại tỏa rộng ánh sáng. Khi họ trông thấy Ðức Thế tôn, họ vui sướng làm lễ dưới chân Ngài. Rồi bậc Chiến thắng thuyết cho họ pháp đem lại sự hòa hợp. Sau đó cả hai vị rồng ấy hoan hỷ dâng chiếc ngai vàng ấy đến bậc Sa-môn. Khi bậc đạo sư đã đáp xuống trên cát, đã ngồi vào chiếc ngai ở đó, và đã được làm thỏa mãn bằng đồ ăn và thức uống của chư thiên do các vị Long vương dâng đến ngài, Ðức Thế tôn bèn an trú cho tám mươi loại koṭi rồng trong tam qui và ngũ giới, họ là những vị rồng trú ngụ ở trong đại dương và trên đất khô. Vị Long vương Ma-ni-nhãn (Maṇiakkhike) ở sông Ca-lê-gia-ni (Kalyānī), đối với Ðại phúc Long vương là anh của mẹ, đã đến đó để tham chiến, và lần trước khi đức Phật đi đến lần đầu tiên, sau khi đã nghe đức Phật thuyết giảng chánh pháp, vị ấy được an trú trong tam qui và ngũ giới, bây giờ cầu xin đức Như Lai rằng: "Ôi bậc đạo sư! Lòng bi mẫn của ngài đối với chúng con thật là vĩ đại! Nếu ngài không xuất hiện thì chúng con sẽ bị thiêu đốt ra tro bụi rồi. Cầu xin lòng bi mẫn của ngài hãy soi sáng cho riêng con nữa. Ôi ngài, bậc có lòng từ quảng đại, cầu mong ngài hãy đến đây một lần nữa trong xứ sở của con, hỡi đấng vô song". Khi đức Thế tôn nhận lời đi đến đó bằng sự im lặng của ngài, Ngài trồng cây Vương xứ thọ ở trên chính chỗ ấy để làm chỗ kỷ niệm thiêng liêng, và Ðức Thế tôn của tam giới trao cây Vương xứ thọ và chiếc ghế ngồi bằng bảo ngọc đến các vị Long vương để họ kính ngưỡng. "Khi nhớ rằng Như Lai đã từng xử dụng những thứ ngày, hỡi các Long vương? Hãy tôn kính đến thứ ấy. Ðiều này, rất đáng ưa thích, sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho các người". Khi đức thế tôn đã ban bố lời này và những lời khuyến giáo khác, Ngài, Bậc cứu rỗi đầy lòng bi mẫn của tất cả thế gian, bèn trở về Kỳ viên. CUỘC VIẾNG THĂM ÐẢO RỒNG (NĀGA-DĪPA) CHẤM DỨT Ở ÐÂY * Vào năm thứ ba sau đó, vị Long vương Ma-ni-nhãn tìm đến đức Chánh biến tri và thỉnh mời ngài cùng với chúng Tỳ khưu. Vào năm thứ tám sau khi ngài chứng đắc quả Phật, khi bậc chiến thắng đang ngụ ở Kỳ viên, Bậc Ðạo Sư ra đi cùng với năm trăm vị Tỳ khưu, vào ngày thứ hai của tháng Vesākha xinh đẹp, nhằm lúc trăng tròn và khi giờ thọ thực đã được công bố, Bậc Chiến Thắng, chúa tể của các bậc trí tuệ, cùng với chúng Tỳ khưu khi mặc vào chiếc y ngài và mang bát, bèn đi cùng với chúng Tỳ khưu đi đến vùng Ca-lê-gia-ni (Kalyānī), là chỗ ở của Long vương Ma-ni-nhãn. Dưới cái lọng có cẩn những viên ngọc được che trên chỗ mà sau này bảo tháp Ca-lê-gia-ni được dựng lên, cùng với chúng Tỳ khưu, Ngài chọn chỗ ngồi của ngài trên chiếc ngai bằng ngọc và vị Long vương với tùy tùng của vị ấy rất hoan hỷ cúng dường vật thực chư thiên gồm cả loại cứng và loại mềm, đến đấng Pháp Vương, bậc Chiến Thắng, với tăng chúng của ngài. Khi bậc đạo sư, bậc có lòng bi mẫn đối với toàn thể thế gian, đã thuyết pháp ở đó, Ngài, Bậc Ðạo sư bèn đứng dậy, và để lại những dấu chân của ngài hiện rõ trên xứ Tu-ma-na-cứu-la (Sumanakūṭa), và khi ngài đã trải qua thời gian của ngài đến thỏa thích dưới chân núi, ngài cùng với chúng Tỳ khưu lên đường đi đến Trường-trì (Dīghavāpi). Và ở đó bậc Ðạo sư cùng với chúng Tỳ khưu ngồi ở chỗ mà sau này có dựng lên bảo tháp, và nhập vào đại định, để thánh hóa chỗ ấy rồi Bậc Ðại Sa-môn đứng dậy khỏi chỗ ấy, và khi biết rõ những chỗ nào thích hợp và những chỗ nào không thích hợp, Ngài đi đến chỗ mà sau này gọi là Ma-ha-ni-già Lâm viên (Mahānegha-vanārāma), sau khi ngài ngồi cùng với chúng đệ tử của ngài ở chỗ mà sau này có cây bồ đề, bậc Ðạo sư nhập vào đại định, và cũng như thế ở chỗ mà về sau có Đại bảo tháp (Mahāthūpa) và cũng tại chỗ mà sau này có dựng lên bảo tháp trong tịnh xá Tháp viên (Thūpārāma). Rồi khi ngài đã xuất định, Ngài đi đến chỗ về sau là bảo tháp Sīlācetiya (thạch tháp), và sau khi Bậc lãnh đạo tăng già thốt lên lời khuyến giáo đến thiên chúng, Ngài, bậc giác ngộ, người đã đi qua tất cả các con đường giác ngộ, bèn trở về Kỳ viên. Như vậy bậc đạo sư có trí tuệ vô biên, khi thấy trước sự cứu rỗi cho xứ Tích Lan, trong thời gian về sau, và cũng biết rõ trong thời gian ấy sẽ có lợi ích cao tột cho những hội chúng A-tu-la và rồng, tại Tích Lan, đã đến viếng thăm hải đảo xinh đẹp này trong ba lần, ngài, bậc có lòng bi mẫn khai ngộ cho thế gian; do đó hải đảo này sáng chói bằng ánh sáng của chánh pháp đã trở thành thánh địa đối với những tín đồ mộ đạo. CUỘC VIẾNG THĂM CA-LÊ-DA-NI Chương thứ nhất, được gọi là "Cuộc viếng thăm của Ðức Như Lai", trong bộ Ðại vương thống sử (Mahāvaṃsa), được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những người mộ đạo, chấm dứt ở đây. -ooOoo- CHƯƠNG II DÒNG DÕI CỦA MAHĀSAMMATA Xuất thân từ dòng dõi của vua Mahāsammata là bậc Ðại Sa-môn. Vì trong thời kỳ mở đầu này của thế giới có một vị vua tên là Mahāsammata, và hai vị vua là Roja và Varayoja, và hai vị vua mang tên Kalyāṇaka (là Kalyāna và Varakalyāna), Uposatha và Mandhātā và hai vị, Caraka và Upacara, Cetiya và Mucala và người mang tên Mahāmucala, Ruca-linda và Sāgara và người mang tên Sāgaradeva; Bharata và Aṅgīrasa, Ruci và Suruci nữa, Patāpa và Mahāpatāpa và hai vị Panāda nữa, Sudassana và Neru, hai và hai (nghĩa là Panāda và Mahāpanāda, Sudassana và Mahāsudassana, Neru và Mahānesu); lại thêm Accimā. Những đứa con trai và những đứa cháu nội của vị ấy, hai mươi tám vị hoàng tử này có mạng sống lâu dài không tính được, sống tại Kusā-vātī, Rājagaha và Mithilā. Rồi theo sau là một trăm vị vua, rồi đến năm mươi sáu, rồi đến sáu mươi, tám mươi bốn nghìn, rồi đến ba mươi sáu nữa, ba mươi hai, hai mươi tám, rồi hai mươi tám nữa, mười tám, mười bảy, mười lăm, mười bốn, chín, bảy, mười hai rồi lại mười hai, và lại chín và tám mươi bốn ngàn dẫn đầu là Makhādera, và lại thêm tám mươi bốn ngàn dẫn đầu là Kalārajanaka; và mười sáu cho đến Okkāka; những vị vua nối dòng này của Mahā-sammata trị vì trong những nhóm theo thứ bậc của họ, mỗi vị ở trong một kinh đô riêng. Hoàng tử Okkāmukha là con trai đầu của vua Okāka; Nipuna, Candimā, Candamukha, và Sivi-saṃjaya, đại vương Vessantara, Jāli Sīhavāhana và Sīhassara; đây là những người con và cháu của vị ấy. Tính ra có tám mươi hai ngàn con và cháu của vua Sīhassara; Jayasena là người cuối cùng trong bọn họ. Họ được biết đến là những vị vua Sakya ở thành Kapilavatthu. Ðại vương Sīhahana là con trai của vua Jayasena, và con gái của Jayasena tên là Yaso-dharā. Ở Devadaha có một vị hoàng tử tên là Devadahassakka, hai người con của vị ấy Añjana và Kaccānā. Kaccānā là đệ nhất chánh hậu của Sīha-hanu, nhưng hoàng hậu của Añjana là Yasodharā. Añjara có hai người con gái là Māyā và Pajāpātī, và cũng có hai người con trai nữa là Daṇḍapāni và Suppabuddha. Nhưng Sīhahanu thì có năm người con trai và hai người con gái là: Suddhodana, Dhoto-dana, Sakka, Sukka, và Amitodana, Amitā và Pamitā; đây là năm đứa con trai và hai người con gái. Bà chánh hậu của Sakka Suppabuddha là Āmitā; bà có hai đứa con là: Bhaddakaccānā và Devadatta. Mayā và Pajāpātī và những hoàng hậu của Suddhodana, và người con trai của đại vương Suddhodana và Mayā là bậc chiến thắng của chúng ta. Từ dòng dõi này của Mahā Sammata, nối tiếp như vậy, không bị gián đoạn, có sanh lên bậc Ðại Sa-môn, là người đứng đầu trong tất cả những người thuộc dòng cao quí vua chúa. Bà chánh hậu của hoàng tử Siddhatha, tức bồ-tát, là Bhaddakaccānā; con trai của bà là Rāhula. Bimbisāra và hoàng tử Siddhatha là đôi bạn, và phụ vương của hai người là đôi bạn. Bồ tát lớn hơn Bimbisārā năm tuổi. Vị ấy ra đi khỏi hoàng cung lúc hai mươi chín tuổi. Khi ngài đã phấn đấu khổ hạnh trong sáu năm và sau đó chứng đắc Nhất thiết trí, ngài viếng thăm Bimbisāra, lúc ấy ngài được ba mươi lăm tuổi. Vua Bimbisāra, người có giới đức được phong vương vào lúc mười lăm tuổi và mười sáu năm đã trôi qua kể từ khi vị ấy lên ngôi vua, Bậc đạo sư thuyết giảng giáo pháp của ngài, Ðức vua cai trị được năm mươi hai năm; mười lăm năm trôi qua trước khi gặp bậc chiến thắng, tuy nhiên ba mươi bảy năm trị vì còn lại vị ấy thực hành theo giáo pháp của đức Tathāgata (Như Lai). Ðứa con trai của Bimbisāra, là kẻ cuồng dại Ajātasatu, đã trị vì ba mươi hai năm sau vị ấy, là kẻ phản bội, đã giết cha mình. Vào năm thứ tám của Ajātasattu, bậc Ðại Sa-môn nhập đại Niết-bàn và sau đó vị ấy, tức là Ajatasattu, vẫn còn trị vì thêm hai mươi bốn năm nữa. Ðức Tathāgata, người đã đạt đến đỉnh cao của tất cả ân đức, từ bỏ thọ mạng của ngài, mặc dầu tự tại giải thoát, cũng phải đi vào quyền lực vô thường. Người ta suy xét pháp vô thường đem lại sự khiếp đảm sẽ đạt đến sự, chấm dứt đau khổ. Ở đây chấm dứt chương hai, được gọi là: "Dòng dõi của Mahāsammata", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những người mộ đạo. -ooOoo- CHƯƠNG III CUỘC KIẾT TẬP LẦN THỨ NHẤT Khi bậc chiến thắng, Bậc Vô song, bậc có ngũ nhãn đã sống đến tám mươi bốn tuổi và đã làm tròn tất cả những phận sự của Ngài trong thế gian về tất cả mọi phương diện, sau đó tại Kusimaara trong vùng đất thiên giữa hai cây Sala, vào ngày rằm của tháng Vesākha, ánh sáng của thế gian bị diệt tắt. Các vị Tỳ khưu số lượng không kể xiết, đã cu hội ở đó và những vị Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn Vessa và Sudda và chư thiên nữa, trong số đó có bảy trăm ngàn vị Tỳ khưu lãnh đạo, trưởng lão Mahākassapa lúc bất giờ là Sanghatthera (Tăng trưởng). Khi đã thực hành tất cả mọi nghi thức xứng đáng với nhục thân của bậc đạo sư và xá lợi của ngài, vị đại trưởng lão, vì muốn giáo pháp của ngài được tồn tại lâu dài, nên bảy ngày sau khi đức thế tôn, đấng Thập Lực đã viên tịch, khi chợt nhớ ra những lời nói ác của vị sư già Subhadda và cũng nhớ ra rằng Bậc Ðạo Sư đã cho trưởng lão chiếc y của ngài, và vì thế khiến cho trưởng lão ngang hàng với chính ngài, và cũng nhớ ra rằng Bậc Sa-môn đã yêu cầu thành lập chánh pháp và cuối cùng là sự đồng ý của đức Chánh biến tri đã hiện diện để cho phép kiết tập chánh pháp. Ðể thực hiện cuộc kiết tập này, ngài cũng đã chỉ định trước năm trăm vị Tỳ khưu tối thắng, là những bậc đã đoạn trừ các lậu hoặc, đứng ra tụng đọc lại chín phần giáo pháp, các ngài cũng đã thông suốt các chi phần riêng biệt của giáo pháp; nhưng chỉ có bốn trăm chín mươi chín vị do thiếu trưởng lão Ānada. Và trưởng lão Ānanda cũng được các vị Tỳ khưu thỉnh cầu nhiều lần nên đã quyết định tham dự với các vị Tỳ khưu này trong cuộc kiết tập giáo pháp vì không có trưởng lão Ānanda thì không thể được. Khi những vị trưởng lão này có lòng bi mẫn đối với toàn thể thế gian đã trải qua nửa tháng bảy ngày làm lễ trà tỳ và bảy ngày làm lễ cúng dường xá lợi và đã quyết định như vầy: "Khi trải qua mùa mưa tại Rājagaha, chúng ta sẽ thực hiện cuộc kiết tập chánh pháp. Những vị Tỳ khưu khác không được phép trú ở đó", và khi các ngài đã đi hành hương khất thực khắp xứ Jampudīpa, làm nguôi ngoai cho những người đang sầu khổ ở chỗ này chỗ kia, các ngài, khi đã khởi lên ước muốn mong cho thiện pháp được tồn tại lâu dài, trong thời gian của nửa tháng thượng huyền Āsāḷha (tháng sáu âm lịch) các ngài đi đến Rājagaha, là thành phố có đầy đủ bốn món vật dụng. Sau khi các vị trưởng lão, dẫn đầu là trưởng lão Mahākassapa, có giới đức bất động, quen thuộc bới tâm của Ðức Chánh biến tri, đã đến tại vương xá thành để an cư kiết hạ ở đó, trong tháng đầu của ba tháng mùa mưa các ngài bận rộn sửa soạn tất cả chỗ ngụ, khi các ngài đã công bố trước điều này với Ajātasattu. Khi công việc sắp xếp sửa soạn tịnh xá đã xong, các ngài bèn nói với vua rằng "bây giờ chúng tôi sẽ tổ chức cuộc kiết tập". Ðể trả lời câu hỏi rằng: "Cần phải làm gì" Các ngài đáp lại rằng: "Nên cho chúng tôi một chỗ để hội họp khi vua đã hỏi rằng: "những cuộc hội họp này sẽ được tổ chức ở đâu?" và các ngài đã chỉ chỗ ấy, rồi đức vua tức tốc xây dựng lên một giảng đường nguy nga tráng lệ ở một bên của ngọn núi đá Vebhāra tại lối vào Thạch động Sattapaṇṇi, và giảng đường ấy giống như giảng đường của chư thiên. Khi giảng đường được trang hoàng đầy đủ, vua sai trải những tấm thảm quí giá theo số lượng của những vị Tỳ khưu, có một bảo tọa cao quí được đặt ở phía nam xoay mặt về hướng bắc dành cho vị trưởng lão, và ở giữa giảng đường một chiếc ghế cao được sửa soạn dành cho vị tụng pháp (Dhamāsana), chiếc ghế này xoay về hướng đông và xứng với Ðức Thế tôn (Ðức Phật). Bởi vậy vua sai người trình bạch với các vị trưởng lão rằng, "công việc của con đã xong", và các vị trưởng lão nói với trưởng lão Ānanda, người đem lại hoan hỷ, rằng "này Ānanda, ngày mai hội chúng sẽ cu hội; hiền giả không nên tham dự trong cuộc họp ấy, bởi vì hiền giả vẫn còn là bậc hữu học (Sekha), do đó hiền giả hãy phấn đấu không mệt mỏi trong thiện pháp. "Khi bị thúc nhục như vậy, trưởng lão dốc hết tinh tấn và chứng đạt đạo quả A-la-hán mà không ở trong một oai nghi nào của bốn oai nghi. Vào ngày thứ hai của tháng thứ hai của mùa mưa, các vị Tỳ khưu cu hội trong giảng đường nguy nga tráng lệ ấy khi để trống một chỗ thích hợp dành cho Ānanda, các vị A-la-hán ngồi vào những chiếc ghế của họ, theo thứ bậc. Trưởng lão Ānanda, vì muốn cho các ngài biết rằng trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán nên không đi đến đó chung với các ngài. Nhưng khi một số vị hỏi rằng: Trưởng lão Ānanda ở đâu? khi bay lên khỏi đất đi xuyên qua hư không trưởng lão Ānanda đã ngồi vào chỗ ngồi dành cho mình. Các vị trưởng lão đồng lòng chọn trưởng lão Upāli đảm nhiệm tạng Luật (Vinaya), các ngài chọn trưởng lão Ānanda đảm nhiệm phần còn lại của giáo pháp (Dhamma). Ðại trưởng lão Mahaakassapa tự mình đảm nhận công việc cật vấn những câu hỏi liên quan đến tạng Luật và trưởng lão Upāli sẵn sàng giải thích. Khi ngồi trên chiếc ghế của vị trưởng lão, trưởng lão Mahākassapa hỏi trưởng lão Upāli những câu hỏi về tạng Luật và trưởng lão Upāli, khi ngồi trên chiếc ghế của vị tụng pháp, trình bày vấn đề đã được hỏi. Và khi vị trưởng lão tối thắng về tạng Luật này trình bày mỗi điều khoản, lần lượt tất cả các vị Tỳ khưu rành luật, đều tụng lại điều khoản ấy theo sau trưởng lão. Rồi trưởng lão Mahākassapa tự đứng ra đảm nhận công việc cật vấn những câu hỏi liên quan đến pháp (Dhamma) đến người tối thắng nhất trong những vị Tỳ khưu thông suốt Phật-ngôn thường xuyên nhất, người giữ kho tàng Chánh pháp cho Bậc Ðại Sa-môn (Ðức Phật); và trưởng lão Ānanda, khi đứng ra đảm nhận trọng trách, ngồi vào chiếc ghế của vị tụng pháp, trình bày toàn thể giáo pháp (Dhamma). Và tất cả những vị trưởng lão rành mạch tất cả những gì trong giáo pháo lần lượt tựng theo sau bậc Sa-môn của xứ Videha. Như vậy trong bảy tháng cuộc kiết tập Dhamma (giáo pháp) đem lại sự cứu rỗi cho toàn thể thế gian đã được hoàn thành do bởi những vị trưởng lão nhất quyết đem lại sự cứu rỗi cho toàn thể thế gian. "Trưởng lão Mahākassapa đã làm cho Bức thông điệp của Ðức Phật được tồn tại năm trăm năm", vào lúc kết thúc cuộc kiết tập, vui mừng với ý nghĩ này, quả đất, được bao quanh bởi đại dương, đã chấn động đến sáu lần và nhiều hiện tượng kỳ diệu cũng hiển lộ trong thế gian bằng nhiều cách. Bấy giờ xét thấy rằng Tam tạng đã được kiết tập bởi những vị trưởng lão nên được gọi là truyền thống của trưởng lão. Những vị trưởng lão sau khi đã thực hiện cuộc kiết tập lần thứ nhất và nhờ đó đem lại an lạc to lớn cho thế gian, sau khi đã sống hết thọ mạng của các ngài, tất cả đều nhập Niết bàn. Cũng vậy, những vị trưởng lão đã đẩy lùi bóng tối bằng ánh sáng của tuệ quán, những ngọn đèn vĩ đại đang chiếu sáng ấy chinh phục bóng tối của thế gian, cũng đã bị cơn bão hãi hùng của thần chết dập tắt rồi. Do đó bậc có trí tuệ hãy quyết tâm từ bỏ hỷ lạc của đời sống. Ở đây chấm dứt chương thứ ba, được gọi là "Cuộc kiết tập lần thứ nhất", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những người mộ đạo. -ooOoo- CHƯƠNG IV CUỘC KIẾT TẬP LẦN THỨ HAI Khi đứa con trai Udayabhaddaka của Ajātasattu đã giết chết cha của mình, vị vua này, là kẻ phản bội trị vì được mười sáu năm. Con trai của Udayabhaddaka, là Anuruddhaka, cũng giết chết cha của mình và con trai của Anuruddhaka tên là Muṇḍa cũng làm như thế. Những kẻ phản bội ngu si, hai người con này trị vì vương quốc; dưới triều đại của hai vị vua này tám năm đã trôi qua. Ðứa con trai của Muṇḍa là Nāgadāsaka đã giết chết cha của mình và sau đó kẻ làm ác kia trị vì hai mươi bốn năm. Rồi dân chúng phẫn nộ nói rằng, "đây là một triều đại của những kẻ giết cha", và khi họ đã trục xuất vua Nāgadāsaka rồi, họ tụ họp lại và vì vị quan được biết đến qua cái tên là Susunāga tỏ ra xứng đáng, nên họ tôn phong vị quan này lên làm vua, là người biết quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người. Vị ấy làm vua trị vì được hai mươi tám năm. Vào cuối của năm thứ mười dưới triều đại của vua Kākāsoka thì một thế kỷ đã đi qua từ lúc Ðức Chánh biến tri nhập Niết bàn. Lúc bấy giờ tại Vesāli có nhiều vị Tỳ khưu thuộc bộ tộc Vajjī đã không biết xấu hổ mà giảng dạy mười điều cho là hợp pháp, đó là, "muối đựng trong cái sừng", "bề rộng của hai ngón tay", "việc đi vào làng", "sự trú ngụ", "sự đồng ý", "noi gương theo", "sữa chua được đánh lên", "rượu thốt nốt chưa lên men", "tọa cụ không có viền", "vàng bạc vân vân". * MƯỜI ÐIỀU SỬA ÐỔI CỦA NHỮNG TỲ KHƯU VAJJI (1) Siṅgilonakappa, điều lệ bỏ muối vào trong cái ống bằng sừng, để gia vị cho những loại vật thực không có muối, khi đã thọ lãnh. (2) Dvaṅgulakappa, điều lệ thọ thực trong bữa ăn trưa ngay cả sau giờ quy định, chừng nào bóng của mặt trời chưa xế quá hai ngón tay bề rộng. (3) Cāmantarakappa, điều lệ cho phép đi vào làng sau bữa ăn, và ở đó ăn nữa, nếu được mời. (4) Āvāsakappa, điều lệ cho phép những vị Tỳ khưu ở trong cùng một vùng (district) làm lễ phát lồ (uposatha) riêng. (5) Anumatikappa, được phép làm tăng sự trong điều kiện số tăng hội bị thiếu, giả sử rằng sau này được sự đồng ý của những vị Tỳ khưu vắng mặt. (6) Ācinnakappa, điều lệ cho phép làm một điều gì đó do bởi sự thực hành của ông thầy hòa thượng. (7) Āmatikappa, được dùng sữa chưa đánh lên ngay sau giờ ăn. (8) Jalogikappa, được uống rượu thốt nốt chưa lên men. (9) Adasakaṃ nisīdanaṃ, được dùng tọa cụ không cần có kích thước đã qui định, nếu những tọa cụ ấy không có viền. (10) Jātarūparajataṃ, được thọ lãnh vàng và bạc. * Khi điều này đến tai của trưởng lão Yasa, là con trai của vị Bà-la-môn Kākaṇdaka, là vị trưởng lão có lục thông, khi đang đi du hành trong xứ Vajji, ngài đi đến tịnh xá Mahāvana với quyết định ổn định lại vấn đề. Trong nhà làm lễ phát lồ, những vị Tỳ khưu ấy đã đặt một bình nước bằng kim loại và để đầy nước rồi nói với những người cận sự rằng: "hãy cho chư tăng những Kahāpana (những đồng tiền vàng) v.v...". Trưởng lão bèn ngăn cấm họ bằng những lời này "Ðiều này là phi pháp, đừng cho gì cả!" rồi họ hăm dọa trưởng lão bắt sám hối gọi là sám hối những người cư sĩ (Paṭisaranakamma). Trưởng lão yêu cầu một vị sư đi chung cho có bạn và đi với vị sư ấy vào thành phố để công bố với dân chúng rằng sự giảng dạy của ngài là phù hợp với pháp (dhamma). Khi các vị Tỳ khưu nghe qua điều mà vị sư đi chung với trưởng lão Yasa đã phải nói ra, họ bèn đi đến để lôi vị ấy ra và bao vây quanh nhà của trưởng lão. Trưởng lão rời khỏi ngôi nhà ấy, bay bổng lên và đi xuyên qua hư không, rồi khi ngừng lại ở Kosambi, trưởng lão lập tức sai những người đem tin đến những vị Tỳ khưu ở Pāvā và Avanti, còn chính trưởng lão thì ngài đi đến núi Ahogaṅga và kể lại tất cả mọi chuyện với trưởng lão Saṃbhūta Sāṇavāsi. Sáu mươi Ðại trưởng lão từ Pāvā và tám mươi vị từ Avanti, tất cả đều đã thoát khỏi các lậu hoặc, cùng nhau cu hội trên núi Ahogaṅga. Những vị Tỳ khưu đã đến cu hội ở đây từ khắp mọi nơi, tất cả có chín chục ngàn vị. Khi tất cả các ngài đều bàn bạc với nhau và khi biết vị trưởng lão đa văn Revata của xứ Soreyya là bậc đã đoạn trừ các lậu hoặc, là người lãnh đạo của các ngài trong thời gian bấy giờ, các ngài bèn đi khỏi đó để tìm vị trưởng lão ấy. Khi trưởng lão nghe được quyết định này bằng thiên nhãn của ngài, vì muốn ra đi dễ dàng, ngài bèn lập tức khởi sự chuyến đi bằng con đường đến Vesālī. Trải qua ngày này đến ngày khác, khi đến vào lúc chiều tại chỗ mà vị Sa môn đã ra đi vào lúc sáng, cuối cùng các vị trưởng lão cũng gặp ngài tại Sahajāti. Tại đó trưởng lão Yasa, khi đã được trưởng lão Saṃbhūta ta giao làm công việc, vào lúc cuối của thời tụng Phật ngôn, khi nói với trưởng lão Revata, đã hỏi vị ấy về mười quan điểm. Trưởng lão phủ nhận mười quan điểm ấy, và khi trưởng lão Yasa nghe qua lời phủ nhận ấy, ngài bèn nói rằng, "chúng ta hãy chấm dứt cuộc tranh luận này". Những vị Tỳ khưu tà kiến cũng vậy, để dành sự hậu thuẫn, bèn tìm đến trưởng lão Revata, sau khi sửa soạn nhiều vật dụng cần thiết dành cho Sa-môn, họ tức tốc xuống thuyền và đi đến Sahājāti, để ban bổ vật thực một cách dồi dào trong giờ thọ thực. Trưởng lão Sāḷha, người đã đoạn trừ các lậu hoặc, sống tại Sahajāti, khi đã suy xét về vấn đề ấy, biết được rằng, "những vị Tỳ khưu ở Pāvā thọ trì Chánh pháp" và vị đại phạm thiên đến gần vị trưởng lão và nói rằng, "ngài hãy đứng vững trong chánh pháp", và trưởng lão đáp lại rằng ngài vẫn thường đứng vững trong chánh pháp. Những vị Tỳ khưu Vajji, mang những vật dụng cần thiết mà họ đã đem đến để làm vật thí và tìm đến trưởng lão Revata, nhưng trưởng lão không đứng về phe họ và đuổi người đệ tử của mình đã theo phe họ. Từ đó họ đi đến Vesālī, những người không biết xấu hổ ấy đã đi từ đó đến xứ Pupphapura, và tâu lên vua Kākāsoka rằng, "để bảo vệ hương phòng của bậc Ðạo Sư của chúng tôi, chúng tôi trú ngụ ở trong tịnh xá Mahāvana trên dải đất Vajji; nhưng những vị Tỳ khưu trú ngụ ở miền quê đang đi đến, tâu đại vương, với ý nghĩ rằng: chúng ta sẽ dành lấy tịnh xá ấy cho chúng ta. Xin Bệ hạ hãy ngăn cấm họ!". Khi họ đã lừa dối đức vua như vậy rồi, họ trở về Vesālī. Ở đây tại Sahājāti có mười một trăm và chín chục ngàn vị Tỳ khưu đã cu hội dưới sự chủ tọa của trưởng lão Revata, để làm chấm dứt cuộc tranh luận một cách êm đẹp. Và trưởng lão không chịu kết thúc cuộc tranh luận trừ khi có sự hiện diện của những người gây nên xung đột; do đó các vị Tỳ khưu đi từ đó đến Vesālī. Vị vua lầm lạc cũng sai những quan thần đi đến đó, nhưng bị các vị chư thiên dẫn đi lạc đường nên họ đi đến một chỗ khác. Và vị hoàng đế này, khi đã cho họ đi rồi trong đêm ấy, nằm mộng thấy mình bị lôi vào địa Lohakumbhī. Ðức vua vô cùng kinh hãi, và để làm lắng dịu những nỗi sợ hãi của vị ấy, người em gái của vua, tên là Nandālā là vị trưởng lão ni đã thoát khỏi các lậu hoặc, bèn bay xuyên qua hư không và đi đến vị ấy. "Ðây quả thật là một điều ác mà bệ hạ đã làm! Bệ hạ hãy làm lành với những vị Tỳ khưu đáng kính này, là những bậc có chánh kiến. Khi đứng về phe họ, bệ hạ hãy bảo vệ chánh pháp của họ. Nếu bệ hạ làm như vậy, thì thật hữu phúc thay cho bệ hạ!" vị trưởng lão ni đã nói như vậy và sau đó biến mất, và vào lúc sáng sớm đức vua đi ngay đến Vesālī. Vị ấy đi đến tịnh xá Mahāvana, triệu tập tất cả các vị Tỳ khưu tại chỗ đó, và khi vua đã nghe qua những lời đã được nói ra bởi cả hai phe đối nghịch, và đã tự phân xử phần thắng cuộc, về chánh pháp, hơn nữa khi vị hoàng tử này đã làm lành với những vị Tỳ khưu chánh kiến và đã công bố rằng vị ấy đứng về phe chánh pháp, Vị ấy nói rằng: "các ngài hãy làm điều gì mà các ngài cho là thiện để bành trướng giáo pháp", và khi đức vua đã hứa làm người bảo vệ các ngài, vị ấy trở về kinh đô của mình. Sau đó chư tăng cu hội lại để quyết định những quan điểm ấy. Rồi, trong chúng Tỳ khưu, những lời nói vô cơ sở đã bị bác bỏ. Sau đó trưởng lão Revata đi vào giữa tăng chúng, quyết định giải quyết vấn đề dựa vào điều luật Ðoạn sự nhân (Ubbāhika). Ngài chỉ định bốn vị Tỳ khưu miền đông, và bốn vị Tỳ khưu từ Pāvā, để thực hiện Ubāhina là quyết định ngưng cuộc tranh luận. Sabbakāmi và Saṅha, một vị tên là Khujjasobhita, và Vāsabbagāmika, đây là những vị trưởng lão từ miền đông đến. Revata, Yama, con trai của Kākaṇḍaka và Sumana, đây là bốn vị trưởng lão từ Pāvā đến. Bấy giờ để quyết định những quan điểm ấy, tám vị trưởng lão đã thoát khỏi những lậu hoặc, đi đến chùa Vālikārāmā yên tịnh và vắng vẻ. Ở đó tại chỗ khả ái xinh đẹp được chàng trai Ajita sửa soạn dành cho các ngài, những vị trưởng lão đã trứ ngụ, họ là những người biết tâm của bậc Ðại Sa-môn vĩ đại nhất. Và đại trưởng lão Revata, rành mạch về câu hỏi, đã hỏi trưởng lão Sabbakāmi lần lượt mỗi điều trong những quan điểm ấy. Ðược hỏi như vậy, trưởng lão Sabbakāmi đưa ra lời quyết định như vậy: "tất cả những quan điểm này đều phi pháp đối với truyền thống". Và khi, các ngài đã kết thúc công việc của các ngài theo đúng thứ tự, các ngài làm lại tất cả bằng cách tương tự tức là vấn và đáp, trước sự hiện diện của chúng tăng. Và như vậy những vị đại trưởng lão đã bác bỏ lối thuyết giảng của mười ngàn vị Tỳ khưu tà kiến là những kẻ đã duy trì mười quan điểm ấy. Bấy giờ Sabbakāmi là Tăng trưởng (Saṃghatthera) trên quả đất, ngài sống đến một trăm hai mươi tuổi kể từ khi ngài thọ cụ túc giới. Sabbakāni và Sāḷha, Revata, Khujjasobhita, Yasa - con trai của Kākaṇḍaka, và Saṃbhūta Sāṇa-vāsika, sáu vị trưởng lão, là những vị đệ tử của trưởng lão Ānanda; nhưng Vāsabba Gāmika và Sunana, hai vị trưởng lão, là những đệ tử của trưởng lão Anuruddha. Tám vị trưởng lão may mắn này đã trông thấy đức Tathāgata trong quá khứ. Một trăm mười hai ngàn vị Tỳ khưu đã cu hội, và trong tất cả những vị Tỳ khưu này, trưởng lão Revata là người dẫn đầu. Vào thời bấy giờ trưởng lão Revata, để tổ chức cuộc kiết tập, hầu làm cho chánh pháp được trường tồn, đã chọn ra bảy trăm vị trong tất cả hội chúng Tỳ khưu này. Những vị được chọn là những vị A-la-hán có tứ tuệ phân tích, hiểu rõ ý nghĩa vân vân, thông suốt Tam tạng (Tipiṭaka). Tất cả những vị trưởng lão này cu hội tại Vāli-kārāma, được bảo vệ bởi Kākāsoka, dưới sự lãnh đạo của trưởng lão Revata, và đã kiết tập (biên soạn) Chánh pháp (dhamma), bởi vì các ngài đã thọ lãnh dhamma đã được thành lập trong thời quá khứ rồi và công bố về sau, nên các ngài đã hoàn thành công việc trong tám tháng. Khi những vị trưởng lão có danh tiếng lớn này đã tổ chức cuộc kiết tập lần thứ nhì, và bởi vì trong các ngài tất cả mọi điều ác đã bị đoạn tận, nên đúng lúc các ngài cũng nhập Niết bàn. Khi chúng ta chợt nhớ đến cái chết của những người con của bậc Ðạo sư của tam giới, là những bậc có tuệ quán hoàn toàn, đã chứng đắc tất cả pháp nào cần chứng đắc đã ban những điều hạnh phúc đến chúng sanh trong tam giới, thời mong sao chúng ta để tâm lưu ý đến tánh chất hoàn toàn hảo huyền của tất cả pháp hữu vi và hãy nỗ lực phấn đấu hầu sớm đạt được giải thoát. Ở đây chấm dứt chương thứ tư, được gọi là "Cuộc kiết tập lần thứ hai", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những người mộ đạo. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Đại
đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)
(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007