THERAVĀDA ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
CHƯƠNG V CUỘC KIẾT TẬP LẦN THỨ BA Cuộc kiết tập chánh pháp này, được sắp đặt vào lúc ban đầu do trưởng lão Mahākassapa và những vị trưởng lão khác được gọi là cuộc kiết tập của những vị trưởng lão. Trường phái của những vị trưởng lão trong một trăm năm đầu là nhất thống. Nhưng về sau có sanh lên những trường phái Phật giáo khác. Những vị Tỳ khưu tà kiến, bị đánh bại bởi những vị trưởng lão đứng ra đã tổ chức cuộc kiết tập lần thứ hai, tất cả họ có mười ngàn, đã thành lập trường phái riêng mang tên là Mahāsaṃghika (Ðại chúng bộ). Từ đây có sanh lên hai trường phái là Gokulika và Ekavyohārika (Kê dẫn toàn bộ và Nhứt thiết bộ). Từ Gokulika phát sanh lên hai phái nữa là Paṇnatti và Bahulikā, rồi phái Cetiya phát sanh lên từ hai phái này. Như vậy có sáu bộ phái gồm có Mahāsaṃghika, lại có thêm hai nhóm nữa tách rời khỏi những vị theo phái Thượng tọa bộ; là nhóm Tỳ khưu Mahimsāsakā và Vajjiputta. Và cũng có tách rời khỏi họ là nhóm Tỳ khưu Dhammuttariyā và Bhadrayānikā, nhóm Tỳ khưu Chandāgārika, Sammitī và Vājjiputtiya. Từ nhóm Tỳ khưu Mahimsāsaka có hai nhóm tách rời là những vị Tỳ khưu chấp theo thuyết Sabbattha và những vị Tỳ khưu thuộc phái Dhammaguṭtika, từ nhóm Sabbattha phát sanh lên nhóm Kassapiyā, từ nhóm những vị Tỳ khưu này phát sanh lên nhóm gồm những vị Tỳ khưu Saṃkantiya, từ nhóm Tỳ khưu này có sanh lên nhóm Sutta. Ðây là mười hai bộ phái cùng với một phái Thượng tọa bộ, thêm vào đó có sáu bộ phái được đặt tên và cùng với những bộ phái này có mười tám bộ phái. Như vậy trong thế kỷ thứ hai có sanh lên mười bảy bộ phái, và những bộ phái khác sanh lên về sau. Phái Hemavatā và Rājagiriyā cũng như Siddhat-thakā, nhóm Tỳ khưu Seliyā thứ nhất, và nhóm Seliyā khác, và nhóm Vājiriyā; sáu nhóm này tách rời khỏi những nhóm trước tại Jampudīpa, hai nhóm Dhammarucī và Sāgaliyā tách rời nhóm còn lại tại đảo Tích Lan. Ở ÐÂY CHẤM DỨT CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG BỘ PHÁI ĀCARIYA * Những người con trai của Kālāsoka gồm có mười anh em. Họ trị vì được hai mươi năm. Về sau, chín vị Manda là những vị vua kế tiếp; họ cũng trị vì hai mươi hai năm. Sau đó Bà-la-môn Cāṇakka tôn phong cho chàng thanh niên cao quí, tên là Candagutta, lên làm vua khắp xứ Jampudīpa,người này sanh ra từ một dòng tộc quí phái là những người Moriya. Khi nổi cơn phẫn nộ, vị ấy đã giết vị Nanda thứ chín là Dhanananda. Vị vua này trị vì hai mươi bốn năm, và đứa con trai của vị ấy tên là Bindusāra trị vì hai mươi tám năm. Bindusāra có một trăm lẻ một người con trai; Asoka trội hơn tất cả họ về sự dũng cảm, oai lực, sức mạnh, và những năng lực kỳ diệu. Khi đã giết chết chín mươi chín người anh em sanh ra khác mẹ với mình, vị ấy lên nắm quyền thống trị không bị chia chẻ trên toàn thể xứ Jampudīpa, hãy biết rằng thời gian trải qua từ lúc bậc đạo sư nhập Niết bàn đến lúc lên ngôi vua của Asoka là hai trăm mười tám năm. Bốn năm sau khi vị Asoka nổi tiếng dành lại cho mình quyền thống trị không bị chia chẻ, vị ấy tự tôn phong mình là vua ở thành phố Pātaliputta ngay sau lễ tôn phong, mệnh lệnh của Asoka ảnh hưởng xa một do tuần về phía bên trên không trung và phía dưới sâu xuống lòng đất. Ngày này qua ngày khác những vị chư thiên đem đến nước từ hồ Anotatta, số lượng bằng tám người mang; Vua phân phối số lượng nước ấy cho dân chúng. Từ Himalaya, vị chư thiên đem đến những nhánh non của cây leo Nāgā để chùi răng, dùng đủ cho nhiều ngàn người, những loại trái cây bổ khỏe, trái Myrobalan và những loại trái xoài cũng từ chỗ ấy, toàn hảo về màu sắc, mùi và vị. Những vị chư thiên trong không trung đem đến những y phục có năm màu, và vải len vàng để làm khăn ăn, và thức uống từ hồ Chaddanta nữa. Từ cõi rồng các vị rồng đem đến vải len, có màu sắc giống như hoa lài và không có những đường may nối, và những hoa sen của chư thiên và hắc nhãn thủy và những loại dầu xức; những con chim két hằng ngày đem đến từ hồ Chaddanta chín chục ngàn cổ xe lúa, những con chuột bóc vỏ số lúa này thành gạo và được dùng làm vật thực cung cấp cho những người trong hoàng cung. Những con ong hút mật không ngừng để làm mật cho vua, và ở trong những lò rèn những con gấu đưa lên giáng xuống những cái búa. Những con chim Karavīka (Ca-lăng-tần-già), có giọng hót du dương và lảnh lót, bay đến và trổi nhạc cho đức vua nghe. Là một vị vua đã được tôn phong, Asoka phong cho người em trai út của vị ấy là Tissa, lên làm phó vương. Ở ÐÂY CHẤM DỨT SỰ PHONG VƯƠNG CỦA VỊ VUA MỘ ÐẠO ASOKA * Cha của Asoka đã ân cần tiếp đãi sáu chục ngàn vị Bà-la-môn, rành mạch về giáo lý của phạm thiên, và dường thế ấy chính Asoka cũng nuôi dưỡng chu cấp cho họ trong ba năm. Nhưng khi thấy rằng họ thiếu tự chế trong lúc phân phối vật thực: "từ nay về sau trẫm sẽ bố thí theo sự lựa chọn của trẫm." Vị vua khôn ngoan bảo họ đem những người thuộc các trường phái khác nhau đến trước mặt vị ấy, thử thách họ giữa một hội chúng, cho họ ăn và cho họ đi ra khỏi đó sau khi vị ấy đã tiếp đãi họ. Có một lần nọ, khi vị ấy đang đứng ở cửa sổ, trông thấy một vị Sa-môn thanh tịnh, đó là vị Sa-di Nigrodha, đang đi qua con đường, vua đem lòng cảm mến vị Sa-di. Chàng trai kia là con trai của hoàng tử Sumana, là người con trai đầu trong tất cả những người con trai của Bindusāra. Khi Bindusāra ngã bệnh, Asoka bỏ lại sự cai trị xứ Ujjenī do người cha ban cho vị ấy, và đi đến Pupphapura, và khi vị ấy đã tự mình lên làm chủ của thành phố sau cái chết của vua cha, Asoka sai người giết chết người anh cả và tự mình nắm quyền thống trị trong thành phố hoa lệ. Bà vợ chánh của hoàng tử Sumana cũng có tên là Sumanā, đã có thai, liền bỏ chạy bằng cổng thành phía đông và đi đến ngôi làng Caṇḍāla, và ở đó vị chư thiên bảo hộ cây Nigrodha gọi tên của bà, dựng lên một cái chòi và cho nó đến bà. Và khi, chính ngày hôm ấy bà sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú, bà đặt tên cho con trai của bà là Nigrodha, hưởng được sự bảo vệ của vị hộ thần. Khi người trưởng của nhóm người Caṇḍdāla trông thấy người mẹ, ông ta xem bà như chính vợ của mình và tôn kính bảo vệ bà trong bảy năm. Rồi, khi trưởng lão Mahāvaruḷa thấy rằng cậu bé có căn cơ, vị A-la-hán này bèn xin phép mẹ của cậu bé và truyền phép xuất gia cho cậu ta, và ngay trong phòng nơi mà người ta cạo tóc cho cậu, cậu ta chứng đắc đaọ quả A-la-hán. Khi đi từ đó để thăm mẹ của mình, vị ấy đi vào thành phố rực rỡ qua cổng phía nam, rồi đi theo con đường dẫn đến chỗ ấy và đi qua sân triều của đức vua. Ðức vua rất hoan hỷ với diện mạo trang nghiêm của vị ấy, tình thương mến cũng sanh lên trong đức vua vì trong kiếp quá khứ họ đã sống chung với nhau. Trong một kiếp quá khứ nọ có anh em, là những người buôn mật ong; Một người đi bán mật ong, hai người kia lấy mật ong. Một vị Phật độc giác nọ bị bịnh lở loét, và một vị Phật độc khác, đi kiếm mật ong cho vị kia, ngay khi ấy đi đến thành phố trên con đường đi khất thực thường ngày của ngài. Một thiếu nữ đang đi đến bờ sông để lấy nước, trông thấy ngài, sau khi hỏi ngài, biết rằng ngài kiếm mật ong, nàng dùng bàn tay duỗi ra để chỉ đường và nói rằng: "Bạch ngài, ở đằng kia là tiệm bán mật ong, hãy đi đến đó". Vị thương nhân, với tâm tịnh tín, đã cho Ðức Phật độc giác một tô mật ong, để nó chảy tràn cả miệng bát. Khi vị thương nhân trông thấy mật ong đầy cả bát và đang chảy tràn miệng bát và đang chảy xuống đất, đầy lòng tịnh tín, vị ấy nguyện rằng: "bằng sự bố thí này, xin cho con có được quyền thống trị không bị chia phân trên toàn cõi Jampudīpa, và xin cho mệnh lệnh của con đi xa một do tuần lên đến hư không và xuống sâu dưới đất. Về phần hai người anh em kia, khi họ đi đến, vị ấy cũng nói rằng, "mật ong mà tôi đã cúng dường đến bậc như vậy, xin hãy hoan hỉ với phước thí ấy, bởi vì mật ong cũng là của các anh." Người anh đầu hằn học nói rằng: "chắc đó là một người Chiên-đà-la. Bởi vì những người Chiên-đà-la thường mặc chiếc áo màu vàng". Người thứ hai nói rằng: "quăng vị độc giác của mày xuống biển đi!" Nhưng khi họ nghe lời hứa của người kia là cho họ hưởng chung phước thì họ tùy hỷ. Rồi người thiếu nữ đã chỉ tay đến cửa tiệm nguyện rằng xin cho nàng trở thành đệ nhất chánh hậu của vua, và muốn có một thân hình kiều diễm với những nét tuyệt mỹ trên thân. Asoka là người đã cho mật ong, hoàng hậu Asaṃdhimittā là người thiếu nữ, Nigrodha là người đã thốt ra lời "Chiên-đà-la", Tissa là người muốn quăng vị ấy qua bên kia bờ biển. Người đã thốt ra lời nói "Chiên-đà-la", để trả quả của lời nói ấy, đã phải sống trong một ngôi làng Chiên-đà-la, nhưng vì vị ấy muốn pháp giải thoát, nên ngay vào năm thứ bảy, vị ấy cũng chứng đắc pháp giải thoát. Ðức vua, đã có tình thương mến đối với vị Sa-di Nigrodha, bèn vội vã gọi vị ấy đến trước mặt của mình. Nhưng vị Sa-di đi đến đó một cách điềm đạm và lặng lẽ. Và đức vua nói với vị Sa-di rằng: "này cưng, hãy ngồi vào một chỗ ngồi thích hợp". Vì không thấy có vị Tỳ khưu nào ở đó cả nên vị ấy đi đến chiếc ngai vàng, rồi khi vị ấy bước tới chiếc ngai vàng, đức vua, suy nghĩ rằng: "ngày hôm nay vị Sa-di này sẽ là người chủ trong nhà của ta!" Khi tựa vào cánh tay của đức vua vị Sa-môn bước lên chiếc ngai vàng và ngồi trên chiếc ngai vàng dưới cái lọng trắng. Khi trông thấy vị Sa-di ngồi ở đó, vua Asoka vô cùng vui sướng rằng mình đã tôn trọng vị ấy theo đúng với địa vị Sa- môn kia. Khi đức vua đã làm thỏa mãn vị Sa-di bằng những loại vật thực gồm cả loại cứng và loại mềm, được sửa sang dành cho vua, Ðức vua hỏi vị Sa-di liên quan đến giáo pháp được giảng dạy bởi đức Chánh biến tri. Rồi vị Sa-di thuyết pháp cho vua nghe về phẩm Bất phóng dật (Appamādāvagga) Khi vị chúa của quả đất đã nghe vị Sa-di thuyết pháp, vị ấy nắm được giáo lý của bậc Chiến thắng, và nói với vị ấy rằng: "này cưng, ta ban cho ngươi tám loại thực vật thường xuyên." và vị Sa-di trả lời: "Những món vật thực này tôi sẽ dâng cho thầy của tôi." Khi được ban cho tám phần vật thực khác vị ấy lại hứa dâng cho ông thầy A-xà-lê của mình, và khi tám phần vật thực được hứa ban cho vị Sa-di, vị Sa-di hứa cho chúng đến chúng Tỳ khưu. Và khi thêm tám phần vật thực nữa được ban đến, vị ấy, là người có pháp tri túc, đã bằng lòng thọ lãnh chúng. Vào ngày hôm sau, cùng với ba mươi hai vị Tỳ khưu, vị Sa-di tiếp tục đi đến hoàng cung, và khi vị ấy đã được đức vua tự tay đứng ra phục vụ, đã thuyết pháp đến người cai trị. Vị ấy đã an trú cho đức vua cùng với nhiều tùy tùng của vua trong tam qui và ngũ giới. Ở ÐÂY KẾT THÚC CUỘC VIẾNG THĂM CỦA SA-DI NIGRODHA * Sau đó, đức vua với tâm tịnh tín, ngày này qua ngày khác đã tăng gấp đôi số lượng Tỳ khưu lên đến sáu chục ngàn người và khi loại trừ sáu chục ngàn ngoại đạo sư, vị ấy ban tặng vật thí thường xuyên đến sáu chục ngàn vị Tỳ khưu trong nhà của mình. Khi đã truyền lệnh nhanh chóng sửa soạn vật thực thượng vị, loại cứng và loại mềm, để tiếp đãi sáu chục ngàn vị Tỳ khưu và khi đã sai trang hoàng rực rỡ thành phố, vị ấy đi đến chư tăng và thỉnh các ngài về nhà của mình, và sau khi đã thỉnh các ngài đến đó, tiếp đãi các ngài một cách ân cần chu đáo và bố thí rộng rãi những vật dụng của Sa-môn, vị ấy hỏi các ngài như vầy: "Nội dung của dhamma được thuyết giảng bởi bậc đạo sư nhiều chừng nào?" và trưởng lão Moggali-putta Tissa trả lời đức vua câu hỏi này. Khi đức vua nghe rằng: "Có tám mươi bốn ngàn pháp môn", ngài nói: "Trẫm sẽ cúng một tịnh xá đến mỗi pháp môn ấy". Rồi khi xuất ra chín mươi sáu koṭi đồng tiền vàng từ tám mươi bốn ngàn thị trấn, nhà cai trị bảo các vị vua ở khắp quả đất bắt đầu xây dựng những tịnh xá và chính vị ấy bắt đầu xây dựng tịnh xá Asokārāma. Bằng sự cúng dường đến Tam bảo, đến Nigro-dha và đến những người bịnh, để ủng hộ đức tin cho mỗi vị trong các ngài, vị ấy đã chi ra một trăm ngàn đồng mỗi ngày. Bằng của cải được dùng xài cho Ðức Phật, các vị Tỳ khưu đã tổ chức cúng dường bảo tháp bằng nhiều loại lễ vật liên tục trong nhiều tịnh xá. Với của cải được dùng xài cho dhamma, dân chúng liên tục sửa soạn bốn món vật dụng cần thiết để cúng dường các vị Tỳ khưu rành mạch về giáo pháp. Trong những cỗ xe nước được lấy từ hồ Anotatta, vị ấy cúng dường bốn cỗ xe đến chúng tăng, mỗi ngày cúng dường một xe đến sáu chục vị trưởng lão rành mạch về Tam tạng (Ṭipiṭaka) Nhưng vị ấy đã truyền lịnh cho một xe đến hoàng hậu Asaṃdhimittā, trong khi đó đức vua chỉ để lại hai cỗ xe để dùng riêng cho mình. Hằng ngày vua cho những cái tăm chà răng gọi là nāgalatā đến sáu chục ngàn vị Tỳ khưu và đến sáu chục ngàn nữ nhân. Vào một hôm nọ, khi vị hoàng đế nghe nói về vị Long vương Mahākāla, có oai lực phi thường, đã trông thấy bốn vị Phật tổ, đã sống suốt một đại kiếp, vua đem vị Long vương ấy đến trước mặt mình được buộc bằng sợi xích bằng vàng, và khi vị ấy đã đem vị Long vương đến và để vị Long vương ngồi trên chiếc ngai vàng dưới cái lọng trắng, khi đức vua đã cúng dường vị Long vương bằng những lễ vật gồm hoa đủ loại, và bảo mười sáu ngàn thiếu nữ hầu hạ quanh vị ấy, đức vua bèn nói như vầy: "Hãy cho chúng tôi xem hình tướng của vị Ðại Sa-môn chánh đẳng cháng giác, của bậc có trí tuệ vô biên đã, lăn bánh xe diệu pháp". Vị Long vương tạo ra hình tướng xinh đẹp của đức Phật, có ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ của đức Phật, được bao quanh bởi một vầng hào quang dài một hắc tay và được trang điểm bởi cái vương miệng bằng những ngọn lửa (nhục kế). Khi thấy hình ảnh ấy, đức vua đầy hoan hỉ và sửng sốt và nghĩ rằng: "Hình tướng được tạo ra bởi vị Mahākālā mà còn như thế, huống hồ hình tướng thật của đức Tathāgata còn hơn thế nào nữa!" và vị ấy càng ngày càng được tăng thêm hoan hỉ, và trong bảy ngày không ngừng, vị đại vương có năng lực phi thường đã tổ chức cuộc cúng dường vĩ đại, được gọi là "Akkhipūjā". Ở ÐÂY CHẤM DỨT SỰ ÐI VÀO GIÁO PHÁP CỦA ASOKA * Bấy giờ vị vua hùng mạnh và ngoan đạo và trưởng lão Moggaliputta trong những kiếp quá khứ đã được trông thấy bởi những bậc phạm hạnh. Trong thời gian của cuộc kiết tập lần thứ hai, những vị trưởng lão, khi nhìn về tương lai, trông thấy sự suy sụp về đức tin trong thời kỳ của vị vua ấy. Khi nhìn quanh khắp toàn cõi thế gian để tìm một người có khả năng ngăn chặn sự suy sụp ấy, họ trông thấy Brahmā Tissa là vị chư thiên không còn sống lâu trong cõi phạm thiên nữa. Họ đi đến vị ấy và thỉnh cầu vị ấy, là bậc có trí tuệ vĩ đại, xin vị ấy ra tay làm tiêu tan sự suy sụp này bằng cách tái sanh vào nhân loại. Và vị ấy chấp thuận lời thỉnh cầu của các ngài khi mong muốn cho giáo pháp chiếu sáng rực rỡ. Nhưng đối với Siggava và Caṇḍavajji, là những vị còn trẻ, các vị trưởng lão nói với hai vị này như vầy: "Khi một trăm mười tám năm đã trôi qua thì sự suy sụp của giáo pháp sẽ bắt đầu. Chúng ta sẽ không sống để trông thấy thời kỳ ấy. Các vị đã không dự phần trong tránh sự này (imaṃ adhikaraṇaṃ, nghĩa trong công việc của cuộc kiết tập lần thứ hai), do đó các vị đang bị hành phạt và sự hành phạt của các vị sẽ như thế này: để giáo pháp có thể chiếu sáng rực rỡ, Phạm thiên Tissa, bậc có trí tuệ vĩ đại, sẽ tái sanh vào trong nhà của Bà-la-môn Moggali. Khi thời gian trôi qua, một trong hai người sẽ thâu nhận cậu bé vào tăng chúng, người kia phải cẩn thận chỉ dạy cho vị ấy về lời dạy của Ðức Chánh Biến Tri." Có một trưởng lão tên Dāsaka, là đệ tử của trưởng lão Upāli. Soṇaka là đệ tử của Dāsaka, và hai vị trưởng lão kia là những đệ tử của trưởng lão Soṇaka. Trong thời quá khứ tại Vesāli có một vị Bà-la-môn uyên bác tên là Dāsaka, là huynh trưởng của ba trăm môn đệ, vị ấy sống với ông thầy của mình và vào lúc cuối của hai mươi hai năm sau khi đã kết thúc việc học Vedas, vị ấy, khi đi quanh với những người đệ tử khác, đã gặp trưởng lão Upāli đang sống ở tịnh xá Vālika, sau khi vị ấy đã thành lập dhamma trong cuộc kiết tập và khi đang ngồi gần trưởng lão, vị ấy hỏi trưởng lão về những đoạn khó trong bộ Veda và trưởng lão giải thích những đoạn kia cho vị ấy. Này Bà-la-môn, một giáo lý đến "Sau tất cả những giáo lý, thế mà tất cả những giáo lý đều kết thúc trong một giáo lý, giáo lý ấy là giáo lý nào?" Như vậy trưởng lão đã nói về tên của chánh pháp, nhưng chàng trai Bà-la-môn không biết về giáo lý ấy. Cậu ta hỏi rằng: "Ðây là loại Mantra gì thế?" và khi nghe câu trả lời rằng: "Mantra của đức Phật", chàng trai nói rằng, "hãy truyền Mantra ấy cho con" và trưởng lão trả lời rằng: "chúng ta chỉ truyền Mantra ấy đến người nào mặc y của chúng ta mà thôi." Và Dāsaka xin phép ông thầy của mình và cha mẹ để học Mantra ấy. Khi vị ấy với ba trăm chàng trai Bà-la-môn này đã thọ phép xuất gia từ trưởng lão, đúng lúc vị Bà-la-môn kia thọ cụ túc giới rồi sau đó trưởng lão Upāli thuyết giảng toàn thể Tam tạng (Ṭipiṭaka) đến một ngàn đệ tử đã đoạn trừ các lậu hoặc, trong số đó có trưởng lão Dāsaka. Số lượng của vị thánh tăng khác không đếm xuể, và trong số những người vẫn còn đứng ngoài giáo pháp họ cũng học được Tam tạng từ trưởng lão. Trên dãy đất của xứ Kāsi có một người con trai cả vị trưởng đoàn thương buôn, tên là Soṇaka. Vị ấy đi buôn với cha mẹ đến xứ Giribbaja (kinh đô xưa của nước Magadha). Dầu còn trẻ, chỉ mới mười lăm tuổi, vị ấy đã đi vào tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvana). Năm mươi lăm chàng trai bà la môn là những người bạn đồng hành với vị ấy, cũng đi đến trưởng lão Dāsaka. Khi trông thấy trưởng lão Dāsaka với những đệ tử ở quanh ngài, đức tin đến với cậu ta và cậu xin trưởng lão truyền phép xuất gia cho mình. Trưởng lão nói hãy xin thầy của con đi. Về sau, chàng thanh niên Soṇaka. Sau khi đã nhịn đói ba bữa ăn và đã được cha mẹ cho phép gia nhập vào tăng chúng, đã đến trở lại, rồi khi cậu ta đã thọ phép xuất gia từ trưởng lão Dāsaka và sau đó thọ cụ túc giới, cùng với những chàng trai kia vị ấy thông thuộc Tam tạng. Giữa hội chúng gồm một ngàn đệ tử của trưởng lão đã đoạn trừ các lậu hoặc và thông suốt Tam tạng, vị Sa-môn Soṇaka là tối thắng. Trong thành phố mang tên của loài hoa Pātali (tức là Pāṭaliputta) có bậc trí tuệ Siggava, là con trai của một vị quan. Khi đến tuổi mười tám và đang sống trong ba cung điện thích hợp với ba mùa của năm, cậu ta đi chung với một người bạn tên là Caṇḍavajji, là con trai của một vị quan, và được theo hầu bởi năm trăm vị tùy tùng, đi đến tịnh xá Kukkuṭārāma (ở trong thành Pāṭaliputta) và viếng thăm trưởng lão Saṇaka. Và khi cậu ta biết rằng trưởng lão đã ngồi nhập định với các căn được thâu nhiếp và không đáp lời chào hỏi của cậu ta, cậu ta bèn hỏi chư tăng về vấn đề này. Các ngài đáp lại rằng: "những người mà đã ở sâu trong tầng thiền thì không trả lời". Bởi vậy cậu ta hỏi rằng "họ xuất khỏi tầng thiền như thế nào?" và các vị Tỳ khưu nói rằng: "khi có lời kêu gọi của bậc đạo sư, hay lời kêu gọi từ tăng chúng, hay khi thời gian đã định chấm dứt, hay khi tử thần đi đến, các ngài mới xuất khỏi tầng thiền. Khi các ngài đã nói như vậy, họ thấy rằng những chàng trai này có duyên lành để tỏ ngộ chánh pháp, họ bèn cho công bố lời kêu gọi của chư tăng và trưởng lão xuất khỏi tầng thiền và đi đến họ. Chàng trai hỏi rằng: "kính bạch đại đức, lúc nãy, tại sao đại đức không nói chuyện với con. Trưởng lão nói rằng: "chúng ta đang thọ hưởng pháp dành cho chúng ta". Chàng trai bèn nói rằng: "hãy cho chúng con thọ hưởng pháp này với." Trưởng lão trả lời rằng: "chỉ ai giống như chúng ta, thời chúng ta mới có thể khiến cho họ hưởng được pháp ấy. Sau đó, được phép của cha mẹ họ, chàng trai Siggava và Caṇḍavajji và năm trăm tùy tùng của họ đều thực hiện phép xuất gia và về sau thọ cụ túc giới từ trưởng lão Soṇaka. Với trưởng lão là thầy của họ, hai người kia đã siêng năng học hỏi Tam tạng (Piṭaka) và đã chứng đắc sáu thắng trí (lục thông). Về sau khi Siggava biết rằng Tissa đã tái sanh vào thế gian này, từ dạo đó trưởng lão thường hay đến nhà của vị ấy trong bảy năm. Và chẳng phải trong bảy năm để vị ấy nghe những lời "hãy đi tiếp" (được nói với vị ấy). Nhưng trong năm thứ tám vị mới nghe những lời nói ấy "hãy đi tiếp qua bên kia", ở trong ngôi nhà ấy. Khi điều ấy xảy ra thì Bà-la-môn Moggali, ngay khi ấy đang đi vào, trông thấy trưởng lão và hỏi rằng: "ông đã nhận được gì trông nhà của chúng tôi chưa?" và trưởng lão trả lời: "có". Khi ông Moggali nghe chuyện đã xảy ra và khi trưởng lão đi đến nhà trở lại vào ngày thứ hai sau đó, ông ta lăng mạ ngài là đã nói dối. Và khi ông ta nghe qua những lời của trưởng lão thì vị Bà-la-môn, đầy tịnh tín, bèn cúng dường trưởng lão vật thực thường xuyên và dần dần người trong nhà của ông ta cũng trở thành những tín đồ và vị Bà-la-môn ân cần tiếp đãi trưởng lão một cách liên tục, mời ngài ngồi trong nhà của ông ta. Bởi vậy, khi thời gian trôi đi, chàng thiếu niên Tissa đến tuổi mười sáu và đạt đến bờ bên kia của đại dương kiến thức Tam Phệ-đà thì trưởng lão, khi nghĩ rằng vị ấy có thể nói chuyện với chàng trai theo cách này, bèn khiến cho tất cả ghế ngồi trong nhà của cậu ta biến mất, chỉ chừa lại ghế ngồi của chàng trai Bà-la-môn. Vì từ cõi Phạm thiên, chàng trai này thích sự sạch sẽ nên người ta thường treo cái ghế của cậu ta lên cao để giữ gìn nó cho sạch sẽ gọn gàng. Rồi những người ở trong nhà vì không thấy có cái ghế nào khác, nên lấy làm bối rối, bởi vì trưởng lão đã phải đứng; họ bèn bày ra cái ghế của chàng trai Tissa cho ngài. Khi chàng trai Bà-la-môn trở về từ nhà ông thầy của mình và thấy trưởng lão đang ngồi ở đó, cậu ta nổi giận và nói với ngài một cách không thân thiện Trưởng lão nói với cậu ta rằng: "này cậu, cậu có biết Mantra không?" và chàng trai Bà-la-môn để trả lời câu hỏi đã hỏi lại trưởng lão cùng câu hỏi như thế. Bởi vì trưởng lão đáp lại rằng: "ta biết nó," nên cậu ta hỏi ngài về những đoạn khó trong Tam Phệ-đà. Trưởng lão giải thích chúng đến cậu ta, vì khi còn sống cuộc đời tại gia, ngài đã học hết Tam Phệ-đà rồi. Lại nữa, ngài đã nắm vững tứ-tuệ-phân-tích, thì làm sá gì Tam Phệ-đà ngài không thể giải thích được? "Ðối với người có tâm sanh và không diệt, thời tâm sẽ diệt và không sanh trở lại, nhưng đối với người có tâm diệt và không sanh, thời tâm sẽ sanh trở lại và không diệt." (nghĩa là: bất cứ ai thấu rõ chân lý, thời trí tuệ của người ấy sẽ thấu rõ Niết bàn không bao giờ trở lại nhưng ngược lại, người nào không suy nghĩ chơn chánh và không thực hành theo giáo pháp, sẽ phải đi vào kiếp sống mới và không đạt đến giải thoát). Vị trưởng lão trí tuệ đã hỏi câu hỏi này từ phẩm tâm song-luận trong Tạng Abhidhamma (Citti-ayamaka) và tựa như bóng tối của đêm đen đến với chàng trai Bà-la-môn, và cậu ta nói với trưởng lão rằng: "đó là loại Mantra gì thế, hởi ông Tỳ khưu", "Mantra của đức Phật" trưởng lão đáp lại; và khi Tissa nói rằng: "hãy truyền nó cho con, trưởng lão bèn nói rằng:"ta chỉ truyền nó cho những người nào mặc y của chúng ta mà thôi!" Bởi vậy được sự cho phép của cha mẹ chàng trai thọ xuất gia, để học Mantra ấy, và trưởng lão, khi đã cho cậu ta xuất gia rồi bèn chỉ dạy cho cậu ta pháp môn Ramamaṭṭhāna (quán pháp). Do sự thiền quán con người tài cao này đã sớm chứng đắc quả thánh Tu-đà-hườn, và khi biết rõ trạng thái này trưởng lão Siggava bèn sai vị đệ tử đi đến trưởng lão Caṇḍavajji để vị ấy có thể học tạng Kinh (Suttapiṭaka) và tạng A-tỳ-đàm (Abhidhammapiṭaka) nơi vị trưởng lão này và vị ấy đã học những tạng này từ trưởng lão Caṇḍavajji. Và về sau vị Sa-môn Siggava, sau khi đã truyền pháp Cụ túc giới cho Tissa, đã dạy cho vị ấy tạng Luật (Vinayapiṭaka) và còn chỉ dạy cho vị ấy hai tạng kia nữa, về sau khi chàng trai Tissa đã đạt được chánh quán (Vipassanā), đúng lúc vị ấy chứng đắc sáu thắng trí và đạt đến địa vị của một vị trưởng lão. Danh tiếng của vị ấy tỏa rộng như mặt trời và mặt trăng. Thế gian tín thọ lời dạy của vị trưởng lão này như tín thọ lời dạy của đức Chánh biến tri. Ở ÐÂY DỨT CÂU CHUYỆN VỀ TRƯỞNG LÃO TISSA, CON TRAI CỦA MOGGALI * Một hôm nọ vị phó vương Tissa khi đang đi săn trông thấy những con linh dương đang nô đùa trong rừng hoang. Trước cảnh này vị ấy suy nghĩ rằng: "ngay cả những con linh dương chỉ ăn cỏ trong rừng mà vẫn vui đùa vui chơi như vậy. Tại sao những vị Tỳ khưu có vật thực và chỗ ngụ tiện nghi mà lại không vui sướng thỏa mái?" Khi trở về nhà vị ấy kể lại với đức vua về ý nghĩ của mình. Ðể dạy cho vị ấy, đức vua bèn cho vị phó vương quyền thống trị vương quốc trong bảy ngày, khi nói rằng "này hoàng tử, hãy thọ hưởng vương quyền của ta trong một tuần; rồi sau đó ta sẽ giết chết ngươi", nhà cai trị đã nói như vậy. Và khi một tuần đã trôi qua, đức vua hỏi rằng: "tại sao người lại ủ rủ tiều tụy như thế?" và khi Tissa trả lời rằng: "vì sợ chết", đức vua đã nói với vị ấy như vầy: vì nghĩ rằng ngươi sẽ chết sau một tuần trôi qua ngươi không còn vui sướng và hớn hở. Như vậy, này hoàng đệ, làm sao các vị Sa-môn vui tươi hớn hở, khi hằng suy nghĩ về sự chết." Và khi anh của mình đã nói như vậy, Tissa khởi tâm tin tưởng trong giáo pháp của đức Phật. Và về sau, vào một dịp nọ, khi vị ấy vì lên đường săn bắn, vị ấy trông thấy trưởng lão Mahādhammarakkhita, bậc có tự chế, đang ngồi dưới một cội cây, và được một con rắn hổ đang quấn vào một nhánh cây Sa-la quạt cho ngài. Và vị hoàng tử có trí tuệ suy nghĩ rằng: "biết khi nào ta mới xuất gia trong giáo pháp của bậc chiến thắng giống như vị trưởng lão này và được sống trong khu rừng mênh mông?" Khi trưởng lão đã đi đến đó bằng cách bay xuyên qua hư không, để tiếp độ vị ấy, và đứng trên mặt hồ Asokārāma, vị ấy khi bỏ lại y phục tốt trong không trung, bèn lặn vào trong nước và tắm rửa tay chân của mình. Và khi hoàng tử trông thấy phép lạ này, đầy lòng tịnh tín, con người trí tuệ đã phát nguyện có trí tuệ rằng: "chính ngày hôm nay ta sẽ thọ phép xuất gia." Vị ấy đi đến đức vua và xin đức vua cho phép mình được xuất gia. Vì đức vua không thể lay chuyển nguyện vọng của vị phó vương nên đành dẫn vị ấy theo mình cùng với một đám đông tùy tùng, đi đến tịnh xá, ở đó hoàng tử được thọ phép xuất gia từ trưởng lão Mahādhammarkkhita và bốn trăm ngàn người cũng xuất gia chung với vị ấy, nhưng số lượng người xuất gia về sau thì không biết được. Một người cháu trai của vị hoàng đế được biết qua cái tên là Aggibrahmā là chồng của đứa con gái Saṇghamittā của đức vua và đứa con trai của hai người này tên là Sumana. Vị ấy (tức là Aggibrahmā) cũng xin phép đức vua và được xuất gia chung với vị hoàng tử kia. Sự xuất gia của vị hoàng tử, từ đó đem lại hạnh phúc cho nhiều người, xảy ra vào năm thứ tư của triều đại vua Asoka. Trong cùng năm đó vị ấy thọ cụ túc giới, và vì vị ấy có duyên lành để hành đạt đạo quả nên vị hoàng từ, do nỗ lực tinh tấn, đã chứng đắc đạo quả-la-hán cùng với sáu thắng trí. Tất cả những tịnh xá được khởi công thời bấy giờ người ta đã làm xong đúng mức trong tất cả những thành phố trong vòng ba năm. Nhưng bằng năng lực thần thông của trưởng lão Indagu.tta, là người trông coi công việc, ngôi chùa mang tên Asoka cũng được hoàn thành một cách nhanh chóng. Tại những chỗ mà chính bậc chiến thắng đã viếng thăm vị hoàng đế đã tiến hành xây dựng rải rác những bảo tháp xinh đẹp. Có một ngày nọ, khắp nơi từ tám mươi bốn ngàn thành phố, những bức thư tấp nập bay đến với tin rằng "những tịnh xá đã được làm xong." Khi vị đại hoàng có uy quyền lớn, có năng lực và sự dũng cảm phi thường, đã nhận những bức thư, vị ấy, vì muốn tổ chức đại lễ hội trong tất cả những tịnh xá ngay tức thì, bèn sai đánh trống công bố trong thành phố rằng "vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, một lễ hội trong tất cả những ngôi chùa sẽ được tổ chức, về mọi phương diện, ở trong tất cả các tỉnh, ở trên quả đất, từ do tuần này đến do tuần khác, của bố thí to lớn sẽ được ban phát; những tịnh xá trong các ngôi làng và những con đường lớn đều phải được trang hoàng. Ở trong tất cả những tịnh xá, những vật thí đủ loại phải được cúng dường đến chư tăng, theo thời gian và khả năng của người cho và những vật trang hoàng, như những dãy lòng đèn và những tràng hoa, phải được treo lên ở khắp mọi nơi và những chỗ họp để tổ chức lễ hội, có đủ loại nhạc và tất cả phải thọ trì ngày bát quan trai giới và phải nghe pháp, và mọi người phải sửa soạn nhiều loại lễ vật cúng dường trong ngày hôm ấy. Và tất cả mọi người ở khắp mọi nơi phải tổ chức những buổi lễ thuộc về tôn giáo, phải rực rỡ như cõi chư thiên, giống như đã được phán truyền rồi, và làm lại nữa." Vào ngày hôm ấy vị đại vương ăn mặc rực rỡ, đầy những vật trang sức, và cùng với những cung thần mỹ nữ và quan quân, đi đến khu già-lam (ārāma) của mình, tựa như đang chẻ đất, vị ấy đứng giữa chúng tăng, cúi mình trước chúng tăng đáng kính. Trong hội chúng có tám mươi koṭi Tỳ khưu và trong số này một trăm ngàn vị Sa-môn đã đoạn trừ các lậu hoặc. Hơn nữa có chín lần một trăm ngàn Tỳ khưu ni, và trong số này có một ngàn vị Tỳ khưu ni đã đoạn trừ các lậu hoặc, Những vị Tỳ khưu và Tỳ khưu ni này sử dụng thần thông gọi là "vén bức màn thế gian" với mục đích tiếp độ cho vua Caṇḍāsoka (phẫn nộ A-dục) trong quá khứ vị ấy được gọi là Asoka ác độc, vì vị ấy đã làm những việc ác; Nhưng về sau, do làm những thiện nghiệp vị ấy được nổi danh là Dhammasokā (chơn chánh A-dục). Vị ấy nhìn quanh khắp cõi Jampudīpa được bao quanh bởi đại dương và nhìn khắp tất cả những tịnh xá đầy muôn mầu muôn vẻ của lễ hội và với hỷ lạc vô cùng, khi nhìn vào các vị Tỳ khưu vị ấy hỏi các ngài trong khi các ngài đang ngồi: "về tánh rộng rãi đối với giáo pháp của đức thế tôn có ai từng vĩ đại như trẫm không, thưa chư đại đức?" Trưởng lão Moggaliputta trả lời câu hỏi của đức vua: "Ngay trong thời kỳ của đức Thế tôn cũng không có thí chủ nào rộng rãi hào phóng bằng đại vương cả." Khi nghe qua câu trả lời này thì đức vua càng vui sướng hơn và hỏi rằng: "Vậy thì có người quyến thuộc nào trong giáo pháp của đức Phật giống như trẫm không?" Nhưng trưởng lão biết căn cơ của đứa con trai của đức vua là hoàng tử Mahinda và đứa con gái là công chúa Saṃghamittā, và thấy trước sự hưng thịnh của giáo pháp sanh lên từ họ, và trưởng lão, là người có bổn phận gánh vác giáo pháp, trả lời rằng: "ngay cả một người bố thí hào phóng như đại vương cũng không phải là người quyến thuộc của giáo pháp đâu; tâu đại vương, người ấy chỉ được gọi là người bố thí của cải mà thôi (paccayādāyaka). Nhưng người nào cho con trai hay con gái của mình gia nhập vào tăng chúng, người ấy mới được gọi là quyến thuộc của giáo pháp và là những người cho vật thí": Bởi vì vị hoàng đế hoan hỉ muốn trở thành người quyến thuộc của giáo pháp nên vị ấy hỏi Mahinda và Saṃghamittā đang đứng gần rằng: "các con có muốn thọ pháp xuất gia không? xuất gia được xem là việc phước lớn." Rồi, khi họ nghe những lời của phụ thân, họ nói với vị ấy rằng: "chính ngày hôm nay chúng con bằng lòng gia nhập vào tăng chúng, tâu phụ vương. Nếu phụ vương muốn thế, do kết quả của sự xuất gia này của chúng con, phước báu sẽ đến với chúng con cũng như với phụ vương nữa". Từ lúc hoàng tử Tissa xuất gia, Mahinda cũng đã có ý nguyện gia nhập vào tăng chúng rồi, và Saṃghamittā cũng vậy, Aggibhnanmā từ lúc Aggibhanmā xuất gia, mặc dầu vị hoàng đế muốn phong cho Mahinda làm phó vương, tuy nhiên vị ấy vẫn đồng ý cho con trai của mình xuất gia khi nghĩ rằng: "địa vị này đây của người xuất gia còn to lớn hơn nhiều." Bởi vậy đức vua cho phép đứa con trai của mình, là hoàng tử Mahinda xuất sắc hơn tất cả những người khác về trí thông minh, có sắc đẹp và sức mạnh, và cũng cho phép đứa con gái của mình là công nương Saṃghamittā, được phép xuất gia với nghi tiết trọng thể. Lúc bấy giờ Mahinda, con trai của đức vua được hai mươi tuổi, và đứa con gái Saṃghamittā của đức vua được mười tám tuổi. Vào chính ngày hôm ấy hoàng tử thọ phép xuất gia và thọ phép cụ túc giới luôn thể, lễ xuất gia và lễ nương nhờ cũng xảy ra trong ngày hôm ấy. Thầy hòa thượng của hoàng tử là trưởng lão Moggaliputta Tissa; phép xuất gia được ban đến cho vị ấy do bởi trưởng lão Mahādeva, còn Majjhantika thì tụng tuyên ngôn và ngay ở chỗ mà vị ấy thọ cụ túc giới, con người vĩ đại này đã chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với những thắng trí. Thầy hòa thượng của Saṃghamittā là vị trưởng lão ni nổi tiếng Dhammapālā, và thầy y chỉ của nàng là Ayupālā; đến đúng lúc nàng cũng đoạn tận các lậu hoặc. Hai ngọn đèn của giáo pháp ấy là những người đem lại hạnh phúc to lớn cho đảo Tích-Lan, đã thọ phép xuất gia vào năm thứ sáu của vua Dhammā-soka, Đại Mahinda, người tế độ cho đảo Tích Lan, đã học Tam tạng với thầy hòa thượng của mình trong ba năm. Vị Tỳ khưu Ni này cũng giống như mặt trăng mới mọc và vị Tỳ khưu Mahinda giống như mặt trời, luôn luôn chiếu sáng bầu trời, là giáo pháp của đức Chánh biến tri. Một thuở nọ trong quá khứ, có một người trú ngụ trong rừng, khi ra đi từ Pātaliputta đến khu rừng, đem lòng yêu thương một nữ thần rừng tên là Kunī. Do sống chung với vị ấy, nàng sanh được hai đứa con trai: đứa lớn tên là Tissa và đứa nhỏ tên là Sunitta. Về sau cả hai đều xuất gia dưới chân trưởng lão Mahāvaruḷa và chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với những thắng trí. Có một lần nọ vị trưởng lão anh bị đau ở bàn chân có vết cắn do chất độc của một con côn trùng và khi người em hỏi trưởng lão cần gì, trưởng lão bèn nói cho vị ấy biết rằng cần có một nắm thục tô. Nhưng trưởng lão không tự mình chỉ cho đức vua biết những thứ cần thiết trong lúc bệnh hoạn, cũng không đi khất thực sau bữa ăn trưa. "Nếu khi hiền đệ đi bát mà nhận được thục tô thì hãy đem nó về cho ta", trưởng lão Tissa nói với vị trưởng lão tối thắng Sunitta. Khi vị ấy ra đi để khất thực, vị ấy chẳng nhận được một nắm thục tô nào, và trong lúc đó trưởng lão lâm vào tình trạng mà ngay cả một trăm lọ thục tô cũng không chữa trị nó được và do bởi căn bệnh ấy, trưởng lão rơi vào tình trạng hấp hối và khi trưởng lão đã khuyên vị kia không ngừng tinh tấn, ngài quyết định nhập Niết bàn. Khi ngồi kiết già trong không trung và nhập vào tầng thiền về đề mục lửa, đúng như nguyện lực của mình, Trưởng lão bèn nhập Niết bàn. Những ngọn lửa bốc lên từ thân và thiêu đốt nhục thân của trưởng lão, nhưng xương vẫn còn ở dưới dạng những viên xá lợi. Khi vị hoàng đế nghe rằng vị trưởng lão đã viên tịch theo cách này, bèn đi đến tịnh xá của mình cùng với một đám đông quân binh khi cỡi trên con voi đức vua lấy xuống khối xá lợi ấy, và khi vị ấy đã làm lễ cúng dường xá lợi, đức vua bèn hỏi chúng tăng về chứng bệnh của trưởng lão. Khi nghe qua, đức vua rất đỗi xúc động và sai làm những cái thùng chứa các loại thuốc chữa bệnh đặt ở các cổng thành dành cho những người bệnh và ngày này sang ngày khác vị ấy sai cúng dường các loại thuốc chữa bệnh đến chúng Tỳ khưu khi nghĩ rằng: mong sao các vị Tỳ khưu đừng có bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thuốc chữa bịnh. Trưởng lão Sunitta nhập Niết bàn ngay khi ngài đang đi kinh hành, và nhờ vậy đông đảo hội chúng qui ngưỡng theo giáo pháp của đức Phật: Cả hai vị trưởng lão này là hai người con trai của Kintī, đã làm lợi ích lớn cho thế gian rồi, nhập Niết bàn vào năm thứ tám của triều đại Asoka. Từ dạo ấy trở đi, những lợi lộc phát sanh đến chư tăng vô cùng to lớn, và vì những người được tiếp độ sau này khiến cho lợi lộc gia tăng, nên những ngoại đạo sư vì sự kiện này đã mất lợi lộc và danh vọng, họ cũng mặc vào chiếc y vàng để kiếm lợi lộc, và sống chung với các vị Tỳ khưu. Họ công bố những giáo lý của chính họ là giáo pháp của đức Phật và thực hành những pháp của họ tự do theo ý mình. Và khi trưởng lão Moggaliputta Tissa, có tâm kiên cố vĩ đại, trông thấy cái mụt nhọt truyền nhiễm vô cùng tệ hại trong giáo pháp, ngài, bậc nhìn xa thấy rộng, đã bàn bạc kỹ lưỡng thời gian thích hợp để diệt trừ nó. Và khi đã giao chúng Tỳ khưu cho trưởng lão Mahinda trông coi, ngài đi vào ẩn cư kiết hạ, hoàn toàn một mình ở xa tít trên thượng nguồn sông Hằng, tại ngọn núi Ahogaṇga và trong bảy năm, ngài miệt mài trong đời sống ẩn dật. Do số lượng của ngoại đạo sư đông đảo và tánh buông lung của chúng nên các vị Tỳ khưu không thể sống trong giới luật được, và do đó các vị Tỳ khưu suốt bảy năm trời không làm lễ phát lồ cũng không làm lễ tự tứ trong tất cả những tịnh xá. Khi vị hoàng đế Dhammāsoka nổi tiếng biết rõ điều này, vị ấy bèn sai một vị quan đi đến tịnh xá rực rỡ Āsokārāma, truyền lịnh cho vị kia rằng: "hãy đi giàn xếp vấn đề này và bảo các vị Tỳ khưu trong tịnh xá của trẫm tổ chức lại lễ phát lồ." Kẻ ngu này (tức vị quan) đi đến đó và khi ông ta triệu tập chúng Tỳ khưu lại, ông ta công bố lệnh truyền của đức vua rằng: "hãy làm lễ phát lồ." "Chúng tôi không làm lễ phát lồ với những ngoại đạo sư", chúng Tỳ khưu trả lời với vị quan lầm lạc đó. Vị quan kia bèn chém đầu bảy vị trưởng lão, lần lượt từng vị một, bằng cây gươm của ông ta, khi nói rằng: "ta bắt buộc các người phải làm lễ phát lồ". Khi người em của đức vua, là Tissa, thấy tội ác ấy, ngài tức tốc đi đến và ngồi trên chỗ ngồi gần nhất với vị quan. Khi vị quan kia trong thấy trưởng lão, ông ta bèn đi đến đức vua và tâu lại toàn thể vấn đề. Khi vị hoàng đế nghe qua điều ấy, vị ấy lấy làm sầu khổ và vội vã ra đi và hỏi chúng Tỳ khưu đang bị hoang mang rối ren nhiều: "thực ra, ai có tội trong hành động đã làm này?" Một người nọ trong bọn chúng ngu xuẩn trả lời rằng: "bệ hạ có tội" và những người khác thì nói rằng: "cả hai trong các vị đều có tội", nhưng những người có trí thì trả lời rằng: "bệ hạ không có tội". Khi đức vua nghe qua điều này thì vị ấy nói rằng: "có vị Tỳ khưu nào có khả năng làm lắng dịu những hoài nghi của trẫm và để cư xử tốt với đạo chăng?" Các vị Tỳ khưu trả lời đức vua rằng: "có trưởng lão Tissa, con trai của Moggali, tâu đại vương" và đức vua khởi nhiệt tâm. Vua gởi đi bốn vị trưởng lão, mỗi vị được theo hầu bởi một ngàn vị Tỳ khưu và bốn vị quan, mỗi vị có một ngàn tùy tùng trong cùng ngày hôm ấy, lãnh trọng trách của đức vua đi thỉnh trưởng lão về; nhưng dầu họ đã khẩn cầu trưởng lão, ngài cũng không đến. Khi đức vua nghe qua điều này, vị ấy lại phái tám vị trưởng lão và tám vị quan, mỗi vị có một ngàn tùy tùng, nhưng cũng như trước trưởng lão cũng không đến. Ðức vua hỏi rằng: "thế thì, làm sao để trưởng lão đến?" các vị Tỳ khưu bày cho đức vua biết cách để có thể khiến cho trưởng đi đến: "tâu đại vương nếu họ nói với trưởng lão như vầy, 'bạch đại đức hãy là người giúp đỡ cho chúng con để làm lợi cho giáo pháp', như vậy trưởng lão sẽ đi đến." "Ðức vua lại phái sứ giả ra đi gồm mười sáu trưởng lão và mười sáu vị quan, mỗi vị có một ngàn tùy tùng, cũng lãnh trách nhiệm ấy, và đức vua nói với họ rằng: "trưởng lão đã già rồi, trưởng lão sẽ không đi bằng xe đâu, hãy đưa trưởng lão đi bằng thuyền trên sông Hằng." Bởi vậy họ đi đến trưởng lão và bạch lại với ngài, và khó khăn lắm trưởng mới chịu nghe bức thư của họ và đứng vậy. Và họ đưa trưởng lão đi bằng thuyền và đức vua ra đón tiếp trưởng lão. Khi lội xuống nước ngang đầu gối, đức vua cung kính chìa bàn tay phải của mình đến trưởng lão khi trưởng lão đi xuống khỏi thuyền. (Ðức vua đã nằm mơ thấy một giấc mộng trong đêm hôm trước, các nhà tiên tri đã giải giấc mộng ấy như vầy, rằng một vị Samaṇanāga, là một Ðại Sa-môn, sẽ chạm vào tay phải của vua). Bấy giờ khi trưởng lão nắm tay của đức vua, thì những tùy tùng định giết ngài. (Vì chạm vào bàn tay của đức vua là một tội có thể bị xử phạt bằng cái chết. Tuy nhiên đức vua đã ngăn cản họ lại. Nhưng trưởng lão nắm tay của đức vua như một dấu hiệu cho thấy rằng ngài chấp nhận vị ấy làm đệ tử của mình). Vị trưởng lão đáng kính nắm tay đức vua do lòng bi mẫn đối với vị ấy, và đi xuống khỏi thuyền. Ðức vua dẫn Trưởng lão đến lạc viên có tên là Rativaddhana, và khi vị ấy đã rửa chân và thoa dầu cho ngài và đã ngồi xuống vị hoàng đế bèn nói, để thử khả năng của trưởng lão, con muốn xem phép lạ. Và trưởng lão trả lời cho câu hỏi về thần thông mà đức vua mong thấy: "một sự rung động của quả đất". Và trưởng lão lại nói với đức vua rằng: "toàn thể quả đất rung chuyển và độc nhất một tôn giáo, bệ hạ muốn thấy hiện tượng nào đây?" rồi khi đức vua hỏi rằng: "bên nào khó hơn?" và nghe câu trả lời rằng: "sự lung lay của một tôn giáo thì khó hơn" và đức vua nói rằng vị ấy muốn thấy sự lung lay của một tôn giáo. Rồi trong phạm vi một do tuần bề rộng, trưởng lão để một cỗ xe, một con ngựa và một người đàn ông, và một cái bình đựng đầy nước ở bốn hướng, và bằng năng lực thần thông của trưởng lão, trưởng lão khiến cho quả đất trong phạm vi một do tuần này rung chuyển, cùng với một nửa của một trong bốn vật này cũng rung chuyển, và để đức vua ngồi ở đó xem hiện tượng này. Rồi vị hoàng đế hỏi trưởng lão xem chính mình có dính dáng gì trong tội giết chết những vị Tỳ khưu do vị quan kia đã làm không. Trưởng lão giảng giải cho đức vua biết rằng: "Không có cố ý ác thì không có nghiệp duyên". Và ngài tụng lại câu chuyện bổn sanh Tittirajātaka. Khi trú ngụ một tuần lễ ở đó trong vườn thượng uyển của đức vua, trưởng lão chỉ dạy về giáo pháp khả ái của đức Chánh biến tri. Cũng trong tuần này vị hoàng đế sai hai vị Dạ-xoa ra đi và triệu tập tất cả những vị Tỳ khưu có mặt trên quả đất. Vào ngày thứ bảy, vị ấy đi đến tịnh xá rực rỡ của chính mình và tổ chức một cuộc họp gồm hội chúng Tỳ khưu với số lượng đầy đủ như thế. Rồi khi ngồi với trưởng lão ở một bên sau bức màn, vị hoàng đế gọi đến lần lượt từng vị một những vị Tỳ khưu có nhiều quan điểm khác nhau và hỏi họ rằng: "bạch ngài, đức Thế tôn đã giảng dạy điều gì?" Và họ từng vị một trình bày giáo lý phi pháp của họ, là giáo lý thường kiến (Sassatadiṭṭhi) vân vân, Và đức vua đã ra lệnh trục xuất tất cả những vị Tỳ khưu chấp theo tà kiến này ra khỏi tăng chúng, những vị Tỳ khưu bị trục xuất có tất cả sáu chục ngàn vị. Vị ấy lại hỏi những vị Tỳ khưu có chánh kiến rằng: "Ðức thế tôn giảng dạy điều gì?" các ngài trả lời rằng: "Ðức thế tôn giảng dạy giáo lý phân biệt luận giả (Vibhajjavāda, đồng nhất với Theravāda)". Và vị hoàng đế hỏi trưởng lão rằng: "bạch ngài, Ðức Chánh biến tri có thực sự giảng dạy giáo lý phân biệt-luận-giả chăng?" trưởng lão trả lời rằng: "phải". Và khi đức vua biết được điều này, vị ấy vui sướng trong lòng và nói rằng: "bạch ngài, bởi vì kể từ nay tăng chúng đã được thanh tịnh, thanh lọc, do đó chúng tăng nên làm lễ phát lồ," và đức vua tôn trưởng lão làm người bảo vệ chúng tăng và rồi trở về kinh đô xinh đẹp của chính vị ấy; từ đó trở đi chúng Tỳ khưu làm lễ phát lồ trong sự hòa hợp. Từ số lượng to lớn của chúng Tỳ khưu, trưởng lão chọn ra một ngàn vị Tỳ khưu đa năng, có sáu thắng trí, thông suốt Tam tạng và có Tứ tuệ phân tích, để trùng tuyên chánh pháp. Cũng như trưởng lão Mahākassapa và trưởng lão Yasa đã tổ chức cuộc kết tập như thế nào thì trưởng lão Tissa cũng đã tổ chức như thế ấy, giữa hội đồng kiết tập này, trưởng lão Tissa đã đưa ra bộ Luận sự (Kathāvatthupakaraṇa), để bác bỏ những giáo lý khác. Như vậy cuộc kiết tập lần thứ ba dưới sự bảo vệ của vua Asoka được kết thúc bởi một ngàn vị Tỳ khưu trong thời gian chín tháng. Vào năm thứ mười bảy dưới triều đại của vị hoàng đế, Vị trưởng lão trí tuệ bảy mươi hai tuổi đã kết thúc cuộc kiết tập bằng một cuộc lễ đại tự tứ. Và tựa như để vui mừng tung hô sự thành lập của chánh pháp, đại địa đã chấn động vào lúc kết thúc cuộc kiết tập. Hơn thế nữa, khi rời bỏ cõi cao, là cõi phạm thiên rực rỡ và vì giáo pháp mà đi xuống cõi ô trọc ngài, bậc đã hoàn thành phận sự của chính mình, hoàn thành viên mãn các phận sự đối với giáo pháp. Quả thật, vậy ai khác có thể dễ duôi với giáo pháp? Ở đây chấm dứt chương thứ năm, được gọi là "Cuộc kiết tập lần thứ ba", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì lòng tín lạc và xúc động của những người mộ đạo. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Đại
đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)
(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007