THERAVĀDA ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
CHƯƠNG XV SỰ TIẾP NHẬN TỊNH XÁ MAHĀVIHĀRA Khi người ta thấy ngôi nhà lớn của con voi cũng quá nhỏ, những người dân tự họp ở đó, với lòng tịnh tín, bèn sữa soạn những chỗ ngồi cho các vị trưởng lão ở bên ngoài của cổng phía nam, tại khu vườn khả ái Nandana trong vườn thượng uyển, có bóng mát dày đặc, mát mẻ và được che phủ bởi màu xanh của cây cối. Trưởng lão đi ra bằng cổng nam và ngồi ở đó. Những đoàn nữ nhân thuộc gia đình quí tộc đi đến đó đã ngồi dưới chân của trưởng lão, choáng đầy cả khu vườn. Và trưởng lão thuyết cho họ bài kinh Bālapaṇḍitasuttanta (Hiền ngu kinh) Có một ngàn nữ nhân chứng đắc quả Tu-đà-hườn. Rồi tại đó trong khu vườn, chiều buông xuống. Khi ấy các vị trưởng lão khởi sự lên đường và công bố rằng: "chúng ta sẽ đi từ đây đến núi." Và người ta tâu lại với đức vua, và đức vua tức tốc đi đến. Khi đến gần trưởng lão, vị ấy nói rằng: "đã chiều tối rồi mà núi thì ở cách xa. Nhưng ở đây trong khu vườn này là một chỗ khả ái để nghỉ." Khi các ngài trả lời rằng: "Nếu chúng tôi ở quá gần thành phố thì không thích hợp," vua bèn nói rằng: "Khu vườn Mahāmeghā không quá xa cũng không quá gần, khả ái, và ở đó có nhiều nước và bóng mát; Mong rằng chỗ ấy sẽ làm cho các ngài thích nghỉ ở đó. Các ngài phải quay lại, thưa ngài!" Rồi trưởng lão quay lại. Về sau bảo tháp được dựng lên ở chỗ mà trưởng lão quay lại, gần con sông Kadamba, do đó nó được gọi là bảo tháp Nivattacetiya (bảo tháp của sự quay lại) Ở về hướng nam từ khu vườn Nandana, đức vua tự thân dẫn trưởng lão đến khu vườn Mahā-megha, ở cổng đông. Khi đức vua đã sai làm những chiếc giường và những chiếc ghế theo cách thích hợp, ở trong chỗ ngụ khả ái của đức vua, và đã cáo từ các vị trưởng lão, khi nói rằng: "hãy trú ngụ ở đây trong an lạc," Vị ấy cùng các quan trở lại kinh đô; Còn các vị trưởng lão thì lưu lại ở đó trong đêm ấy. Ngay khi trời sáng, người cai trị lãnh thổ mang theo những bông hoa và đến thăm các vị trưởng lão, đảnh lễ các ngài và cung kính cúng dường những bông hoa và hỏi các ngài rằng: "các ngài nghỉ có được an lạc không? Khu vườn có thích hợp với các ngài không?" "Tâu đại vương, sự nghỉ ngơi của chúng tôi được an lạc, và khu vườn thích hợp đối với các vị Sa-môn". Và vị ấy hỏi thêm rằng: "bạch ngài, đối với chư tăng là làm một già-lam (ārāma) có đúng luật không?" "Đúng luật" trưởng lão đáp lại, là người biết điều được công nhận và điều gì cũng không được công nhận, Ngài kể lại sự lãnh thọ Veḷuvanārāma (Trúc lâm viên). Khi đức vua nghe qua thì vị ấy rất vui sướng và tất cả dân chúng cũng hoan hỉ vui sướng. Nhưng hoàng hậu Anulā, là người đã cùng với năm trăm nữ nhân đã đến đảnh lễ các trưởng lão, đã chứng đắc tầng thánh thứ hai. Và hoàng hậu Anulā cùng với năm trăm nữ tỳ của bà tâu với vua rằng: "chúng tôi muốn thọ phép xuất gia, tâu bệ hạ." Ðức vua bàn bạc với trưởng lão rằng: "xin ngài hãy truyền phép xuất gia cho họ!" nhưng trưởng lão trả lời với đức vua rằng: "tâu bệ hạ, chúng tôi không được phép truyền xuất gia cho những nữ nhân. Nhưng tại Pātaliputta có một Tỳ khưu ni, là em gái của bần tăng, tên là Saṃghamittā, nàng dày kinh nghiệm, sẽ đến đây mang theo nhánh ở phía nam của cây đại thọ bồ đề của vị Sa-môn vương, tâu chúa của loài người, và cũng đem theo những vị Tỳ khưu ni nổi tiếng về phạm hạnh, vì mục đích này, xin hãy nhắn tin đến đức vua, là phụ vương của bần tăng. Khi vị trưởng lão ni này đến đây nàng sẽ truyền phép xuất gia cho những nữ nhân này." "lành thay," đức vua nói, và khi cầm một cái bình quí giá, vị ấy đổ nước làm dấu hiệu của sự bố thí lên tay của trưởng lão Mahinda với những lời này: " khu công viên này con xin dâng đến chư tăng." Khi nước rơi xuống trên cát, thì đại địa rung động, và người bảo vệ quả đất bèn hỏi trưởng lão rằng: "tại sao quả đất rung chuyển?" Và trưởng lão đáp lại rằng: "bởi vì giáo pháp từ nay trở đi được thành lập ở hải đảo này." Vị vua cao quí dâng những bông hoa lài đến trưởng lão, trưởng lão đi đến chỗ ngụ của vua, rải xuống tám nắm bông hoa quanh gốc cây Picula đang mọc lên ở phía nam của cung điện. Và rồi quả đất lại rung chuyển và khi trưởng lão được hỏi, ngài nêu lý do rằng: "trong thời kỳ của ba vị Phật ở đây đã có một Mālaka (là một chỗ đất có vòng rào chung quanh và được đắp cao, ở bên trong nó, những công việc về tăng sự được thực hiện), để thực hiện những phận sự của chư tăng, tâu bệ hạ, và bây giờ nó đã trở thành như vậy một lần nữa." Từ hoàng cung vị ấy đi về hướng bắc, đến bể tắm xinh đẹp, và ở đó trưởng lão cũng rải nhiều nắm hoa, và rồi quả đất lại rung chuyển, và khi được hỏi trưởng lão bèn nêu ra lý do rằng: "tâu chứa của quả đất, đây sẽ là bệ nước có noãn phòng (nghĩa là có phòng tắm để tắm nước nóng). Rồi trưởng lão đi đến con đường dẫn vào cổng của hoàng cung và làm lễ chỗ ấy bằng sự cúng dường nhiều bông hoa. Và ở đây đại địa cũng rung chuyển và đầy hoan hỉ, đức vua hỏi lý do và trưởng lão nói cho vua biết lý do: "ở đây nhánh phía nam của cây đại thọ bồ đề của ba vị Phật quá khứ trong đại kiếp của chúng ta là (Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa) đã được trồng xuống, khi người ta đã đem đến đây, Tâu bệ hạ, và nhánh phía nam của cây đại thọ bồ đề của đức Tathāgata của chúng ta cũng có chỗ ở tại nơi đây, tâu chúa của quả đất." Rồi đại trưởng lão đi đến Mahāmucalamālaka và rải trên chỗ ấy nhiều nắm hoa. Và quả đất lại rung chuyển, và khi được hỏi, trưởng lão bèn cho vua biết rằng: "nhà phát lồ của chư tăng sẽ nằm ở chỗ đó, tâu chúa của quả đất." Về sau vị trưởng lão trí tuệ đi đến chỗ của Pañhambamālaka. Một trái xoài chín, có màu sắc, hương thơm và vị thù thắng, có cỡ lớn, người làm vườn đã dâng nó đến đức vua và đức vua dâng trái xoài lớn ấy đến trưởng lão. Trưởng lão, người đem lại lợi ích cho nhân loại, cho đức vua biết rằng vị ấy muốn ngồi nghỉ và ngay tức thì đức vua sai trải một tấm thảm mịn. Khi trưởng lão ngồi, đức vua dâng ngài trái xoài. Khi trưởng lão đã ăn nó rồi, ngài trao hạt của trái xoài ấy cho đức vua trồng. Ðức vua đích thân trồng hạt xoài ấy ở đó, và trên hạt xoài ấy, để nó có thể mọc lên, trưởng lão rửa tay cho nước rơi xuống. Ngay lúc ấy, một chồi non mọc lên từ hạt xoài và nó lớn dần lên thành một cây với lá um tùm và quả xum xuê. Khi những người chứng kiến với đức vua trông thấy cảnh tượng khác thường này, họ đứng ở đó, tỏ sự tôn kính đến trưởng lão, tóc lông của họ dựng đứng vì ngạc nhiên sửng sốt. Bấy giờ trưởng lão, rải tám nắm hoa và đại địa lại chấn động. Và khi được hỏi, trưởng lão bèn cho biết lý do rằng: "chỗ này sẽ là chỗ mà nhiều vật thí sẽ được phân phát, những vật thí ấy sẽ được cúng dường đến chúng ta, là các vị Tỳ khưu đang tụ họp ở đây, tâu chúa của loài người". Và khi trưởng lão đi đến chỗ mà về sau có Catussālā (trai đường có bốn cạnh), và ở đó trưởng lão rải nhiều nắm hoa, và đại địa lại chấn động. Và khi đức vua hỏi lý do của sự rung chuyển của quả đất trưởng lão bèn trả lời: "tâu chúa của nhân loại, trong nhịp thọ nhận vườn ngự uyển bởi ba vị Phật quá khứ, tại chỗ này, những vật thí được đem đến từ các miền bởi những cư nhân trên đảo, ba vị Thế tôn và chúng tăng của các ngài thọ nhận những vật thí ấy." Và bây giờ, tâu chúa thượng, Catussālā lại nằm ở đây sẽ là trai đường của chư tăng". Từ dạo đó, đại trưởng lão Manhinda, người bạn thân thiết của hải đảo, khi biết chỗ nào là thích hợp và chỗ nào không thích hợp, bèn đi đến chỗ mà về sau có bảo tháp Mahāthūpa. Lúc bấy giờ, ở bên trong khuôn viên của vườn ngự uyển, có một cái hồ nhỏ, tên là hồ Kakudha; ở phần đầu phía trên của cái hồ, trên miệng bờ có một chỗ đất bằng phẳng thích hợp để làm bảo tháp. Khi trưởng lão đi đến đó, người ta đưa đến cho đức vua tám giỏ hoa Campaka. Ðức vua dâng những bông hoa Campaka ấy đến trưởng lão và trưởng lão cúng dường chỗ ấy bằng những bông hoa Campaka. Rồi địa lại chấn động, đức vua hỏi lý do về sự chấn động của đại địa và trưởng lão kể ra theo thứ tự lý do của sự chấn động quả đất. "Chỗ này, tâu đại vương, đã được bốn vị Phật viếng thăm, xứng đáng để dựng lên một bảo tháp, là niềm hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh. "Trong đại kiếp của chúng ta có bậc chiến thắng thứ nhất Kakusandha, một bậc đạo sư thông suốt chân lý, có lòng bi mẫn đối với thế gian. Lúc bấy giờ khu vườn Mahāmegha này có tên là Mahātittha; kinh đô có tên là Abhaya, nằm về hướng đông ở bên kia của con sông Kadamba, ở đó Abhaya là vua. Khi ấy hải đảo này mang tên là Ojadīpa. "Do năng lực thần thông của những Dạ-xoa khiến cho bệnh dịch sanh lên ở đây trong dân chúng. Ðức Kakusandha, bậc có thập lực, khi biết rõ tai họa này, để làm chấm dứt bệnh dịch ấy và để hóa độ chúng sanh và làm cho giáo pháp được phát triển trên hải đảo này, Ngài, bị thúc dục bởi sức mạnh của lòng bi mẫn của ngài, đã đi xuyên qua hư không cùng với bốn chục ngàn thánh đệ tử, và đứng ở trên núi Devakūta. Do năng lực của đức chánh giác tôn, tâu đại vuơng, bệnh dịch ngay tức thì bị diệt trên khắp toàn thể hải đảo. "Khi đứng ở đó, tâu chúa của loài người, bậc pháp vương, bậc đại thánh hiền, đã chú nguyện rằng: "tất cả mọi người trên hải đảo Ojadīpa sẽ trông thấy ta ngày hôm nay và nếu họ muốn đến với ta thời tất cả mọi người sẽ đến gần ta tức tốc mà không gặp phiền hà gì." "Khi đức vua và thị dân trông thấy đấng pháp vương, đang chiếu sáng và làm cho ngọn núi sáng chói, họ tức tốc đi đến đó. "Dân chúng, khi đang đi đến đó để mang lễ vật cúng dường chư thiên, tin rằng bậc lãnh đạo của thế gian cùng với tăng chúng là những vị chư thiên như vậy. Và khi đức vua, đầy hoan hỉ, đã đảnh lễ đấng pháp vương, thỉnh ngài thọ thực và đưa ngài vào kinh đô, khi vị ấy nghĩ rằng: "chỗ khả ái và trang nghiêm này thích hợp để làm chỗ nghỉ cho đấng pháp vương với chúng tăng, và không quá nhỏ," bèn thỉnh đức Chánh biến tri và chúng tăng ngồi vào những chỗ ngồi xinh đẹp trong một giả ốc lộng lẫy do vị ấy dựng lên. "Khi dân chúng trông thấy bậc lãnh đạo của thế gian với chúng tăng đang ngồi ở đó, họ đem những vật thí từ mọi hướng đến đây. Và đức vua hầu hạ bậc lãnh đạo của thế gian cùng tăng chúng bằng chính vật thực của vị ấy, gồm cả lại cứng và loại mềm, và bằng những loại vật thực do những người khác đem đến làm vật thực phụ. "Khi bậc chiến thắng đã an tọa, sau bữa ăn, tại chính chỗ này, đức vua dâng đến ngài khu vườn Mahātitthaka, rực rỡ với những bông hoa nở sái mùa, được đức Phật nhận lãnh, thì quả đất rung chuyển. Và khi ngồi ngay ở đây, bậc đạo sư thuyết giảng chánh pháp; bốn chục ngàn người chứng đắc đạo quả giải thoát. "Khi bậc chiến thắng lưu lại suốt ngày trong khu vườn Mahātittha, vào lúc chiều, ngài đi đến chỗ đất thích hợp để trồng cây bồ đề, và khi ngồi ở đó, sau khi đã nhập vào đại định, Ðức Chánh biến tri khi xuất khỏi đại định, vì muốn đem lại sự giải thoát cho dân chúng của hải đảo, bèn nghĩ rằng: "Khi đem đến nhánh bồ đề ở phía nam của ta, là cây Sirīsa, Tỳ khưu ni Rucānandā sẽ đến đây cùng với những vị Tỳ khưu ni khác." "Khi vị trưởng lão ni biết tâm của ngài, ngay tức tốc nàng dẫn đức vua của xứ ấy (là vua Khema của xứ Khemavatī) và đi đến cây ấy. Rồi khi vị trưởng lão ni có năng lực thần thông ấy đã gạch một đường kẻ bằng cây viết chì làm bằng chất tỳ sương đỏ quanh nhánh phía nam, nàng lấy nhánh bồ đề được tách rời như vậy và đặt nó trong một cái hũ bằng vàng, và bằng năng lực thần thông của nàng, nàng đem cây này đến đây, tâu đại vương, cùng với hội chúng của nàng gồm năm trăm vị Tỳ khưu ni, được vây quanh bởi chư thiên, nàng đặt cây ấy cùng với cái hũ bằng vàng vào trong bàn tay phải đã duổi ra của Ðức Chánh biến tri: Ðức Tathāgata nhận lấy nhánh cây ấy và trao nó cho vua Abhaya để trồng xuống; Vị chúa của quả đất đã trồng cây ấy trong vườn Mahātittha. "Sau đó Ðức Chánh biến tri đi từ chỗ đó về hướng bắc và khi đang ngồi ở Sīrīsamālaka xinh đẹp, Ðức Tathāgata đã thuyết pháp đến mọi người. Khi ấy, tâu đại vương, có sự tỏ ngộ chánh pháp gồm hai chục ngàn chứng sanh. Nhân đó, bậc chiến tháng lại đi tiếp về hướng bắc, đến chỗ đất mà sau này có bảo Thūpārāma, và sau đó, khi ngồi ở đó, ngài nhập vào đại định, rồi xuất định, Ðức Chánh biến tri lại thuyết pháp đến những người ở quanh ngài, và ngay tại chỗ đó, mười ngàn chúng sanh chứng đắc quả thánh" Khi cho bình nước thánh của chính ngài để dân chúng tôn thờ kính ngưỡng và khi để lại vị Tỳ khưu ni ở đây cùng với tùy tùng của nàng và cũng để lại người đệ tử Mahādeva của ngài với một ngàn vị Tỳ khưu, Ðức Chánh biến tri từ đó đi về hướng đông, và khi đứng trên chỗ đất Ratanamāla, ngài ban lời giáo huấn đến dân chúng rồi khi bay vào không trung với chúng tăng, bậc chiến thắng trở lại Jampudīpa. "Ðức Chánh biến tri thứ hai trong đại kiếp của chúng xa ta là Thế tôn Konāgamana, là bậc đạo sư toàn tri, có lòng bi mẫn đối với thế gian, "Lúc bấy giờ khu rừng Mahāmegha này có tên là Mahānoma, kinh đô tên là Vaḍḍhamāna, nằm về hướng nam. Samidha là tên của vị vua trị vì xứ ấy lúc bấy giờ. Hải đảo này lúc bấy giờ có tên là Varadīpa. "Lúc bấy giờ nạn hạn hán lan tràn ở đây tại Varadīpa. Khi bậc chiến thắng đang biết được tai họa này, để chấm dứt nạn hạn hán ấy, và sau đem lại sự giáo hóa chúng sanh và sự phát triển của giáo pháp tại hải đảo này, ngài rung cảm bởi lòng đại bi của ngài, đã đi đến xuyên qua hư không, được theo hầu bời ba chục ngàn đệ tử bậc thánh, và đứng ở trên núi Sumaṇakūtaka. Do oai lực của Ðức Chánh biến tri, nạn hạn hán chấm dứt, và từ dạo đó sự suy sụp của giáo pháp chấm dứt và mưa rào rơi xuống hợp thời. "Và khi đứng ở đó, tâu đại vương, bậc trí tuệ tối thắng, bậc Ðại hiền trí, phát nguyện rằng: "tất cả mọi người ở Varadīpa sẽ trông thấy ta ngày hôm nay, và nếu họ chỉ muốn đi đến ta thời tất cả mọi người sẽ nhanh chóng đến gần ta mà không gặp trở ngại nào." "Khi đức vua và dân chúng ở thành thị đi đến, mang theo những lễ vật cho các vị chư thiên, tin rằng bậc lãnh đạo của thế gian và tăng chúng là những vị chư thiên như vậy. Và khi đức vua, rất vui mừng, đảnh lễ bậc trí tuệ tối thắng, thỉnh ngài đi thọ thực và đưa ngài đến kinh đô, vị hoàng đế khi ấy nghĩ rằng: "chỗ khả ái và cao quí này thích hợp để làm chỗ nghỉ ngơi cho vị vua của các bậc trí tuệ cùng với chúng tăng và không quá nhỏ," "bèn mời đức Chánh biến tri và tăng chúng ngồi ở đây trên những chỗ ngồi xinh đẹp trong cái giả ốc quí báu do vua dựng lên. "Khi dân chúng trông thấy bậc lãnh đạo của thế gian với chư tăng đang ngồi ở đây, họ đem đến đây những vật thí từ khắp mọi nơi. Và đức vua hầu hạ bậc lãnh đạo của thế gian với tăng chúng bằng vật thực của vị ấy, gồm cả loại cứng loại mềm, và những vật thực được dân chúng rải rác các nơi đem đến. "Trong khi bậc chiến thắng đang ngồi, sau giờ thọ thực tại chính chỗ này, đức vua dâng đến Ngài khu vườn Mahānoma để làm vật thí quí trọng. Và khi khu vườn Mahānoma rực rỡ với những bông hoa nở sái mùa, được thâu nhận bởi đức Phật thì đại địa rung chuyển. Và khi ngồi ngay ở đây, bậc đạo sư thuyết giảng chánh pháp; khi ấy ba chục ngàn người chứng đắc đạo quả giải thoát. "Khi bậc chiến thắng đã lưu lại suốt ngày trong khu vườn Mahānoma, vào lúc chiều, Ngài đi đến chỗ đất mà cây bồ đề trước kia mọc lên, và khi ngồi ở đó, sau khi đã nhập vào đại định, rồi lại xuất khỏi định, đức Chánh biến tri, đầy quan tâm đến sự hóa độ cho dân chúng trên hải đảo, nghĩ rằng: "Khi đem đến đây nhánh phía nam nơi cây bồ đề của ta, là cây Udumbara, Tỳ khưu ni Kantakānandā sẽ đến đây với những Tỳ khưu ni khác." "Khi vị trưởng lão ni biết được tâm của ngài, ngay tức thì nàng dẫn đức vua đến chỗ ấy và đi đến cây ấy. Rồi khi vị trưởng lão ni có năng lực thần thông đã về một đường kẽ bằng cây viết chì, làm bằng chất tỳ sương đỏ quanh nhánh cây phía nam, nàng lấy nhánh bồ đề đã được tách ra như vậy, đặt nó trong một cái hũ bằng vàng và bằng năng lực thần thông của nàng, nàng đem cây này đến đây, tâu đại vương cùng với hội chúng của nàng gồm năm trăm Tỳ khưu ni khác, được theo hầu bởi những vị chư thiên, và nàng đặt cây cùng với cái hủ bằng vàng trong bàn tay phải được chìa ra của đức Chánh biến tri. Ðức Chánh biến tri nhận lấy nó và trao cho vua Samiddha để trồng xuống chúa quả đất đã trồng cây ấy ở đó trong khu vườn Mahānoma. "Rồi đức Chánh biến tri từ Sirīsamāla đi về hướng bắc và thuyết pháp đến dân chúng. Khi đang ngồi ở Nāgamālaka. Khi nghe được chánh pháp, tâu bệ hạ, có hai chục ngàn chúng sanh tỏ ngộ được chánh pháp. Khi ngài đã đi tiếp về hướng bắc, đến chỗ mà Ðức Phật quá khứ đã ngồi, và sau khi đã ngồi ở đó, nhập vào và lại xuất khỏi đại định, Ðức Chánh biến tri thuyết pháp đến những người ở quanh Ngài, và ngay tại chỗ ấy mười ngàn chúng sanh chứng đắc đạo quả giải thoát. "Khi cho sợi dây lưng của Ngài để dân chúng tôn thờ kính ngưỡng và để lại vị Tỳ khưu ni ở đây với tùy tùng của nàng và cũng để lại vị đệ tử của Ngài là Mahāsumba với một ngàn vị Tỳ khưu, Ðức Chánh biến tri, khi đứng ở phía bên này của Ratanamāla tại Sudasanamāla, đã ban lời khuyến giáo đến dân chúng; rồi khi cùng với chúng tăng bay vào không trung, bậc chiến thắng trở lại Jambudīpa. "Vị thứ ba trong đại kiếp của chúng ta là bậc chiến thắng Kassapa, là bậc đạo sư toàn tri, có lòng bi mẫn đối với thế gian. "Khu rừng Mahāmegha lúc bấy giờ có tên là Mahāsāgara; kinh đô tên là Visāla, nằm về hướng tây Jayanta là tên của vị vua trị vì xứ ấy thời bấy giờ, và hải đảo này bấy giờ mang tên là Maṇḍadīpa. "Lúc bấy giờ một cuộc tàn sát kinh khủng đã xảy ra, giữa vua Jayanta và người em trai của vị ấy. Khi Kassapa, Ðấng Thập Lực, Bậc Ðại hiền thánh, đầy lòng bi mẫn biết được sự bất hạnh đến với chúng sanh do bởi cuộc chiến tranh này to lớn như thế nào, khi ấy, để chấm dứt cuộc chiến tranh này, và sau đó đem lại sự hóa độ, cho chúng sanh và sự phát triển của giáo pháp trên hải đảo này, Ngài bị thúc dục bởi sức mạnh của lòng bi mẫn của Ngài, đã đi đến xuyên qua hư không cùng với hai chục ngàn thánh đệ tử, và Ngài đứng trên núi Sabhakūta. "Khi đứng ở đó, tâu đại vương, vị vua của các bậc trí tuệ, bậc đại hiền trí, đã chú nguyện rằng: "tất cả mọi người ở đảo Maṇḍadīpa sẽ trông thấy ta ngày hôm nay; và nếu mọi người chỉ muốn đi đến ta thì tất cả mọi người sẽ nhanh chóng đến gần ta mà không gặp trở ngại nào." Khi đức vua và dân chúng trông thấy vị vua của các bậc trí tuệ, đang chiếu sáng và làm cho ngọn núi sáng chói, họ tức tốc đi đến đó. Nhiều người đi đến đó, mang theo những lễ vật để cúng dường thần linh để cầu nguyện sự chiến thắng về phe của họ, tin rằng Bậc lãnh đạo của thế gian và chúng tăng là những vị thần linh như vậy; Ðức vua và hoàng tử, đầy kinh ngạc, bèn dừng ngay cuộc chiến đấu. Khi đức vua, đầy hoan hỉ, đã đảnh lễ vua của các bậc trí tuệ, thỉnh Ngài đến trai tăng và đã đưa Ngài vào kinh đô, khi ấy vị hoàng đế nghĩ rằng: "chỗ khả ái và trang nghiêm này thích hợp để làm chỗ nghỉ ngơi cho vị vua của các bậc trí tuệ với chúng tăng và không quá nhỏ," bèn thỉnh Ðức Chánh biến tri và chúng tăng ngồi ở đây trên những chỗ ngỗi xinh đẹp trong giả ốc sang trọng do đức vua dựng lên. "Khi dân chúng của hải đảo trông thấy bậc lãnh đạo của thế gian với tăng chúng đang ngồi ở đây, họ đem đến đây những vật thí từ khắp mọi nơi. Và đức vua hầu hạ Bậc lãnh đạo của thế gian với chư tăng bằng vật thực của vị ấy, và bằng những loại vật thực được những người khác đem đến. "Trong khi bậc chiến thắng đang ngồi, sau buổi thọ thực ngay tại chỗ này, đức vua dâng đến ngài khu vườn Mahāsāgara để làm vật thí quí trọng. Và khi khu vườn Mahāsāgara, rực rỡ với những bông hoa nở sái màu, được đức Phật nhận lãnh, thì đại địa rung chuyển. Và khi đang ngồi ở đây, Bậc đạo sư thuyết giảng chánh pháp; khi ấy có hai chục ngàn người chứng đắc đạo quả giải thoát. "Khi đức thế tôn đã lưu lại suốt ngày trong khu vườn Mahāsāgara, vào lúc chiều đến ngài đi đến chỗ đất mà những cây bồ đề quá khứ đã mọc ở đó, và khi ngồi ở đó sau khi nhập vào đại định, đức Chánh biến tri, có tâm tha thiết với sự hóa độ những người trên hải đảo, sau khi xuất khỏi đại định, bèn nghĩ rằng: "khi đem đến đây nhánh phía nam của cây bồ đề của ta, là cây Nigrodha (cây đa) Tỳ khưu ni Sudhammā sẽ đến đây cùng với những vị Tỳ khưu ni khác." "Khi vị trưởng lão ni biết được tâm của ngài, ngay tức thì nàng dẫn đức vua đến chỗ ấy và đi đến cây ấy. Rồi vị trưởng lão ni có năng lực thần thông đã vẽ quanh nhánh cây phía nam bằng cây viết chì làm bằng chất tỳ sương đỏ, nàng lấy nhánh cây được tách ra như vậy và đặt nó vào trong cái hũ vàng, và bằng năng lực thần thông của nàng, tâu đại vương, nàng đem cây này đến đây cùng với hội chúng của nàng gồm năm trăm vị Tỳ khưu ni, được theo hầu bởi những vị chư thiên và nàng đặt cây ấy với cái hũ bằng vàng trong bàn tay phải được duỗi ra của đức Chánh biến tri; Ðức Chánh biến tri nhận lấy cây ấy và trao nó cho đức vua Jayanta để trồng xuống; Vị chúa của quả đất đã trồng cây ấy ở đó trong khu vườn Mahāsāgāra. "Sau khi đức Phật đi về hướng bắc từ Nāgamālaka và thuyết pháp đến dân chúng đang ngồi ở Asokamālaka. Khi họ đã nghe pháp, tâu đại vương, ngay tại đó có bốn ngàn chúng sanh tỏ ngộ chánh pháp. Sau đó khi ngài đã đi tiếp về hướng bắc đến chỗ mà các vị Phật quá khứ đã ngồi và khi ngồi ở đó, sau khi nhập vào đại định, đức Chánh biến tri sau khi xuất khỏi đại định, đã thuyết pháp đến những người ở quanh ngài, và ngay tại chỗ đó có mười ngàn chúng sanh chứng đắc đạo quả giải thoát. "Khi cho chiếc y tắm mưa của ngài để làm di vật tôn thờ đến dân chúng. Và để lại vị Tỳ khưu ni ở đây với tùy tùng của nàng, và cũng để lại đệ tử Sabbananda của ngài với một ngàn vị Tỳ khưu, ngài, khi đứng ở bờ bên này của con sông của xứ Sudassanamāla tại Somanassmālaka, đã ban lời giáo huấn đến chúng dân; rồi khi cùng với chúng tăng bay vào không trung, bậc chiến thắng trở lại Jambudīpa. "Vị thứ tư trong đại kiếp của chúng ta là bậc chiến thắng Gotama, bậc đạo sư, biết rõ hết thảy chân lý, có lòng bi mẫn đối với thế gian. Khi ngài đi đến đây lần đầu tiên ngài đã đuổi đi những Dạ-xoa, khi ngài lại đến đây lần thứ hai. Ngài đã nhiếp phục các vị rồng. Khi được khẩn nài bởi Long vương Maṇiakkhi của con sông Kalyānī, Ngài trở lại lần thứ ba, Ngài độ thực đó với chúng tăng, Và khi ngài đã ngồi an hưởng an lạc ở chỗ mà những cây bồ đề quá khứ đứng ở đó; và ở chỗ được chỉ định để làm bảo tháp ở đây và cũng tại chỗ để bảo vệ những di vật của ngài để lại, Và khi ngài đã đi đến phía bên này của chỗ mà chư Phật quá khứ đã đứng, bậc đại hiền trí, Ngọn đèn của thế gian, Vì khi ấy không có loài người ở đảo Tích Lan, nên đã ban lời khuyến giáo đến thiên chúng trú ngụ ở đảo này, và đến những vị rồng; Rồi khi bay vào không trung với chúng tăng, bậc chiến thắng trở lại Jambudīpa. "Như vậy, tâu đại vương, chỗ này được bốn vị Phật viếng thăm; tại chỗ này, tâu đại vương, về sau sẽ có bảo tháp, với phòng tồn tích để đặt cái hũ đựng xá lợi của đức Phật; bảo tháp ấy sẽ cao đến một trăm hai mươi hắc tay và sẽ được biết đến qua cái tên là Hemamālī. Khi vị chúa của quả đất nói rằng: "chính trẫm sẽ xây dựng bảo tháp ấy." "Tâu bệ hạ, đối với bệ hạ có nhiều phận sự cần được hoàn thành ở đây. Bệ hạ hãy làm những phận sự ấy đi, còn người kế truyền bệ hạ sẽ xây dựng bảo tháp này. Một người con trai của vị phó vương Mahānāma, em trai của bệ hạ, người có tên là Yaṭṭhālāhayakatissa, về sau sẽ làm vua, con trai của vị ấy sẽ làm vua tên là Goṭhābhaya; Ðứa con trai của vị vua này sẽ lên làm vua tên là Kākavaṇṇatissa; tâu đại vương, đứa con trai của vị vua này tên là Abhaya, nổi danh là Duṭṭhagāmaṇi: vị ấy có oại lực vĩ đại, có năng lực thần thông và lòng dũng cảm, sẽ xây dựng bảo tháp ở đây." "Trưởng lão đã nói như vậy, và vì những lời của trưởng lão khiến vị hoàng đế dựng lên ở đây một cột trụ bằng đá, và vị ấy đã khắc vào đó những lời này. Và khi vị đại trưởng lão có trí tuệ bậc nhất Mahinda, có thần thông lực, đã nhận lãnh khu vườn khả ái Mahāmegha, là Tisārāma, vị ấy, bậc không thể lay chuyển được, khiến cho quả đất rung chuyển ở tám chỗ; Và khi đi khất thực, ngài đi vào kinh đô như đi vào đại dương và thọ thực trong hoàng cung, Ngài rời khỏi hoàng cung, và khi ngồi ở đó trong vườn Nandana, ngài đã thuyết pháp đến dân chúng bài kinh Aggikhandhopamā (Hỏa ẩn dụ kinh) và đã khiến cho một ngàn người trở thành những người thọ lãnh đạo quả giải thoát, ngài lại nghỉ trong vườn Mahāmegha. Khi trưởng lão đã độ thực trong ngày thứ ba trong hoàng cung, và khi đang ngồi trong khu vườn Nandana, đã thuyết bài kinh Āsīvisūpamā (Dột xà dụ kinh), và nhờ đó cải chánh cho mười ngàn người, và từ đó trưởng lão đi đến Tissārāma. Còn đức vua là người đã nghe thời pháp ấy, khi ngồi dưới chân của trưởng lão đã hỏi rằng: "bạch ngài, giáo pháp của bậc chiến thắng có đứng vững không?" "Tâu chúa của loài người, chưa được, chỉ khi nào những ranh giới (Sīmā) được thành lập ở đây để làm lễ phát lồ và thực hành những tăng sự khác, theo lời phán truyền của bậc chiến thắng, thì giáo pháp mới đứng vững được." Trưởng lão nói như vậy, và đức vua trả lời như vầy: "trẫm sẽ sống đúng với lời phán truyền của đức Phật. Bạch Ngài, Bậc đem lại ánh sáng! Do đó hãy nhanh chóng thành lập những ranh giới, bao gồm thành phố này", vị đại vương đã nói như vậy. Và trưởng lão trả lời như vầy; "Nếu vậy, tâu chúa của loài người, bệ hạ hãy đích thân vẽ con đường ranh giới, chúng tôi sẽ thành lập ranh giới ấy." "Tốt lắm", chúa của quả đất nói, và giống như chúa của chư thiên rời khỏi khu rừng Nandana, vị ấy ra đi từ Mahāgehavanārāma vào cung điện của mình. Khi trưởng lão đã thọ thực vào ngày thứ tư trong hoàng cung, và khi đang ngồi trong khu rừng Nandana, Ngài thuyết bài kinh Anamataggasutta (Vô thỉ kinh), Và khi ngài đã cho một ngàn người ở đó uống nước bất tử, vị đại trưởng lão bèn đi đến Mahāmeghavanārāma. Nhưng vào buổi sáng sau khi truyền lịnh đánh trống, và trang hoàng rực rỡ thành phố và con đường dẫn dến tịnh xá và khắp quanh tịnh xá, vị chúa của các xe, bước vào chiếc long xa, đi đến khu lâm viên (ārāma) của mình, được trang sức bằng tất cả những vật trang sức của vị ấy, cùng với các quan và những cung phi mỹ nữ trong hậu cung, với những chiếc xe, những đoàn quân và những con thú cỡi, trong một đoàn dài hùng dũng nối đuôi nhau. Khi đức vua đã tìm đến những vị trưởng lão ở đây và đã đảnh lễ những bậc đáng tôn kính, vị ấy cày một đường cày theo hình vòng tròn, bắt đầu ở chỗ cạn của con sông Kakamba, và kết thúc đường cày khi đức vua đến lại con sông. Khi vị ấy đã vẽ ra những mốc ranh giới bằng đường cày và làm những ranh giới để làm ba mươi hai cái sân vòng tròn và để làm Thūpārāma (tháp viên); vị trưởng lão có trí tuệ bậc nhất khi ấy cũng làm những dấu ranh giới ở bên trong theo tục lệ; Và như vậy người cai trị các căn của mình trong cùng ngày hôm ấy đã thành lập tất cả những ranh giới. Ðại địa rung chuyển khi sự ấn định ranh giới hoàn tất. Khi trưởng lão đã độ thực trong hoàng cung vào ngày thứ năm, ngài thuyết pháp, khi đang ngồi trong khu vườn Mandana, bài kinh Khajjanīyasuta, đến đại chúng, và khi ngài đã cho nước bất tử đến một ngàn người ở đó, trưởng lão lại nghỉ trong khu rừng Mahāmegha. Cũng trong ngày thứ sáu, khi trưởng lão đã độ thực trong hoàng cung, ngài thuyết pháp, khi đang ngồi trong rừng Mandana, bài kinh Gomayapiṇḍīsutta (Ngưu phấn toàn kinh), và sau khi vị pháp sư trí tuệ đã cải chánh cho một ngàn người như vậy, ngài lại nghỉ trong khu rừng Mahāmegha. Vào ngày thứ bảy khi trưởng lão độ thực trong hoàng cung, ngài thuyết pháp, khi đang ngồi trong khu vườn Nandana, bài kinh Dhammacakkappavattanasuttanta (Chuyển pháp kinh luân), và khi đã cải chánh cho một ngàn người, ngài lại vào nghỉ trong khu vườn Mahāmegha, khi vị đại trưởng lão là người cho ánh sáng, bằng cách này, đã cải chánh cho tám ngàn năm trăm người chỉ trong thời gian bảy ngày. Khu vườn Nandana là chỗ mà bậc phạm hạnh đã làm cho chánh pháp được chiếu sáng, được gọi tên là Jotivana; và trong chính những ngày đầu tiên này, đức vua đã truyền lịnh xây cho trưởng lão một Pāsāda (điện lầu) tại Tissarāma, và vị ấy đã sai nung nhanh đất sét bằng lửa. Ngôi nhà trú ngụ có màu sẫm do đó người ta đặt tên là Kālapāsādaparivena (hắc trọng cái liêu). Ðức vua cũng dựng lên một bảo điện dành cho cây đại bồ đề, Lālohapāsāda (thanh đồng điện), Một salaka (nhà trù để phân phối vật thực), và một trai đường tươm tất, vị ấy còn xây nhiều Pariveṇa thù thắng (những chỗ ở dành cho chư tăng), những hồ tắm và những nhà nghỉ, ban đêm và ban ngày vân vân. Ngôi nhà ở của tăng nằm trên bờ của hồ tắm dành cho vị trưởng lão trong sạch được gọi là Sunhātapariveṇa (tức là chỗ dành cho người đã khéo tẩy sạch hay đã thanh lọc, người đã tẩy sạch điều ác là Mahinda). Cái cốc ở chỗ mà ngọn đèn tối thắng của hải đảo (tức là Mahinda) thường đi kinh hành được gọi là Dīghacankamana (thường kinh hành đàn). Nhưng cái cốc được dựng lên ở chỗ mà ngài nhập định để đem lại phúc lạc tột bậc được gọi là Phalaggapariveṇa (cốc để thọ hưởng quả tối thắng). Cái cốc được và lên ở chỗ mà trưởng lão ngồi tựa lưng được gọi là Therāpassayapariveṇa. Cốc được dựng lên ở chỗ mà nhiều thiên chúng tìm đến ngài ngồi dưới chân ngài được gọi là Marugaṇa-pariveṇa (thiên chúng hội cốc). Vị nguyên soái của đức vua đã dựng lên một điện đài có tám cái cột lớn dành cho trưởng lão, gọi là Dīghasandana. Cái cốc nổi tiếng này, là nhà của những người nổi tiếng, được gọi là Dīghasandasenāpatipariveṇa. Vị vua có trí tuệ, có tên mang những chữ "người yêu dấu của chư thiên", người bảo trợ cho trưởng lão Mahinda, bậc có tâm không cấu uế, đã xây dựng ở đây trên đảo Tích Lan này đại tịnh xá Mahāvihāra. Ở đây chấm dứt chương thứ mười lăm, được gọi là "Sự tiếp nhận đại tịnh xá Mahāvihāra", trong bộ Mahāvaṃsa được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XVI SỰ TIẾP NHẬN TỊNH XÁ CETIYAPABBATA VIHĀRA Khi đi vào thành phố để khất thực và ban đặc ân cho dân chúng bằng sự thuyết pháp; thọ thực trong hoàng cung để ban đặc ân cho đức vua, trưởng lão đã trú ngụ hai mươi sáu ngày trong khu vườn Mahāmegha. Nhưng vào ngày mười ba của nửa tháng thượng huyền Āsāḷha, khi vị trưởng lão có tâm hồn cao thượng đã độ thực trong hoàng cung và đã thuyết pháp đến đức vua bài kinh Mahappamādasuttanta (Ðại bất phóng dật kinh), vị ấy ra đi từ đó. Vì trưởng lão muốn lập nên một tịnh xá trên núi Cetiya, nên khi ra đi ở cổng phía đông, trưởng lão đi đến núi Cetiya. Khi đức vua nghe tin rằng trưởng lão đã đi đến đó vua, bèn bước lên chiếc long xa, và khi dẫn theo hai bà hoàng hậu, vị ấy theo sát trưởng lão. Khi các trưởng lão đã tắm trong bể nước Nāgacatuka, họ đứng theo thứ tự để đi lên đỉnh núi. Rồi đức vua bước xuống khỏi xe và đứng ở đó, cung kính đảnh lễ các vị trưởng lão. "tâu bệ hạ, tại sao bệ hạ lại đến đây mệt mỏi vì nắng như vậy?" họ nói; Và khi được trả lời rằng: "vì lo lắng đến sự ra đi của các ngài nên trẫm đi đến đây,"các vị truởng lão trả lời rằng: "chúng tôi đã đến để nhập hạ ngay ở đây" và người rành mạch các điều luật của tăng chúng đã giải thích cho đức vua rõ về chương liên quan đến sự nhập hạ. Khi đứa cháu trai của đức vua, là quan đại thần Mahāriṭṭha, đang đứng gần đức vua với năm anh em vị ấy, nghe được điều này, sau khi xin phép đức vua, họ thọ phép xuất gia với trưởng lão ngay chính ngày hôm ấy, và tất cả những người này đều chúng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong nhà cạo tóc. Khi đức vua đã khởi công xây dựng sáu mươi tám cái cốc bằng đá trong chính ngày hôm ấy quanh chỗ mà về sau có bảo tháp Kantakacetiya, vị ấy trở lại kinh đô; còn các vị trưởng lão thì lưu lại ở chỗ ấy. Vào giờ đã ấn định vì lòng bi mẫn đối với dân chúng, các ngài đi vào thành phố để khất thực. Khi công việc xây dựng các thạch cốc đã hoàn thành vào ngày trăng tròn của tháng Āsaṅha, đức vua đi đến và dâng tịnh xá đến các trưởng lão để làm lễ vật cúng dường. Khi trưởng lão, người đã đi qua bên kia những giới hạn của điều, ác đã kiết giới cho ba mươi hai cái cốc và tịnh xá, sau đó trong chính ngày hôm ấy, tại cốc Tumbarumālaka, là cốc được kiết giới đầu tiên, ngài đã truyền phép cụ túc giới cho những người muốn thọ giới bậc cao. Và sáu mươi hai vị A-la-hán này khi an cư kiết hạ trên núi Cetiya, đã ban ân huệ cho đức vua bằng sự thuyết pháp của các ngài. Và tại đó, những đoàn thiên chúng đã đến gần để tôn kính trưởng lão, người lãnh đạo của nhóm đệ tử và hội chúng của các ngài là những người đã đạt đến danh tiếng lẫy lừng về giới đức, họ đã tích lũy phước lớn. Ở đây chấm dứt chương thứ mười sáu, được gọi là "Sự tiếp nhận tịnh xá Cetiyapabbata-vihāra", trong toàn bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XVII SỰ ÐẾN CỦA XÁ LỢI Khi vị đại trưởng lão có trí tuệ cao tột, sau khi đã nhập hạ như vậy, và đã tổ chức lễ tự-tứ, vào ngày trăng tròn của tháng Kattika, ngài nói với đức vua như vầy: "tâu chúa của loài người, đã lâu chúng ta không được trông thấy đức Chánh biến tri, chúng ta đã sống một cuộc đời không có bậc đạo sư. Không có gì ở đây để chúng ta làm lễ cúng dường", Và khi được hỏi lại rằng: "nhưng bạch ngài, không ngài đã chưa nói cho trẫm là đức Chánh biến tri đã nhập Niết bàn rồi đó sao?" trưởng lão trả lời rằng: "nếu chúng ta được trông thấy xá lợi tức là chúng ta thấy được bậc chiến thắng" "ý định của trẫm là xây dựng một bảo tháp ngài đã biết rồi, vậy trẫm sẽ xây dựng bảo tháp, còn ngài hãy kiếm về xá lợi. Trưởng lão đáp lại với đức vua rằng: "hãy bàn với Sumana xem sao"; Và đức vua nói với vị Sa-di rằng "chúng ta có thể kiếm ở đâu để có xá lợi?" "tâu chúa của loài người, khi bệ hạ đã truyền lịnh trang hoàng thành phố và con đường và đã nguyện thọ trì bát-quan-trai-giới cùng với hội chúng của bệ hạ, vào buổi chiều khi cỡi trên con voi kiết tường của bệ hạ, bệ hạ hãy mang theo cái lọng trắng và có những nhạc công sẽ theo hầu, đến khu lâm viên Mahānāga. Ở đó tâu bệ hạ, bệ hạ sẽ tiếp nhận xá lợi của bậc biết cách đoạn trừ các thành phần của sanh hữu", vị Sa-di đã nói với đức vua có tâm vui sướng như vậy. Và bấy giờ trưởng lão đi ra khỏi hoàng cung đến núi cetiya và gọi Sa-di Sumana đến, "Này Sumana, hãy đi và khi nào ngươi đã đến Pupphapura xinh đẹp, thời hãy chuyển đến vị đại vương, là ông ngoại của ngươi, trách nhiệm giao phó này từ chúng ta: "tâu đại vương, bạn của ngài, là vị vua, người bạn của chư thiên, vì đã được cải chánh theo giáo pháp của đức Phật rồi, muốn dựng lên một bảo tháp; xin bệ hạ hãy cho vị ấy xá lợi của Bậc Ðại Sa-môn và cái bát khất thực mà bậc đạo sư đã từng dùng, vì bệ hạ có giữ nhiều xá lợi của đức Phật. "khi ngươi đã nhận lãnh cái bát chứa đầy xá lợi rồi hãy đi đến thành phố xinh đẹp của chư thiên và hãy công bố với Sakka. Vua của chư thiên về phận sự được giao phó từ chúng ta như sau: "xá lợi, là cái răng nanh bên phải của đức Phật, xứng đáng để làm vật trang hoàng cho ba cõi, ngươi hãy giữ, hỡi chúa của chư thiên, Và xá lợi của cái xương đòn bên phải. Hãy tôn kính cái răng, còn xương đòn của bậc đạo sư ngài hãy cho đi, đừng lo là với phận sự của ngài đối với đảo Tích Lan, hỡi chúa của chư thiên". Và vị Sa-di có năng lực thần thông, khi đáp lại rằng: "thưa vâng, bạch ngài", liền đi ngay đến vua Dhammasoka và tìm thấy đức vua ngay khi vị ấy đứng ở dưới cội cây Sāla và đang cúng dường cây bồ đề thiêng xinh đẹp bằng những vật cúng dường của lễ Kattika. Khi vị Sa-di đã chuyển trách nhiệm phó thác của trưởng lão và đã nhận lấy cái bát khất thực đựng đầy những viên xá lợi từ đức vua, vị Sa-di bèn đi đến Himalaya. Ở trên núi Himalaya, khi vị Sa-di đã để xuống cái bát thiêng liêng nhất ấy chứa những viên xá lợi, vị ấy bèn đi đến vua của chư thiên và chuyển lời nhắn nhủ của trưởng lão. Sakka, vua của chư thiên, lấy ra từ bảo tháp Cūlāmani Cetiya cái xương đòn bên phải của đức Phật và trao xương ấy cho vị Sa-di. Nhân đó vị Sa-môn Sumana đem đi vật ấy cùng với cái bát chứa những viên xá lợi và khi trở về lại núi Cetiya, vị Sa-di đã trao cho trưởng lão. Vào buổi chiều đức vua, dẫn đầu những đoàn tùy tùng đi đến khu vườn Mahānāga, theo cách như đã được nêu ra. Trưởng lão đặt tất cả những xá lợi xuống đó trên ngọn núi, và vì lý do ấy khiến ngọn núi Missaka được gọi là núi Cetiya. Khi trưởng lão đã đặt cái hũ với những viên xá lợi ở trên núi Cetiya, ngài đem xá lợi của xương đòn đi cùng với chúng đệ tử đến chỗ đã định. "Nếu đây là xá lợi của Bậc Ðại Sa-môn, thời cái lọng của ta sẽ từ đó cúi xuống, con voi của ta sẽ quì gối, cái hũ xá lợi này khi đi đến ta sẽ đáp xuống trên đầu của ta. Ðức vua suy nghĩ, và, khi vua nghĩ như vậy thì điều ấy xảy ra đúng như thế. Và tựa như được tưới lên bằng nước cam lồ, vị hoàng đế tràn ngập hỉ cảm khi đỡ lấy cái hủ từ trên đầu, vua bèn đặt lên trên lưng của con voi. Rồi con voi sung sướng rống lên và đại địa rung chuyển. Và con voi quay người và sau khi đi vào thành phố bằng cổng phía đông, cùng với những vị trưởng lão và những đoàn quân binh, các loại xe và những con thú cưỡi, và sau khi rời khỏi cổng phía đông để qua cổng phía nam, con voi đi đến tòa nhà đại tế tự, được dựng lên ở về phía tây của chỗ mà sau này có bảo tháp Thūparāma và khi nó đi quanh chỗ của cây bồ đề, nó đứng yên đầu xoay về hướng đông. Nhưng vào lúc ấy chỗ của bảo tháp được phủ đầy những cây Kadamba đang nở hoa và những cây leo Ādāri. Khi vị chư thiên của nhân loại đã sai dọn dẹp và trang hoàng chỗ thiêng liêng này, được các vị chư thiên bảo vệ, theo đúng nghi thức, vị hoàng đế thỉnh xuống xá lợi từ lưng voi. Nhưng con voi này vẫn không bằng lòng và đức vua hỏi trưởng lão rằng con voi muốn gì và trưởng lão giải thích rằng: "nó muốn đặt những xá lợi ở chỗ nào cao bằng lưng của nó. Do đó nó không chịu để cho ai đem xuống xá lợi ấy." Rồi bằng những cục đất sét khô mà đức vua đã truyền lịnh đem đến nhanh chóng từ cái hồ nước Abhaya, vua chất lên thành một cái ụ cao bằng cái lưng của con voi, và khi vua sai trang hoàng chỗ đất cao này một cách rực rỡ, và sai thỉnh xá lợi xuống khỏi lưng con voi, vị ấy đặt những xá lợi ở trên gò đất ấy. Sau khi chỉ định con voi làm công việc bảo vệ xá lợi và để lại con voi ở đó, đức vua, người có tâm bận rộn với việc xây dựng bảo tháp thờ xá lợi, và đã tức tốc truyền lịnh cho mọi nhà người làm gạch, bèn trở về kinh đô cùng với các quan để trù lính. Việc tổ chức một lễ hội long trọng để cúng dường xá lợi. Còn trưởng lão Mahinda thì cùng với chúng đệ tử đi đến khu rừng Mahāmegha xinh đẹp và nghỉ ở đó. Suốt đêm con voi đi quanh chỗ có xá lợi; suốt ngày nó đứng hầu xá lợi trong ngôi nhà, ở chỗ được chỉ định dành cho cây bồ đề. Khi vị hoàng đế, người tích cực làm theo ước muốn của trưởng lão, đã xây dựng lên bảo tháp, cao đến đầu gối, ở trên cái nền gạch ấy, đã sai tổ chức lễ hội tôn trí xá lợi tại chỗ ấy vua bèn đi đến đó và khắp nơi từ vùng này đến vùng khác, từ khắp mọi nơi dân chúng lũ lượt kéo đến đó. Giữa hội chúng này xá lợi đã bay vào không trung từ lưng con voi, và đứng lơ lửng trong không trung một cách lồ lộ, ở độ cao bảy cây thốt nốt, khiến cho mọi người đầy ngạc nhiên và sửng sốt, xá lợi ấy đã phát ra song thông, khiến cho tóc lông của người xem phải dựng đứng, như sự thị hiện song thông của đức Phật ở cây Gandamba, bằng những tia sáng và những dòng nước tỏa ra từ đó đã làm cho toàn đảo Tích Lan sáng rực và nhiều nơi bị ngập lụt. Khi bậc chiến thắng đang nằm để viên tịch, ngài đã chú nguyện năm điều lớn, Ngài, bậc có ngũ nhãn. "Nhánh phía nam của cây đại thọ bồ đề, được giữ gìn bởi Asoka, khi tự nó tách rời ra, sẽ tự cắm vào trong cái hũ. Khi nhánh cây được đặt như vậy, chiếu sáng khắp các miền của thế giới, sẽ phát ra sáu màu khả ái từ những quả và lá của nó, Rồi, khi bay bổng lên cùng với cái hũ, cây bồ đề khả ái này sẽ ẩn mình trên vùng núi tuyết trong bảy ngày, cái xương đòn bên phải của ta, nếu được đặt vào bảo tháp Thūpārāma, sẽ bay vào không trung và thị hiện song thông. Nếu những xá lợi tinh anh của ta khi ở đầy trong cái hủ, được đặt trong bảo tháp Hemamālikacetiya, là vật trang sức của đảo Tích Lan, những xá lợi ấy sẽ kết thành hình tướng của đức Phật, khi bay lên và đứng lơ lửng trong không trung, sẽ đi vào chỗ tôn thờ, sau khi đã thị hiện song thông". Như vậy đức Tathāgata đã chú nguyện năm điều và do đó xá lợi đã hiện bày phép lạ lúc bấy giờ. Khi đi xuống từ không trung, xá lợi đã nằm trên đầu của hoàng đế. Và đầy hoan hỉ, đức vua đã tôn trí xá lợi vào bảo tháp. Ngay khi xá lợi được tôn trí trong bảo tháp thì sự rung chuyển kỳ diệu của đại địa xảy ra, gây nên nỗi kinh cảm. Như vậy chư Phật cũng bất khả tư nghì, và quả báu của những người đặt niềm tin nơi những bậc khả tư nghì cũng không lường được. Khi dân chúng trông thấy phép lạ, họ khởi lên niềm tin vào bậc chiến thắng. Còn hoàng tử Mattābhaya, là em trai của đức vua, đã có niềm tin nơi vị chúa của các bậc trí tuệ, đã xin phép chúa của loài người và thọ phép xuất gia trong chánh pháp cùng với một ngàn tùy tùng của vị ấy. Và khắp nơi từ Cetāvigāma, Dvāramaṇḍala, từ Vihārabīra, ngay cả từ Gallakapīṭha và từ Upatissa-gāma, mỗi một xứ từ các xứ này đều có năm trăm chàng trai đã làm khởi dậy niềm tin nơi bạc chiến thắng, tất cả họ đều vui sướng thọ phép xuất gia. Như vậy tất cả những người này, xuất thân từ trong thành phố và bên ngoài thành phố, đã thọ phép xuất gia theo giáo phép của bậc chiến thắng, số lượng lên đến ba chục ngàn Tỳ khưu. Khi vị chúa trị vì quả đất đã làm xong bảo tháp xinh đẹp tại Thūpārāma, vua truyền lịnh cho mọi người thường xuyên cúng dường đến tháp thờ xá lợi bằng những vật thí gồm nhiều loại châu báu vân vân. Những nữ nhân trong hoàng gia, những nhà quí tộc, những vị quan, dân thành thị và tất cả những người dân quê cũng đều đem đến các lễ vật cúng dường. Và ở đây đức vua dựng lên một tịnh xá, còn bảo tháp của tịnh xá thì đã được dựng lên trước rồi; Vì lý do này tịnh xá được gọi tên là Thūpārāma (tháp viên). Như vậy bằng những xá lợi này của ngài bậc đạo sư của thế gian, sau khi đã nhập Niết bàn rồi, quả thật đã đem lại nhiều an lạc và sự cứu rỗi cho nhân loại. Làm sao có thể mô tả hết được điều này khi bậc đạo sư vẫn còn sống?" Ở đây chấm dứt chương thứ mười bảy, được gọi là "Sự đi đến của xá lợi", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Đại
đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)
(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007