Dai vuong Thong su - Mahavamsa - Tk Minh Hue dich
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ
MAHĀVAṂSA

Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
(Ấn bản 2007)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG XXII

SỰ SANH CỦA HOÀNG TỬ GĀMANI

Sau khi giết chết Eḷāra, Duṭṭhugāmaṇi lên làm vua. Ðể làm sáng tỏ chuyện này xảy ra như thế nào, sau đây là câu chuyện kể lại theo đúng trình tự của biến cố:

Người em thứ hai của Devānaṃpiyatissa, là phó vương Mahānāga, là người được vua thương mến nhiều. Bà hoàng hậu của vua, con người đầy nham hiểm ấy, hằng khao khát muốn chiếm vương quyền cho đứa con trai của nàng và hằng nuôi dưỡng ý đồ giết chết vị phó vương, và trong khi vị phó vương đang làm cái hồ tên là Taraccha, nàng gởi đến cho vị ấy một trái xoài đã tẩm thuốc độc và được đặt ở trên những trái khác. Ðứa con trai còn nhỏ của nàng đi chung với vị phó vương, đã ăn trái xoài ấy khi đĩa trái cây đã được dở ra, và lăn ra chết tại chỗ. Khi thấy vậy, vị phó vương, cùng với các bà vợ, tùy tùng và ngựa, đi đến Rohana để thoát thân.

Tại tịnh xá Yaṭṭhālayavithāra, bà vợ của vị phó vương, là người có thai đã lớn, đã sanh ra một đứa con trai. Vị phó vương lấy tên của anh trai mình đặt cho đứa con trai. Về sau vị ấy đi đến Rohaṇa vị hoàng tử giàu có này đã trị vì tại Mahāgāma. Vị ấy xây dựng một tịnh xá mang tên của mình, đó là tịnh xá Nāgamahāvihāra. Vị ấy cũng xây dựng nhiều tịnh xá khác nữa, như tịnh xá Uddhakandarakavihāra v.v...

Sau khi vị vua này thăng hà, đứa con trai là Yuṭṭhālayakatissa lên nối ngôi trị vì nước ấy, và về sau đứa con trai Abhaya cũng như thế.

Ðứa con trai của Goṭhābhaya, được biết qua cái tên là Kākavaṇṇatissa, là một vị hoàng tử, sau khi Abhaya thăng hà, đã lên kế ngôi trị vì chỗ ấy. Vihāradevī là chánh hậu của vị vua sùng đạo này, nàng có đức tin kiên cố, là con của vua Kalyānī.

Bấy giờ người cai trị ở Kalyānī là vị vua tên là Tissa. Người em trai của vị ấy tên Ayya-Uttika, đã làm đức vua phẩn nộ vì đã làm người tình vụng trộm với hoàng hậu, đã bỏ trốn khỏi đó và đến trú ngụ ở một nơi khác. Vùng ấy mang tên của người này. Vị ấy sai một người đàn ông giả dạng làm một vị Tỳ khưu mang một thư đến hoàng hậu. Người đàn ông này đi đến đó, đứng ở cửa nhà của vua rồi theo một vị A-la-hán thường hay thọ thực ở hoàng cung vào nhà của vua, nhưng vị trưởng lão chẳng chú ý đến người này. Khi anh ta đã thọ thực chung với vị trưởng lão, khi đức vua đang đi ra (tức là hoàng hậu đi ra chung với đức vua) khi hoàng hậu đang nhìn đến, anh ra làm rơi bức thư xuống đất. Ðức vua quay người khi nghe tiếng sột soạt, và khi ấy nhìn xuống và khám phá ra nội dung của bức thư. Vua tức giận trưởng lão mà chẳng suy xét gì, và trong cơn lôi đình thịnh nộ vua truyền lịnh giết trưởng lão và người đàn ông rồi sai quăng xuống biển. Tức giận trước cảnh này, những vị thần biển khiến cho nước biển tràn vào đất liền; Nhưng đức vua đã nhanh chóng truyền lịnh sai đem đứa con gái xinh đẹp và sùng đạo vào một chiếc thuyền bằng vàng, đứa con gái tên là Devī, và cho hạ thủy chiếc thuyền có khắc những chữ "con gái của vua". Khi nàng đáp vào đất liền gần tịnh xá Laṅka thì vua Kākavaṇṇa làm lễ tấn phong cho nàng làm chánh hậu. Do đó nàng có danh hiệu là Vihāra.

Khi vị ấy đã dựng lên tịnh xá Tissamahāvihāra Cittalapabbatavihāra và luôn cả tịnh xá Gamiṭṭhavāli Kūṭālivihāra v.v..., đầy lòng tịnh tín trong ba ngôi tam bảo, vị ấy thường xuyên cung cấp bốn món vật dụng cần thiết đến chúng tăng.

Lúc bấy giờ, tại tịnh xá tên là Koṭapabbata có một vị Sa-di, sống cuộc đời phạm hạnh, hằng bận rộn trong nhiều thiện sự.

Ðể bước lên cái nền cao của bảo tháp cho được dễ dàng, vị Sa-di đã chất vào ba phiến đá để làm bậc cấp. Vị Sa-di cũng thường xuyên dâng nước uống và làm mọi phận sự phục dịch các vị Tỳ khưu. Vì thân của vị Sa-di thường xuyên bị mỏi mệt nên cậu ta bị nhuốm bịnh nặng. Những vị Tỳ khưu biết ơn, mang vị Sa-di đi đến Silāpassayapariveṇa, và chăm sóc cho cậu ta tại Tissārāma.

Hoàng hậu Vihāradevī, người có tâm tự chế, luôn luôn cúng dường vật thí dồi dào đến chúng tăng trong hoàng cung được sửa soạn xinh đẹp, trước bữa ăn trưa, nhưng sau bữa thọ thực, nàng thường mang theo những hương liệu, tràng hoa, thuốc chữa bệnh, y phục và đi đến Ārāma (khu vực tịnh xá) và dâng cúng đến các vị Tỳ khưu theo địa vị của các ngài. Lúc bấy giờ, sau khi làm phận sự của một người cận sự nữ đối với chư tăng như vậy, nàng ngồi gần vị trưởng lão tọa chủ của tịnh xá và khi đang thuyết pháp, trưởng lão nói với nàng như vầy: "con đã đạt được hạnh phúc lớn nhờ những việc phước của con, ngay bây giờ con không nên chùn bước trong việc thực hiện những việc phước." Nhưng khi nghe lời khuyến giáo như vậy, nàng đáp lại rằng "bạch ngài, chúng con có hạnh nào ở đây trong khi chúng con chẳng có một mụn con nào? Phải chăng hạnh phúc này đem lại là sự không có con!"

Trưởng lão, bậc có sáu tháng trí, biết trước rằng nàng sẽ có con, nên nói rằng, "thưa hoàng hậu, hãy tìm đến vị Sa-di đang lâm trọng bệnh." Nàng rời khỏi đó và đến nói với vị Sa-di đang gần bên cửa tử rằng: "xin hãy phát nguyện làm con của tôi đi, vì như thế sẽ là hạnh phúc lớn cho chúng tôi." Và khi nàng biết rằng vị Sa-di không chịu phát nguyện, người đàn bà có trí tuệ sắc bén bèn truyền lịnh đem đến những bông hoa xinh đẹp để làm lễ vật cúng dường to lớn và lập lại lời cầu khẩn.

Vì vị Sa-di vẫn chưa bằng lòng, nàng, nhờ biết cách làm đúng lẽ đạo, đã cúng dường đến chư tăng, nhân danh vị Sa-di, gồm tất cả những loại thuốc chữa bệnh và y phục và lại khẩn cầu vị Sa-di. Khi ấy, vị Sa-di muốn sanh vào gia đình của vua, và hoàng hậu sai trang hoàng rực rỡ chỗ ấy và khi đã đảnh lễ cáo từ, nàng bước lên xe và ra đi. Nhân đó, vị Sa-di mạng chung, và trở lại một đời sống mới trong bào thai của hoàng hậu trong khi nàng vẫn còn đang trên đường đi. Khi biết được điều này, hoàng hậu dừng lại. Nàng nhắn tin ấy đến đức vua rồi trở về hoàng cung. Khi hai vợ chồng của đức vua đã làm tròn mọi nghi thức tang lễ dành cho vị Sa-di, khi trú trong chính Parivena ấy (tịnh thất) với tâm đầy tự chủ, họ truyền lịnh thường xuyên bố thí rộng rải đến chư tăng.

Rồi những khát vọng sau đây của một thiếu phụ có thai xảy đến cho vị hoàng hậu đức hạnh này. Nàng khao khát điều này: "trong khi làm một cái gối kê đầu của nàng bằng cái tổ mật ong dài một usabha và khi đang nằm nghiêng bên trái trên chiếc giường xinh đẹp, nàng sẽ ăn số mật ong còn lại sau khi đã cúng dường đến mười hai ngàn vị Tỳ khưu cùng nhau thọ thực tổ mật ong ấy, rồi nàng muốn uống nước được dùng để rửa cây gươm đã được dùng để chém cái đầu của vị Sát-đế-lỵ của vua Elāra, và nàng muốn uống nước ấy khi đang đứng ở trên cái đầu này, nàng lại còn muốn trang điểm vào người bằng những tràng hoa được kết bằng những hoa sen chưa bị héo úa được mang về từ những đầm lầy tại Anurādhapura."

Hoàng hậu tâu lại tất cả điều khao khát này với đức vua, và vua hỏi các nhà tiên tri. Khi các nhà tiên tri nghe qua những điều khao khát ấy, họ nói rằng: "đứa con trai của hoàng hậu, sau khi đã tiêu diệt những người Damiḷa và dựng lên một vương quốc thống nhất, sẽ làm cho giáo pháp chiếu sáng rực rỡ."

"Ai có thể chỉ ra một tổ mật ong như vậy, thì vua sẽ ban cho người ấy một đặc ân đúng với công trạng của người ấy", đức vua đã công bố như vậy. Một người dân quê, tìm thấy ở trên bờ biển Goṭha, một chiếc thuyền nhỏ bị lật, chứa đầy mật ong, bèn chỉ cho đức vua. Ðức vua đem hoàng hậu đến đó, và trong một cái liều được dựng lên có trang hoàng xinh đẹp, đức vua bèn cho nàng ăn mật ong đến thỏa thích.

Và để làm thỏa mãn những khát vọng khác của nàng, vua bèn phó thác công việc cho một vị Sa-đế-lỵ tên là Veḷusumana. Anh ta đi đến Anurādhapura và kết bạn với người giữ chuồng ngựa kiết tường của vua Eḷāra và làm một công việc phục vụ người kia. Khi vua trông thấy người đàn ông này, tin tưởng anh ta, đức vua, con người không sợ hãi, bèn đặt xuống những hoa sen và cây gươm của mình trên bờ của con sông Kadamba vào lúc sáng sớm, (Khi vị ấy đã lấy những hoa sen được hái từ những đầm lầy tại Anurādhapura, và cây gươm báu của vị ấy, vào lúc sáng sớm vị ấy đem nó đến bờ sông Kadamba và đặt nó xuống ở đó, mà chẳng sợ ai cả), và khi anh ta đã dẫn ra con ngựa và cỡi lên nó và đã cầm lấy những hoa sen luôn cả cây gươm, anh ta công bố về mình và cho ngựa chạy nhanh hết sức của nó.

Khi đứa vua nghe tin ấy, vị ấy bèn sai người chiến sĩ đầu tiên của mình ra đi để bắt anh ta. Người đàn ông này cỡi trên con ngựa thứ hai kế con ngựa kiết tường ấy và đuổi theo người kia. Veḷusumana, khi đang ngồi trên lưng ngựa, trốn vào trong một đám rừng rậm, tuốt kiếm ra và chỉ về người đang săn đuổi mình. Nhân đó, khi người chiến sĩ kia đi nhanh đến bằng tốc lực của con ngựa, thì cái đầu của người chiến sĩ bị lìa khỏi thân. Người kia dẫn đi hai con thú và cái đầu của người chiến sĩ của Elāra về đến Mahāgāna vào lúc chiều tối. Và hoàng hậu được thỏa mãn những khao khát của nàng. Còn đức vua thì ban thưởng những vinh dự theo đúng với công trạng này.

Ðúng lúc hoàng hậu sanh một đứa con trai cao quí có tất cả những hảo tướng, niềm vui sướng trong gia đình của vị đại đế thật là vĩ đại. Do quả phước của vị hoàng nhi, từ mọi nơi, trong chính ngày hôm ấy, có sanh đến bảy chiếc thuyền đầy nhiều loại ngọc. Cũng thế, do năng lực phước báu của vị hoàng nhi, một con voi thuộc giống có sáu ngà mang đến một con voi con và để lại cho vị ấy rồi ra đi. Khi một người chài lưới tên là Kaṇḍula trông thấy nó ở trong một đám cây rừng trên bờ đối diện với bến nước, anh ta bèn đi tâu ngay với đức vua. Ðức vua bèn sai những người luyện voi đến mang con voi về và nuôi dưỡng nó. Con voi có tên là Kaṇḍula vì nó được tìm thấy bởi Kaṇḍula.

"Một chiếc thuyền đầy những hũ vàng đã đến", người ta báo tin này với đức vua. Và vua bảo họ đem về những vật báu ấy.

Khi đức vua đã thỉnh chúng Tỳ khưu, gồm mười hai ngàn vị, để tham dự lễ đặt tên cho đứa con trai của vua, vua suy nghĩ như vầy: "nếu con trai của ta sau khi nắm lấy vương quyền khắp toàn cõi Tích Lan, sẽ làm cho giáo pháp của Ðức Chánh biến tri chiếu sáng rực rỡ, thời chỉ có một ngàn lẻ tám vị Tỳ khưu đến đây mà thôi, và họ sẽ mặc theo cách để cái bát nằm ở bên trên hết. Họ sẽ đặt bàn chân phải đầu tiên ở bên trong của ngưỡng cửa và họ sẽ cất đi cái lọc nước và cái dù.

Một vị trưởng lão tên Gotama thâu nhận con trai của ta và truyền cho nó pháp thọ trì Tam qui và ngũ giới, và tất cả điều này xảy ra đúng như thế.

Khi trông thấy những hiện tượng phi thường này, đầy hoan hỉ, đức vua bèn cúng dường món cơm sữa đến chúng Tỳ khưu, và mang đến cho con trai của mình cả vương quyền cai quản khắp xứ Mahāgāma cùng với cái tên là Gāmaṇi-Abhaya.

Vào ngày thứ chín sau đó, khi đức vua đi vào Mahāgāma, vị ấy đã giao hợp với hoàng hậu. Nhờ đó nàng có thai. Ðúng lúc đức vua vua đặt tên cho đứa con trai mới ra đời này là Tissa. Và cả hai đứa bé cũng lớn lên giữa đông đảo những tùy tùng.

Vào ngày lễ dâng những món cơm đến cho cả hai đứa con, đức vua đầy lòng tịnh tín, đã dọn ra món cơm sữa trước mặt năm trăm vị Tỳ khưu, và khi các vị Tỳ khưu đã ăn hết một nửa rồi, đức vua cùng với hoàng hậu bèn ăn một ít trong một cái muỗng bằng vàng, rồi cho phần còn lại đến hai đứa con và nói rằng: "này các con, nếu các con từ bỏ giáo pháp của Ðức Chánh biến tri thời cái bụng của các con sẽ không tiêu hóa được vật thực này." Cả hai hoàng tử, nhờ hiểu được ý nghĩa của lời nói này, nên đã ăn món cơm sữa với tâm vui sướng tựa như ăn vật thực của chư thiên vậy.

Khi cả hai vị hoàng tử được mười và mười hai tuổi thì đức vua bèn thử chúng, cũng tiếp đãi các vị Tỳ khưu giống như trước, và khi truyền lịnh đem đặt món cơm sữa còn lại vào trong một cái đĩa và để trước mặt hai đứa bé, rồi đức vua chia vật thực ra thành ba phần và nói như vầy: "này các con thân, chúng ta sẽ không bao giờ quay lưng với các vị Tỳ khưu, là những vị thần linh ở trong nhà: các con hãy ăn phần vật thực này khi mang những ý nghĩ như vậy." Lại nữa: "chúng ta là hai anh em sẽ mãi mãi không bao giờ có lòng thù địch lẫn nhau; Hãy ăn phần vật thực này khi mang những ý nghĩ như vậy." Và tựa như nó là vật thực thượng vị, cả hai cùng ăn hai phần vật thực.

Nhưng khi đức vua nói với chúng rằng: "không bao giờ đánh nhau với những người Damiḷa; hãy nghĩ như vậy mà ăn phần vật thực này". Tissa dùng tay liệng đi vật thực, đi đến giướng nằm, và khi co rút tay chân lại, cậu ta bèn nằm trên giường. Hoàng hậu đi đến, âu yếm vuốt ve và nói với Gāmaṇi như vầy: "tại sao con nằm mà không duỗi tay chân ra cho thoải mái, này con thân?" "ở bên kia sông Hằng là những người Damiḷa, còn ở bên này là đại dương Goṭha, làm sao con có thể nằm với tay chân duỗi ra cho được?" Cậu ta trả lời. Khi đức vua nghe qua những ý nghĩ của cậu ta như vậy thì vị ấy làm thinh.

Khi Gāmaṇi khôn lớn và đến tuổi mười sáu, minh mẫn và tráng kiện, có danh tiếng, thông minh và là một anh hùng về uy lực.

Trong kiếp sống đang thay đổi này, quả thật vậy, chỉ nhờ những việc phước khiến chúng sanh đi qua kiếp mới theo ước muốn của mình; Nhờ suy nghĩ như vậy mà người có trí tuệ hằng luôn luôn, với lòng sốt sắng, tích lũy nhiều việc phước.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mười hai, được gọi là "Sự sanh của hoàng tử Gāmaṇi", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXIII

SỰ TUYỂN MỘ QUÂN BINH

Trước tiên nói đến sức mạnh, vẻ đẹp, hình vóc, những nét đặt biệt của lòng can đảm, tánh nhanh nhẹn và kích thước to lớn của thân, đó là voi Kaṇḍula. Còn nói về những chiến sĩ hùng mạnh và tinh nhuệ, thì vua có mười chiến sĩ sau đây: Nandhimitta, Sūranimila, Mahāsoṇa, Goṭhambara, Theraputtābhaya, Bharaṇa, và luôn cả Veḷusumana, KhañjadevaLabhiyavasabha.

Vua Eḷāra có một vị tướng tên là Mitta, và ở trong ngôi làng mà vị ấy cai trị, nằm ở vùng phía đông gần núi Citta, vị ấy có một người cháu trai, là con trai của người em gái, người cháu trai này mang tên của cậu, có những phần kín ẩn trong thân. Trong những năm tháng còn thơ ấu, bởi vì cậu ta thích bò đi xa, nên người ta thường trói cậu bé bằng một sợi dây quanh thân của cậu, rồi buộc sợi dây vào một tảng đá xay. Và bởi vì, khi đang bò quanh trên đất, cậu ta kéo theo tảng đá, và vì phải đi qua ngưỡng cửa, nên sợi dây bị đứt tung, do đó người ta gọi cậu là Nandhi-mitta. Cậu có sức mạnh bằng mười con voi. Khi lớn khôn, cậu đi vào thành phố và cắt đầu của ông cậu. Những người Damiḷa, lúc bấy giờ hay phá hoại những bảo tháp và những thánh tích khác, người đàn ông lực lưỡng này thường xé xác họ, một chân đạp lên người họ, còn tay thì nắm chắc người kia, rồi quăng chúng qua bên kia những bức tường. Còn những vị chư thiên thì làm cho những xác chết ấy biến mất.

Khi người ta xem thấy sự suy giảm của những người Damiḷa, họ bèn tâu lại với đức vua; nhưng lịnh truyền là "hãy dẫn người ấy về đây cùng với con mồi của người ấy", họ không thể làm công việc ấy được. Nandhimitta suy nghĩ rằng: "nhưng nếu ta làm vậy, thì chỉ đem lại sự tiêu diệt cho loài người mà không đem lại sự vẻ vang cho giáo pháp chút nào. Tại Rohaṇa vẫn có những vị hoàng tử có niềm tin nơi Tam bảo. Ta sẽ đến hầu hạ vị vua ấy, và khi ta đã chinh phục tất cả bọn người Damiḷa và đã ban vương quyền cho các vị hoàng tử, thời ta sẽ làm cho giáo pháp của Ðức Phật chiếu sáng rực rỡ." Rồi chàng dũng sĩ ra đi và tâu lại vấn đề với hoàng tử Gāmaṇi về ý định này. Khi hoàng tử đã đem chuyện này bàn với mẹ, vị ấy bèn thâu nhận người kia và ban cho danh vọng, và chiến sĩ Nandhimitta tiếp tục sống với hoàng tử trong danh vọng lớn.

Vua Kākavaṇṇatissa cắt cử một toán lính thường xuyên bảo vệ ở những chỗ cạn của con sông Mahāgāṅgā, để ngăn chặn sự tấn công của những người Damiḷa. Bấy giờ đức vua với một người vợ khác, có một đứa con trai tên là Dīghābhaya, vua sai một toán vệ binh bảo vệ cho vị hoàng tử này. Và để thành lập toán vệ binh, vua sai những gia đình quí tộc ở khắp quanh một khoảng rộng hai do tuần, mỗi gia đình phải gởi đến một đứa con trai. Ở bên trong vùng Koṭṭhivāla, trong một ngôi làng Khaṇḍaka-viṭṭhika, có một người tộc trưởng, là người đứng đầu của ngôi làng tên là Samgha, ông ta có bảy đứa con trai. Ðứa con trai thứ bảy của vị tộc trưởng tên là Nimila, có sức mạnh bằng mười con voi. Sáu người anh của cậu ta đã tức giận vì thấy cậu ta có tánh lười biếng, nên cậu ta phải ra đi, nhưng cha mẹ thì không muốn vậy. Vì tức giận những người anh, cậu ta bèn đi một khoảng xa ba do tuần, và ngay lúc mặt trời mọc cậu ta tìm đến vị hoàng tử. Và để thử cậu ta, hoàng tử giao cậu ta làm công việc đem thư đi xa: "gần núi Cetiya trong một ngôi làng của Dvāramaṇḍala có một vị Bà-la-môn tên là Kuṇḍalī, là bạn của ta. Ông ta có hàng hóa ở nước ngoài, ngươi hãy đi đến ông ta và đem về đây những thứ hàng hóa mà ông ta cho người." Khi hoàng tử đã nói như vậy với Nimila và đã dọn cho cậu một bữa cơm, hoàng tử bèn sai cậu ra đi mang theo một bức thư.

Trước lúc đứng bóng, Nimila đi được chín do tuần từ chỗ ấy đến Anurādhapura và tìm đến vị Bà-la-môn. "này ông bạn thân mến, khi ông đã tắm trong hồ nước rồi, hãy đến đây," vị Bà-la-môn nói. Vì cậu ta chưa bao giờ đi đến chỗ này nên cậu đã tắm trong hồ nước Tissa, và khi cậu đã làm cây đại bồ đề và bảo tháp trong Tháp viên, bèn đi vào thành phố. Rồi khi cậu ta đã trông thấy toàn thể thành phố và đem về những vật thơm từ một dãy tiệm bán những vật cúng dường, lại ra đi bằng cổng bắc và đã mang về những hoa sen từ cánh đồng sen, cậu ta tìm đến vị Bà-la-môn, và khi được hỏi, cậu ta bèn kể lại cho vị Bà-la-môn nghe về sự đi bộ của mình.

Khi vị Bà-la-môn nghe qua chuyến đi bộ đầu tiên của Nimila (khoảng xa từ Kacchakatittha đến Dvāramaṇḍala trong vòng một buổi sáng) và chuyến đi bộ đến đây (nghĩa là đến Anurādhapura và từ đó trở lại Dvāramaṇḍala), đầy ngạc nhiên, vị Bà-la-môn suy nghĩ: "đây là người thuộc giống người cao quí". Nếu Keḷāra nghe nói về vị ấy thì ông ta sẽ bổ sung chàng trai vào trong lực lượng của ông ta. Do đó vị ấy không nên sống ở đây gần những người Dimiḷa. Tốt hơn vị ấy nên sống với cha của hoàng tử. Khi đã viết xong bức thư mang ý nghĩa như thế, vị Bà-la-môn bèn trao vào tay của Nimila, và khi cho cậu ta bộ áo quần Puṇṇavaddhana (là một bộ y phục đắt giá tên ấy) và nhiều quà cáp để cậu ta mang theo, và khi đã tiếp đãi, cho cậu ta ăn uống thỏa thích, vị Bà-la-môn sai cậu trở lại với người bạn của mình. Nimila đi đến hoàng tử vào lúc những bóng mát trải dài và trao cho đứa con trai của đức vua bức thư cùng với những quà tặng. Khi ấy hoàng tử vui sướng nói rằng: "hãy tôn vinh người này bằng một ngàn đồng". Những người hầu nam khác của hoàng tử sanh lòng ganh tỵ, rồi hoàng tử truyền lịnh ban vinh dự cho chàng trai bằng mười ngàn đồng. Và khi người ta đã cắt tóc và tắm cho Nimila ở sông, để phù hợp với địa vị của vị ấy, và đã mặc vào cho cậu bộ y phục Puṇṇavaddhana và mang vào một tràng hoa thơm xinh đẹp, và quấn một cái khăn lục quanh đầu của cậu. Người ta mang cậu đến hoàng tử, hoàng tử truyền lịnh cho vị ấy vật thực ở trong những kho chứa của chính mình. Hơn nữa, hoàng tử còn bảo người ta cho đến vị ấy chiếc giường của chính mình, trị giá mười ngàn đồng. Vị chiến sĩ này chất lại tất cả những thứ này và mang chúng đến cha mẹ của mình và cho mẹ mười ngàn đồng còn chiếc giường thì cho đến cha. Trong cùng đêm ấy vị chiến sĩ đi đến và xuất hiện trước toán quân thị vệ. Vào lúc sáng, khi hoàng tử đã nghe được chuyện nầy, vị ấy vui mừng khôn xiết. Khi đã cho chàng trai đồ tư lương cho chuyến đi và một toán quân hộ vệ và còn ban cho mười ngàn đồng để làm vật tặng, hoàng tử bèn cho Nimila đi về với cha mẹ. Người chiến sĩ này mang mười ngàn về với cha mẹ, cho họ món tiền ấy, rồi đến yết kiến vua Kākavaṇṇatissa. Vua bổ nhiệm vị ấy làm công việc hầu hạ Gāmaṇi, và với những vinh dự to lớn, chiến sĩ Sūranimila, sống với hoàng tử Gāmaṇi.

Tại quận Kutumbari, trong ngôi làng Hundarīvāpi, có người con trai thứ tám của Tissa, tên là Soṇa. Lúc bấy giờ khi cậu ta được bảy tuổi, cậu đã nhổ bật lên những cây thốt nốt con; Lúc cậu lên mười tuổi, cậu bé có sức mạnh ấy đã nhổ lên những cây thốt nốt lớn. Ðến đúng lúc Mahāsoṇa có sức mạnh bằng mười con voi. Khi đức vua nghe nói rằng cậu ta là một người có sức mạnh như vậy, vua bèn đem cậu ta đi từ người cha của cậu và cho cậu ta vào phục vụ cho Gāmaṇi để hoàng tử có thể bảo trì cậu ta. Khi nhận lãnh phần thưởng đáng trọng vọng, cậu ta sống chung với hoàng tử.

Tại vùng Giri, trong ngôi làng Niṭṭhulaviṭṭhika, có một người con trai của Mahānāga, mạnh bằng mười con voi. Vì cậu ta có vóc dáng hơi lùn, nên người ta gọi cậu là Goṭhaka. Sáu người anh của cậu thường hay trêu chọc cậu. Một hôm khi sáu người anh đã ra đi và đang phát dọn một khu rừng để làm nương dậu, họ chừa lại một phần chưa khai thác cho cậu ta và trở về nói cho cậu biết. Khi ấy cậu ta khởi sự lên đường ngay lập tức, và khi đã nhổ bật những cây có tên là Imbara và đã san bằng chỗ đất ấy, cậu trở về và báo tin với họ. Những người anh ra đi và khi họ trông thấy công việc khác thường ấy, họ trở về và hết lời khen ngợi công việc của cậu. Vì lý do này mà cậu được gọi tên là Goṭhaimbara, và cậu cũng được đức vua cho ở chung với Gāmaṇi.

Một gia chủ tên là Rohaṇa, là trưởng của ngôi làng Kitti gần núi Koṭa, đặt tên cho đứa con trai theo tên của vua Goṭhābhaya. Vào lúc mười đến mười hai tuổi, cậu bé rất mạnh đến nỗi khi cậu chơi ném đá như ném trái banh, đã ném những cục đá nặng bốn năm người khiêng không nổi. Khi cậu được mười sáu tuổi, người cha làm cho cậu một cái côn đường tròn ba mươi tám đốt (đốt: inch, 1 inch = 2,54 cm) và bề dài mười sáu đốt. Khi cậu ta dùng cây côn này quất vào những thân cây thốt nốt hay những cây dừa, cậu ta đã làm cho chúng ngã sập xuống. Vì thế cậu được gọi là một dũng sĩ. Và đức vua cũng truyền lịnh cho cậu ở chung với Gāmaṇi.

Nhưng cha của cậu là một cận sự nam của trưởng lão Thera Mahāsumma. Có một lần nọ, khi vị gia chủ này nghe trưởng lão Mahāsumma thuyết pháp ở trong tịnh xá Koṭapabbatavihāra, ông ta chứng đắc quả thánh Tu-đà-huờn. Với tâm nhàm chán thế gian, ông ta bèn tâu lại ý nghĩ này với đức vua, và khi ông ta đã trao quyền gia trưởng cho đứa con trai của mình, ông ta thọ phép xuất gia từ trưởng lão. Nhờ chuyên tâm thực hành thiền quá nên không bao lâu ông ta chứng đắc quả đạo của A-la-hán. Do đó đứa con trai của ông ta được gọi là Theraputtābhaya (Abhaya là tên của đứa con trai của vị trưởng lão Abhaya).

Trong ngôi làng Kappakandara có một đứa con trai của Kumāra tên là Dharaṇa. Ðến lúc, khi cậu ta ở độ tuổi từ mười đến mười hai, cậu ta cùng với những đứa trai đi vào rừng và săn đuổi những con thỏ; Cậu dùng bàn chân đá vào chúng và liệng chúng, khi rơi xuống đất thì bị đứt làm hai. Rồi, khi cậu lên mười sáu tuổi, cùng với những người dân làng, chàng trai cũng giết những con dê núi, nai sừng tẩm, và lợn rừng cũng bằng cách như trước. Do đó Dharaṇa được mọi người biết đến là đại dũng sĩ. Và đức vua cũng truyền lịnh cho cậu ta ở chung với Gāmaṇi.

Ở quận Giri, trong ngôi làng của Kuṭumbiya-gaṇaṅ, có một gia chủ tên là Vasabha, được mọi người ở đó tôn trọng. Những người bạn ở miền quê của ông ta là VeḷaSumana là người cai trị của xứ Giri, cả hai cùng lấy tên của họ đặt cho cậu bé khi họ đã đi đến và mang theo những vật tặng vào lúc cậu bé chào đời. Khi cậu bé lớn khôn, nhà cai trị của xứ Giri cho cậu ta sống trong gia đình của mình. Khi trông thấy Veḷusumana, ông ta suy nghĩ: "đây là một tay cưỡi ngựa xứng đáng với ta," và ông ta reo mừng. Khi nhà cai trị biết được điều này, ông ta bèn nói với Veḷusumana rằng: "hãy cưỡi ngựa xem sao." Rồi cậu ta leo lên lưng ngựa và cho phi quanh một đường tròn; Và con vật xem ra chỉ có một con ngựa chiếm quanh khắp khoảng vòng tròn ấy, và cậu ta ngồi trên con tuấn mã tựa như một chuổi người và cậu ta cởi ra chiếc áo khoác và buộc nó ở quanh mình nhiều lần như vậy mà chẳng sợ hãi gì.

Khi những người đứng xem trông thấy vậy, họ trổi lên những tiếng tung hô vang rền. Nhà cai trị của xứ Giri cho cậu ra mười ngàn đồng và khi nghĩ rằng: "chàng trai này xứng đáng hầu hạ cho đức vua", ông ta vui sướng tiến cử cậu vào phục vụ cho vua. Vua cho Veḷusumana ở gần mình, ban cho cậu phần thưởng long trọng và rất ưu đãi cậu.

Tại quận Makulanaga trong ngôi làng của Mahisadoṇika có đứa con trai cuối cùng của Abhaya, tên là Deva có sức mạnh phi thường. Vì cậu ta đi hơi khập khiểng, nên người ta gọi cậu là Khañjadeva. Khi cậu đi săn với dân làng, cậu đuổi theo những con trâu núi, và dùng tay nắm lấy chân của chúng, rồi khi đã xoay tròn chúng trên đầu của cậu, chàng trai đã quăng chúng xuống đất làm cho xương của chúng bị gãy. Khi đức vua nghe người ta tâu lại chuyện này, bèn truyền lịnh cho đem Khañjadeva đến và cho cậu ta ở chung với Cāmaṇi.

Gần tịnh xá Cittapabbata, trong ngôi làng có tên là Gaviṭa, có đứa con trai của Uppala tên là Phussadeva. Có một lần nọ khi còn là một cậu bé, cậu ta đi đến tịnh xá với những đứa trẻ khác, cậu ta cầm lấy một trong những cái vỏ sò đã được dâng đến cây đại bồ đề và thổi mạnh. Âm thanh phát ra thật dữ dội, tựa như tiếng gầm gây ra sự đổ vỡ của một cơn sấm sét, và tất cả những đứa bé khác, kinh hoàng, tựa như bị tê liệt. Do đó cậu được mọi người biết qua cái tên là Ummādaphussadeva. Cha của cậu bắt cậu học môn cung thuật gia truyền, và cậu ta là một trong số những người bắn trúng mục tiêu chỉ cần nghe âm thanh, bắn trúng bằng ánh sáng của tia chớp, và bắn trúng một cọng tóc. Một cỗ xe chỉ bằng một phát tên, cậu ta bắn xuyên một cỗ xe chở đầy cát, bắn xuyên một trăm tấm da buộc chồng lên nhau, một tấm ván bằng gỗ Asana hay gỗ Udumbara dày tám hoặc mười sáu inch (hay một tấm bằng đồng hay sắt dày bốn inch). Một cây tên được cậu ta bắn ra bay đi trên đất xa tám usabha (1 usabha bằng 140 hắc tay) và đi xuyên qua nước được một usabha. Khi vị đại vương nghe nói về chuyện này, vị ấy sai người đến nhận cậu ta từ người cha và cho ở chung với Gāmaṇi.

Gần ngọn núi Tulādhāra trong ngôi làng của Vihāravāpi có đứa con trai của gia chủ Matta, tên là Vasabha, vì thân của cậu ta có hình vóc cao quí nên người ta gọi cậu là Labhiyavasabhasa. Lúc lên hai mươi tuổi, cậu có sức mạnh phi thường. Vì muốn có vài cánh đồng để làm một cái hồ nước, cậu ta đem theo một số người. Khi làm cái hồ ấy, vì có được sức mạnh phi thường, cậu ta quăng đi những khối đất mà phải cần đến mười hoặc mười hai người mới khiêng nổi khối đất ấy và như vậy chỉ trong một thời gian ngắn cậu ta đã làm xong cái hồ nước. Nhờ vậy, cậu trở nên nổi tiếng, và đức vua cũng triệu vời cậu ta đến, và ban thưởng trọng hậu cho cậu. Rồi vua bổ nhiệm cho cậu vào phục vụ Gāmaṇi. Cánh đồng nổi tiếng là đập nước Vasabha. Như vậy Labhiya Vasabha ở bên cạnh Gāmaṇi.

Từ đó trở đi đức vua ban những vinh dự cho mười dũng sĩ này giống những vinh sự được ban cho con trai của vua. Rồi khi cho gọi mười dũng sĩ đến, đức vua giao phó công việc cho họ: "mỗi người phải tìm thêm mười dũng sĩ".

Họ đã đem về những dũng sĩ như vậy và đức vua lại truyền lịnh cho một trăm dũng sĩ này tuyển mộ thêm những dũng sĩ khác theo cách như vậy. Họ đã đem về những dũng sĩ này và một ngàn dũng sĩ này cũng được các vua sai chiêu mộ thêm theo cách như vậy. Một ngàn dũng sĩ cũng đã đem về những dũng sĩ khác nữa. Và tất cả họ, tính ra có mười một ngàn một trăm mười dũng sĩ.

Tất cả họ thường xuyên nhận phần thưởng đáng trọng vọng từ nhà cai trị của vương quốc khi họ hầu hạ quanh hoàng tử Gāmaṇi.

Như vậy, khi con người có trí tuệ, chuyên tâm đến sự tiến hóa tâm linh của mình, nghe nói về những điều kỳ diệu do đời sống thánh thiện đem lại, chắc chắn người ấy sẽ từ bỏ lối sống ác, hằng tìm thỏa thích trong con đường thiện hạnh.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi ba, được gọi là "Sự chiêu mộ quân binh", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXIV

CUỘC CHIẾN GIỮA HAI ANH EM

Từ đó trở đi, hoàng tử Gāmaṇi sống tại Mahāgāma, có tài huấn luyện voi và ngựa, cầm kiếm và rành mạch về thuật bắn cung. Hoàng tử Tissa, được trang bị bằng những đội quân binh và những đoàn xe, đức vua cho hoàng tử trú đóng ở Dīghavāpi để bảo vệ cùng trống trải. Về sau, hoàng tử Gāmaṇi, khi xem qua đội quân binh, bèn sai người báo tin với vua cha rằng: "con sẽ tiến hành chiến tranh với những người Damiḷa." Ðức vua muốn bảo vệ hoàng tử, bèn ngăn cấm vị ấy, nói rằng: "khu vực ở bên này của con sông đủ rồi." Tuy nhiên hoàng tử vẫn nhắn tin với nội dung như vậy đến ba lần. "Nếu cha của ta là một người đàn ông thì vị ấy sẽ không nói như vậy! do đó vị ấy nên mang vào cái này." Và Gāmaṇi liền gởi đến đức vua một món nữ trang của đàn bà. Tức giận trước thái độ ngang ngạnh của hoàng tử, đức vua bèn nói rằng: "hãy làm một sợi xích bằng vàng! Ta sẽ dùng sợi xích này để trói nó lại, nếu không thì không có cách nào để bảo vệ nó được."

Sau đó hoàng tử trốn đi vì tức giận cha của mình, đi đến Malaya, và vì hoàng tử đã tức giận người cha nên người ta đặt tên cho hoàng tử là Duṭṭhagāmaṇi.

Sau đó đức vua bắt đầu xây dựng bảo tháp Mahānuggalacetiya. Khi bảo tháp đã được làm xong, vị hoàng đế cho thỉnh chư tăng đến. Mười hai ngàn vị Tỳ khưu từ tịnh xá Cittapabbatavihāra đã cu hội về đây, và mười hai ngàn vị từ những tịnh xá khác nữa.

Khi đức vua đã tổ chức lễ khánh thành bảo tháp, vị ấy đem tất cả mười dũng sĩ đến và bắt họ tuyên thệ trước mặt chư tăng. Tất cả đều thề rằng: "chúng tôi sẽ không tham sự trong chiến trận của con trai của bệ hạ," Do đó về sau họ cũng không tham chiến.

Khi đức vua đã xây dựng sáu mươi bốn tịnh xá và đã sống qua được nhiều năm thì vị ấy thăng hà cũng tại chỗ ấy (Mahāgāma). Hoàng hậu lấy xác của đức vua và đem đến Tissamahārāma trong một chiếc xe được che kín và báo tin này đến chư tăng. Khi hoàng tử Tissa nghe tin này, vị ấy đi đến từ Dīghavāpi, và khi tự mình đứng ra tổ chức những nghi lễ mai táng đúng cách cho phụ vương của mình, vị hoàng tử hùng mạnh ấy đã dẫn mẹ và con voi Kaṇḍula theo mình và vì sợ người anh nên đã bỏ nơi đó đi nhanh về Dīghavāpi. Các quan thần sau khi đã hội họp lại với nhau, vì muốn cho hoàng tử biết rõ những vấn đề này, bèn gởi đến một bức thư cho hoàng tử Gāmaṇi. Hoàng tử bèn lên đường đi đến Guttahāla và khi đã đặt những chốt quân tiền đồn ở đó, vị ấy đi đến Mahāgāma và tổ chức lễ phong vương cho chính mình. Vị ấy gởi một bức thư đến cho người em để đòi lại người mẹ và con voi. Nhưng lần thứ ba vẫn không nhận được người mẹ và con voi, Gāmaṇi bèn lên đường tuyên chiến với vị hoàng tử kia. Và một trận chiến lớn bùng nổ giữa hai người ấy, tại Cūḷaṅganiyapiṭṭhi: và hàng ngàn quân binh của vua đã ngã gục ở đó. Ðức vua và vị quan Tissa và con ngựa cái Dīghathūṇikā, cả ba bỏ chạy; Hoàng tử Tissa đã đuổi theo họ.

Các vị Tỳ khưu đã tạo một ngọn núi để ngăn đôi hai anh em. Khi Tissa trông thấy ngọn núi ấy vị ấy quay lui, khi nghĩ rằng: "đây là việc làm chúng Tỳ khưu."

Khi vị ấy đi đến Javamāla là chỗ cạn của con sông Kappakandara, thì đức vua nói với quan Tissa của mình rằng: "Ta đã đói lã người rồi." Vị quan bèn dâng đến đức vua vật thực dành cho chư tăng và đã chia vật thực ra thành bốn phần, vị ấy nói rằng "hãy công bố giờ ăn." Tissa công bố giờ ăn, bằng thiên nhĩ của mình, trưởng lão Gotama, khi đang trú ngụ ở Piyaṅgudīpa, nghe lời công này, bèn sai trưởng lão Tissa là con trai của một vị gia chủ, đi đến đó, và Tissa đã đi đến đó xuyên qua hư không. Tissa (vị quan) thỉnh bát từ tay của trưởng lão và dâng nó đến đức vua. Ðức vua truyền lịnh đem phần vật thực của chư tăng và phần vật thực của chính mình bỏ vào trong bát của trưởng lão. Và Tissa cũng bỏ phần vật thực của mình và như thế, con ngựa cái cũng không chịu ăn phần vật thực của nó. Do đó Tissa trút luôn phần vật thực của con ngựa vào trong bát của trưởng lão.

Ðức vua trao cho trưởng lão cái bát chứa đầy vật thực. Và khi vội vã ra đi xuyên qua hư không, ngài dâng vật thực ấy đến trưởng lão Gotama. Khi trưởng lão đã múc ra từng miếng vật thực dâng đến năm trăm vị Tỳ khưu để các ngài độ vật thực, và đã làm đầy cái bát lượng vật thực mà trưởng lão đã thọ lãnh từ họ, trưởng lão khiến cho nó bay xuyên qua hư không và đi đến đức vua. Vị quan Tissa khi trông thấy nó đi đến, bèn nhận lấy nó và dâng cho đức vua. Sau khi tự mình ăn và cho con ngựa cái ăn luôn; Rồi đức vua gởi cái bát đi khi lấy chiếc áo cẩm bào của mình làm cái đế đỡ lấy cái bát.

Khi đến tại Mahāgāma, đức vua lại triệu tập quân binh gồm sáu chục ngàn người và khi đi ra chiến trận, vị ấy lại bắt đầu chiến đấu với người em. Ðức vua cưỡi trên con ngựa cái, còn Tissa cưỡi trên con voi Kaṇḍula, như vậy, lúc bấy giờ hai anh em cùng giáp mặt nhau, đối nghịch nhau trong chiến trận. Khi dẫn con voi ra giữa, đức vua làm cho con ngựa cái chạy vòng quanh nó. Không muốn chống lại và cũng không thấy chỗ sơ hở nào, vị ấy quyết định nhảy qua nó. Khi cưỡi con ngựa cái nhảy qua người con voi, vị ấy bắn ra một cây tên xước trên đầu của vị hoàng tử em, kết quả là cây tên trúng nhằm lớp da lưng của con voi. Nhiều ngàn người của vị hoàng tử ngã gục ở đó khi đánh nhau trong chiến trận, và đám đại binh của vị ấy bị phân tán. "Do tánh yếu hèn của người cưỡi của ta, là con người có tánh đàn bà, đã dùng ta một cách khinh suất" khi nghĩ vậy, con voi, đầy tức giận, bèn xông tới một cây nọ để quăng Tissa. Vị hoàng tử leo lên cây; Con voi đi đến người chủ của mình (là Duṭṭhagāmaṇi). Và đức vua cưỡi trên con voi, rượt theo vị hoàng tử đang bỏ chạy. Hoàng tử đi đến tịnh xá và chạy trốn vào cốc của vị trưởng lão lãnh đạo, nằm xuống, vì sợ người anh của mình, ở dưới chiếc giường. Vị trưởng lão tọa chủ trải chiếc y tăng già lê trùm lên chiếc giường, và đức vua, là người đã bám sát theo, hỏi rằng: "Tissa đâu rồi?" "tâu đại vương, vị ấy không nằm trên giường" trưởng lão trả lời. Rồi đức vua biết rằng Tissa ở dưới gầm giường, và khi đức vua đi ra, vị ấy bố trí những đội quân canh phòng quanh ngôi chùa; Nhưng người ta để hoàng tử ở trên chiếc giường và trùm lên vị ấy bằng một chiếc y, bốn vị sư trẻ đang nắm chắc những cột giường khiêng vị ấy ra, tựa như người ta đang khiêng đi một vị Tỳ khưu đã chết. Nhưng đức vua, biết rằng hoàng tử Tissa đang được khiêng ra, bèn nói rằng: "này Tissa, ngươi đang được khiêng ra ở trên đầu của những vị thần bảo hộ của gia đình của chúng ta; Dùng bạo lực để cướp đi bất cứ cái gì từ những vị thần bảo hộ của gia đình của chúng ta, đó không phải là tục lệ của ta. Mong rằng ngươi phải luôn luôn ghi nhớ ân đức của những vị thần bảo hộ trong nhà của chúng ta!" Nhân đó đức vua đi đến Mahāgāma, và vị ấy cũng đem mẹ của mình đến đó, bà được vua kính trọng hết mức. Ðức vua sống đến sáu mươi tám tuổi, là người có tâm đứng vững trong chánh pháp, và vị ấy đã xây dựng sáu mươi tám tịnh xá.

Còn hoàng tử Tissa, được các vị Tỳ khưu khiêng ra, đã cải trang ra đi khỏi đó và đi đến Dīghāvapi. Hoàng từ nói với trưởng lão Gothagatta Tissa rằng: "bạch ngài, con đã cư xử tệ, con sẽ làm lành với anh của con". Trưởng lão dẫn Tissa, theo tục lệ của một người hầu, và cùng với năm trăm vị Tỳ khưu tìm đến đức vua. Khi để lại hoàng tử ở trên bậc thang, trưởng lão cùng với các vị Tỳ khưu đi vào. Vị hoàng đế thỉnh tất cả họ ngồi và sai người dâng đến các ngài món cơm sữa và vật thực khác. Trưởng lão che bát của ngài, và khi được hỏi: "tại sao thế?" trưởng lão trả lời rằng: "chúng tôi đến đây có mang theo Tissa." "Kẻ phản bội ấy ở đâu?" Trưởng lão bèn chỉ đến chỗ mà hoàng tử đứng. Vihāradevī bèn đi đến đó và đứng che chở cho đứa con út của nàng. Ðức vua nói với trưởng lão rằng: "ngài đã biết rằng bây giờ chúng tôi là những người hầu của ngài. Nếu ngài chỉ cần gởi đến một vị Sa-di bảy tuổi, thì chuyện vụn vặt của chúng tôi đáng lẽ không xảy ra và tất cả mọi chuyện đã được kết thúc mà không mất mát nhiều người như thế đâu." "Tâu bệ hạ, đây là lỗi của chư tăng, chư tăng sẽ làm lễ sám hối."

"Trước hết các ngài phải làm điều gì đúng đối với những vị khách đang đến. Hãy thọ lãnh món cơm sữa và những món vật thực khác." Bằng những lời này, đức vua dâng vật thực đến chư tăng; Và khi vị ấy đã gọi người em đến đây, đức vua ngồi chung với vị hoàng tử em ngay ở đó giữa chúng tăng; Và khi vua cùng với hoàng tử đã ăn xong, bèn cho phép chư tăng ra về. Và cũng tại đó (tức là Dīghavāpi) vua sai hoàng tử hướng dẫn công việc gặt hái (đó là những công việc chuẩn bị để tiến hành chiến tranh với những người Damiḷa). Và hoàng tử cũng vậy, khi đã cho đánh trống công bố, đứng ra hướng dẫn công việc gặt hái.

Như vậy những thiện nhân thường xóa bỏ hận thù, dầu đã được chất chồng từ nhiều nguyên nhân, dù to lớn đến đâu chăng nữa; Khi suy xét điều này, người trí tuệ nào mà không có từ tâm đối với những người khác?

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi bốn, được gọi là "Cuộc chiến giữa hai anh em", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục

 

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)

(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007