THERAVĀDA ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
CHƯƠNG XXXII SỰ ÐI VÀO CÕI TRỜI ÐÂU SUẤT Trước khi công việc làm đỉnh tháp và công trình tô quét trên cái vòm được hoàn thành, thì đức vua ngã bịnh, báo trước giờ phút lâm chung. Vua cho mọi người em trai Tissa từ Dīghavāpi đến và nói rằng: "hoàng đệ hãy ráng làm cho xong công trình xây dựng bảo tháp còn dang dở." Vì sức của người anh đã cạn kiệt nên vị hoàng tử em sai những người thợ may làm một tấm vải phủ bằng vải trắng đắp lên bảo tháp, rồi sai những người thợ sơn làm một khung chắn ở trên đó và những dãy bình lọ có đựng nước và một dãy vật trang sức hình năm ngón tay (pañcaṅguli-kapantikā). Rồi vị ấy sai những người thợ đan làm một cái đỉnh tháp bằng những cây trúc và ở khung chắn bên trên, sai làm một mặt trời và hình mặt trăng của Kharapatta. Và khi đã dùng mẹo sai người làm bảo tháp bằng sơn và Kaṅkuṭṭhaka (một loại đất có màu của vàng hay bạc) Tissa bèn công bố với đức vua rằng "những công việc mà vẫn còn phải làm đối với bảo tháp đã được làm xong." Nằm trên chiếc cáng, đức vua đi đến đó, và khi nằm ở trên chiếc cáng, nhiễu quanh bảo tháp, đi theo chiều kim đồng hồ, vua làm lễ bảo tháp ở lối vào phía nam, sau đó, khi nằm trên chiếc long sàng được kê ở trên đất, nghiêng người về bên phải, nhìn ngắm Ðại bảo tháp uy nghi, rồi nằm nghiêng về phía trái, nhìn ngắm Thanh đồng điện (Lohapāsāda), vị ấy vui sướng thỏa mãn, được vây quanh bởi chúng Tỳ khưu. Vì người ta đã đến từ chỗ này chỗ kia để nghe tin tức về tình trạng bịnh hoạn của vua, nên có hiện diện trong hội chúng ấy chín mươi sáu koṭi Tỳ khưu. Những vị Tỳ khưu, nhóm này đến nhóm khác, cùng nhau tụng kinh. Vì không thấy trưởng lão Theraputtābhaya ở đâu nên vua suy nghĩ rằng "vị đại dũng sĩ, đã đánh thắng trong hai mươi tám trận chiến lớn cùng với ta, chưa bao giờ chịu đầu hàng, xét thấy rằng cuộc chống chọi với tử thần đã bắt đầu, nên bây giờ trưởng lão không đến để giúp ta, vì vị ấy đã thấy trước sự chiến bại của ta." Khi vị trưởng lão, đang trú ngụ ở bên ngoài của con sông Karinda, trên núi Pañjali, biết được ý nghĩ của vua, bèn đi đến cùng với một hội chúng gồm năm trăm vị Tỳ khưu đã đoạn tận các lậu hoặc, dùng thần thông bay xuyên qua hư không, và trưởng lão đã đứng trong số vị Tỳ khưu đứng quanh đức vua. Khi vua trông thấy trưởng lão, đầy vui sướng, vua thỉnh trưởng lão ngồi trước mặt mình và bạch rằng: "trước kia trẫm đã cùng với ngài ra chiến trận, bên cạnh trẫm có mười dũng sĩ; Bây giờ một mình trẫm không thể nào đánh thắng kẻ thù là tử thần được." Trưởng lão trả lời rằng: "tâu đại vương, đừng sợ, hỡi đấng trị vì của muôn dân, nếu không đánh thắng được kẻ thù là tội lỗi, thời không thể nào đánh thắng kẻ thù là tử thần được. Tất cả pháp nào sanh lên trong cõi hữu đổi thay này đều phải diệt mất, tất cả những gì có hiện hữu đều phải diệt mất; Bậc Ðạo Sư đã dạy như thế. Tử thần còn chinh phục cả chư Phật, là những bậc không bị sự xấu hổ hay ghê sợ đụng chạm đến; Do đó bệ hạ nên nghĩ rằng: tất cả pháp nào có tồn tại đều phải bị diệt mất, những pháp ấy đem lại sầu khổ và có tánh chất không thật. Trong kiếp sanh tử cuối cùng của bệ hạ, tình cảm của bệ hạ đối với chánh pháp quả thật to lớn. Dẫu cõi chư thiên ở trước mặt của bệ hạ, tuy thế bệ hạ hãy từ bỏ hạnh phúc của thiên giới, hãy trở lại thế gian này và làm nhiều việc phước bằng nhiều cách. Hơn nữa, sự xây dựng quyền bá chủ của bệ hạ đã giúp đem lại sự vinh quang cho giáo pháp. Ôi! bệ hạ là người giàu về phước đức, hãy nghĩ đến tất cả những việc phước mà bệ hạ đã làm ngay trong kiếp sống hiện tại đây, như thế mọi chuyện sẽ kiết tường ngay cho bệ hạ!" Khi nghe qua những lời của trưởng lão, đức vua hoan hỉ và bạch rằng: "ngài đã giúp trẫm trong một cuộc chiến đơn độc." Và đầy vui sướng, vua truyền lịnh đem đến cuốn sách ghi lại những việc phước, và bảo người sao chép bản thảo đọc to nó lên, và ông ta đọc to cuốn sách công đức: "Chín mươi chín tịnh xá đã được xây dựng bởi đại vương, tịnh xá Marivavaṭṭivihāra được dựng lên với phí tổn mười chín koṭi đồng tiền vàng, Thanh đồng điện nguy nga được xây dựng với chi phí ba mươi koṭi. Còn những thứ khác được dùng để làm Ðại bảo tháp bởi vị vua có trí tuệ trị giá đến một ngàn koṭi, tâu đại vương", người sao chép sách đã đọc như vậy. Khi ông ta đọc thêm rằng: "ở vùng núi có tên là Koṭṭa, vào thời có nạn đói gọi là nạn đói Akkāyika, hai chiếc bông tai quí báu đức vua đã cho đi, và như vậy kiếm được một món cháo kê chua dành cho năm vị trưởng lão đã đoạn tận các lậu hoặc, và đã dâng đến các ngài với tâm tịnh tín. Khi bị chiến bại ở trận Cuḷanganiya, vua bỏ chạy, và khi công bố giờ ăn, vua đã dâng vật thực của mình mà chẳng nghĩ gì đến chính mình, đến vị Sa-môn Tissa, đã thoát khỏi các lậu hoặc, đi đến đó xuyên qua hư không. Sau đó đức vua làm mới câu chuyện: "Trong một tuần lễ hiến dâng tịnh xá Paricavaṭṭivihāra cũng như ở lễ hiến dâng Thanh đồng điện, trong tuần lễ mà Ðại bảo tháp được bắt đầu cũng như khi xá lợi được tôn trí, một cuộc bố thí vật thực đắt giá, to lớn và toàn diện do ta sắp xếp đến tập thể nam nữ đông đảo từ khắp bốn phương. Ta đã tổ chức hai mươi bốn đại lễ Vesākha (lễ mừng đản sanh, thành đạo, và nhập Niết bàn của Ðức Phật). Ba lần ta đã cúng dường ba chiếc áo đến chúng tăng trên hải đảo. Năm lần, mỗi lần bảy ngày, ta, với lòng tịnh tín, đã dâng địa vị cai trị khắp đảo này đến Giáo pháp. Ta đã sai đốt một ngàn cây đèn với những tim bấc trắng thường xuyên ở mười hai chỗ, để cúng dường Ðức Phật bằng lễ vật này. Ở mười tám chỗ, ta đã sai bố thí đều đặn món cơm đê hồ có trộn mật ong, và cũng đã bố thí những cục cơm có dầu ở nhiều chỗ, và những cái bánh lớn tên là bánh Jāla ở nhiều chỗ, được nướng bằng bơ và có giả thêm gạo nữa. Ở tám tịnh xá trên hải đảo Tích Lan này, ta đã truyền lịnh phân phát dầu, mỗi tháng một ngày, để đốt đèn. Vì ta đã nghe rằng sự bố thí pháp cao quí hơn bố thí của cải trên thế gian này, nên ta đã nói rằng: ở dưới chân của Thanh đồng điện, trên chiếc ghế của vị Pháp sư, giữa chúng tăng, ta sẽ thuyết giảng bài kinh Hạnh phúc (Maṅgalasutta) đến chư tăng. Nhưng khi ta ngồi ở trên đó, thì ta không thể nào thuyết được vì lòng kính trọng của ta đối với chư tăng. Từ đó ta truyền lịnh cho thuyết pháp ở khắp mọi nơi trong các tịnh xá ở Tích Lan, cho những phần thưởng đến những pháp sư. Mỗi vị pháp sư ta cho một naalii bơ, mật mía và đường. Ngoài ra ta còn cho họ một nắm cam thảo, dài bốn inch, ta còn cho họ một bộ y. Nhưng tất cả sự bố thí này trong khi ta còn trị vì, vẫn không làm ta vui sướng. Chỉ có hai sự bố thí, không quan tâm đến mạng sống của ta trong khi ta ở trong thời kỳ khốn đốn, hai vật thí ấy làm ta vui sướng. Khi trưởng lão Abhaya nghe qua điều này, ngài mô tả hai vật thí ấy, để làm cho đức vua hoan hỉ thêm, bằng nhiều cách: "Khi một trong năm vị trưởng lão là trưởng lão Malayamahādeva, sau khi nhận lãnh món cháo kê chua, và đã dâng món cháo ấy đến chín trăm vị Tỳ khưu ở trên núi Sumanakūṭa, trưởng lão mới tự mình ăn nó. Còn trưởng lão Dhammagutta, người có thể làm cho quả đất rung chuyển, đã chia phần vật thực ấy cho các vị Tỳ khưu ở tịnh xá Kalyāṇika-vihāra gồm năm trăm vị, rồi mới tự mình ăn. Trưởng lão Dhammadinna, ngụ ở núi Talaṅga đã chia vật thực đến mười hai ngàn Tỳ khưu ở núi Piyaṅgudīpa, rồi mới tự mình ăn. Trưởng lão Khuddatissa, bậc có thần thông lực, ngụ ở Maṅgaṇa, đã chia phần vật thực cho sáu chục ngàn vị Tỳ khưu ở tịnh xá Kelāsa, rồi mới tự mình ăn. Trưởng lão Mahāvyaggha đã phân phát vật thực cho bảy trăm vị Tỳ khưu ở tịnh xá Ukkanagara-vihāra rồi mới tự mình ăn. Một vị trưởng lão nọ nhận lãnh vật thực rồi chia cho mười hai ngàn vị Tỳ khưu ở Piyaṅdīpa rồi mới tự mình ăn. Bằng những lời như vậy trưởng lão Abhaya đã làm cho tâm của đức vua thêm hoan hỉ, và đức vua đầy sung sướng, bèn bạch vơi trưởng lão rằng: "Trong hai mươi bốn năm, trẫm đã làm người bảo trợ cho chúng tăng, và thân của trẫm cũng sẽ là người bảo trợ cho chúng tăng! Tại một chỗ mà đứng từ đó người ta có thể trông thấy Ðại bảo tháp, ở trong một khu vực có vòng rào quanh để chư tăng tiến hành những buổi lễ, tại đó, xin ngài hãy đốt xác của trẫm, là người hầu của chúng tăng." Rồi đức vua nói với vị hoàng đệ rằng: "tất cả công trình xây dựng Ðại bảo tháp vẫn chưa được hoàn thành, này ngự đệ, hãy làm cho xong công trình này, hãy quan tâm đúng mức. Sáng chiều ngự đệ hãy cúng dường hoa đến Ðại bảo tháp một cách long trọng, ba lần một ngày. Tất cả những buổi lễ mà ta đã kể ra để cúng dường Chánh pháp, ngự đệ hãy thực hiện, đừng bám bíu vào một cái gì. Ðừng bao giờ buông lơi với phận sự đối với chư tăng", khi đức vua đã khuyên vị hoàng đệ rồi, vị ấy nín thinh. Ngay khi ấy chúng Tỳ khưu bắt đầu tụng kinh, và chư thiên đem đến đó sáu chiếc xe có sáu vị chư thiên đi theo, và chư thiên đã nhiều lần mời mọc đức vua khi họ đứng trong những chiếc xe: "hãy đi vào cõi thần tiên đầy vui sướng của chúng tôi, tâu đại vưong." Khi đức vua nghe qua những lời của họ, vị ấy khiến họ dừng lại bằng cử chỉ vẫy tay: "các ngươi hãy đợi để ta nghe pháp đã." Khi ấy các vị Tỳ khưu suy nghĩ rằng: "đức vua muốn ngưng tụng kinh", họ bèn ngưng tụng, đức vua hỏi lý do của sự gián đoạn. "Vì dấu hiệu bảo chúng tôi giữ yên lặng do bệ hạ dưa ra", họ trả lời. Nhưng đức vua nói rằng: "không phải vậy, bạch chư đại đức tăng." vua cho họ biết vấn đề vừa mới xảy ra. Khi nghe qua điều này, một số người suy nghĩ rằng "bị khiếp đảm vì nỗi sợ chết, nên vua mới nói ra những lời lảm nhảm." và để đoạn trừ những hoài nghi của họ, Abhaya bèn nói với đức vua như vầy: "làm sao có thể cho người khác biết được rằng có những chiếc xe đã được đem đến đây?" vị vua có trí tuệ bèn sai người tung những tràng hoa vào trong không trung, những tràng hoa này tự chúng quấn quanh nhiều lần vào những gọng xe và thòng xuống như thế. Khi mọi người trông thấy những tràng hoa đang đứng lơ lửng trong khung trung như thế, thì họ diệt được hoài nghi; Còn đức vua thì nói với trưởng lão rằng: "bạch đại đức cõi chư thiên nào khả ái nhất?" và trưởng lão trả lời rằng: "thành phố Ðâu-suất-đà (Tusita), tâu đại vương, là khả ái nhất, những bậc thiện nhân nghĩ như vậy. Ở thành phố Tusita ấy có Bồ tát Metteyya, đầy lòng bi mẫn, đang trú ngụ để chờ đợi thời gian trở thành một vị Phật. Khi vị vua có trí tuệ nhất nghe qua những lời của trưởng lão, sau khi nhìn vào Ðại bảo tháp lần cuối, bèn nhắm mắt lại. Ngay khi ấy, sau khi mạng chung, vị ấy được trông thấy đã tái sanh và đang đứng trong chiếc thiên xa mang hình tướng một vị chư thiên. Ðó là chiếc thiên xa đến từ cõi trời Ðâu suất đà. Và để phô trương quả báu của những việc phước mà đức vua gieo tạo, khi đứng ở trong chính chiếc thiên xa ấy, để cho mọi người trông thấy mình với tất cả sự vinh quang rực rỡ, sau khi đi như thế với vai phải hướng về Ðại bảo tháp, và sau khi đã làm lễ Ðại bảo tháp và chúng tăng, vị ấy đi vào cõi trời Tusita. Ngay tại chỗ mà những vũ nữ đã đi đến đó và cởi ra những nữ trang trên đầu của họ, tại chỗ đó có một giảng đường được dựng lên gọi là Makuṭamuttasālā. Ngay tại chỗ mọi người than khóc khi xác thân của đức vua được đặt trên hỏa đài, tại đó có tòa nhà Ravivaṭṭisālā được dựng lên. Ở khu vực có rào quanh ở bên ngoài khuôn viên của tịnh xá, nơi mà người ta đốt xác của đức vua, chỗ ấy mang tên là Rājamālaka. Ðại vương Duṭṭhagāmaṇi, người xứng danh với một vị vua, sẽ là người đệ tử đầu tiên của đức Metteyya tối thắng, cha và mẹ của đức vua sẽ là cha mẹ của vị ấy (tức của đức Metteyya). Người em trai Saddhātissa sẽ là người đệ tử thứ hai của ngài, nhưng Sālirājakumāra, con trai của đức vua, sẽ là con trai của đức Metteyya tối thắng. Người mà hằng xem đời sống thiện là việc thiện vĩ đại nhất, làm những những việc phước, khi lấp kín nhiều điều đã từng là việc ác, sẽ đi về thiên giới như đi vào chính nhà của mình vậy; Do đó người có trí tuệ hãy thường xuyên vui thích trong những việc phước. Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi hai, được gọi là "Sự đi vào cõi trời Ðâu suất", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XXXIII MƯỜI VỊ VUA Dưới sự cai trị của vua Duṭṭhagāmaṇi, thần dân trong vương quốc sống trong hạnh phúc; Sālirājakumāra là đứa con trai nổi tiếng của vua. Hoàng tử là người có đại phước và hằng vui thích trong những việc phước; Hoàng tử đã dịu dàng yêu thương một thiếu nữ Chiên-đà-la cực kỳ xinh đẹp. Bởi vì hoàng tử quá yêu thương Asokamālādevī, bởi lẽ trong kiếp quá khứ nàng đã từng là vợ của hoàng tử, do tánh chất yêu kiều đầy quyến rũ của nàng, nên hoàng tử chẳng quan tâm chút nào đến vương quyền. Do đó người em của Duṭṭhagāmaṇi, là Saddāhātissa, là vị vua đã được phong vương sau khi Duṭṭhagāmaṇi thăng hà, là một vị vua có một không hai, đã trị vì trong mười tám năm. Vua Tissa đã làm xong công trình về đỉnh tháp, và công trình tô quét và bức tường voi (có hình những con voi trên bức tường) của Ðại bảo tháp, là người có niềm tin nên vị ấy được cái tên là Saddhātissa. Thanh đồng điện nguy nga bị bốc cháy do lửa từ một ngọn đèn. Do đó vị ấy dựng lên một Thanh đồng điện mới cao bảy tầng. Và bây giờ lâu đài trị giá chỉ chín chục lần một trăm ngàn. Vua đã xây dựng tịnh xá Dakkhiṇāgirivihāra và tịnh xá Kallakālena, tịnh xá Kalambakavihāra, tịnh xá Pettaṅgavālika, những tịnh xá Velaṅgāviṭṭhika, và Mātuvihāraka. Vua cũng xây dựng những tịnh xá từ Anurādhapura đến Dīghāvāpi, mỗi tịnh xá cách nhau một do tuần. Hơn nữa, vua cũng dựng lên tịnh xá Dīghāvīpivihāra cùng với bảo tháp; Vua đã sai làm một mạng lưới bằng ngọc phủ lên bảo tháp này, ở trong mỗi mắc lưới của nó có treo một bông hoa bằng vàng rực rỡ, lớn bằng bánh xe bò. Ðể tỏ lòng tôn trọng tám mươi bốn ngàn pháp môn, vua đã sai cúng dường tám mươi bốn ngàn lễ vật. Khi đức vua thực hành viên mãn những việc phước như vậy, sau khi mạng chung, vị ấy tái sanh vào cõi trời Ðâu suất đà. Trong khi đại vương Saddhātissa vẫn còn sống, ở Dīghavāpi thì đứa con trai đầu tên là Lañjatissa đã xây dựng một tịnh xá xinh đẹp tên là Girikumbhila. Và đứa con trai nhỏ của vua, tên là Thūlathana, xây dựng tịnh xá tên là Kandara. Khi người cha là Saddhātissa ở Anurādha đi đến người anh trai của vị ấy là Duṭṭhagāmaṇi ở Anurādhapura, thì Thūlathana cũng đi theo, để dâng đất đến chư tăng cho trọn quyền sử dụng trên tịnh xá của vị ấy. Khi Saddhātissa thăng hà, các quan thần hội họp lại, và khi họ mời tất cả chư tăng ở Thūpārāma đến họp, và được chư tăng đồng ý, họ làm lễ phong vương cho hoàng tử Thūlathana. Khi Lañjathana nghe tin này, vị ấy bèn đi đến đó, hạ bệ vị vua mới lên ngôi, và giành quyền cai trị về cho chính mình. Như vậy Thūlathana chỉ làm vua được một tháng mười ngày. Suốt ba năm Lañjatissa đã xem nhẹ và thờ ơ với chư tăng, vì vị ấy nghĩ rằng: "họ đã không quyết định theo tuổi tác." Nhưng về sau, khi vị ấy đã hòa với chư tăng, để chuộc lỗi, đức vua đã bỏ ra một trăm ngàn đồng để xây dựng ba cái bệ bằng đá để đặt những lễ vật bằng hoa cúng dường đến Ðại bảo tháp, sau đó vua bỏ ra một trăm ngàn để sai đổ đất ở giữa tịnh xá Thūpārāma và tại bảo tháp, làm cho khoảng đất được bằng phẳng. Vua còn làm một tảng đá rực rỡ để đắp vào bảo tháp ở Thūpārāma, và ở về hướng đông của Thūpārāma một bảo tháp nhỏ bằng đá được dựng lên, và giảng đường Lañjakāsāna dành cho chư tăng. Vua còn sai làm một lớp bọc ngoài bằng đá cho bảo tháp Khandhakathūpa. Và sau khi đã chi ra một trăm ngàn cho tịnh xá Cetiyavihāra (là tịnh xá ở núi Cetiyapabbata) vua truyền lịnh cúng dường sáu bộ tam y cho sáu chục ngàn vị Tỳ khưu trong dịp lễ hiến dâng tịnh xá có tên Girikumbhila. Vua còn xây dựng tịnh xá Ariṭṭha và tịnh xá Kuñjarahīnaka, và cúng dường những loại thuốc trị bịnh đến những vị Tỳ khưu trong các ngôi làng. Bố thí gạo đến những vị Tỳ khưu ni nhiều theo số lượng họ muốn. Vua đã trị vì ở đây chín năm một nửa tháng. Khi Lañjakatissa thăng hà, người em trai của vị ấy tên là Khallātanāga lên trị vì được sáu năm. Ở khắp quanh Thanh đồng điện, vị ấy dựng lên ba mươi hai điện xinh đẹp khác để làm cho Thanh đồng điện thêm nguy nga tráng lệ. Quanh Ðại bảo tháp, có tên là tràng hoa vàng (hemmālī), vua rải cát ở sân và dựng một bức vách để làm ranh giới. Vua còn xây dựng tịnh xá Kurundavāsokavihāra, và làm những việc phước khác nữa. Một vị nguyên soái tên là Kammahārattaka, đánh bại nhà cai trị, là vua Khallatanāga, ngay trong kinh đô. Nhưng người em của đức vua tên là Vattagāmani đã giết chết tên nguyên soái tàn ác và nắm quyền cai trị. Vua nhận đứa con trai nhỏ của anh mình, là Mahācūlika, con trai của Khallatanāga, làm con của vị ấy, và người mẹ của đứa bé, tên là Anulādevī, vua tấn phong làm hoàng hậu. Bởi vì vị ấy đứng vào địa vị của một người cha nên người ta gọi vị ấy là Pitarājā. Vào tháng thứ mười lăm sau khi Vaṭṭagāmaṇi được phong vương, một chàng trai Bà-la-môn tên là Tissa, ở Rohana, trong thành phố mà bộ tộc của hắn trú ngụ, là kẻ thiêu trí, đã lắng nghe lời tiên tri của một vị Bà-la-môn và trở thành kẻ phản loạn, và tùy tùng của hắn tăng lên nhiều. Vào thời bấy giờ có tám vị Damiḷa đáp đất liền với những đoàn quân của họ tại Mahātittha. Bà-la-môn Tissa và tám vị Damiḷa gởi đến đức vua một bức tối hậu thư đòi trao quyền, vị vua tài trí bèn gởi đến Bà-la-môn Tissa một bức đề rằng: "vương quốc bây giờ là của ngươi, vậy ngươi hãy đánh bại những tên Damiḷa". Vị Bà-la-môn trả lời rằng: "được", và đánh một trận với những tên Damiḷa nhưng những vị Damiḷa đã đánh bại hắn. Nhân đó những tên Damiḷa tuyên chiến với đức vua; trong một trận đánh ở gần Kolambālaka, đức vua bị bại (gần cổng của khu già lam Titthārāma vị ấy bước vào xe và bỏ chạy. Nhưng Titthārāma được xây dựng bởi vua Paṇḍukābhaya và đã từng có hai mốt vị vua đến trú ngụ). Khi một vị Nigaṇtha tên là Giri trông thấy đức vua bỏ chạy, ông ta bèn kêu to lên rằng: "con sư tử đen to lớn đang bỏ chạy". Khi vị đại vương nghe qua câu ấy, bèn nghĩ rằng: "nếu ước nguyện của ta được thành tựu thời ta sẽ xây dựng ở đây một tịnh xá". Vua dẫn theo hoàng hậu Anulādevī, đang có thai, khi nghĩ rằng: "nàng phải được bảo vệ", và Mahācūla cũng vậy và đứa con trai của vị ấy là hoàng tử Mahānāga, khi nghĩ rằng: "chúng phải được bảo vệ". Nhưng để làm nhẹ bớt chiếc xe, vua cho đến Somadevī (người vợ thứ hai của vua) viên bảo châu rực rỡ trên vương miện của mình và để nàng xuống, khi nàng đã bằng lòng. Sau khi đã lên đường ra chiến trận, đầy sợ hãi, mang theo hai đứa con trai còn nhỏ và hai bà hoàng hậu. Vì bị bại trận vua bỏ chạy, và không thể mang theo cái bát của bậc Chiến thắng (cái bát này đến Tích Lan trong thời của vua Devānaṃpiya), vua vào trốn trong rừng Kupikkala. Khi trưởng lão Mahātissa ở tịnh xá Kupikkala trông thấy đức vua ở đó, trưởng lão bèn cho vị ấy vật thực, tránh không cho vật thực chưa được đụng tay vào (theo luật vị Tỳ khưu phải ăn trước mới được phép cho đến người cư sĩ, trưởng lão Mahātissa đã làm như thế). Nhân đó đức vua, đầy vui sướng, khi ghi lại điều ấy trên ngọn lá Ketaka, chia những phần đất đến tịnh xá của trưởng lão để tăng chúng sử dụng. Từ đó vua đi đến Silāsobbhakaṇḍaka và lưu lại ở đó; Rồi đi đến Mātuvelanga gần Sāmagalla và ở đó gặp trưởng lão Kupikkalaṃahā-tissa, là người mà đức vua đã gặp trước kia rồi. Trưởng lão bèn sai người cận sự của mình là Tanasīva, chăm sóc đức vua cẩn thận và chu đáo. Sau đó vua sống trong nhà của một thần dân của vua là Tanasīva, suốt mười bốn năm, được vị cư sĩ này nuôi dưỡng. Trong số bảy vị Damiḷa, một người, vì say mê hoàng hậu Somadevī vì yêu kiều, nên lấy nàng làm sở hữu của mình và ngay tức thì trở lại bờ biển bên kia (Ấn Ðộ). Một người khác lấy cái bát của bậc Ðạo Sư, bậc có Thập lực, tại Anurādhapura, và đầy thỏa mãn, trở về ngay ở bờ biển bên kia. Còn vị Damiḷa Puḷahattha thì trị vì được ba năm, phong cho vị Damiḷa tên là Bāhiya vào chức nguyên soái, Bāhiya giết Puḷahattha và trị vì được hai năm; vị nguyên soái của Bāhiya là Panayamāra giết chết Bāhiya và làm vua được bảy năm; vị nguyên soái của Panayamāra là Piḷayamāra giết Panaya-māra và làm vua được bảy tháng; Vị nguyên soái của Piḷayamāra là Dāṭhika giết Piḷayamāra và trị vì được hai năm ở Anurādhapura. Như vậy thời gian cai trị của năm vị Damiḷa là mười bốn năm bảy tháng. Tại Malaya, có một lần nọ, Anulādevī đi kiếm vật hằng ngày, bị bà vợ của Tanasīva dùng chân đá vào cái giỏ của nàng. Và nàng nổi giận, đi đến đức vua khóc lóc. Khi Tanasīva nghe tin này, vị ấy vội vã đi ra khỏi nhà, cầm cây cung. Khi đức vua nghe hoàng hậu nói, vị ấy cùng với hai đứa con trai và vợ vội vã ra khỏi nhà, trước khi Tanasīva đi đến. Khi gắn tên vào cây cung, vị anh hùng vinh quang bắn xuyên thủng Sīva khi ông ta đi đến. Khi ấy đức vua xưng tên tuổi của mình và thâu nạp tùy tùng quanh vị ấy. Vị ấy có được tám dũng sĩ và cho họ làm quan thần, và tùy tùng cũng như khí giới của đức vua đã tăng lên nhiều. Vị vua nổi tiếng tìm đến trưởng lão Mahātissa của tịnh xá Kupikkala và truyền lịnh tổ chức một lễ hội ở tịnh xá Acchagalla để cúng dường Ðức Phật. Ngay khi vị quan Kaṇasīva, sau khi đi lên đến sân của bảo tháp Ākāsa-cetiya, đã đi xuống khỏi đó, và đức vua đang đi chung với hoàng hậu, trông thấy vị quan đang ngồi bên đường, tức giận vì vị quan kia không sụp mình trước vua, nên vua xuống tay giết chết Kapisīva. Sau đó vì phẩn nộ đức vua, nên bảy vị quan kia bỏ đức vua mà rút lui và khi đi đến chỗ mà xem ra tốt đối với họ, họ bị tước đoạt những vật ở hữu trên đường đi bởi những tên cướp, và họ vào nương náu trong tịnh xá Hambugallaka, ở đó họ tìm đến trưởng lão uyên bác Tissa. Trưởng lão, là người thông thạo bốn bộ Nikāya (Dīgha, Majjhima, Samyutta và Anguttara Nikāya). Trưởng lão lấy y phục, đường, dầu và gạo đã nhận được cho đến họ. Khi đã làm cho khỏe khoắn trở lại rồi, trưởng lão bèn hỏi họ rằng: "các người đang đi đâu thế?" họ tự giới thiệu về mình và kể cho trưởng lão nghe qua vấn đề này. Nhưng sau đó khi được hỏi rằng: "do ai giáo pháp của Ðức Phật có thể được phát triển mạnh? nhờ những tên Damiḷa hay đức vua?" họ trả lời rằng "do đức vua điều này mới có thể xảy ra được". Và khi đã thuyết phục được họ, hai vị trưởng lão, Tissa và Mahātissa, bèn dẫn họ đi khỏi đó và đem họ đến đức vua và giải hòa họ với đức vua. Ðức vua và các vị quan tìm đến các vị trưởng lão và nói rằng: "nếu công việc của chúng tôi được tốt đẹp, thời các ngài phải đến với chúng tôi khi chúng tôi đã nhắn tin đến các ngài". Hai vị trưởng lão đồng ý và mỗi người trở về chỗ ngụ riêng của mình. Khi vị vua nổi tiếng đã đến Anurādhapura và đã giết tên Damiḷa Dāṭhika, giành lấy quyền cai trị. Và ngay tức thì vua sai phá tan khu già lam của những ngoại đạo sư Nigaṇtha và xây dựng ở đó một tịnh xá với mười hai cái cốc. Khi hai trăm mười bảy năm mười tháng và mười ngày đã trôi qua kể từ khi thành lập Ðại tịnh xá Mahāvihāra thì đức vua, với tâm rất chí thành chí kính, đã xây dựng tịnh xá Abhayagirivihāra. Vua cho mời hai vị trưởng lão đến và dâng tịnh xá đến trưởng lão Mahātissa để tỏ lòng kính trọng trưởng lão. Bởi vì vua Abhaya đã xây dựng tịnh xá tại khu già lam Giri của những vị Nigaṇṭha, nên tịnh xá ấy được mang tên là Abhayagiri. Khi vua đã cho gọi Somadevī đến, bèn đưa nàng lên địa vị cũ, và để tôn trọng nàng, vua xây dựng khu già lam Somārāma, mang tên của nàng vì người đàn bà xinh đẹp này, đã xuống xe tại chỗ này và giấu mình trong bụi hoa Kadamba, trông thấy một vị Sa-di tại chính chỗ ấy đang đi vệ sinh, trang nghiệm dùng tay để che đậy, nên khi đức vua nghe qua câu chuyện của nàng, vua bèn dựng lên ở đó một tịnh xá. Ở về hướng bắc của Mahāthưpa, chính vị vua này đã xây dựng trên chỗ cao quí ấy một bảo tháp tên là Silāsobhakaṅdaka. Một trong bảy dũng sĩ của đức vua tên là Uttiya, đã xây dựng một tịnh xá tên là Dakkhiṇavihāra, ở về hướng nam của thành phố. Trong cùng chỗ ấy, một vị quan tên là Mūla, đã xây dựng tịnh xá Mūlavokāsavihāra, là tịnh xá mang tên vị quan này. Vị quan tên là Sāliya, xây dựng già lam Sāliyārāma, vị quan tên là Pabbata xây dựng khu già lam Pabbatārāma; còn vị quan Tissa thì xây dựng già lam Uttaratissārāma. Khi những tịnh xá xinh đẹp đã được hoàn thành, họ tìm đến trưởng lão Tissa và tác bạch những lời này để dâng đến các ngài: "Ðể tỏ lòng tri ơn lòng tốt của ngài, chúng con xin dâng đến ngài những tịnh xá này do chúng con xây dựng". Trưởng lão bèn cử nhiều vị Tỳ khưu ở khắp nơi vào trú ngụ trong những tịnh xá này, theo địa vị của họ, và các quan dâng bốn món vật dụng đến chúng Tỳ khưu. Ðức vua cũng dâng cúng bốn món vật dụng đến các vị Tỳ khưu ấy, để không còn thiếu thốn cái gì nữa. Do đó số Tỳ khưu tăng lên nhiều. Một vị trưởng lão nọ, được biết đến qua cái tên là Mahātissa, là người hay lui tới các gia đình của cư sĩ, bị chư tăng trục xuất ra khỏi tịnh xá vì lỗi này, là lỗi thường xuyên đi đến các gia đình cư sĩ. Người đệ tử của vị ấy, là trưởng lão Bahalamasautissa, bất bình, đi đến tịnh xá Abhayagiri và trú ngụ ở đó, lập nên một hội chúng riêng biệt. Và từ đó trở đi những vị Tỳ khưu này không còn đi đến tịnh xá Mahāvihāra nữa; Như vậy những vị Tỳ khưu của tịnh xá Abhayagiri đã tách rời khỏi Theravaada "Phật giáo nguyên thủy". Về sau những vị Tỳ khưu ở tịnh xá Dakkhita-vihāra tách rời khỏi nhóm Tỳ khưu ở Abhayagiri; bằng cách này những vị Tỳ khưu đã tách rời khỏi những vị Tỳ khưu trung thành với Theravāda, họ hình thành hai phái. Ðức vua xây dựng thêm những cái cốc cho tịnh xá để số Tỳ khưu gia nhập vào được tăng lên, vì vua nghĩ rằng: "bằng cách này mới có thể duy trì các ngài". Xưa kia những vị Tỳ khưu có trí tuệ bậc nhất đã truyền lại Tam tạng và chú giải của Tam tạng bằng miệng, nhưng vì thấy rằng có nhiều người xuống dốc trong chánh pháp, nên các vị Tỳ khưu hội họp lại, và đã cho giáo pháp được trường tồn, các ngài mới chép lại những lời kinh vào các bộ sách. Như vậy từ đầu chí cuối, vua Vaṭṭagāmaṅi Abhaya đã trị vì được mười hai năm và năm tháng. Như vậy bậc có trí tuệ, sau khi lên nắm quyền cai trị đã làm việc vì sự an lạc của những người khác và cho chính mình, nhưng người thiếu trí, dầu có nhiều của cải, vẫn không chịu bố thí để đư?c an lạc cho cả hai vì tánh tham lam, muốn có của cải nhiều hơn. Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi ba, được gọi là "Mười vị vua", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- CHƯƠNG XXXIV MƯỜI MỘT VỊ VUA Sau khi đức vua thăng hà, Mahātissa trị vì mười bốn năm một cách trung chánh. Bởi vì vua nghe rằng vật thí do chính tay của mình cho ra đem lại phước báu đầy đủ, nên đức vua trong chín năm cai trị đầu tiên, đã cải trang đi gặt lúa, và bằng số tiền công nhận được, vị ấy mua vật thực cúng dường đến trưởng lão Mahāsumana. Khi đức vua cũng đã làm việc ở nhà máy mía trong ba năm, và đã nhận được những cục đường thù lao, vua cầm lấy những cục đường, và khi đã trở về kinh đô của mình, vị chúa của muôn dân sai cúng dường đại thí đến chúng Tỳ khưu. Vua cúng dường y phục đến ba chục ngàn vị Tỳ khưu và đến mười hai ngàn vị Tỳ khưu ni. Khi người bảo vệ quả đất đã xây dựng một tịnh xá được khéo thiết kế, vị ấy cúng dường sáu bộ tam y đến sáu chục ngàn vị Tỳ khưu và sáu bộ tam y đến ba chục ngàn vị Tỳ khưu ni. Ðức vua cũng xây dựng tịnh xá Maṇḍavānivihāra, Abhayagallakavihāra, Vaṅkāvaṭṭakagalla và Dīghabāhugallaka cùng Jālagāmavihāra. Khi đức vua đã làm những việc phước bằng nhiều cách do niềm tin thúc dục, sau mười bốn năm trị vì, vị ấy mạng chung và sanh về thiên giới. Con trai của Vaṭṭagāmaṇi, là Coranāga, sống như một kẻ phản loạn dưới sự cai trị của Mahācūḷa. Khi Mahācūḷa đã ra đi, vị ấy đi đến và cai trị. Những nơi mà không nương náu được trong suốt thời gian sống cuộc đời phản loạn, đó là mười tịnh xá, đã bị kẻ ngu này phá hủy. Coranāga trị vì mười hai năm. Và vì ăn nhằm vật thực có tẩm độc dược do bà chánh hậu của vị ấy đem đến, nên kẻ ác kia đã chết và tái sanh vào địa ngục Lokantarika. Sau cái chết của vị vua này, con trai của vua Mahācūḷa tên là Tissa, lên ngôi trị vì ba năm. Còn bà vợ của Coranāga, là người đàn bà ô danh Anulā, sau khi đã giết người chồng ác của nàng, bằng cách đầu độc vị ấy, bởi vì nàng đã thông tình với một tên thị vệ. Và để bảo vệ mối tình với tên thị vệ này, Anulā bấy giờ cũng giết chết Tissa bằng thuốc độc và trao quyền cai trị cho người kia. Khi người thị vệ, có tên là Siva, là người lính canh cổng đầu tiên, đã tấn phong cho Anulā lên ngôi hoàng hậu, vị ấy cai trị trong kinh đô được một năm và hai tháng, nhưng Anulā lại thông tình với tên Damiḷa Vaṭuka, nên đã giết chết vị vua này bằng độc dược và trao quyền cai trị cho Vaṭuka. Vị Damiḷa Vaṭuka là người thợ mộc trong kinh đô, sau khi đã tôn phong Anulā lên ngôi hoàng hậu, sau đó trị vì được một năm và hai tháng trong kinh đô. Nhưng Anulā, khi trông thấy một người gánh củi đi đến nhà, nàng đem lòng yêu thương anh ta, và khi nàng đã giết Vaṭuka bằng độc dược, nàng trao quyền cai trị cho người gánh củi này. Người gánh củi tên là Tissa, khi đã phong hoàng hậu cho Anulā, trị vì được một năm và một tháng trong kinh đô. Vị ấy vội vã sai làm một cái hồ tắm ở Mahāmeghavana. Nhưng Anulā, khởi dục tình với một tên Damiḷa là Niliya, là một vị Bà-la-môn làm chức Tư tế quan, và vì muốn được ăn nằm với vị Tư tế quan này, nên đã giết Tissa, người gánh củi, bằng độc dược và trao quyền cai trị cho Niliya. Vị Bà-la-môn Niliya cũng phong nàng làm hoàng hậu và dưới sự bảo vệ của nàng, đã trị vì được sáu tháng ở đây tại Anurādhapura. Khi bà hoàng hậu dâm đãng Anulā muốn hưởng lạc với ba mươi hai người lính thị vệ, bèn giết Niliya bằng độc dược và đứng ra trị vì trong bốn tháng. Nhưng đứa con trai thứ hai của vua Mahācūḷika, tên là Kuṭakaṇṇa-Tissa, đã bỏ chạy vì sợ Anulā và xuất gia. Lúc thời cơ đến sau khi chiêu tập quân sĩ, vị ấy trở về và giết chết người bàn độc ác Anulā, và lên ngôi vua trị vì hai mươi hai năm. Vua xây dựng một ngôi nhà phát lồ to lớn ở trên núi Cetiya, và ở về hướng đông của ngôi nhà phát lồ này, đức vua dựng lên một bảo tháp bằng đá, và trong cùng chỗ ấy ở trên Cetiya, vua đã trồng cây bồ đề. Ở miền đất giữa hai con sông, vua xây dựng tịnh xá Peḷagāma-vihāra và trong cùng chỗ ấy, vua sai đào một con kênh tên là Vaṇṇaka và hồ nước Ambadugga và con sông giữa Bhayoluppala, vua còn sai làm một bức tường thành cao bảy hắc tay và một đường hào quanh thành phố. Khi vua đã đốt xác người đàn bà dâm đãng Anulā trên hỏa đài, hơi cách xa chỗ ấy, vua sai xây dựng một cung điện mới. Vua cũng lập nên vườn ngự uyển Madumassara ngay trong thành phố. Bà mẫu hậu của vua xuất gia trong giáo pháp của Bậc Chiến thắng sau khi bà vừa mới đánh răng. Ở chỗ đất dùng để xây dựng hoàng cung, vua xây dựng một ni viện cho mẹ của mình; do đó ni viện này mang tên là Dantageha để kỷ niệm lúc bà đánh răng (danta: răng). Sau khi vua Kuṭankaṇṇa Tissa thăng hà, con trai tên là Bhāṭikābhaya, lên kế ngôi trị vì hai mươi tám năm. Bởi vì vị vua sùng đạo này, là anh (em) của vua Mahādāṭhika, nên mọi người trên hải đảo biết vị ấy qua cái tên là Bhāṭikarāja. Ở đây vị ấy đã sửa sang Thanh đồng điện và làm hai hàng rào (vedikā) cho Mahāthūpa, và thêm ngôi nhà phát lồ trong tịnh xá lấy tên của Bảo tháp (tức là Thūpārāma). Và để thực hiện công việc nặng nhọc của mình vua đã trồng những cây hoa Sumana và Ujjuka trên một khoảng đất rộng một do tuần quanh thành phố. Và sau khi vua đã truyền lịnh rằng, Ðại bảo tháp, từ chân hàng rào đến đỉnh tháp, phải được tô phết bằng một loại vữa làm bằng chất dẻo có mùi thơm, dày bốn lóng tay và những cây hoa phải được rào quanh bằng những cái cọc. Vào một dịp khác, vua truyền cho người ta tô phết Bảo tháp bằng chất vữa dày tối thiểu tám lóng tay, và như vậy vua đã biến bảo tháp ấy thành một đồi hoa. Lại một lần khác, vua truyền lịnh cho rải hoa từ những bậc cấp lên đỉnh tháp và như vậy vua đã phủ lên bảo tháp bằng một khối hoa. Sau đó, khi vua đã sai người đưa nước từ bể chứa Abhaya lên, bằng cách tưới những khối nước lên bảo tháp, vua đã làm công việc cúng dường nước. Từ một trăm cỗ xe ngọc trai vua sai trộn vữa pha dầu, làm thành một lớp phủ cho bảo tháp, vua sai làm một mạng lưới bằng san hô và phủ lên Ðại bảo tháp, và khi vua sai người buộc vào những mắt lưới những hoa sen bằng vàng, lớn bằng những bánh xe bò và sai treo những chùm ngọc trai trên những hoa sen này cho thấu đến hoa sen ở bên dưới. Vua đã cúng dường bảo tháp bằng vật cúng dường này. Một hôm nọ, khi vua nghe trong phòng xá lợi có tiếng tụng kinh của những vị A-la-hán, vua quyết định rằng: "ta sẽ không đứng dậy cho đến khi nào ta trông thấy phòng xá lợi ấy mới thôi", và vua nhịn đói, nằm ở chân của cái cột trụ bằng đá ở hướng đông. Những vị A-la-hán tạo ra một cánh cửa dành cho vị ấy và đưa vị ấy vào phòng xá lợi. Khi vị đại vương đã trông thấy tất cả vật trang sức của phòng xá lợi, vua bèn đi ra và làm một lễ vật cúng dường bằng đất sét được nặn giống như những hình tượng trong phòng xá lợi. Ðức vua đã bảy lần cúng dường đến Ðại bảo táp bằng những thứ như: những tô mật ong, các loại nước hoa, những cái bình đựng đầy hoa và những loại trầm hương, bột màu để làm mỡ bôi và bột thoa đan duyên (minima): những hoa sen được rải đầy trong sân của Bảo tháp lên đến mắt cá chân làm cho cái sân nhuộm màu đỏ rực; những hoa sen được buộc vào những kẽ hở của những tấm thảm, được trải trên đất thơm đầy cả sân của bảo tháp; nhiều ngọn đèn đã được thắp sáng, tim đèn bằng những dải vật liệu thô được nhúng trong thục tô, những thứ ấy được đổ vào trong sân của bảo tháp sau khi đã bít kín các kẽ hở không cho thục tô chảy ra ngoài; Ngoài ra còn có những ngọn đèn bằng tim bấc được nhúng trong dầu Madhuka và dầu mè. Hơn nữa, do niềm tin thôi thúc, vua truyền lịnh tổ chức lễ hội hằng năm cho công trình tô mới và những lễ hội tưới nước vào cây Ðại bồ đề, lại thêm hai mươi tám lễ Vesākha lớn và tám mươi bốn lễ nhỏ, ngoài ra vua còn tổ chức những đội ca vũ đờn kèn để cúng dường Ðại bảo tháp. Mỗi ngày thường xuyên vua làm lễ Phật ba lần và sai cúng dường hoa thường xuyên mỗi ngày hai lần. Vua cũng thường xuyên cúng dường vật thực vào lúc có thuyết pháp và vào dịp lễ tự tứ, ngoài ra vua còn cúng dường nhiều vật dụng Sa-môn, như dầu, mật mía, y phục và những thứ khác đến chư tăng. Hơn nữa, vua còn cúng dường đất ở khắp nơi dành cho các bảo tháp để người có dùng mà sửa chữa các bảo tháp. Vua thường xuyên cúng dường vật thực lãnh bằng phiếu đến một ngàn vị Tỳ khưu trong tịnh xá Cetiya-Pabbata. Tại năm chỗ là ba cung điện ở bên trong hoàng cung: Cittupaṭṭhānapāsāda, Maṇi-upaṭṭhānapāsāda, và Mucalupaṭṭhānapāsāda, nhà hoa sen và cung điện xinh đẹp Chattapāsāda để cúng dường các vị Tỳ khưu chuyên về kinh tạng, vua luôn luôn cung cấp cho họ tất cả những gì cần đến, với lòng tịnh tín đối với giáo pháp. Ngoài ra vua Bhātika cũng làm những việc phước mà các vị vua trước đã từng làm cho giáo pháp. Sau khi Bhātikajāra thăng hà, người em trai của vị ấy tên là Mahādāṭhikamahānāga trị vì được mười hai năm, vị vua này hằng siêng năng làm những việc phước. Vua sai đắp một lớp đá Kiñcikkha ở bốn mặt của Ðại bảo tháp và làm lại con đường nhỏ rải cát ở quanh bảo tháp thành cái sân rộng; vua còn sai đặt những pháp tọa ở trong các tịnh xá dành cho các vị pháp sư. Ðức vua cũng xây dựng bảo tháp Ambatthalathūpa; bởi vì vì tòa tháp không vững chắc, nên vua đã liều mình nằm trong chỗ ấy, tưởng niệm ân đức của Phật. Khi vị ấy đã làm cho tòa tháp được vững chắc và đã làm xong bảo tháp, ở bốn lối vào, vua sai làm bốn cái cổng hình cung có cẩn châu báu, được khéo thiết kế bởi các nghệ nhân và lấp lánh những loại ngọc. Vua làm một lớp phủ bằng vải len đỏ và thêm những quả cầu bằng vàng và những chuỗi ngọc trai ở giữa hai quả cầu, tấm thảm ấy vua sai đắp vào bảo tháp. Khi vua đã sửa soạn một vùng đất rộng một do tuần quanh núi Cetiya, bốn cổng vào và một con đường xinh đẹp quanh khắp ngọn núi, và sai dựng lên những cửa tiệm buôn bán ở hai bên con đường và trang hoàng khắp con đường những cờ xí, cổng vòng cung và những cái cổng khải hoàn và đã làm cho sáng rực lên bằng những dãy đèn, vua truyền lệnh cho múa, hát và hòa nhạt. Ðể mọi người có thể đi trên con đường từ sông Kadamba đến núi Cetiya bằng chân không mà không bị dơ, vua sai trải xuống những tấm thảm. Chính các vị chư thiên cũng có thể tổ chức buổi họp cho ngày hội ở đó bằng điệu múa và tiếng nhạc. Vua còn bố thí dồi dào ở bốn cổng của kinh đô. Khắp toàn thể hải đảo vua sai treo chằng chịt những dãy đèn, ngay cả trên mặt biển xa một do tuần. Tại buổi lễ khánh thành bảo tháp, đức vua đã cúng dường những lễ vật xinh đẹp này; mọi người trong hải đảo này gọi lễ hội ấy là "Sơn đăng cúng dường". Khi vị chúa của địa cầu đã truyền lịnh cúng dường vật thực ở năm chỗ đến các vị Tỳ khưu đã đến để dự lễ hội, bằng cách sai đánh những cái trống bằng vàng đã được đặt ngay ở đó, đức vua đã bố thí dồi dào đến hai mươi bốn ngàn Tỳ khưu. Vua phân phát sáu bộ y phục, truyền lịnh ân xá cho những tội nhân, và sai thợ cạo thường xuyên làm công việc của họ ở bốn cổng. Hơn nữa tất cả những việc phước mà các vị vua quá khứ thực hiện đức vua cũng thực hiện theo một cách đầy đủ không chểnh mãng. Vua cũng cống hiến chính bản thân mình, hoàng hậu và hai đứa con trai (là Āmaṇḍagāmani và Tissa) con voi và con ngựa của vua cưỡi đến chư tăng để làm của riêng của các ngài, dầu chư tăng đã khuyên can vua. Ðức vua đã dâng những vật thí đến chư tăng trị giá sáu trăm ngàn, còn những vật thí đến chúng Tỳ khưu ni thì trị giá một trăm ngàn đồng, và để bố thí đến các ngài, do có trí tuệ hiểu biết về luật, vua đã bỏ tiền ra để chuộc lại bản thân mình, và dùng số tiền đó mua tứ sự cúng dường đến chư tăng. Tại Kākāyanakaṇṇika, chúa của quả đất cho dựng lên tịnh xá Maṇināgapabbata và tịnh xá Kalanda, và lại còn sai dựng lên tịnh xá Samudda-vihāra ở trên bờ sông Kubukanda và tịnh xá mang tên Cūlanāgapabbata ở Huvācakaṇṇika. Khi đức vua đứng ra xây dựng tịnh xá Pāsāṇadīpaka, một vị Sa-di đã giúp đỡ vua kéo nước, và hoan hỉ với việc làm ấy của vị Sa-di, đức vua bèn ban cho tịnh ấy một dãi đất rộng nửa do tuần để chúng tăng tùy nghi xử dụng. Và cũng hoan hỉ với việc làm của vị Sa-di ở tịnh xá Maṇḍavāpi-vihāra, đức vua đã cho đất để chư tăng xử dụng đối với tịnh xá này. Như vậy những người thiện kiến, đã chinh phục ngã mạn và biếng nhác, đã tự mình thoát ra khỏi luyến ái, khi họ đã đạt được năng lực lớn, không làm hại mọi người, vui thích trong những việc phước, hoan hỉ với chánh pháp, họ luôn luôn gieo tạo các thiện nghiệp. Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi bốn, được gọi là "Mười một vị vua", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Đại
đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)
(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007