Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Tịnh Độ Tông »» VI. Phật giáo thời kỳ đầu của người Âu Mỹ »»

Tư tưởng Tịnh Độ Tông
»» VI. Phật giáo thời kỳ đầu của người Âu Mỹ

Donate

(Lượt xem: 3.806)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Tịnh Độ Tông - VI. Phật giáo thời kỳ đầu của người Âu Mỹ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trong những năm ở Đức từ 1977 đến năm 2011, trên 30 năm như vậy, mỗi lần có dịp hướng dẫn những người Đức tu học trong các khóa chuyên khoa học kinh bằng tiếng Đức như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Dược Sư, Kinh Di Đà, Kinh Vu Lan v.v… hay những khóa của các sinh viên, học sinh Đức đến Chùa Viên Giác tại Hannover để tìm hiểu Phật Pháp, hoặc giả các Tổ chức Từ Thiện của Caritas hay Lion Club v.v… và những nơi mà tôi có cơ hội đến để thuyết trình về giáo lý Đạo Phật, nhờ đó tôi quan sát cách hiểu của họ về Phật Giáo như thế nào, để từ đó tôi hướng dẫn họ thực tế hơn.

Nhiều lúc tôi cũng khôi hài, nhưng cũng không thiếu tính cách thực tế và trình bày với người Đức rằng: “Nếu Đức Phật sinh ra tại Âu Châu, thì tất cả quý vị đã là Phật Tử rồi. Vì Đức Phật sinh ra tại Ấn Độ, cho nên giờ này người Đức và người Âu Mỹ mới tìm hiểu đến giáo lý của Đạo Phật”. Mọi người cười và tỏ ý gật đầu. Tôi tiếp tục chứng minh cho những người Đức hiện diện thấy rằng: Hầu như các bậc Giáo Chủ lớn của các Tôn Giáo đều phát xuất từ Á Châu. Ví dụ như: Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, Đức Khổng Tử, Lão Tử và ngay cả Đức Chúa Jesus cũng sinh ra tại Israel, là một phần đất nằm ở miền Trung Á Châu. Lý do tại sao thì để cho những nhà nghiên cứu về Tôn Giáo trả lời. Nhưng theo tôi: Sở dĩ những nhà Hiền Triết và các bậc Giáo Chủ của các Tôn Giáo đều xuất phát từ Á Châu, vì Á Châu có núi cao và sông dài, trong khi đó ở Âu Mỹ không có những thuận duyên ấy.

Riêng người Á Châu đã rõ biết Âu, Úc, Mỹ Châu theo Đạo gì từ thế kỷ 16, khi mà những nhà thám hiểm Âu Châu đặt chân đến Á Châu và các châu lục khác về sau này. Khi họ đến với chúng tôi, họ mang theo niềm tin của họ. Đó là quyển Thánh Kinh và cây Thập Tự Giá. Ban đầu khi họ đến Á Châu, với tư cách là những thương nhân theo nhũng thuyền buôn bán trao đổi hàng hóa, nhưng sau đó dẫn đến việc truyền đạo và làm bàn đạp để dẫn đến chủ nghĩa thực dân như tại Việt Nam, Lào, Cao Miên, người Pháp đã chiếm làm thuộc địa từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Tại Ấn Độ, Tích Lan người Anh đã chiếm làm thuộc địa cũng cùng thời gian như vậy. Rồi người Hòa Lan ở Indonesia, người Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân v.v… Tất cả đều khởi đi từ tham vọng của con người, nhưng Tôn Giáo không phải vậy. Tôn Giáo là chỗ dựa tâm linh của con người, khi con người gặp hoạn nạn, khổ đau hay những mục tiêu cao cả hơn về sự sống và sự chết.

Người Âu Mỹ hiểu về Đạo Phật có nhiều nguyên nhân và động lực khác nhau khi những người này có cơ hội đến Ấn Độ, Tích Lan, Đông Dương, Trung Hoa, Nhật Bản để tìm hiểu qua các việc khảo cổ hay hội họa, ngôn ngữ v.v… từ đó họ có cảm tình với Đạo Phật. Sau đây là một vài ví dụ điển hình.

Ví dụ như trường hợp tại Ấn Độ. Sau khi Vua A Dục trở thành một Phật Tử, ông vua này đã cho xây 84.000 ngọn tháp khắp nơi trên xứ Ấn Độ và đặc biệt nơi nào có những sự kiện đặc biệt như Đản Sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp lần đầu tiên, hay nơi thị tịch Niết Bàn của Đức Phật v.v… ông đều cho xây những trụ đá với 4 đầu sư tử xoay theo 4 hướng và trên trụ đá ấy có khắc những chỉ dụ của Đức Vua. Ví dụ như tại Lâm Tỳ Ni, ngày nay chúng ta còn thấy trên trụ đá có khắc những dòng chữ như sau: “Đây là nơi Đản Sanh của Đức Phật, Trẫm miễn một phần bảy thuế cho dân làng này." Những bia trụ đá ấy qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử trải qua hơn 2.300 năm tại Ấn Độ đã bị thiên nhiên hủy hoại như động đất, thiên tai, hoặc giả bị quân Hồi Giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân đánh chiếm Ấn Độ vào thế kỷ 10 - 11 v.v… rồi bẵng đi một thời gian dài, Phật Giáo Ấn Độ đã trải qua thời kỳ suy vong, không ai còn tin theo giáo lý của Đức Phật nữa, cho nên ít người tìm hiểu cội nguồn làm gì. Mãi cho đến khi người Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những nhà khảo cổ học mới tìm tòi nghiên cứu lịch sử Đức Phật và đến những nơi lịch sử ấy để khai quật bao nhiêu năm tháng mới rõ được ngọn ngành. Đấy là nhờ vào những bia ký của Vua A Dục còn ghi lại trên những trụ đá.

Ngay như Đại Tháp Bồ Đề, nơi Đức Phật Thành Đạo, ngày nay nằm ở Bang Bihar thuộc miền Bắc Ấn Độ cũng đã nhờ những nhà khảo cổ học người Anh tìm ra Đại Tháp này bị chôn vùi dưới lòng đất, từ đó dần khai quật lên và tái tạo thành một bảo tháp nguy nga như ngày nay là nhờ công lao của những nhà nghiên cứu Âu Mỹ và những Phật Tử hảo tâm trên thế giới. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu, đào xới những di tích lịch sử ấy thành công, họ trở lại quê hương họ, viết những bài tường thuật, phân tích v.v… từ đó khiến cho những học giả khác đương thời quan tâm đến Phật Giáo, rồi họ nghiên cứu tiếng Pali, tiếng Sanskrit để sau này tại Anh thành lập cả một cơ sở xuất bản tiếng Pali và ngay cả 3 Tạng Thánh Giáo Nam Truyền cũng được in ấn tại London. Những học giả ban đầu của Anh như ông bà Rhys David hay triết gia Đức Schopenhauer v.v… là những nhà tiên phong của Âu Châu nghiên cứu về lãnh vực này.

Ví dụ trường hợp tại Tích Lan. Khi người Tây Ban Nha đi thì người Anh đến và khi đến thì họ lo xây nhà thờ Thiên Chúa và lo cải đạo người địa phương để trở thành con chiên ngoan đạo để phụng sự cho Tôn Giáo này. Tích Lan là một xứ Phật Giáo từ thế kỷ 3 trước Tây Lịch do Công chúa Sanghamita và Hoàng tử Mahinda con Vua A Dục mang cây Bồ Đề từ Ấn Độ vào trồng tại đây, cũng như giáo pháp của Đức Phật đã được nhà vua Tích Lan thuở ấy chấp nhận một cách dễ dàng và giáo lý ấy phát triển tại đảo quốc này để sau này Phật Giáo trở thành quốc giáo, nhưng đến khi những người Âu Châu cai trị xứ này từ thế kỷ 18 - 19 thì họ đã triệt hạ Phật Giáo bằng nhiều hình thức khác nhau, đến nỗi Phật Giáo không còn một trường học, một tờ báo nào cả. Do vậy các học giả người Mỹ như ông bà Đại tá Henry Olcott có cơ hội đến thăm viếng đảo quốc này và ông ta muốn chủ trương phục hưng lại Phật Giáo. Điều đầu tiên là ông ta về Mỹ viết những bài báo có lợi cho Phật Giáo để cổ xúy cho Tăng Già và Phật Tử Tích Lan nắm lại vị trí của mình qua việc truyền thông và giáo dục. Ông bà đứng phía sau vận động các chính phủ Mỹ, Anh và tìm nguồn tài chánh giúp đỡ để cho những cơ quan ngôn luận của Phật Giáo tái phục hồi và điều đặc biệt là vào năm 1904, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ, ông Henry Olcott nhận thấy vầng hào quang trên đầu của Đức Phật có 5 màu gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam, nên ông đề nghị với Hội Đồng Tăng Già Tích Lan là nên chọn làm lá cờ Phật Giáo chung cho cả thế giới. Thế là đi đến kết quả được biểu quyết chung tại Đại Hội Phật Giáo Thế Giới vào năm 1951 và đã thực hiện được điều này và Việt Nam là một thành viên cũng như một lá phiếu đã được tham dự trong việc thành tựu quan trọng ấy.

Từ những năm 1948 đến 1954 là những năm sau Đệ nhị thế chiến (1939-1945) các thế lực chủ động như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… đã trao trả độc lập lại cho các xứ Á Châu và Phi Châu. Từ đó những người có liên hệ với Á Châu, đặc biệt là Tôn Giáo, chính họ đã đi đến Á Châu để xuất gia học đạo và ở luôn tại đó nghiên cứu về Phật Học, ví dụ như Hòa Thượng Nanaponika người Đức, là một học giả tiếng Pali, đã dịch ra tiếng Đức Tam tạng tiếng này. Do vậy người Đức theo Nam Tông ngày nay có đầy đủ tài liệu để nghiên cứu về Phật Học. Ngài xuất gia tại Tích Lan, hành đạo tại Tích Lan và viên tịch cũng tại Tích Lan.

Riêng Nhật Bản là một xứ đặc biệt, đã có rất nhiều thương thuyền của người Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến xứ sở này từ thế kỷ 16 - 17 giống như trường hợp Việt Nam, nhưng mãi đến nay (2011) sau hơn 400 năm truyền đạo tại xứ này mà thành phần Thiên Chúa Giáo chỉ có khoảng 0,03% trên 130 triệu dân tại đảo quốc này, quả là điều rất hy hữu. Ngược lại những nhà truyền giáo Dòng Francisco họ còn đến những Trung tâm Thiền viện lớn của Nhật học Thiền và họ mang Thiền ấy trở về lại Âu, Mỹ để dạy cho tín đồ của họ.

Trước năm 1975 ở Việt Nam cũng có một vài vị Sư người Đức đến xuất gia và tu học tại Sàigòn như Ngài Anurudha, tên Đức là Dr. Peter Petri, chính chúng tôi đã gặp Ngài tại Hannover vào năm 1978 sau khi Ngài ở tù tại Việt Nam 2 năm và được trở về lại Đức. Ngài có tường thuật lại đời sống của Ngài trước và sau 1975 trên báo Viên Giác, nhưng chẳng bao lâu sau thì Ngài viên tịch tại Hamburg.

Nêu lên những ví dụ như trên để chúng ta thấy rằng Đạo Phật không có một cơ quan truyền giáo nào cả. Chỉ do những người Âu Mỹ, qua việc thôi thúc bởi nghề nghiệp hay cảm tình, họ đã đến với Đạo Phật, không những chỉ tìm hiểu qua loa, mà còn đi xuất gia tại các nước Á Châu rồi ở luôn tại đó, hoặc về lại quê hương của họ để gây dựng nên những đạo tràng để cho người bản xứ cùng tu học giáo lý của Đạo Phật.

Cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 tại Trung Hoa đã chấm dứt chế độ Vua Chúa nhà Thanh. Tôn Dật Tiên chủ trương chủ nghĩa Tam Dân. Đó là Dân sinh, Dân tộc và Dân quyền. Tiếp theo cách mạng của Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch là người lãnh hội tư tưởng này và năm 1949 khi Mao Trạch Đông chiếm toàn cõi Trung Hoa thì Tưởng Giới Thạch và những người tùy tùng đã bỏ lục địa qua Đài Loan để lập quốc. Trên những con đường nhiều ngõ ngách và đổ nát ấy từ năm 1911 đến năm 1949 đã có không biết bao nhiêu người Trung Hoa chạy sang Hoa Kỳ và Úc Châu để tỵ nạn. Trên đường đi tìm tự do ấy cũng không thiếu những bậc tu hành danh tiếng cùng đi chung và sau khi đi đến những nơi này họ đã lập chùa, quy tụ quần chúng cả người Hoa lẫn người địa phương để nghe pháp, cúng bái, cầu nguyện. Từ đó những Chùa, Viện được lập ra và người xuất gia có nơi được kế thừa mà cũng có nơi đã thay ngôi đổi chủ.

Từ Đại Lục Trung Hoa chạy sang Việt Nam và Mã Lai có Ngài Diễn Bồi, chạy qua Hồng Kông có ngài Tuyên Hóa, sau đó Ngài Tuyên Hóa sang Hoa Kỳ để tiếp tăng độ chúng. Ngài Tuyên Hóa là một trong những cao tăng thành công trong việc cấy hạt giống Bồ Đề tại Mỹ quốc qua việc truyền thọ giới Tỳ Kheo cho những người Mỹ và chính những vị Sư người Hoa Kỳ này là gạch nối khá quan trọng cho việc dịch Đại Tạng Kinh từ chữ Hán sang tiếng Anh tại Vạn Phật Thánh Thành gần San Francisco Hoa Kỳ ngày nay.

Từ Trung Hoa Đại Lục đến Đài Loan gồm các Ngài Bạch Thánh, Ngộ Minh, Tinh Vân, Ấn Thuận, Thánh Nghiêm v.v… Các vị này đã mang tư tưởng Phật Giáo Trung Hoa đến Đài Loan và từ Đài Loan đến Nhật Bản rồi Hoa Kỳ (như Ngài Thánh Nghiêm). Riêng Ngài Tinh Vân sau khi đã xây dựng cơ sở Phật Quang Sơn tại Đài Nam, Đài Loan rồi, Ngài cho các đệ tử qua Nhật Bản và Âu Mỹ du học. Sau khi thành tài trở về lại Đài Loan và Ngài tiếp tục gây dựng cơ sở từ 1949 đến năm 2011, qua hơn 60 năm ấy đã có hơn 160 ngôi chùa lớn nhỏ trên khắp các lục địa Âu, Á, Mỹ, Phi và Úc Châu. Nơi nào cũng có trường Đại Học đi kèm để dạy ngôn ngữ Phổ Thông, tiếng Anh cho người địa phương hay con em của những người Hoa sinh ra tại đó mà không rành tiếng mẹ đẻ. Ví dụ như Nam Thiên Tự ở Woolongong Úc Châu, Tây Lai Tự ở Los Angeles Hoa Kỳ v.v… là những nơi đào tạo ở cấp bậc Đại Học và Hậu Đại Học của Phật Giáo.

Xem tự truyện và tiểu sử của các Ngài Ấn Thuận, Tinh Vân, hầu như không một vị nào có một bằng cấp nào cả, mà qua một cuộc đời tận tụy với Phật Pháp, các Ngài đã làm cho bông hoa giác ngộ này tỏa ngát hương thơm khắp bốn phương trời. Quả là Phật Pháp nhiệm mầu và vi diệu. Ngay cả Ngài Thánh Nghiêm sáng lập Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan và Đông Sơ Thiền Tự ở Mỹ cũng vậy, theo trong tự truyện của Ngài kể là Ngài chưa hề tốt nghiệp Trung Học và Đại Học, nhưng nhờ có nhân duyên viết nhiều bài nghiên cứu về Phật Pháp, Ngài được qua Nhật du học 7 năm, từ năm 1969 đến năm 1976 thì tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Đại Học Risso (Lập Chánh) ở Tokyo thuộc Nhật Liên Tông. Khi sang Hoa Kỳ Ngài cũng đã sống một cuộc đời thuở ban đầu thật vất vả, nhiều khi không có nhà cửa để ở, Ngài phải sống ngoài nhà ga xe lửa chung với những kẻ bụi đời. Thế mà ở vào cuối đời Ngài, Ngài đã làm được vô số công việc tại Đài Loan và tại ngoại quốc. Ví dụ như Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan ngày nay cũng có Đại Học Phật Giáo đi kèm và Tăng Ni Chúng tại Bổn Bộ này không dưới 400 người.

Đa phần những người Âu Mỹ tin và học theo Phật Giáo đều bắt nguồn từ truyền thống Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan v.v… là do những động cơ như trên đã trình bày. Nhưng đến đầu thế kỷ 20 Phật Giáo được du nhập vào các nước Âu Mỹ do những tư tưởng chủ đạo sau đây:

Đầu tiên là Thiền Học Nhật Bản do Đại Sư Suzuki Daietz người Nhật chủ trương qua các tác phẩm: Easy Zen and Easy Practice, Japanese Zen v.v… đã làm cho nhiều người Âu Mỹ lưu tâm đến tinh thần Thiền Đại Thừa này. Như trên đã trình bày rằng: Thiền vốn bắt nguồn từ Ấn Độ, qua Trung Hoa rồi được truyền sang Nhật Bản, nhưng khi đến Nhật, Thiền ấy đã trở thành Zen của người Nhật và ít ai quan tâm đến Ch’an của Trung Hoa hay Dhyana của Ấn Độ nữa. Đây là một thành công lớn của người Nhật.

Năm 1904 ở vào đầu thế kỷ 20, sau chiến tranh Nhật Nga, thế giới để tâm vào sự chuyển hướng và hấp thụ văn hóa Tây Phương của người Nhật qua công cuộc duy tân của Vua Minh Trị (Meiji) vào năm 1868. Ông Vua này là một Ông Vua Cách Mạng của Nhật, ông chủ trương nước Nhật phải học hỏi văn hóa và kỹ nghệ của Tây Phương và đem tư tưởng này vào canh tân xứ sở Nhật Bản. Từ năm 1868 đến năm 1904 chưa đầy nửa thế kỷ qua việc canh tân mà Nhật đã thắng Nga, khiến cho thế giới phải lưu tâm. Dĩ nhiên là Tôn Giáo của Á Châu không nhờ những đoàn quân viễn chinh đi trước để truyền được đạo vào quê hương sở tại, mà điều quan trọng chính là do người Âu Mỹ thích tìm hiểu đến Phật Giáo nên đã tự động đến với Phật Giáo bằng nhiều hình thức khác nhau, thế thôi !

Ông Suzuki được một lợi điểm là ông có vợ người Anh, nên những gì ông diễn thuyết hay viết thành sách vở, đều nhờ người vợ này chỉnh đốn lại bài vở trước khi thuyết trình hay in ấn thành sách để xuất bản, cho nên người Âu Mỹ đến với Thiền Học dễ dàng hơn. Rõ ràng là Thiền không cần nhiều ngôn ngữ, nên những vị Thiền Sư hay dùng sự im lặng trong tỉnh thức để dạy học trò là vậy. Với hình thức này ngày xưa các vị Tổ Sư thường lấy tâm truyền tâm. Còn bây giờ đa phần là lấy pháp để truyền tâm.

Theo Ngài Ấn Thuận, một Đại Sư, một Đại học giả của Phật Giáo Đài Loan thì Ngài cho rằng: khi Thiền đến Trung Quốc, thiền đã biến dạng quá nhiều. Ví dụ như quán thoại đầu hay nghi tình v.v… vốn trong thiền nguyên thủy không có. Các Ngài đã đi xa quá rồi. Lúc đến Nhật lại càng xa với cội nguồn hơn nữa, nhưng dẫu sao đó cũng là những đề tài khiến cho những thiền sinh phải lưu tâm nhiều hơn để đi sâu vào nội tâm của mình và từ đó có thể tập trung tư tưởng một cách dễ dàng hơn.

Khi người Âu Mỹ đến với Thiền qua các buổi diễn thuyết của ông Suzuki tại London, New York hay một vài địa phương khác tại Âu Châu, người Âu Mỹ bây giờ có một cái nhìn mới về Phật Giáo Đại Thừa qua việc thực tập thiền này, tương đối với thiền Tiểu Thừa Vipassana, vốn lâu nay họ đã hành trì. Thiền Vipassana dựa theo An Bang Thủ Ý Kinh, là thiền quán niệm hơi thở. Đây là căn bản để thực tập Thiền này đi sâu vào trong chánh định. Nhưng căn bản của Tiểu Thừa là chỉ có người xuất gia mới chứng nhập quả vị A La Hán, còn người tại gia dầu cho có thực tập thiền ở mức nào đi chăng nữa thì điểm cao nhất mà họ đạt được chỉ ở quả Dự Lưu mà thôi. Mục đích họ làm phước, bố thí trong đời này chỉ để cho kiếp sau được sanh Thiên, sống đời giàu có hơn và được làm chư Thiên hay loài người đẹp đẽ hơn để hưởng phước lạc, do cái nhân ở kiếp trước mình đã trồng. Trong khi đó Đại Thừa thì khác hẳn. Đại Thừa là con đường Bồ Tát để đi đến Phật quả. Quả vị Bồ Tát và ngay cả quả vị Phật đối với Đại Thừa không có phân biệt là Cư sĩ hay Tăng sĩ. Từ đây có một lối nhận định mới với người Phật Tử Âu Mỹ, vốn họ là những người đang lãnh đạo Hội Phật Giáo, hoặc tự tu cho cá nhân mình có cái nhìn khác hơn. Do vậy kể từ đầu thế kỷ 20 trở đi, người Âu Mỹ đã bắt đầu thực tập Thiền Nhật Bản và một ít Thiền Trung Hoa và sau này thì còn Thiền Đại Hàn và Việt Nam nữa.

Từ năm 1959 trở về sau này, khi có sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Ấn Độ và rồi những sách vở bằng tiếng Anh về Kim Cang Thừa xuất hiện và nhất là những năm sau này khi Đức Đạt Lai Lạt Ma trực tiếp đi diễn giảng tại Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và Á Châu thì phong trào học Phật lại còn cao hơn nữa. Cao nhất vẫn là Trung Quán, Bồ Đề Tâm, Tánh Không. Thế nhưng một số các bậc Kỳ Lão của Phật Giáo Việt Nam và ngay cả Phật Giáo Đài Loan (ví dụ như Ngài Ấn Thuận) vẫn không tin tuởng vào Mật Tông mấy, nhất là phái mũ đỏ. Phái này như chương về Phật Giáo Tây Tạng chúng ta đã thấy, thuộc phái Cổ Mật do Ngài Liên Hoa Sanh truyền vào, sau đó Ngài Atisa (A Đề Sa) tiếp tục, nhưng giữa hai phái này đối chọi nhau qua tư tưởng của Trung Quán và tư tưởng của Du Già Sư Địa Luận. Việc này đã xảy ra từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15 tại Tây Tạng, khiến cho cách hành trì của phái mũ đỏ này đi vào chỗ mê tín, cầu đảo và điều huyền bí khó hiểu hơn là Vô Thượng Du Già đã đưa đến chỗ thật bí hiểm giữa sự giao cấu nam nữ với nhau, tạo ra những khoái cảm về dục lạc, thay vì chứng đạo giải thoát và thoát ly sanh tử luân hồi (quan điểm này có Ngài Ấn Thuận và Ngài Tịnh Hạnh không đồng ý). Nhưng đến thế kỷ 15 Ngài Tông Khách Ba xuất hiện tại Tây Tạng và Ngài đã tổng hợp hai khuynh hướng Trung Quán của Ngài Long Thọ, Du Già Sư Địa Luận của Ngài Atisa để trở thành chỗ kết hợp phần cao thâm nhất của 2 phái này và loại trừ những mê tín, dị đoan của Vô Thượng Du Già để Ngài Tông Khách Ba trở thành vị Tổ Sư của phái Mũ Vàng và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thuộc về truyền thống giữ giới này. Ngoài ra Ngài Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, đang ở bênTrung Hoa cũng thuộc hàng đệ tử nối pháp của Ngài Tông Khách Ba.

Phật Giáo Tây Tạng còn phái mũ trắng cũng xuất hiện cùng thời với phái mũ vàng nữa. Chỉ còn phái mũ đen, tức là Đạo Bon, vốn là tín ngưỡng nhân gian của Tây Tạng thờ thần, thì phái này vẫn còn tồn tại.

Khi nghiên cứu về Phật Giáo mỗi nước, chúng ta cố gắng thận trọng vấn đề này. Ví dụ như Phật Giáo Việt Nam có các phái Cổ Sơn Môn và Ông Lục, họ vẫn có gia đình vợ con và ăn mặn v.v… không sống đời sống tịnh hạnh như những vị theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Như vậy không có nghĩa là chúng ta loại bỏ giáo hội truyền thống này khi thấy Giáo hội Cổ Sơn Môn có gia đình. Ở đây Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng vậy, chính bản thân chúng tôi đã có nhiều lần tiếp xúc và học đạo với Ngài tại Hannover, Hamburg, Frankfurt, Schnever-dingen v.v… khi nào Ngài cũng lấy những kinh điển của Ngài Nagarjuna (Long Thọ), Tông Khách Ba, đôi khi có những tác phẩm của Ngài Atisa ra hướng dẫn người Âu Mỹ trong đó có cả người Việt Nam nữa.

Bây giờ thì sách vở viết và dịch về Phật Giáo Tây Tạng quá nhiều, người ta có thể lên NET hay ra tiệm sách để tìm xem. Điều quan trọng là chúng ta học được gì nơi lòng từ bi và trí tuệ của chính Ngài đã truyền dạy mới là điều quan trọng, chứ không phải chỉ là hình tướng ở bề ngoài. Ví dụ như một hôm có một ký giả hỏi Ngài rằng:

“Thưa Ngài: Thế nào là hạnh phúc?”

“Hạnh phúc hả? Đó là điều mà bạn phải tìm bên trong chính bạn chứ nó không có ở bên ngoài. Cái này người ta không thể đi mua ngoài siêu thị được!”

Rõ ràng đây là tinh thần Phật Giáo qua sự thực tập Thiền Định bởi chính Ngài. Theo truyền thuyết và truyền thống, Ngài là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, nhưng với Ngài, chuyện ấy không quan trọng. Quan trọng là vấn đề làm sao hấp thụ được lời Phật dạy để chuyển hóa nội tâm của mỗi người, ấy mới là điều quan trọng.

Vào năm 2007 tại Hamburg có một Đại Hội chư Tăng Ni và những truyền thống Luật tạng có sẵn để bàn về vấn đề: “Có hay không nên cho chư Ni Tây Tạng thọ giới Tỳ Kheo Ni”. Đại Hội được tổ chức tại Đại Học Hamburg. Hôm đó chính chúng tôi cũng đã tham dự. Ngôn ngữ chính được dùng trong Đại Hội này là tiếng Anh và tiếng Đức. Đại Hội cũng tán đồng là nên như vậy. Vì có nhiều người nữ Tây Phương khi xuất gia theo truyền thống Tây Tạng, nhưng họ không được thọ giới Tỳ Kheo Ni, nên họ phải qua truyền thống Việt Nam hay Đại Hàn hoặc Đài Loan để thọ giới, do vậy có nhiều khó khăn khi độ cho người nữ Tây Phương đi xuất gia và thọ giới. Khi nghe những sự khó khăn và điều có thể ấy rồi, Ngài gãi đầu và nói rằng: “Phải chi có Đức Phật ở đây thì đỡ biết mấy”.

Câu nói này khẳng định một điều, chính Ngài là vị Pháp Vương của Phật Giáo Tây Tạng, nhưng Ngài vẫn không tự sửa đổi giới luật được, ngoại trừ Đức Phật và phải có sự đồng thuận của Hội Đồng Tăng Già Trưởng Lão của Tây Tạng.

Vào buổi ăn trưa cùng ngày của năm 2007 ấy tôi được ngồi chung cùng bàn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Tây Tạng, một vài chánh khách Đức và Thượng Tọa Thích Quảng Ba, tôi có hỏi thăm Ngài rằng: Tại sao Tây Tạng lại không cho người nữ xuất gia? Ngài bảo rằng: Từ xưa đến nay Tây Tạng chưa có truyền thống truyền giới cho Tỳ Kheo Ni. Do vậy Ngài cũng không thể làm gì khác hơn được.

Theo tôi nghĩ: Có lẽ đây là một Đại Hội Thế Giới để tìm cách đồng thuận của chư Tăng, Ni ngoại quốc và đây cũng là cái nhân tố để Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền lại cho Hội Đồng Tăng Già Tây Tạng biết rằng đã có bao nhiêu truyền thống đồng thuận cho tinh thần thọ giới của Tỳ Kheo Ni theo Tứ Phần Luật vốn đã có từ lâu đời tại các nước Á Châu. Mãi từ năm ấy đến nay đã trải qua 4 năm hơn rồi, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy được một dấu hiệu nào tích cực cho vấn đề truyền thọ Tỳ Kheo Ni giới cho Tây Tạng. Hy vọng sẽ có một ngày Tây Tạng sẽ tiếp nối con đường Luật tạng theo truyền thống của những nước Đại Thừa đã đi trước như: Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1975, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (trước năm 1963 là Tổng Hội) đã gởi một số chư Tăng Ni ra ngoại quốc du học gồm các nước sau đây:

Tại Ấn Độ có những vị đã tốt nghiệp Tiến Sĩ như: Hòa Thượng Thích Minh Châu, Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Thanh, Hòa Thượng Thích Pháp Nhẫn, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Châu, Thầy Huyền Diệu v.v… Ở đây chúng tôi không đề cập về tư tưởng hay chính kiến khác của những vị này, mà chúng tôi chỉ muốn ghi lại những dữ kiện có tính cách lịch sử về công đức truyền bá Phật Pháp cho người Việt cũng như người ngoại quốc, sau khi đã tốt nghiệp thành tài mà thôi.

- Hòa Thượng Thích Minh Châu năm nay (2011) đã ngoài 90 tuổi. Ngài có công rất lớn trong việc phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển tiếng Pali sang tiếng Việt. Năm 1964 khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập Đại Học Vạn Hạnh tại đường Trương Minh Giảng Sàigòn thì Hòa Thượng được Giáo Hội và chính quyền miền Nam Việt Nam thuở ấy bầu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh. Đại Học này đã cho ra trường nhiều ngàn sinh viên gồm nhiều phân khoa như: Phật khoa, Giáo dục, Nhân văn, Kinh tế v.v… Cho đến năm 1975 thì đóng cửa. Sau này Viện Nghiên Cứu Phật Học Vạn Hạnh hay Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sàigòn là hậu thân của Đại Học Vạn Hạnh ngày xưa. Tuy Hòa Thượng không có công nhiều trong việc truyền bá tư tưởng Phật Giáo Việt Nam ra ngoại quốc, nhưng học trò, đệ tử của Ngài được đào tạo tại Đại Học Vạn Hạnh ngày trước, bây giờ họ có mặt khắp năm châu. Do vậy tư tưởng của Ngài cũng đã gián tiếp giúp cho người Âu Mỹ biết ít nhiều về Phật Giáo Việt Nam.

- Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Ấn Độ, Ngài về nước năm 1968, có dạy tại Đại Học Vạn Hạnh và năm 1975 Ngài sang Pháp, sáng lập và trụ trì Chùa Linh Sơn tại Paris và sau này Ngài trở thành Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn trên thế giới. Giáo Hội này có rất nhiều cơ sở trên thế giới (hơn 50 chùa viện và 100 Tăng Ni) và có một số vị đang trực hay gián tiếp mang Phật Giáo Việt Nam đến cho người Mỹ, người Pháp v.v… Năm 2010 Học Viện Huyền Vi được thành lập tại Paris, Pháp quốc, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đương kim Viện Trưởng Viện Đại Học này. Đây là nơi đào tạo và giao lưu văn hóa Phật Giáo Đông Tây, nhằm giới thiệu cho người Tây Phương biết về Phật Giáo Đông Phương.

Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi đã thuyết giảng và sáng tác rất nhiều sách vở rất có giá trị (xin vào trang nhà quangduc.com để tham khảo) Ngài là vị Đại Pháp Sư của Việt Nam của thế kỷ 20. Chi nhánh của Linh Sơn cũng có mặt tại Phi Châu, ngoài Mỹ Châu, Âu Châu, Úc Châu và Á Châu. Đây là kết quả một đời hoằng pháp của Cố Hòa Thượng. Tuy khi còn sanh tiền Ngài không chủ trương tu theo pháp môn nào rõ nét, nhưng con đường Thiền Tịnh song tu và căn cứ vào giáo lý cả Đại lẫn Tiểu Thừa để tấn tu đạo nghiệp.

- Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn là một vị Đại Sư đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Ấn Độ, Ngài không về nước mà qua lời mời của Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Ngài sang Hoa Kỳ từ thập niên 80. Từ đó cho đến ngày viên tịch, Ngài đi chu du khắp Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới để hoằng pháp lợi sanh. Những đặc điểm đáng lưu ý của Ngài là Ngài không chủ trương lập Chùa, không nhận đệ tử xuất gia để có thời giờ rảnh rỗi lo phiên dịch và trước tác. Những dịch phẩm của Ngài từ tiếng Anh ra tiếng Việt rất có giá trị. Không những chỉ ở ngoại quốc, mà trước khi đi du học Ấn Độ, Ngài cũng đã dịch và viết trên tập san Liên Hoa tại Huế nhiều bài vở về Phật Giáo rất quý giá. Ngài không chủ trương tu theo pháp môn nào, nhưng cuối đời Ngài vẫn khuyên Phật Tử niệm Phật để cầu vãng sanh. Ngài đã viên tịch, nhưng những kinh sách và những biên khảo, dịch thuật của Ngài bao giờ cũng là kim chỉ nam cho những người muốn nghiên cứu về Phật Pháp bằng ngoại ngữ Anh-Việt.

- Cố Hòa Thượng Thích Thiện Thanh sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Ấn Độ, Ngài cũng đến thẳng Hoa Kỳ. Sáng lập Chùa Phật Tổ tại Long Beach, California. Đời Ngài trụ thế tuy ngắn ngủi, nhưng Ngài cũng đã soạn dịch được bộ “Kinh Tụng Hằng Ngày” hoàn toàn bằng tiếng Việt, là một trong những vị Đại Sư chủ trương Việt hóa Kinh điển mà lâu nay Giáo Hội ở trong cũng như ngoài nước chưa hoàn thành.

- Cố Hòa Thượng Thích Thiện Châu sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Ấn Độ và Anh quốc, Ngài sang Paris, Pháp quốc để hành đạo và sáng lập Chùa Trúc Lâm tại ngoại ô Paris từ những năm 1978, Ngài có dạy học tại Đại Học Sorbonne và có một số sáng tác biên khảo bằng tiếng Anh và tiếng Pháp có giá trị. Tuy Ngài không có đệ tử xuất gia nào nổi bật, nhưng những công việc giảng dạy và biên khảo của Ngài cũng đã giúp cho những người Pháp hiểu ít nhiều về tư tưởng Phật Giáo Việt Nam.

Riêng Đài Loan trước năm 1975 chỉ có 3 vị Hòa Thượng du học tại đó. Đó là Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc và Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh. Tất cả 3 vị này đều đỗ Tiến Sĩ, một vị đã viên tịch, một vị đang ở Hoa Kỳ và một vị đang ở Đài Loan và ở Pháp.

- Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm có công rất lớn trong việc in ấn lại những sách vở Phật học Việt Nam đã được xuất bản trước năm 1975 và một số sáng tác mới được biên soạn tại ngoại quốc sau này. Phật Học Viện Quốc Tế nằm ở vùng North Hills, California là nơi đã xuất bản những kinh sách giá trị trong suốt 3 thập niên như vậy. Ngoài ra Cố Hòa Thượng cũng đã biên tập, hiệu đính, dịch giải rất nhiều kinh sách từ chữ Hán sang tiếng Việt hoặc ngược lại. Tuy tư tưởng của Ngài, người Âu Mỹ chưa trực tiếp nhận được lợi lạc mấy, nhưng những thế hệ kế thừa sẽ diễn dịch và tiếp thụ những lời giáo huấn của Ngài và sẽ làm lợi lạc cho những thế hệ trẻ trong tương lai.

- Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh trong hiện tại Ngài là đương kim Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn trên thế giới, kế vị Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi. Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đài Loan, Ngài không về lại quê hương hay đi các nước khác, mà vẫn ở lại Đài Loan để kiến lập Đạo tràng Linh Sơn tại Đài Bắc để tiếp Tăng độ Chúng. Đệ tử của Ngài đa phần là người Đài Loan. Nay Ngài là Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Huyền Vi tại Paris, Pháp quốc. Học viện này tương đương với một Đại Học, nơi dạy dỗ và huấn luyện cho những người Pháp và ngoại quốc muốn tìm hiểu về Phật Giáo.

Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh là người có công lớn nhất trong việc chủ trương phiên dịch, in ấn bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, kể từ thời lập quốc đến nay chưa có triều đại nào hay cá nhân nào thực hiện được việc ấy. Nay có Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh thực hiện được việc này, quả là công đức bất khả tư nghì.

Những vị du học tại Hoa Kỳ trước năm 1975 như Cố Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn, Pháp Sư Thích Giác Đức, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ v.v… đã, đang và sẽ có nhiều vị được đề cập đến. Riêng Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đóng một vai trò đặc biệt với những người Phật Tử Âu Mỹ hiện nay, cho nên chúng tôi chỉ xin tóm tắt một vài điều qua cái nhìn phiến diện của mình. Nếu quý vị nào muốn tìm hiểu thêm về Ngài thì nên vào trong langmai.com để rõ hơn.

- Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh tốt nghiệp Cao Học Đại Học Wisconsin Hoa Kỳ từ năm 1966 và sau đó được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước cử Ngài làm Đại diện cho Giáo Hội tham gia những cuộc Hội Nghị và thuyết trình ở những tổ chức tại ngoại quốc về đường lối của Giáo Hội đối với đất nước. Ngài chủ trương thành lập Đại Học Vạn Hạnh và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở trong nước. Tổ chức này đã gây được tiếng vang một thời trong nước trong quần chúng, nhưng chính quyền miền Nam thuở ấy không ưa chuộng mấy. Vì tư tưởng cũng như mục đích của tổ chức xã hội hóa bằng tư tưởng Phật Giáo, cho nên những người lãnh đạo khác tôn giáo và khác chánh kiến họ không thích mấy.

Trong khi ở ngoại quốc Ngài chủ trương phong trào tiếp hiện và chế ra 14 giới căn bản cho những người vừa như xuất gia, vừa như cư sĩ này. Đây là nguyên nhân khiến chư Tôn Đức Việt Nam vốn theo khuynh hướng Đạo Phật truyền thống khó chấp nhận. Nếu người ta theo dõi tư tưởng của Ngài thì thấy rằng ban đầu Ngài không muốn độ cho người xuất gia, nhưng mãi đến những năm 1989, 1990 phong trào tiếp hiện này vẫn không thành công mấy ở tại ngoại quốc, cho nên Ngài đã nhận người xuất gia để nối dõi việc Tông Môn và truyền thừa. Sư Cô Chơn Không Cao Ngọc Phượng là người đầu tiên được Ngài cho xuống tóc tại núi Linh Thứu từ năm 1988. Sau đó Ngài mới tiếp tục nhận những đệ tử Âu Mỹ xuất gia. Cho đến nay sau hơn 20 năm thâu nhận đệ tử xuất gia, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh có hơn 1.000 người như vậy. Còn đệ tử tại gia và giới Tiếp Hiện thì vô số.

Ngài đã viết, dịch, chú giải nhiều kinh sách cho đến nay (2011) trên 100 đầu sách và sách của Ngài được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Do vậy người ngoại quốc rất gần gũi với tư tưởng của Ngài. Ngôn từ bình dị, dễ hiểu và dễ thực tập, nhất là lối thiền quán niệm hơi thở của Ngài chủ trương. Lợi thế của Ngài là giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và dĩ nhiên rất thành thạo tiếng Việt và chữ Hán. Do vậy mà những thế hệ thanh niên nam nữ Việt Nam trước 1975 ở trong nước ảnh hưởng cũng không phải là ít. Ngày nay tại ngoại quốc thì khác, có lẽ Ngài chú tâm hướng dẫn Thiền cho người ngoại quốc nhiều hơn, nên ảnh hưởng của Ngài đối với hơn 2 triệu người Việt Nam tại ngoại quốc không nhiều bằng thuở xưa.

Ngài lập phái, lập tông riêng, gần như là một Tổ Sư Thiền, loại mới, không giống với Thiền Nguyên Thủy và Thiền Đại Thừa để hợp với căn cơ của người Tây Phương. Do vậy phái Thiền này ít có liên hệ với những tông phái khác của Phật Giáo Việt Nam hiện có mặt khắp nơi trên thế giới. Ai chấp nhận lối tu của Ngài thì vào tu học để trở thành học trò, đệ tử. Ngoài ra Ngài không chủ trương liên kết với những tổ chức Phật Giáo khác, ngay cả tổ chức của người Âu Mỹ.

Xấu, tốt, đúng, sai của một đời người thật là quá ngắn ngủi để luận bàn. Khi nào nắp quan tài đậy lại và cả hàng trăm, hàng ngàn năm sau nữa, nếu pháp môn ấy còn tồn tại trên thế gian này, tức là pháp môn ấy có nhiều người theo, có kẻ nối truyền và là giềng mối cho tông phong, tổ chức. Bằng ngược lại, phong trào ấy chỉ nổi lên một thời, rồi qua thị hiếu của con người được đáp ứng, có rất nhiều người theo và sau này nếu người sáng lập khuất bóng, tư tưởng ấy quần chúng không theo và không còn tồn tại với đời, thì đó cũng chỉ là một phong trào học Phật ở trong một thời gian nhất định nào đó mà thôi.

Lịch sử đã chứng minh điều đó. Từ Ấn Độ qua Trung Hoa, từ Tây Tạng qua Nhật Bản rồi Việt Nam, Đại Hàn v.v… có không biết bao nhiêu triều đại lẫy lừng lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo. Đã có không biết bao nhiêu vị Tổ Sư khai sáng tông môn muốn làm hiển hách cho Tông Phái của mình, nhưng thời gian trôi qua, một số đã đi vào quên lãng, ngay như những Tông Thiền nổi tiếng ở Trung Hoa hay Việt Nam cũng vậy. Dĩ nhiên, mỗi một vị Bồ Tát, một vị Tổ Sư đi vào đời cũng chỉ có một nhiệm vụ nhất định ở vào một thời điểm nào đó mà thôi. Khi thế sự thăng trầm, lòng người thay đổi, quốc độ chẳng bền, nhân tâm thế sự nhiễu nhương v.v… thì các pháp cũng đều phải bị chi phối bởi vô thường, khổ, không và vô ngã cũng như sự thành, trụ, hoại, không bởi sự biến thiên của lịch sử và nhân thế. Cho hay việc này Đức Phật đã tiên liệu từ lâu rồi.

Nhưng phải công tâm mà nói rằng Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh là người có công to lớn nhất đã đem tư tưởng Thiền của Phật Giáo Việt Nam đến với người Âu Mỹ. Ngài được xếp theo thứ tự những nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi.

Như thế trước và sau năm 1975, Thiền Việt Nam qua Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã thu hút hàng ngàn, hàng vạn người ngoại quốc tham gia tu học và xiển dương pháp môn này là một dấu ấn khó quên đối với những người Phật Tử Việt Nam tu theo pháp môn khác khi nhìn về Làng Mai tại Pháp vậy.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số chư Tôn Đức Tăng Ni đã du học Nhật Bản từ năm 1954 đến 1975, đã và đang đóng góp cho Phật Giáo tại ngoại quốc từ xưa đến nay có liên hệ trực hoặc gián tiếp với người Âu Mỹ để quý vị lãm tường. Dĩ nhiên có một số vị chúng tôi không giới thiệu nhiều, vì vấn đề của thời cuộc và những vị không được đề cập đến trong sách này vì lẽ chúng tôi không được biết đến lai lịch của những vị đó, hoặc giả còn thời gian để lại giới thiệu sau v.v… Kính mong chư Tôn Đức và quý vị hoan hỷ cho điều này.

Những vị đi du học tại Nhật Bản đa phần đã tốt nghiệp Tú tài 2 tại Việt Nam hoặc Cử nhân Phật học. Sở dĩ những người Tăng Sĩ Việt Nam chọn đi Nhật, vì lẽ Nhật là một quốc gia Phật Giáo nằm tại Á Châu và đặc biệt có nhiều đại học Phật Giáo. Hầu như mỗi Tông Phái đều có từ 1 đến 7 trường Đại Học, đó là chưa kể những trường Trung Học, Tiểu Học và nhà trẻ. Nền giáo dục tại Nhật Bản nói chung và giáo dục Phật Giáo nói riêng phải nói là tuyệt vời nhất. Đa phần chư Tăng Nhật Bản đều phải tốt nghiệp Đại Học của Tông Phái họ rồi mới ra Trụ Trì. Có những vị nghiên cứu tiếp lên Cao Học hoặc Tiến Sĩ. Họ nói ngoại ngữ tương đối không nhanh nhẹn như người Việt Nam, nhưng những đề tài nghiên cứu của họ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức v.v… làm cho các học giả trên thế giới phải cúi đầu trước họ. Lâu nay chúng ta hay thấy được rằng cứ mỗi năm vào ngày 10 tháng 12, ngày Kỷ niệm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì Hoàng gia Thụy Điển đều phát những giải thưởng Nobel về vật lý, y khoa, hóa học, khoa học, hòa bình v.v… đa phần là người Âu Mỹ Úc, chứ ít thấy người Phi Châu hay Á Châu. Nếu có cũng rất hiếm. Vì lẽ các chính phủ Âu Mỹ có ngân khoản rất lớn để tài trợ cho những người chuyên nghiên cứu về những lãnh vực trên. Còn các nước Á Châu chúng ta tương đối còn nghèo, cho nên những nhân tài nổi tiếng như thế rất hiếm. Riêng ngành Phật Học và Tôn Giáo học tại Nhật rất có giá trị. Do vậy chư Tăng Ni Việt Nam, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc đều chọn Nhật Bản để đến tu học và nghiên cứu là vậy.

Tuần tự theo thời gian năm tháng từ 1954 đến 1975 có chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Sư đến du học tại Nhật như sau:

Đầu tiên đại diện cho 3 miền có Cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác (Bắc), Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân (Trung), Thượng Tọa Thích Quang Minh (Nam).

Kế tục theo đó có các vị: Cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Trí Tâm, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Cố Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Hòa Thượng Thích Trí Đức, Thượng Tọa Thích Chơn Minh, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt, Hòa Thượng Thích Như Điển, Cố Thượng Tọa Thích An Thiên, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Minh Tuấn, Cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Chính, Ni Trưởng Mạn Đà La.

Ngoài ra cũng có một số quý vị không còn tiếp tục tu nữa như: Giáo sư Nguyên Hồng, Giáo sư Long Nguyệt, Giáo sư Lâm Như Tạng, Thầy Giác Thiện v.v…

Kể ra trước năm 1975 chư Tăng Ni đi du học ở Nhật nhiều nhất so với các nước khác như Ấn Độ, Tích Lan, Hoa Kỳ và Đài Loan. Đây là nhân tố lúc ban đầu của Giáo Hội. Sau năm 1975 tuy Giáo Hội gặp rất nhiều khó khăn trên mọi lãnh vực, nhưng số Tăng Ni ra ngoại quốc du học rất nhiều, sau khi thành tài, cũng như lớp đi trước của chúng tôi, có người ở lại ngoại quốc và có nhiều vị trở lại Việt Nam để làm việc cho Giáo Hội.

Cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác sau khi tốt nghiệp Cao Học Phật Giáo tại Nhật đã về lại Việt Nam làm Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo từ năm 1963 và sáng lập Trung Tâm Nhu Đạo Quang Trung cũng như khai sơn Chùa Vĩnh Nghiêm tại Sàigòn. Năm 1973 Ngài đã viên tịch tại Việt Nam, nhưng những môn sinh Nhu Đạo tại Quang Trung thuở ấy với Ngài, bây giờ vẫn còn nhiều người đang mở trường dạy Nhu Đạo cho người Việt Nam và người ngoại quốc ở các quốc gia Âu Mỹ không phải là ít.

Riêng Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là một vị Thầy rất đặc biệt. Vì đây là vị Tăng Sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Waseda, Tokyo. Vào năm 1964 Ngài đã về nước. Ngài đã dạy Thiền và Phật học tại Đại Học Vạn Hạnh Sàigòn cho đến năm 1966. Kể từ năm này trở đi, Ngài làm thỉnh giảng viên của các Đại Học tại Hoa Kỳ. Những năm tháng đầu tiên Ngài đến Hoa Kỳ dạy Thiền Học cho người Mỹ. Mãi cho đến bây giờ vẫn còn những người Tăng sĩ Tây Phương xuất gia thọ giới với Ngài theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam. Đó là Hòa Thượng Bodhi, Hòa Thượng Ân Từ, Ni Sư Karuna v.v… Đây là những người Mỹ có văn bằng Tiến Sĩ, đã xuất gia và thọ giới với Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân từ những năm đầu khi Ngài đến Hoa Kỳ. Có thể nói rằng Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là người đầu tiên khai sơn Chùa Việt Nam tại Los Angeles và các chùa khác tại Hoa Kỳ kể từ năm 1975. Đến năm 1976 Ngài thành lập Viện Đại Học Đông Phương (Oriental University) tại Los Angeles và Thiền Viện Quốc Tế. Học trò, đệ tử của Ngài đa phần là người Hoa Kỳ. Bây giờ mỗi lần đi hội nghị hay tham dự diễn thuyết ở nơi nào trên thế giới, những Hòa Thượng Bodhi hay Ni Sư Karuna đều không ngại ngùng gì với thính chúng và tự giới thiệu mình là đệ tử của Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân và tu tập theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam.

Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã viên tịch tại Hoa Kỳ vào năm 1979 ở tuổi đời chưa tới 60 là một mất mát rất to lớn đối với người Phật Tử Việt Nam cũng như người Hoa Kỳ. Hòa Thượng cũng đã để lại một số tác phẩm bằng Anh ngữ như Zen and Buddhism in Vietnam, Japanese Zen v.v… Ngài là một trong những học giả có tên trong tự điển danh nhân thế giới.

Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác tức nhà thơ Huyền Không. Trước năm 1975 Ngài đã làm Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sàigòn. Sau đó năm 1978 Ngài tỵ nạn sang Pháp và cuối cùng đến Hoa Kỳ để cộng tác với cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân và làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Ngài là một nhà văn, nhà thơ, dịch giả rất nổi tiếng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Nhật ngữ, Anh ngữ, Hán văn và Việt ngữ. Thơ văn và sách vở của Ngài vẫn còn đó. Hậu thế có cơ hội để tham khảo và tưởng niệm về một bậc Thầy vừa là Tăng nhân vừa là thi sĩ nổi tiếng một thời trên thế gian này.

Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, sau khi tốt nghiệp Cao Học Phật Giáo tại Nhật về lại Việt Nam năm 1969, dạy ở Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Cần Thơ. Đến năm 1975 Ngài tỵ nạn sang Pháp, sáng lập Chùa Pháp Hoa tại Marseille từ năm 1976. Sau khi Ngài viên tịch, vì không có đệ tử Tăng xuất gia, cho nên chùa của Ngài sáng lập đã trao quyền cho đệ tử Ni. Tuy Ngài không có để lại tác phẩm nào nổi tiếng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Ngài tại Pháp, Âu Châu và Mỹ Châu là một tấm gương sáng để cho hậu thế noi chung.

Hòa Thượng Thích Trí Quảng sau khi tốt nghiệp Cao Học tại Nhật, Ngài về lại Việt Nam năm 1973 và Ngài ở lại quê hương mãi cho đến ngày hôm nay (2011). Trong hiện tại Hòa Thượng Thích Trí Quảng là Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sàigòn và là người chủ trương lấy kinh Pháp Hoa làm tiêu đề chính trong sự giáo hóa chúng sanh tại Việt Nam, giống như Ngài Nhật Liên ở Nhật Bản chủ trương vào thế kỷ 13 tại Nhật.

Hòa Thượng Thích Minh Tâm là một trong những vị Thầy đặc biệt. Vì lẽ suốt gần 45 năm xa quê hương Việt Nam, chưa một lần trở lại. Ngài là đệ tử y chỉ của Cố Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang. Ngài sang du học tại Nhật vào năm 1968 đến năm 1973, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử sang Pháp để thay thế cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh. Nhưng Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ không cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh về lại Việt Nam, nên Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã ra thành lập Niệm Phật Đường Khánh Anh và tờ báo Khánh Anh từ năm 1974 tại Acceuil, Paris, Pháp quốc.

Vào lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát 19.2.1979 Chùa Khánh Anh đã chính thức dời về Bagneux và đến ngày 18.5.1995 thì làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa Khánh Anh mới tại Evry. Cho đến nay sau gần 20 năm xây dựng với kinh phí gần 20 triệu đô-la Mỹ, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Đây là một công trình thế kỷ, là công trình có một không hai của Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại ngày nay.

Ngài là chiếc đầu tàu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu ngay từ những buổi sơ khai và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Tuy Ngài không có một sáng tác nào đặc biệt, nhưng những quan điểm và tư tưởng của Ngài bàng bạc trên các số báo Khánh Anh, sau này các đệ tử tập họp lại cũng sẽ trở thành những tác phẩm của Ngài. Bản thân chúng tôi đã làm Tổng Thư Ký cho Ngài từ năm 1972 tại Nhật cho đến nay (2011) đúng 40 năm vẫn chưa một lần gián đoạn. Ngài là một người rất kiên tâm trì chí và phải nói rằng: Nếu Âu Châu không có Ngài lãnh đạo, thì Phật Giáo tại các quốc gia Âu Châu không có được như ngày hôm nay.

Từ những hoạt động năng nỗ đó, qua sự giới thiệu của Thượng Tọa Seelawansa, người Tích Lan, đang dạy tại Đại Học Wien, Áo quốc, giới thiệu Ngài với Hội Đồng Tăng Già và Chính phủ Tích Lan nên ngày 8 tháng 7 năm 2011 vừa qua Ngài đã nhận được phần thưởng danh dự cao quý nhất của quốc gia này đã trao đến Ngài, là người đã có công mang ánh sáng Phật Pháp đến cho người Âu Mỹ. Đây là danh dự riêng của Ngài và là một niềm hãnh diện chung cho tất cả Phật Tử Việt Nam của chúng ta ở trong cũng như ngoài nước.

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là bào huynh của chúng tôi, đã du học tại Nhật từ năm 1974. Đến năm 1980 sau khi tốt nghiệp tại Đại Học Komazawa, Ngài sang Sydney, Úc Đại Lợi để hành đạo. Năm 1984 bắt đầu xây dựng ngôi Tự viện Pháp Bảo tại Smithfield và đến năm 2001 thành lập thêm Tu viện Đa Bảo tại Capelltown (cũ) và Blue Mountains (mới). Song song với việc xây chùa, độ đệ tử xuất gia và tại gia Ngài đã sáng tác, dịch thuật, làm thơ, biên khảo cho đến nay cũng gần 40 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Ngoài ra Hòa Thượng cũng là người sáng lập báo Pháp Bảo từ năm 1981 đến nay. Đây là một trong những tờ báo Phật Giáo sống lâu nhất nhì tại hải ngoại này. Về tư tưởng và cách tu hành của Ngài, quý vị có thể tìm đọc các sách vở của Ngài để hiểu biết tường tận hơn.

Hòa Thượng Thích Như Điển, về cá nhân chúng tôi, thiết nghĩ không cần phải viết nhiều. Quý vị có thể xem sách hoặc đọc trên Internet sẽ rõ, nhưng cũng có điều cần phải nói. Vì nếu bây giờ không viết, ngày sau những người sao chép lại, chưa hẳn đã đúng với ý của tác giả. Trong 60 tác phẩm mà tôi đã sáng tác, dịch thuật, biên khảo từ năm 1974 đến nay (2011) bằng nhiều ngôn ngữ như: Việt, Anh, Hán văn, Nhật, Đức ngữ cũng như hàng trăm bài viết khác gồm đoản văn, dịch thuật, tùy bút v.v… đã đăng trên báo Viên Giác hay các báo khác cũng là những tư tưởng chủ đạo của chính mình. Tư tưởng của tôi được tóm gọn trong một số pháp ngữ như sau:

“Con nguyện mình là một dòng sông, chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện mình làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”.

Hoặc:

“Sự học nó không làm cho người ta giải thoát, nhưng muốn mở cánh cửa giải thoát kia không thể thiếu sự tu và sự học được”.

Hay:

“Ngày xưa các vị Thiền Sư đa phần tu trên núi, tối đến không có đèn, nhưng hào quang của họ sáng rực một phương trời sau khi đã chứng đạo. Còn bây giờ chúng ta tu học đa phần sự rực sáng ấy đều nhờ đèn điện, trong khi nhìn người tu nào cũng chưa được tự sáng như người xưa.”

Sau này nếu tôi đã ra đi, xin nhắc lại một điều chính yếu qua những pháp môn mà tôi đã hành trì để làm gương cho những người kế tục.

Tôi không sáng lập ra một tông phái mới nào cả, mà tôi chỉ thực hành Phật Giáo truyền thống. Nghĩa là chư Tổ đã sắp đặt như thế nào, tôi vẫn theo như thế để hành trì theo Thiền Môn quy cũ, mỗi ngày 2 thời công phu sáng tối, nhất là thời Kinh Lăng Nghiêm vào mỗi sáng mai. Kể từ khi xuất gia năm 1964 đến nay (2011) cũng gần 50 năm rồi, mỗi sáng tôi vẫn hành trì miên mật Thần Chú này. Ngoài ra lạy kinh văn mỗi chữ mỗi lạy như: Hồng Danh Sám Hối, Ngũ Bách Danh, Tam Thiên Phật Danh, Vạn Phật, Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết Bàn. Khi lạy mỗi chữ mỗi lạy như vậy, chúng ta có cơ hội để sám hối tự thân và tin sâu vào lời Phật dạy.

Tôi tu theo Pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà, ngoài tín, hạnh, nguyện ra tôi thực hành Pháp môn niệm Phật như Ngài Thân Loan dạy để cầu vãng sanh Tịnh Độ sau khi lâm chung. Nghĩa là việc niệm Phật không phải do tự lực của mình niệm mà được vãng sanh. Sự vãng sanh ấy chính là do Bổn Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà khiến cho chúng ta thành tựu ước nguyện ấy và đó cũng là lời nguyện thứ 18 của Ngài đã phát ra như vậy.

Khi mới đến Đức, tôi đã chỉ Thiền cho người Đức. Vì người Đức nào cũng ham học Thiền. Tôi đã dịch quyển Thiền Học của Ngài Yosioka ở Fukushima ra tiếng Việt để hướng dẫn người Đức theo lối Thiền Mặc Chiếu của Tào Động Tông Nhật Bản. Nghĩa là khi ngồi Thiền cứ để cho những vọng niệm khởi lên, không cần phải tìm cách tránh né những vọng niệm ấy, mà cứ mặc nhiên quán chiếu những gì đang xảy ra, từ từ chúng ta sẽ thấy rõ bản thể chơn như và tự tánh, nhưng càng về lâu về dài ngoài tọa thiền ra, tôi lấy câu Phật hiệu làm đầu. Dầu ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng nhớ đến từ dung và những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, đặc biệt là những lời nguyện thứ 18, 19 và 20.

Ngày nay nếu có ai đó đi lễ bái Chùa Viên Giác tại Hannover Đức quốc khi gặp người Việt Nam họ sẽ chắp hai tay lại để chào Nam Mô A Di Đà Phật là chuyện đã đành, mà hàng ngàn người Đức đến tham dự lễ, họ vẫn biết chào và niệm câu Phật hiệu này nữa. Dĩ nhiên Phật Giáo tại nước Đức cũng mới có mặt chừng 200 năm, nên đây là thời gian quan trọng để cho người Đức chọn pháp môn để tu. Ngay cả các nước Á Châu khác cũng vậy, sau khi Phật Giáo du nhập vào nước sở tại, ít nhất cũng từ 300 đến 500 năm sau các Tông Phái mới được thành hình.

Do tôi là người đầu tiên đến xứ Đức đối với người Phật Tử Việt Nam và truyền Tịnh Độ Tông cho người Đức có lẽ cũng là người đầu. Vì lẽ ở tại Đức đa phần theo Thiền Học Nhật Bản hoặc Phật Giáo Nguyên Thủy hay Kim Cang Thừa. Tuy việc hành đạo tại đây cũng khá vất vả, vì ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, tôn giáo v.v… cái gì cũng mới lạ, nhưng tôi vẫn cố công trì chí để mong cho cái rễ của Phật Giáo được mọc sâu vào mảnh đất này. Do vậy, quan niệm về Tôn Giáo của tôi cũng có phần khác với nhiều người khác, vì tôi đang hành đạo tại ngoại quốc, chứ không phải tại một quốc gia Phật Giáo nào đó. Tôi quan niệm về Tôn Giáo cũng giống như những bông hoa nhiều màu sắc, nếu trong một vườn hoa mà có hoa nhiều màu cùng trổ một lúc thì vườn hoa ấy đẹp đẽ biết bao! Hơn là chỉ có một cành đơn độc đang nở. Do vậy tôi mong rằng: Trong vườn hoa văn hóa của Tôn Giáo tại xứ Đức này cũng như vậy, Phật Giáo sẽ là một bông hoa sen, mang hương sen thơm ngát từ Á Châu đến đây để hòa quyện cùng với những hoa hồng hoa cúc vốn đã nở từ lâu đời tại đây rồi.

Chính nhờ những hoạt động từ bên trong lẫn bên ngoài đối với người Việt cũng như người Đức, người Âu cũng như người Mỹ nên vừa qua vào ngày 8 tháng 7 năm 2011, qua sự giới thiệu của Thượng Tọa Seelawansa người Tích Lan đang dạy tại Đại Học Wien, Áo Quốc, nên Hội Đồng Tăng Già và Chính phủ Tích Lan đã trao tặng bằng danh dự cao quý nhất cho chúng tôi và Hòa Thượng Thích Minh Tâm là những người có công mang ánh sáng giáo lý Phật Giáo đến với người Âu Mỹ.

Đây không phải là bằng Tiến Sĩ danh dự. Vì bằng Tiến Sĩ danh dự chỉ có Viện Trưởng của một Viện Đại Học trao, mà đây là bằng tưởng thưởng của một quốc gia cho một Tăng Sĩ ngoại quốc có công với Đạo Phật.

Buổi lễ đặt dưới quyền chủ tọa của vị Tăng Trưởng của Tăng Già Tích Lan, Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng chính phủ, vị Chủ tịch Hội Phật Giáo Tích Lan và hằng trăm chư Tăng học giả, cư sĩ nổi tiếng đến để tham dự lễ này tại Hội Trường Lễ Tân của chính phủ vào lúc 16 giờ chiều ngày 8 tháng 7 năm 2011 vừa qua. Về phía Việt Nam có chư Tăng đại diện từ Tổ Đình Chúc Thánh Hội An, chư Tăng đang du học tại Ấn Độ, Ban Biên Tập Báo Viên Giác ở Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch cùng những khách của Hòa Thượng Thích Minh Tâm đến từ Trung Hoa và Pháp. Về những diễn tiến chi tiết của buổi lễ này, quý vị có thể xem trên báo Viên Giác số 185 phát hành vào tháng 10 năm 2011 và báo Khánh Anh xuất bản tại Pháp, số 89 - Bản Tin tháng 10 năm 2011.

Riêng phần cá nhân chúng tôi chỉ mong rằng những ngày còn lại trên cuộc đời này sẽ mang tình thương đến cho mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ và dùng trí tuệ của Phật Giáo để quán xét nội tâm và từ đó sẽ làm lợi lạc cho mình và cho người ở nhiều hình thức và lãnh vực khác nhau.

Tư Tưởng Đại Thừa Và Tịnh Độ Tông

Nước Hoa Kỳ từ khi lập quốc đến nay đã trải qua 44 đời Tổng Thống trong hơn 200 năm lịch sử và đã không có một vị Vua hay một Hoàng Hậu nào tại vì. Khác với lịch sử của Trung Hoa, Việt Nam, Pháp hay Đức. Vì Hoa Kỳ còn là một lục địa quá mới mẻ, là vùng đất hứa của nhân tài và những người triệu phú. Tất cả những gì trên thế giới có, Hoa Kỳ đều có hết, mà thật nổi bật nữa, nghĩa là cái gì ở Hoa Kỳ cũng đều nhất cả.

Đã có lần có người nào đó hỏi tôi rằng: “Thầy đi chu du khắp các châu lục Âu, Mỹ, Á, Úc, Phi và trải qua hơn 70 nước. Vậy thì nước nào làm Thầy thích nhất và mỗi châu lục, dưới mắt nhìn của Thầy ra sao?” - Quả là một câu hỏi khó, nhưng có nhiều cách trả lời khác nhau. Tôi trả lời rằng:

- Đứng về phương diện Khoa học kỹ thuật thì Á Châu không thể nào so sánh với Âu Châu và Hoa Kỳ được, nhưng đứng về phương diện Văn hóa thì Á Châu hơn Hoa Kỳ chứ! Vì Hoa Kỳ chỉ có văn minh mà không có văn hóa. Văn hóa là những gì đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Còn Hoa Kỳ chỉ có hơn 200 năm lập quốc làm sao sánh với văn hóa Á Châu chúng ta được.

Tôi ví von rằng: Á Châu giống như một bà cụ già 70 tuổi. Âu Châu giống như một người đàn bà trung niên từ 40 đến 50 tuổi, trong khi đó Hoa Kỳ là một cô gái 18 tuổi. Người già rồi đâu còn phát triển gì nữa. Chỉ có những người trẻ mới có một tương lai lâu dài.

Thế còn Úc Châu và Phi Châu?

- Phi Châu tôi mới chỉ đi Ai Cập, Tunésie chưa đi Trung và Nam Phi, nhưng đây là một châu lục thiên nhiên không ưu đãi mấy, nhưng họ cũng có nền văn hóa lâu đời mấy ngàn năm, họ hãnh diện lắm. Mới đây có một cô gái Phi Châu 10 tuổi, sáng tác một bài văn xuôi bằng tiếng Anh rất ngắn gọn, nhưng đã được UNESCO phát giải thưởng đặc biệt. Đầu đề của bài văn là: Người Da Màu.

Khi tôi sinh ra tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới ánh sáng mặt trời, tôi màu đen
Khi tôi bịnh, tôi màu đen
Khi tôi chết, tôi cũng màu đen.
Còn họ là người da trắng
Khi họ sinh ra, họ màu đỏ
Khi họ lớn lên, họ màu trắng
Khi họ đi dưới ánh sáng mặt trời, họ màu nám
Khi họ bịnh, họ màu xám
Khi họ chết, họ màu tím
Thế mà họ gọi chúng tôi là người da màu.

Câu kết này là câu quan trọng nhất, nó đã nói lên tất cả mọi ý tưởng và đánh đổ quan niệm của người da trắng lâu nay. Vì họ chỉ nghĩ rằng: Người da trắng mới là văn minh, còn người da đen là thấp kém. Họ nghĩ rằng họ mới là người nguyên chất, nhưng thật sự ra người da trắng mới là người mau đổi màu nhất. Còn người da đen, ở bất cứ dưới hình thức nào, họ vẫn là người da đen mà thôi.

Do vậy quan niệm về đúng, sai, tốt, xấu… khó có thể hiểu một chiều được. Ví dụ như người quen đi bên tay trái thì cho rằng tôi đi bên trái mới đúng luật giao thông, nhưng những dân tộc giao thông bên tay mặt lâu nay quen rồi, thì không thể nói rằng đi bên trái là đúng luật được. Cho nên ông bà mình thường hay nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là vậy! Cái gì cũng chỉ tương đối thôi, không có tuyệt đối bao giờ, ngoại trừ chân lý.

- Thế còn Úc Châu?

- Đã có lần tôi viết về nước Úc rồi. Quý vị đọc trên Viengiac.de hoặc quangduc.com sẽ hiểu rõ hơn. Đây là một lục địa rộng mênh mông, tương đương với Hoa Kỳ, nhưng dân số chỉ trên dưới 20 triệu, trong khi đó Hoa Kỳ đã có trên 300 triệu người đang sinh sống tại đó.

Từ năm 1979 đến 2011, trên 30 năm đó, tôi đã đến xứ Úc ít nhất mỗi năm một lần. Độ dài và xa của mỗi lần đi về là 34.000 cây số. Nghĩa là bằng một vòng quanh quả địa cầu. Nếu ai đó có hỏi tôi rằng: Thầy thích sống ở đâu nhất? Tôi sẽ trả lời rằng: Ở Đức tôi thích sống tại đó nhất. Vì lẽ trên 30 năm sống tại đó rồi. Ngôn ngữ đã quen, phong tục, tập quán và nhất là ơn nghĩa đã có quá nhiều tại xứ sở này. Tôi thích đi thăm viếng, hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Còn ẩn tu thì nên chọn Úc. Còn nơi nào đẹp nhất trên thế giới? - Đó là quê hương Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra cách đây gần 63 năm về trước (1949 - 2011). Dĩ nhiên là quê hương tôi nghèo, nghèo hơn cả nhiều nước Phi Châu nữa, nhưng càng về già và càng ở ngoại quốc lâu năm thì người ta càng nhớ quê hơn bao giờ hết. Có lẽ núm ruột của mình đã được chôn ở đó. Cho nên sợi tơ lòng cứ mãi vấn vương trong muôn thuở chăng?

Đại Sư Thái Hư vào những thập niên 1920, 1930 đã muốn làm cách mạng Phật Giáo tại Trung Hoa, cho nên Ngài đã đưa ra tiêu đề là nên cách mạng về: giáo chế, giáo sản và giáo hội. Ngài là một bậc Tôn Túc rất nổi tiếng lúc đương thời và là Thầy cũng như nhà mô phạm của Đại Sư Ấn Thuận ở Đài Loan. Khi còn tại tiền, Ngài lấy tinh thần Trung Quán, Tánh Không và Bát Nhã của Ngài Long Thọ để đi diễn giảng khắp nơi trên thế giới. Cách đây gần 100 năm trước, việc ấy đâu phải dễ làm, còn ngày nay việc di chuyển, hoằng pháp không khó như xưa, nhưng ít người làm được. Có lẽ thế giới này là thế giới của vật chất. Người học Phật cũng trọng vật chất hơn là tâm linh, cho nên con người vẫn còn trầm luân khốn khổ.

Người Đức rất hãnh diện về nền triết học của họ. Vì họ có những triết gia tiêu biểu như: Schopenhauer, Hermann Hesse, Nietzsche, Freud v.v… Những triết gia này có tư tưởng rất gần với Phật Giáo. Vì từ thế kỷ đầu Tây lịch đến thế kỷ 17, 18 họ chỉ quen sáng tác theo lối trừu tượng và nhìn thế giới này dưới cái nhìn của một vị Thần linh sáng tạo, nhưng khi họ bắt gặp luồng tư tưởng mới từ Á Châu du nhập vào qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” của người Anh viết, họ đã biết thế nào là Bản ngã, thế nào là Vô ngã, thế nào là Tứ Diệu Đế, thế nào là Bát Chánh Đạo, thế nào là Pháp duyên sinh, Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn v.v…

Cách đây 200 năm về trước, một Hội Phật Giáo đầu tiên được thành lập tại thành phố Leipzig, nhưng từ năm 1949 đến năm 1989 nước Đức bị chia cắt Đông Tây. Miền Đông theo chủ nghĩa Cộng Sản và miền Tây theo chủ nghĩa tự do. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1989 cả hai miền Đông Tây đã thống nhất và nay là nước Cộng Hòa Liên Bang Đức gồm 11 Tiểu Bang và 3 thành phố tự trị (Berlin, Hamburg, Bremen). Trong thời gian Cộng Sản cai trị tại Đông Đức các Hội Phật Giáo cũng chịu ảnh hưởng chung với các Tôn Giác khác như Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo mà thôi. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, Tôn Giáo tại miền Đông Đức mới có cơ ngơi phục hồi.

Ở phía Tây Đức, tại thành phố Berlin có một ngôi chùa Theravada do Phật Giáo Tích Lan quản lý. Chùa này trước đây của một ông Bác Sĩ người Đức tên là Paul Dahlke đã cúng cơ sở này cho Phật Giáo Tích Lan làm chùa. Sau gần 100 năm chùa vẫn còn đó, nhưng không được phát triển mấy, vì thiếu chư Tăng Tích Lan và Đức quản lý trông coi, nên chùa này chỉ còn là một biểu tượng, nhiều hơn là một chốn sinh hoạt Tôn Giáo sống động.

Tại Đức có ít nhất là 700 ngôi Chùa, Niệm Phật Đường, Thiền Đường, các cơ sở dạy về Phật Pháp, nhưng đa phần do Cư sĩ Phật Tử hướng dẫn, còn chư Tăng rất ít.

Như trên đã trình bày - Phật Giáo đầu tiên được du nhập vào Đức, Anh, Pháp hay nói chung các nước Âu Châu là Phật Giáo Nam Tông. Đến đầu thế kỷ 20, Thiền Đại Thừa Nhật Bản đã có mặt tại Âu Châu, rồi từ năm 1959 trở lại đây Kim Cang Thừa đã phát triển mạnh tại các quốc gia Âu Mỹ này. Trong đó có sự đóng góp của Phật Giáo Việt Nam cả Thiền lẫn Tịnh Độ.

Đa phần chư Tăng, Ni ngoại quốc đến một nước nào đó, đầu tiên là phải học ngôn ngữ của nước sở tại. Nếu ngôn ngữ không rành thì khó mà đi vào quần chúng tại xứ sở đó được, nhưng những thế hệ đi trước đa phần đến đây là những người lớn tuổi, cho nên học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức không phải là điều đơn giản. Họ chỉ là nhịp cầu để bắc qua thế hệ đi trước để tiếp nối với thế hệ đi sau mà thôi. Thế nhưng những thế hệ đi sau được sinh ra, lớn lên và chịu sự giáo dục tại các quốc gia Âu Mỹ này cũng có những vấn đề nhất định của nó. Ví dụ như các em rất giỏi tiếng địa phương, trong khi đó ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ thì không rành. Vì các em không có cơ hội để thực tập. Đây là vấn đề quan trọng trong việc hội nhập vào xứ người.

Lối giáo dục của Á Châu là giáo dục truyền thống, nghĩa là Thầy, trò, sư, đệ rõ ràng. Trên nói dưới nghe, không cãi lại, dầu cho việc ấy có sai quấy đi chăng nữa. Học trò đa phần chỉ học lại sự hiểu biết của ông Thầy, dầu cho là Thầy dạy đời hay Thầy dạy Đạo. Cái học của Á Châu là cái học từ chương và trọng bằng cấp. Lấy bằng cấp làm thước đo vị trí của con người. Bao nhiêu thế hệ như thế trôi qua, đã trở thành một thói quen cố hữu. Trong khi đó lối giáo dục của Âu Mỹ thiên về sự phát triển cá nhân. Ông Thầy chỉ dạy những gì người học trò muốn học, chứ không phải dạy những gì ông Thầy muốn dạy. Ở Âu Mỹ tinh thần cá nhân chủ nghĩa rất được coi trọng, trong lúc đó tại Đông Phương, ngay cả học đường và nhất là ở Chùa hay ở trong một đại gia đình, tinh thần này không được chấp nhận và không được khuyến khích. Vì cho đó là cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết sống cho mình chứ không nghĩ đến người khác.

Cả hai quan niệm Đông và Tây, cũ và mới, cá nhân và đại thể, cái nào nó cũng có cái đúng và cái sai của nó. Ví dụ như đời sống của người Á Châu vì không có trợ cấp xã hội cho người lớn tuổi, cho nên khi cha mẹ về già hay ở chung với con cái. Con cái đi làm để phụng dưỡng cho cha mẹ. Đó là đền đáp chữ Hiếu. Ở Á Châu, nếu người con trai nào không làm như vậy được bị cho là bất hiếu. Ngược lại, tuy mất tự do cá nhân nhưng được sự đùm bọc che chở của gia đình, của người lớn tuổi, thường không bị cô đơn hay trầm cảm. Trong khi đó đời sống tự do qua lối giáo dục của Âu Mỹ như tự do luyến ái, tự do kết hôn, tự do phát biểu, tự do ăn nói v.v… Tất cả chừng ấy thứ tự do, nhưng thực sự ra người ta đã mất đi sự tự do rất nhiều. Vì lẽ tự do luyến ái và tự do kết hôn, chỉ để dẫn đến tự do ly hôn và tự do ly dị. Trong khi đó ở các xã hội Á Châu ngày xưa và ngay cả ngày nay cũng vậy, khi con cái lớn lên, đa phần quyền dựng vợ gả chồng là của cha mẹ, của người lớn. Con cái có bổn phận là đồng ý hay không, chứ không phải như ở Âu Mỹ muốn làm gì thì làm. Thế mà cuộc sống hôn nhân của người Á Châu đa phần họ ở với nhau suốt đời chứ ít khi ly dị hay ly hôn.

Tự do ăn nói, tự do tư tưởng, tự do phát biểu… Điều ấy tốt với xã hội Âu Mỹ, nhưng Á Châu thì rất giới hạn. Ví dụ như cha mẹ nói thì con cái phải lắng nghe, không được cãi lại. Trong khi đó với sự tự do của Âu Mỹ, nhiều khi cha mẹ nói với con cái như anh em đối xử với nhau. Còn Thầy trò cư xử với nhau như là bạn, chứ không là Thầy và trò rõ rệt như ở Á Châu. Ở Việt Nam có truyền thống là đi học, học trò phải học thuộc lòng, đặc biệt trong Chùa kỷ luật này lại càng gắt gao hơn nữa. Vì có không biết bao nhiêu bài kinh, luật và luận bắt buộc người Tăng Sĩ phải rập tâm, học thuộc lòng. Nếu đến giờ trả bài mà không thuộc thì phải chịu hình phạt như Thầy cho trò điểm zéro (điểm không) hay quỳ gối v.v… trong khi đó ở Âu Mỹ, nếu Thầy hỏi bài trò, trò không biết thì bảo rằng không biết, không thuộc. Thế là xong, không có một hình phạt nào được thể hiện cả. Do vậy ở đây, nơi cấp bậc Đại Học người ghi danh vào học rất đông, nhưng ra trường rất ít, trừ những người có ý thức cá nhân thật cao mới thành công được. Trong khi đó ở Nhật Bản khi đậu vào Đại Học tức là biết rằng mình sẽ có ngày ra trường.

Bây giờ ở tại ngoại quốc này có hơn 2 triệu người Việt Nam đang sinh sống. Ở Hoa Kỳ đã có trên dưới một triệu. Số còn lại chia cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ như Pháp 300.000 người, Đức 100.000 người, Anh 70.000 người, Canada 200.000 người, Úc 200.000 người v.v… Bây giờ người Việt Nam hầu như có mặt trên 2 phần 3 của thế giới này. Nghĩa là khoảng 150 quốc gia đều có người Việt Nam cư ngụ. Thế hệ thứ hai được sinh ra, lớn lên ở Âu Mỹ rất thành công về việc học hành, thi cử, đỗ đạt.

Ví dụ như ở Đức ông Dr. Philip Rösler vốn là một cô nhi sinh ra tại Việt Nam, đến Đức vào năm 1973 với 9 tháng tuổi, được giáo dục và tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại Học Hannover. Năm 2010-2011 hiện là Đảng Trưởng của Đảng FDP (Đảng Tự Do Dân Chủ) và là Phó Thủ Tướng của nước Đức. Trước đây ông là Bộ Trưởng Bộ Y Tế, lo cho hơn 80 triệu người Đức. Đây là một thành quả thật bất ngờ cho cả người Đức lẫn người Việt. Đâu phải dân tộc Đức hết người, mà trong Quốc Hội lại có một người tóc đen đang ngồi ghế thứ hai, chỉ sau Bà Thủ Tướng Merkel mà thôi. Giả sử nếu Philip Rösler được đưa sang Phi Châu hay vẫn còn ở tại Việt Nam thì giờ này Philip là ai, nào ai biết được.

Đồng thời ở Úc, ở Mỹ, ở Canada và nhiều nước trên thế giới nữa, nhờ vào lối giáo dục tự do của Âu Mỹ và cũng phải nói cho ngay rằng nhờ vào truyền thống hiếu học của người Việt Nam, do cha mẹ đứng phía sau đốc thúc, an ủi, động viên nên mới được như vậy. Nếu không có thế hệ tỵ nạn đi trước, chắc gì thế hệ thứ 2 đã được thành công như vậy. Mới đây Bộ Giáo Dục Đức có một thống kê về những người tốt nghiệp Tú Tài 2 để vào Đại Học thì người Đức chiếm tỷ lệ 49 phần trăm, trong khi đó người tỵ nạn Việt Nam là 54% và người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức 14%.

Thế nhưng bước sang thế hệ thứ 3 từ 15 đến 20 tuổi là thế hệ đáng quan tâm. Vì các em hầu như được đào tạo hoàn toàn theo Âu Mỹ. Tuổi trẻ sớm biết yêu đương, sớm tự tử, sớm bỏ học đi làm để kiếm tiền. Vì cái khổ của thế hệ thứ 2 không có như thế hệ thứ nhất đã kinh qua. Do vậy đây là một vấn đề thử thách to lớn trong gia đình của người Việt Nam đang sống tại ngoại quốc ngày nay. Đó là vấn đề hội nhập vào cuộc sống mới. Vậy thì Tôn Giáo như thế nào?

Giới luật của Tôn Giáo, nhất là Phật Giáo kể từ ngàn xưa rất nghiêm khắc. Đức Phật chia đệ tử của Ngài ra làm hai hạng. Đó là người tại gia và chúng xuất gia. Người tại gia sống có gia đình, có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Người xuất gia sống không có gia đình riêng và có nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh. Trong chúng xuất gia lại chia ra 5 thành phần. Đó là: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, Sa Di và Sa Di Ni. Tất cả đều phải tuân theo giới luật đã quy định sẵn. Không ai được vượt khỏi thành trì này. Ngoài ra còn giới Bồ Tát, chung cho cả người tại gia và xuất gia nữa, nhưng quý Thầy, những bậc Đại Sư khi đến các xứ Châu Âu, Châu Mỹ này thấy việc hành đạo khó khăn và muốn hội nhập vào văn hóa tại đây để đạo Phật sớm có chân tại xứ này qua tinh thần tự do sẵn có, nên Phật giáo tại các nước Tây Phương ngày nay quả thật khó khăn vô cùng. Vì thiếu những người lãnh đạo đầy đủ từ bi, trí tuệ và giới đức.

Ví dụ tinh thần Đại Thừa hay nói chung Phật Giáo chủ trương bình đẳng. Giữa nam nữ, lớn nhỏ không có phân biệt. Vì ai cũng có Phật tánh và với Phật tánh này ai ai cũng có khả năng thành Phật. Do vậy mà có một số vị Đại Sư chủ trương Tăng lạy Ni và chế ra những giới luật hơi khó coi nữa. Đây thật là một lỗi lầm. Vì Đức Phật dạy trong Bát Kỉnh Pháp rằng: Ni dầu bao nhiêu tuổi hạ đi nữa cũng phải đảnh lễ thưa hỏi chư Tăng, dầu cho vị Tăng ấy mới thọ giới và Tăng luôn có quyền cử tội Ni theo giới luật, chứ Ni không có quyền cử tội Tăng. Đây là giới, đây là luật, nhưng bây giờ một số vị Đại Sư làm sai rồi, biết làm sao ăn nói với những người Tây Phương đây? Vốn họ là những người chọn theo lối giáo dục tự do, cho nên tu cũng tự do nữa.

Đó là chưa nói đến việc trong Tăng thì không thể có Cư sĩ được, trong Cư sĩ không thể có chư Tăng trong đó. Tăng thì ra Tăng, Cư sĩ thì ra Cư sĩ, chứ không thể có hình thức thứ ba ở trong ấy. Thế mà vẫn có những vị Đại Sư chấp nhận một thành phần thứ ba như vậy.

Khi Đức Phật thành lập Giáo Đoàn, Ngài đã khẳng định rõ ràng vấn đề này trong các bộ luật như: Tứ Phần, Ngũ Phần, Thập Tụng, Ma Ha Tăng Kỳ luật, Thiện Kiến, Luật Pali v.v… ngay cả Ngài Ma Ha Ca Diếp còn không tự động sửa luật trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, sau khi Đức Phật nhập diệt 100 ngày và ở vào đầu thế kỷ 21 này Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng vậy. Thế mà có những vị chủ trương mới mẻ như vậy, nên người Âu Mỹ tin theo một cách dễ dàng và họ sẽ tiếp tục ứng dụng trong cuộc đời Tăng không ra Tăng, tục không ra tục của họ.

Năm 1979 có một phiên họp đặc biệt của DBU (Liên Hội Phật Giáo Đức) tại Wachendorf gần Bonn, chính chúng tôi đã đề nghị là Hội này phải chia ra hai Tổ Chức rõ ràng. Đó là Tổ Chức của Tăng Ni và Tổ Chức của Phật Tử. Tăng Ni sẽ lãnh đạo Tăng Ni, Phật Tử sẽ lãnh đạo Phật Tử, thế nhưng tinh thần ấy vẫn trì trệ cho đến 30 năm sau mới thành tựu được: Tổ chức Tăng Ni này gọi là DBO (Những người xuất gia Phật Giáo Đức). Tuy nhiên chư Tăng ít người tham gia, trong hiện tại đa số chư Ni lãnh đạo. Vì nhiều lúc họ quá tự do, ví dụ như Cư sĩ và Tu sĩ chung chạ trong thảo luận, chung chạ trong tu học, chung chạ nơi công cộng v.v… chúng tôi hoàn toàn không đồng ý vấn đề này.

Nếu nhìn cao hơn ở cấp bậc quốc tế thì cũng có 2 cơ quan như vậy. Một Tổ Chức của Tăng Già gọi là World Buddhist Shanga Counsil (WBSC) trụ sở chính đặt tại Đài Loan, mà chúng tôi là Ủy viên Hoằng pháp của thế giới. Trong Tổ Chức này chỉ toàn là Tăng Sĩ và hầu như không có ai là Cư sĩ cả. Một Tổ Chức thứ 2 do Cư sĩ lãnh đạo. Đó là World Buddhist Fellowship (WBF) trụ sở đặt tại Thái Lan. Tổ Chức này có cả những vị Tăng Sĩ tham gia. Đó là nói về quốc tế.

Còn nói về quốc gia như Việt Nam cũng có 2 Viện. Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo. Viện Tăng Thống chỉ toàn là Chư Tôn Trưởng Lão đạo cao đức trọng từ 60 tuổi đời trở lên và hơn 40 tuổi đạo mới được có mặt trong tổ chức này. Rồi Viện Hóa Đạo, trong tổ chức này có cả Tăng Sĩ lẫn Cư Sĩ cũng giống như hai Tổ Chức của Thế giới vừa nêu trên.

Khi đến Đức vào năm 1977, tôi vẫn còn chân ướt chân ráo tại quê hương mới này, nên chưa biết phải tính sao, vì thiếu nhân sự, nhưng đến năm 1979 Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức đã ra đời. Đến năm 1980 Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tây Đức được thành lập. Tổ chức này cũng toàn là Tăng Ni đang sinh sống tại Đức, chứ không có Cư sĩ và tổ chức đầu tiên toàn là Cư sĩ chứ không có Tăng sĩ. Tôi muốn cống hiến hình thức tổ chức của Thế Giới, của Việt Nam và của ngay người Phật Tử Việt Nam đang ở Đức sinh hoạt cho Hội Phật Giáo Đức. Thế mà sau hơn 30 năm mới có kết quả. Xin niệm ân tất cả những ai đã lưu tâm cho việc này.

Riêng Tổ Chức DBU của người Đức đa phần gồm nhiều Tông Phái khác nhau như: Theravada, Nhật Bản, Tây Tạng (gồm nhiều phái), Đại Hàn, Thái Lan, Trung Quốc v.v… nhiều người Đức chấp nhận lấy vị Thầy của mình để sinh hoạt. Do vậy DBU chỉ là một Tổ Chức Tổng Hợp của Phật Giáo chứ không là một Tổ Chức chỉ đạo Cư sĩ như các nước tại Á Châu. Ở đây cũng do tinh thần tự do bên trên mà đưa đến kết quả như vậy.

Trong khi nước Áo bên cạnh Đức và nước Ý, Phật Giáo đã được công nhận là một Tôn Giáo có quyền lợi giống như các Tôn Giáo địa phương Tin Lành và Thiên Chúa Giáo, còn nước Đức tuy là tín đồ Phật Giáo đông hơn 2 nước kia, có nhiều chùa viện mà cho đến nay sau hơn 50 năm thành hình của DBU vẫn chưa thực hiện được điều này. Quả là một vấn đề cần quan tâm đến. Hy vọng rằng: Đây là quyền lợi của tín đồ Phật Giáo của chúng ta tại Đức, những người có trách nhiệm trong DBU nên thực thi việc này. Thực ra các chính quyền Tiểu Bang chỉ đòi có 3 điều kiện cho việc này. Đó là:

- Một phần ngàn trên số dân đang sinh sống tại Tiểu Bang ấy phải là Phật Tử. Ví dụ như Tiểu Bang Niedersachsen có 8 triệu người Đức, chỉ cần 8.000 người Phật Tử Đức và các sắc dân khác là được rồi.

- Điều kiện thứ hai là Tổ chức ấy phải hoạt động ít nhất là 30 năm, và

- Điều kiện thứ ba là phải được sự tin tưởng của Bộ Tài Chánh sở tại.

Đây là 3 điều căn bản để được công nhận là một Tôn Giáo tại xứ Đức, nhưng đã bao nhiêu lần bàn qua tính lại, bao nhiêu phiên họp, nhưng cho đến nay đã đi vào quên lãng. Tôi mong rằng việc này không sớm thì muộn cũng sẽ được thành tựu để tiếng nói của Phật Giáo chúng ta tại Đức được quan tâm, không những tại những nơi có Chùa, Viện, mà còn ở học đường và những nơi công cộng nữa.

Người Phật Tử Việt Nam ở tại Đức trong hiện tại là số đông, so với Phật Tử Đức, nhưng trong tương lai gần, người Phật Tử Đức sẽ đông hơn. Do vậy để người Đức đứng chủ đạo lo vấn đề này, còn những người Phật tử đến từ Á Châu nên tán đồng và hỗ trợ cũng như tham gia là được rồi. Vì lẽ ngôn ngữ, luật pháp, địa lý v.v… có nhiều vấn đề phức tạp lắm. Những người Phật Tử Đức có tâm nên đứng ra gánh vác trách nhiệm này. Đây cũng là tinh thần Đại Thừa Phật Giáo, tinh thần xả kỷ vì người quên mình, tinh thần của Bồ Tát Đạo…

Hơn 30 năm qua theo chỗ chúng tôi quan sát, Phật Giáo Đức phát triển rất nhanh. Qua luận án Tiến Sĩ của Giáo sư Baumman hay những tạp chí Tibet Buddhismus, Buddhistische Aktuelle v.v… đây là những thành quả nhất định đáng trân quý đối với những sự thành tựu của Phật Giáo tại phương Tây. Ví dụ như ngày nay hầu như ở tất cả những Đại Học lớn nhỏ của nước Đức cũng đều có Phân khoa Phật Học hoặc Tôn Giáo Học để cho sinh viên có thể học cho đến hết cấp bậc Tiến Sĩ. Đây là một thành quả tri thức mà Bộ Giáo Dục Đức đã chủ xướng, là một vấn đề tốt đẹp vô cùng cho việc mang niềm tin Phật Giáo đến cho người bản xứ. Ví dụ như ở Đại Học Hamburg có Phân khoa Phật Học. Nơi đó người ta có thể học tiếng Sanskrit, tiếng Tây Tạng, tiếng Tàu, tiếng Nhật hay Phân khoa Đông Nam Á, sinh viên có thể chọn tiếng Việt v.v… Ở Đại Học Marburg, Heildenberg, trước đây Đại Học Göttingen đều có Phân khoa Phật Học. Đại Học Berlin, Hannover, München, Freiburg v.v… đều có Phân khoa Tôn Giáo Học, nơi ấy các sinh viên có thể chọn ngành Tôn Giáo mình muốn học như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo v.v… Đây là một lợi điểm, một thế đứng vô cùng quan trọng đối với giới trí thức Đức cũng như sinh viên ngoại quốc.

Ở Đức hầu như thành phố nào cũng có những tiệm Reform Haus (Nhà cải cách), nơi đó bán toàn là những đồ chay, sản xuất từ đậu nành. Nếu tính tổng quát từ Nam lên Bắc Đức chắc cũng không dưới 3.000 tiệm như vậy. Trong hiện tại người Đức rất mến mộ việc ăn chay, vì để tránh sát sinh và tôn trọng sự sống của sinh vật khác.

Đối với một đất nước như vậy, quả thật rất khó tìm được trên quả địa cầu này. Đây không phải tôi bênh vực nước Đức, vì tôi có quốc tịch Đức hay được chính phủ Đức đãi ngộ, nhưng ở đây tôi muốn chứng minh cho việc thực hiện tinh thần lục độ Ba La Mật cho mọi người thấy và từ đó có nhiều điều để đi xa hơn nữa trong lãnh vực tinh thần này.

Khi tôi nói đến nước Đức cũng có nghĩa là ý tôi muốn nói đến nước Pháp, nước Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước khác của Á cũng như Phi Châu. Vì hầu như các nước này đều có hoàn cảnh tương tự như ở nước Đức. Bởi vì tôi không thường xuyên sinh hoạt tại các nước trên, nên không thể viết về những nước ấy. Chỉ có nước Đức là nước mà tôi đã sống hơn 30 năm tại đó, nên mới nói lên những tiếng nói trung thực như vậy.

Từ ngày 18 đến ngày 26 tháng 6 năm 2011 vừa rồi, Chùa Viên Giác tại Hannover có triển lãm Phật Ngọc hòa bình thế giới. Có 17.000 người đến chiêm bái, cầu nguyện và có nhiều việc chúng tôi muốn kể với quý vị như sau:

Nhờ đài truyền hình ARD và các báo xuất bản hằng ngày bằng tiếng Đức như: Hannoversche Allgemeine Zeitung, Neue Presse v.v… nên đã có rất nhiều người Đức đến thăm viếng Phật Ngọc vào những ngày trong tuần. Vào 2 cái cuối tuần ngày 16-17 và 25-26 tháng 6 năm 2011 thì đa phần là người Việt. Thỉnh thoảng mới có những cặp vợ chồng Đức-Việt, Việt-Đức đi cùng. Điều tôi muốn trình bày với quý vị độc giả hôm nay ở đây là hiểu và thực hành tinh thần Đại Thừa Phật Giáo của người Đức như thế nào.

Tôi quan sát cứ mỗi buổi sáng sớm có một người đàn ông Đức dẫn chó đi dạo, sau đó ông mang đến một bó bông hồng thật lớn, độ 25 cành, ngày nào cũng vậy chứ không phải chỉ một ngày, mà ngày nào cũng đúng giờ vào buổi sáng như thường lệ. Tôi chào ông ta và hỏi rằng: Tại sao ông không tự mang bông hồng ấy lên cúng Phật? Ông đáp rằng: Nếu tôi cúng hết 25 bông này thì chỉ một mình tôi có công đức mà thôi. Chi bằng tôi để bông đây, mấy bà phát hành bông, cắm vào mỗi chậu bông mỗi cành hồng thì công đức của tôi được chia cho 25 người khác nữa.

Quả là người Đức! Khi nghe xong câu trả lời bằng tiếng Đức ấy tôi mới nói:

À! Thì ra là vậy! người Đức bây giờ đã hiểu đạo và đã thực hành con đường bố thí Ba La Mật như vậy. Quả là tốt đẹp biết dường bao!

Rồi một hôm tôi đi dạo ngoài vườn hoa gần Chùa Viên Giác có một người Đức chắp hai tay xá và chào: Nam Mô A Di Đà Phật! Tôi cúi chào và ông ta tiếp:

- Nghe nói Hòa Thượng định làm vườn hoa Nhật Bản và xây tượng Phật A Di Đà bên cạnh chùa phải không?

- Sao ông biết?

- Tôi có nghe quý Thầy trong chùa nói như vậy, nhưng Hòa Thượng có cần kiến trúc sư hoa viên không?

- Dĩ nhiên là cần, nhưng tôi chưa biết nên nhờ ai.

- Tôi có một người kiến trúc sư vẽ hoa viên rất đẹp và họ phát nguyện sẽ cúng dường công phác họa hoa viên, không lấy tiền.

- Xin cảm ơn! Khi có dịp tôi sẽ liên lạc lại với ông.

Cứ thế và cứ thế, hằng ngày, hằng tháng rồi hằng năm… Ở xứ Đức, tôi đã nhận không biết bao nhiêu là ân huệ từ Chính phủ Đức trong vòng 25 năm trời. Kể từ năm 1981 đến 2005. Thời gian chừng ấy, nhân dân và chính quyền Liên Bang Đức đã giúp cho chúng tôi thành tựu được nhiều mặt trong vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa Phật Giáo tại xứ người. Trong quyển sách “Cảm Tạ Xứ Đức / Danke Deutschland” bằng hai thứ tiếng Việt-Đức tôi đã kể hết những vấn đề này rồi, nhưng có một điều đặc biệt nữa là cách đây chừng 5 năm, có một bà người Đức ở Hoa Kỳ viết thư gởi qua Bưu điện về Hannover cho tôi và bà khoe là đã đọc xong quyển Danke Deutschland do một người bạn Việt Nam đã tặng cho bà. Điều bà muốn nói là:

- Trong Đệ nhị thế chiến, bà đã bỏ Đức qua Hoa Kỳ tỵ nạn. Đi đâu bà cũng bị người ta chê Đức, ít thấy ai khen bao giờ. Nay thì có người Á Châu đến sống tại xứ Đức mà đã viết được một tác phẩm như vậy quả là có giá trị.

Rồi một hôm tôi từ ngoại quốc về, Thầy Hạnh Giới, Trụ trì Chùa Viên Giác báo tin cho tôi biết là có một gia đình người Đức đã làm giấy Di Chúc lại cho Sư Phụ. Tôi mới hỏi đầu đuôi câu chuyện, thì Thầy ấy thưa rằng:

- Cách đây mấy hôm ở Bệnh viện có gọi điện thoại vào Chùa mình và đòi Chùa trả tiền bệnh viện phí cho Bà B..., chúng con hỏi tại sao phải trả, thì họ bảo rằng: Vì Chùa của ông được nhận quyền thừa kế tài sản của hai ông bà và bây giờ bà đã chết, cho nên Chùa phải lo vấn đề này.

Đúng là chuyện từ đâu đưa đến thật bất ngờ. Thế rồi, mấy Thầy trò mới lo thủ tục nơi Luật sư để chuyển những tài sản ấy vào tài khoản của Giáo Hội. Tôi có bảo Thầy Hạnh Giới là nên thờ hình hai ông bà tại bàn linh cho đàng hoàng và nên làm một cái cầu thang máy dẫn lên chánh điện cho người tàn tật và nên để tên ông bà ấy cúng dường, để nhớ về những người đã âm thầm giúp Chùa mình.

Những gì tôi đã làm cho người Việt và người Đức trong hơn 30 năm qua ở xứ Đức, tôi chẳng để ý và cũng chưa bao giờ mong sự đền đáp, nhưng nay thì kết quả là vậy. Đúng là tinh thần Đại Thừa, tinh thần Bồ Tát Đạo người Đức đã hiểu thật sâu và âm thầm thực hiện như việc bố thí Ba La Mật chẳng cần ai biết đến mình nữa và cuối cùng của cuộc đời, sau khi chết, kẻ chịu ơn và người thi ân mới nhận ra.

Vào ngày 23 tháng 6 năm 2011 vừa rồi cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Thầy Hạnh Giả, đệ tử xuất gia của tôi đang dạy cho những sinh viên Đức và ngoại quốc tại Đại Học Hannover về Phân khoa Tôn Giáo Học. Thầy ấy có mời tôi và Thầy Hạnh Giới (anh ruột Thầy Hạnh Giả và cũng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover này vào năm 2003) đến lớp dạy của Thầy ấy thuyết trình về Phật Giáo Việt Nam tại Đức. Đây là một thành quả mà bao nhiêu năm tôi đã mong đợi qua thế hệ đệ tử, học trò của mình. Điều tôi mong mỏi là người Đức nên hiểu Phật Giáo ở một cấp độ cao hơn và hiểu rõ về thế nào là Tịnh Độ? Thế nào là Thiền? Thế nào là Kim Cang Thừa? Thì bây giờ tôi đã có thế hệ kế thừa để lo cho vấn đề ấy. Quả là vi diệu.

Thầy ấy soạn giáo trình trong 10 Semester cho 5 năm Cử Nhân của Sinh viên học về Phật Học, có trình qua tôi xem và tôi thấy rất hài lòng. Vì lâu nay đọc sách vở phương Tây bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp v.v… Ít thấy nhắc đến Phật Giáo Việt Nam, nay có đệ tử của mình đứng trên bục giảng của giảng đường Đại Học để nói về Phật Giáo Việt Nam và Tịnh Độ Tông Việt Nam, làm sao không vui được.

Ngoài ra những sách của tôi viết và dịch từ các ngôn ngữ khác nhau như: Anh, Đức, Việt, Hán văn, Nhật ngữ trong 60 tác phẩm ấy đã là nguồn tài liệu quan trọng để trích dẫn cho các luận án Tiến Sĩ người Đức, trong đó có ông Dr. Baumman và nhiều sinh viên Đức khác học về khoa Phật Học hay Tôn Giáo Học tại các Đại Học ở Đức. Ngoài ra những luận án Tiến Sĩ của Thầy Thích Hạnh Giới, Thích Như Tú, Thích Hạnh Giả v.v… cũng đã dùng những tài liệu sống từ cá nhân tôi, hay những sách vở của mình đã viết để hoàn thành cho những luận án Tiến Sĩ của mình. Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người. Vì đây là một sự tương tức cần thiết cho cuộc sống tâm linh của con người.

Từ năm 1977 đến năm 2011, hơn 30 năm tôi đã lưu ngụ ở Đức, có cơ hội đi thuyết trình nhiều nơi và quan sát chung thì thấy rằng: Ở đâu và Hội Đoàn nào hay Đại Học nào mời mình tới thuyết trình, họ cũng chỉ muốn biết điều họ cần biết mà thôi. Do vậy tôi chỉ trả lời theo những câu hỏi của họ muốn hỏi.

Riêng ở Áo có một người Phật Tử tên là Fenzl, ông ta tu theo Pháp môn Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản. Ông là Hội Trưởng Hội Phật Giáo Tịnh Độ tại Salzburg, Áo quốc. Năm 1980 tôi đã có dịp đến đây để hội thảo và thuyết trình về Tịnh Độ Tông Việt Nam. Nay thì ông đã qua đời rồi, nhưng Hội Tịnh Độ Chơn Tông này vẫn còn hoạt động mạnh ở Áo.

Vừa rồi ngày 8 tháng 7 năm 2011, Chính phủ và Hội Đồng Tăng Già Tích Lan đã phát giải thưởng cao quý cho những người có công mang ánh sáng Phật Pháp vào Âu Mỹ có ông Chánh Hội Trưởng Hội Phật Giáo Áo và ông Phó Hội Trưởng. Ông Hội Trưởng là một Tiến Sĩ và ông Phó là một Bác Sĩ đương kiêm Dân Biểu Quốc Hội của Áo. Đây là một niềm hãnh diện chung của những người Phật Tử phương Tây.

Có một điều đặc biệt, nếu so sánh cách hấp thụ tinh ba Phật Giáo từ ngoại quốc truyền vào như các nước Á Châu thì đa phần quần chúng theo đông đảo nhất, bất kể là pháp môn nào như: Hoa Nghiêm, Duy Thức, Pháp Hoa và ngay cả Tịnh Độ, nhưng ở Âu Châu này Phật Giáo đến đây qua ngã trí thức trước khi đi vào quần chúng. Muốn ảnh hưởng giới này người giảng giáo lý phải thâm sâu Phật Học và khả năng ngôn ngữ phải giỏi cũng như phải thông suốt những phong tục, tập quán tại xứ người.

Ở vùng Düsseldorf nước Đức là nơi có khoảng 4.000 người Nhật Bản cư ngụ. Khi người Nhật đi đến đâu, cũng giống như người Việt Nam vậy, nghĩa là họ mang theo một quê hương nhỏ thu gọn đến đó. Từ ẩm thực cho đến văn hóa, các cách sinh hoạt, đều tìm đủ mọi cách để phỏng theo cho giống như nơi mình được sinh ra. Do vậy tín ngưỡng cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Những lễ lạt như cưới hỏi, ma chay, học hành, văn hóa, thơ đạo, trà đạo, nghiên cứu v.v… đều phải tổ chức tại Chùa. Ở vùng này có một ngôi Chùa Nhật Bản rất nổi tiếng tên là Eko Haus (Nhà Huệ Quang), tôi không biết tại sao họ không dùng chữ Chùa mà gọi là nhà? Có lẽ để giữ tính cách trung dung chăng? Vì Chùa thì chỉ để cho Phật Tử tới lui. Còn nhà thì ai cũng đến được.

Ngôi Chùa thuộc Tịnh Độ Tông Nhật Bản, họ có xuất bản định kỳ tạp chí Phật Giáo gọi là Horin (Pháp Luân). Tất cả đều được viết bằng tiếng Đức. Đa phần là những Giáo sư, học giả nghiên cứu về Phật Giáo viết bài. Khi mới nhìn vào, chúng ta phải cúi đầu khâm phục. Vì người Đức hiểu tinh thần Đại Thừa thuộc Tông Tịnh Độ không phải là ít.

Tại Chùa Viên Giác Hannover mỗi năm có nhiều khóa tu khác nhau như: Khóa tu học cho Gia Đình Phật Tử, khóa tu cho Hội Phật Tử, khóa Tu Gieo Duyên, khóa Tu Bát Quan Trai vào cuối tuần, Huân Tu Tịnh Độ vào cuối năm v.v… Cứ mỗi lần như vậy quy tụ cả hàng trăm cho đến 400 Phật Tử về tham dự trong nhiều ngày. Đôi khi cũng có những người Đức đến tham gia cả tuần lễ dưới sự hướng dẫn của Thầy Hạnh Tấn thuở xưa và bây giờ là Thầy Hạnh Giới. Nhiều lúc thấy những người Đức cùng đi kinh hành niệm Phật theo nhịp điệu chuông mõ tiếng Việt mà cảm thấy chạnh lòng. Tôi không biết là họ có muốn hiểu hay có thể hiểu hết được tiếng Việt chăng! Nhưng dẫu sao đi nữa thì đó vẫn là một hình ảnh đẹp.

Nhiều khi tôi trình bày cho người Đức nghe rằng: Quý vị cần tu và học theo lời dạy của Đức Phật qua ngôn ngữ bằng tiếng Đức, tiếng Việt hay Tây Tạng, nhưng quý vị không cần phải học văn hóa của Dân Tộc ấy. Dân Tộc đó chỉ đại diện để giới thiệu cho quý vị về tinh thần Phật Học mà thôi! Thế nhưng có nhiều người Đức vẫn lầm lẫn vấn đề này.

Thật ra cái khó của buổi giao thời là phải làm sao truyền thụ được giáo lý Đạo Phật cho người Đức, chứ không phải chúng ta truyền tư tưởng của Việt Nam hay Nhật Bản, Tây Tạng vào đây, điều ấy hẳn không cần thiết lắm.

Vào tháng 7 năm 1991 chúng tôi làm lễ Khánh Thành Chùa Viên Giác tại Hannover, tôi đã thỉnh được Hòa Thượng Bổn Sư Thích Long Trí từ quê hương xứ Quảng đến tham dự. Thuở ấy đi đứng khó khăn, giấy tờ phức tạp. Khi Ngài đến thì lễ khánh thành đã xong. Ngài ở lại Đức một tháng, Thầy trò hàn huyên tâm sự cũng nhiều. Có một hôm Ngài lên Chánh Điện và bảo tôi rằng:

- Tại sao không tạc hình Đức Phật người Đức mà cứ giữ hình tượng Phật Việt Nam như vậy?

Khi mới nghe câu hỏi, tôi chưa trả lời ngay, nhưng ngẫm nghĩ cho sâu thì thấy Thầy mình thật có lý. Không ngờ Thầy hiện đại và cởi mở như vậy. Vả lại Ngài có một cái nhìn thông thoáng như thế không phải là ai cũng nghĩ được. Đoạn tôi trả lời rằng:

- Bạch Thầy: Ban đầu là vậy, nhưng nước chảy từ nguồn ra, rồi đổ ra sông và giữa sông với biển bắt buộc phải có một thời gian giao thoa như vậy, để nước sông không còn là nước sông nữa. Lúc ấy giữa biển cả mênh mông ít ai còn nghĩ rằng có sự luân lưu của nước sông! Nhưng trên thực tế thì trong sự hiện hữu của nước biển vẫn tồn tại nước sông trong ấy.

Năm 2011 là năm tôi hoàn thành 2 tác phẩm thứ 59 và thứ 60 này. Tác phẩm thứ 59 dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt nhan đề là: Những Bản Kinh Căn Bản Của Tịnh Độ Tông (A Di Đà) Nhật Bản. Sách do ông Christian Steineck viết tiếng Đức và dịch những bản kinh từ tiếng Nhật sang tiếng Đức. Đọc sách xong, gấp sách lại và sau khi dịch sang tiếng Việt, mới thấy người Đức qua phần nghiên cứu về Tịnh Độ, phải nói rằng quá tuyệt vời. Một người Tây phương hiểu được về Tịnh Độ như thế thì còn gì hơn nữa!

Ông Hatara, Giáo sư Piano trường Đại Học Hildesheim là đệ tử tại gia của tôi. Ông là người Nhật và lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp sách tiếng Nhật, gởi từ Nhật Bản qua. Do vậy mà những sách của các Tông Phái bằng tiếng Nhật tôi có đầy đủ. Kỳ này dịch sách tiếng Đức, nhưng tôi muốn tra cứu nguyên bản tiếng Nhật về Giáo, Hạnh, Tín, Chứng của Ngài Thân Loan, Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật của Ngài Pháp Nhiên và Duy Tín sao văn ý v.v… vừa dịch vừa đối chiếu cả tiếng Đức và tiếng Nhật thì thấy rằng khả năng tiếng Nhật của ông Christian Steineck quá tuyệt vời. Dịch rõ nghĩa ra tiếng Đức để người Đức khi đọc vào là hiểu liền. Ví dụ như Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà thì ông dịch tiếng Đức là Urspruengliches Geloebnis des Amitabha Buddha. Hoặc Tuyển Trạch Bổn Nguyện thì ông dịch tiếng Đức là: Urspruengliches Geleobnis der Erwählung. Dịch như thế là hết ý, là quá tuyệt vời. Tuy nhiên chữ tuyển trạch theo âm Hán-Việt là tuyển chọn và trích ra, nhưng chữ Đức thì chỉ có một chữ là lựa ra (Erwählung) hay chọn ra.

Ngôn ngữ thì khó nói cho hết và cũng không có điểm cuối cùng. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là Tinh Thần Đại Thừa và Tư Tưởng Tịnh Độ. Ngay cả chính bản thân mình qua bao nhiêu việc hành trì, nghiên cứu sách vở về Tịnh Độ mà vẫn còn những điều cần phải học thêm. Ví dụ như những người Đức gọi tín ngưỡng A Di Đà là tín ngưỡng theo Bái Hỏa Giáo của Ba Tư. Đây là phát minh lạ của người Đức, nhưng có chứng cớ rõ ràng. Sau đó tôi tìm đọc sách vở của Ngài Ấn Thuận ở Đài Loan thì Ngài Ấn Thuận cũng nhận định giống như ông Christian Steineck vậy. Ngoài ra Ngài Ấn Thuận cũng còn cho biết thêm là trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, cách quán thứ nhất về mặt trời lặn là ảnh hưởng Thần Mặt Trời của Bà La Môn và Bái Hỏa Giáo. Đây cũng là một lối nhận xét mới. Vì lâu nay chưa có Đại Sư nào tu theo Tịnh Độ phát biểu như vậy. Nhưng nay thì có một người Đông Phương (Đại Sư Ấn Thuận) và một người Tây Phương (Christian Steineck) qua bao nhiêu nghiên cứu đã trình bày được vấn đề trên qua lịch sử và tiến trình thành lập của Tịnh Độ Tông qua từng giai đoạn và quốc độ khác nhau, chúng ta nên quan tâm về việc này.

Người Đức hay người Âu Mỹ đến với Thiền Học dễ hiểu và đơn giản hơn. Nếu đến với Tịnh Độ hay Kim Cang Thừa có thêm nhiều vấn đề phức tạp khác nữa. Ví dụ như người Âu Mỹ lâu nay vốn theo Tôn Giáo nhất thần, còn Phật Giáo thì họ cho là vô thần hay cũng có thể nói là siêu thần. Vì Thần nào Phật Giáo cũng không bác bỏ (Kinh Pháp Hoa là ví dụ). Từ một vị Thần sáng tạo ra tất cả vũ trụ, con người. Bây giờ họ gặp đức tin A Di Đà (Tịnh Độ) nhiều người cũng nghĩ là một vị Thần không chừng. Vì vị này cũng có khả năng chuyên chở họ về cảnh giới khác.

Đức Phật Di Đà là một vị Phật có tính cách siêu việt (Tranzendent Buddha), không phải là một Đức Phật lịch sử như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài không sinh ra, lớn lên, thành đạo và nhập Niết Bàn ở cõi Ta Bà này, nhưng qua Ba Kinh Tịnh Độ như đã được trình bày ở trên, chúng ta tin qua lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói là có một thế giới gọi là Cực Lạc và có một vị Phật tên là A Di Đà cùng với các vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Nhưng Đức Phật A Di Đà không phải là một vị Thần hay một vị Chúa Tể có quyền ban ơn giáng họa cho người khác, mà Ngài chỉ là một vị Phật thực hành theo bổn nguyện của mình để giúp cho chúng sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Sau khi về được cảnh giới Tây Phương Cực Lạc rồi mỗi chúng sanh phải tự tu và tự chứng lên đến bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn, chứ Đức Phật A Di Đà không thay thế cho chúng ta để giải thoát.

Từ những năm 1981 đến năm 1995, gần 15 năm như thế có hai Phật Tử người Đức tu theo Pháp môn Tịnh Độ. Họ ở tại Berlin và là những người Bác sĩ. Một ông tên là Roland Berthold và một ông tên là Günstler Hälfte. Hai ông đã giúp cho tôi rất nhiều trong thời gian ban đầu về việc xem xét bài vở bằng tiếng Đức cũng như những bản kinh tôi đã dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức như Kinh A Di Đà và Kinh Vu Lan Bồn về văn phạm cũng như cách hành văn. Hai vị này do Đạo Hữu Trực Ngộ Phạm Ngọc Đảnh giới thiệu. Trong khoảng thời gian trên, bất cứ lễ Phật Đản hay Vu Lan nào của Chùa Viên Giác Hannover tổ chức, hai ông đều về tham dự, nhưng từ năm 1995 đến nay khi Chi nhánh Phật Quang Sơn của Hòa Thượng Tinh Vân đã được thành lập tại Berlin thì hai vị này đã sang đó để cộng tác những công việc Phật sự của Chùa này. Đây có lẽ là hai người Phật Tử Đức tu theo pháp môn Tịnh Độ có thời gian lâu dài đáng kể. Họ theo truyền thống Trung Hoa cho nên rất gần gũi với Phật Giáo Việt Nam.

Cách đây chừng 15 năm, nghĩa là từ năm 1995, 1996 các thanh niên được sinh ra và lớn lên tại Đức đọc kinh tiếng Việt Hán hay Hán Việt không hiểu. May sao có một người Đức tên là Dr. Günzel, học Phân khoa Phật Học tại Đại Học Göttingen có làm một luận án Tiến Sĩ về quyển Thiền Môn Nhựt Tụng từ chữ Hán dịch ra tiếng Đức. Thầy Hạnh Hảo, đệ tử người Đức xuất gia với tôi thuở ấy, liên lạc được với ông này và xin phép để in thành song ngữ Việt Đức nghi thức này để cho những thế hệ trẻ bớt bỡ ngỡ khi đi đến Chùa tham gia những thời khóa tụng. Từ thời kinh Lăng Nghiêm buổi sáng cho đến kinh Di Đà, Hồng Danh, Mông Sơn Thí Thực buổi chiều được dịch ra tiếng Đức và hầu như 99% đúng tiêu chuẩn của bản kinh xưa khi tôi đem ra đối chiếu lại.

Thiền Môn Nhựt Tụng hay Nhị Thời khóa tụng là một cuốn kinh tại Trung Hoa, Chư Tổ đã soạn cho người xuất gia và tại gia hành trì hằng ngày. Sau đó được truyền vào Việt Nam và Đài Loan. Đây là kinh điển được soạn lại theo pháp môn Tịnh Độ. Trong đó còn các kinh khác như: Dược Sư, Vu Lan, Kim Cang, Báo Ân Phụ Mẫu v.v… tất cả những kinh này hầu như đều đã được dịch sang tiếng Đức.

Do vậy, ở đây tôi có thể tạm kết luận rằng: Về phương diện nghiên cứu, dịch thuật, học thuật thì người Đức nói riêng, người Âu Mỹ nói chung là quá tuyệt vời. Họ có trách nhiệm tuyệt đối với tác phẩm dịch của họ. Ví dụ như muốn dịch ra tiếng Đức từ ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Nhựt, Hán, Việt v.v… họ đến tận những nước ấy học hỏi hay học tại các Đại Học Đức và họ dịch trực tiếp sang tiếng Đức chứ không qua một trung gian ngôn ngữ nào cả. Đây là việc làm đáng tin cậy ở xứ Đức này. Về phương diện tu học và hành trì dĩ nhiên là rất khó định nghĩa. Vì hơn 30 năm qua tôi quan sát bao nhiêu người Đức đến xuất gia với Chùa Viên Giác, tu theo pháp môn Tịnh Độ, nhưng họ không thể tu hơn 15 năm với tư cách là một Tăng Sĩ, mặc dầu họ rất rành tiếng Việt như Thiện Nam, Hạnh Hảo, Đồng Hòa v.v…

Cái khó của người Đức không phải chỉ riêng với truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, mà ngay cả những truyền thống Phật Giáo khác nữa. Ví dụ như Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg khi Ngài Geshe Thubten Ngawang đến Đức từ năm 1977, cùng thời với tôi, và Ngài ấy đã viên tịch cách đây 10 năm về trước, Ngài là người đã rất thành công cho việc truyền thừa Phật Giáo Tây Tạng vào Đức lúc ban đầu. Tuy Ngài không rành tiếng Anh và tiếng Đức mấy, nhưng nhờ người Đức tận tâm học tiếng Tây Tạng để dịch những bản kinh văn thẳng qua tiếng Đức. Có 2 đệ tử nam người Đức rất giỏi là Christop và Oliver, mỗi người tu tại Trung Tâm này trên 10 năm, nhưng cuối cùng vẫn trở lại đời thường. Không biết đời sống xuất gia có cái gì đó rất khó khăn với người Tây Phương. Tôi vẫn không rõ hết. Có lẽ họ khó khăn về giới luật, chuyện ăn uống, chuyện đời thường chăng? Vì ở đây họ quen tự do rồi. Thế nhưng những người nữ Đức xuất gia thì tương đối bền hơn. Ví dụ như Sư Cô Carola bây giờ là Tiến Sĩ Phật Học, đệ tử của Ngài Geshe Thubten Ngawang, đang dạy tiếng Tây Tạng tại Đại Học Hamburg và Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng ở Schneverdingen cũng chỉ toàn là chư Ni Đức coi sóc, chứ hầu như không có một Tăng Sĩ người Đức nào xuất gia gần đây tại Trung Tâm này.

Tại Hannover có một người nữ tu Đức y chỉ với tôi mấy năm nay. Sư Cô này tu theo Thiền Tào Động Nhật Bản, nhưng khi thọ giới Tỳ Kheo Ni thì nương theo luật Tứ phần. Sư Cô đã dịch luật Tỳ Kheo Ni từ tiếng Anh sang tiếng Đức và Cô cũng viết nhiều sách tiếng Đức nổi tiếng về Thiền. Tên Sư Cô là Dagma Wasskönig. Hiện tại những vị Ni này đang lãnh đạo Hội DBO của người xuất gia như có lần tôi đã giới thiệu ở trên.

Năm 1980 Thượng Tọa Seelawansa người Tích Lan đến Áo du học. Sau đó Ngài đậu Tiến Sĩ tại Đại Học Wien và hiện tại Ngài đang dạy Phật Học cho các Sinh viên Áo tại Đại Học này. Suốt trong mấy chục năm qua tôi đã quen biết với Thượng Tọa và được biết rằng: Từ đó đến nay cũng chẳng có người Áo nào xuất gia cả. Thượng Tọa cũng có bảo lãnh 5, 7 Thầy từ Tích Lan qua, nhưng chẳng ai ở nổi tại Áo, cuối cùng lại về nước hoặc ra đời. Có lẽ tại Âu Châu lạnh quá, khí hậu không thích hợp, ngôn ngữ khó khăn, không có Phật Tử thuần thành v.v… Đó có lẽ là lý do chính.

Riêng bản thân chúng tôi từ năm 1982 đến năm 2003 đúng 22 năm như thế, tôi đã độ cho 45 người xuất gia kể cả Việt và Đức. Sau một thời gian dài tu học như vậy đã có 4 Sư Cô viên tịch trong khi vẫn còn tu. Có 8 Thầy, Chú ra đời. Số còn lại 33 người cả nam lẫn nữ đương trụ trì các chùa các nơi, hoặc giả đang hành đạo các chốn khác, tương đối là một thành quả lớn. Vì lẽ người xuất gia bây giờ hiếm lắm, hiếm nhất là những người phát tâm dõng mãnh để tiếp tục đi cho hết cuộc đời còn lại của mình.

Bởi vì cuộc sống này có rất nhiều cám dỗ và quá tự do ở nhiều phương diện, nếu người nào không biết tự làm chủ mình, sẽ bị bánh xe thời gian vô tình nghiền nát chí nguyện xuất trần thượng sĩ lúc ban đầu, mặc dầu biết rằng khi trở về lại với cuộc sống thế tục cũng không phải là lối thoát đúng nghĩa, nhưng biết nói sao hơn, nhân duyên là vậy. Có duyên thì còn gắn bó với Chùa, không duyên thì làm một Cư sĩ. Rồi áo cơm, chồng vợ, rồi con cái, nghiệp duyên… Con đường mòn của sanh tử đã sẵn lối, chẳng chừa một ai cả. Đến khi về già trở lại cô đơn, nuối tiếc vì đã quá vụng về khi quyết định cho một chuyện quan trọng của đời mình. (Xem thêm phần Ngài Thân Loan bên trên).

Tóm lại việc Phật Pháp được truyền sang Âu Mỹ là một việc tốt đẹp. Vì lâu nay họ chỉ thấm thuần có một vị thuốc khi đau ốm bệnh tật, trị bằng thuốc Optalidon, nhưng bây giờ có thêm thuốc Aspirin là loại giải cảm mới qua tinh thần giáo lý giải thoát của Đạo Phật, họ uống vào cũng có thể chữa được thân bịnh. Tuy nhiên phải thành thật mà nói rằng: Giáo lý ấy mới chỉ thích hợp với người Cư sĩ tại gia về Thiền cũng như Tịnh hay Kim Cang Thừa. Còn con đường cho người xuất gia đối với người Tây Phương chắc phải cần thời gian năm tháng lâu dài hơn thế nữa.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Pháp bảo Đàn kinh


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Phật pháp ứng dụng


Phát tâm Bồ-đề

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.219.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...