Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Tịnh Độ Tông »» III. Tịnh Độ Tông của Trung Hoa »»

Tư tưởng Tịnh Độ Tông
»» III. Tịnh Độ Tông của Trung Hoa

Donate

(Lượt xem: 4.401)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Tịnh Độ Tông - III. Tịnh Độ Tông của Trung Hoa

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Nếu hỏi rằng: Trên thế giới này nước nào có lịch sử lâu đời nhất, thì ắt hẳn người ta sẽ nói: Ấn Độ và Trung Hoa. Và nếu hỏi tiếp rằng: Đạo nào có mặt lâu đời nhất trên hành tinh này, thì cũng sẽ được trả lời là: Ấn Độ giáo của Ấn Độ và Khổng giáo, Lão giáo của Trung Hoa. Nhưng khi được hỏi rằng: Đạo nào có đông số tín đồ nhất, thì không phải là những đạo vừa nêu trên, mà là Thiên Chúa giáo, một Tôn giáo xuất hiện sau Phật giáo cả hơn 6 thế kỷ, mà ngày nay số lượng tín đồ của Tôn giáo này là một tỷ rưỡi trong số 7 tỷ người hiện có mặt trên quả địa cầu này.

Nếu xếp các tôn giáo theo thứ tự thời gian xuất hiện trên quả đất này thì sẽ là: Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo (gồm có cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành giáo) và Hồi giáo. Có những tôn giáo xuất hiện đã 5.000 năm trên quả địa cầu này như Ấn Độ giáo, nhưng cũng có Tôn giáo chỉ mới xuất hiện hơn 1.500 năm nay như Hồi giáo. Nhưng nếu sắp theo thứ tự số đông tín đồ thì phải là: Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Trong những tôn giáo này, có nhiều tôn giáo đã vượt ra khỏi ranh giới của quốc gia mà vị Giáo chủ ấy được sinh ra để mang lời dạy ra truyền bá ở nước ngoài như: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo. Trong khi đó cũng có những tôn giáo không thể vượt khỏi biên giới quê hương của mình để đi sâu vào sinh hoạt của các nước Âu Mỹ như: Ấn Độ giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Khi đặt câu hỏi là tại sao như vậy thì có nhiều cách trả lời khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng ở đây là lời dạy của các vị giáo chủ ấy có còn có giá trị qua thời gian và không gian hay không? Nếu có, thì Đạo ấy sẽ phát triển vững mạnh, không luận thời gian, năm tháng hay biên ải quốc gia. Một Tôn giáo phải hội đủ 3 điều kiện. Đó là: Giáo chủ, giáo lý và giáo hội. Giáo chủ và giáo lý chúng ta đã rõ, nhưng giáo hội gồm Tăng Ni, Tín Đồ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát triển mạng mạch của Tôn giáo đó. Nếu không có những người này, quả thật Tôn giáo đó sẽ hiu quạnh, không như thời điểm vàng son, lúc còn vị giáo chủ nữa.

Ngày xưa vấn đề giao thông không tiện lợi như ngày nay, nên một văn thư, một tin tức đánh đi từ một nơi, đến một nơi khác nhận được, đôi khi phải trải qua hàng tháng, hàng năm, chứ không phải từng phút, giây như giai đoạn trong hiện tại (năm 2011) mà chúng ta đang có được. Bởi vậy những gì mà người xưa làm được, quả là đáng quý biết dường nào!

Khi Thái Tử Tất Đạt Đa sinh ra tại Ấn Độ, Khổng Tử ở Trung Hoa, ông ta đã nói với học trò của mình rằng: "Ông cảm như quả đất đang chuyển động." Mà thật thế! Một vĩ nhân, một bậc giác ngộ ra đời thì có không biết bao nhiêu là điềm lạ xuất hiện trong thế gian này. Vì các Ngài không phải là những người thường.

Thế mà đã hơn 600 năm trôi qua, đến năm Hán Minh Đế (58-75) vào thế kỷ nhất, người mới nằm mộng thấy Phật vàng và từ đó mới cho người qua Ấn Độ để thỉnh kinh. Đây là thời kỳ đầu của Phật Giáo mới hình thành và đã nhập vào Trung Quốc.

Theo sách Hán Pháp bản nội truyện là một tác phẩm gồm 5 quyển, được soạn vào thời nào và tên soạn giả là ai đều không rõ, nhưng sách này nói về việc Phật Giáo lúc mới du nhập Trung Quốc khoảng năm Vĩnh Bình (58-75) đời Minh Đế nhà Hậu Hán và về tình hình Phật Giáo chống đỡ sự phê phán của Đạo Giáo. Nội dung sách ấy gồm 5 phẩm như sau:

- Minh Đế đắc mộng cầu pháp
- Thỉnh Pháp Sư lập tự công đức
- Dữ Chư đạo sĩ tỉ giảo độ thoát
- Minh Đế Đại Thần đẳng xưng dương
- Quảng thông lưu bố.

Đến nay bản hoàn chỉnh của sách này vẫn không thấy lưu truyền, chỉ thấy rải rác trong Quảng Hoằng Minh Tập quyển 1, Tập Cổ Kim Phật Đạo luận hành quyển 1, Pháp Uyển Châu Lâm quyển 18, Tục Tập Cổ Kim Phật Đạo luận hành v.v…

Các Ngài Đạo Tuyên và Trí Thăng cho rằng sách này là tác phẩm đời Hán Ngụy, nhưng trong các văn hiến từ đời Tùy trở về trước không thấy đề cập tới. Nếu căn cứ vào nội dung mà phán đoán thì có thể sách này là tác phẩm từ khoảng năm Thiên Giám (502-519) đời nhà Lương thuộc Nam Triều trở về sau. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 2054). (Xem Luận Phá Tà quyển thượng, truyện Đàn Vô Tối trong Tục Cao Tăng truyện quyển 23, Thiền Tông phiên dịch chủ trong Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 1).

Vào đầu thế kỷ nhất, Hán Minh Đế thuộc nhà Hậu Hán là người đầu tiên thấy được điềm lành, cho nên mới cho người sang Thiên Trúc để thỉnh kinh. Thuở ấy từ Kinh đô Lạc Dương đi qua Ấn Độ chỉ có con đường biển là bình an hơn, nhưng ít nhất cũng 3 tháng đến 1 năm mới tới nơi, nhưng đến rồi, nào ngôn ngữ, phong tục, ăn uống ở tại xứ Ấn Độ thuở bấy giờ chẳng phải là việc đơn thuần. Thế nhưng các nhà ngoại giao thuở ấy cũng đã mang về cho Triều đình nhà Hậu Hán hai vị Đại Pháp Sư và Đại dịch giả về sau này. Đó là hai Ngài Ma Đằng Ca Diếp và Ngài Trúc Pháp Lan. Bản kinh đầu tiên được truyền vào đất Trung Quốc năm 68 là kinh Tứ Thập Nhị chương đã được hai vị này dịch ra chữ Hán. Ngày nay nếu có ai đó đi sang Trung Quốc, đến Kinh đô Lạc Dương, ghé thăm chùa Bạch Mã sẽ gặp được mộ tháp của hai Ngài vẫn còn tại nơi đây và bản kinh này vẫn được Phật Giáo Trung Quốc cho khắc vào đá hoa cương cho công chúng chiêm ngưỡng và đảnh lễ.

Trong sách trên có nói về việc thứ hai là nhà Vua và Triều đình đã thỉnh Pháp Sư lập tự công đức. Nghĩa là nhà vua muốn xây chùa để thờ Phật. Có lẽ hai vị Pháp Sư này đã chỉ cho nhà vua làm chùa như thế nào cũng như đặt hiệu chùa ra sao, nên Bạch Mã là tên chùa đã được chọn. Vì đi thỉnh kinh cũng như đón rước kinh đến Kinh đô Lạc Dương đều do những con ngựa trắng quý hiếm đến đón về, nên lấy tên là Bạch Mã. Chùa ngày xưa có lối kiến trúc theo Ấn Độ, nghĩa là bên trên nóc là vòm, trông như những ngôi tháp tại Ấn Độ, chứ không lợp mái như kiểu của Trung Hoa. Vào cuối năm 2.000 vừa qua, giữa chính quyền Trung Hoa và Ấn Độ đã ký một văn bản quan trọng, nhằm tài trợ để xây một ngôi chùa to lớn tại đây theo kiểu cách của Ấn Độ để nhớ về cội nguồn cũng như lịch sử khởi nguyên Phật Giáo tại xứ này.

Điểm thứ ba là nhà Vua thỉnh các vị Pháp Sư cùng với các vị Đạo Sĩ giảng thuyết để so sánh. Thuở ấy Nho gia tại Trung Quốc không thích Phật Giáo. Lão Giáo tuy chấp nhận Phật Giáo, nhưng muốn biết cao thấp, nên nhà Vua đã cho quý Sư và Đạo Sĩ luận bàn với nhau. Nếu thuở ấy các vị Pháp Sư không thắng thì có lẽ Phật Giáo không được lưu hành và phát triển tại Trung Quốc suốt 2.000 năm qua.

Điểm thứ tư là Vua Hán Minh Đế cùng với các Đại Thần xưng dương, tán thán. Điều ấy có nghĩa là nhà Vua đã hài lòng và việc nằm mộng thấy Phật vàng, việc cho người đi Ấn Độ thỉnh kinh và rước Pháp Sư về là việc tốt cho quê hương đất nước Trung Quốc, nên nhà Vua và triều thần mới chấp nhận Phật Giáo một cách công khai như thế, trong khi tại Trung Hoa trước đó đã có Đạo Khổng và Đạo Lão rồi.

Việc cuối cùng là cho giáo lý từ bi, trí tuệ ấy tiếp tục truyền bá khắp nhân gian. Vì lẽ chính nhà Vua và các vị Đại Thần tai mình đã nghe, mắt mình đã thấy sự luận nghị và tư cách giữa các vị Pháp Sư Phật Giáo và các vị Đạo Sĩ của Lão Giáo. Kể từ đó trở đi Phật Giáo tại Trung Quốc đã trải qua bao đời với những phế hưng của lịch sử. Ví dụ như các vị Vua và Hoàng Hậu nào thích giáo lý của Đạo Phật thì ủng hộ hết mình, nên những chùa viện và chư Tăng đều có mặt khắp nơi tại quê hương rộng lớn này. Ví dụ như Triều Đường chẳng hạn. Nhưng cũng có nhiều lúc các vị quân vương nghe lời xiểm nịnh của triều thần, hoặc giả chư Tăng Ni của Phật Giáo không còn gìn giữ được những phẩm hạnh thanh cao như lúc xa xưa nữa, thì lúc ấy các vua chúa sẽ phế Phật và chọn những Đạo khác, ví dụ như "Tam Vũ nhất Tông pháp nạn", nghĩa là pháp nạn này do 3 ông vua tên Vũ và một ông tên Tông gây ra (tức là Thái Vũ đế nhà Bắc Ngụy, Vũ Đế nhà Bắc Chu, Vũ Tông nhà Đường và Thế Tông nhà Hậu Chu).

A. Ngài Đàm Loan và Tư Tưởng Tịnh Độ

Theo Liên Tông (tức là Tịnh Độ Tông) của Trung Hoa lập Ngài Huệ Viễn làm Sơ Tổ Tịnh Độ tại đó và kế thừa Tông này cho đến đời nhà Thanh gồm 9 vị như sau:

- Sơ Tổ Đông Lâm Huệ Viễn ở Lô Sơn
- Nhị Tổ Quang Minh Thiện Đạo ở Trường An
- Tam Tổ Bất Chu Thừa Viễn ở Hoành Sơn
- Tứ Tổ Vân Phong Pháp Chiếu ở Hàng Châu
- Ngũ Tổ Ô Long Thiếu Khang ở Tân Định
- Lục Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ ở Hàng Châu
- Thất Tổ Chiêu Khánh Tỉnh Thường ở Vũ Tam
- Bát Tổ Vân Thê Châu Hoằng ở Cổ Hàng
- Cửu Tổ Phạm Thiên Tỉnh An ở Phương Sơn
(Xem Liên Tông Cửu Tổ truyện lược)

Tuệ (Huệ) Viễn sinh năm 334 và tịch năm 416, là Cao Tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, người Lâu Phiền, Nhạn Môn (huyện Quách, tỉnh Sơn Tây, họ Giả, là Sơ Tổ Tông Tịnh Độ Trung Quốc.

Năm 13 tuổi, Sư đi học ở các nơi như Hứa Xương, Lạc Dương v.v… Sư thông hiểu sâu rộng 6 kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và Xuân Thu) và Lão Trang. Năm 21 tuổi Sư cùng em là Huệ Trì nghe Ngài Đạo An giảng kinh Bát Nhã ở Hằng Sơn, Thái Hàng (phía Tây Bắc Khúc Dương, tỉnh Hà Bắc), có chỗ lãnh ngộ, cảm động than rằng: "Nho, Đạo 9 phái đều là trấu cám" (chỉ chung cho 9 học phái thời chiến quốc như Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia…) liền cùng em lễ Ngài Đạo An xin xuất gia làm Đệ Tử.

Sư giỏi về học thuyết Tính Không của Bát Nhã, năm 24 tuổi lên tòa giảng, thường dẫn sách Trang Tử để thuyết minh nghĩa thật tướng của Phật Giáo, khiến người có tâm nghi ngờ được hiểu rõ, Ngài Đạo An cho phép Sư tiếp tục bàn về sách ngoài đời.

Năm Thái Nguyên thứ 6 (381) Sư đến Lô Sơn ở miền Nam truyền pháp, đệ tử rất đông. Sư tận lực nghiên cứu kinh điển, thường than thở ở Giang Đông kinh điển chưa được đầy đủ, Thiền Pháp chưa được nghe, Luật tạng thì thiếu sót, cho nên Sư sai các đệ tử Pháp Tịnh, Pháp Lãnh đi tìm cầu kinh điển về truyền dịch. Mỗi khi Sư gặp các vị Tam Tạng Tây Vực thì bùi ngùi thăm hỏi.

Năm Thái Nguyên thứ 16 (391), Sư thỉnh Ngài Tăng Già Đề Bà người nước Kế Tân phiên dịch luận A Tỳ Đàm tâm, luận Tam Pháp độ. Khi nghe tin Ngài Cưu Ma La Thập đến Quan Trung, Sư liền cho các vị đệ tử Đạo Sinh, Tuệ Quán, Đạo Ôn, Đàm Dực… về Trường An xin theo học Đại Thừa Không Quán thuộc hệ thống Ngài Long Thọ, Sư cũng thường hay viết thư qua lại với Ngài Cưu Ma La Thập để thỉnh vấn và thảo luận về giáo lý. Khi Ngài Đàm Ma Lưu Chi đến Trung Quốc, Sư sai đệ tử Đàm Ung tham dự việc dịch luật Thập Tụng, đồng thời thỉnh Ngài Phật Đà Bạt Đà La từ Trường An đến Lô Sơn dịch kinh Đạt Ma Đa La Thiền. Cùng lúc với việc hoằng dương Bát Nhã học Đại Thừa, Sư cũng đề xướng Thiền Học Tiểu Thừa và có kiến giải rất sâu xa đối với vấn đề cải cách Phật Giáo Trung Quốc.

Niên hiệu Nguyên Hưng năm đầu (402) Sư cùng với hơn 100 đồng đạo như Cư sĩ Lưu Di Dân... sáng lập Bạch Liên Xã, chuyên dùng Tịnh Độ niệm Phật làm Pháp môn tu hành, cùng nguyện vãng sanh Tịnh Độ Tây Phương, hơn 30 năm không một lần rời núi.

Năm Nguyên Hưng thứ 2 (403), phản thần Hoán Huyền sau khi cướp ngôi vua An Đế nhà Đông Tấn và tự lập làm Vua, ra lệnh sa thải Sa Môn, buộc các Sa Môn phải hết lòng tôn kính nhà Vua, Sư liền soạn luận: "Sa Môn bất kính Vương giả" để phản đối, nói rõ việc người xuất gia không bị buộc phải khuất phục vương quyền.

Sư vừa thông hiểu Phật học, lại giỏi ngoại điển nên rất được người đương thời tôn trọng và chư Tăng nước ngoài kính nể.

Chùa Đông Lâm ở Lô Sơn là trung tâm của Phật Giáo miền Nam lúc bấy giờ, giống như Đạo Tràng dịch kinh của Ngài Cưu Ma La Thập ở Trường An là trung tâm Phật Giáo miền Bắc vậy.

Năm Nghĩa Hy thứ 12 (416) Sư thị tịch, thọ 83 tuổi.

Về sau các vua Đường, Tống ban tặng Sư các thụy hiệu: Biện Giác Đại Sư, Chính Giác Đại Sư, Viên Ngộ Đại Sư, Đẳng Biến Chính Giác Viên Ngộ Đại Sư. Và để phân biệt với Ngài Huệ Viễn chùa Tịnh Anh đời Tùy, người đời sau thường gọi Ngài là Lô Sơn Huệ Viễn.

Sư có các tác phẩm: Lô Sơn tập 10 quyển, Vấn Đại Thừa trung thâm nghĩa thập bát khoa (Đại Thừa đại nghĩa chương) 3 quyển, luận Minh báo ứng, luận Thích Tam Bảo, luận Biện Tâm thức, luận Sa Môn đản phục và Đại Trí Độ luận sao tự. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 6545-6546)

(Xem Lương Cao Tăng truyện quyển 6, Xuất Tam Tạng ký quyển 7, Đại Đường nội điển lục quyển 3, Quảng Hoằng Minh tập quyển 15, 17, 30, Pháp Uyển châu lâm quyển 100, Đông Lâm thập bát cao hiền truyện).

Đọc Tiểu Sử của Ngài Lô Sơn Huệ Viễn chúng ta có thể liên tưởng đến Ngài Long Thọ của Ấn Độ. Ngài Huệ Viễn chuyên về Bát Nhã và Trung Quán và cuối đời lập nên Bạch Liên Xã để hành trì theo pháp môn Tịnh Độ và phát nguyện vãng sanh về Tây Phương. Đối với Phật Giáo Trung Hoa và Tịnh Độ Tông tại đây hầu như đều công nhận Ngài là Sơ Tổ, nhưng có điều lạ lùng là Tịnh Độ Tông Nhật Bản do Ngài Pháp Nhiên và Ngài Thân Loan sáng lập vào thế kỷ 13 thì chỉ công nhận Ngài Đàm Loan là Đệ tam Tổ Tịnh Độ Tông (kể từ Ngài Long Thọ và Thế Thân), Ngài Đạo Xước, Ngài Thiện Đạo mới là Đệ nhị Tổ và Đệ tam Tổ của Tịnh Độ Tông Trung Quốc (Đệ tứ và Đệ ngũ Tổ thuộc về Tịnh Độ của Nhật Bản). Trong 9 vị Tổ của Liên Tông, chúng ta chỉ thấy có Ngài Thiện Đạo thành Đệ nhị Tổ sau Ngài Huệ Viễn. Có lẽ có một lý do gì quan trọng hơn, cho nên Phật Giáo Nhật Bản mới chọn như vậy chăng?

Ngay như học giả Christian Steineck người Đức, tác giả quyển "Những bản văn căn bản của Phật Giáo Di Đà Nhật Bản" cũng không công nhận Ngài Huệ Viễn là Sơ Tổ Tịnh Độ Tông Trung Hoa, mà trong sách này (bằng tiếng Đức) chỉ nêu lên 3 vị Tổ là Ngài Đàm Loan, Đạo Xước và Thiện Đạo.

Tiếp theo chúng ta nên tìm hiểu về Ngài Đàm Loan. Ngài sanh năm 476 và thị tịch lúc nào không rõ. Là vị Cao Tăng của Tịnh Độ Tông ở thời Nam Bắc triều, người Nhạn Môn (huyện Đại, tỉnh Sơn Tây) có thuyết nói Sư là người Vấn Thủy, Tinh Châu (Thái Nguyên, Sơn Tây) không rõ họ gì. Nhật Bản tôn Sư là Sơ Tổ trong 5 vị Tổ của Tông Tịnh Độ (gồm: Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo - Trung Hoa - và Nguyên Tín, Nguyên Không (Pháp Nhiên) - Nhật Bản), là Tổ thứ 3 trong 7 vị Tổ của Chân Tông.

Nhà Sư ở gần núi Ngũ Đài, Sư thường được nghe những chuyện thần tích kinh dị, nên lúc 10 tuổi Sư lên núi xin xuất gia. Sư rất chăm học, thông suốt các kinh. Sư đọc và chú giải kinh Đại Tập, công việc chưa xong, Sư bỗng lâm bệnh, chữa mãi không khỏi. Một hôm Sư chợt thấy cửa trời mở rộng, tự nhiên hết bịnh, liền phát tâm đi tìm cầu pháp trường sinh bất tử. Nghe đồn học phép tiên có thể sống lâu, Sư bèn đến Giang Nam thăm Đạo Sĩ Đào Hoằng Cảnh ở núi Cú Dung được họ Đào trao cho một bộ kinh Tiên 10 quyển.

Trên đường về Sư ghé qua Lạc Dương ra mắt Ngài Bồ Đề Lưu Chi, được Ngài trao cho bộ Quán Vô Lượng Thọ, Sư liền bỏ hết kinh Tiên, mà chuyên tu Tịnh Độ. Vua Hiếu Tĩnh nhà Đông Ngụy tôn Sư là "Thần Loan" và ban Sắc chỉ cho Sư trụ trì chùa Đại Nham ở Tinh Châu.

Về sau, Sư trụ trì chùa Huyền Trung tại Phần Châu, Sư thường đến phía Bắc núi Giới Sơn giảng kinh, hoằng dương pháp môn niệm Phật. Sư tinh thông nội ngoại điển, Tăng Ni và Phật Tử rất kính phục, họ gọi Đạo Tràng giảng kinh của Sư là "Loan Công Nham". Sư là người đặt nền tảng cho sự kiện toàn Tịnh Độ giáo ở đời Đường sau này.

Ngoài ra, Sư còn là học giả nổi tiếng thời bấy giờ về Tứ Luận (Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Trí Độ Luận). Đời sau tôn Sư là Tổ của Tông Tứ Luận. Sư cũng là người kết hợp hai trào lưu tư tưởng lớn của Phật Giáo Ấn Độ nơi Tổ Long Thọ và Ngài Thế Thân, đem tư tưởng Không Tông dung hợp vào giáo nghĩa Tịnh Độ, được đời sau rất coi trọng.

Về năm Sư tịch thì có mấy thuyết, nhưng có thể đoán định là Sư tịch từ năm Thiên Bảo thứ 5 (554) trở về sau.

Sư có các trứ tác: Vãng Sanh luận chú, 2 quyển, Tán A Di Đà Phật kệ, Lễ Tịnh Độ thập nhị kệ, Lược luận Tịnh Độ an lạc nghĩa." (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 1.589)

Ngài Đàm Loan sinh ra và thị tịch sau Ngài Huệ Viễn cả 142 năm (476-334=142). Do vậy giáo nghĩa của Tịnh Độ đã rất rõ ràng qua các thời đại và Ngài đã dựa theo tư tưởng Trung Luận của Ngài Long Thọ và tư tưởng Vãng Sanh Luận của Ngài Thế Thân. Có lẽ vì thế mà Tịnh Độ Tông của Nhật Bản đã chấp nhận Ngài là Đệ tam Tổ của Tịnh Độ Nhật Bản kể từ khi Tịnh Độ được truyền vào đây và là Sơ Tổ Tịnh Độ Tông của Trung Quốc.

Tịnh Độ Việt Nam chúng ta sẽ được đề cập đến ở một chương đặc biệt phía sau, nhưng chúng ta cũng có thể chọn Ngài Đàm Hoằng (? - 455) người cùng thời với Ngài Đàm Loan, để làm Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam và là Đệ tam Tổ kể từ Ấn Độ (sau Ngài Long Thọ và Thế Thân).

Sau đây chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu tư tưởng Tịnh Độ của Ngài Đàm Loan qua "Vãng Sanh luận chú" và những tư tưởng tiếp theo trong những bài kệ tán thán Đức Phật A Di Đà của Ngài.

"Vãng Sanh luận chú gọi đủ là: Vô Lượng Thọ kinh Ưu Ba Đề Xá nguyện sanh kệ - Bà Tẩu Bàn Đậu (Vasubandhu) Bồ Tát tạo tinh chú. Cũng gọi là: Tịnh Độ luận chú, Vô Lượng Thọ Kinh luận chú, Vô Lượng Thọ kinh Ưu Ba Đề Xá nguyện sinh kệ chú. Gọi tắt là Luận chú, Chú luận.

Luận chú gồm 2 quyển, do Ngài Đàm Loan soạn vào đời Bắc Ngụy được thu vào Đại Chánh tạng tập 40.

Quyển thượng của sách này trước nêu phẩm Dị Hành trong luận Thập Trụ Tỳ Bà Thi của Ngài Long Thọ, nói rõ về Nan Hành đạo (đạo khó thực hành) và Dị hành đạo (đạo dễ thực hành). Luận này thuộc về Dị hành đạo, chỉ rõ pháp môn tha lực (nương nhờ vào sức của Đức Phật A Di Đà) cho rằng cái nhân chủ yếu được sanh về Tịnh Độ là hoàn toàn trông cậy vào năng lực bản nguyện của Đức Phật A Di Đà, kế là phần nói chung, lần lượt giải thích văn kệ phát nguyện vãng sanh, đồng thời lập ra 8 mục hỏi đáp, nói rõ căn cơ nguyện sanh Tịnh Độ và tất cả tướng phàm phu thiện ác.

Quyển hạ thì giải thích phần nghĩa bằng văn trường hàng (văn xuôi), lập ra 10 khoa giải thích văn nghĩa: nguyện kệ đại ý, khởi quán sanh tín, Quán hành thế tướng, Tịnh nhập nguyện tâm, Thiện xảo nhiếp hóa, Ly Bồ Đề chương, Thuận Bồ Đề môn, Danh nghĩa nhiếp đối, Nguyện sự thành tựu và Lợi hành mãn túc, đồng thời ở cuối khoa Lợi hành mãn túc, nêu rõ ý nghĩa quan trọng của việc lợi mình lợi người, trích dẫn các nguyện thứ 11, 18 và 22 trong 48 lời nguyện của Kinh Vô Lượng Thọ để chứng minh cho Tăng Thượng Duyên của tha lực". (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 7.056-7.057).

(Xem Lịch Đại Tam Bảo ký quyển 4, Pháp linh lục quyển 6, Đông Vực truyền đăng lục quyển hạ).

Xem ra như vậy các học giả người Nhật và người Tây Phương hữu lý hơn, khi chọn Ngài Đàm Loan làm Sơ Tổ Tịnh Độ của Trung Hoa mà họ hoàn toàn không nhắc đến Ngài Huệ Viễn. Vì lẽ họ nhận chân ra được rằng: Những gì mà Ngài Đàm Loan thực hiện pháp môn Niệm Phật là thuộc về phần Dị Hành như trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của Ngài Long Thọ chủ trương và Vãng Sanh Luận Chú này là Ngài chú thích lại luận đã có sẵn của Ngài Thế Thân. Hai vị này được xem như là Đệ nhất và Đệ nhị Tổ Tịnh Độ Tông của Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Ở đây có lối truyền thừa trực tiếp. Tuy thời gian giữa các vị Tổ Tịnh Độ của Ấn Độ và Trung Hoa có cách xa hằng trăm năm đi nữa, thì vẫn không quan trọng so với vấn đề thời gian, mà vấn đề quan trọng là tư tưởng của Tịnh Độ và việc tiếp nhận tư tưởng ấy.

Thiền Tông truyền thừa từ Ấn Độ (gồm 28 vị Tổ) qua Trung Hoa (6 vị Tổ) có tính cách "lấy tâm truyền tâm", nghĩa là trực tiếp từ Thầy qua trò và vì thế có được tính cách liên tục theo thời gian. Nhưng Tông Thiền này về sau cũng chia làm hai Tông chính. Đó là Thiền Tào Động và Thiền Lâm Tế. Mỗi một môn phong truyền thừa của Thiền có tánh cách riêng.

Ở đây, riêng Tịnh Độ Tông, các vị Tổ hầu như không lập Tông Phái riêng, mà chỉ căn cứ vào 3 kinh căn bản của Tịnh Độ để tu học. Đó là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà. (Xin xem ở phần I bên trên). Đây là 3 bộ kinh quan trọng được truyền từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây 2555 năm về trước, cho đến thời hiện tại (2011) hầu như không có thay đổi gì nhiều qua vấn đề nương vào tha lực để vãng sanh. Tuy ở Nhật, quan điểm giữa Ngài Pháp Nhiên và Ngài Thân Loan có một ít sự khác nhau về việc vãng sanh, nhưng tựu chung vẫn là sự vãng sanh về thế giới Cực Lạc sau khi lâm chung và nương vào câu Phật hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật".

Quyển "Vãng Sanh Luận Chú" của Ngài Đàm Loan có hai phần. Phần đầu như đã được giải thích bên trên. Phần thứ hai, Ngài Đàm Loan dùng văn xuôi để giải thích rõ ràng về 10 việc khác nhau như:

- Đại ý của những bài kệ phát nguyện sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
- Khi quán tưởng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thì sanh ra tín tâm.
- Quán sát về việc thực hành câu Phật hiệu và thể tướng của việc vãng sanh.
- Khi lời thệ nguyện đã được thâm nhập vào tâm của hành giả rồi, sẽ được thanh tịnh chuyển hóa.
- Đức Phật A Di Đà dùng các phương tiện để nhiếp hóa chúng sanh, sanh về thế giới của Ngài qua những lời nguyện.
- Nhằm lìa xa những chướng ngại nếu có, phát tâm Bồ Đề dõng mãnh để được sanh về Tây Phương.
- Điều quan trọng là sự phát tâm Bồ Đề ấy phải được thuận theo con đường giải thoát sanh tử luân hồi để được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ.
- Cách niệm danh hiệu Phật phải nhiếp thủ trực tiếp để cầu sanh Tây Phương.
- Cầu nguyện cho việc phát tâm niệm Phật của mỗi chúng sanh nơi thế giới Ta Bà này được thành tựu viên mãn.
- Điều thứ 10 cũng là điều cuối cùng là việc niệm Phật ấy phải làm sao cho được lợi mình và lợi lạc cho người khác nữa, thì pháp môn Dị Hành ấy mới xứng đáng là pháp môn dễ thực hiện.

B. Ngài Đạo Xước và Tư Tưởng Tịnh Độ

Khi còn tại thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chia giáo pháp của Ngài ra làm 3 thời kỳ. Đó là thời Chánh Pháp gồm 500 năm, thời Tượng Pháp gồm 1.000 năm và thời kỳ Mạt Pháp gồm 10.000 năm.

Thời Chánh Pháp có nghĩa là: Các hành giả có tu, có hành và có chứng. Thời kỳ này là thời kỳ của Đức Phật, các vị Bồ Tát và các vị A La Hán xuất thế. Khi nghe giáo pháp từ bi, trí tuệ của Phật dạy đều hoan hỷ tín thọ và thành tựu quả vị Bồ Đề. Ngay cả độc ác sinh tâm hại Phật như: Đề Bà Đạt Đa, Vô Não hay bất hiếu như A Xà Thế, ác độc như bạo chúa A Dục trước khi quy y Tam Bảo v.v… nhưng khi những vị này nghe, hiểu và thực hành giáo lý giải thoát ấy thành tựu, tức là điểm đến của tâm có kết quả. Thời này gọi là thời kỳ có tu, có hành và có chứng, nhưng tiếc thay chỉ có 500 năm ngắn ngủi.

Thời kỳ Tượng Pháp 1.000 năm, sau thời Chánh Pháp là thời kỳ: Có tu, có hành nhưng không chứng. Thời kỳ này giáo pháp của Đức Phật vẫn còn tại quê hương Ấn Độ và lần đầu tiên di chuyển về phía Tích Lan cũng như Trung Âu, châu Phi và miền Bắc Ấn Độ, để từ đó tư tưởng Đại Thừa được phát triển qua sự xiển dương lý Vô Ngã, tánh Không, Trung đạo của các vị Đại Luận Sư như Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh và Long Thọ.

Nếu kể thời của Ngài Long Thọ là thời gian 300 năm đầu của Tượng Pháp (Ngài sinh ra sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn độ 800 năm). Thế mà Ngài đã biết rằng: Trong tương lai việc tu chứng không phải dễ dàng. Do vậy mà Ngài đã xiển dương pháp môn Tịnh Độ qua việc Niệm Phật và cầu vào tha lực của Đức Phật A Di Đà và qua bổn nguyện lực ấy, các chúng sanh ở thế giới Ta Bà sanh về Tây Phương một cách dễ dàng hơn. Rồi từ đó Ngài Thế Thân (người Ấn Độ) bắt cầu qua Ngài Đàm Loan (người Trung Hoa) cho tha lực ấy có cơ hội phát triển tại lục địa Á Châu rộng lớn này.

Nếu bảo rằng thời kỳ Mạt Pháp là thời kỳ mà chúng sanh chỉ có tu, không hành và không chứng thì thời gian này chính thức bắt đầu vào cuối thế kỷ 9 và đầu thế kỷ 10. Hay nói đúng hơn là cuối thời thịnh Đường của Trung Quốc. Thời này có các vị Tổ Thiền nhưng vẫn tu Tịnh Độ như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ chẳng hạn. Đây là dấu mốc của lịch sử truyền thừa Phật Giáo và là tư tưởng tối thượng thừa của những ai muốn nương vào câu Phật hiệu để giải thoát sanh tử luân hồi.

"Ngài Đạo Xước sinh năm 562 và tịch năm 645, là vị Tăng thuộc Tông Tịnh Độ đời nhà Đường, người Vấn Thủy, Tinh Châu (huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây) có thuyết nói Ngài là người Tấn Dương, Tinh Châu, họ Vệ. Cũng gọi là Tây Hà Thiền Sư. Là Tổ thứ 2 của Tông Tịnh Độ, vị thứ 4 trong 7 vị Cao Tăng của Chân Ngôn Tông Nhật Bản.

Năm 14 tuổi, Sư xuất gia, học khắp các kinh luận, đặc biệt tinh thông kinh Niết Bàn và từng giảng dạy kinh này tất cả 24 lần. Sau, Sư ở tại chùa Huyền Trung do Ngài Đàm Loan sáng lập, nhân đọc Văn bia của Ngài Đàm Loan mà chuyển sang tín ngưỡng Tịnh Độ. Lúc ấy Sư được 48 tuổi, từ đó mỗi ngày Sư đều niệm Phật 7 vạn biến.

Suốt một đời, Sư giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ tới hơn 200 lần, chủ trương bất luận là người xuất gia hay tại gia đều nên lấy việc niệm Phật làm cốt yếu. Trong lúc niệm Phật phải đếm những hạt đậu nhỏ gọi là "Tiểu đậu niệm Phật", đây là khởi đầu của việc lần tràng hạt niệm Phật ở Trung Quốc.

Năm Trinh Quán thứ 3 (629), Sư biết trước ngày tịch, nên họp chúng lại để từ biệt. Khi bốn chúng đông đủ, bỗng thấy Ngài Đàm Loan hiện thân bảo cho biết là dư báo chưa hết, nên Sư lại tiếp tục sinh hoạt như thường. Vua Thái Tông từng đến Thái Nguyên thăm Sư và ban cho nhiều báu vật. Đến năm 80 tuổi, sắc diện Sư vẫn hồng hào, thần khí sảng khoái, giảng giải về Tịnh nghiệp, lý nghĩa thông suốt.

Tháng tư năm Trinh Quán thứ 19 (645) Sư tịch, thọ 84 tuổi. Sư có các vị Đệ tử như: Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Diễn, Đạo Ngân.

Trứ tác: Luận Tịnh Độ 2 quyển, An Lạc tập 2 quyển".

(Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 1652-1653). (Xem Tịnh Độ Vãng Sanh truyện quyển Trung, Phật Tổ thống kỷ quyển 28, Tục Cao Tăng truyện quyển 20, Luận Tịnh Độ quyển hạ).

Nếu niệm thong thả một tràng hạt 108 câu Phật hiệu đầy đủ sáu chữ Hồng Danh "Nam Mô A Di Đà Phật" thì phải cần ít nhất là 5 phút. Một giờ đồng hồ có 60 phút. Trung bình có 1.296 câu được niệm. Nếu niệm liên tục trong 24 giờ thì tổng số là 31.064 lần, nhưng nếu chỉ niệm A Di Đà Phật hoặc giả Di Đà Phật, nghĩa là không cần dùng chữ Nam Mô và chữ A phía trước, niệm lướt nhanh trong đầu thì số lượng 70.000 lần có thể niệm trong một ngày một đêm được. Điều ấy có nghĩa là lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đại, tiểu tiện, lúc làm việc, giảng kinh, ngủ nghỉ v.v… lúc nào trong đầu cũng phải có câu Phật hiệu, thì mới được như vậy. Ở đây nói Ngài Đạo Xước mỗi ngày niệm 7 vạn câu Phật hiệu, tức là 70.000 lần. Quả là một công phu tu tập quá miên mật. Ngày xưa chưa có tràng hạt, mà phải dùng hạt đậu để tính số, cứ mỗi một câu Phật hiệu đã được niệm thì bỏ vào hay bỏ ra khỏi rổ một hạt đậu. Công phu hành trì của các vị Tổ Sư ngày xưa, bây giờ hầu như chẳng có ai theo chân nổi.

Lại trong tiểu sử của Ngài cho biết rằng: Ngài đã giảng kinh Đại Bát Niết Bàn 24 lần. Điều này cũng thật là hy hữu. Bộ kinh này Đức Phật nói tại núi Linh Thứu, trước lúc thị tịch Niết Bàn, cho các vị Bồ Tát, A La Hán, chư Thiên và loài người nghe. Kinh này đã được Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch ra tiếng Việt, có 2 quyển. Mỗi quyển độ 700 trang. Riêng bản thân chúng tôi và Tăng, Ni chúng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, phát nguyện lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ, từ sau rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Thường thường mỗi đêm lạy từ 250 đến 350 lạy như thế. Lạy ròng rã trong gần 10 năm qua, nhưng mới qua gần một nửa quyển thứ 2. Có lẽ còn đến 5 hay 6 mùa hạ nữa sau năm 2011 mới lạy xong bộ kinh này. Ở vào thời điểm năm 2011 mới lạy đến phẩm "Sư Tử Hống". Lạy xong bộ kinh này có lẽ trên dưới 500.000 lạy. Thế mà Ngài Đạo Xước đã lặp đi lặp lại 24 lần bộ kinh quan trọng này. Vậy trong kim ngôn, ngọc ngữ của Ngài không biết bao nhiêu là triệu chữ kinh văn. Quả thật ngôn ngữ, lời văn, sự linh hoạt của các vị Pháp Sư Phật Giáo không biết dùng bao nhiêu lời mới có thể tán dương hết được công đức này!

Năm Trinh Quán thứ 3 (629) lúc ấy Ngài muốn thị tịch Niết Bàn, nhưng vẫn còn ở lại với đời để độ sanh, vì thấy hình ảnh của Đệ Nhất Tổ Tịnh Độ Tông là Ngài Đàm Loan hiện ra, có ý muốn Ngài Đạo Xước ở lại với đời thêm nhiều năm nữa để Phật Đạo được lợi lạc. Thế là Ngài đã kéo dài mạng sống của mình thêm 16 năm nữa. Mãi cho đến năm 645 thì Ngài đã vãng sanh Tịnh Độ.

Năm 629 cũng là năm Ngài Huyền Trang đúng 30 tuổi. Năm ấy Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ để thỉnh kinh và suốt 17 năm trường đi về như vậy, Ngài Huyền Trang đã về lại Trung Quốc vào năm 646. Lúc ấy Ngài Đạo Xước đã viên tịch trước đó một năm rồi. Đây là thời thịnh Đường, Phật Giáo phát triển thật mạnh và Tịnh Độ lúc ấy cũng đã đơm hoa kết trái tại xứ sở Trung Quốc này.

"Ngài Đạo Xước (562-645) có trứ tác quyển An Lạc Tập gồm 2 quyển. Vào đời nhà Đường và đã thu vào Đại Chánh tạng tập 47. Cứ theo luận Tịnh Độ của Ngài Ca Tài nói, thì Ngài Đạo Xước tin theo Tịnh Độ giáo vào năm Đại Nghiệp thứ 5 (608) đời Tùy, lúc ấy đã 48 tuổi. Như vậy bộ kinh này có thể đã được viết vào khoảng năm 609 đến năm 645. Về mục đích của bộ sách, có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết bảo sách này là từ trong toàn bộ giáo nghĩa Phật Giáo mà rút tỉa ra những nghĩa chủ yếu của Tịnh Độ giáo, chứ không liên quan đến bộ kinh điển đặc biệt nào, có thuyết bảo sách này là trình bày ý nghĩa chủ yếu của ba bộ kinh Tịnh Độ, là sách khuyên người vãng sanh, cũng có thuyết bảo là giải thích yếu nghĩa của kinh "Quán Vô Lượng Thọ", nhằm tuyên dương thực nghĩa của việc vãng sanh Tịnh Độ. Nội dung bộ sách do 12 môn lớn cấu thành. Trong sách, giáo pháp một đời của Đức Phật được chia làm 2 môn Thánh Đạo và Tịnh Độ và cho rằng môn Tịnh Độ thích hợp với chúng sanh độn căn ở đời mạt pháp, cho nên đề xướng pháp môn niệm Phật, khuyên người ta niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đời sau, Nhật Bản chia Phật Giáo thành Thánh Độ Môn và Tịnh Độ Môn, chính đã bắt nguồn từ sách này.

Thời đại Ngài Đạo Xước đang chứng kiến sự kiện Vũ Đế nhà Bắc Chu bài xích Phật Giáo, tư tưởng Mạt Pháp trong Phật Giáo Trung Quốc lúc đó rất là phổ biến. Vấn đề tồn tại của Phật Giáo bị đe dọa thật sự. Lúc bấy giờ lại có các nhà thuộc tông Tam Luận cho rằng thuyết vãng sanh Tịnh Độ là kiến chấp hữu tướng, các nhà chú thích Luận Nhiếp Đại Thừa thì cho rằng Niệm Phật là "biệt thời ý", rồi phần nhiều bài bác pháp môn Tịnh Độ. Bởi thế, trong sách này, Ngài Đạo Xước cũng đã biện luận rất nhiều về ý kiến đó.

Sách này còn căn cứ vào thuyết năm lần 500 năm nói trong kinh Đại Tập, mà chủ trương Phật Giáo Trung Quốc lúc bấy giờ đang ở vào 500 năm lần thứ tư, chúng sanh cần phải nương tựa vào Pháp Môn Niệm Phật mới có thể được cứu vớt, do đó mới cực lực đề xướng Pháp môn niệm Phật. Tư tưởng này, sau được học trò của Ngài là Sư Thiện Đạo tập đại thành. Tư tưởng này, sau khi được truyền vào Nhật Bản, ở thời đại Liêm Thương (Kamakura), đã trở thành cốt tủy trong Tịnh Độ giáo của các vị Pháp Nhiên và Thân Loan. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 130).

Giáo lý chính của Đạo Phật là pháp duyên khởi, nghĩa là cái này sanh, nên cái kia sanh. Cái này có nên cái kia có, cái này diệt nên cái kia cũng diệt theo. Không có một vật nào độc lập cả, mà phải duyên vào nhau để tồn tại. Từ đó phải trải qua 4 giai đoạn là: thành, trụ, hoại, diệt (không) và tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này xảy ra phải được nhìn nhận dưới sự nhận thức của Tứ Pháp Ấn. Đó là: Vô thường, khổ, không và vô ngã. Chỉ có Niết Bàn mới là tịch tịnh, an vui giải thoát. Do vậy An Lạc tập của Ngài Đạo Xước hình thành cũng không qua khỏi nhận định này. Ngoài ra, Ngài còn căn cứ theo Kinh Vô Lượng Thọ để giải thích, cũng như đọc văn bia của Thầy mình (Đàm Loan) mà tỏ ngộ lý mầu, thì quả Phật Pháp môn trì danh niệm Phật đối với Ngài có một công năng vô tận.

Sau khi Phật Giáo được du nhập vào Trung Quốc thời Hậu Hán Minh Đế, Phật Giáo đã phát triển cực thịnh cho đến đời Vua Lương Vũ Đế (464-549). Thời kỳ này phải nói là thời của Thành và Trụ. Đến đời Vũ Đế nhà Bắc Chu, chính Ngài Đạo Xước đã chứng kiến, nhà Vua và triều thần phế Phật. Đây là thời kỳ hoại cũng như sắp đi đến chỗ diệt vong. Nếu không có Ngài Huyền Trang xuất hiện vào đầu nhà Đường thì Phật Giáo cũng sẽ bị lãng quên với lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc. Do vậy thịnh rồi suy, suy rồi thịnh. Đó là chuyện bình thường của vũ trụ và vạn vật.

Trong "Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới" Đức Phật không bảo rằng: Quả đất này tồn tại đến bao giờ, mà Đức Phật đã quy kết vào những điều sau đây:

- Nếu con người còn kính tin Tam Bảo
- Nếu con người còn tôn kính cha mẹ
- Nếu con người còn hòa hảo với anh chị em
- Nếu con người còn có tâm thương xót chúng sanh

Thì lúc ấy quả đất này vẫn còn tồn tại. Bằng ngược lại, thì tuổi thọ của quả đất này sẽ mau giảm và lúc ấy con người cũng như muôn vật đang sinh sống trên hành tinh này sẽ có cơ nguy bị hủy diệt. Tuy nhiên, mất rồi còn, còn rồi mất, đó là định luật thiên thu của vũ trụ này.

Thật ra thì pháp không mạt, chỉ do con người làm cho pháp không phát triển mà thôi. Thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp, vẫn nội dung giáo lý ấy, không có gì thay đổi, nhưng có thời có người tu chứng và có thời con người tu không chứng. Ấy là do con người, chứ không phải do pháp. Do vậy cho nên tùy theo từng thời gian và hoàn cảnh khác nhau của mỗi một thời mà các vị Tổ Sư ra đời để dẫn dắt quần sanh đi về nẻo thiện. Có như thế Phật Pháp mới mãi mãi được truyền lưu.

Qua lịch sử mấy ngàn năm đã chứng minh điều ấy. Đã có biết bao nhiêu triều đại vẻ vang cũng đã bước ngang qua lịch sử. Đâu có triều đại nào vững chãi mãi mãi với năm tháng trên ngai vàng? Và hung ác, tàn bạo, trù dập Phật Giáo v.v… rồi các triều đại ấy cũng đâu có luôn vững bền với nhân tâm và thế đạo. Chỉ có Đạo giáo mới là con đường đạo đức chính thống để mọi người có thể nương theo, nhằm củng cố đời sống tâm linh của mình. Từ đó vực dậy một niềm tin và đứng vững một thời với đất trời và vạn vật, rồi lại biến đổi thăng hoa, rồi lại trầm luân khốn khổ. Nhưng dầu cho bất cứ thời điểm nào, Phật Giáo vẫn có được những bậc Thiền gia Thạch Trụ, làm chỗ tựa vững chắc cho người Phật Tử nương tựa. Từ đó, Phật Giáo được mọi tầng lớp của thế gian này chấp nhận một cách dễ dàng như hơi thở của con người một cách tự nhiên hay như khí trời cùng vạn vật.

C. Ngài Thiện Đạo và Tư Tưởng Tịnh Độ

Ngài Thiện Đạo sinh năm 613 và viên tịch năm 681, là Cao Tăng Trung Quốc, sống vào đời nhà Đường, người huyện Lâm Chung, tỉnh Sơn Đông (có thuyết nói người ở Hu Di, tỉnh An Huy), họ Chu, hiệu Chung Nam Đại Sư. Sư là Tổ thứ 3 của Tông Tịnh Độ, cũng chính là người tập đại thành phái Đàm Loan, Đạo Xước thuộc Tông Tịnh Độ.

Lúc tuổi nhỏ, Sư theo Ngài Minh Thắng ở Mật Châu xuất gia, tụng các kinh Pháp Hoa, Duy Ma… Sau Sư được đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ, vui buồn lẫn lộn, Sư liền tu tập 16 pháp quán nói trong kinh này.

Năm Trinh Quán thứ 15 (641) đời vua Thái Tông nhà Đường, Sư đến chùa Huyền Trang ở Hà Tây yết kiến Ngài Đạo Xước, tu học Phương Đẳng sám pháp và nghe giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Từ đó về sau, Sư chuyên việc niệm Phật, dốc lòng tinh tấn, khổ hạnh, chứng được Niệm Phật Tam Muội, ở trong định thấy được cảnh trang nghiêm của Tịnh Độ. Về sau, Sư vào Trường An trụ ở chùa Quang Minh, truyền bá pháp môn Tịnh Độ. Sư hành trì tinh nghiêm, hằng ngày chắp tay ngồi theo kiểu của người Hồ (người các nước Tây Vực), nhất tâm niệm Phật đến khi mỏi mệt mới thôi.

Trong hơn 30 năm, Sư không có chỗ ngủ nhất định nào khác, không nhận sự lễ bái của Sa Di. Sư dùng của cúng dường vào việc viết chép 10 vạn quyển kinh A Di Đà và vẽ 300 bức tranh Tịnh Độ biến tướng, sửa chùa, làm lại các tháp miếu, già lam đã hư hoại. Sư đi hóa độ ở các châu, mọi người đều ngưỡng mộ đức của Sư, hoặc có người tụng kinh A Di Đà 10 vạn đến 30 vạn biến, hoặc có người trong thời khóa hằng ngày xưng danh hiệu Phật A Di Đà từ 1 vạn đến 10 vạn biến, hoặc có người chứng được Niệm Phật Tam Muội và vãng sanh Tịnh Độ.

Ngày 14 tháng 3, niên hiệu Vĩnh Long thứ 2 (681) đời Đường Cao Tông, Sư thị tịch, thọ 69 tuổi, Đệ tử có các vị Hoài Cảm, Hoài Huy, Tịnh Nghiệp…

Sư có các tác phẩm: Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ, 4 quyển, Tịnh Độ pháp sự tán, 2 quyển, Quán Niệm Pháp Môn, 1 quyển, Vãng Sanh lễ tán kệ, 1 quyển, Bát Chu tán, 1 quyển, Ngũ Chủng tăng thượng duyên nghĩa, 1 quyển. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 5826-5827).

(Xem Tục Cao Tăng truyện quyển 27, Vãng Sanh Tịnh Độ thụy ý san truyện, Niệm Phật kinh, Phật Tổ thắng ký quyển 26, 27, Tịnh Độ Vãng Sanh truyện quyển trung, Long Thư tăng quảng Tịnh Độ văn quyển 5, Lạc Bang văn loại quyển 2, Thần tăng truyện quyển 5, Vãng Sanh tập quyển thượng, Thích Thi kệ cổ lược quyển 3, Tịnh Độ Thánh Hiền lục quyển 2, Loại tụ Tịnh Độ Ngũ Tổ truyện, Kim Thạch tụng biên 73, 86).

Thời nhà Đường là thời văn hóa Phật Giáo được phát triển mạnh. Các loại kinh điển được phiên dịch chú giải ra tiếng Trung Hoa rất nhiều, nhất là cuộc đời của Ngài Thiện Đạo lại sinh ra cùng thời với Ngài Huyền Trang. Sau khi Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh về (645) và chú dịch tại Trường An, Ngài Thiện Đạo vẫn còn tại thế và đang hành trì Pháp môn niệm Phật, bằng cách mỗi ngày niệm Phật nhiều lần cũng như viết kinh, dịch sách. Kinh A Di Đà không dài, tuy nhiên chép tay 10 vạn quyển (tức là 100.000 bản) thời ấy phải cần rất nhiều thời gian. Vì ngày ấy không có máy in ấn, sao chụp như ngày nay. Như vậy so ra ý chí của người xưa và người nay khác nhau một trời một vực.

Trong Tiểu Sử của Ngài cũng cho biết rằng: Nếu Ngài có được của cúng dường thì thường đem đi sửa chùa, vẽ tranh, chép kinh để phân phát cho mọi người theo tu pháp môn Tịnh Độ. Đồng thời trong 30 năm hành đạo không có chỗ nghỉ ngơi nhất định và không nhận sự lễ bái của Sa Di. Quả là một công hạnh cao tột, do vậy sau này Tịnh Độ Tông Nhật Bản mới sắp đặt và cung thỉnh Ngài ở vào vị trí Tổ Sư Tịnh Độ thứ 5 (kể từ Ấn Độ) và đặc biệt chuyên tâm hành trì lễ bái lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà. Sau này, vào thế kỷ 13 ở tại Nhật và ngay cả ngày nay tại Việt Nam, đa phần những người tu theo Pháp môn Tịnh Độ đều thực hành các lời nguyện quan trọng 18, 19, 20 này.

Tư tưởng là những gì được cấu thành bởi sự hành trì tu tập một pháp môn mà mình đã trải qua. Do vậy những trứ tác tiêu biểu của một vị Tổ Sư, một vị Đại Sư chính là tư tưởng tiêu biểu của vị ấy. Sau đây chúng ta thử tìm hiểu một vài tác phẩm của Ngài Thiện Đạo viết về Tịnh Độ.

"Vãng sanh lễ tán kệ, gọi đủ là Khuyến nhứt thiết chúng sanh nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật quốc lục thời lễ tán kệ", cũng gọi là: Lục thời lễ tán kệ, Vãng sanh lễ tán, Lễ tán.

Tác phẩm này gồm một quyển, do Ngài Thiện Đạo soạn vào đời Đường, được thu vào Đại Chánh tạng tập 47.

Soạn giả dùng kệ lễ tán của các Ngài Long Thọ, Thế Thân làm nền tảng mà định ra pháp 6 thời lễ tán, tức vào 6 thời: Lúc mặt trời lặn, đầu hôm, nửa đêm, cuối đêm, sáng sớm và giữa trưa… thực hành lễ tán khác nhau. Như vào lúc nửa đêm tụng bài kệ 12 lễ, thực hành 16 lạy của Ngài Long Thọ, vào lúc cuối đêm thì tụng kệ Vãng Sanh luận, thực hành 21 lạy của Ngài Thế Thân. Đây là pháp tu của hành giả niệm Phật". (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 7055).

(Xem Khai nguyên thích giáo lục quyển 13)

Trú dạ lục thời, nghĩa là ngày đêm 6 thời, lúc nào cũng có lễ tán, tụng niệm,, sám lạy v.v… Đây là sáng kiến của Ngài Thiện Đạo thuộc đời nhà Đường vào thế kỷ 7. Mãi cho đến 700 năm sau tại Việt Nam cũng có một vị Vua bỏ ngôi đi xuất gia lấy hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông) vào đầu thế kỷ 14 cũng đã soạn ra Kinh lục thời khóa tụng như Ngài Thiện Đạo bên Trung Quốc, nhưng lục thời khóa tụng của Vua Trần Nhân Tông Việt Nam chuyên về Thiền học, còn lục thời khóa tụng của Ngài Thiện Đạo của Trung Hoa chuyên thực hành Pháp môn niệm Phật.

Tiếp đến chúng ta có thể nghiên cứu về tư tưởng của Ngài Thiện Đạo qua tác phẩm "Ngũ chủng tăng thượng duyên". Cũng gọi là ngũ tăng thượng duyên, ngũ duyên.

Năm thứ duyên tăng thượng của người niệm Phật cầu vãng sanh gồm:

1. Diệt tội tăng thượng duyên, cũng gọi là hiện sinh diệt tội tăng thượng duyên. Niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà làm duyên tăng thượng để tiêu trừ tất cả các nghiệp chướng.

2. Hộ niệm đắc trường mệnh tăng thượng duyên, cũng gọi là hộ niệm tăng thượng duyên. Hiện sinh hộ niệm tăng thượng duyên. Tức được Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí giữ gìn, che chở.

3. Kiến Phật tăng thượng duyên, cũng gọi là kiến Phật tam muội tăng thượng duyên. Hành giả niệm Phật, nhờ sức bản nguyện của Đức Phật A Di Đà mà được thấy Phật.

4. Nhiếp sinh tăng thượng duyên: chúng sinh nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà được vãng sanh.

5. Chứng sanh tăng thượng duyên: Người niệm Phật, nhờ nguyện lực của Phật, sau khi mệnh chung nhất định được vãng sanh.

(Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 3373). (Xem Quán niệm Pháp Môn, Quán niệm Pháp môn tư ký quyển hạ, Luận Thích Tịnh Độ quần nghi quyển 7, Quán kinh Huyền nghĩa phần truyền thông ký quyển 3).

Theo như 5 loại tăng thượng duyên trên, loại nào cũng quan trọng cả. Vì đây chính là những trợ lực thuộc về tha lực của Đức Phật A Di Đà để chúng sanh niệm Phật, sau khi lâm chung sẽ được tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Độ. Nhưng xét cho kỹ về Tăng Thượng Duyên thứ 3 quan trọng hơn cả. Vì lẽ sự vãng sanh của chúng sanh có được là nhờ vào bản nguyện của Đức Phật A Di Đà chứ không phải là tự lực của chúng sanh niệm mà được vãng sanh. Bản nguyện tiếng Đức gọi là Ursprüngliches Gelobnis. Nghĩa là lời thệ nguyện căn bản, gốc rễ. Chính từ đó phát sinh ra tha lực để giúp đỡ cho các chúng sanh ở mười phương vô biên thế giới siêu sanh về được Lạc Bang. Do lý do này mà tư tưởng của Ngài Thân Loan khác với Ngài Pháp Nhiên vốn là Sư phụ của mình, nhưng Ngài Thân Loan thì hoàn toàn giống với Ngài Thiện Đạo. Một người sinh ra ở Nhật Bản vào thế kỷ 13, chưa biết Trung Quốc là gì, nhưng tư tưởng của Ngài Thiện Đạo cách hơn 600 năm sau đã có người truyền thừa một cách trực tiếp và vững vàng tại Nhật Bản, không những chỉ có từ thế kỷ 13 ấy, mà mãi cho đến tận ngày nay, cho những ai thực hành theo Pháp Môn Tịnh Độ này.

Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc là một lịch sử có thật, ít thêu dệt. Thỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện thần thoại về một vị Tổ nào đó. Ví dụ như Ngài Bồ Đề Đạt Ma chẳng hạn, khi đến và khi đi đều không để lại dấu tích, hoặc như Ngài Long Thọ (Ấn Độ) xuống Long Cung, Ngài Liên Hoa Sanh (Tây Tạng, Bhutan) bay từ Ấn Độ qua truyền giáo. Hoặc giả như Ngài Nhật Liên (Nhật Bản) hay Ngài Không Lộ (Việt Nam) v.v… Tất cả đều muốn nhân cách hóa lên nhiều lần hơn để trở thành những việc làm thánh thiện hơn người thường. Có như vậy Phật Pháp mới linh thiêng. Có thể điều ấy hợp với thị hiếu của những người bình dân ít học, nhưng đối với những người có nghiên cứu thì họ rất dè dặt với những sự kiện như vậy.

Nếu kể từ thời Vua Hán Minh Đế thời Hậu Hán vào năm 68, kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được dịch ra tiếng Trung Hoa và đến thời Ngài Huệ Viễn (334-416) là gần 400 năm, theo sử Trung Hoa thì Tịnh Độ Tông đã chính thức được thành lập. Nếu tính theo Phật Giáo Tịnh Độ Nhật Bản và các nhà nghiên cứu phương Tây (Christian Steineck) thì cho rằng Tịnh Độ Tông Nhật Bản bắt đầu ở Trung Hoa từ thời Ngài Đàm Loan (476 -? ). Ngài Đàm Loan có thể thị tịch vào năm 554. Đó mới chỉ là nghi vấn, chứ chưa có những xác tín đáng tin cậy. Nhưng nếu chỉ tính từ năm 48 đến năm 500, dẫu cho Tông Tịnh Độ ở Trung Hoa vị nào là Đệ nhất Tổ đi nữa thì Tông này vẫn chưa được dân chúng và triều đình Trung Hoa biết đến trước tiên và rõ ràng hơn cả Thiền Tông tại đó nữa. Vì lẽ Thiền Tông tại Trung Quốc chính thức do Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ truyền sang năm 520 đời vua Lương Võ Đế (464-549). Đạt Ma Tổ Sư là vị Tổ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ và là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Như vậy Thiền Tông được chính thức có mặt tại Trung Hoa vẫn sau Tịnh Độ 20 năm (nếu kể từ thời Ngài Đàm Loan) và sau 120 năm (sau Ngài Huệ Viễn).

Từ giữa thế kỷ nhất đến cuối thế kỷ 5 các nhà Sư Trung Hoa đang tiếp cận một nền Phật Giáo sơ khai do các vị Tăng từ Ấn Độ sang truyền giáo tại đây như các Ngài Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan không rõ năm sinh và năm mất, nhưng các Ngài đã đến Kinh đô Lạc Dương từ giữa thế kỷ nhất. Rồi Ngài An Thế Cao (148-170?) cũng là người đầu tiên mang Thiền Quán vào Trung Quốc, nhưng không có sự truyền thừa. Tiếp đến là Ngài Cưu Ma La Thập (344-413). Các Ngài là những vị Đại Luận Sư, Đại Học giả, Đại Dịch giả, Đại Hành giả v.v… Hầu như là người ngoại quốc đến Trung Hoa, đầu tiên các Ngài phải học chữ Hán, từ cách viết cho đến cách nói để sử dụng trao đổi hằng ngày, sau đó mới đem những bản kinh nguyên văn bằng chữ Phạn dịch sang tiếng Trung Quốc. Từ đó mới có người Trung Quốc tu học theo. Đây là thời kỳ đầu, Phật Giáo chưa bắt rễ tại đây, có lẽ vì vậy mà các Ngài chưa vội gì tạo ra tông phái. Đến khi Phật Giáo phát triển mạnh sau thời nhà Lương đến thời nhà Đường thì các Tông Phái mới phân chia rõ ràng. Ở đây chúng tôi muốn làm sáng tỏ vấn đề là lâu nay nhiều người tu thiền chấp vào cách truyền thừa liên tục, cho rằng Thiền Tông mới có tính cách nhất quán, còn Tịnh Độ thì không có đầu đuôi và không có sự truyền thừa rõ rệt. Xem qua lịch sử truyền thừa của Tịnh Độ Tông Trung Hoa và Nhật Bản bên trên quá rõ nét, để cho Phật Tử Việt Nam chúng ta cũng sẽ hãnh diện lây là việc truyền thừa Tịnh Độ đến Việt Nam qua kinh điển và sử liệu cũng sẽ minh bạch rõ ràng, để người đời sau khi học Phật có nơi y cứ vào đó mà phát triển.

Dầu là Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Pháp Hoa, Chân Ngôn, Thiền hay Tịnh Độ v.v… tất cả chúng ta chỉ có chung một cái gốc. Đó là cái gốc căn bản của sự giác ngộ và giải thoát sanh tử luân hồi. Còn sự lập Tông, chia Phái… chỉ là phương pháp của các vị Tổ Sư muốn giúp cho những hành giả thuận theo pháp môn nào thì hành trì pháp môn đó, để được lợi mình, lợi người, chứ không phải chỗ cao thấp trong giáo lý. Ví như có người bảo rằng: Thiền dành cho những người căn cơ cao, còn Tịnh Độ để cho đàn bà, con trẻ và những người có căn cơ yếu kém. Điều ấy hẳn sai. Vì trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng: "Cõi Tịnh Độ không phải để cho người ít có căn lành được sanh về đó." Vậy cao hay thấp, đúng hay sai, chánh hay tà là do con người, chứ không phải do nơi pháp.

Chúng tôi chỉ muốn dùng hình thức nghiên cứu này để chứng minh rõ ràng về lai lịch cũng như cách truyền thừa của Tịnh Độ Tông để người đời sau đỡ mặc cảm và bỡ ngỡ rằng: Tông phái mình theo không có lai lịch, xuất xứ và không có những sự truyền thừa rõ ràng. Một câu Phật hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật" không chỉ đơn thuần trong 6 chữ Hồng Danh, mà câu ấy là một câu Thần Chú để trợ duyên cho hằng hà sa số chúng sanh ở cõi phàm tục này được siêu sanh về cõi Tịnh Độ qua bổn nguyện của Đức Từ Phụ A Di Đà.

Mỗi vị Bồ Tát, mỗi một vị Phật xuất hiện nơi đời này đều có những lời Đại nguyện khác nhau. Ví dụ như Đức Phật A Di Đà khi còn là vị Tỳ Kheo Pháp Tạng đã phát ra 48 lời Đại nguyện, Đức Phổ Hiền Bồ Tát có 10 Đại nguyện, Đức Phật Dược Sư có 12 lời nguyện, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng có 12 lời nguyện và 32 hóa thân. Ngoài ra Đức Địa Tạng Bồ Tát, Ngài Di Lặc v.v… tất cả các Ngài đều vì sự giải thoát sanh tử của chúng sanh mà vào đời ác ngũ trước này để lập nguyện cứu khổ quần mê, quay về bờ giác.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.246.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...