Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Tịnh Độ Tông »» VIII. Con đường Tịnh Độ »»

Tư tưởng Tịnh Độ Tông
»» VIII. Con đường Tịnh Độ

Donate

(Lượt xem: 3.750)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Tịnh Độ Tông - VIII. Con đường Tịnh Độ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tịnh Độ thì có rất nhiều cõi của nhiều vị Phật đang thuyết pháp giáo hóa chúng sanh tại đó, nhưng cõi Cực Lạc thì chỉ có một, cõi này do lời nguyện của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo mà thành tựu. Ví dụ như Đâu Suất Tịnh Độ, Đông Phương Dược Sư Tịnh Độ, A Súc Phật Tịnh Độ v.v...

Trong kinh A Di Đà cho biết rằng: Cõi Phương Đông có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm và hằng hà sa số Phật như vậy. Cõi Phương Nam thì có Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn v.v… Cõi Tây Phương lại có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang… Cõi Bắc Phương có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhựt Sanh, Phật Võng Minh… Cõi Phương Dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp… Cõi Phương Trên lại có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhứt Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn… có hằng hà sa số Đức Phật như vậy.

Qua kinh Hồng Danh Sám Hối, kinh 3.000 vị Phật, kinh 10.000 vị Phật v.v… Chúng ta thấy được rằng: Phật không phải chỉ có một vị. Do vậy cõi Phật cũng không phải chỉ một cõi, mà có vô lượng cõi thế giới như vậy. Mỗi thế giới tùy theo lời thệ nguyện của vị Phật ấy mà thế giới kia sẽ thành tựu như vậy. Có thế giới chỉ toàn ánh sáng, có thế giới chỉ toàn là hóa sanh, có thế giới chỉ toàn là màu sắc, có thế giới giống như những mắc cửi… như trong kinh Hoa Nghiêm hay Phạm Võng mà Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cho các vị Bồ Tát và chúng sanh trong cõi giới Ta Bà này rõ biết.

Ví dụ như vào đời Đường nhằm thế kỷ 7, sau khi Ngài Huyền Trang đi lưu học 12 năm ở Ấn Độ về, Ngài trú ở chùa Từ Ân dịch kinh, viết sách, diễn giảng và đặc biệt Ngài chú trọng về Duy Thức. Cho nên sau khi có người nối truyền, Đệ Tử là Ngài Khuy Cơ, chùa này được lấy tên để đặt nên Tông phái của Duy Thức thuở ấy là Từ Ân Tông hay Pháp Tướng Tông. Tông này tu chuyển thức thành trí và phát nguyện vãng sanh về Nội viện Đâu Suất của Đức Di Lặc. Đức Phật Di Lặc trong tương lai sẽ hạ sanh từ nội viện Đâu Suất này xuống thế giới Ta Bà để làm Phật, sau khi giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không còn hiện hữu nơi đây nữa.

Ngoại viện Đâu Suất toàn những niềm vui tuyệt diệu. Nếu có vị nào đó lỡ sanh vào ngoại viện Đâu Suất khi hưởng hết phước lạc của cõi Trời rồi thì cũng bị chi phối bởi sanh tử. Bởi vì Trời Đao Lợi vẫn còn nằm trong cõi Dục Giới này.

Khi xem truyện Tây Phương Du Ký của Ngài Quán Khâm Hòa Thượng người Đài Loan, chúng ta rõ biết được việc này. Bình sinh Ngài tu Tịnh Độ hay niệm Phật, tụng kinh Lăng Nghiêm và Pháp Hoa, nhưng ý nguyện của Ngài lúc nào cũng phải về cho được thế giới Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Một hôm Ngài nhập thất và trong khi nhắm mắt lại để niệm Phật thì thấy có một lão bà hiện ra và hỏi Ngài rằng: Bình thường Ngài tụng kinh gì? Ngài trả lời như trên và sau khi nhắm mắt lại chẳng bao lâu thì Ngài đã lên đến Nội viện Đâu Suất, nơi đó Ngài đã gặp Hư Vân Hòa Thượng, Ấn Quang Đại Sư rồi các vị Đại Sư bạn của Ngài thuở còn sanh tiền. Sau đó thì thần thức của Ngài Quán Khâm được Lão Bà đưa lên cõi Sắc rồi cõi Vô Sắc, khi ra ngoài cõi Vô Sắc rồi, Lão Bà hiện hình thành Quan Thế Âm Bồ Tát và đưa thần thức Ngài vào bái yết Đức Phật A Di Đà. Sau khi Ngài về lại cõi trần này, Ngài diễn tả rằng: Chỉ cái móng chân của Đức Phật A Di Đà cũng lớn hơn cả các nước Đông Nam Á Châu của chúng ta vậy. Ngoài ra Ngài nhớ lại trong 3 kinh Tịnh Độ còn diễn tả ở cõi Tây Phương Cực Lạc nếu muốn ăn thì đồ ăn liền hiện ra. Do vậy Ngài Quán Khâm đã khởi tưởng lên việc này, tự nhiên đồ ăn bay đến trước Ngài, Ngài xấu hổ quá. Vì nghĩ rằng ở cõi Cực Lạc các vị Bồ Tát đâu có ăn uống bình thường và Ngài đã rút tâm niệm tưởng nghĩ của mình lại, tự nhiên đồ ăn biến mất. Quả thật đây là cõi hóa sanh như trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy.

Cõi Phương Đông có Phật A Súc Bệ. Tiếng Phạn gọi là Aksobhya Buddha. Tiếng Tây Tạng gọi là: Sans-rgyas-mi-hkrugs Pa. là tên Đức Phật hiện tại ở Đông Phương. Gọi tắt là A Súc. Cũng còn gọi là A Súc Bệ Phật, A Sô Tỳ Da Phật, A Khất Sô Tỳ Dã Phật. Dịch ý là Bất Động Phật, Vô Động Phật, hoặc là Vô Nộ Phật, Vô Sân Huệ Phật. Cứ theo kinh A Súc Phật Quốc, quyển thượng, phẩm Phát ý thọ tuệ và phẩm Thiện Khoái chép, thì ở quá khứ, cách đây 1.000 cõi Phật về Phương Đông, có thế giới A Tỳ La Đề (Phạn: Abhirati), trong đó có Đức Đại Mục Như Lai xuất hiện, Ngài vì các Bồ Tát mà nói pháp tu hành sáu độ cao tột. Lúc bấy giờ, có một vị Bồ Tát, sau khi nghe pháp, phát tâm đạo vô thượng chánh chân, nguyện dứt sân hận, đoạn dâm dục, cho đến thành đại chánh giác, Đại Mục Như Lai vui mừng và ban hiệu là A Súc. Bồ Tát A Súc liền thành Phật trong thế giới A Tỳ La Để ở Phương Đông và hiện nay vẫn đang thuyết pháp ở cõi đó. Lại cứ theo kinh Pháp Hoa quyển 3 phẩm Hóa Thành Dụ chép, thì Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, khi chưa xuất gia, có 16 vị vương tử, sau đều xuất gia làm Sa Di. Người con thứ nhất tên là Trí Tích, tức là A Súc thành Phật tại nước Hoan Hỷ ở phương Đông. Kinh Bi Hoa quyển 4 chép, Phật A Di Đà ở đời quá khứ là vua Vô Tránh Niệm có 1.000 người con, người con thứ 9 là Mật Tô, tức A Súc thành Phật tại phương Đông, tên nước là Diệu Lạc.

Mật Giáo lấy Đức Phật này làm một trong 5 vị Phật ở Kim Cương giới, tượng trưng cho Đại Viên Cảnh Trí. Ngài được tôn trí ở giữa nguyệt luân chánh đông, trong 5 luân giải thoát, phía trước là Kim Cương Tát Đỏa, phía phải là Kim Cương Vương Bồ Tát, phía trái là Kim Cương Ái Bồ Tát, phía sau là Kim Cương Hỷ Bồ Tát. Hình tượng màu vàng ròng, tay trái nắm lại đặt ở trước rốn, tay phải thòng xuống chạm đất, tức là A Súc xúc địa ấn (Ấn A Súc chạm đất). Mật hiệu là Bất Động Kim Cương. Chủng tử là Hum. Hình Tam Muội Da là chày năm chẽ (chày kim cương năm chẽ). Chân ngôn là: "Án Á Khất Sơ Tỳ Dã Hồng". (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 68-69).

(Xem kinh Đại Bảo Tích Hội Bất Động Như Lai, kinh Đạo Hành Bát Nhã quyển 6, quyển 9, kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội quyển thượng, kinh Duy Ma quyển hạ, Tịnh Độ dữ Thiền (Ấn Thuận, Diệu Vân tập hạ biên 4).

Cõi của Phật A Súc ở thế giới Đông Phương vẫn có người nữ hiện diện tại đó và chúng sanh trong nước này mặc bằng vỏ cây, cho nên giữa cõi này và cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà không giống nhau. Lý do là tùy theo nguyện lực của mỗi vị Bồ Tát ấy trước khi thành Phật muốn phát nguyện cõi mình sẽ thành tựu như thế nào.

Nếu kể ra hết các cõi Tịnh Độ thì vô số, nhưng chừng ấy cõi cũng để cho chúng ta thấy rằng: phàm có uế độ ở đây thì ở kia sẽ có Tịnh Độ. Tùy theo ai muốn sanh về đâu thì sanh, đi về đâu thì đi. Nhưng theo các vị Tổ Sư Tịnh Độ như Long Thọ, Thế Thân đều cho rằng có 2 con đường để chọn. Đó là Nan Hành và Dị Hành. Đời mạt pháp này chỉ có pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tây Phương của Đức Phật A Di Đà là dị hành (dễ làm) mà chư Phật trong 10 phương đều tán thán việc làm này của Đức Phật A Di Đà (kinh A Di Đà). Cho nên ở cõi Ta Bà này nhất là vào thời kỳ mạt pháp, các vị Tổ Sư đã chấp nhận Tịnh Độ môn hơn là Thánh Đạo môn để cầu sanh Tây Phương sau khi lâm chung.

Dưới đây là Đồ Biểu do chúng tôi thiết kế các nước theo Tịnh Độ Tông và chư Tổ Sư truyền thừa. (xem trang sau) Mong rằng đây mới chỉ là khởi thảo tài liệu lịch sử này riêng cho Việt Nam để Phật Tử Việt Nam có một cái nhìn toàn bộ hơn. Riêng về bình diện thế giới chúng tôi không mong đợi gì hơn, đây cũng là sự cần có của những người tu theo pháp môn Tịnh Độ.

Sau khi thiết lập được biểu đồ này rồi, chúng ta sẽ gạn lọc ra phương pháp tu học của từng vị Tổ Sư Tịnh Độ và sẽ hệ thống hóa theo từng quốc độ khác nhau để những người sau này dễ tra cứu tìm hiểu hơn về chư vị tiền bối của mình. Có như thế chúng ta mới không hỗ danh là những người thừa kế.

Mỗi vị Tổ Sư xuất hiện trong đời này đều có một trọng trách khác nhau để làm cho mối đạo được phát triển. Sau khi Đức Phật viên tịch, cả hằng 9 thế kỷ sau Ngài Long Thọ mới xuất hiện tại miền Nam Ấn Độ, được người đời xưng là Đệ Nhị Thích Ca. Như vậy phải biết rằng trí tuệ và sự đắc chứng của Ngài như thế nào rồi. Sau này 8 Tông Phái như: Trung Quán, Hoa Nghiêm, Mật Tông, Tịnh Độ đều tôn xưng Ngài là Tổ Sư. Riêng Tịnh Độ Tông, theo các nhà học giả Tôn Giáo Đông Phương và Tây Phương, Ngài chỉ đề cập về Tịnh Độ trong luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa trong phẩm Dị Hành trong thiên thứ 9 thuộc 35 chương của luận này là phần trọng yếu của pháp môn Tịnh Độ.

Dị Hành là dễ làm. Đối lại với Nan Hành (khó làm). Nghĩa là, trong hai pháp tu Nan Hành và Dị Hành để đạt đến giai vị không trở lui, thì Dị Hành là pháp tu mau được mà dễ thực hiện.

Ngài Long Thọ cho pháp tu xưng niệm danh hiệu Phật là không trở lui, mau thành mà dễ làm, nhưng tu pháp môn này, điều kiện tiên quyết là phải có lòng tin vững mạnh.

Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Chú (tức Vãng Sanh luận chú), quyển thượng, của ngài Đàm Loan (Đại Chánh Tạng, Tập 40, trang 826, tờ b, dòng 7-8), nói: "Dị hành đạo, nghĩa là chỉ cần nhân duyên tin Phật, phát nguyện vãng sanh, nương nhờ nguyện lực của Phật, được sanh về cõi thanh tịnh."

Tông Tịnh Độ Nhật Bản cho rằng xưng niệm danh hiệu Phật với đầy đủ ba tâm (trực tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm) là Dị Hành, Chân Tông thì không những cho niệm danh hiệu Phật là Dị Hành mà còn cho niệm danh hiệu với niềm tin sâu xa vào tha lực hồi hướng của Phật A Di Đà cũng là Dị Hành. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 1247).
(Xem luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa quyển 5, phẩm Dị Hành)

Ở đây chúng ta thử tạo ra một biểu đồ của mỗi vị Tổ Sư thực hành theo pháp môn Tịnh Độ như sau:

Theo Tổ Sư Long Thọ, người muốn được sanh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà phải cần ba điều kiện căn bản bên trên, mà Ngài gọi là Dị Hành. Đó là: Có nhân duyên để tin Phật, sau đó phát nguyện vãng sanh về Tây Phương và phải nương vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Đây chính là tín, nguyện và tha lực.

Lòng tin là mẹ sinh ra chư Phật như trong kinh Hoa Nghiêm nói. Với Đức tin này con người có thể thành tựu mọi sở nguyện, nhưng điều quan trọng là mình phải hướng niềm tin ấy về đâu và sau cùng phải nhờ đến thần lực của Đức Phật A Di Đà. Nếu không có tha lực ấy thì chắc chắn chúng ta sẽ khó vãng sanh về thế giới Tây Phương được.

Đệ nhị Tổ Sư Tịnh Độ Tông ở Ấn Độ là Ngài Thế Thân cũng dựa theo Dị hành đạo của Ngài Đệ Nhứt Tổ Sư Long Thọ, nhưng ở đây vị Đệ Nhị Tổ Sư nương vào kinh Vô Lượng Thọ (kinh Đại Bản A Di Đà) để chỉ ra 10 điều căn bản, dựa theo lời nguyện thứ 11, 18 và 22 để được vãng sanh về Tịnh Độ.

Có 10 cặp đối đãi nghĩa là: Tụng đại ý các bài kệ, khi khởi sự quán tưởng thì sanh tín tâm, quán tưởng về thể tướng của Phật, đi vào nguyện tâm an ổn, lành thay nhiếp hóa chúng sanh, xa lìa tâm chướng ngại giải thoát, thuận theo tâm giác ngộ, tâm và nghĩa cân đối nhau, nguyện cho công việc được thành tựu và cuối cùng là làm việc lợi lạc cho mọi người được đầy đủ.

Tất cả 10 việc trên đều nương vào lời nguyện thứ 11, 18 và 22 của Đức Phật A Di Đà để được vãng sanh về Cực Lạc quốc.

Phật Giáo Trung Quốc có được 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông theo như xưa nay chúng ta đã được biết, nhưng theo Phật Giáo Tịnh Độ Nhật Bản người ta chỉ công nhận Ngài Đàm Loan, Đạo Xước và Thiện Đạo. Do vậy chúng ta thử truy tìm lại pháp môn tu của các vị này vậy.

Trên căn bản ba vị này cũng dựa vào 3 kinh căn bản của Tịnh Độ và dựa theo Vãng Sanh luận của Ngài Thế Thân để lập nên hạnh nguyện và Tông chỉ của mình khi phát tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc quốc.

Như Ngài Đàm Loan sau khi dựa theo việc Dị Hành của Ngài Long Thọ để lại, Ngài đã soạn Vãng Sanh luận và nơi luận này Ngài đã hướng dẫn những người niệm Phật theo 5 cách sau đây.

Thứ nhất là lễ bái Đức Phật A Di Đà. Khi chúng ta đứng trước kim thân Phật Tổ, chúng ta nên gieo năm vóc sát đất để đảnh lễ Đức Phật này. Vì lẽ Ngài là một bậc vô Thượng Y Vương, một vị Phật cao tột trong ba đời chư Phật.

Thứ hai là phải tán thán ca ngợi danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là vị Phật có hào quang vô lượng và có đời sống vô lượng.

Thứ ba là phải phát lời thệ nguyện sanh về Tịnh Độ. Khi thấy ở uế độ này, chúng sanh bị trầm luân trong sanh tử, nên phải phát nguyện sau khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Thứ tư là Quán Tưởng Đức A Di Đà và cảnh giới của Ngài. Trong kinh Tiểu Bổn A Di Đà đã diễn tả rất rõ ràng. Người phát tâm niệm Phật, cần phải quán tưởng về thân tướng của Ngài và cảnh giới ấy.

Thứ năm là hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh. Khi thực hành bất cứ một điều gì cũng nên hướng về những người khác, thì việc làm của mình được tạo thêm tăng thượng duyên cho chính mình và những chúng sanh khác trong thế giới này cũng như thế giới khác và ngay cả người còn lẫn kẻ mất cũng được lợi lạc vô ngần.

Khoảng hơn 100 năm sau vào đầu thế kỷ 7, thời Ngài Huyền Trang thì đã có Ngài Đạo Xước hoằng dương pháp môn Tịnh Độ tại Trung Quốc bằng cách đếm từng hạt đậu khi niệm Phật cũng như lúc tụng kinh A Di Đà. Đây quả là một công việc thật bất khả tư nghì, khó diễn tả hết bằng lời nói được.

Ngài nương theo kinh Vô Lượng Thọ để soạn ra 2 tập An Lạc tập, để chứng minh cho nhân thế thấy rằng trong thời buổi Vũ Đế nhà Bắc chu bài Phật trọng Nho giáo. Cho nên tác phẩm này đã biện luận rất nhiều về ý kiến của Tam Luận cho rằng Vãng Sanh Tịnh Độ là kiến chấp hữu tướng. Đồng thời Ngài đã lập ra Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn. Thánh Đạo môn có nghĩa là người ở vào thế giới này nhờ vào tự lực tu hành mà ngộ đạo thành Thánh, gọi là thử độ thành Thánh, đó gọi là Thánh Đạo môn. Còn Tịnh Độ môn có nghĩa là người nương nhờ vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, sinh về Tịnh Độ mà ngộ đạo, gọi là bỉ độ nhập chứng, đó gọi là Tịnh Độ môn. Tư tưởng này của Ngài Đạo Xước được Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên của Tịnh Độ Nhật Bản triển khai mạnh vào thế kỷ 13, nhưng Ngài Thân Loan, đệ tử thân tín của Ngài Pháp Nhiên hoàn toàn chỉ tin vào tha lực cũng như bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, tức là Tịnh Độ môn, chứ không tin rằng tự lực tu học có thể sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc được.

Ngoài ra là niệm Phật một cách miên mật. Mỗi ngày niệm nhiều câu Phật hiệu. Niệm niệm liên tục trong đi đứng nằm ngồi, ăn uống, tụng niệm v.v… Đây chính là việc thực hành pháp môn Tịnh Độ vậy.

Đến khi Ngài Thiện Đạo thực hành pháp môn Tịnh Độ thì đã qua những giai đoạn khai tông lập giáo rồi, nhưng với Ngài thì lời thệ nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà là quan trọng nhất, để từ đó soạn ra những kinh sách chỉ dẫn cho những người tu theo pháp môn này như sách 5 loại tăng thượng duyên vậy.

Khi niệm Phật một cách miên mật với danh hiệu A Di Đà là làm tăng thượng duyên để diệt trừ tất cả bao nhiêu nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp trở lại đây.

Khi niệm Phật tức thì Đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát lúc nào cũng gìn giữ, che chở cho người phát tâm niệm Phật.

Khi hành giả niệm Phật một cách miên mật thì nhờ sức bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà mà được gặp Phật và thấy Phật. Cõi Cực Lạc là cõi hóa sanh và việc chúng sanh thành tựu việc sanh về đó là do tha lực bổn nguyện của Đức Phật mà thành tựu, chứ không phải do tự lực của chính mình.

Tất cả chúng sanh trong 10 phương vô biên thế giới nhờ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà được vãng sanh về Tịnh Độ.

Cuối cùng trong 5 tăng thượng duyên này là nương vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà chúng sanh được sanh về nước Cực Lạc.

Đây là ba vị Tổ Sư rất quan trọng của Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Tuy rằng Ngài Nguyên Tín không phải là người khai tông lập giáo, nhưng nếu không có Ngài Nguyên Tín viết Vãng Sanh Yếu Tập thì Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên không thể dựa vào đó để chính thức lập tông. Dầu cho Ngài Nguyên Tín vẫn tu theo Thiên Thai Tông nhưng là một gạch nối rất quan trọng để sau này Ngài Pháp Nhiên khai tông lập giáo.

Tư tưởng Tịnh Độ đã quá rõ ràng qua nội dung gồm 10 điều của Vãng Sanh Yếu tập, tức là 10 điều cần yếu cho việc vãng sanh như sau:

Chúng sanh phải chán lìa cõi này là cõi ô uế. Vì lẽ chúng sanh ở đây chỉ luôn tạo ra các nghiệp ác của tham, sân, si. Do vậy phải có tâm chán lìa cõi này.

Kế đến là phải hướng về Tây Phương để thỉnh cầu Tịnh Độ, một cõi giới thanh tịnh, không còn bị luân hồi sanh tử chi phối.

Điều thứ ba là giới thiệu cảnh giới Cực Lạc qua kinh A Di Đà như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thuyết giảng nơi nước Xá Vệ.

Phải siêng năng hành trì việc niệm Phật. Vì đây là công phu cần thiết để thể hiện lời nguyện của mỗi chúng sanh.

Khi một hành giả sắp lâm chung, việc trợ niệm rất cần thiết. Vì lẽ lúc thần thức sắp rời khỏi thân trung ấm phải cần có những thiện hữu tri thức trợ niệm.

Niệm Phật phải ấn định thời gian nhất định trong ngày, mỗi ngày từ 3 đến 6 lần niệm Phật như vậy.

Chứng minh cho những hành giả niệm Phật thấy rằng niệm Phật là việc rất lợi ích cho người còn sống cũng như kẻ đã qua đời.

Tất cả những người niệm Phật, khi ra đi được an toàn. Do Phật và chư vị Thánh Chúng đến tiếp dẫn. Đó là những chứng cứ cần thiết để đặt đức tin vào việc hành trì pháp môn này.

Vãng sanh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà được gọi là đới nghiệp vãng sanh và sẽ sanh về thai cung biên địa, nếu người đó vẫn còn bị các nghiệp như 5 tội lớn, hoặc giả không tin mà còn chê bai chánh pháp nữa.

Cuối cùng của 10 việc trong Vãng Sanh Yếu Tập là những câu hỏi về việc sanh tử và Ngài Nguyên Tín nhân đó giải đáp cho những tín đồ để được hàm triêm lợi lạc.

Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên nương vào quyển Vãng Sanh Yếu Tập của Ngài Nguyên Tín cũng như nhờ đọc bộ Quán Kinh Sớ của Ngài Thiện Đạo mà được khai ngộ. Từ đó Ngài sáng lập Tông Tịnh Độ và chuyên tu pháp môn Niệm Phật.

Sau sự kiện 2 cung nữ của Thượng Hoàng Hậu Điểu Vũ tên là Trùng Tùng và Linh Trùng xuất gia ở đạo tràng Lộc Cốc nên đã dẫn đến việc tố cáo của Nam Độ Bắc Lãnh. Cuối cùng Đạo Tràng Niệm Phật bị đình chỉ, 2 vị Tăng bị xử trảm. Còn Ngài Pháp Nhiên lúc ấy đã 75 tuổi, nên được đưa về lưu đày ở Tán Kỳ trong vòng 4 năm. Năm sau (1212) Đại Sư viên tịch.

Trong đời của Ngài đã làm được những việc mà lịch sử khó có người thực hiện được. Đó là việc cho đệ tử của mình là Ngài Thân Loan trong và sau khi ở tù về chính thức thành lập gia đình. Lấy một người con gái của quan làm vợ và vị này sau đi xuất gia có tên là Huệ Tín.

Qua tác phẩm "Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật“ Ngài Pháp Nhiên có giải thích rất rõ ràng về những nguyên nhân nghiệp lực mà được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cũng như việc niệm Phật cần yếu như thế nào của một hành giả phát tâm sanh về đó.

Tuy nhiên cách nhìn của Ngài Pháp Nhiên về việc niệm Phật theo Thánh Đạo môn đã bị Ngài Thân Loan sau này không tán đồng. Thánh Đạo có nghĩa là người tu pháp môn niệm Phật trong cõi này và nhờ tự lực mà thành Thánh. Trong khi đó người Đệ Tử Thân Loan quyết tin tưởng hoàn toàn vào tha lực của Đức Phật A Di Đà và đặc biệt hơn là Bổn Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà mà tất cả chúng sanh đều được sanh về thế giới Cực Lạc kia.

Khi Ngài Pháp Nhiên viên tịch rồi (1212) thì giáo đoàn phân tán, nhưng nhờ Ngài Thân Loan tái gầy dựng trở lại qua pháp môn niệm Phật tha lực cũng như chủ trương người vãng sanh tuần tự theo 5 cách sau đây:

Đầu tiên là chí tâm. Có nghĩa là người cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ phải một lòng tha thiết với tâm mình là mong mỏi được sanh về đó.

Kế đến là tín nhạo. Nghĩa là vui vẻ, hoan hỷ tin tưởng nơi pháp môn niệm Phật để được sanh về.

Thứ ba là dục sanh. Đây có ý nói hành giả niệm Phật sau khi lâm chung mong mỏi được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Ba tâm này do chúng sanh phải lập nguyện và phát nguyện để được vãng sanh. Còn 2 tâm sau là do chư vị Bồ Tát thực hiện. Đó là:

Nhiếp thủ: Nghĩa là gìn giữ chúng sanh đã sanh về nước Cực Lạc một cách cẩn thận.

Bất xả: Khi chúng sanh ấy đã được các vị Bồ Tát tiếp dẫn về Tây Phương rồi thì không buông bỏ người đó, mà một lòng hộ trì để chúng sanh ấy tu hành tiếp tục và được sanh vào các phẩm vị cao hơn để được giác ngộ hoàn toàn.

Với Ngài Thân Loan sáng tổ Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản chủ trương rằng chỉ trong một đời là được vãng sanh cũng giống như Chân Ngôn Tông đã chủ trương vậy, nhưng với Ngài Thân Loan thì có một số điểm khác hẳn với Ngài Pháp Nhiên là:

- Kẻ ác dễ tu chứng hơn là người hiền. Qua ví dụ của A Xà Thế, Vô Não v.v… Ngài chứng minh là khi người ác đã phản tỉnh thì độ giác ngộ cao hơn là người hiền.

- Phật thương những chúng sanh tội lỗi nhiều hơn. Lý do như người mẹ có 3 người con. Trong khi đó có một người bịnh nặng thì người mẹ quan tâm hơn. Do vậy chúng sanh nào bị khổ não bức bách nhiều thì được Đức Phật đoái hoài thương cảm gấp bội.

Ngài chính thức thành lập gia đình (có thể là vào giữa năm 1207 đến 1211). Việc này chính do Sư phụ của Ngài là Ngài Pháp Nhiên cho phép và thúc đẩy. Có lẽ do sự kiện 2 cung nữ của Thượng Hoàng Hậu Điểu Vũ là điều không có gì mà bị vu khống cũng như chẳng qua là sự ganh ghét gièm pha giữa Tông này và Tông khác, nên Ngài Pháp Nhiên đã thấy thời cơ đã đến và chứng minh cho người Nhật thấy rằng Thân Loan sẽ là một người đệ tử đại tài, sẽ trở thành người lãnh đạo của một phái Tịnh Độ mới sau này.

Điều quan trọng nhất của Ngài Thân Loan là việc niệm Phật để được vãng sanh không phải là do tự lực của hành giả niệm Phật, mà là do tha lực, do bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Bản nguyện ấy là gì? Là cái nguyện căn bản khi Ngài đã thành Phật thì thế giới của Ngài phải như vậy như vậy.

Lâu nay chúng ta chỉ chú ý về 10 niệm nhất tâm cho đến lúc lâm chung trong lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà, nhưng theo Ngài Thân Loan thì không cần thiết. Bởi vì nhờ cái nguyện lực căn bản và tha lực của Đức Phật mà chúng sanh được sanh về cảnh giới ấy, chứ không phải do tự lực trong 10 niệm không tán loạn.

Qua tác phẩm giáo, hạnh, tín và chứng chúng ta đã thấy được thâm ý của Ngài Thân Loan muốn dẫn dắt chúng sanh đời sau đi vào thế giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà không thể không nương vào 3 kinh căn bản của Tịnh Độ được. Đó là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà.

Việc thực hành niệm Phật là bổn phận của hành giả tu theo pháp môn này. Dầu ở đâu hay ở bất cứ hoàn cảnh nào, người niệm Phật cũng phải chuyên tâm thực hành câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật.

Niềm tin với Phật, với sự vãng sanh là một năng lực, một sức mạnh nhằm đưa hành giả trở về lại quê hương tịnh cảnh ấy.

Cuối cùng là chứng đạo, chứng vào con đường Tịnh Độ. Con đường này thoát ly sanh tử luân hồi và ra khỏi bao nhiêu sự ràng buộc oan trái của thế gian đầy đau khổ này.

Nhìn Tiểu sử của Ngài Pháp Nhiên và Ngài Thân Loan cho ta thấy được sự bền chí và khổ công của những người khai Tông lập giáo ngay từ lúc ban đầu. Do vậy chúng ta cần trân quý những gì có thể hạ thủ công phu để thực hiện việc này. Đây mới là điều đáng nói.

Đạo Phật được truyền đến Tây Tạng trực tiếp từ Ấn Độ và không qua ngã Trung Hoa. Ngài Liên Hoa Sanh đóng một vai trò quan trọng trong phái Cổ Mật và các truyền thống Du Già Bí Mật, trong đó kể cả Tịnh Độ Tông. Thật ra thì Tịnh Độ Tông của Tây Tạng cũng không khác Tịnh Độ Tông Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam bao nhiêu. Vì tất cả các vị Tổ Tịnh Độ đều lấy 3 kinh Tịnh Độ làm chính. Tuy nhiên Tịnh Độ đến mỗi quốc độ có thay đổi ít nhiều để khế hợp với tình trạng văn hóa, phong tục tại xứ đó, cho nên các vị Tổ Sư phải tùy theo hoàn cảnh và phương tiện để mang Đạo vào Đời.

Phần bên trên chúng tôi đã giới thiệu tương đối khá rõ ràng về Phật Giáo Tây Tạng rồi. Đến phần này chúng tôi chỉ xin tóm lược lại cách hành trì pháp môn Tịnh Độ của Tây Tạng, nhằm hướng dẫn cho tín đồ có một cái nhìn thực tiễn hơn khi thực hành pháp môn này.

Theo Ngài Doprupchen, Thầy của Đại Sư Tulku Thondrup thì người tu theo pháp môn Tịnh Độ Tây Tạng cần quán triệt 4 phương pháp dưới đây:

Thứ nhất là Niệm Phật và quán tưởng cảnh giới Cực Lạc. Đa phần những người niệm Phật chỉ nghĩ về câu Phật hiệu để tạo sự nhất tâm, nhưng theo vị Đại Sư này và Phật Giáo Tây Tạng thì kèm thêm vấn đề quán tưởng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc giống như trong kinh A Di Đà đã mô tả, nhằm giúp cho hành giả giữ tâm được an định hơn.

Thứ hai là tích tụ những phước đức. Chính nhờ việc làm phước bố thí cúng dường này mà đương sự gặp được nhiều thắng duyên trong lúc sống cũng như khi đi đầu thai, dầu cho đó là chư Tăng hay Phật Tử.

Phần thứ ba là phát triển tâm Bồ Đề. Phải phát nguyện một cái gì đó cho thật là dũng mãnh, kiên cố dầu cho phải trải qua thời gian dài lâu đi nữa, nhưng theo Đại Sư Doprupchen thì cho rằng: Điều kiện thứ ba này có càng tốt, nếu không có cũng không sao.

Phần thứ tư là hồi hướng và phát nguyện. Đây là một công việc cần thiết của hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ, cốt làm cho quần sanh đều được lợi lạc.

Tóm lại Phật Giáo Tịnh Độ Tây Tạng vẫn lấy Ngài Long Thọ và Ngài Thế Thân làm Đệ nhất và Đệ nhị Tổ của Tông phái mình. Còn Ngài Liên Hoa Sanh là Tổ Sư thứ nhất của tất cả mọi Tông phái của Tây Tạng về phái Cổ Mật này. Cho đến thế kỷ 15 Ngài Tông Khách Ba mới thành lập phái mũ vàng.

Quê hương Việt Nam chúng ta vốn lâu đời bị người phương Bắc đô hộ, cho nên về văn hóa của Phật Giáo đa phần chúng ta cũng rập khuôn theo Trung Hoa. Dĩ nhiên cái gì tốt đẹp chúng ta học theo, không có gì để phải luận bàn, nhưng óc lệ thuộc quá nhiều, làm cho chúng ta mất đi tinh thần tự chủ. Do vậy, nếu ngay từ bây giờ, chắc cũng không trễ lắm là tinh thần này chúng ta nên độc lập và thiết lập các vị Tổ Sư cũng độc lập cho Tông phái của mình có lẽ hay hơn nhiều.

Tịnh Độ Tông Việt Nam chúng ta công nhận Ngài Long Thọ và Ngài Thế Thân là Đệ Nhất và Đệ Nhị Tổ. Ngài Đàm Hoằng sang Việt Nam vào năm 420 làm Đệ Tam Tổ. Đối với Tịnh Độ Tông Việt Nam thì Ngài là Sơ Tổ. Tuy Ngài là người đến từ Trung Hoa, nhưng Ngài đã ở Giao Châu 35 năm, từ năm 420 đến năm 455 và viên tịch tại quê hương chúng ta. Do vậy chúng ta chắc chắn rằng Ngài đã phải hội nhập vào văn hóa Phật Giáo của quê hương này. Ngay như Ngài Minh Hải Pháp Bảo, Tổ Sư của dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An Quảng Nam. Tuy Ngài cũng là người Trung Quốc, nhưng Ngài đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 16 lúc trên 20 tuổi và Ngài ở tại Hội An cho đến khi viên tịch tại chùa Chúc Thánh. Đối với quê hương Ngài, Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 34. Nhưng đối với Thiền Lâm Tế Chúc Thánh, Ngài là Sơ Tổ vậy.

Từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 20, một khoảng thời gian gần 1.500 năm như thế chưa tìm ra được tông tích của Tịnh Độ Tông Việt Nam. Hy vọng rằng những nhà sử học Phật Giáo sau này sẽ làm sáng tỏ cho vấn đề này.

Phương pháp tu hành của Ngài Đàm Hoằng vẫn dựa theo 3 kinh Tịnh Độ làm chính để quyết định vãng sanh. Tuy lúc sinh thời Ngài không khai tông, lập giáo và có lẽ trước đó và sau Ngài vẫn có những vị đã tu theo pháp môn Tịnh Độ tại đất Giao Châu thời bấy giờ, nhưng các Ngài không để lại dấu vết như việc sáng tác, chủ trương như các Tổ Sư Trung Hoa hay Nhật Bản. Do vậy chúng ta đời sau khó hệ thống hóa việc này một cách dễ dàng được.

Đến đầu thế kỷ 20, bước qua thế kỷ 21 này, tại Việt Nam chúng ta có 2 vị Đại Sư chủ trương Tịnh Độ rất rõ nét. Đó là cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Tuy Hòa Thượng Thích Thiền Tâm sinh sau (1925) Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917), nhưng vì Hòa Thượng Thích Trí Tịnh vẫn còn tại thế, cho nên chúng tôi sắp xếp cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm ở trên một bậc, vì là người đã ra đi trước.

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm sáng tác, dịch thuật kinh sách đa phần cũng dựa theo tư tưởng của các vị Đại Sư Trung Quốc. Tuy nhiên sách vở về Tịnh Độ Tông đều nhờ Ngài dịch ra tiếng Việt hoàn toàn, cho nên những người tu Tịnh Độ Việt Nam có rất nhiều tài liệu để tham khảo, nghiên cứu và tu học, trong đó có quyển Niệm Phật Thập yếu. Có nghĩa là 10 điều cần yếu trong pháp niệm Phật để được vãng sanh.

Đầu tiên là Niệm Phật phải vì giải thoát sanh tử. Chúng ta sinh ra trong thế giới Ta Bà này, vốn là chốn ngũ trược ác thế. Do vậy, dầu cho sống ở đây có đầy đủ bao nhiêu đi chăng nữa vẫn là nơi phiền lụy của một kiếp nhân sinh. Cho nên người niệm Phật phải mong cầu thoát khỏi sự sống chết để sanh về một thế giới không còn luân hồi sanh tử nữa.

Kế tiếp là niệm Phật phải phát lòng Bồ Đề. Lòng Bồ Đề là lòng thành cầu quả vị giải thoát. Quả ấy phải ở ngoài sự tranh chấp thị phi, nhơn ngã và phải lập nguyện cao thượng vững vàng mới có thể đạt đến cảnh giới giải thoát được.

Thứ ba là niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi. Khi chúng ta tưởng nhớ đến Đức Phật A Di Đà với hào quang vô lượng, với thọ mạng vô cùng, không có gì để đáng nghi ngờ nữa. Vì đây chính là hình ảnh mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu.

Thứ tư là niệm Phật phải quyết định nguyện. Mỗi người phải tự chăm sóc đời sống tâm linh của mình. Còn chư Phật chư Tổ chỉ là những người đưa đường dẫn lối, chỉ vẽ cho chúng sanh bỏ ác hành thiện, nhưng phát nguyện sanh về đâu là do tự chúng ta chứ không phải ở nơi các Ngài.

Thứ năm là niệm Phật phải hành trì cho thiết thật vãng sanh. Vãng sanh là mục đích chính của mỗi hành giả tu pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta phải tha thiết khi niệm danh hiệu của Ngài trong mọi động thái của cuộc sống như: Đi, đứng, nằm, ngồi v.v…

Thứ sáu là niệm Phật phải đoạn tuyệt phiền não. Phiền não vốn là những chướng duyên trong cuộc sống, nhưng phiền não cũng là Bồ Đề. Vì nếu không có phiền não thì Bồ Đề không có đối tượng để tiến tu. Khi phiền não đoạn diệt thì Bồ Đề sẽ hiển hiện nơi nội tâm của mỗi hành giả.

Thứ bảy là niệm Phật phải khắc kỳ cầu chứng nghiệm. Không phải chỉ niệm suông câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, mà phải niệm vì thoát ly sanh tử và niệm Phật sẽ thấy được những hiện tượng nhẹ nhàng thanh thoát, không thấy điềm dữ khi ngủ nghỉ, mà lúc nào hình ảnh chư Phật và chư Bồ Tát cũng hiện tiền.

Điều kế tiếp là niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn. Điều này có nghĩa là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta phải chia ra thời khóa rõ ràng, không được lười mỏi, trừ khi bịnh hoạn. Còn lúc nào cũng như lúc nào cũng phải tâm tâm niệm niệm lo cho việc giải thoát sanh tử vậy.

Thứ chín là phải an nhẫn những chướng duyên. Khi không tu thì ma chướng không quấy phá mình. Vì mình là bạn của chúng. Ví dụ như ma buồn ngủ, ma phóng dật, ma tham, ma sân, ma si, ma ngã mạn, ma tà kiến v.v… Nhưng khi chúng ta tu, chúng ta quyết tâm hạ thủ công phu, có nghĩa là chúng ta bước ra khỏi hàng ngũ của chúng và bị lây nhiễm nhiều năm tháng rồi. Do vậy chúng ta phải an nhẫn trước những thử thách. Lúc ấy chỉ có câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là cần chí thành tha thiết mà thôi.

Điều thứ 10 cũng là điều cuối cùng rất cần thiết và quan yếu cho người tu theo pháp môn Tịnh Độ là dự bị lúc lâm chung. Đây là một đề tài cấm kỵ đối với những người hay sợ chết, nhưng đối với những người Phật Tử hiểu đạo thì chết chỉ là một việc bình thường thôi. Ai sinh ra trong đời này mà không bị chết. Chỉ khi nào chúng ta không sinh thì chúng ta mới không chết, nhưng sự chết đối với Đạo Phật không phải là hết. Chết là bắt đầu lại một kiếp số khác. Kiếp số ấy tốt đẹp hay xấu xa đều liên hệ với quá khứ và hiện tại. Do vậy nên cần niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà để cầu sanh Tây Phương sau khi thần thức đã lìa xa thể xác ở thế giới Ta Bà này.

Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm đã hướng dẫn một cách rõ ràng cho những vị muốn tu theo pháp môn Tịnh Độ. Do vậy, đây là một tác phẩm quan trọng để hành trì khi muốn thực hành pháp môn này.

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là một bậc danh tăng Việt Nam ở vào thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21 này. Nay Ngài đã 95 tuổi (1917-2011) nhưng vẫn còn minh mẫn. Ngài là một đại dịch giả chuyên về kinh Đại Thừa, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt những bộ kinh lớn như: Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Đại Bảo Tích v.v… Chỉ đặc biệt về kinh, còn luật và luận, Ngài ít dịch. Có lẽ vì kinh nhiều người đọc tụng, nên Ngài đã chú tâm về phần này.

Ngài cũng là một hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ. Chủ trương lập nên Cực Lạc Liên Hữu từ năm 1955. Đây là một tổ chức chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh do Ngài sáng lập và chủ trì. Từ đó đến nay đã trên nửa thế kỷ rồi, pháp môn này ngày càng lan tỏa khắp 3 miền đất nước Việt Nam.

Khi tôi vào Chùa (1964) tôi đã nghe ba việc căn bản này (tín, hạnh, nguyện) rồi và ngay cả như tôi đã nghe có nhiều vị Pháp Sư giảng nghĩa chữ Nam Mô A Di Đà Phật có 3 nghĩa là: Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Công Đức. Nhưng nay tra cứu kỹ thì chỉ có 2 nghĩa là: Vô Lượng Quang (Amitabha), Vô Lượng Thọ (Amitayus), chứ tuyệt nhiên không có chữ Vô Lượng Công Đức trong ý nghĩa của chữ A Di Đà. Tuy vị Phật này cũng như nhiều vị Phật khác đều có những công đức không thể suy lường được. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để đời sau không lầm tưởng, nếu không, cứ tiếp tục định nghĩa như vậy thì không đúng với ý nghĩa nguyên thủy của nó.

Nếu Việt Nam chúng ta có vị Đại Sư nào lập ra tín, nguyện, hạnh như Ngài Ấn Quang tại Trung Quốc là 3 pháp tu dựa theo 3 kinh Tịnh Độ thì là điều quá quý rồi, ngay cả Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Nếu Ngài đã phát minh ra 3 từ này, chứng tỏ Ngài cũng là một vị Tổ Tịnh Độ Việt Nam được truyền thừa và khai tông lập giáo qua tư tưởng ấy.

Tín tức là lòng tin. Chúng ta tin có một thế giới như vậy. Nơi ấy có Đức Phật A Di Đà và chư vị Thánh chúng đang độ sanh. Chúng ta tin nơi cõi Cực Lạc kia có vô lượng chúng sanh đang ở đó giống như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đã diễn tả. Đồng thời chúng ta tin rằng: Niệm Phật miên mật thì chắc chắn được vãng sanh.

Nguyện đây là phát nguyện một cách tinh tấn, dõng mãnh không thối tâm lùi bước. Biết chắc rằng: Sau khi lâm chung sẽ được thác sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Vì vậy người phát tâm phải tin thật sâu, nguyện thật thiết và hành trì thật miên mật, thì việc vãng sanh không phải là điều khó thực hiện.

Hạnh ở đây chính là việc hạ thủ công phu với câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Do chính bản nguyện của Đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện khi Ngài còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo và sau khi cõi Cực Lạc đã thành tựu thì Ngài là giáo chủ tại cõi ấy. Niệm Phật miên mật được vãng sanh là niệm Phật tha lực chứ không phải là niệm Phật tự lực. Vì tự lực niệm Phật chỉ có thể giác ngộ cho chính mình ở cõi này, còn nơi Tây Phương Cực Lạc phải do tha lực của Đức A Di Đà mới có thể thành tựu được.

Rút tỉa những kinh nghiệm và quán triệt tư tưởng Tịnh Độ đối với Phật Tử Việt Nam

Niệm Phật được vãng sanh thì đã có không biết bao nhiêu là câu chuyện được kể. Từ Trung Quốc đến Tây Tạng, từ Nhật Bản đến Việt Nam, từ Trung Quốc ra hải ngoại ngày nay. Các gương “Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi” là những thành quả của những người tu theo pháp môn này.

Có nhiều người nói rằng: Ngày xưa Đức Phật tu thiền chứng Đạo, chứ Ngài có niệm Phật để thành Phật đâu? Điều ấy không sai, nhưng ngoài Thiền không có Tịnh Độ và ngoài Tịnh Độ không có Thiền. Bởi vì thời Đức Phật còn tại thế, căn cơ và nghiệp lực của chúng sanh còn dễ hướng thượng để tu Thiền. Ngày nay, nhất là trong thời kỳ mạt pháp này, theo như chư vị Tổ Sư vẫn thường hay đề cập đến, thì việc tu Thiền không phải đơn giản để thành tựu quả vị Phật trong đời này. Số này tương đối ít, chỉ để dành cho những bậc Thượng Căn Thượng Trí. Còn Pháp môn Tịnh Độ cũng chính do Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni nói ra và dành cho đại đa số quần chúng, chứ không nhất thiết chỉ để dành riêng cho một hạng người nào. Đây là cảnh giới giải thoát có xen tạp với đủ hạng người, nhưng vì lòng bi mẫn của Đức Phật A Di Đà mà Ngài đã phát ra 48 lời nguyện để trang nghiêm quốc độ của Ngài. Ngay cả bản thân tôi, khi mới đến xứ Đức (1977) cũng vì phương tiện dùng Thiền Tào Động (Thiền Mặc Chiếu) để ứng dụng cho mình và hướng dẫn những người Đức tu học. Sau này tôi hướng dẫn họ vào Tịnh Độ một cách dễ dàng, nhưng người Tây Phương nếu muốn tu Tịnh Độ, chắc cần phải một thời gian lâu dài hơn nữa, họ mới có thể quán triệt hết pháp môn này.

Riêng đối với người Việt Nam tại Đức, tôi là người đầu tiên đến khai sơn, truyền bá Đạo Phật tại đây, người mà xuất thân từ dòng thiền Lâm Tế của quê hương xứ Quảng Nam, học Nhật Liên Tông ở Nhật, ứng dụng Thiền Tào Động tại Đức và tu theo pháp môn Niệm Phật. Do vậy long vị của tôi ngày sau khi tôi ra đi chắc nên viết như thế này:

Sau khi tìm hiểu ngọn ngành của Tịnh Độ Tông từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi Đại Hàn, Nhật Bản, tôi thấy các nước này có sự truyền thừa rất rõ rệt và các vị Tổ Sư đã vang bóng một thời, xây dựng nên đạo nghiệp. Còn riêng Việt Nam chúng ta, quê hương nhiều bất hạnh, nhưng không phải là thiếu sự truyền thừa. Tôi chỉ mong ở những thế hệ sau này tiếp nối con đường làm rạng danh Tổ Đức. Còn với tôi trong hiện tại (2011), tuổi đời đã 63, tuổi đạo 48, hạ Lạp 41. Do vậy mà những điều gì khó khăn hơn xin trao lại cho tương lai của tuổi trẻ và riêng phần mình, tôi chỉ xin đơn cử những điều cần yếu như: Việc niệm Phật để cầu vãng sanh nên dựa vào ba kinh Tịnh Độ làm chính. Từ đó chúng ta lấy 3 bộ kinh này làm căn bản để phát triển việc vãng sanh.

Theo tôi có 3 điều kiện cần yếu như sau:

- Thứ nhất: Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh về cõi giới Cực Lạc. Vì lẽ qua bản nguyện của Đức Phật A Di Đà cũng như tha lực của Ngài, căn cứ theo lời nguyện thứ 18, tất cả chúng sanh đều sanh về thế giới này. (Theo kinh Vô Lượng Thọ).

- Thứ hai: Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Vì lẽ qua kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã chỉ bày cho bà Hoàng Hậu Vi Đề Hy quán tưởng cũng như Đệ nhất Tổ Sư Tịnh Độ Việt Nam Ngài Đàm Hoằng đã thực hiện, nên việc niệm Phật và quán tưởng cảnh giới và hình ảnh chư Phật rất cần thiết cho việc vãng sanh. (Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ).

- Thứ ba: Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh về cõi giới Cực Lạc. Vì lẽ thế giới này do Đức Phật A Di Đà biến hóa và thành tựu. Từ chim chóc, ao hồ, cảnh trí v.v... Thế giới biến hóa ấy đã làm cho chư Phật trong 10 phương phải ngợi khen. Do vậy khi niệm Phật nên nghĩ tưởng rằng: Cõi này là cõi hóa sanh. (Theo kinh A Di Đà).

Theo tôi, người đời sau chỉ cần niệm Phật và việc được sanh về cõi giới Cực Lạc là do Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn, không có gì để lo lắng cả. Vì niệm Phật chắc chắn được vãng sanh và sẽ thành Phật. Điều này dựa theo 3 kinh căn bản trên của Tịnh Độ Tông và theo phần quán về Hạ Phẩm Hạ Sanh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng như phẩm Phạm Hạnh trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Đây là chứng cớ: Dẫu cho kẻ ấy có bị phạm tội ngũ nghịch hay nhứt xiển đề, cuối đời nếu phát tâm niệm Phật vẫn được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc như thường. Nhưng điều kiện quan trọng là chúng sanh ấy phải biết tàm quý (xấu hổ) về những nghiệp cũ mình đã gây tạo ra trong bao đời trước và phải nhờ có thiện hữu tri thức gần gũi trong lúc lâm chung, khuyên ta niệm Phật. Nếu thiếu 1 trong 2 điều kiện này thì thai cung biên địa của cõi Cực Lạc thế giới kia cũng khó sanh vào, dẫu cho Đức Phật A Di Đà và chư vị Thánh chúng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát vẫn có ý chờ đợi ta nơi cõi Vô Sanh ấy.

Thời gian sau 100 năm, 500 năm hay 1.000 năm có trôi qua đi nữa, đây chính là tư tưởng của tôi (Thích Như Điển) về Tịnh Độ, mà tôi muốn rút tỉa những kinh nghiệm đã nghiên cứu và mong rằng quý Phật Tử Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nên quán triệt điều này để thực hành thì quả là công đức không nhỏ.

Sau đây là phương pháp hành trì.

A. Cho từng cá nhân:

Nếu tự mình niệm Phật thì không phải là vấn đề khó. Vì mình làm chủ việc này. Việc niệm Phật này có thể thực hiện nơi nhà riêng, trước bàn thờ Phật hay khi nằm (nếu bịnh hoạn). Trên tay cầm xâu chuỗi, miệng luôn luôn niệm thành tiếng hay niệm thầm 6 chữ Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật, nhưng phải chú ý về 3 điều kiện đã nêu trên, nếu niệm chỉ để niệm thì việc niệm Phật cũng ích lợi, nhưng không sâu sắc và không thể vãng sanh về ở phẩm vị cao hơn nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Cũng có thể niệm đếm số (niệm Phật công cứ) để biết rằng mỗi ngày mình đã niệm được bao nhiêu và tổng kết hằng tháng, hằng năm có chư Tăng Ni chứng minh để được lợi lạc.

B. Cho tập thể:

Việc này có nhiều cách. Ví dụ như ở Đạo Tràng Tu Bát Quan Trai, Đạo Tràng Niệm Phật, niệm khi có người mất, tuần thất, khóa tu học nhiều người v.v...

Việc này cần trang nghiêm và đều đặn trong từng động tác một của đi, đứng, nằm, ngồi. Người Nhật, người Hoa thể hiện việc này rất đồng bộ. Riêng Phật Tử Việt Nam ở trong nước chỉ mới thấy được Đạo Tràng chùa Hoằng Pháp tại Hóc Môn là có quy củ nhất. Trong khi đó ở ngoại quốc ngày nay chưa thấy nơi nào có được quy củ như vậy.

Ví dụ Đạo Tràng Tu Bát Quan Trai: Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy rằng: Nếu ở cõi Ta Bà này có người nào tu tập thanh tịnh trong một ngày một đêm thì công đức ấy bằng một năm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu kẻ nào tu được nhiều ngày nhiều đêm thanh tịnh, thì ở thế giới Cực Lạc bằng nhiều năm như vậy. Pháp tu này Đức Phật đã hướng dẫn cho Vua Tần Bà Sa La, thân phụ của Vua A Xà Thế, lúc bị con mình giam vào ngục. Nhà vua đã đích thân thực hiện việc này trong nhiều năm tháng. Cho nên khi vua chết, đã được sanh Thiên.

Vì sao tu Bát Quan Trai giới ở thế giới Ta Bà mà được thành tựu như vậy? - Vì lẽ cõi này là cõi ác, cõi không thanh tịnh... mà người nào có tâm thanh tịnh để giữ gìn 8 giới pháp ấy trong một ngày một đêm, thì kết quả sẽ được như vậy.

Thông thường Bát Quan Trai người ta cũng có thể tự thọ ở nhà, nhưng ngày nay thì thường hay tổ chức tại chùa hay ở những nơi công cộng vào cuối tuần hay ngày 14, rằm, hoặc 30, mồng một, để mọi người có thể dễ tụ họp và sám hối, tụng kinh, niệm Phật, lễ bái... trong những ngày chay tịnh ấy. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là làm sao cho thành nếp, mới là điều đáng quý. Quý Đạo Hữu, Phật Tử nên có những chiếc áo tràng màu lam thanh lịch. Đây thuộc về lễ phục, mà chỉ riêng Phật Tử Việt Nam mới có, còn Phật Tử các nước khác trên thế giới không ăn mặc đồng đều như chúng ta. Tuy nhiên vấn đề hàng ngũ không ngay ngắn và việc lễ bái, kinh hành niệm Phật lúc đi cũng như lúc lạy xuống, lúc đứng lên chưa đều. Mặc dầu đã có tiếng khánh, tiếng chuông dẫn lễ đi kèm, nhưng người già kẻ trẻ lạy lên xuống chưa đồng đều. Do vậy từ ngoài nhìn vào thấy lổm chổm khó coi. Ngay cả tiếng tụng kinh và niệm Phật cũng vậy, phải nên đồng giọng, cao thấp đều hòa thì mới trang nghiêm. Khi chúng ta đi xem một buổi hòa tấu hay một điệu múa, chúng ta sẽ nhận ra được điều ấy. Chúng ta cho là điệu múa hay, vì những người múa đều và chúng ta nghe hòa tấu cảm thấy thích thú, vì mọi âm điệu, tiết tấu, đều hòa nhau, ăn khớp với nhau. Ở đây niệm Phật cũng vậy. Có thể có nhiều cách niệm khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng là hòa. Điểm này Phật Tử Việt Nam chúng ta ở trong cũng như ngoài nước cần lưu ý.

Đạo Tràng Niệm Phật thì số lượng người tham gia chắc chắn đông đảo và về đây chỉ có một việc duy nhất là niệm Phật. Có thể kéo dài trong suốt một ngày, hai, ba cho đến bảy ngày như vậy. Ở Âu Châu mỗi năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại đây tổ chức những khóa tu học Phật Pháp trong 10 ngày cho trên dưới 1.000 người ở mỗi nước khác nhau. Năm nay 2011 tổ chức tại Áo có 1.024 người tham dự trong kỳ thứ 23 này và kỳ thứ 24 sẽ tổ chức tại Anh Quốc (Birmingham) từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 năm 2012. Cứ mỗi kỳ như vậy đều dành ra một ngày niệm Phật miên mật từ sáng cho đến chiều tối. Mỗi lần niệm chừng 2 tiếng đồng hồ và chia ra làm 4 nhóm khác nhau. Việc niệm Phật có thể thực hiện cùng các việc như:

- Tụng kinh Tịnh Độ
- Kinh hành nhiễu Phật
- Lễ bái 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà.

Trong khi tại Việt Nam, Đạo Tràng tu niệm Phật ở chùa Hoằng Pháp mỗi lần như thế quy tụ cả 5-7 ngàn người. Đây là một đạo tràng tương đối có quy củ, có tổ chức. Từ việc ăn uống, ngủ, nghỉ cho đến việc tụng kinh, bái sám v.v...

Những Đạo Tràng Niệm Phật như vậy chủ yếu việc tu hành niệm Phật là chính. Còn nghe pháp cũng như tọa đàm thì không cần nhiều. Vì lẽ ở những khóa học khác đã nghe rồi. Còn Đạo Tràng Niệm Phật nên chuyên tu nhiều hơn.

Tại chùa Viên Giác Hannover cũng như các chùa khác tại xứ Đức và Âu Châu mỗi năm đều căn cứ vào các ngày lễ vào cuối năm, trong mùa hè hoặc lễ vía cũng tổ chức những tuần lễ Phật thất như vậy. Mỗi lần quy tụ được cả mấy trăm người, nhưng vấn đề đều nhau ở mọi phương diện vẫn chưa thực hiện được. Tôi không biết tại sao? Đâu là lý do chính?

Bây giờ mọi người Phật Tử ở trong cũng như ngoài nước đều ham tu, nhất là môn niệm Phật. Vì lẽ đây là pháp hành. Nếu thực hành pháp niệm Phật một cách miên mật thì âm thanh ấy, hình ảnh trang nghiêm cả ngàn người ấy chư Thiên sẽ ngoảnh tai lại để nghe. Chư vị Bồ Tát sẽ nở nụ cười hoan hỷ và Đức A Di Đà ở xa xa phóng quang đến và Ngài sẽ bảo rằng: "Một hoa sen nơi cõi Tây Phương Cực Lạc đang chờ đợi con đó!" Niệm Phật mà chư Thiên, chư vị Bồ Tát Thánh Chúng, chư Phật trong 10 phương thế giới còn phải quan hoài đến thì huống chi là loài người. Dầu cho vị ấy có tu Thiền hay tu Mật đi nữa mà nghe tiếng niệm Phật của cả 1.000 người đều đặn, trầm bổng và khi nhìn thấy hàng lối thẳng tắp hoặc lúc quỳ đảnh lễ thấy nhịp nhàng thì tim của thiền sư sẽ đập nhịp khác, mắt thiền sư sẽ nhìn khác về những người đang quyết tâm tu học cầu giải thoát này.

Việc hộ niệm khi có người sắp lâm chung là vấn đề quan trọng. Phần này đối với Phật Tử Việt Nam tại ngoại quốc ít có cơ hội thực hiện miên mật, vì người mất ở xa nơi mình cư ngụ, nhưng ở Việt Nam thì có thể dễ dàng hơn. Các vị Đại Sư đến hộ niệm cho người sắp lâm chung nên giảng về vô thường, vô ngã, khổ, không v.v... Vì lúc cận tử nghiệp đến người ấy đang ở trong trạng thái lâm sàng rất cần những lời khuyên này và lúc ấy họ nghe dễ hiểu cũng như chấp nhận những gì vị Đạo Sư khuyên dạy dễ dàng hơn. Dẫu sao đi nữa thì người sắp mất cũng phải học buông xả ngay lúc này. Riêng phần những người Phật Tử đến hộ niệm chỉ nên đứng hai bên giường người sắp mất để niệm Phật và không nên đứng phía dưới chân giường. Vì phía dưới cơ thể là nơi tâm thức của người ấy xuất ra để đi đầu thai hoặc vãng sanh. Chỉ riêng vị Đạo Sư nên đứng bên trên đầu của người sắp mất để giảng pháp hoặc hộ niệm khi Đại Chúng niệm Phật.

Riêng phần nghi lễ ma chay của Việt Nam ở trong nước vẫn còn rườm rà, nhưng ở ngoại quốc ngày nay đa phần đã được đơn giản hóa theo những tục lệ và hoàn cảnh địa lý nơi có người Việt Nam cư ngụ, nhưng điều thiết yếu là những lễ nghi căn bản truyền thống không làm cho nó mất đi, mà cố gắng giữ lại được phần căn bản nào thì hay phần ấy. Hơn 3 triệu người Việt Nam đang có mặt trên thế giới ngày nay đang sinh sống thì trước sau gì cũng sẽ có hơn 3 triệu cái chết như thế. Đó là chưa kể đến việc sinh sôi nảy nở trong 10, 20 hay 30 năm nữa trên quả địa cầu này. Nếu là Phật Tử, chúng ta lo chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình, thì tang lễ và những ngày tuần thất của thân nhân chúng ta sẽ tương đối ít bỡ ngỡ. Bằng ngược lại, chẳng có một sự lo toan nào cả, khi việc quan trọng của đời người đến, lúc ấy chẳng biết xoay xở làm sao cho hợp tình hợp lý đây. Đó là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc đời.

Khi đến thăm nhà một người Nhật, một người Đại Hàn hoặc giả đến những ngôi chùa hoặc những nơi trang nghiêm thờ tự của họ, chúng ta thấy cảm mến. Vì lẽ không ai bảo ai, trước khi bước vào nhà hay vào chùa tất cả giày dép đều tự động được cởi ra và họ tự động sắp thành hàng ngay ngắn để chiếc giày hay đôi dép quay mặt ra phía ngoài, để khi lễ xong, cúi xuống xỏ chân vào giày dép được thuận chiều. Một người cũng vậy, 10 người cũng vậy, 100 người cũng thế hay dẫu cho 1.000 người cũng vậy thôi. Đây là một nét đẹp truyền thống. Vì lẽ người lớn, người già, con trẻ ai ai cũng tuân thủ theo quy luật tự nhiên này. Trong khi đó người Việt Nam chúng ta vẫn tôn trọng ngôi Tam Bảo, vẫn lễ bái nguyện cầu, nhưng nếu ai đó có lưu tâm về những đôi giày đôi dép để ở phía trước hàng ba của chùa hay trước cửa nhà tư nhân... thì chúng ta thấy chưa hoàn toàn lắm, vẫn còn thiếu trật tự và trách nhiệm tự thân của mỗi người. Như bên trên chúng tôi đã có lần đề cập đến người Nhật họ xây dựng đất nước họ bằng chỉ 3 điều tâm huyết mà thôi.

Đó là:

- Đúng giờ
- Sạch sẽ
- Tin tưởng nhau

Đây là những bài học căn bản của một đại cường quốc Á Châu mà 130 triệu người ấy đã có hơn 2 phần 3 hay nói đúng hơn là gần như 100% đều thực hiện được. Cho nên nước của họ mới giàu, dân của họ mới mạnh như vậy. Còn dân tộc ta ngày nay có mặt ở khắp nơi trên quả địa cầu này, so sánh về phương diện cá nhân giữa người này và người khác, chúng ta chẳng thua ai cả, nhưng so sánh một tập thể, kể cả tập thể của Tôn Giáo thì chúng ta cần phải học hỏi ở những dân tộc Đông Phương và Tây Phương gấp nhiều lần hơn thế nữa thì chúng ta mới đáng hãnh diện là người có ý thức cao trong thế giới tâm linh cũng như thế giới hữu hình này.

Khởi đi từ những ý niệm đơn giản lúc ban đầu là làm sao tạo được một hệ thống, nhất là hệ tư tưởng của Tịnh Độ Tông Việt Nam. Cho nên sau bao nhiêu năm suy nghĩ, tìm đọc các sách vở Đông Tây, cũng như thể hiện cuộc đời của mình như là một hành giả nhiệt thành với Tịnh Độ Tông, tin tưởng tuyệt đối vào pháp môn niệm Phật của chư Tổ đã khai tông lập giáo tự ngàn xưa và cho đến ngàn sau, những người tu theo pháp môn này cố gắng giữ gìn những nghiệp lành, tô bồi những phước đức, thể hiện lòng từ bi, lợi tha đối với muôn loài, nhằm hướng đời mình ở tương lai có thể sanh vào thế giới cao cả hơn bây giờ, nơi đó không có luân hồi sanh tử chi phối và nơi ấy không bị lòng tham vị kỷ của con người khuynh loát, mà chỉ toàn là ánh sáng chân lý, những lời pháp ngọt ngào êm dịu, nhằm đưa nhân sinh đi vào cảnh giới rốt ráo giải thoát sanh tử luân hồi, thì đó mới là điều ước nguyện của chính tôi, chư Tổ và các vị Bồ Tát trong đời này. Nhờ vậy mà chúng ta mới có cơ hội để được dự phần trong ấy.

Xin tặng người một đóa sen giác ngộ giải thoát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc và xin cùng người phát tâm niệm lớn câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật để tất cả chúng ta và chúng sanh đều sớm thành Phật Đạo.

Xin chắp hai tay ngang ngực, thành kính hướng về cảnh giới phương Tây, nơi có Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sanh và nhị vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí để đảnh lễ và trì niệm danh hiệu của các Ngài, hồi hướng phước báu có được cho những ai có cơ duyên đọc được tác phẩm này và nguyện cho họ sớm lìa xa ác trược nơi cảnh giới Ta Bà, được sanh về Tây Phương Cực Lạc sau khi đã thành tựu những công hạnh tại thế gian này.

Hồi hướng

Công đức sáng tác rất nhiệm mầu
Vô biên thắng phước đều hồi hướng
Khắp nguyện chúng sanh trong pháp giới
Đều được vãng sanh về Cực Lạc.

Thích Như Điển

Núi đồi Đa Bảo vùng Blue Mountains,
New South Wales Úc Đại Lợi
ngày 2 tháng 12 năm 2011, nhân lần
nhập thất, tịnh tu lần thứ 9 tại đây.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.20.171 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...

Complete your gift to make an impact