Đức Thế Tôn truyền giới bằng thư,
Thọ trì viên mãn tỳ-kheo ni giới.
Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, có hai vị đại thần của quốc vương Tát-ca,
một vị tên là Trì Thú, một vị tên là Tài Thí. Hai người kết giao vô cùng
thân thiết, cùng giao ước sau này sẽ kết thông gia với nhau.
Không lâu sau, phu nhân của đại thần Trì Thú hạ sinh một người con trai
tuấn tú, đặt tên là Tát-ca.
Sau đó, phu nhân của đại thần Tài Thí cũng hạ sinh một người con gái
đoan trang xinh đẹp. Nhưng bé gái này vừa chào đời đã khóc mãi không
thôi, dỗ thế nào cũng không chịu nín. Mãi đến một ngày, nhân có trưởng
lão tỳ-kheo ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đến nhà đại thần Tài Thí thuyết pháp,
chỉ trong lúc thuyết pháp em bé gái đó mới nín khóc.
Mấy lần thuyết pháp sau đó cũng như vậy, chỉ cần nghe âm thanh thuyết
giảng giáo pháp giải thoát của Phật-đà là em bé gái đó mới chịu nằm yên
thôi khóc.
Đại thần Tài Thí thầm nghĩ, con gái mình thích nghe Phật pháp như vậy,
rất có căn lành. Hơn nữa, tên ông lại là Tài Thí, nên liền đặt tên cho
em là Pháp Thí Nữ.
Sau khi Pháp Thí Nữ lớn lên, sinh khởi được tín tâm rất lớn đối với
phương pháp giải thoát của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, thường xuyên tận
dụng nhân duyên cha mẹ thỉnh tăng chúng đến cúng dường để được nghe đức
Như Lai thuyết pháp. Không lâu sau, cô phát tâm quay về nương tựa Ba
ngôi báu, vâng theo giới luật, tinh tấn nỗ lực thực hành giáo pháp,
chứng quả Bất hoàn,
[23] đầy đủ các loại thần thông
và thần biến.
Cô rất muốn xuất gia sống đời tỉnh thức, liền khẩn khoản xin với cha mẹ.
Cha mẹ cô khó xử vô cùng, cố giải thích với cô:
– Con à, lúc con chưa ra đời, cha đã hứa gả con cho Tát-ca, con trai đại
thần Trì Thú rồi. Nếu đồng ý cho con xuất gia, cha mẹ biết ăn nói thế
nào với đại thần Trì Thú đây?
Pháp Thí Nữ liền thưa với cha mẹ:
– Con đối với thế gian vốn không còn tham luyến, việc kết hôn đâu có ý
nghĩa gì?
Cha mẹ cô suy nghĩ giây lát rồi nói:
– Cha mẹ không dám đồng ý với yêu cầu của con. Nếu như quả thật con muốn
xuất gia, có thể cung thỉnh đức Như Lai và tăng chúng đến, cũng báo cho
Tát-ca biết để cùng đến, tới lúc đó con hãy quyết định!
Đến ngày cung thỉnh tăng chúng thọ cúng, đức Như Lai và chúng tăng đắp
y, ôm bát bước đi những bước khoan thai đến nhà đại thần Tài Thí. Đại
thần Tài Thí đích thân dâng cơm nước ngon ngọt cúng dường. Sau khi đức
Thế Tôn và chúng tăng thọ trai xong liền truyền dạy giáo pháp giải thoát
phù hợp với căn cơ của họ.
Chàng trai Tát-ca sau khi được báo tin liền dẫn một số tùy tùng đến bao
vây quanh nhà đại thần Tài Thí, chờ đợi Pháp Thí Nữ.
Đức Thế Tôn thuyết pháp xong trở về tinh xá, Pháp Thí Nữ cũng đi theo
phía sau chư tỳ-kheo ni. Tát-ca thấy cô đi ra liền đuổi theo, định bắt
trở lại. Ngay lập tức cô hiện thân bay lên không trung, thị hiện đủ các
loại thần biến.
Tát-ca thấy vậy cho là vô cùng hi hữu, liền sinh khởi tín tâm, do đó
ngưỡng vọng lên Pháp Thí Nữ đang ở trên hư không mà cầu xin:
– Xin cô hãy đáp xuống, từ nay cô muốn làm gì tùy ý. Nhưng xin cô hãy từ
bi cứu vớt chúng tôi là những chúng sinh đang trôi lăn trong sinh tử
luân hồi. Tôi đồng ý để cô xuất gia, vả lại còn muốn cúng dường cho cô
nữa.
Pháp Thí Nữ liền từ trên không trung đáp xuống, truyền dạy cho Tát-ca
giáo pháp giải thoát của Phật-đà. Sau khi nghe xong, Tát-ca hoan hỷ cáo
từ ra về.
Pháp Thí Nữ đến kinh đường của ni chúng, thọ giới sa-di và
thức-xoa-ma-na. Tiếp đó cô muốn thọ giới tỳ-kheo ni, nhưng việc thọ giới
tỳ-kheo ni cần phải đến rừng Kỳ-đà, nơi chúng tăng cư ngụ. Vì tướng mạo
của cô đoan trang xinh đẹp không ai sánh bằng nên có rất nhiều chàng
trai luôn theo đuổi. Những người ấy nghe nói cô xuất gia, liền dùng vũ
lực nhiều lần uy hiếp kinh đường của ni chúng.
Chúng tỳ-kheo ni không dám bảo đảm có thể đưa cô đến rừng Kỳ-đà an toàn,
nhưng để cô ở lại trong chùa thì mỗi ngày đều có nhiều chàng trai đến
quấy nhiễu, cũng rất phiền phức. Vì thế, ni chúng bèn tạm đưa cô về nhà.
Tiếp đó, họ đến chỗ đức Thế Tôn, kể lại đầu đuôi sự việc và xin được
Ngài chỉ dạy.
Đức Như Lai từ bi dạy:
– Trong trường hợp này, đại chúng có thể dùng phương pháp gửi thư để
truyền giới.
Sau đó, Ngài bảo một đệ tử mang thư đến cho Pháp Thí Nữ, trong thư viết:
“Vì có chướng ngại nghịch duyên không thể thọ giới, Thế Tôn đã chấp
thuận. Nay đức Thế Tôn và chúng tăng ở rừng Kỳ-đà niệm nghi quĩ,
[24]
con tại nơi đó quán tưởng cũng có khả năng được trọn đủ giới thể.”
Nhân việc này, đức Như Lai chỉ dạy thêm cho chúng tăng:
– Từ nay trở đi, đại chúng có thể dùng phương thức truyền giới bằng thư.
Sau này nếu có ai gặp chướng ngại nghịch duyên, có thể dùng phương thức
này để giúp họ thọ giới.
Nhờ đó, tuy Pháp Thí Nữ không được thọ giới trước Phật nhưng cũng được
trọn đủ giới thể tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni Pháp Thí Nữ tinh tấn nỗ lực tu tập giáo pháp giải thoát của
Phật-đà, sau cùng phá trừ được phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị
A-la-hán. Cô đạt đến cảnh giới tu chứng không còn phân biệt, thấy vàng
và phân bò đều như nhau, hư không và bàn tay chẳng có sai khác; chư
thiên đều xưng tán công đức thậm thâm vi diệu của cô.
Lúc đó, chúng tỳ-kheo bạch hỏi đức Thế Tôn:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Nhân duyên gì mà đời này sư cô Pháp Thí Nữ được
sinh vào gia đình quyền quí, sinh tâm hoan hỉ đối với Phật pháp, xuất
gia sống đời tỉnh thức và chứng đắc quả vị A-la-hán? Lại vì nhân duyên
gì mà được Phật chấp thuận truyền giới bằng thư? Ngưỡng mong đức Như Lai
giảng nói cho chúng con được rõ.
Đức Như Lai từ hòa nhìn đại chúng, dạy rằng:
– Đây đều là do nguyện lực đời trước của sư cô ấy. Trong Hiền kiếp này,
lúc đức Phật Ca-diếp còn tại thế, khi đó tuổi thọ con người lên đến
20.000 tuổi, tại vườn Lộc Dã ở Ấn Độ có một cô gái hết sức xinh đẹp. Khi
lớn lên, cô phát tâm xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải
thoát của đức Ca-diếp Thế Tôn. Trong lúc chuẩn bị thọ giới tỳ-kheo ni,
cũng gặp phải một số chướng ngại nghịch duyên. Lúc đó, đức Phật Ca-diếp
từ bi chấp thuận phương thức thọ giới bằng thư cho cô, giúp cô thọ nhận
giới thể. Sau đó, cô tinh tấn nỗ lực tu trì, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Sau khi chứng quả, cô hiển thị các loại thần biến, rồi nhập Niết-bàn.
Khi ấy, vị tỳ-kheo ni là thầy của cô, người đã chuyển thư cho cô, vẫn
chưa được chứng quả. Vị này liền đem nhục thân của cô xây tháp, dùng các
loại hoa hương, phẩm vật tốt đẹp để cúng dường. Đến khi sắp lâm chung,
vị tỳ-kheo ni này phát nguyện:
“Con cả đời xuất gia sống đời tỉnh thức, nghiêm trì giới luật, tuy chẳng
đạt được thành tựu gì to lớn lắm, nhưng nhờ công đức ấy cũng xin nguyện
sau này được sinh trong giáo pháp của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, trở
thành vị tỳ-kheo ni được đức Như Lai đặc biệt chấp thuận truyền giới
bằng thư, tiếp nhận trọn đủ giới thể, cũng giống như vị đệ tử đời này
của con, vả lại còn sinh khởi tâm hoan hỉ với Phật, xuất gia sống đời
tỉnh thức, chứng đắc quả vị A-la-hán.”
Vị tỳ-kheo ni ấy nay chính là Pháp Thí Nữ. Bởi cô đã phát nguyện như
vậy, nên nay được ở trong giáo pháp của ta xuất gia sống đời tỉnh thức,
chứng quả, vả lại còn là vị tỳ-kheo ni được ta chấp thuận truyền giới
bằng thư, được trọn đủ giới thể.
Chúng tỳ-kheo lại thỉnh vấn đức Như Lai:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà đời này Pháp Thí Nữ có
tướng mạo xinh đẹp, khiến cho rất nhiều nam nhân gây chướng ngại, làm cô
khó khăn trong việc thọ trì Phạm hạnh? Ngưỡng mong đức Như Lai nói rõ
nhân duyên đó cho chúng con tường tận.
Đức Thế Tôn ôn tồn đáp:
– Này các tỳ-kheo! Không chỉ đời này, mà đời trước mỗi khi cô ấy thọ trì
tịnh giới đều bị chướng ngại nghịch duyên. Rất lâu xa về trước, có người
con trai của một lái buôn cưới được người vợ rất tâm đầu ý hợp, cùng
nhau hưởng thụ đời sống tốt đẹp. Suốt ngày người chồng chỉ tham luyến
sắc đẹp của vợ mình, say đắm trong tình dục, không thèm để ý đến bất cứ
chuyện gì.
Người lái buôn lấy làm lo lắng vì thấy con trai không lo gì đến việc
buôn bán làm ăn trong gia đình, nhưng bất luận khuyên răn thế nào, đều
chẳng có tác dụng. Sau đó, người lái buôn đành phải nghiêm khắc sai
người con trai ấy đến một nơi rất xa để buôn bán.
Sau khi ra đi, vì quá nhớ thương vợ, anh ta liền tìm cách nhờ một vị
tiên nhân bà-la-môn dùng phép thuật giúp anh thường xuyên trở về nhà
sống chung với vợ mà trong nhà không ai hay biết. Không lâu sau đó, vợ
anh mang thai. Nhưng rồi vị tiên nhân bà-la-môn từ chối không giúp anh
nữa. Từ đó anh không thể đi về, hai vợ chồng đành bặt vô âm tín.
Khi người trong nhà biết vợ anh đã có thai, ai nấy đều sinh lòng ngờ
vực. Người mẹ chồng tra hỏi một cách hung dữ:
– Con trai ta không có ở nhà, vậy rốt cuộc cái thai này là của ai?
Cô con dâu kể lại chuyện người chồng thường xuyên trở về sống chung.
Nhưng cha mẹ chồng cô không ai tin được chuyện đó, liền đuổi cô ra khỏi
nhà.
Từ đó cô phải lưu lạc khắp đầu đường cuối chợ. Khi cô đến một thành phố
nơi đất khách quê người và chuyển dạ sinh con, quanh cô không có ai để
chăm sóc cả. Lúc đó, cô đau đớn đến nỗi ngất lịm đi. Trong lúc cô hôn
mê, có một con chó tên Quýnh-ba đến tha đứa bé mới sinh chạy đi mất. Khi
cô tỉnh dậy liền đi khắp nơi để dò hỏi tìm kiếm đứa bé, mới biết đứa bé
sau khi bị chó tha đi đã được một gia đình lái buôn trong vùng nhặt về
nuôi dưỡng.
Cô thầm nghĩ, tấm thân mình rày đây mai đó, tự lo sinh sống còn chưa
nổi, làm sao có khả năng nuôi dưỡng đứa con? Chi bằng tạm thời cứ để cho
gia đình người lái buôn ấy nuôi dưỡng, may ra con mình còn có được cuộc
sống sung sướng! Thế là, tuy lòng cô không nỡ rời xa song phải cố đè nén
nỗi đau tím ruột bầm gan, quay lưng bước đi.
Ngày nọ, trong lúc cô đang đi xin ăn thì bị một tên thủ lãnh của bọn đạo
tặc nhìn thấy và để ý, muốn bắt cô về làm thiếp. Cô nghĩ bụng: “Nếu mình
làm vợ hắn, lương tâm nào cho phép. Mình là phụ nữ đã có chồng, chồng
mình vẫn luôn nghĩ nhớ đến mình; vả lại, mình là cư sĩ đã quay về nương
tựa Ba ngôi báu, phát nguyện giữ tròn năm giới cấm, nhất định không thể
phạm vào việc tà dâm.”
Nghĩ như vậy rồi, chờ khi trời tối cô liền hóa trang thành ma quỉ quậy
phá trong phòng của tên tướng cướp, làm cho hắn sợ run cầm cập, quì xin
tha mạng. Cô liền dọa hắn không được đụng vào người đàn bà vừa mới bắt
về. Hắn sợ sệt rối rít vâng lời. Hôm sau, hắn liền mang bán cô vào kỹ
viện.
Tại đây, vì không muốn phải rơi vào con đường ô nhục, cô đành phải tiếp
tục hóa trang thành ma quỷ mỗi đêm để hù dọa các kỹ nữ, bảo họ không
được ép cô tiếp khách. Các kĩ nữ đều ngỡ là ma quỷ thật nên sợ hãi vâng
lời, miễn cưỡng nuôi cô trong kỹ viện mà không dám để cô tiếp khách. Thế
nhưng nhiều ngày sau đó, tin đồn về việc trong kỹ viện có ma quỷ lan
rộng ra ngoài, khiến cho rất nhiều khách làng chơi không còn dám đến kỹ
viện đó nữa. Từ đó, việc làm ăn buôn bán bị đình trệ, suy sụp. Các kỹ nữ
đều muốn tống cô đi nơi khác, nhưng lại sợ mạo phạm với ma quỷ. Vì thế,
họ đành phải để cô lưu lại kỹ viện trong một thời gian khá dài.
Lúc đó, đứa con của cô cũng đã lớn lên. Mọi người đều gọi cậu là
Quýnh-ba, theo tên con chó đã tha cậu ngày trước. Quýnh-ba rất thông
minh, học hỏi thông đạt các môn học vấn thế gian. Sau khi cha mẹ nuôi
qua đời, cậu được thừa kế gia sản, rồi do công việc làm ăn buôn bán nên
cũng thường lui tới thành phố mẹ cậu đang sống.
Người mẹ không lúc nào không nhớ đến đứa con bị chó tha đi ngày trước,
vẫn không ngừng dò la, theo dõi tin tức. Một hôm, nhờ bà gặp được một
người cùng buôn bán với Quýnh-ba nên mẹ con mới có cơ hội nhận được
nhau. Quýnh-ba lập tức đến kỹ viện rước mẹ về.
Còn người cha của Quýnh-ba, sau nhiều năm buôn bán nơi đất khách quê
người đã tích lũy được một số tiền lớn, liền trở về quê nhà. Về đến nơi
chỉ thấy cha mẹ ra đón chứ không thấy người vợ yêu dấu của mình đâu cả,
liền hỏi cha mẹ. Cha mẹ anh liền thuật lại tường tận chuyện vợ anh ở nhà
tự nhiên có thai, đã bị đuổi ra khỏi nhà. Nghe xong, người chồng tội
nghiệp chỉ còn biết giậm chân kêu trời, liền nói với cha mẹ:
– Đứa con cô ấy mang trong bụng đích thật là con của con đấy mà!
Sau khi nghe biết ngọn nghành sự việc, nghĩ đến nỗi oan khuất và bất
hạnh của vợ, người chồng không kiềm chế được sự thương tâm quá đỗi nên
tâm trí bỗng chốc phát cuồng. Ông xé hết quần áo, bỏ nhà ra đi lang
thang khắp nơi, miệng luôn lẩm bẩm: “Lang-ba em yêu! Lang-ba em yêu của
anh!” Ông lang thang khắp nơi và vẫn ở trong tình trạng điên loạn nhiều
năm như vậy.
Sau đó, khi nhân duyên đoàn tụ thành thục. Một hôm, ngoài cổng nhà
Quýnh-ba không biết từ đâu bỗng xuất hiện một người điên, miệng luôn lẩm
bẩm: “Lang-ba em yêu!”
Quýnh-ba nghe vậy liền nói cho mẹ biết:
– Không biết từ đâu bỗng xuất hiện một người điên ở trước nhà mình, luôn
miệng lảm nhảm mỗi một câu: “Lang-ba em yêu.”
Người mẹ ngạc nhiên nói:
– Lang-ba chính là tên của mẹ, để mẹ ra xem ông ấy có phải là cha con
không.
Thế là bà vội vã chạy ra xem. Quả nhiên nhận ra người ấy chính là chồng
mình. Bà liền dẫn ông ta vào nhà và nói:
– Anh ơi, Lang-ba chính là em đây!
Vừa nghe câu nói ấy, ngay tức khắc người chồng khôi phục thần trí, nhận
ra được vợ. Từ đó gia đình được đoàn tụ, nỗi vui mừng đan xen với nhớ
nhung, cả nhà ôm nhau khóc. Đôi vợ chồng nhiều năm cách biệt đó, cuối
cùng lại được trùng phùng, cùng nhau an hưởng những năm tháng cuối đời
còn lại.
Này các tỳ-kheo! Người phụ nữ đó chính là tiền thân của Pháp Thí Nữ.
Pháp Thí Nữ thuở ấy hết lòng nghiêm trì cấm giới, giữ hạnh thanh tịnh,
phải chịu nhiều chướng ngại nghịch duyên nhưng vẫn không thối chí. Mãi
đến đời này cũng có rất nhiều người gây chướng ngại, tạo nghịch duyên
cho cô.
Sau khi đức Thế Tôn kể rõ nhân duyên tiền kiếp của tỳ-kheo ni Pháp Thí
Nữ, các vị tỳ-kheo đều hoan hỷ tin nhận.