Có thể bạn sẽ dễ dàng nảy sinh sự hoài nghi khi nghe đến điều này. Bởi
cho dù có dễ dàng đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không thể tin được là
mỗi chúng ta đều có thể thực hành việc phóng sinh mỗi ngày. Bạn sẽ hình
dung được ngay biết bao nhiêu là trở ngại, phiền toái, khó khăn... mà
thực tế là không thể nào vượt qua để có thể tổ chức việc phóng sinh mỗi
ngày!
Nhưng điều đó đơn giản chỉ là vì bạn đã hiểu ý nghĩa của việc phóng sinh
theo một cách quá hẹp. Và thật không may là cách hiểu theo nghĩa hẹp đó
lại là cách hiểu vẫn quen thuộc từ xưa nay, đến nỗi nhiều người luôn
nghĩ như thế mà không có gì cần phải suy xét lại.
Thực ra, như trong một phần đầu chúng ta đã bàn đến, mạng sống này của
tất cả chúng ta đều quý giá và rất mong manh. Sự quý giá và mong manh đó
dẫn đến một hệ quả là sự sống cần phải được chăm sóc, bảo vệ trong từng
giây, từng phút. Bởi vậy, sẽ là một sai lầm nếu chúng ta chỉ thấy được
sự chấm dứt của đời sống là cái chết, mà không thấy được những tổn hại
về thể chất cũng như tinh thần có thể thường xuyên xảy ra trong đời sống
– những cái chết dần dần hay những cái chết từng phần của đời sống.
Khái niệm “không giết hại” của Phật giáo thực ra trong nguyên ngữ tiếng
Phạn (Sanskrit) được viết là ahiṃsā, và ban đầu được dịch sang chữ Hán
là bất hại. Về sau, trong một số kinh điển cũng dịch từ này là bất sát
sinh. Cách dịch sau này giúp cho khái niệm ahimsa trở nên dễ hiểu, dễ
truyền đạt hơn, nhưng đồng thời cũng do đó mà thu hẹp một phần ý nghĩa.
Hiểu một cách đầy đủ, ahimsa có nghĩa là không gây ra sự tổn hại cho bất
cứ chúng sinh nào. Lý do rất đơn giản, bởi vì mỗi chúng ta đều không
muốn bị người khác làm tổn hại. Do tự xét mình như vậy, nên không thể
gây ra tổn hại cho người khác. Trong kệ số 129 của kinh Pháp Cú, Phật
dạy về điều này rất rõ:
Ai cũng sợ dao gậy,
Ai cũng đều sợ chết,
Lấy tâm mình suy người,
Đừng giết, bảo người giết.
Nhất thiết cụ đao trượng,
Nhất thiết giai úy tử,
Dĩ tự đạc tha tình,
Mạc sát, giáo tha sát.
Như vậy, nói không giết hại là đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì khi “lấy tâm
mình suy người” thì chúng ta có thể thấy rằng, không chỉ là ta không
muốn bị giết hại, ta cũng không muốn cả những việc như bị đánh đập, bị
xúc phạm bằng lời nói, bị thương tổn về thể xác hoặc tinh thần... Trong
đó, không giết hại là ý quan trọng nhất, nhưng các ý khác cũng không thể
quên đi, vì chính việc hiểu đúng và đầy đủ ý tưởng này mới có thể giúp
ta thực sự trở nên người hiền thiện.
Trong cuộc sống, ác nghiệp được tạo thành không chỉ khi chúng sinh giết
hại lẫn nhau, mà còn cả khi chúng sinh gây tổn hại cho nhau dưới mọi
hình thức. Thực ra, chúng ta cũng đã từng biết có những trường hợp nếu
ai đó bị làm hại đến mức “sống không ra sống”, thì sự gây hại như vậy
còn có thể xem là nặng nề hơn cả sự giết hại, bởi nó gây ra những nỗi
đau khổ rất lớn lao cho nạn nhân.
Vì vậy, ý nghĩa của lời khuyên “không giết hại” nên được hiểu rộng hơn
để đúng với những gì Phật đã truyền dạy, nghĩa là không chỉ giới hạn ở
việc đoạn dứt sinh mạng, mà còn là tất cả những hành vi gây tổn hại đến
đời sống hạnh phúc của mọi chúng sinh, tất cả những hành vi mà tự thân
chúng ta không muốn người khác thực hiện đối với mình.1
Và hiểu theo nghĩa này thì quanh ta luôn đầy dẫy những hành vi gây tổn
hại cho nhau. Do tham lam, sân hận, si mê, mỗi ngày chúng ta đều không
ngừng làm tổn hại người khác, ngay cả những người thân nhất của mình.
Chúng ta nói năng không lựa lời, cốt sao cho thỏa ý, bất kể điều đó có
xúc phạm người khác hay không. Chúng ta cay cú với đồng nghiệp khi bất
mãn, quát nạt những nhân viên dưới quyền khi nóng giận, và thậm chí có
những khi gây thương tổn cho người khác một cách không cần thiết...
Không chỉ lời nói, mà cả việc làm của chúng ta cũng không ra ngoài
khuynh hướng này. Nếu không tỉnh táo nhận biết, chúng ta sẽ còn tiếp tục
gây tổn hại cho người khác, bởi vì chúng ta rất thường cho đó là những
việc “hợp lý”. Trong cái lý bon chen, mạnh được yếu thua, ta sẵn sàng
gạt bỏ hoặc cướp lấy quyền lợi của người khác mà không cho như vậy là
bất nhẫn. Ta gây đau khổ cho người khác ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác
nhau, và bản thân ta cũng hứng chịu khổ đau do người khác gây ra... Cái
vòng luẩn quẩn của đời sống cứ thế mà tiếp diễn.
Vì thế, nếu hiểu phóng sinh theo ý nghĩa là cứu vớt sự sống, thì sự sống
quanh ta ngày ngày cần đến sự cứu vớt. Tự kiềm chế bản thân để không nói
ra lời nặng nề với một đồng nghiệp, đó là ta đang cứu vớt cuộc sống hạnh
phúc của người ấy, tránh cho họ những giây phút dằn vặt, khổ sở vì bị
xúc phạm, và do đó mà cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn. Tương tự, nếu
trong cơn nóng giận ta biết tự chế để không trút giận lên những thuộc
cấp của mình, đó là ta đã cứu vớt cuộc sống hạnh phúc của họ...
Có những sự việc rất nhỏ nhoi, nhưng nếu bạn quan sát theo hướng này,
bạn sẽ thấy là rất nên làm. Chỉ cần mang lại niềm vui và tránh được sự
tổn hại cho mọi người quanh ta, thì bất cứ lời nói, việc làm nào cũng
đều trở nên có ý nghĩa lớn lao. Bởi vì đó chính là thực hành việc phóng
sinh.
Do đó, khi bạn giúp đỡ người khác, khuyên người khác làm điều tốt đẹp,
chỉ rõ cho họ biết một điều lầm lạc không nên làm... đều là giúp cho họ
có thể sống tốt hơn, và như thế cũng đều là phóng sinh.
Bạn hãy bắt đầu từ những người thân trong gia đình. Hãy dành ra một
khoảng thời gian thích hợp để suy nghĩ về những gì bạn đã làm trong thời
gian qua. Bạn đã nói năng, ứng xử, hành động như thế nào, có thực sự là
không gây tổn hại đến những người thân của mình hay không? Nếu quả được
vậy, bạn sẽ là người rất may mắn. Bởi vì trong hầu hết các trường hợp,
khi suy xét lại một cách khách quan, chúng ta rất thường nhận ra nhiều
việc làm của mình luôn gây ra sự buồn khổ, thương tổn hoặc phiền lòng
cho những người thân. Trong trường hợp ấy, chúng ta đã vô tình làm tổn
hại đến cuộc sống vui vẻ của họ, cho dù đó là cha, mẹ hay anh, chị,
em... Và ngay khi chúng ta nhận ra để chấm dứt những lời nói, việc làm
gây thương tổn cho người thân của mình mỗi ngày, đó là ta đã thực hành
phóng sinh, đã làm cho đời sống của họ trở nên vui vẻ, tốt đẹp hơn.
Cũng với cách nhìn này, bạn sẽ thấy có rất nhiều điều nên làm khi giao
tiếp với tất cả mọi người. Cuộc sống quanh ta vốn đã có quá nhiều những
khổ đau, bất hạnh. Ta không nên tạo thêm những nỗi khổ đau, bất hạnh
khác nữa, mà hãy bằng mọi cách làm giảm bớt đi những nỗi khổ hiện có cho
mọi người quanh ta. Chỉ cần bạn biết mở lòng ra để thực sự cảm thông,
bạn sẽ biết được những việc nên làm.
Đôi khi, có những việc nghe ra rất lớn lao tưởng như dời non lấp bể
nhưng lại chẳng có gì là quan trọng, bởi nó chẳng liên quan gì đến cuộc
sống hạnh phúc của chúng ta. Nhưng việc quan trọng thực sự lại chính là
những việc giúp ta có một cuộc sống an vui, hạnh phúc hơn, cho dù đó có
thể là những việc rất nhỏ nhoi...
Một bài diễn văn gây chấn động thế giới cũng chẳng có nghĩa gì với một
người đang đau khổ vì mất đi một người thân, nhưng một lời an ủi chân
thành đưa ra đúng lúc lại có thể chia sẻ được phần nào nỗi đau và giúp
cho cuộc sống của người ấy bớt phần khổ sở. Cũng vậy, hàng triệu đô-la
bỏ ra để xây dựng một tòa cao ốc có thể là không có ý nghĩa bằng những
khoản học bổng khiêm tốn nhưng giúp cho một học sinh nghèo không phải bỏ
học...
Chúng ta thực sự có thể làm được rất nhiều điều để chia sẻ những khó
khăn, những nỗi đau khổ của mọi người quanh ta trong cuộc sống, cũng như
mang lại cho họ những niềm vui nhỏ nhoi nhưng vô cùng quý giá. Nhưng
chúng ta chỉ có thể làm được như vậy khi có được một sự đồng cảm sâu
sắc, một sự rung động thật lòng, biết vui theo cái vui của người khác và
cảm nhận được nỗi đau của người khác. Đây chính là ý nghĩa của lòng từ
bi trong cuộc sống. Bởi vì từ bi không phải là điều gì rất xa xôi và
trừu tượng, khó hiểu, mà từ bi chính là khả năng mang lại niềm vui và
cứu vớt khổ đau cho người khác!1 Và trong ý nghĩa này thì đó cũng chính
là thực hành việc phóng sinh.
Nhưng cũng không chỉ có đời sống của kẻ khác mới là quý giá, mà đời sống
của bản thân ta cũng cần được quan tâm. Chúng ta không thể chỉ quan tâm
đến đời sống của người khác mà quên đi việc chăm sóc đời sống bản thân.
Hơn thế nữa, thực tế là chỉ khi nào ta đã có được cuộc sống an vui, hạnh
phúc đúng nghĩa, ta mới có khả năng mang lại an vui, hạnh phúc cho kẻ
khác.
Chăm sóc đời sống bản thân không có nghĩa là theo đuổi sự sung túc, giàu
có hay an nhàn, hưởng thụ. Tất cả những điều đó chỉ mang lại cho ta sự
thỏa mãn giả tạo và nhất thời, không bền chắc. Cho dù quanh ta có đầy đủ
hết thảy mọi điều kiện vật chất, ta vẫn không thoát khỏi những nỗi khổ
đau của cuộc sống này, cũng như điều đó không hề đảm bảo là ta sẽ được
thực sự an vui, hạnh phúc.
Vì thế, ý nghĩa của việc chăm sóc bản thân ở đây chính là hướng đến một
đời sống thực sự an vui, hạnh phúc, bằng sự thanh lọc và rèn luyện tinh
thần để có thể có được sự an vui trong mọi điều kiện khác nhau của đời
sống.
Và khi bạn làm được như thế là bạn đang cứu vớt đời sống của chính bản
thân, không để cho đời sống này phải chết dần đi qua việc chìm sâu trong
ác nghiệp, và luôn nuôi dưỡng nó mỗi ngày bằng những thiện nghiệp để có
thể hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn. Trong ý nghĩa này, sự tu tập
hướng thượng này cũng chính là thực hành việc phóng sinh.
Do đó mà có thể thấy rằng ý nghĩa của việc phóng sinh là rất rộng, và
tương quan với tất cả những điều lành đã được Phật thuyết dạy, cũng
tương quan với hết thảy các pháp môn tu tập. Và điều đó cũng là dễ hiểu,
vì cho dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng không ngoài ý nghĩa cứu vớt
đời sống này ra khỏi mọi khổ đau vì ác nghiệp.
Thực hành bố thí cũng là phóng sinh, vì là nuôi sống thân mạng của chúng
sinh, mang đến cho họ những gì họ đang cần đến trong đời sống.
Thọ trì năm giới cấm1 cũng là phóng sinh, vì giúp cho đời sống của ta và
người khác đều được an vui, hạnh phúc, không gây tổn hại đến bất cứ ai.
Tu tập hạnh nhẫn nhục cũng là phóng sinh, vì nhẫn chịu mọi khổ đau về
phần mình mà không làm tổn hại đến kẻ khác, do đó mà sinh khởi lòng từ
bi thương xót và cảm thông với tất cả chúng sinh.
Thực hành hạnh tinh tấn cũng là phóng sinh, vì dẹp bỏ sự lười nhác, sa
đọa, tự mình luôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như mang lại cuộc
sống tốt đẹp hơn cho mọi người chung quanh mình.
Tu tập trí huệ Bát-nhã cũng là phóng sinh, vì giúp ta thấu rõ bản chất
và ý nghĩa cuộc sống, có thể tự mình chọn cách sống tốt đẹp và hướng dẫn
cho mọi người quanh mình cũng đều có đời sống tốt đẹp.
Thực hành thiền định cũng là phóng sinh, vì nuôi dưỡng được đời sống
tinh thần tốt đẹp, có được định lực trong đời sống, nhờ đó mà có thể làm
lợi ích cho chính bản thân và cho mọi người khác.
Vì thế nên nói rằng, thực hiện hết thảy mọi điều lành, tu tập hết thảy
mọi pháp môn, cũng đều là thực hành phóng sinh.
Do đó mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hành việc phóng sinh mỗi ngày,
không cần thiết phải chờ đợi dịp này hay dịp khác, cũng không cần thiết
phải chờ đợi dành dụm cho được nhiều tiền bạc, bởi vì việc thực hiện các
điều lành nhiều khi lại không cần thiết phải có tiền. Nhưng điều quan
trọng không thể thiếu được lại chính là một tấm lòng!