Trong Mười điều lành, việc giới sát được kể ra trước nhất. Chỉ cần chúng
ta từ bỏ việc giết hại, cán cân thiện ác trong ta sẽ ngay lập tức thay
đổi đáng kể.
Từ thuở xa xưa, con người đã phạm phải sai lầm lớn nhất là nghĩ ra việc
giết hại loài vật để nuôi sống bản thân mình.
Sở dĩ tôi nói rằng con người “nghĩ ra việc giết hại loài vật”, là bởi vì
đó hoàn toàn không phải một bản năng tự nhiên.
Nếu đã tin vào nghiệp quả, chúng ta có thể dễ dàng thấy ngay là các loài
thú ăn thịt có ác nghiệp rất nặng nề. Chúng sinh ra trong những chủng
loại chỉ có thể giết hại để sinh tồn. Chúng không có bất cứ một lựa chọn
nào khác hơn. Muốn sống, chúng phải giết hại các loài vật khác để ăn
thịt. Sư tử, cọp, beo, chó sói... đều là những loài vật đáng thương như
thế.
Như một vật rơi đã đến lúc không thể dừng lại, chúng ngày càng lún sâu
trong ác nghiệp. Chúng mang theo ác nghiệp để thọ thân ác thú, để rồi
lại phải tiếp tục tạo thêm ác nghiệp trong suốt đời sống của mình. Vì
thế, khả năng vươn lên sự hiền thiện đối với chúng hầu như không còn
nữa. Quả thật, chúng như chiếc xe đứt thắng đang lao nhanh xuống dốc và
không còn cách nào để dừng lại hay đổi hướng được nữa.
Nhưng con người hoàn toàn không giống như thế. Chúng ta không bị nghiệp
lực dồn ép vào con đường phải tạo sát nghiệp như các loài thú ăn thịt.
Cơ thể chúng ta không đòi hỏi phải được nuôi sống bằng cách giết hại
loài vật.
Nói một cách cụ thể, hàm răng của con người không có cấu trúc giống như
các loài ăn thịt, không đủ sắc nhọn để cắn xé và ăn thịt. Đó là hàm răng
được cấu tạo để ăn các loại ngũ cốc, rau quả... nói chung là thức ăn
thực vật. Hệ tiêu hóa của con người càng không thể chấp nhận ăn thịt.
Con người phải dùng lửa để nấu nướng cho chín rồi mới có thể “cưỡng bức”
dạ dày của mình tiêu hóa loại thức ăn đó. Bởi vì cấu trúc tự nhiên của
nó cũng không hề thích hợp với việc ăn thịt. Ruột người có độ dài tương
tự như các loài ăn thức ăn thực vật, nghĩa là khá dài: ruột non có độ
dài đến khoảng 6 mét, ruột già có đường kính lớn hơn và dài khoảng 1,5
mét. Trong khi đó, tất cả các loài ăn thịt đều có ruột ngắn hơn nhiều để
có thể nhanh chóng đưa phần bã của thức ăn ra khỏi cơ thể.
Như vậy, cấu trúc cơ thể con người vốn sinh ra không phải để ăn thịt
loài vật. Đây không phải một nhận xét chủ quan, mà hoàn toàn dựa trên
những cơ sở phân tích khoa học. Nhưng con người với trí thông minh vượt
hơn muôn loài đã đi ngược lại tự nhiên, đã nghĩ ra việc giết hại loài
vật để ăn thịt, thay vì là sống với những thức ăn như rau quả, ngũ
cốc... Và để cơ thể mình có thể chấp nhận những thức ăn vốn dĩ không
thích hợp, con người cũng nghĩ ra cách nấu chín các món ăn đó, một điều
mà không loài vật nào có thể làm được.
Từ những nhận xét trên, chúng ta thấy rõ là con người không hề bị bắt
buộc phải giết hại các loài vật mới có thể nuôi sống bản thân mình. Con
người đã chọn làm điều đó để thỏa mãn những tham muốn của mình. Và sự
chọn lựa đó trong hàng nghìn năm qua đã cướp đi mạng sống của vô số con
vật trên trái đất này!
Có lẽ không ai trong chúng ta thực sự muốn phê phán chính mình, nhưng đó
lại là điều cần thiết phải làm để có thể vươn đến một đời sống tốt đẹp
hơn.
Luận Đại Trí độ nói rằng: “Trong tất cả các tội ác thì tội giết hại là
nặng nhất. Trong tất cả các công đức thì không giết hại là cao trỗi hơn
hết.” (Chư dư tội trung, sát tội tối trọng. Chư công đức trung, bất sát
đệ nhất.)
Vậy mà, hầu hết chúng ta đều rơi vào sát nghiệp. Hầu hết chúng ta đều
trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia việc giết hại. Nếu chúng ta không nhận
ra điều này, liệu chúng ta có gì phải oán than trách móc về những khổ
đau mà mình phải gánh chịu?
Trong Mười điều bất thiện, điều nào cũng gây tổn hại cho kẻ khác. Nhưng
không có tổn hại nào nặng nề hơn việc bị giết hại, vì mạng sống một khi
đã mất đi thì không thể nào cứu sống. Vì vậy, nói rằng tội giết hại là
nặng nhất cũng là điều dễ hiểu.
Có lẽ trong chúng ta không ai tán thành việc giết hại. Nhưng vấn đề là ở
chỗ, có một số người không cho rằng việc giết hại loài vật là “giết
hại”. Đối với những người ấy, chỉ có giết người mới gọi là giết hại, còn
việc giết chết một con vật để ăn thịt chỉ là việc bình thường, không thể
xem đó là giết hại. Với họ, loài vật sinh ra là để nuôi dưỡng con người
(vật dưỡng nhân), vì thế không có gì phải băn khoăn khi giết một con
vật. Hơn thế nữa, vì coi thường sinh mạng loài vật, nên nhiều khi họ
giết hại một cách rất bừa bãi, không hề mảy may thương xót, cân nhắc. Để
lấy được mật gấu thì giết cả con gấu, để lấy được ngà voi thì giết cả
con voi, để bắt được cá lớn thì giết sạch cả cá lớn lẫn cá bé...
Điều quan trọng ở đây là, dựa vào đâu để phân biệt giữa mạng sống của
con người và mạng sống của loài vật? Lý lẽ duy nhất mà chúng ta đưa ra
chỉ là vì chính ta là người phán quyết, là người nắm giữ sức mạnh. Thử
tưởng tượng, nếu trên trái đất này bỗng dưng xuất hiện một loài vật nào
đó cực kỳ hung bạo và mạnh mẽ, không một loại vũ khí nào của chúng ta có
thể giết chết được chúng, và chúng cũng lùng sục khắp nơi để bắt lấy con
người mà ăn thịt... Khi ấy, liệu chúng ta có thể đem thứ lý lẽ “vật
dưỡng nhân” ra nói với chúng được chăng? Hay ta cũng đành cam chịu số
phận của kẻ yếu hơn, giống như bao nhiêu loài vật hiện nay đang chịu
đựng sự giết hại của chúng ta!
Nhưng bởi vì điều đó không xảy ra, nên ta vẫn tiếp tục đắm sâu vào việc
giết hại, không biết rằng đó chính là đang tạo ra ác nghiệp để rồi phải
đời đời gánh chịu khổ đau vì những ác nghiệp đó!
Xét về mọi mặt, mạng sống của loài vật thực ra cũng không khác gì với
chúng ta. Muôn loài đều biết tham sống sợ chết, đều yêu quý sinh mạng
của mình. Trước khi chết, con vật nào cũng vùng vẫy, chống cự và đau đớn
tột cùng. Những điều ấy hoàn toàn giống nhau giữa chúng ta và loài vật.
Hơn thế nữa, những ai cho rằng loài vật không có cảm xúc chỉ có thể là
những người tự mình không có được một tâm hồn nhạy cảm. Bởi vì, những
cảm xúc của loài vật thực ra rất dễ nhận biết, cho dù chúng không thể
nói lên thành lời. Khi bạn đối xử trìu mến với một con vật nuôi trong
nhà, bạn sẽ nhận lại được sự quyến luyến, thân thiện của nó. Khi bạn
đánh đập, xua đuổi nó, nó sẽ xa lánh bạn và ngay cả khi bạn cho ăn, nó
cũng luôn nhìn bạn với ánh mắt hoài nghi...
Trước sân nhà tôi là một tán cây lớn, mỗi buổi sáng đều có bầy chim sẻ
tụ về. Khi ấy, ba tôi thường vãi cho chúng một nắm gạo. Ban đầu, chúng
tỏ rõ vẻ hoài nghi, chỉ đậu trên những cành cao nhìn xuống. Chờ đến khi
nào chúng tôi đã vào nhà, không có ai trước sân thì chúng mới sà xuống
ăn. Lâu dần, bầy chim trở nên quen thuộc. Chúng biết là chẳng có ai muốn
làm hại chúng, vì thế mà mỗi khi ba tôi vãi gạo ra là chúng sà ngay
xuống ăn. Rồi chúng nhảy nhót trên sân ngay cả khi chúng tôi đang ngồi
uống trà và trò chuyện ở một góc sân. Có hôm, ba tôi dậy trễ chưa ra sân
cho ăn, chúng rủ nhau nhảy cả lên thềm nhà như để tìm kiếm, nhắc nhở...
Vì thế, không chỉ riêng con người mới có tình cảm, cảm xúc; cũng không
phải chỉ có con người mới có đời sống đáng quý giá. Mọi sinh mạng đều
quý giá như nhau, đều rất khó có được, đều mong manh dễ mất, và khi đã
mất đi thì không thể cứu sống lại được.
Đức Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều có tâm thức bình đẳng như nhau,
đều có thể tu tập để đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn. Những chúng sinh nào
vì ngu muội mà tạo quá nhiều ác nghiệp phải sinh làm thân thú vật. Những
chúng sinh nào tạo ác nghiệp ít hơn được sinh ra làm người, có nhiều
điều kiện thuận lợi hơn để học hỏi, tu tập. Như vậy, nếu ngày nay được
sinh làm người nhưng không biết phân biệt thiện ác, tiếp tục tạo nhiều
ác nghiệp, thì trong đời vị lai chưa chắc đã tiếp tục được làm người.
Mỗi một điều ác ta làm đều không thể mất đi mà luôn tạo ra một kết quả
tương ứng phải gánh chịu trong tương lai. Bởi vậy, hành vi giết hại bao
giờ cũng là những món nợ nặng nề nhất mà ta đang vay mượn. Nếu không sớm
thức tỉnh, nợ nần chồng chất, ác nghiệp sâu dày, thì càng về sau sẽ càng
khó lòng trả dứt.
Hơn nữa, nghiệp ác mà ta đã tạo ra từ trước vốn dĩ đã không nhỏ, nên
cũng đã tạo thành tập khí sâu nặng trong tâm thức. Điều đó khiến cho ta
rất khó bỏ ác làm lành, mà luôn có khuynh hướng tiếp tục tạo nghiệp ác.
Nếu biết tỉnh thức nhận ra điều ấy, ngay tức thời từ bỏ sát nghiệp thì
may ra mới có thể dần dần lánh xa các điều ác khác. Bằng như thuận theo
những ác nghiệp đã tạo, sẽ như con thuyền bị cuốn trôi xuôi theo dòng
nước, không còn có hy vọng gì quay trở về được nữa!