Những ác nghiệp của chúng ta luôn đồng hành với một khái niệm mà trong
Phật giáo gọi là tập khí. Từ ngữ này, trong tiếng Phạn (Sanskrit) có
nghĩa là “ấn tượng, sự thúc giục”. Một cách dễ hiểu hơn, tập khí được
dùng để chỉ cho những thói quen, những tính khí được rèn tập từ lâu đời.
Chúng tiềm tàng trong tâm thức của mỗi chúng ta, và đóng vai trò như một
trong những động lực quan trọng quyết định việc ta sẽ hành động, suy
nghĩ hoặc nói năng như thế nào.
Trong cuộc sống, ta rất dễ dàng nhận ra những thói quen khác nhau của
mỗi người, nhất là những người mà ta thường xuyên tiếp xúc, gần gũi. Khi
hiểu được thói quen của một người, đôi khi ta có thể dễ dàng đoán trước
được những điều mà họ sẽ nói, sẽ làm... Bởi vì những điều họ sẽ nói, sẽ
làm... đó là dựa theo thói quen. Thói quen chi phối hầu hết những hành
vi thông thường hằng ngày của chúng ta, chẳng hạn như ăn uống, ngủ nghỉ,
giải trí...
Nhưng đó là những việc hằng ngày, nghĩa là những việc mà ta chấp nhận
làm theo thói quen. Đối với những sự việc quan trọng hoặc ít khi xảy ra,
vai trò của thói quen như trên sẽ trở nên mờ nhạt hơn, bởi vì chúng ta
cần suy nghĩ, phân tích, suy luận... rồi mới đi đến quyết định việc làm
của mình.
Tập khí cũng là một dạng thói quen, nhưng là những thói quen rất khó
nhận biết. Vì sao vậy? Trong khi thói quen bình thường được hình thành
trong đời sống này thì tập khí lại là những thói quen có nguồn gốc rất
xa xôi, được huân tập trong nhiều kiếp đã qua. Vì thế, trí nhớ thông
thường của chúng ta hoàn toàn không biết đến chúng. Mặc dù vậy, chúng
vẫn âm thầm tác động trong tâm ý chúng ta, thúc giục, sai khiến những
hành vi, tư tưởng, lời nói của chúng ta, theo cách tương tự như thói
quen, nhưng mãnh liệt và khó nhận biết hơn.
Lấy ví dụ như ái dục là một dạng tập khí. Trong nhiều đời, nhiều kiếp đã
qua, chúng ta đã liên tục trải qua những cảm xúc ái luyến mãnh liệt với
người khác phái. Chúng ta sinh ra bởi ái dục, lớn lên trong ái dục, và
mê đắm trong ái dục cho đến lúc lìa đời. Điều đó đã huân tập thành tập
khí trong tâm thức ta. Vì thế, cho dù ta không hề nhận biết nhưng nó vẫn
âm thầm tác động vào những suy nghĩ, hành vi của ta. Tất cả chúng ta khi
lớn lên đều tự nhiên bị cuốn hút về phía người khác phái, bất kể người
đó là ai. Sigmund Freud đã nhận biết điều này, cho dù lời giải thích của
ông có phần giới hạn.
Tham lam, sân hận, ganh ghét, kiêu mạn... đều là những tập khí từ lâu
đời. Thực ra chúng ta đều biết chúng không phải là những điều tốt đẹp,
nhưng hầu hết chúng ta đều nhân nhượng, thối lui trước sự thúc giục, sai
sử của chúng. Đó là bởi vì chúng ta không biết được chúng chỉ là những
thói quen lâu đời. Ta thường gán cho chúng những tên gọi như bản chất,
bẩm tính... Và sự nhận biết sai lầm đó làm cho chúng ta rơi vào tình
trạng “chưa đánh đã thua” trước một kẻ thù giấu mặt.
Như đã nói, tập khí không chỉ mới hình thành trong đời sống này, mà có
nguồn gốc xa xôi từ trước. Vì vậy, cho dù chúng ta có được nuôi dưỡng
trong một môi trường như thế nào đi nữa thì tập khí vẫn có thể tác động
đến hành vi của chúng ta, bởi vì nó thực sự không được tiếp nhận từ môi
trường như những thói quen thông thường.
Nhưng vì tập khí cũng là một dạng thói quen, nên ta vẫn có thể chống lại
nó, diệt trừ nó, cũng giống như ta có thể từ bỏ một thói quen. Tuy
nhiên, như ta đã biết, thói quen có gốc rễ càng sâu thì việc từ bỏ càng
khó khăn. Một thói quen hình thành chưa đến một năm sẽ dễ từ bỏ hơn
những thói quen đã có từ lâu năm. Vì thế, tập khí có thể nói là những
thói quen có gốc rễ rất sâu, và do đó rất khó từ bỏ.
Như trên có nói, ác nghiệp luôn song hành với tập khí. Bởi vì hành vi
tạo ác không phải chỉ xảy ra trong một sớm một chiều, mà thường là sự
tích tụ qua nhiều đời, nhiều kiếp. Vì thế, song song với việc tạo ra ác
nghiệp, chúng ta cũng tạo thành những tập khí xấu trong tâm thức mình.
Lấy ví dụ như khi ta nói dối, đó là một điều bất thiện. Nhiều lần nói
dối sẽ tích tụ ác nghiệp ngày càng nhiều, đồng thời cũng tạo ra thói
quen nói dối. Thói quen này vẫn thường gặp ở không ít người. Đôi khi có
những việc không cần thiết phải nói dối, họ vẫn cứ nói dối... theo thói
quen. Nhưng nếu là nói dối triền miên đời này qua đời khác thì sẽ không
còn là thói quen nữa, mà trở thành tập khí. Đã là tập khí thì chúng sẽ
thôi thúc, điều khiển hành vi của chúng ta một cách mãnh liệt hơn, và
cũng khó chống lại, khó từ bỏ hơn.
Trong tâm thức của chúng ta có rất nhiều tập khí. Có bao nhiêu ác nghiệp
là có bấy nhiêu tập khí. Vì thế, có thể nói một cách chính xác rằng:
khuynh hướng bất thiện của chúng ta luôn mạnh hơn khuynh hướng làm điều
thiện. Đó là bởi vì, như đã nói, chúng ta đều là những người mang ác
nghiệp mà đến cõi Ta-bà này.
Ta có thể hình dung việc làm điều thiện như đẩy một chiếc xe lên dốc,
bao giờ cũng cần có những nỗ lực, gắng sức liên tục. Một khi mất đi lực
đẩy, chiếc xe ấy sẽ lập tức lăn bánh theo chiều xuống dốc. Đó là vì
những tập khí xấu ác luôn lôi kéo chúng ta đi theo con đường cũ, tiếp
tục tạo ra những ác nghiệp như trước đây.
Nhận xét này là xuất phát từ thực tế mà không phải là một cách nhìn bi
quan về hiện thực. Nếu chúng ta không nhận ra được khuynh hướng có thật
này và nguyên nhân của nó, chúng ta sẽ rất dễ dàng rơi vào chỗ nản lòng
thối chí khi việc “bỏ ác, làm lành” bộc lộ những khó khăn tưởng như
không thể vượt qua. Hơn thế nữa, trong việc “đẩy xe lên dốc” như đã hình
dung trên đây, ta chỉ có thể tiến lên hoặc lùi lại mà không khi nào có
thể “đứng yên”. Những ai đánh mất sự tinh cần, nỗ lực, bao giờ cũng sẽ
đứng trước nguy cơ sa đọa, thối lui, chứ không bao giờ có thể “ở yên”
nơi vị trí hiện có.
Hiểu được sự hình thành của tập khí là một điều quan trọng. Bởi vì chỉ
có như vậy chúng ta mới có khả năng chiến thắng, không tuân theo sự thúc
giục của chúng, và cuối cùng từ bỏ chúng.
Trước hết, vì biết rằng tập khí hình thành cũng giống như một thói quen
– cho dù là những thói quen có gốc rễ rất lâu đời – cho nên ta tin chắc
rằng mình có thể chống lại sự sai khiến của chúng, từ bỏ chúng, tương tự
như ta có thể làm đối với mọi thói quen.
Thứ hai, khi nhận biết rõ những tập khí nào đang thôi thúc, lôi cuốn ta
rơi vào những hành vi, tư tưởng bất thiện, ta sẽ ngay lập tức có đủ sức
mạnh để dừng lại những hành vi, tư tưởng bất thiện đó. Điều này cũng
tương tự như khi ta thực hiện một hành vi theo thói quen, ngay khi ta
tỉnh thức biết được rằng mình đang làm theo thói quen, thì thói quen ấy
lập tức không còn chi phối ta nữa. Mọi thói quen đều chỉ có tác dụng khi
ta buông thả không chú ý đến chúng, khi ta không dùng đến lý trí để kiểm
soát hành vi của mình. Một khi có sự hiện diện của lý trí, thói quen sẽ
lùi bước.
Thứ ba, vì hiểu rằng tập khí là những thói quen đã có từ rất lâu, nên ta
có thể chuẩn bị sự kiên nhẫn và ý chí thích đáng để chống lại chúng.
Chúng ta sẽ không hiểu sai về tập khí như là những “bản chất không thay
đổi”, những “tính nết bẩm sinh”... Sự thật, không có cái gọi là “bản
chất không thay đổi”, cũng không gì có thể gọi là “tính nết bẩm sinh”...
Đây chỉ là những cách nhận biết sai lầm về tập khí. Ta có thể thừa nhận
một điều là tập khí rất khó nhận biết, rất khó thay đổi, nhưng điều đó
hoàn toàn không có nghĩa là chúng không thể thay đổi, không thể từ bỏ.
Với một sự nhận biết đúng đắn và một ý chí mạnh mẽ, một sự kiên nhẫn đủ
để duy trì ý chí đó, mỗi chúng ta đều có thể chiến thắng tập khí, có thể
kiểm soát được mọi hành vi, lời nói, tư tưởng của mình, mà không vô tình
làm một tên nô lệ cho những tập khí từ muôn đời.