Một buổi tối trăng tròn, dưới ánh trăng dìu dịu xuyên qua những kẽ lá
của một tán cây rộng trước sân nhà, tôi và mấy người bạn cùng ngồi trò
chuyện ở một góc sân.
Tưởng không còn gì có thể thú vị và êm ả hơn một không khí yên bình và
thanh thản đến thế, nếu như không phải là một trong những người bạn tôi
hôm ấy vừa đi dự một buổi lễ phóng sinh về. Lòng anh nặng trĩu những
nghi vấn: những nghi vấn của chính anh và của nhiều người khác đã đặt ra
với anh. Mặc dù là một Phật tử thuần thành nhưng anh đã không tự lý giải
được những vấn đề đó. Và anh đã không bỏ qua cơ hội gặp gỡ đêm hôm ấy để
mang ra thảo luận cùng tất cả chúng tôi. Vì thế, không gian êm ả của đêm
trăng nơi làng quê tĩnh mịch này đã trở nên sôi động với những ý kiến và
nhận thức trái ngược nhau. Đôi khi, chúng tôi phải hoang mang vì tính
chất hợp lý của cả hai vấn đề tưởng như không thể đi đến chỗ dung hòa.
Thường thì những buổi gặp gỡ như thế này của nhóm bạn chúng tôi đều có
một chủ đề nhất định nào đó, và mỗi chúng tôi đều cố gắng trong phạm vi
nhận thức của mình để cùng nhau góp phần vào cuộc thảo luận, sao cho đến
lúc chia tay thì mỗi người đều có thể cảm thấy đã phần nào được hoàn
thiện hơn trong tâm hồn cũng như trong cách nhìn về cuộc sống. Từ lâu,
tất cả chúng tôi đều đã xem những buổi gặp gỡ như thế này là một nhu cầu
không thể thiếu trong cuộc sống. Và chúng tôi duy trì việc này một cách
tự nhiên cũng như sự hít thở, ăn uống mỗi ngày.
Và chủ đề đêm ấy đã là những vấn đề liên quan đến việc phóng sinh. Bản
thân tôi cũng không ngờ là có quá nhiều điều để nói về một sự việc tưởng
như rất đơn giản và dễ hiểu như thế. Chúng tôi đã chia tay nhau rất
khuya, nhưng mỗi người đều có cảm giác là vẫn chưa nói hết được vấn đề,
và hẹn nhau sẽ tiếp tục đặt lại vấn đề vào lần sau.
Tập sách nhỏ này được hình thành từ sau đêm trăng ấy, với sự gợi mở từ
những vấn đề mà chúng tôi đã cùng nhau thảo luận. Bởi vì, kể từ sau đêm
ấy, tôi đã không ngừng trăn trở với những vấn đề đã đặt ra, để rồi chợt
nhận biết được một điều là: Trong cuộc sống không bao giờ có thể tìm
thấy một vấn đề tách biệt, mà mỗi một vấn đề đều liên quan, bao hàm tất
cả những vấn đề khác. Và câu chuyện nhỏ về phóng sinh cũng không ra
ngoài quy luật ấy.
Vào thuở xa xưa, con người biết thực hiện việc phóng sinh từ lúc nào?
Câu trả lời có thể là không dễ đưa ra, nhưng có một điều chắc chắn là
con người hẳn phải làm việc này sau khi đã nhúng tay vào việc sát sinh.
Bởi nếu không có ai làm việc sát sinh, thì cần gì phải có người làm việc
phóng sinh? Mâu thuẫn về ý nghĩa của việc phóng sinh nảy sinh từ đây, và
một số người phản đối hoặc xem thường, không ủng hộ việc phóng sinh
không phải là không có những lý lẽ riêng của họ.
Nếu chúng ta thực hiện hành động phóng sinh chỉ đơn giản như một việc
làm xuất phát từ tâm từ bi, chúng ta sẽ không có gì phải suy nghĩ, bàn
luận nhiều về việc nên hay không nên, có lợi hay không có lợi, bởi vì
tất cả những ý tưởng ấy đều không phải là động lực thúc đẩy hành động
của chúng ta.
Tuy nhiên, với những ai làm việc phóng sinh theo lời khuyên dạy hay chỉ
dẫn của người khác, hoặc xuất phát từ những động cơ nào đó khác hơn là
tâm từ bi, những người ấy có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều nghi vấn
và ý kiến phản bác. Một số người đã thối lui, từ bỏ việc phóng sinh chỉ
vì nhận rằng những ý kiến phản bác ấy là hợp lý.
Mỗi ngày có hàng triệu sinh linh trên trái đất này bị con người giết
hại, lại cũng có rất nhiều con vật được con người bảo vệ, giải thoát,
cứu sống... Nhưng số sinh mạng được cứu sống “rất nhiều” này e là cũng
không đến số hàng triệu như số bị giết hại. Đó là một sự thật! Và còn
một sự thật khác nữa là người ta thường giết hại loài vật mà không hề
đắn đo, do dự, nhưng lại “ra tay cứu giúp” với rất nhiều sự hoài nghi và
phân vân, lưỡng lự.
Tôi đã gặp không ít người chưa từng tự mình làm việc phóng sinh, nhưng
lại có thể đưa ra rất nhiều lý lẽ để phản bác, công kích những người làm
việc này. Thật ra, họ cũng giống như những người chưa từng ăn phở, không
nên đưa ra những lời khen, chê, bình phẩm về món ăn này. Tuy nhiên, họ
vẫn làm điều đó một cách rất tự nhiên. Điều đáng buồn là lại cũng có
không ít người vì nghe những lời chê bai, phản bác của họ mà đã bỏ lỡ đi
nhiều cơ hội để thực hiện một công việc rất tốt đẹp, đó là việc phóng
sinh.
Trong tập sách này có nêu lên một số lập luận của những người “chưa từng
ăn phở” như tôi vừa nói. Và mục đích của người viết chỉ đơn giản là muốn
giúp cho những người khác có thể hiểu đúng hơn về vấn đề, để không đến
nỗi phải từ chối “ăn phở” chỉ vì nghe theo những lời bình phẩm của người
ngoại cuộc.
Ngoài ra, người viết cũng mở rộng quan điểm về việc phóng sinh trên cơ
sở là một vấn đề luôn có liên quan và bao hàm tất cả các vấn đề khác.
Cách nhìn nhận này có thể là hơi xa lạ với một số người, nhưng thật ra
là hoàn toàn dựa trên những gì đã được đức Phật giảng giải trong rất
nhiều kinh điển. Vì thế, người viết hy vọng rằng cách nhìn nhận này có
thể giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về ý nghĩa của việc phóng sinh và sẽ không
bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể thực hiện được việc làm tốt đẹp này.
Người viết cũng tin tưởng là tất cả chúng ta đều có thể thực hiện việc
phóng sinh mỗi ngày trong cuộc sống. Và điều đó có thể mang lại những
kết quả rất kỳ diệu mà những người “chưa từng ăn phở” không thể nào hiểu
nổi. Tuy nhiên, chỉ cần bạn tiếp nhận vấn đề với một tâm hồn rộng mở,
tôi tin chắc là bạn sẽ có thể tự mình cảm nhận được những gì trình bày
trong sách này mà không cho rằng đó là những vấn đề quá siêu hình hay
phức tạp.
Cuối cùng, tính chất chủ quan dựa theo nhận thức và kinh nghiệm sống của
bản thân người viết luôn chi phối tất cả những gì trình bày trong sách
này, vì thế chắc chắn không thể tránh khỏi có những phần sai sót nhất
định. Người viết chân thành đón nhận và biết ơn đối với mọi sự góp ý từ
bạn đọc gần xa. Và nếu như tập sách này có thể mang lại được đôi chút
lợi lạc cho người đọc thì đó chính là niềm vui lớn nhất mà người viết
luôn mong đợi.
Mùa Vu Lan 2005
Nguyên Minh