Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phi lễ »» Chương 1. »»

Phi lễ
»» Chương 1.

Donate

(Lượt xem: 7.720)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phi lễ - Chương 1.

Font chữ:

Những suy tư của VĂN:

Vô nghĩa. Ngạt thở. Sống để làm gì và sống cho ai đây? Tại sao tôi lại là tôi? Trong đám nhân loại lúc nhúc này tại sao lại có cái thằng tôi chen vào? Cái thằng tôi tầm thường, không danh vọng, không đặc biệt, không đứng vào trang bìa trên các báo trong nước và ngoài nước. Những đứa kia, chúng nó hơn gì tôi? Hình thức, nội dung, học vấn, tài cán, chúng nó khác tôi ở chỗ nào? Có phải ở cái tài nịnh bợ, lừa gạt, phản bội nhanh chóng của chúng chăng? Làm sao tôi có thể hành động như chúng được?

Ngày xưa bố mẹ tôi vẫn gào vào tai cái chữ tín, bảo có mất gì thì mất nhưng phải giữ chữ tín, liệu các bậc thánh hiền có thấy cần phải xét lại tất cả những lý thuyết của họ chăng?

Một vài người quen đã nghiêm khắc lên án rằng tôi mang chứng yếm thế chỉ vì có một cuộc sống quá dễ dãi. Trong khi nước nhà trải qua bao nhiêu biến cố tang tóc mà gia đình tôi vẫn trót lọt, không tù đày, không thương tích, không mất mát của cải. Tôi lại được may mắn ra du học ở nước ngoài rồi trở về lập gia đình, xây dựng sự nghiệp. Nhưng nói làm gì đến hai cái chữ to lớn ấy cho thêm xấu hổ, sự nghiệp đây chỉ là cái chức luật sư bé nhỏ không tham vọng, không hy vọng, chẳng ai tìm đến mà cũng chẳng tìm đến ai. Mà tìm làm gì mới được chứ?

Các bạn bè ganh với tôi vì tôi có bà vợ đẹp, ai cũng khen đẹp, nhưng người ta có biết rằng sự bắt buộc phải chịu đựng nhau suốt ngày đêm, thì cái đẹp sẽ trở nên ngấy như bát nước béo của anh hàng phở không lành nghề. Thu, vợ tôi, lại không được mười hai bà mụ dạy cho cái thiên chức làm mẹ, chúng tôi vô dụng cho tổ quốc nên không cung cấp nổi một tên binh nhì.

Đứa con là hàng rào kẽm gai, là một sư đoàn để bảo vệ cho cái tiền đồn hạnh phúc. Thiếu cái sư đoàn ấy thì có là Tây Thi cũng phải tàn theo thời gian. Mà đẹp là thế nào, đẹp ở thể xác thì hệt như cái nhan sắc của bông hoa đu đủ đực không ban trái ngọt cho nhân loại mà chỉ làm mệt mỏi cho thân cây, như thế chưa thể gọi là đẹp.

Tôi không trách Thu, mà chỉ trách cái xã hội ngột ngạt giả trá, cần có một sự đạp đổ, một sự giày xéo lên tất cả những nếp cũ, gọi là nếp cũ đâu có đúng, phải gọi là một cái xã hội hẩu lốn. Âu chẳng ra Âu mà Á thì ôi thôi, phải vào tận trong các hang chuột, thâm sơn cùng cốc may ra…

Tiền bạc đã ngự trị vào lòng người và đã đạp đổ ba ngôi quân, sư, phụ từ thuở nào. Một thứ xã hội gượng ép, trái với ý muốn của thiên nhiên.

Hay tại tôi là đứa con của giao thời, ngày bé ông nội tôi bắt mài mực đến mỏi tay cho ông chép kinh, ngồi nghe giảng đạo lý đến gục lăn xuống sàn nhà. Roi quất vào mông có lằn ngang lằn dọc, mẹ tôi xuýt xoa mỗi khi mang đi tắm mà không dám than thở, vì ai cũng muốn cho thằng bé sau này "ra gì"… Mà thằng bé chỉ muốn chạy đi rong chơi với lũ bạn cùng tuổi. Đỗ xong Tú Tài cha tôi lại bắt sang Pháp du học cho thằng bé khỏi đi vào chiến khu.

Những kỷ niệm của tuổi trẻ chồng chất lên nhau mà chẳng có kỷ niệm nào giống nhau… Những cánh đồng mênh mông của Hà Nam, Chợ Đại mà mỗi lần đi qua nếu phải chạy bom thì chẳng biết trốn vào đâu. Nơi nào cũng lộ thiên và lão phi công ác nghiệt, thiếu kinh nghiệm ngồi trên cao với cái ống viễn kính có thể nhìn thấy rất rõ. Độ ấy đã làm gì có hỏa tiễn "Sam" để phòng ngự… Để rồi sau đó cái thằng con trai căm thù giặc Pháp đã khăn gói sang Pháp mà ăn học, mà tìm đường mở mang trí thức, tầm hiểu biết… Vườn Trianon vào mùa sang thu lá đỏ, lá vàng, lá nâu, chen chúc nhau tô màu lên không gian, cặp tay cô gái da trắng dẫm lên lá khô xào xạc, nghe cô nói lời yêu đương vào tai bằng thổ ngữ của nước thù…

Mâu thuẫn, sách Nghi Lễ chép rằng có Thất Xuất, tức là bảy lý do để ly dị vợ, mà cái lý do đầu tiên được nêu lên là không có con. Thời buổi này, không con thì vợ chồng ăn xong đưa nhau đến sắp hàng tại phòng mạch mấy ông bác sĩ chuyên khoa đàn bà để đóng tiền cho các ông xài và nghe các ông nói dóc.

Tôi học xong trở về cưới vợ vì trót bị những bài học cũ kỹ của ông nội đã ấn nhét vào đầu. Không dám lấy vợ ngoại quốc sợ bất hiếu, sợ các bà không biết hương khói, sợ phải hầu cà phê tận giường cho bà mỗi sáng, bạn bè dọa như thế. Chúng nó bảo nhau rằng các cô ấy khi bắt được chồng rồi là đổi ngay chiến thuật, không cần phải ngoan nữa, đã có pháp luật bảo vệ cho họ.

Mẹ tôi vui mừng lo đi kén cho được của báu trên trần gian, con trai nhờ đức mẹ, mà cái đức của mẹ tôi chỉ đến thế. Tình yêu chết sau vài năm sống chung, khi hai người không còn gì để kể với nhau nữa, bông hoa đu đủ đực không biết sinh ra trái và sự sống bên nhau đã trở thành một thứ hình phạt có trộn đường. Cả hai đều trở nên lì lợm với nhau. Thu trở thành một cái máy nước đá, cái máy đông lạnh.

Nếu có trời nhỉ, nhưng làm gì có trời, đấy cũng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng, một số người đã khôn ngoan đặt ra để dọa một số người khác, đứa nào yếu bóng vía thì đầu hàng.

Sao hôm nay tôi điên cuồng thế này? Nói ra cho ai nghe mà vẫn cứ nói, nhưng thỉnh thoảng con người cũng nên đi nghỉ hè ở nhà thương điên một vài hôm để xả hơi. Vào đấy ta có thể làm bất cứ mọi hành động, nói bất cứ lời lẽ nào, chửi bới van xin, chẳng sợ ai lập biên bản.

Chiến tranh, chiến tranh bao giờ chấm dứt? Câu hỏi đến là ngu xuẩn. Phải hỏi đến bao giờ loài người quen thuộc với bom súng, với mìn, với lựu đạn, rốc kết… Nhưng đấy là cái thứ loài người ở xứ nào kia chứ xứ Việt Nam này thì quen thuộc lắm rồi. Sinh mạng con người Việt Nam còn kém thua con gà con vịt. Gà vịt chết thì được người ta cho vào nồi nấu, cho vào miệng ăn một cách ngon lành không gớm ghiếc, không bị nôn oẹ. Còn con người thì chẳng ai thèm đến. Tôi nhớ cái hồi tết Mậu Thân ở Huế, các bạn tôi kể lại vì heo ăn thịt người, báo hại làm cho mấy hàng bún bò giò heo bị ế vì người hết muốn ăn. Tết Mậu Thân Đà Lạt bị tấn công, tôi về Sài Gòn.

Nghĩ mà xấu hổ, làm trai thời loạn mà không cầm súng ra trận, nhưng trận nào, đứng bên nào khi biết rằng người thù của tôi (sao lại thù?) không hề quen biết tôi, không hề gặp mặt tôi và nghe nhắc đến tên tôi. Sao lại bắt chúng tôi phải giết nhau, bảo rằng nếu tôi không bắn họ thì họ sẽ bắn tôi ư, ngụy thuyết! Các anh ơi đừng tin những lời tuyên truyền nhảm nhí của chúng nó! Nếu để cho mỗi thằng chúng ta ra nói chuyện với nhau, thì chúng ta sẽ mỉm cười làm quen với nhau, sẽ hỏi thăm quê quán của nhau. Anh từ miền nào tới, tôi từ đâu ra đi. Chúng ta sẽ hỏi thăm tin tức gia đình xem ai còn ai mất, sẽ đưa nhau đi thăm những nơi đồng ruộng đã bị bom mìn làm rách nát, những hầm hố cá nhân lổm ngổm. Chúng ta sẽ thở dài, sẽ khóc, thương cho những anh em đã chết, chúng ta sẽ đi viếng những ngôi nghĩa trang chiến sĩ. Nhìn những cành cây khô cằn lá non lá già đều cong queo mụn nhọt vì hơi bom, hơi thuốc súng. Người trai thời loạn có quyền khóc quê hương đổ vỡ.

Nhưng ai để cho chúng tôi gặp nhau, cho chúng tôi thương nhau, họ sợ mất chỗ ngồi cao quý của mình nếu chúng tôi thương nhau. Họ bắt chúng tôi đóng thuế bằng sự căm thù, không đóng, làm gì nào?

Trong sách binh thư của Tôn Tử đã nói rằng :"đánh giặc giỏi là bắt đối phương khuất phục mà không phải đánh". Clausewiz cũng nói rằng :"Vị tướng giỏi không muốn đánh giặc mà chỉ muốn đi vào thành một cách nhẹ nhàng". Chứ cái thứ sẵn người bắt đi chết đó thì ai làm không được. Nhưng nói chuyện binh thư với mấy ông nội thời buổi này thì cũng như về nói với cái cột nhà, cái đầu gối, nói cho nôm na hơn nữa…

Những suy tư của THU:

Tôi lại vừa đi khám bác sĩ, ông này nổi tiếng nhất Sài Gòn, đã từng đi nghiên cứu nhiều nơi, chữa cho hằng vạn bà vợ bị bạc đãi vì không có con. Một điểm hy vọng mới, một ánh nắng chiếu vào ngục thất. Ông bác sĩ bảo rằng tôi không có một triệu chứng gì bất thường cả, tôi vẫn có thể sinh đẻ như tất cả mọi người đàn bà khác. Có thể là cả Văn cũng không có lỗi, nhưng tại hai chúng tôi không phải làm ra để cho nhau. Ngày xưa người ta đi cưới vợ bé cho chồng, nhưng đó là vì người đàn bà quá yêu chồng, lo đến sự nối giòng, thời buổi bây giờ không có con thì thôi chứ hơi sức đâu mà đi chuốc nợ.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ông vua không có con của xứ ta, mà người miền Trung vẫn thầm thì với nhau. Cả một đường lối chính trị! Thế mới biết người đàn bà đã đóng một vai quan trọng bí mật hay công khai trong lịch sử mà không ai biết.

"Nếu ngài không có kẻ nối dõi thì tôi sẽ bỏ ngài vào sọt rác, tìm người khác lên thay". May quá trong đám cung tần có những cô thông minh và bạo dạn đã giải quyết hộ cho ngài một cách êm đẹp, ngài chỉ việc công bố lên, ký tên vào tác phẩm của người khác. Chắc ông vua nghĩ đến Tần Thủy Hoàng nên cũng chẳng lấy gì làm buồn.

Bác sĩ bảo tôi có thể đẻ nếu gặp một người đàn ông khác… ý nghĩ làm tôi ngượng ngùng, trót bị ràng buộc trong cái vòng luân lý lễ giáo cổ lỗ! Tôi không dám nói thẳng với Văn, cũng không dám nài chồng tôi đi khám bác sĩ cho anh ấy biết rằng lỗi không ở nơi tôi. Ngày mới lấy nhau Văn còn chịu khó nhưng sau đấy Văn quy tội cho tôi, và trở nên gắt gỏng, hay nói những lời làm tổn thương đến tự ái của tôi.

Từ đó tôi im lặng, chúng tôi sống bên nhau như hai kẻ du mục khác bộ lạc, khác thổ ngữ nhưng cùng đi trên một con đường mòn của sa mạc bao la. Con đường bé nhỏ chật hẹp bắt buộc phải nhường lối cho nhau một vài khi, nhưng chẳng có gì để nói với nhau. Cuộc sống lầm lũi, tôi thương hại cho tôi và thương hại cả cho Văn.

Bức tranh hạnh phúc của tôi là như thế đó, nhưng người ngoài mỗi khi nhìn chúng tôi đi ra đường ai cũng khen là đẹp đôi, "nhìn mà mơ". Mỉa mai hơn nữa là có những cái đám cưới cứ nằng nặc mời cho được hai chúng tôi đi dự, đi bưng trầu rượu để lấy hên.

Làm sao nói cho họ biết thế nào là hên. Có phải tại láng giềng không nghe chúng tôi cãi nhau lớn tiếng, thế là hên chăng? Hạnh phúc chỉ cần có thế thôi chăng? Chúng tôi thuận hoà thật nhưng chỉ vì không buồn cãi nhau, không thèm trái ý nhau, xem đối phương như một con số không, một đám sương xám, dày đặc. Vợ chồng mà còn cãi nhau, còn giận hờn để xin lỗi để tha thứ là còn đáng cho người đời nói đến. Hai chúng tôi như hai thế giới, nhưng nói mãi đến chúng tôi làm gì. Cái yếu tố giúp tôi đủ can đảm sống là Sung, người em chồng lý tưởng, người bạn đời lý tưởng. Cô nào sau này được làm vợ, làm mẹ của những đứa con của Sung thì cô ấy có thể tự hào là chín kiếp trước có tu hành, hay là mả nhà nó chôn đúng hàm rồng. Tại sao tôi lại cứ phải trốn vào sau lưng Sung nhỉ, tôi chỉ xem Sung như là em trai của tôi. Sung kém tôi vài tuổi, và tôi là chị dâu.

Người chị dâu đối với em chồng chẳng được quyền thân mật như chị ruột, nếu không còn cha mẹ chồng mà em còn nhỏ thì phải đóng cả vai mẹ, lễ giáo bảo thế. Thật là gay cấn, bàn tay của người chị dâu với chú em chồng không được ấp ủ nhau lâu hơn cái bắt tay của tây phương.

Ngày chúng tôi mới lấy nhau, Sung hay tránh đi riêng cho chúng tôi nói chuyện, trông dáng điệu của chú bé thật thảm thương, có khi tôi hối hận như chính tôi đã đến chia rẽ hai anh em nhà này. Tôi hay đùa mở bản nhạc Trầu Cau hát ghẹo Sung…"Ôi ta buồn ta đi lang thang cũng vì ai, ôi ta buồn ta đi xi nê cũng vì ai"…

Có phải đó là cái tiền tấu khúc cho một bản nhạc nào chưa thành hình chăng. Theo với ngày tháng, tình của vợ chồng tôi cũng trở nên tẻ nhạt, nghe nhè nhè như cái đĩa hát cũ, chỉ muốn đập vỡ cho bớt cáu. Văn trở nên gay gắt âm thầm, đi làm về thì đóng cửa giam mình vào phòng riêng để đọc hồ sơ, xem nhà mình như cái quán trọ, xem vợ như chiếc áo cũ, quá tầm thường không thèm ngó ngàng đến.

May mà có Sung, chú em chồng bắt đầu bớt lảng tránh, chịu ngồi nói chuyện, con gấu chịu cho người thợ săn đến gần. Con chồn và chú bé hoàng tử của Saint Exupéry, nhưng ai là chồn, ai là chú bé hoàng tử? Thôi để tôi là con chồn cho, dẫu sao Sung cũng là kẻ mới bước vào cửa đời có một chân. Chưa lập gia đình tức là chưa bị những sự dằn vặt giày xéo tâm tư, chưa bị những câu hỏi đặt ra để tự hành hạ ban đêm. Ban đêm là quãng thời gian quý hóa và ngắn ngủi mà thiên nhiên đã tặng riêng cho muôn loài, ngay cả những kẻ nô lệ, đêm xuống cũng được yên ngủ, hoặc suy tư, hoặc ước mơ. Người có gia đình đã bị gia đình cướp mất…

Có trời làm chứng, hai chị em tôi tuy rất quý nhau, thường pha cà phê đêm uống để ngồi nói dóc đến khuya, nhưng không bao giờ có một cử chỉ hoặc một thoáng ý nghĩ nào để loài người có thể lên án cho là phi lễ. Tôi ghét cái chữ ấy lạ lùng, nhưng tại Sung hay dùng nên cũng đâm quen tai.

Sung bảo ở Hồng Kông, mỗi khi các chàng trai có một cử chỉ nào với cô gái để các cô kêu lên hai tiếng phi lễ là cảnh sát đến ngay. Sung kể cho tôi nghe những sự nghịch ngợm phi lễ giữa học trò với giáo sư, cũng như những cái nhìn phi lễ giữa giáo sư với học trò…

Chúng tôi thảo luận về tình yêu, về hôn nhân, về gia đình, nói đến cả người vợ tương lai của Sung. Cô ấy phải thế nào?

- Sung có thích vợ đẹp không?

- Có chứ, ai mà chẳng thích?

- Đẹp cỡ nào?

Sung nhìn tôi rồi cắn môi không nói, tôi nghe như có một luồng điện đang chạy qua thân thể, nhưng sợ phi lễ nên chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện. Lạy trời cho tôi đừng có chủ quan.

- Ngoài cái điều kiện nhan sắc ra, Sung còn đòi thêm những điều kiện gì nữa nào, Sung nói để chị đi kiếm cho.

Mỗi lần xưng chị tôi nghe hơi ngượng ngùng, nhưng luân lý bắt thế, biết sao!

- Đẹp rồi còn phải dễ thương, phải thông minh, không được nhõng nhẽo, phải kính trọng sự suy tư của thằng chồng dầu cho sự suy tư đó không mang lại lợi ích gì.

- Sao đòi nhiều thế?

- Chưa hết, còn phải độc đáo, phải có một công việc gì để say mê ngoài việc nhà hằng ngày ra, nếu không thì nhàn cư, mà nhàn cư thì rất có thể đưa đến sự vi bất thiện.

Nói đến đây tôi hơi cảm thấy nhột nhạt, chỉ muốn hỏi thế có phải Sung chê trách tôi đó chăng, nhưng lại không dám.

- Sung bảo độc đáo là phải thế nào kia?

- Là không giống mọi người, nếu không thì nhàm chết.

- Nhưng Sung đòi hỏi nhiều thế thì Sung trả lại cho người ta những gì nào? Chứ chị đưa những điều kiện từ nãy đến giờ của Sung đề ra, chắc Sung sẽ bị ế mất.

- Em sẽ xem vợ em như cô em gái, tha thứ trước khi lầm lỗi và hai người sẽ ký giấy cam kết tuyệt đối tôn trọng tự do của nhau, không ỷ lại vào cái giấy giá thú đó.

Hoài của, giá tôi có em gái, tôi sẽ gả cho Sung. Nói lên với Sung câu ấy nhưng rồi tôi cảm thấy ngượng, hình như Sung biết tôi nói dối. Quả thật tôi đã nói dối, tôi cầu mong cho Sung không bao giờ gặp con người đàn bà ấy, để hai chị em tôi mãi mãi được đậm đà bên nhau. Để mỗi khi Sung có dịp đi đâu thì lúc về có mỗi mình tôi nhận quà.

Tất cả mọi sự mua sắm Sung đều giao cho tôi, chờ hỏi ý kiến tôi, ngay cả quần áo mặc trong cũng do tay tôi chọn. Người đàn bà nào chen vào đây để chia rẽ chị em tôi sẽ bị quỷ thần bắt tội thì chịu lấy.

Nhưng thế này có gọi là ích kỷ không, Sung cần có một mái gia đình, có vợ, có con để ấp ủ, để thương yêu… Tôi nhắm mắt, không muốn nghĩ thêm, sợ… mà cũng không biết sợ gì.

Những suy tư của MAI:

Sáng tác kém sút, tranh bán cũng không bằng năm ngoái, có phải vì sự cạnh tranh, vì số nghệ sĩ mỗi năm một tăng lên hay tại con người thiếu cảm hứng, thiếu đề tài, còn mấy bức tranh mà vẽ mãi không xong. Làm người yêu của nghệ thuật không phải dễ, nhất là khi trót sinh vào làm dân Việt Nam, một xứ nhỏ bé mà chở trên lưng không biết bao nhiêu là tang tóc, lại còn mang nặng thành kiến. Chiến tranh giày xéo không cho ngủ, không cho ăn.

Nếu có ai nghịch mang tất cả xác chết từ hai mươi năm nay ra trải lên khắp đất đai từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu cũng chưa chắc đã đủ chỗ.

Sóng gió tạm qua, phải trở về làm việc chứ. Đến một tuổi nào đó, người đàn bà không được quyền ngập ngừng, mà phải dứt khoát giữa hai lối đi. Hoặc là lối đi quanh co gồ ghề, đi một mình, hay là một lối đi nhàn nhã hơn, tuy không hẳn đã hoàn toàn vô ưu tư.

Tôi còn phân vân, có nên khuất phục xã hội để được mang tiếng hiền và ngoan, lệ thuộc vào một người đàn ông, biến mình thành cái máy để hòa nhịp với người ta, một thứ phụ tùng xe hơi. Đền bù lại mỗi tháng khỏi thắc mắc về vấn đề tiền nhà tiền điện tiền nước. Đêm hôm ốm đau có người đi gọi bác sĩ…

Không chịu thế thì phải làm việc nhiều hơn, nhiều hơn nữa, hoặc là bớt tất cả mọi sự xa hoa…

Nhưng tôi đâu có đến nỗi lười, tôi đang sửa soạn một cuộc triển lãm với đề tài là "Những thanh kiếm lịch sử".

Tại sao lại chọn cái tên ấy và cái đề tài ấy? Có phải tại sinh ra quá muộn màng, cái gì cũng đã có kẻ làm rồi, nghĩ rồi, nói rồi? Người đến sau chỉ là nhai lại bã cũ, làm sao trong cái bã cũ ấy mà tìm được một chút âm hưởng thừa bỏ quên. Ở Âu Châu có những họa sĩ đã tìm máy móc để cho kịp thời đại, vẽ tranh bằng cái máy sơn xe. Chắc rồi họ sẽ thành công, cũng như cái anh chàng nghệ sĩ già ở Thụy Sĩ, suốt đời đi nhặt áo cũ, len cũ, về rút ra chải chuốt lại, dán lên khung, tạo thành một loại tranh huyễn hoặc của tầm mắt người khi lên cơn loạn hoặc cơn sốt. Rồi cũng sẽ thành công, cũng sẽ có người tìm đến xin mua, xin chưng bày.

Khi con người đã trèo lên mặt trăng và cắm vào một ngọn cờ chủ nhân ông rồi thì ai cũng có quyền nuôi hy vọng, nhất là nghệ sĩ.

Những cái tên kiếm như Long Tuyền, Trúc Lâu, Mạc Gia, Can Tương, Bàn Dĩnh, Ngư Trường v.v…, mỗi thanh kiếm đều có mang một tâm sự u uất mà chưa được cởi mở cho đúng tầm quan trọng, chưa ai đưa lên thành mầu sắc, liệu tôi có đủ tài không?

Sự cách biệt giữa các dân tộc khác với dân tộc Việt Nam là ở chỗ ấy. Ngoài cái ngôn ngữ phải bỏ cả chục năm ra để học mà làm phương tiện giao dịch, con người còn phải tranh đấu với đủ mọi thứ. Dân tộc Việt Nam sinh ra để trả những tội lỗi của các dân tộc khác làm nên chăng? Cũng như trong mỗi gia đình có đứa con thông minh, có đứa con đần độn, tật nguyền. Đã thế lại còn thêm sự chia rẽ nhau, không bao giờ một người Việt Nam chịu công nhận người đồng bào của mình xuất sắc hơn mình.

Cuộc triển lãm của tôi rồi chưa chắc đã mang lại kết quả gì nhưng kệ chứ, đã vạch chương trình ra thì làm. Có những nghệ sĩ suốt đời không bày một tấm tranh, không in một quyển sách. Nhưng hãy tự an ủi rằng sự nổi tiếng cấp kỳ lắm khi không phải là thực tài mà là do sự sa sút của người chung quanh, của thời đại…

Mùi kiến cánh bồng bế nhau đi trốn nước lụt thoảng đâu đây, nghệ sĩ và kiến chắc phải có liên hệ với nhau, muốn thành công phải bắt chước cái đức tính kiên nhẫn của lũ kiến. Cái xã hội kiến đặc biệt trong vấn đề yêu đương để bao vệ giống nòi. Lũ kiến đực chỉ có làm mỗi một việc đó. Loài người thì sao? Đang tiến đến chỗ ấy hay đã từ chỗ ấy vượt qua? Hoạt động chính trị, bị vào tù, quá khứ tối om như cái hang đá không thắp đèn, tương lai sẽ ra sao? Muốn làm chính trị phải học thuộc lòng tác phẩm của Machiaveli hoặc cái đường lối bá đạo của Vệ Ưởng lúc đưa ra trình bày với Tần Hiến Công.

Không theo được những bậc thầy ấy thì nên về chăn bò còn sung sướng hơn, nhưng cái gì qua là qua rồi, những sự tù đày tra tấn! May mà trời tặng cho con người cái khả năng quên!

Mấy con kiến thế mà khôn, chúng nó biết tin bão lụt trước cả những nhà thiên văn có nhiều dụng cụ tối tân. Tại sao các nhà thiên văn không nuôi ngay lấy mỗi ông một cái ổ kiến, có phải khoẻ không? Tội gì mà vất vả, hay là để chứng tỏ rằng ta hơn lũ kiến ở mấy cái dụng cụ nặng nề. Miền Trung lại bị lụt, năm nào cũng bị lụt, tội nghiệp dân miền Trung không bao giờ được bỏ quên, mỗi khi có thiên tai. Có người giải thích rằng đất miền Trung là đất thiêng mà người miền Trung đã phản bội nên mới bị trời hành như thế. Sự phản bội ấy, theo lời giải thích của người nói, là sự a dua xu thời cái thời dân miền Trung đã đứng lên đạp đổ các đền đài, nơi thờ tự lăng miếu. Nhưng có cuộc cách mạng nào mà chẳng có những sự đổ vỡ như thế? Nếu quả thật có các đấng thiêng liêng, có Thượng Đế, thì sao không trừng phạt những kẻ đứng lên hô hào, xúi dục, hưởng thụ, còn dân miền Trung thì lại phải cong lưng ra gánh vác. Vô lý, tôi không tin đâu.

Nên phạt tội ai? Ông quan tòa ký bản án hay tên đao phủ cầm dao chặt đầu? Người chế tạo khí giới hay người xử dụng khí giới?

Ông bạn nói với tôi cái ý kiến ấy là cháu của một vị Tổng Trưởng ở bên kia Bến Hải, một kẻ nổi danh là duy vật, là không tin tưởng gì về những thần thuyết, thế mới là hay. Nhưng theo ý tôi thì người miền Trung không phản bội mà lại là bị lừa. Tưởng thay đổi một chính thể để đi đến một chính thể khác cho con người được no đủ hơn, rốt cuộc cũng chỉ là một sự "mầy hãy tránh chỗ cho tao ngồi vào". Có thế thôi chăng?

Các bạn đề nghị hùn tranh mở một cuộc triển lãm giúp miền Trung, chưa chắc gì đã thu được bao nhiêu nhưng không phải vì thế mà có quyền nằm nhà. Cái khó khăn khi nhận trọng trách làm người là phải biết cưu mang đồng loại và ngay cả khác loại. Chỉ mỗi một điểm ấy là cho phép con người được kiêu hãnh, nếu không làm trọn thì chẳng còn gì nữa.

Tôi chọn hai bức tranh Trúc Lâu và Long Tuyền để đóng góp vào buổi triển lãm, không bày lần này thì bày lần khác cũng vậy. May ra bán được còn có cái cảm giác giúp ích cho quê hương, dầu sự ích lợi rất bé nhỏ.

Người Việt Nam còn phải lo ăn mặc trước đã, nói gì đến chuyện bỏ tiền ra mua tranh. Ngoài các quan lớn dư dả tiền và có cái mặc cảm giàu quá, vì họ tự biết mình, biết cái gia tài đó ở đâu ra… các quan mới dám bỏ ra tí tiền mua tranh, nhưng tuy được treo lên tường, trang hoàng cho ngôi nhà một anh trọc phú thì cũng chẳng hân hạnh gì cho bức tranh… Tuy nhiên nghệ sĩ cũng phải ăn và cũng phải sống như tất cả mọi người, không kể cái sự xét đoán nông cạn của người đời, sự dư dã là biểu hiệu của sự thành công… chưa chắc.

Một vài người bạn hỏi sao Trúc Lâu là hình ảnh của sự phản bội lại không mang mầu vàng? Vô lý, mầu vàng không thể nào bị hàm oan mãi thế được, đấy là do các ông bà Âu tây đặt ra một cách hàm hồ. Chưa nói đến cái định nghĩa của mầu vàng trong cổ thư Trung Hoa : mầu vàng là chính sắc, mầu của đất đai, của trời đất, mầu của áo bào, áo lễ, áo mặc bên trên. Không ai đi may quần mầu vàng, trừ những sự điên cuồng đảo loạn. Mầu phản bội phải là một thứ mầu sắc lẫn lộn, pha trộn.

Long Tuyền theo sách Tấn Thư là một thanh gươm quý, chôn xuống đất mà khí xông đến sao tinh đẩu. Không chắc rằng người đời có thể nhìn nhận qua bức tranh, đâu là khí của bảo kiếm, và đâu là chòm sao tinh đẩu.

Có hề chi, Thượng Đế cho nghệ sĩ có quyền tưởng tượng, và có bổn phận dìu người đời ra khỏi sự trần tục của hằng ngày.

Chưa chắc sẽ có ai thèm nhìn đến hai bức tranh của tôi, nhưng người mẹ nào chẳng thấy con mình là xuất sắc, ông láng giềng không nhìn thấy, đó lại là chuyện khác. Cầu mong cho cả hai bức tranh đừng bị rơi vào tay những phường tục tử, nhưng tục tử thì làm gì có dư tiền mua tranh, khỏi lo. Tuy cũng có kẻ dư tiền muốn khoác chiếc áo mượn, mua nhạc mua sách mua tranh để dọa láng giềng. Biết đâu, cũng có thể nó sẽ rơi vào tay một chú G.I., mang sang tận Hoa Kỳ treo lên nhà để thỉnh thoảng tay cầm cốc uých ky ngồi lim dim thả hồn nhớ tới mấy cô bán ba trên con đường Tự Do.

Bức tranh cũng gặp mười hai bến nước, chẳng biết bến nào đục bến nào trong, hệt như đời một cô con gái…

Những suy tư của SUNG:

Làm nghề giáo sư ở cái nước Việt Nam bị thu hẹp này thật chẳng có gì đáng say mê. Xã hội bắt mỗi người phải mang một chức nghiệp gì mới chịu. Mục đích chỉ để ghi vào danh thiếp, lại một hình thức bịp bợm, dọa dẫm nhau. Một lần chợt bắt gặp được những tấm thiệp dài giòng đầy chức vị in bằng ngoại ngữ của các đồng nghiệp, tôi chỉ muốn cười lên thật to. Nhưng sao lại cười, người ta xây nhà cao cửa rộng, đi đâu cũng được nể nang trọng vọng, là chỉ nhờ mấy giòng chức vị giám đốc, chủ tịch, tổng thư ký đó mà thôi.

Cơm gạo cả, sao lại chế diễu người ta, nếu mình không làm được là lỗi tại mình kém thua trong nghệ thuật trơ và lì. Tôi chọn cái nghề này với hy vọng mỗi năm có những ba tháng rỗi rãi để đi đó đi đây. Rốt cuộc chừng nầy tuổi rồi mà mới biết được có mấy nơi, trong nước và ngoài nước. Biết cũng biết một cách vội vàng, chụp giật, đến đâu cũng phải lo nhìn, lo xem, kẻo sợ giấy phép hết hạn, sợ hết ngoại tệ v.v… Đi du lịch như thế đâu có sướng, nhưng trót sinh vào làm con dân một nước nghèo thì phải chịu vậy, chứ than với ai. Đã thế còn thêm sự ham hố của mấy ông giám đốc các tư thục, nếu chính phủ cho phép chắc họ sẽ mở cửa trường quanh năm suốt tháng để bắt học trò đóng tiền không ngừng.

Đến đêm nào cho hỏa châu thôi chiếu sáng lên không gian, cho người dân Việt Nam được ngủ thẳng giấc và trong cơn mơ không còn thấy cảnh bom đạn hãi hùng vì mãi bị chứng kiến, bị đọc, bị nghe hằng ngày. Bao giờ cho hai người Việt Nam không quen biết, gặp nhau mà khỏi bị một áng mây ngờ vực lo lắng, mật vụ chăng? Việt Cộng chăng? Ký giả Tổng Nha chăng? C.I.A. chăng? Ngay cả những người Việt Nam đã được cái may và không may ra sống ở ngoại quốc cũng không thoát khỏi bầu không khí ngờ vực lẫn nhau ấy. Hai người Việt gặp nhau không dám cười, không dám nhìn, vì không biết đường lối chính trị của người kia ra sao.

Đó là một trong những phát kiến ghê sợ nhất, đáng lên án nhất. Sự gieo căm thù vào lòng người, nhất là những kẻ cùng chung một lịch sử, một giống nòi, một quê hương. Có người tự hào rằng đây là khúc quanh lịch sử, và lịch sử thế giới đang ghi lại trên xác người dân Việt Nam, lấy máu của dân Việt Nam làm mực, một thứ mực không bao giờ phai.

Nhìn những nét mặt thơ ngây của các chú học sinh ngồi trong lớp, tôi thường lo ngại mỗi khi nhận thấy chú nào lơ đãng, hoặc kém sút. Hết hạn tuổi là không được miễn dịch nữa, là phải đi lính, phải mặc bộ quân phục lên mình, phải ra trận, nếu không là con ông cháu cha, không phải là con hoặc em gì của một người đẹp, nhân tình ông lớn.

Ra trận, rồi sẽ bị thương nếu không là chết trận, thây quẳng vào nhà xác từ mấy hôm gia đình mới được tin. Tuy vẫn còn hơn những kẻ chết mà chẳng hay biết đến, thân thể tan nát thành bùn hoà lẫn với sình lầy trong mấy đám ruộng không tên. May mắn là những kẻ được đồng đội đưa ra nghĩa trang, nấm mộ mang tấm ảnh mà nét mặt còn đầy vẻ thơ ngây. Các chú học trò hỏi tôi, thằng con trai Việt Nam phải làm gì? Nên đặt lý tưởng vào đâu? Tôi biết trả lời thế nào? Đi lính ư, ra mà bắn đồng bào? Trốn lính sống chui sống nhủi, ra đường phải đi lối tắt quanh co, ban đêm phải trèo lên trần nhà nằm ngủ, xanh xao vì thiếu mặt trời, vì không dám rời gian phòng xép thiếu ánh nắng. Trốn ra ngoại quốc làm nghề rửa bát, gác nhà ngủ cho ngoại nhân?... Nói thế nào, hình ảnh những nấm mồ với giòng chữ "Tổ Quốc ghi ơn" rồi cũng phai mờ với năm tháng… Liệu tổ quốc có ghi ơn thật chăng, hay là tổ quốc quên ngay sau khi hòn đất đầu tiên vừa vứt xuống phủ nấm mộ?

Chính tôi cũng là đứa trốn lính, trốn một cách công khai lại càng nhục nhã hơn, nhưng có bao giờ ai dại gì mà không lợi dụng sự có thể của mình. Cái nghệ thuật trốn lính của nước Việt Nam chắc sau này phải mang ra công bố để dạy thế giới. Mua cả xác chết để khỏi phải đi trình diện, đố ai dám hiểu nếu không được cắt nghĩa tường tận, và thấy chính người ấy. Có người đi tìm an ủi trong cánh tay một cô gái, cũng là một đường lối trốn cô độc, trốn ưu tư, nhưng nếu không gặp được một tâm hồn bạn mà gặp phải cái máy nói, cái máy nhõng nhẽo, máy ghen thì nguy hơn. Tạo thêm dân để cho các ông bắt đi chết thì tạo làm gì. Anh Văn với chị Thu là một cái chứng cớ, một bài học cho tôi. Sự đẹp đôi bề ngoài chưa đủ, phải là sự đẹp đôi tinh thần mới chống chọi lại với sức tàn phá của thời gian. Xứ Việt Nam quả đã đặc biệt, tại chiến tranh chăng? Hay bị hai ba nền văn minh đến đô hộ, chụp lên đầu người những mâu thuẫn phức tạp?

Có lắm gia đình mới thoạt nhìn tưởng chừng như gia đình của chính ông bà Khổng Tử, mà bên trong thì con chửi mẹ, cháu mắng bà. Các cô gái thì lai căng, da vàng, mũi gẫy mà cứ nhất định chạy theo bắt chước những thứ nhan sắc Âu Mỹ. Các cậu trai, thấy người ta mặc áo dài cũng mặc áo dài, người ta để tóc dài cũng bắt chước để tóc dài mà quên nhìn vào gương xem có hợp, hay nó trở nên bệnh hoạn. Đấy mới là tự do, nếu ngày mai tôi muốn nhồng nhộng đánh trần đi đến trường cũng phải để cho tôi làm, không được cản. Như thế mới là kính trọng sự tự do của tôi. Phải vậy chăng?

Một lý thuyết cần được mang ra để đối chất, phối kiểm lại chăng? Buồn cười nhất là ngay trong giai đoạn này cũng còn có những xứ gửi nhân viên đến Việt Nam để nhờ chiến tranh giải quyết hộ. Ngày xưa người ta nhờ sốt rét với dịch tả, ngày nay khoa học có tiến bộ, tiêm thuốc và kiêng đừng uống nước bậy bạ thì tránh khỏi. Mấy chú G.I. chở nước từ xứ nào sang mà thần sốt rét vớ được là quật ngay. Nghĩ mà thương mấy chú lính viễn chinh ấy, giàu cũng là một cái vạ, giá Hoa Kỳ không giàu, không cho ai vay mượn gì, không giúp đỡ ai cả thì hẳn sẽ bớt bị thế giới ghét.

Nhìn tương lai chỉ thấy màu đỏ của máu và mùi thuốc súng. Quá khứ là một sự đàn áp. Không ở vào giai đoạn náo trong lịch sử mà người Việt bỏ xứ ra đi nhiều như thế, sung sướng được ra đi. Ông nào cũng có một lần thú nhận rằng lúc máy bay cất cánh rồi mới dám tin là ra đi. Cho sự ra đi là một giải thoát ghê gớm lắm. Quy lỗi này về ai? Ra đi để rồi kêu nhớ nhà nhớ nước, quanh năm vui cái vui của người ta, buồn cái buồn của người ta. Xứ người ta bầu cử tổng thống mình cũng thắc mắc, chỉ sợ ông nào lên mà đổi đường lối chính trị phải đóng thêm thuế thì buồn. Trong khi nước mình có bao nhiêu vấn đề, cần bao nhiêu là cán bộ!

Lại còn cái ý kiến nữa, hôm nay đã đưa lên bàn mổ xẻ thì mổ hết một lần, "gái thời loạn", xứ Việt Nam gái thời loạn được hưởng bao nhiêu là ưu tiên. Du học ngoại quốc cũng dành cho cac cô, khỏi đi lính tức là khỏi chết trẻ. Các cô bán ba thì xe hơi nhà lầu, các bà tướng tá thì đi du lịch ngoại quốc như chị ba chị bảy đi chợ Sài gòn.

Thời loạn mà như thế, không biết sau nầy thời bình các cô còn đi đến đâu? Mình nói lên các cô các bà lại bảo rằng ganh, mà ganh là phải, tôi ganh hộ cho nam giới thì đã sao?

Chưa hết, các cô còn xinh đẹp, báo hại cho con người ta say mê để rồi sau đó buông rơi, bắt buộc thằng con trai phải đi biệt kích Hoa Kỳ một cách gián tiếp. Lãnh số tiền tử để an ủi vậy. Có sao, trước sau gì chẳng chết!


« Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Em Là Vì Sao Sáng


Quy Sơn cảnh sách văn


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.75.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...