Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phi lễ »» Chương 3. »»

Phi lễ
»» Chương 3.

Donate

(Lượt xem: 2.209)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phi lễ - Chương 3.

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Những suy tư của Văn

Quãng thời gian đáng ghi vào lịch sử nhất. Nếu tôi là một bậc anh hùng, nếu tôi là một nghệ sĩ, một vĩ nhân, nếu sau này các sinh viên có làm luận án về thân thế sự nghiệp cuộc đời của tôi thì tôi chỉ xin họ nhớ nhấn rất mạnh vào quãng thời gian ngọc ngà này cho tôi. Tại sao ư? Tại nó mang một tầm quan trọng vĩ đại vô cùng, và mỗi con người chỉ có một lần nào đó trong đời mà thôi. Nếu ai chưa gặp thì sẽ gặp, và đã gặp một lần rồi thì xin đừng chờ lần khác, nó không đến nữa đâu.

Sự gặp gỡ của Brahms, chàng nhạc sĩ Đức quốc với Clara Schumann, của Kafka với nàng Dora Dymant là những chứng cớ, hay trở về với quê nhà thì phải nói đến sự gặp gỡ của Từ Thức với Giáng Hương, của Nguyệt Nga với Vân Tiên… Mỗi lần đi làm về đến cửa nhà nghe ba giọng cười hòa lại với nhau, tôi chỉ muốn mọc cánh bay nhanh vào để hùn cái vui, lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự đầm ấm trong gia đình, mà lý do vì đâu?

Thật thế, từ mấy tháng trước, nếu ai bảo với tôi rằng rồi tôi sẽ thay đổi, một kẻ từ phương xa đến có thể làm sống lại những gì đã chết ở trong tôi, chắc tôi sẽ nhún vai mỉm cười.

Hình ảnh bờ hồ Côme trở lại trong tâm trí tôi. Tại sao, tôi cũng không biết. Từ lâu lắm rồi, ngày còn du học, một hôm đang học tôi bỏ sang Ý, tìm được một gian phòng trọ trên bờ hồ Côme ấy. Có những cây liễu buông lá rũ quanh hồ, mây phủ mờ ngang lưng chừng núi, hệt như một bức tranh thủy mặc của thời xưa. Gian phòng nhà trọ dành cho tôi ở tầng thứ ba, có thể nhìn xuống cả hai mặt hồ. Đêm hôm ấy, trời đang khô ráo bỗng kéo mưa, thứ mưa mà người Trung Hoa gọi là Bàng Đà vũ, vì nó làm điên đảo vũ trụ, thỉnh thoảng chen vào những cái chớp sáng rực lên trên khắp mặt hồ, làm mờ hết những ánh đèn chung quanh. Nước mưa trút xuống hồ mang một âm thanh nghẹn ngào như người bị đánh đập mà không có quyền gào khóc.

Đêm ấy tôi không ngủ vì tiếc không dám ngủ, mấy thuở con người mới được chứng kiến những phút chuyển mình của trời đất như thế. Gian phòng trọ của tôi như cũng đang bềnh bồng trên mặt nước. Tôi có cảm giác mình là tên thủy thủ sống sót sau một trận bão táp.

Trong giờ phút ấy, tôi nghe chừng như vừa đón nhận một sự gì rất quan trọng quý giá mà có lẽ suốt cả đời người không bao giờ gặp lại một lần thứ hai.

Tôi tưởng không còn có dịp nào nhớ đến, nhưng mấy hôm nay sống trong niềm hân hoan, trong quãng thời gian mà mỗi phút là mỗi phút hạnh phúc, tại sao cái cảm giác và cái khung cảnh của hôm ấy lại trở về.

Làm sao giải thích nổi. Tôi có ý định một ngày nào đó khi đất nước thanh bình tôi sẽ rủ Mai cùng đi, tại sao lại Mai? Sao lại không là một người khác, tôi không biết và không muốn tìm biết.

Ngày xưa tôi khô cằn, nói là ngày xưa thật không đúng, phải nói là mới cách một tháng trước tôi là một cái núi đá không có hoa, không có cây, không có tiếng chim hót. Nhưng bây giờ tôi đã trở thành một nhân vật khác hẳn. Tôi không tin rằng chiến tranh sẽ có thể tiêu diệt hết quê hương tôi, cũng không thể tiếp tục làm lở loét quê hương tôi, sẽ có một ngày rất gần đất nước tôi sẽ thanh bình và phép lạ sẽ làm cho người Việt Nam thương yêu nhau.

Nếu ngày xưa khi ông Moise dẫn dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập mà trời không cho rơi thứ lúa manne thì dân chúng sẽ đói, và biết đâu không thể sống nổi. Trong một tác phẩm của Lý Thì Trân nói rằng chim Minh Cưu tức là chim tu hú, thịt nó ăn vào thì an thần định chí, mang xương đùi nó vào mình thì vợ chồng yêu nhau. Bây giờ có ai thử đi bắt hết chim đó lấy đùi nó cho tất cả người Việt mang vào mình, biết đâu kết quả cũng sẽ được như thế. Ý kiến của tôi thật là khờ khạo, chắc sẽ có kẻ chế diễu. Nhưng lên mặt trăng không khó, mà làm cho người Việt thương yêu nhau thật là khó. Thử đi tìm cái tác phẩm "Mao Thi Sở Nghĩa" ấy nghiên cứu lại xem, biết đâu đấy.

Ngây thơ ơi là ngây thơ, tôi học ai, lây của ai mà có những ý nghĩ như trẻ con lên ba thế nhỉ.

Thu cũng đổi khác, trẻ hẳn ra, diêm dúa hơn lên, con người lúc nào cũng như lọ nước hoa, như hộp phấn mới mở. Cái tài nấu nướng thì càng ngày càng phát triển, trước kia sao tôi không nhận thấy. Cả đến vấn đề con cái đối với tôi cũng không thành quan trọng nữa. Tôi thích ngồi nhìn Mai vẽ, đó là một trong những niềm vui chăng? Hình ảnh bờ hồ Côme đêm ấy lại trở về.

Mai hay nói chuyện về kiếm mặc dầu bao giờ cũng mở đầu bằng một câu "Trong kinh Phạm Võng Sa Môn Gotama bỏ trượng bỏ kiếm, không nói đến những tạp thoại…."

Nhưng tại sao Mai lại biết nhiều về những chuyện cung kiếm ấy? Mỗi lần nghe cô bé nói chuyện, tôi không còn biết Mai đẹp hay Mai xấu nữa… giá con người, cuộc đời như một ván bài có thể xóa bỏ để rồi bày ván bài khác, tôi sẽ tìm một người bạn, một người vợ như Mai…

Huyễn tưởng, đây là những ý nghĩ của những lúc mà đầu óc bị một lớp sa mù trùm lên. Mai sẽ là vợ của Sung, tức là em dâu của tôi. Đâu còn phải cái thuở nào trong Thánh Kinh mà em trai hoặc anh trai có quyền mơ đến em dâu… Vả lại… xuyên tạc… tôi thương Sung. Thánh Kinh bảo là khi nào em trai hoặc anh trai chết mới có sự ấy.

Xin đừng ai tìm hiểu tôi và đừng đọc lên những ý nghĩ điên rồ của tôi. Tôi vẫn bình yên, tôi không có điên và điều cầu mong thiết tha nhất vẫn là cho tất cả những người tôi thương được hạnh phúc.

Làm sao để gột rửa tội lỗi, dầu tội lỗi ấy mới chỉ chớm mầm trong tâm tư. Nhưng sao lại sợ hãi quá vậy, có gì đâu…

Những suy tư của THU

Suốt đêm qua tôi không ngủ, những ai từng không ngủ mới có thể hiểu được tâm trạng của người đàn bà không ngủ. Mỗi một lần con kỳ đà trên mái nhà ngoài kêu lên tiếng kêu sang canh là tôi lại có cảm tưởng như con kỳ đà muốn lên tiếng an ủi. Nằm bên cạnh Văn, nghe tiếng thở đều đặn của Văn mà tâm tư tôi chỉ hướng về một hình ảnh khác. Có lúc tôi cầu cho Văn chết đi, giá tiếng thở ấy ngừng lại nhỉ, rồi sao nữa? Tôi sợ hãi kéo chăn che mặt, không, tôi không muốn nghĩ thêm, tôi là người đàn bà của lễ giáo, của đạo đức. Những tiếng thở dài của tôi không đủ thức Văn dậy, hay là vì tôi không dám, sợ Văn đặt câu hỏi vì sao lại thở dài. Tôi sẽ trả lời thế nào? Nói dối ư? Nói thật ư?

Tôi cắn gần nát cái gối, hệt như một con thú bị giam ngồi tiếc cuộc sống tự do, cần phải cắn nát một cái gì mới bớt được cơn dày vò. Ngọn lửa âm ỉ nhưng liệu có thể giữ mãi cái tầm âm ỉ ấy không? Hay một ngày nào đó, tôi kiệt sức đành để cho gió thổi. Hai bàn tay tôi mong manh làm sao cản được gió, và sức lửa hòa hợp với gió sẽ trở nên ngùn ngụt, cháy thiêu tất cả. Rồi sẽ ra sao, không cần biết.

Văn đã hành hạ tôi, bắt tôi làm bổn phận một người vợ, như người Ả Rập khi tìm đến cái phụ thất của họ, với tất cả quyền hành của một người chồng, một con thú giống đực và người vợ chỉ là một cánh đồng. Tôi cũng không cần, tôi đã thả cho tâm tư tìm về một chốn thiên đường khác. Hình ảnh Sung, lúc bàn tay Sung nắm tay tôi để vượt qua đường, chỉ có thế thôi, với những cái nhìn, những nụ cười, mùi mồ hôi tỏa ra từ trong mấy tấm áo lót. Tôi đã thoát khỏi tất cả.

Ai không biết tưởng rằng chúng tôi thuận thảo hơn cả hai con bồ câu trên chuồng, làm sao họ biết được. Văn có vẻ hài lòng, thế mới lạ kỳ, tôi như muốn gào lên tất cả sự thật vào tai người đàn ông ấy.

Từ lâu rồi, đã bảo rằng hai chúng tôi là hai tên du mục khác bộ lạc, khác thổ ngữ, sao mấy hôm nay lại đâm ra hiểu nhau. Giá có một phép thần thông nào, chồng tôi biến thành một người khác, cái thân thể thỏa mãn đang thở đều đều bên cạnh tôi bỗng hóa ra một cái thân thể khác… thì sao, phi lễ ơi là phi lễ. Coi kìa tôi, người đàn bà được nuôi dưỡng trong lễ giáo mà sao dám có những ý nghĩ ma quái ấy.

Nhưng thật là bẽ bàng, nói thì nói cho hết, đâu có phải một mình tôi đã chơi cái trò gian dối ấy, ngay cả Văn cũng đang dùng tôi để thỏa mãn một ý nghĩ khác. Tôi nghe Văn thầm thì nói một mình như đang nói chuyện với ai. Tôi hỏi Văn nhưng ông ta quay lưng bực tức và giả vờ ngủ.

Tôi muốn bật cười thật to, hay là gào khóc thật to đánh thức cả nhà dậy, không, tôi chỉ muốn đánh thức một mình Sung dậy thôi để gục khóc vào lòng Sung. Chỉ có thế mới làm tôi bớt đày đọa.

Thật là tởm, làm sao tưởng tượng nổi. Tôi vùng dậy đi sang phòng bên. Tôi muốn gột tẩy hết tất cả những vết dơ bẩn phản bội đang nhầy nhụa trên thân thể, trên da thịt tôi. Những vết tội lỗi mà người ta đã phũ phàng đóng lên thân xác tôi, như người công chức bưu điện tàn nhẫn đóng dấu trên những con bưu hoa nguyên trinh.

Tôi ra phòng ngoài thức luôn đến sáng, ngồi đan áo cho Sung. Đầu óc tôi chỉ chực nổ tung ra như trái lựu đạn đã mở chốt, tôi muốn làm một hành động gì thật ghê gớm, thật điên cuồng, tôi muốn gào thét, muốn lăn lộn, muốn đốt lửa lên cho cháy rụi hết cả cái thành phố Đà Lạt hiền lành này. Nhưng không. Trái lựu đạn tuy đã mở chốt nhưng luân lý không cho phép nổ, lẽ phải không cho phép nổ, và pháp luật không cho phép nổ.

Nhìn ra bên ngoài trời sáng dần, ánh sáng như bước chân ai rất hiền hòa, rất nhẹ nhàng, đang từ từ đi vào không gian, đi vào đô thị. Mọi người vẫn còn ngủ, chỉ độ bốn giờ sáng, vào mùa mưa rét thì giờ này còn âm u, có lẽ còn âm u hơn những giờ phút khác. Nhưng trời bên ngoài cứ sáng dần, như một bàn tay nào đang mở nhẹ từng lớp lụa bọc lên không gian từ đêm qua.

Phải thức nhìn sáng, chờ sáng, mới hiểu rõ tất cả những sự huyền bí của vũ trụ, nói thế chứ chắc gì đã có ai hiểu nổi. Tôi thức vì buồn, giá lúc này mà Sung cũng thức với tôi nhỉ, thì tôi sẽ pha trà sen cho Sung uống để rồi hai chúng tôi cùng lặng lẽ nhìn ra bên ngoài. Không cần phải nói lên một câu nào, nhưng tôi tin rằng cả hai sẽ cảm thông nhau và sẽ vui một niềm vui rất nhẹ. Tôi mơ chăng? Sao lại mơ, tôi chỉ mà một người đàn bà đáng thương. Chung quanh tôi, mọi người vẫn còn say ngủ.

Tiếng gà gáy đầu tiên với tiếng đập cánh thức giấc làm tôi nhớ lại ngày bé cùng mẹ đi tản cư về quê. Sao tôi lại không làm một cô gái quê, sao tôi lại là tôi, bà luật sư, vợ của một ông luật sư, chị dâu của một ông giáo sư… Những ý nghĩ trong lúc trời dần sáng sao lại không tinh khiết, mà thế nào gọi là tinh khiết… Tôi chợt nhớ đến Thánh Kinh, trong thiên thứ năm của sách Pentateuque có một đoạn thứ hai mươi lăm nói về luật lệ… Nếu hai anh em cùng sống chung mà người anh hay em chết đi không để lại con cái thì người vợ phải sống trong nhà, không đi lấy chồng khác, chờ ăn ở với người anh hoặc em còn sống, để tiếp nối giòng dõi hương khói cho người chết. Thiên Deuteronome gọi đó là luật của người anh hoặc em chồng…

Ai đọc được những ý nghĩ của tôi hôm nay nhỉ, thì họ sẽ nói sao. Có gì đâu, hai nghìn năm trước Thánh Kinh đã nghĩ ra. Như thế tức là tôi không có tội lỗi gì cả.

Nhưng tôi điên rồi, ai thức suốt đêm chờ sáng mà không có những ý nghĩ như tôi, hãy làm thử, hãy sống thử trước khi lên án, mọi người ơi.

Những suy tư của MAI

Sắp bắt đầu phá trinh một khung lụa, sự kiện cũng quan trọng như cô thiếu nữ lúc bước chân lên xe hoa, như nhà văn chân chính khi mở đầu một thiên tiểu thuyết. Sự hồi hộp, ngập ngừng có lẽ cũng hệt nhau. Nhà văn lo sợ không biết tác phẩm có đóng góp gì, có mang lại gì, và sự đón nhận của độc giả, của các bạn sẽ ra sao?

Có người cho rằng như thế là nhiễu sự, vẽ hỏng thì xóa đi, nhưng một khung lụa xóa đi và một khung lụa trinh nguyên mang lại hai giòng cảm hứng khác nhau.

Lắm khi tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi liệu xã hội có cần đến ngọn bút của tôi không. Ông làm phở không nấu phở thì ngày mai sẽ có nhiều người tiu nghỉu đứng trước cửa hàng buồn rầu, cũng như ông thợ may từ chối không nhận may áo thì sẽ có nhiều bà mệnh phụ khổ tâm… Còn tôi, còn mấy anh họa sĩ phất phơ, sự có mặt và không có mặt của những nhân vật nầy có hệ trọng gì không. Chắc rằng không.

Chị Thu bằng lòng làm mẫu cho tôi, rất ít nữ họa sĩ Á đông dám vẽ những đề tài mạnh dạn, khoả thể như các nam họa sĩ, nhất là như các họa sĩ Âu châu. Có phải vì thiếu người làm mẫu hay là tại sự e thẹn của những tâm hồn còn thấm nhuần đạo lý cũ.

Giá chị Thu bằng lòng tôi sẽ yêu cầu chị ấy làm mẫu khỏa thân, có họa sĩ nào không ước mơ một lần được vẽ với một cô mẫu thật đẹp, thật gợi hứng. Nếu ngày xưa Rubens thành công, có phải một phần nhờ cô vợ trẻ của ông đã cung cấp cảm hứng và đề tài cho ông. Rubens thích ngựa, đàn bà và lực sĩ. Ba cái của thiên nhiên.

Kiếm, đàn bà và bộ xương sẽ là ba yếu tố chính trong cuộc triển lãm Bảo kiếm của tôi. Nếu không có chị Thu thì phải tưởng tượng, dùng cái lối đẹp kỳ lạ của Lucas Cranach, vừa khiêu khích vừa làm cho người nhìn bực bội. Nhưng liệu chị Thu có đủ văn minh rộng rãi để cho phép họa sĩ được thực hiện những ý kiến của mình?

Trong con người chị Thu có nhiều mâu thuẫn rất lạ… Tôi nói qua cái tâm trạng của Mạc Gia, chị Thu đồng ý và còn cao độ hơn, chịu cái lối đẹp của người đàn bà "insecte femme" hơn là thứ nhan sắc dễ dàng của Rubens. Tôi thích cái tính đặc biệt và thông minh hiểu nhanh của chị Thu. Nếu ở trường hội họa nào cũng có loại người mẫu đặc biệt sáng dạ như thế thì các sinh viên họa sĩ sẽ được thêm nhiều đề tài.

Biết rằng mình ra quá muộn màng nhưng có phải vì vậy mà đóng cửa nằm nhà được đâu, cái tảng đá bên đường kia đã làm sung sướng rất nhiều khách bộ hành mỏi mệt và sẽ còn làm cho rất nhiều khách bộ hành khác rồi cũng sẽ được sung sướng… Tôi muốn nói đến những công việc nhắc lại của mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà văn.

Làm sao kết duyên hai thứ nghệ thuật, những mẫu lá trúc đơn sơ làm sao phải được lồng trong những nét xương xẩu lập thể..

Anh Văn và chị Thu là một bức tranh rất lủng củng từ bố cục đến mầu sắc, nếu tôi là họa sĩ chắc tôi phải đành xóa bỏ để vẽ lại chăng.

Người ta bảo rằng đôi vợ chồng nào cũng phải trải qua cái giai đoạn đó sau một thời gian sống chung, hai con người đã thuộc lòng nhau, từ những ý nghĩ thầm kín, những kỷ niệm thơ ấu, những phản ứng trước cuộc đời, không còn gì để làm ngạc nhiên, làm thích thú nữa. Cả hai có một cuộc sống quá đều đặn, không đưa đến những yếu tố mới, ngấy nhau là phải… Liệu tôi có làm gì để giúp đỡ hai anh chị tìm lại được những nguyên liệu để xây đắp bồi bổ cho cái ngôi nhà hạnh phúc đang chờ một cơn gió mạnh để sụp đổ chăng?

Anh Văn đòi bắt chước Gaughin bỏ nhà ra đi, tôi không tin là anh Văn thuộc loại người ấy, muốn bỏ ra đi phải là thứ người không bị chi phối, không bị lệ thuộc bởi một sợi tơ nào cả. Tôi ngờ rằng anh Văn là kẻ sống sót của một chế độ cũ, đầu óc còn nặng những bài kinh thư kinh thi.

Sự được ra du học ngoại quốc lại càng nhấn mạnh thêm lên con người ấy những nét mâu thuẫn, làm sao chị Thu không buồn được.

Giá trời cho hai anh chị ấy vài đứa con thì sự kiện chắc sẽ hoàn toàn đổi khác, anh Văn sinh ra để làm cha hơn là để làm chồng. Nếu có con, chắc anh ấy sẽ dạy dỗ chu đáo hơn tất cả những người cha khác. Lắm khi anh ấy có một vài cử chỉ đối với tôi hệt như đối với con gái, tưởng chừng như tôi là con của anh ấy. Thế mới lạ, và định mệnh cũng lạ, không bao giờ chịu khuất phục con người, chiều ý thích con người một tí coi.

Chị Thu lại phàn nàn anh Văn không bao giờ biết đến công trình của vợ, không hề mua một món quà tặng vợ. Điểm này hôm nào mình phải giả vờ đưa nó ra trong bàn cơm mới được. Đàn bà thích được những sự săn sóc vụn vặt mà đàn ông cứ hay quên mãi.

Chị Thu đang bị dằn vặt giữa lương tâm và tình cảm. Ở dưới mái nhà này, mỗi người là một nhân vật đáng cho các tiểu thuyết gia đại tài đưa ra mổ xẻ. Tuy bên ngoài trông ai cũng hiền hòa, hiền như con sông Jourdan của sứ Do Thái và Ả Rập, hiền nhưng lắm chuyện và có lẽ chẳng bao giờ được bình yên.

Những suy tư của SUNG

Mai thật ác, dùng chữ ác chắc vẫn chưa đủ, tôi có cảm tưởng hay là cô nàng muốn đùa, muốn thử thách chúng tôi, muốn nhìn nét mặt khổ sở của Thu, sự lúng túng của tôi. Chắc cô nàng thiếu đề tài, có người cần phải làm một hành động gì ác độc mới chịu nổi, thì Mai cũng thế. Mai bày ra việc chụp hình, bắt Thu làm mẫu, đổi thử các kiểu nằm ngồi của người mẫu và bắt tôi đứng chứng kiến cho ý kiến, hỏi xem nên đặt Thu nằm thế nào, ngồi thế nào…

Nếu không thì đòi ăn món này món khác, bắt tôi đưa Thu đi mua, nhưng tại sao những lúc ấy tôi lại không từ chối, tức là lỗi không phải hoàn toàn ở Mai. Một phần cũng tại Thu, mỗi một ý kiến của Mai đưa ra đều làm cho Thu vui mừng, tôi không nỡ trái ý.

Trông Thu hồng hào mạnh khoẻ hẳn lên, như người đau ốm lâu năm mà được gặp thầy gặp thuốc, tôi phải làm cách nào bây giờ.

Thật là mỉa mai, lên Đà Lạt với ý định tìm hiểu nhau, để có dịp nói chuyện với nhau, sống riêng biệt với nhau, tránh những cặp mắt tò mò của láng giềng, không ngờ ở đây lại khó khăn hơn. Mỗi lần nhìn thấy hai chúng tôi đi riêng hoặc ngồi nói chuyện riêng là y như trong đôi mắt của Thu hiện ra những nét buồn ghê sợ. Những nét buồn tê dại làm tôi phát rùng mình rồi như hai cái máy, tôi và Mai tách rời nhau ngay.

Trái lại anh Văn trẻ hẳn ra, sống một cách vội vàng như linh cảm có một sự đổ vỡ đang chờ đợi, nếu không sẽ là một quãng trống, một cánh đồng tha ma.

Tưởng con người đã từng đi lùng cho ra thứ vợ hoa khôi thì cũng phải thích những tấm nhan sắc tương xứng, trái lại, Mai chẳng có gì để sánh bì được với Thu, thế mà sao anh Văn lại có thể say mê Mai đến thế. Say như người say thuốc lào, nếu không đi làm việc thì ở nhà chỉ có quanh quẩn ngồi nhìn Mai vẽ hay nghe Mai nói chuyện.

Thu đẹp như trái cây vào mùa, ngon lành, thơm mọng, không thể ví với một hình ảnh nào khác hơn.

Liệu anh Văn có nhìn thấy những tia lửa địa ngục đang thỉnh thoảng bộc phát từ ánh mắt của vợ không, nhưng anh Văn như người say rượu, chỉ biết có mỗi một mình và rượu, ngoài ra, vũ trụ là mây mù. Nếu anh ấy nhận biết những tình ý của Thu thì anh ấy nghĩ sao, có buồn không, có ghen không?

Những đêm Thu không ngủ, sáng ngày ra nhìn thấy là tôi biết ngay, đôi mắt đẹp của người đàn bà sau một trận khóc hoặc sau một đêm không ngủ trông lại càng đẹp hơn, cái đẹp ghê sợ não nề nhưng mà đẹp. Tôi không dám hỏi vì hỏi tức thì đôi mắt ấy sẽ trở nên rưng rưng ướt, và tôi chỉ muốn làm một cử chỉ gì để ngừng dứt… Ai cho phép làm mà làm.

Thương vợ đâu có phải chỉ có sắm sửa, cho ăn mặc, cho quần áo tư trang là đủ, phải giúp vợ tiến triển thêm ở mặt trí thức, ở cuộc sống tinh thần.

Có phải tôi đang tự bào chữa cho chính mình đây không, cái tôi bẩn thỉu tội lỗi bao giờ cũng mạnh dạn hơn cái tôi luân lý đạo đức… Nhưng tôi không bao giờ làm buồn anh Văn đâu, còn Mai đó, để cho ai, người đàn bà đã làm cho tôi cảm xúc không phải vì tấm thân, vì đôi môi khêu gợi, mà vì tinh thần, vì lý trí… Lần đầu tiên sự kiện xảy ra trong tôi và có lẽ cũng rất hiếm khi xảy ra trong xã hội, không đáng quý sao? Không đáng giữ gìn để đưa ra làm thí dụ với xã hội sao? Tôi muốn có thể viết một thiên luận án đưa cái sự kiện mới lạ này ra. Chắc sẽ có rất nhiều người phản đối, nhưng không sợ.

Đối với Thu chỉ có sự tội nghiệp mà thôi, câu chuyện trầu cau của người Việt vẫn thường hay ám ảnh trong lòng người Việt. Bao nhiêu thằng em ganh với thằng anh vì thấy thằng anh bao giờ cũng xuất sắc hơn mình, khôn ngoan hơn và nhận được nhiều sự chiều đãi hơn.

Khỏi cần phân tích dài dòng, chỉ biết rằng những sự cấm đoán càng nghiêm ngặt bao nhiêu thì sự lôi cuốn càng hấp dẫn bấy nhiêu. Tại sao lại phức tạp như thế, lỗi tại ai, thiên nhiên chăng? Thượng đế chăng?

Suốt buổi sáng Thu bỏ cả mọi việc để thử cách làm mẫu cho Mai. Thật tội nghiệp, trông Thu như một nữ sinh bé nhỏ, ngoan ngoãn để cho cô giáo điều động.

- Chị Thu ngồi thế này, không, phải ngồi thế kia. Chị Thu cởi thử cái áo dài cho em nhìn coi, cởi cả áo cánh nữa kia.

Tất cả Thu đều phải làm trước mặt tôi mới là oan nghiệt. Tôi định quay lưng giả vờ đi vào thì Mai gọi giật lại:

- Sung đứng đấy ngắm hộ Mai đi, Sung thấy thế nào? Mai muốn chị Thu phải cởi bỏ luôn cả cái yếm lót…

Suốt cả một tiếng đồng hồ như thế, ai mà không nghe mạch máu căng thẳng chực nổ tung. Tôi đề nghị không nên bắt Thu phải hoàn toàn không mặc áo, nhưng Mai có vẻ chưa đồng ý.

- Mạc Gia ở vào thời đại ấy mà Mai không cho mặc áo thì vô lý quá.

- Ơ hay sao Sung lại cứ đóng đinh con người vào với thời đại như thế, chị Thu nghĩ sao…

- Chịu thôi, tùy Mai với Sung…

Nghe Thu nói mà thương quá đi mất.

- Chị Thu có cái thân hình đẹp, mặc quần áo phí cả của.

- Nghe Mai nói thật là méo mó nghề nghiệp.

Cả ba phá lên cười, nhưng là ba thứ cười khác hẳn nhau.

Cuối cùng mỗi người nhượng bộ một tí, Mai chọn một thứ voan mỏng để Thu khoác lên người, còn đốt cho nó chảy xém ở nhiều chỗ để bắt mọi người phải nhìn tận mắt cái màu hồng khêu gợi của da thịt.

Tôi không ngờ Mai lại kỳ dị quá sức tưởng tượng của một người đàn ông Á đông đến thế. Mai bảo tôi tập làm croquis thì tôi cũng bắt chước lấy than với giấy hý hoáy, sự thực tôi chẳng còn đầu óc đâu để mà suy luận, mà nhìn những sự cân đối hoặc đường nét màu sắc.

Mai đúng là sản phẩm của chiến tranh chăng?


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.184.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...