VănBệnh hoạn đến thế kia sao? Tôi? Mà ở con người ấy có gì kêu gọi cho cam, hay là tôi lập dị, hay là tôi đang lên cơn sửa soạn đi vào nhà thương Biên Hoà? Từ xưa đông tây chỉ có say mê mái tóc óng ả, tấm thân cân đối, đôi mắt trong và mơ màng… Mai chẳng có một nét nào gọi là đúng mẫu mực, sao tôi lại không có một phút giây nào ngừng nghĩ đến. Con người khô cằn ấy trước mắt tôi đã trở nên đẹp, trở nên lôi cuốn hấp dẫn, thế là sao?
Liệu ngày nào được thỏa mãn rồi thì sự mơ ước có còn hành hạ tôi nữa không, người ta bảo muốn lành bệnh yêu thì hãy chiếm đoạt cho được cái vật mình yêu. Nhưng làm sao mà thỏa mãn, con người chỉ biết có bút, với mầu, với khung. Tôi vốn kỵ cái thứ đàn bà đi ra ngoài lãnh vực của mình như thế, tôi không tin rằng Mai biết vá một chiếc áo, nấu một bữa cơm, hoặc là băng một vết thương. Tại sao tôi lại đi chấp nhận cái thứ đàn bà ấy.
Có những lúc tôi muốn thù ghét Mai, tìm ở Mai những nét thô bạo, vật chất, bần tiện để ghét nhưng chẳng bao giờ tìm thấy, trái lại. Đi tìm chỉ để gặp những cái gì làm cho mình say mê hơn, Mai vẫn tự nhiên, lúc nào cũng như không thấy những sự xấu xa ganh ghét đố kỵ ở quanh mình.
Một vài khi trong đôi mắt hiện ra một vẻ hãi hùng của một con thú rừng bị người thợ săn rượt đuổi. Tôi từng bắt gặp rất nhiều lần những cái nhìn hãi hùng van vỉ ấy trong đôi mắt của những con thỏ rừng, con nai, vào mùa săn. Có phải vì những cái nhìn ấy mà ngay từ hôm đầu tiên tôi đã bị thu hút?
Hẳn vì trong tiềm thức từng mang nhiều phút giây hối hận mỗi khi đi săn về, lần nào tôi cũng tự hứa là sẽ không bao giờ đi săn nữa. Lời hứa không được giữ quá một năm vì buồn, vì bị anh em rủ rê. Mà ngoại giới có ai làm gì để ngăn cản tôi đâu.
Có lần tôi tôi đặt câu hỏi:
- Tại sao Mai hay có cái nhìn sợ hãi ấy?
- Em không biết, chắc tại kiếp trước của em đó. Kiếp trước em là con hươu con nai…
Nói xong Mai mỉm cười, câu nói làm cho tôi bị dằn vặt hơn, tôi đâm ra suy nghĩ vẩn vơ, có thật như thế chăng. Từ trước đến giờ tôi không hề tin những câu chuyện huyễn hoặc ấy.
Trong đến tối tôi thường biến Thu làm Mai, tôi biết đó là một sự dối trá, một sự hiếp dâm tinh thần, làm sao được, tôi chỉ là người.
Nếu quả thật kiếp trước Mai là con thú rừng và tôi là tay thợ săn thì kiếp này tôi phải làm gì để chuộc lỗi đây… Nói nghe phản khoa học, nhưng đã chắc gì là phản, biết đâu một ngày nào đó người ta chẳng tung ra những sự hiểu biết mới.
Hôm nọ đi rừng gặp mưa, những giọt mưa đồng lõa như trời làm ra cho riêng tôi, biết bao nhiêu mối tình khởi đầu trong cơn mưa. Mưa bắt chúng tôi phải đứng ép sát vào nhau, chứng tỏ cho chúng tôi biết rằng chúng tôi chỉ là hai con người rất tầm thường với tất cả những sự đói lạnh, tầm thường của con người… Nhưng… cả hai đều cố gắng để không bước thêm một bước nào hơn. Trời chứng mình cho sự cố gắng ấy, chưa chắc tất cả mọi người đều vượt thoát.
Phải nói rằng tất cả công trình đều do Mai, cái nhỉn kinh hãi đóng đinh vào không gian đã là sức hãm máy rất mạnh. Tôi chắc sẽ không bao giờ quên được khung cảnh chiều mưa hôm ấy.
Dước gốc cây có hai kẻ đang đứng sát vào nhau, có hai tâm tư đang nổi loạn, chung quanh trời rợp gió, gió quất vào rừng cây những làn roi vun vút. Làm oằn lên bao nhiêu cành lá, những cành cây gầy, hệt như những cánh tay của người đàn bà đang quờ quạng trong không gian vào một hôm xác thịt lên tiếng.
Toàn người tôi tưởng như lên cơn sốt. Mai cũng thế. Không phải cái thứ sốt rét tầm thường bắt mọi người run rẩy một cách bần tiện, mà là thứ sốt âm ỉ, tôi hỏi thầm Mai:
- Có bao giờ Mai bị sốt rét chưa?
- Phi sốt rét bất thành chiến sĩ.
Mai lại cười sau câu nói đùa để làm giảm cường độ của hoàn cảnh, tôi muốn cắn lên đôi môi không thoa son đó. Mai cố gắng dầu biết rằng mình chỉ là một con người mang cái hình hài đói khát như trăm nghìn con người, nhưng Mai sẽ không bao giờ lên tiếng. Người ta ép xác của những con bướm thế nào thì Mai cũng tự ép mình như thế.
Trong cái xã hội này, mỗi con người như có một tảng đá nặng đang trĩu trên đầu, luồn qua bên dưới cho khỏi bị nghiền nát đã là phi thường lắm rồi…
Sung bảo Mai đã từng khổ, từng bị tù, từng bị tra tấn. Tôi chưa bao giờ dám hỏi, đó là những câu chuyện người ta không thể không nhắc lại trong uất hận, trong nước mắt. Tôi chỉ sẽ hỏi Mai, một ngày nào tôi có thể ôm cái hình hài gầy guộc ấy vào trong tay, nếu Mai muốn cho tôi biết… Gái thời loạn, nếu không có những cảnh đó sao có thể tạo nên cho người một sắc thái đặc biệt mà phấn son không bì lại…
Lắm khi tôi tưởng chừng như tôi ghen với Sung, nghĩ đến một ngày nào hai người sẽ hiểu nhau, sẽ yêu nhau và sẽ thành vợ chồng. Thế là hết, mộng ảo trở về với mộng ảo. Ý nghĩ làm tôi ngạt thở, như ai đang trùm trên đầu tôi một thứ bao tải đầy chất độc, không, đã có gì đâu, Mai vẫn là Mai…
Giọng ba người đang cười ở phòng ngoài, tôi phải ra góp vui…
ThuLàm mẫu cho Mai vẽ, tôi không còn ghét Mai như mấy hôm đầu tiên nữa, vì ở Mai tôi không gặp một đối thủ ghê sợ như tôi chờ đợi. Mai lại ít chất đàn bà như những người đàn bà ngoài cuộc đời. Hai con mái lúc nào cũng ngấm ngầm trau chuốc để được con trống chú ý tới mình. Với Mai tôi khỏi lo điều ấy.
Người ta bảo vì Mai có nhiều chất nghệ sĩ, thật vậy chăng? Hình như Mai còn biết rằng tôi nghiêng về Sung, tôi không muốn dùng động tự yêu, hoặc một động từ gì khác. Ừ, Mai biết rằng tôi nghiêng nhiều về Sung mà Mai không ghen, như thế cũng lạ, cô nàng mải mê với ba tấm tranh nên không biết. Vô lý, sao lại không biết, đàn bà vốn nhậy cảm…
Không bao giờ Mai tỏ ra một cử chỉ hoặc một câu nhận xét ngay đến cả một cái nhìn nguýt háy cũng không có. Không một nét phê phán, hay cô ta là một thứ Hoạn Thư cao tay, đang chờ phác họa một chương trình ghen lâu dài hơn, vĩ đại hơn? Hay Mai dùng tôi để nhử mồi Sung. chắc không phải thế, nhưng nếu tôi là Mai thì từ lâu lửa đã bùng cháy và cô Mai ấy đã cuốn gói đi từ lâu.
Mai bắt tôi làm mẫu cho Mai vẽ, giảng cho tôi nghe về cái loại đàn bà mà tiếng Pháp gọi là "biến thể chưa xong", insecte femme, có một lối kích thích rất kỳ lạ của họa sĩ Lucas Granach rất ít khi tôi được nghe ai nói đến thứ đàn bà ấy. Mai bắt tôi đóng vai Mạc Gia nhưng không phải là một thứ Mạc Gia tầm thường mà là một thứ đàn bà vật chất, và sự nhào vào lửa cũng chỉ là một cách đi tìm khoái lạc trong đau đớn. Một hình thức bạo dâm của Sade. Sung kêu ầm lên là Mai xuyên tạc lịch sử, nhưng Mai cãi bướng bảo rằng tại các nhà viết sử đã sợ sệt không dám viết tất cả sự thật đó thôi. Từ cổ chí kim bao giờ con người cũng là con người và chẳng có gì mới lạ.
Cả Sung và tôi đều chịu thua, công nhận là Mai có nhiều ý kiến, cô họa sĩ của tôi còn muốn bắt tôi phải hoàn toàn thoát y để thân hình ẩn hiện sau làn khói mỏng của lửa. Sung không chịu, tôi biết vì sao Sung không chịu, vì Sung sợ.
Kể ra làm nghề cô mẫu cũng hay hay, thế mà từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ đến, theo Mai thì các nước khác trên thế giới có người suốt đời sống bằng nghề làm mẫu. Chẳng phải học hành gì cả, đây mới thật là đúng với câu "hãy đẹp và im đi". Người ta có thể dùng câu này làm châm ngôn cho cái nghề làm mẫu.
Mới nhìn qua tưởng dễ nhưng ngồi một lúc mới thấy mệt, sau 15, 20 phút thì phải cho nghỉ xả hơi. Tôi nghe những cảm giác kỳ lạ truyền khắp mình, như được ai hé cho một chân trời mà nhìn. Người ta đã hẹn nhau bóp chết cuộc đời tôi, không phải chỉ có mình tôi mà còn hằng trăm nghìn người đàn bà khác trong xã hội. Người ta bắt chúng tôi phải đẹp, phải ngoan, phải hiền. Để rồi sau đó những thứ ấy trở nên một thứ ngục tù, và chúng tôi tự trở thành cai ngục lấy mình, còn khắc khe hơn tất cả những người cai ngục khác.
Lấy được một tấm chồng danh vọng, có đám cưới lớn, có quả hộp đầy tư trang với quần áo rực rỡ, cho thế là mãn nguyện cả một đời. Nhưng theo Mai thì con người ngày nay phải biết đòi hỏi những sự gì mới lạ hơn, con người ngày nay không phải là thứ người ở hang ở hốc, cả ngày chỉ có mỗi một việc đi săn bắn về nướng ăn. Cũng không dám săn nhiều vì chưa có tủ lạnh để giữ như bây giờ. Nghe Mai nói tôi và Sung đều phì cười. Nhưng suy nghĩ lại Mai nói đúng, người đàn bà không phải chỉ để ngồi giữ lửa và làm cái máy đẻ ra cho bộ lạc thêm dân.
Tôi chịu những cái lời thuyết lý bướng bỉnh của Mai và tự nhiên tôi cũng đâm ra mơ ước được một phần giống Mai…Muộn quá rồi chăng? Cái ngục tù đã xây cao quá rồi chăng? Mai bắt Sung cũng vẽ, mỗi lần cái nhìn của Sung đặt vào người tôi là tôi nghe như có lửa đốt ở chung quanh mình, lửa địa ngục, lửa của bom đạn. Mai khen tôi đẹp, bảo tôi sinh ra để làm mẫu, Mai đâu có biết rằng chỉ vì cái vai trò Mai muốn tôi đóng nó đã phù hợp với tâm trạng tôi, có thế thôi.
Hình như Sung cũng cảm động, mắt Sung chớp nhiều, cánh mũi phập phồng và hơi thở không đều, tôi lặng nhìn qua lớp áo sơ mi mỏng. Tôi không chủ quan đâu. Cánh mũi phập phồng chứng tỏ sự mất thăng bằng, so với nét mặt bình tĩnh của Mai thì biết ngay. Chiếc voan cháy sém chỗ thủng chỗ lành là bức màn mỏng cho tôi trốn đằng sau. Ai đến cạnh tôi lúc ấy chắc cũng sẽ nghe rõ ràng nhịp tim tôi đang đập rất mạnh. Tình trạng này kéo dài chắc tôi sẽ mắc chứng đau tim, cái nhìn không chớp mắt của Sung bắt tôi nhịn thở, tôi muốn lịm đi, và Mai ngỡ là tôi mệt, phải ngừng vẽ cho tôi nghỉ một lúc.
Mặc dầu Sung vẫn làm ra vẻ tự nhiên, cả hai chúng tôi đều đóng kịch. Tôi có cảm tưởng Sung đang cố gắng, có những giây phút mà hầu như cả hai đều muốn gạt bỏ hết để tìm tới nhau, nhưng có gì đã ngăn cản. Sức mạnh gì mà ghê gớm thế, mạnh hơn cả ý chí và tình cảm của hai người. Luân lý ơi ta thù oán mi, ta thề sẽ đạp đổ mi, mi đâu phải là đá gạch sao mi dám xây tường xung quanh ta, chắn lối đi của ta. Giá hét lên được những ý nghĩ đang nung nấu trong lòng chắc là đỡ khổ. Hét lên thì sẽ được vào nhà thương điên ngay, nếu có Sung cùng vào thì nhà thương điên hay ngục tù cũng trở thành thiên đường.
Ghê sợ nhất là những lúc Mai bỏ hai chúng tôi để đi vào phòng trong. Tôi không biết làm gì hơn là vẫn giữ nguyên dáng ngồi, cúi đầu để tránh cái nhìn moi móc, hay là để tránh cho Sung thấy cái nhìn van vỉ của tôi, một người đang yêu, đang xin được ban cho một chút tình thừa. Tôi biết Sung cũng đang ở vào tình trạng kinh khủng nhất, tôi chỉ muốn ngất lịm đi để rồi ra sao thì ra… May quá Mai trở lại, nhưng sao lại may, phải nói là đáng tiếc, sao không thương cho trót. Thử tưởng tượng nếu Mai bỏ đi thật lâu thì sao nhỉ, chắc thân thể tôi sẽ hóa đá, máu sẽ ngừng chảy trên khắp các mạch máu, tim sẽ ngừng đập nếu không vỡ tung ra muôn mảnh. Đằng kia cách ba thước chắc Sung cũng sẽ hóa thành đá. Chúng tôi sẽ thành hai cái tượng và người đời sẽ đặt mãi bên nhau.
Nhưng đấy là tiểu thuyết, thực tế phải khác, tôi nhắm mắt lại để dễ tưởng tượng, mới có thế thôi mà tôi nghe chung quanh bỏng cháy lửa luyện kim, lửa hỏa ngục nếu yêu đương là cửa mở vào hỏa ngục.
Sung sẽ đến gần tôi và sẽ cúi xuống hôn tôi, cái hôn đầu tiên thường vẫn là cái hôn lên tay, hoặc lên trán để chứng tỏ sự trong sạch. Rồi sao nữa? Nhưng thôi xin mọi người hãy tưởng tượng nốt phần thứ hai hộ tôi, sợ lắm rồi, tôi không dám tiếp nối giấc mơ đâu.
Thượng Đế, ai bảo ông đặt ra tình yêu... Tất cả trên đây chỉ là những ý nghĩ đáng thương của một người đàn bà đáng thương…
Mai hẹn còn những mấy kỳ nữa, tôi không sợ mà lại còn vui thích, hình như tôi yêu cái nghề làm mẫu đó rồi chăng? Được cái nhìn của người mình yêu ngừng lên da thịt… dầu người ta không yêu mình, thế cũng đủ rồi... Tôi trở nên bạo dạn và mang ơn Mai.
Chúng tôi lại đi chợ với nhau, hai bàn tay nắm lấy nhau lúc băng qua đường, vô tình hay cố ý mà bàn tay Sung bỗng xiết chăt lấy bàn tay tôi, thật là phi lễ, chỉ trong một khoảnh khắc đó thôi mà cả hằng ngàn pho sách của ông Khổng tử Mạnh tử đều bị hủy bỏ.
Qua hết đường, hai bàn tay tiếc rẻ buông nhau. Lạ nhất là suốt cả buổi Sung không hề nhắc đến buổi vẽ của ngày hôm qua, mặc dầu tôi cố ý mấy lần gợi chuyện, tôi muốn Sung chỉ khen một tiếng thôi, hình như Sung sợ, sao lại sợ, đã có gì đâu mà sợ… Cái vòng tay ấy chỉ mở ra đến đón có một người thôi sao…
Một ngày nào đó tôi sẽ khai hết tất cả sự thật với Sung, từ những lúc kêu gọi của Văn trong đêm tối, cho đến sự dằn vặt khổ sở của tôi… Để tùy Sung xử liệu, chắc Sung sẽ không nỡ nào hất hủi tôi đâu, trong cái nhìn ấy mỗi khi hướng về tôi như có nhen nhúm một chút lửa âm ỉ, chỉ cần một hơi thổi, một ngọn gió…
Hay là tôi sẽ thú thật hết tất cả với Mai, bắt cô bé phải tiếp tay, thế là hết dám yêu đương vớ vẩn, đáng đời, ai bảo chờ đợi lâu. Thấy của ngon mà không dám ăn ngay, mất ráng chịu chứ.
Mai:Đi vào rừng vẽ với chị Thu và Sung, ông Văn phải đi làm chứ không thì cũng lẽo đẽo xin theo. Chị Thu chuẩn bị từ mấy hôm trước, nào đặt giò lụa, nào đi kiếm lá dứa về để nấu cơm cho thêm hương. Cơm nắm mà ăn với muối vừng là đã ngon rồi, nhưng chị Thu đâu có chịu, bảo rằng đời có dài bao nhiêu mà bắt con người ăn chay.
Có vợ, có mẹ hoặc chị như chị Thu là một sự đại phúc. Tôi bận vẽ nên để cho Sung và chị Thu đi tìm nấm, trời trong quá và nắng như hong tơ trong không gian, đẹp thế này không ghi lại là có lỗi với thiên nhiên.
Vào rừng lại còn nghe được rất nhiều giọng chim, chẳng biết những con chim ấy có vui không mà hót mãi, giá người hiểu được tiếng chim chắc câu chuyện giữa đôi bên sẽ thú vị lắm.
Nhìn chị Thu với Sung đi khuất sau mấy gốc cây, mình chợt nghĩ đến cảnh thì thỉnh thoảng cũng nên chen vào một, hai bóng người, thế là ghi luôn. Dáng chị Thu đi như sắp muốn ngã. Chị Thu có vẻ trìu mến Sung, trong cái tình chị em ấy còn được phủ lên một lớp cô đơn quằn quại. Thủ phạm là anh Văn, đáng cho vào tù là anh Văn.
Chỉ tội nghiệp Sung, lúc nào cũng lúng túng như kẻ mặc áo mượn, hầu như Sung muốn tôi giúp vào làm một cử chỉ gì để ngăn chắn, điều này Sung đã lầm, không bao giờ tôi chịu đóng vai ông ác, chướng ngại vật của cuộc đời. Giữa tôi với Sung mới chỉ là hai người bạn, mỗi đứa đều liệu mà tự giữ lấy mình, làm quan tòa lấy, làm cảnh sát lấy chứ trông cậy vào ai là vô lý.
Đừng cho rằng tôi ác ý xúi giục kẻ khác đi vào đường tà, mà thế nào gọi là tà mới được chứ. Tại sao lại bắt mọi người phải theo mãi một quy luật, trong khi chính quy luật ấy đã bị đổ vỡ…
Tại sao chị Thu lại khóc lúc mình hú lên gọi về, và tại sao Sung lại ngượng ngùng đến phải cúi nhìn mũi giày, giá ghi được những nét cảm xúc ấy lên tranh thì đẹp biết mấy.
Mà sao cả hai lại có vẻ lúng túng làm như vừa ăn vụng, tôi bật cười khi nghĩ đến chữ này, tôi nói đến sự ăn vụng ở nghĩa đen của nó. Xin đừng hiểu lầm. Chắc anh chị lại đang bị lương tâm khủng bố…
Thương hại cho đất nước của tôi sau bao nhiêu năm bị cầy bừa lên mà con người vẫn chưa dám giải tỏa cho mình, vẫn còn phải kiềm chế, đóng khung lấy mình. Cũng như hôm nọ anh Văn định nắm tay mình, nắm tay để làm gì nhỉ. Anh ấy nhìn tôi rồi rút tay về, nhìn anh ấy cắn môi tôi chỉ muốn cười nhưng sao lại cười. Giá cười được thì đó sẽ là một liều thuốc chữa bệnh.
Cả nhà bệnh hoạn, từ anh Văn đến chị Thu và Sung cũng đang rơi vào, chỉ còn có tôi, nếu sống lâu trong ngôi nhà này tất cũng sẽ bị lây, chẳng có thuốc gì ngừa được.
Hôm nay tôi muốn thử sáng suốt để phân tách rõ những sự kiện chung quanh, ban đầu tôi ngỡ rằng chỉ là một trò đùa, tất cả mọi người đều chán cái vai trò hằng ngày của mình nên muốn đi tìm một vai trò khác mới lạ hơn. Những sự săn đón của anh Văn tôi cho đó là vì xã giao, lễ phép nếu không là vì tội nghiệp, tuy rằng tôi rất ghét ai tội nghiệp ai.
Tôi cứ để yên cho người ta chiều chuộng, chấp nhận mọi sự săn sóc, lâu dần những sự chiều chuộng ấy nó biến thể chăng? Mỗi ngày cảm tình của anh Văn một sâu đậm hơn.
Mặt khác, Sung là một con ruồi đang mắc chân vào mạng nhện là cảm tình của chị Thu, tất cả các vai trò đều trở nên lúng túng, rơi vào cạm bẫy hồi nào mà chẳng biết…
Đêm nay trăng sáng quá, ánh trăng hay làm cho con người trở nên ủy mị tầm thường. Anh Văn rủ tôi mặc thêm áo đi xem Đà Lạt ban đêm. Đáng lẽ chẳng nên đi, nếu ở vào một hoàn cảnh khác nhưng ở hoàn cảnh chúng tôi thì chẳng còn gì để câu nệ. Chị Thu giục tôi rối rít, chỉ sợ mình đòi ở nhà. Thế là miễn cưỡng đi. Kể ra thì chỉ sự đánh một vòng trong đêm mát, hai tay thọc vào túi quần, ngước mặt lên cho khí lạnh và sương đêm quất vào, đếm những vì sao xem anh nào siêng, anh nào lười đi trốn, cũng là một cái thú hiếm có.
Tôi lại còn muốn nhân cơ hội nầy để giải thích với anh Văn, thanh toán như người ta đưa nhau vào quán để thanh toán một món nợ.
Anh Văn rủ tôi ra tận hồ Than Thở, mặt hồ im lặng, một thứ im lặng rất cạm bẫy, các cô cậu nào yếu bóng vía, dễ xúc cảm xin tránh những nơi nầy. Nhất lại vào quãng bảy tám giờ tối dưới trăng, eo ôi, bao nhiêu yếu tố.
- Tại sao hồ lại mang tên là Than thở nhỉ?
- Tại ngày xưa có hai người yêu nhau…
- Rồi đưa nhau ra đây than thở, chắc thế chứ gì?
Anh Văn kêu họa sĩ gì mà đầu óc trần tục, theo anh ấy thì đó là hai người yêu nhau, nhưng lễ giáo không cho phép gần nhau, một người chết và người kia khóc, nước mắt rơi thành hồ và tiếng thở dài của hồ là tiếng thở dài của người chết. Từ đó hồ mang tên là Than Thở.
- Sao anh Văn lạnh với chị Thu quá vậy?
- Thu đang mê một người khác.
Câu trả lời làm tôi giật mình, trong một khoảnh khắc có hằng nghìn giả thuyết đặt ra. Có phải vì biết thế nên anh Văn trả thù không? Sự săn đón chiều chuộng tôi từ một tháng nay chỉ là sự trả thù đó chăng? Tôi là một thí vật ư?
- Ai?
- Không cần biết, và cũng không nên biết, chúng tôi sống vì xã hội. Mai đừng thắc mắc, sự gì nó đến thì nó phải đến.
Tôi muốn hỏi thêm nữa, nhưng ngập ngừng ; tôi tin chắc rằng anh Văn không bao giờ ngờ vực em trai của mình. Càng hay, nếu biết chắc anh ấy sẽ khổ.
- Mai không thấy Thu giục Mai cuống lên đó sao, Thu muốn Mai đi để tâm sự…
Câu nói làm tim tôi suýt ngừng đập, may quá anh ấy tiếp theo.
- Thu quý Sung lắm, người đàn bà lúc bị dằn vặt thường hay tìm đến một ông mục sư để được an ủi. Sung là ông mục sư của Thu từ mấy tuần nay.
Tôi thở dài thoát nạn. Anh Văn đặt lại câu hỏi:
-Mai có khinh, nếu ngày nào đó có người yêu Mai và có một vài hành động cuồng loạn với Mai?
- Thế nào là cuồng loạn? Biên giới của sự cuồng loạn ở đâu?
Sau đó, câu trả lời ngoắt nghéo của tôi bắt anh Văn im lặng, sự im lặng càng đậm đà khi được gió hồ thổi vào. Tôi muốn đêm nay nói với anh Văn rằng mỗi con người đều có một lối đi đã vạch sẵn, muốn phá vỡ hay đạp đổ thì cần có một cuộc cách mạng, mà cuộc cách mạng nào cũng bắt nhiều người chết oan. Mỗi sự thành công đều phải xây trên máu hoặc nước mắt nếu không là xác chết. Tốt nhất là nên tha cho họ…
Chắc anh Văn không hiểu tôi muốn nói gì, anh ấy thắc mắc tại sao chúng tôi lại gặp nhau. Một lần nữa Văn lại hỏi tại sao tôi hay có cái nhìn sợ hãi, cái nhìn hốt hoảng của une bête traquée (con thú bị vây dồn).
- Biết đâu đấy, biết đâu kiếp trước em chẳng là con thú và anh Văn là kẻ đi săn.
- Từ khi gặp Mai anh không đi săn nữa và hứa sẽ không bao giờ đi săn nữa.
Thì ra ít nhất tôi cũng đã làm được một việc có ích cho đồng loại, dầu chỉ là đồng loại của kiếp trước.
Nói vớ vẩn, người thứ ba nghe được chắc họ sẽ chê là lạc hậu. Anh Văn còn tự bào chữa cho cái sự đi săn, không phải cốt để lùng bắt mà đó là một hình thức cho người đàn ông biểu dương cái tính nết hùng mạnh của mình. Cũng là một hình thức cho thằng đàn ông tự "défouler" (giải tỏa). Ngoài ra còn là một lối thể thao, vác súng đi lang thang trong rừng, thở làn không khí man dã, tìm cái cảm giác của chàng Robinson.
Nói dóc cả, cần gì đi lang thang mà phải vác súng, cần gì muốn thở không khí man dã mà phải vào trong rừng sâu, cần gì phải giết một sinh vật mới gặp cái cảm giác của Robinson hay là của các tiền nhân.
Sao hôm nay tôi để dành nhiều thì giờ cho anh Văn quá vậy, con khuẩn trùng bắt đầu chiếm ngự vào tôi rồi chăng? Không, nhất định không, tôi mà, đâu phải là một thiếu nữ yếu đuối. Chết thì thôi chứ… không!
SungMai rủ vào rừng rồi mê mải vẽ để Thu và tôi đi tìm nấm, sự thực chẳng tìm nấm quái gì cả, mà có tìm cũng chẳng thấy. Đấy chỉ là một sự dàn cảnh của Thu để đưa tôi đi riêng, tôi cũng muốn nhân tiện nói rõ cho Thu hiểu. Thu chỉ là một đứa trẻ con, một cô bé nhõng nhẽo vì từ thuở bé bao giờ cũng được chiều đãi, muốn gì cũng phải được. Tình cảm của Thu là thứ tình cảm của người điên, tôi phải là bác sĩ, tôi cần phải tế nhị, phải nhẹ tay. Liệu tôi có đủ khả năng, dùng thuốc gì bây giờ. Người ta bảo cho ăn thịt chim uyên ương thì sẽ khỏi cái chứng mơ tưởng vẩn vơ. Có người lại khuyên nên chữa như chữa bệnh dại, nghĩa là tiêm thuốc dại vào người bệnh. Liện xã hội có chấp thuận cái lối chữa bệnh này không? Cố nhiên là không, thật đáng tiếc.
Dầu sao tôi không muốn làm ai khổ, nhưng tất cả sự vững mạnh của tôi có phải là sự vững mạnh của kẻ đi đêm sợ bóng tối nên phải hét lên đó không? Thật như thế, sau khi thấy đi khuất bóng Mai, nhờ gốc thông che chở, ở rừng thông chứ ở rừng cao su thì khó mà dấu giếm, cây rừng cao su đường trồng ngay thẳng, ở từ xa cũng có thể kiểm soát được. Thu vô tình hay cố ý đã vấp chân vào rễ cây, tôi vô tình hay cố ý đưa tay ra đón đỡ… Thế là vực thẳm nhìn thấy, và chỉ cần một động tác rất nhỏ là cả hai cùng lăn xuống. Thu ngã trọn vào tay tôi rồi bật lên khóc. Người đàn bà may mắn hơn người đàn ông ở chỗ biết cách khóc. Tôi vốn nổi tiếng khắp các trường là sợ nước mắt. Có người khóc trông xấu xí, chỉ muốn tát thêm một cái rồi đuổi đi, nhưng có người khóc thật đẹp. Đấy là hoàn cảnh của Thu hôm nay. Những giọt nước mắt hệt như những giọt ngọc tròn nhỏ lăn nhanh xuống má, xuống cằm, trông như một bông hoa trong buổi chiều sáng nhiều sương, khóc mà không nhem nhuốc như các cô gái rẻ tiền dùng thứ son phấn rẻ tiền.
Nhìn Thu khóc tôi cảm thấy giận tôi, chẳng còn biết làm gì hơn là để cho Thu được tự do khóc. Tôi đưa khăn tay ra lau nhẹ đôi má ướt đẫm nước mắt và Thu đã giữ chặt lấy bàn tay tôi… Tôi dìu Thu vào dưới một gốc cây chờ cơn u uất qua khỏi rồi sẽ giải thích, nhưng Thu đã ngã trọn vào cánh tay tôi như một cô em bé trong cơn sợ hãi. Biết rằng Thu là loại đàn bà cần được vuốt ve, yêu chiều mà chung quanh không có mẹ, không có chị, không có ai cả. Anh Văn thì hờ hững như một vị Hòa Thượng của thời xa xưa… Lúc ấy tôi vẫn còn đủ sáng suốt để phân tích. Sự sáng suốt của tôi làm cho Thu tủi thân hơn và trở nên liều lĩnh hơn. Lợi dụng lúc tôi hơi cúi nhìn những giọt nước mắt, Thu đã ôm lấy đầu tôi, giữ chặt, ghì sát, bắt hai cái mặt phải ép vào nhau. Tôi cũng không nỡ vùng ra sợ làm Thu tủi hổ hơn. Tôi còn muốn thử xem sự mềm yếu và sự liều lĩnh của con người sẽ đi tới đâu. Nhưng Thu khôn ngoan đã biết đưa tôi vào bẫy mà chính thôi không ngờ đến. Thế mà từ trước đến giờ tôi vẫn tưởng rằng chỉ có tôi điều khiển được ngoại giới.
Một cảm giác kỳ lạ, lỗi tại tôi quá tò mò, quá sáng suốt, cứ muốn thử xem biên giới là đâu. Xin mọi người hãy lấy tôi làm kinh nghiệm, không bao giờ nên thử và không bao giờ nên tự tin mình một cách ngu ngốc như tôi. Cái hôn phớt qua là cái hôn thứ nhất nhưng cái hôn thứ hai không còn mang chung một sắc thái phớt qua nữa đâu. Tôi để mặc cho Thu điều khiển, bàn tay tôi chỉ là bàn tay sắt nằm trong phòng thí nghiệm các chất độc. Thu là nhà khoa học đứng sau lớp kính dày và đã điều khiển bàn tay theo ý muốn của mình. Toàn người Thu căng thẳng, thứ trái cây mọng chín chỉ chờ được hái được ăn… Mỉa mai nhất là suốt trong quãng thời gian ấy tôi chỉ thấy trước mặt tôi là hình ảnh Mai đang vẽ lúc đang bán tranh và thái độ ngạo nghễ ban đầu. Nhưng Mai chưa hề có một hành động nào cho tôi xúc cảm ngoài cái hôm cãi bướng lúc bán tranh. Trong khi đó thì giọng Thu cầu khẩn van xin, bàn tay kỹ xảo, kinh nghiệm… "Sung biết không… hôm nào cũng vậy, bên Văn… Thu chỉ thấy có Sung".
Lời thú tội run rẩy làm tôi run theo, sau một hồi quá bị kích thích tôi chỉ muốn trở về với nguyên thủy, với hồi mà con người chưa bị ai kiềm chế, chưa có kinh sách, chưa biết gì là đạo đức, là luân lý, là xấu hổ. Nhưng… muộn quá rồi, con người đã biết tất cả mà vẫn không thể nào có đủ sức mạnh để tự kiềm chế. Tôi muốn gào lên xin Thu buông tha. Tôi cố sức lên giọng giảng giải, cái nghề giáo sư làm hằng bao nhiêu năm trời mà sao hôm nay lưỡi tôi lại như ai cuốn lên. Tôi vẫn nói "Thu biết không, người đàn bà dối chồng là chuyện thường, người đàn ông lừa dối vợ cũng là chuyện thường, nhưng anh Văn và Sung là anh em… Thu đừng để Sung làm khổ anh Văn…".
Tôi có cảm tưởng đang nói chuyện với gỗ đá, Thu như gặp đà lăn xuống chân núi, nhất định không thèm hiểu, không thèm nghe lý luận vô ích, Thu chỉ có một ý nghĩ là kéo tôi cùng lăn theo… Thu quá khéo léo, thứ khéo léo của người đàn bà có chồng không được chồng yêu nên đã tự tìm tòi trong các sách vở báo chí. Có lẽ ít thực hành vì không có hoàn cảnh thực hành. Biết rằng tâm hồn tôi cứng rắn, Thu muốn dìu tôi vào, và bắt đứng trước một sự kiện đã rồi. Thu khôn ngoan, không phải là thứ gái đồng trinh chỉ dám mơ trong đêm khuya, trong hư không, trong bóng tối…
Xác thịt, cái bao tải, cái da rắn, có gì hơn nữa đâu, những mảnh da thịt cấu kết để rồi cũng chỉ làm món ăn cho lũ sâu bọ, sau khi đã nhai nuốt vào mình hằng trăm nghìn thứ sâu bọ khác. Xác thịt có gì mà quan trọng dữ vậy, mỗi khi lên tiếng đòi hỏi thì bao nhiêu kinh sách lý thuyết đạo đức tôn giáo gì cũng được cuốn theo chiều gió. Ngay cả đến cái tình ruột thịt cũng phải nhượng bộ… Xác thịt ơi, cái thân thể đáng thương ơi, xin hãy buông tha…
Có tiếng hú của Mai từ xa vọng lại để tìm chúng tôi. Tiếng hú nghe trong trẻo và tin tưởng. Tôi cố gắng hú trả lời nhưng thấy nó mỉa mai trên sức chịu đựng và đành cắn môi đứng yên chờ cho những xúc cảm lắng bớt xuống. Giá có một người thứ ba chứng kiến hai nét mặt của tôi và Thu chắc họ sẽ cười lên. Chúng tôi nhìn nhau tiếc rẻ, ngỡ ngàng, hối hận và trong cái nhìn như có chút hẹn hò.
Tiếng hú mỗi lúc một gần hơn, tôi không thể giữ yên mãi nên phải cất tiếng trả lời cho Mai khỏi ngờ vực đặt câu hỏi. Thu bực tức đứng lên vội vàng xốc lại quần áo, nhặt những chiếc kim thông rơi rớt trên tóc trên vai, tôi cũng phải giúp lại Thu. Trông hai đứa quả là đang ăn vụng bị bắt gặp, chưa kịp chùi miệng, Thu tô vội đôi môi, và bôi lớp phấn hồng lên má, tội nghiệp Thu chỉ sợ Mai trông thấy, nhưng dấu sao nổi Mai. Cái nhan sắc ban nãy tươi mơn mởn bị một trận khóc và một cơn thèm khát, sự thèm khát chưa được thỏa mãn đến cùng, đã cho Thu một sắc thái khá đặc biệt, chắc thế nào Mai cũng nhận thấy.
Như thế nầy đã gọi là chúng tôi đi vào tội lỗi một cách chính thức chưa, hay là quá hơn tội lỗi? Bây giờ tôi mới nghe cái cảm giác ngượng ngùng xấu hổ, làm sao nhìn mặt Mai, nhìn mặt anh Văn. Nhờ cái tính Mai tự nhiên nên đã cứu vãn được một phần nào, tuy rằng lúc trông thấy hai chúng tôi, cử chỉ lúng túng và đôi mắt hơi đỏ của Thu, Mai có thoáng hiện trên nét mặt một chút ngạc nhiên. Mai cố ý làm như chẳng có gì xảy ra, hỏi thăm xem chúng tôi có kiếm được cái nấm nào không, giọng Thu ngập ngừng: "Không có nấm".
- Em biết ngay mà, loài người càng ngày càng khôn ngoan nên thiên nhiên giận không nuôi nữa, trời bảo tụi bây về nhà mở đồ hộp của Hoa Kỳ ra mà ăn.
Mai nói rất tự nhiên làm Thu và tôi phải bật cười, Mai đưa ra mấy bức họa bút chì, có những bức vẽ hai người đi trong rừng và bóng người đàn bà như muốn ngã vào người đàn ông, tôi giật mình ngờ rằng Mai đã trông thấy tất cả.
- Em tưởng tượng ra đấy cho có cảnh có người mới vui, chị đồng ý chứ chị Thu, hay là chị không ưa người?
- Đâu, cảnh có người mới đẹp chứ…
Thu trả lời bẽn lẽn. Tôi thấy tội nghiệp cho Thu, cho Mai và cho cả tôi, cái thằng đàn ông tầm thường yếu đuối mà cứ tưởng tim mình xây bằng sắt đá gì ghê gớm lắm. Chắc Thu cũng ngờ rằng Mai đã trông thấy, nhưng cần gì phải trông thấy bằng mắt, con người có thể nhìn bằng tâm linh, bằng một giác quan khác. Tôi có nên nói thật một phần nào với Mai và yêu cầu Mai hãy ngừng cái trò chơi quái ác này không.
- Hôm nào anh chị phải trở lại, em mang mầu ngay ra đây làm việc.
Thu hoan nghênh, cố nhiên, còn đòi vẽ xong cho Thu để Thu treo vào phòng ngủ làm kỷ niệm, nếu không thì cho Thu xem những bức thảo đồ tạm vậy. Mai cười hứa sẽ cho tất cả những thì Thu muốn…
Tôi bực tức đòi về, giọng tôi hơi gắt gỏng làm Mai ngạc nhiên, cái nhìn của Mai đâm thẳng vào tim người, tôi hối hận nhưng chẳng biết làm gì. Tôi là đứa mang tội lỗi nhiều nhất trong bốn đứa, Thu chân thành và Thu khổ vì anh Văn vì không có con. Xã hội sẽ tha thứ cho Thu, còn tôi, ai dám tha thứ, luật sư nào dám bênh vực.
Làm sao có đủ can đảm nói thật với Mai, hay với anh Văn, hay với Thu, xin Thu buông tha… Với anh Văn tôi không có can đảm, với Thu thì đành chịu, Thu đang mù quáng, còn Mai. Không ngờ đến giờ phút này tôi lại trở nên hèn nhát. Nhưng hình như con người vốn hèn nhát, sợ đối diện với sự thật, sợ đau, sợ chết, sợ bị phê bình khiển trách. Tại hoàn cảnh không đến nên con người chẳng mấy khi có dịp biết rõ được cái bản chất của mình. Bao giờ cũng tưởng mình là can đảm, là biết điều, là biết chế ngự bản thân, điều khiển ngoại giới. Sự thực là vì chưa có dịp thử thách.
Tôi chợt nhớ đến R., một thằng bạn thân đã bị Việt Cộng giết vì cái tội không biết sợ. Ngày chưa chết, cách mấy tiếng đồng hồ nó là đứa ngạo mạn coi rẻ cuộc đời, kỷ cương, khinh thường sự chết chóc, bệnh hoạn. Hắn là đứa con độc nhất của một nhà giàu, sau hắn là miếng đất trống vì không còn ai để chôn vào chỗ nghĩa trang đó nữa. Một giòng họ nếu không người nối dõi thì phải đặt hàng rào ngay ở ngôi mộ cuối. Ngày Việt Cộng tấn công đợt nhì, hắn dám một mình lái xe đi xem tình hình để rồi không bao giờ trở về, mặc dầu đêm ấy chúng tôi hẹn ăn cơm với nhau. Người ta gặp hắn bị trói tay bịt mắt dẫn đi… tôi luôn nhớ đến cái hình ảnh ấy. Tôi tự đặt câu hỏi, liệu trong đầu óc hắn đã nghĩ những gì lúc bị trói tay dẫn đi như thế. Hắn đã thấy thế nào là sợ sệt, thế nào là chết, là sống chưa? Nếu sau đó mà được thoát thì hắn có biết sợ không, có đổi tính không, và lúc đó hắn có cầu nguyện với một đấng thiêng liêng nào không? Một xác chết được phủ lên một tấm chiếu rách, đó là sự kết thúc của một con người không biết sợ. Tôi rùng mình mỗi khi nghĩ đến R., và hình ảnh ấy thỉnh thoảng lại về ám ảnh. Nhưng tại sao tôi là nhớ đến R.?
Mai có lần nói rằng ai muốn biết mình có tin tưởng gì không thì cứ đi gặp cái chết. Trước những giờ phút lên bàn mổ xẻ, trước những cảnh bắn giết, máy bay thả bom, pháo kích, trước những sự tra tấn bắt bớ… Trước tất cả những sự ấy mà tự lắng nghe mình đang thầm thì cầu nguyện thì biết mình có tin tưởng… Tôi đã đồng ý với Mai. Đêm nay trong bữa ăn chúng tôi nghe lửa đốt dưới ghế, tôi ăn nhanh để được vào phòng riêng.
Lại một ngày qua, tôi vẫn không nói gì với Mai, chúng tôi vẫn sống rất bình yên bên nhau, Mai vẫn hì hục vẽ, chiều hôm qua nắng đẹp, Thu và Mai cùng mặc áo tắm ra phơi nắng. Thu mặc bộ áo hai mảnh mầu đỏ, trông sáng rực cả một góc trời. Mai chạy vào lấy máy ảnh lắp phim mầu rồi đưa cho tôi bảo chụp cho Thu. Tôi loay hoay mãi, muốn cho thật hoàn hảo, muốn cho ánh sáng thước tấc không bị nhầm lẫn, sự chậm trễ làm Thu ngượng. Thu cúi nhìn xuống thân hình, chiếc yếm chỉ che có hơn một nửa, nâng cao bộ ngực tròn đầy. Thu bỗng đỏ mặt, tất cả như nhấn mạnh sự chậm trễ của tôi, làm như tôi cố ý kéo dài cái quãng thời gian ngắm nghía.
- Trời, sao Sung chậm thế, Sung mà đi làm thợ ảnh dạo thì ai người ta thèm cho chụp ảnh!
Lời nhận xét vô tư làm tăng thêm tầm quan trọng, tôi đỏ mặt vì ngượng. Thu đỏ mặt vì thẹn hay vì cảm động vui thích. Mai chợt ngơ ngác nhìn hai chúng tôi rồi cái nhìn bỗng trở nên hoảng hốt như lùi về xa, về hư không. Cái nhìn được anh Văn gọi là cái nhìn của một con thú bị săn đuổi. Tôi nghe có ai cầm dao rạch vào tim.
Suốt đêm tôi bị bộ ngực của Thu hành hạ, giá tôi đủ can đảm, tôi sẽ mặc áo bỏ nhà đi lang thang. Tôi sẽ đi tìm một cô gái ăn chơi nào cũng có dáng dấp giống Thu, bộ ngực giống Thu, tôi sẽ bắt cô ta mặc bộ áo tắm màu đỏ để tôi có thể nhìn và có thể làm tất cả những gì tôi muốn mà không dám. Nhưng tôi đã không đủ can đảm và đã quằn quại ở nhà thức trắng đêm hút thuốc lá, biết rằng bên kia, cách một bức tường… Xin loài người hiểu tôi.