Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» QUYỂN 3 - Vị Giải thoát »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» QUYỂN 3 - Vị Giải thoát

Donate

(Lượt xem: 3.546)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - QUYỂN 3 - Vị Giải thoát

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
51. Tu Tập Tâm Này

(1) Tu tập tâm thực ra là... chẳng làm gì nhiều đối với tâm này. Đơn giản là nó tự sáng tỏ bên trong và tự chiếu sáng nó. Về bản chất tự nhiên, nó là bình an. Lý do tâm không cảm thấy bình an ngay lúc này là do nó bị trôi lạc theo/vào những trạng thái của chính nó. Đó không phải là bản thân nó tạo tác gì cho nó cả. Đó là nó chỉ đơn thuần an trú vào bản tính tự nhiên của nó, chỉ là vậy thôi. Có lúc tâm thấy bình an, có lúc tâm thấy không bình an, thì chỉ là do nó bị đánh lừa bởi những trạng thái đó của nó. Cái tâm chưa được tu tập thì thiếu trí tuệ. Nó ngu mờ. Những trạng thái (sướng, khổ, vui, buồn...) xảy đến và đánh lừa nó chạy theo những sự sướng, khổ, khổ, sướng, vui, buồn... trong từng giây khắc. Vui rồi buồn. Buồn rồi vui. Nhưng trạng thái tự nhiên của cái tâm nguyên thủy (chân tâm) thì không phải là vui hay buồn gì cả. Cái trải nghiệm vui, trải nghiệm buồn đó không phải là cái tâm nguyên thủy, mà đó chỉ là những trạng thái đã đánh lừa nó. Tâm bị lạc mất, bị kéo đi bởi những trạng thái đó, nhưng nó không hề biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Và kết quả là, chúng ta cảm nhận sướng và cảm nhận khổ theo nó, bởi do cái tâm chưa được tu tập. Nó vẫn chưa được khôn ngoan. Và chúng ta cứ liên tục nghĩ rằng đó là tâm ta đang sướng hoặc tâm ta đang khổ, nhưng đích thực chỉ là cái tâm đó đang bị lạc mất theo những trạng thái sướng, khổ... khác nhau mà thôi.

Điểm cần ghi nhớ, bản chất tự nhiên đích thực của tâm chúng ta là bình an. (Giống như bản chất tự nhiên của một trái banh là nổi và ở yên trên mặt nước. Nhưng nó luôn bị trăm chìm, ngàn nổi, lênh đênh, nhấp nhô, trôi giạt liên tục là do bởi tác động bên ngoài của gió, sóng, nước, dòng chảy). Nó vốn là tĩnh tại và tĩnh lặng giống như một chiếc lá không bị thổi bởi gió. Nhưng khi gió thổi thì nó phất phơ, động đậy. Và tâm giống như vậy, nó động vọng là do những trạng thái—nó dính theo những ý nghĩ. Nếu tâm không bị dính theo (chạy theo) những trạng thái đó thì nó không bị động vọng, phất phơ này nọ, theo những trạng thái đó. Nếu tâm "hiểu biết" được bản chất (sinh diệt) đích thực của các ý nghĩ, thì nó sẽ ở yên, nó sẽ không dính mắc theo chúng. Trạng thái tự nhiên nguyên thủy của tâm là bình lặng. Và lý do tu tập của chúng ta là làm sao để có thể nhìn thấy tâm ở trong trạng thái bình lặng tự nhiên nguyên thủy vốn có của nó. Chúng ta nghĩ rằng tâm tự nó thực sự thấy sướng, thấy khổ, thấy khoái, thấy đau, thấy vui, thấy buồn. Nhưng, thực sự thì tâm không tạo ra bất kỳ sự sướng, khổ, vui, buồn... nào cả. Những ý nghĩ (vọng tưởng) đã khỏi lên và đánh lừa tâm và tâm bị dính theo chúng. Do vậy, chúng ta thực sự phải tu sửa và huấn luyện cái tâm để nó phát huy trí tuệ. Phát huy trí tuệ để ta hiểu rõ bản chất đích thực của các ý nghĩ (nhận thức, vọng tưởng) thay vì cứ chạy theo chúng một cách ngu mờ, mù quáng.

Tâm này về bản chất là bình an. Hiểu rõ về lẽ thực này để chúng ta cùng nhau thực hiện việc tu thiền khó khăn này một cách đúng lý.

(1) Bài giảng này đã được dịch và in nhiều lần với tựa đề “Về Cái Tâm Này”.


 
52. Về Thiền Tập

(2) Làm cho tâm tĩnh lặng là tìm ra điểm cân bằng đứng đắn. Nếu chúng ta quá cố thúc cái tâm, nó sẽ đi lố điểm cân bằng đó; nhưng nếu chúng ta cố gắng không đủ, thì nó sẽ không tới được điểm cân bằng đó.

Thông thường, tâm của chúng ta (người phàm) là không tĩnh tại và tĩnh lặng, nó cứ động vọng, lăng xăng mọi lúc mọi nơi. Chúng ta phải làm cho tâm mạnh mẽ. Làm cho tâm mạnh và làm cho thân mạnh là không giống nhau. Để làm cho thân mạnh ta phải tập thể dục, gồng gánh, vận động để kết quả làm cho nó mạnh chắc hơn. Nhưng làm cho tâm mạnh có nghĩa là làm cho nó bình an, chứ không phải đi suy nghĩ này nọ. Đối với hầu hết kẻ phàm phu như chúng ta, tâm đã chưa từng được bình an, nó cũng chưa bao giờ có được năng lực tập trung (định tâm, samādhi),(3) do vậy chúng ta phải thiết lập nó ở trong một giới hạn. Chúng ta ngồi thiền, ở cùng với cái "người biết".

Nếu chúng ta cố ép hơi thở quá dài hay quá ngắn, chúng ta mất cân bằng, tâm sẽ không được bình an. Giống như khi chúng ta bắt đầu đạp bàn đạp máy may. Đầu tiên chúng ta phải thử, nhấp, nhịp sao cho bắt nhịp được với đà của bàn đạp, sau khi nhịp và đà đã hòa hợp cân bằng chúng ta mới có thể may đồ thẳng thóm một cách nhẹ nhàng. Theo dõi hơi thở cũng vậy. Chúng ta không quan tâm nó ngắn hay dài, yếu hay mạnh ra sao, chỉ cần nhận biết nó. Đơn giản là cứ để mặc nó, chỉ cần nhận biết theo nhịp thở tự nhiên của nó.

Khi nào được cân bằng, chúng ta lấy hơi thở làm đối tượng thiền của ta. Khi thở vào, điểm bắt đầu hơi thở là ngay chóp mũi, điểm giữa là ngay giữa ngực và điểm cuối là ở bụng. Đây là con đường hơi thở vào. Khi chúng ta thở ra, chỗ bắt đầu là bụng, chỗ giữa là giữa ngực, và chỗ cuối là ngay chóp mũi. Cứ đơn thuần nhận biết hơi thở ở chóp mũi, giữa ngực và bụng (theo hơi thở vào), rồi từ bụng, đến chỗ giữa ngực và chóp mũi (theo hơi thở ra). Chúng ta chú tâm nhận biết ba điểm tiếp xúc này của hơi thở để làm cho tâm mạnh vững, làm hạn chế các hành vi khác của tâm, nhờ đó sự chú tâm chánh-niệm và sự tự-tỉnh giác có thể khởi sinh và phát huy dễ dàng.

Khi sự chú tâm đã an trú được vào ba điểm này, lúc đó chúng ta không cần chú tâm vào chúng nữa, mà chỉ cần nhận biết sự vào và sự ra của hơi thở, tập trung sự chú tâm vào duy nhất noi chóp mũi (hoặc điểm giữa môi trên), nơi mà luồng hơi thở đi vào và đi ra. Chúng ta không cần theo hơi thở xuống ngực và bụng như lúc đầu, lúc này chỉ cần thiết lập sự chú tâm chánh niệm vào duy nhất chóp mũi trước mặt ta, và nhận biết hơi thở tại một điểm duy nhất này. Đi vào, đi ra, đi vào, đi ra.

Không cần phải nghĩ đến điều gì đặc biệt. Lúc này chỉ tập trung vào công việc đơn giản này, duy trì sự có mặt liên tục của tâm. Không cần phải làm gì thêm nữa, chỉ đơn giản thở vào, thở ra.

Khi tâm trở nên tĩnh lặng, hơi thở được tinh lọc. Tâm và thân trở nên nhẹ nhàng. Đây là trạng thái đúng của tiến trình thiền tập.

Khi ngồi thiền tâm trở nên được thanh lọc, nhưng dù tâm có ở trong trạng thái nào thì chúng ta vẫn cứ chú tâm và tỉnh giác vào nó, vẫn liên tục nhìn nó, biết nó. Hành vi của tâm đang ở đó, cùng với sự tĩnh lặng. Có vitakka, được gọi là tầm (HV). Vitakka là hành động đưa tâm (hướng tâm) vào đề mục để quán xét (đề mục thiền, đối tượng thiền). Nếu không có đủ sự chú tâm chánh niệm thì không có nhiều vitakka. Rồi có vicara, được gọi là tứ (HV). Vicara là quán xét xung quanh đề mục đó. Nhiều loại nhận thức (tâm tưởng) yếu mờ khác nhau có thể vẫn còn tiếp tục khởi sinh lúc này lúc khác, nhưng sự tự-tỉnh-giác (sampajanna) là cái quan trọng—nhờ nó, mỗi thứ gì đang diễn ra chúng ta đều biết rõ về thứ đó một cách liên tục.(4) Khi chúng ta tu tập sâu hơn, chúng ta sẽ thường trực tỉnh giác về trạng thái thiền của chúng ta, biết rõ tâm có được thiết lập một cách vững chắc hay không. Do vậy, sự tập trung (định) và sự tỉnh giác (chánh niệm) đều có mặt.

Có một cái tâm bình an không có nghĩa là không có gì đang diễn ra, những tâm tưởng (nhận thức) vẫn khởi sinh trong đó. Ví dụ, khi chúng ta nói về mức độ bình an thứ nhất của tâm (tầng thiền định thứ nhất), chúng ta nói nó có năm yếu tố. Cùng vói vitakka (tầm) và vicara (tứ), có yếu tố piti (hỷ) khởi sinh trên nền tảng quán niệm và rồi có yếu tố sukha (lạc). Tất cả bốn yếu tố này nằm trong một cái tâm đã được thiết lập trong sự tĩnh lặng. Chúng chỉ như là "một" trạng thái.

Yếu tố thứ năm là ekaggata (sự nhất-điểm). Bạn có thể thắc mắc làm sao chúng ta có được sự hội tụ nhất-điểm của tâm trong khi trong tâm cũng đang có bốn yếu tố kia. Điều này là do bởi tất cả chúng đã hợp nhất với nhau trên nền tảng sự tĩnh lặng. Tất cả chúng hợp lại được gọi là một trạng thái định-tâm (samadhi). Năm yếu tố đó không phải là những trạng thái tâm thường ngày của chúng ta, chúng là những yếu-tố của trạng thái tầng thiền định. Có năm yếu tố (đặc tính) đó, nhưng chúng không quấy nhiễu nền tảng tĩnh lặng. Có vitakka (tầm) kéo tâm đến đối tượng (đề mục) quán niệm, nhưng nó không làm quấy nhiễu tâm. Có vicara (tứ) quán niệm xung quanh đối tượng quán niệm, và có yếu tố hoan hỷ (hỷ) và hạnh phúc (lạc) khởi sinh, nhưng chúng không quấy nhiễu tâm. Vì vậy, tâm là "một" với những yếu tố này. Tầng thiền định (jihana) bình an thứ nhất là như vậy.

Chúng ta không cần phải gọi tên là các tầng nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền... chỉ đơn giản gọi nó là "một cái tâm bình an". Khi tâm càng lúc càng tĩnh lặng hơn nó sẽ buông bỏ vitakha và vicara (tầm và tứ), chỉ còn lại yếu tố piti và sukha (hỷ và lạc). Tại sao tâm dẹp bỏ tầm và tứ? Bởi khi tâm càng được thanh lọc tinh tế hơn, những hành vi tầm và tứ trở nên quá thô tế đối với tâm. (Đường lối của thiền định là từ từ đi đến một cái tâm thanh lọc hơn và tinh tế hơn! Ở giai đoạn thiền này, khi tâm dẹp bỏ tầm và tứ, những cảm giác hân hoan tột cùng (hỷ) có thể khởi sinh, nước mắt có thể chảy dài vì mừng vui. Nhưng đến khi tâm càng đạt định thâm sâu hơn, thì yếu tố hoan hỷ (hỷ) này cũng bị dẹp bỏ, chỉ còn lại yếu tố hạnh phúc (lạc) và sự nhất-điểm của tâm. Rồi cuối cùng tâm cũng dẹp bỏ luôn yếu tố hạnh phúc (lạc), chỉ còn lại một cái tâm được thanh lọc tinh tế nhất. Trạng thái tâm lúc này chỉ còn có hai yếu tố là sự buông xả (upekkha) và sự nhất điểm (ekaggata). Tất cả các yếu tố khác đều đã bị dẹp bỏ. Tâm tĩnh tại, bất động.

Một khi tâm bình an thì điều đó (sự bất động của tâm) có thể xảy ra. Ta không cần nghĩ nhiều về điều đó, nó tự xảy ra khi những yếu tố nhân duyên chín muồi. Đây được gọi là năng lượng của một cái tâm bình an. Trong trạng thái này tâm không bị đờ đẫn, ngu mờ; năm chướng ngại [tham, sân, bất an và lo lắng, đờ đẫn và ngu mờ, và nghi ngờ] đều đã biến mất. Nhưng nếu năng lượng không đủ mạnh và sự chánh niệm còn yếu, thì nhiều lúc sẽ khởi sinh những nhận thức (tâm tưởng) gây phiền não. Tâm thì bình an nhưng dường như nó vẫn còn "một lớp mơ mờ" bên trong sự tĩnh lặng. Nhưng đó cũng không phải là sự đờ đẫn hay buồn ngủ thông thường, mà đó là một số tâm tưởng sẽ hiện lên- có thể ta sẽ nghe thấy một âm thanh hoặc nhìn thấy một con chó hay thứ gì đó. Nó không rõ ràng, nhưng đó cũng không phải trạng thái giấc mơ. Điều này là do năm yếu tố nói trên đã bị mất cân bằng và yếu đi.

Tâm có xu hướng giở trò giả-thật bên trong những tầng tĩnh lặng. Khi tâm ở trong trạng thái này, những tâm ảnh (nimitta) nhiều lúc khởi sinh thông qua bất kỳ giác quan nào đó, và người thiền không thể nào nhận ra chính xác thứ gì đang diễn ra. "Ta đang ngủ? Không. Đó là mơ? Không, đó không phải là mơ...". Những nhận thức (tưởng) này khởi sinh ngay giữa sự tĩnh lặng; nhưng nếu tâm thực sự tĩnh lặng và trong suốt thì chúng ta sẽ không nghi ngờ hay đặt câu hỏi gì về những tâm tưởng hay tâm ảnh đó khi chúng khởi sinh. Những câu hỏi như "Ta đang bị trôi? Ta đang ngủ hay sao? Ta đang bị lạc tâm?..." sẽ không khởi lên, bởi vì những câu hỏi đó là đặc điểm của một cái tâm vẫn còn đang nghi ngờ. Câu hỏi "Tôi đang ngủ hay tỉnh thức"... là tâm đang còn bối rối, ngu mờ. Đó là cái tâm đang bị lạc lối bên trong chính nó. Nó giống như mặt trăng đi vào sau đám mây. Ta vẫn còn nhìn thấy trăng nhưng mây đã làm nó mờ đi. Nó không giống mặt trăng thoát ra khỏi đám mây mù, sáng rõ và tỏa sáng. Khi tâm được bình an và được thiết lập vững chắc trong sự chánh-niệm và sự hiểu-biết-rõ-ràng thì ta sẽ không còn nghi ngờ hay băn khoăn gì về những hiện tượng khác nhau khởi sinh trong tâm. Tâm sẽ thực sự vượt trên những chướng ngại. Ta sẽ thấy biết một cách rõ rệt mỗi sự xảy ra trong tâm như nó là. Ta không còn nghi ngờ, nghi vấn bởi vì tâm đang trong suốt và sáng tỏ. Cái tâm đạt đến trạng thái định (samadhi) là như vậy đó.

Một số người thấy khó đạt định bởi vì họ không có những khuynh hướng đúng đắn. Họ có định, nhưng nó không mạnh, không chắc. Tuy nhiên, một người có thể đạt sự bình an bằng cách dùng trí tuệ, bằng cách suy xét (quán xét, quán niệm) và nhìn thấy sự-thật của mọi sự. Đây là cách dùng trí-tuệ (minh sát) thay vì định-lực (thiền định). Chẳng hạn, không cần thiết phải ngồi xuống thiền thì mói có được sự tĩnh lặng trong tu hành. Chỉ cần hỏi chính mình "Đây là gì"... và suy xét và giải quyết vấn đề ngay tại đó! Một người có trí tuệ là như vậy. Người ấy không cần phải có định lực cao sâu, mặc dù cần phải có một mức định lực nào đó: chỉ cần một mức định lực cần thiết đủ để phát triển trí tuệ. Điều đó giống như việc trồng lúa và trồng bắp vậy. Người ta có thể cần ăn gạo nhiều hơn ăn bắp. (Có nơi trồng nhiều bắp, có nơi họ trồng chủ lực nhiều lúa hơn, vì họ ăn nhiều gạo hơn). Sự tu tập của chúng ta cũng vậy: chúng ta có thể dựa chủ lực vào trí-tuệ (hơn là định-lực) để giải quyết những vấn đề. Khi ta nhìn thấy sự thật, thì sự bình an sẽ khởi sinh.

Hai cách tu tập là không giống nhau. Một số người có trí tuệ minh sát và mạnh về trí tuệ, nhưng họ không có nhiều định lực. Khi họ ngồi thiền họ không được bình an cho lắm. Họ thường nghĩ nhiều, quán sát cái này, suy xét cái kia... cho đến cuối cùng, họ quán xét một cách rõ ràng về sự khổ và sướng, và họ nhìn thấy sự thật bên trong chúng. Một số nghiêng về cách tu tập này hơn là thiền định. Khi đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, sự giác ngộ có thể xảy ra. Bằng việc nhìn-thấy, bằng việc buông-bỏ, họ đạt đến sự bình an. Đạt đến sự bình an thông qua sự thấy biết sự thật, thông qua sự vượt qua nghi ngờ; họ vượt qua nghi ngờ bởi do họ đã tự thân nhìn thấy sự thật cho chính mình.

Một số người ít trí tuệ nhưng họ có khả năng định-tâm rất mạnh. Họ có thể nhập định sâu một cách nhanh chóng, nhưng không có nhiều trí tuệ, họ không bắt kịp những ô nhiễm của họ (khi chúng khởi sinh trong tâm), họ không biết về chúng. Nên họ không giải quyết được những vấn đề.

Nhưng dù chúng ta có thiền theo bất cứ cách nào, điều quan trọng của thiền là dẹp bỏ những cách nghĩ sai lầm (tà kiến), để còn lại cách nhìn đúng đắn (chánh kiến). Chúng ta cần loại bỏ sự bất ổn, để còn lại sự bình an!

Thực ra, cách tu nào cũng dẫn đến một nơi. Đó chỉ là hai mặt của việc tu tập, nhưng hai thứ đó, định và tuệ, đi chung với nhau. Chúng ta không thể tu cái này và bỏ cái kia. Thiệt là không có chuyện như vậy. Định và tuệ phải đi chung vói nhau. (Đó là lẽ tự nhiên của việc thiền tập đúng đắn).

Cái đang quan sát những thứ khác nhau khởi sinh trong tâm trong khi ngồi thiền thì được gọi là sự chánh-niệm (sati). Sự chánh niệm này là điều kiện, thông qua tiến trình tu tập, giúp cho những yếu tố khác khởi sinh. Chánh niệm là sống. Khi chúng ta không có chánh niệm, chúng ta vô tâm, buông thả thì cũng giống như ta đang chết. Nếu chúng ta không có chánh niệm, lời nói và hành động của chúng ta không có ý nghĩa. Chánh niệm đơn giản chỉ là sự nhớ, niệm, hằng nhớ, thường nhớ. Nó là nguyên nhân làm khởi sinh sự-hiểu-biết-rõ-ràng (sự tự-tỉnh-giác) và trí tuệ. Những đức hạnh chúng ta đã tu tập cũng không hoàn hảo nếu thiếu sự chánh niệm. Chánh niệm là cái quan sát chúng ta khi ta đang đứng, đang đi, đang ngồi, và đang nằm. Ngay cả khi ta không còn ở trong chánh định (đã thoát ra khỏi trạng thái định samadhi, đã ra khỏi tầng thiền định jhana), thì sự chánh niệm cũng phải nên có mặt xuyên suốt.

Bất cứ điều gì ta làm, ta phải quan tâm. Một cảm nhận hỗ thẹn (do thấy mình sai trái) (5) sẽ khởi sinh. Chúng ta sẽ thấy hổ thẹn về những điều mình làm là không đúng. Khi sự hổ thẹn tăng lên thì niệm nhớ cũng tăng lên. Khi sự chánh niệm tăng lên thì sự vô tâm vô ý thức sẽ bớt đi. Ngay cả khi chúng ta không đang ngồi thiền, những yếu tố này vẫn có mặt trong tâm.

Và điều này khởi sinh nhờ có tu tập chánh niệm (sati). Hãy tu tập sự chánh niệm! Đây chính là cái quan sát việc chúng ta đang làm trong hiện tại. Chánh niệm có giá trị đích thực. Chúng ta cần biết rõ chính mình trong suốt thời gian. Nếu chúng ta hiểu biết rõ chính mình theo cách này, sự đúng-phải sẽ vượt lên trên sự sai-trái, chánh sẽ vượt trội trên tà, con đường đạo sẽ trở nên rõ ràng, và nguyên nhân của tất cả mọi sự hổ thẹn (thấy mình sai trái) sẽ tan mất. Trí tuệ sẽ khởi sinh.

Chúng ta sẽ gom tất cả mọi việc tu hành theo công thức của Phật: tu dưỡng đức hạnh, thiền định, trí tuệ [giới, định, tuệ]. Để tập trung, tự trọng, tự cân nhắc, tự kiểm soát, thì tu tập giới hạnh đạo đức. Để cho tâm được thiết lập vững chắc trong sự kiểm soát đó, thì tu tập sự định tâm, tức thiền định. Để được hoàn thiện, để có sự hiểu biết bao trùm bên trong mọi hành vi mình đang làm, thì tu tập trí tuệ. Nói tóm lại, tu hành bao gồm giới, định, tuệ; hoặc nói cách khác, đó là con đường đạo (Bát Chánh Đạo). Không có con đường nào khác.

----------

(2) Bài giảng này được nói bằng phương ngữ miền Đông Bắc của Thái Lan (Lào), được ghi lại trong một băng ghi âm sau này mói được phát hiện.

(3) Samadhi (định) là trạng thái tâm tĩnh lặng và tập trung, các tâm hội tụ nhất điểm, là trạng thái có được từ việc tu tập thiền định.

(4) Xin nói lại, chánh niệm (sati) là sự chú tâm, thường nhớ, giữ niệm; và sự hiểu biết rõ ràng (sampaịanm) là sự rõ biết, thường biết, tự-tỉnh-giác.

(5) Sự thấy hổ thẹn (thấy sai lỗi) là dựa trên sự hiểu biết về nhân quả, chứ không phải sự hổ thẹn do cảm xúc
 

53. Con Đường Hòa Hợp

(6) Hôm nay, tôi muốn hỏi tất cả quý vị: "Quý vị đã chắc chưa, quý vị đã chắc chắn về việc tu thiền chưa?" Tôi hỏi vậy bởi thời bây giờ có nhiều thầy dạy thiền, có thầy là nhà sư và có thầy người tại gia, và tôi sợ rằng quý vị sẽ luôn lung lạc hoặc hoài nghi. Chúng ta phải hiểu rõ thì mới có thể làm cho tâm bình an và vững mạnh.

Chúng ta hiểu rõ con đường tám phần (Bát Chánh Đạo) là bao gồm ba mảng: giới, định, tuệ. Tất cả con đường đơn giản là vậy. Việc tu tập của chúng ta là làm sao cho con đường đạo đó khởi sinh bên trong ta.

Khi ngồi thiền, chúng ta được dạy là nhắm mắt lại, không nhìn ngó thứ gì khác, bởi lúc này chúng ta đang nhìn một cách trực tiếp vào cái tâm. Khi chúng ta nhắm mắt, sự chú tâm của chúng ta hướng vào trong. Chúng ta thiết lập sự chú tâm vào hơi-thở, tập trung tất cả cảm giác của ta vào đó, hướng sự chánh niệm của ta vào đó. Khi những yếu tố của con đường đạo hòa hợp với nhau thì chúng ta có thể nhìn thấy hơi thở, những cảm giác, tâm và những đối tượng của tâm 'đúng như chúng là'. Ở đây chúng ta nhìn thấy "điểm tập trung" (tiêu điểm), nơi mà sự định tâm (samadhi) và những yếu tố khác của con đường hội tụ về lại nhau một cách hòa hợp.

Khi chúng ta ngồi thiền, theo dõi theo hơi thở, hãy tự nghĩ rằng ngay lúc này mình đang ngồi một mình. Không có ai đang ngồi quanh ta, chẳng có gì cả. Phát huy cái cảm giác rằng ta đang ngồi một mình cho đến khi tâm buông bỏ hết mọi thứ bên ngoài, tập trung duy nhất vào hơi thở. Nếu bạn cứ nghĩ: "Người này đang ngồi đây, người kia đang ngồi kia" thì không có được bình an, tâm không hướng vào trong. Chỉ cần dẹp mọi thứ đó qua một bên cho đến khi bạn cảm thấy không-ai ngồi quanh bạn, cho đến khi không-có-gì xung quanh bạn, cho đến khi bạn không còn lăng xăng hay để ý những thứ xung quanh.

Cứ để hơi thở tự nhiên, đừng bắt nó thở dài hay ngắn hay gì gì đó, chỉ ngồi và quan sát hơi thở đi vào và đi ra. Khi tâm buông bỏ tất cả mọi nhận thức bên ngoài, thì tiếng xe chạy hay âm thanh khác cũng không còn quấy nhiễu ta. Không còn gì, dù là hình sắc hay âm thanh, còn quấy nhiễu ta nữa, bởi tâm không còn tiếp nhận chúng. Sự chú tâm của ta sẽ hội tụ nơi hơi thở.

Nếu tâm còn bị rối và không thể tập trung vào hơi thở, hãy hít vào thật sâu, sâu đến mức có thể, rồi thở ra hết cho đến khi không còn gì. Làm như vậy ba lần, rồi thiết lập lại sự chú tâm. Tâm sẽ trở nên yên lặng.

Tâm được yên lặng trong một chốc lát là chuyện bình thường; nhưng rồi nó lại lăng xăng và rối động trở lại. Lúc này, ta lại tập trung, hít thật sâu lại như trước, rồi thiết lập sự chú tâm vào lại hơi thở. Cứ làm như vậy, cứ luyện tập như vậy. Tập luyện như vậy nhiều lần bạn sẽ trở nên thông thạo với cách đó, tâm sẽ buông bỏ mọi thứ bên ngoài. Những nhận thức bên ngoài không thể chạm đến tâm nữa. Lúc này sự chánh niệm (sati) đã được thiết lập vững vàng.

Khi tâm càng được thanh lọc tinh tế hơn, thì hơi thở cũng trở nên tinh tế hơn. Những cảm giác sẽ dần dần trở nên tinh nhẹ hơn, thân và tâm sẽ thấy nhẹ hơn. Sự chú tâm của ta chỉ hướng vào bên trong, ta nhìn thấy hơi thở-vào và hơi thở-ra một cách rõ rệt, ta nhìn thấy tất cả mọi nhận thức một cách rõ rệt. Lúc này ta sẽ nhìn thấy sự hòa hợp của giới, định, tuệ. Đây được gọi là con đường hòa hợp. Khi có sự hòa hợp này, tâm của ta sẽ không còn bối rối, nó sẽ hợp nhất thành một. Đây được gọi là sự định-tâm (samadhi).

Sau khi quan sát hơi thở một lúc lâu, hơi thở sẽ trở nên rất tinh tế; dần dần sẽ không còn sự tỉnh giác vào hơi thở, mà chỉ còn lại đơn thuần một sự tỉnh giác thuần túy. Hơi thở có thể trở nên rất vi tế gần như biến mất! Dường như chúng ta chỉ đang ngồi đó chứ không có hơi thở nào hết. Thực là, hơi thở vẫn có đó, nhưng nó quá vi tế, quá nhẹ như thể nó không còn nữa. Điều này là do tâm đã đạt đến trạng thái tinh tế nhất, chỉ còn có một sự thuần tỉnh giác. Nó đã vượt qua hơi thở. Sự-biết rằng hơi thở đã biến mất đã được thiết lập. Vậy thì lấy gì để làm đối tượng thiền lúc này? Chúng ta lấy ngay sự-biết đó làm đối tượng thiền, đó là sự-biết hay sự tỉnh-giác rằng hơi thở đã biến mất.

Một số điều bất ngờ có thể xảy ra trong lúc này; chúng có thể xảy ra đối với một số người, nhưng có thể không xảy ra đối với người khác. Nếu chúng xảy đến, ta phải có sự chánh niệm vững chắc và mạnh mẽ. Một số người thiền khi thấy hơi thở biến mất liền hoảng sợ, họ sợ rằng mình đã chết. Chúng ta cần hiểu biết rõ tình huống này như nó là: đó chỉ là điều tự nhiên chứ không phải chết chóc gì hết. Chúng ta chỉ cần nhận biết rằng hơi thở không còn và lấy sự-biết đó làm đối tượng chú tâm tỉnh giác của chúng ta.

Chúng ta có thể nói chính đây là loại định (samadhi) chắc chắn nhất, vững chắc nhất: chỉ có duy nhất một trạng thái tâm vững chắc và bất động. Có lẽ lúc này thân cũng trở nên rất nhẹ nhàng như thể không có thân nào hết vậy. Chúng ta cảm giác như mình đang ngồi trên chân không, hoàn toàn trống không. Mặc dù cảm giác này là lạ thường, nhưng chỉ cần biết rằng điều đó không có gì phải lo lắng. Thiết lập tâm một cách vững chắc như vậy.

Khi tâm được hợp nhất một cách vững chắc, không còn nhận thức giác quan nào quấy nhiễu tâm nữa, người thiền có thể duy trì trạng thái định-tâm đó bao nhiêu lâu tùy theo ý mình. Không còn những cảm giác đau khổ quấy nhiễu chúng ta. Khi sự định-tâm (samadhi) đã đạt đến mức này, chúng ta có thể thoát ra khỏi nó vào một thời điểm mà mình đã chọn. Nhưng chúng ta thoát ra khỏi trạng thái định-tâm (samadhi) (tức tầng thiền định jhana) là thoát ra một cách sảng khoái, hạnh phúc, chứ không phải bởi vì chúng ta thấy chán chê nó hoặc vì mệt mỏi. Chúng ta thoát ra vì chúng ta đã nhập định đủ trong giờ thiền này, chúng ta cảm thấy sảng khoái và thư thái, chúng ta không bị chút khó khổ nào hết.

Nếu chúng ta phát triển loại định này thì khi ta ngồi thiền, ví dụ 30 phút hay 1 tiếng, tâm sẽ được mát mẻ và yên tĩnh trong suốt mấy ngày sau. Khi tâm đã được mát mẻ và yên tĩnh như vậy, thì nó là sạch sẽ. Bất cứ thứ gì ta trải nghiệm, tâm sẽ lập tức nhận biết và điều tra về thứ đó. Đây là kết quả của sự định-tâm (samadhi).

Giới hạnh có một chức năng, thiền định có chức năng khác, và trí tuệ có chức năng khác. Ba yếu tố này giống như một vòng tròn. Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả chúng bên trong một cái tâm bình an. Khi tâm được tĩnh lặng, nó có được sự hội-tụ và sự kiềm-chế nhờ có trí tuệ và năng lượng định tâm. Khi tâm càng được hội tụ (gom lại) hơn, thì nó càng trở nên tinh tế hơn, nhờ đó nó càng quay lại hỗ trợ sức mạnh cho giới hạnh tăng lên trong sự tinh khiết. Khi giới hạnh được tinh khiết (trong sạch) hơn, nó lại giúp phát triển sự tập trung và định tâm. Khi sự định-tâm được thiết lập một cách vững chắc, nó sẽ giúp làm khởi sinh ra trí tuệ. Giới, định, tuệ trợ giúp lẫn nhau, chúng liên quan tương tức với nhau như vậy.

Cuối cùng, con đường đạo trở thành một và vận hành suốt mọi lúc mọi nơi. Chúng ta nên chú ý giữ gìn cái sức mạnh có được từ con đường đạo đó (tức sức mạnh của định, chánh định), bởi vì đó là sức mạnh dẫn đến sự thâm nhập, minh sát và trí tuệ.

Về Những Nguy Hại Của Sự Định-Tâm (Samadhi)

Sự định-tâm (samadhi) có khả năng làm hại hay làm lợi cho người thiền, chúng ta không thể nói nó chỉ toàn có hại hoặc chỉ toàn có lợi. Đối với những người không có trí, nó là có hại. Nhưng đối với người có trí, nó thực sự có lợi, vì nó sẽ dẫn đến trí tuệ minh sát.

Sự nguy hại có thể đối với người thiền chính là khi thâm nhập vào trạng thái định sâu [tầng thiền định, jhana], lúc này định (samadhi) rất sâu và kéo dài. Loại định sâu này (tầng thiền định) mang lại sự bình an lớn lao, tuyệt trần. Khi có sự bình an thì có hạnh phúc (lạc). Nhưng khi có hạnh phúc thì dễ khởi sinh sự tham đắm và dính mắc vào đó. Người thiền không còn muốn suy xét (quán niệm) về bất kỳ điều gì khác, người thiền chỉ muốn đắm mình vào cái cảm giác sướng khoái dễ chịu ngất ngây đó. Khi chúng ta đã tu tập lâu năm, chúng ta có thể thành thạo với việc nhập định một cách rất nhanh chóng. Ngay khi chúng ta bắt đầu nhận biết đối tượng thiền của ta, tâm nhập vào tĩnh lặng, và chúng ta không còn muốn thoát ra để điều tra suy xét (quán xét, quán chiếu, quán niệm) về bất kỳ điều gì nữa. Chúng ta bị dính kẹt vào “cảnh giới” hỷ lạc ngất ngây đó. Đây là chỗ nguy hại đối với những ai đang thiền tập ở giai đoạn đó.

Chúng ta cần phải dùng trạng thái cận-định (upacara samadhi): Ở đây, khi ta nhập định, và rồi khi tâm đã đủ định sâu, chúng ta thoát ra và quán sát và xem xét hoạt động bên ngoài (7). Nhìn xem hoạt động bên ngoài (với cái tâm đạt định- sâu) sẽ làm khởi sinh ra trí tuệ. Chỗ này hơi khó hiểu, bởi vì hành động đó trông giống như sự hướng ngoại, giống như sự nghĩ suy này nọ, giống như sự vọng tưởng thường ngày của cái tâm bình thường của chúng ta. Khi có suy nghĩ hay ý nghĩ, chúng ta có thể cho rằng tâm không được bình an, (về lý là vậy), nhưng thực ra sự suy nghĩ đó đang nằm trong một sự tĩnh lặng, nằm trong trạng thái định. Có sự quán xét, nhưng nó không làm quấy nhiễu trạng thái định. Chúng ta có thể đưa ý nghĩ (tư tưởng) lên để điều tra suy xét nó, đó không phải là sự nghĩ ngợi vô mục đích hay chỉ là sự nghĩ đoán này nọ. Mà đó chính là "sự tỉnh giác bên trong sự tĩnh lặng và sự tĩnh lặng nằm trong sự tỉnh giác". (Sự rõ biết trong định, định với sự rõ biết). Nếu đó là sự nghĩ suy và vọng tưởng bình thường thì tâm đâu có được bình an như vậy, nó sẽ bị quấy nhiễu và động vọng ngay. Nhưng ở đây tôi đang không nói về sự suy nghĩ bình thường, mà về một cảm giác khởi sinh từ cái tâm bình an đó. Đây được gọi là "sự quán- xét' (suy xét, quán chiếu). Trí tuệ khởi sinh ở đây, ngay chỗ sự quán-xét này.

Như vậy, trạng thái đạt định có thể là định đúng đắn (chánh định) hoặc có thể là định sai lạc (tà định). Định sai lạc có nghĩa là tâm tiến vào nhập định và không còn sự tỉnh giác rõ biết nào hết. Người thiền có thể ngồi đó nhập định 2 tiếng đồng hồ hoặc cả ngày, nhưng tâm chẳng biết nó đang ở đâu hoặc điều gì đang xảy ra. Nó chẳng biết gì hết. Có sự tĩnh lặng, có định, nhưng tất cả chỉ có vậy. Điều đó cũng giống như ta có một con dao đã được mài luyện sắc bén và cứng chắc nhưng ta chẳng biết dùng nó để cắt gọt thứ gì hữu ích. Đây là loại định ngu mờ, chìm đắm, nó không có nhiều sự tự-tỉnh-giác, không có sự rõ-biết (sampajanna). Người thiền có thể (sau đó) nghĩ rằng mình đã đạt đến sự tột cùng, nên người thiền 'không thèm' nhìn xem hay xem xét bất kỳ thứ gì khác nữa. Tầng thiền định này có thể trở thành một kẻ thù của mình mà người đó không hay. Trí tuệ không thể nào khởi sinh bởi đâu có sự tỉnh-giác hay rõ-biết về cái đúng, cái sai.

Định đúng đắn (chánh định) là định có đi kèm sự tỉnh- giác, sự rõ-biết. Chánh định là có đầy đủ sự chánh niệm (sati) và sự hiểu biết rõ ràng (sự rõ biết, sự tự tỉnh giác, sampajanna). Nếu là chánh định thì dù là định sâu ở mức nào cũng luôn có sự tỉnh giác. Chánh định là luôn có đầy đủ sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng. Đây là loại định có khả năng làm khởi sinh trí tuệ, người thiền không thể bị 'chìm đắm' hay bị ‘lạc hồn’ trong đó. Người thiền tập nên hiểu rõ chỗ này. Bạn không làm gì được nếu không có sự tỉnh giác, sự tỉnh giác này phải có mặt từ ngay lúc đầu cho đến cuối. Loại định này thì không có nguy hại.

Quý vị có thể thắc mắc: ích lợi là chỗ nào? Làm sao trí tuệ có thể khởi sinh từ trạng thái đạt định đó? Khi chánh định đã được phát triển, thì trí tuệ luôn có cơ hội khởi sinh. Khi mắt nhìn thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm mùi vị, thân đụng chạm xúc, hoặc tâm trải nghiệm những nhận thức thuộc tâm - trong mọi tư thế - thì tâm luôn an trú với một sự hiểu-biết đầy đủ về bản chất đích thực của các nhận thức giác quan (tưởng) đó, nhưng nó không chạy theo những nhận thức hay tâm tưởng đó.

Khi tâm có trí tuệ, nó không còn 'chọn lấy' này nọ, (tức không còn chạy theo thứ này thứ nọ, nhận khổ, nhận sướng, thích, ghét...). Khi đó, trong bất kỳ tư thế nào, ta cũng hoàn toàn rõ-biết về sự khởi sinh của sướng và khổ. Đây được gọi là sự tu tập đúng đắn, sự rõ-biết có mặt trong tất cả mọi tư thế. Chữ "tất cả mọi tư thế" không chỉ dừng để chỉ các tư thế của thân, mà ở đây chỉ luôn về tâm, cái tâm có sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng về sự thật mọi lúc, mọi nơi. Khi định được tu tập và phát triển một cách đúng đắn, trí tuệ khởi sinh như vậy. Đây được gọi là 'trí tuệ minh sát', 'trí tuệ thâm nhập', là sự hiểu-biết về sự thật.

Có hai loại bình an—loại thô tế và loại vi tế. Loại bình an có được từ trạng thái định là loại còn thô tế. Khi tâm được bình an thì khởi sinh niềm hỷ lạc, hạnh phúc. Rồi tâm coi sự hạnh phúc đó là sự bình an. Nhưng hạnh phúc và không hạnh phúc, sướng và khổ chính là sự trở-thành và sự sinh. (Còn đối đãi sướng-khổ là còn sự trở thành và sự sinh, theo lý của vòng Duyên Khởi). Do vậy, ngay đó vẫn còn chưa thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử (samsara), bởi chúng ta vẫn còn dính chấp vào sướng-khổ. Do vậy, hạnh phúc đó không phải là bình an, và sự bình an kiểu đó chưa phải là hạnh phúc đích thực.

Loại bình an khác là loại bình an có được từ trí tuệ. Khi có trí tuệ, chúng ta không nhầm lẫn giữa yếu tố hạnh phúc (lạc) với sự bình an; chúng ta rõ biết về cái tâm quán sát và rõ biết về bản chất sướng khổ thì mới là sự bình an. Sự bình an khởi sinh từ trí tuệ không phải là hạnh phúc, nhưng chính cái nhìn thấy sự thật về sướng khổ mới là sự bình an. (Cái đó là cái tâm thấy biết). Sự dính mắc vào sướng khổ không còn khởi sinh, vì cái tâm thấy biết đã vượt lên trên sự dính mắc đối đãi đó. Đây mới chính là mục tiêu đích thực của việc thiền tập, của Thiền Phật giáo.

------------

(6) Đây là một bài kết hợp của hai bài nói chuyện vào năm 1979 và 1977 ở Anh Quốc.

(7) "Hoạt động bên ngoài": những hoạt động nhận thức của các giác quan. Chữ này dùng để phân biệt với cái "Bất động bên trong" của trạng thái định-sâu hay tầng thiền định, lúc mà tâm không còn hướng ra những hoạt động nhận thức bên ngoài của các giác quan (như tâm bình thường của chúng ta).






    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Phù trợ người lâm chung

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.217.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...